"Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

"Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 5 25/06/09 0:24

[justify]“CƯỜI” DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

* Nhận thức về “cười”:
- Cười là một động từ chỉ sự nhếch môi hoặc há miệng lộ vẻ vui hay có một ngụ ý gì khác.
Nếu không xét đến sắc thái và sự khác biệt, thì tiếng cười có thể được mã hóa ngôn ngữ thành một loạt các âm tiết đều đặn kiểu như: “ha ha”, “hô hô”, “hê hê”, “hi hi”, v.v... Những âm tiết này là một phần trong vốn từ vựng phổ quát của loài người - vốn luôn được tất cả các dân tộc trong mọi nền văn hóa đa dạng trên thế giới nhận biết được. Như vậy, tiếng cười chính là loại hình “nói bằng các thứ tiếng” mà loài người có được do sự đáp ứng vô thức trước những ám hiệu xã hội và ngôn ngữ.
- Theo các nhà khoa học, cười là một hoạt động không hề đơn giản. Trước hết, cười là một hoạt động được điều khiển từ não bộ và phản xạ cười bắt đầu từ một kích thích ở phần trước của vùng hạ đồi (hypothalamus), một trung khu thần kinh cao cấp, chi phối mọi hoạt động của hệ thần kinh tự chủ. Kích thích cười lan tỏa như làn sóng và truyền một luồng thần kinh đến trung khu cảm xúc ở rìa não. Sau khi tín hiệu được phát ra: cơ mặt sẽ giãn và các biểu lộ tình cảm mãn nguyện sẽ xuất hiện ở vùng mặt. Nếu kích thích ở phần sau vùng hạ đồi, phản ứng theo nó sẽ là bất mãn. Để nở được một nụ cười đơn giản nhất, như cử động nhẹ ở mắt và môi, ít nhất phải có 15 cơ phận hoạt động cùng lúc. Nhưng không chỉ có vậy, mỗi kiểu cười lại liên quan đến những cơ phận khác nhau, nhằm tạo ra nét riêng biệt. Có rất nhiều kiểu cười, chẳng hạn như:
- Cười giả lả: Cười muốn giải hoà.
- Cười bò kềnh, bò càng: Cười lăn ra.
- Cười gượng: Cố giả vờ cười.
- Cười huề: Cười giả lả.
- Cười khan, cười lạt: Cười lấy lệ.
- Cười khì: Cười cố tâm hoặc cười ngu ngốc.
- Cười khúc khích: cười nho nhỏ và bụm miệng lại làm bộ đừng ai nghe.
- Cười lả lơi, cười lẳng: Cười có vẻ cợt nhả, không đứng đắn.
- Cười mím chi: Cười không có tiếng, không mở miệng.
- Cười mát: cười gắng lấy lòng.
- Cười ngặt nghẽo: Ôm bụng mà cười.
- Cười nhoẻn: Cười mở đôi môi.
- Cười nụ: Cười mỉm.
- Cười rộ: Cười phát tiếng ồn.
- Cười tình: Cười có tình ý.
- Cười toe toét: cười không kín đáo.
- Cười xoà: Cười huề.
- …
- Tiếng cười trong sinh học mang tính bản năng, vô thức, phát ra do phản ứng của cơ thể một cách đơn thuần (tiếng cười của bệnh nhân tâm thần...). Trong khi, tiếng cười tâm lý xã hội biểu thị thái độ, bộc lộ tư tưởng, tình cảm con người. Tiếng cười tâm lý xã hội có hai loại: tiếng cười tán thưởng và tiếng cười phê phán.
• Tiếng cười tán thưởng biểu thị niềm vui, sự yêu mến. Tiếng cười phê phán biểu thị sự khinh ghét, sự phủ nhận.

PHẦN I: NHẬN ĐỊNH CƯỜI LÀ VĂN HÓA

* Văn hóa là sản phẩm của con người. Để khẳng định được Cười là văn hóa trước tiên chúng ta xem xét Cười trên hệ tọa độ C (chủ thể) - K (không gian) - T (thời gian)
1. Chủ thể: Nụ cười, tiếng cười là do con người tạo ra. Con người sử dụng tiếng cười để thể hiện tình cảm của mình đối với sự vật, hiện tượng…
2. Không gian: Con người có thể cười ở mọi nơi: Cười ở trong nhà, khi ra ngoài đường phố, ở nơi công sở, trong rạp chiếu phim, ngoài sân vận động v.v…
3. Thời gian: Bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể cười mọi lúc: Có thể cười khi chơi, khi ăn, khi ngủ, khi đi dạo…Cười khi thấy thích thú, khi thấy vui vẻ, cười khi được thỏa mãn mong muốn nào đó; hay cười những thói hư, tật xấu, cười tỏ sự thông cảm, thiện ý, cười tương thân, tương ái, cười trong hạnh phúc…
Tiếng cười thường xảy ra gấp 30 lần trong những hoàn cảnh xã hội hơn là trong hoàn cảnh ở một mình.

* Cười là hoạt động thể hiện nét văn hóa của con người. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét hoạt động cười qua các đặc trưng của văn hóa đó là tính lịch sử, tính nhân sinh, tính giá trị và tính hệ thống:

4. Tính nhân sinh: Cười là sản phẩm của con người.
- Cười là một phản ứng của loài người, là hành động để con người thể hiện trạng thái cảm xúc thoải mái, vui mừng, đồng thuận hay cố tình tạo cho người đối diện hiểu là mình có cảm xúc ấy. Có khi cười còn là tâm trạng khi xúc động hoặc cười còn để xã giao.
- Theo nghiên cứu của Viện Tâm lý học Mỹ, nữ giới cười nhiều hơn nam giới gấp 2,5 lần trong những cuộc đối thoại bao gồm cả hai giới. Ðiều này cũng có nghĩa là nữ có khuynh hướng cười nhiều nhất, trong khi nam có khuynh hướng gây cười nhiều nhất. Xuyên qua các nền văn hóa, nam giới dường như là người chủ động gây nên tiếng cười hài hước. Và khuôn mẫu giới tính của tiếng cười cũng giải thích lý do người có khiếu hài hước là nam giới luôn luôn nhiều hơn nữ giới.
- Cười là sản phẩm của con người, nhưng cười cái gì, cười như thế nào, cười để làm gì và cười vào lúc nào...? Quả thật không thể chỉ cười để mà cười. Cười phải là hành vi văn hóa. Chẳng hạn, cười thì vui thật, nhưng sau cái cười, ngẫm lại, người ta phải tự hỏi, những khiếm khuyết trong văn hóa sinh hoạt hoặc giọng nói quê mùa trời sinh kia có đáng là đối tượng để cười không? Cười khiếm khuyết của người khác là phạm vào chữ Nhân trong xử thế. Cười giọng quê của một vùng đất là phạm vào chữ Lễ trong ứng xử…
[center]Hình ảnh[/center]

5. Tính lịch sử:
Trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng trẻ học cười sau khi đã chào đời bằng cách bắt chước người mẹ và phải tận lúc được 6 tuần tuổi mới biết nhoẻn miệng.
Hiện nay, sự tiến bộ trong kỹ thuật siêu âm mới với những hình ảnh ghi lại bằng máy quét 4D cho thấy trẻ biết cười, biết khóc, chớp mắt khi vẫn còn trong bụng mẹ, khi được 26 tuần tuổi. Mặc dù vậy, cười khi đó không được hiểu là sự chuẩn bị chào đời, mà đó có thể là một phản xạ. Biểu hiện các góc mặt hếch lên, hai bên má dưới phồng lên có thể là dấu hiệu của sự thoả mãn của thai nhi trong một môi trường sống êm ái…
Tiếng cười được sử dụng trong văn, thơ, nhạc, họa, được “sân khấu hóa” cũng đã có lịch sử rất lâu đời.
[center]Hình ảnh[/center]
6. Tính giá trị:
* Cười rất tốt cho sức khỏe. "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ"
- Cười là môn thể thao nội tạng: Tim đập nhanh như khi ta chạy 100 mét, phổi thải ra một khối lớn không khí. Máu di chuyển nhanh làm thải đi nhanh các chất độc từ lâu tích trữ. Sự tiêu hóa hoạt động nhờ co thắt vùng bụng. Căng thẳng thần kinh giảm. Cơ thể được thư giãn là nhờ các endorphine, một loại morphine thiên nhiên được tiết ra bởi não khi chúng ta cười thỏa thích. Sau đó nhịp tim chậm lại, mạch máu dãn nở và huyết áp giảm.
Nói tóm lại cười làm giảm huyết áp cao, làm tiêu hóa tốt và cho ta giấc ngủ ngon.
- Cười có hiệu quả tốt cho hệ thống miễn dịch: Người ta đã biết từ lâu lợi ích của cười trong quá trình chữa lành bệnh. Ngày nay có mấy chục nghiên cứu về những trạng thái của nụ cười và tâm trạng vui tươi và gần đây nhất người ta vừa mới khám phá tác dụng của cười trên nhiều loại tế bào của hệ thống miễn dịch. Như vậy, cười là một phương pháp để kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động tăng. Mới đây, nhà khoa học Lennart Levi thuộc Viện Nghiên cứu Karolinska tại Stockholm (Thụy Ðiển) đã công bố kết quả nghiên cứu của mình, rằng việc xem hài kịch sẽ khiến cho hệ miễn nhiễm trong cơ thể hoạt động mạnh, làm tăng lượng catecholamine - một chất đo lường sự hoạt động và sự căng thẳng thần kinh - trong nước tiểu. Việc bài tiết bớt chất này sẽ làm giảm thiểu tình trạng căng thẳng và những hormone liên quan -chính là cơ chế mà qua đó, tiếng cười được xem như làm tăng chức năng miễn nhiễm bệnh của cơ thể.
- Cười có tác dụng giảm đau: Giảm cơn đau hiện đang là một trong những liệu pháp ứng dụng tiếng cười đầy hứa hẹn. Qua thử nghiệm, Rosemary Cogan - giáo sư tâm lý của Trường Ðại học Công nghệ Texas (Mỹ) - đã khám phá ra rằng: Những đối tượng thử nghiệm luôn cười khi xem các phim hài hoặc trải qua một cuộc thư giãn vui vẻ - thường có khả năng chịu đựng hơn những đối tượng khác. Tính hài hước có thể giúp làm dịu cơn đau mãnh liệt của bệnh nhân. Chuyên gia James Rotton thuộc Trường Ðại học Harvard (Mỹ) cho biết rằng các bệnh nhân phẫu thuật chỉnh hình khi thường xem phim hài - sẽ ít có nhu cầu sử dụng thuốc aspirin và thuốc an thần - hơn là những bệnh nhân thường xem phim tình cảm.
- Tính hài hước giúp con người đương đầu tốt hơn với các stress: Theo quan điểm của các nhà tâm lý học, cười là một kiểu thư giãn, nó giúp cho tinh thần sảng khoái. Cười làm cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng.Cười là vũ khí đánh tan những đau khổ, buồn phiền, lo âu. Nói một cách tổng thể, cười giúp chúng ta giảm tải cho cơ bắp và loại bỏ những căng thẳng, bực tức.
* Tiếng cười là ngôn ngữ xã hội liên kết con người với nhau. Ðó là loại “ngôn ngữ ẩn” mà mọi người đều có thể dùng nó để “nói chuyện” với nhau. Tiếng cười tạo sự đoàn viên cho con người, đem con người lại gần nhau hơn.
* Cười đem lại niềm vui và kéo dài tuổi thanh xuân cho con người
Khi cười, con người sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản, buồn phiền tan biến đi, và sẽ nhận được niềm vui từ chính những người xung quanh vì tiếng cười đó đã giúp họ trở nên yêu đời hơn. Tiếng cười giòn tan và cá tính vui tươi sẽ giúp con người kéo dài thêm nhiều tuổi xuân.
7. Tính hệ thống:
Một chu trình cười thường gồm 4 giai đoạn : Giai đoạn 1 : Môi còn ngậm. Giai đoạn 2 : Thư giãn. Giai đoạn 3 : Cười tự nhiên (khoảng ¾ nụ cười tối đa) Giai đoạn 4 : Cười tối đa.
Rõ ràng rằng nụ cười rất đa dạng và đặc trưng cho từng người. Có khá nhiều nụ cười không thấy có sự khác biệt nhiều giữa vị trí cười tự nhiên và cười tối đa, như vậy có thể chỉ cần chú ý đến sáu răng cửa trước trên và dưới, trong khi có những nụ cười số răng lộ ra ở vị trí cười tự nhiên và tối đa khá cách biệt.
Hệ thống phân loại nụ cười:
Có thể chia nụ cười thành 5 dạng, 5 dạng cười này được phân biệt dựa trên mô răng và mô nha chu lộ ra khi cười.
Dạng 1: Cười chỉ để lộ hàm trên.
Dạng 2: Cười để lộ hàm trên và khoảng 3cm mô nướu.
Dạng 3: Cười chỉ để lộ hàm dưới.
Dạng 4: Cười để lộ cả hàm trên và hàm dưới.
Dạng 5: Cười không lộ cả hàm trên và hàm dưới.
Thông thường, mỗi người cười chỉ ở một dạng duy nhất, tuy nhiên có những trường hợp có thể kết hợp nhiều dạng. Ví dụ : một người có thể có đồng thời kiểu cười phức hợp lộ toàn bộ cả răng hàm trên và dưới và thêm cả mô nướu hàm trên khoảng hơn 3cm, vậy nụ cười này thuộc cả hai dạng 2 và 4.
Các cách phân biệt trên có thể kết hợp với nhau thành một hệ thống để bình thường hoá các từ ngữ chuyên môn từ đó giúp mô tả khách quan các dạng nụ cười khác nhau. Kiểu cười, giai đoạn cười, dạng cười là những đặc tính rõ ràng, đơn giản và đầy đủ giúp phân biệt chi tiết các nụ cười khác nhau. Với định nghĩa này chúng ta thấy nụ cười thường gặp nhất là kiểu khóe miệng, giai đoạn 3, dạng 1.

PHẦN II: “CƯỜI” DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
1. Văn hoá tận dụng cười:
1.1 Trong giao tiếp:
Cười là cách dễ nhất để làm quen, để tạo ấn tượng và sự thông cảm ở người khác. Nụ cười được xem là nền tảng của sự giao tiếp xã hội.
1.2. Để thư giãn:
Khi con người ở trạng thái căng thẳng, mệt mỏi do quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, do công việc đời thường…thì tiếng cười sẽ khiến cho tinh thần con người ta trở nên sảng khoái, thư giãn.
1.3. Để giáo dục:
Tiếng cười cũng là một phương tiện hữu hiệu để giáo dục con người. Đó là những tiếng cười phê phán, châm biếm, đả kích thói hư tật xấu được tạo ra qua các truyện cười (Ví dụ : Ăn vụng gặp nhau, Hội sợ vợ, Áo mới lợn cưới, Sợ quá nói liều, Quan huyện thanh liêm, Thần bia trả nghĩa, Nó phải bằng hai mày, Thầy đồ liếm mật, Chỉ có một con ma ...); qua hệ thống truyện trạng (tiêu biểu là truyện Trạng Quỳnh, Truyện ông Ó…); qua sân khấu hài, phim hài v.v…
1.4. Để chữa bệnh:
Chữa bệnh bằng yoga cười: Liệu pháp này do Madan Kataria, một thầy thuốc Ấn Độ, sáng tạo ra, có tác dụng chữa rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, trầm uất, nhiễm trùng tái phát, nghiện rượu hay thuốc lá. Yoga cười đã được áp dụng ở nhiều nước như Singapore, Mỹ, Đan Mạch... Riêng tại Ấn Độ, hiện có hơn 1.000 câu lạc bộ thực hành liệu pháp này.
2. Văn hoá đối phó với cười:
- Hoan nghênh cái cười chân thật, xuất phát từ đáy lòng.
- Cẩn thận trước cái cười bình phong dùng để che đậy những ý đồ bên trong.
- Quần chúng cần đề cao cảnh giác để khỏi mắc mưu cái cười dùng để mị trên, lừa dưới, câu các kẻ ngây thơ, hòng củng cố một địa vị, hay mưu cầu một bổng lộc.
- Cấp lãnh đạo lại cần cảnh giác hơn nữa với cái cười nịnh hót nuôi dưỡng bệnh chủ quan mà cấp lãnh đạo thường mắc.
- Không nên cười liên tục quá lâu: Nụ cười có thể có tác dụng tiêu cực. Hãy thử cười liên tục 20 phút thôi, chúng ta sẽ thấy các cơ má bị co giật, đôi mắt không còn ánh lên niềm vui và nụ cười dần trở thành nụ cười giả tạo.
- Không nên cười quá to. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Nhưng nếu không cẩn thận, thuốc bổ cũng có nhiều tác dụng phụ hết sức nguy hiểm! Phụ nữ có thai cũng nên thận trọng khi cười, bởi nếu cười to quá, đột ngột quá, tử cung sẽ bị rung động dẫn đến sẩy thai hoặc đẻ non.
- Phát minh máy đo tiếng cười: Giáo sư Nhật Bản Yoji Kimura tin rằng tiếng cười là vũ khí có thể chấm dứt một cuộc chiến tranh. Chỉ có điều là làm thế nào để đo được nó. Vì vậy, ông đã tạo ra một cỗ máy để lập biểu đồ và đặt đơn vị cho tiếng cười là aH.

3. Văn hoá sùng bái cười:
- Đại danh hài thế giới Charlie Chaplin được mệnh danh là Vua hề.
- Năm 2008, để cổ động cho thế vận hội olimpic Bắc Kinh, bức tường tọa lạc tại Công viên Chaoyang đã treo đúng 2008 bức ảnh với những nụ cười rạng rỡ, thân thiện của người dân Trung Quốc. Các ảnh này được tuyển lựa từ 4000 ảnh từ khắp nơi gửi về dự thi. Du khách có thể bình chọn cho nụ cười được yêu thích nhất tại nhiều bốt bỏ phiếu trong công viên.
[center]Hình ảnh
Hình ảnh[/center]http://vietbao.vn/Van-hoa/Buc-tuong-nu-cuoi-co-dong-Olympic-Bac-Kinh/40187644/181/

A.NG. (Theo Xinhua, AP)
Hiệp hội những người tình nguyện Olympic Bắc Kinh tổ chức chiến dịch mang tên "Bắc Kinh mỉm cười", khuyến khích người Trung Quốc cười để hưởng ứng thông điệp "Tới Bắc Kinh dự Olympic, bạn sẽ được đón chào bằng một nụ cười", "Cười là ngôn ngữ toàn cầu. Khi người nước ngoài đến Bắc Kinh trong dịp Olympic, họ có thể không biết tiếng Trung nhưng nụ cười có thể biểu lộ mọi thứ.”
- Người Ireland khoét ruột củ cải tròn hoặc củ khoai tây theo hình mặt người cười láu cá đem bày ở bệ cửa sổ hay gần cửa ra vào để xua đuổi những hồn ma vất vưởng như Jack Hà Tiện khỏi xâm nhập vào gia cư của họ.
- Nghề dạy cười ở Ấn Độ đã được bác sỹ nổi tiếng Madan Kataria khởi xướng cách đây 13 năm. Hiện nay yoga cười ( một liệu pháp thư giãn kiểu yoga kết hợp với cười) đã có mặt trên khoảng 60 quốc gia với nhiều HLV được đào tạo tại Ấn Độ giảng dạy cho hàng ngàn học viên muốn được sống vui và khỏe mạnh hơn.
Đây là hình ảnh quảng bá của câu lạc bộ laughter yoga
[center]Hình ảnh[/center]
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index ... hannelID=2

- Tháng 4/2002, "Ngày thế giới cười" đã được tổ chức tại Copenhague (Đan Mạch), với sự tham gia của hàng nghìn người thực hành yoga cười.
- Thi cười quốc tế : 7- 2008, cuộc thi cười quốc tế được tổ chức tại miền đông Thái Lan.. Một người phụ nữ Thái Lan 55 tuổi đã giành chiến thắng với danh hiệu: Người phụ nữ có nụ cười “sấm”, bà đã cười liên tục trong vòng 12 phút 26 giây và âm lượng đạt 110 decibel.
[center]Hình ảnh[/center]
http://www.tin247.com/nguoi_phu_nu_co_n ... 40675.html

- Nhiều nhà sản xuất đã nâng cấp máy ảnh của mình thêm chức năng nhận diện nụ cười bên cạnh khả năng nhận diện khuôn mặt (Face Detection) đã có từ trước.

4. Văn hoá lưu luyến:
* “Cười” đã được đưa lên sân khấu với các vở kịch vui, tiểu phẩm hài, các chương trình gặp nhau cuối tuần, gặp nhau cuối năm, “Ông Táo chầu giời”, thi “Hoa táo”, các vai hề trong chèo, tuồng…
* Các phim hài nổi tiếng với các diễn viên như: vua hề Charlie Chaplin, Mr. Bean's, …
[center]Hình ảnh[/center]
http://vi.wikipedia.org/wiki/Mr._Bean

Phim hài của Mỹ “ Thượng đế cũng phải cười”
[center]Hình ảnh[/center]

* “Cười” trong văn học:
- Chuyện cười là kho tàng của những người nông dân còn lam lũ, vất vả nhưng vẫn lạc quan, sống bằng tiếng cười.
- Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, bên cạnh những thể loại quen thuộc như thần thoại, truyện cổ tích, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, câu đố… còn một mảng sáng tác dồi dào về số lượng, phong phú và đặc sắc về nội dung, nghệ thuật, được lưu truyền rộng rãi trên khắp cả nước, đó là truyện trạng dân gian. Truyện trạng có nhiều dạng, nhưng phổ biến nhất là nói trạng, kể chuyện trạng, tay trạng. Trong bộ “Truyện trạng Việt Nam” ( nhà xuất bản Kim Đồng) có hệ thống truyện như: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột, Ba Giai - Tú Xuất, Thủ Thiệm, Ông Ó, Ba Phi, Nguyễn Kinh, Vĩnh Hoàng và Quản Bạt…
- Trong dân gian còn có Truyện cười (còn gọi là truyện tiếu lâm), truyện khôi hài, truyện trào phúng, các giai thoại hài hước ...Theo thống kê, đất nước ta có hàng chục làng cười từ Nam đến Bắc. Mỗi làng có một đặc trưng riêng của văn hóa vùng miền. Chung quy lại, đó là những câu chuyện tiếu gây cười đến sảng khoái, thể hiện cuộc sống đa dạng, đa phong cách và cuộc sống tự do, lạc quan yêu đời của nhân dân. Ví dụ: Làng nói khoác Văn Lang ( thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), Làng trạng Vĩnh Hoàng (thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị)... Đất Kinh Bắc không phải chỉ có những làng nghề, làng Quan họ nổi tiếng, mà nó còn có những làng cười. Làng Quan họ chỉ tập trung ở một vài vùng nhất định, còn làng cười thì gần như huyện nào cũng có, ví như huyện Yên Phong có làng cười Đông Yên, huyện Tiên Sơn có làng cười Yên Tử, Hiên Ngang, huyện Yên Dũng có làng cười Đông Loan, Nội Hoàng, huyện Quế Võ có làng cười Đồng Sài, Trúc Ổ, huyện Tân Yên có làng cười Hòa Làng, Dương Sơn.
[center]- “Cười” trong ca dao, tục ngữ:
. Vô duyên chưa nói đã cười. (tục ngữ)
. Cười người chớ vội cười lâu,
Cười người hôm trước hôm sau người cười. (ca dao)
. Cơm cười người no. (tục ngữ)
. Ai ơi chớ vội cười nhau
Nhìn mình cho tỏ trước sau hãy cười
. Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười chúm chím: Thưa anh giận gì
. Cả vui chớ có vội cười
Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì
. Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
. Cười là thuốc bổ ai ơi !
Dầu rằng lắm bạc thuốc cười khó mua.
Từ dân cho đến quan vua,
Không cười là bệnh người xưa dặn dò.
Đến đây tôi bán rẻ cho,
Tiền xu thang thuốc khỏi lo chờ hoài.
Uống vào cười mãi suốt ngày,
Cười không ăn uống cười bày hàm răng.
Cười khì, cười ngất, cười gần,
Cười nôn, cười lén, cười lăn, cười thầm,
Cười mủm mỉm, cười vang ầm,
Cười lộn ruột, cười rần rần, cười chê.
Cười chua chát, cười hề hề,
Cười đau bụng, cười lộn mề, cười khinh.
Cười ngặt nghẽo, cười một mình,
Cười cợt, cười nụ, cười tình, cười om,
Cười lơi, cười lả, cười ngon,
Cười ra nước mằt, cười mòn cả răng.
Cười chúm chím, cười bò lăn,
Cười phá lên, cười dòn băng, cười mừng,
Cười hô hố, cười nhảy tưng,
Cười tươi, cười rộ, cười sưng cả mồm,
Cười ơi thuốc bổ quá ngon !
Mua về dành để sớm hôm luôn cười.
Cười là thuốc bổ ai ơi !!![/center]* Trong âm nhạc: Chẳng hạn bài hát: Nụ cười - Nhạc Nga, là bài hát được hàng triệu triệu trẻ em trên thế giới ưa thích (hiện nay được đưa vào chương trình âm nhạc lớp 9):
[center]Nụ cười
Nhạc: V. Shainski (В.Шаинский)
Lời: M. Pliaskovski (М.Пляцковский)
Cho trời sáng lên cùng với bao nụ cười
Cầu vồng thêm lung linh bao sắc ánh lên ở khắp nơi
Nụ cười tươi, chúng ta cùng chung niềm vui
Cho cuộc sống hôm nay hát bài ca yêu đời
Để làn mây không bay đi xa
Những hạt mưa bay bay bên ta
Để làn nước từ con suối xanh thành dòng sông sóng xô
Tiếng cười sẽ luôn luôn bên ta
Tiếng cười sẽ mãi mãi ngân xa
Tiếng cười là bạn đường tháng năm của tuổi niên thiếu ta...
Tiếng cười sẽ luôn luôn bên ta
Tiếng cười sẽ mãi mãi ngân xa
Tiếng cười là bạn đường tháng năm không thể nào xoá nhoà[/center].[/justify]
Do nhận thức có hạn nên tôi chỉ đưa ra một vài ý kiến như trên, rất mong các bạn nhiệt tình đóng góp ý kiến, giúp đỡ để tôi chủ đề này được hoàn thiện hơn. Xin cảm ơn!
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi alo_aiday_hh » Thứ 5 25/06/09 9:10

bagia viết bài về văn hoá "cười" khá lí thú. Cười thật có nhiều ích lợi cho con người. Xin nói thêm về tính hệ thống chủ đề, không chỉ cười gồm các giai đoạn như thế nào, thể hiện ra sao mà văn hoá "cười" gắn bó hữu cơ với các lĩnh vực văn hoá, các bình diện của văn hoá chứ không phải đó là phép cộng đơn thuần.
Đểnhận diện nụ cuời,nhìn vàonét mặt là có thể đoán ra: đặc biệt là khoé mắt và khoé miệng có xu hướng nhếch lên trên.
Biết được điều này, LEONA DE VINCI đã tạo ra một "nụ cười bí ẩn" của nàng MONALIDA, làm tốn không ít giấy mực của các nhà phân tích. Sao nàng không "nhếch mép" mà vừa như đang mỉm cười vừa như không? Hoạ sĩ, nhà khoa học nước Ý đã nhấn đậm khoé miệng và đuôi mắt nàng cho nó hướng lên trên đã tạo ra ảo giác này.
Thật tuyệt vời phải không?
Cười thể hiện nét duyên dáng của phụ nữ nhưng nếu cười quá to và không đúng lúc lại cũng bị chê là vô duyên: "congái con lứa mà cười cứ hô hố ra".
RANDOM_AVATAR
alo_aiday_hh
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 3 28/04/09 9:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 6 26/06/09 17:28

Cám ơn bạn alo_aiday_hh đã bổ xung thêm cho bài viết này. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn: “Cười thể hiện nét duyên dáng của phụ nữ nhưng nếu cười quá to và không đúng lúc lại cũng bị chê là vô duyên”. Vậy thì cười như thế nào là không nên. Theo tôi đó là:
- Không nên cười nửa miệng, cười khẩy đầy ẩn ý khi người khác có tỏ ra kém cỏi hơn mình. Nếu không, nụ cười không chân thành đó sẽ chẳng khác nào lưỡi dao sắc lẹm, vô tình làm tổn thương người khác.
- Không nên cười sằng sặc, sặc sụa ở những chốn đòi hỏi sự trang nghiêm, thanh tịnh như: Trong đám tang, lúc người khác phát biểu trong hội nghị, trong chùa chiền, cuộc họp cơ quan, công sở... Nếu cười không đúng lúc và đúng mức, sẽ dễ dàng bị đánh giá là kẻ thiếu lịch thiệp…
Có lẽ còn nhiều cái “Không nên” nữa. Mong các bạn tiếp tục bố sung cho bài viết nhé!
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi lieuquan1977 » Thứ 6 26/06/09 21:13

Thông qua tiếng cười,cách cười mà người ta còn đoán được sức khoẻ nữa đấy bagia a.
RANDOM_AVATAR
lieuquan1977
 
Bài viết: 11
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 21:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 6 26/06/09 23:02

Bagia cảm ơn bạn lieuquan1977 đã bổ sung cho bài viết về tính giá trị của cười: “ Thông qua tiếng cười, cách cười mà người ta còn đoán được sức khoẻ nữa”. Đúng như vậy, cười là một hình thức biểu lộ cảm xúc đặc trưng mà chỉ con người mới có. Rabelais, một đại văn hào Pháp ở thế kỷ XVI đã từng viết “Tiếng cười là đặc trưng của con người, là một yếu tố của sức khoẻ, một phương pháp trị bệnh”. Cười là một phản xạ tự nhiên. Con người sinh ra đã biết cười. Tiếng cười dễ xuất hiện và xuất hiện một cách thoải mái, thân thiện, vui vẻ, rộn rã ở những người khỏe mạnh, lạc quan. Ngược lại, tần suất cười sẽ thưa dần và nụ cười thường gượng ép, méo mó ở người có sức khỏe không tốt, người vất vả hoặc có cuộc sống nhiều lo toan, căng thẳng… Vì vậy qua tiếng cười, nụ cười mà ta có thể đoán được người sở hữu tiếng cười, nụ cười đó là người khỏe hay yếu, người có cuộc sống thoải mái hay khó khăn vất vả.
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Bổ xung "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi tinhgv » Chủ nhật 28/06/09 9:20

[justify]Xin chào ban bagia của tôi có lẽ chủ đề cười đều được mọi người rất quan tâm bởi vì nó rất gần gũi và gắn bó với cuộc sống của chúng ta,qua phân tích của chủ topic cùng với các comment tôi càng nhận thức rõ về giá trị của nụ cười và cũng muốn bổ xung cho bagia và các bạn cùng tham khảo về tính giá trị của nụ cười và văn hóa tận dụng nụ cười đã được ứng dụng một cách vô cùng tinh tế trong Đạo Phật qua hình tượng nụ cười của Đức phật DI lặc nhé
Trong nghệ thuật tranh tượng của Phật giáo, ngài Di-lặc thường được mô tả theo một hình thức hết sức đặc biệt với cái bụng thật lớn và cái miệng cười thật tươi để nói lên rằng:
[center]“Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian.”[/center]
Nụ cười của đức Di-lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt, tâm hồn của đức Di-lặc là tâm hồn bao dung không bờ bến. Và, không ai nhìn vào hình tượng của Ngài mà không cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản nhẹ nhàng.
Thật ra không phải ngẫu nhiên mà tượng Phật Di-lặc được tạc theo hình thức như vậy, mà đây chính là thể hiện văn hóa tận dụng nụ cười qua nụ cười nói lên những mong ước và tâm tư của đạo Phật
Cười chẳng có gì là khó, vì nó chẳng hao công sức cũng chẳng tốn bạc tiền. Nhưng, để có được nụ cười với những hiệu quả của nó đôi lúc lại là một việc không dễ dàng chút nào. Vì thực tế cho thấy, có người suốt ngày chẳng tìm ra được nụ cười dù đó chỉ là nụ cười gượng gạo. Lý do thật dễ hiều. Bởi lẽ, đôi lúc hoàn cảnh khiến cho tâm hồn con người ta trở nên khô cứng và vì vậy phải sống trong ầm thậm lặng lẽ để rồi dần đánh mất đi nụ cười. Bảo rằng, cười sao được khi cuộc sống có quá nhiều lo âu phiền muộn, cười sao được khi biết bao đau khổ đang đè nặng trong tâm hồn. Nói một cách khác, con người ta chỉ cười khi trong lòng không có phiền muộn lo âu, ít có ai cười trong hoàn cảnh trái ý nghịch lòng. Và chính vì thế mà khiến cho cuộc đời càng trở nên mệt mỏi, căng thẳng và thật sự có những nụ cười mà trong đó là lệ chảy.
Cuộc đời vốn đã quá nhiều đau khổ và vì thế rất cần đến những nụ cười. Bởi vì nụ cười là cửa ngõ của con tim, nó mở lối cho tình người xích lại gần nhau; nụ cười làm ấm lại một tâm hồn đang bơ vơ lạc lõng, nụ cười làm cho mọi người thông cảm lẫn nhau. Lại nữa, cười có thể làm giảm bớt sự căng thẳng của cuộc sống, cười có thể làm vơi đi nỗi bực dọc, đau khổ trong tâm hồn....
Cuộc sống là sự tương quan giữa người với người là sự tương quan giữa người và thiên nhiên vật loại. Và, thái độ sống của người nầy ít nhiều đều có ảnh hưởng đến niềm vui và nỗi buồn của người khác và cho cả thế giới thực vật nữa. Ai có thể vui được khi bên cạnh họ có một người đang âu sầu, buồn bã; ai có thể vui được khi bên cạnh họ có người đang gắt gỏng, giận hờn. Cảnh làm sao vui, khi cảnh ấy có người buồn (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Ngược lại, cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ hơn, bớt căng thẳng hơn khi mọi người biết cười và biết tặng nhau nụ cười hoan hỷ.
Nhưng làm thế nào để luôn có được nụ cười? Đó chính là khi ta biết buông bỏ tất cả những ưu tư, hờn giận trong tâm hồn; khi ta biết cười tán dương cho hạnh phúc của người khác, và khi ta biết cười được những việc khó cười trong thế gian. Đức Di-lặc là người có nụ cười như vậy. Ngài là biểu hiện cho tâm hồn hoan hỷ, bao dung của con người. hình ảnh hoan hỷ của Ngài lại hiện về như để nhắc nhở chúng ta rằng:
[center]“Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cuộc đời như nước chảy trôi
Lợi danh như bóng may chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời”.[/center]
Đời người chẳng có bao nhiêu, vì vậy hãy sống cho có ý nghĩa. Để sống có ý nghĩa trước hết là phải biết cười và biết cho người cụ cười. Bởi lẽ nụ cười là chất liệu của yêu thương, là mùa xuân bất diệt của nhân loại vậy.các bạn cùng bổ xung tiếp nhé[/justify]
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
tinhgv
 
Bài viết: 28
Ngày tham gia: Thứ 4 31/12/08 17:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi cubom03 » Chủ nhật 28/06/09 9:32

Cam on ban bagia đã có bài viêt rất hay về 1 đề tài thú vị. Bài viết của bạn cung cấp cho tôi nhiều thông tin rất hay mà tôi chưa biết. Chẳng hạn như đoạn văn sau đây:
"Theo nghiên cứu của Viện Tâm lý học Mỹ, nữ giới cười nhiều hơn nam giới gấp 2,5 lần trong những cuộc đối thoại bao gồm cả hai giới. Ðiều này cũng có nghĩa là nữ có khuynh hướng cười nhiều nhất, trong khi nam có khuynh hướng gây cười nhiều nhất. Xuyên qua các nền văn hóa, nam giới dường như là người chủ động gây nên tiếng cười hài hước. Và khuôn mẫu giới tính của tiếng cười cũng giải thích lý do người có khiếu hài hước là nam giới luôn luôn nhiều hơn nữ giới".

Tôi hiểu về đoạn văn trên như thế này: nữ giới có khuynh hướng biểu lộ cảm xúc nhiều hơn nam giới, nên nữ giới cười nhiều hơn nam, và họ cũng khóc nhiều hơn nam.
Nhưng tôi không hiểu tại sao nam giới có khiếu hài hước, có khả năng gấy cười hơn nữ giới ?
Tôi là nữ, và tôi muốn mình có khiếu hài hước, thế nhưng tôi thấy mình luôn thua kém nam giới về điểm này. Vì thế tôi thắc mắc tại sao. Có phải vì phụ nữ không thông minh bằng nam giới ? Bạn giải thich cho tôi với nhé.
Cảm ơn bạn, bagia.
RANDOM_AVATAR
cubom03
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 9:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi hoangdzao » Chủ nhật 28/06/09 13:17

Tôi bổ sung thêm phần tính nhân sinh trong văn hoá cười:
Tiếng cười biểu lộ cảm xúc, nhưng cũng mang tính biểu trưng cho tính cách con người.
Trừ những nụ cười trên sân khấu, màn ảnh, đôi khi là nụ cười của giao tiếp – xã giao thì nụ cười trong cuộc sống truyền tải rất nhiều ý nghĩa như: Khi cười trong đau khổ (cái cười bi hài), cái cười của người nông dân khi được mùa khác với tiếng cười của người thắng cờ bạc, nụ cười của kẻ ăn may, hành khất khác với nụ cười của vua, chúa. Tiếng cười của người hiền lành, nhân từ thì âm lượng và sư co dãn cơ trên gương mặt cũng không thể tương đồng với độc ác…
Có thể nói từ cười trong cuộc sống, mới được các nhà đạo diễn, những nhà phê bình hay sáng tác mới chắt lọc, tạo dựng hay nhân hoá tiếng cười thành đặc trưng của nhân vật trên sân khấu, tiếng cười trào phúng trong văn học, trong hội hoạ và điêu khắc… Rồi từ đó mới phân loại cảm xúc cho tiếng cười như: cười bi ai, cười khôi hài, cười từ bi, nhân từ, cười hỉ xả, cười cay đắng, cười man rợ…vv/
RANDOM_AVATAR
hoangdzao
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 6 24/04/09 22:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi bagia » Chủ nhật 28/06/09 22:40

Bạn tinhgv đã bổ xung cho bài viết của bagia những chi tiết rất thú vị về nụ cười của phật Di lặc. Cám ơn bạn! Nhìn vào hình tượng Phật Di Lặc mà bạn đã đưa lên thì tôi nghĩ không ai có thể không cười theo Ngài và thấy lòng mình thêm ấm áp. Nhân đây tôi cũng muốn bổ sung thêm vài ý nhỏ về ý nghiã nụ cười và ngày Vía của Phật Di Lặc trong ngày Tết dân tộc:
Hàng năm, khi bắt đầu bước sang một năm mới, những người con Phật bắt đầu lên chùa lễ Phật đầu năm. Giờ phút ấy, trước Điện Phật khói nhang nghi ngút nhưng chúng ta không thể không bắt gặp tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười tươi thắm trên môi. Chúng ta cũng được biết ngày mồng một Tết là ngày Vía của Ngài. Vậy ý nghĩa về nụ cười và ngày Vía của Phật Di Lặc trong ngày Tết dân tộc là gì?
- Ngày đầu một năm thật quan trọng. Tất cả mọi việc làm, cử chỉ phải thật nhẹ nhàng, thận trọng. Từng lời ăn, tiếng nói phải vui vẻ, hòa nhã. Tập quán đó để nói lên lòng ao ước một năm an vui, cát tường. Trong bối cảnh của ngày Xuân như thế, Đức Phật Di Lặc đến với chúng ta với nụ cười vui tươi thì thật đầy ý nghĩa.
Trước hết, nụ cười của Ngài là bài học quý báu về đức hỷ, xả trong đạo Phật. Có hỷ, xả chúng ta mới nở nụ cười vui tươi chân thật, hạnh phúc. Có hạnh phúc thì cuộc sống mới có ý nghĩa và thật đáng sống.
+ Hỷ tức là vui theo việc làm tốt của người, danh từ Phật học gọi là "Tùy hỷ công đức".
+ Xả tức là bỏ, bỏ tất cả những điều phiền muộn do người tạo ra cho ta. Nếu chúng ta không xả được những điều phiền muộn ấy thì cũng như chúng ta không tiêu hóa được cặn bã của thực phẩm trong cơ thể. Do đó chúng ta chỉ cứ than thân trách phận. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:" Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi và cướp đoạt của tôi. Ai còn ôm ấp tâm niệm ấy thì sự oán giận không thể nào dứt hết". Oán giận không dứt hết thì ngay đến cành mai trong ngày Xuân cũng úa tàn chứ đừng nói gì đến nụ cười trên môi.
- Chính nhờ nụ cười hỷ xả này mà người phương Tây đã tặng Đức Di Lặc (qua hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng) một từ ngữ khiêm tốn, giản dị:" Người Trung Hoa hạnh phúc". Không phải cuộc sống trong đạo, mà ngay ngoài đời, nụ cười giữ một vị trí rất quan trọng, nên ông Fletcher đã nói:" Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt nhọc, là hình ảnh bình minh cho kẻ ngã lòng, là nắng Xuân cho kẻ buồn rầu, và là thuốc mầu nhiệm nhất của tạo hóa để chữa lo âu".
- Ngày mồng một Tết là ngày mà chúng ta hoạch định chương trình cho một năm tới. Lễ Vía Phật Di Lặc trùng với ngày đầu tiên của một chương trình sống 365 ngày là để nhắc nhở chúng ta phải thực hành đức hỷ xả để hướng đến một đời sống an vui, hạnh phúc.
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Cười" dưới góc nhìn văn hoá

Gửi bàigửi bởi bagia » Chủ nhật 28/06/09 23:16

Bạn cubom03 đã tham gia diễn đàn này với câu hỏi rất hay: “tôi không hiểu tại sao nam giới có khiếu hài hước, có khả năng gây cười hơn nữ giới ? Có phải vì phụ nữ không thông minh bằng nam giới?”. Tôi cũng là một phụ nữ, và theo tôi, nam giới có khả năng gây cười hơn nữ giới không phải là do phụ nữ không thông minh bằng nam giới. Mà trước tiên đó là do đặc trưng giới tính. Qua các cuộc khảo sát, người ta nhận thấy phụ nữ có khuynh hướng đi tìm sự hài hước; trong khi đàn ông lại có khuynh hướng ban tặng sự hài hước. Rõ ràng, phụ nữ muốn “một nửa của mình” là người có bộ óc hài hước; trong khi đàn ông lại tỏ ra nhiệt tình thuận theo sự đòi hỏi ấy trong khi đi tìm “một nửa vầng trăng” cho đời mình. Tiếng cười của người phụ nữ (chứ không phải của người đàn ông) chính là dấu hiệu quan trọng của một mối quan hệ tốt đẹp. Dù phái nam có cười hay không, thì điều quan trọng vẫn là phái nữ có đón nhận được dấu hiệu hài hước ấy không.
-Từ châu Á đến châu Âu, từ châu Mỹ đến châu Phi, từ các đảo quốc châu Ðại Dương đến các vùng cực lạnh giá, tiếng cười vẫn luôn là một hành vi hỷ xả. Và phụ nữ vẫn sử dụng tiếng cười nhiều hơn nam giới, như là dấu hiệu thể hiện sự mến mộ, yêu quý, hay đồng ý, phục tùng đối với người mà mình chú ý. Tuy thế, các khuôn mẫu giới tính về tiếng cười vẫn có thể uyển chuyển thay đổi thích hợp một cách tiềm thức đối với hoàn cảnh xã hội.
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến43 khách