văn hoá tóc

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi lieuquan1977 » Thứ 5 18/06/09 7:50

“Cái răng cái tóc là góc con người”

Hẳn đã là người Việt Nam không ai lại không thuộc câu tục ngữ trên.Người xưa đã coi “cái tóc” là một trong hai “cái” cơ bản để thể hiện nhân cách,tính cách của một con người.
Trước đây con trai để tóc ngắn,con gái để tóc dài và thường chỉ với một kiểu tóc.Ngày nay,khi bước ra đường,chúng ta bắt gặp biết bao nhiêu mái tóc khác nhau.Mỗi người đều tự tìm cho mình một kiểu tóc sao cho phù hợp với khuôn mặt,với vóc dáng ,với tính cách và cả công việc của mình.
Mái tóc làm đẹp cho khuôn mặt,cho con người nếu nó được chăm chút và được thể hiện phù hợp.Ngược lại, một người sẽ trở nên lố bịch nếu để một kiểu tóc không phù hợp với khuôn mặt,với tuổi tác của mình.
Tóc không chỉ thể hiện tính cách,gu thẩm mĩ của mỗi người, nó còn là”cái đồng hồ” để phân biệt thời gian.Mỗi lần nhìn vào mái tóc,người ta như thấy sức khỏe,sắc đẹp,tuổi tác…của mình trên đó. Hạnh phúc hay khổ đau dường như cũng hằn trên mái tóc…Ở một góc độ nào đó mái tóc như chính bản thân mỗi người.
Tóc mang những giá trị văn hóa nhất định và mỗi người có cách thể hiện văn hóa tóc khác nhau.xin được trình bày những nhận định của minh về khía cạnh này,rất mong nhận được sự phản hồi,đóng góp của các bạn.
Nhận thức về tóc:
Tóc là một phần của cơ thể con người,gắn bó với con người từ khi sinh ra cho tới lúc chết đi.Tóc là một bộ phận không có dây thần kinh vì vậy con người khôngcó cảm giác đau khi bị “cắt tóc”.
Tóc là một bộ phận tự nhiên của con người vì vậy nếu một con người khi sinh ra không có tóc hay cố tình cắt trụi tóc đều bị coi là bất thường.Tóc có tác dụng bảo vệ đầu và tạo thẩm mĩ cho khuôn mặt.
Ở mỗi người,tóc có những đặc trưng riêng.Có người tóc thẳng mượt,có người tóc xoăn,có người tóc cứng,tóc xù…nhưng luôn được cắt tỉa một cách gọn gàng.Tóc có nhiều kiểu dáng,tùy từng khuôn mặt,tính cách,công việc… mà mỗi ngườichọn cho mình một kiểu tóc phù hợp.Những người đơn giản thường chọn cho mình những kiểu tóc đơn giản như thả tóc tự nhiên hay búi tóc cao sau gáy.Những người có tính cách sôi nổi,năng động lại chọn những kiểu tóc cắt ngắn ôm sát khuôn mặt,một số người cầu kỳ hơn,muốn tạo cho mình một phong cách sang trọng,quý phái lại chọn những kiểu tóc xoăn dài, lỡ hoặc ngắn…
Tóc có nhiều màu sắc,tùy vào điều kiện khí hậu,địa lý của từng vùng mà tóc có màu sắc riêng.Người châu Âu thường có tóc màu nâu,vàng,bạch kim.Người châu Á tóc màu đen và thường để dài(đặc biệt là với phụ nữ).Người châu Phi tóc đen nhưng xoăn lọn và ngắn…Tuy nhiên trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu,sự giao lưu văn hóa phần nào đã bớt đi những khoảng cách về sự khác biệt này.Ở Việt Nam những năm gần đây,chúng ta đã gặp nhiều màu tóc khác ngoài màu đen như vàng,nâu,đỏ…hoặc nhiều màu sắc khác nhau trên cùng một mái tóc(do nhuộm).
Tóc không chỉ là nét văn hóa của mỗi người mà còn là đặc trưng văn hóa của từng dân tộc,từng vùng miền.Thông qua kiểu để tóc mà người ta có thể biết người đó đến từ đâu.
Mỗi một giai đoạn lịch sử thường có những phong trào để tóc theo một kiểu nhất định như thời kỳ trước ở Việt Nam,phụ nữ miền Bắc thường vấn tóc đuôi gà, còn phụ nữ miền Nam thường búi tóc sau ót. Ngày nay khi nói về người phụ nữ Việt xưa chúng ta thường thấy hình ảnh người phụ nữ với trang phục mớ ba mớ bảy, tóc vấn đuôi gà.Như vậy tóc còn biểu hiện mộtvăn hóa đặc trưng từng thời kỳ lịch sử.
Tóc cũng dễ tạo ra những trào lưu như để kiểu tóc theo những người nổi tiếng.Ở Việt Nam hay trên thế giới luôn có những xu hướng để tóc theo kiểu của ca sĩ,diễn viên…
Tóc là nơi thể hiện thẩm mĩ của con người vì vậy người ta luôn làm mọi cách để làm đẹp cho mái tóc.Từ việc chăm sóc cho tới tạo kiểu tóc hay sử dụng nhiều vật trang trí để làm đẹp cho mái tóc vì vậy hàng loạt các sản phẩm làm đẹp cho mái tóc ra đời như:bờm tóc,kẹp(cặp) tóc,dây buộc tóc,hoa cài tóc…Đặc biệt trong ngày cưới,mái tóc của cô dâu được chăm sóc và trang trí một cách đặc biệt.
Hàng năm, người ta tổ chức hàng loạt các cuộc thi sáng tạo mẫu tóc. Những cuộc thi này đã đem lại biết bao nhiêu những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật.Tóc đã đem lại những cảm xúc thăng hoa cho người nghệ sĩ, đồng thời cũng giúp họ khẳng định được tên tuổi của mình.
Trong từng môi trường, tóc cũng được thể hiện khác nhau.Ví dụ:cũng là mái tóc dài, khi đi chơi có thể buông xõa,hay sử dụng một số vật trang trí làm đẹp…Nhưng khi tham gia lao động thì thường được búi hoặc buộc gọn gàng.Đối với mỗi trang phục khác nhau tóc cũng được lựa chọn và trang trí cho phù hợp.
Văn hóa tận dụng tóc:
Người ta tạo ra các kiểu tóc để khắc phục những khuyết điểm trên khuôn mặt.Người ta có thể nhìn tóc để đoán được sức khỏe hay dùng tóc để kiểm tra gien. Dùng tóc rối để đánh gió(đánh cảm) cho người ốm.Tóc còn là nguồn cảm hứng bất tận trong các tác phẩm nghệ thuật như các bức ảnh nghệ thuật với chủ đề “Tóc” hay sáng tác các tác phẩm nghệ thuật ngay trên mái tóc. Tóc còn dùng làm tiêu đề của các bài hát như “Tóc em đuôi gà”, “Tóc nâu môi trầm” “Tóc ngắn”…
Người ta còn tận dụng tóc để hóa trang cho nhân vật trong nghệ thuật sân khấu hay làm tóc giả cho những người bị rụng tóc.
Văn hóa đối phó với tóc:
Tóc mang lại rất nhiều giá trị cho con người song đôi khi nó cũng gây khá nhiều phiền phức.Cho dù muốn hay không muốn tóc luôn luôn mọc dài theo thời gian,con người lại luôn muốn gọn gàng vì vậy người ta dùng kéo để cắt,dùng dây để buộc.Với những người vốn dĩ tóc xoăn tự nhiên muốn tóc thẳng ra thì dùng các loại thuốc và các kỹ thuật ép tóc hoặc ngược lại.Đặc biệt những sợi tóc rụng khi chải đầu hay gội đầu cũng được coi là rác gây bẩn môi trường,tóc được quét và gom lại để bán tóc rối hoặc sử dụng khi cần thiết.Người ta còn chế tạo ra loại dầu để hạn chế việc tóc rụng.
Văn hóa sùng bái tóc:
Như trên đã trình bày,tóc gắn bó với con người trong suốt cuộc đời,con người đã coi tóc là một vật linh thiêng. Khi thề thốt hoặc hẹn ước( Đặc biệt là trong tình yêu nam nữ), tóc được trao cho nhau như một làm tin,nó như chính đại diện bản thân người trao gửi.Vật hẹn ước này sẽ được giữ gìn,nâng niu,trân trọng trong suốt cuộc đời.
Văn hóa lưu luyến tóc:
Tóc tồn tại trong đời sống con người và đã đi vào văn học nghệ thuật như một hình ảnh gần gũi.Trong ca dao,tục ngữ tóc được nhắc tới khá nhiều:
Má hồng còn có khi phai
Răng đen khi nhạt,tóc dài khi thưa.

Dẫu rằng da trắng tóc mây
Đẹp thì đẹp vậy dạ này không ưa.

Đêm nằm bỏ tóc qua mình
Thề cho bán mạng kẻo tình anh nghi.

Hôm nay mười bốn mai rằm
Chín tháng cũng đợi mười năm cũng chờ
Trăm năm quyết đợi quyết chờ
Dẫu rằng tóc bạc như tơ cũng đành.

Tóc em dài em cài hoa lý
Miệng em cười có ý em thương.

Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngẳng răng vàng
Bốn con quần áo đi ngang khét mù
Năm con tóc rối tổ cu
Sáu con yếm trụt váy dù vặn ngang…

Hình ảnh tóc cũng xuất hiện trong lời các bài hát như “Ai đứng như bóng dừa,tóc dài bay trong gió…” (Dáng đứng Bến Tre),”Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng…” (Tuổi đời mênh mông)…
RANDOM_AVATAR
lieuquan1977
 
Bài viết: 11
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 21:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi alo_aiday_hh » Thứ 5 18/06/09 11:08

chị Liễu lớp mình làm bài này hay đấy,viết ko bị quá khô cứng. E biết có bức ảnh rất nổi tiếng về tóc của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi đã được bảo tàng nghệ thuật Brazil trưng bày vĩnh viễn,mọi người có thể xem theo đường link sau:
http://www.cad.vn/Portals/5/haonguyen/duyen%20dang.jpg
http://www.cad.vn/Portals/5/haonguyen/s ... oc%201.jpg
http://www.cad.vn/Portals/5/haonguyen/suoi%20toc.jpg
Trong bài
chị có viết bài hát "tóc em đuôi gà", "tóc nâu môi trầm", "tóc ngắn" cho ở phần tận dụng tóc, nên chuyển sang phần lưu luyến tóc. Đối phó với tóc dài thì có thể búi tóc lên, buộc...với tóc xù, cứng..ngoài ép, là, hấp có thể xịt keo, gôm, dầu dưỡng...Mái tóc còn thể hiện sự gắn bó keo sơn vợ chồng như lời chúc nhau "sống đến đầu bạc răng long". Tóc làm đạo cụ sân khấu, hoá trang. Ta từng biết đến một Xuý Vân giả dại có một mái tóc rất dài xoã ra gây hiệu quả về hình ảnh người điên...
RANDOM_AVATAR
alo_aiday_hh
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 3 28/04/09 9:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 5 18/06/09 22:58

Gần đây có chuyện bán tóc, xuất khẩu tóc, v.v.

Bạn có thể xem bài:

Hàng tấn tóc vượt biên
15/04/2009

tại địa chỉ: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/phongsukisu/217430/index.html

Trong đó có ý kiến của thầy Thêm đấy!
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

bổ xung văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi tinhgv » Thứ 6 19/06/09 22:44

có thể nói rằng chủ đề tóc mà bạn lieuquan1977 đưa ra là một chủ đề hay và với cá nhân tôi thấy rất có cảm hứng khi bình luận cho chủ đề của bạn thật ra thì không phải riêng tôi mà có lẽ nhiều người đều đã được nghe các câu thơ nói về mái tóc kiểu như là:
Chị kia bới tóc đuôi gà,
Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu ?
-Nhà tôi ở dưới đám dâu,
Ở trên đám đậu, đầu cầu ngó qua....
Ở đây tôi muốn bổ xung một chút về quá trình mà mái tóc gắn bó với cuộc sống con người chúng ta có thể tạm gọi là lịch sử mái tóc của người dân Việt Nam qua một số thời kì để các bạn cùng tham khảo

Lịch sử mái tóc của dân ta cũng đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm, đổi thay như vận nước. Nhưng các sách chỉ ghi chép một cách tổng quát.
Về thời Hùng Vương, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn (nhưng cũng có người bỏ xoã tóc hoặc tết đuôi xam). Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu.(Uỷ ban Khoa Học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1971, tr. 48).

Thời nhà Trần, người trong nước đều cạo đầu, cho nên trong Sứ Giao Châu thi tập của Trần Cương Trung nhà Nguyên chua rằng: "con trai đầu trọc, người nào có quan chức thì trùm đầu bằng khăn xanh, nhân dân đều như sư cả". Tục cắt tóc này đến Hoàng Phúc nhà Minh mới cấm, nay dân ở Kiên Lao và Trà Lũ huyện Giao Thuỷ (Nam Định ngày nay) vẫn còn giữ tục ấy. (…) Đàn bà cắt tóc để lại 3 tấc tết ở trên đỉnh đầu, buộc lấy đầu sợi tóc rồi búi chặt lại và cài bằng trâm, ở đằng sau gáy không có tóc, cũng không xoa dầu xoa sáp gì cả. (…) Tôi nhận thấy, đấy là phong tục triều nhà Trần, đến bản triều ngày nay thì tục đội khăn xanh, mặc áo thâm, cắt tóc và xăm mình đã thay đổi rồi. (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 68-70).

Lê Quý Đôn cho biết thời nhà Trần người trong nước đều cạo đầu, nhân dân đều như sư cả, nghĩa là dân ta gọt tóc hay ít nhất cũng là cắt tóc ngắn.

Đến thời thuộc Minh (1414-1427) Hoàng Phúc ra lệnh cấm dân ta cắt tóc.

Rồi giặc (chỉ quân Minh) chia châu đặt huyện, đắp thành đào hào; đóng quân trấn giữ, hơn hai chục năm, biến phong tục thành tóc dài răng trắng, hóa làm người Ngô cả. Than ôi! Họa loạn tột mực đến như thế ư? (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư).

Sử sách không cho biết từ năm 1428, năm Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và lên làm vua, thì đầu tóc dân ta ra sao? Chỉ biết rằng năm 1470, Lê Thánh Tông cấm người không phải là sư sãi không được gọt tóc (Đại Việt sử kí toàn thư). Lê Thánh Tông bắt dân chúng phải để tóc dài. Năm Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (1777), thì tục cắt tóc và xăm mình đời nhà Trần đã thay đổi, nghĩa là dân ta vẫn còn để tóc dài.

Tóm lại, từ năm 1470 đến khoảng vài năm sau năm1777 dường như dân ta liên tục để tóc dài. Nếu suy đoán thêm thì có thể nói rằng từ thời thuộc Minh đến gần cuối đời nhà Lê dân ta để tóc dài.

Sở dĩ nói rằng đến gần cuối đời nhà Lê là bởi vì năm 1789, trước lúc xuất quân dẹp giặc Thanh, Nguyễn Huệ đã tuyên bố:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
(Lịch sử Việt Nam, sđd, tr. 353)

Vua Quang Trung quyết tâm đánh giặc Thanh để giành lại chủ quyền cho đất nước, giành lại quyền để tóc dài, răng đen cho nhân dân! Điều này có nghĩa là trước đó quân Thanh đã bắt dân ta cắt tóc ngắn. Thật là quái gở! Ta đang để tóc ngắn thì nhà Minh bắt phải để tóc dài. Ta để tóc dài thì nhà Thanh lại bắt phải cắt tóc ngắn. Đúng là mấy ông con trời chỉ thích đi phá thối. Nhưng điều bất ngờ nhất là hành động cõng rắn cắn gà nhà của Lê Chiêu Thống đã ảnh hưởng đến cả mái tóc của dân ta.

Không những thế, mái tóc của Lê Chiêu Thống cũng chẳng óng mượt gì hơn mái tóc của đám dân ngu khu đen.

Hoàng Lê nhất thống chí kể rằng lúc mới lưu vong bên Trung quốc, một hôm Lê Chiêu Thống được Khang An đãi yến tiệc tại Quế Lâm. Khang An nói với vua Lê:

- Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. "Việc binh không ngại dùng cách xảo trá". Vương nên nghĩ tới chỗ đó.

Vua Lê cho là phải và đáp:

- Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung quốc, cũng xin vâng mệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?

Rồi vua Lê cùng các bề tôi đều gióc tóc, thay đổi đồ mặc (…). (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Văn Học, 1970, tr. 377).

Ít lâu sau, Lê Quýnh và một nhóm cựu thần nhà Lê cũng chạy sang Trung quốc. Khang An lại định giở trò cũ, sai người đi mời bọn Lê Quýnh.

Lúc họ tới nơi, An chẳng hỏi han gì, chỉ bàn về việc gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc mà thôi.

Quýnh biết An dối trá, giận lắm, nói:

- Đòi ta đến ngỡ là để giáp mặt mà bàn bạc, nay té ra lại chẳng bàn bạc gì, mà chỉ toàn bảo gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc. Chúng ta đây, đầu có thể chặt, tóc không thể cắt, da có thể lột, đồ mặc không thể đổi!

Khang An biết là không thể ép buộc được, bèn sai đem bọn họ an trí ở tỉnh Quảng Tây. (Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 379).

Tiếc thay! Trung thần không gặp minh vương! Dẫu sao thì mái tóc của Lê Quýnh cũng đáng được sử sách tôn trọng hơn mái tóc của Lê Chiêu Thống.

Thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam, đặc biệt là các nhà nho, chia ra làm hai phe. Họ đem mái tóc ra phê bình, chỉ trích nhau.

Phe thủ cựu thì câu nệ vào chữ thánh hiền, thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất khả huỷ thương, nghĩa là thân thể, da tóc mình là thụ hưởng của cha mẹ, không được huỷ hoại. Vì vậy phải giữ tóc dài cho tròn chữ hiếu.

Phe đổi mới chủ trương cắt tóc cho hợp vệ sinh. Họ cho rằng hành động cắt tóc không dính líu gì tới chữ hiếu cả.

Đến đầu thế kỉ 20, khoảng năm 1905, phe để tóc dài chắc vẫn còn đông, khiến cụ Phan Châu Trinh phải diễn thuyết kêu gọi dùng nội hoá, hớt tóc ngắn, bận đồ tây.
còn thời đại chúng ta ngày nay thì sao phải nói là có rất nhiều kiểu tóc đẹp và qua đó nói lên được bản chất con người bản sắc văn hóa.chúc các bạn nữ luôn có những mái tóc đẹp và thể hiện được nét văn hóa trong đó.Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
tinhgv
 
Bài viết: 28
Ngày tham gia: Thứ 4 31/12/08 17:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi lieuquan1977 » Thứ 7 20/06/09 6:28

Cảm ơn các bạn đã bổ xung những chi tiết thật thú vị cho bai viết của tôi,đặc biệt là bạn tinhgv.Hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp của các bạn.
RANDOM_AVATAR
lieuquan1977
 
Bài viết: 11
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 21:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi Ha Thi Huong » Thứ 7 20/06/09 22:11

Về phần đối phó với tóc, mình nhớ lại, ngày trước, mình còn đi làm cho một công ty của Nhật Bản, Vị phó tổng giám đốc rất sợ tóc, cho nên ông ta đã sử dụng một loại thuốc không cho tóc mọc lên, mỗi lần ông ta ra khỏi nhà đều dặn vợ nhớ thu nhặt tóc của bà ta thật kỹ trước khi ông trở về nhà.
RANDOM_AVATAR
Ha Thi Huong
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 21:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 4 24/06/09 19:35

Xin được bổ xung thêm thông tin về văn hóa tóc:
- Cha ông ta vẫn thường nói: “Cái răng cái tóc là vóc con người”; đặc biệt mái tóc đối với người phụ nữ Việt Nam rất quan trọng nó không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn tượng trưng cho một tâm hồn đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Công ty TNHH Đầu tư & Truyền thông Rich Việt Nam (Rich Việt Nam) quyết định tổ chức Cuộc thi Người đẹp tóc mây năm 2009. Cuộc thi Người đẹp tóc mây đã bắt đầu từ ngày 8/3/2009 và sẽ kết thúc vào ngày 11/7/2009. Tất cả mọi nữ giới Việt Nam tuổi từ 18 đến 30 tuổi khi muốn tham dự cuộc thi đều có thể tự up hình ảnh của mình trên trang web: http://www.nguoideptocmay.net. Hiện tại, gần 600 thí sinh đã tham dự cuộc thi. Cuộc thi có hai phần thi: dự thi người đẹp ngắn và người đẹp tóc dài.
- Hàng năm, cuộc thi tạo mẫu tóc hàng đầu thế giới đã được tổ chức. mang tên: L’ORÉAL COLOUR TROPHY. Đây là cơ hội để những nhà tạo mẫu tóc bộc lộ khả năng sáng tạo và kỹ thuật nhuộm tóc, cắt tóc và tạo kiểu của mình. Đây cũng là bước đệm quan trọng giúp những người tạo mẫu tóc trở nên nổi tiếng trong ngành làm tóc trên thế giới. Cuộc thi L’Oreal Colour Trophy được tổ chức lần đầu tiên tại Anh Quốc vào năm 1955. Sau 54 năm hoạt động, cuộc thi này được diễn ra tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới và được công nhận là “Giải thưởng Oscar dành cho nhà tạo mẫu tóc”. Hơn thế nữa, cuộc thi L’Oreal Colour Trophy còn được xem là một trong những sự kiện đi đầu trong việc tạo ra xu hướng thời trang trên toàn thế giới hàng năm. Năm 2009 là cột mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của cuộc thi danh giá L’Oreal Colour Trophy tại Việt Nam. Lần đầu tiên các nhà tạo mẫu tóc Việt Nam sẽ có cơ hội tranh tài ở cuộc thi tạo mẫu tóc quốc tế với uy tín hàng đầu trên giới này. Với mục đích gắn kết ngành thời trang tóc trong nước và thế giới, L’Oreal Colour Trophy Việt Nam là một cuộc thi dành cho tất cả các nhà tạo mẫu tóc đam mê thế giới thời trang, sự sáng tạo nghệ thuật.
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi hoangdzao » Thứ 4 24/06/09 23:09

Từ tóc đến giá trị văn hoá tộc người
Nước ta có hơn 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có sắc thái riêng biệt góp phần làm nên sự phong phú đa dạng trong văn hoá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những bộ trang phục độc đáo của phái nữ thì tóc và trang trí trên tóc của mỗi tộc người cũng có những ấn tượng mang nhiều yếu tố tộc người. Đặc biệt đối với phụ nữ ở vùng Tây Bắc, việc tạo dáng và trang trí trên tóc đã trở thành yếu tố biểu trưng mang tính không gian văn hoá vùng khu biệt.
Kết hợp với trang phục váy áo rực rỡ màu sắc, chúng ta còn bị choáng ngợp bởi những kiểu tóc rất lạ mắt của người H’Mông Hoa.
Phụ nữ H’Mông Hoa trước khi cuộn tóc thường buộc độn thêm những túm sợi lanh nhuộm đen và đỏ để tạo độ dày, dài và để giữ tóc khỏi trơn trượt. Khi vấn tóc tạo thành một khối chắc lẳn trên đầu trông như một đài hoa rất lớn. Kiểu tóc này như một thông điệp báo cho các tộc người khác biết đó là nhóm H’Mông Hoa bởi các nhóm Mông khác nhau kiểu tóc và trang phục cũng có nét dị biệt. Khác với nhánh H’Mông Hoa, nhánh H’Mông Đen thường vấn tóc với khăn đen…hay giữa người H’Mông Hoa ở những địa bàn cư trú khác nhau cũng có kiểu tóc khác nhau như kiểu tóc của nhóm đồng tộc ở Bát Sát khác với nhóm ở Bắc Hà (Lào Cai)...
Với người Hà Nhì thì ngoài trang phục thì kiểu tóc còn là thông điệp để nhận biết giữa người Hà Nhì Đen với người Hà Nhì Hoa, cũng từ đó có thể phân biệt được nhóm sống ở gần nguồn nước, các thung lũng hình yên ngựa hay sống ở các khu rừng già… Ngoài nhân tố tộc người kiểu tóc còn được quy định bởi phong tục, thói quen và cảm quan thẩm mỹ. Tóc của người Hà Nhì được tết và trang trí để phân biệt giữa thiếu nữ với người đã có gia đình, và những người lớn tuổi (đã qua lễ mùng thọ)… Và với dân tộc Thái cũng vậy, búi tóc (tằng cẩu) cao thấp hay lệch một góc 45 độ báo cho chúng ta biết người phụ nữ ấy có gia đình chưa hay đang goá chồng và người goá phụ ấy có muốn xây dựng gia đình mới nữa hay không…Hay ở người Nùng Dín kiểu búi tóc của cô dâu lại truyển tải cả truyền thuyết về lịch sử tộc người…
Nhìn chung cách vấn tóc, độn tóc, tạo dáng và trang trí trên tóc của mỗi tộc người vừa để làm đẹp, vừa thể hiện quan niệm thẩm mỹ, là phong tục, thói quen từ nhiều đời trao truyền bảo lưu tạo nên nét độc đáo trong văn hoá các dân tộc Việt Nam.
RANDOM_AVATAR
hoangdzao
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 6 24/04/09 22:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi hoangdzao » Thứ 6 26/06/09 9:41

Tôi bổ xung thêm về Văn hóa tận dụng tóc:
Mỹ thuật Việt Nam được thế giới biết đến với tranh sơn mài truyền thống nhưng điều đặc biệt góp phần làm nên hiệu quả của bức tranh phải kể đến tóc rối.
Tranh sơn mài được làm trải qua rất nhiều công đoạn như bó vóc, khắc, đi nét, vẽ các mảng màu, thếp vàng, bạc, vỏ trứng... rồi phải mang ủ tiếp đến là mài và đánh bóng. Vẻ đẹp của tranh sơn mài một phần do họa sĩ sáng tác, truyền tải nhưng cái độc đáo và hấp dẫn người xem đó là hiệu quả bất ngờ. Một trong yếu tố bất ngờ ấy đó là công đoạn dùng tay và tóc rối xoa trên bề mặt tranh theo gia tốc khác nhau để tạo độ bóng, độ trong trẻo, khi ấy dường như màu sắc trong tác phẩm đằm hơn, sâu lắng hơn.
Ngày nay một số họa sĩ hoặc những người làm đồ mỹ nghệ thường thay công đoạn đánh bóng bằng tay và tóc rối để dùng một thứ bột hóa học được gọi nôm là bột chu để tạo độ bóng nhưng hiệu quả của tranh thì kém xa so với dùng tóc rối. Tranh đánh bóng bằng bột chu hiệu quả thường bóng nhoáng, cảm giác các mảng màu nông, rợ...
Trên đây là ý kiến nhỏ về văn hóa tận dụng tóc của dân art mà thôi, ngoài ra các bạn trẻ ngày nay còn tận dụng tóc ở rất nhiều phương diện như dùng tóc giả để khắc phục nhược điểm, tăng cá tính... ngoài ra còn tận dụng tóc với nhưng mùi hương quyến rũ trong rất nhiều hoàn cảnh...vv
RANDOM_AVATAR
hoangdzao
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 6 24/04/09 22:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: văn hoá tóc

Gửi bàigửi bởi xxx_rhapsody » Thứ 6 26/06/09 10:20

chị Liễu ơi, thế tóc nối thì như thế nào?
bi h ng ta nối tóc nhiều lắm, cơ mà nối pải tóc ng chết thì...eo ơi..hihi
theo c, đấy là tận dụng hay đối phó?? :D
"The Winner don't do different things - They do things differently"
Hình đại diện của thành viên
xxx_rhapsody
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 4 20/05/09 20:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến23 khách