TRÒ CHƠI CẦU HÚC Ở HỘI LÀNG XUÂN DỤC

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

TRÒ CHƠI CẦU HÚC Ở HỘI LÀNG XUÂN DỤC

Gửi bàigửi bởi phuongphohue » Thứ 4 15/07/09 15:25

[center]Phạm Hồng Phương[/center]
[center]Lớp cao học – K15, Viện Văn hóa dân gian[/center]



[center]TRÒ CHƠI CẦU HÚC Ở HỘI LÀNG XUÂN DỤC[/center]
[center]HUYỆN SÓC SƠN – HÀ NỘI[/center]

Làng Xuân Dục thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về hướng Đông Bắc. Cư dân trong làng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Hội làng mở hàng năm vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán, thờ Tam Sơn Đại Vương, Vu Điền Quốc Vương và thờ vọng Thánh Gióng. Các nghi thức cơ bản diễn ra trong lễ hội này cũng giống như hầu hết các hội làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trò nổi bật nhất trong ngày hội được gọi là Húc Cầu (nên hội này còn có tên là hội Cầu Húc Xuân Dục). Trung tâm của ngày hội là ngôi điện thờ của làng mới được dựng lại trên đất vốn xưa kia là Đình (đã bị hủy hoại trong chiến tranh). Tích của trò Húc Cầu theo dân làng kể lại: xưa kia VU ĐIỀN QUỐC VƯƠNG (thần đồng ruộng?) theo chân Thánh Gióng đi dẹp giặc. Khi thắng trận trở về, trong tiệc khao mừng, ngài đã bày ra trò như vậy và dạy cho dân vui chơi. Từ đấy mà thành lệ, hàng năm cứ vào ngày đầu xuân, làng mở hội thờ thần lại diễn trò Húc cầu.

Trò Húc Cầu Xuân Dục, về đại thể giống như loại trò có ở nhiều nơi với những cái tên như: Vật Cầu, Vật Cù, Bốc Cù, Bốc Phết… Vật chơi là một quả cầu bằng gỗ, đường kính khoảng 50 cm. Sân Húc là khoảng ruộng trước điện thờ. Hai đầu sân đào hai lồ (hố) hình nón cách nhau khoảng 30m, theo hướng Đông – Tây. Trai tráng trong làng chia làm hai phe, không hạn chế số người, tranh nhau quả cầu bằng mọi cách. Khi số người của một phe làm chủ được quả cầu, họ đồng thanh hô lớn: “Bốc cù”, và quả cầu khi ấy được nâng bổng lên trên đầu mọi người lao ồ ạt về phía lồ của phe bốc được cầu. Tuy nhiên, hiếm khi quả cầu lọt được xuống lồ vì sự cản phá mãnh liệt của đối phương.

Điều khác biệt ở đây là có 3 quả cầu bằng củ gỗ mít (không biết đã làm từ bao giờ) được ngâm dưới một cái ao ngay cạnh điện thờ (ao đình xưa). Quả cầu được ngâm dưới đáy ao suốt năm. Dân làng nói rằng quả cầu do thần ban cho. Họ tin rằng có sự linh thiêng nên không ai dám xuống ao và chạm vào quả cầu. Chỉ khi đến trước ngày mở hội, các già làng và quan viên làm lễ trọng, xong mới chọn người (đông con cháu, không “mặc áo đen”…) vớt lên mang vào điện thờ đặt trước hương án. Cung cách ứng xử của dân làng với mấy quả cầu như với hiện thân của thần. Không ai được chạm vào cầu cho đến khi vị chủ tế đã khấn xin thần, rồi lăn cầu ra sân cho tráng đinh tranh cướp (húc). Cuộc chơi diễn ra cả ngày. Sau đó Cầu được đưa vào điện thờ làm lễ tạ và được rước trở về ngâm trong ao đình cho đến hội năm sau.

Quan sát thấy rằng: trò Húc Cầu là một nghi thức nông nghiệp, mang dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực và sự tôn sùng mặt trời của cư dân trồng lúa nước. Nó mang ý nghĩa chung của hệ thống hội xuân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ: âm dương giao hòa, vạn vật sinh sôi. Nhìn từ khía cạnh của phát huy di sản văn hóa, Húc Cầu là một trò chơi dân gian hấp dẫn, vui khỏe mà cộng đồng có thể tham gia một cách rộng rãi. Nó gợi ý đến khả năng trở thành một trò chơi thể thao bổ ích cho thanh thiếu niên cũng thu hút khách du lịch xa gần.

Từ năm 1996, một nhóm nghiên cứu của trường Đại học văn hóa Hà Nội kết hợp với phòng Văn hóa huyện Sóc Sơn đã thể nghiệm “biến” nghi thức tín ngưỡng này trở thành một trò chơi – thể thao cộng đồng hoàn toàn thế tục và mang đậm sắc thái dân tộc phục vụ cho mục tiêu vui chơi giải trí – rèn luyện thể chất cho thanh thiếu niên trong vùng, tạo thêm một yếu tố hấp dẫn cho du lịch địa phương. Nhiệm vụ đặt ra là: làm sao cho dân làng đồng thuận với việc khai thác trò Húc Cầu cho các mục tiêu trên? Và làm sao để trò chơi Húc cầu có thể chơi ở nhiều địa điểm khác nhau chứ không phải chỉ được diễn ra ở trước điện thờ Thần làng Xuân Dục trong một ngày mồng 4 tết hàng năm?

Việc thể nghiệm đầu tiên với mục tiêu đưa trò Húc Cầu hội nhập vào hội đền Sóc Sơn (một lễ hội – du lịch lớn của Hà Nội nằm cách thị trấn Sóc Sơn 3km và cách Xuân Dục khoảng 4 km), nhằm tăng sức hút du lịch cho lễ hội này. Giải pháp nhóm nghiên cứu đưa ra là: thuyết phục + khuyến khích bằng chút it bồi dưỡng vật chất. Việc thuyết phục gặp nhiều rào cản do tập quán – tín ngưỡng lâu đời của dân làng, nhất là các cụ bô lão. Sau nhiều lần gặp gỡ thuyết phục những người có tuổi và có trách nhiệm trong làng cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của các đoàn thể địa phương, kết hợp cách “dựa vào chính niềm tin tín ngưỡng”, dân làng đã đồng ý mang Cầu đi “Húc” trong hội Gióng đền Sóc vào ngày mồng 6 tết (sau khi đã Húc theo phong tục vào ngày mồng 4 tết ở Hội làng). Như thế lần đầu tiên trong lịch sử của làng, một quả cầu đã được đưa ra khỏi làng tới một địa điểm khác với một mục đích khác.

Cuộc thể nghiệm được đánh giá là thành công bởi được công chúng ở Hội Gióng Đền Sócđón nhận như một tiết mục hấp dẫn nhất của chương trình ngày hội. Và, có nhiều du khách đã tham gia vào trò như một thành viên cộng đồng địa phương thực sự. Kể từ đó trò Húc cầu được chơi thường xuyên trong các lễ hội du lịch, ngày hội thể thao ở địa phương. Và nó cũng không mất đi ý nghĩa tín ngưỡng đối với cộng đồng chủ nhân sáng tạo và lưu giữ trò chơi dân gian này.

Cũng bằng cách đó, chúng tôi đã đưa trò Húc Cầu Xuân Dục xuống tận Hội chợ Giảng Võ - Hà Nội, gây ngạc nhiên và thích thú với đông đảo người dân Thủ đô và khách nước ngoài.

Trò Húc Cầu đến nay không chỉ diễn ra ở làng Xuân Dục mà cứ “đến hẹn lại lên” ở lễ hội du lịch lớn trong vùng: Đền Sóc, mà còn xuất hiện ở nhiều đại hội văn hóa trong và ngoài Huyện Sóc Sơn – Hà Nội. Điều đó nói lên khả năng thực tế về phát huy di sản trò chơi dân gian cho những mục tiêu văn hóa – du lịch ngày nay.
RANDOM_AVATAR
phuongphohue
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 14:07
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách