Văn hóa tăm của người Việt Nam

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Văn hóa tăm của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi taquangdongk15 » Thứ 4 15/07/09 11:55

VĂN HÓA TĂM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Tăm xỉa răng là vật dụng dùng để vệ sinh răng lợi rất có ích cho con người từ xa xưa cho đến tận ngày nay. Vì vậy, mà rất nhiều dân tộc trên thế giới đã sử dụng nó. Tuy nhiên, tăm của mỗi dân tộc có sự khác nhau ít nhiều về nguyên liệu, cách chế tác và quan niệm về nó. Nhưng với những tư liệu hạn chế có được, chúng tôi chỉ xin được nói về tăm trong đời sống của người Việt Nam: Tăm với các đặc trưng văn hóa và văn hóa tăm

Phần 1: CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HOÁ.
I - Tính nhân sinh.
Tăm sinh ra bởi con người và nhằm mục đích phục vụ con người. Để đáp ứng sự đa dạng của cuộc sống, qua tích luỹ kinh nghiệm nó đã tạo nên một hệ thống các giá trị. Ví dụ: thời xưa ngoài việc lấy thức ăn bám ở răng lợi, người ta còn lấy đầu tăm bông để chà sạch răng, bôi thuốc chăm sóc cho những hàm răng nhuộm luôn luôn bóng đẹp. Tăm bông được vót từ một thứ tre già. Chiếc tăm dài bằng cây bút bi. Đầu nhỏ giống tăm thường dùng để xỉa, đầu lớn được đập cho tua ra, cái xơ tre thật mịn mới được dùng. Sau khi ăn cơm, xỉa răng, uống nước xong, các cụ nhuộm răng đen dùng đầu tăm bông để chà sạch răng và chấm thuốc rỏi để rỏi lại hàm răng. http://www.vietcaravan.com/4rum/archive ... -3964.html

II - Tính lịch sử
“Nhà cổ sinh vật học Leslea Hlusko, thuộc Đại học Illinois (Mỹ), khẳng định đã tìm thấy bằng chứng cho thấy người cổ đại sử dụng các tăm xỉa răng thô sơ.
Hlusko nhận định, những rãnh khía cong tìm thấy trên hóa thạch răng có niên đại 1,8 triệu năm có thể là kết quả do bị chà mòn lâu ngày bằng các cọng cỏ.
Những người phản bác giả thuyết này lập luận rằng tăm xỉa răng ngày nay chả để lại dấu vết gì cả. Tuy nhiên, Hlusko cho biết cỏ có tính chất mài mòn hơn. Không giống như gỗ, nó chứa một lượng lớn hạt silicat cứng, có khả năng để lại vết hằn trên răng.
Trong một thí nghiệm, bà đã dành 8 tiếng để chà xát một mẩu cỏ dọc theo răng của một con khỉ đầu chó. Tiếp đến, Hlusko lặp lại thí nghiệm này trong 3 giờ trên răng người hiện đại. Trong cả hai trường hợp, cỏ đều để lại các dấu ấn tương tự như các rãnh nhìn thấy trên ảnh hiển vi của răng người cổ đại.
Cũng theo Hlusko, cọng cỏ có kích cỡ phù hợp với các rãnh khía trên răng, với độ rộng từ 1,5 đến 2,6 millimét. Chúng có sẵn ở khắp nơi, và người ta chẳng cần mấy công sức để biến nó thành một cái tăm hiệu quả.
Phát hiện cho thấy người cổ đại đã bắt đầu chăm sóc răng miệng của mình để giảm bớt những cơn đau do bệnh ở răng gây ra. “Xỉa răng bằng cọng cỏ có lẽ là thói quen lâu đời nhất được ghi lại trong lịch sử tiến hóa của con người”, Hlusko nói. Thói quen này rất phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran và các nền văn minh phương Đông sớm khác”. http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=7856

Theo các cụ già kể lại, đến khoảng những năm 1950, thói quen xỉa răng bằng cọng cỏ vẫn được những người nông dân ở Việt Nam sử dụng sau khi họ ăn cơm trưa trên cánh đồng.

Một tư liệu khác cho biết:
“Trong các cuộc khai quật mồ trong khảo cổ ở vùng Mesopotamine ở Trung Á, người ta tìm thấy tăm xỉa răng của người Sumeriens cách đây khoảng 5000 năm. Ở nước ta, không biết tục dùng tăm xỉa răng có từ bao giờ, chỉ biết một thời khá xa, trong lễ cưới, người ta thường tặng một chiếc khăn lụa và một tăm tre dài khoảng 20cm, một đầu vót nhọn, đầu kia đập dập”. http://www.nhakhoanetduyen.com/kt_nhakhoa.php?k=5

Những tư liệu trên đã phần nào hé mở cho chúng ta những cơ sở để suy luận rằng: tăm đã có mặt từ xa xưa trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Thứ nhất, người Việt Nam cũng có thói quen xỉa răng bằng cọng cỏ giống như các nước trong khu vực; thứ hai, chiếc tăm còn gắn với những tục lệ đã có mặt từ rất lâu đời trong văn hóa Việt Nam như: đám cưới và tục nhuộm răng.

III - Tính giá trị.
- Xét theo chủ thể: Phần lớn người Việt Nam đều sử dụng tăm và đã thấy lợi ích của nó.
- Xét theo thời gian: Thời gian sử dụng tăm tùy thuộc vào chức năng sử dụng: tăm thường sử dụng sau các bữa ăn. Ngoài ra tăm còn sử dụng để ngậm vào khoảng thời gian của các bữa ăn sáng, trưa, tối; sử dụng làm quà tặng trong đám cưới; sử dụng vào lúc chữa bệnh (mụn cơm); sử dụng vào lúc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Khi hoàn cảnh xã hội thay đổi thì một số chức năng của tăm cũng thay đổi theo. Điều đó làm cho việc dùng tăm của người xưa và nay có những điểm khác nhau. Chẳng hạn, ngày xưa người ta dùng tăm để tặng cho các cô dâu chú rể trong ngày cưới, trong việc chăm sóc răng nhuộm nhưng ngày nay những tục lệ này đã bị mai một và không còn nữa.
- Xét theo không gian: Thường liên quan đến sinh hoạt ăn uống, chăm sóc răng miệng trong đời sống của người Việt Nam.
Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu giá trị của chiếc tăm trong những hoàn cảnh cụ thể:
1. Giá trị chăm sóc hàm răng.
1.1. Dùng tăm để lấy thức ăn bám ở răng, lợi.
1.2. Dùng tăm bông để chăm sóc hàm răng nhuộm.

2. Giá trị mang tính biểu tượng
2.1. Cầu chúc cho cô dâu chú rể có cuộc sống no đủ, nhắc nhở cô dâu chú rể giữ gìn nét đẹp truyền thống của hàm răng nhuộm.
Việc tặng tăm trong đám cưới đã cho chúng ta cơ sở để suy luận: thường có ăn mới dùng đến tăm. Vì vậy, mà người ta có thể mượn hình ảnh của chiếc tăm để biểu hiện cho sự no đủ. Mặt khác “cái răng, cái tóc là vóc con người” mà tăm bông lại là dụng cụ để chăm sóc hàm răng nhuộm – Một trong những nét đẹp của người xưa:
“Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua…”
http://e-cadao.com/tieuluan/vanhoa/nhun ... aphunu.htm

2.2. Ngậm tăm để biểu hiện sự no đủ. Ngày xưa có được no đủ là ước mơ của mọi người, nên ăn được đánh giá rất cao, được xếp đầu tiên trong hàng tứ khoái “ăn, ngủ, đụ, ị”. Nhưng cũng vì quá coi trọng nó mà người ta trở nên xét nét với việc ăn: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “trời đánh tránh miếng ăn”…Việc xét nét này làm cho con người trở nên giữ ý hơn. Dù đã ăn hay chưa, nhưng khi sang hàng xóm vào bữa ăn người ta cũng ngậm tăm là nghĩa như vậy.
Ở một hoàn cảnh khác, dù đói người ta cũng không muốn thể hiện mình là đói vì người đời thường "Giàu ghen khó ghét". Vì vậy, việc ngậm tăm lúc đói đã trở thành một biểu hiện của lòng tự trọng. Đôi khi trong lúc khó khăn nếu lỡ có phải vác rá đi vay gạo hàng xóm thì người ta còn cho vay, chứ nghèo đói thì lấy đâu ra mà trả. Hay như trong hoàn cảnh của những người đi làm thuê hoặc làm đổi công ở nông thôn trong thời kỳ phong kiến, dù không có gì ăn sáng nhưng họ vẫn ngậm tăm để khỏi bị gia chủ nghĩ rằng: đói làm việc sẽ không hiệu quả, lần sau sẽ không thuê hay không nhờ nữa.
Ngày nay, ý nghĩa trên đã trở nên mờ nhạt vì ăn no mặc ấm trở nên bình thường và việc ngậm tăm đã bị coi là một thói quen xấu, mất vệ sinh, mất lịch sự.
2.3. Thông qua việc mời tăm để thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, thứ bậc trong gia đình, họ hàng: Cháu mời tăm bà, chủ mời khách, vợ mời chồng, con mời cha mẹ…Ví dụ: ta có thể thấy được tình cảm chan chứa yêu thương của người cháu đối với bà trong bài thơ “Lấy tăm cho bà" của nhà thơ Định Hải:
"Cô giáo dạy cháu về nhà
Ăn xong nhớ lấy cho bà cái tăm
Nhưng bà đã rụng hết răng
Cháu không còn được lấy tăm cho bà…."

2.4. Ngậm tăm biểu hiện của việc giữ im lặng, giữ bí mật. Ý nghĩa này, thường chỉ được dùng trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Với cách biểu hiện này trong văn hóa Trung Quốc cũng có nhắc tới: “ Người Trung Hoa xưa khi cho quân đội hành quân đêm, để giữ bí mật, bèn phát cho mỗi người lính một cái que tăm bắt ngậm vào miệng để khỏi nói, sáng ra hay khi đến nơi, viên quản quân kiểm tra thấy người lính nào không có tăm trên miệng thì sẽ đem chém đầu.”
http://tuxa.hnue.edu.vn/Bantintuxavatai ... fault.aspx

IV - Tính hệ thống
Chiếc tăm của người Việt Nam, đã được sử dụng với những chức năng rất đa dạng, đa nghĩa nhưng nó lại có quan hệ gắn bó với nhau, tạo thành một thể thống nhất từ cách chế tác, cách sử dụng, biểu hiện thẩm mỹ, đến cách ứng xử trong gia đình và xã hội.
- Tre là nguyên liệu dễ kiếm, dễ làm và không độc hại.
- Từ loại tăm cỏ đến loại tăm tre đều có sự chọn lựa, chế tác phù hợp với mục đích sử dụng của con người.
- Cách sử dụng tăm cũng đã có những chuẩn mực nhất định. Chẳng hạn, ngậm làm cho đầu tăm mền ra rồi mới xỉa tránh ảnh hưởng đến kẽ răng, lợi. Khi xỉa phải che tay, không nói chuyện tránh mất vệ sinh. Với loại tăm bông còn thể hiện được sự hoàn hảo của việc chăm sóc răng.
Ngoài ra, tăm còn được dùng với các biểu tượng liên quan đến việc ăn.

Phần 2: VĂN HOÁ TĂM
I. Văn hoá tận dụng.
- Dùng tăm để vệ sinh răng lợi và chăm sóc hàm răng nhuộm
- Dùng tăm làm biểu tượng (đã nêu ở phần tính giá trị)
- Dùng tăm để chữa bệnh:
Theo kinh nghiệm dân gian, để chữa mụn cơm có thể dùng các cách dưới đây: lấy lá tía tô, giấy bạc của xe tang chưa ai dẫm lên, huyết kinh của phụ nữ rồi chà sát lên mụn cơm vài lần… hoặc dùng tăm: sau khi đi vệ sinh ở ngoài đồng, ngoài đồi thì lấy que tăm mình đã xỉa răng cắm lên đống phân rồi bỏ về. Làm khoảng 5 - 6 lần. http://www.vanhoaphuongdong.com/forum/s ... php?t=6982
- Dùng tăm để sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật. Cũng như nhiều vật dụng khác, tăm được chọn làm nguyên liệu để sáng tạo ra nhiều tác phẩm mỹ thuật rất có giá trị.

II. Văn hoá đối phó
- Xỉa răng là động tác làm vệ sinh răng lợi rất dễ gây phản cảm vì vậy phải lấy tay để che miệng.
- Vừa ngậm tăm, vừa uống nước, tăm rất dễ bị trôi vào bụng gây nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
- Hiện nay, có nhiều đối tượng giả danh là nhân viên của các tổ chức từ thiện đã mượn việc bán tăm gây quĩ từ thiện để lừa gạt những người có tấm lòng hảo tâm.

III. Văn hoá sùng bái tăm
- Từ xưa đến nay, tăm vẫn luôn hiện hữu trong mọi gia đình không kể nghèo hèn hay giàu sang phú quí. Tăm cũng là đồ vật không thể thiếu được dù ở quán cóc bình dân cho đến nhà hàng khách sạn cao cấp.
- Ngày nay, có cả những cơ sở chuyên sản xuất tăm trên dây truyền hiện đại.Tăm cũng rất đa dạng, nhiều chủng loại: tăm gỗ, tăm tre, tăm một đầu nhọn, tăm hai đầu nhọn, tăm ướp hương quế…Ngay cả những vật dụng dùng để đựng tăm cũng được các nhà sản xuất rất lưu ý. Có những hộp tăm được chế tác công phu, thẩm mỹ và tiện lợi.

IV. Văn hoá lưu luyến tăm
1. Tục ngữ, ca dao
“Bữa cơm múc nước, rửa râu
Hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm
Đêm đêm các cụ đi nằm
Than thân phận gái, ôm lưng lão già…”

2. Chuyện vui.
* Câu chuyện của Xúc Xích và Bánh Bao:
"- Ngậm tăm để làm gì ?
- Để người khác biết mình mới ăn xong.
- Ăn hay chưa thì quan hệ gì ?
- Dân ta hay dùng câu hỏi để chào. Vì thế mới gọi là chào hỏi. Tầm 5 - 6 giờ chiều, gặp nhau là hỏi, ăn cơm chưa? Thấy ngậm tăm thì thôi, không hỏi nữa.
Xúc Xích reo lên: - Tớ hiểu ra rồi, vì sao bố tớ luôn có gói tăm trong túi. Nhà tớ gần mấy quán cơm gà, hễ đi qua là tiếp viên chạy ra mồi chài, cầm cả tay lôi vào. Nhưng thấy người ngậm tăm, họ không nói gì, cho qua. Bố tớ đi làm về, cứ gần đến dãy quán hàng ăn thì rút tăm ra ngậm…"
http://www.tntp.org.vn/Publics/PrintView.aspx?id=7563

* Câu chuyện lấy vợ.
Thấy con trai lớn rồi mà không chịu lấy vợ, ông bố khuyên:
- Con đã gần 40 rồi đấy, lấy vợ đi kẻo sau này ăn cơm xong, muốn xỉa răng cũng không có người lấy tăm cho đâu!
40 năm sau, chàng trai ngày ấy nay đã thành ông già 80 tuổi, nằm ôm đầu, bông nhét chặt hai lỗ tai. Xung quanh lũ cháu mở nhạc ầm ĩ, nhảy nhót nô đùa. Ông thầm than thở:
- Ôi ! Chỉ vì một cái tăm mà thân ta khốn khổ thế này đây !
http://www.baomoi.com/Home/TinhYeu/www1 ... 123031.epi

3. Tăm trong ngôn ngữ tiếng việt. Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Hà Nội- Đà Nẵng 2004
- que nhỏ và ngắn, dùng để xỉa răng.
- Tăm mành, tăm hương
- Bọt nhỏ từ trong nước nổi lên. Tăm cá (Bóng chim tăm cá biết là tìm đâu?), nước đun đã sủi tăm, rượu mạnh lên tăm
- Biệt tăm, Biến mất tăm.
- Tìm, săn tìm (tăm tia).
- Tăm hơi. Hẹn đến mà chờ mãi chẳng thấy tăm hơi. Bặt tăm hơi.
- Tiếng tăm. Lời đánh giá đã được lan truyền rộng trong xã hội. Tiếng tăm lừng lẫy.
- Tăm tối. cuộc đời tăm tối. nhà cửa tối tăm.

Do việc tìm hiểu đề tài này chưa được sâu và rộng nên bài viết của tôi vẫn còn nhiều hạn chế. Kính mong được thầy và các bạn góp ý để tôi có thêm được những hiểu biết sâu sắc hơn về chủ đề này cũng như về phương pháp nghiên cứu văn hóa học.


[center]Hình ảnh
cơ sở chuyên sản xuất tăm
Hình ảnh
cơ sở chuyên sản xuất tăm
http://www.sgtt.com.vn/detail21.aspx?ne ... 1230/45531
Hình ảnh

Tác phẩm tàu Titanic của Tâm
Cảm hứng từ bộ phim Titanic, một chàng trai ở Hội An đã miệt mài ghép 70 nghìn que tăm để thành con tàu suốt một năm ròng… Tàu Titanic do Tâm lắp ghép cao 1m, dài 1,4m, rộng trung bình khoảng 25cm và nặng hơn 10kg. Nhìn tổng thể con tàu có 6 tầng, gồm 3 tầng bên trong tàu và 3 tầng bên trên tàu được thông hoàn toàn với nhau. Hệ thống cửa gồm 200 bộ cửa chính, cửa sổ cùng nhiều loại cửa khác nhau (cửa đẩy, cửa cuốn, cửa bật lên…). Ngoài hệ thống cột buồm, ống khói, xung quang con tàu còn có 10 chiếc thuyền cứu hộ rất xinh.
http://hoian.vn/tau-titanic-o-hoi-an/

Hình ảnh

Hình ảnh[/center]
[center]tác phẩm ghép bằng que tăm của Tâm.[/center]
RANDOM_AVATAR
taquangdongk15
 
Bài viết: 10
Ngày tham gia: Thứ 7 11/07/09 17:31
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn hóa tăm của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi honomushi » Thứ 2 27/07/09 17:23

Trong định nghĩa bạn có nói tăm là vật dụng mả rất nhiều dân tộc sử dụng...Bài viết chỉ đề cập đến văn hóa tăm của VN nhưng đọc kỹ có

những phần như tính giá trị, tính lịch sử ,nhân sinh ..thì đó là đặc tính chung, phổ quát..
RANDOM_AVATAR
honomushi
 
Bài viết: 75
Ngày tham gia: Thứ 7 08/12/07 22:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Văn hóa tăm của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi taquangdongk15 » Thứ 4 05/08/09 10:38

Cảm ơn honomushi. Qua lời nhận xét của bạn, chúng tôi nhận thấy tên đề tài cũng chưa thật sự phù hợp với nội dung của bài viết vì đôi chỗ có giới thiệu về tăm của người nước ngoài. Mặc dù những tư liệu đó chỉ là cứ liệu để làm sáng tỏ văn hóa tăm trong đời sống của người Việt nam nhưng với tên đề tài là “tăm-từ góc nhìn văn hóa” có lẽ sẽ phù hợp hơn. Nếu dùng tên đề tài này thì phạm vi lại quá rộng, do vậy lời mở đầu của bài viết cũng xin được đính chính lại là “…Nhưng với những tư liệu hạn chế có được, chúng tôi chủ yếu giới thiệu về tăm trong đời sống của người Việt Nam”.

Tôi đồng ý với bạn là một số phần mang đặc tính trung, phổ quát... Ở lời mở đầu của bài viết, chúng tôi cũng nêu rõ mục đích “…chúng tôi chỉ xin được nói về tăm trong đời sống của người Việt Nam”. Tức là nó có trong đời sống của người Việt Nam và cũng có thể có trong đời sống của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…và đó là hiện tượng tương đồng văn hóa, chứ chúng tôi không khẳng định đó là đặc tính riêng mang bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
RANDOM_AVATAR
taquangdongk15
 
Bài viết: 10
Ngày tham gia: Thứ 7 11/07/09 17:31
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách