Văn hóa ứng xử với rượu bia

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi cubom03 » Thứ 7 20/06/09 15:58

VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI RƯỢU BIA.

I. Khái niệm:
Rượu và bia là các tên gọi thông dụng của những đồ uống có cồn. Trên thế giới, số lượng chủng loại rượu và bia vô cùng phong phú, chúng mang dấu ấn văn hóa của các dân tộc khác nhau. Chẳng hạn ở Nhật Bản có rượu gạo Sakê, ở Pháp nổi tiếng có rượu Vang làm từ nho, ở Đức có bia Calsberg ngon nổi tiếng, hay ở Trung Hoa có các loại rượu ngon làm từ ngũ cốc, v.v... Riêng ở Việt Nam cũng đã có hàng chục loại rượu truyền thống nổi tiếng thơm ngon như rượu làng Vân ở Bắc Giang, rượu làng Chuồng ở Huế, rượu Gò Đen ở Đồng bằng sông Cửu Long, rượu Bầu Đá ở Bình Định, rượu cần của các dân tộc Tây Nguyên,... Có thể ước lượng các chủng loại rượu và bia hiện nay trên thế giới lên đến hàng ngàn, chưa có con số thống kê chính xác. Tuy nhiên, để phân loại các đồ uống này, từ điển Bách khoa mở Wikipedia đã căn cứ vào nồng độ cồn có bên trong nó để chia thành mấy cấp độ, cụ thể như sau:

• Kefia (kefir): sữa lên men, có nồng độ nhiều nhất là 3%
• Bia: 1 – 12%, thường ở vào khoảng 5%
• Rượu vang (vin): 7 – 14% thường vào khoảng 12%
• Rượu mùi (en:Liqueur): khoảng 15 – 75%, thông thường dưới 30%
• Rượu mạnh: thường vào khoảng 30 – 55%



Trong các loại kể trên, các từ bia, rượu có ý nghĩa bao quát nhất cho các loại đồ uống có cồn. Vì thế chúng thông dụng nhất giữa đời thường và đó chính là lý do tại sao chúng được lấy làm tiêu đề cho bài viết này. Cho nên, khi nói đến từ bia rượu hay rượu bia trong bài viết này, chúng tôi mong người đọc hiểu chúng ở ý nghĩa rộng và khái quát của những từ này.
Lấy đối tượng là rượu bia nhưng bài viết này không đi vào phân tích kỹ về các khía cạnh khoa học như thành phần hóa học, cách thức chế tạo, truyền thống văn hóa đi kèm (kiểu cách uống/thưởng thức, các loại cốc chén...), bởi vì những vấn đề này đã được nói đến trong các bài viết chuyên khảo trước đây. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh khác, đó là con người đã và đang ứng xử như thế nào với loại đồ uống này, tại sao với nhiều tác hại đối với sức khỏe của con người, nhưng nó vẫn được ưa chuộng đến thế trong nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử loài người.

II/ Hê tọa độ ba chiều:
Tính hai mặt của vấn đề (mặt tốt và mặt xấu) thường tồn tại trong một sự vật, hiện tượng văn hóa nào đó. Cũng như vậy, rượu bia có mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó, tuy mặt tiêu cực có vẻ lấn lướt hơn mặt kia, nhưng như người ta thương nói: Cái hợp lý thì tồn tại, cái tồn tại là cái hợp lý, rượu bia vẫn song hành cùng cuộc sống con người cho đến ngày nay và kéo dài đến tương lai nhờ mặt tích cực của nó đối với đời sống con người.
Muốn đánh giá một hiện tượng là tốt hay xấu, ta cần đặt nó vào thời gian, không gian cụ thể cùng với đối tượng cụ thể. Mặt tích cực của bia rượu đã được một số nghiên cứu chứng minh là dùng một lượng rất ít một số thức uống có cồn nhất định, đặc biệt là rượu vang đỏ (vào khoảng 1-2 ly một ngày), qua một thời gian dài có thể bảo vệ chống lại bệnh về động mạch vành của tim. Ngoài ra uống cho đến 20-40g ở phái nam hoặc đến 10-20 g ở phái nữ cũng có thể làm tăng tuổi thọ. Tuy nhiên, nếu uống vượt quá mức này thì sẽ có tác dụng ngược lại. Bên cạnh đó, Đông y còn dùng nhiều bài rượu thuốc để chữa bệnh, giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý cho nam giới, điển hình là bài thuốc “Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử” của vua Minh Mạng. Tuy vậy, các bài rượu thuốc cần dược xác định cho từng đối tượng cụ thể (thể trạng, tuổi tác, giới tính) mới có thể có tác dụng mong muốn.
Trong khi những tác động về dược tính của rượu bia dường như còn đang là đề tài tranh luận trong giới y học thì những tác động về tâm lý thì biểu hiện rõ ràng hơn. Với một số lượng vừa phải, bia rượu có tác dụng xả stress, tạo cảm giác hưng phấn. Do vậy, với những người sức khỏe tốt, một cốc bia hay một tách rượu nhỏ uống cùng bạn bè sau những giờ làm việc căng thẳng có thể giúp cân bằng tâm lý. Vài ba cốc bia làm cho người ta cảm thấy thoải mái tinh thần, mọi công việc được giải quyết một cách nhẹ nhàng. Thưc tế thường thấy rất nhiều trường hợp các bản hợp đồng làm ăn được ký kết ngay trên bàn nhậu, khi người ta cảm thấy sảng khoái và hưng phấn sau một vài cốc bia.
Song trong những không gian, thời gian khác thì bia rượu gây nên những tai hại khôn lường. Nó làm con người mất khả năng tự kiểm soát, nên lái xe sau khi uống rượu bia rất dễ gây tai nạn. Cho nên, người ta đặt ra qui định về mức độ cồn tối đa trong máu cho những người lái xe (Ở Việt Nam là 80mg/100ml máu hoặc 40mg/lít khí thở). . Và cũng do không thể kiểm soát được mình nên người ta hay có những hành động, lời nói không bình thường, gây ảnh hưởng cho bản thân và cho mọi người. Vì thế, uống bia rượu trong giờ làm việc, hội nghị, lúc đang học hành... là phản giá trị, phản khoa học.
Về tác hại của bia rượu, khoa học đã chứng minh rằng ngay khi chỉ uống một lượng vừa phải (0,2 phần ngàn (0,2 ‰) cồn trong máu, tương đương với 0,3 l bia hoặc 100 ml rượu vang), tùy theo cân nặng và cấu tạo của cơ thể, cồn đã có tác động đến hệ thống thần kinh và đặc biệt là lên não: góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Các nhà nghiên cứu của Đại học Stockholm đã tìm thấy rằng uống 50 g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn. Ước lượng vào khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000.
Cồn có trong bia rượu cũng ảnh hưởng đến tình dục và khả năng có con. Cồn làm giảm tính tự kiềm chế và vì thế tăng hưng phấn tình dục. Cồn thuộc vào các chất có tác dụng độc hại đến tinh hoàn và tinh trùng. Theo các nghiên cứu mới đây của giáo sư E. Abel (Mỹ), nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục chẳng những làm tăng khả năng sẩy thai mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra các đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.
Như vậy, dù tác hại của bia rượu đã được khoa học chứng minh, và tác dụng tốt của nó vẫn đang còn tranh cãi, bia rượu vẫn là thức uống được ưa chuộng trong suốt lịch sử tồn tại của mình. Nếu được sử dụng với một liều lượng vừa phải, ở những không gian, thời gian và chủ thể thích hợp thì rượu bia có tính giá trị của nó. Nếu không, hiệu quả sẽ ngược lại.
III/ Chùm bốn đặc trưng văn hóa:
1. Tính lịch sử: Rượu, bia đã có từ lâu đời trong lịch sử nhân loại. Có lẽ từ trong các hoạt động thực tiễn của đời sống, khi sản phẩm vật chất như gạo, ngũ cốc, các loại trái cây đã dồi dào, dư thừa để có thể dành dụm từ năm này sang năm khác, con người tình cờ tìm ra phương pháp lên men các sản phẩm để dành ấy để làm thành rượu, bia.
Về lịch sử phát mình và sử dụng bia ở phương Tây, Wikipedia cho biết các thông tin như sau: bia là một trong các đồ uống lâu đời nhất mà loài người đã tạo ra, có niên đại ít nhất là từ thiên niên kỷ 5 TCN và đã được ghi chép lại trong các thư tịch cổ của Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà (Mesopotamia)[1].
Giống như phần lớn các chất chứa đường khác có thể bị lên men một cách tự nhiên, rất có thể là các đồ uống tương tự như bia đã được phát minh một cách độc lập giữa các nền văn minh trên toàn thế giới. Việc kiểm định hóa học các bình gốm cổ phát hiện ra rằng bia (tương tự như rượu vang) đã được sản xuất khoảng 7.000 năm trước ở khu vực ngày nay là Iran và là một trong số các công nghệ sinh học đã biết, trong đó các quy trình sinh học của sự lên men được áp dụng.
Tại Lưỡng Hà, chứng cứ lâu đời nhất về bia được cho là bức vẽ 6.000 năm tuổi của người Sumeria miêu tả những người đang uống một thứ đồ uống bằng các cần hút bằng sậy từ thùng công cộng. Bia cũng được đề cập tới trong Thiên sử thi Gilgamesh, một bản trường ca 3.900 năm tuổi của người Sumeria để tỏ lòng tôn kính nữ thần Ninkasi, vị thần bảo trợ cho bia, nó chứa công thức làm bia cổ nhất còn sót lại và miêu tả việc sản xuất bia từ lúa mạch thông qua bánh mì. Bia đã trở thành thiết yếu đối với tất cả các nền văn minh trồng ngũ cốc ở thế giới phương Tây cổ xưa, đặc biệt là ở Ai Cập và Lưỡng Hà.
Bia đã từng là quan trọng đối với người La Mã trong thời kỳ đầu, nhưng trong thời kỳ Cộng hòa La Mã thì rượu vang đã thay thế bia như là một đồ uống chứa cồn được ưa chuộng hơn. Bia trở thành đồ uống được coi là thích hợp cho những người man rợ; Tacitus đã viết một cách đầy chê bai về bia được các giống người Đức sản xuất trong thời đại của ông.
Người Thracia cũng được biết là đã sử dụng bia sản xuất từ lúa mạch đen, thậm chí từ thế kỷ 5 TCN, như Hellanicos đã viết trong vở các opêra. Tên gọi cho bia của họ là brutos hay brytos.
Sự bổ sung hoa bia vào bia để tạo vị đắng, bảo quản và hương vị cho bia là một phát kiến tương đối mới: trong thời Trung cổ nhiều hỗn hợp khác của các loại thảo mộc thông thường được cho vào bia chứ không phải hoa bia. Các hỗn hợp này thông thường được gọi là gruit. Hoa bia đã được trồng tại Pháp sớm nhất là vào khoảng thế kỷ 9; văn bản cổ nhất còn sót lại có ghi chép về việc sử dụng hoa bia trong bia có niên đại vào năm 1067 bởi nữ tu viện trưởng kiêm nhà văn Hildegard: "Nếu người ta định làm bia từ yến mạch, nó được chuẩn bị cùng hoa bia."
Tại châu Âu, trong thời Trung cổ, bia chủ yếu được sản xuất trong gia đình. Vào thế kỷ 14 và 15, việc sản xuất bia đã dần dần chuyển từ hoạt động gia đình sang hoạt động thủ công, với các quán bia và tu viện sản xuất bia của mình hàng loạt để tiêu thụ.
Tương tự, các loại rượu ở các dân tộc cũng đã có từ lâu và việc uống, thưởng thức loại đồ uống này cũng đã trở thành truyền thống lâu đời của các dân tộc. Người ta không những dùng nó như là đồ uống thông thường hàng ngày mà còn dùng trong các dịp lễ tết, hội hè, đình đám. Cách uống rượu, bia cũng đã tạo nên tổ hợp những yếu tố văn hóa đi kèm như các loại cốc chén, các loại thức ăn đi kèm, cách mở rượu, rót rượu, không gian và đối tượng cùng thưởng thức... Tất cả đã tạo nên những truyền thống văn hóa mang đặc trưng dân tộc.
Cho dù ngày nay, bia rượu đã phổ biến khắp toàn cầu, nhưng nhiều loại trong số đó vẫn gắn với truyền thống văn hóa dân tộc đã sản sinh ra nó.
2. Tính nhân sinh:
Rượu bia là sản phẩm của quá trình lên men các loại thực phẩm như gạo, ngũ cốc, trái cây. Quá trình ấy trước đây xảy ra một cách tự nhiên, nhưng sau khi đã được con người phát hiện và sử dụng, rượu bia hẳn nhiên mang tính nhân sinh. Thật vậy, nó đã trở thành một sản phẩm của con người, gắn liền với đời sống của con người từ hàng nghìn năm nay. Qua thời gian, nó đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
3. Tính biểu trưng:
Bia rượu mang lại cho con người cảm giác lâng lâng, bay bổng, thăng hoa, nên từ lâu, nó đã là một trong những thú vui, là niềm yêu thích của con người. Người Trung Hoa xưa đã từng khái quát nên 4 thú vui của con người là cầm, kỳ, thi, tửu. Hình tượng “bầu rượu túi thơ” đã trở thành biểu trưng cho thú tiêu dao của người quân tử ngày xưa: Tay cầm bầu rượu nắm nem, mảng vui quên hết lời em dặn dò. Và do tác dụng của rượu làm cho người ta bay bổng trong ảo giác thăng hoa, lãng quên thực tại nơi trần thế, nên nó rất gần với xu hướng xuất thế, lánh đời của Đạo giáo. Trong mấy câu thơ nhuốm mùi Đạo giáo sau đây, rượu là một thứ men xúc tác tuyệt vời cho cuộc sống lánh đời, không nhuốm mùi tục lụy:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu, đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Nhờ tính biểu trưng đó, hình tượng bầu rượu đã có mặt trong Bát bửu (tám thứ quí) mà Bát tiên (tức tám vị tiên của Đạo giáo) luôn mang theo bên mình. Trong Bát bửu của Đạo giáo, bầu rượu của Lý Thiết Quài xuất hiện bên cạnh các hình tượng khác như quạt, cặp roi, thanh gươm và phất trần, cặp sanh, ống sáo, giỏ hoa, hoa sen. Trong Bát bửu của Nho giáo cũng có hình tượng bầu rượu cùng với thanh gươm, thảo sách, tháp viết, cuốn thư, cây đàn, quạt vả, phất trần. Những hình ảnh này rất thường gặp trong trang trí kiến trúc cổ Việt Nam.
Ngoài ra, rượu còn là biểu trưng cho sức mạnh, khí phách của đàn ông. Chúng ta thường nghe câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Các đấng mày râu, người nào có tửu lượng lớn thì được xem có bản lĩnh cao, nam tính mạnh mẽ. Cũng từ quan niệm trên mà nhiều thanh niên đã cố gắng gồng mình uống quá tửu lượng của mình, sinh ra quá chén, gây ra những hậu quả khôn lường.
4. Tính hệ thống:
Như đã phân tích ở trên, rượu bia có những giá trị nhất định khi ta xét nó ở những hệ tọa độ thích hợp. Với tập hợp những giá trị này, rượu bia đã hình thành nên hệ thống các giá trị mà người ta gọi là tính hệ thống. Những giá trị ấy không rời rạc mà liên kết với nhau, tạo thành tổng thể. Rượu bia đã tạo ra ở những nền văn hóa khác nhau những hệ thống giá trị có tính liên kết. Mặt khác, khi tạo ra, sử dụng và nhận thức được những tác dụng và tác hại của rượu bia, con người ở các nền văn hóa khác nhau đã biết đặt ra những ứng xử của mình đối với nó. Họ đã tìm cách tận dụng nó, hoặc đối phó với nó bằng nhiều cách khác nhau. Tóm lại mỗi thứ rượu bia hình thành cho mình một hệ thống những giá trị, tạo cho nó một thứ văn hóa riêng.

IV. VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI RƯỢU BIA
1. Tận dụng:
Các loại rượu thuốc đã được con người sử dụng từ lâu trong việc bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực và giảm thiểu một số bệnh. Người ta đã dùng các thứ thảo dược hoặc động vật như tắc kè, rắn để ngâm rượu. Dù tác dụng của rượu thuốc chưa được khoa học chứng minh một cách rõ ràng, người ta vẫn tin rằng những loại rượu ấy là tốt cho sức khỏe.
Bia rượu đem lại cho con người cảm giác bay bổng, hưng phấn trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật. Rất nhiều nghệ sĩ đã không ít lần mượn cảm xúc đó từ bia rượu để làm nên những sáng tạo nghệ thuật có giá trị. Nhà thơ Lý Bạch đời Đường đã từng viết nên những vần thơ tuyệt tác trong những lúc chuếch choáng hơi men. Chúng ta có thể tin chắc rằng hậu thế sẽ không có được những bài thơ tuyệt tác ấy nếu Lý Bạch không uống rượu
Rượu còn được dùng như một lễ vật quan trọng trong các cuộc cúng tế thần linh. Ở các cuộc cúng tế của Khổng giáo, lễ thức dâng 3 tuần rượu luôn là nội dung chính của cuộc lễ. Cúng lễ trong dân gian của người Việt ngày nay vẫn luôn có cau, trầu, rượu là những vật phẩm quan trọng cần phải có.
Trong đời sống thường nhật, rượu có khả năng làm ấm cơ thể do nó làm giãn các mạch máu ở bề mặt thân thể. Do đó, ở các xứ lạnh người ta hay uống rượu để giữ ấm cơ thể.
Còn ở các xứ nóng, bia vẫn luôn được dùng như 1 thức uống giải khát (soft drink), lúc gặp gỡ bạn bè, xả stress sau những giờ làm việc mệt mỏi. Tận dụng ưu điểm đó của bia rượu, người ta hay tiếp đãi khách khứa, đối tác làm ăn bằng những bữa tiệc rượu, qua đó, công việc làm ăn trở nên dễ dàng, nhanh gọn đến không ngờ. Thực tế cho thấy nhiều các bản hợp đồng làm ăn lớn được ký kết trên bàn nhậu, các thỏa thuận được thông qua một cách nhanh chóng với một thái độ hỉ hả giữa những người bạn rượu. Dường như men rượu, hơi bia có khả năng làm cho con người dễ cởi mở và trở nên thân thiết, gần gũi với nhau hơn.
Trong cuộc sống vốn đầy rẫy khổ đau, con người hay tìm quên trong men rượu. Lúc say, người ta có thể nhất thời quên đi bản thân mình là ai, quên đi vết thương lòng nặng trĩu dày vò tâm can mình. Đó cũng là một cách con người tận dụng rượu trong cuộc sống tâm lý của mình.


2. Đối phó:
Vì bia rượu có tác hại đối với sức khỏe con người (như đã nêu ở phần II), người ta vẫn thường tìm cách đối phó với nó. Đạo đức xã hội nhìn chung lên án những hành vi say rượu, gây rối trật tự. Các tôn giáo cũng đã đặt ra những điều cấm kỵ: đạo Hồi cấm tuyệt đối việc uống bia rượu, trong ngũ giới của đạo Phật cũng có một giới cấm uống rượu... Giữa đời thường, đã có những qui định không uống bia rượu trong giờ làm việc, khi lái xe. Nhìn chung, do những tác hại của nó, bia rượu bị ngăn cấm và hạn chế ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Người ta còn đặt ra nhiều phương pháp dã rượu dành cho những người bị say rượu. Đây là một cách để đối phó với những rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ sức khỏe cho những người đã lỡ quá chén.
Ở nhiều nền văn hóa, người ta đối phó với bia rượu bằng cách dạy cho thanh niên cách uống rượu. Uống như thế nào trong những môi trường khác nhau, ở mức độ nào thì phải dừng lại trước khi bị say... Đây là một cách rất hay để con người có thể chủ động đối mặt với tệ nạn say rượu.
3. Sùng bái: Là một thức uống làm thăng hoa tinh thần con người, bia rượu có sức hấp dẫn lớn và có thể gây nghiện đối với rất nhiều người, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Bia rượu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với những người nghiện. Nhiều người uống rượu như “cái hũ chìm” và sẽ không chịu nổi nếu thiếu rượu. Ở phương Đông, người ta đã tôn ông Lưu Linh như một bậc “tổ sư” về uống rượu, và những người uống nhiều rượu được gọi là “đệ tử của Lưu Linh”. Và do việc uống rượu đã trở thành thói quen, thành truyền thống, cúng bái thần linh hay tổ tiên ông bà, các đám khao vọng, cưới hỏi xưa nay bao giờ cũng có rượu là vật phẩm quan trọng không thể thiếu. Ngày nay, người ta hay “đi” quà cáp cho các Sếp thì rượu là một thứ lễ vật trang trọng, có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc trở thành lễ phẩm chứng tỏ rượu đã được thiêng hóa bởi giá trị biểu tượng, chứ không đơn thuần là một thức uống thường ngày.
Trên thị trường hiện nay có những loại rượu rất đắt giá. Các lễ hội bia được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, nhằm tôn vinh và quảng cáo các sản phẩm bia. Lễ hội bia lớn nhất mang tính quốc tế diễn ra hàng năm tại Munich, Đức, thu hút hàng triệu người tham dự. Chit riêng cuộc lễ năm 2007 đã có 6 triệu người trên thế giới về tham dự, và tiêu thụ khoảng 6 triệu lít bia. Riêng ở Việt Nam những năm gần đây cũng đã tổ chức nhiều lễ hội bia ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng...
Vì là thức uống được ưa chuộng, trong ngôn ngữ thường ngày, người ta có lúc gán ghép một số những người yêu thương, cưng chiều của mình với từ rượi như: con gái rượu, cô đào rượu. Điều này chứng tỏ rượu rất được đề cao như là cái gì rất đỗi thân thiết, yêu quí đối với con người.

4. Lưu luyến: Là một thức uống gây cảm giác hưng phấn, thăng hoa, bia rượu đã để lại những dấu ấn không nhỏ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Rõ ràng trong sáng tạo, người ta vẫn thường nghĩ đến nó và không ngần ngại đưa hình tượng ấy vào trong tác phẩm của mình. Có thể tìm thấy rất nhiều những tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện sự lưu luyến của con người với loại thức uống đặc biệt này, sau đây là một số bài thơ mà tôi có thể nhớ được:
... Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
(Ca dao Việt Nam)
Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy
Độ dăm ba chén đã say nhòe
(Thu ẩm – Nguyễn Khuyến)
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
(Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến)

Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm
Hoa tiền chước tửu hứng vô nhan
(Thơ Đường)
Xuận du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
(Thơ Đường)
Cử bôi yêu minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân
(Lý Bạch)
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(Vương Hàn)

Kết luận
Từ khi ra đời, rượu bia đã là một thức uống đặc biệt, làm tăng gia vị cho cuộc sống con người. Đó là lý do khiến nó tồn tại suốt bao thiên niên kỷ nay. Nhiều người dửng dưng với thức uống này, nhưng đối với những người khác thì nó không thể thiếu, nó làm cho cuộc sống thăng hoa, dù tác hại của nó cũng không hề nhỏ. Vì tính hai mặt này, con người đã phải tạo ra những ứng xử khác nhau đối với rượu, vừa tận dụng, súng bái quá mức, lại phải tìm cách đối phó với những tác hại của nó. Trong khuôn khổ của một bài tập môn Lý luận Văn hóa, chúng tôi thử nêu những phân tích như trên. Ý kiến của chúng tôi không tránh khỏi khiếm khuyết, thành thật mong nhận được sự chỉ giáo của quí vị.

PS: Tôi đã sưu tầm một số ảnh minh họa nhưng không copy vào đây được (tôi rất dốt về kỹ thuật vi tính). Mong quí vị thông cảm. Có ai chỉ dùm tôi cách copy ảnh vào đây, tôi xin đội ơn lắm lắm.
RANDOM_AVATAR
cubom03
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 9:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

bổ xung bài Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi tinhgv » Thứ 7 20/06/09 17:36

Cám ơn bạn cubom03 đã xây dựng một chủ đề về rượu bia đây là một đề tài mà cánh mày râu chúng tôi rất quan tâm,tuy vậy nhìn dưới góc độ văn hóa thì đúng là chúng ta phải đặt vào hệ tọa đô C-T-K thì mới nhìn nhận vấn đề một cách chính xác nhất,trong bài này tôi muốn bổ xung thêm về tính giá trị của Rượu Bia để mọi người cùng góp ý nhé:
Nói đến rượu người ta dễ nghĩ tới khía cạnh xấu: nghiện rượu hoặc nát rượu! Thật ra không cứ gì rượu, đồ uống nói riêng và thực phẩm nói chung, kể cả thuốc bổ,nếu dùng thái quá đều có hại. Hãy quên đi một Chí phèo nát rượu để nhớ về bức tranh ông tiên râu tóc bạc phơ, má đỏ như quả đào, một tay chống gậy, một tay cầm bầu rượu thì rượu là biểu tượng của Phúc,Lộc,Thọ,Khang,Ninh.

Nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới cho rằng Rượu là một phát minh vĩ đại của con người sau Lửa. Khi phát minh ra lửa thì con người bắt đầu ăn thịt chín. Đến lúc động vật hiếm dần , con người chuyển sang ăn thực vật. Mà một trong những loài thực vật đầu tiên con người cổ xưa tìm ăn là qủa nho, loại quả hoang dại mọc ở vùng châu thổ Sông Nin. Rồi quả nho cũng trở nên thưa vắng. Với bản tính tư hữu, con người đem nho về cất giấu tại nơi ở của mình. Nho được ủ lại sau mấy ngày đem ăn họ cảm thấy khoẻ hơn,thông minh hơn,yêu đời hơn…Và họ lền đặt cho cái lâng lâng đó một biệt danh là Spirit, nghĩa là linh hồn, ngày nay thuật ngữ đó là Rượu.
Hình ảnh

Rồi từ đấy, lúc vui, khi buồn, cả lúc bình thường người ta đều uống rượu. Đám cưới uống rượu để chai vui, đám tang uống rượu để chia buồn.

Thật là khó cấm uống rượu, nếu như không nói là không thể cấm được. Trong lich sử cai trị nước Mĩ có vị tổng thống đã ban lệnh cấm uống rượu để rồi gây ra một trùm gangster buôn lậu rượu và giàu nhất nước Mĩ.

Tổng thống Liên Xô cũ Gorbatschow cũng đã cấm uống rượu! Và cũng để chế giễu điều đó, ở Tây đức cũ người ta đã sản xuẩt loại rượu Vodka-thứ rượu mà người Nga yêu thích, mang tên Gorbatschow với cái chai đựng rượu tạo dáng như một chiêc tháp ở điện Kremli-được xếp vào hạng best-seller ở Công hoà liên bang Đức.
Hình ảnh
Hải Thượng Lãn Ông từng khuyên : Bán dạ tam bôi tửu-Lương y bất đáo gia( nửa đêm uống 3 ly rượu- Thầy thuốc không phải tới nhà).

Các vua chúa Trung Hoa xưa khi dạo chơi trong vườn Thượng uyển cũng đã ngâm những lời thơ bất tử: Tửu-Nguyệt-Phong-Hoa vị phẩm đề, nghĩa là Rượu-Trăng-Gió-Hoa là những thứ không bút nào tả xiết!

Thế giới quanh ta có cái thuộc về lĩnh vực vật chất, có cái thuộc về lĩnh vực tinh thần , nhưng rượu thì lại là vừa là vật chất vừa là tinh thần. Người ta tiếc vì mua phải một thứ đồ đùng đắt giá , song không tiếc, thâm chí còn vui thích khi mua được một chai rượu đẹp, đát tiền. Văn hoá rượu ở nước ta cũng như các nước trên thế giới có lịch sử từ lâu đời là vì thế.

Rượu vốn đã là một nhu cầu thiết yếu từ thửa ban sơ của cộng đồng xã hội. Nguồn gốc của phát minh to lớn tìm ra rượu dường như hoà lẫn trong cái ánh sáng mờ ảo,bí ẩn của huyền sử thời lập quốc hay còn xa hơn thế của dân tộc ta ngay từ thủa Hồng Bàng “ Hồi quốc sơ, dân ko đủ đồ dùng, phải lấy cỏ cây đan áo, dệt cỏ gianh làm chiếu,lấy nước cốt gạo làm rượu…”
Hình ảnh
Chúc các bạn luôn ứng xử với rượu bia một cách đúng đắn như tiêu đề của bài viết đã đặt ra Văn hóa ứng xử với rượu bia
Hình đại diện của thành viên
tinhgv
 
Bài viết: 28
Ngày tham gia: Thứ 4 31/12/08 17:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi cubom03 » Chủ nhật 21/06/09 16:46

Cam on ban tinhgv đã có những bổ sung rất hay về giá trị của rượu. E rằng cũng giống như tôi, bạn là một fan của loại thức uống này. Rất mong có dịp gặp để cùng nhau "chén tạc chén thù" một phen.
Comment của bạn cho tôi biết thêm nhiều thông tin thú vị. Tôi tâm đắt với bạn về chuyên "rượu vừa có giá trị vật chất, vừa có giá trị tinh thần". Cho nên khi biếu quà thì rượu là một vật phẩm thích hợp trong nhiều trường hợp, nhiều mối quan hệ.
Bên cạnh đó, tôi có một số thắc mắc nhỏ, mong được bạn giải thích thêm cho rõ:
1/ Bạn nói rằng: con người nguyên thủy ăn thức ăn động vật trước rồi về sau mới ăn thức ăn thực vật (để rồi làm ra rượu nho) ? Nếu theo thuyết Tiến hóa của Darwin thì tiền thân của con người là khỉ, mà khỉ thì ăn các loại quả ở trên cây. Khi tiến hóa thành người, con người nguyên thủy vẫn còn giữ thói quen ăn thực vật, kết hợp với thịt của các con thú săn bắt được. Tôi suy luận như thế, bạn thấy thế nào ?
2/ Tôi suy nghĩ mãi mà không tìm được sự liên hệ nào giữa các từ Spirit (nghĩa là tinh thần) và Rượu. Bạn giải thích cho tôi với nhé.
Rất mong sớm nhận được hồi âm của bạn.
RANDOM_AVATAR
cubom03
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 9:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi dokhoa » Thứ 3 23/06/09 21:15

Theo mình tra từ điển thì thấy thế này: từ spirit là Tinh thần
Linh hồn, tâm hồn, Thần linh, thần thánh, quỷ thần, Tinh thần; lòng can đảm; sự hăng hái, nhiệt tình; nghị lực; khí thế.
Theo mình nghĩ rượu tác động trực tiếp đến tinh thần, đầu óc con người nên có sự liên quan với nhau chăng
HẠNH PHÚC LÀ ĐẤU TRANH
RANDOM_AVATAR
dokhoa
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 13/11/08 8:04
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi hoangdzao » Thứ 5 25/06/09 0:02

theo tôi từ lâu rượu đã tồn tại cùng con người, người ta dùng rượu(bia) có tổ chức và cũng vô tổ chức... Từ khi vui đến khi buồn, vừa để tăng giá trị sức khoẻ cho con người mà cũng làm hại sức khoẻ con người. Vậy vấn đề là gì???
Người ta bảo đó là liều lượng hay liều độ.
Vậy thì bao nhiêu là đủ là tốt?
Thực tế, trong cuộc sống tôi thường thấy người say bảo là chưa say, uống nhiều bảo là mới uống ti chút đỉnh
Theo bạn con người cụ thể ở Việt Nam thôi phải ứng xử với Rượu (bia) như thế nào??? trong khi rượu đã đi sâu, gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt. Bạn đã bao giờ thấy người Việt không cúng rượu cho người quá cố hay trong giỗ chạp chưa?
Tôi nghĩ, xưa kia có phần do điều kiện kinh tế không cho phép(không có) nên có thể có gia đình không có rượu trên ban thờ trong ngày tết, ngày giỗ... nhưng nếu điều kiện cho phép tôi tin rằng sẽ không thể thiếu rượu trên ban thờ.
Mặt khác rượu còn xuất hiện trong các nghi lễ của đời người đặc biệt người Á Đông, trong các nghi lễ cầu thánh thần...và trong cả các nghi lễ giết con trai(hoàng tử) để tế lễ cầu sức khoẻ của các ông vua.
Vấn đề đặt ra là ứng xử như thế nào cho phù hợp với văn hoá bản địa, theo thời cuộc bởi mọi thứ đều có tính đa chiều hoặc ít nhất cũng có hai mặt và rượu (bia) cũng không ngoại lệ./
RANDOM_AVATAR
hoangdzao
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 6 24/04/09 22:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi cubom03 » Thứ 5 25/06/09 11:23

Cảm ơn vấn đề mà ban hoangzdao vừa nêu, rất vui vì nó cũng trùng với suy nghĩ của tôi.

Vấn đề đặt ra là chúng ta nên ứng xử như thế nào trước những tác dụng và tác hại của bia rượu. Rõ ràng là nhiều lúc bia rượu bị cấm, nhưng rồi những cấm kỵ ấy lại bị vi phạm, ngay cả sức mạnh của niềm tin tôn giáo (như Ngũ giới của Phật giáo) cũng không làm gì được. Chúng ta từng thấy nhà sư Lỗ Trí Thâm trong Thủy Hử uống rượu và say rượu một cách đáng yêu như thế nào. Vì vậy, chỉ còn cách là giới hạn nó trong những trường hợp nhất định (khi lái xe, trong giờ làm việc nơi công sở, giờ học...), và tuyên truyền về tác hại của bia rượu cho mọi người.

Vấn đề còn lại là giáo dục gia đình và ý thức của mỗi cá nhân. Tôi có mấy người bạn phương Tây, khi concái đến tuổi trưởng thành, người bố phải dạy con uống rượu bia như thế nào, đến lúc trong người có cảm giác khác lạ thì phải dừng uống ngay. Như thế, thanh niên học được cách kiểm soát được mình mà không bị quá chén. Một số bạn bè của tôi cũng biết cách tự giới hạn mình, một người bạn của tôi luôn luôn nhập cuộc trong các cuộc nhậu, nhưng lúc nào cũng chỉ uống 1 chai bia, hoặc 1 ly rượu, không hơn, không ai có thể nài nỉ anh ta uống thêm 1 giọt nào. Ba tôi mỗi bữa ăn đều có 1 cốc rươu nhỏ, đều đặn như thế suốt mấy mươi năm. Tôi nghĩ, thái độ chủ động trong uống bia rượu giúp ta có thể hạn chế những tác hại của nó khi mà ta không thể nào cấm người ta uống bia rượu.

Suy nghĩ của tôi như thế, có viễn vông và ảo tưởng quá chăng ?
RANDOM_AVATAR
cubom03
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 9:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi hoangdzao » Thứ 6 26/06/09 9:07

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn, thế nhưng thực tế luôn luôn không tuân theo ý bạn muốn.
Như tôi đã đề cập ở trên: Có người tuy đã ngấm say bảo là chưa say, uống nhiều bảo là mới uống một chút đỉnh...hoặc có thể khi uống không có cảm giác say nhưng sau đó thì... Mặt khác liều lượng không thể như bạn nghĩ bởi có lẽ phải tùy người, tùy thể trạng và tùy tình trạng sức khỏe. Người uống được thì một chai bia hay một cốc rượu(cốc to, cốc nhỏ, có cốc lên tới 1/2 lit ???) là chuyện bình thuờng để kiểm soát bản thân cũng như hành động. Nhưng với một số người khác một chai bia cũng có thể không kiềm chế được bản thân... Và như thế các hành động nhẹ thì gây rối, mất trật tự, nặng thì lái xe gây tai nạn, hiếp dâm, đánh lộn thậm trí dẫn đến án mạng... Đây là một trong nhiều nguyên nhân xấu do rượu(bia) làm chất xúc tác.
Còn những ưu điểm thì sao? Tôi nghĩ nó cũng có rất nhiều đóng góp cho đời sống của con người thực tại và cả đời sống tâm linh. Xưa kia ở ta từng cấm nấu rượu nhưng bạn thấy ngày nay còn cấm không? Tôi chỉ thấy cấm sản xuất và buôn bán rượu bia giả mà thôi.
Đứng trước rượu (bia) hiểu biết của tôi bị hạn chế, có gì sai lệch bạn giải thích hay hiệu đính giúp nhé./
RANDOM_AVATAR
hoangdzao
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 6 24/04/09 22:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi cubom03 » Thứ 6 26/06/09 15:05

Cảm ơn bạn dokhoa đã cho tôi một gợi ý rất hay về sự liên hệ về mặt ngữ nghĩa giữa Spirit và Rượu. Tôi vừa xem lại trong từ điển thì Spirit, ngoài nghĩa thông thường là tinh thần, linh hồn, còn mang nghĩa là cồn hay rượu mạnh. Như vậy, Spirit đồng nghĩa với Alcohol. Chúng ta biết rằng mỗi một từ ngữ nào đó thường có đa nghĩa, và Spirit cũng không là ngoại lệ. Vì vậy, để tránh hiểu nhầm, chúng ta phải đặt từ đó vào trong ngữ cảnh để tìm ra nghĩa nào thích hợp nhất.
Vậy thì chúng ta có thể đúng khi suy luận rằng do rượu tác động đến tinh thần con người nên có lúc người ta đã dùng từ Spirit, nghĩa là tinh thần, để chỉ Rượu. Mặt khác, thực tế có thể không đúng như thế. Bởi ngôn ngữ có tính võ đoán, người ta gọi vật này là A, vật khác là B một cách ngẫu nhiên, hoàn toàn không có một lý do nào. Bạn nghĩ sao về khả năng này ?
RANDOM_AVATAR
cubom03
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 9:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi cubom03 » Thứ 6 26/06/09 15:28

Bạn hoangzdao thân mến,
Tôi nghĩ những ý kiến của bạn vừa nêu là hợp lý, và đúng với thực tế cuộc sống. Ý thức của con người rất khó kiểm soát. Một khi người ta không tự ý thức được thì sự kêu gọi, tuyên truyền, giáo dục từ gia đình và cộng đồng là quan trọng. Chúng ta phải làm theo kiểu "mưa lâu thấm đất", để dần dần hạn chế những tác hại của rượu bia. Nếu không được nữa thì... xin đầu hàng chịu thua.
Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến lâu dài, kéo dai dẳng qua nhiều thế hệ. Nhưng tôi là một người lạc quan cố hữu. Nếu mọi người đều có cách làm tốt thì các thế hệ tương lai sẽ nhận thức đầy đủ hơn và chủ động hơn trong ứng xử với loại thức uống đặc biệt này.
Chúng ta hãy thử bàn để hiểu rõ hơn về cách tuyên truyền, giáo dục, tôi có một câu hỏi cho bạn: nếu em bạn hoặc con bạn nghiện rượu thì bạn phải làm thế nào ?
RANDOM_AVATAR
cubom03
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 9:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa ứng xử với rượu bia

Gửi bàigửi bởi taquangdongk15 » Thứ 6 07/08/09 10:02

Chào bạn, câu hỏi của bạn rất thiết thực với cuộc sống.
Nếu em tôi hoặc con tôi nghiện rượu thì tôi sẽ làm những điều như bạn đã nói trong bài viết. Tôi sẽ nhắc lại những điều đó và xin bổ xung thêm một vài ý kiến của bản thân mình.

Trước hết chúng ta cần phân biệt giữa hay uống rượu với nghiệm rượu.
Tôi thích câu nói của bạn tinhgv: Nói đến rượu người ta dễ nghĩ tới khía cạnh xấu: nghiện rượu hoặc nát rượu!
Theo từ điển tiếng Việt (Nxb Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng 2004): “Nghiện là ham thích đến mức thành thói quen khó bỏ”. Đúng là khó bỏ thật, khi rượu đi vào thế giới thói quen của chúng ta, nó đã lan tỏa đi mọi ngóc ngách của cơ thể, tâm hồn và là một thành tố hóa học của cơ thể và cái đầu thông minh của chúng ta cũng không thể quyết định từ bỏ nó một cách dễ dàng. Vì vậy, không nên gượng ép con cái chúng ta từ bỏ nó một cách khiên cưỡng như một số gia đình đã làm, điều đó chỉ làm cho sự việc càng trở nên rắc rối hơn. Khuyên chồng cũng vậy! :| Hãy làm những điều để cho người nghiện có thể sử dụng rượu một cách có ý thức và sử dụng rượu như một phương thuốc hữu ích cho con người. chẳng hạn như bạn đã viết … “Nếu được sử dụng với một liều lượng vừa phải, ở những không gian, thời gian và chủ thể thích hợp thì rượu bia có tính giá trị của nó như chống lại bệnh về động mạch vành của tim, tăng tuổi thọ, bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý cho nam giới, có tác dụng xả stress, tạo cảm giác hưng phấn, sáng tạo nghệ thuật…”.Khi đã gọi là thuốc chữa bệnh thì có được gọi là nghiện nữa không? Cách này, không những người ta có thể hạn chế rượu mà còn có thể quên lãng nó luôn :D

Thường chúng ta sợ con cái chúng ta uống rượu nhưng người Thái lại sợ con cái họ không biết uống rượu. Trong bữa rượu của người Thái, người con trai nhỏ cũng được rót một ly như người lớn. Tôi có hỏi: Chiều cháu phải học văn hóa (lớp 3) cho cháu uống rượu làm gì? Chủ nhà trả lời: đó là phong tục, nó có uống rượu thì nó mới mời ông bà tổ tiên chứ! Theo phong tục người Thái, chén rượu đầu tiên phải đổ xuống đất một ít để mời ông bà tổ tiên. Nhiều khi, cái gì càng giữ gìn, bảo tồn thì lại càng dễ bị mai một; cái gì càng ngăn cấm lại càng phát triển :P

Trong dân uống rượu quan niệm ứng xử với rượu có 2 loại: người uống rượu và rượu uống người.
Người uống rượu: con người có thể kiểm soát được hành vi, ý thức của bản thân trong khi uống rượu. Họ uống rượu để mang lại hưng phấn cho mình và mang lại niềm vui cho người khác.
Rượu uống người: Khi uống rượu, con người không thể kiểm soát được hành vi, ý thức của bản thân và họ thường gây ra những hậu quả xấu cho mình và những người khác.
Nói thì cụ thể như thế nhưng trong thực tế uống rượu thì rất trừu tượng. có lúc, tôi thấy rượu giống như một chiếc kính lúp, có lúc lại giồng như một chiếc kính đổi màu, có lúc lại giống như chiếc kính dị dạng ở nhà giương… vì thế mà khi suy nghĩ của chúng ta cũng luôn thay hình đổi dạng: có lúc được phóng to, thu nho; có lúc thì huyền ảo lung linh…Vì vậy, mà việc kiểm soát nó cũng phải hiếu theo ý nghĩa linh hoạt. tức là phải cảm nhận được các trạng thái thay đổi của tâm hồn và cơ thể trong khi uống rượu :oops:
Tạm kết: Tôi đồng ý với các bạn, rượu rất hay nhưng chúng ta cũng phải cảnh giác với nó.
Có người đã từng nói về rượu “là nước đấy mà lại là lửa đấy”- nó có thể tạo ra sự sống nhưng cũng có thể thiêu cháy chúng ta :roll:
RANDOM_AVATAR
taquangdongk15
 
Bài viết: 10
Ngày tham gia: Thứ 7 11/07/09 17:31
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến18 khách