Gà trong đời sống của người Việt Nam

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Gà trong đời sống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Ngoc Minh » Thứ 6 26/06/09 0:46

Ra đời từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước nên con người Việt Nam có sự gắn bó, giao hòa với thiên nhiên sâu sắc.Đối với nhà nông, không chỉ có con trâu mới là vật quý, bên cạnh nó, con gà cũng là một trong sáu con vật nuôi thông dụng, lâu đời của người nông dân Việt Nam ( sáu con vật nuôi bao gồm : gà, chó , lợn, dê, trâu, ngựa).Gà là giống được thuần dưỡng từ xa xưa và phổ biến lâu dài nên nó đã chiếm một vị trí nhất định trong đời sống của người nông dân Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung.Gà đem đến rất nhiều những giá trị trong đời sống mà trước đó là món ăn ngon bổ dưỡng."Thóc đầy bồ, gà đầy sân" là hình ảnh no đủ, sung túc của người nông dân Việt Nam.Ngay từ thời cổ xưa, gà đã là đồng hồ tự nhiên của nhà nông.Mọi người sinh hoạt theo tiếng gà gáy : thức dậy khi gà gáy sáng và làm việc cho tới khi gà lên chuồng.Trong đời sống tinh thần, người ta có thú chơi gà trong các lễ hội chọi gà, gà còn trở thành hình tượng trong nghệ thuật hội họa ( Tranh gà Đông Hồ), trong văn thơ dân gian, trong âm nhạc ở những ca khúc.Với đời sống tâm linh, gà được chọn làm lễ vật tượng trưng thể hiện sự giao cảm giữa con người với trời đất, tổ tiên...
Với tất cả những lý do trên trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, em xin để cập đến những mục sau :
I.Văn hoá nhận thức về gà.
1.1.Định nghĩa:
Gà là vật nuôi để lấy thịt và trứng.Gà có đặc điểm toàn thân phủ lông, mỏ cứng nhọn, hai chân phủ vảy sừng mỏng, màu vàng.Gà trống có màu đỏ to trên đầu, biết gáy.
1.2 Phân loại :
Gà ở nước ta có rất nhều loại như gà ri, gà ác, gà chọi ( gà tre), gà mái ghẹ, gà hoa, gà xiêm, gà lôi, gà công nghiệp..vvv.Tuy nhiên có thể phân loại gà theo tiêu chí sử dụng thành ba loại chính :
- Gà thịt ( gà giò, gà mái ghẹ ).
- Gà chọi
- Gà thuốc ( gà ác ).
1.3 Gà trong không gian:
Hiện nay gà chủ yếu được chăn nuôi ở các hộ gia đình làm kinh tế nông nghiệp, theo mô hình vườn ao chuồng.Gà được chăn thả ở vườn, sống trong chuồng.Ngoài ra, với những hộ kinh doanh ẩm thực, gà còn được nuôi theo mô hình chẳn thả trên đồi ( gà đồi ).Gà công nghiệp được nuôi ở các trại gà.
1.4 Giá trị dinh dưỡng.
a.Gà thịt :

Là loại gà nuôi để lấy thịt, thường là gà mái sắp đến lúc đẻ trứng hay gà trống còn non, lúc này thịt của chúng mới ngon và giàu chất dinh dưỡng nhất.Trong thịt gà có nhiều chất bổ dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin B1, B2 , A.Gà ta bổ dưỡng hơn gà công nghiệp ( gà có giống nhập ngoại và được nuôi theo phương pháp công nghiệp ) vì gà ta được nuôi thả, thường xuyên hoạt động nên cơ bắp săn chắc.Loại gà thả thường bới đất kiếm ăn nên thức ăn của chúng rất phong phú về chủng loại cũng như giá trị dinh dưỡng giúp cho sự phát triển như sinh tố, khoáng chất...v..vv.
b.Gà chọi :
Là loại gà nuôi để chơi chọi.Đặc điểm của giống gà này là thân dài, cổ to, ngực rộng, đùi phát triển, chân khỏe, cựa to, lông đen hoặc lông đen pha đỏ, tính hung hăng.Xuất phát từ ước vọng rèn luyện sức khỏe và khả năng chiến đấu nên gà chọi được xếp hàng lễ hội truyền thống của dân tộc ta.
c.Gà ác :
Là loại gà nuôi dùng để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe.Gà ác toàn thân lông đen (hoặc trắng ) nhưng chân đen, trông giống quạ.Gà ác có máu đỏ hơn gà thường, chứa nhiều lysin.Gà ác dùng để tiềm thuốc bắc, thịt gà được ưa chuộng vì bổ dưỡng, thường chữa chứng suy nhược cơ thể, dưỡng bệnh, sản phụ mới sinh.Nếu kết hợp với tam thất, mật ong thì nó trở thành một món ăn bổ dưỡng không kém gì nhân sâm.
Gà ác được dùng làm thuốc bổ bởi trong thịt của nó giàu axit amin, canxi, phốt pho, protit, lipit.Thịt gà ác còn trị chứng thận suy, đau lưng, ra mồ hôi trộm, chân tay yếu mỏi.

II.Văn hóa tận dụng gà.
- Ngoài những tính năng bổ dưỡng của gà, ngày nay khi khoa học phát triển, con người đã chế tạo được một loại thuốc từ tinh chất gà ( nước cốt gà) với tính chất chống viêm và chống sự xâm nhiễm của virus ( gọi là Essence of Chicken), kích thích hệ miễn nhiễm, tăng cường khả năng phòng bệnh cho cơ thể chống lại cảm cúm và các bệnh nhiễm khuẩn khác, đồng thời làm giảm chứng huyết áp cao và ngăn chặn bệnh xơ vữa động mạch liên quan đến tuổi tác.Ngoài ra loại nước cốt gà này còn có tác dụng Cung cấp năng lượng tức thời cho cơ thể, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe, cải thịên trí nhớ và năng lực trí tuệ, chống Stress và giảm căng thẳng thần kinh.Đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ nuôi con.( Theo diễn đàn Webtretho - Tuổi trẻ).
- Người chăn nuôi gà không chỉ dừng ở đó, người ta còn nuôi gà để lấy trứng bởi trong trứng gà có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bao gồm tám loại axit amin cần cho cơ thể mà trong gạo, mỳ lại không có.Người ta tính nếu trong bữa ăn chỉ cần một quả trứng là có thể làm các loại axit amin khác được hoàn bị, nâng cao thêm chất lượng của các chất albumin vào cơ thể, dễ hấp thụ hơn.Hoặc với những người có thể chất suy yếu, phụ nữ sau khi sinh, mỗi ngày bồi dưỡng một quả trứng gà vừa bổ khí huyết, vừa khôi phục thể lực tương đối nhanh.Riêng lứa tuổi thanh thiếu niên ăn trứng gà thường xuyên với liều lượng vừa phải, rất tốt cho sự sinh trưởng, phát triển thể lực.Với trẻ nhỏ thì lòng đỏ trứng phong phú chất sắt. tăng cường khả năng hấp thụ và tiêu hóa.
- Qua phân tích người ta biết trong 100g thịt gà có 23,3g albumin, hàm lượng albumin này vượt xa hơn nhiều so với hàm lượng albumin trong thịt bò, lợn, dê.Thịt gà theo đông y, con mái thịt có vị chua, tính bình, có tác dụng trị phong hàn, chứa gãy xương, bụnh tích hòn cục, bạch đới, lỵ, ung nhọt.Ăn thịt gà mái già có tác dụng bổ huyết, trừ phong.Thịt gà trống vị ngọt, tính ấm, có tác dụng an thai, trị phù thũng, tê liệt, làm liền xương ( Theo sức khoẻ và đời sống 24/03/2009).
- Ngoài giá trị trong ẩm thực, y học , trứng gà còn được tận dụng trong việc làm đẹp của con người.Người ta sử dụng trứng gà với những cách làm đẹp sau :
* Mặt nạ chăm sóc tóc
Cách 1: Khắc phục hư tổn của tóc
Trộn lẫn một thìa dầu ôliu, với 1 lòng đỏ trứng gà cùng với 1 cốc nước ấm.
Đánh thật đều chúng lên, nhớ là hãy đánh càng kỹ càng tốt.
Sau khi gội sạch đầu với dầu gội, bạn hãy dùng hỗn hợp này thoa đều từ chân tóc tới ngọn tóc, mát xa nhẹ nhàng trên da đầu trong vòng - từ 5 - 10 phút.
Sau đó hãy xả sạch với nước.
Loại mặt nạ chăm sóc tóc này đặc biệt thích hợp với những mái tóc đã bị hư tổn do bị hoá chất như ép, nhuộm, là, sấy.
Cách 2: Giúp mượt tóc, trị gàu
Chọn 2 trái trứng gà loại tươi, đập trứng gà vào một chén con , cho thêm 2 muỗng nước tạo thành dung dịch sền sệt.
Bôi dung dịch này lên tóc, để khoảng 5 phút rồi xả bằng nước ấm.
Sau đó gội đầu lại bằng nước chanh.
* Dầu gội
Với nguyên liệu chính từ trứng gà, tự bạn cũng có thể tạo được một loại dầu gội giúp chăm sóc tóc rất hiệu quả.
Dùng 1 thìa dầu ôliu, 1 quả trứng gà lấy cả lòng đỏ và lòng trắng, 1 thìa nước cốt chanh và 1/2 thìa dấm rượu táo.
* Dầu xả
Trộn 2 quả trứng gồm cả lòng đỏ và lòng trắng với 4 thìa dầu ôliu, dùng để thoa lên tóc, nên nhớ hãy thoa kỹ từ chân tóc tới ngọn tóc.
Hãy dùng một chiếc khăn thấm nước ấm và cuốn lên tóc trong vòng nửa tiếng thì gội sạch lại với nước ấm vừa tay.
* Mặt nạ chăm sóc da cho quý ông
Làn da của ông tuy có những sự khác biệt với làn da của quý bà, nhưng cũng rất cần được quan tâm chăm sóc bằng các loại mặt nạ chăm sóc da.
Bạn hãy dùng 3 thìa bia, 1 thìa sữa chua, 1 thìa dầu ôliu, 1 lòng trắng trứng gà, 1 thìa dầu quả hạnh trộn đều với nhau.
Trước khi dùng hỗn hợp này để thoa lên mặt, các đấng mày râu cần dùng nước ấm để làm ướt da mặt, sau đó hãy thoa đều hỗn hợp nói trên lên da.
Sau đó khoảng 15 - 20 phút thì rửa sạch lại với nước ấm.
* Xoá túi bọng mắt
Dùng lòng trắng trứng gà đánh thật bông lên, sau đó hãy thoa một lớp mỏng dưới mắt, đợi cho tới khi khô, bạn có thể sử dụng phấn trang điểm như bình thường.
* Loại bỏ nếp nhăn xung quanh mắt
"Điều trị" chúng bạn chỉ cần dùng lòng trắng trứng bôi lên khu vực mắt giống như một lớp "áo" dầy, để trong vòng vài giờ rồi hãy rửa mặt.
* Trị mụn
Đánh sầu bọt một lòng trắng trứng gà, sau đó thêm 1 thìa bột yến mạch vào, tiếp tục đánh cho đến khi bột yến mạch hoà quyện vào trong lòng trắng trứng.
Hãy thoa đều lên vùng da bị mụn và đợi cho tới khi nó tự khô thì rửa sạch với nước ấm và sau đó là nước lạnh để giúp cho các lỗ chân lông se khít.
* Làn da mịn màng, trắng hồng
Cách 1:
Bạn hãy pha lẫn nước ép của một quả chanh với 1 lòng trắng trứng gà, hãy đánh thật đều, và thoa lên mặt, để khoảng từ 15 - 20 phút, cho khô tự nhiên.
Sau đó dùng nước ấm rửa sạch lại mặt.
Cách 2:
Trộn lẫn 1 thìa mật ong, 1 lòng trắng trứng gà, 1/2 thìa dầu quả hạnh và 1 thìa sữa chua.
Mật ong có tác dụng làm mềm da, trứng và dầu quả hạnh giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho làn da, sữa chua là loại thần dược có tác dụng làm cho làn da luôn tươi trẻ và se khít bề mặt các lỗ chân lông.
Bạn hãy dùng hỗn hợp của các thành phần trên, thoa đều lên da mặt trong vòng 15 phút và rửa sạch bằng nước lạnh sau đó.
Cách 3:
Hãy dùng 1 thìa đất sét khô trộn cùng với 1 lòng đỏ trứng gà, và 1/4 cùi thịt của quả bơ.
Hãy đánh đều chúng lên cho tới khi tạo thành một lớp bột mịn, nhão.
Thoa chúng lên da mặt cho tới khi khô thì rửa sạch lại với nước.
Cách 4:
Pha lẫn thìa bột đậu xanh và khoảng một quả chuối đã nghiền nát, sao cho chuối và bột đậu xanh tạo thành một lớp bột nhão.
Tiếp đó đập một quả trứng vào và trộn thật đều lên.
Thoa hỗn hợp lên mặt và đừng quên thoa lên cả phần cổ, để khoảng 15 phút rồi rửa sạch với nước ấm.
* Chăm sóc da thường
Lòng đỏ trứng thêm 1 thìa mật ong, đắp lên mặt khoảng 20 phút rồi rửa sạch mặt.
Mỗi tuần nên sử dụng khoảng 2 lần, bạn sẽ thấy hiệu quả từ phương pháp này đấy.
* Chăm sóc da dầu
Hãy dùng 1 thìa dầu quả hạnh trộn với 1 lòng đỏ trứng gà để đắp lên mặt trong vòng từ 10 - 30 phút.
Bạn cũng có thể thêm kem tươi vào hỗn hợp trên để cung cấp thêm hàm lượng dưỡng chất cho làn da.
Lưu ý: Bạn nên tránh sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa nhiều dầu, sẽ khiến cho tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn.
* Chăm sóc da khô
Dùng 1 lòng đỏ trứng trộn với 1 thìa dầu oliu hoặc váng sữa sau đó đắp hỗn hợp lên mặt khoảng 20 phút, đợi cho đến khi khô thì rửa sạch bằng nước.
* Chăm sóc da tay
Dùng một lòng trắng trứng, cho thêm 2 thìa sữa, 1 thìa mật ong sau đó trộn đều rồi thao lên tay để trong vòng 15 phút rồi rửa sạch, tiếp đó thoa kem dưỡng da tay lên.
Mỗi tuần làm 1 lần bạn sẽ có được đôi bàn tay mềm mịn và trắng hồng.
* Tăng lưu thông máu
Hãy trộn một quả trứng tươi với một thìa mật ong. Trước khi đi ngủ dùng bàn chải đánh răng (loại cước mềm) bôi mật ong trứng lên mặt. Sau đó mát xa nhẹ nhàng để kích thích các tế bào da mặt, thúc đẩy tuần hoàn máu. Đợi đến khi da mặt khô, dùng nước rửa sạch mặt. Mỗi tuần làm 2 lần.
(Nguồn tin từ : http://blog.tamtay.vn/cobengocthu/blog/ ... rung-.html).
- Lông gà ở gà trống còn được tận dụng để làm chổi lông gà ( còn gọi là phất trần ) dùng để quét, phủi bụi.
- Riêng đối với giống gà nuôi để chọi ( gà chọi, gà tre) đã trở thành thú vui dân gian từ bao đời nay.Nó thu hút không ít người tham gia không chỉ ở nông thông mà ngay cả ở đô thị cũng có.Từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam đều có hội chọi gà vào nữhng dịp lễ Tết.Điển hình là lễ hội đền Hùng - thành phố Việt Trì, lễ hội đền Đô ( Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh).Từ mồng 6 tháng 3 đến 13 tháng 3 âm lịch, các chủ gà đều ôm gà đến lễ hội để thi đấu.Tất cả các bãi đất trống trong khuôn viên của lễ hội đều chật kín người.Trong các trò chơi diễn ra ở lễ hội, có lẽ chọi gà thu hút đông đảo người chơi và người xem nhất.Mọi người hào hứng theo dõi từng bước di chuyển của những chú gà chọi.Tinh thần "thượng võ" được quán triệt, triệt để, tận dụng gà chọi để vui thú thể thao.


III.Văn hóa đối phó với gà.
- Trong quá trình chăn nuôi gà, người ta phải đối phó với mùi hôi của gà, với rác thải và phân gà.Nếu chăn nuôi theo mô hình thả ở vườn, đồi thì sau khi đưa gà vào chuồng, người ta phải làm vệ sinh vườn, đồi và cả ở chuồng gà bằng cách dọn phân, sử dụng thuốc khử mùi.
- Khi thời tiết thay đổi, nhất là vào màu đông, gà vẫn thường bị chết mà nhân dân ta vẫn gọi là “gà rù”.Khi gà chết do bị phải gió ( rù), cần nhanh chóng đem tiêu hủy ngay, tránh vứt xác gà bừa bãi hay ăn thịt gà loại này.Nếu gà mới bị rù, giã tỏi, ép nước cho gà uống, để gà bị bệnh sống cách ly, chữa khỏi hẳn mới cho đi theo bầy.Gà phải được nuôi đúng kỹ thuật, giữ vệ sinh chuồng trại và phải tiêm phòng dịch.
- Tuyệt đối không ăn gà chết mà không rõ nguyên nhân.
- Đề cao cảnh giác với loại gà, trứng gà nhập ngoại.Nhất là gà Trung Quốc và đặc biệt là gà đông lạnh.Vừa qua trên phương tiện thông tin đại chúng mọi người đều rõ, hiện nay, trong một số cửa hàng thực phẩm, một số kho của các chợ, nhà hàng, khách sạn ở những thành phố lớn của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…vẫn còn một lượng gà không nhỏ, chất lượng không đảm bảo, lưu giữ ở điều kiện rất kém, không đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, gây lo ngại và nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.Mặc dù nhà nước đã có bịên pháp cảnh báo, ngăn chặn, song việc thi hành chưa triệt để.
- Dịch cúm gia cầm xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam (năm 2003 – 2004 ) đã khiến hơn 6 triệu con gia cầm bị tiêu huỷ.Trong số đó, gà chiếm một lượng lớn nên nhiều khi dịch cúm này vẫn được gọi tắt là cúm gà.( Theo báo Kinh tế nông thôn 6/11/2006)
Để đối phó với nạn dịch này nhà nước ta , cụ thể, đã làm những việc như sau :
* Sử dụng vacxin như một giải pháp chống dịch bệnh.
* Chiến lược hoạt động bền vững phát hiện và xử lý tất cả các kênh có dẫn đến dịch bệnh.
Có kế hoạch dài hạn và có tầm nhìn toàn diện hơn để trừ được dịch bệnh này.
* Xử lý dịch bệnh, giết mổ gia cầm.
* Tổ chức chăn nuôi phù hợp với phòng chống dịch bệnh dài hạn ( chăn nuôi hợp vệ sinh, đúng kỹ thuật, kiểm dịch vận chuyển, giết mổ tập trung theo công nghiệp và phân phối).
Như đồng chí Phó cục trưởng cục thú y Hoàng Văn Nam ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khẳng định : giải pháp chính là tuyên truyền, thông tin cho dân để họ biết cách bảo vệ gia cầm và bảo vệ chính mình, hướng dẫn người nuôi khử độc, tiêu trùng ; tiêm vacxin cho toàn bộ gia cầm.Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay có song hành hai ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm : một ban có chức trách liên quan tới chăn nuôi, ban còn lại lo giải quyết những vấn đề về người bị lây cúm H5N1.

IV.Văn hóa sùng bái gà.
- Như chúng ta đã biết từ xa xưa người dân đất Việt đã lấy con gà làm vật tế lễ thần linh, để tỏ lòng thành kính của con người đối với trời đất, thánh thần, tố tiên.Bởi thế trong mâm lễ, ngoài các vật phẩm quý giá, không thể thiếu con gà đã được luộc và bày đặt rất cung kính như mâm lễ trước lúc sang canh đón mừng năm mới. Ở thời đại ngày nay, sự phát triển giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các vùng miền, giữa các nước trở nên phong phú nhưng gà vẫn là loại thực phẩm hiếm khi vắng mặt trong các bữa tiệc, từ tiệc cưới đến tiệc đám hay cúng giỗ của người Việt Nam ( Có đầy đủ các món ăn được chế biến từ gà như gà luộc, gà nướng, gà chiên, gà hấp, nộm chân gà, nộm gà ngó sen, gà tần …)
- Từ xưa cho đến nay trong nhân dân vẫn duy trì tục bói chân gà, vẫn có nơi dán tranh gà trước cửa thay một loại bùa “trấn môn” để xua đuổi tà ma ( vì khi gà trống cất tiếng gáy, mặt trời mọc là ma quỷ phải chạy về bóng tối).Người xưa còn quan niệm ở gà trống tập trung được những đức tính cao đẹp như :
- Vũ ( oai phong lẫm liệt)
- Nhân ( khi kiếm được mồi luôn gọi bầy).
- Tín ( ngày nào cũng gáy đúng giờ).
Chính vì lẽ đó người ta đã chọn gà trống làm quà tặng cho bố mẹ.Với món quà này, con cái muốn thể hiện sự kính trọng và khẳng định cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho mình.Cũng có chàng rể nhân món quà này thể hiện với bố mẹ vợ : mình là người con đứng đắn, một người chồng tốt, xứng đáng để con gái các cụ trao thân, gửi phận.
- Nói đến gà trong ngũ hành bát quái, ta biết nó đứng thứ chín trong mười hai con giáp, dưới cái tên Dậu.Người nào sinh năm Dậu cầm tinh con gà được khắc hoạ với những tính cách sau : là người cao ngạo, rất có trách nhiệm, có tình yêu với công việc, luôn tuân thủ kỷ luật, cảm nhận về màu sắc rất tinh tế.

V.Văn hóa lưu luyến gà.
a.Trong ca dao :
- Nói đến ca dao có ghi lại hình ảnh gà, ta thường nhớ tới lời nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương, đoàn kết của ông cha ta :
[center]"Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau".[/center]
- Trong những bữa tiệc tùng, cúng giỗ, có đĩa thịt gà luộc cũng gợi cho ta nhớ câu : “Con gà cục tác lá chanh”.
- Ngay cả khi người dân lao động đả kích thói xấu của người thầy bói, con gà trống cũng được đặt vào câu ca dao như sau :
[center]“ Chập chập rồi lại cheng cheng
Con gà trống thiến để riêng cho thầy”.[/center]
- Ngày nay, khi trẻ em có nhiều thú vui chơi hơn trước kia, chúng ra rất ít khi gặp, ít khi nghe thấy những bài đồng dao như “dung dăng dung dẻ” thủa nào có những câu :
[center]“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi….
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp”[/center]
b.Trong đời sống thường ngày :
- Đa số người Việt ta rất thích dùng lối nói ví von, so sánh giữa cảnh với người, giữa người với vật để diễn tả suy nghĩ, nhận xét đánh giá của mình mà không cần dài dòng.Ví như thấy cảnh người đàn ông mất vợ, phải lao động vất vả nuôi con, dân ta có câu “Gà trống nuôi con”.Hay chỉ một câu “gà đẻ, gà cục tác” là đã lột tả đúng bản chất xấu của kẻ đã làm việc không ra gì lại còn to miệng kêu la hòng che đậy thiếu sót của mình ( nhưng thực tế lại tự phanh phui cái xấu của mình ra cho mọi người biết).Riêng đối với những người kém cỏi, chỉ biết làm ăn nhỏ nhặt nơi quen thuộc, lại không có khả năng nhìn xa trông rộng, đã có câu : “ Gà què ăn quẩn cối xay”, có khác nào con gà què kia không tìm thấy mồi được ở nơi khác, chỉ biết quanh quẩn bên cối xay lúa nhặt hạt vãi, hạt rơi.Rồi đối với những kẻ có tính ích kỷ, hay ghen tị, ganh đua trước sự vượt trội của người khác so với mình, ta thường nhận xét họ với câu “ gà tức nhau tiếng gáy”.Và còn không biết bao nhiêu lý do, cách gọi như “ gà tồ”, “gà mờ”, “gà mượn lông công”…v..v.. để đem ra ví von, so sánh.
- Đó đây ta còn thấy những câu thành ngữ : Lông gà, vỏ tỏi ( dễ bay, nhẹ), gà bay – chó nhảy ( chỉ sự lộn xộn).Và kinh nghiệm đối phó với thiên nhiên cũng được đúc kết từ bao đời nay như : “ ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống”.
- Trong cuộc sống thường nhật, nhất là thời nay ta bắt gặp nhiều gương mặt “đỏ như gà chọi” – ý chỉ những người hay bia rượu, mặt lúc nào cũng đỏ.
c.Trong nghệ thuật.
Ở phần này, ta chỉ có thể điểm qua một vài tư liệu dưới dạng truyền thuyết, cổ tích, tranh dân gian, thơ ca có lưu lại hình ảnh con gà.
- Trong thời kì Âu Lạc, khi vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, gà đã xuất hiện.Nó chính là “con gà trắng sống ngàn năm thành tin ở núi Thất Diệu”.Con gà này vì những oan hồn của các vua trước đời vua Hùng Vuơng thứ XVIII mà phá thành, thành xây xong chỉ qua một đêm lại sập.
- Hoặc trong sử thi Mường “Đẻ đất, đẻ nước” gà ải, gà rừng xuất hiện sau con người như một vị cứu tinh cho có ngày ( khi gà gáy gọi bình minh), có đêm, để cho con người không phải chìm mãi trong bóng tối.
- Con gà mái sẵn lòng giúp cô Tấm ( truyện cổ tích Tấm Cám) rất được mọi người quý mến với tiếng “Cục ta cục tác.Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho”.
- Gà không chỉ giúp người, nó giúp cả “bạn Vịt” ấp trứng đến nở thành con.( “Gà và vịt” – 108 truyện hay nhất về các loài vật – NXB Văn hoá Thông Tin 2007).
- Đối với người nông dân, gà là một loài tài sản qúy.Bởi vậy khi bị mất nó, người ta xót xa, tiếc của và người ta chửi.Lời người đàn bà bị mất gà đã được ghi lại trong tiểu thuyết “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan – nghe thật chua ngoa : “ Chém cha đứa nào bắt gà nhà bà…Mày muốn sống mà ở với chồng con mày, thì buông thả nó ra….Nó ở nhà bà nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng, mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem…”
- Trong nhà trường, ngay từ khi các cháu biết đọc, biết viết, đã có những bài tập đọc, bài thơ về con gà dễ thuộc, dễ nhớ như : “ Mười quả trứng tròn”, “Đàn gà mới nở” ( Phạm Hổ ), bài “Ò Ó O” ( Trần Đăng Khoa), bài “Ai dậy sớm nhất” ( Phạm Công Trứ - SGK Lớp 2).
- Trong âm nhạc, các nhạc sỹ đã sáng tác những ca khúc ngắn cho các cháu tuổi mầm non với những bài hát ghi hình ảnh chú gà như bài “Con gà trống” ( Tân Huyền), “Gà trống, mèo con và cún con” ( Thế Vinh), “Đàn gà trong sân” ( Nhạc Pháp - Lời Việt).Dân ca Cống Khao có bài “Gà gáy le te” được các em rất yêu thích trong những buổi sinh hoạt âm nhạc tập thể hay hội diễn văn nghệ.
- Gà còn tạo cảm hứng trong sáng tác hội họa.Trong tranh gà Đông hồ, ta thường bắt gặp tranh em bé ôm gà : biểu tượng đặc trưng cho hạnh phúc dồi dào, ấm no, thịnh vượng, tranh “Đàn gà mẹ con” tượng trưng cho phúc đức gia đình, cho tình thương yêu mẹ con thông qua hình ảnh gà mái mẹ ấp ủ đàn con, sẽ vì con mà chống lại bạo lực.
- Trong thú chơi dân gian dành cho trẻ nhỏ, nặn tò he ( nặn gà bằng bột) vẫn còn nguyên giá trị của nó, dù ở nông thôn hay thành thị, nếu có được món quà là một chú gà trống màu sắc sặc sỡ, oai vệ trên một cái que tre, với một bông hồng đỏ làm nền - tất cả đều được làm bằng bột màu được nặn một cách khéo léo sẽ được các em rất thích và rất quý.
Đến đây, ta có thể nói rằng : đã từ rất lâu rồi, con gà gắn bó với đời sống chúng ta.Nó không chỉ đem lại nguồn dinh đưỡng dồi dào, nó còn đem đến cho chúng ra bao món ăn tinh thần qúy giá.Hình ảnh đàn gà kiếm ăn trong vườn, đàn gà nhặt thóc trong sân vườn vẫn là những hình ảnh gợi cho ta nhớ về quê hương với bao tình cảm dạt dào.Bởi vậy ta cần phải có trách nhiệm bảo vệ và phát triển những giá trị tự nhiên của loại gia cầm này, nhằm phục vụ tốt hơn cho đời sống của con người.
Do khả năng tìm hiểu đề tài có hạn nên bài viết của em còn có nhiều thiếu sót.Kính mong nhận được sự đánh giá của thầy cũng như sự góp ý của mọi người.Em chân thành cảm ơn!
RANDOM_AVATAR
Ngoc Minh
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 5 14/05/09 20:54
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gà trong đời sống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi alo_aiday_hh » Thứ 6 26/06/09 9:43

đọc xong bài của ngocminh, tôi thấy Gà đúng là một người bạn thân thiết của người Việt Nam ta. Có nhiều cách làm đẹp từ trứng gà mà bạn đã nêu, phụ nữ có khác. Việc tận dụng gà còn có thêm sau khi mổ thịt, lông gà được làm sạch để làm quả cầu lông gà cho trẻ em chơi, vừa nhẹ vừa bay nên trẻ con rất thích chơi trò này. Hoặc làm chổi lông gà để phủi bụi mà người ta hay bán. Gà quả thật đi vào ca dao, tục ngữ rất nhiều trong kho tàng văn học dân gian: Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi....
trong bài bạn có viết phần phân loại gà chọi bạn cho là cũng là gà tre là chưa đúng, gà tre rất nhỏ, xinh, ngày nay những gia đình ở thành phố có mốt nuôi gà tre để làm cảnh. Tính lịch sử: từ gà rừng, con người nuôi dưỡng, thuần hoá dần dần thành gà nhà. Gà trống như là biểu tượng cho người quân tử ( tranh gà đại cát- tranh Đ.Hồ) với móng nhọn, cựa khoẻ, lông đẹp, mỏ cứng, đứng một chân co chân duỗi. Xưa kia, đàn gà còn là một gia tài với người nông dân, nó đẻ trứng, đẻ con giúp người nông dân có thêm thu nhập. Đối phó với cứt gà hôi, người ta phủ tro bếp, xỉ than lên trên, làm gà mà hôi người ta rửa gà bằng nước giấm. Món gà luộc mà ăn mãi chán thì có món gà xé phay, gà quay, gà rán ( vd như gà rán KFC, BBQ trở thành thương hiệu)...Gà làm sẵn người ta hay bôi nghệ lên mình nó cho đẹp mắt, dễ bán.
RANDOM_AVATAR
alo_aiday_hh
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 3 28/04/09 9:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gà trong đời sống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Ngoc Minh » Thứ 6 26/06/09 15:05

Cám ơn "alo_aiday_hh" đã góp ý cho bài của em.Qua ý kiến trên, em xin bổ sung một số ý như sau :
- Nói về tính lịch sử : Trong phần dẫn nhập em chỉ nói qua "Gà là giống được thuần dưỡng từ xa xưa và phổ biến lâu dài" chứ không đi sâu vào phân tích quá trình thuần hóa của gà.
-Trong các công dụng làm đẹp của trứng gà, không chỉ dành cho phụ nữ mà còn có cả 1 công thức dành cho giới mày râu các anh( a đọc lại xem).Ai cũng có thể làm đẹp được mà!
-Ở phần phân loại gà, nói đến gà tre và gà chọi.Theo tài liệu tham khảo ở cuốn "Đại Từ Điển Tiếng Việt" - NXB Đại Học Quốc Gia TP HCM (2008) , Nguyễn Như Ý chủ biên có định nghĩa về hai giống gà này như sau :
+ Gà chọi : gà nuôi để chơi chọi theo tập quán của cư dân vung Đông Nam Á, thân dài, cổ to dài, ngục rộng đùi phát triển, chân khỏe cựa to, lông đen hoặc đen pha đỏ, tính hung hăng.
+ Gà tre : loại gà nhỏ con như gà rừng, rất hiếu chiến nuôi để chọi.
Theo định nghĩa này, chức năng chung của hai giống gà này đều là nuôi để chơi chọi, nên em trong bài em viết như vậy.
Tìm hiểu thêm trong "tudienbachkhoatoanthu.gov.vn", gà chọi và gà tre được hiểu như sau :
+ Gà chọi : gốc ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu ở Malaixia, được chọn lọc và tạo ra theo tập quán chơi chọi gà của cư dân vùng này. Lông đen hoặc đen pha nâu đỏ. Mào nụ hoặc mào đơn kém phát triển. Cổ to và dài. Thân dài. Ngực rộng, cơ ngực và cơ đùi phát triển rất khoẻ. Chân dài, xương chân to khoẻ. Cựa to dài. Gà con mọc lông chậm. Gà mái nuôi con vụng. Gà trống tính hung hăng, rất ham chọi nhau. Hàng loạt giống gà công nghiệp lấy thịt đều có máu GC.
+ Gà tre : giống gà địa phương nuôi ở một số tỉnh Nam Bộ Việt Nam: nhỏ con; gà trống lông trắng, đuôi và cổ đen; gà mái màu vàng, thấp chân. Gà trống và mái nhỏ hơn gà ri. Tập tính: hay bay và đậu trên hàng rào. Nuôi làm cảnh.
- Giá trị của con gà đối với người nông dân, có lẽ đọc phần Văn hoá lưu luyến gà trong văn học là đủ.
- Ẩm thực gà thì quả là phong phú.Trong phần Văn hóa sùng bái , em có viết : "Có đầy đủ các món ăn được chế biến từ gà như gà luộc, gà nướng, gà chiên, gà hấp, nộm chân gà, nộm gà ngó sen, gà tần …)".
Hiện nay các thương hiệu Gà KFC, gà BBQ hay Loterria là sự du nhập ẩm thực từ các nước vào Việt Nam.Trong bài này, đề tài hướng tới là "Gà trong đời sống của người Việt Nam".
- Bổ sung thêm phần Tận dụng gà : phân gà người ta chuyên bón cho cây ớt làm cho quả của nó cay hơn.
RANDOM_AVATAR
Ngoc Minh
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 5 14/05/09 20:54
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gà trong đời sống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi xxx_rhapsody » Thứ 6 26/06/09 16:39

Bài chị Minh viết hay, khá đầy đủ. hehe..đọc mà thấy thèm thịt gà wá
Tuy nhiên e thấy phần tận dụng mà c viết về các cách làm đẹp từ gà là hơi thừa...
E thấy ko cần thiết phải nêu rõ ràng và quá nhiều về các cách làm đẹp như vậy, chỉ nên điểm qua danh sách thôi, vì đây đâu pải diễn đàn làm đẹp..hehe..nhưng cũng thanks c đã đưa lên mí cách làm mặt nạ, tối nay e pải thử mới đc :idea:
"The Winner don't do different things - They do things differently"
Hình đại diện của thành viên
xxx_rhapsody
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 4 20/05/09 20:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gà trong đời sống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Ha Thi Huong » Thứ 6 03/07/09 9:57

Bài viết của bạn khá rõ ràng và đầy đủ, tuy nhiên tôi có một ý kiến nhỏ về phần phân loại: riêng gà mái ghẹ thì không thể phân ra nó là một loại giống được vì gà mái ghẹ là gọi chung cho gà mái đẻ một lứa
RANDOM_AVATAR
Ha Thi Huong
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 21:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gà trong đời sống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Ngoc Minh » Thứ 6 03/07/09 19:36

Cám ơn góp ý của chị Hương.
Trong phần phân loại, trước hết, em liệt kê các loại gà mà ta thường biết đến ( dù vẫn chưa đủ) , sau đó mới phân thành 3 loại chính theo tiêu chí sử dụng là gà để ăn, gà để chơi và gà để chữa bệnh chứ không phải ở phần liệt kê các tên gọi gà đó đã là phân loại gà.
RANDOM_AVATAR
Ngoc Minh
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 5 14/05/09 20:54
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến25 khách