GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CHIẾC XÍCH LÔ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CHIẾC XÍCH LÔ

Gửi bàigửi bởi lehang » Thứ 2 14/04/08 16:07

GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CHIẾC XÍCH LÔ

Xích lô xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 40 của thế kỷ trước và lưu hành cho đến ngày nay. Không bàn sâu về nguồn gốc của xích lô, trong giới hạn của bài viết ngắn này, người viết chỉ muốn điểm lược một vài giá trị nhân văn đang có ở chiếc xích lô trong xã hội đã và đang sử dụng nó.

Nhắc đến xích lô, người ta liên tưởng ngay đến hình ảnh một người đàn ông còng lưng dấn bàn đạp để chạy, phía trước là một hoặc hai người ngồi chễm chệ trên xe ngó nghiêng, tán gẫu… Lập tức, trong đầu của chúng ta sẽ không có thiện cảm với người ngồi trên xe. Đa phần đều như vậy và có phần thương cảm lẫn xem thường người hành nghề này vì cho rằng đó không phải là một nghề cao quý.

Nhưng có ai chịu bỏ thời gian ra để suy ngẫm rằng chính những người ngồi phía trước là ân nhân của các bác chạy xích lô, bởi vì họ chịu đi xe này thì các bác mới có người để chở, mà có chở thì mới có tiền để nuôi sống gia đình. Ai cũng ngại ngùng không chịu chọn đây làm phương tiện đi lại thì các bác xích lô lấy gì nuôi vợ con? Có ai thống kê có bao nhiêu trí thức, nhân tài của đất nước được trưởng thành nhờ vào những vòng lăn của chiếc xích lô cũ kỹ, quê kệch kia? Cuộc sống thì muôn mặt và mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Trong số những người hành nghề này, ngoài những người không có điều kiện học hành, lại không có nghề chuyên môn trong tay phải chọn nghề đạp xích lô làm kế sinh nhai; còn có những người là trí thức của chế độ cũ, sau khi học cải tạo về không tìm được việc làm thích hợp, đôi khi họ là các sinh viên nghèo ở tỉnh lên Sài Gòn đi học do sinh hoạt đắt đỏ phải lấy sức lao động làm thêm ngoài giờ để trang trải chi phí (mà mướn xích lô để chạy là tự chủ thời gian nhất và nếu gặp khách là người nước ngoài thì lại càng có điều kiện để trau dồi ngoại ngữ. Tốt quá đi chứ). Vậy thì, đạp xích lô không có gì để mặc cảm, vì đó là một nghề lương thiện.và chiếc xích lô là phương tiện kiếm sống của nhiều gia đình. Trước tiên xích lô có giá trị kinh tế.

Ngoài chở người, xích lô còn có thể chở hàng hóa. Có thể nói, xích lô trong suốt thời gian dài từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước cho đến khoảng đầu thế kỷ XXI, nó là phương tiện giao thông mang lại hiệu quả cao trong xã hội. Ngày nay, khi trong các thành phố lớn bị quá nhiều ô nhiễm của khí thải và tiếng ồn, thì việc những chiếc xích lô lưu thông trên đường lại gợi nên cảnh êm ả, trong lành hơn làm cho chúng ta dễ chịu hẳn. Thế thì xích lô có một giá trị thứ 2, đó là giữ gìn môi trường sống cho con người.

Tại các thành phố lớn, chúng ta còn thấy hình ảnh của các du khách nước ngoài dạo phố trên những chiếc xích lô, và lúc bấy giờ, các bác xích lô nhà ta lại trở thành những phiên dịch, những hướng dẫn viên, những đại sứ bất đắc dĩ cùng giao lưu trực tiếp với du khách. Cứ nhìn vẻ mặt vui cười, thoải mái của du khách chúng ta thấy được sự thành công của bác xích lô: vì ngoài việc có thu nhập, các bác trở thành cầu nối giữa người Việt với các du khách. Tâm lý của khách nước ngoài là muốn hưởng không khí trong lành và tìm hiểu về đất nước, con người tại nơi mà họ đặt chân đến viếng thăm, việc cùng hòa nhập với cộng đồng bản xứ qua cách trực tiếp tiếp xúc với giới bình dân và là điều làm cho họ rất thích thú. Thế đấy, xích lô có một giá trị khác, tạo điều kiện làm cầu nối giữa dân tộc Việt với các dân tộc khác trên thế giới. Và các bạn biết không, chiếc xích lô đã từng làm nhiệm vụ của xe cứu thương trong suốt thời gian dài của thế kỷ trước, vì hồi ấy tacxi và xe Honda ôm đâu có nhiều như bây giờ, nên xích lô là phương tiện chuyển bệnh của nhiều bệnh nhân chọn cho mình, và như vậy có những sinh linh bé nhỏ đã ra đời bất đắc dĩ trên chiếc xích lô

Hình thức của chiếc xích lô với 3 bánh xe lăn tròn trên đường khi vận hành cũng gợi cho chúng ta suy nghĩ về vòng đời của mỗi con người. PGS.TS. Phan Thu Hiền đã chẳng từng nhấn mạnh về triết lý luân hồi với hình ảnh vòng bánh xe quay tròn, quay tròn là gì? Đúng như thế đấy các bạn ạ! Các bạn cứ suy ngẫm đi để rồi thấy rằng cuộc đời của mỗi chúng ta như vòng quay của bánh xe, điểm cao nhất cũng có lúc trở thành điểm thấp nhất và ngược lại; thế thì không có gì để chúng ta phải buồn rầu khi gặp thất bại và cũng không có gì để chúng ta phải quá tự hào khi thành công trước mắt. “Trong rủi có may và trong may có rủi” là chuyện bình thường trong cuộc sống. Lại thêm một giá trị nữa từ chiếc xích lô: triết lý sống.

Hình thức của chiếc xe còn là cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ …. Chiếc xích lô mặc dầu không hề hiện đại, nhưng nó đã đi vào trong tâm khảm của những người Việt xa xứ, là nỗi tự hào của con trẻ khi được ngồi trên đó rong ruổi trên đường ngắm phố chợ, là một hình ảnh không thể phai nhòa ở những ai đã từng sống ở các thị tứ Việt Nam trong thế kỷ XX. Người viết bài này cũng mang tâm trạng như thế và bùi ngùi biết bao khi nghĩ rằng vì lý do nào đó mà xích lô không còn chạy trên đường phố Sài Gòn? Ôi, mong sao ngày ấy đừng có xảy ra. Thế đấy, xích lô có giá trị tinh thần với nhiều người và là hình ảnh khó quên trong ký ức của thị dân.

Cũng cần nói thêm chiếc xích lô có nguồn gốc xuất phát khác hẳn so với moto, ô tô, xe đạp (do phương tây thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, máy móc, thiết bị), còn xích lô hoàn toàn có nguồn gốc made in Vietnam, do người Việt Nam thiết kế và sử dụng. Trong mấy thập niên qua, xích lô vẫn còn được khách hàng tín nhiệm và ưa chuộng, ngoài khách bình dân trong nước, bây giờ còn có thêm khách hàng mới: khách du lịch là người nước ngoài. Xích lô có thêm một giá trị khác: giá trị lịch sử.

Tóm lại, cho dù có quê mùa, thô sơ đến đâu đi nữa thì chiếc xích lô cũng đã và đang có ích cho con người, cho cộng đồng với những đóng góp thầm lặng của nó. Nhưng suy cho cùng, cái gì cũng có 2 mặt: ưu & khuyết; người viết cố tình nhìn những mặt tích cực của chiếc xích để đề cao những giá trị mang tính nhân văn đang tồn tại trong nó mà không đề cập đến một số hạn chế của chiếc xích lô. Rất mong được các bạn bổ sung ý kiến để bài viết thêm phần phong phú.
RANDOM_AVATAR
lehang
 
Bài viết: 111
Ngày tham gia: Chủ nhật 23/12/07 17:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CHIẾC XÍCH LÔ

Gửi bàigửi bởi Ton Nu Thuy Duong » Thứ 2 14/04/08 22:48

Theo em thì xích lô mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam một phần không thể thiếu trong các tour du lịch Việt Nam đó chính là ngồi trên một chiếc xich lô được đạp một cách chậm rãi để ngắm cảnh phố phường, người nước ngoài rất thích xich lô thì tại sao người Việt mình lại không yêu hình ảnh xich lô được nhỉ? Hình ảnh từng đoàn dài xích lô chở khách nước ngoài đi tham quan thành phố đem lại cho ta một niềm tự hào đặc biệt, năm ngoái còn có lễ hội xích lô được diễn ra hết sức trang trọng tại thành phố Huế, những chiếc xích lô chở những người đẹp trong tà áo dài VN diễu hành qua cầu Tràng Tiền là những hình ảnh không thể nào quên ,không chỉ trong lòng người VN, mà cả những khách du lịch quốc tế. Có thể xem đấy như một ngày lễ, hội tôn vinh những chiếc xích lô và đặc biệt chính là tôn vinh những bác tài xích lô. Những người đã gắn bó với chiếc xích lô và dùng nó như một công cụ kiếm sống hàng ngày. Không có gì phải mặc cảm với nghề nghiệp gắn liền chiếc xích lô cả vì như
lehang đã viết:cho dù có quê mùa, thô sơ đến đâu đi nữa thì chiếc xích lô cũng đã và đang có ích cho con người, cho cộng đồng với những đóng góp thầm lặng của nó.

Hình ảnh
Every path has its paddle !
RANDOM_AVATAR
Ton Nu Thuy Duong
 
Bài viết: 24
Ngày tham gia: Thứ 4 27/02/08 22:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CHIẾC XÍCH LÔ

Gửi bàigửi bởi HenTu » Thứ 4 16/04/08 11:02

Mình đồng ý với những nhận định về xích-lô như đã nói. Có một cái gì đó thân thương lắm khi nói đến xích-lô mà mỗi người VN cảm nhận đươc...
Và còn có cả mot bộ phim về xích-lô nữa: Hình ảnh
RANDOM_AVATAR
HenTu
 
Bài viết: 73
Ngày tham gia: Thứ 6 14/12/07 21:20
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến11 khách