Hương ước blog

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Hương ước blog

Gửi bàigửi bởi CUHUYEN » Thứ 5 25/10/07 22:07

“HƯƠNG ƯỚC MỞ” CHO LÀNG BLOG VIỆT

Mảnh đất blog Việt mới vỡ hoang gần hai năm. Làng blog ấy chưa có lũy tre, đình làng… thậm chí giống miền Viễn Tây nước Mỹ thời cao bồi, cư dân “nói” với nhau bằng súng. Nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi: Làng blog Việt sắp có hương ước…

Ngôi làng đặc biệt
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, dẫu biết vậy, nhưng có khá nhiều điểm tương đồng giữa công đồng blog Việt với một ngôi làng. Nhưng đây là ngôi làng đặc biệt. Nó hấp dẫn và màu mỡ đến nỗi mỗi ngày đều có thêm hàng trăm cư dân mới đến “lập nghiệp” để làm giàu vốn tri thức cho mình, thoả mãn các nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí của mình. Nó là mảnh đất lấn biển do những con người năng động, đa phần là trẻ tuổi, có tri thức, có điều kiện giao tiếp trên không gian điều khiển… cùng nhau khai phá, đa phần là những người chí thú làm ăn, nhưng cũng có không ít những con sâu cái kiến, những tên trộm cướp, những gã Chí Phèo, những tay cơ hội, những kẻ chống đối đục nước béo cò…
Thiết chế, tổ chức và các quan hệ mới trong ngôi làng ấy đang dần định hình nhưng chưa thực sự rõ nét. Rất đơn giản vì cộng đồng blog Việt cũng như bao cộng đồng blog khác trên thế giới đã và đang hình thành trên không gian Internet, mảnh đất mà ranh giới quốc gia bị phẳng ra trong một thế giới chung và cả cái mảnh đất ấy cũng còn đang trong quá trình hoàn thiện theo hướng mô phỏng các chức năng của cộng đồng xã hội.
Tạm gọi cộng đồng blog Việt là những người khai thác blog và viết blog bằng tiếng Việt, cái ranh giới làng ấy cũng vượt biên giới quốc gia, bởi có những cư dân trong cộng đồng ấy là những Việt kiều, những sinh viên đang du học bên châu Âu, châu Mỹ. Và, trong cái làng blog Việt ấy, không ít kẻ đã ẩn mình dưới nhiều cái mặt nạ mà công nghệ cho phép họ ẩn danh.
Làng blog Việt như một thế giới giang hồ, nhưng đó là một thế giới giang hồ chưa có tôn ti trật tự và chưa phân đẳng cấp, có môn phái tốt, hành đạo cứu người, có môn phái xấu, tà tâm… Giới giang hồ ấy đa phần chịu khuôn phép triều đình nhưng cũng có không ít kẻ lợi dụng để chống đối lính nhà vua. Làng blog Việt hình thành tự phát và vì tự phát, các thành viên trong cộng đồng có quá nhiều xu hướng, quan điểm, có sự khác nhau về trình độ, ứng xử văn hoá. Sự phức tạp nảy sinh từ đây. Và yêu cầu quản lý cũng nảy sinh từ việc làm sao cho cộng đồng này vận hành trên một quỹ đạo đúng.
Và đường ray ấy chính là khung pháp lý cần thiết do chính quyền xây dựng, là quy tắc ứng xử do chính cộng đồng này tạo ra.
Trong bài trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam hôm qua, ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông khẳng định “quản lý không có nghĩa là ngăn chặn, nghiêm cấm mà là khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực”. Blog nói riêng, các dạng thức truyền thông trực tuyến, mạng xã hội nói chung là thành tựu của văn minh nhân loại. Blog đi vào đời sống người Việt trên nền tảng văn hoá Việt, chịu sự giao thoa đa dạng, đa chiều với hàng loạt mối quan hệ. Nếu cộng đồng blog Việt như một cái làng, ngôi làng đó phải có hương ước thành văn. Hương ước đó phải dựa trên tinh thần Hiến pháp, Pháp luật Nhà nước, dựa trên các chuẩn văn hoá… của đất nước có những cư dân đang đến định cư trong không gian ấy. Với tinh thần đó, bộ Hương ước dành cho cư dân blog Việt đã có sẵn bao điều quy định tại Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định của Chính phủ về vấn đề này (Nghị định 55 về cung cấp thông tin trên Internet và Nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin). Hoạt động của các cư dân blog Việt phải tuân thủ các chế tài theo các quy định về quyền dân sự, quyền nhân thân, quyền về hình ảnh, quyền bí mật đời tư... tại các văn bản Luật nói trên. Ngoài ra, theo quy định của nhà cung cấp dịch vụ Yahoo 360, một dịch vụ được cộng đồng blog Việt sử dụng nhiều nhất, là blogger Việt sẽ chịu sự điều chỉnh bởi luật Singapore. Nói chính xác, một blogger sử dụng dịch vụ của Yahoo! 360 Việt Nam phải chịu sự chế tài của luật pháp Singapore.
Cái khó lớn nhất khi áp dụng “Hương ước” này vào đời sống blog chính là việc xác định chính xác tư cách thành viên cư dân mạng có liên quan trong đời sống thực. Và hàng loạt cái khó nảy sinh ví dụ blogger Việt sử dụng dịch vụ của Yahoo qua domain quốc tế hay của một nước khác như Anh, Úc thì sao?
Tất nhiên, không thể có một giải pháp quản lý hoàn chỉnh. Ở một số nước như Singapore, Trung Quốc, Malaysia… việc quản lý blog cũng đã đặt ra nhưng chưa thực sự thành công. Giải pháp quản lý blog Việt phải là một hệ thống giải pháp được tích hợp và có tính khả thi: quản lý kỹ thuật, giáo dục, quản lý bằng biện pháp hành chính, pháp lý… song song nhau.
Nỗ lực quản lý này sẽ đi song song với quá trình hình thành – một cách tự giác - những quy tắc ứng xử trong cộng đồng blog Việt.
Không gian blog là một thực thể truyền thông, thực thể xã hội quá đặc biệt và đang định hình, phát triển cực nhanh cùng với sự hoàn thiện “tinh thần blog” trong từng thành viên. Cũng như chốn giang hồ có luật giang hồ bất thành văn, cộng đồng blog sẽ có những quy định và biện pháp trừng phạt, định hướng lẫn nhau trên cơ sở “dân trí blog”.
Cũng giống như trong đời thường, làng blog Việt cần có và sẽ có những ngọn cờ tiên phong trong việc xây dựng những hình mẫu, đóng góp công sức cho cộng đồng… Và bộ Hương ước làng blog Việt không chỉ là những quy định pháp lý, những biện pháp của nhà quản lý mà còn có những quy tắc ứng xử do chính cộng đồng xây dựng từ quá trình “tự quản”.
Hãy đón nhận tin vui: Làng blog Việt sắp có hương ước. Và đây là bộ hương ước mở. Nó sẽ được hoàn thiện từng ngày trong quá trình phát triển của thế giới blog Việt.
SAO KHUÊ
RANDOM_AVATAR
CUHUYEN
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hương ước blog

Gửi bàigửi bởi SAOKHUE » Thứ 4 31/10/07 19:00

Cứ nửa giây, trên thế giới lại có 1 web-blog ra đời, đó là kết quả thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres (TNS). Hình thành từ cuối những năm 1990 và bùng nổ mạnh từ năm 2004 đến nay, web-blog (còn được viết là weblog, hoặc gọi tắt là blog) là một hiện tượng xã hội, hiện tượng truyền thông, hiện tượng văn hóa, hiện tượng công nghệ… khá đặc biệt trong những năm gần đây.
Các công trình khoa học nghiên cứu về webblog ở Việt Nam hầu như chưa có. Một số tài liệu tiếng Anh của các nhà xuất bản Longman (New York, Hoa Kỳ), của thư quán Đại học Oxford, của nhà xuất bản SAGE… thì chỉ nghiên cứu về truyền thông trực tuyến và phần lớn đưa ra những dự báo về sự ra đời và bùng nổ của các hình thức trao đổi thông tin trực tuyến dẫn đến sự thay đổi mô thức truyền thông truyền thống: mô thức đa nguồn - đa tiếp nhận (many-to-many) thay thế cho mô thức cũ một nguồn - đa tiếp nhận (one-to-many).
Có tác giả cho rằng webblog sẽ là “phương tiện truyền thông của tương lai” và dự báo về “cái chết” của mô thức truyền thông cũ.
Ở các trường Đại học báo chí, blog chưa được đưa vào giảng dạy (như một hiện tượng truyền thông). Trong khi đó, thế gới blog đã gây nên những dư chấn xã hội không nhỏ.
Dưới góc độ văn hó học, những hệ quả blog gây ra thời gian qua chính là sự thể hiện một mâu thuẫn lớn: mâu thuẫn giữa việc sử dụng phương tiện và khả năng nhận thức về bản chất và tính năng của phương tiện. Hay nói cách khác, có một bộ phận người Việt có vẻ đang “ứng xử” với blog một cách rất “thiếu hiểu biết”, nghĩa là văn hóa nhận thức có vấn đề!
RANDOM_AVATAR
SAOKHUE
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 7 27/10/07 8:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hương ước blog

Gửi bàigửi bởi CUHUYEN » Thứ 4 31/10/07 19:28

NHận định của SK có lý!
Blog vẫn đang vận động. NHững tính năng mới tiếp tục ra đời. Sắp tới, blog sẽ có "version" mới. Quá trình nhận thức về blog vì vậy sẽ còn phải tiếp tục...
Sự bùng nổ của blog với khối lượng thông tin, tri thức khổng lồ và tốc độ nhanh đã thực sự tác động đến các cơ quan truyền thông đại chúng, tác động đến các hoạt động quảng cáo, PR, tác động đến dư luận xã hội, hình thành nên một thế hệ công chúng truyền thông mới năng động hơn, tích cực hơn… Blog và báo chí trực tuyến nói riêng, Internet nói chung là sản phẩm của văn minh nhân loại, nó cần được khai thác tốt để phục vụ cuộc sống trên mọi lĩnh vực. Định hướng tốt, quản lý và khai thác tốt thế mạnh và hiệu quả của blog sẽ góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền, trong việc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, đặc biệt, trong việc đấu tranh chống các luận điệu thù nghịch; góp phần mở rộng và phát triển nền dân chủ, nâng cao dân trí và tạo cơ hội hưởng thụ thông tin bình đẳng cho người dân.
Rồi đây, Blog với đặc điểm truyền thông của nó sẽ trở thành mô hình được chọn lựa nhiều trong xu thế hội tụ công nghệ và tích hợp các loại hình truyền thông. Blog không chỉ là trang web cá nhân mà sẽ xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác với nhiều tên gọi khác. Quảng cáo trên webblog sẽ tăng cao. Blog sẽ được khai thác trên nhiều thiết bị di động khác chứ không chỉ có máy tính… Quả thật thế giới ảo là một quà tặng tuyệt vời mà con người được thụ hưởng từ những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật.
Có nhiều vấn đề nảy sinh trong văn hóa ứng xử trên blog, ví dụ như:
- Khi ứng xử trong những không gian văn hóa công cộng, người Việt thường hành xử theo kiểu dân chủ “quá chớn” mà hơi thiếu “lễ”
- Văn hóa trình diễn bản thân, một nét văn hóa khá điển hình trên blog còn khá xa lạ với người Vịêt vốn khép kín, ưa che đậy
- Văn hoá tranh luận trên blog đã chứng minh đặc điểm dễ phản ứng gay gắt khi bị chỉ chích, phê phán của người Việt.
Còn rất nhiều những biểu hiện thú vị khác nữa của tính cách blogger, trình độ nhận thức, sự nhạy cảm của tâm hồn, những mối quan tâm, phong cách sống … được thể hiện khá rõ ràng.
Mình thấy, một thực thể văn hóa mới và sẽ phát triển phù đổng như blog rất đáng để những người nghiên cứu văn hóa quan tâm…
RANDOM_AVATAR
CUHUYEN
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hương ước blog

Gửi bàigửi bởi binhan » Thứ 5 01/11/07 8:34

Nguồn gốc của từ “Blog”

(VietNamNet) - Nhật ký mở, hay còn gọi là "blog" giờ đây đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với các bạn trẻ yêu thích internet. Mọi người lập blog để cùng chia sẻ, thảo luận về đủ mọi thứ trên đời. Tuy vậy, nhiều bạn đọc vẫn đặt câu hỏi: "Blog" là gì? Tại sao lại là "Blog"?

Từ nguyên của một chữ đôi khi phát sinh từ những ngã rẽ bất ngờ nhất trong suốt quá trình con người sử dụng thuật ngữ đó dựa trên công dụng của nó. Chẳng hạn như “blog” - một dạng nhật ký mở hiện đang trở thành một hiện tượng toàn cầu, khởi thuỷ chỉ là một khúc gỗ tròn (log - tiếng Anh) mà các thuỷ thủ thời xưa ném xuống biển để đo vận tốc di chuyển của con tàu khi tính thời gian mà khúc gỗ này trôi xa.

Một thời gian sau, các thuỷ thủ hoàn thiện hơn cách đo tốc độ khi đính các khúc gỗ này lại trên một sợi dây với khoảng cách đều nhau. Khi đó, vận tốc của tàu được tính chính xác hơn và các số liệu cập nhật sẽ được ghi chép cẩn thận vào một quyển “nhật ký hải hành” (log-book). Thế là từ đó, bản thân từ “log” đã dần dần vượt xa khỏi ngữ nghĩa nguyên thuỷ của nó để khoác thêm một nghĩa khác là “nhật ký hàng hải” của thuyền trưởng tàu viễn dương. Sang đầu thế kỷ 20, khi con người đã bắt đầu "biết bay" thì từ “log” cũng “cất cánh” theo các phi công và trở thành những quyển “nhật ký bay”.

Giữa thập niên 1990, đến lượt những trang web đầu tiên ra đời và khi đó, những người đi tiên phong trong lĩnh vực này, đa số là người Mỹ, đã tự mở cho mình những trang viết cá nhân dưới dạng những trang “nhật ký (log) trên mạng (web)”. Từ đó, một danh từ kép ra đời: web-logs. Và theo thời gian, thuật ngữ này đã được giản lược đi cho dễ sử dụng - “we[b-log]s” - để trở thành chỉ duy nhất một từ ngắn gọn là blog như hiện nay.

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn còn dài phía trước. Nay đã có những bậc “đàn em” của blog lần lượt ra đời như “mlog” để chỉ những blog tương thích được trên điện thoại di động; “vlog” dành cho các chương trình video; và cả “flog” là những blog chủ yếu đăng tải các bức ảnh chụp.

Còn về phần mình, nếu như bạn tranh thủ viết blog, ắt hẳn bạn sẽ là một “blogger”.

(SGTT/Theo Le Monde)
RANDOM_AVATAR
binhan
 
Bài viết: 45
Ngày tham gia: Thứ 7 26/05/07 19:58
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến29 khách

cron