Năm mới nói chuyện cũ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi hoc that » Thứ 2 31/01/11 15:00

Nhân dịp năm mới sắp tới, năm cũ sắp qua. Em xin chúc các thầy cô khoa Văn Hóa Học sức khỏe và nhiều niềm vui, chúc các bạn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nhiều thành công và nhiều hạnh phúc!
Mong rằng sang năm mới Tân Mão Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành tự trong nghiên cứu khoa học có giá trị để không bị cái dớp của năm Mão: nói mèo.
Hôm nay đọc lại bài viết của Cao Tự Thanh phê bình cuốn Cơ sở Văn Hóa Việt Nam của GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm, tuy không hoàn toàn đồng ý với Cao Tự Thanh về cách phê bình có phần khinh miệt nhưng tôi thấy có nhiều điều cần suy nghĩ về cách lập luận của tác giả bài viết. Tôi thiển nghĩ rằng đứng trên góc độ học thuật chúng ta cần tôn trọng những ý kiến phê bình hiếm hoi như vậy và nên nhìn lại vấn đề một cách công bằng. Do vậy tôi mạo muội đưa lại bài viết này lên diễ đàn để các Thầy cô và các bạn tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm mục đích góp phần vào việc hoàn thiện hơn nữa về cuốn sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam". Mong các thầy cô, và các bạn đóng góp ý kiến.

"Cao Tự Thanh phê bình Trần Ngọc Thêm
CAO TỰ THANH

Đọc quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam
của Trần Ngọc Thêm

Ngay sau khi vừa được phổ biến rộng rãi, quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam của tác giả Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Tổng hợp thành phố HCM in, 1995) đã thu hút sự chú ý của nhiều người đọc sách. Bởi vì mặc dù chỉ là một tài liệu lưu hành nội bộ, đây lại là hóa thân của công trình Tính hệ thống của văn hóa Việt Nam - một đề tài khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu năm 1994 đồng thời là hậu thân của giáo trình cùng tên đã được đưa vào giảng dạy trong một số trường Đại học vài năm gần đây. Tác dụng xã hội của quyển sách do đó đã vượt khỏi phạm vi một công trình nghiên cứu văn hóa thông thường, nên việc nhìn nhận giá trị đích thực của nó là một điều cần thiết.

Giở qua Cơ sở văn hóa Việt Nam, một người đọc bình thường cũng có thể thấy ngay rằng nó chứa đựng khá nhiều sai sót, trước hết do kiến thức cơ sở của tác giả về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Báo Văn nghệ số 17 và 18 ngày 27. 4 và 4. 5. 1996 đã đăng tải một bài viết nêu ra hàng loạt sai lầm kỳ quặc loại cốm thóc nếp tẻ chiêm mùa trong quyển sách. Cũng có thể kể thêm nhiều ví dụ tương tự, chẳng hạn thực dân Pháp “lập ra Nam Kỳ tự trị” sau khi đánh chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1867 (tr. 385), “Kim Đồng thời đánh Pháp, Võ Thị Sáu thời đánh Mỹ” (tr. 398)... Tuy nhiên, các học giả lớn đôi khi không biết tới những sự thật nhỏ, vả lại đó là hệ thống những sai sót mà người đọc bình thường nào cũng có thể đính chính ngay không cần tới “cách tiếp cận hệ thống” hay “phương pháp hệ thống - cấu trúc” sang trọng như Trần Ngọc Thêm, nên chúng chỉ làm tổn thất uy tín của riêng tác giả chứ không phương hại gì tới khoa văn hóa học. Điều quan trọng đáng nói là bên cạnh cái kiến thức cơ sở cần phải đính chính và bổ sung khá nhiều ấy, Trần Ngọc Thêm còn có một kiến thức lý thuyết và lý luận nông cạn và chắp vá về văn hóa. Chính sự nông cạn và chắp vá này mới làm hại cho văn hóa học, với các sai lầm của quyển sách về cả nội dung khoa học lẫn định hướng thực tiễn, về cả phương pháp nghiên cứu lẫn thao tác chứng minh. Tình hình này thể hiện đặc biệt rõ nét ở hai chương đầu (Văn hóa học và văn hóa Việt Nam và Văn hóa nhận thức), mà trước tiên là ngay từ định nghĩa về văn hóa.

Khởi đi từ cách hiểu “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”, Trần Ngọc Thêm đi tới kết luận văn hóa gồm bốn đặc trưng (tính hệ thống, tính giá trị, tính lịch sử, tính nhân sinh) và ba chức năng cơ bản (tổ chức xã hội, điều chỉnh xã hội, giáo dục) (tr. 20 - 24). Ở đây không phải chỗ để vạch chữ tìm nghĩa, nhưng tính chủ động, tính nhân đạo hay chức năng nhận thức, chức năng định hướng, chức năng tái tạo thế giới... của văn hóa là những điều cần đề cập mà chưa được đề cập hay đề cập chưa đúng mức trong quyển sách cho thấy Trần Ngọc Thêm chưa thực sự nắm vững bản chất của văn hóa. Bởi vì văn hóa là một hệ thống giá trị, nhưng nhìn từ một góc độ khác, nó còn là một thế giới quan (worldview) thể hiện và phản ảnh sự lựa chọn của con người trong những điều kiện sống nhất định, sự lựa chọn này biến hệ thống các giá trị văn hóa thành hệ thống chuẩn mực xã hội trước hết trong các hành vi sáng tạo. Và ngay định nghĩa nói trên cũng chưa chính xác. Các giá trị văn hóa luôn luôn được tạo ra trong những điều kiện cụ thể và một cách có mục đích, nên văn hóa không chỉ bao gồm các giá trị được tạo ra mà còn cả những cách thức sáng tạo và sử dụng các giá trị ấy. Dĩ nhiên những cách thức này cũng là những giá trị do con người tạo ra, nhưng đó là một loại giá trị đặc biệt, mang ý nghĩa định tính và đóng vai trò thước đo về trình độ phát triển của mọi nền văn hóa. Vì nếu phương thức phát triển của hệ thống các giá trị được tạo ra chủ yếu là thay thế, phủ định lẫn nhau thì của hệ thống những cách thức sáng tạo và sử dụng này chủ yếu lại là kế thừa, bổ sung cho nhau, nên nó lưu trữ nhiều kinh nghiệm và trí tuệ hơn đồng thời cũng có khả năng dự báo và định hướng cao hơn. Nói theo ngôn từ của các nhà ngôn ngữ học thì đây chính là các yếu tố ngữ pháp và phong cách của một nền văn hóa, cũng vận động và thay đổi theo lịch sử nhưng luôn mang tính ổn định, thống nhất cao hơn hẳn so với các yếu tố từ vựng và ngữ âm. K. Marx từng có một kết luận cần nhắc lại về vấn đề này “Những cá nhân biểu hiện đời sống của mình như thế nào thì họ là như thế ấy, do đó họ là như thế nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất cũng như cách họ sản xuất” (K. Marx và F. Engels, Tuyển tập, tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 269). Cho nên với định nghĩa của Trần Ngọc Thêm, người ta sẽ không thấy được sự khác biệt văn hóa giữa hai cái ngạnh trên chiếc lưỡi câu thời tiền sử và thời hiện đại : trên phương diện là một giá trị được tạo ra thì cái ngạnh ấy đã được hoàn chỉnh hàng ngàn năm trước về mặt công cụ để đảm bảo chức năng giữ chặt con cá câu được của nó rồi, nên sự phát triển văn hóa ở đây chỉ nằm trên phương diện cách thức tạo ra, tức kỹ thuật chế tác công cụ ma thôi. Tương tự, hai ca sĩ tài năng đều có thể thành công khi trình bày cùng một bài hát nhưng chắc chắn họ sẽ đưa lại cho người nghe hai cảm xúc thẩm mỹ khác nhau : rõ ràng nhiều giá trị văn hóa đã được tạo ra ngay trong quá trình con người sử dụng - tiêu dùng các giá trị văn hóa. Tóm lại, định nghĩa nói trên chỉ mới đề cập tới cái lượng, cái hình chứ chưa giới thiệu được về cái chất, cái thần của văn hóa. Không lạ gì mà Trần Ngọc Thêm đã chạy theo số lượng khi nỗ lực giành quyền tác giả cho phương Nam, cho Bách Việt các giá trị loại Hà đồ, Lạc thư trên một đường hướng ít minh bạch và với những thao tác thiếu thẳng ngay kiểu nhập nhằng đánh đồng phương Nam với Việt Nam, Bách Việt với Lạc Việt. Ở đây cũng cần nhìn qua sự hiểu biết của tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam về những khái niệm loại âm dương, Ngũ hành, Bát quái..., vì giới thiệu chúng trong chương Văn hóa nhận thức, Trần Ngọc Thêm đã công nhiên gieo rắc nhiều kiến thức sai trái ngoài việc mặc nhiên coi chúng là uyên nguyên của truyền thống triết học và tư tưởng Việt Nam.

Trước hết, hãy nói tới những kiến giải về âm dương. Triển khai hai phạm trù nhận thức này vào việc tìm hiểu lịch sử văn hóa, trong nhiều chương sau, Trần Ngọc Thêm đã nhiều lần nhắc lại về hai hệ thống văn hóa - nền văn hóa du mục (và gốc du mục) trọng dương thiên động phương Bắc và nền văn hóa nông nghiệp trọng âm thiên tĩnh phương Nam. Lối phân loại và khái quát lịch sử văn hóa của nhân loại theo một mô hình đăng đối như thế chính xác tới mức nào thì tạm thời chưa bàn, chỉ cần nói ngay rằng Trần Ngọc Thêm đã sai lầm ngay từ những kiến giải về âm dương với việc lấy hình thức làm loại hình, đem khái niệm làm thuộc tính. Ví dụ ở đoạn về “Hai quy luật của triết lý âm dương”, Trần Ngọc Thêm viết “Quy luật về Bản chất của các thành tố : không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong dương có âm và trong âm có dương”, rồi nêu ra hai yêu cầu khi xác định tính chất âm dương của một đối tượng là phải “xác định đối tượng so sánh” và “xác định cơ sở so sánh” (tr. 82). Chỉ có một điều gần đúng, vì phải được đặt vào ít nhất là một quan hệ với ít nhất là một sự vật, hiện tượng khác cùng hệ thống thì một sự vật, hiện tượng mới có thể được coi là âm hay dương, chứ tự thân nó thì chẳng âm cũng chẳng dương gì cả, cũng như Thái cực vốn vô đối nên không phân âm dương vậy. Nhưng thao tác gần đúng ấy lại bị “sai hóa” trong hệ thống cấu trúc kiến thức về âm dương của Trần Ngọc Thêm mà trở thành một lối lập luận bị động, đối phó vì bị gắn với một quan niệm sai lạc gán cho tất cả các sự vật trên đời hai thuộc tính âm hay dương hoặc ít hoặc nhiều! Chính vì vậy mà quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam đầy rẫy những lập luận ngụy khoa học và kết luận phi lịch sử kiểu “... tên gọi các đối lập cơ bản, thiết yếu (cũng tức là xuất hiện trước nhất) đều tuân theo thứ tự âm trước, dương sau : âm dương, vợ chồng, chẵn lẻ, vuông tròn... (tên gọi các đối lập không cơ bản như cha mẹ, ông bà... xuất hiện muộn hơn, do vậy đã chịu ảnh hưởng gốc du mục trọng nam, trọng dương tính)” (tr. 91). Thật không sao tin nổi rằng tiếng Việt có từ “vợ chồng” trước khi có những từ như “bố cái”,”cha mẹ”, và thật không rõ vì sao tổ tiên ta lại nói “đực cái”, “trống mái” mà không nói ngược lại cho nó trọng âm, trong khi chắc chắn họ phải có ý niệm về đực cái trống mái trước khi có ý niệm vợ chồng mà cũng không cần gì chịu ảnh hưởng của văn hóa gốc nào. Hơn thế nữa, nếu triển khai lập luận và kết luận ấy thì có lẽ ngay cả các nhà ngôn ngữ học cũng đớ lưỡi không nói được các từ ghép loại sông núi - núi sông, trắng đen - đen trắng, ngày đêm – đêm ngày, gạo thóc - thóc gạo là được cấu tạo theo thứ tự trọng âm hay trọng dương ! Bởi vì âm dương là một cặp khái niệm biểu kiến trong tư duy triết học của người phương Đông cổ, nó phản ảnh và khái quát hóa một cách đơn giản nhưng hàm súc sự khác biệt mang tính thống nhất biện chứng giữa các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của thế giới chứ không phải là bản chất hay thuộc tính của các hiện tượng, lãnh vực và quá trình ấy... như lối nhận thức và suy diễn của Trần Ngọc Thêm.

Về Ngũ hành thì phức tạp hơn, nên Trần Ngọc Thêm càng hiểu ít hơn. Quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam giảng giải về Ngũ hành sinh khắc theo kiểu trực quan giống hệt các sách Tử vi nhập môn, nhưng tác giả chưa hiểu được sự tinh tế của cổ nhân khi đặt ra các quan hệ ấy nên mới giải thích Mộc khắc Thổ như “cây hút chất màu của đất” (tr. 104). Nói như vậy thì là Thổ chứ đâu phải Thủy sinh Mộc? Quan hệ tương sinh tương khắc ở đây cũng là những phạm trù biểu kiến trong tư duy triết học của người Trung Hoa cổ, chúng phản ảnh sự mâu thuẫn có tính hiện tượng, bề mặt và sự thống nhất có tính bản chất, bên trong của giới tự nhiên. Nếu Trần Ngọc Thêm thực sự có một “cách tiếp cận hệ thống” thấu đáo và nhất quán thì sẽ thấy ngay rằng các quan hệ tương khắc là các quá trình cơ lý không đưa tới những biến đổi về chất (đất ngăn nước, nước dập lửa, lửa nung sắt, sắt chặt cây, rễ cây phá đất), còn các quan hệ tương sinh mới là các quá trình hóa sinh đưa tới những biến đổi về chất của Ngũ hành. Bên cạnh đó, để phản ảnh chi tiết hơn về giới tự nhiên, các quan hệ sinh khắc còn được chia ra làm hai dạng xuất nhập, chẳng hạn Kim khắc Mộc là Kim khắc xuất còn Mộc bị khắc nhập, Kim sinh Thủy là Kim sinh xuất còn Thủy được sinh nhập..., ngoài ra còn phải kể tới các quan hệ trùng hành kiểu “Lưỡng Hỏa Hỏa diệt, lưỡng Kim Kim khuyết, lưỡng Mộc Mộc chiết” mà có lẽ Trần Ngọc Thêm chưa biết. Nếu nhìn trên một diễn tiến tương sinh khởi từ Thổ (Thổ là mẹ muôn vật, Thủy là nguồn muôn vật, không có Thổ không sinh, không có Thủy không trưởng...) thì quá trình vận động của Ngũ hành là Thổ => Kim => Thủy => Mộc => Hỏa => Thổ... Tuy nhiên, Thổ sinh Kim nhưng khắc Thủy tức là khắc cái mà Kim sinh, Kim sinh Thủy nhưng khắc Mộc tức là khắc cái mà Thủy sinh...: rõ ràng người xưa đã thấy sự chuyển hóa giữa hai mặt thống nhất và đối lập trong quá trình vận động, phát triển của thế giới. Nhưng mô hình Ngũ hành còn thiếu sót trong việc phản ảnh một thế giới thống nhất, hoàn chỉnh, đa dạng và tự vận động. Thứ nhất, nó bao gồm năm yếu tố đẳng lập nên phải được thể hiện bằng một hệ thống không gian, không thể “nhất ngôn dĩ quán chi” nên lại tạo ra ý niệm về một thế giới bị chia cắt thành năm phần trong nhận thức, mặt khác thế giới ấy có điểm không nhất quán : hành Thổ về phương vị thì có vai trò định vị, thống thuộc các hành còn lại vì đứng ở trung ương còn trong quan hệ cả tương sinh lẫn tương khắc thì lại ngang hàng với bốn hành kia vì phải nằm trên một chuỗi năm điểm liên tục để đảm bảo tính liên tục trong sự vận động của thế giới. Thứ hai, sơ đồ tương sinh không ghi nhận được một cách đồng thời các quan hệ tương khắc (Thổ => Thủy => Hỏa => Kim => Mộc => Thổ...), bằng chứng là ngay cả Trần Ngọc Thêm với “phương pháp hệ thống - cấu trúc” được vài giáo sư khen nức nở mà cũng phải vẽ thành hai bảng riêng rời với sự bố trí Ngũ hành khác hẳn nhau chứ không hệ thống hóa và đồng hiện được trong một cấu trúc chung nhất (tr. 104), tình hình này không ăn khớp với quy luật trong khắc có sinh trong sinh có khắc nói theo triết lý âm dương. Thứ ba, các sơ đồ ấy không phản ảnh được đầy đủ thực tế, chẳng hạn Thủy khắc Hỏa nhưng gặp lúc “nước gáo lửa xe” thì kẻ bị cháy nhà chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người, hay Thổ khắc Thủy nhưng vẫn có chuyện “Đê dài sắp vỡ, một vốc đất khó nỗi duy trì” nói như Nguyễn Trãi, mặt khác nhìn lên hai sơ đồ sinh khắc thì chỉ thấy Thổ là Thổ hay Thủy là Thủy, không có các dạng đan xen, phối hợp giữa năm hành kiểu “Thổ đới Thủy, Hỏa đới Kim” như giới Tử vi về sau tạo ra, tóm lại không làm rõ được sự khác biệt giữa lượng và chất, giữa nguyên lý và thực tế... Thứ tư, các quan hệ sinh khắc nói trên không thể hiện rõ sự vận động nội tại của sự vật, những thay đổi, chuyển biến mà đặc biệt là ở các quan hệ tương khắc chỉ được mô tả như các vận động có động lực bên ngoài. Chính các thiếu sót ấy đã hạn chế khả năng ứng dụng của thuyết Ngũ hành trong đời sống xã hội, trong việc tổng kết, lý giải và dự báo về hiện thực xã hội, và người xưa đã tìm tới Bát quái.

Tới Bát quái thì phải thẳng thắn để nói rằng Trần Ngọc Thêm không biết gì cả nhưng lại viết khá nhiều và đặc biệt là như rất biết, đây dường như cũng là biệt tài của một số học giả đời nay... Truyền thuyết từ Bát quái Tiên thiên tới Bát quái Hậu thiên thật ra phản ảnh quá trình hình thành rồi định hình của Bát quái, chứ hoàn toàn không phải vì thay đổi mục đích sử dụng như Trần Ngọc Thêm viết (hay chép đâu đó) rằng với sự điều chỉnh để làm chính trị của Chu Văn vương, hệ thống Bát quái Tiên thiên phản ánh các hiện tượng tự nhiên đã trở thành mô hình Bát quái Hậu thiên phản ánh các hiện tượng xã hội (tr. 111 - 113). Từ khi hình thành, Bát quái luôn luôn hướng tới mục đích tìm hiểu hiện thực khách quan trong đó chủ yếu là đời sống xã hội. “Quái giả quải dã. Huyền quải vật tượng dĩ thị ư nhân, cố vị chi quái” (Quái (quẻ) là quải (treo). “Treo” các hiện tượng thiên nhiên lên để tỏ việc cho người, nên gọi là quái). Các tượng quẻ như Trời Đất Lửa Nước... là một cách nói hình tượng (về cả ngôn ngữ lẫn chữ viết thì Càn Khôn Ly Khảm đều không phải là Thiên Địa Hỏa Thủy), các danh hiệu Chấn Trưởng nam, Đoài Thiếu nữ... cũng chỉ là một cách nói hình tượng để dễ ghi nhớ thứ tự theo âm dương của sáu quẻ Chấn Khảm Cấn Tốn Ly Đoài, còn phương vị của Bát quái trong không gian cũng tương tự như Ngũ hành, đều là các quy ước mang tính biểu trưng. Nhưng điều quan trọng nhất mà Trần Ngọc Thêm không biết về Bát quái là nó không mô tả một thế giới năm thành phần như Ngũ hành. Nó coi thế giới là nhất nguyên nhất thể (Thái cực), các khác biệt của thế giới là do sự vận động nội tại tạo ra (Thái cực sinh Lưỡng nghi), và bản thân các khác biệt ấy cũng hàm chứa sự vận động nội tại phủ định chính chúng (Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tức trong Thái âm có Thiếu dương, trong Thái dương có Thiếu âm)..., còn nó là các hiện thực khác nhau trong quá trình vận động nói trên. Sơ đồ Bát quái nhờ vậy đã giản lược được yếu tố không gian, nên Bát quái chỉ còn phải phản ảnh thế giới trong sự vận động của nó trên trục thời gian, hay nói gọn hơn, mỗi quẻ trong Bát quái là một thời điểm của hiện thực. Do không biết điều sơ đẳng này, Trần Ngọc Thêm đã trượt dài trên con đường sai lạc tới bảng so sánh Ngũ hành và Bát quái về lối tư duy với các cứ liệu (nhờ suy diễn mà có) là mỗi hành trong Ngũ hành “có nhiều nghĩa, vừa cụ thể vừa trừu tượng, có quan hệ tương sinh tương khắc, bao quát được cả trung tâm”, còn mỗi quẻ trong Bát quái “chỉ có một nghĩa, luôn rất cụ thể, không có quan hệ gì với quẻ khác, bỏ trống trung ương” (tr. 115). Nhưng không thể so sánh Ngũ hành với Bát quái kiểu ấy, vì nó cũng giống như nói “Anh ấy bị thương hai lần, lần ở chân nặng hơn lần ở Trường Sơn” vậy. Ngũ hành trước hết là các yếu tố tự nhiên, được khái quát hóa thành hệ thống khái niệm phản ảnh nhận thức của con người về các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của giới tự nhiên, còn Bát quái là các khái niệm nhân tạo, được vận dụng như hệ thống phương tiện để nhận thức về các quá trình của thế giới, đặc biệt là của hiện thực xã hội. Cần nói thêm rằng phải hiểu một quẻ (cả đơn quái lẫn trùng quái) là một thời điểm biểu kiến của hiện thực thì mới đúng tinh thần “Dịch giả dịch dã” (Dịch là biến đổi) của kinh Dịch. Chính vì nhìn nhận Bát quái trên một sơ đồ không gian như Ngũ hành nên Trần Ngọc Thêm mới nói liều rằng mỗi quẻ trong Bát quái không có liên hệ gì với quẻ khác và Bát quái bỏ trống trung ương. Hệ thống các quẻ trong Bát quái liên hệ với nhau rất chặt chẽ, chẳng hạn mỗi quẻ (đơn quái) đều có thể biến thành bảy quẻ kia nếu đổi các hào dương thành hào âm và ngược lại, còn cái trung ương mà Trần Ngọc Thêm cho là thiếu ấy thì thật không ai chỉ ra được cho thời gian. Nếu nói cho thật đúng với kinh Dịch thì trung ương của Bát quái chính là cái không gian biểu kiến tức phần thể là đồ hình Thái cực Lưỡng nghi Tứ tượng, chứ Bát quái chỉ là phần dụng của cái thể Thái cực ấy mà thôi... Cũng có thể đọc thấy một vài đoạn viết liều lĩnh tương tự về Tứ đại (đất nước lửa gió), tóm lại về triết học cổ phương Đông thì sự hiểu biết của Trần Ngọc Thêm hiện tại may ra chỉ đủ để nghe giảng mà biết chứ chưa đủ để tự học mà hiểu, vậy lấy gì mà dạy cho các sinh viên bất hạnh phải học âm dương Ngũ hành Bát quái qua quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam?

Sau chương Văn hóa nhận thức, quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam còn có một số chương mang tên Văn hóa tổ chức cộng đồng..., Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, tóm lại tác giả chia văn hóa làm bốn phân hệ là Nhận thức, Tổ chức cộng đồng, Ứng xử với tự nhiên, Ứng xử với xã hội, trong đó những vấn đề như Phật giáo được xếp vào phân hệ Ứng xử với xã hội còn những vấn đề như Tín ngưỡng được xếp vào phân hệ Tổ chức cộng đồng. Thật là một cấu trúc có thể làm đảo lộn quan niệm của những người tìm hiểu văn hóa trong nhiều năm, có điều không thấy tác giả nêu ra căn cứ nào để lý giải về cách phân loại văn hóa không giống ai ấy. Con người không còn là con vật từ khi họ biết sản xuất, nghĩa là có ý thức sáng tạo ra những giá trị vốn không có trong tự nhiên. Và nếu lấy sự phân công lao động làm tiêu chuẩn phân loại thì có thể chia các hoạt động xã hội của con người ra làm năm kiểu (lãnh vực) cơ bản là sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần, quản lý, giao tiếp và tái sản xuất sinh học - xã hội. Sự nghiên cứu, phân loại văn hóa không thể tách rời năm lãnh vực hoạt động cơ bản này. Nhưng khởi đi từ một kiến thức thiếu sót về văn hóa học, Trần Ngọc Thêm lại đi tới một tiêu chuẩn phân loại độc đáo kiểu như xếp Phong tục vào phân hệ Tổ chức cộng đồng (Đời sống cá nhân) và xếp Nho giáo vào phân hệ Ứng xử với xã hội! Nhưng Nho giáo đâu phải chỉ là một cách ứng xử? Hệ thống học thuật - lý luận (Nho học) bao gồm vũ trụ quan, lịch sử quan của nó là một giá trị tinh thần to lớn, và hệ thống chuẩn mực xã hội - tam cương ngũ thường của nó đã thực sự là yếu tố cơ bản trong hoạt động quản lý xã hội của các quốc gia Nho giáo suốt nhiều trăm năm. Và cũng dễ thấy là Trần Ngọc Thêm không biết gì về Nho giáo từ nội dung học thuật tới lịch sử phát triển nên đã áp đặt cho nó những yếu tố “nông nghiệp phương Nam” theo một lối suy diễn rất kỳ lạ. Chẳng hạn câu Khổng tử trả lời Tử Lộ trong Trung dung theo đó ông chia sự mạnh mẽ ra “Nam phương chi cường” và “Bắc phương chi cường” rồi khẳng định người quân tử theo “Nam phương chi cường” thì Trần Ngọc Thêm hiểu đó là “cái mạnh của phương Nam” và “cái mạnh của phương Bắc” (tr. 349) rồi kết luận là Khổng tử đề cao văn hóa phương Nam! Nam phương, Bắc phương đây tức Nam diện (quay mặt về Nam, chỉ kẻ trên) và Bắc diện (quay mặt về Bắc, chỉ kẻ dưới), và hai khái niệm nói trên phải được hiểu là “Cái mạnh của người trên” và “Cái mạnh của người dưới” mới đúng với học thuyết của Khổng tử vốn chia con người làm hai loại là người trên – người dưới, quân tử - tiểu nhân, kẻ lao tâm - kẻ lao lực... Cái học về văn hóa của Trần Ngọc Thêm đại để chắp vá như thế, nên cứ khai thác một vài khía cạnh hình thức để tách sự vật ra khỏi hệ thống có thật của nó rồi ấn vào hệ thống của mình. Và hệ thống về văn hóa của Trần Ngọc Thêm ra sao?

Nét độc đáo trong lập luận của Trần Ngọc Thêm là căn cứ vào triết lý âm dương mà chia văn hóa thành hai hệ thống du mục (và gốc du mục) trọng dương thiên động phương Bắc và nông nghiệp trọng âm thiên tĩnh phương Nam. Từ góc độ thao tác luận mà nhìn thì hệ thống ấy quả rất nhất quán và chặt chẽ, có điều nó chỉ phản ảnh kiến thức về văn hóa của tác giả chứ không phải về hiện thực văn hóa của loài người. Thứ nhất, nếu triển khai lập luận Bắc là du mục, Nam là nông nghiệp ấy thì văn hóa Việt Nam trước thế kỷ XVII sẽ mang tính du mục cao hơn văn hóa Campuchia, nhưng chính người Việt Nam chứ không phải người Campuchia đã khai phá thành công đồng bằng Nam Bộ, hay vào thế kỷ XVII - XVIII văn hóa Việt Nam ở Đàng Trong sẽ mang tính nông nghiệp cao hơn ở Đàng Ngoài..., mà mọi người đều biết vào thời gian này đời sống văn hóa - xã hội Đàng Trong lại chịu ảnh hưởng kinh tế hàng hóa tiền tư bản nhiều hơn ở Đàng Ngoài chứ không phải mang nhiều yếu tố nông nghiệp “trọng âm thiên tĩnh” hơn. Thứ hai, với việc lấy hình thức làm loại hình mà coi hoạt động chăn nuôi kiểu du mục không thuộc phạm trù sản xuất nông nghiệp như Trần Ngọc Thêm thì nông nghiệp chỉ còn là trồng trọt đồng thời phải kể thêm vài loại văn hóa khác như “văn hóa du nông” của nhiều tộc người du canh du cư ở miền núi hay “văn hóa đánh bắt” của các cư dân hải đảo... Thứ ba, chia văn hóa làm hai hệ thống có nguồn gốc Bắc - Nam, Trần Ngọc Thêm vô hình trung còn sa vào một loại quyết định luận địa lý về văn hóa, vì nhìn từ khía cạnh phương pháp nghiên cứu thì hệ thống hai nền văn hóa trọng âm - trọng dương ấy là một kết luận đã có trước khi chứng minh, không xuất phát từ thực tế văn hóa sử. Thứ tư, hệ thống của Trần Ngọc Thêm không những không lý giải được sự phát triển văn hóa trong những hoàn cảnh khác nhau về kinh tế, xã hội, khoa học, chính trị... mà còn không làm rõ được cả sự tiến triển văn hóa nói chung, vì với những dương biến thành âm, âm biến thành dương kia thì văn hóa sử chỉ còn là một vòng tròn không lối thoát chứ đừng nói tới việc bước qua kỷ nguyên Tin học... Tất cả những điều nói trên khiến Cơ sở văn hóa Việt Nam trở thành một công trình không có giá trị thực tiễn cũng như khoa học : mặc dù thừa hưởng và sử dụng kết quả đúng đắn và phát hiện quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều ngành khoa học, nó cũng vẫn không tổng kết được, không lý giải đúng và dĩ nhiên càng không thể dự báo về văn hóa Việt Nam.

***
Để chỉ ra đầy đủ và lý giải rốt ráo những sai lầm trong quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam thì còn phải tốn thêm rất nhiều giấy mực, đây là chưa nói tới việc vì tiết kiệm thời giờ của người đọc mà bài viết này không đề cập tới những chứng cứ đáng buồn về sự liêm khiết trí thức của Trần Ngọc Thêm... Nhưng những điều đó nếu có cần thiết cũng không quan trọng. Điều quan trọng nhất là phải xử sự với quyển sách một cách xứng đáng. Nó phải được đưa ra khỏi hệ thống các giáo trình văn hóa học hiện hành trong các trường Đại học càng sớm càng tốt. Còn về trách nhiệm để cho một thứ khoa học phẩm nhiều sai lầm mà ít kiến thức như vậy được công nhiên lưu hành đến nay trong các trường Đại học thì xin nhường lời cho giới chức hữu quan.

Cao Tự Thanh
Tháng 7. 1996"
ngồn: bacbaphi.com.vn/entertainment/showthread.php?t=120741
RANDOM_AVATAR
hoc that
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 2 31/01/11 14:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi CuaKenh » Thứ 2 31/01/11 22:28

hoc that đã viết:Hôm nay đọc lại bài viết của Cao Tự Thanh phê bình cuốn Cơ sở Văn Hóa Việt Nam của GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm, tuy không hoàn toàn đồng ý với Cao Tự Thanh về cách phê bình có phần khinh miệt nhưng tôi thấy có nhiều điều cần suy nghĩ về cách lập luận của tác giả bài viết.


Chắc ban hoc that ít theo dõi hoặc bây giờ mới bắt đầu đọc về mảng này nên không biết rằng bài phê bình của Cao Tự Thanh đã quá cũ rồi. Về bài này cùng một số nhận xét, trao đổi của các nhà phê bình khác
và các bạn đọc, GS. Trần Ngọc Thêm đã trả lời ở phần phụ lục I "Đối thoại cùng bạn đọc" trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam lần xuất bản thứ 3 năm 2001 (tr. 598-616). Về nội dung của tất cả những điều này, các HVCH, NCS và nhiều SV Văn hóa học đều đã biết rõ, vì chính GS. Thêm thường phân tích khá kỹ trong các bài giảng của mình.

Trên diễn đàn http://www.e-thuvien.com/forums/showthread.php?t=3440, cũng có người đã đưa lại bài của Cao Tự Thanh và tại đó, từ năm 2007, GS. Thêm cũng đã tham gia trả lời thắc mắc của các bạn đọc e-thuvien.com http://www.e-thuvien.com/forums/showpos ... stcount=16.

Trần Ngọc Thêm 06-07-2007, 01:19 AM đã viết:Xin chào các bạn,

Xin tự giới thiệu: tôi là Trần Ngọc Thêm, người đang được các bạn nhắc tới ở đây. Hôm nay tình cờ tôi vào Diễn đàn này. Và tôi rất lấy làm thú vị khi được đọc về mình ở đây.

Vì sự kính trọng với cách đặt vấn đề rất khách quan và khoa học của điều hành viên, người khởi xướng chủ đề này là anh tovanhung, tôi sẽ lần lượt giải đáp những vấn đề khoa học và cả phi khoa học đã nêu ra ở đây.

Cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam của tôi ra mắt chính thức lần đầu tiên năm 1995. Đúng là ý́ kiến thảo luận rất nhiều, khen, chê đều có cả. Chê (tôi ghi theo trí nhớ, theo thứ tự xuất hiện thì có đầu tiên là bài của Nguyễn Văn Dương (tạp chí Văn nghệ tp. HCM), rồi đến bài của Trần Mạnh Hảo (trên báo Văn nghệ).

Bài của Trần Mạnh Hảo viết lời lẽ rất nặng nề, nhiều chỗ có tính thoá mạ (ai đã biết TMH thì không có gì lạ, vì phong cách của nhà văn này là như thế). Mà báo Văn nghệ lúc bấy giờ rất thiếu khách quan. Tôi gửi bài trả lời đến thì họ lờ đi không đăng. Thông qua những kênh thông tin không chính thức tôi được biết rằng vì họ đã trót đăng bài của Trần Mạnh Hảo là "chiến hữu" của họ rồi nên đành phải vừa chửi vừa bịt mồm nạn nhân.

Sau có một nhà báo thấy vậy đã đăng một bài dài phỏng vấn tôi trên báo Văn nghệ nhan đề “Gặp gỡ tác giả Cơ sở văn hoá Việt Nam”. Bài phỏng vấn này giải toả được nhiều điều mà TMH đã nêu ra.

Báo Văn nghệ đăng tiếp bài của Cao Tự Thanh. Và lại một lần nữa bài trả lời của tôi gửi đến báo Văn Nghệ tiếp tục rơi vào im lặng. Nghiên cứu văn hoá và thể nghiệm sự nghiên cứu này, tôi hiểu rất rõ rằng lối làm việc cảm tính, thiếu tinh thần khoa học là một đặc trưng phổ biến của cư dân nông nghiệp lúa nước. Nhưng đến mức điều đó gặp ở khắp nơi, từ người thất học đến người có học, từ người viết bài đến người có trách nhiệm đăng bài thì đáng buồn biết bao, và ta sẽ hiểu rõ vì sao VN chậm tiến.

Sau bài của Cao Tự Thanh, tôi có biết đến 2 bài nữa thiên về "chê" sách của mình. Bạn doom (21-09-2006) khẳng định rằng người chê thì "đông như quân nguyên" liệu có cảm tính quá đáng hay không? Nếu thực như vậy xin bạn vui lòng cho tôi danh sách các bài này để tôi tìm đọc và học tập.

Để khỏi mất thì giờ chạy theo trả lời từng bài, trong lần tái bản thứ 3 cuốn “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam” (năm 2001), tôi đã tập hợp các ý kiến phản bác của Nguyễn Văn Dương, Trần Mạnh Hảo, Cao Tự Thanh cùng một sô người khác và hệ thống hoá chúng lại để trả lời trong phần phụ lục của sách này. Những ý kiến trả lời đó đã đăng trên mạng http://www.vanhoahoc.edu.vn, thành 4 bài như sau:

1- Trần Ngọc Thêm. Đối thoại cùng bạn đọc: về khái niệm “văn hóa” và cấu trúc văn hóa

2- Trần Ngọc Thêm. Đối thoại cùng bạn đọc: về hai loại hình văn hóa

3- Trần Ngọc Thêm. Đối thoại cùng bạn đọc: về quan hệ văn hóa phương Bắc và phương Nam

4- Trần Ngọc Thêm. Đối thoại cùng bạn đọc: về vấn đề âm dương ngũ hành

Những vấn đề Cao Tự Thanh đặt ra trong bài post ở trên đều có lời giải đáp trong 4 bài trên. Các bạn nào quan tâm, xin mời ghé đọc.
http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?o ... Itemid=103

Bạn flyingmagician (bài post 09-08-2006, 10:55 AM) có viết “nhớ mang máng là ông Thêm này xào xáo từ cuốn Việt nho cũng nhiều”. Xin trả lời: Thứ nhất là không có cuốn nào tên là “Việt nho” hết. Chỉ có một chủ thuyết như vậy của Lương Kim Định được trình bày trong nhiều sách khác nhau. Thứ hai, bất kỳ ai viết sách đều có trách nhiệm tham khảo các tác giả đi trước. Tôi tham khảo chỗ nào của ai thì dù là dẫn ý hay dẫn lời đều có chú xuất xứ đàng hoàng. Sau khi đọc sách của tôi, có rất nhiều bạn đọc (nay đều đã lớn tuổi) từng là học trò của GS. Lương Kim Định, đã liên hệ với tôi, ủng hộ tôi, nhưng̀ CHƯA CÓ MỘT AI kiện cáo tôi về chuyện tôi đạo văn thầy của họ. Xin hãy có trách nhiệm hơn với mỗi lời mình nói ra, cái gì biết rõ thì nói, cái gì không biết rõ thì hỏi chứ đừng nên nói "mang máng" như vậy. Lại càng không nên khẳng định võ đoán và vô trách nhiệm như bạn doom (21-09-2006).

Bạn chocopie (21-08-2006, 08:23 PM) nhận rằng “năm 1999 mình là sinh viên của ông Thêm” và bạn đã viết: “Cuốn của Trần Ngọc Thêm vẫn còn là giáo trình của một số trường Đại Học, đáng buồn thay nó vẫn võ đoán như vậy, không có gì thay đổi”. Mỗi năm số người đã nghe tôi giảng (cả SV và các hệ khác) trung bình khoảng gần 1.000 người. Trong đó, khoảng 1/4 là những người thông minh, 1/4 là những người yếu kém, số còn lại thuộc diện trung bình (trung bình khá và trung bình kém). Cho dù chocopie thuộc loại nào trong số đó và thái độ của bạn ra sao thì tôi cũng luôn rất vui mỗi khi gặp lại học trò cũ của mình.

“Ngày trước ông Thêm tự hào về cuốn này lắm, lúc đó mình chưa đủ hiểu biết để phản biện lại những gì viết trong cuốn sách đó, bây giờ đọc bài của các bạn mình mới hiểu ra được nhiều điều” (chocopie, 21-08-2006, 08:23 PM).

Nói “tự hào” về cuốn CSVHVN thì hơi võ đoán quá. Nếu đáng tự hào thì tôi tự hào với “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam” là một cuốn chuyên luận (dành cho người nghiên cứu – còn CSVHVN là giáo trình dành cho SV). TVBSVHVN dày gần 700 trang khổ lớn, đầy đủ và chi tiết hơn cuốn CSVHVN, cho đến nay đã tái bản 5 lần (1996, 1997, 2001, 2004, 2006), đã được dịch ra tiếng Pháp (cũng đã xuât bản 2 lần - 2001, 2006). Bản dịch tiếng Anh sắp ra mắt. Bản dịch tiếng Đức đang thực hiện. Đã có lời đặt hàng xin dịch ra tiếng Ý và tiếng Nhật. Tôi không chủ quan nhưng phải công bằng mà nói rằng những nhà khoa học, những người xuất bản... trong nước và nước ngoài chắc không đến nỗi gà mờ để in đi in lại và dịch thuật một tác phẩm không có giá trị. Những người đọc trẻ và lớn tuổi, trong nước và nước ngoài, tuy không có đều kiện nghe tôi trình bày trực tiếp như chocopie nhưng chắc họ cũng không đến nỗi gà mờ để phí tiền mua một ấn phẩm không có giá trị. Điều đó có nghĩa là các cuốn sách của tôi, tuy lúc đầu có ý kiến thế này thế kia, nhưng cuối cùng ý kiến khẳng định đã thắng. Trong kết quả đó, có phần đóng góp của những người đã ra sức phủ định – những phê phán của họ, tuy về lý luận chung thì sai, nhưng họ đã phát hiện ra một số chi tiết tôi nêu chưa chính xác, một số chỗ nói chưa rõ ý, giúp tôi sửa lại cho hoàn chỉnh hơn. Ấy là chưa kể, việc chê bai thái quá thường đem lại một kết quả trái ngược, trở thành một lời quảng cáo hiệu nghiệm không kém gì khen.

Điều tôi vừa nói cũng chính là câu trả lời cho băn khoăn “đáng buồn thay nó vẫn võ đoán như vậy, không có gì thay đổi” của chocopie. Cuộc đời không dài để cứ lấn bấn về một công trình đã xong, nhưng cái chính là tôi chưa bao giờ phải quay lưng lại với những đứa con tinh thần của mình. Bây giờ nhìn lại tôi thấy tổng thể hệ thống quan niệm của mình không hề sai, nhiều điều thậm chí đã được giới khoa học chứng minh đầy đủ hơn. Bản thân tôi vẫn giữ nguyên hệ quan điểm đó và đang phát triển trong những công trình sắp ra mắt. Bạn đọc có thể thấy phần nào sự phát triển ấy qua nhiều bài có trênhttp://www.vanhoahoc.edu.vn.

Tôi luôn mong nhận được những ý kiến tranh luận, phản bác. Các bạn có thể trao đổi với tôi trên diễn đàn này hay diễn đàn của website http://www.vanhoahoc.edu.vn (nếu trao đổi trên các diễn đàn khác thì vui lòng báo giùm cho tôi theo địa chỉ ngocthem@gmail.com). Chỉ cần người phản bác có thiện tâm, vì mục đích khoa học trong sáng, tôi sẵn sàng – như người xưa hay nói – “rửa tai để lắng nghe”. Nếu do hiểu lầm mà phản bác, tôi sẽ trao đổi lại. Nếu phản bác đúng, tôi sẵn sàng tiếp thu với lòng biết ơn.

Theo tôi, dù là người chưa quen biết hay học trò cũ, dù là bè bạn hay kẻ thù, thì khi đã lên Diễn đàn, tức là ra công luận, đừng nên xem đây như một nơi vắng mặt khổ chủ để mà “nói cho sướng miệng” “sau lưng”. Hãy nên có trách nhiệm hơn với người khác và với chính lương tâm của mình. Nếu đã từng là học trò thì trách nhiệm đó có lẽ lại càng nặng nề hơn gấp bội.


Nếu bạn hoc that và các bạn đọc khác có những thắc mắc, ý kiến nhận xét, tranh luận khoa học mới thì tôi tin rằng trên "sân nhà" là Diễn đàn VHH này chắc chắn GS. Thêm sẽ vui lòng dành thời gian trao đổi với bạn đọc.
RANDOM_AVATAR
CuaKenh
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 4 04/02/09 13:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi binhan » Thứ 3 08/02/11 23:07

Đọc topic này, tôi chợt nhớ là vào năm 2007, từng có một thành viên với nick “nguoicam” đã tạo ra topic lấy tên là “Một số địa chỉ websites hay
viewtopic.php?f=46&t=172
để giới thiệu bài “Đọc Cơ sở văn hóa Việt Nam" của Cao Tự Thanh cùng 2 bài khác liên quan đến sách của GS. Trần Ngọc Thêm.

Tại topic ấy, đã có những ý kiến tham gia trao đổi rất thẳng thắn. Thiết nghĩ bạn hoc that và những ai thực sự muốn học thật thì cũng nên theo tác phong học thuật mà TÌM HIỂU “lịch sử vấn đề” trước đã.

Tiện đây xin nói thêm rằng những thành viên lâu năm của Diễn đàn văn hoá học cũng như các học trò của GS. Thêm đều biết là cũng trên Diễn đàn này có một topic do Khoa mở đã lâu nhan đề “GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊMviewtopic.php?f=46&t=92
mà ở đó thầy sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và tham gia tranh luận mọi vấn đề học thuật với bạn đọc. Nếu bạn nào muốn tranh luận hoặc đơn giản là có thắc mắc, câu hỏi gì thì cứ đưa thẳng lên đó như rất nhiều người khác đã từng làm và hình như chưa có ai nói rằng họ không hài lòng với câu trả lời.

Điểm nổi bật của topic này là các câu hỏi và các câu trả lời đều rất thẳng thắn và do vậy rất hữu ích đối với những người yêu văn hoá và văn hoá học (và phần nào cả ngôn ngữ và ngôn ngữ học nữa!).

Thầy luôn nhắc nhở học trò rằng thẳng thắn là phẩm chất đầu tiên cần có của người làm khoa học và người học làm khoa học.
RANDOM_AVATAR
binhan
 
Bài viết: 45
Ngày tham gia: Thứ 7 26/05/07 19:58
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Lại nói về cuốn Cơ sở văn hóa VN của GS Trần Ngọc Thêm

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Chủ nhật 20/02/11 0:00

sau khi tham dự tọa đàm về cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (mạn phép viết tắt CSVHVN) của GS. Trần Ngọc Thêm (GS.TNT) ngày 18/12 do khoa Nhân học tổ chức mà người trao đổi chính là GS Phan Hữu Dật, tôi đã định post lên diễn đàn này những gì tôi theo dõi được xem để bạn đọc có thêm tư liệu nhưng một phần do lu bu vả lại những gì mình ghi chép được cũng chưa lấy làm hài lòng vì chưa đầy đủ nên tôi chưa post lên. nay nhân tiện các bạn "năm mới nói chuyện cũ" nghĩ lại...thôi thì post lên những gì mình theo dõi được để có thêm một phần kiến thức tham khảo, mặt khác cũng mong người đọc, nhất là những ai có mặt trong buổi tọa đàm có thể góp thêm thông tin cho đầy đủ. (xin lưu ý rằng sau đây là những gì người viết thu nhận được chứ không phải tường thuật nội dung buổi tọa đàm cho nên không tránh khỏi thiếu sót)
khi trao đổi với GS.TNT về cuốn CSVHVN của GS.TNT và tác giả, GS. Phan Hữu Dật có nói đến 04 điểm (người viết cho rằng GS. Dật cho là điểm ưu) và 11 điểm cần trao đổi thêm (GS. Dật lưu ý là ông thích dùng chữ "trao đổi" chứ không phải "phản biện"
04 điểm ưu (chủ yếu về tác giả) của cuốn giáo trình làm được 1 điều mà hiếm giáo trình có được: trong 8 năm tái bản đến 7 lần này như sau:
01. Qua cuốn sách có thể thấy tác giả (GS. TNT) có tinh thần dân tộc cao, có sự tự hào lớn về con người, xã hội, văn hóa Việt Nam.
02. cuốn sách được viết công phu, nghiêm túc chứng tỏ một sức đọc mạnh mẽ của tác giả, thư mục viết rất tốt có thể xem như một thư viện (về mục đề sách- nv) cho những ai muốn nghiên cứu văn hóa Việt Nam
03. phương pháp làm việc của tác giả nghiêm túc, khoa học, có nhiều vấn đề có sức thuyết phục lớn (GS Dật không nêu ví dụ)
04. tác giả có hoài bão, khát vọng sáng tạo lớn, năng lực sáng tạo cao, hứa hẹn một hành trang khoa học tốt.
cuốn sách không những có ích cho những sinh viên mà cho cả giới làm khoa học làm văn hóa.
bên cạnh những điểm đồng tình trên, GS Dật muốn "trao đổi" với GS Thêm về 11 vấn đề (11 vấn đề này xoay quanh nội dung cuốn CSVHVN) như sau:
01/11: về tên gọi "Cơ sở văn hóa Việt Nam" hay "Cơ sở văn hóa người Việt"?
theo GS Dật thì Việt Nam ngày từ đầu là một quốc gia đa dân tộc, nay tính đa dân tộc đó vẫn bảo toàn. nhưng trong cuốn sách của GS Thêm chỉ đề cập chủ yếu là dân tộc Việt; thừa nhận rằng gốc của kinh tế, văn hóa Việt là nông nghiệp trồng trọt (mà trồng lúa nước) là chủ yếu; tuy vậy trong sách GS Thêm không thấy có dấu hiệu của nền kinh tế chiếm đoạt (săn bắn, hái lượm- nv) như người Rục, người La Hủ,...
như vậy, muốn giữ tên Cơ sở văn hóa Việt Nam thì phải đề cập thêm văn hóa của các dân tộc khác.
02/11: xác định khái niệm văn hóa và bố cục cuốn sách văn hóa là sự ứng xử để nói lên ứng xử khác nhau thì văn hóa khác nhau là không được thanh thoát lắm. ví dụ như ở chương 3(thực ra là chương 4): văn hóa tổ chức đời sống cá nhân bao gồm: tín ngưỡng, phong tục,...
theo GS Dật nếu tổ chức theo ứng xử như vậy thì văn hóa tổ chức cá nhân phải bao gồm: ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng và ứng xử với cái "tôi" của mình.
03/11: vấn đề về định vị văn hóa
đồng ý với quan điểm cho rằng: Việt Nam gốc nông nghiệp. nhưng không đồng ý ở chỗ tác giả chia làm 2 phương: phương Đông nông nghiệp và phương Tây du mục. GS Dật bổ sung thêm về việc VN không là nơi xảy ra đầy đủ các lần xảy ra phân công lao động.
04/11: về tiến trình văn hóa Việt Nam
theo GS Dật thì GS Thêm đã đi quá xa trong việc nói về tiến trình văn hóa VN: đi từ khi xuất hiện loài người vượn cổ, trải qua 4 giai đoạn tiến hóa và xme VN như là một trong những cái nôi của loài người. theo GS thì nói đến văn hóa Việt Nam nên đi từ khi xuất hiện nhà nước Văn Lang- Âu Lạc.
05/11: về cơ tầng văn hóa: về vấn đề này người viết không nghe rõ, không hiểu hết nên không ghi lại được mong được bổ sung từ những người tham dự
06/11: về cấu trục xã hội Việt Nam.
ở trong sách GS Thêm cho rằng cấu trúc xã hội Việt Nam gồm 3 thành tố: làng- nước- đô thị. GS Dật không đồng tình, ông cho rằng chỉ nên 02 thành tố chính là Làng - nước. không phủh nhận VN có đô thị nhưng đô thị VN "kém sức sống giữa mênh mông công xã nông thôn" nên ông không đồng tình đặt đô thi như một mắt xích đứng ngang hàng làng- nước. đồng thời ông cũng bổ sung thêm việc tác giả cuốn sách chưa đặt "nhà" đúng tầm của nó.
07/11: về vấn đề tam giáo đồng quy
GS Dật cho rằng Việt Nam không có tam giáo (Nho giáo là một học thuyết chính trị đạo đức, không phải là tôn giáo- lời GS Dật) VN chỉ có Nhị giáo: Phật- Đạo (Đạo ở VN cũng chủ yếu là đồng bóng)
08/11: có hay không đạo thờ tổ tiên?
thờ cúng tổ tiên không chỉ người VN mới có. hơn nữa thờ cúng tổ tiên mở rộng thành thờ Thành hoàng là không đúng.
09/11: đặt vấn đề quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam là gì? đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, là sự phát triển thống nhất trong đa dạng
10/11: mô hình của văn hóa VN: "đa ngôn ngữ- đa văn hóa" trong mô hình đó, các dân tộc không đối chọi nhau mà tương trợ nhau cùng phát triển.
11/11: sức mạnh của dân tộc VN ở đâu: tổng hợp từ nhiều yếu tố: yêu nước, đoàn kết và tất cả những đặc điểm văn hóa Việt có.
(3 vấn đề sau có lẽ là bổ sung của GS Dật chứ không phải là ý "trao đổi" với tác giả.
đó là một số vấn đề mà LG nhu nhận được trong tọa đàm. ngoài ra còn có ý "trao đổi" lại của GS Thêm nhưng xin mạn phép không post lên đây vì LG thi nhận không được đầy đủ. Linh Giang post lên những ý này không phải chỉ để mọi người đọc cho vui. rất thành tâm mong GS. Thêm nếu đọc được những dòng này mong thầy có thể "trao đổi" lại những vấn đề mà GS Dật có đề cập không ạ? thưa thầy là vì bữa đó thầy nói nhanh quá vì thời gian có hạn nên em nghe không kịp ạ!
kính mong thầy nếu những gì em viết trên còn thiếu hay sai sót kính thầy sửa, bổ sung cho em để bạn đọc có cái nhìn toàn diện và đúng đắn ạ!
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 2 21/02/11 21:48

Đây là một cuộc tọa đàm rất có ý nghĩa không những cho những người đã và đang theo bước đường của văn hóa học mà còn cho những ai quan tâm đến văn hóa học. Trong cuốn "Cơ Sở Văn Hóa " Của GS.VS.KH Trần Ngọc Thêm, tác giả đã tổng quan về một xã hội Việt Nam qua lăng kính hiểu biết uyên thâm của mình. Qua cuộc tọa đàm đó, tác giả đã cho chúng ta thấy và hiểu rõ hơn về ý định cũng như ý nghĩa của tác giả dành cho văn hóa Việt Nam (theo tôi tạm gọi là "ưu tiên" cho văn hóa của người Việt). Cho nên câu hỏi của GS. Phan Hữu Dật nêu ra là hoàn toàn hợp lý mà rất nhiều người quan tâm "Cơ sở văn hóa Việt Nam" hay "Cơ sở văn hóa người Việt"?...đã tạo nên dấu ấn mới trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam ngày nay...cho nhiều nhà khoa học tương lai nối tiếp, tiếp nhận văn hóa Việt Nam và đưa văn hóa Việt Nam sánh tầm với văn hóa trong khu vực và thế giới...
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 3 22/02/11 8:08

Cảm ơn bạn Linh Giang đã đưa thông tin về cuộc tọa đàm về cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam do khoa Nhân học tổ chức mà người trình bày chính là nhà dân tộc học nổi tiếng, GS. Phan Hữu Dật.

Lẽ ra ngay sau buổi tọa đàm đó, website vanhoahoc phải có thông tin giới thiệu (theo quy định của khoa, trợ lý từng lĩnh vực có trách nhiệm đưa tin về mảng hoạt động thuộc phạm vi phụ trách của mình – như vậy việc này thuộc trách nhiệm của trợ lý khoa học).

Nhưng muộn còn hơn không, trong tuần này vanhoahoc sẽ có bài giới thiệu đó. Tôi sẽ xem lại trước khi đưa in để cho phần trả lời của mình phản ánh được tinh thần cơ bản của cuộc tọa đàm hôm ấy và đáp ứng được phần nào mong mỏi của Linh Giang và các bạn.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi duongminhhoang » Thứ 7 16/04/11 11:22

Thưa giáo sư, em cũng có được hân hạnh tham dự buổi tọa đàm của GS. Dật về cuốn sách của thầy. Phần vì công lực chưa đủ thâm hậu phần vì đang dành nhiều thời gian vào một số công việc khác nên chưa nghiên cứu kỹ cuốn sách của thầy cũng như các thuyết mà thầy cho rằng là cơ sở của văn hóa Nam như thuyết Âm Dương, thuyết âm tính của người Việt. Mặc dù đã đọc đi đọc lại vài lần nhưng em vẫn chưa thể vỡ ra được về cái nguồn gốc của văn hóa Việt Nam. Nếu có thể mong thầy viết hẳn một bài giải thích rõ hơn về hai cái đó cho bọn vãn sinh chúng em được rõ hơn.
Về Định nghĩa văn hóa của thầy, thầy cho rằng "Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt đọng thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội", em thấy có phần mơ hồ. Bởi lẽ giá trị là một phạm trù quá rộng lớn mà chúng ta không thể xác định hết. Dùng một khái niệm rộng để giải thích cho một khái niệm rộng (Văn hóa) chẳng phải là mơ hồ hay sao? Nếu hiểu giá trị là "những nguyên tắc, chuẩn mức, tiêu chuẩn chỉ dẫn cho hành động của con người" thì mọi thứ đều là văn hóa. Vậy các nào là văn hóa và cái nào là phản văn hóa? Một người khoe "của quý" của mình trước mặt người khác khiến người đó phải xấu hổ nhưng lại cảm thấy làm như vậy họ cảm thấy thỏa mãn, như vậy họ thấy rằng điều họ làm là có giá trị với bản thân họ. Như vậy theo định nghĩa của thầy, hành động khoe "của quý" trước mặt người khác là văn hóa?
Tren trang vanhoahoc.edu.com có bài về văn hóa dương vật của thầy, thầy sưu tầm những video người đàn ông dùng dương vật đánh đàn để minh họa cho cái thầy gọi là "văn hóa dương vật" thì chức năng giáo dục của văn hóa ở đâu? Phải chăng cái gì ta cho nó là văn hóa thì nó là văn hóa?

Rất mong nhận được câu trả lời thỏa đáng của thầy thên tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt.

Kính cẩn.
Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu
RANDOM_AVATAR
duongminhhoang
 
Bài viết: 41
Ngày tham gia: Thứ 2 08/03/10 10:34
Đến từ: Ho Chi Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 2 02/05/11 23:25

Đọc những thắc mắc của bạn, tôi đồ rằng bạn hình như chưa may mắn là học trò của thầy Thêm nên bạn chưa hiểu đúng về định nghĩa thầy nêu ra và những ứng dụng của nó.

Xin lỗi bạn tôi dài dòng một chút tôi nghĩ là cần thiết vì đoán rằng bạn là dân “ngoại đạo” với khoa văn hóa học. Tôi vẫn thường hay cho rằng thầy Thêm là một người rất cực đoan và tôi ghét sự cực đoan đó (thậm chí có một thời gian tôi đã chú ý đến việc phản pháo lại thầy) nhưng không thể phủ nhận được những đóng góp rất lớn về phương pháp luận của thầy trong nghiên cứu văn hóa. Có một thực tế ở Việt Nam rằng: có rất nhiều các nhà khoa học có nghiên cứu về văn hóa, vỗ ngực xưng tên công khai phản đối (thậm chí chỉ trích) thầy Thêm nhưng khi được hỏi về những chủ ý, phương pháp luận và lý thuyết riêng của họ về văn hóa thì lại rỗng không, nếu có chăng chỉ là những khái niệm chung chung và khiến người ta đọc vào loạn xì ngầu vì cuối cùng không khu biệt được cái gọi là văn hóa.

Với GS Thêm ít nhất chúng tôi đã được biết thế nào là lý luận văn hóa học, thế nào là phương pháp nghiên cứu văn hóa học và nó như một chìa khóa khi vào nghiên cứu vấn đề. Tôi rất phục thầy về việc xây dựng được cho chúng tôi một khung lý thuyết, ít nhất cho đến giờ này nó là phương tiện rất hữu hiệu cho nghiên cứu văn hóa.

Quay trở lại với định nghĩa Văn hóa của GS Thêm. Tôi cho rằng nó đã đáp ứng được các điều kiện cần và đủ. Giá trị (value) không chỉ là "những nguyên tắc, chuẩn mực, tiêu chuẩn chỉ dẫn cho hành động của con người" nếu bạn hiểu như vậy có nghĩa rằng bạn đã đưa mình vào thế xem giá trị trong văn hóa là tốt và khi đó value của thầy dùng trở thành axiology mà với văn hóa thì không nên xem nó là tốt hay không tốt cũng như không thể nói có văn hóa thấp và văn hóa cao.

Vậy các nào là văn hóa và cái nào là phản văn hóa?  cái phản văn hóa ít nhất nó phi giá trị. Bạn sẽ thắc mắc vậy như thế nào là “phi giá trị”? muốn biết một hiện tượng hay sự vật nào đó có giá trị hay phi giá trị thì phải đặt vào hệ toạ độ: không gian, thời gian, chủ thể mà ta thường hay nói một cách nôm na là “hoàn cảnh” còn dân văn hóa học thì gọi tắt là KCT. Vậy cái nào phù hợp với hoàn cảnh thì cái đó giá trị và có văn hóa. Dĩ nhiên giá trị có mang tính tương đối.

Cũng trên ví dụ bạn nêu: “Một người khoe "của quý" của mình trước mặt người khác khiến người đó phải xấu hổ nhưng lại cảm thấy làm như vậy họ cảm thấy thỏa mãn, như vậy họ thấy rằng điều họ làm là có giá trị với bản thân họ.” Khi nêu ví dụ như vậy bạn đã quên mất yếu tố thời gian và không gian rồi. Tuy nhiên, dựa vào chi tiết “khiến người đó phải xấu hổ” thì có thể cho không gian là một nơi công cộng thuộc Việt Nam hoặc phương Đông (cho nó đặc trưng) và thời gian hiện nay.

Khi phân tích như vậy, khái niệm chủ thể sẽ mở rộng (và chính xác) hơn cái có giá trị là cái phù hợp với chủ thể, không gian và thời gian. Vậy bạn xem thử người Việt Nam (phương Đông nói chung) có cho hành động là “khoe” của quý là phù hợp nơi công cộng không? Nếu bạn nói không phù hợp thì đó là hiện tượng “phản văn hóa” đấy. (phản văn hóa là hiện tượng phi văn hóa do chủ thể hành động không theo chuẩn mực chung của một nền văn hóa nhất định một cách hữu thức- Trần Ngọc Thêm). Thầy Thêm nói “giá trị mang tính tương đối” và chúng ta, những người có học về văn hóa biết mức độ tương đối của giá trị như thế nào.

“Như vậy theo định nghĩa của thầy, hành động khoe "của quý" trước mặt người khác là văn hóa?” qua nãy giờ tôi phân tích có thể thấy rằng “khoe của quý nơi công cộng ở xã hội Á Đông để nhằm thỏa mãn cá nhân” (ví dụ của bạn) là phản văn hóa.
Còn khoe “của quý” nói chính xác là trưng cơ quan sinh sản trong một giờ sinh học về cơ quan sinh sản con người là văn hóa.

Nói thì nói thế thôi, thực tế trường hợp “Một người khoe "của quý" của mình trước mặt người khác khiến người đó phải xấu hổ nhưng lại cảm thấy làm như vậy họ cảm thấy thỏa mãn, như vậy họ thấy rằng điều họ làm là có giá trị với bản thân họ.” thì người đó có thể đang có triệu chứng biểu hiện một chứng bệnh gọi là Loạn dục phô bày (exhibitionism): thoả mãn tình dục bằng cách phô bày bộ phận sinh dục của mình cho người khác giới thấy. Với hành động của một người bệnh như thế bạn có cần thiết phải xét văn hóa hay phản văn hóa nữa không? hay chỉ còn lại sự bao dung, thông cảm và xót thương trong bạn??

Nói tóm lại, gặp bất cứ trường hợp nào hãy suy xét không chỉ kiến thức mà lưu ý đến bối cảnh cũng như những động thái thể hiện. Cũng như thế bạn hãy dùng KTC để kiểm tra tính trá trị trong mỗi ví dụ mà GS Thêm nêu và xem kỹ các clip trong bài “Văn hóa dương vật” đi nhé. Tôi chắc rằng bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị hơn về văn hóa đấy. Chúc bạn có những khám phá thú vị.
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 3 03/05/11 1:22

Chào "duongminhhoang" cho tôi có vài ý kiến về những thắc mắc về bạn. Tôi thấy tất cả những "thắc mắc" của bạn đã được phần nào "Linh Giang" giải đáp rồi. Nên xin phép cho tôi thảo luận với bạn về phần "Văn hóa dương vật" tức là phần này "Tren trang vanhoahoc.edu.com có bài về văn hóa dương vật của thầy, thầy sưu tầm những video người đàn ông dùng dương vật đánh đàn để minh họa cho cái thầy gọi là "văn hóa dương vật" thì chức năng giáo dục của văn hóa ở đâu? Phải chăng cái gì ta cho nó là văn hóa thì nó là văn hóa?"
Như "Ling Giang" đã trình bày ở phần trên [đoán rằng bạn là dân “ngoại đạo” với khoa văn hóa học]. Những gì thầy Thêm viết về "dương vật" trong trang văn hóa, theo tôi đó là sự can đảm và có chủ ý rõ ràng. Đừng vội xem văn hóa là những cái gì là đẹp là tốt cả vì mọi vật ở trên đời này đều có hai mặt của nó. "văn hóa dương vật" cũng vậy. Bên cạnh đó, "văn hóa dương vật" là biểu tượng rất có ý nghĩa và thật đẹp trong văn hóa của nhiều nước ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Thứ hai: "văn hóa dương vật" như bạn nghĩ là một cái gì đó nó trái với "văn hóa" sao? thật ra nó là văn hóa tiêu biểu của loài người mà từ thời xa xưa nhiều dân tộc ở Đông Nam Á xem như là biểu tượng của sự "phồn thực" và rất được xem trọng. Đặc biệt, văn hóa Chăm là điển hình nhất và thực tế nhất mà bạn có thể tìm hiểu. Cái mà bạn gọi là "văn hóa dương vật" người Chăm gọi là "linhga (sinh thực khí của nam) và yoni (sinh thực khí của nữ). Như vậy, việc thờ của người Chăm bạn cho là cái gì? là cái xấu à? là cái quái gì? là cái không phải văn hóa đó sao?, Ở Campuchia có dòng sông "Linga" (tức là dòng sông của sinh thực khí của nam)... Thật ra, người ta không giám bàn luận và không giám đề cặp tới vì nhiều người cho rằng đó là cái xấu, là cái không tốt và thậm chí "người ta" chẳng hiểu gì về nó cả, mà co hiểu thì chẳng giám nói ra vậy thôi... "mọi vật trên đời này cái gì đã tạo ra sự sống " có phải đó là "đực và cái" đó sao.
Thứ ba: "Văn hóa dương vật" là cái tạo ra con người "là cái tạo ra bạn đó" việc gì mà phải tránh né, mà chẳng có gì phải tránh né vấn đề này cả...Cho nên, tôi nghĩ văn hóa dương vật là một giá trị "bậc nhất" của con người mà còn người cần phải "giáo dục" con cái của mình. Thật ra, mà nói chỉ sợ những người không dám nói ra sự thật mà thôi. Không như ai đó, ăn mặc "chỉnh tề" ăn nói một cách "lịch sử" ....làm cho người khác "ngưỡng mộ" ...và cho là có văn hóa thì thật ra đó mới là đáng sợ, mà thật ra là trống rỗng.
Còn hành động khoe "của quý" trước mặt người khác là văn hóa"? xin trả lời đó chính là văn hóa (không ở Việt Nam thì ở nước khác), văn hóa thật mơ hồ đó mới chính là văn hóa, thật mơ hồ nên nó thật "đa dạng và thật khó hiểu" ....nên ta mới đi tìm hiểu. Tùy theo mỗi nước mỗi dân tộc thì cái gọi là "giá trị" nó rất khác nhau, ví dụ "văn hóa đi hốt phân bò bằng tay" hay việc "hứng nước uống gần xác chết thả trôi trên sông Hằng được xem là linh thiêng"... ở Ấn Độ lại xem là "mất giá trị sao?"--> xin thưa, đó là giá trị, là văn hóa. Nếu bạn muốn hiểu rõ "hành động khoe "của quý" trước mặt người khác là văn hóa? thì nên xem lễ hội "khoe của quý" ở Nhật Bản. Trước khi, khoe của quý bằng "những hình ảnh như ngày nay..." người Nhật trước kia đã từng "khỏa thân" để khoe của quý đó "duongminhhoang" à. Hành động đó người Nhật xem là văn hóa , bởi việc làm đó nó thật "có giá trị" với người Nhật.
Cho nên, tôi có vài ý kiến thế này....trước khi phát biểu "duongminhhoang" nên xem xét và tìm hiểu thật kỹ. Nếu không nói bạn "quá vô trách nhiệm" với chính bạn. vì vậy, tôi có ý kiến như thế này, đừng cho mình là "trung tâm" hãy biết lắng nghe trước đã.....
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: Năm mới nói chuyện cũ

Gửi bàigửi bởi duongminhhoang » Chủ nhật 08/05/11 11:16

Chào bạn Linh Giang Và Quang Tuan,
Cảm ơn hai bạn đã dành thời gian trả lời những thắc mắc của tôi.

Quả thật, tôi là dân ngoại đạo, không phải dân văn hóa học, nhưng tôi tự nhận mình là học trò của GS. Thêm bởi tôi đã có dịp được trực tiếp học thầy một số môn học cũng như gián tiếp học thầy qua sách giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam". Tuy nhiên, không vì thế mà tôi không có những thắc mắc, và hoài nghi (không phải chỉ trích) với những gì tôi cho là chưa hợp lý hoặc là tôi chưa lĩnh hội được.
Trong khoa học, cần thiết có sự phản biện và sự phản biện sẽ làm cho khoa học tiến bộ. Khi họ chưa đồng ý với một điều gì đó họ có quyền đặt ra sự ngờ vực, nhiệm vụ của nhà khoa học là gải tỏa những nghi ngờ của họ, bất kể họ là ai, một anh nông dân hay một nhà khoa học cũng vật thôi, hễ có thắc mắc chính đáng thì cần phải giải thích cho họ. Sở dĩ như vậy vì nếu chưa giải quyết hết những phản biện thì nó chưa thật sự đầy đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên thật đáng tiếc, có những người lại coi sự phản biện, đi ngược với ý kiến của mình là điều ác ý. Họ luôn có tâm lý: hễ ai chống lại ý kiến của mình thì chống lại mình, tức là kẻ ác ý. Thậm chí sẵn sàng tìm cách để hạ thấp ý kiến của người khác bằng những lời lẽ của kẻ cả, bề trên.

Trở lại với vấn đề văn hóa. Tôi chỉ có một vài câu hỏi "Văn hóa là cái gì, cái gì không phải là văn hóa?", "đối phó có phải là văn hóa?" và xin hỏi: nếu nói văn hóa là mơ hồ thì chức năng giáo dục, định hướng của văn hóa ở đâu? Chẳng lẽ chúng ta dạy cho con cháu chúng ta đi trên con đường vô định, mờ mờ, ảo ảo?

Về văn hóa dương vật: Văn hóa Phương Đông tôn sùng sự sinh sôi nảy nở (văn hóa phồn thực). Do đó, người ta thờ sinh thực khí và thần thánh hóa sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ. Nhưng hãy xem xét hình thức biểu hiện của sự tôn sùng ấy. Họ tôn sùng bằng cách tạo ra các biểu tượng để tôn thờ. Ở Ấn Độ và những nước ảnh hưởng của văn hóa Ấn độ họ thờ biểu tượng là Linga và Yoni, Linga còn là hiện thân của thần Siva. Thậm chí ở một số nước còn có những sử thi ca ngợi sự huyền diệu của sinh thực khí. Không chỉ có vậy, việc tôn sùng sự sinh sôi nảy nở bằng việc tôn thờ các biểu tượng sinh thực khí thông qua các hình thức lễ hội, ở Nhật Bản, Ấn Độ..có lễ hội nghênh rước sinh thực khí nam. Chúng ta cũng nên nhớ rằng đây là biểu tượng bằng gỗ nhé. Tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn của nó, mọi sự thái quá đều dẫn tới việc phản lại những ý định tốt đẹp ban đầu và dẫn đến phản văn hóa. Người Nhật cũng có một nền văn hóa gốc nông nghiệp, do đó việc họ tôn thờ sinh thực khí nam và có những lễ hội tôn vinh sinh thực khí là điều dễ hiểu. Tuy nhiên việc bạn nói "người Nhật trước kia đã từng "khỏa thân" để khoe của quý đó "duongminhhoang" à" thật không xác đáng, nếu bạn đưa ra được bằng chứng thì tôi mới chịu bạn đúng. Còn nếu bạn chỉ dựa vào video clip trong bài "Văn hóa dương vật" của GS. Thêm thì bạn đã có một sự lầm lẫn. Theo tìm hiểu của tôi (tất nhiên kiến thức là vô hạn) thì chưa có ai cho rằng việc khoe của quý ở bất kỳ hoàn cảnh nào (không nói các trường hợp là tác phẩm nghệ thuật) được cho là có văn hóa. Do vậy, nếu nói hành động khoe của quý là một nét văn hóa thì tôi nghĩ cần phải xét lại.

Thiết nghĩ trong tranh luận khoa học chúng ta nên tranh luận với một cái đầu không định kiến và tôn trọng người tranh luận với mình. Đừng vì một lý do nào đó làm mất đi sự trong sáng trong tranh luận khoa học, cũng đừng nên dùng những lời lẽ để hạ thấp người tranh luận với mình. Tôi luôn cảm phục những ý những lý lẽ xác đáng và chỉ những người có những lý lẽ hợp lý mới cho thấy con người ấy có tri thức.

Chúc hai bạn nhiều niềm vui!
Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu
RANDOM_AVATAR
duongminhhoang
 
Bài viết: 41
Ngày tham gia: Thứ 2 08/03/10 10:34
Đến từ: Ho Chi Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Trang kế tiếp

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron