Khái quát về huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Khái quát về huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Gửi bàigửi bởi havanduc » Thứ 5 07/01/10 9:53

Khái quát về huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
Huyện Sốp Cộp được thành lập theo nghị định 148/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ. Được tách ra từ huyện Sông Mã, Sốp Cộp có diện tích tự nhiên là 146.841 hecta.
Dưới thời Pháp thuộc, vùng đất Sốp Cộp là tổng Sốp Cộp thuộc châu Điện Biên, gồm có 7 mường: Mường Lạn, Mường Và, Mường Sốp Cộp, Mường Ten, Mường Luân, Mường Lói, Mường Lèo. Năm 1955, huyện Sông Mã được thành lập, 4 Mường: Mường Lạn, Mường Và, Mường Sốp Cộp, Mường Lèo được tách ra trở thành 4 xã của huyện Sông Mã. Đến tháng 12/2003, Huyện Sốp Cộp được thành lập gồm 8 xã phía tây của Huyện Sông Mã: Mường Lạn, Mường Và, Nậm Lạnh, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lèo, Sám Kha.
Ngày 30 tháng 11 năm 1952, sau khi chiến dich Tây Bắc thắng lợi, xã Sốp Cộp được thành lập.
Là một huyện vùng biên giới, huyện Sốp Cộp có 120 km đường biên giới quốc gia với nước bạn Lào ở phía Tây và phía Nam, phía Bắc giáp huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên, phía Đông giáp với huyện Sông Mã, huyện Sốp Cộp có độ cao trung bình so với mặt biển là 700m, có đỉnh Pu Sam Sảu cao 1.925m. Huyện Sốp Cộp là vùng đất có địa hình chia cắt bởi các dãy núi cao và vực sâu nên tạo ra khung cảnh hùng vĩ; là nơi sinh sống lâu đời của 5 dân tộc, trong đó: dân tộc Thái chiếm 67%, H’Mông 22%, Khơ Mú 5,5%, Lào 4,5%, Kinh 1%. Người Thái, người Lào sinh sống ở vùng thấp, có phiêng bãi, có ruộng nước. Người H’Mông và người Khơ Mú sống ở vùng núi cao. Người Kinh sống và làm ăn chủ yếu ở thị trấn. Người Lào sống tập trung ở hai xã Mường Và và Mường Lạn. Trong 5 dân tộc ở Sốp Cộp có dân tộc Khơ Mú là chưa có chữ viết riêng.
Sốp Cộp là vùng đất có khí hậu á nhiệt đới ôn hoà, đất đai có tầng canh tác dày, độ phì nhiêu cao, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, rất phù hợp với sự sinh trưởng của cây trồng, nhất là cây lương thực, một số cây công nghiệp và cây ăn quả thuộc họ nhãn, vải, họ cây có múi; có nhiều vùng cỏ rộng thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Rừng Sốp Cộp có nhiều gỗ quý như: lát, dổi, thông, chò chỉ..., nhiều muông thú như voi, hổ, nai, khỉ, vượn...và nhiều loại cây dược liệu quý. Đáng chú ý là Sốp Cộp có vườn quốc gia rộng 13.670 hecta còn nhiều động vật quý hiếm như khỉ mặt đỏ, voọc đen. Trên địa bàn huyện Sốp Cộp có 15 con suối lớn nhỏ, phân bố đều cho các vùng rất thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân, trong đó có ba con suối lớn là Nậm Ban, Nậm Lạnh, Nậm Ca hợp lại thành suối Nậm Công tại xã Sốp Cộp. Vì vậy, vùng đất này mới có tên là Sốp Cộp (Sốp là miệng: miệng của ba con suối, cộp là gộp: ba con suối được gộp lại tại đây).
Người dân các dân tộc ở Sốp Cộp có tục thờ cúng trời đất, tổ tiên. Việc thờ cúng trời đất, tổ tiên được thể hiện bằng nhiều hình thức lễ hội phong phú, vào mùa xuân có cúng bản, cúng mường, ngày xưa thường tổ chức linh đình tới 2 – 3 ngày. Xên bản, Xên mường như là một lễ tổng kết năm cũ, bước sang năm mới, cầu mong trời đất, tổ tiên phù hộ cho mường, bản, nhưng thực chất là nhằm củng cố khối cộng đồng mường, bản. Tết là lễ hội lớn nhất trong năm của các dân tộc được diễn ra thời gian khác nhau theo tộc lịch. Người Khơ Mú có tết “Củ phứa, củ măn” (Tết khoai sọ, củ mài), được diễn ra vào dịp thu hoạch xong nương rẫy; Người Lào có tết “Kin khẩu hó” (Tết ăn cơm gói), là hình thức lễ hội mừng được mùa và cầu mong sự phù hộ của trời dất, tổ tiên để mùa sau được nhiều hơn; Người H’Mông có tết cổ truyền theo dương lịch, được diễn ra trong 10 ngày từ 25 tháng 12 năm trước đến 5 tháng 1 năm sau; Người Thái và người Kinh ăn tết theo lịch âm.
Về kinh tế, Sốp Cộp chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi mang tính tự cấp, tự túc, trình độ phát triển kinh tế thấp, đời sống của nhân dân các dân tộc gặp nhiều khó khăn. Từ sau đổi mới, nhân dân các dân tộc huyện Sốp Cộp đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới tư duy, cơ cấu kinh tế từ tự cấp tự túc chuyển dịch dần sang sản xuất hàng hoá, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Sự nghiệp giáo dục, y tế không ngừng phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Sốp Cộp là vùng đất phong phú về văn hoá. Ở xã Mường Và có tháp cổ cao 15m, gồm 5 tầng với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tinh xảo. Văn hoá vùng Sốp Cộp mang đậm nét văn hoá Điện Biên và văn hoá Lào, đặc biệt ảnh hưởng khá rõ nét những sắc thái văn hoá và các phong tục tập quán của tầng lớp quý tộc Thái.
Tuy nhiên, là huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, nên Sốp Cộp vẫn là một huyện còn nhiều khó khăn, nhưng lại là một trong những nơi còn lưu giữ được cơ bản những nét văn hoá truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
RANDOM_AVATAR
havanduc
 
Bài viết: 12
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 10:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến25 khách

cron