Giải mã hoa sen trong văn hóa Việt Nam

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Giải mã hoa sen trong văn hóa Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Thanh Tâm » Thứ 2 13/05/13 23:48

[justify] Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào đời sống văn hóa và tinh thần tâm linh của người Việt. Ngắm hoa sen chúng ta có thể nhận ra hình ảnh và nhân cách của con người Việt Nam.
Hoa sen có tên khoa học là Nelumbonaceae, thuộc loài túc thảo, môi trường sống tự nhiên của hoa sen là vùng đầm lầy, ao hồ nông hoặc vùng sâu ngập nước. Theo các nhà khoa học, sen đã có mặt trên trái đất khoảng gần 100 triệu năm trước. Hiện nay trên thế giới còn hai loại sen hoa vàng có ở miền Bắc và miền Trung Châu Mỹ và hoa sen đỏ mọc phổ biến ở nhiều nước Châu Á và Châu Úc. Mùa hè là mùa sen nở và hương sen dịu nhẹ thoảng bay trong gió tạo nên cảm giác rất dễ chịu. Ở Việt Nam, sen được xếp vào bộ tứ quý (4 mùa): Lan, sen, cúc, mai. Và gần đây, hoa sen cũng đứng đầu trong cuộc bình chọn quốc hoa do Bộ văn hóa thể thao- du lịch tổ chức.
Hoa sen rất thích hợp với môi trường có khí hậu nhiệt đới như nước ta. Từ Bắc vào Nam, nó có mặt ở khắp mọi nơi, gần gũi và thân thuộc với người Việt như cây tre, gốc đa. Nếu ở miền Bắc hoa sen chỉ nở vào mùa hè, thì ở Miền Nam ta có thể bắt gặp hoa sen nở rộ vào bất cứ thời khắc nào trong năm. Hoa sen mọc từ đầm nước, từ một cõi trần ô trọc đã vươn lên trở thành một bông hoa thanh cao với đầy đủ hương và sắc, trở thành một bông hoa biểu tượng cho sự hòa quyện của vũ trụ, đất trời. Những cánh sen vươn lên từ một thân cây cứng cáp dưới bùn lầy, phía trên búp hoa nở ra những cánh sen màu hồng nhạt mỏng manh, mềm mại bao bọc lấy nhụy hoa vàng tươi rói. Và hương sen thì dịu dàng, thơm mát và lan tỏa trong gió hiu hiu của tiết trời nắng vàng. Mặc dù sinh ra trong sình lầy nhưng hoa sen không bị ô nhiễm mà còn có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì sen hễ mọc ở đâu thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong. Bấy nhiêu đó làm cho ta cảm nhận được vẻ đẹp đầy ý nghĩa sâu sắc và cao đẹp của sen. Và ý nghĩa hơn khi ta nhắc đến Sen Việt Nam- sen thơm hương lại hữu sắc. Dù trong hoàn cảnh nào sen cũng hàm chứa trong nó sự tinh tế, thuần khiết, thanh tao. Nó thực sự xứng đáng là biểu trưng tiêu biểu nhất cho văn hóa và cốt cách nhân văn của con người Việt Nam. Sen từ lâu đã bén rễ trong tâm thức người Việt cả trong đời sống vật chất và tinh thần.
Trong sinh hoạt thường ngày, bản thân hoa sen mang lại cho con người rất nhiều lợi ích. Sen xuất hiện ở đâu thì tô điểm cho cảnh đẹp nơi đó, tạo ra một không gian sống thoáng đãng, hài hòa, mãn nhãn, tạo cho con người cảm giác gẫn gũi, hòa nhập cùng thiên nhiên. Người ta có thể sử dụng các bộ phận của sen phục vụ cho đời sống. Từ rễ, thân, lá cho đến đài sen, nhụy sen, hạt sen, tâm sen đều trở thành những sản phẩm hữu ích cho con người. Mỗi vụ thu hoạch, người ta thường lấy hoa sen về trang trí không gian nhà, tách đài sen lấy được hạt sen và tâm sen. Từ hạt sen có thể chế ra nhiều món ăn món ăn bổ dưỡng, thơm ngon, rất được người Việt ưa chuộng như: chè hạt sen, xôi hạt sen hay dùng nấu súp heo, hầm gà thuốc bắc… Tách đôi hạt sen chúng ta thấy cái lõi màu xanh nhỏ xíu như đầu que tăm đó chính là tâm sen.
Các bộ phận trên hoa sen được chế biến thành những món ăn đặc trưng, mang đậm hương vị Việt Nam như gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen… Sen hồ Tịnh Tâm của cố đô Huế ngày xưa được dùng để ướp trà cho Vua. Chè sen Huế với hạt sen tươi, bóc vỏ, lột lớp lụa mỏng, rồi đem chưng cách thủy với đường phèn thì hương mới thơm. Chè sen được múc ra bát cổ men sứ màu xanh nhỏ như mắt trâu, chỉ độ dăm bảy hạt sen vàng. Trong các dịp lễ tết hay kỵ giỗ, chè sen là món quan trọng gần như không thể thiếu, cúng xong chỉ một bát thôi là thưởng thức được đủ cái “quốc hồn quốc túy” của xứ Huế rồi.
Ngoài ra người Huế còn dùng sen để nấu cơm sen rất nổi tiếng trong truyền thống của Huế, cách nấu cũng rất cầu kỳ, tinh tế. Còn một nét đặc biệt nữa là người Miền Bắc thường dùng lá sen để gói cốm. Hương đồng, cỏ nội quấn quyện với nhau, mang lại màu sắc và hương vị rất tự nhiên và riêng biệt. Như vậy với hoa sen người Việt đã biết nâng tầm giá trị thưởng thức và biến nó trở thành thứ nghệ thuật ẩm thực từ cung đình tao nhã cho đến nơi làng quê chân phương.
Người Việt đã chế ra trà tâm sen bằng cách phơi khô tâm sen rồi sao vàng để dùng làm trà tiếp khách, ngoài ra có thể phơi khô cánh sen ướp cùng với nước pha trà tâm sen, sẽ làm cho hương vị trà trở nên đậm đà, thơm ngát. Loại trà này mang lại cảm giác dễ chịu cho người uống và đặc biệt có tác dụng bổ tim, định tâm, chữa chứng bệnh mất ngủ, an thần. Ngoài ra trong đông y sen cũng là một bài thuốc có nhiều tác dụng ví dụ như cộng sen phơi khô cắt thành lóng đốt trị chứng viêm xoang; lá sen cũng phơi khô nấu nước uống có tác dụng giải cảm, thanh nhiệt; ăn nhiều củ sen, ngó sen có tác dụng bổ thận âm, thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể, tinh thần phấn chấn, sức khỏe dồi dào.
Bên cạnh những nguồn lợi về vật chất thì người Việt ai ai cũng cảm nhận được sức sống mãnh mẽ đến kỳ lạ và tự tính tinh khiết, vô nhiễm của sen. Nó tượng trưng cho bản tính thân thiện, phong thái tao nhã cũng như tinh thần “vượt lên” mọi nghịch cảnh để kiếm tìm sự sống an bình, cao đẹp của con người Việt Nam. Chính vì vậy, sen đã trở thành một phần trong tâm thức tinh thần của người Việt tự bao đời nay. Trên quê hương Việt Nam, không làng quê nào ta không bắt gặp hình ảnh đầm sen khoe sắc, tỏa hương. Rất đỗi thân quen, rất đỗi tự hào, cũng chính vì thế hoa sen là nguồn cảm hứng bất diệt trong thi ca và nghệ thuật trong những câu ca dao được tương truyền qua bao thế hệ người Việt:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại sen nhị vàng
Nhụy vàng, bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Hay như câu ca dao nổi tiếng ở miệt Đồng Tháp Mười:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Làng quê nơi bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ người cha già của dân tộc, người đại diện cho khí phách, tinh anh của đất nước và con người Việt Nam.
Thuở xưa, Mạc Đĩnh Chi khi đứng trước vua Trần Anh Tông đã thể hiện phẩm chất của mình qua bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc). Bài phú có đại ý vì hoa sen vốn có tiết tháo, thanh cao, không hoa nào sánh được, tuy gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn, mặt khác sen được trồng trong giếng ngọc càng cao quý. Và Mạc Đĩnh Chi cũng vậy như hoa sen kia, dù có phải vào hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao.
Hoa sen mọc lên rất tự nhiên và hòa nhịp cùng với phong cảnh làng quê và con người Việt. Và không biết tự bao giờ, hoa sen đã trở thành đại diện cho vẻ đẹp tinh tế, thanh cao ẩn sâu trong tiềm thức cộng đồng người Việt. Trên tinh thần đó, Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) đã chính thức chọn biểu tượng bông sen vàng sáu cánh để kết nối Việt Nam với bạn bè khắp năm châu trên con đường hội nhập toàn cầu hóa. Hoa sen đã được nâng tầm thành biểu tượng cho hình ảnh Việt Nam trên bầu trời cao, chắp cánh cho ước mơ vươn cao trong bối cảnh hiện tại cũng như tương lai còn nhiều khó khăn và thử thách, phát triển hội nhập trên tinh thần giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc. Có như vậy, chúng ta mới có được sự bền vững trước những thách thức của thời cuộc.
Lịch sử Việt Nam cũng bao trùm huyền thoại về sen, sau thời “các vua Hùng đã có công dựng nước” với nền văn hóa Đông Sơn là trung tâm của cả khu vực Đông Nam Á cổ đại. Trong nhiều truyền thuyết được ghi lại ở các làng quê có thần tích, làng quan họ Xuân ở Bắc Ninh: Vào cuối đời Lý, đầu đời Trần , xứ bắc có người con gái họ Lý tên Huệ Nương tuổi 16 xinh tươi nhưng nguyện không lấy chồng, mộ đạo xuất gia ở chùa Tràng Liên trên núi Tiên Sơn, nơi xưa kia Thiền Sư Vạn Hạnh trụ trì và Vua Lý Thái Tổ đã được thụ khi hoài thai. Một đêm nàng nằm mộng thấy một vị tiên mang cho bông hoa sen và bảo: “có vị Tiên xuống trần, sau này nàng sinh con gái quý, ta đem đến cho nàng đây. Rồi có ngôi sao sa xuống miệng nàng. Nàng tỉnh dậy và từ đó có thai và sinh ra một bé gái đặt tên là Qúy Minh là người sinh đẹp và có sức khỏe phi thường đã hô hào dân làng tập luyện võ nghệ cứu nước khỏi nạn quân Mông Cổ”.
Hoa sen có mặt trong hầu hết các lĩnh vực đời sống tinh thần từ văn học nghệ thuật cho đến kiến trúc hội họa, và đặc biệt là tôn giáo. Đối với Phật giáo, hoa sen hiển hiện khắp nơi từ trong kinh điển cho đến các sản phẩm thờ cúng, tư thế ngồi thiền, cách chấp tay… Hầu như ở đâu có Phật giáo người ta sẽ tìm thấy ở đó có hoa sen, hay nói cách khác hoa sen là biểu tượng của Phật giáo. Mà đại đa số trong cộng đồng người Việt theo đạo Phật. Nên có thể nói, sen trở thành biểu tượng vừa gần gũi, quen thuộc và vô cùng quý trọng.
Trong nghệ thuật Việt Nam, hình tượng hoa sen dày đặc từ các phù điêu, đá tảng kê chân cột, bệ tượng phật đến các tạo hình từ gốm và sử dụng làm các họa tiết trang trí. Song cô đọng và sáng tạo hơn cả là hình tượng hoa sen trong kiến trúc chùa, tháp Phật giáo. Những công trình kiến trúc tiêu biểu với hình tượng hoa sen thường xuất hiện trong những giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo. Đó là thời Lý thế kỷ 11 với Chùa Một Cột- Hà Nội ngày nay.
Theo truyền thuyết chùa Một Cột hình thành từ một giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Vào một đêm mùa xuân năm Kỷ Sửu (1049), vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen, dẫn vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua nói chuyện lại với triều thần, có người cho là điềm xấu, nhưng thiền sư Thiền Tuệ thì khuyên vua nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Phật Quan Âm ở trên, đúng như hình ảnh đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn xung quanh, tụng kinh cầu sống lâu và đặt tên là chùa Diên Hựu.
Ngoài ra còn có một số công trình kiến trúc nổi tiếng như Tháp Cửu phẩm liên hoa, Chùa Bút Tháp - ở Bắc Ninh, thế kỷ 18 với chùa Tây Phương- Hà Tây, Chùa Kim Liên – Hà Nội. Hình tượng hoa sen ở Tháp Cửu phẩm liên hoa, chùa Bút Tháp là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp quay chính tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2m, cao 50 cm. Chiều dài cả tháp khoảng 7 đến 8 m. Phía ngoài các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng lớp lớp so le nhau. Tầng một đến tầng chín biểu hiện cho những nấc thang của sự tịnh tiến trong đạo Phật.
Bên cạnh những kiến trúc đồ sộ, kinh điển thì hoa sen cũng gắn liền với các sản phẩm trang trí cũng như thờ tự trong chùa. Trên mái lợp của chùa cũng tạo hình hoa sen, gạch lót nền, những phù điêu trên vách, những chạm trổ trên cửa đều có hoa sen, thậm chí những dụng cụ thờ cũng nhỏ như đèn thờ, các chân nhang, … cũng tạo hình hoa sen, cánh sen. Điều này nói lên rằng ngoài tính biểu tượng cho những triết lý cao siêu của nhân sinh, của Phật giáo, ngoài những gì thuộc về tính bác học, hoa sen còn im đậm những dấu ấn của mình trong tâm khảm của những nghệ nhân, những người thiết kế, những người tạo ý tưởng cho các sản phẩm xây dựng, trang trí. Hoa sen gắn với ý thức hệ cho những quan niệm về tôn giáo.
Có quan niệm cho rằng những kiểu thức khác nhau trong cách thể hiện hoa sen có thể phân làm 3 phong cách căn bản đó là Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Quốc. Với phong cách Ấn Độ chúng ta dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng của nó trong tranh tượng- phù điêu của các nước như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam (Nam Tông- Khmer). Phong cách Tây Tạng đó là hoa sen với màu sắc sặc sỡ (chủ yếu là các màu nóng), và ít có tầm ảnh hưởng đến các nước khác. Có lẽ Tây Tạng biệt lập với các nước khác và thời tiết lạnh giá nên đã hình thành một phong cách rất riêng. Đối với phong cách Trung Quốc và cũng là Viêt Nam (Bắc Tông), người ta nhận thấy ở đây sự đơn giản trong cách thể hiện, không có những yếu tố cách điệu chồng chất lên nhau như Ấn Độ và cũng không quá màu sắc như Tây Tạng.
Hoa sen còn gắn liền trong văn hóa Việt với những yếu tố tâm linh mang đầy tính triết lý Phật giáo. Sen có cả hương lẫn sắc nhưng hương sen không quá nồng mà dịu, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng phớt hồng. Từ khi nở đến khi tàn không hề bị ong bướm màng tới. Qua bao ràng buộc của đất nước đến chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn mình dưới ánh mặt trời, khai nhụy, kết hoa, khoe sắc, tỏa hương. Sự hình thành của sen diễn ra theo quy luật nhân quả luân hồi. Sen có cả nụ- hoa- hạt. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự tiếp nối, liên tục, và quả đó là nguyên nhân mới cho kết quả tiếp theo, cứ thế chuyển động theo hình xoáy ốc lên cao. Như vậy, hoa sen là loại hoa có 4 đặc trưng vượt trội so với các loài hoa khác: 1. Ở bùn lầy mà không ô nhiễm; 2. Hoa và quả kết cùng một lúc; 3. Các loài ong bướm không hút lấy nhụy hoa; 4. Phụ nữ không dùng hoa sen trang điểm như cài lên đầu. Do hoa sen không bị nhiễm bùn nhơ nên nó được dùng làm biểu tượng tánh giác tự nhiên của Phật, khái quát hơn là biểu tượng của Phật.
Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện. Hoa sen còn là biểu trưng cho trí tuệ siêu việt. Nó thể hiện niềm khát khao trong giác ngộ. Trong Mật Điền có thần chú là Lục tự Đại Minh là tâm chú của ngày Quán Thế Âm Bồ Tát: “Án Ma Ni Bát Di Hồng”. Trong đó, Padme tiếng Tây Tạng có nghĩa là Hoa sen, biểu tượng cho trí tuệ siêu việt, trí tuệ chứng ngộ tự nhiên vượt ra ngoài vòng vây hãm của nhị nguyên luận.
Hoa sen trong quan niệm truyền thống không ít trường hợp được coi là biểu trưng của sự sinh sản, của sự sáng tạo. Người ta cho rằng hoa là bộ phận sinh dục của cây. Điều này hoàn toàn đúng xét về mặt sinh học và văn hóa, nhất là văn hoa cổ đại, khi quan hệ giới tính còn được coi là thiêng liêng, là nguồn cội của lẽ sinh thành vạn vật. Hoa sen với gương sen của nó chứa đựng những chủng tử (hạt sen) đã được coi là biểu tượng của cơ quan sinh sản và sen là biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho Phúc, một trong ba điều tối hảo: Phúc- Lộc- Thọ của người Việt.
Từ khi Phật giáo xuất hiện cho đến ngày nay, hoa sen với những ý nghĩa của nó đã thấm sâu vào tâm thức Phật giáo. Hoa sen trong kinh Phật biểu tượng cho chân lý. Và chân lý đó là chân lý của hiện thực trong cuộc đời. Về mặt xã hội và tôn giáo thì hoa sen biểu tượng cho con đường “nhập thế sinh động”, hướng đạo cho con người sống lương thiện, biết vươn lên trước số phận cũng như nghịch cảnh éo le.
[/justify]
RANDOM_AVATAR
Thanh Tâm
 
Bài viết: 29
Ngày tham gia: Thứ 4 09/01/13 13:07
Đến từ: Hải Phòng
Cảm ơn: 4 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: Giải mã hoa sen trong văn hóa Việt Nam

Gửi bàigửi bởi LuuTuanAnh » Thứ 5 12/09/13 22:46

"Tôi" hôm qua, "tôi" hôm nay và "tôi" ngày mai là những "tôi" khác nhau. Hoa sen của những thế hệ trước, của lịch sử trước và hoa sen của những thế hệ sau, của lịch sử sau tất yếu cũng sẽ khác nhau. Điều kiện môi trường sống thay đổi (ô nhiễm hơn, xuất hiện nhiều sinh vật lạ hơn, nhiều côn trùng gây hại hơn...) là một trong những nguyên nhân tác động chính.
Nhưng dù cho thế nào, thì người ta cũng không thay đổi được cái tên "hoa sen" gắn cho loại hoa mọc trên đầm lầy, ao hồ mà không "hôi tanh mùi bùn" từ bao đời nay ấy.
Bài viết của bạn Thanh Tâm rất hữu ích, cám ơn bạn nhiều.
Hạnh phúc khi tôi được ngắm nhìn ...

Lưu Tuấn Anh
刘俊英
りゅうとしひで (劉俊英)
RANDOM_AVATAR
LuuTuanAnh
 
Bài viết: 154
Ngày tham gia: Thứ 6 04/01/08 17:55
Cảm ơn: 26 lần
Được cám ơn: 11 lần

Re: Giải mã hoa sen trong văn hóa Việt Nam

Gửi bàigửi bởi dangthikieuoanh » Thứ 2 16/09/13 17:13

Tôi còn nhớ trong trong nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, của các chuyên gia và đông đảo tầng lớp nhân dân về việc lựa chọn Quốc hoa của Việt Nam, hoa sen hồng luôn nhận được số đông ý kiến ủng hộ. Không phải tự nhiên mà hoa sen hồng được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến và tôn vinh. Mà ở hoa sen chính là sự hội tụ kết tinh của cả hương và sắc với nhiều ý nghĩa nhân sinh tích cực và cao đẹp.
Là một loại hoa được xếp vào hàng “dễ tính” có thể dễ dàng thích nghi với các điều kiện sống khác nhau. Nên hoa sen có mặt ở mọi miền của đất nước. Sự có mặt rộng rãi đến mức “phổ thông” này không làm giảm vai trò, vị thế của hoa sen mà còn càng làm tôn thêm tầm ảnh hưởng của nó đến mọi mặt của đời sống xã hội. Dù ở đình, chùa, hay trong gia đình, dù hiện hữu trong thực tế cuộc sống đời thường hay hình tượng mang tính nghệ thuật cao trong văn học, nghệ thuật thì hoa sen luôn thể hiện cái đẹp, cái cao cả, tích cực. Có lẽ chính vì lý do đó mà hoa sen dễ dàng đi vào tâm thức của người Việt Nam.
Nhưng xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh những mặt tích cực còn kéo theo nhiều hệ luy, mà người ta thường gọi đó mà mặt trái, mặt tiêu cực xã hội công nghiệp. Những tác động vô tình hay có mục đích của con người vì điều kiện và nhu cầu trước mắt đã làm giảm đáng kể diện tích trồng hoa sen.
Một thực tế đáng buồn, khi mà con người vô tình quay lưng lại với ngay cả những gì mình đã từng gắn bó. Họ thờ ơ, hay tỏ ra lãnh đạm?
Thiết nghĩ, cần có nhiều công trình không chỉ nghiên cứu, tìm hiểu về ý nghĩa nhân sinh và vai trò to lớn của hoa sen trong đời sống và tâm thức cộng đồng mà còn phải đưa ra được nhiều cách thức hữu hiệu để bảo tồn hoa sen. Để hoa sen luôn tỏa hương sắc không chỉ trong các tác phẩm nghệ thuật mà còn trong đời sống con người Việt Nam.
Cảm ơn tác giả Thanh Tâm về một bài viết rất ý nghĩa.
RANDOM_AVATAR
dangthikieuoanh
 
Bài viết: 10
Ngày tham gia: Thứ 6 13/09/13 23:19
Đến từ: Hải Phòng
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Giải mã hoa sen trong văn hóa Việt Nam

Gửi bàigửi bởi hangthu1008 » Thứ 4 18/09/13 6:28

"Hoa sen trong quan niệm truyền thống không ít trường hợp được coi là biểu trưng của sự sinh sản, của sự sáng tạo. Người ta cho rằng hoa là bộ phận sinh dục của cây. Điều này hoàn toàn đúng xét về mặt sinh học và văn hóa, nhất là văn hoa cổ đại, khi quan hệ giới tính còn được coi là thiêng liêng, là nguồn cội của lẽ sinh thành vạn vật". Tôi chưa từng thấy có quan niệm như thế này về hoa sen, bạn Thanh Tâm có thể dẫn nguồn để đoạn viết này được thuyết phục hơn không? Cám ơn bạn.
欲穷千里目
更上一层楼
RANDOM_AVATAR
hangthu1008
 
Bài viết: 65
Ngày tham gia: Thứ 6 13/09/13 6:06
Cảm ơn: 21 lần
Được cám ơn: 13 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron