Tính bảo lưu văn hóa của người Việt tại Biển Hồ - Campuchia

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Tính bảo lưu văn hóa của người Việt tại Biển Hồ - Campuchia

Gửi bàigửi bởi letham.k13b » Chủ nhật 02/06/13 13:35

Nối tiếp mạch cảm xúc của bài NVNONN với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã đăng trên diễn đàn, Em xin đăng tiếp bài này như một tiểu mục nhỏ cho đề tài ấy. Nhưng người Việt Nam ở Biển Hồ Campuchia là một trường hợp đặc biệt, để câu thêm topic :D xin phép các anh chị và các bạn cho thành một chủ đề riêng để chúng ta rộng đường comment. ;) ;) ;)

Trong quá trình nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á, chúng tôi nhận thấy quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa ở khu vực này diễn ra khá phức tạp và tồn tại những điều tưởng như là nghịch lý. Người Việt Nam hiểu rõ nền văn hóa Pháp, Mỹ ở bên kia Đại Dương, hơn cả việc hiểu về nền văn hóa của các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Đôi khi những nền văn hóa có không gian liền kề nhau lại ít chịu ảnh hưởng của nhau.
Trong phạm vi đề tài này chúng tôi xin được nghiên cứu trường hợp về văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ngay tại Biển Hồ - Campuchia. Một không gian văn hóa nhỏ nằm trong một không gian văn hóa lớn hơn, trải qua thời gian nhiều thập kỷ nhưng lại không bị đồng hóa, mà ngược lại tính bảo lưu văn hóa rất cao. Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Việc đi tìm câu trả lời sẽ giúp chúng tôi sáng rõ hơn quy luật của tính bảo lưu văn hóa trong quá trình giao lưu, tiếp biến.
Lịch sử di dân của cư dân Việt tới Biển Hồ
Biển Hồ - tên bản địa là Tonlé Sap theo http://vi.wikipedia.org, Tonlé Sap là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. Tonlé Sap đi qua địa phận 5 tỉnh: Siem Riep, Kampong Tom, Kampong Chnang, và Pursat, Battambang.

Tonlé Sap có nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thông thường được dịch là "Hồ Lớn" trong các ngôn ngữ khác; "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ. Vì địa thế đặc biệt với hệ thống thủy văn đổi dòng hai lần mỗi năm hồ Tonle Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Phù sa cùng chất bổ từ hạ lưu bồi bổ lòng hồ nên Tonle Sap có sản lượng cá lớn đáng kể trên thế giới. Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia.
Trước kia Biển Hồ với hệ sinh thái đa dạng và sản lượng cá tôm nhiều đã hấp dẫn những ngư dân vạn chài Việt Nam. Và Trong thời gian Việt Nam bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, một bộ phận cư dân Việt đã sang Biển Hồ lánh nạn.
Các dòng người Việt di cư đã dọc theo nhánh sông Tiền, sông Hậu ngược lên theo dòng sông Mekong, sông Bassac để đến Biển Hồ. Thống kê của chính quyền cho biết, riêng tỉnh Kampong Chnăng hiện có khoảng 11.200 hộ với khoảng 55,200 nhân khẩu là kiều bào người Việt làm ăn sinh sống. Riêng tại xã Chhok Tru có khoảng 1,000 hộ với hơn 4,500 nhân khẩu. Đa số người việt sống tại khu vực Biển Hồ hiện đều khó khăn khi lượng cá ngày một cạn kiệt và không còn được đánh bắt cá tự do như trước. Cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề chài lưới và mua bán trên sông nước. Gần đây phát sinh thêm nghề “ăn xin” khách du lịch.
Cộng đồng người Viêt Nam ở Biển hồ như một “Miền Tây Việt Nam thu nhỏ”. Sau bao năm xa xứ họ vẫn sống trên sông nước mang theo tất cả phong tục tập quán của quê hương. (Hát đờn ca, thờ ông bà tổ tiên, nói tiếng Việt, ăn món ăn Việt…) gần như không có bất cứ sự thay đổi nào về phong tục tập quán so với cuộc sống của họ ở quê nhà. Tại sao lại có sự bảo tồn cao như vậy? Vì sao họ sống ngay trong lòng không gian văn hóa của Campuchia nhưng lại không giao lưu tiếp biến mạnh mẽ văn hóa của Campuchia?
Sự biệt lập của không gian văn hóa Việt
Cộng đồng người Việt ở Biển Hồ tuy gọi là sống trong lòng không gian văn hóa Campuchia nhưng thực ra lại gần như hoàn toàn biệt lập. Dễ dàng phân biệt những ghe thuyền của người Việt khách với ghe thuyền của ngư dân bản địa, Họ sống tự cung tự cấp và thỉnh thoảng mới lên bờ nếu phải đi bệnh viện hoặc ma chay, cưới hỏi, thăm nom người thân. Sự giao lưu với những người dân Campuchia không diễn ra thường xuyên. Ví du nếu có người mất, thì phụ trách người Việt ở Biển Hồ Siêm Riệp sẽ đứng ra là cầu nối với chính quyền Campuchia để đưa người lên núi chôn chất.

Pháp luật Campuchia cho phép người nước ngoài định cư từ 10 năm trở lên, vượt qua cuộc thi sát hạch ngôn ngữ sẽ được nhập quốc tịch, được hưởng quyền lợi về sở hữu tài sản, nhà cửa, đất đai. Thế nhưng hầu hết người Việt ở Biển Hồ là cư dân tự do, không nhà của giấy tờ tùy thân, không tài sản mặc dù đã sống ở đây rất lâu. Vì thế họ rất khó hòa nhập và tìm được công việc chỗ ở ổn định trên đất liền. Họ chỉ bó hẹp cuộc sống của mình trong khu vực biển Hồ lênh đênh sông nước, con cái họ không biết chữ vậy là họ hoàn toàn sống tách biệt với cộng đồng xã hội Campuchia, đặc biệt là những khi lũ về.
Ít giao lưu, dẫn đến người Việt ở Biển hồ ít học tiếng Campuchia hay tiếng Anh, trong khi ngôn ngữ là phương tiện quan trọng cho quá trình giao lưu, tiếp biến. Chính vì vậy cuộc sống của người dân ở Biển Hồ vốn đã tách biệt về không gian, lại càng cô lập hơn do điều kiện về pháp lý không cho phép. Con em người Việt ở Biển Hồ thuộc tỉnh Siêm Riệp chỉ được học tiếng Việt tới lớp 4. Đây là trường học do cộng đồng tự mở và giáo viên người Việt thiện nguyện sang dạy. Sau lớp 4 các em không có điều kiện về giấy tờ, tài chính… để có thể đi học tiếp ở các trường Campuchia. Chính vì vậy điều kiện giao lưu gần như không có, khác hẳn với những người Việt ở Pnompenh (Campuchia) hay người Việt ở Vieng Chăn (Lào)
Tính bảo lưu văn hóa của Chủ thể
Trong quá trình nghiên cứu về việc bảo tồn văn hóa của Người Việt Nam ở nước ngoài giáo sư Trần Ngọc Thêm đã tìm ra quy luật: “Văn hóa của những cộng đồng nằm ở vị trí càng xa trung tâm thì càng chậm biến đổi và do vậy càng được bảo tồn tốt”.
Nếu như văn hóa Việt ở trong nước đang diễn ra sự giao lưu tiếp biến văn hóa sôi động với các nền văn hóa khác nhờ sự phát triển công nghệ thông tin và quá trình giao lưu quốc tế đang diễn ra hàng ngày hàng giờ; thì tại Biển Hồ - Campuchia, người Việt Nam đã đi ra khỏi không gian văn hóa Mẹ là Nước Việt Nam và sống trong lòng một nền văn hóa khác nhưng chủ thể văn hóa vẫn có tính bảo lưu văn hóa cao. Điều này cũng dễ nhận thấy ở cộng đồng người Việt tại nhiều nước trên thế giới.
Tính hồi cố, thương nhớ quê hương đã khiến họ luôn muốn được sống với phong tục tập quán ở quê nhà. Với người Việt Nam ở Biển Hồ - Campuchia, từ tiềm thức họ luôn mong muốn một ngày được trở lại cố hương, nhưng vì sự lưu lạc giấy tờ mà họ trở thành những người tha phương, về pháp lý họ không có quốc tịch nào cả, Việt Nam cũng không chào đón họ trở về khi họ không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào. Chính vì vậy trong tâm thức của họ nền tảng văn hóa của quê mẹ chính là thứ lớn mạnh nhất để họ có thể tạo được sự kết nối trong cộng đồng, Văn hóa Việt được xem như là một “căn cước” đối với thân phận của những người Việt tại Biển Hồ. Vì vậy không lẽ gì họ lại đánh mất nó hay rộng mở để giao lưu tiếp biến. Tính bảo lưu văn hóa Việt vì vậy ngày càng cao.

Thời gian văn hóa
Thời gian không mang ý nghĩa tác động nhiều tới quá trình bảo lưu ấy vì đối với các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba trở đi ở Biển Hồ họ vẫn sống biệt lập và hấp thụ truyền thống Việt Nam từ cha mẹ họ. Điều này khác hẳn với cộng đồng người Việt Nam ở các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Nga… thế hệ kiều bào thứ hai gần như quên tiếng mẹ đẻ và hấp thu nhiều hơn văn hóa của đất nước họ sinh ra, lớn lên.
Người Việt Nam ở Biển Hồ Campuchia như một Miền tây Việt Nam thu nhỏ và biệt lập với thân phận đặc biệt và điều kiện sinh tồn đặc biệt đã gần như bảo lưu toàn bộ văn hóa truyền thống của Việt Nam như khi họ ra đi. Nhưng sự bảo tồn ấy vừa là biểu hiện của một tình cảm đẹp với quê hương, cố quốc, vừa cho thấy sự tù đọng của một cuộc sống không có sự biến chuyển nào. Văn hóa không thể nào phát triển tự thân mà phải đặt trong dòng chảy của sự vận động, giao lưu, tiếp biến. Đã có nhiều bài báo, công trình phản ánh cuộc sống của người dân Việt ở Biển Hồ, nhưng thông qua cách nhìn của văn hóa học, chúng tôi nhận thấy đó là biểu hiện của một không gian văn hóa đang ngưng trệ và biệt lập. Điều đó tiếp tục tác động ngược trở lại, ảnh hưởng lớn đến chính cuộc sống của cộng đồng Người Việt ở Biển Hồ. Sự giao lưu văn hóa cũng là một trong những nhân tố giúp cho sự giao lưu phát triển về kinh tế, và là một trong những yếu tố để giúp người Việt hội nhập được với văn hóa người bản xứ.
RANDOM_AVATAR
letham.k13b
 
Bài viết: 17
Ngày tham gia: Thứ 2 13/05/13 14:52
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: Tính bảo lưu văn hóa của người Việt tại Biển Hồ - Campuc

Gửi bàigửi bởi Lê Thị Hồng Nga » Chủ nhật 08/06/14 21:44

Chào tác giả, hôm nay đọc được bài viết của bạn khiến mình nhớ lại chuyến đi Biển Hồ vào tháng 8/ 2011, trước mắt mình hiện ra những hình ảnh đúng như bạn mô tả: Những bà má miền Tây Nam bộ với trang phục của những thập niên 40-50; đàn ông đàn bà và trẻ con đều đen nhẻm, tóc cháy do nắng gió Biển Hồ. Họ sống trên những chiếc bè nhỏ, làm nhà trên bè, có khi 1 chiếc bè 35m2 mà có khoảng 3 gđ với gần 20 người cùng sinh sống, cuộc sống rất thiếu thốn và thiếu vệ sinh vì họ dùng nước hồ để sinh hoạt và thải luôn trên hồ. Đa phần họ đều ko có giấy tờ tùy thân nên ko xin được việc làm, ko được nhà nước Campuchia coi là cư dân hợp pháp nên họ ko có bất kỳ quyền lợi gì của công dân. Họ sống bằng nghề đánh cá, trẻ con cũng phụ bố mẹ bắt ốc mưu sinh nên hầu như cả nhà đều thất học, ko nói được tiéng Campuchia
Đoàn chúng tôi đi khoàng hơn 20 người, dẫn đầu là Thầy Hiệu Trưởng, với những phần quà được chuẩn bị sẵn từ VN: mì gói, nước suối, sách, vở và 1 ít tiền mặt để đến thăm trường học trên Biển Hồ. Trường là 2 cái bè lớn( nghe nói là do Quân khu 7 giúp đỡ) với khoảng 5-6 lớp học nhỏ dạy từ lớp 1 đến lớp 5, do các Thầy Cô từ VN tình nguyện sang dạy cho con em VN, điều kiện học tập thiếu thốn sách vở, phòng ốc vào mùa nóng thì quá nóng, mùa mưa thì ko an toàn, nhìn cảnh này ai cũng thấy sót xa...
Đoàn chúng tôi được Thầy giáo VN tiếp đón rất niềm nở, chúng tôi được mời ăn khoai mì luộc và tép Biển Hồ, sau chuyến đi trong lòng tôi có rất nhiều ưu tư...
“A single beam cannot support a great house.” Chinese Proverb
Hình đại diện của thành viên
Lê Thị Hồng Nga
 
Bài viết: 82
Ngày tham gia: Thứ 4 18/09/13 15:44
Cảm ơn: 6 lần
Được cám ơn: 10 lần

Re: Tính bảo lưu văn hóa của người Việt tại Biển Hồ - Campuc

Gửi bàigửi bởi LuuTuanAnh » Thứ 5 14/08/14 0:40

Em nghe chị Lê Thị Hồng Nga kể mà thấy ham quá, giá mà mình cũng được đi như vậy. Mà chị ơi, cho em hỏi chút, món khoai mì luộc mà chị được ăn có kèm theo món chấm là gì vậy chị (muối mè, muối ớt, muối tiêu...)?, tép Biển Hồ lúc đó thế nào chị?, hi hi, em tò mò chút cho câu chuyện thêm hấp dẫn, hi hi.
Hạnh phúc khi tôi được ngắm nhìn ...

Lưu Tuấn Anh
刘俊英
りゅうとしひで (劉俊英)
RANDOM_AVATAR
LuuTuanAnh
 
Bài viết: 154
Ngày tham gia: Thứ 6 04/01/08 17:55
Cảm ơn: 26 lần
Được cám ơn: 11 lần

Re: Tính bảo lưu văn hóa của người Việt tại Biển Hồ - Campuc

Gửi bàigửi bởi Lê Thị Hồng Nga » Thứ 7 16/08/14 21:29

Nghe Tuấn Anh hỏi về chuyện ăn uống là biết em cũng ham ăn và ham chơi giống chị rồi, he he
Lúc đó chị ăn khoai mì luộc chấm muối mè, có người chấm ăn chung với tép luôn, vì đó là tép kho nên có vị mặn, ăn chung với khoai mì cũng rất lạ miệng
Tép Biển Hồ là tép thiên nhiên ( ko phải tép nuôi) nên thịt rất chắc, ăn ngon hơn tép mà chị mua ngoài chợ, nhưng lúc đó có lẽ nhiều người cũng cảm thấy vị đắng, vị cay, vị mặn, vị ngọt... vì tình thương với Thầy Trò của trường học VN trên Biển Hồ...
Thực ra Tuấn Anh không cần ước đâu, những tour du lịch bây giờ thiết kế hầu như đều có chương trình tham quan Biển Hồ, gặp gỡ bà con Việt kiều Campuchia, tuy nhiên việc đến thăm trường VN và làm từ thiện thì cũng tùy tour có tour không
Nếu muốn lớp mình cũng tổ chức 1 chuyến đi như thế, du lịch bụi cũng được, càng có nhiều trải nghiệm hơn, lúc đó chị sẽ là người đăng ký đầu tiên đó em
“A single beam cannot support a great house.” Chinese Proverb
Hình đại diện của thành viên
Lê Thị Hồng Nga
 
Bài viết: 82
Ngày tham gia: Thứ 4 18/09/13 15:44
Cảm ơn: 6 lần
Được cám ơn: 10 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron