Gánh hàng rong - Làng trong đô thị

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Gánh hàng rong - Làng trong đô thị

Gửi bàigửi bởi Meocute » Thứ 6 03/07/09 11:31

Việt Nam là một nước nông nghiệp, điều này hiển nhiên ai cũng biết. Trong quá trình phát triển, phố thị mọc lên đối lập với nông thôn nhưng với tập quán tiểu nông lâu đời, những đô thị “thoát thai” từ nông thôn, mang theo mình những tập quán tiểu nông của đại bộ phận dân cư, và có những tập quán cố hữu ăn sâu vào tiềm thức người dân không dễ gì từ bỏ, hàng rong đã trở thành một đặc thù của hầu hết các đô thị Việt Nam.
Thật ra, không chỉ ở Việt Nam mới có hàng rong mà nhiều nước trên thế giới cũng có hàng rong. Nhưng hàng rong ở Việt Nam có nét riêng khó trộn lẫn với nơi khác, đặc biệt là ở Hà Nội. Là một trong những thành phố lớn và sầm uất của Việt Nam, Hà Nội vẫn mang trong mình hai dòng chảy văn hóa, đó là văn hóa nông nghiệp và văn hóa công nghiệp, nét văn hóa đặc trưng cho nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, vốn đã hình thành và phát triển từ bao đời nay, ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân Việt Nam ngay cả khi họ đã trở thành người thành phố. Hàng rong có giá trị trong đời sống văn hóa người Việt, có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Và gánh hàng rong là một trong nhiều yếu tố “làng” tồn tại cùng đô thị văn minh hiện đại.
Hàng rong Hà Nội xuất hiện từ khi nào, hẳn là rất lâu rồi. Ngày nay chúng ta biết đến lịch sử gánh hàng rong từ cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 qua một số bức ảnh mà tiêu biểu là bức ảnh bán trầu cau trên phố Hàng Ngang. Trên trang Vietimes - Vietnamnet nhà văn Tô Hoài có nói “Thời bà tôi, mẹ tôi, hàng rong đã xuất hiện nhiều lắm rồi. Phụ nữ gánh hàng rong chít khăn mỏ quạ, mặc váy, đi dép “Kẻ Noi”. Nói về hàng rong, theo tôi biết, là từ khi tôi còn bé, nó chỉ quanh quanh ngoại thành Hà Nội thôi. Những người sống xung quanh 36 phố phường làm thủ công, làm ruộng hay trồng rau thường kiếm sống bằng nghề bán rong. Họ bán củ khoai, củ sắn hay sản phẩm họ làm được”.
Gọi là gánh hàng rong vì họ chủ yếu dùng quang gánh để gánh sản phẩm đi bán ở mọi ngõ ngách. Bất cứ ai đến Hà Nội cũng không thể nào quên được cảnh những người bán hàng rong mang hàng hóa của họ đi bán khắp các phố phường. Và nay, gánh hàng rong đã trở thành một danh từ chung chỉ những người bán hàng hóa không cố định ở một chỗ.
Nghề bán hàng rong tồn tại cũng bởi người Hà Nội, nhất là ở những khu phố trung tâm, có thói quen ăn quà từ những gánh hàng rong. Chỉ cần ngồi ở nhà họ vẫn có thể mua được đủ thứ cần thiết bởi người bán hàng rong có mặt ở mọi ngõ ngách của phố phường. Và Hà Nội lôi cuốn du khách không phải bởi những thứ hiện đại mà bởi cái hồn, cái tinh túy của mảnh đất này như Văn Miếu, Hồ Gươm…, những quán café vỉa hè và cả bởi những gánh hàng rong trên khắp phố phường Hà Nội. Gánh hàng rong chở hồn quê đi khắp thủ đô và trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội, đã đi vào niềm nhớ của bất cứ ai đã sống, đã yêu, đã gắn bó với mảnh đất này. Trong kí ức, trong tâm hồn người Hà Nội hình ảnh những gánh hàng rong và những tiếng rao khuya đã in dấu rất sâu. Buổi đêm Hà Nội thức khuya sẽ nghe thấy tiếng rao hàng dài suốt con ngõ nhỏ, những tiếng rao thẩm sâu đã in vào kí ức của nhiều thế hệ. Họ không chỉ nhớ tiếng rao mà còn nhớ cả những gánh hàng đã chở cả mùa hạ với hoa loa kèn, hoa sen, chở mùa thu về với gánh cốm non xanh như ngọc của chị con gái làng Vòng, gói cốm bằng một lớp lá mùng, một lớp lá sen xanh rồi sợi rơm vàng quấn quanh như chút nắng cuối mùa vướng víu… Những người bán hàng rong đã tạc nên một Hà Nội thứ hai, yên bình và sâu lắng bên cạnh một Hà Nội sôi động đang đổi thay từng ngày từng giờ.
Thời nay, người bán hàng rong không chỉ ở Hà Nội mà họ còn đến từ các tỉnh lân cận như Hà Tây, Hưng Yên…, xa hơn có Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa… Họ đi bán hàng rong vì những lí do rất khác nhau: vì thu nhập ở nông thôn thấp, không có công ăn việc làm, vì đất đai hạn hẹp, vì mất nghề truyền thống. Vì vậy, bán hàng rong trở thành một giải pháp, bán hàng rong cung cấp việc làm và là nghề duy nhất để kiếm sống của rất nhiều người không chỉ sống bằng nghề bán hàng rong mà cả những lao động khi nông nhàn hay ở những vùng đất đai khan hiếm hoặc do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong thời gian gần đây. Lứa tuổi và giới tính cũng đủ cả: già, trẻ, trung niên, đàn ông, đàn bà.
Phương tiện kiếm sống của những người bán rong trước đây thường là đôi quang gánh, cái thúng, cái mẹt nhưng xã hội phát triển nên phương tiện cũng được nâng cấp theo. Ngày này, người bán hàng rong không chỉ là đôi quang gánh, cái thúng cái mẹt như mà họ còn sử dụng xe đạp, xe đẩy, xe máy và thậm chí cả ô tô. Hàng hóa của họ rất đa dạng: lương thực, thực phẩm, rau, hoa, quả, quần áo, đồ dùng bằng nhựa, hàng hóa… Mỗi ngày họ rong ruổi ở mọi ngóc ngách, tìm đến người mua hàng với phương thức thuận mua vừa bán.
Những gánh hàng rong là một phần của mạng lưới phân phối hết sức hiệu quả. Thiếu việc bán hàng rong, nền sản xuất và các chợ đầu mối chắc chắn sẽ ngưng trệ, nền nông nghiệp thậm chí nền tiểu thủ công nghiệp theo mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn.
Gánh hàng rong cũng là một phần của hệ thống giao thông vận tải hiện nay. Do đặc thù của đường phố Hà Nội là nhỏ hẹp, các ngõ phố còn chật hẹp hơn nên hàng rong là cách cung ứng dịch vụ bán hàng rất hiệu quả và thiết thực, nó giải quyết phần nào nạn tắc đường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mà không phải tất cả mọi người đều phải đổ về các trung tâm mua bán tập trung để mua hàng trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển.
Hàng rong gắn với đời sống của những người nghèo, kể cả người bán cũng như người mua. Có vẻ như hàng rong là lối thoát khá hiệu quả đối với một khối lượng sản phẩm lớn của những người sản xuất nhỏ. Các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng quê phụ thuộc một cách đáng kể vào những gánh hàng rong trên đường phố thông qua việc bao tiêu sản phẩm của họ. Hàng năm lực lượng lao động này không chỉ nuôi sống hàng trăm hộ gia đình, mà còn đóng góp đáng kể vào thu nhập quốc nội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, nhà tư vấn chiến lược kinh tế cho Chính phủ, trao đổi trên VnExpress rằng “hiện nay chúng ta có một đội ngũ khoảng hơn 1 triệu người bán hàng rong. Hàng ngày, với số vốn 200.000 - 300.000 đồng, họ có thể kiếm được khoảng 50.000 đồng. Như vậy, tỉ lệ lợi nhuận trên số vốn của họ là điều mơ ước của nhiều công ty. Con số này nếu nhân lên trong vòng một năm có thể tương đương với doanh thu của nhiều tập đoàn lớn. Hơn nữa, không dễ gì huy động cùng một lúc 1 triệu người lính kinh tế như vậy.
Số tiền lãi mà những người này làm ra cũng không biến mất mà lập tức được quay vòng vào thị trường. Thử tưởng tượng một đồng vốn được quay vòng 365 lần một năm sẽ cho hiệu quả như thế nào. Đội ngũ bán hàng này cũng là những người vô cùng có kinh nghiệm trong việc phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng”.
Rolf Jensen, GS. Kinh tế học trường ĐH Connecticut, Mĩ “Tôi hiểu rằng có những người sống ở Hà Nội nhìn những gánh hàng rong giống như một nỗi phiền toái và họ muốn không bao lâu nữa thì những người bán hàng rong phải rời khỏi thành phố. Tuy nhiên, là một nhà kinh tế học, tôi lại đặt họ ở một vị trí khác. Đó là một bộ phận cung cấp hàng hóa và dịch vụ quan trọng với giá tương đối rẻ đến tất cả mọi người ở các tầng lớp kinh tế xã hội. Đây cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho những người dân có trình độ học vấn thấp, những người không thể tìm được việc đòi hỏi có kĩ năng lành nghề trong các cơ quan hay công ty chính thống. Những người bán hàng rong đã tạo thành một phần quan trọng của Hà Nội đời thường, nếu như họ mất đi công việc của mình, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn mà thôi”.
Từ gánh hàng rong chúng ta có thể thấy ẩn chứa trong nó là những nét đẹp văn hóa truyền thống đã tồn tại bao đời nay, góp phần tạo nên nét đặc trưng của Hà Nội nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung. Không thể phủ nhận rằng gánh hàng rong, tiếng rao của nó đã trở thành nỗi nhớ của nhiều thế hệ. Có thể thấy sự lưu luyến thể hiện trong thơ ca như “Gánh hàng rong” - Lê Quốc Dũng, bài thơ “Gánh hàng rong” - Xuân Miền, quán ăn Gánh hàng rong, một số tác phẩm âm nhạc hòa cả tiếng rao đêm của người bán hàng rong…
Bạn thấy sao với những ý kiến này?
RANDOM_AVATAR
Meocute
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 10:24
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gánh hàng rong - Làng trong đô thị

Gửi bàigửi bởi Ha Thi Huong » Thứ 6 03/07/09 16:42

Có thời, hàng rong được coi là nét đẹp văn hoá của Hà Nội. Có lúc, hàng rong bị coi là nhếch nhác, cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Hàng rong - người yêu, kẻ ghét.

Nét đẹp độc đáo của gánh hàng rong ngày xưa

Hình ảnh những phụ nữ quẩy hàng đi bán khắp phố phường thưa thớt người, bên cạnh tiếng tàu điện chạy leng keng luôn là ký ức của những người HN.
Những người gánh hàng rong ngày trước đem lại nhiều lợi ích cho người dân, bởi lúc đó không nhiều quán xá, không đông người, không tắc đường như bây giờ. Những thứ quà như phở, bún, bánh đúc từ những gánh hàng rong đã mang lại những bữa ăn ngon miệng và sạch sẽ. Về đêm, thỉnh thoảng văng vẳng những tiếng rao nhẹ nhàng

Cứ mỗi mùa, trên đôi quang gánh của những người bán rong lại có một thứ quà mang hương vị riêng. Mùa xuân là những gánh hoa nở rộ. Mùa hè về, hương cốm ngào ngạt bay khắp các phố phường. Cái lạnh của mùa đông cũng không ngăn người ta ra đường cùng bạn bè, sà vào một quán gánh rong bán ngô, khoai nướng, nhâm nhi ly càphê hay chén trà. Mùa thu mang tới các thứ quà nhẹ nhàng như: Xôi ủ lá sen, cháo đậu xanh...

Không còn nữa vẻ đẹp ngày xưa

Hàng rong ngày trước đẹp bao nhiêu, thì nay nó lại mang đến cho người thủ đô những ấn tượng xấu bấy nhiêu. Những gánh hàng rong bây giờ là một trong những nguyên nhân gây nên tắc đường, tai nạn, va quệt, làm xấu đi nét thẩm mỹ của thành phố. Hàng rong tràn ngập trên phố, trong mọi ngõ ngách. Không thật khó để thấy trên một vỉa hè, đây là gánh hàng bún đậu mắm tôm, kia là gánh hàng khoai lang luộc, bên cạnh là hàng ngô luộc, cháo nóng.

HN ngày nay luôn có mặt những đội quân "hai sọt, một xe" đi nghêng ngang trên đường, rong bán quần áo, giày dép, hoa... Những điều đó khiến HN bây giờ như nơi quy tụ của mọi thứ hàng hoá, mọi thứ nghề và biến HN thành cái chợ tạp nham không người quản lý.

Không chỉ gây nên tình trạng lộn xộn trên các nẻo đường, một bộ phận những người bán hàng rong đang làm xấu đi hình ảnh của thủ đô bởi nạn chèo kéo khách du lịch. Ấn tượng về sự độc đáo từ những gánh hàng rong của khách du lịch nước ngoài sẽ không còn khi họ bị quấy rầy, ép mua hàng. Đây thật sự là điều không mong muốn ở một thủ đô văn minh.

Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Một gánh hàng ăn buổi sáng nhếch nhác tại phố Thái Hà
Hình ảnh
Lấy bún cho khách bằng tay trần trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt
Hình ảnh
Xe gốm choán hết đường đi tại Kim Liên
Hình ảnh
Hàng rong họp thành chợ trước biển cấm họp chợ
RANDOM_AVATAR
Ha Thi Huong
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 21:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gánh hàng rong - Làng trong đô thị

Gửi bàigửi bởi tuechi050672 » Thứ 4 08/07/09 23:32

Bất luận thế nào thì gánh hàng rong theo tôi vẫn là một nét văn hoá của người Việt chúng ta. Thủa còn bé mỗi lần được về Hà Nội chơi, sáng sáng tôi đều bị đánh thức bởi tiếng rao của những người bán hàng rong. Những tiếng rao đặc biệt mà chỉ Hà Nội mới có, nó đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên.

Hiện nay với sự phát triển của xã hội, những người bán hàng rong cũng xuất hiện nhiều hơn trên đường phố với những hình thức rất phong phú (xe đạp, xe máy, xe đẩy...). Ngay cả những tiếng rao bán hàng cũng được thay đổi bằng những loa, đài tăng âm. Họ đi lại nhộn nhịp tràn trên các mặt phố, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thông. Từ đó làm mất đi hình ảnh đẹp của đô thị Việt Nam.

Bởi vậy bắt buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, các quyết định quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong được ban hành.Những người bán hàng rong chỉ được hoạt động ở những nơi được quy định.

Thiết nghĩ để gánh hàng rong trở thành một nét đẹp của văn hoá Việt Nam, phụ thuộc vào mỗi chủ thể (người bán hàng rong). Với nhận thức của mình, họ cần biết nên bán ở đâu và ở thời gian nào cho hợp lý và họ cần phải biết rằng chính họ đã và đang góp phần làm đẹp cho đô thị của chúng ta.

Với tôi, tôi không muốn bị mất đi hình ảnh của những đôi quang gáng, những chiếc xe thồ, những tiếng rao của người bán hàng luôn nằm sâu trong ký ức, một ký ức thật đẹp với hình ảnh của những người bán hàng rong đã làm nên sự phong phú, thú vị cho mỗi đô thị của Việt Nam.
luôn yêu đời, yêu mình, yêu người
Hình đại diện của thành viên
tuechi050672
 
Bài viết: 19
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 17:13
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Gánh hàng rong - Làng trong đô thị

Gửi bàigửi bởi Meocute » Thứ 6 10/07/09 14:03

Tôi cũng đồng ý với ý kiến mà bạn Hương và bạn Chi đưa ra. Đúng là nét đẹp của hàng rong hình như chỉ là tiếng vọng của quá khứ. Ngày nay, gánh hàng rong ở đô thị trở nên quá lộn xộn làm lấn át vẻ đẹp của nó. Nhưng nói đi phải nói lại, xã hội ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt mà những thiết chế và cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nên đã tạo ra những bất cập. Tôi cho rằng rất nhiều người bán hàng rong không mong muốn mình ngày này qua tháng nọ đi khắp nơi bán hàng; đơn giản họ muốn kiếm sống để nuôi sống gia đình mình, để tồn tại trong khi ruộng đất, công việc ngày một thu hẹp bởi sự đô thị hóa.
Sự lúng túng và không sâu sát với cuộc sống người dân của chính quyền trong việc hoạch định chính sách để đảm bảo cuộc sống cho họ cũng là nguyên nhân gây nên sự lộn xộn này. Thành phố đặc trưng với các con phố nhỏ, hẹp nay oằn mình chịu lượng xe cộ khổng lồ ngày đêm không nghỉ miệt mài lưu thông trên đường. Vậy nên, gánh hàng rong đã trở thành một nhân tố làm ảnh hưởng đến giao thông đô thị.
Giải pháp nào cho người bán hàng rong? Câu hỏi này không dễ trả lời bởi muốn giải quyết được vấn đề này chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ từ nhiều bộ, ngành bằng những chiến lược có tầm nhìn. Nếu nói đưa những người bán hàng rong tập trung vào một điểm nào đó thì không còn gọi là bán hàng rong nữa.
Gánh hàng rong và tiếng rao của nó vẫn mãi là hình ảnh đẹp. Nhớ lắm thay!
RANDOM_AVATAR
Meocute
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 10:24
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến30 khách