"Buôn" dưới góc nhìn văn hoá

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

"Buôn" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi havanduc » Thứ 2 22/06/09 15:04

“BUÔN” DƯỚI GÓC NHÌN
VĂN HOÁ.

Trong những năm gần đây, chủ đề buôn được chú ý đến khá nhiều, xuất phát từ việc các nhà nghiên cứu kinh tế học phát hiện ra rằng các công ty nhỏ có đóng góp rất đáng kể đến sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế. Hơn thế, nhiều người đã chọn sự nghiệp buôn bán nhỏ vì vốn không cần lớn mà chúng đem lại nhiều lợi ích kinh tế và tâm lý hơn là con đường làm việc với các doanh nghiệp lớn.
Ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong cuốn “Việt Nam phong tục”, Cụ Phan Kế Bính viết:“Việc lý tài chung của một nước trọng nhất là sự buôn bán. Đường buôn bán có thịnh thì nước mới thịnh, đường buôn bán mà suy thì nước cũng suy”.
Như vậy có thể thấy buôn cũng là một nghề, nghề “đặc biêt” cần được coi trọng và phát triển. Nhưng buôn cái gì, buôn như thế nào, vì lợi ích của ai…?. Đó là điều cần phải bàn.
I. Văn hoá nhận thức về buôn.
Có rất nhiều định nghĩa về buôn bán có thể tìm thấy trong ngôn từ mô tả các quá trình kinh doanh. Định nghĩa sớm nhất về buôn ra đời từ thế kỷ thứ XVIII, coi đó là một thuật ngữ kinh tế mô tả quá trình chấp nhận những rủi ro của việc mua hàng ở một mức giá nào đó cố định để rồi bán lại với mức giá khác không cố định.
Theo từ điển Tiếng Việt, buôn là mua để bán với giá cao hơn để lấy lãi. (Lái buôn là người chuyên nghề buôn bán lớn và buôn bán đường dài).
Buôn là một phạm trù bao gồm cả mua và bán. Như vậy, người buôn vừa là người mua hàng, vừa là người bán hàng.
Xét về tính lịch sử, nghề buôn đã có từ rất lâu, nhất là ở những khu vực không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, người ta phải sống du mục và buôn bán. Một trong những thành tựu của nền văn minh Hy – La rực rỡ là thương nghiệp, tức là buôn bán. Từ thời kỳ đó, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã rất giỏi về buôn bán và họ đã buôn bán với các quốc gia xa xôi bằng cả đường bộ và đường thuỷ. Ở Việt Nam cũng đã tìm thấy 3 chiếc bình đựng rượu nho của người Hy – La cổ đại ở tỉnh Kiên Giang.
Ở Phương Đông, người Trung Hoa rất coi trọng nghề buôn bán. Theo quan niệm xưa, người đi buôn có thứ đạo riêng, không cao siêu huyền bí, không lập thuyết, mà thể hiện qua những cách hành xử rất cụ thể, thể hiện tư tưởng tự do và khoáng đạt, gần gũi với tự nhiên của con người:“ Đạo nào vui bằng đạo đi buôn, xuống bến lên nguồn gạo chợ nước sông”. Từ thế kỷ thứ II Sau CN, người Trung Hoa đã mở rộng buôn bán với phương Tây, họ là làm ra con đường tơ lụa trong lịch sử để trao đổi, buôn bán với các khu vực Tây Á, Nam Á, châu Âu… Như vậy, có thể nói nghề buôn ra đời rất sớm.
Xét theo tính nhân sinh, buôn là hoạt động do con người tạo ra nhằm phục vụ chính nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của con người.
Xét theo tính giá trị, trong xã hội, ai cũng có nhu cầu ăn, mặc và các nhu cầu khác, nhưng một người không thể làm ra được tất cả những nhu cầu thiết yếu phục vụ cho mình. Chính vì vậy, từ khi còn mông muội, loài người đã có sự phân công xã hội. Chính sự phân công xã hội và sự chuyên môn hoá đã phát sinh ra sự trao đổi, giao thương. Nghề buôn chính là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hay nói cách khác, nghề buôn còn có chức năng điều chỉnh sự cân bằng nhu cầu xã hội. Buôn mang tính xã hội.
Nhà buôn mang hoàng hoá từ nơi có nhiều hoặc thừa, cung vượt câù đến những nơi không có hoặc thiếu, cầu vượt cung. Vì vậy, dưới góc độ kinh tế - xã hội, buôn cũng góp phần điều tiết kinh tế và ổn định xã hội.
Nghề buôn không những chỉ có giá trị đơn thuần giải quyết nhu cầu về mặt kinh tế mà nó còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Cách đây ngót một thế kỷ, Cụ Lương Văn Can đã khẳng định: mỗi nghề đều có một cái “đạo”, hay nói cách khác là một triết lý riêng cho nghề. Làm nghề buôn bán, ấy là nghề làm giàu không chỉ cho bản thân mà cho cả xã hội… Đạo “Kinh doanh chính là phụng sự xã hội”.
Tính hệ thống của buôn, trải qua một quá trình lâu dài và qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội, nghề buôn ở mỗi nơi, vùng, miền, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc…cũng đã có nhiều thay đổi từ cách gọi cho đến phương thức, cách thức buôn. Ví dụ trong cách gọi: Buôn bán-> trao đổi -> giao thương -> kinh doanh, và người buôn -> thương gia, thương nhân -> doanh nhân. Tuy cách gọi có khác nhau nhưng nội hàm của chúng vẫn là việc buôn bán.
II. Văn hoá tận dụng buôn.
Buôn là một hình thức lưu thông hành hoá. Kết quả của buôn đem lại là đáng kể
Trước hết, mục đích của buôn là để kiếm tiền, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, phát triển kinh tế gia đình. Ăn, mặc, ở, đi lại, học hành... là nhu cầu thiết yếu của con người. Để có được điều kiện sinh hoạt tốt và tiến tới tích luỹ để làm giàu, con người phải tìm những công việc để làm, một trong những công việc đó là đi buôn. Đi buôn là một trong những nghề không cần nhiều đến sự học vấn cao, vấn đề là phải tính được lãi ít hay nhiều, độ rủi ro cao hay thấp, tính đến các yếu tố có thể tác động đến trong quá trình buôn.
Thứ hai: Buôn góp phần không nhỏ trong việc lưu thông hàng hoá, điều tiết cung - cầu trên toàn lãnh thổ, làm cho mọi người ai cũng được hưởng những thành quả của quá trình phát triển.
Thứ ba: Buôn cũng góp phần tăng thu nhập quốc gia bằng các chính sách thuế và bằng những kết quả về mặt xã hội do nó đem lại.
Thứ tư: Trong xã hội, nghề buôn cũng tạo khá nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm thất nghiệp, ổn định xã hội.
Xét theo chủ thể: chủ thể của buôn là người buôn, không kể già, trẻ, gái, trai, sang, hèn, quý tộc hay bình dân, trình độ nhận thức... Tuỳ thuộc vào khả năng của mình để chọn cho mình hình thức và quy mô phù hợp.
Xét theo thời gian: người ta có thể buôn bán bất kể thời gian nào, kể cả ngày lẫn đêm, miễn là có nhu cầu thì đều được đáp ứng, đồng thời đem lại cho người buôn lợi nhuận.
Xét theo không gian: Buôn là một hoạt động linh hoạt và sâu rộng. Chỉ trừ những nơi bị cấm, người ta có thể buôn ở mọi lúc, mọi nơi. Buôn có buôn “tĩnh” và buôn “động”. Buôn “tĩnh” là buôn cố định trong các kiốt, của hàng, tại nhà hoặc trong các chợ; còn buôn “động” là buôn từ nơi này sang nơi khác. Buôn động là buôn khá phổ biến từ xưa tới nay. Loại buôn động nó có thể đi đến các nơi, bất chấp mọi địa hình, khoảng cách, thậm trí buôn xuyên đại dương, xuyên quốc gia như người Hy – La cổ đại và người Trung Quốc trung đại (con đường tơ lụa) đã làm; và ngày nay loại buôn này rất phổ biến nhằm mục đích tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá, thu đựơc lợi nhuận cao. Như vậy, không gian buôn không chỉ bó hẹp trong một địa phương, vùng, miền, quốc gia hay khu vực mà mở rộng ra khắp thế giới.
III. Văn hoá đối phó với buôn.
Trong mỗi xã hội, mỗi cộng đồng người hay quốc gia có cách nhìn nhận về nghề buôn khác nhau. Ở Việt nam, do là một nước nông nghiệp, tự cung, tự cấp cho nên cư dân Việt Nam chủ yếu sống theo cộng đồng lấy làng xã là đơn vị hành chính mang tính khép kín, nên trước đây, người Việt nam không coi trọng nghề buôn, thậm trí cho nghề buôn là một nghề xấu xa, vì vậy gọi buôn là “phe”, đi buôn là “đi phe”, nghề buôn bán là “phe phẩy” và người đi buôn thì gọi là “đi phe”, “con phe”… để miệt thị nghề buôn và người đi buôn.
Người Trung Quốc và nhiều nước ở châu Âu rất coi trọng buôn bán (trọng thương) nên trong cách gọi cũng biểu hiện sự tôn trọng đối với nghề này như: thương nghiệp, thương nhân…
Buôn là một nghề cần vốn, nguy hiểm và có nhiều rủi ro có thế xẩy ra. Vì vậy, để phòng tránh nó, người ta đã hợp lại với nhau thành nhóm, thành hội, “Buôn có hội, bán có phường” nhằm tạo ra sức mạnh tập thể, mở rộng quy mô và địa bàn; có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và chống lại những nguy hiểm hoặc rủi ro trong quá trình buôn bán.
Trên bình diện tổ chức, quốc gia:
- Trước hết, đối với nghề buôn chân chính, nó mang lại lợi ích cho cá nhân, cộng đồng và xã hôi. Mặt khác, nó không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà cả lợi ích về mặt xã hội. Vì vậy, các quốc gia, cộng đồng luôn coi trọng nó, tạo điều kiện cho nó phát triển bằng các chế tài, các văn bản pháp luật hoặc các quy ước đảm bảo cho việc buôn bán được thuận lợi, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra đối với công việc buôn bán và người, tổ chức buôn bán.
- Đối với buôn gian, bán lậu, buôn bán hàng cấm là những loại buôn có ảnh hưởng xấu đến xã hội và sự phát triển của cộng đồng, quốc gia. Vì vậy, để đối phó với các loại buôn này đòi hỏi các tổ chức, các quốc gia có những chế tài, luật pháp xử phạt nghiêm khắc. Từ xưa tới nay, ở các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã rất kiên quyết bài trừ, xử phạt đối với các loại buôn này với mức án từ phạt tù đến án tử hình được thể hiện trong luật pháp, các quy định pháp luật khác cũng như trong những quy ước, hương ước cộng đồng. Người ta cũng làm ra những quy ước quốc tế về buôn bán và chống lại việc buôn gian, bán lậu, bán hàng cấm như quy ước về chống ma tuý, chống buôn người, chống gian lận thương mại…
IV. Văn hoá sùng bái buôn.
Trong các xã hội, dù mỗi người, mỗi cộng đồng người có cách nhìn nhận và quan điểm khác nhau về buôn, nhưng những gì nó đem lại đều liên quan đến tất cả mọi người từ mặt tích cực đến những tiêu cực. Chính vì vậy, không ai không quan tâm đến buôn, dù ít hoặc nhiều. Thậm trí rất sùng bái buôn. Vì kế sinh nhai, hoặc vì lợi ích của nó đem lại, người ta sẵn sàng chịu vất vả, chấp nhận những rủi ro nhất thời, thậm trí chấp nhận cả những nguy hiểm đến sinh mạng để buôn.
Buôn có buôn chân chính, buôn lậu, buôn hàng cấm (cả buôn người). Trong đó:
- Buôn chân chính: là buôn những thứ được phép và theo quy định của pháp luật. Loại buôn này thường giá cao, lợi nhuận thấp, có hiệu quả tích cực về mặt xã hội.
- Buôn lậu là buôn trốn thuế, lách luật. loại buôn này thường có giá thấp hơn, lợi nhuận lại cao, nhưng lại gây thất thu cho ngân sách, gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội.
- Buôn hàng cấm như: Ma tuý, buôn người, buôn hàng giả. Loại buôn này đem đến siêu lợi nhuận nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với xã hội.
Buôn lậu và buôn hàng cấm cũng đã xuất hiện từ rất lâu, mặc dù biết là phạm pháp, gây bất ổn cho xã hội nhưng vì lợi nhuận của nó đem lại mà người ta có thể sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để cạnh tranh, thậm trí đánh, giết, thanh toán nhau giữa các nhân với cá nhân hoặc giữa các băng nhóm, thậm chí giữa các quốc gia.
Tuy ở Việt Nam ta trước đây, nói đến nghề buôn bán hầu hết mọi người mọi người đều dành cho những người làm nghề này một cái nhìn thiếu thiện cảm. Tuy vậy, không phải người ta không sùng bái “Buôn”. Minh chứng cho sự sùng bái của người Việt có thể kể đến việc người ta đặt tên cho nhiều phố ở Hà Nội (Thăng Long xưa) gắn với các nghề sản xuất và buôn bán như: Hàng Gai buôn bán hàng thêu, Hàng Da, Hàng Chè, Hàng Trống, Hàng Khay, Hàng Bài, Hàng Tiện, Hàng Đồng, Hàng Mã, Hàng Đào, Hàng Dầu và Hàng Bè buôn bán giày dép, Hàng Khoai buôn bán đồ sứ…Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn năm phố nghề còn hoạt động là:
1. Phố Hàng Thiếc: Nghề chính của đa số cư dân này là sản xuất và buôn bán các loại sản phẩm từ tôn và sắt tây.
2. Phố Lò Rèn: Sản xuất các sản phẩm từ sắt như cửa sắt kéo, khung cửa sổ bằng sắt…
3. Phố Hàng Hòm: Sản xuất và kinh doanh các loại hòm, thùng sắt, tôn, gỗ...
4. Phố Hàng Bạc: Chế tác và kinh doanh vàng bạc.
5. Phố Hàng Tiên (Tố Tịch): Phổ biến là nghề tiện gỗ.
V. Văn hoá lưu luyến buôn.
Nghề buôn, như đã nêu, là một nghề mang tính xã hội sâu sắc và tính lan toả rộng, hiện hữu trong mỗi con người, mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Có thể coi nghề buôn là một nghề truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật có đề cập khá nhiều đến nghề buôn. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến “Văn hoá lưu luyến buôn” qua truyện dân gian, ca dao, tục ngữ và phong tục tập quán của nước ta. Xin trích dẫn trong bài bài viết của GS-TS Nguyễn Xuân Kính với nhan đề “Người buôn bán dưới cái nhìn của tác giả dân gian” đăng trên trang web. “Văn hoá Doanh nhân”:
“Trong truyện dân gian, thấp thoáng đây đó chúng ta cũng bắt gặp người lái buôn thật thà, trung hậu. Trong truyện Con mụ Lường, có hai vợ chồng người phú thương trẻ tuổi. Chàng thường dong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về. Một lần đến Hạ Châu, chàng bị lừa gạt, bị mất sạch cả thuyền hàng, các tùy tùng, thuỷ thủ, thậm chí cả chàng cũng bị sung làm nông nô. Tin tưởng vào tính nết tốt của những người tuỳ tùng, tin tưởng vào sự thông minh, can đảm và chung thuỷ của vợ, chàng đã nghĩ cách để bản thân mình và những kẻ tuỳ tùng được trả tự do, vợ chồng lại được đoàn tụ và có ngờ đâu của cải lại giàu lên gấp bội.
Trong truyện Người đàn bà bị vu oan, nếu người lái buôn tên là Lý không tin vào sự chính chuyên của phụ nữ, thì người lái buôn tên là Tình lại khẳng định sự đoan chính, tiết hạnh của người phụ nữ, nhất là người vợ của chàng, một người đã đẹp người lại tốt nết.
Trong kho tàng truyện dân gian, có câu chuyện về vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Chử Đồng Tử là người con chí hiếu, sau khi gặp gỡ công chúa Tiên Dung, hai người đã kết thành vợ chồng, cùng nhau mở bến chợ, lập phố xá, cùng dân buôn bán. Vợ chồng Chử Đồng Tử không chỉ kinh doanh ở Hưng Yên mà còn ra hải ngoại buôn bán. Vợ chồng Chử Đồng Tử đã được phú thương ngoại quốc thờ làm chúa. Sau này Chử Đồng Tử và Tiên Dung bỏ nghề buôn, theo đạo tu tiên. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Chử Đồng Tử đã cưỡi rồng hiện về giúp Triệu Quang Phục đánh thắng giặc Lương. Câu chuyện này được ghi lại trong sách Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Theo nhiều tài liệu, sách này được biên soạn từ thế kỷ XV. Trải qua nhiều cơn binh lửa, lại có sự huỷ hoại của thời gian và không loại trừ sự đốt phá của giặc Minh đối với thi thư nước Việt, đáng tiếc thay những bản sách thời đó đã không hiện tồn. Văn bản thuộc loại sớm nhất ghi chép truyện Chử Đồng Tử còn lại đến nay là văn bản được chép vào năm Chính Hoà 16 tức là năm 1695 đời vua Lê Hy Tông.
Chử Đồng Tử là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử trong tâm thức dân gian nước Việt. Những người buôn bán đã suy tôn Chử Đồng Tử là ông tổ của nghề nghiệp mình.
Trong ca dao, tục ngữ, cũng có nhiều lúc người dân xưa thông cảm với nỗi vất vả của người buôn bán:

+ “Đi buôn bữa lỗ bữa lời, ra câu giữa vời bữa có bữa không”
+ “Làm bạn với sông giang mất cả quang lẫn gánh”.
Đi buôn bán phải qua thuyền bè có khi gặp nguy hiểm sông nước, mất cả vốn.
+ “Nằm đất hàng hương hơn nằm giường hàng cá”
+ “Thứ nhất thì mồ côi cha, thứ nhì gánh vã, thứ ba buôn thuyền”.
Xã Sơn Đông (thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) có nghề ép dầu dọc, vừa sản xuất vừa bán, có chợ Gốm trên bến dưới thuyền, xã lại có nghề hàng xay hàng xáo nên phụ nữ ở đây rất vất vả, tất bật:

Làm thân con gái Sơn Đông
Cơm ăn nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm.
Dường như người bình dân chủ yếu hướng sự chê bai, bày tỏ thái độ thiếu thiện cảm với lái buôn gia súc, với những người buôn bán lớn, những người buôn bán ở đô thị sau này. Còn đối với những người làm nghề buôn bán nhỏ, đặc biệt là đối với những người phụ nữ buôn bán nhỏ thì tình cảm, sự nhìn nhận, đánh giá của người bình dân lại khác.
Người phụ nữ buôn bán đâu phải vì mình, mà vì những người khác, vì để nuôi con nên người, vì mẹ già:
+ Bấy lâu buôn bán nuôi ai
Cái áo em rách cái vai em mòn!
+ Bấy lâu buôn bán nuôi con
áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai.
+ Bậu buôn bán nuôi ai
Bậu dầm sương nhẫn nại
Bậu buôn bán nuôi mẹ già, nào nại tấc công.
Ở một bộ phậm dân chúng, buôn bán là một nghề chính đáng, cần thiết, cần phải học:
Con gái lớn ơi mẹ bảo đây này
Học buôn học bán cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười
Dù no dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan
Phòng khi đóng góp việc làng
Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng
Trước là đẹp mặt cho chồng
Sau là họ mạc cũng không chê cười
Con hãy nhớ bấy nhiêu lời!
Lời ca dao sau cho thấy người đi buôn phải biết “mùa nào thức ấy”:
Em là con gái Phú Khê
Lấy chồng kẻ Xá lành nghề đi buôn
Đầu sông cho chí ngọn nguồn
Cùng năm chí tối đi buôn cả đời
Tháng tám quảy gánh buôn rươi
Tháng chín buôn mít tháng mười buôn cau
Tháng một quảy gánh buôn trầu
Tháng chạp buôn bấc buôn dầu buôn hương
Tháng giêng vào Nghệ buôn đường
Tháng hai tiện mía, tháng ba sang nạo dừa
Tháng tư quảy gánh buôn dưa
Tháng năm cấy hái cày bừa lấy công
Tháng sáu quảy bị buôn bông
Tháng bảy buôn mít, buôn cùng cả năm.
Trong xã hội cổ truyền, người vợ tần tảo buôn bán nuôi chồng ăn học là một hình mẫu đẹp:

Em ơi, em ở cho ngoan
Một hai năm nữa lo toan cửa nhà
Em ơi đừng phụ mẹ già
Một vài năm nữa lo nhà cho anh
Em thời buôn bán cho lanh
Để anh chăm chỉ học hành cho thông
Mai sau anh đậu quận công
Em làm chính thất xem trông cửa nhà
Trước thời nên thất nên gia
Sau thời trả nghĩa mẹ cha sinh thành.
Ở thôn Phú Nhiêu xưa, nay thuộc xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, còn lưu truyền lời ca dao:
Em là con gái Phú Nhiêu
Tuy chẳng mỹ miều, nhưng đảm bán buôn
Đòn gánh tre em vót cánh chuồn
Mùa nào thức ấy em buôn kịp thời...
Có lúc hình ảnh những người buôn bán thật là thơ mộng, lãng mạn:
Cơm chiên ăn với cá ve
Thiếp đây chàng đấy buôn bè ra khơi.
Ca dao Nam Bộ có lời:
Đạo nào vui bằng đạo đi buôn
Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông.
Đúng là những người buôn bán chân chính có đạo lý của họ, có những quy ước bất thành văn. Họ cho rằng, việc làm ăn thật thà, thái độ đàng hoàng là việc làm có lợi, là thái độ cần thiết trong nghề buôn:
+ “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”;
+ “Cao thành nở ngọn mọi bọn mọi đến”;
+ “Khách nhớ nhà hàng, nhà hàng không nhớ khách”;
+ “Buôn cửa tiền cửa hậu, chẳng thèm buôn bờ giậu chó chui”.
Những người buôn bán hiểu rằng: “Buôn có bạn, bán có phường”; “Đi buôn nhớ phường, đi đường nhớ lối”.
Theo tài liệu của tác giả Lương Đức Nghi, ở thôn Phú Nhiêu (Hà Tây), từ những thế kỷ trước đã hình thành phường cả, một tổ chức của những người buôn bán kinh doanh. Từ những người buôn bán nhỏ, bán hàng rong cho đến những người có cửa hàng, cửa hiệu ở những thành thị lớn, nhỏ trong cả nước đều có thể tham gia phường này. Họ có ý thức về cội nguồn, về quê hương, hễ cửa hàng, cửa hiệu nào có chữ Phú thì hầu hết là cửa hàng của người Phú Nhiêu: Phú Hải, Phú Nam Hưng, Phú Hiển (Nam Định); Phú Thịnh, Phú Phong (Ninh Bình); Phú Thương (Hà Nội); Phú Bảo (Hải Phòng); Phú Gia (Hưng Yên); Phú Nguyên (Thái Nguyên); Phú Thượng (Quy Nhơn). Những người trường vốn, có cửa hàng, cửa hiệu, có kinh nghiệm trên thương trường đều có thể là thầy buôn và nhận đầy tớ, tức là những học trò từ buổi ban đầu “đòn ống đôi bồ” cho đến khi có thể mở cửa hàng, cửa hiệu buôn bán riêng. Thầy giúp vốn liếng, kinh nghiệm. Thầy đã cấp vốn thì không bao giờ đòi nợ, còn đầy tớ thì cũng ghi công ơn thầy đến mấy đời, suốt đời coi bố mẹ buôn như bố mẹ đẻ, sống tết, chết giỗ. Họ kính trọng cha mẹ buôn hơn cả cha mẹ đẻ. Có câu: Mẹ chồng mẹ vợ không sợ bằng mẹ buôn. Có một người đi theo thầy buôn là cụ Phó Đệ, sau trở thành nhà buôn Phong Phú giàu nhất nhì làng. Ông Kiếm theo thầy buôn là cụ Lơn đã thờ hai cụ Lơn suốt đời, đến đời con vẫn còn theo giỗ, tết. Cụ Liền có ba người trò buôn là ông Hội, ông Xảo, ông Mang. Anh Phần là con ông Mang đã theo giỗ, tết đến đời cháu. Trong khi đó, ông Bản là con cụ Liền thì lại được cụ cho theo cụ Nhắc làm đầy tớ học nghề buôn bán, cụ muốn con mình được người khác dạy bảo để được thành tài hơn.
Như vậy, trong văn hoá và tiềm thức của người Việt, nghề buôn cũng đã có vị trí nhất định. Để kết thúc bài viết này, xin lại được trích dẫn lời của Cụ Phan Kế Bính nói về vị trí và vai trò của nghề “BUÔN” như sau :“Việc lý tài chung của một nước trọng nhất là sự buôn bán. Đường buôn bán có thịnh thì nước mới thịnh, đường buôn bán mà suy thì nước cũng suy”.
Do khả năng và sự hiểu biết còn hạn chế nên sự phân tích và chứng minh chưa được sâu sắc, chưa biết cách đưa được hình ảnh minh hoạ kèm theo. Kính mong Thày và các bạn góp ý để làm sáng tỏ hơn về nội dung của đề tài.
Xin chân thành cảm ơn và tiếp thu ý kiến.
RANDOM_AVATAR
havanduc
 
Bài viết: 12
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 10:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Buôn" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi hoangdzao » Thứ 6 26/06/09 21:54

Buôn - bán thực ra chỉ là một thuật ngữ dùng để giao lưu, thông thương hàng hoá và tiền tệ...
Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hoá do đó việc buôn bán hàng hoá không chỉ dừng cho trong phạm vi lãnh thổ nên "Buôn" dưới góc nhìn văn hoá là vấn đề nóng đáng để chúng ta thảo luận.
Theo đài, báo mấy năm gần đây thì do chạy theo lợi nhuận một số doanh nghiệp đã bất chấp buôn bán phá giá, hàng kém chất lượng đã dẫn đến nhiều vụ kiện tụng, ảnh hưởng tối các doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng cả tới người sản xuất. Mất uy tín với các nước mà chúng ta thông thương hàng hoá...
Vậy "chữ tín" trong văn hoá ứng xử, tận dụng... được những người làm nghề buôn bảo vệ như thế nào để cùng có được lợi nhuận, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá của người Việt.
RANDOM_AVATAR
hoangdzao
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 6 24/04/09 22:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Buôn" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi havanduc » Thứ 7 27/06/09 11:14

Trước hết, xin cảm ơn hoangdzao đã đặt ra những vấn đề rất hay trong bối cảnh hiện nay.
Thường có câu “một lần mất tín, vạn lần mất tin”.Trong đời thường cũng như trong kinh doanh, Tín chính là lòng tin (chí ít) giữa hai chủ thể - người này với người khác doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác rộng hơn là giữa một người với nhiều người, một doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp và người kinh doanh với người tiêu dùng...
Chữ Tín được bắt đầu từ những cam kết. Giữa hai người đã hứa hẹn với nhau, cho dù khó khăn cản trở nhưng vẫn làm đúng những gì đã hứa. Vậy là ta đã có chữ Tín với bạn. Giữa các doanh nghiệp thì cam kết chính là Hợp đồng kinh tế. Nó bao gồm nhiều điều khoản mà quan trọng nhất (với doanh nghiệp thực hiện) là giá cả, số lượng, chất lượng và thời hạn giao hàng, và cuối cùng là vấn đề khuyến mãi và hậu mãi.
Bàn về chữ “tín”kinh doanh, Cụ Lương Văn Can cho rằng "kinh doanh phải hiểu nghĩa". Ông viết: "Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy!..."
Đặc điểm nổi bật của văn hóa dân tộc là coi trọng tư tưởng nhân bản, chuộng sự hài hoà, tinh thần cầu thực, ý chí phấn đấu tự lực, tự cường… đây là những ưu thế để xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc Việt Nam trong thời hiện đại.
Còn người Việt Nam, đạo đức kinh doanh thường được thể hiện qua những câu ngạn ngữ như “Bán buôn gìn giữ ngay lòng, chớ cho ai lận chớ hòng lận ai”, hay “Mãi mại thuận nhân tình”, nghĩa là việc buôn bán phải phù hợp với tình người, với đạo làm người.
Những người buôn bán chân chính rất coi trọng chữ tín, luôn lấy chữ tín làm đầu, chữ “tín” đáng giá ngàn vàng, Có chữ “tín” là có tất cả. Có chữ “tín” không cần vốn người ta vẫn có thể giao hàng cho anh bán”.
Để có được chữ “tín” thì người buôn bán hiện nay phải tuân theo quy định của pháp luật và những quy ước quốc tế, làm giàu cho bản thân mình đi đôi với làm giàu cho xã hội, làm giàu phải gắn với việc nâng cao đời sống của cộng đồng và xã hội, chung tay góp sức giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao trách nhiệm trong công tác từ thiện và đóng thuế…
Kết thúc buổi hội thảo do phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ hợp giáo dục PACE và NXB Trẻ cùng phối hợp tổ chức., mọi người đều đồng ý cái “lõi” của “thương đạo”, của văn hóa doanh nhân Việt Nam là: “Kinh doanh, nghĩa là dùng sản phẩm hay dịch vụ của mình như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.
Như vậy, để bảo vệ và để cùng có lợi nhuận, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá của người Việt, những người làm nghề buôn phải xây dựng chữ “tín”, coi chữ “tín” như là “hòn đá tảng” vững chắc đảm bảo cho sự thành công, hạn chế được những rủi ro.
RANDOM_AVATAR
havanduc
 
Bài viết: 12
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 10:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Buôn" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 3 30/06/09 10:29

Tôi rất âm đắc với vấn đề của bạn hoangdzao đưa ra: "chữ tín" trong văn hoá ứng xử, tận dụng... được những người làm nghề buôn bảo vệ như thế nào để cùng có được lợi nhuận, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá của người Việt”. Bạn havanduc cũng đã có những diễn giải rất chi tiết về vấn đề này. Tôi chỉ xin được tham gia thêm bằng mấy câu ca dao tục ngữ về chữ Tín trong buôn bán: [center]Tin nhau buôn bán cùng nhau,
Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như lời.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Một nhà ăn uống tội trời riêng mang.
Theo chi những thói gian tham,
Pha phôi thực giả tìm đường dối nhau.
Của phi nghĩa có giàu đâu,
Ở cho ngay thật giàu sang mới bền.[/center]
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Buôn" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 6 03/07/09 7:56

Bagia xin được bổ sung thêm một số câu ca dao tục ngữ về " buôn bán ":

[center]* Ước gì mình lấy được ta
Để cùng buôn bán chợ xa, chợ gần
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Kẻ buôn, người bán xa gần thảnh thơi…


* Đá than thì Ở Nông Sơn,
Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè.
Thanh Châu buôn bán nghề ghe,
Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hòa.
Phú Bông dệt lụa, dệt sa,
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng.
Ngà voi, tê giác, gỗ rừng,
Trân châu, hải vị chẳng từng thiếu chi


* Ơn chàng đã có lòng vì
Ngỏ lời phương tiện muốn bề tóc tơ
Nhân khi em ở lại nhà
Làm nghề canh cửi sớm khuya chuyên cần
Vốn riêng được một vài trăm
Đem đi buôn bán Đồng Xuân chợ này
Buôn hàng vải lụa bấy nay
Nhờ trời vốn lãi độ ngày ba trăm.


* Dù ai buôn bán trên đường
Nhớ ngày giỗ tổ Trưng Vương thì về
Dù ai hải đảo, sơn khê
Tháng giêng ngày hội nhớ về Đồng Nhân
[/center]
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến23 khách