chợ tình khâu vai

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

chợ tình khâu vai

Gửi bàigửi bởi quangduy999999 » Thứ 5 06/05/10 8:53

CHỢ TÌNH KHAU VAI (HÀ GIANG) NHÌN TỪ VĂN HÓA HỌC


Nếu như người Kinh có chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ Đông Ba ở Huế và chợ Bến Thành ở Sài Gòn thì Người miền sơn cước Việt Bắc có một ngôi chợ mang một cái tên vô cùng lãng mạn và thơ mộng, có lẽ không tìm thấy trên thế gian và trong cõi đời này. Ngôi chợ lạ lùng đó là Chợ Tình Khâu Vai.
Những đường mòn đất đỏ men theo bờ núi đá dẫn bước chân gái bản xa, trai bản gần xuống núi, giữa tiếng khèn H'mông dìu dặt, hò hẹn năm gặp mộtlần. “Chàng ơi xuống núi cùng em
Hãy mang theo ngựa và đi một mình
Em đây tuy chẳng còn xinh
Có ô che nắng chợ tình phong lưu”
………………….
“Không thành vợ sẽ thành người yêu
Đón em từ sớm đến chiều phong lưu”.


1. Khái niệm chung
Như ta đã biết, chợ theo cách hiểu thông thường là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa, sản phẩm vật chất: đồ dùng, quần áo, vải vóc, đồ ăn…. Chợ- thường nghe gắn với vật chất ( chợ hoa, chợ vải, chợ ẩm thực…). Nhưng ở đây ta lại nghe đến cụm từ “ chợ tình”. Tình ở đây là tình cảm của con người , tình bạn, tình yêu, tình duyên…Cái vật chất gắn với cái tinh thần làm nên sự đặc sắc, hiếm thấy, kích thích mời gọi trí tò mò, khám phá của con người.

Chợ tình là cách thức tổ chức đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc trong đời sống tình cảm và tâm hồn. Chợ tình là “ nơi tìm lại cảm giác của ngày xưa, của mối tình cũ”, “nơi gặp gỡ của những cuộc tình chưa thành”. Chợ còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu giữa các đôi tình nhân, trai gái để thỏa mãn nhu cầu về tình cảm, hôn nhân và gia đình. Có thể nói đây là 1 hình thức “tìm kiếm bạn bè, người yêu, người bạn đời của mình”, nơi “ xe duyên”, “kết nối hạnh phúc”cho các đôi bạn trẻ.

Chợ Khau Vai ( hay còn gọi là Khâu Vai) ban đầu họp không có người mua, không có người bán. Họ đến đây cốt để nhìn lại bóng dáng người mà lòng đã trao thương gửi nhớ từ phiên chợ năm ngoái. Gọi là “chợ” nhưng không phải là nơi giao lưu buôn bán hàng hoá, mà là nơi để những người yêu nhau không lấy được nhau, có dịp gặp lại, ôn nhớ mối tình xưa cũ, động viên nhau cố gắng xây đắp hạnh phúc đang có của mình... Bởi thế nên mới gọi là chợ tình. Sau này cùng với sự phát triển của xã hội thì đến với chợ tình chúng ta có thể bắt gặp những mặt hàng truyền thống của các dân tộc ở đây như rượu ngô, thắng cố, cơm lam, mặt hàng mây tre đan, đồ thổ cẩm…

2. Định vị văn hóa
a. Chủ thể văn hóa
- Khâu Vai là đêm chợ truyền thống của dân tộc Mông. Chợ tình Khâu Vai người Mông đông hơn cả.

- Ngoài ra, người đến chợ còn là các cặp tình nhân các dân tộc: Dao, Giáy, Tày, Nùng, Lô Lô ở Khâu Vai và các nơi trong tỉnh Hà Giang hay từ các tỉnh lân cận : Cao Bằng ( xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, huyện Bảo Lạc), Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang…
- Người đến chợ đủ các thành phần già trẻ, trai gái, dân tộc. Đây là nơi để người ta tìm đến với nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình chắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Sau đó là nơi tỏ tình của các chàng trai cô gái mới lớn”

b. Không gian văn hóa

- Diễn ra ở đỉnh đồi hình cánh cung nằm trong một thung lũng đẹp, khá rộng và bằng phẳng vùng cao nguyên đá thuộc xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Thị trấn vùng cao này nằm cách thị xã Hà Giang 155 km, 24 cây số đường núi từ Mèo Vạc tìm vào .
- Xung quanh là những dãy núi cao chót vót, xa hơn một chút là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây khói, những thửa ruộng hình cầu thang. Đường vào Khâu Vai như sợi dây thừng vắt ngược lên sườn núi, đường lượn vòng đỉnh sương Lũng Pù như con rắn bạc cuộn theo điệp trùng núi đá tai mèo đen thẫm
- Thời tiết khá dễ chịu, trong không gian bàng bạc hơi sương của những đám mây, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa rừng đua nở: hoa ban, hoa mận…
- Chợ nằm lọt thỏm trong một thung lũng lúc nào cũng mờ sương, một vài ngôi nhà gỗ lụp xụp nép mình trong gió núi, mỏm đá lô nhô, núi đá tai mèo nhọn hoắt , con đường cheo leo, mỏng manh.
c. Thời gian văn hóa

"Đợi anh hết mùa lạnh, đợi anh qua mùa đào (...) Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai...".

- Vào những ngày tháng 3 âm lịch, vào thời điểm giữa mùa xuân khơi gợi những tâm tư, xúc cảm rạo rực về tình yêu, tuổi trẻ, thanh xuân. Đó là chất men xúc tác cho tình cảm con người...
- Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27.3 (âm lịch) trai bản trên, gái bản dưới lại tìm về gặp gỡ, giao lưu với nhau, những đôi trai gái đã từng yêu nhau hẹn nhau về đây.
- Thực tế tại Chợ tình Khau Vai, các đôi bạn tình có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27.3, chợ tình bắt đầu từ đêm 26 kết thúc vào chiều tối ngày 27. Chợ đông người nhất và có ý nghĩa nhất là vào lúc trời sáng 27.


4. Các đặc trưng nhận diện chất văn hóa của chợ tình KHÂU VAI
a. Tính nhân sinh
- Chợ bắt nguồn từ 1 huyền tích: câu chuyện tình yêu đẹp mà éo le, trắc trở, một “ Romeo và Juliet thời hiện đại” giữa một chàng trai dân tộc Nùng , tên Ba khôi ngô, tuấn tú, thổi sáo rất hay, chăm chỉ và tốt bụng và cô gái Giáy xinh đẹp nhất làng, hát hay - con gái út của tộc trưởng. Nhưng họ gặp phái sự phản đối gay gắt của bố mẹ, họ hàng nhà cô gái vì không “môn đăng hộ đối”; hơn nữa, tục lệ làng không cho lấy người khác dân tộc. Càng cấm đoán, mối tình họ càng bùng cháy và họ đã hẹn nhau, trốn lên hang núi Khau Vai để sống cùng nhau. Sự việc diễn ra, đã châm ngòi cho hai bên gia đình, 2 dòng tộc tranh cãi, xô xát... máu đã đổ... Thương cha mẹ, họ hàng, dòng tộc, không muốn thù hận giữa hai gia đình, dòng tộc... nên hai người đã gạt nước mắt, chia tay nhau, về nhà. Họ hẹn nhau kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hàng năm cứ đúng ngày chia tay này sẽ tìm về gặp lại nhau tại núi Khau Vai... ngày họ chia tay là ngày 27.3 (âm lịch).

=> Bắt nguồn từ dấu tích một câu chuyện tình yêu lãng mạn cảm động đầy tính nhân văn, người dân Khâu Vai đã dệt nên những ý tưởng về 1 phiên chợ dành cho tình yêu. Đầu tiên là từ sự xúc động với ý nghĩa tưởng nhớ về tình cảm đôi trai gái. Nhưng hơn hết chợ tình là biểu hiện đời sống tinh thần phong phú, bay bổng mà rất hiện thực, phản ánh nhu cầu khát vọng hướng tới cái cao cả, những tình cảm tốt đẹp, đời thường, tự nhiên, chống lại tư tưởng lễ giáo phong kiến lạc hậu. Với chợ tình , họ được sống là chính mình với những tình cảm thật, được bộc lộ chân thành cảm xúc của mình. Đó là giá trị nhân sinh hết sức nhân đạo, vì con người.

=> Với các dân tộc khác có thể có các loại hình tương tự chợ tình Khâu Vai, nhưng đặc trưng và nổi tiếng không đâu bằng ở Khâu Vai bởi được hình thành trên nền câu chuyện tình yêu cảm động.
- Chính con người nơi đây sáng tạo ra nét sinh hoạt riêng có của chợ tình: những câu hát gọi bạn tình, điệu khèn, điệu nhảy, điệu múa


- Khâu Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống đoàn kết bên nhau. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ. Chợ tình Khâu Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên. Vì thế chợ tình Khâu Vai đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ đây.
=> Tình yêu bất diệt , cao đẹp luôn thôi thúc ngừoi dân nơi đây hướng tới những gì cao thượng, mơ ước hạnh phúc …

b. Tính lịch sử
- Những người già nhất xã Khâu Vai bây giờ cũng không ai biết chợ tình Khâu Vai có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lúc còn để chỏm họ đã thấy có chợ tình rồi. Theo nghiên cứu của các nhà lịch sử- văn hóa, Chợ tình Khâu Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, có nghĩa là sự phong tình có từ năm 1919. Gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa, gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ. Hai chữ chợ tình mới phổ biến từ những năm 1990, khi có khách du lịch đến tham quan.

- Chợ tình Khau Vai mới đầu chỉ là nơi hẹn hò của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau và là đêm chợ truyền thống của người dân tộc Mông, nhưng sau đó được các dân tộc khác hưởng ứng. Đến bây giờ Khau Vai đã trở thành phiên chợ hẹn hò, tìm kiếm tình yêu của tất cả mọi người từ thanh niên cho đến người đã có gia đình.

Theo tiếng địa phương thì Khâu Vai có nghĩa là song mây ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều song mây song cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất nơi đây.

- Trong câu chuyện về Khâu Vai, có những điều đến nay vẫn được truyền khẩu. Một người già kể lại trong hơi men đã ngà say rằng: Chợ ngày trước vẫn còn những bó đuốc khô, những bầu rượu ngô thơm nồng và những đôi dép đen cho người đến chợ tình. Đuốc để soi đường dẫn người vào hẻm núi đã quen. Rượu để làm ấm thân người khi thung lũng đá vào đêm. Đôi dép để bàn chân tình nhân vượt những mảnh đá tai mèo sắc nhọn, tìm đến với nhau.

- Chợ tình Khâu Vai hôm nay ít nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo thu hút rất nhiều du khách từ các tỉnh và vùng miền khác. Trong nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi hàng hoá, ta vẫn bắt gặp đâu đó ánh mắt kiếm tìm mải miết, nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hoà trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xưa, ngày xưa…

Ngày nay, do nhu cầu đời sống, ở chợ tình còn được bán các sản phấm: mặt hàng thổ cẩm, đồ trang sức, các loại đồ ăn, các loại cây… do chính bàn tay của người dân các dân tộc làm ra.

c. Tính giá trị
- Có ý nghĩa với những người sáng tạo và tham dự, người dân các dân tộc ở Khâu Vai và 1 số dân tộc khác ở quanh vùng : Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, LÔ Lô… và các du khách muốn tìm hiểu văn hóa nơi đây.
Như vậy với 1 số dân tộc , vùng miền không có hình thức chợ này thì nó không có giá trị. Với các nước khác trên thế giới không có thì nó không có giá trị .
- Về thời gian, thời điểm: Chợ tình là biểu trưng cho sự gặp gỡ. Đồng bào dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân sau một hoặc nhiều năm xa cách. Nó ra đời từ rất lâu, không chỉ có giá trị trong thời gian ngày xưa mà vận còn chứa đựng ý nghĩa, giá trị tốt đẹp cho thời điểm hiện nay. Vì đây là 1 hình thức tổ chức chợ khá độc đáo, hiếm thấy , nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay nó là một hình thức sinh hoạt gắn kết cộng đồng.
- Mọi người đến với chợ tình Khâu Vai không phải là mua một thứ hang hóa cần thiết cho cuộc sống hang ngày mà là để tìm cho mình một người yêu thương hoặc là làm quen, kết bạn với nhiều người, bất kể tuổi tác già trẻ. Những người có mối tình trắc trở, yêu thương thực sự nhưng vì lí do gì đó mà họ không thể đến được với nhau thì chợ tình Khâu Vai chính là thời điểm và là nơi cho họ tâm sự, hẹn hò, thông báo cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại tình cảm nhớ nhung do xa cách, uống rượu say cho đến sáng. Chính vì vậy mà chợ tình Khâu vai với mục đích là nơi giao duyên có giá trị rất lớn với những người dân ở Khâu Vai nói riêng và các dân tộc ở đây nói chung từ khi ra đời cho đến nay.

a. Tính hệ thống
Cùng với các yếu tố nhân sinh, lịch sử và giá trị tập hợp, gắn bó, liên kết với nhau cho ta hình ảnh trọn vẹn về chợ tình Khâu Vai, nằm trong hệ thống truyền thống phong tục của người dân các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc , thống nhất trong tín ngưỡng, tập tục của vùng văn hóa Việt Bắc.
Có thể nói đây là một hình thức biểu hiện của sinh hoạt tình cảm của người dân Khâu Vai, một giai đoạn quan trọng , đánh dấu sự trưởng thành về tư tưởng, tình cảm của những chàng trai cô gái tuổi mới lớn. Như vậy việc tìm hiểu tìm bạn đời trong chợ tình là một bước ngoặt trong nhận thức, nằm trong hệ thống các giai đoạn chuẩn bị tiến tới xây dựng hôn nhân gia đình.
Ở Việt Nam có một số nơi có chợ tình như chợ tình Sa Pa, chợ tình Đà Lạt… Mỗi chợ tình có một đặc trưng riêng biệt của nó. Nhưng chợ tình Khâu Vai vẫn thống nhất trong sự đa dạng. Thống nhất về ý nghĩa tốt đẹp, những giá trị nhân sinh mà nó đã để lại trong tâm hồn mỗi con người.
Cùng với chợ tình khác ở Việt Nam thì chợ tình Khâu Vai là một bộ phận trong hệ thống chợ tình nói riêng và chợ Việt Nam nói chung, góp phần chứng minh cái đẹp, đặc sắc riêng của đời sống tình cảm người dân các dân tộc miền núi, nằm trong hệ thống giá trị văn hóa độc đáo tạo nên sự đa dạng phong phú vừa truyền thống, vừa mới lạ của bản sắc văn hóa Việt Nam.
=> 4 yếu tố trên làm nên giá trị tích cực của văn hóa “chợ tình”.
=> CHỢ TÌNH KHÂU VAI LÀ 1 HIỆN TƯỢNG VĂN HÓA, LÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA VĂN HÓA HỌC.
2. Cấu trúc văn hóa
b. Vật chất
- Đến với chợ tình Khâu Vai thì những người tham gia đã chuẩn bị trước đó khá lâu, họ làm đồ ăn, thức uống gói cơm nếp, củ sắn, miếng bánh... để cùng ăn với người tình cũ, bạn bè tất cả đều là sản phẩm tự làm mang đi từ nhà và những bữa ăn như vậy càng làm cho họ có thêm những giờ phút hạnh phúc bên nhau. Họ mặc những chiếc áo, chiếc váy mới nhất, đẹp nhất để đi gặp lại người tình cũ. Còn với những thanh niên thì họ muốn tạo ấn tượng cho những người khác phái. Đây còn là dịp trình diễn những trang phục của các dân tộc.

- Khoảng chục năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày chợ họp ngoài việc hò hẹn, gặp gỡ, người ta mang cả hàng hóa đến bán ở chợ. Do vậy đến chợ Khâu Vai, bạn cũng có thể mua, bán, trao đổi những sản vật. Hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội những người đến với chợ tình thường đem theo những mặt hàng truyền thống tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống như: đồ thổ cẩm, mặt hàng mây tre đan, đồ trang sức, dược liệu, dầu hỏa … và các món ăn, thức uống như thắng cố, cơm lam, rượu ngô… hay, muối, thuốc lào. Ngoài ra còn có giải cờ tướng hay hàng đồ lưu niệm.

c. Tinh thần

- Làm thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ giao lưu của người dân. Cuộc sống ở vùng núi cao thường là rất buồn tẻ. Cả năm mới có một phiên chợ, lại là phiên chợ tình, bởi vậy, có nhiều gia đình cả bố, mẹ, con dâu, con trai dắt díu nhau đến chợ dong va vui như trảy hội.
+ Với những người đã có gia đình: để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách Có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau từ hơn chục năm nay, đã có với nhau bốn mặt con và sống cách chợ Khau Vai gần hai ngày đường cũng lặn lội đến đây tìm niềm vui... => Đem lại cảm giác trẻ lại, món quà tinh thần là niềm vui , tiếng cười, được sống với tình cảm hết sức tự nhiên và bình dị trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, nghèo khổ.
+ Với những chàng trai, cô gái chưa có gia đình : đây là dịp để gặp gỡ, làm quen, kết bạn hay tỏ tình của những người yêu nhau => Chợ tình là nơi xe duyên, mối lái
- Chợ tình Khâu Vai với thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất. Đây đó đã vang lên tiếng khèn lá réo rắt, du dương như gọi mời., tiếng hát thanh thoát của các cô gái vang lên chộn rộn, tươi vui. Không khí ấy đem lại cho ta cảm giác háo hức, chờ đợi, rộn ràng. Tất cả đều cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ yêu... như hướng về một nghi lễ thiêng liêng, trọng đại nhất. “Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn / Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng / Đôi ta không có lòng thì thôi / Có lòng thì hãy mau mau cất tiếng lên giọng...”
- Các chàng trai, cô gái dùng tiếng khèn, tiếng hát để thể hiện tình cảm của mình. Những “Khâu xỉa plềnh”, “Già Xông”... mộc mạc mà chân thành, da diết mà tình cảm. Đó là những bản tình ca giản dị, say đắm. Những lời tỏ tình mộc mạc và dễ thương đã được những đôi trai gái trong đêm chợ thổi vào tình yêu chân thật như chính cuộc sống của họ... Những ánh mắt long lanh liếc xéo, nụ cười e ấp, thẹn thùng, Đó là cách mà nam nữ thanh niên bày tỏ trong phiên chợ tình, chỉ có ngày này họ mới làm như thế
“Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn
Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng
Đôi ta không có lòng thì thôi
Có lòng thì hãy mau mau cất tiếng lên giọng...”

Luồn trong tiếng gió, luồn trong ý nghĩ, giọng một cô gái nào đó đáp lại, đầy chân thành nhưng cũng không kém phần thẳng thắn:

“Giờ này trời đã về khuya
Sao đã lượn vòng đổi ngôi
Sương đã phủ trắng
Em chỉ biết mình anh nhưng chưa biết tim anh...”.


- Mỗi năm một lần, chợ là nơi gặp gỡ của những số phận người, những mối tình dang dở, những nỗi ẩn ức, ngang trái, nhưng mà đẹp. Đẹp não nuột. Những người yêu cũ đến đó để gặp nhau, sống hết mình với nhau trong chốc lát. Đó là ngôi đền linh thiêng, ở đấy chỉ có tình yêu ngự trị.
- Với những người tình cũ gặp lại nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và…uống rượu. Rượu được rót tràn bát, như tình cảm của người vùng cao lúc nào cũng lai láng không bến bờ. Họ uống cho ngày gặp lại sau một năm xa cách, đằng đẵng, đầy nhớ nhung, đến khi nào không thể uống và không nên uống nữa, họ sẽ dắt tay nhau ra ngọn núi phía xa xa kia để tự tình thâu đêm đến sáng mới trở về với vợ, chồng mình.

=> Phản ánh nhu cầu văn hóa trong đời sống tình cảm, do con người, vì con người, là nơi, là dịp để họ tìm chỗ dựa chia sẻ tâm tư tình cảm, tâm sự giúp đỡ nhau về đời sống gia đình, …. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Đó là thỏa mãn những tâm tư trong lòng, bồi đắp những tình cảm cao quý, đáng trân trọng.
- Chợ còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em VÙNG NÚI PHÍA BẮC. Đây là ngày hội của những bộ trang phục sặc sỡ, của những phong tục cổ truyền, trò chơi dân gian…
- Chợ còn có khu thờ miếu Ông và miếu Bà, nơi người tham dự có thể đến khấn vái, thắp hương, cầu duyên. Chợ đã vượt ra ngoài ý nghĩa kinh tế dẫu có bán mua cũng không màng đắt, rẻ để trở thành một thú vui ngày xuân, một cách giao duyên đầu năm mới.

- Nhưng ngoài những niềm vui , ta còn bắt gặp ở phiên chợ đặc biệt này những tâm tình, cảnh ngộ , nỗi niềm khác nhau.
+ Có những cặp vợ chồng cả hai cùng không gặp lại người tình cũ, đành ngồi bên nhau chờ tới lúc ra về. Họ không thất vọng, họ không buồn phiền mà chỉ coi Chợ Tình Khâu Vai là một sân khấu tình cảm, những cặp tình nhân cũ chỉ diễn lại chuyện ngày xưa có một lúc, rồi lại chia tay, ai về nhà nấy, tiếp tục cuộc sống vợ chồng, hết năm này qua năm khác.
+ Có những bà lớn tuổi, ngồi chờ bên lề đường hay trên một tảng đá mà tìm mãi không thấy người yêu cũ. Các bà cúi mặt xuống, lấy khăn quàng cổ, che kín đầu và chạnh lòng nhìn những đôi tình nhân cũ thủ thỉ trong đêm tối, thỉnh thoảng lại nghe tiếng cười khúc khích hay tiếng thở dài nhè nhẹ, lưu luyến...
+ Trên bờ suối hay bên lề đường, vẫn có những cô sơn nữ ngồi một mình từ sáng đến nửa đêm mà không gặp được người mình mơ ước. Có cô lấy khăn lau nước mắt trong khi đàng xa vẳng lên tiếng đờn của ai trong đêm tối, khi vui khi buồn, nói lên cảnh buồn vui lạ lùng của Chợ Tình Khâu Vai.

- Nhưng sự cho phép đó, những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra trong ngày chợ đó, hết ngày 27.3. “Cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục và pháp luật, đều có thể bị trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm.

=> Giá trị tinh thần làm nên nét đặc sắc riêng của chợ tình Khâu Vai , thể hiện đời sống tình cảm phong phú của các dân tộc vùng núi: giản dị, tự nhiên mà hết sức chân thành, cuộc sống và bản sắc văn hóa của người dân: phóng khoáng và hiếu khách. Cho ta thấy khuôn mặt văn hóa muôn màu muôn vẻ, giá trị đáng quý: đời sống vật chất có khó khăn, thiếu thốn đến mấy cũng không ngăn cản được nhu cầu tinh thần tình cảm của con người nơi đây.



5. Chợ tình Khâu Vai với các chợ tình khác ở Việt Nam

Khu vực miền núi phía Bắc còn hấp dẫn du khách với nhiều phiên chợ khác mang đặc trưng văn hóa địa phương . Người đi chợ chủ yếu nhằm mục đích gặp gỡ, trao duyên, trao tin.

* Chợ Lượn


Ngoài giêng, một số chợ thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn. Thanh niên nam nữ đến đây chơi chợ, mua bán là phụ mà hát lượn, một điệu hát trữ tình dân tộc là chính để bày tỏ tình ân ái với nhau. Người đi chợ chủ yếu nhằm mục đích gặp gỡ, trao duyên, trao tình.
Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ cái chợ một phiên này. Họ hát say sưa, bằng cả trái tim của tuổi trẻ, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tàn phiên mới chịu rời nhau.

* Chợ phiên Bắc Hà.


Chợ Bắc Hà được chia ra các khu nhỏ mang tính chất đặc trưng như chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc… Mỗi khu đều phong phú, đa dạng và mang màu sắc dân tộc địa phương. Nhưng điều làm nên vẻ hấp dẫn của phiên chợ Bắc Hà là sau mỗi tuần làm việc, đồng bào dân tộc lại xuống núi, mặc những bộ váy áo sặc sỡ đủ màu và xem đó như ngày hội, trai gái coi đó như một lần được gặp gỡ trao duyên. Người già vui vẻ đi thăm hỏi bạn bè, lớp trẻ có cơ hội để tiếp xúc và làm quen với bạn khác giới. Điểm đặc biệt là mọi người kết bạn qua tiếng khèn, sáo... chứa đựng tình cảm mà họ muốn thổ lộ. Những sắc màu văn hóa của phiên chợ Bắc Hà đã tạo nên sự hấp dẫn cũng như sức sống trường tồn của nó.

* Chợ Đình - Nam Định
Cứ vào mùng 2 Tết, hàng trăm cặp đôi và những bạn trẻ độc thân từ nhiều nơi lại về dự chợ Đình ở xã Trực Tuấn (huyện Trực Ninh, Nam Định) lại họp đông đúc để cầu mong hạnh phúc hoặc tìm được nửa còn lại.
Không khèn, sáo, không những câu hát đẩy đưa tình tứ, bất kể mưa nắng giá lạnh, hàng trăm bạn trẻ đã bắt đầu đổ về.. chợ Đình để giao lưu hoặc mua một món đồ, tìm mua bùa tình duyên, mua muối, mua hoa, cây cảnh với niềm tin sẽ giúp đường tình duyên gặp may mắn.
Chợ Đình họp từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng đông nhất vào khoảng 9 -11 giờ. Nhiều đôi vợ chồng mới cưới và cả những người đã chung sống với nhau hàng chục năm cũng tìm đến chợ để cầu mong tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng.
Người dân quanh vùng coi phiên chợ này như một nét truyền thống. Chính quyền địa phương từng có ý định mở đường qua đây, nhưng không thành vì nhiều người phản đối.

* Chợ tình Đà Lạt (Thuộc CT Festival Hoa Đà Lạt)

Đây là một trong những chương trình mới lạ lần đầu tiên có mặt trong tổng thể chương trình Festival Hoa Đà Lạt 2010. Thông qua chương trình, du khách sẽ tự do tìm một nửa cho mình, các trò chơi dân gian mang tính thanh lịch, lãng mạn của phố núi sẽ giúp các đôi bạn xích gần lại nhau hơn, hiểu hơn, đồng cảm hơn qua hành trình những thử thách đầy hấp dẫn mang tính mới lạ, lôi cuốn từ xứ sở tình yêu.

* Chợ Cưới- Vĩnh Phúc

Đây là chợ phiên đặc biệt của đồng bào Mông xã Tam Lộng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc họp vào ngày 25 tháng Chạp. Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả ông bà già đi theo để chứng kiến lời giao ước tâm tình của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến đây mới tìm hiểu nhau. Vì thế quần áo chỉnh tề, phong cách lịch sự, mặt mũi hân hoan. Mặc cho mưa phùn gió lạnh, từng đôi, từng đôi đứng túm tụm trên nền chợ, bờ ruộng, gốc cây bày tỏ nỗi niềm từ sáng sớm đến chiều tối khi lời giao ước một cuộc hôn nhân tương lai được quyết định, họ rủ nhau vào các quán chợ ăn uống, rồi mới chia tay. Chợ Cưới, thực chất là một kiểu chợ tình ở miền núi vậy.

* Chợ Gà (Chợ Sáu) thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh mở vào đêm mồng 4 Tết và Chợ Gò Trường Úc- vào ngày mồng một Tết Nguyên đán trên một gò đất cao ở chân núi Trường Úc, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 8 km với mục đích hái lộc, cầu duyên nợ, cầu sự may mắn.
=> Chợ tình Khâu Vai nằm trong mối quan hệ văn hóa với các chợ tình khác theo không gian và thời gian. Sự tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến tạo nên những đặc trưng của từng vùng văn hóa riêng biệt. Chợ tình Khâu Vai có những nét chung và riêng với chợ tình khác ở nước ta.
- Điểm chung: đều là văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, mỗi năm chỉ có một lần tạo sự háo hức chờ đợi, mang ý nghĩa và giá trị tốt đẹp: mong muốn giao lưu, kết bạn, trò chuyện, cầu duyên và tìm được người thương của mình.
- Điểm khác biệt: Chợ tình Khâu Vai là hoài niệm về một địa danh gắn với câu chuyện tình đã đi vào huyền thoại. Được ra đời trên nền một câu chuyện cổ tích về tình yêu rất cảm động, tình yêu thắm thiết và sự hi sinh cao cả của đôi trai gái đã khiến những người dân nơi đây quyết định tổ chức một ngày dành riêng cho những đôi tình nhân. Có thể nói đây là ngày lễ tình yêu “ Valentine” của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Khác với kiểu “chợ đậm thêm, tình nhạt bớt” của chợ tình Sapa, ai đã đến chợ tình Khau Vai một lần cũng đều cảm nhận được nét nguyên sơ truyền thống từ lâu đời vẫn tồn tại của nơi này. Những sinh hoạt còn giữ được nhiều nét tự nhiên, chủ yếu là gặp gỡ tâm tình, trao đổi tình cảm, thông tin. Chính điều này tạo nên tính nhân sinh, sự hấp dẫn, độc đáo của chợ tình Khâu Vai.
Còn chợ tình khác không xuất phát từ câu chuyện nào mà ra đời từ nhu cầu của con người, có phần gặp gỡ kết bạn, tỏ tình nhưng chỉ là phần nhỏ trong hệ thống các hoạt động khác của chợ: buôn bán hàng hóa, trao đổi sản vật, cầu may mắn... => có phần phong phú, đa dạng ( động hơn) chợ Khâu Vai nhưng về sự đặc sắc, mới lạ và riêng biệt ( tính tĩnh) chợ tình Khâu Vai thể hiện rõ hơn.


6. Những biểu hiện phi văn hóa- mặt trái của chợ tình Khâu Vai

- Nhiều người lợi dụng ý nghĩa chợ tình để lừa tình cảm của các cô gái dân tộc nhẹ dạ cả tin , mong muốn có được chồng giàu sang, mục đích “ trêu hoa ghẹo nguyệt”. Do giáp với biên giới Việt Trung nên là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho những cò mồi lợi dụng cơ hội để lừa gạt, buôn người sang nước ngoài bằng thủ đoạn dùng tiền trao đổi, dụ dỗ phụ nữ.
- Trong phiên chợ tình Khâu Vai nhiều đôi vợ chồng khi tìm đến người tình cũ đã khiến lung lay, tiếc nuối tình cảm xưa mà vô tình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình của mình.
- Cuộc sống hiện đại và du khách quá đông đã khiến cho chợ mất đi vẻ đẹp vốn dĩ. Làm sao trai gái có thể yêu đương, hò hẹn trước hàng nghìn con mắt của du khách? Hiện nay , không còn những điệu khèn ,những câu hát giao duyên, những điệu múa ,thay vào đó họ dùng máy cassette và những phương tiện hiện đại. Chợ tình ngày nay lác đác vài cặp thanh niên biểu diễn múa khèn, thổi sáo gọi bạn cho du khách trả tiền xem. Chợ mất bản sắc từ đó, khi quy luật tất yếu của kinh tế thị trường đã luồn sâu vào từng vách núi, len lỏi vào tiếng khèn vùng cao. Có du khách là có nhu cầu về ăn uống, giải trí, mua sắm ‘’du lịch hiếu kỳ’’ làm mất đi nét đẹp của Chợ tình Khau Vai và bản chất hồn nhiên, chất phác của đồng bào các dân tộc nơi đây.

- Do sự giao lưu của các văn hóa khác nhau nên đã làm lu mờ đi bản sắc riêng của chợ tình Khâu Vai . Người đến chợ tình chỉ vì mục đích tò mò hay tham quan mà không hiểu được ý nghĩa của phiên chợ tình. Hầu hết người tham gia là người Kinh hay các du khách từ nơi khác tới, các dân tộc bản địa còn ít. Không ít trẻ em người H’Mông, Dao chỉ mỉm cười cho du khách chụp ảnh nếu được tặng tiền lẻ => mất đi bản sắc văn hóa truyền thống có từ lâu đời. Dần dần ý nghĩa tốt đẹp của chợ tình bị mất đi, ngày càng bị vật chất hóa và thương mại hóa.
- Ngoài ra , chợ tình còn là nơi nảy sinh các tệ nạn như: cờ bạc ,rượu chè ,phát sinh những mâu thuẫn ,dễ dẫn đến mất trật tự an ninh .


Lời kết

Một đêm tình yêu của phiên chợ tình Khau Vai thầm lặng mà sâu lắng như vậy đó, không ai bán, không ai mua, họ cùng cho và cùng nhận. Chỉ có những người nặng lòng với Khau Vai, những người đã gửi gắm vào đó những mối tình mới thấu hiểu, mới nôn nao mong đợi cái giây phút tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng thiêng liêng

Chợ tình Khâu Vai tuy còn đơn sơ nhưng nó thực sự thấm đượm tình người , cho ta thấy lối sống sâu nặng, cách sống trọng tình yêu, luôn nhớ về quá khứ trân trọng những tình cảm tốt đẹp, vừa giản dị, mộc mạc và chân thật của đồng bào miền núi phía Bắc.

Chợ là trung tâm văn hóa, nơi biểu hiện đậm nét nhất những bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao Hà Giang, gắn liền với văn hóa tâm linh, một nét sinh hoạt văn hóa, phong tục khác lạ đầy tính độc đáo, hấp dẫn lạ kì. Du khách dẫu một lần đến với chợ tình Khâu Vai hẳn sẽ không quên được những giây phút đầy thi vị, lãng mạn và những câu chuyện tình đẹp ấy. Đây là một phiên chợ vùng cao mang ý nghĩa văn hóa, thấm đậm tình người và duy nhất ở đất nước ta...
RANDOM_AVATAR
quangduy999999
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: Thứ 7 17/10/09 10:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: chợ tình khâu vai

Gửi bàigửi bởi hanchiun » Thứ 2 07/06/10 18:16

minh thay phien cho nay rat hay, doc dao, uoc gi dc den do trai nghiem thi se rat tuyet. nen cho them hinh cho sinh dong de co the hieu ro hon net sinh hoat cua ng dan mien nui...
- trong cuộc đời mỗi người đều có 1 nửa của mình ở đâu đó..._
RANDOM_AVATAR
hanchiun
 
Bài viết: 52
Ngày tham gia: Thứ 3 29/12/09 16:23
Đến từ: Thai nguyen
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: chợ tình khâu vai

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 5 28/10/10 20:42

quangduy ơi!
mình cũng rất thích chợ tình này nên cũng có tham khảo trên mạng những thông tin về chợ tình. mình post lên đây đề cương của mình (có tham khảo và dùng tư liệu của bạn).
mong muốn là cùng nhau trao đổi tư liệu để làm cho nó phong phú thêm.
CHỢ TÌNH KHÂU VAI DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA

PHẦN MỞ ĐẦU:
1. Lý do chọn đề tài:
- Phong tục lễ hội (xem chợ tình Khâu Vai là một phong tục lễ hội) rất quan trọng trong đời sống của con người, qua đó thể hiện được những đặc trưng, cách tổ chức đời sống cộng đồng, văn hóa nhận thức, ứng xử với môi trường tự nhiên của những những con người sinh sống trong môi trường đó.
- Cá nhân người chọn đề tài bị cuốn hút bởi những đặc trưng của chợ tình dù chưa một lần đặt chân đến.
- Mong muốn đem đến cho độc giả những kiến thức, hiểu biết nhất định về phong tục lễ hội rất đặc biệt này.
2. Mục đích nghiên cứu:
Lý giải hiện tượng từ góc nhìn địa văn hóa
3. Lịch sử vấn đề:
- Chợ tình Khâu Vai, trên góc độ khoa học chưa có sự nghiên cứu thấu đáo.
- Đã có rất nhiều bài báo nhưng chỉ giới thiệu sơ bộ vấn đề, chưa đi sâu, chưa có cái nhìn hệ thống
- Chưa có công trình nghiên cứu theo hướng tiếp cận địa văn hóa
4. Phạm vi nghiên cứu:
- Đối tượng: chợ tình Khâu Vai
- Thời gian: toàn thời
5. Phương pháp tiến hành
- Hệ thống loại hình, so sánh, tổng hợp liên ngành
- Tư liệu: sách báo, website
CHƯƠNG I: KHÁT QUÁT
I.1 Định vị:
I.1.1 Không gian văn hóa:
a. Việt Bắc:
- Vùng núi phía Tây Bắc Việt Nam: bắc tiếp giáp Trung Quốc, Tây: Tây Bắc, :Nam: đồng bằng Bắc Bộ.
- Nơi địa hình là đồi núi, có công viên đá Đồng Văn (vừa được UNESCO công nhân là 1 trong 2 công viên đá thế giới).
- Khí hậu ôn đới (lạnh, mát mẻ)
b. Chợ tình Khâu Vai:
- Diễn ra ở đỉnh đồi hình cánh cung nằm trong một thung lũng đẹp, khá rộng và bằng phẳng vùng cao nguyên đá thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
- Xung quanh là những dãy núi cao chót vót, xa hơn một chút là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây khói, những thửa ruộng hình bậc thang.
I.1.2 Chủ thể:
- Các dân tộc: Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng, Lô Lô.. ở Khâu Vai và các nơi trong tỉnh Hà Giang hay từ các tỉnh lân cận : Cao Bằng ( xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, huyện Bảo Lạc), Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang…
- Vài nét về các tộc người ở đây
I.1.3 Thời gian: Sự kiện diễn ra chính vào đêm 26 sáng 27/3 hàng năm

CHƯƠNG II: VĂN HÓA VIỆT BẮC QUA CHỢ TÌNH KHÂU VAI
II.1. Chợ tình Khâu Vai trên bình diện văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
II.1.1 Văn hóa tận dụng môi trường qua chợ tình Khâu Vai:
- Diễn ra ở đỉnh đồi hình cánh cung nằm trong một thung lũng.
- Vào những ngày tháng 3 âm lịch, vào thời điểm giữa mùa xuân
II.1.2 Văn hóa ứng phó với môi trường qua chợ tình Khâu Vai
- Cách ăn mặc khi đến chợ tình
II.2 Chợ tình Khâu Vai trên bình diện ứng xử với môi trường xã hội, tổ chức đời sống cộng đồng, tộc người
- Huyền thoại về chợ tình Khâu Vai:
o Vốn là nơi hẹn gặp nhau của đôi nam nữ yêu nhau không môn đăng hộ đối
o Nơi hẹn gặp nhau của những người tình cũ (Chợ tình Khâu Vai mỗi năm gặp một lần, vợ chồng không ghen tuông)
o Diễn ra chủ yếu vào tối 26/3 sáng 27/3 (âm lịch)
- Sự khúc xạ văn hóa trong không gian và thời gian chợ tình
o Từ nguyên bản chủ yếu người Mông, càng ngày càng được nhiều tộc người hưởng ứng
o Chợ tình thành nơi gặp nhau của trai gái đã từng yêu nhau (có hoặc người đã có gia đình riêng) và cả những gái trai mới lớn.
o Thành nơi gặp gỡ, xe duyên
o Chợ họp thành phiên (7 ngày), không những là nơi giao duyên mà còn là nơi…giao dịch (mặt trái là chợ có nguy cơ bị thương mại hóa)
II.3 Dấu ấn văn hóa Việt Bắc qua chợ tình
- Những đặc trưng văn hóa vùng qua “chợ tình Khâu Vai”:
o Chợ tình Khâu Vai- một cảnh quan văn hóa: cách bố trí chợ mua bán, nơi tâm sự của các đôi tình nhân
o Nét sinh hoạt riêng có của chợ tình, của người Việt Bắc: những câu hát gọi bạn tình, điệu khèn, điệu nhảy, điệu múa
o Nơi giao lưu tình cảm đậm chất Việt Bắc. “Có những bà lớn tuổi, ngồi chờ bên lề đường hay trên một tảng đá mà tìm mãi không thấy người yêu cũ. Các bà cúi mặt xuống, lấy khăn quàng cổ, che kín đầu và chạnh lòng nhìn những đôi tình nhân cũ thủ thỉ trong đêm tối, thỉnh thoảng lại nghe tiếng cười khúc khích hay tiếng thở dài nhè nhẹ, lưu luyến...
…Trên bờ suối hay bên lề đường, vẫn có những cô sơn nữ ngồi một mình từ sáng đến nửa đêm mà không gặp được người mình mơ ước. Có cô lấy khăn lau nước mắt trong khi đàng xa vẳng lên tiếng đờn của ai trong đêm tối, khi vui khi buồn, nói lên cảnh buồn vui lạ lùng của Chợ Tình Khâu Vai”.
o Những cái tên đậm màu Tây bắc
II.4.Chợ tình Khâu Vai trong mối tương quan các “chợ tình” khác
II.4.1 Một số chợ tình:
- Chợ tình Sapa
- Chợ tình Đà Lạt
- Chợ Cưới- Vĩnh Phúc
II.4.2 Nét tương đồng với nhau và với chợ tình Khâu Vai
- Cũng là nơi “giao duyên” là chủ yếu.
II.4.3 Nét khác biệt
- Mỗi chợ gắn với huyền tích riêng, chợ tình Khâu Vai với những huyền tích đặc biệt của mình khong lẫn vào đâu được.
- Nơi tổ chức là những đường vòng thung lũng, thời gian…
KẾT LUẬN
III.1 Tính đa dạng của văn hóa vùng miền
- Chợ tình Khâu Vai là một trong những phong tục lễ hội đã bảo lưu và giao lưu nhiều giá trị văn hóa cổ truyển của người Việt Bắc.
III.2 Đặc sắc văn hóa vùng
- Góp phần làm văn hóa Việt Nam thêm phong phú đa dạng với những nét đặc trưng tiêu biểu của mình

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tư liệu chủ yếu từ internet

mình đang tiến hành "thêm da, đắp thịt" cho đề cương, rất mong các bạn góp ý!
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: chợ tình khâu vai

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 4 03/11/10 20:30

Chào các anh chị, cho tôi xin được góp 1 ý nhỏ như thế này.
Thật ra cái tên "Chợ Tình Khâu vai" mà chúng ta đặt cho một bộ phận sinh hoạt của dân tộc Mông (là chủ yếu) thì theo tôi là không chín xác lắm. Tên gọi mà tôi cho là đúng nhất là "Chợ Phiên" vùng cao. Được diễn ra một năm một lần, vào ngày 26/3 âm lịch, lúc này trai bản trên, gái bản dưới lại tìm về gặp gỡ, giao lưu với nhau (một cách rất trông sáng và tự nhiên không có gì gọi là bí hiểm cả như chúng ta thường nghĩ cả, Thật ra, không như nhiều câu chuyện mà chúng ta nghe ở đâu đó như: "Lúc đầu họ là vợ chồng, nhưng khi lễ hội diễn ra thì họ bỏ nhau đi tìm người yêu cũ, vì một lý do nào đó mà trước kia họ không lấy được nhau. Sáng mai ra, tan chợ tan tình... họ lại về sống chung dưới một mái nhà đợi đến phiên chợ năm sau. Không ghen tuông, không thù ghét..." có thể đó là những câu chuyện làm tô đậm thêm giá trị của chuyến đi hoặc một lý do gì đó tôi không rõ lắm....
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến30 khách