VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi katsumi_k2 » Thứ 5 19/02/09 18:38

Vẫn biết là những người bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường sẽ ảnh hưởng đến giao thông trên đường phố. Nhưng có mấy người đã nghĩ do hoàn cảnh quá khó khăn,vấn đề về tuổi tác khiến họ không xin được việc và lại thêm trình độ học vấn nữa chứ. Vậy theo lý thì nhà nước nên dẹp các nơi bán hàng rong nhưng về tình thì sao, những người thất nghiệp đó rồi sẽ lấy gì sống nuôi gia đình. Nếu nhà nước cho xây một khu để họ bán thì sẽ tốt hơn không, vậy thì co phải ổn thoả hơn không. Vậy tại sao nhà nước ta lại không nghĩ đế việc đó mà chỉ đi "hốt" hàng của họ. Mọi người suy nghĩ gì về vấn đề này.
Hình đại diện của thành viên
katsumi_k2
 
Bài viết: 80
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 19:03
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi xanhnguyen » Thứ 7 28/03/09 22:39

[justify]Chủ đề này không còn mới nhưng vấn đề "Cấm bán hàng rong" (hay "Hiện tượng hàng rong ở đô thị") vẫn còn nguyên tính thời sự "nóng hổi" cả dưới góc nhìn kinh tế - xã hội học, cả dưới góc nhìn văn hóa học. Mới tuần trước, CH K.8 và một số NCS K.2 đã thi môn Các lý thuyết Văn hóa học của cô Hiền. Trong đề thi có một yêu cầu đòi hỏi thí sinh ứng dụng kiến thức đã học (cụ thể Lý thuyết Chức năng luận) để lý giải một hiện tượng văn hóa đương đại. Không ai bảo ai, cũng không cần phỏng vấn hết thảy... cũng đoán được đa phần cả lớp đều liên tưởng đến hiện tượng Hàng rong ở đô thị (Khổ nỗi, trò thì cứ quý Cô. Ví dụ nào của Cô là cứ nhớ mãi, cứ "rập" theo... Ôi, ngàn lần mong Cô tha lỗi, "rập" theo nhưng nào có được "y khuôn" vì năng lực "nhớ" hạn chế, năng lực sáng tạo càng "tối" như khoảnh khắc cả thế giới tắt đèn hưởng ứng "giờ trái đất", Cô ơi!). Giờ nghĩ lại, thấy mình liên hệ thực tế "ẹ" quá. Song, hối chẳng kịp nữa rùi! Huhu :cry: Thôi thì, đành từ thất bại đau thương này, "cói một hồi kèo" (tức Kéo một hồi còi) cảnh báo để mấy bạn chưa học, sắp học, sẽ học môn học nói trên, còn thời gian thì chịu khó tích lũy tư liệu, suy nghĩ nhiều hơn về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hôm nay. Lẽ dĩ nhiên, bài giảng của Thầy, Cô mình luôn sáng tạo, các ví dụ sẽ được cập nhật, bổ sung, thay đổi liên tục... Không phải cứ chuẩn bị trước, đón đợi trước là sẽ gặp "người quen" (đề quen) vui như Tết đâu! Nhưng ít nhất, đỡ tiếc hùi hụi như mình đây... Thi xong rùi mà bỗng "thèm dễ sợ" được bàn bạc cho thỏa "tiếc" về hiện tượng Hàng rong ở đô thị. Mình vừa tìm được một số tư liệu, gửi vào đây để tăng nguồn tài liệu tham khảo cho cả nhà ta và... quan trọng là... tự xoa dịu nỗi hẫng hụt vô bờ này... (Các bác thông cảm nhé, em càng nghĩ càng cám cảnh, càng bùn cho cái óc mau nhớ, chóng quên của em lém lém :( )

Đầu tiên, xin giới thiệu một số thông tin từ góc độ của chủ thể quản lý:

Tại thủ đô Hà Nội...

Khoanh 'vùng cấm' với người bán hàng rong

Kể từ 24/1/2008, hàng chục nghìn người kinh doanh hàng rong sẽ buộc phải bán hàng "có điều kiện" khi quyết định quản lý hè đường của Hà Nội có hiệu lực. Theo đó, người bán hàng rong sẽ bị cấm kinh doanh ở trường học, bệnh viện; khu vực thuộc các di tích lịch sử.

Người bán hàng rong cũng bị cấm kinh doanh ở nơi có các danh lam thắng cảnh; khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; cảng hàng không, sân ga, bến tầu, xe, phà và trên các phương tiện vận chuyển. Khu vực tạm dừng của phương tiện đang tham gia giao thông cũng là địa chỉ cấm bán hàng rong, trừ các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè, ngõ hẻm được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời.

Cũng trong quy định này, TP giao Sở giao thông Công chính phối hợp với công an, ủy ban nhân dân quận, huyện quy hoạch cho phép người bán hàng rong sử dụng tạm thời các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè đường bộ, ngõ hẻm trên địa bàn để thực hiện các hoạt động thương mại nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trình UBND TP phê duyệt.

Người bán hàng không được đeo bám, nài ép, chèo kéo, tranh giành, gây phiền hà cho khách.Quyết định của TP cũng nghiêm cấm người bán hàng rong buôn bán các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm, hạn chế và kinh doanh có điều kiện.

Người bán hàng rong phải di chuyển hàng hóa, phương tiện liên quan đến việc bán hàng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh làm cản trở hoặc tắc nghẽn giao thông. Hàng bán phải được bày biện ngăn nắp, trật tự, có dụng cụ đựng rác và chất thải phù hợp.

Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, người bán hàng phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khai báo với chính quyền nơi tạm trú.
UBND cấp phường phải lập sổ theo dõi người bán hàng rong trên địa bàn quản lý (bao gồm người bán hàng rong cư trú trên địa bàn và người bán hàng rong ở nơi khác thường xuyên đến).
Trước đó, Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan về dự thảo quy định này. Phần lớn các ý kiến đều tán thành việc phải sắp xếp lại việc kinh doanh hè phố lòng đường.

Trả lời báo chí trước khi ra quyết định này, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, sẽ không bỏ rơi những người dân thủ đô, ngoại tỉnh khó khăn. "Các quận huyện sẽ phải đề xuất một lộ trình cụ thể cho hàng rong. Tuy nhiên, bản thân người bán hàng rong ở ngoại tỉnh cũng phải chuẩn bị điều kiện, tinh thần trước khi quy định thực hiện", ông nói.
Ước tính, Hà Nội có hàng chục nghìn trường hợp sinh nhai bằng nghề bán hàng rong.

(Xuân Tùng)

Nguồn: www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/01/3B9FE502/ - 28k -


Hà Nội: Khoảng 40% người bán hàng rong đã về quê

Từ ngày 1/7/2008, thời điểm quyết định 02 và 20, trong đó có cấm bán hàng rong trong 62 tuyến phố và 48 điểm di tích, có hiệu lực, hầu hết người bán hàng rong đang tạm nghỉ để nghe ngóng tình hình.

Theo khảo sát của chính quyền bốn phường Chương Dương, Phúc Tân, Phúc Xá, Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm), khoảng 40% người bán hàng rong bán hàng rong đã về quê, tuy nhiên việc nghỉ bán hàng mới chỉ tạm thời. Bốn phường này nằm ngoài đê sông Hồng, là nơi tập trung thuê trọ của người bán hàng rong bán hàng rong các tỉnh.

Theo thống kê sơ bộ, khu vực này có hàng ngàn người bán hàng rong thuê nhà, riêng phường Chương Dương có tới 127 nhà trọ với khoảng 1.000 khách.

Trước khi thực hiện quyết định 02 và 20 của UBND thành phố Hà Nội về lập lại trật tự đô thị, trong đó có cấm bán hàng rong trong 62 tuyến phố và 48 điểm di tích, chính quyền các phường xuống tận nhà trọ có người bán hàng rong thuê triển khai, vận động người bán hàng rong ký cam kết.

Chính quyền các phường kiên quyết thực hiện biện pháp mạnh đồng thời tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người bán hàng rong để họ sớm chuyển đổi nghề mưu sinh. Ngoài việc tập trung người bán hàng rong để phổ biến quyết định của thành phố, các phường đã phát tờ rơi đến từng người, giải thích những vướng mắc của người bán hàng rong.

Nguồn: www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid... - 36k -


Tại thành phố Hồ Chí Minh...


Phạt nặng người bán hàng rong ở TP HCM

Những gánh hàng rong sẽ không được xuất hiện trên 15 tuyến đường trọng điểm của TP HCM theo quyết định “Không tổ chức buôn bán hàng rong” của UBND TP HCM kể từ tháng 6/2009.

Chiều 19/3, trao đổi với Đất Việt bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng ban chỉ đạo Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị (NTHNSVMĐT) cho biết: "Đã đến lúc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường một cách quyết liệt hơn. Theo đó, thành phố sẽ cấm hẳn các đối tượng bán hàng rong trên 11 tuyến đường trọng điểm, cùng với 4 tuyến đã triển khai từ tháng 8/2008".

Bà Hà nói thêm: bắt đầu từ tháng 6, thành phố sẽ xử phạt nghiêm các đối tượng buôn bán hàng rong trên các tuyến đường này. “Đúng ra, chúng tôi sẽ triển khai luôn việc cấm buôn bán vỉa hè. Tuy nhiên, đó là vấn đề lâu dài cần cân nhắc kỹ. Tạm thời, chỉ tập trung sắp xếp việc giữ, đậu xe khu vực này; sắp xếp việc buôn bán vỉa hè sao cho hợp lý. Sau 3 tháng làm thí điểm, thành phố sẽ tổng kết rút kinh nghiệm rồi mới triển khai đại trà. Quan điểm của thành phố là luôn tạo thời gian và lộ trình cho người dân chứ không làm đột ngột”, bà Hà nhấn mạnh.

Về vấn đề hỗ trợ, bà Hà cho rằng việc thống kê và khảo sát toàn bộ đối tượng hàng rong trên địa bàn thành phố là việc làm không khả thi. Người bán hàng rong là dân ngoại tỉnh, sống tạm cư nên việc hỗ trợ họ rất khó. Theo bà Hà, thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu đưa vào chủ trương xóa đói giảm nghèo của từng quận- huyện.

Dù thành phố chưa chính thức ban hành văn bản quy định về việc này, nhưng các địa phương có những tuyến đường cấm chạy qua đều chuẩn bị sẵn sàng cho công tác trên. “Người vi phạm định cư tại phường Bến Nghé và trên địa bàn quận 1 chỉ chiếm hơn 10%, còn lại đều là người từ các nơi khác đến buôn bán làm ăn nên công tác tuyên truyền cực kỳ khó khăn. Hôm nay chúng tôi tuyên truyền với người này thì ngày mai người khác đến buôn bán. Đối tượng biến động và thay đổi liên tục”, ông Lê Thanh Nam, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1 nói. Phường Bến Nghé là địa bàn rộng nhất của quận 1 với 44 tuyến đường, trong đó có 14/15 tuyến đường trọng điểm cấm bán hàng rong.

Lãnh đạo UBND phường 4, quận 3 (nơi có tuyến đường Điện Biên Phủ thuộc địa bàn quản lý) và UBND phường Bến Thành, quận 1 (nơi có 14/15 tuyến đường trọng điểm) cho rằng lệnh cấm trên hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, họ đều đang đợi hướng dẫn cụ thể từ UBND quận.

(15 tuyến đường trọng điểm của thành phố cấm bán hàng rong gồm: Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ và Nguyễn Văn Cừ. Trong đó, có 4 tuyến đường kiểu mẫu tuyệt đối cấm buôn bán trên vỉa hè là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi và Lê Duẩn).

(Thu Thảo)

Nguồn: www.baodatviet.vn/Home/Phat-nang...hang-rong o.../34391.datviet - 62k - [/justify]
RANDOM_AVATAR
xanhnguyen
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 04/03/09 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi xanhnguyen » Chủ nhật 29/03/09 11:22

[justify]Em xin tiếp tục chủ đề này… Trước sắc lệnh nghiêm cấm bán hàng rong của chính quyền các cấp, một số người dân Việt Nam nghĩ sao? Bài viết dưới đây là của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bằng trí tuệ và tấm lòng quý yêu Hà Nội, góp phần giải bài toán “Cấm bán hàng rong”… Mời các bạn đọc và suy ngẫm…

Cấm bán hàng rong - phép trừ không đơn giản

Khi nghe tin sẽ cấm bán hàng rong tôi cảm thấy có một cái gì đó bất ổn. Một sự bất ổn ở đâu đấy trong lòng mặc dù tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở thành phố. Với tôi, hình ảnh của những người bán hàng rong với đôi quang gánh hoặc với một chiếc xe đạp thô sơ cùng với những điều giản dị khác đã làm lên một phần phong vị đô thị Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội.

Trong một sáng mù sương ở Melbourne năm 1999, tôi đã gặp một người Trung Hoa xách một chiếc khay gỗ lớn nhiều tầng đựng trứng đi dọc hè phố và rao bán. Tôi đã gặp những người bán hàng rong đẩy xe bốn bánh bán bánh mỳ hotdog hoặc trái cây ở Washington năm 2007. Tôi đã gặp những người bán hàng rong đẩy xe ba gác bán ngô luộc ở Islamabad năm 2001. Những bắp ngô luộc còn nguyên bẹ vùi trong cát ở thùng xe để giữ cho ngô nóng... Và những lúc như thế, cảm xúc và ký ức tôi lại trở về với những người bán hàng rong ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế… với chiếc đòn gánh uyển chuyển và thơ mộng. Hình ảnh đó chỉ là của Việt Nam.

Một gánh cốm làng Vòng, những nải chuối “trứng cuốc” thơ mộng, một gánh bún lá với đậu phụ, một thúng bánh khúc đội đầu, những chiếc mẹt đựng cơm nắm và muối vừng, những thúng khoai luộc, bánh tẻ, bánh nếp, những chiếc xe đạp chở phía sau những hoa chuối đỏ, những bông sen thoang thoảng hương thơm… Tất cả những gánh hàng rong đó trôi trên những phố phường Hà Nội từ bao đời này cùng với tiếng rao quả thực như một giấc mộng đẹp, thi thoảng dừng lại và lại trôi đi.

Cái khoảnh khắc dừng lại của những gánh hàng rong không phải để chúng ta chống lại cơn đói khát mà để gieo vào tâm hồn ta những hạt giống của yên bình, của gần gũi, của xao động, của hồi tưởng, của thanh thản... Rất nhiều người đã dừng lại trên hè phố để mua một cái gì đó mà một người bán hàng rong gánh qua. Họ mua không phải chỉ để ăn, để dùng mà để được đón nhận vào mình hương vị của khoảnh khắc ấy và của sản vật ấy.

Những toà nhà với sự rối loạn của kiến trúc bình dân cùng những building chọc trời không làm nên Hà Nội. Hà Nội được làm nên bởi ba mươi sáu phố phường, bởi Hồ Gươm huyền thoại, bởi Hồ Tây lãng mạn, bởi sông Hồng bi tráng, bởi một Văn Miếu cổ kính và tĩnh tụ, bởi một làng hoa Ngọc Hà thơ mộng, bởi những quán phở đêm, bởi những gánh hàng rong và những tiếng rao…Những cái đó đã làm nên phong vị Hà Nội. Cũng như những gì tương tự như thế đã làm nên phong vị của nhiều đô thị Việt Nam. Những thành phố của chúng ta phải được phát triển. Nhưng sự phát triển không phải là thay tất cả những cái cũ bằng những cái mới mà là sự chọn lựa để tạo ra một bản hoà tấu.

Và lúc này, một câu nói tựa tiếng cốc pha lê rơi vỡ trên sàn đá vang trong đầu tôi: Ngày mai thức dậy, người không còn được nhìn thấy những hình ảnh kia nữa. Câu hỏi có nên cấm hàng rong không không phải là câu hỏi về những gánh hàng rong cụ thể. Câu hỏi đó xuyên vào tận lõi của việc gìn giữ cái phong vị của đất Hà Thành văn hiến của chúng ta nói riêng và cái phong vị của mảnh đất Việt này nói chung. Báo chí đang nói đến những khó khăn trong cuộc mưu sinh của những người làm nghề bán hàng rong sau khi hàng rong bị cấm.
Lúc này, tôi chợt nhớ một đêm cách đây mười lăm năm, tại ngôi nhà của một người bạn ở Sidney, tôi đã nói cho một số người Việt Nam sống ở Australia về những tiếng rao bánh khúc trong những đêm lạnh ở Hà Nội. Tôi nhận ra có người đã khóc. Một số người nói với tôi họ sẽ trở về Việt Nam, đứng trong gió lạnh của đêm mùa đông Hà Nội để được nghe tiếng rao bánh khúc, nghe “những tiếng rao đêm”. Tổ quốc thường thức dậy trong tâm hồn những đứa con bởi những điều giản dị như thế. Những ngày còn học ở Cuba, thật kỳ lạ là cứ khi nào chợt tỉnh giấc trong đêm tôi lại thấy sực nức mùi rơm tươi dọc những lối ngõ trong mưa. Một cái gì đó mơ hồ như mùi rơm tươi trong mưa dọc những lối ngõ loang lổ bóng tối đã gọi tôi trở về với cố hương.

Một chút bé nhỏ mà tôi vừa nói không phải là sự lãng mạn hão huyền, không phải một sự hoài cổ hay một sự già nua đã bắt đầu xuất hiện trong tôi. Đó là những vẻ đẹp. Và những vẻ đẹp đó, có thể nói, đang chảy như máu trong da thịt của mình. Tôi chỉ làm một phép tính trừ giản đơn như một cậu bé lớp một. Tôi lấy Hà Nội của chúng ta và trừ đi những cái mà nếu không nhắc đến có lẽ quá nhiều người cũng không nhớ đến nữa. Những cái mà người ta sẵn sàng xoá đi mà chẳng mảy may xúc động hay im lặng trong mươi giây để suy nghĩ. Những cái mà tôi và bao người nhắc đến với sự run rẩy và hệ trọng lại làm cho không ít người khó chịu.
Hà Nội trừ đi những ngọn heo may, trừ đi cốm làng Vòng (không ăn cốm trừ bữa được), trừ đi làn sương mơ hồ trong những vòm cây buổi sớm, trừ đi những tiếng rao đêm (đã có mỳ tôm), trừ đi những hồ nước (xây siêu thị mới là thành phố hiện đại), trừ đi những cây sấu già, trừ đi những hàng hoa sữa, trừ đi đào Nhật Tân, trừ đi những quán phở đêm (không ăn phở thì ăn pizza), trừ đi một gánh cơm nắm muối vừng (đã có bánh mỳ ba-tê), trừ đi những gánh hoa sen… trừ đi và trừ đi. Cuối cùng Hà Nội = gì?

Hà Nội sẽ = một thế giới của bê tông, kính, của kim loại và của sự vô cảm. Hà Nội chỉ là ví dụ tiêu biểu tôi đưa ra để nói về kết quả của một cách nhìn, một kiểu tư duy và một giải pháp tệ hại nhất. Biện pháp quản lý tiêu cực nhất và phải trả giá đắt nhất là cắt bỏ tất cả những gì mà người ta không biết cách giải quyết như thế nào hoặc là vì họ nghĩ rằng không có những cái đó cũng chẳng chết ai. Tất nhiên, họ chưa hề cảm nhận được một cái chết chậm. Cái chết chậm chính là sự biến mất những vẻ đẹp bình dị của đời sống một cách từ từ không mang cảm giác đau đớn ngay lúc đó.

Một sự thật là bây giờ không chỉ trong những quán cơm bình dân mà cả trong những nhà hàng sang trọng, ẩm thực dân gian đã được phục hồi và lan toả với một quyền lực lớn của sự quyến rũ. Trong các nhà hàng lớn, bạn có thể gọi dưa muối, cà pháo, canh cua, cá kho, thịt nấu đông, rau lang, rau cần…Những món ăn kia đã có hàng ngàn năm nay và nó đã làm nên văn hoá ẩm thực của người Việt. Không ai có chính sách phục hồi nó nhưng nó vẫn sống lại với sức mạnh tất yếu.

Có bạn đề xuất đưa những người bán hàng rong vào một KHU. Nếu làm như vậy thì đâu còn gọi là bán hàng rong nữa mà chỉ có thể gọi là một khu chợ tạm. Với những người bán hàng rong, theo tôi, chỉ có hai điều mà họ cần có ý thức thực hiện nghiêm túc. Đó là luật giao thông và vệ sinh môi trường. Nói vậy để mà nói cho đến nơi đến chốn thôi chứ gây rối loạn giao thông và làm ô nhiễm môi trường ở đô thị đâu phải chỉ là hàng rong.

Tôi xin đưa ra một so sánh rất ngây thơ nhưng cũng nên suy nghĩ : nếu ta lấy lượng rác thải từ bao bì ( chủ yếu là túi ninon, cốc giấy, giấy ăn, ống hút nhựa ) của các xe đẩy bán hàng rong ở New York như bánh mỳ hotdog, nước giải khát, trái cây, ngô nổ… với các loại lá gói bánh, gói cơm nắm, vỏ trái cây, bã mía… ở Hà Nội thì tỷ lệ chênh lệch sẽ là 1000/1. Nghĩa là ở New York mỗi ngày thải ra loại rác kia 1000 tấn thì ở Hà Nội chỉ là 1 tấn. Nhưng New York thì khá sạch sẽ còn Hà Nội thì rất bẩn thỉu. Và đấy là sự thật.

Bởi thế, theo tôi, cấm bán hàng rong là một quyết định vội vã và “lười nhác”. Chúng ta thử đặt một phép tính cộng đơn giản nữa là cộng xem những gì để thành Hà Nội, thành Huế, thành Sài Gòn…? Chắc chắn không chỉ duy nhất là xe hơi, nhà cao tầng, sòng bạc, quán karaoke… Việc giữ lại hàng rong không chỉ là tính nhân văn đối với cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những người lao động còn nhiều khó khăn mà còn là tính văn hoá trong đời sống hiện đại quá nhiều nguy cơ phá vỡ bản sắc của một vùng đất hay của một dân tộc.

Nhưng giữ lại hàng rong không phải là giữ lại tất cả các hình thức hàng rong bây giờ. Có không ít hàng rong đang làm mất đi cái thi vị của chính nó, khi các chị, các bà bày bán cua, cá, ốc, hến hay thịt lợn, thịt bò, thịt chó… trên những hè phố. Bởi thế, cấm hàng rong là cấm những gì đó giống hàng rong chứ không phải cấm những gánh hoa tươi, những gánh cốm, những thúng bánh khúc, những sọt chuối chín vàng... Cũng như xây những toà nhà hiện đại rất cần thiết để tạo nên một hình ảnh mới của một Hà Nội hiện đại và văn minh nhưng xây như thế nào và xây ở đâu chứ không phải bịt mất Hồ Gươm hay Hồ Tây như người ta định làm. Thậm chí nếu cho phép có người sẵn sàng lấp Hồ Gươm để xây một trung tâm thương mại và giải trí. Và theo họ, Tháp Rùa chỉ cần giữ lại với một chút nước xunh quanh giống như một cái bể cảnh vậy. Đây không phải trí tưởng tượng của một nhà văn. Đấy là một sự thật kinh hoàng mà không chỉ mình tôi biết.

(Nguyễn Quang Thiều)

Nguồn: www. vietbao.vn/người_bán_hàng_rong/ - 50k[/justify]
RANDOM_AVATAR
xanhnguyen
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 04/03/09 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 29/03/09 14:55

[justify]Xanhnguyen xới lên một vấn đề cũng đang là nỗi “ám ảnh” trong lòng tôi…Môn Lý thuyết VHH và Hiện tượng bán hàng rong từ cách tiếp cận của trường phái Chức năng luận... Môn học kết thúc. Thi cử đã xong. Cơ hội không còn. Giá như … có nghĩa là không thể có “giá như” để ước vọng viển vông… Vì thế, chi bằng, chia sẻ kinh nghiệm thất bại của mình, hầu mong các bạn đi sau (chưa học, chưa thi) nhìn đó mà “tránh vết xe đổ”! Tích lũy nhiều thông tin cũng là một cách học và từ đó, góp phần trả lời các câu hỏi ứng dụng của cô Hiền một cách thấu đáo, thuyết phục hơn. Hi vọng lắm thay!
Nối theo bài xanhnguyen đã post, phản ánh tâm trạng, cảm nhận của người trong nước về chủ trương Cấm bán hàng rong…, tôi chuyển tiếp tới các bạn quan điểm của một người nước ngoài về hiện tượng này:

Người bán hàng rong (Trong mắt người nước ngoài)

Tôi đến Hà Nội một mình, không quen biết ai. Đó là lý do tôi thích thú với cuộc sống đường phố, nơi mọi người ăn xôi, nem cuốn và các loại cháo, xúp từ những gánh hàng rong.

Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn khi ở giữa những người này. Tiếng mọi người nói cười, trò chuyện ồn ã khiến tôi cảm thấy vui. Bây giờ tôi vẫn đi xuống đường để mua xôi ăn. Bà bán xôi luôn vui vẻ khi có một khách hàng người nước ngoài như tôi và hay cười với tôi, thậm chí đập vào lưng tôi. Nhiều lúc bà đập mạnh đến mức tôi suýt phun cả xôi ra. Chắc bà ấy nghĩ càng đập lưng tôi mạnh thì càng cho tôi biết rõ bà ấy có thiện cảm với tôi vì bà không thể nói thành lời với tôi được, tôi không rành tiếng Việt. Với vốn tiếng Việt bập bõm, nhìn điệu bộ và nghe bà bán xôi nói, tôi đoán bà hỏi tôi quê ở đâu, bao nhiêu tuổi...

Tôi nghĩ sự thân thiện của Hà Nội sẽ không thể có được nếu không có những người phụ nữ như bà bán xôi nói trên. Ở Pháp, nơi tôi sinh ra và sống trước khi đến Canada, văn hóa này vẫn được duy trì ở những khu chợ họp vào buổi sáng. Mọi người có chút hứng khởi của một ngày mới khi đến chợ, mua sắm và chuyện trò. Đấy là phần văn hóa quan trọng của người Pháp và người ta vẫn đấu tranh chống lại những siêu thị to lớn và hiện đại, vốn đối xử với mọi người như khách hàng chứ không phải người hàng xóm thân thiện.

Tôi có nghe Hà Nội cấm bán hàng rong và không hiểu vì sao lại cấm nếu những gánh hàng này thêm hương vị vào nét đẹp của đường phố? Theo tôi, nếu không có cảm giác cộng đồng gần gũi, ấm áp mà những người phụ nữ bán hàng rong tạo ra, Hà Nội hay TP.HCM sẽ chỉ là những thành phố bình thường, thậm chí là buồn tẻ.

Tôi trân trọng những người phụ nữ dậy sớm, tần tảo đi bộ suốt ngày để kiếm được chút tiền nuôi cả bầy con nhỏ, cả gia đình. Họ không chỉ bán hàng, họ còn mang theo mình phẩm giá và sự tận tụy. Nếu không làm những việc này, họ sẽ làm gì? Cấm họ làm việc sẽ giống như lấy đi một phần tinh thần của Hà Nội. Nhiều người cho rằng hàng rong khiến giao thông tắc nghẽn, lộn xộn, nhưng tôi nghĩ phải có những giải pháp để những người bán hàng rong vẫn được bán hàng mà không gây ra những phiền toái, thay vì cấm tiệt như hiện nay.

Tôi ước những giải pháp đưa ra sẽ có ích cho tất cả mọi người, kể cả những người bán hàng rong vốn rất cần những khoản thu nhập để nuôi sống gia đình. Ở VN, mọi người thường nói đến sức mạnh của tình đoàn kết và bình đẳng. Tôi hi vọng những giá trị này sẽ không bị chối bỏ vì sự hiện đại. Tôi vẫn không hiểu tại sao trên thế giới này có xu hướng khiến mọi người đều muốn người khác giống mình hay mình giống người khác. Sự đa dạng có những nét đẹp riêng và những người bán hàng rong đã mang theo họ nét đẹp và truyền thống riêng này.

MARIE DARBOUSSET(Oxfam Quebec, 14-16 Mai Hắc Đế, Hà Nội) KHỔNG LOAN ghi

Nguồn: www.baomoi.com/Info/Nguoi-ban-hang-rong/84/2565519.epi[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi thanh tung » Thứ 2 30/03/09 22:02

Mình nhớ Hà Nội là nhớ tới những gánh hàng rong, nhớ gánh bún đậu của một bà cụ trên phố Hàng Bông. Buổi sáng sớm thì có gánh bánh cuốn, thúng xôi khúc của những người bán hàng rong ngang qua chỗ mình ở trọ. Mùi thơm của những món quà hàng rong hòa quyện vào cảnh quan phố phường. Kỷ niệm ngắn ngủi về Hà Nội của mình luôn gắn liền với những gánh hàng rong.
Khi xa Sài gòn, mình vẫn luôn nhớ những gánh hàng rong gắn liền với những số phận con người. Đặc biệt là những gánh hàng rong ở Chợ Lớn.
Tuổi thơ mình cũng gắn với những gánh hàng rong. Dù muốn dù không mình vẫn luôn hoài niệm về nó.
"Đường chân lý, này con đã chọn" (Tv.119,30)
RANDOM_AVATAR
thanh tung
 
Bài viết: 59
Ngày tham gia: Thứ 7 01/11/08 18:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi phuongmaik9 » Thứ 3 31/03/09 11:06

Đọc các bài viết của các anh chị về gánh hàng rong, nhất là ở Hà Nội. Tôi nhận thấy có nhiều băn khoăn và suy nghĩ: khi thủ đô ko còn gánh hàng rong, đường phố sẽ sạch đẹp hơn, thoáng hơn và văn minh hơn nhưng có lẽ sẽ mất đi một nét rất Hà Nội… Bên cạnh chủ trương “cấm hàng rong” đặt ra bao vấn đề, những gánh hàng rong sẽ đi về đâu?những mảnh đời vất vả sẽ đi về đâu? những gánh hàng rong ấy đâu chỉ là ngưởi ở quê mà có cả người dân Hà Nội với gánh hoa quả, hàng hoa, hàng rau, bún đậu, cốm làng vòng...
Đọc dòng tâm sự của chị bán hàng rong:"Chồng thì làm công nhân, tôi thì chẳng có nghề nghiệp gì nên xoay ra bán hàng rong. Mỗi ngày gánh bún đậu mắm tôm cũng giúp gia đình tôi có thêm hơn 100 nghìn. Đó là tiền ăn, tiền điện của cả gia đình, là tiền học phí, tiền sách vở cho 2 đứa con đang tuổi cắp sách đến trường. Tôi biết, việc những gánh hàng rong chúng tôi cứ bám lấy vỉa hè để kiếm sống là gây ảnh hưởng đến văn minh đô thị nhưng vì miếng cơm manh áo nên chẳng thể làm khác được".
Và về phía người lao động thì: “Công nhân như chúng tôi thì lấy tiền đâu mà vào cửa hiệu để ăn, cùng lắm cũng chỉ dám "hoành tráng" ở quán cơm bụi khi có tiền thưởng thôi. 3 bữa một ngày, mấy anh em chúng tôi cứ kéo nhau ra ăn cơm, ăn bún ở mấy háng hàng rong, vừa rẻ, vừa chắc bụng. Giờ mà không có hàng rong thì chắc phải nấu cơm bỏ cặp lồng mang theo mất”.
Còn với tôi hình ảnh HN đâu đó vẫn gắn liền với những gánh hàng rong, với những "tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ". Những hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí mỗi người từng sống ở HN đó dù chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi. Tôi sẽ nhớ lắm hình ảnh những xe chiếc xe đạp cũ kỹ chở đầy hoa hồng, hoa sen…trong nắng mai.
Mong sao nhà nước sẽ có những chủ trương phù hợp với những mảnh đời vất vả mưu sinh và cho họ một hy vọng tốt đẹp hơn vào tương lai khi không còn gánh hàng rong…
RANDOM_AVATAR
phuongmaik9
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 2 16/02/09 15:29
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi Bui Thi To » Thứ 3 31/03/09 11:36

Tôi cũng đã từng ăn bún đậu mắm tôm bán rong trên những vỉa hè Hà Nội khi còn là sinh viên. Và cái cảm giác ngon miệng ấy vẫn để lại một dấu ấn khó quên trong lòng tôi.

Các bạn nói đúng, số phận của những người dân nghèo gắn với những gánh hàng rong ấy, vì miếng cơm manh áo mà họ "quyết vẫn liều mình như chẳng có"!

Vậy giải pháp nào để cho những mảnh đời ấy không còn phải gánh những gánh hàng rong nhọc nhằn ấy nữa để trả lại sự văn minh, sạch đẹp cho thủ đô?

Có lẽ, khi đất nước mình đã hiện đại hoá, công nghiệp hoá thành công và mức sống của người dân cao hơn rất gấp nhiều lần so với hiện nay....
RANDOM_AVATAR
Bui Thi To
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: Thứ 4 14/01/09 19:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 31/03/09 20:34

[justify]Chủ đề đã sôi nổi hơn. Mình thật vui vì các bạn, bận rộn với công việc học hành, mưu sinh là thế, mà vẫn rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, đến thân phận của những người bán hàng rong nghèo khó và nhiều thua thiệt... Hình ảnh những người bán hàng rong, mai này vắng bóng trên những nẻo đường Hà Nội, những khu đô thị mới, không chỉ tạo ra trong lòng mỗi chúng ta nỗi quan hoài, trống vắng khó tả... mà quan trọng hơn, từ góc nhìn Kinh tế - Xã hội, đây thực sự là một bài toán nan giải. Gửi tới các bạn bài viết dưới đây để chúng ta có thêm một góc nhìn khi tiếp cận vấn đề này:

Triết lý kinh tế của hàng rong

…Xét từ góc độ kinh tế, xã hội và pháp lý, lệnh cấm nói trên đều để lại những điều đáng phải băn khoăn.
Từ góc độ kinh tế, trong tình hình đất nước hiện nay, bán hàng rong không hẳn là vấn đề, mà đúng hơn, đó là một giải pháp.

Điều dễ thấy nhất là bán hàng rong cung cấp việc làm. Thật khó xác định được có tất cả bao nhiêu người dân đang kiếm sống bằng nghề bán hàng rong và bao nhiêu người dân - bằng nghề sản xuất và cung ứng hàng hoá cho những người bán hàng rong. Thiếu một công trình nghiên cứu công phu, chúng ta khó lòng có được các con số chính xác.

Thế nhưng, qua những tiếng rao đêm, qua những chiếc xe đẩy, những gánh hàng hóa trăm loại, chúng ta vẫn có thể đoán được số người này rất lớn. Bán hàng rong là nghề kiếm sống của một lực lượng đông đảo những người dân nghèo thành thị, những người dân nhập cư và những người nông dân bị mất đất qua chuyện “đền bù, giải toả”. Đành rằng bán hàng rong là một nghề nhọc nhằn, vất vả và ít có tương lai, nhưng đó lại đang là nghề duy nhất để kiếm sống của rất nhiều người.

Hai là,những gánh hàng rong (những xe đẩy hàng rong, những mẹt hàng rong…) là một phần của mạng lưới phân phối hết sức hiệu quả của người Việt từ trước đến nay. Thiếu việc bán hàng rong, các chợ đầu mối chắc chắn sẽ ngưng trệ. Thiếu việc bán hàng rong, nền nông nghiệp, thậm chí nền tiểu thủ công nghiệp theo mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn. Phân phối và sản xuất là hai chuyện khác nhau, nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau. Không có một hệ thống phân phối hiệu quả và phù hợp (theo kiểu bán hàng rong), nền sản xuất chắc chắn sẽ bị ngưng trệ. Mà như vậy thì mất việc làm sẽ không chỉ là những người bán hàng rong, mà cả những người sản xuất nhỏ lẻ nữa.

Ba là, tin hay không thì tuỳ, nhưng những gánh hàng rong là một phần của hệ thống giao thông vận tải hiện nay.

Hà Nội có một số trục đường tương đối lớn, nhưng đa số các ngõ phố đều chật hẹp, nhiều chỗ hai chiếc xe máy tránh nhau đã khó. Hàng rong vì vậy là cách cung ứng dịch vụ bán hàng rất hiệu quả và thiết thực. Nếu tất cả mọi người dân đều đổ về các trung tâm mua bán tập trung, thì nạn tắc đường của Hà Nội chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn. Vả lại, với hệ thống giao thông công cộng chưa thật phát triển hiện nay, nhiều người dân, đặc biệt là những người nội trợ, sẽ gặp nhiều khó khăn nếu ngày nào cũng cần phải đến các trung tâm mua sắm.

Từ góc độ xã hội, hàng rong gắn với đời sống của những người nghèo, kể cả của người bán, cũng như của người mua. Đối với người bán, đó là nguồn thu nhập khoảng từ 30-50 ngàn đồng người/ngày. Nguồn thu này không lớn, nhưng nó đang bảo đảm tiền ăn, tiền học, tiền khám chữa bệnh cho hàng vạn người dân. Thiếu nguồn thu nhập này, không biết người dân sẽ làm gì để sống, để nuôi con ăn học?

Đối với người mua, hàng rong là nguồn hàng hoá, thực phẩm giá rẻ. Nguồn hàng hoá, thực phẩm này có thể không có chất lượng bằng các nguồn ở các cửa hàng và siêu thị. Thế nhưng, chúng hợp với túi tiền của những người nghèo. Thiếu chúng, nhiều người nghèo sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, sẽ không thể tìm cách giật gấu, vá vai được nữa. (Chúng ta đang có bao nhiêu người nghèo đang phải giật gấu, vá vai như vậy?).

Theo Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố năm 2007 dựa trên các số liệu điều tra về mức sống của các hội gia đình Việt Nam, thì sự phân biệt giàu nghèo kéo theo tình trạng bất bình đẳng xã hội đang diễn biến theo xu hướng ngày càng xấu đi. “Các hộ trong nhóm thu nhập cao nhất- nhóm 20% giàu nhất nhận được gần 40% lợi ích an sinh xã hội. Ngược lại, nhóm nghèo nhất chỉ nhận chưa đến 7%”.Rõ ràng, thiếu những chính sách thiên vị người nghèo, sự bất bình đẳng xã hội chắc chắn chỉ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Rất tiếc, chính sách cấm hàng rong khó có thể được coi là một chính sách thiên vị người nghèo.

Từ góc độ pháp lý, vấn đề quyền của những người đi bộ và vấn đề quy trình ban hành quyết định cũng cần được lưu tâm.
Nếu vỉa hè thuộc quyền sử dụng của những người đi bộ, thì những người đi bộ nào sau đây cần phải được ưu tiên: Người đi bộ hai tay đút túi quần? Người đi bộ tay bê mẹt hàng? Người đi bộ vai gánh hàng? Người đi bộ đẩy xe đạp chở hàng? Người đi bộ đẩy xe hàng?...

Về mặt lý thuyết, với một thủ tục ban hành quyết định phù hợp, chúng ta có thể dành quyền ưu tiên cho loại người đi bộ này mà không phải loại người đi bộ kia. Tuy nhiên, tại sao chỉ những người đi bộ hai tay đút túi quần mới là những người phải được ưu tiên là câu hỏi thật sự không dễ trả lời.

Ngoài ra, nếu một chính sách đụng chạm đến lợi ích của một đối tượng dân cư nào đó, thì đối tượng ấy cần phải được tham khảo ý kiến. Công bằng mà nói, tham khảo ý kiến của những người bán hàng rong để có được sự đồng ý của họ là khó khăn. Thế nhưng, ý kiến của họ sẽ giúp cho chính quyền hoàn thiện chính sách của mình, làm cho chính sách đó trở nên phù hợp và khả thi.

Giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong như thế nào phải được xem là một phần cấu thành của chính sách cấm bán hàng rong. Tuy nhiên, nếu không tham khảo ý kiến của những người bán hàng rong lại không thể thiết kế được phần cấu thành này của chính sách.
(TS Nguyễn Sĩ Dũng - Theo VietNamNet)

Nguồn: www.vietbao.vn/người_bán_hàng_rong/ - 50k

P/S: Ôi, cho bình luận chút xíu..., cá nhân tôi nhận thấy bài viết này của TS. Nguyễn Sĩ Dũng là tài liệu tham khảo tuyệt vời để chúng ta ứng dụng lý thuyết Chức năng luận nhằm nghiên cứu, lý giải hiện tượng bán hàng rong ở đô thị Việt Nam hỉện nay. Thử xem bạn nhé![/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi thanh tung » Thứ 3 31/03/09 20:38

[justify]Mình sưu tập được một bài tuỳ bút của Lý Lan. Xin được post dưới đây.

Gánh hàng rong
Có một cái chợ chưa từng có tên gọi, chưa từng có địa chỉ cụ thể, cũng chưa ai hình dung được vóc dáng nó ra sao. Tính chất nó giống như nước: không có hình dạng nhất định, cần thiết cho sinh hoạt thường ngày, và có ở mọi nơi có người Việt Nam sinh sống. Đó là cái chợ di động của những người buôn gánh bán bưng, những người bán hàng rong, những người phục vụ ở khâu cuối cùng trong hệ thống đưa hàng hóa đến người tiêu dùng.

Có bao nhiêu người trong đoàn quân bán lẻ này? Không ai biết chính xác, nhưng chắc là đông lắm: những chiếc xe đạp chở hoa và rau trên các ngã đường hà Nội, những chiếc xe đẩy tay chở trái cây và thực phẩm chế biến trên các ngã đường thành phố Hồ Chí Minh, những gánh hàng tạp hóa, hàng thủ công nghệ trên những nẻo đường quê. Họ chèo những chiếc xuồng con vô tận hang động Tam Cốc để bán cho du khách chai nước khoáng và xấp khăn giấy; họ neo chiếc ghe con nơi ngã năm ngã bảy của hệ thống sông Cưu Long để bán ly cà phê hay tô hủ tíu cho khách thương hồ. Họ leo lên tuốt trên đỉnh núi Sam, núi Ngũ Hành, phục vụ khác hành hương nhang đèn; họ lang thang bên bờ biển đông để chào hàng những nhánh san hô, vỏ ốc; họ chen lấn ở các bến xe, bến phà đưa tận tay hành khách tờ báo, chai dầu gió; họ len lỏi vô sâu những con hẻm ngoằn ngoèo với gánh chè thưng bốc khói hay tấm vé số xổ chiều nay. Họ tiếp thị bằng tiếng rao lanh lảnh hay giọng khàn khàn, bằng tiếng gõ cốc cốc đặc trưng của mì gõ, hay tiếng nhạc ông ổng của kẹo kéo, tiếng ồ ồ của chiếc loa cũ chạy điện bình (accu), hay tiếng nói lặng lẽ của làn hương tỏa ra từ món cháo khuya. Họ rong ruổi khắp nơi từ khuya đến sáng, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều tối đến nửa đêm.

Đôi khi tôi tưởng tượng cuộc sống mình sẽ ra sao khi những người bán hàng rong bỗng nhiên biến mất vì một lý do nào đó, thí dụ tất cả họ bỗng trúng số độc đắc bèn nghỉ bán; hay cơn bão “toàn cầu hóa” tràn tới với những chuỗi siêu thị và công ty dịch vụ độc quyền bóp chết hết những người bán lẻ ít vốn. Khi ấy, cam quít miền Tây rụng, ai chở từng thúng lên Sài Gòn vô khắp hang cùng ngõ hẽm rao bán 3 ngàn nửa kílô? Chắc là đi tàu đi xe chẳng còn vui như bây giờ nữa: ngứa tai là có người bưng đến trước mặt một cái khay đựng hàng chục loại đồ ngoáy tai, tha hồ mà lựa. Ngồi nhà cũng mất cái thú nghe cơn thèm ăn được đánh thức bởi người bán hàng rong đi ngang cửa. Sợ rồi khẩu vị mình sẽ bị bánh mì kẹp thịt băm McDonald’s làm tê liệt, không còn phân biệt được hương vị bánh bèo bì với bánh nậm tôm cháy và bánh ít trần nhân thịt. Và chẳng lẽ cần mấy cọng hành rắc tô canh cũng phải thay đồ lái xe ra siêu thị mua một bịch? Không biết đó có phải chỉ là chuyện lo xa? Biết đâu? Tôi không am hiểu về kinh tế: có thể phải dẹp cái chợ di động ấy mới công nghiệp hóa nhanh đất nước, có thể khi thành phố công nghiệp hóa cao rồi thì chợ di động tự nhiên biến mất. Cái gánh chè hay mẹt bún hiển nhiên là hình ảnh của một nền kinh tế lẻ mẻ lạc hậu. Cho dù đúng như vậy đi nữa, thì cũng hãy cho tôi có đôi lời bênh vực cái chợ di động ấy.

Thứ nhất, người dân tự giải quyết công ăn việc làm. Dù là một gánh tàu hủ nước đường gừng, cũng là mình làm chủ lấy mình, tự quản lý vốn liếng và thời giờ, sinh lợi bằng lao động độc lập với kỹ năng pha chế, chào hàng phục vụ của chính mình, tuy vất vả nhưng có thể nuôi được một hai đứa con đi học. Ví dụ chợ di động bỗng biến mất, hàng triệu người sẽ thất nghiệp và những người được vay quỹ xóa đói giảm nghèo sẽ làm gì với năm bảy trăm ngàn đồng vốn?

Thứ hai, người bình dân dễ sống. Phần lớn người bán hàng rong đáp ứng những nhu cầu thiết thực của cuộc sống người nghèo hoặc trung bình. Người bán rong thường bán sản phẩm do chính họ làm ra, hoặc mua tận gốc, miễn được chi phí trung gian, đôi khi miễn cả thuế, nên giá cả phải chăng đối với người nghèo. Do là cái gạch nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, họ linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng, cũng có góp phần làm cho hàng hóa lưu chuyển nhanh hơn.

Thứ ba , xã hội được cải cách. Những người phụ nữ quảy gánh hàng rong từ những làng quê xa xôi lên thành phố, lang thang qua khu trung tâm chớm chở nhà cao tầng, đến những hốc hẻm ngoại ô lầy lội, nghe nhìn bao nhiêu chuyện xảy ra hàng ngày, ít nhiều gì nhãn quang cũng được mở rộng, hiểu biết hơn những người chỉ quanh quẩn trong cái bếp hay chuồng gà ở làng quê. Trong hoàn cảnh xã hội mình, thông tin đại chúng và giaó dục phổ thông chưa quảng bá, việc những người phụ nữ được cập nhật phần nào tri thức bằng việc ra khỏi nhà mình, làng mình, đi đó đây, dù là đi bán hàng rong, có tác dụng tích cực gấp đôi. Bởi vì đó là những người mẹ, khi bươn chải mua bán cạnh tranh, họ chẳng những tự đi đứng trên đôi chân của mình, sống cuộc đời mình, mà tính tự lập tự chủ và chí cạnh ranh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến con cái, dần dà thay đổi những định kiến về lề thói cổ hủ, mở đường cho lứa con em vươn tới những tham vọng cao xa hơn. Cái đáng sợ của cái nghèo không phaỉ là không có tiền, mà là không có chí vượt qua cái nghèo. Một người bán hàng rong thức khuya dậy sớm, gồng gánh hoặc đẩy cái xe nặng ít nhất nửa tạ, đi bộ tổng cộng vài chục cây số mỗi ngày, nhẫn nại kiếm lời năm bảy trăm đồng trong từng bó rau từng cái bánh, người ấy nếu không truyền được cho con cái chí vươn lên, kiến thức thu nhặt dọc đường, thì cũng nêu được cho con một tấm gương sống về lao động siêng năng kiên trì. Do đặc tính di động và linh hoạt của nghề bán hàng rong, họ thích nghi tốt với sự thay đổi và có thể lựa lọc hấp thu điều có lợi từ những môi trường khác nhau.

Có những người đã từ gánh hàng rong mà lập nên cơ nghiệp lớn, cũng có những người suốt đời bán hàng rong. Con đường buôn gánh bán bưng không phải là con đường thênh thang, nhưng đó là con đường mở dẫn đến những con đường khác. Trong văn chương ngày xưa có một người vợ quảy gánh hàng hoa đi bán rong nuôi anh chồng tri thức mưu đại sự. Trong cuộc đời ngày nay, nhất là mươi năm trước, có vô số những người vợ tần tảo chợ sớm chợ trưa nuôi con, để ông chồng chuyên tâm làm nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu.

Đôi khi những gánh hàng rong làm nhếch nhác phố phường, khiến cho người ta ngượng ngùng, mà không nhìn thấy sức mạnh văn hóa ẩn tàng bên trong mỗi con người bươn chải mưu sinh bằng vốn liếng, tâm trí, sức lực độc lập và tự chủ của mình.
Lý Lan
(nguồn http://lylan.mutman.googlepages.com/ganhhangrong)[/justify]
"Đường chân lý, này con đã chọn" (Tv.119,30)
RANDOM_AVATAR
thanh tung
 
Bài viết: 59
Ngày tham gia: Thứ 7 01/11/08 18:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: VĂN HOÁ HÀNG RONG_ PHẢI SUY NGHĨ

Gửi bàigửi bởi coutcung » Thứ 4 01/04/09 14:47

Cuộc sống mưu sinh bắt buộc con người ta phải sống và làm việc bằng nhiều nghề:bán bánh,bán cơm,............trong đó hàng rong là nghề của một số người có mức sống thấp.Nước ta là một nước nghèo,dân ta có mức sống còn thấp,vì thế bắt buộc người dân phải làm bất cứ nghề gì để trang trải cho cuộc sống tất bật này.Nếu nhìn theo hướng của các nước phát triển thì hàng rong là một nghề vừa làm mất vệ sinh công cộng vừa làm cảnh quan hiên đại của văn minh đô thị,nhưng hỡi ôi!nếu như những quy tắc đó áp dung cho nước ta thì có lẽ sẽ có rất nhiều mảnh đời đã khổ nay còn khổ hơn.Nếu nhìn theo góc độ văn hoá thì có lẽ văn hoá hàng rong được xếp vào loai văn hoá phi giá trị,nhưng nếu chúng ta nhìn một cách phóng thoáng thôi thì hàng rong cũng có một số giá trị nhất định(chứ không phải là khôgn có hẳn),chẳng hạn như:nếu nhìn từ những người hàng rong chúng ta có thể nhận biết được phần nào trình độ của người dân ở nước đó,có thể giúp ích được phần nào nhu cầu ăn uống tất thời của một số người(có lẽ vì vừa rẻ tiền vừa tiện nghi).Vì thế mong rằng đừng xem hàng rong như một cái nghề thấp hèn,ăn ở hàng rong làm mất cảnh quan vệ sinh ở đô thị...........hãy nên nhìn mức sống của người dân nước đó để có cách đánh giá trực quan hơn. :)
Hình đại diện của thành viên
coutcung
 
Bài viết: 71
Ngày tham gia: Thứ 4 25/03/09 14:53
Đến từ: thành phố hồ chí minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách

cron