TỤC ĂN TRẦU Ở VIỆT NAM

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

TỤC ĂN TRẦU Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi Ca Bong Nho » Thứ 2 18/05/09 10:19

TỤC ĂN TRẦU Ở VIỆT NAM

3.jpeg
3.jpeg (2.89 KiB) Đã xem 8331 lần

Đã bao giờ bạn thử ăn trầu chưa? Tôi đã từng ăn trầu, đó là lúc tôi học lớp 5 – lần đầu tiên tôi nhai trầu là lúc cái mặt tôi nhăn lại như mặt khỉ vì cay, vì nồng, vì đắng… Nhìn mẹ ăn trầu mà tôi thấy mẹ thật là hay, tại sao mẹ không thấy cay, mà mẹ chỉ khen ngon? Có thể nói ăn trầu cũng cần phải có nghệ thuật, và khi đã mê cái hương vị của trầu rồi thì khó mà bỏ được nó.
Ăn trầu là phong tục cổ truyền của người Việt. Sự tích kể rằng, bộ ba cây cau, dây trầu, đá vôi là hiện thân của hai anh em nhà họ Cao và cô gái, đến chết vẫn luôn ở bên nhau trọn nghĩa an hem, trọn tình vợ chồng. Cô gái là dây trầu quấn quýt bên chồng( thân cau) với ước nguyện suốt đời thủy chung. Người anh là bong mát che chở người em(đá vôi). Trầu cau và đá vôi là mối tình dân tộc, đến bây giờ trong lễ cưới hỏi của người Việt vẫn luôn có mâm trầu, buồng cau. Miếng trầu cay, nồng thắm đỏ, ăn rồi không bỏ được nhau. Cây cau, giàn trầu mọc nơi góc vườn ngời nên nét đẹp tthanh cao trong những đêm trăng sáng. Đó là duyên là tình, là sự hòa hợp của những câu chuyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa…”.
Ở Việt nam mọi thứ đều tuân theo nguyên tắc âm dương hài hòa từ tư duy đến cách sống, từ dấu vết cổ đến thói quen hiện đại. Và tục ăn trầu cau ẩn một triết lý về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau: cây cau vươn cao là biểu tượng của trời(dương), vôi đất đá biểu tượng của đất(âm), dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy than cau, biểu tượng cho vai trò trung gian hòa hợp. Sự tổng hợp biện chứng của âm – dương, tam tài ấy tại nên một kết hợp hết sức hài hòa. Trầu quyết vôi nhai cùng với cau, miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, của thuốc lào, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của vỏ cây chat(tức miếng rễ)…tất cả tạo nên một chất kích thích, làm cho thơm mồm đỏ môi và khuôn mặt bừng bừng như say rượu. Ăn trầu có nhai mà không nuốt, nó mang một tính cách linh hoạt hiếm thấy- không phải ăn, không phải uống, cũng không phải hút.( trích :Cơ sở văn hóa Việt Nam của tác giả Trần Ngọc Thêm.)
Với người Việt trầu cau là biểu hiện của phong cách và thể hiện tình cảm dân tọc độc đáo. Gặp nhau sau câu chào, người ta thường mời trầu. Với người dân quê Việt Nam, miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng cau bổ tám bổ tư và vỏ rễ chay luôn là sự bắt đầu cho việc khơi gợi tình cảm. Miếng trầu giúp người với người gần gũi với nhau hơn. Và với các nam nữ thanh niên xưa thì nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, câu hát để vào với hội làng hội nước. Khi người con gái cầm miếng trầu do người bạn trai trao thì đó không chỉ đơn giản là trầu:
“Miếng trầu ăn nặng bằng chì
Ăn rồi em biết lấy gì đến ơn”.
4.jpeg
4.jpeg (5.19 KiB) Đã xem 8337 lần

Cây cau thẳng, dây trầu mềm thì ở khắp nơi trên đất nước Việt nam nơi nào cũng có. Hàng cau và giàn trầu là biểu hiện của sự thái bình, của nết đẹp mộc mạc, giản dị nhưng in đậm tâm hồn người Việt. Ngày xưa ngoài Bắc, dọc ven sông Hồng có câu hát:
“Ru con con ngủ cho rồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam phố, mua trầu chợ Dinh.”
Còn ở miền Trung, ở đâu cũng có bóng cây cau và vang câu hát:
“Bồng em mà bỏ vô nôi,
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, Chợ Cầu,
Mua cau Bát Nhị, mua vôi Hội An.”
2.jpeg
2.jpeg (4.54 KiB) Đã xem 8343 lần

Mỗi loại đồ ăn đều có những tác dụng khác nhau và trầu cũng không ngoại lệ. Ăn trầu có tác dụng trừ sơn lam chướng khí, thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm, chống sâu răng, gây chảy nước bọt…; lá trầu còn có tác dụng chữa bệnh nấc cho trẻ, bệnh đau mắt cho cụ già, chữa các mụn ;làm mủ sưng tấy…
Trầu dùng tiếp khách hàng ngày, như bát chè xanh, như điếu thuốc lào. Trầu làm sính lễ trong đám hỏi, trầu thay cho bức thiệp mời trước ngày hôn lễ, trầu có mặt trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, khi Xuân đến, Tết về. Ngoài ra trầu còn dung làm quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu:
“Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ
Xin đôi câu đối để mừng ông.”
Hơn nữa, trầu cau còn là đồ cúng lễ vào ngày giỗ. Dân gian có câu “sửa cơi trầu, đĩa hao dâng cụ” để tưởng nhớ tổ tiên, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của ông cha ta.
Ngoài ra, khi chưa phát hiện ra cây lúa nước, người ta dùng bột trong lòng các cây cau để làm thực phẩm( bột quang lang, bột sago, bột bang, bột nhúc…) Sợi dây cau làm áo, mo cau dùng làm cái võng , làm quạt( vì vậy dân gian có bài Thằng Bờm có cái quạt mo rất đáng yêu và hóm hỉnh) hoặc mo cau dùng làm đồ chơi cho trẻ con…Cây cau được xem là cây vũ trụ vì dáng cau thẳng đứng để đo bóng mặt trời. Các đốt của than cau gộp lại thành cái thước đo.
Về lá trầu, thường thì trong mâm trầu cau thường có 8 xấp, mỗi xấp 8 lá trầu, tượng trưng cho sự hình thành vũ trụ. Trầu có hai loại lá: Lá trầu vàng (gọi là nhánh ác) có màu xanh non, mình mỏng, ăn ngon nhưng dễ dập khi mang đi xa. Lá trầu xanh( gọi là mình đây) mọc sát thân trầu, có màu xanh đậm, mình dày, ăn không ngon bằng lá trầu vàng, nhưng ít hư nên dễ mang đi xa.
Trầu cau thường gắn liền với sinh hoạt nông thôn từ lâu đời nhưng những vật dụng ăn trầu hôm nay vẫn thấy, đó là cơi trầu (gắn liền với câu: đàn bà sắc như cơi đựng trầu). Bộ cơi trầu gồm: đầu tiên phải kể đến bình vôi( làm bằng gốm, sứ, bạc hoặc ngà) trong bình vôi có cái chìa vôi. Thứ hai là chén` ngâm cau khô. Thứ ba là dao bổ cau( gắn liền với câu: mắt sắc dao cau). Thứ tư là cối đâm trầu( dùng làm giập trầu cho những ngưởi răng yếu nhưng vẫn còn yêu thích vị cay nồng của miếng trầu). thứ năm là ống nhổ để nhổ bã và nước trầu. Cuối cùng là lá trầu, quả cau tươi hoặc miếng cau khô, vôi đỏ hoặc vôi trắng, thuốc lào, miếng vỏ cây chat(tức rễ cây). Nhà giàu còn có trap trầu, khay trầu sơn màu rất đẹp. Qua đây ta thấy, trầu cau gắn liền với sinh hoạt nông thôn từ lâu đời.
Trầu cau gần gũi với sinh hoạt của người Việt cho nên nó trở thành hình tượng của văn học dân gian. Đầu tiên là sự tích trầu cau bi ai nhưng thắm đượm tình nghĩa. Rồi có cả hàng trăm câu ví, câu đối, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gain mà tiêu biểu nhất là những câu hát trao duyên, câu hát mời trầu. hát mời trầu là nói tới trầu, cau, vôi, vỏ hoặc nói về cái tài của người têm trầu, bổ cau. Bởi vì cách têm trầu là thước đo tài khéo léo của người phụ nữ, qua miếng trầu người ta có thể thăm dò để lựa con dâu. Miếng trầu têm vụng là biết người không khéo tay, trầu têm nhỏ hơn cau là người không biết tính toán, vôi bết nhiều là người hoang phí…
Câu hát mời trầu là câu hát bày tỏ long mình. Bên cạnh những “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba”, là những ‘trầu giải yếm giải khăn”, “trầu loan trầu phượng, trầu tôi trầu mình” là những “trầu tính trầu tình”, “trầu nhân trầu ngãi”… để rồi thành”trầu mình lấy ta”, “trầu nên vợ nên chồng”. Tục ăn trầu còn gắn với tục nhuộm răng đen để có những má hồng răng đen, làm rung động nhiều chàng trai:
“Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.”
Nhà thơ Hoàng Cầm cũng có những câu thơ nói về tục nhuộn răng trong bài “Bên kia sông Đuống”:
“Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng”.
Trầu cau còn là đề tài để các nhạc sĩ sang tác. Tiêu biểu là bài “Hoa cau vườn trầu” của Nguyễn Tiến .
“… Nhà anh có một vườn cau, nhà em có một giàn trầu. Ngày ngày anh qua bên ấy, hoa cau bên này rụng trắng sân nhà em. Anh lên đường mẹ xin lá trầu nhuộm áo cho anh, một lá trầu xanh thắm tình anh không phai màu. Hoa cau rụng trắng sân nhà anh mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu. Lá vẫn xanh tươi màu, xin ai đừng để lá trầu vàng…”.
Với người dân Việt thì tục ăn trầu không còn gì lạ, nhưng tục ăn trầu có ở bao nhiêu quốc gia? Ăn trầu cau là phong tục phổ biến khắp vùng Đông Nam Á. Vùng trầu được gọi là văm minh gíó mùa, gồm cà Ấn Độ,. Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Vùng trầu chiếm hơn 8 triệu km vuông và trên thế giới có 200 triệu người ăn trầu.Tục ăn trầu phổ biến đến mức trở thành thước đo thời gian:
“Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng giập bã trầu em sang…”

Nơi tôi sinh ra và lớn lên có rất nhiều người ăn trầu. ông bà ngoại và mẹ tôi cũng là những người rất mê cái hương vị đặc biệt của trầu. mẹ tôi có thể nhịn an một hoặc hai ngày nhưng không thể nhịn ăn trầu dù chỉ là một giờ, có những lúc mẹ ốm không ăn uống gì chỉ kêu đắng miệng nhưng trầu thì mẹ không thể không ăn. Có thể khẳng định rằng, với những người biết thưởng thức cái hương vị cay nồng thơm ngon của trầu thì không thể không yêu thích nó. Ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của khoa học và công nghệ thông tin thì tục ăn trầu đã có phần phai mờ. Giờ đã thưa dần những người ăn trầu, kể cả ở các làng quê, nhưng trầu cau vẫn mang cốt cách tao nhã, sang trọng, vẫn là “đầu trò tiếp khách” trong những lễ nghi quan trọng của đời người như cưới, hỏi… Dù son phấn đương đại đã làm mất dần cái duyên ăn trầu của người con gái, song nét văn hóa trầu cau không dễ phai mờ trong truyền thống người Việt Nam./.
RANDOM_AVATAR
Ca Bong Nho
 
Bài viết: 53
Ngày tham gia: Chủ nhật 10/05/09 8:14
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TỤC ĂN TRẦU Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi Tran Chau Nguyet » Thứ 5 21/05/09 18:53

"song nét văn hóa trầu cau không dễ phai mờ trong truyền thống người Việt Nam", út không nghĩ như 5,em nghĩ có lẽ nó đã dần đi vào quên lãng trong tâm hồn người Việt.Đặt biệt là giới trẻ. Ngày nay khi thấy ông bà mình ăn trầu, họ đơn thuần chỉ nghĩ đó là thói quen không thể bỏ của ông bà thôi.Thậm chí họ không quan tâm ẩn sau thói quen bình dị hằng ngày đó là cả một nét văn hoá Việt, cả một sự tích dài họ được học hồi tiểu học,đó là hương vị cay nồng khó tả, la những bài thuốc dân gian từ tự nhiên, là hình ảnh thiêng liêng đã găn bó và đi sâu vào đời sống ông bà họ.Ngay cả em cũng vậy,nhà em không có người ăn trầu và em chưa được thấy hình ảnh các cụ ngồi thưởng thức trầu ra sao, chính bài viết của 5 đã giúp em hiểu về tục ăn trầu của Việt Nam mình. Em thấy mình quá nhỏ bé trước một nền văn hoá Việt Nam lâu đời.Có lẽ rất cần có thêm những bài viết thế này mới có thể thực hiện được điều 5 nghĩ"song nét văn hóa trầu cau không dễ phai mờ trong truyền thống người Việt Nam".
RANDOM_AVATAR
Tran Chau Nguyet
 
Bài viết: 79
Ngày tham gia: Chủ nhật 14/09/08 13:31
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TỤC ĂN TRẦU Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi tuechi050672 » Chủ nhật 21/06/09 4:02

Qua bài viết của bạn tôi như đang được sống trong khung cảnh yên bình của làng quê nơi tôi đã được sinh ra. Ở đó khi còn bé tôi đã từng được nhìn thấy bà của mình ngày ngày dùng một chiếc cối nhỏ xinh xinh nghiền những lá trầu miếng cau cùng vôi, vỏ cây và thêm một chút thuốc lào nữa. Tôi đã từng hỏi bà “Bà ơi! Bà không còn răng nữa thì ăn trầu làm gì?” Những lúc tôi hỏi như vậy bà chỉ cười móm mém và nói rằng “Bà quen rồi, nếu không ăn thì bà thấy nhớ lắm cháu ạ!”.

Rồi sau đó tôi cũng đòi ăn trầu. Nhưng các bạn biết tôi đã ăn trầu như thế nào không? Tôi đã xin bà cái bã trầu mà bà đang ăn dở và nhai lại đấy :roll: . Khi nhai miếng trầu của bà tôi thấy có vị cay, vị nồng, vị ngọt, được quện vào nhau một mùi vị nồng ấm. Đặc biệt hơn tôi rất thích thú với việc nhai trầu khi nhổ nước miếng có một màu đỏ mà tôi đã cố tình giữ nó ở trên môi và cảm thấy mình xinh hơn :P . Từ đó cứ mỗi lần thấy bà lấy cối ra để nghiền trầu, kể cả đêm khuya, khi đã nằm trên giường chỉ cần nghe tiếng nghiền trầu sồn sột là tôi lại đến ngồi bên cạnh để xin “hưởng sái” bã trầu của bà.

Trên đây là câu chuyện ngày bé của tôi, nhưng qua đó tôi cũng muốn đóng góp thêm một chút ý kiến của mình đó là:

Ăn trầu cũng có nhiều kiểu ăn, ngoài việc đưa ngay miếng trầu vào miệng dùng răng nhai giập miếng trầu còn có cách khác đó là dùng một dụng cụ khác như những chiếc cối nhỏ và chày được làm bằng đồng để nghiền nát miếng trầu trước khi cho chúng vào miệng.

Trầu được ăn ở mọi lúc mọi nơi. Và không chỉ có phụ nữ mới ăn trầu, tôi còn thấy cả đàn ông cũng ăn trầu thậm chí cả trẻ con cũng ăn trầu (tất nhiên không phải ăn vì thích ăn mà vì tò mò). Nhưng cũng chính sự tò mò đó mà làm cho tục ăn trầu được kế tiếp từ đời này sang đời khác và cuối cùng nó là một trong những nét truyền thống của người Việt Nam.

Tôi cũng đồng quan điểm với các bạn, nét văn hoá trầu cau không bao giờ phai mờ được bởi vì trong những đám cưới (hay tang ma) chúng ta vẫn nhìn thấy những miếng trầu têm cánh phượng cùng với các bà các mẹ miệng nhai trầu câu truyện nổ như ngô rang.
luôn yêu đời, yêu mình, yêu người
Hình đại diện của thành viên
tuechi050672
 
Bài viết: 19
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 17:13
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách

cron