GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 5 25/10/07 23:50

TỪ CHUYỆN GS. CAO XUÂN HẠO VÀ ĐÀI TRUYỀN HÌNH VTV,
BÀN VỀ VĂN HOÁ TANG LỄ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
(Đại học Quốc gia Tp. HCM)


Hình ảnh
GS. Cao Xuân Hạo (ảnh: T.N.Thêm)


Đây là version 2 của bài viết về GS. Cao Xuân Hạo và đài VTV
(sau khi thẩm tra lại các chi tiết và suy nghĩ thêm về khía cạnh văn hoá học của vấn đề)



I- SỰ KIỆN


Chiều 24-10-2007 vừa qua tôi đi viếng GS. Cao Xuân Hạo về. Lòng thấy buồn. Phần buồn vì thương tiếc Anh. Phần buồn vì suy nghĩ lan man quanh chuyện “văn hoá tang lễ”.

Số là, sau khi vào viếng GS. Cao Xuân Hạo ra, PGS.TS. Hoàng Dũng (một thành viên của Ban tang lễ) đã kể cho tôi nghe câu chuyện về “bếp núc” của tang lễ này.

Chuyện rằng, hôm trước anh - Hoàng Dũng - mang giấy báo tử và bản tin buồn về sự ra đi của GS. Cao Xuân Hạo do Ban tang lễ và gia đình soạn thảo tới Văn phòng đại diện Đài truyền hình VTV để liên hệ đăng cáo phó.

Sau khi xem xong hai thứ giấy tờ, cô nhân viên tiếp khách băn khoăn hỏi: “Thưa bác (PGS.TS. Hoàng Dũng tuy chưa già, nhưng tóc đã bạc trắng cả), bác còn thứ giấy tờ nào nữa không?”

“Tôi không hiểu - PGS. Hoàng Dũng trả lời – tôi nghĩ hai thứ giấy này và danh tiếng của GS. Cao Xuân Hạo đã là quá đủ. Ý chị muốn hỏi loại giấy nào?”

“Cháu muốn nói đến giấy chứng nhận 45 năm tuổi Đảng. VTV chỉ đăng cáo phó cho những người có 45 năm tuổi Đảng (trở lên?). Bác không biết chứ, mỗi phút lên hình ở đài cháu là tiền cả đấy. Nếu bác đăng quảng cáo thì phải tốn 25-30 triệu, còn nếu có giấy chứng nhận 45 năm tuổi Đảng thì chỉ mất có 300 nghìn đồng thôi”.

Một vị giáo sư đến viếng có mặt lúc đó bèn cho biết thêm là mấy tháng trước, khi PGS.TSKH. Nguyễn Hữu Đức - một nhà toán học, đương kim Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt - qua đời, Trường đại học Đà Lạt đã không thể đăng tin buồn trên VTV cũng vì chính cái quy định 45 năm tuổi Đảng đó, nên đành phải đăng cáo phó trên Đài truyền hình Hà Nội để bạn bè và đồng nghiệp trên đất Bắc biết tin.

PGS.TS. Đặng Ngọc Lệ, một thành viên khác trong Ban tang lễ GS. Cao Xuân Hạo cũng thông tin rằng vừa trong tuần trước, ông Trần Duy Châu, một cán bộ giảng dạy văn học lâu năm, nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, 58 tuổi Đảng, đã không thể đưa lên Nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức, mà phải đưa về Củ Chi, vì có quy định là Nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức chỉ dành cho những người có 60 năm tuổi Đảng, mà ông Châu thì còn thiếu tới 2 tuổi!

Nghe chuyện, mọi người (mà toàn là các nhà trí thức cỡ “nhỡ” trở lên cả) chỉ còn biết lắc đầu.


II- BÀN LUẬN


Tôi hiểu rằng VTV là Đài truyền hình trung ương, phát sóng cả nước. Không thể bất kỳ ai đưa cáo phó đến cũng nhận đăng được. Nếu thế có mà phải thành lập riêng một kênh chuyên đăng cáo phó! Thành thử, phải đặt ra nguyên tắc phân loại. Chọn những người có 45 năm tuổi Đảng chính là một nguyên tắc phân loại như thế. Vấn đề chỉ còn là nguyên tắc phân loại ấy có hợp lý hay không mà thôi.

Mới nghe qua, thì thấy rất ổn. Những đảng viên lâu năm và cán bộ cao cấp được ưu tiên là phải.

Song nếu nghĩ kỹ sẽ thấy không ít điều bất ổn trong đó.

Điều bất ổn thứ nhất là ở chỗ nguyên tắc phân loại này phát huy một nét xấu của văn hoá truyền thống Việt Nam hình thành từ thời phong kiến đến nay – đó là tính đẳng cấp.

Thời phong kiến, đẳng cấp vua chúa quý tộc luôn nắm mọi độc quyền ưu tiên trong xã hội.

Thời kỳ bao cấp, cái tính đẳng cấp mà cha ông chúng ta đã làm cách mạng để cố gắng xoá bỏ ấy vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức như quyền cấp phát nhà ở (biệt thự hay chung cư), quyền cấp xe volga (đen hay trắng), tem phiếu thực phẩm (mua ở cửa hàng Tông Đản - một cửa hàng chuyên bán thực phẩm cho cán bộ cao cấp ở phố Tông Đản, gần Ngân hàng Trung ương, Hà Nội - hay cửa hàng phường xóm), v.v. Cùng với đời sống khá lên, tem phiếu thực phẩm đã từ lâu không còn. Quyền cấp phát nhà gần như cũng đã chấm dứt. Quyền cấp xe riêng thì vẫn còn, nhiều vị đã nghỉ hưu rồi mà vẫn khư khư giữ cái xe đen mà nhất định không chịu trả; tuy nhiên cũng thấy đang đưa ra bàn thảo là hay thôi không cấp xe nữa mà trả vào lương...

Riêng cái chuyện chết, lạ thay, ít thay đổi nhất. Việc phân chia ngôi thứ theo đẳng cấp khi đăng cáo phó, khi chôn cất, hình thành từ thời bao cấp đến nay vẫn còn nguyên vẹn không suy suyển. Đẳng cấp nào thì được đăng cáo phó thế nào; đẳng cấp nào thì được chôn ở đâu (ở Hà Nội là nghĩa trang Mai Dịch hay Văn Điển, ở Tp. HCM là Nghĩa trang Thủ Đức hay Củ Chi). Phải chăng vì người Việt ta quá coi trọng cái chết (đến mức không thể nào thay đổi được), hay ngược lại là quá coi thường cái chết (đến mức xem là không đáng bận tâm chuyện thay đổi)? Hay đơn giản là vì người đã chết rồi thì đâu có thể đấu tranh cho mình được nữa; còn người sống thì đang lúc tang gia bối rối, dễ tặc lưỡi cho qua, khi tang lễ đã xong rồi thì còn nói làm gì nữa!

Điều bất ổn thứ hai là ở chỗ nguyên tắc phân loại theo đẳng cấp này đi ngược lại một nét tốt đẹp của văn hoá tang lễ truyền thống là tính dân chủ: người Việt Nam bảo nhau: “chết là hết”, quan chức hay phó thường dân rồi cũng trở thành cát bụi, ghen đua kèn cựa mà làm gì. “Nghĩa tử là nghĩa tận” – mọi lỗi lầm gì cũng được (ít nhất là tạm thời) bỏ qua để cư xử với người chết một cách nhân ái, yêu thương nhất.

Điều bất ổn thứ ba là ở chỗ nguyên tắc phân loại theo đẳng cấp này đã vô tình duy trì một nét xấu của văn hoá truyền thống Việt Nam là tính cào bằng: văn hoá nông nghiệp là văn hoá trọng tĩnh, đã lọt vào đẳng cấp nào là yên vị ở đẳng cấp đó, chứ ít khi bị xáo trộn, thay đổi. Quan chức có lỗi thường không bị kỷ luật mà được “chuyển ngang” hoặc “đá lên”. Nó không khuyến khích sự phát triển là cái rất cần thiết cho xã hội Việt Nam hiện đại.


III- GIẢI PHÁP


Trước cái chết, tốt nhất là ứng xử sao cho bình đẳng, dân chủ theo phương châm “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Song nếu cứ phải lựa chọn, phân loại thì hãy lựa chọn, phân loại sao cho khuyến khích phát triển.

Không ai chối cãi được rằng VTV là Đài truyền hình của Nhà nước - một nhà nước XHCN của dân, do dân, vì dân. Do vậy nếu phải lựa chọn để đăng cáo phó thì không nên lựa chọn một đẳng cấp, một tầng lớp, mà là phải chọn những người có công với nhân dân, đất nước. Lựa chọn một đẳng cấp, một tầng lớp là lựa chọn tĩnh, nó hướng đến sự ổn định, còn lựa chọn người có công là lựa chọn động, nó hướng đến sự phát triển.

Ai là người có công với nhân dân, đất nước? Có phải những người có 45 năm tuổi Đảng không?

Xin thưa: không phải. 45 năm tuổi Đảng là rất đáng quý. Nhưng đó chỉ là chuyện “thâm niên” (đánh dấu thâm niên đó, đã có huy hiệu và giấy chứng nhận). Mà “thâm niên” thì không phải là thành tích: Một người có 45 năm tuổi Đảng rất có thể là một người có công với nhân dân, đất nước; nhưng cũng có thể là một người chẳng có gì ngoài cái thâm niên 45 năm tuổi Đảng ấy!

Các các cán bộ cao cấp có phải là người có công với nhân dân, đất nước hay không? Thường là như vậy, nhưng không phải lúc nào, với ai cũng là như vậy. Có những người rất hiền lành, giao lá cờ nào thì giữ lá cờ ấy nhưng không phất; khi bị nhân dâu truy hỏi, Quốc hội chất vấn thì nói quanh co hoặc chống chế rằng tôi bất lực, tôi không làm được gì là do lỗi của cơ chế (gần đây có từ mới là “lỗi hệ thống”), tôi vô can! Còn với những cán bộ có lỗi lại được chuyển ngang hoặc “đá lên”, tệ lắm là cho “hạ cánh an toàn”, thì càng không thể nói là có công với nhân dân, đất nước được. Không phải ngẫu nhiên mà một hai năm nay báo chí hay nói bóng gió đến việc quan chức Việt Nam chưa học được “văn hoá từ chức”!

Có lẽ, chỉ có hai loại có thể xem là “có công”:

Thứ nhất là các anh hùng trong chiến đấu và lao động, những người được nhận những giải thưởng của nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Các cán bộ cao cấp cũng phải được phong anh hùng, được trao giải thưởng thì mới xem là người có công lớn được. Các nhà lãnh đạo cao cấp (cao hơn khái niệm “cán bộ cao cấp”) của Liên Xô trước đây, không phải ai cũng có huân chương Lênin.

Thứ hai là các nhà hoạt động văn hoá, khoa học có tác phẩm, công trình, tên tuổi được thừa nhận trong và ngoài nước.

Trở lại chuyện GS. Cao Xuân Hạo, tôi cho rằng ông là một nhà khoa học như thế. Tên tuổi ông được khẳng định bằng sách vở cả trong nước và ở nước ngoài. Mở cỗ máy tìm kiếm http://www.google.com ra, sẽ thấy tên “[google]Cao Xuân Hạo[/google]” được nhắc tới khoảng 9.300 lần. Không nghi ngờ gì, ông xứng đáng được đăng cáo phó ở Đài truyền hình Trung ương. Không nói, ai cũng biết giữa 15’ dành cho chương trình “Tạm biệt Vàng Anh” đầy tai tiếng và tốn kém với 1’ đăng cáo phó cho một nhà khoa học tên tuổi, việc nào đáng làm hơn!

Nhà đài cũng nên xem lại cái giá 30 triệu với 300 ngàn. Chênh lệch vật chất lớn quá rất dễ sinh ra đặc quyền đặc lợi, sinh ra tham nhũng. Có công thì được thuởng. Có việc thì phải bỏ tiền ra. Trong nền kinh tế thị trường này, mọi thành phần kinh tế nên bình đẳng như nhau. Có như vậy thì đất nước mới phát triển được. Nếu vì chỉ có một đài trung ương mà nhu cầu lớn quá thì có lẽ cũng nên chấp nhận cho mở đài truyền hình tư nhân. Nhà nước cần vượt qua cái mặc cảm lúc nào cũng lo lắng về an ninh chính trị. Trước đây, ta cấm “nghe đài địch” (thời những năm 60-80, một cái đài bán dẫn cũng phải đăng ký để quản lý); nay không nhắc đến cấm đoán đó nữa, ai nghe BBC thì cứ nghe, có thấy sao đâu, ngoại trừ việc nhận thức và trình độ dân trí tăng lên. Hoàn toàn có thể cho mở đài truyền hình tư nhân với điều kiện chỉ cho chuyên về giải trí, quảng cáo (và đăng cáo phó, tất nhiên). Lúc có đối thủ cạnh tranh nguồn quảng cáo, chắc hẳn VTV sẽ bớt độc quyền hơn, sẽ làm việc tốt hơn và có trách nhiệm cao hơn trước nhân dân và đất nước.

-----------------
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi congtudatinh » Thứ 6 26/10/07 13:58

Tôi rất ngạc nhiên vì đọc được chuyện trên và không hiểu đài truyền hình VTV có suy nghĩ gì về việc làm quá mức bàng quan và thủ tục quan liêu, thậm chí có thể nói là thiếu hiểu biết về một nhà khoa học đã cống hiến nhiều như Gs. Cao Xuân Hao.Đài VTV cần xem lại những quy định không hợp lý của mình và đặc biệt là đối với các nhà khoa học và mong rằng sắp tới sẽ không có chuyện tương tự như vậy xảy ra.
RANDOM_AVATAR
congtudatinh
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 6 20/07/07 6:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Chết qủa thật không là hết!

Gửi bàigửi bởi CUHUYEN » Thứ 6 26/10/07 22:49

Đọc bài này của giáo sư Trần Ngọc THêm, thấy quả thật, chết nhiều khi không “là hết”.
Từ sự ra đi của Thầy Cao Xuân Hạo, bài viết đã động đến quá nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử của người Việt. Thầy Hạo ra đi, chắc cũng sẽ buồn khi biết rằng sự chia xa của thầy với cuộc đời này đã góp phần làm ra đời một bài viết như thế này. Bởi thầy vốn rất hiền lành, chắc không muốn chuyện của riêng mình làm ảnh hưởng đến một ai đó. Tuy vậy, bài viết lại thật sự cần cho những người ở lại.
Có vẻ như cái gốc của mọi vấn đề nằm phần nhiều (hoặc tất cả) là ở sự nhận thức. Cô nhân viên tiếp nhận thông tin quảng cáo – thông báo ở đài truyền hình có lẽ không biết thầy, không được học thầy. Các nhân viên có mặt hôm ấy, hoặc sếp trực tiếp của họ cũng thế…
Chứ quy định nào thì cũng có những ngọai lệ. Nếu nghe về thầy, biết đến thầy, hoặc được học thầy, dù chỉ một ngày, chắc là họ đã không ứng xử như vậy! Ở các đài truyền hình Việt Nam hiện nay, từ trung ương đến địa phương, tiền triệu được tính theo từ giây. Thế nhưng họ vẫn có thể dành ngọai lệ cho nhiều trường hợp chục triệu, trăm triệu, chứ một phút cho thầy chắc là không quá khó. Nhưng tiếc thay, họ đã không nhận ra thầy! Mà cái sự nhận thức không tới kiểu đó, là bệnh trầm kha với Việt Nam mình. Nếu đọc được bài viết này, các trí thức ở đài truyền hình Việt Nam như Tiến sỹ TRần Đăng TUấn, hay các quan chức như đồng chí Vũ Văn Hiến chắc là đau hết cả mình mẩy...
Còn chuyện đài truyền hình tư nhân hay nói chung là báo chí tư nhân, thì về thực chất, không ai nói to, nhưng tư nhân, các tập đòan lớn đã thao túng lâu rồi… Nhưng mà, rất nhiều khả năng là có tư nhân hóa báo chí rồi, thì cũng sẽ không có nhiều đài truyền hình “nhận ra” người thầy đáng kính của chúng ta để có ứng xử hợp lý hợp tình.
Buồn thay! Buồn vì sự ra đi của thầy, một trí tuệ, một nhân cách lớn. Và buồn vì một hành vi ứng xử làm tổn thương đội ngũ trí thức Việt Nam.
Nhưng sẽ tìm thấy sự an ủi khi trong hàng chục blog Việt, những bài viết sâu sắc về thầy đã xuất hiện ngay sau khi báo Tuổi trẻ đưa tin buồn này!
RANDOM_AVATAR
CUHUYEN
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 5 01/11/07 0:25

Tôi có nhận được bức thư sau đây từ TS. Phạm Văn Tình (Hà Nội). Được sự đồng ý của tác giả, xin trích giới thiệu cùng các bạn:

2007/10/27, Pham Van Tinh <favatin@yahoo.com>:

Thay Them kinh,

Em doc bai cua thay ve Tang le GS Cao Xuan Hao ma het suc ngac nhien va het suc bat binh. Thuc ra, khong chi qua chuyen nay, ma qua nhieu su viec khac, cac co quan bao chi cua ta (nhat la o mien Bac) van con giu thai do cua quyen, thieu ton trong nguoi khac (dung ra la thieu ton trong nhan dan). Ho cu lam nhu ho dung tren tat thay va co quyen lam nhung gi ma ho cho la dung. Nhung ngam cho ki, VTV lam nhu vay cung do mot quy dinh do co quan chu quan (hay do cac co quan co tham quyen) dat ra bat ho phai tuan thu. Ho co muon khac cung khong duoc (Ăn cơm chúa phải múa tối ngày mà. Ong Tong giam doc ma tu tien lam theo y minh thi chang chong thi chay ong ta se bi mat ghe). VTV can lang nghe du luan, can co tinh than cau thi de chi it co su thay doi can thiet trong cung cach ung xu cua minh.

Bai viet cua thay rat hay, rat dung va dong cham toi nhieu van de khac nua. Do la van de van hoa ung xu trong doi song xa hoi hien nay. Thai do phan chia cac dac an, bong loc, thuc chat la phan chia dang cap. Dung la muon dat nuoc phat trien, doi hoi nhieu tang lop trong xa hoi dong gop. Dau chi co quan chuc va dang vien? Ho cung rat dang tran trong. Nhung hon 82 trieu nguoi lao dong tren moi linh vuc cung dang tran trong chu sao? Xa hoi phan cong, moi nguoi mot viec, co phai ai cung lam lanh dao ca dau. Va co phai cu dang vien moi la tot ca dau...

Em doc bai cua thay ma thay minh buon toi hai lan buon. Buon truoc su ra di cua GS Cao Xuan Hao, buon ve nhan tinh the thai truoc mot nha khoa hoc tai danh nhu the. Voi nuoc Phap, mot nhan vat nhu Cao Xuan Hao xung dang dat vao Dien Pantheon.

Em gui thay 2 bai viet. Mot bai cua em ve Cao Xuan Hao (bao Tuoi Tre da dang nhung cat di qua nhieu). Mot bai tho cua Tran Dang Khoa luan ve cai chet (O Nghia trang Van Dien).
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Ở Nghĩa trang Văn Điển

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 5 01/11/07 0:27

Ở Nghĩa trang Văn Điển

Trần Đăng Khoa


Người nổi tiếng và người không nổi tiếng
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều lạnh tanh trong hương gió heo may

Ơi thiên nhiên công bằng và nhân hậu
Những so le người sắp lại cho bằng
ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng…

Những bia mộ thẳng hàng im lặng quá
Có ai hay mang hồn của bao người
Vẫn bời bời bao nỗi niềm tâm sự
Mà bây giờ có lẽ vẫn chưa nguôi

Này em bé, em chưa đầy một tuổi
Tưởng còn nghe tiếng em khóc oa oa
Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này thôi thế đã đi qua

Kìa em gái xinh tươi mười chín tuổi
Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì?
Chiếc áo hoa chờ em vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi

Này bác, này anh, này cô, này bạn…
Thương nỗi gian nan theo suốt cuộc đời người
Nên bia mộ quanh năm vẫn ấm
Và mùa đông ngọn cỏ vẫn lên tươi

Trời thật rộng vô cùng, đất thật rộng vô cùng
Bởi khoảng trống mỗi con người để lại
Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng dáng vóc họ thôi
Mà cả dãy Hoàng Liên không sao che lấp

Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
Lòng lắng nghe bao tâm sự gần xa
Tôi không tin con người là ảo ảnh
Và cuộc đời là một thoáng giữa sân ga

Nhưng khoảng sống của mỗi người quả là có hạn
Có trái chín rụng rồi hạt không nảy mầm đâu
Hãy thương yêu nhau và sống cho có ích
Đó là lời hàng mộ bia nói với vạn đời sau…
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 5 01/11/07 0:29

GS Cao Xuân Hạo: Một trái tim đập mãi cùng tiếng Việt

TS Phạm Văn Tình


Ai đã từng quan tâm và say mê văn hóa đọc, hẳn phải biết tới một cái tên rất quen thuộc: Cao Xuân Hạo. Ông không chỉ là một dịch giả tài ba mà còn là một nhà Việt ngữ học uyên bác. Ông đã tham gia dịch hàng vạn trang sách và cũng đã công bố hàng vạn trang trước tác. Song, điều đáng nói là ông đã để lại dấu ấn rất đậm nét về một phong cách viết và phong cách ngôn từ đặc biệt, mang hồn vía văn hóa Việt. Là Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN, Phó Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, dù tuổi cao, GS Cao Xuân Hạo đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển Việt ngữ học. Tiếc thay, ông đã lâm bệnh đột ngột và từ trần hồi 19h40’ ngày 16-10-2007 tại TP Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi.

Sinh ngày 30-7-1930, quê gốc Diễn Châu, Nghệ An, là con trai trưởng của học giả Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo có những lợi thế nhất định về tư chất và truyền thống dòng tộc.. Nhưng tuổi thơ của ông cũng không lấy gì làm suôn sẻ. Ông vẫn đùa, rằng “mình là dân cá gỗ, ông đồ gàn”. Thực tế, đường học hành công danh của Cao Xuân Hạo khá lận đận. Ông lớn lên trong chiến tranh loạn lạc nên tuy được gia đình cho ăn học tử tế nhưng lại thất thường, đứt đoạn. Ông thừa nhận việc mình đăng kí vào học một ngành khoa học xã hội chẳng phải vì có năng khiếu đặc biệt gì mà “vì tôi dốt toán lắm”. Cao Xuân Huy, một nhà Nho nhưng có cốt cách một nhà hiền triết phương Đông, lại như một cái bóng quá lớn che rợp suốt một quãng đời cậu con trai Cao Xuân Hạo.

Thế nhưng ngẫm lại, người ta mới thấy rằng cuộc đời và sự nghiệp của Cao Xuân Hạo chứa đựng bao nhiêu nghịch lí. Trong đó, có những khoảng đời không bình lặng và có những thời điểm thăng hoa hết sức diệu kì.

Là cán bộ của Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1956, thế mà vì một lí do tế nhị, ông không hề được đứng trên bục giảng. Hơn 20 năm âm thầm, cặm cụi cùng sách vở, thư viện, chàng thanh niên mảnh khảnh kia đã cần mẫn học ngoại ngữ, đọc và dịch một số lượng tác phẩm văn học khổng lồ: hơn 30 ngàn trang sách, chủ yếu từ tiếng Pháp và tiếng Nga. Độc giả hẳn còn nhớ bản dịch để đời cuốn Chiến tranh và hòa bình (4 tập) của Đại văn hào Nga L. Tônxtôi (cùng dịch với Nhữ Thành, tức Phan Ngọc). Và độc giả hẳn cũng còn nhớ các tiểu thuyết Người con gái viên đại úy (A. X. Puskin), Đèn không hắt bóng (Y. Watanabe), Tội ác và hình phạt (F. Dostoievski), Con đường đau khổ (A. Tônxtôi), Nô tì Isaura, Papillon - người tù khổ sai... qua các bản dịch trứ danh của Cao Xuân Hạo. Thông thuộc mấy ngoại ngữ (Pháp, Nga, Trung, Anh) như lòng bàn tay và đặc biệt với mẫn cảm tiếng mẹ để một cách tuyệt vời, Cao Xuân Hạo đã Việt hóa các bản dịch ngoại ngữ tới mức độc giả cảm nhận chẳng khác gì đọc tác phẩm của người Việt. Cho đến nay, hầu hết các bản dịch của Cao Xuân Hạo rất khó có người đi sau vượt qua. Có bao nhiêu ví dụ hết sức sinh động trong quãng đời dịch thuật để ông khái quát nên một chân lí “Dịch rất dễ biến thành phản. Dịch chính xác từng chữ rồi ghép lại theo cấu trúc ngôn ngữ đang dịch là cách tốt nhất để dẫn tới dịch sai hoàn toàn”. Ông ví dụ, có người dịch câu tiếng Pháp Il n’y a pas de soleil ici là “Không có mặt trời ở đây”, dịch thế đúng về cấu trúc nguyên bản nhưng lại diễn đạt không đúng văn phong Việt (Nên dịch: ở đây không có nắng). Hay câu Ôtes - toi de mon soleil bị dịch là “Cúi xin bệ hạ bước ra khỏi mặt trời của kẻ hạ thần”, mà lẽ ra nên dịch là “Tránh ra cho ta sưởi nắng”. Hay câu dịch ra tiếng Việt của một học sinh Bungari (theo đúng thời và thể tiếng châu Âu): “Chỉ tháng trước, những cây đã xanh, mà nay chúng đang vàng”, trong khi người Việt nói đơn giản là “Mới tháng trước, cây cối còn đang xanh, mà nay đã vàng rực”. Cao Xuân Hạo có cả một kho các giai thoại như vậy. Và chính các giai thoại dịch ấy đã làm ông giật mình. Cái giật mình đã khiến một dịch giả như ông trở thành một nhà ngôn ngữ học “chính danh, chính hiệu” một cách hết sức kì lạ.

Chuyên luận Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng (quyển 1) xuất bản năm 1991 (lúc bước qua tuổi 60) của Cao Xuân Hạo đã thực sự gây sửng sốt đối với cả giới ngôn ngữ học. Qua công trình này, người ta thực sự ngạc nhiên về sức đọc, sức cảm thụ và sức viết của ông. Cũng bởi trước khi viết công trình này, Cao Xuân Hạo đã đọc, đã dịch khá nhiều tác phẩm ngữ học của các học giả thế giới ở nhiều lĩnh vực: Nguyên lí âm vị học (N. S. Trubezkoy), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (F. de Saussure), Ngôn ngữ và cấu trúc (A. Martinet), v. v. Thấm nhuần nguyên lí “Ngôn ngữ của loài người có những sự tương đồng rất cơ bản, vì cách con người tri giác và nhận thức thế giới, và từ đó là cách họ tư duy về cái thế giới ấy, về cơ bản chỉ có một... Nhưng những phương tiện mà mỗi ngôn ngữ dùng để diễn đạt cái sở biểu ấy có thể rất khác nhau”.

Phản ứng quyết liệt quan điểm dĩ Âu vi trung (lấy châu Âu làm trung tâm), tự coi mình là một “môn đệ’ của Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo tâm đắc và cổ xúy mạnh mẽ cho lí thuyết về tính hình tiết (morphosyllacisme). Ông viết: “Nếu thuyết ấy đúng, thì có thể rút từ đấy ra một kết luận có ý nghĩa trong tiếng Viêt, tiếng vừa là âm vị, vừa là hình vị, vừa là từ, và nếu ta có thể hình dung một ngôn ngữ Âu châu như một cơ chế hoạt động trên ba cái trục chính - âm vị, hình vị và từ - thì tiếng Việt dường như gộp ba cái trục ấy lại, làm thành cái trục hợp nhất ấy là tiếng. Một cơ chế ngôn ngữ như thế không những không có gì là kỳ quặc, mà còn có phần hợp lẽ hơn một cơ chế kiểu Âu châu”. Từ đây, Cao Xuân Hạo đã đề xuất một phương pháp tiếp cận ngôn ngữ học theo hướng hoàn toàn mới: Giải pháp đúng nhất của ngữ pháp tiếng Việt là phải căn cứ vào chức năng giao tiếp mà phân tích câu thành 2 phần cơ bản Đề và Thuyết. Ông không chấp nhận ngữ pháp theo cấu trúc Chủ - Vị (đang được giảng dạy trong nhà trường hiện nay) mà ông từng giễu cợt là “một thứ ngữ pháp tiếng Pháp cổ lỗ đầu thế kỉ 20, có ví dụ bằng tiếng Việt”.

Dĩ nhiên, quan điểm đó của Cao Xuân Hạo chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, thậm chí có người cho ông là cực đoan, thiếu thực tế. Không ít những cuộc tranh luận xuất phát từ đây, hết sức sôi động, hết sức căng thẳng, và vẫn chưa ngã ngũ. Quan điểm của ông có nhiều người chia sẻ và có không ít người không đồng tình. Bởi lẽ, có nhiều giải pháp tiếp cận một đối tượng chứ đâu chỉ một., mỗi giải pháp có ưu thế riêng và cũng có bất cập riêng. Ngôn ngữ không có “duy nhất đúng” mà cần có sự bổ khuyết (Rằng, trong lẽ phải có người có ta, Nguyễn Du). Nhưng, khoa học đôi khi lại có sự đổi thay chính từ một sự cực đoan nào đó. Thái độ của Cao Xuân Hạo cùng với luận điểm khoa học khó phản bác của ông đã làm cho giới Việt ngữ học phải tiếp tục xem xét, điều chỉnh lại cách miêu tả ngữ pháp tiếng Việt đúng như bản chất nó đang hành chức. Cuốn sách về ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo xứng đáng được coi là một thành tựu, một dấu ấn trong chặng đường phát triển của Việt ngữ học. Bất cứ ai bước chân vào nghiên cứu ngôn ngữ học, cũng có thể thu lượm đươc nhiều điều bổ ích về tri thức cơ bản, về cú pháp học, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu vừa bài bản vừa hiện đại.

Là một người hiểu tiếng Việt, yêu tiếng Việt đến hết lòng, cả đời Cao Xuân Hạo trăn trở vì sự nghiệp phát triển tiếng nói. Cho đến nay, dù mới công bố 6 công trình (riêng và chung) nhưng Cao Xuân Hạo đã để lại trong lòng người đọc bóng dáng của một nhà lí luận tầm cỡ. Lần đầu tiên, một công trình ngữ học 300 trang do ông trực tiếp viết bằng tiếng Pháp (Phonologie et linéarité. Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine) được xuất bản tại Paris (1985) đã làm ngỡ ngàng giới ngôn ngữ học thế giới. Jean-Pierre Chambon - một học giả Pháp - đã phải thốt lên: “Có lẽ chính cái hướng do Cao Xuân Hạo chỉ ra - chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến - mới thật là cái hướng mà ta phải theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại”. Nhận xét như thế kể cũng hơi quá lời, nhưng nó cũng đã phản ánh phần nào ảnh hưởng to lớn của tư tưởng lí thuyết do Cao Xuân Hạo đề xướng.

Dù lí luận hết sức cao sâu, nhưng người đọc vẫn rất thích đọc những trang viết của Cao Xuân Hạo. Ông có biệt tài diễn đạt mọi vấn đề hóc búa, một cách hết sức giản dị, tường minh và rất trong sáng. Ngay cả những người không thích ông, đối lập quan điểm với ông cũng đều bị cuốn hút bởi cách viết mới lạ rất đời thường và cực kì sắc sảo của ông. Tầm tri thức và tầm văn hóa của Cao Xuân Hạo rất rộng. Viết sách đã giỏi, viết báo cũng rất tài, không biết bao nhiêu bài báo của ông đã được đăng trên Văn Nghệ, Kiến thức ngày nay, Ngôn ngữ, Ngôn ngữ & Đời sống, Tuổi Trẻ, Xưa & Nay., Lao Động,... làm mê hoặc lòng người. Ông đã tạo cho riêng mình một phong cách, rất đặc trưng, rất... Cao Xuân Hạo.

Là Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN (từ năm 2000), Phó Tổng biên tập tờ Ngôn ngữ & Đời sống (từ 2001), Cao Xuân Hạo đã góp phần quảng bá tri thức ngôn ngữ học tới đông đảo bạn đọc. Một thời gian dài, dưới bút danh Sái Phu, Cao Xuân Hạo đã cung cấp một số lượng bài lớn cho mục Viết nhịu (Lapsus Calami) trên Ngôn ngữ & Đời sống, với những vấn đề đặt ra cụ thể, qua một giọng văn sắc sảo, hài hước và có giá trị cảnh tỉnh người đọc. Trong nhiều năm, ông đi khắp nơi để truyền thụ quan điểm của mình. Bao nhiêu học trò khắp từ Nam chí Bắc đã trưởng thành nhờ sự chỉ bảo dạy dỗ của ông. Thật tiếc, cuộc sống đã không chiều lòng người. Cách đây dăm năm, ông đã phải nằm một thời gian sau một cơn đột quỵ nhẹ. Nhưng tới lần thứ hai (9-2007) vừa rồi thì ông quỵ hẳn. Người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giữ gìn tiếng Việt ngàn đời đã thở hơi cuối cùng rồi chìm vào giấc ngủ ngàn thu.

Vĩnh biệt GS Cao Xuân Hạo, một nhà ngôn ngữ học mà trái tim đập mãi cùng linh hồn bất diệt của tiếng Việt. Qua ông, người đọc thấy thêm quý, thêm yêu, thêm trân trọng tiếng mẹ đẻ với tất cả nét đẹp ẩn tàng như một vỉa quặng khai thác không bao giờ cạn. Làng ngôn ngữ học đúng là đã mất đi một cây đại thụ. Nhưng bóng mát của tán cây này vẫn sẽ còn, và còn tiếp tục phủ bóng đến mai sau.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

ANH ĐƯỢC YÊU BỞI EM!

Gửi bàigửi bởi CUHUYEN » Thứ 5 01/11/07 20:56

Đã quá nhiều lần, trên những diễn đàn, trong các công trình, trong bao bài giảng, Thầy bộc lộ nỗi âu lo về nguy cơ phá hỏng tiếng Việt thuần chủng. Nhưng khi ông gắng sức đạp ga cho con tàu tiếng Việt tăng tốc đúng đường ray bản sắc thì có quá nhiều người - vô tình hay cố ý - đạp thắng.
Không ít người làm báo, làm truyền thông cũng nằm trong số ấy, dù vô tình hay dốt nát.
Tối qua, tôi được tin ông mất, khi đang xem một bộ phim truyền hình, đoạn quảng cáo chen ngang phần đầu phim vang lên: “Bộ phim được tài trợ bởi…”. Chợt nhớ, có lần GS Cao Xuân Hạo viết: Một câu văn "Tây" đến như “bộ phim được tài trợ bởi P/S” mà còn có người coi là thứ "tiếng Việt trong sáng" thì ngày suy vi của tiếng Việt không còn xa lắm nữa…
Khi ngồi viết những dòng này, tôi thử search trên Google chuỗi ký tự “[google]được tài trợ bởi[/google]”. Trong vòng 0,16 giây, Google tìm ra 76.000 website có sử dụng cụm từ này. Mà đó mới chỉ là trường hợp động từ "tài trợ"!
Không khó khăn gì nếu bạn muốn tìm cấu trúc đó trên các báo in, phát thanh, truyền hình, sách in, blog:
- Dự án này được đầu tư bởi UNESCO
- Nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng thế giới
- Blog này được thiết kế bởi X
Tôi cùng từng nghe có người bắt chước tiếng Anh kiểu "thank you for tea" để nói chuyện "cám ơn anh vì trà"!
GS. Cao Xuân Hạo coi đó là "tiếng Việt bồi".
Ông cũng là người đề xuất nhiều giải pháp đúng đắn cho việc sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt nhưng dường như những tâm huyết ấy chưa thực sự được đón nhận (vì những lý do gì thì thật sự tôi không biết rõ).
Và, “tiếng Việt bồi” mà ông lo ngại, bây giờ từng ngày vẫn còn được phát tán qua truyền thông đại chúng, đi vào trong đời sống sinh hoạt.
Có người đùa rằng, rồi các chàng trai Việt sẽ tỏ tình với một cô gái như thế này "Từ lâu lắm rồi em đã được yêu bởi anh".
Và nếu có thế thật, thì Giáo sư ơi, dưới suối vàng, xin ông tha thứ, vì “anh ta không được dạy bởi thầy”
RANDOM_AVATAR
CUHUYEN
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Về lẽ công bằng và ngoại lệ

Gửi bàigửi bởi HienDam » Thứ 6 02/11/07 20:36

Qua ý kiến của CUHUYEN trong bài “Chết qủa thật không là hết!”, mình thấy bạn là người rất am hiểu bếp núc ngành báo hình này. Tuy nhiên mình cảm thấy ý kiến chính của bạn trong bài này có cái gì đó chưa ổn.
Bạn bảo cái gốc của vấn đề nằm ở sự nhận thức nhưng bạn lại nói nhiều đến việc cần có những người “nhận ra thầy” để ứng xử như một “ngoại lệ”. Nếu vậy thì hình như bạn muốn nói đến “nhận biết” chứ không phải “nhận thức”.

CUHUYEN đã viết:Có vẻ như cái gốc của mọi vấn đề nằm phần nhiều (hoặc tất cả) là ở sự nhận thức. Cô nhân viên tiếp nhận thông tin quảng cáo – thông báo ở đài truyền hình có lẽ không biết thầy, không được học thầy. Các nhân viên có mặt hôm ấy, hoặc sếp trực tiếp của họ cũng thế…

Chứ quy định nào thì cũng có những ngọai lệ. Nếu nghe về thầy, biết đến thầy, hoặc được học thầy, dù chỉ một ngày, chắc là họ đã không ứng xử như vậy! Ở các đài truyền hình Việt Nam hiện nay... tiền triệu được tính theo từng giây. Thế nhưng họ vẫn có thể dành ngọai lệ cho nhiều trường hợp chục triệu, trăm triệu, chứ một phút cho thầy chắc là không quá khó. Nhưng tiếc thay, họ đã không nhận ra thầy! Mà cái sự nhận thức không tới kiểu đó, là bệnh trầm kha với Việt Nam mình...

Còn chuyện đài truyền hình tư nhân hay nói chung là báo chí tư nhân, ... rất nhiều khả năng là có tư nhân hóa báo chí rồi, thì cũng sẽ không có nhiều đài truyền hình “nhận ra” người thầy đáng kính của chúng ta để có ứng xử hợp lý hợp tình.


Đặt vấn đề như vậy hình như là một bước lùi (so với ý của GS. Trần Ngoc Thêm). Bởi vì, một xã hội được quản lý tốt phải vận hành sao cho càng ít dùng đến ứng xử “ngoại lệ” càng tốt. Đất nước ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền. Cái ta cần chính là những luật lệ, những quy định hợp tình hợp lý chứ không phải những "ngoại lệ".

Được như vậy thì sẽ không cần một cô nhân viên phải đi học thầy để nhận ra thầy, rồi thì vận dụng cái quyền “thủ kho to hơn thủ trưởng” (hoặc phải làm đề xuất lên cấp trên xét) để giải quyết cho thầy như một “ngoại lệ”. Liệu các nhân viên có biết được hết các anh hùng, các nhà khoa học lớn, các nhân sĩ lớn, các văn nghệ sĩ lớn.. hay không?

“Ngoại lệ” chẳng qua chỉ là sự ban ơn, là ứng xử theo lối "trọng tình" - một truyền thống của văn hoá Việt, mà vào thời đại ngày nay, nếu chỉ có thế thì chưa đủ.

Còn nếu có luật lệ và quy định hợp lý thì sẽ đảm bảo được lẽ công bằng là cái mà một xã hội dân sự cần phải có.
RANDOM_AVATAR
HienDam
 
Bài viết: 41
Ngày tham gia: Thứ 4 23/05/07 19:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi giaquoc » Thứ 7 03/11/07 15:44

Thêm một giải pháp nữa:
Các bạn trẻ nên vào Đảng sớm!
Thế nên bèn có vè rằng:
Vào Đảng từ thuở còn thơ
Chết năm 46 vờ-tờ-vờ (VTV) mới đăng
Hình đại diện của thành viên
giaquoc
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Chủ nhật 12/08/07 13:06
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi umahum » Thứ 7 03/11/07 16:48

Thương Giáo sư Cao Xuân Hạo quá, giang hồ bèn ngửa mặt lên trời mà than rằng:

Làm văn hoá thuở còn thơ
vì quên vào Đảng, vờ-tờ-vờ (VTV)... nghỉ chơi!!!


Nên, cũng có mấy nhời cùng các bạn trẻ:

Vào Đảng từ thuở còn thơ
46 tuổi Đảng, vờ-tờ-vờ (VTV)... để tang!!!
RANDOM_AVATAR
umahum
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 7 03/11/07 15:54
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron