Bếp

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Bếp

Gửi bàigửi bởi vinhnguyenbmt » Thứ 7 04/07/09 16:01

[justify]…“Tôi nhớ nhất ở thời thơ ấu của mình là vào những chiều tắt nắng, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Hình ảnh và ấn tượng đầu tiên là những làn khói bếp ấm áp toả lên từ mái nhà tranh hoà quyện với mùi thức ăn bà tôi nấu bữa chiều làm tôi chỉ muốn tụt khỏi lưng trâu thật nhanh, nhào xuống gian bếp để đón nhận từ tay bà củ sắn lùi hay quả bắp ngô nướng cháy xém rồi nhai ngấu nghiến… Những ngày cuối năm, cả nhà cùng quây quần bên bếp lửa hồng đang đun nồi bánh tét. Mẹ tôi đang cời than bếp để rim nồi mứt gừng, nướng bánh in… Có lẽ vì thế mà gian bếp đã trở thành một trong những hình ảnh sâu đậm trong ký ức mỗi khi tôi nhớ về tuổi thơ của mình, dẫu đã bao nhiêu năm rời xa quê nhà…”
Xin được giới thiệu với diễn đàn về chủ đề “ Bếp dưới góc nhìn văn hoá” để cùng tìm hiểu thêm và chia sẻ một chút kỷ niệm ngọt ngào này.

PHẦN 1: NHẬN ĐỊNH BẾP LÀ VĂN HOÁ
Theo từ điển Tiếng Việt, bếp (dt) là nơi có lò lửa để đun nấu (đặt nồi lên bếp); hoặc là gian nhà nhỏ để nấu nướng (chị ấy đang ở dưới bếp). Ngoài ra, bếp còn được hiểu là một đơn vị gia đình riêng biệt (một bếp; một hộ) [NXB Thanh Niên – 2002].
Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, nhà bếp được hiểu với những ý nghĩa: “tượng trưng cho sự sống chung, cho mái nhà, cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho tập hợp và sự giữ gìn lửa. Như là mặt trời, bếp làm cho mọi người gần nhau bởi sức nóng và ánh sáng của nó – đó cũng là nơi đun nấu thức ăn – vì vậy bếp là trung tâm của cuộc sống, cuộc sống được ban cho, duy trì và sinh sôi. Bởi vậy bếp được tôn kính trong tất cả các xã hội, nó trở thành một điện thờ… ” (Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới – tác giả J. Chevalier và A. Gheerbrant – NXB Đà Nẵng và trường viết văn Nguyễn Du, 1997)

Trước hết, để khẳng định bếp là văn hoá, chúng ta sẽ bàn về tính nhân sinh, tính lịch sử, tính giá trị và tính hệ thống của bếp.
+ Tính nhân sinh:
Bếp do con người tạo ra và nhằm mục đích phục vụ con người. Đây cũng là một phát minh quan trọng của con người trong lịch sử. Loài người chỉ thành người khi có lửa, bầy đàn thành gia đình chỉ khi có bếp lửa.
+ Tính lịch sử:
Bếp có lịch sử khá lâu đời, có lẽ từ sau khi con người biết dùng lửa để là chín thức ăn. Phương pháp nấu ăn xuất hiện sớm nhất là đặt thực phẩm lên trên ngọn lửa rồi thỉnh thoảng quay tròn nó. Việc nấu nướng thuận tiện hơn khi người ta đặt lửa vào trong một buồng kín làm bằng đá hay đất sét - bếp lò. Khi bếp nóng, người đầu bếp có thể dập bớt lửa, bỏ thức ăn vào, rồi bịt kín lại cho đến khi thực phẩm chín. Bếp lò đầu tiên được tìm thấy ở thành Jericho thuộc Palestine cổ đại, nơi mà con người sống ở đó trên 10.000 năm.
http://cafesangtao.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1105&Itemid=25
Cho đến ngày nay thì có rất nhiều nhãn hiệu khác nhau của những nhà thiết kế sản xuất bếp. Từ chiếc bếp thô sơ đặt kê bằng mấy viên đá, viên gạch, ngày nay đã có những chiếc bếp điện, bếp gas, bếp từ…làm bằng các vật liệu cao cấp, đắt tiền. Chiếc bếp ngày càng được con người cải tiến và nâng cấp, ngày càng an toàn và tiện lợi, mang tính thẩm mỹ cao.
+ Tính giá trị:
Xét theo chủ thể: Con người ngày nay phần lớn dùng thức ăn nấu chín và nước uống đun sôi, vì vậy giá trị của bếp chắc không phải giải thích nhiều, phần này xin được bàn rõ thêm ở phần văn hoá tận dụng bếp.
Xét theo thời gian: Bếp có lịch sử lâu đời và gắn với lịch sử loài người, thời đại nào cũng thừa nhận công dụng của nó đối với cuộc sống.
Xét theo không gian: Cho dù là ở đâu, ở nơi nào, khi con người có nhu cầu ăn uống thì sẽ cần sử dụng bếp (trừ những lúc ăn bằng thức ăn chế biến sẵn).
+ Tính hệ thống:
Trải qua một quá trình phát triển lâu dài nên bếp có rất nhiều thay đổi. Tuỳ thuộc vào thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán của mỗi dân tộc mà có nhiều quan niệm khác nhau về bếp. Từ chức năng cơ bản là làm chín thức ăn, bếp ngày càng có nhiều chức năng khác, bếp ngày nay có hẳn một hệ thống gồm nhiều loại.
Hình ảnh một số loại bếp:
- Bếp củi: Chủ yếu dùng củi để đun nấu.
- Bếp than: Dùng các loại than củi, than đá, than tổ ong…
- Bếp dầu: Dùng dầu hoả để đun nấu.
- Bếp gas: Dùng gas (khí lỏng).
- Bếp điện: Đốt nóng bằng dây may-so, bếp từ
[center]Hình ảnh; Hình ảnh;
Hình ảnh; Hình ảnh
Hình ảnh; Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh; Hình ảnh[/center]
PHẦN 2: VĂN HOÁ BẾP
1. Văn hoá tận dụng:
Như đã đề cập ở phần trên, ngoài chức năng cơ bản là làm chín thức ăn, bếp còn có nhiều chức năng khác như dùng để sưởi ấm (ở những nơi khí hậu lạnh), dùng để sấy khô vật dụng bị ướt… Ngay cả với chức năng cơ bản nhất là làm chín thức ăn, ta cũng có thể thấy được VH tận dụng bếp qua các cách chế biến thức ăn khác nhau.
Nói đến nấu ăn, chúng ta không thể không nói đến các kỹ thuật làm chín thức ăn bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Kỹ thuật làm chín là làm cho nguyên liệu chín, bổ, hợp vệ sinh. Có mùi vị thơm, ngon.Tạo điều kiện cho cơ thể tiêu hoá và hấp thụ 1 cách dễ dàng.
Phương pháp làm chín được chia làm những cách như sau:
* Phương pháp đun nóng ướt: Chia làm 2 loại:
- Làm chín bằng nước: Có 8 phương pháp: Luộc, nấu canh, ninh, hầm(nấu), trần-nhúng-dội, kho, rim, om.
- Làm chín bằng hơi nước: Có 4 phương pháp: Hấp, đồ, tần, tráng.
* Phương pháp đun nóng khô: Chia làm 2 loại:
- Làm chín bằng chất béo: Có 3 phương pháp: Rán, quay, xào.
- Làm chín không bằng chất béo: Có 5 phương pháp: Quay, nướng, rang, vùi, thui…
Tuỳ thuộc vào thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán của mỗi dân tộc mà có nhiều quan niệm khác nhau về bếp. Sau đây tôi xin được trích một số bài viết về bếp lửa của một số dân tộc ít người trên đất nước ta:
- Bếp lửa nhà sàn: Không gian văn hoá độc đáo của người Tày - Hà Giang:
Từ bao đời nay, hình ảnh bếp lửa nhà sàn đã gắn bó với đời sống sinh hoạt và đi vào tâm linh của đồng bào Tày ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Bếp lửa như một vị thần ban hạnh phúc, niềm tin, sức mạnh cho họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến thắng cái ác, hướng tới cái thiện.
Trên nhà sàn có 2 bếp lửa (phày tàu) đặt ở 2 gian khác nhau, tạo nên sự cân đối trong không gian ngôi nhà. Nơi được chọn đặt bếp là 2 gian bên (cạnh gian giữa). Bếp được bố trí như vậy để ánh sáng và hơi ấm tỏa đều khắp ngôi nhà. Bếp đóng bằng khung gỗ dày, tạo thành hình một chiếc khay chữ nhật, chiều dài khoảng 1,5m, chiều rộng khoảng 1,2m, có độ sâu từ 30 đến 40cm, được lót đáy để đổ đất. Bếp được gác lên sàn nhà sao cho mặt bếp cao bằng mặt sàn. Trên bếp đặt một chiếc kiềng sắt ba chân và luôn có một khúc củi to cỡ bắp đùi được gọi là phừn cạu (củi cái) để giữ lửa. Phần không gian trên bếp có gác bếp (ăn xá) gồm 2 hoặc 3 tầng. Tầng thấp nhất cách mặt bếp khoảng 1,5m. Gác bếp là nơi phơi sấy, cất giữ lương thực, thực phẩm và treo ống mai đựng mỡ, đựng muối, hạt tiêu rừng, thảo quả...
Cùng là bếp lửa, hoàn toàn giống nhau về cấu tạo, cách bố trí, nhưng công năng sử dụng của mỗi bếp lại khác nhau. Một bếp được chọn làm nơi nấu ăn hằng ngày. Ở gần đó có chạn bát (rạn pát) và nơi để xoong nồi. Bếp còn lại chủ yếu để đun nước uống. Sở dĩ đồng bào cùng dùng 2 bếp lửa là do hoàn cảnh sống thiếu thốn, thời tiết giá lạnh, áo quần không đủ ấm, không có phích đựng nước nóng... nên luôn phải giữ lửa để sưởi ấm, đun nước sôi pha trà. Mặt khác, do gia đình người Tày thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống nên đồng bào rất cần có 2 bếp lửa để sinh hoạt hằng ngày cho tiện lợi.
Khi có khách cũng như lúc bình thường, mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện, uống nước, đan lát, thêu thùa, may vá, ôn bài, đọc sách... Bếp lửa chính là nơi ông bà, cha mẹ kể lại những câu chuyện cổ tích, truyền lại những kinh nghiệm quý báu trong lao động sản xuất, răn dạy đạo lý làm người cho cháu con. Bếp lửa cũng chứng kiến sự bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà của con cháu. Bên bếp lửa, các thành viên gia đình được sống trong sự thương yêu, chăm sóc lẫn nhau.
Sau một ngày lao động vất vả dưới cánh đồng, trên nương rẫy, khi được ngồi quây quần trò chuyện với những người thân yêu nhất, nhìn bếp lửa bập bùng cháy, nghe củi nổ tí tách và những tiếng cười giòn tan của bọn trẻ, mọi nhọc nhằn đều tan biến, chỉ còn lại niềm tin, khát vọng về một mùa vàng bội thu và ngày mai tươi sáng...
Vị trí ngồi bên bếp lửa cũng có quy định riêng, mọi người đều phải tuân thủ. Một cạnh bếp không vướng các cành củi là nơi rộng rãi, sạch sẽ nhất được dành cho người già và người có vai vế cao nhất. Người có tuổi hoặc vai vế thấp hơn thì ngồi ở các cạnh bếp còn lại. Riêng trẻ nhỏ dưới 7 tuổi không phải tuân thủ quy định này, vì theo quan niệm của người Tày thì người già và trẻ em là đối tượng được ưu tiên số một. Đây là nét ứng xử đẹp vừa thể hiện đạo lý kính trên nhường dưới, vừa thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và dành những điều kiện tốt nhất cho người già, trẻ em.
Khi nhà có đông người thì cả 2 bếp lửa đều sử dụng làm nơi uống nước, tiếp khách (kể cả khi đang đun nấu). Lúc đó, bếp đun nước được dành cho nam giới, bếp nấu ăn dành cho phụ nữ để thuận tiện cho việc vừa trò chuyện vừa nấu ăn. Những đêm hát lượn, bếp lửa nhà sàn cũng luôn bùng cháy, tạo chất men say cho cuộc hát tưởng chừng không bao giờ dứt. (Hoàng Đức Thạch - Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 50/2009)
[center]Hình ảnh[/center]
- Bếp lửa của người vùng cao Bắc Hà:
Thuở nhỏ tôi đã được nghe câu chuyện về thần Prômêtê lấy trộm lửa của nhà trời đem cho loài người, giúp loài người phát triển và cũng từ đó ngọn lửa trở thành một trong những biểu tượng của sự sống con người. Từ thế hệ này qua thế hệ khác con người giữ và truyền lửa cho nhau…
Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao ở Bắc Hà (Lào Cai) nơi mà mùa đông phải vùi mình trong sương muối và giá rét thì ngọn lửa trong căn bếp không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn thể hiện sự chống chọi mãnh liệt của con người với thiên nhiên khắc nghiệt. Chiều tối đứng trên cao nguyên Bắc Hà nhìn về phía thung lũng sông Chảy thấy trên khắp các triền núi những ánh lửa chiếu từ căn nhà của người vùng cao như những con đom đóm khổng lồ nối từ dãy núi này đến dãy núi kia càng làm cho núi rừng hùng vĩ bao nhiêu thì càng thấy sự sống của đồng bào nơi đây mãnh liệt bấy nhiêu.
Những làn khói bay lên từ mái nhà hòa vào sương núi khiến người ta dễ cảm thấy buồn nhưng riêng tôi lại thấy vui bởi dưới làn khói kia là hơi ấm của bếp lửa. Trong mỗi căn nhà truyền thống của người Tày, Nùng, hay Mông, Hà Nhì… kiến trúc có thể khác nhau nhưng đều có một điểm chung là bếp lửa được đặt ở giữa nhà hoặc lệch về một góc sao cho ánh nắng chiều không chiếu thẳng vào giữa bếp và quan trọng hơn quanh bếp phải có một khoảng rộng.
[center]Hình ảnh[/center]
Ảnh: Internet
Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao nơi này, bếp lửa không chỉ là nơi dành cho phụ nữ nấu đồ ăn, thức uống mà còn là nơi để tiếp khách. Chính điều đó đã tạo nên một nét đẹp trong văn hóa của mảnh đất và con người nơi đây. Bếp lửa đối với họ còn là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa do vậy có rất nhiều điều kiêng kị liên quan đến bếp lửa, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không được đặt chân lên hoặc xê dịch hòn đá kê làm kiềng vì theo quan niệm của một số dân tộc họn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa.
Khi đun nấu đồng bào Tày, Thái, Nùng… đều chú ý đặt quai nồi lên bếp theo chiều dọc của nhà, không đặt theo chiều ngang vì đó là hướng nằm của người chết. Ở vùng đồng bào Mông, Dao.. ngồi gần bếp không được quay lưng, khi đưa củi vào bếp không đưa ngọn vào trước vì quan niệm sợ con gái gia chủ sinh ngược…
Nhưng trên hết những điều kiêng kị đó, người vùng cao coi bếp lửa là nơi để họ gặp gỡ, chuyện trò bởi giữa không gian của vùng núi cao quanh năm lạnh giá ấy có nơi nào ấm cúng hơn bếp lửa. Đối với họ những bếp ga, bếp điện hiện đại mà người dưới xuôi vẫn dùng dường như là một cái gì đó quá xa lạ. Căn nhà của người vùng cao nơi đây lúc nào cũng ấm cúng bởi bếp lửa lúc nào cũng có ánh than hồng. Bên bếp lửa những người già vẫn kể cho con cháu nghe về bản làng, về dòng họ.. như muốn truyền tiếp ngọn lửa của thế hệ cha ông cho thế hệ sau.
Vào dịp lễ tết ngồi quanh bếp lửa người ta cùng chúc nhau cho bản làng ấm no, mùa màng tươi tốt, ngọn lửa nhỏ trong bếp của nhảy nhót chia vui với chủ và khách. Bếp lửa không cháy bùng lửa nhưng than lúc nào cũng rực hồng, hơi ấm của bếp lửa hòa cùng hơi ấm của những chén rượu ngô thơm nức. Bếp lửa trở thành sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Tôi đã có dịp ngồi bên những bếp lửa như thế trong căn nhà sàn rộng rãi mà theo cách nói của người vùng cao là có thể ngồi được 30 mâm cỗ. Căn nhà rộng và thoáng nhưng lúc nào cũng ấm áp mặc cho ngoài trời gió vẫn gào rít. Ông Triệu Văn Chuyên cho biết ông dựng căn nhà này cách đây mấy chục năm rồi và từ đó đến nay ông vẫn đặt bếp lửa ở giữa nhà theo đúng phong tục trước kia. Con cháu cụ muốn chuyến bếp đi chỗ khác mấy lần vì nhìn khói bếp nhuốm đen cả mái nhà nhưng cụ không chịu.
Cụ Chuyên nhấp chén nước chè rồi khơi những hòn than cho bếp cháy vừa đủ ấm, cụ bảo trước đây khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc nếu không có bếp lửa thì làm sao qua được mùa đông ở vùng núi đá này, ăn cơm cũng ngồi quanh bếp, tiếp khách cũng ngồi quanh bếp… chỉ trừ lúc đi ngủ và đi nương rẫy còn lúc nào cũng ngồi bên bếp lửa bây giờ bỏ đi trống trải lắm.
Những cây củi khô bén lửa, cháy đượm khiến bụi tro bay lên mái tóc bạc, mắt ông cụ đỏ hoe bởi làn khói nhỏ, cụ nói tiếp bây giờ nhiều ngôi nhà ở đây người ta không còn làm bếp trong nhà chính nữa chỉ khổ người già thôi lạnh thế này ngồi trong nhà mà không có bếp chịu sao nổi.
Nói đến bếp lửa của người vùng cao không phải chỉ nói đến bếp lửa với thanh củi và hòn than rực lửa mà nói đến cả không gian bếp lửa trong những căn nhà truyền thống với những cuộc trò chuyện quây quần. Bếp lửa tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình cả hơi thở cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của người vùng cao. Bởi vậy mà người ta nói bêp lửa cũng có lúc vui lúc buồn, khi vui ngọn lửa cũng nhảy nhót và khi buồn nó cũng chỉ nhưng ngọn đèn dầu mà thôi, bếp lửa buồn thì dẫu có cháy cũng chẳng xua đi được cái lạnh giá.
Mạnh Dũng (http://www.tinnhanhblog.com/article/dulich/6191/)
- Bếp-trái tim ngôi nhà Mường:
Bếp lửa là trung tâm của ngôi nhà Mường, thường được đặt ở gian giữa. Trên bếp có giàn lớn, nhiều ngăn tầng, là nơi treo bắp giống, cất chứa các dụng cụ sinh hoạt, săn bắn để được khói xông cho bền chắc.
Đến các nhà có người cao tuổi sẽ thấy nơi nằm nghỉ của các cụ đều được kê gần bếp lửa, được đặt trệt dưới sàn nhà. Khuôn bếp làm bằng loại gỗ đặc biệt cứng, có đường viền xung quanh, đáy bếp lót bằng bẹ chuối, phủ lên lớp bùn và cát. Bếp mới được phủ bằng tro đốt từ các loại cỏ thơm như cỏ mật rồi mới bắc kiềng lên để nấu nướng.
[center]Hình ảnh[/center]
(http://www.baodatviet.vn/Bep-trai-tim-ngoi-nha-Muong/2401132.epi)
- Bếp lửa trong văn hóa người Khơ-mú Nghĩa Sơn:
Người Khơ-mú ở xã Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) quan niệm bếp lửa là một phần quan trọng trong đời sống của đồng bào. Bếp lửa được xem như trái tim của ngôi nhà nên đặt ở vị trí trung tâm và luôn luôn đỏ lửa, không chỉ để mang lại hơi ấm, ánh sáng cho ngôi nhà mà nó còn làm cho những người dân gắn kết với nhau hơn bằng những câu chuyện cổ, những áng sử thi được người già truyền lại cho lớp trẻ thâu đêm suốt sáng.
Nếu như các dân tộc thiểu số như: Thái, Tày, Mường, Mông... chỉ có một bếp lửa được đặt tại một gian trong nhà thì đồng bào Khơ-mú ở Nghĩa Sơn có tới 3 bếp lửa, được đặt tại các vị trí khác nhau với những quy định, những điều kiêng kỵ hết súc nghiêm ngặt, linh thiêng.
Trong ngôi nhà truyền thống của người Khơ-mú thường được chia thành hai khu vực: một khu vực dành riêng cho khách, một khu vực để thời cúng. Khi khách lên thăm nhà người Khơ-mú chỉ được vào hai gian nhà ngoài mà không được bước vào gian nhà thứ ba trở đi. Đồng bào quan niệm, những gian trong dành cho tổ tiên, nơi đặt bàn thờ tổ tiên và chỉ những người trong gia đình mới được bước vào đó.
Tại gian nhà dành cho khách được bố trí đặt một bếp lửa gọi là Tầm brạ khua mạ. Bếp lửa này dùng để nấu ăn phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên tại bếp lửa này, người Khơ-mú lại kiêng đồ xôi hay nấu cơm nấu thức ăn để phục vụ lễ, tết.
Tại gian nhà dành riêng để thờ cúng, người Khơ-mú có một bếp lửa nữa gọi là Tầm brạ gợi goong. Bếp lửa này nhỏ hơn bếp tại gian nhà dành cho khách và được đặt dưới chân cột giữa nhà. Đây chính là nơi thờ tổ tiên của người Khơ-mú. Bếp thờ tổ tiên được nối lên trên một gác bếp nhỏ bằng một chiếc cọc tre nhỏ gọi là lắc. Cọc lắc được buộc chính giữa bếp lửa- nơi đặt rượu cần Bút cờ đoongr mỗi khi cúng tổ tiên.
Ngày xưa, bếp thờ tổ tiên luôn phải đỏ lửa hoặc có một vài hòn than đang hồng. Người Khơ-mú quan niệm, đó là nơi ở của “ma nhà”, do vậy lúc nào cũng phải đốt lửa mới thể hiện sự quan tâm của con cháu tới tổ tiên, vì thế mà tổ tiên sẽ thường xuyên phù hộ cho gia đình. Ngày nay, do đồng bào phải đi lao động hằng ngày nên không thể thắp lửa liên tục được mà chỉ đỏ lửa mỗi khi có lễ cúng hoặc khi tang ma, cưới xin, làm nhà mới... (mỗi khi có nghi thức cúng rượu cần Bút cờ đoongr tại bàn thờ tổ tiên đó).
Tiếp theo, gian nhà trong cùng về phía góc trái, đồng bào đặt một bếp gọi là bếp Tầm brạ drung mạ. Bếp Drung mạ chỉ dành riêng cho việc xôi, đồ cơm hoặc rau (một số gia đình có thể xôi đồ các thức ăn khác ở đây như thịt) dùng trong ngày thường hoặc trong các dịp lễ tết hay đồ lễ vật dâng cúng tổ tiên. Tại bếp Drung mạ này luôn có một chiếc ninh đồng và 2 chõ xôi: một chõ xôi bằng gỗ để đồ cơm và một chõ xôi bằng ống bương lớn để hấp rau hay một số thực phẩm khác. Người Khơ-mú quan niệm “Bốn góc nhà, ba góc bếp” thì chức năng của từng góc bếp được quy định riêng biệt và có những kiêng kỵ khác nhau. Bếp Khua mạ là bếp nấu ăn thông thường không, kiêng kỵ như những bếp khác nhưng lại không được nấu cơm hay các loại thực phẩm khác tại đó.
Đến với người Khơ-mú ở Nghĩa Sơn, chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị từ đời sống sinh hoạt, từ ngôi nhà truyền thống đến bếp lửa không bao giờ tắt như trái tim người dân nơi đây không bao giờ vơi cạn lòng hiếu khách.
(Th.s Nguyễn Mạnh Hùng)
http://www.ubdt.gov.vn/modules.php?name ... KJ7q4CPg&D

- Gian bếp người Việt vùng Nam bộ: Không chỉ là nơi giữ lửa
Trong các ngôi nhà Việt Nam, bếp là nơi nấu nướng và thường còn được sử dụng làm nơi ăn uống của cả gia đình. Thế nhưng cách đây không lâu, đối với người dân Nam bộ thì gian bếp còn là chỗ nghỉ trưa và tiếp khách. Vì thế, gian bếp được bố trí khá đặc biệt với nhiều vật dụng phong phú, thể hiện tính cách phóng khoáng và khả năng sáng tạo của người dân nơi đây.
Hàng trăm hiện vật trong không gian ấm cúng này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (202 Võ Thị Sáu, quận 3) giúp người xem hiểu thêm về nếp sinh hoạt của người Việt ở Nam bộ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Không ngừng sáng tạo
[center]Hình ảnh[/center]
[center]Bếp trấu hai miệng: miệng nấu cơm, miệng đun nước[/center]
Tuy mang tên “Gian bếp người Việt vùng Nam bộ” nhưng cuộc trưng bày có đến hơn 170 vật dụng, bao gồm đồ dùng nhà bếp, dụng cụ may vá, làm bánh, đồ gốm sứ, đồ đồng… Đa số các vật dụng đều có kích thước nhỏ nhắn, không trang trí cầu kỳ nhưng thể hiện sức sáng tạo đáng khâm phục của người dân Nam bộ. Đó là cách tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có như vỏ dừa khô, tre nứa để tạo ra các vật dụng hữu ích trong gia đình như vỏ bình trà, ống đũa nhiều tầng và hàng chục kiểu nong nia thúng mẹt đủ kích cỡ khác nhau để đựng thóc, sàng gạo, treo lương khô…
Riêng các loại bếp thì đặc biệt phong phú. Tùy điều kiện của từng địa phương mà người dân sử dụng nhiều loại chất đốt khác nhau nên có nhiều loại bếp như bếp củi, bếp trấu, bếp than, bếp mạt cưa. Ngoài kiểu bếp xưa nhất có ba đầu rau gắn liền với sự tích Ông Táo bà Táo, người dân Nam bộ còn sáng chế ra nhiều kiểu bếp rất độc đáo như bếp miệng ếch, cà ràng (làm bằng đất nung, có chỗ gác củi khi nấu).
Những kiểu bếp tiện lợi, đa năng càng thể hiện rõ sự sáng tạo của người dân nơi đây. Độc đáo nhất có thể kể đến là bếp hai miệng, cùng lúc có thể nấu cơm, kho cá vừa nhanh, vừa tiết kiệm. Người Nam bộ rất chuộng kiểu bếp này vì nhờ nó mà mỗi khi đi làm đồng về, chỉ cần vào bếp một lúc là đã có ngay một bữa cơm nóng sốt. Vào mùa vụ, ra đồng từ sáng sớm, bà con dùng chiếc bếp hai miệng vừa nấu cơm vừa đun nước pha trà thật nhanh.
[center]Hình ảnh[/center]
[center]Một góc bếp đặc trưng ở vùng Nam bộ với cà ràng (bếp củi) và hai bếp mạt cưa[/center]Mỗi nhà thường có vài ba chiếc bếp với kích cỡ khác nhau, nhưng đều được đặt gọn gàng trên khuôn bếp cao. Khuôn bếp có thể được làm bằng đất sét, xi măng, nhưng loại đóng bằng cừ tràm được ưa chuộng nhất vì càng dùng lâu, gỗ càng lên nước, có màu đen bóng. Những khuôn bếp cao làm cho không gian bếp trở nên rộng rãi, sạch sẽ và ngăn nắp hơn - một trong những yếu tố để đánh giá sự vén khéo của người phụ nữ trong gia đình. Nếu như việc thờ phượng, cúng kiếng ở nhà trên (nhà trước) thể hiện vai trò của người đàn ông thì việc nấu những bữa cơm nóng sốt ở nhà dưới (nhà sau) đã có bàn tay của người phụ nữ.
Tiếp khách trong nhà bếp
[center]Hình ảnh[/center]
[center]Vỏ bình trà làm từ trái dừa khô rất quen thuộc với người dân Nam bộ[/center]
Một điều lạ là nhiều căn nhà của người Việt ở vùng Nam bộ ít khi mở cửa cái (cửa trước), dù là nhà tranh vách nứa đầu thế kỷ XX hay nhà đúc hiện tại. Chỉ những dịp giỗ chạp, tiệc tùng thì gia chủ mới mở cửa nhà trên. Ngày thường, bà con hàng xóm đến chơi nhà được tiếp ở ngay nhà bếp (còn gọi là nhà sau), chủ nhà vừa nhanh tay chuẩn bị các món ăn đãi khách, vừa chuyện trò với khách ngồi uống tách trà trên phản.
Giải thích về thói quen tiếp khách trong nhà bếp của người Nam bộ, nhiều người cho rằng điều này xuất phát từ lối sống giản dị của họ. Gian nhà sau luôn mở rộng cửa để mỗi khi gia chủ đi làm đồng về, chỉ việc múc gàu nước mát lạnh rửa chân rồi đi thẳng vào nhà chuẩn bị cơm nước buổi chiều.
[center]Hình ảnh[/center]
[center]Chiếc phản “đa năng”: khi là nơi uống trà, ăn cơm, lúc là nơi nghỉ trưa, tiếp khách…[/center]
Ngoài chức năng nấu nướng, tiếp khách, bếp còn là nơi nghỉ trưa thoải mái, mát mẻ. Chiếc phản mát rượi trong nhà bếp, bình thường là nơi dọn mâm cơm, để cơi trầu, cũng là nơi gia chủ ngả lưng lấy sức sau một buổi làm việc mệt nhọc. Khi nhà có giỗ chạp, đó lại là nơi sửa soạn tất cả các món ăn trước khi dọn lên cúng trên bàn thờ. Chiếc phản vì thế đã trở nên rất gắn bó với mỗi người dân quê và đã đi vào những câu đố vui lưu truyền trong dân gian:
[center]Ngả lưng cho thế gian nhờ
Vừa yên vừa ấm lại ngờ bất trung
[/center]
Không gian nhà bếp của người Việt vùng Nam bộ luôn mở, mà thường mở ra phía sau nhà, nơi có những lu nước ngọt trong veo, đầy ắp và ao rau muống xanh rờn. Người dân luôn giữ phương hướng của bếp sao cho hợp Phong Thủy, phải chiếm các hướng cát trong bát san như Sinh khí (hưng vượng nhân khẩu, thăng quan tiến chức), Duyên niên (sống thọ, vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo), Thiên y (sức khỏe dồi dào) và Phục vị (học hành đỗ đạt). Ngoài ra, bếp phải tránh các vị trí kiêng kỵ như cửa xung chiếu (cửa đối diện miệng bếp lò), cạnh cửa sổ, ở vị trí trung tâm căn nhà...
[center]Hình ảnh[/center]
[center]Bộ dụng cụ ăn trầu đầu thế kỷ XX[/center]
Ngày nay, khi đời sống của người nông dân Nam bộ đã được cải thiện, những góc bếp ám khói, đầy tro than ngày xưa đã thuộc về dĩ vãng. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến những góc bếp thân thương ấy, nhiều người vẫn thầm tiếc nuối vì với những chiếc bếp hiện đại ngày nay, họ không thể mượn cớ canh lửa, cời than để tâm tình cùng người mình thầm thương trộm nhớ…(Theo Báo Tuổi Trẻ Online)
(còn nữa)
… …[/justify]
Relax and share, if you want
Hình đại diện của thành viên
vinhnguyenbmt
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 3 28/04/09 17:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bếp

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 3 07/07/09 23:54

Bạn vinhnguyenbmt đã đưa ra một chủ đề rất ý nghĩa đó là văn hóa Bếp. Hình ảnh bếp lửa hồng rất đỗi gắn bó, thân thương trong cả cuộc đời của mỗi chúng ta. Vinhnguyenbmt đã đưa ra khá đầy đủ thông tin trong phần 1: Nhận định bếp là văn hóa. Tôi chỉ xin bổ sung vài chi tiết nhỏ:
- Tính biểu trưng của Bếp: + Theo quan điểm xưa cũ, đặc biệt ở phương Đông, nhà bếp là nơi dành cho giới nữ. Phụ nữ trong nhà thường lo việc bếp núc, nấu nướng và dọn dẹp gian bếp. Vì vậy nói đến Bếp người ta thường liên tưởng tới những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ: chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con, đảm đang chăm sóc gia đình. Bếp chính là nơi thể hiện tình yêu bất diệt của người phụ nữ với gia đình.
+ Nói đến Bếp người ta còn liên tưởng tới sự bình yên, hạnh phúc. Ánh lửa bếp soi sáng, sưởi ấm thường gắn liền với không khí vợ chồng thân mật ấm cúng, gia đình hòa thuận. Bếp luôn là nơi thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu.
+ Ngọn lửa bếp còn biểu trưng cho sự sống, sự hồi sinh.
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bếp

Gửi bàigửi bởi vinhnguyenbmt » Thứ 4 08/07/09 0:09

[justify]2. Văn hoá đối phó: (tiếp theo)
Như vậy có thể nói gian bếp rất quan trọng trong đối với con người. Tuy nhiên gian bếp cũng mang lại những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khoẻ, tính mạng và đời sống… Một trong những nguyên nhân cháy nổ xuất phát từ gian bếp của các gia đình. Trẻ em bị thương tật và tử vong từ gian bếp cũng là một điều mà chúng ta cần phải quan tâm. Ngoài ra, khói bếp còn được coi là một sát thủ thầm lặng đối với con người.
Trước đây khi đời sống còn nhiều khó khăn, các gia đình chủ yếu dùng bếp củi để đun nấu, khói bếp là một trong những nguyên nhân gây nhiều phiền toái cho căn nhà vì nó gây bẩn, khói bếp bốc lên làm đen ám trần và tường nhà. Để khắc phục điều này, con người đã nghĩ ra chiếc ống khói để đưa khói thoát ra ngoài.

[center]Hình ảnh[/center]

Để đối phó với khói bếp, trong chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, các chiến sĩ bộ đội đã sáng chế ra chiếc bếp để nấu ăn trong rừng mà hạn chế được khói bếp bốc lên. Loại bếp này có tên là Bếp Hoàng Cầm, ra đời từ chiến dịch Hoà Bình (1951-1952) và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Bếp mang tên người chế tạo ra nó, một anh nuôi tên là Hoàng Cầm. Ông nguyên là tiểu đội trưởng nuôi quân của Đội trưởng Đội điều trị 8, Sư đoàn 308 Quân đội Nhân dân Việt Nam.

[center]Hình ảnh[/center]

Sau này trong Chiến tranh Việt Nam, do sự hoạt động ráo riết của không quân Mỹ bếp Hoàng Cầm được áp dụng đại trà và bắt buộc trong các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam khi hành quân tác chiến trên các chiến trường. Khi một đơn vị dừng lại đứng chân trên địa bàn mới công việc trước tiên là phải đào hầm, công sự mà trong đó bộ phận hậu cần cấp dưỡng phải đào bếp Hoàng Cầm.
Bếp có nhiều đường rãnh thoát khói, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó, có thể nấu bếp ban ngày, ngay cả khi máy bay trinh sát của đối phương bay trên đầu. Yêu cầu bí mật đã được đề ra như một khẩu hiệu một thời máu lửa: "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", đã được thực hiện phần nào với sự hỗ trợ của bếp Hoàng Cầm…

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta dùng các loại máy hút khói khử mùi để hạn chế bớt khói bếp và mùi thức ăn lan toả khắp nhà.

[center]Hình ảnh; Hình ảnh[/center]

Để an toàn cho gian bếp, các chuyên gia còn đưa ra các quy tắc cụ thể: 10 quy tắc an toàn trong bếp
- Sử dụng ánh sáng thích hợp
- Thiết kế sàn nhà an toàn
- Đặt bình cứu hỏa ở vị trí thuận lợi
- Đặt các thiết bị điện đúng vị trí
- Sử dụng bếp gas đúng cách
- Sắp xếp đồ đạc trong bếp hợp lý
- Đặt lò vi sóng đúng vị trí
- Mài nhẵn các cạnh của bàn bếp
- Chú ý đến độ cao trần[/justify]
(Còn nữa - Mời xem tiếp phần 3: VH sùng bái bếp)
Relax and share, if you want
Hình đại diện của thành viên
vinhnguyenbmt
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 3 28/04/09 17:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bếp

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 4 08/07/09 14:38

Bổ sung tính lịch sử của bếp lửa:
- Năm 1928 các nhà khảo cổ sinh vật học tìm thấy ở vùng gần Bắc Kinh những sọ người cùng với một số đồ dùng thô kệch và tro có thể do nấu nướng mà ra trong các hang động. Trên cơ sở đó mà nêu giả thuyết con người bắt đầu biết dùng lửa để làm chín đồ ăn vào thời kỳ con người Bắc Kinh.
- Một điều có thể khẳng định được là việc tìm ra lửa bếp đó là một chinh phục lớn lao của con người, một tiêu chuẩn cơ bản xác định thế nào là văn minh và tình nhân loại, vì chỉ con người mới biết dùng lửa. Vào thời kỳ sơ khai rất khó làm ra lửa (bằng cách đập, chà, cọ xát mạnh gỗ đá ) và càng khó hơn trong việc giữ lửa được lâu, nên lửa là một cái gì thật quý, hiếm. Nhiều dân tộc xưa như dân La Mã thời thượng cổ, các sắc dân miền Iran đã đặt ra những hình luật phạt nặng những kẻ làm mất lửa. Ở thôn quê Việt Nam xưa thấy có hai cách giữ lửa: Dùng bùi nhùi dài bằng rơm để cháy âm ỉ, hoặc nhấm trấu, đổ mớ trấu bên cạnh bếp, trên đè bằng một hòn đất để cháy âm ỉ, suốt ngày hoặc suốt đêm, lúc cần chỉ việc thổi lên là lửa cháy. Chính vì có đống nhấm trấu, mà bếp luôn luôn ấm, nóng, biểu hiện nhà đó, nơi đó có người ở, sinh sống. Trái lại khi không thấy khói bếp bốc lên và tro bếp nguội tanh, lạnh ngắt, người ta thường hiểu là nhà đó vắng người, bỏ hoang và không còn sự sống ở đó nữa.
- Ngoài mặt khảo cổ khoa học, người ta có thể tìm thấy khá nhiều những thần thoại, cổ tích, phong tục xưa cũ về nguồn gốc và công dụng của lửa bếp mà nói chung dân tộc nào cũng có.
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bếp

Gửi bàigửi bởi bagia » Thứ 4 08/07/09 16:08

Bổ sung một số loại bếp: Ngoài các loại bếp mà bạn vinhnguyenbmt đã nêu như:
- Bếp củi: Chủ yếu dùng củi để đun nấu.
- Bếp than: Dùng các loại than củi, than đá, than tổ ong…
- Bếp dầu: Dùng dầu hoả để đun nấu.
- Bếp gas: Dùng gas (khí lỏng).
- Bếp điện: Đốt nóng bằng dây may-so, bếp từ
Tôi xin bổ sung thêm:
- Bếp mùn cưa: Những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều gia đình đun mùn cưa vì lúc đó dầu hỏa quý hiếm lắm. Đun mùn cưa phải đùng kiểu bếp riêng, đó là loại lò gò hàn bằng sắt tây (hình dáng cũng như lò than bây giờ). Đóng bếp là một công đoạn phức tạp đòi hỏi sức lực và sự khéo léo. Lấy một cái chai 0,65 đặt đứng vào giữa bếp, đổ mùn cưa đầy ắp, lèn chặt xuống, từ từ rút chai lên, khoét thủng cửa lò, cho củi vào nhóm bếp. Nếu nhồi chặt quá, lửa không cháy hết mùn cưa trong lò thì vừa thiếu nhiệt vừa phí mùn. Ngược lại, nếu ấn lỏng tay thì chỉ đun một lúc mùn sẽ cháy hết và sập lò, thế là cơm không chín.
- Bếp cồn khô: Cồn khô là loại nhiên liệu được dùng rất phổ biến ở miền Nam, đặc biệt là khi chế biến món lẩu trong các nhà hàng. Còn người Hà Nội mới biết loại nhiên liệu này từ vài năm trở lại đây.
Nếu trước đây chỉ bếp gas mini được chọn dùng cho gia đình trong những buổi du lịch, picnic thì ngày nay bếp cồn khô cũng được nhiều gia đình lựa chọn bởi tính tiện lợi và an toàn của nó. Với cồn khô, người tiêu dùng không sợ bị cháy nổ như với bếp gas. Đây cũng là lựa chọn của nhiều nhà hàng bởi bếp cồn tiện dụng, cơ động mà giá thành lại thấp. Một đặc điểm khác khi sử dụng bếp cồn là sự tiện lợi và sạch sẽ khi sử dụng. Bạn có thể dễ dàng lau chùi và cất đi trước khi sử dụng cho những lần tiếp theo. Hơn nữa, nguyên liệu chính để sản xuất cồn khô là ethanol, không gây độc hại cho sức khỏe của con người và môi trường.
Hình ảnh
Hình ảnh
- Bếp năng lượng Mặt Trời: Là một thiết bị giữ các tia nắng và dùng năng lượng này để đun nấu các loại thực phẩm hoặc đun nước sôi. Một trong các thiết kế là gồm một cái thau bằng nhôm, được cách ly tốt đặt trong một hộp gỗ. Một tấm kiếng đậy trên miệng thau có gắn với một tấm phản chiếu ở phía sau. Các thiết kế dùng gương hay thấu kính Fresnel để hội tụ ánh nắng vào điểm cần đun nấu có thể được dùng. Các bếp này có thể đạt công suất vài trăm Watt và nhiệt độ tới 200°C.
Bếp năng lượng Mặt Trời đem lại nhiều lợi ích về môi sinh, kinh tế, và sức khỏe: Dùng ánh nắng đun nấu thay củi, trấu, than, dầu lửa, hơi đốt, ... giúp giữ được ôxy và tránh thải ra thêm điôxít cacbon vào khí quyển. Nếu loại bếp này thay được đa số bếp củi, thì chặn được phần nào nạn phá rừng, và tiến trình sa mạc hóa ở nhiều vùng đất. Ánh nắng là nguồn sức nóng miễn phí. Có được một hay vài cái bếp năng lượng mặt trời trong nhà thì nhẹ được khoản chi tiêu dành để mua nhiên liệu, để trả tiền điện, hoặc thời gian đi kiếm củi hàng ngày. Bếp năng lượng mặt trời không thải ra khói, nên đỡ cay mắt và hại phổi. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đun bếp bằng củi cho hai bữa ăn hàng ngày gây thiệt hại cho phổi tương đương như hút hai gói thuốc lá. Các kiểu bếp bằng thùng, hộp cac-tông không gây phỏng cho trẻ em sờ mó trong lúc đang đun. Các kiểu này, vì không có lửa ngọn, cũng khó phát cháy nếu bị quên trông chừng.
Hình ảnh
Hình ảnh
RANDOM_AVATAR
bagia
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bếp

Gửi bàigửi bởi vinhnguyenbmt » Thứ 4 08/07/09 23:31

[justify]3. Văn hoá sùng bái: (tiếp theo)
Tuỳ theo phong tục và thói quen sinh hoạt của mỗi dân tộc mà có những quan niệm khác nhau về bếp. Một số dân tộc trên thế giới như Việt Nam, Trung Hoa… có tín ngưỡng thờ cúng thần bếp. Trong gian bếp của hầu hết các gia đình người Việt Nam đều có đặt một ban thờ hoặc ít nhất cũng có đặt một nồi hương (bát nhang) để thờ cúng thần bếp.

[center]Hình ảnh[/center]

Theo Wikipedia, Táo Quân (chữ Hán: 灶君); Táo Vương (灶王) hay Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà; Táo (灶) có nghĩa là bếp. Việt Nam và Trung Hoa có những truyền thuyết về Táo Quân khác nhau.
Trung Hoa có những truyền thuyết về Táo Quân như sau:
• Theo Lã Thị Xuân Thu: Chúc Dung là thần quản lý lửa do Viêm Đế mang tới, khi chết người dân thờ làm thần lửa
• Theo Ngũ Kinh Di Nghĩa: Táo Quân tên Tô Cát Lợi, vợ là Vương Thị
• Theo Dũ Dương Tạp Trở: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người nào có lỗi...
• Theo Hoài Nam Tử: Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp
Về giới tính, người dân Phúc Kiến, Giang Tây cho rằng Táo là nữ thần, gọi là "Táo Quân Lão mẫu" hoặc "Táo Quân Thái thái". Theo Thái Bình Ngũ Lãm trích từ Ngũ Kinh dĩ nghĩa, Trịnh Huyền cho Táo Thần là “lão phụ” tức một người đàn bà. Hứa Thận, nhà ngôn ngữ đời Đông Hán, thì cho rằng: "Táo Thần họ Tô tên Cát Lợi, phu nhân của Táo Thần họ Vương tên Bác Giáp" và hình tượng Táo Thần là người đàn ông. Nhưng người vùng Ninh Hóa và một số vùng khác thì vẫn tôn thờ nữ thần, có thể do họ chịu ảnh hưởng của Trịnh Huyền hoặc cho Táo Thần chuyên lo việc bếp núc, điều tra tội nhỏ, là việc của nữ giới.
Thờ cúng
Người Trung Quốc cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình nhưng sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Vào ngày đó, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo. Ngoài ra còn có nước và cỏ khô cho ngựa của vua bếp "ăn" để bay và chở vua lên trời.
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Táo quân Trung Hoa[/center]
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc:
• Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
• Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
• Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Thờ cúng
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết ông Công", lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời.

[center]Hình ảnh[/center]

Đối với người Mường, mọi việc liên quan đến bếp đều được coi trọng, đặc biệt, công việc đắp bếp là một nghi lễ thiêng liêng không thể thiếu trong việc dựng nhà mới. Người Mường chọn giờ tốt để đắp bếp mới trên ngôi nhà sàn của mình. Vị trí của bếp thường được đặt ở gần cột cái bên trên gian trong của ngôi nhà. Trước khi đắp đất, dưới đáy bếp được lót 1-2 lượt bẹ chuối tươi, làm đệm cách ly nhiệt trên đất bếp với sàn nhà. Đất dùng đắp bếp phải là đất thịt dưới lớp đất sâu không được lẫn rễ cây, đá. Số lượng bồ đất đắp bếp được bẻ que đếm cẩn thận, chính xác. Khi khuôn bếp đã đầy đất, bồ cuối cùng được lấy phải là số lẻ và phải đổ trả lại đất khoảng 1/3 đất trong bồ.
Chủ trì việc đắp bếp được gia chủ cân nhắc lựa chọn, “tiêu chuẩn” thường là người đàn ông trung niên, con cái có đủ trai, gái, gia cảnh giàu có thì càng tốt. Khi bếp đã đắp xong, người ta lấy những bẹ chuối tạo hình những con cá cho vào cặp làm như cá nướng đem giắt lên mái nhà hoặc buộc vào cột cái gần bếp. Đây là việc làm tạo sự may mắn, mong cho bếp mới ngày ngày đỏ lửa, luôn dồi dào sản vật, thực phẩm, gia chủ luôn làm ăn phát đạt. Bồ đất cuối cùng được đổ trả lại cho đất, coi như việc đắp bếp đã xong, người ta đem củi đặt sẵn lên bếp, người chủ trì vừa đọc lời chúc vừa châm lửa đun bếp mới: “Chúc cho bếp mới, cho nhà mới luôn có cơm rượu ngon, dưới sân nuôi gà béo tốt, trên nhà con người ăn nên làm ra, cơm kho, lúa đụn..”.
Theo lệ xưa, lửa trên bếp mới phải luôn để cháy liên tục trong 3 ngày, 3 đêm không được tắt. Hàng đêm, người đàn ông cao tuổi nhất trong nhà phải ngủ cạnh bếp để canh lửa. Bếp nhà ai, người nhà ấy canh, không được nhờ người ngoài. Nếu nhà không có người già, người ta phải buộc một quả bí xanh có phấn trắng vào cây cột cái ngay tại bếp, tượng trưng cho có người già tóc bạc phơ như quả bí đang canh lửa. Người Mường có câu: “Trẻ con thì rạng nhà, người già sáng bếp”. Đây là hình tượng coi trọng người cao tuổi, nhất là cha già, như bếp lửa hồng là gốc gác, là điểm tựa tinh thần cho con cháu...
Ngày nay phong tục đắp bếp vẫn còn được duy trì phổ biến trong đời sống của người Mường. Ngay cả việc làm nhà xây, đồng bào vẫn chọn địa điểm thích hợp để tiến hành nghi lễ.
Dân tộc Ca Dong thì coi bếp như vật thiêng. Xưa, người Ca Dong sống trên những dãy núi cao bằng nghề săn bắn, hái lượm và chặt, đốt rừng làm nương rẫy, đêm đêm đốt lên những đống lửa rất to để sưởi ấm và chống lại sự tấn công của thú rừng. Trải qua hàng ngàn năm, hình ảnh ngọn lửa trở nên quen thuộc, gần gũi và đi vào tâm thức của cộng đồng cư dân. Người Ca Dong rất tin tưởng vào Yàng Pui. Trong làng, bất cứ nhà nào cũng phải có bếp lửa đặt ở giữa nhà chính để nấu ăn hàng ngày và ngọn lửa cũng được đốt lên rực hồng để sinh hoạt, nhảy múa trong các dịp lễ hội. Bên cạnh bếp lửa truyền thống này, họ còn đặt thêm một bếp thiêng chỉ phục vụ cho việc nấu cơm để cúng trong các lễ hội (cúng máng nước, đâm trâu, mừng lúa mới, tết đầu năm...). Bếp thiêng được đặt ở buồng kín trong nhà, nơi không có người qua lại.
Theo quan niệm của người Ca Dong, bếp thiêng là hiện thân của một vị thần may mắn phù hộ trong gia đình cần phải được tôn thờ. Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho mỗi gia đình. Vì những ý nghĩa đó, người Ca Dong không có tục đưa ông Táo (bếp thiêng) về trời như người Kinh mà ông Táo phải thường xuyên ở bên họ suốt năm tháng và cả cuộc đời.
Bếp thiêng được chủ nhà bảo vệ hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt, trẻ em, người lạ mặt tuyệt đối không được đến gần. Đặc biệt không được sờ mó, lấy đũa hoặc cây củi gõ vào, vì làm như vậy là xúc phạm đến thần lửa, xúc phạm đến thần may mắn và điều xấu sẽ đến với gia đình.
Đặt bếp thiêng trong nhà là việc làm hết sức hệ trọng và mang đầy ý nghĩa tâm linh. Trong làng, thường những gia đình chủ nhà có tuổi, giàu có, đông con, hay tổ chức cúng tế mới đặt bếp thiêng. Sau khi được sự cho phép của già làng thì công việc rước bếp thiêng về nhà được tiến hành. Bếp thiêng của người Ca Dong không làm bằng đất nung mà được lấy từ ba hòn đá ở trên rừng, nơi đầu nguồn có máng nước dân làng dùng để uống hằng ngày. Theo quan niệm của người Ca Dong: đàn ông là biểu tượng của núi rừng, đàn bà là hiện thân của bến nước, nên việc đi rước bếp thiêng từ máng nước trên nguồn về cho mỗi gia đình trong làng chỉ duy nhất do bà chủ làng (vợ già làng) thực hiện.
Khi người Ca Dong chuyển cư hoặc dời làng đến nơi ở mới, họ không mang theo bếp thiêng. Lúc này, họ trân trọng đem ông Táo đến gửi ở những cánh rừng ma (nơi chôn những người chết trong làng) và đặt tại các gốc cây cổ thụ. Việc rước và đặt bếp thiêng sẽ thực hiện lại những bước như lần trước. (Theo báo Quảng Nam).
Với một số dân tộc ở Lào Cai như Hà Nhì, người Bố Y, Xa Phó… thì bếp lửa vừa là nơi nấu nướng, vừa là nơi tiếp khách của đồng bào các dân tộc. Nơi đây được coi là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa. Do vậy, khi khách ngồi cạnh bếp lửa sưởi không đặt chân lên hoặc xê dịch hòn đá kê làm kiềng. Vì theo quan niệm của một số dân tộc thì các hòn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa.
Người Tày, Nùng, Thái, Bố Y, Lào Lự đều chú ý đặt quai ninh, cho nồi lên bếp theo chiều dọc của nhà, không đặt quai theo chiều ngang. Đồng bào Kháng, La Hang khi đặt nồi ninh lên bếp không để hai quai nồi theo hướng cây xà ngang (vì đó là hướng nằm của người mất) mà phải đặt theo hướng đòn nóc nhà. ở vùng đồng bào H’Mông, Dao, Hà Nhì, khi đưa củi vào bếp không đưa ngọn vào trước, vì họ sợ như thế con gái gia chủ sau này sẽ sinh ngược. Khi ngồi gần bếp, du khách không quay lưng và giẫm chân vào bếp.
Trong ý niệm của người Việt, bếp luôn là không gian được coi trọng của ngôi nhà. Đó không đơn thuần chỉ là nơi nấu nướng, chế biến món ăn mà còn là nơi giữ “lửa” gia đình. Bởi lẽ căn bếp với những bữa ăn gia đình sum vầy chính là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau. Gia đình có hạnh phúc hay không chỉ nhìn qua căn bếp nhỏ cũng có thể đoán được phần nào.
Trong tâm linh người Việt bếp chiếm vị trí rất quan trọng. Bằng chứng là từ xa xưa trong các câu chuyện dân gian hình ảnh của bếp lửa đã xuất hiện rất nhiều. Không chỉ có thế ông Táo quân – người trông coi bếp còn được người Việt thờ cúng và coi như vị thần giữ “ngọn lửa” đầm ấm và hạnh phúc cho gia đình. Hàng năm cứ đến này 23 tháng Chạp là người Việt lại làm lễ tiễn ông Táo về trời. Đây là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của công việc bếp núc.[/justify]
Relax and share, if you want
Hình đại diện của thành viên
vinhnguyenbmt
 
Bài viết: 30
Ngày tham gia: Thứ 3 28/04/09 17:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến12 khách