SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 16/12/08 23:55

[justify]Phiếm luận về thời gian và vĩnh cửu

To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour

Nhìn ra thế giới trong hạt bụi
Thiên đường hiển lộ giữa cành hoa
Trong lòng tay: Vô Biên diệu vợi
Nắm Thiên Thu trong mỗi giờ qua
(W. Blake – “Auguries of Innocence”)

Thời gian, cho đến nay, vẫn là vấn đề làm điên đầu không biết bao nhiêu nhà khoa học và triết gia khắp cả Đông Tây kim cổ. Con đường nghiên cứu bản chất thời gian dường như luôn dẫn đến cõi bờ huyền học, vì cho đến nay và có lẽ mãi mãi, cả khoa học lẫn triết học đều lắc đầu trước câu hỏi “Thời gian là gì?”. Và vĩnh cửu - hình tượng của thời gian lắng đọng trong vô tận - vẫn mãi mãi mang màu xanh huyền ảo, mà con người muôn thuở vẫn luôn hướng đến.
Thánh Thomas Aquinas - nhà thần học lừng danh [1] - từng than thở: “Khi không nói đến thời gian thì tôi còn biết nó là cái gì, nhưng khi nói đến nó thì tôi lại không biết gì về nó cả!”.
Khổng Tử - bậc thánh sư phương Đông – bảo: “Tùy thời chi nghĩa, đại hỷ tai!” (Ý nghĩa của chữ tuỳ thời lớn vậy thay!)
Ông Martin Heidegger (1889-1976) người Đức - một trong những triết gia vĩ đại nhất của mọi thời đại - đã viết cả một bộ sách dày cộm nhan đề Sein und Zeit (Hằng thể và Thời gian) làm đảo lộn cả thế giới triết học phương Tây, để trình bày quan điểm vô cùng độc đáo về thời gian và mối tương quan của nó với cuộc hiện sinh.
Nhà văn Hermann Hesse đã nói một câu nổi tiếng: “Không bao giờ có một người hay một sự việc lại thuần là khổ hay thuần lạc, không bao giờ một người lại thuần là thánh thiện hay thuần tội lỗi; chỉ dường như thế bởi vì chúng ta bị mắc phải một ảo tưởng rằng thời gian là một cái gì có thật”! [2]
Thế giới phương Tây đã từng bị chao đảo dữ dội vào đầu thế kỷ 20, khi lý thuyết tương đối của nhà bác học vĩ đại Einstein ra đời. Nguyên nhân cũng chỉ vì ông đưa ra một cái nhìn mới mẻ về thời gian trong khối không-thời (space-time continuum). Thời gian - khái niệm được xem là bất biến trong thế giới vật lý Newton - bây giờ lại được xem như là chiều thứ tư của vũ trụ. Các nhà khoa học hoang mang, đến nỗi có người nói đùa: “Thoạt đầu vũ trụ còn hỗn độn tối tăm, Chúa phán: ‘Hãy có Newton’. Vũ trụ bèn trở nên sáng sủa. Một thời gian sau, Quỷ sứ phán: ‘Hãy có Einstein’. Vũ trụ bèn trở lại tối tăm như cũ!”
Bức tranh về thế giới của vật lý cổ điển đã hoàn toàn biến tướng khi được đặt vào dòng chảy của thời gian. Dường như các triết gia đều cho rằng khi con người hiểu được thời gian là gì thì họ sẽ “ngộ” và được giải thoát ngay trong cõi đời này. Câu trả lời cho Thời gian và Vĩnh cửu vẫn luôn để ngỏ như một huyền án bí ẩn và thơ mộng.
Các triết gia, đặc biệt là phương Tây, đã tranh luận rất nhiều về bản chất của thời gian. Một vài triết gia, nổi bật nhất là Immanuel Kant của Đức, cho rằng một đứa bé vừa chào đời đã ý thức được dòng thời gian trôi chảy. Một số triết gia khác cho rằng lý trí con người phải học cách kiến tạo nên thời gian thì lúc đó mới hiểu được thời gian. Triết gia Pháp Henry Bergson cho rằng thời gian được rút ra từ kinh nghiệm. Theo ông thì một đứa bé sơ sinh không có ý thức về thời gian mà dần dần phải học cách kinh nghiệm được thời gian.
Chính lý thuyết tương đối của Einstein về khối thời - không đã khiến các nhà triết học và khoa học phương Tây tìm về phương Đông để tìm câu giải đáp trong các kháng thư thời cổ đại, nhất là trong Kinh Dịch.
Với nền văn hóa Tây Âu thì thời gian được biểu thị bằng thần Kronos tay cầm bình cát - hình tượng của thời gian trôi chảy - và tay cầm lưỡi liềm –hình tượng của thời gian bị cắt đứt hẳn ra bằng các khái niệm quá khứ, hiện tại, tương lai. Đó là quan điểm thời gian theo kiểu tuyến tính (linéaire) chỉ chảy xuôi một chiều được biểu diễn bằng một đường thẳng bắt nguồn từ vô thủy và chạy thẳng đến vô chung. Thời gian tuyến tính của Tây Âu hiện đang chi phối toàn bộ các hoạt động của nhân loại.
Thời gian trong nền văn hóa Viễn Đông được xem như chuyển động theo hình tròn bởi chu kỳ hoa giáp, trong cách tính thời gian bằng thiên can và địa chi. Mỗi hoa giáp bắt đầu bằng năm Giáp Tý và kết thúc bằng năm Quý Hợi, kéo dài suốt thời gian 60 năm. Cứ hết năm Quý Hợi lại bắt đầu một chu kỳ khác với năm Giáp Tý. Thời gian cứ vận hành mãi như thế trong tâm thức người Viễn Đông, trước khi họ tiếp xúc với thời gian tuyến tính của phương Tây.
Ông Tô Đông Pha bảo: “Sự như xuân mộng liễu vô ngân”. Chuyện đời trải qua như một giấc mộng đêm xuân, mất đi không lưu lại dấu vết. Ngày hôm qua là đâu? Ngày mai là đâu? Quá khứ tâm bất khả đắc và vị lai tâm bất khả đắc đã đành, mà cả đến hiện tại tâm cũng bất khả đắc nốt. Mọi sự đều hiện tiền, vẫn tự như từ muôn thuở, khi con người hé nhìn được vào cái thế giới phi thời gian, cái thế giới bản lai vô nhiễm chưa bị làm hư hoại bởi cái tâm phân biệt của con người. Tất cả đều trôi qua như giấc mộng. “Thị phi thành bại chuyển đầu không”. Mọi chuyện đúng sai thành bại, khi ngoảnh đầu nhìn lại đều như hư không trống rỗng. Tất cả đều tồn tại nhưng không thực hữu, dường như đứng bên ngoài dòng chảy của thời gian. Chừng nào ta còn để tâm trôi theo cái thế giới biến động của hiện tượng thì lúc đó thời gian vẫn còn tồn tại. Người giác ngộ thấu hiểu được bản chất như mộng huyễn của thời gian nên nắm được vô biên trong lòng bàn tay và cầm vĩnh cửu trong một phút giây. Hold Infinity in the palm of your hand, And Eternity in an hour. Đó chính là diệu dụng của tâm vô phân biệt.
Thử tưởng tưởng trong một vũ trụ không có loài người, ta làm sao có thể hình dung được lúc đó thời gian sẽ trôi chảy như thế nào giữa một khoảng không bao la vô tận chỉ toàn là các thiên thể vô hồn? Phải chăng khi ta không còn nghĩ đến thời gian nữa, khi cái tôi tan biến thành những rung cảm tuyệt vời của tình yêu và nghệ thuật thì thời gian mới trở thành vĩnh cửu, cũng như trong một phút linh cầu, người nghệ sĩ bỗng rơi vào thế giới vĩnh cửu của sáng tạo? Có khi ta đang đi trên đường phố, một bóng hồng chợt thoáng qua khiến thời gian dường như lắng đọng, và vĩnh cửu đã tượng hình trong một ánh mắt đưa duyên. Có phải chăng bậc giác ngộ là người luôn sống trong trạng thái vô ngã và phi thời gian trong từng mỗi sát-na? “Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi; Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ” (Xuân Diệu).
Từ xa xưa, thời gian vẫn được tính toán căn cứ vào chuyển động của các thiên thể. Cứ trải qua 365 chu kỳ xuất hiện và lặn tắt của mặt trời, thì ta gọi đó là một năm. Thử tưởng tượng một ngày nào đấy, mặt trời nguội dần đi, trái đất chuyển động chậm lại, thì thời gian sẽ ra sao? Hiện nay tuổi thọ 100 năm của con người được xem như ứng với 100 chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời. Nếu như trái đất chuyển động chậm lại bằng một nửa tốc độ hiện nay, thì lúc đó chúng ta vẫn sống được với 100 chu kỳ mới hay chỉ 50 chu kỳ? Lúc đó, nếu như con người sống 100 tuổi (theo thời gian mới) thì có thể xem là thọ hơn bây giờ không, hay tất cả chỉ là tương đối, nghĩa là biến thiên theo một tỷ lệ như nhau? Nếu như trái đất ngừng quay quanh mặt trời, và các thiên thể đều ngưng chuyển động thì phải chăng ý niệm về thời gian không còn tồn tại nữa? Và nếu không có ý niệm về thời gian thì làm gì có ý niệm về Vĩnh cửu?
Nhưng trái đất vẫn quay. Mặt trời vẫn mọc lên và lặn tắt từng ngày. Nghĩa là thời gian vẫn trôi trong cái thế giới hiện tượng đầy sai biệt này, nơi mà con người vẫn luôn khao khát đến một cõi phi thời gian đầy huyền mật. Có lẽ câu hỏi cuối cùng đặt ra cho nhân loại vẫn là:”Phải mất bao nhiêu thời gian, ta mới tìm ra vĩnh cửu?”. Và có thể dùng câu nói của Angelus Silesius (1624-1677) - nhà thơ thần bí xứ Silesia - thay cho đáp án: “Time is as Eternity is, and Eternity as Time, only if you yourself make no difference between them” (Thời gian hiện hữu như Vĩnh cửu, và Vĩnh cửu cũng hiện hữu tựa Thời gian, nếu như bạn đừng sinh tâm phân biệt)?

[1]Thomas Aquinas (1225-1274), còn được gọi một cách trân trọng là Hoàng tử của triết học kinh viện Tây phương. Ông là triết gia và nhà thần học người Ý, được xem là một trong những nhân vật chói sáng hàng đầu trong nền triết học kinh viện và thần học Ki Tô giáo La Mã
[2]Hermann Hesse, Câu chuyện dòng sông, Trí Hải dịch, Sài Gòn, NXB An Tiêm, 1966, tr. 185. Hermann Hesse (1877-1962) là nhà văn Đức, đoạt giải Nobel văn chương năm 1946.


Nguồn: Kiến thức Ngày nay số 518

P/S: Các thành viên đại gia đình Văn hóa học thương mến! Post bài này lên, mình muốn chia sẻ một suy nghĩ giản dị: Thời gian và vĩnh cửu dưới góc nhìn triết học văn hóa tựa con đường dẫn đến chân trời còn nhiều xa xôi, diệu vợi... Chắc sẽ gây tốn kém không ít giấy mực của các bậc cao huynh, trí giả gần xa. Nhưng, có một điều hiển hiện mà chẳng cần viện dẫn nhiều châm ngôn, triết luận, điều mà mỗi ngày qua, mỗi người trong chúng ta đều cảm nhận rất rõ, rất thực: Thời gian một đi không trở lại! Mà quỹ thời gian của một ngày, một đời sao mà ngắn ngủi ("Em ơi có bao lâu, sáu mươi năm cuộc đời!..."). Thế nên, ẩn hiện trong tâm mình luôn là một câu ca (có lẽ không chỉ riêng mình thích), trong dòng suối nhạc của tác giả họ Trịnh "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!". Sống thật, học thật, làm thật, gieo trồng những yêu thương chân thật... là một cách để Không "hững hờ" với thời gian, Không "hững hờ" với cuộc đời hữu hạn của chính mỗi chúng ta. Như thế, Thời gian và Vĩnh cửu đã hòa quyện thành con đường Hiện Hữu, chúng ta chỉ cần đặt những bước chân lên đó, sống động, tự tin và thanh thản hướng vế phía trước... Bạn bè mến thương ơi, bạn suy nghĩ gì về điều này, bạn có đồng cảm cùng tôi?[/justify]
Hình ảnh
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 18/12/08 19:44

Một bài thật hay, xin cảm ơn TV Le Truc Anh!

Trên đường đời tất bật nhiều khi ta quên mất những ý niệm về thời gian.
Thời gian có thể vĩnh cửu với đất trời nhưng lại khắc nghiệt với con người. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng lo sợ bước đi của thời gian:

"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu!"


Và nỗi nhớ tiếc mùa xuân ngay cả khi đang còn trong mùa xuân:

"Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

Lòng yêu cuộc sống của tác giả thật vô cùng!

Xuân của đất trời tuần hoàn vô hạn, còn xuân của đời người thì hữu hạn. Nó ra đi đem theo cả tuổi trẻ, sắc đẹp và có khi cả tình yêu! Tạo hóa sao quá bất công!

Vì thế Xuân Diệu đã thốt lên rằng:

"Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại"


Ý thức điều đó nên nhà thơ lúc nào cũng sống gấp gáp, vội vã:

"Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em em ơi, tình non sắp già rồi!"


Yêu say và khát khao với cuộc sống, điều này càng rõ rệt hơn khi người ta cảm thức rõ giới hạn của thời gian, của đời người, khi mọi thứ sắp vuột khỏi tầm tay...
Phải chăng đây là những chiêm nghiệm của tác giả từ chính cuộc sống, bằng cả sự trải nghiệm cuộc đời mình?

Dòng thời gian chảy trôi, cuộc đời cứ cuốn ta vào vòng xoay bất tận, có một phút nào đó chợt giật mình nhìn lại: "Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ"?
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 5 18/12/08 22:25

Chị biết không? Đọc những dòng chị viết, em như nổi da gà. Không biết nói gì hơn trong lúc này, bài viết của chị quá tuyệt. Em vừa đọc xong quyển chữ Thời của Kim Định. Tác phẩm đó rất hay, nhưng em chưa có cảm giác rợn da gà như lúc này. Chắc có lẽ vì bài viết chị ngắn hơn, dễ hiểu hơn, và phong cách hành văn của chị rất hay, để lại cho em 1 ấn tượng khó phai.hihi
Hiện giờ em chỉ biết nói thế thôi.
Trong thời gian ngắn nhất, em sẽ cố gắng post 1 bài nói về thời gian và và vĩnh cữu, 1 đề tài mà với em cũng hấp dẫn vô cùng.
Cảm ơn chị về bài viết rất nhiều
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 2 29/12/08 21:12

[justify]Tiếng thời gian

…Phải chăng thời gian cứ hững hờ trôi đều đặn từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, nhìn màn bi hài kịch trần gian không chút cảm xúc? Phải chăng thời gian tồn tại trước khi vũ trụ hình thành, hay thời gian chỉ là một sản phẩm nương theo vũ trụ để tồn tại? Vậy phải chăng thời gian chỉ là thứ yếu, và do đó có thể thay thế? Phải chăng thời gian chỉ là một sáng tạo của tâm thức? Có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của thời gian để đạt đến vĩnh cửu chăng?
Thông thường nếu không thể thoát được gông cùm của thời gian, người ta thường theo chủ thuyết Daffy Duck: Không đánh gục được mày tao đành về phe mày vậy! (We join you just because we can’t beat you!) Rồi người ta ca ngợi: Thời gian là liều thuốc thần diệu nhất. Cái buồn (vì thất tình chẳng hạn) không thể mang theo bên mình suốt đời. Sẽ có một ngày (ví dụ tìm được người tình mới) niềm vui sẽ thay thế nỗi đau buồn. Đối với thời đại tân tiến ngày nay, thời gian là tiền bạc. Vì cần phải có ti-vi màn ảnh lớn, tủ lạnh thật to, xe hơi thật sang trọng, nhà cửa kín cổng cao tường, và cần phải tiêu thụ đủ thứ xa xỉ phẩm, chúng ta phải lợi dụng từng phút từng giây để làm tiền. Cứ thế, chúng ta dần dần trở thành nô lệ của thời gian. Paul Davies đặt câu hỏi: Chúng ta là nô lệ của quá khứ và bị tương lai bắt làm con tin. Nhưng có luôn luôn như vậy không? (We are slaves of our past and hostages to the future. But was it always thus?). Thời gian như một ảo ảnh quỷ quái chúng ta chỉ có thể cảm nhận qua những biến đổi của sự vật. Plato cho rằng thời gian chỉ là một hình ảnh khiếm khuyết của vĩnh cửu. Plotinus cho rằng thời gian là ngục tù của nhân loại, là bức tường chia cách giữa nhân loại và vĩnh cửu. Do đó từ ngàn xưa, con người vẫn muốn tìm cách thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của thời gian. Có người cho rằng tâm năng có thể có khả năng làm thời gian ngừng lại, bởi vì họ cho rằng thời gian chỉ là một sản phẩm của tư tưởng. Đối với tôn giáo và triết học, tìm một giải thích hợp lý cho mối liên hệ giữa thời gian và vĩnh cửu vốn là một vấn đề nan giải từ xưa đến nay. Nhiều người cho rằng chân lý vĩnh cửu chỉ có thể cảm nhận bằng trực nhận thiên khải (direct revelation).
Tuy nhiên nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Thật ra con người có thể thoát được vòng luẩn quẩn của thời gian để có thể cảm nhận vĩnh cửu chăng? Hơn nữa phải chăng vĩnh cửu là một hiện thực hay chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của con người? Vũ trụ là năng động. Có thể có một vĩnh cửu bất biến độc lập với thời gian trong vũ trụ không? Các nhà khoa học vẫn tin rằng các định luật khoa học là bất biến, ít ra là bất biến trong vùng trời chúng ta có thể quan sát được. Nhưng vùng trời chúng ta quan sát được không phải là tất cả. Có thể vùng trời chúng ta quan sát được chỉ là một phần rất bé nhỏ của vũ trụ. Làm sao biết được các định luật khoa học của chúng ta vẫn có thể áp dụng được tại các nơi xa xôi huyền bí đó?
Cũng với ước mong có thể đạt được vĩnh cửu, người từ ngàn xưa đã tưởng tượng một thế giới tuần hoàn. Khi vũ trụ hết một chu kỳ dài đằng đẵng, vũ trụ sẽ lặp lại một chu kỳ mới giống hệt chu kỳ đã qua. Cái tôi trong chu kỳ trước sẽ xuất hiện lại y nguyên cái tôi đó trong chu kỳ này. Như vậy vũ trụ là vĩnh cửu, đặc biệt, mọi cái tôi đều vĩnh cửu!
Theo lý thuyết tương đối của Einstein, một lý thuyết vẫn đang đứng vững theo thời gian qua nhiều thí nghiệm thử thách, lời giải của một vũ trụ tuần hoàn có thể xẩy ra, nhưng sự tuần hoàn mang một sắc thái khác hẳn: Vũ trụ có thể lặp đi lặp lại theo những chu kỳ khác nhau, và những gì chứa đựng trong mỗi chu kỳ độc lập nhau theo một xác suất nào đó. Tất nhiên có thể có hai chu kỳ nào đó, vũ trụ hoàn toàn y hệt nhau, nhưng với một xác suất vô cùng bé.
Tóm lại, triết học thời xa xưa quan niệm vũ trụ có sự sống, một sự sống huyền bí, sự sống vô tận từ ngàn xưa cho tới ngàn sau theo những chu kỳ giống nhau, không bao giờ bị hủy diệt. Họ quan niệm thời gian chỉ là ảo ảnh của tâm thức. Dòng thời gian chính là dòng tâm thức của con người. Mà sự sống con người thì chỉ tạm bợ nên khó có thể cảm nhận được chân lý vĩnh cửu.
Cho đến thời Trung cổ Âu châu người ta mới bắt đầu cảm nhận thời gian như một thể độc lập. Người ta bắt đầu thấy vạn vật có những thứ tự theo thời gian. Tuy nhiên cho đến khi nền khoa học hiện đại hình thành, khái niệm về thời gian mới bắt đầu chính xác hơn, mang một ý nghĩa khách quan hơn đối với những thứ tự của vạn vật. Galileo, khi ngồi trong một thánh đường, quan sát độ dao động của một ngọn nến theo nhịp đập nơi cổ tay của ông kề ngọn nến, ông đã khám phá rằng chu kỳ của một quả lắc không ảnh hưởng đến biên độ dao động.
Vào cuối thế kỷ 17, thời gian mang một địa vị then chốt trong những định luật của vũ trụ qua công trình nghiên cứu của Newton. Newton định nghĩa thời gian là một đại lượng tuyệt đối, độc lập với không gian và vật chất trong vũ trụ, trôi đều đặn theo một tỷ lệ nhất định. Như vậy, dù ở địa cầu hay ở hỏa tinh hay bất cứ nơi nào trong vũ trụ, thời gian đều trôi đều đặn theo một tỷ lệ như nhau. Thời gian Newton là thời gian vũ trụ, là tuyệt đối. Không gian cũng vậy, cũng tuyệt đối, không thay đổi. Không gian quanh trái đất hoàn toàn y hệt không gian quanh mặt trời hay bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Giả sử có một biến cố nào đó, một vì sao mãn kiếp chẳng hạn, tất cả, dù ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ, đều thấy cùng một lúc. Dù bạn ở trên địa cầu hay đang du hành một vùng không gian ngoài thái dương hệ, bạn đều nhìn thấy biến cố đó vào một thời điểm như nhau. Giây phút hiện tại là tuyệt đối. Tất cả sinh linh đều nhìn thấy hiện tại của vũ trụ như nhau. Tương lai chưa tới, quá khứ đã đi vào dĩ vãng. Chỉ có hiện tại mới thực.
Với những định nghĩa đó về thời gian và không gian, Newton đã khám phá định luật chuyển động của vạn vật. Khi biết lực tác động lên một vật thể và khi biết vị trí và vận tốc ban đầu của vật thể đó thì chuyển động của vật thể hoàn toàn được xác định. Như vậy chỉ cần xác định được điều kiện hiện tại thì quá khứ cũng như tương lai sẽ sờ sờ trước mắt. Quá khứ không còn là cái gì tiếc nuối. Tương lai không còn huyền bí. Kiếp sống của mỗi người từ quá khứ cho đến vị lai xuất hiện rõ ràng trước mắt, là khẳng định, không thể sửa đổi. Hiện tại là tất cả. Nhân quả rõ ràng. Nhân nào phải quả ấy. Định mệnh đã an bài. Vũ trụ biến thành một chiếc đồng hồ vĩ đại. Thượng Đế biến thành người sáng chế đồng hồ. Sau khi chiếc đồng hồ đã bắt đầu hoạt động, công việc còn lại của ngài là lần lượt dở những trang sách lịch sử vũ trụ đã được viết sẵn.
Thời gian Einstein hoàn toàn khác hẳn: Không những không gian mà cả thời gian đều hoàn toàn phụ thuộc vào vạn vật trong vũ trụ. Không gian uốn mình theo phân phối của vật chất. Thời gian trôi nhanh chậm cũng tùy thuộc vào vật chất. Ở những vùng có dồi dào vật chất, không gian biết uốn mình như muốn làm duyên với vạn vật và dìu vạn vật đi theo những đường nét uyển chuyển của mình. Cũng ở những vùng dồi dào vật chất, thời gian đi chậm lại như để có nhiều thì giờ hơn để chiêm ngưỡng vận vật hay để vạn vật chiêm ngưỡng mình.
Không gian và thời gian của Einstein là một dân chủ thực sự: Không ưu đãi ai và cũng không nghịch đãi ai. Tất cả vạn vật đều được không thời gian Einstein đối đãi đồng đều. Cùng một khối lượng vật chất như nhau, dù là kim cương hay đất sét, mức độ làm duyên của không gian đều như nhau và tốc độ nhanh chậm của thời gian cũng đều như nhau. Không thời gian Einstein còn biết phân tích nặng nhẹ, trái phải, hợp tình hợp lý. Nặng cân hơn thì không gian uốn éo nhiều hơn và thời gian trôi chậm hơn như để tỏ chút lòng ái mộ. Chẳng hạn khi bạn gặp một người lịch sự, thông thái nhưng khiêm tốn hẳn bạn sẽ kính trọng người đó. Trái lại nếu bạn gặp một người thô lỗ hoặc kiêu căng ngạo mạn nhưng đầu óc rỗng tuếch, chắc chắn bạn sẽ tỏ lòng khinh khi. Người ta thường nói: “thùng rỗng kêu to”. Thời gian Einstein nhìn thấy một cái thùng rỗng tuy có vẻ to con nhưng biết ngay thực chất rất nhẹ cân, sẽ tỏ vẻ hững hờ gần giống như thời gian Newton vậy.
Tóm lại dường như thời gian Einstein mang nhiều mầu sắc và dân chủ hơn thời gian Newton cứng nhắt và trịch thượng. Chúng ta hãy đi xa hơn chút nữa vào cái thời gian muôn mầu muôn vẻ này xem sao. Theo Einstein, không gian, thời gian và vật chất trong vũ trụ liên đới phụ thuộc lẫn nhau. Không gian và thời gian không bao giờ tách rời nhau nên chúng ta thường gọi chung là không thời gian. Chúng ta cảm nhận thời gian qua những biến đổi trong vũ trụ. Không có một vũ trụ luôn luôn sôi động như vũ trụ của chúng ta có lẽ sẽ không có ý niệm thời gian. Kiến thức của chúng ta nhiều lắm cũng chỉ trong vùng vũ trụ chúng ta có thể quan sát được mà thôi. Do đó thời gian có tồn tại ngoài vũ trụ hay không chúng ta không thể biết. Có hay không chỉ là niềm tin của mỗi người, không thể luận chứng.
Mỗi bước đi của thời gian là một đo lường mức độ biến đổi của vũ trụ. Bước đi của thời gian cũng giống như cát rơi trong chiếc đồng hồ cát, cũng giống như chuyển động của mấy chiếc kim trên mặt đồng hồ, cũng giống như nước rỉ từng giọt từ một vòi nước, cũng như chiếc đồng hồ quả lắc, lúc lắc trong trường trọng lực của địa cầu, cũng giống như bóng cây dưới ánh nắng mặt trời thay đổi theo độ quay của địa cầu, cũng giống như sự dao động của những nguyên tử, cũng giống như nhiệt độ của bức xạ vũ trụ (cosmic background radiation) giảm dần theo sự bành trướng của vũ trụ, v.v… Mỗi thời điểm tượng trưng cho một trạng thái nhất định của vũ trụ. Những thời điểm khác nhau tương ứng với những trạng thái khác nhau. Như vậy mỗi thời điểm là một lát cắt của không thời gian.
Tùy theo mỗi góc độ khác nhau, không thời gian có thể cắt thành từng lát theo nhiều cách khác nhau, và do đó có những cách ấn định thời gian khác nhau. Nói khác đi thời gian là tương đối, khác với thời gian Newton. Như vậy nếu bạn và tôi ở vào hai nơi có phân phối vật chất khác nhau (ví dụ ở địa cầu và ở mặt trăng) hoặc bạn và tôi có những trạng thái chuyển động khác nhau (ví dụ tôi nằm xem truyền hình ở nhà trong lúc bạn đang thám hiểm không gian trên chiếc phi thuyền không gian), bạn và tôi sẽ thấy thời gian trôi nhanh chậm khác nhau. Nếu tôi ở địa cầu bạn ở mặt trăng, đồng hồ tôi sẽ chậm hơn đồng hồ bạn. Sự khác biệt sẽ rất bé bởi vì gia tốc trọng lực của địa cầu chỉ gấp sáu lần gia tốc trọng lực của mặt trăng. Phải có máy đo thật tinh vi mới có thể đo được sự khác biệt này. Nếu bạn làm một chuyến hành trình thám hiểm không gian kéo dài nhiều năm, khi trở về bạn sẽ thấy bạn bè đồng lứa của bạn đã già hơn bạn rất nhiều.
Nếu có một biến cố xảy ra một nơi nào đó, có thể người ở hỏa tinh và người trên địa cầu không đồng thời nhìn thấy cùng một lúc. Mỗi người tùy theo vị trí và trạng thái chuyển động của mình sẽ có một thời gian riêng rẻ cho chính mình. Thời gian không còn là một đại lượng tuyệt đối chung cho mọi người. Thời gian của bạn có thể khác với thời gian của tôi. Tuy nhiên đốI với mỗi chúng ta trên địa cầu, sự khác biệt thời gian nhỏ đến nỗi chúng ta không thể phân biệt được.
Mỗi lời giải của phương trình Einstein tượng trưng một mô hình của một vũ trụ hay của một vùng không thời gian nào đó, không hẵn là vũ trụ hay vùng trời của chúng ta. Tất nhiên các nhà vật lý học đã tìm được một lời giải rất phù hợp với vũ trụ chúng ta quan sát được. Những quan sát thiên văn chứng minh điều đó. Tuy nhiên có những lời giải khác mô tả những vũ trụ rất kỳ lạ, không chừng có thể phù hợp với những vùng trời khác.
Mỗi vật thể trong vũ trụ, kể cả chúng ta, đều có một đường đời. Cho dù bạn chỉ ngồi yên một chỗ bạn cũng có một đường đời cho riêng bạn. Trong trường hợp này đường đời của bạn song song với trục thời gian. Ngay sau khi lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein vừa xuất bản, Weyl đã ghi nhận rằng phương trình Einstein có thể có những lời giải mô tả những không thời gian trong đó đường đời của một người có thể là một đường cong kín. Điều này hàm ý rằng có thể có những vùng không thời gian trong đó tương lai nối liền với quá khứ mặc dù chúng ta không hề di chuyển với vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng. (Lý thuyết tương đối khẳng định rằng mọi vật thể trong vũ trụ không thể nào di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng). Những vùng không thời gian này hẳn phải có trọng trường khổng lồ, không thời gian phải cong oằn với độ cong rất lớn.
Đây là điều lý thú bởi vì nếu vũ trụ chúng ta có những vùng không thời gian như vậy, chúng ta hãy di tản vào đó để có thể thấy được quá khứ cũng như tương lai của mình. Kurt Godel đã chứng minh rằng trong một vũ trụ quay, đường đời của một hạt vật chất có thể là một đường cong kín. Đường cong kín này có thể nằm trong một mặt phẳng vuông góc với trục thời gian, nghĩa là không có thời gian, nghĩa là thời gian ngừng lại. Phải chăng đây là ước mơ của con người, muốn thoát khỏi cái vòng thời gian tạm bợ luẩn quẩn. Tiếc rằng không có bằng chứng chứng minh rằng vũ trụ chúng ta đang quay.
Còn có một vùng trời khác trong đó có thể có những đường đời cong kín: bên trong hố đen quay (rotating black hole) do Roy Kerr chứng minh. Hố đen còn là cửa ngõ đi vào những thế giới kỳ lạ khác hoàn toàn cách biệt với vũ trụ chúng ta. Rất mạo hiểm, bởi vì ranh giới hai bên cánh cửa đó không bảo đảm rằng cái tôi có còn nguyên vẹn không. Có lẽ cái tôi bên này khi bước sang bên kia trở thành một cái tôi hoàn toàn khác hẵn và hoàn toàn xa lạ với cái tôi cũ.
Vượt thời gian để có thể đi vào quá khứ hoặc tương lai vốn là một đề tài hấp dẫn. Nhiều người vẫn cho rằng đề tài này thuộc phạm vi khoa học giả tưởng. Thực ra các nhà vật lý học đã và đang tích cực nghiên cứu vấn đề này. Vì bị giới hạn bởi vận tốc ánh sáng nên phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là tạo ra một chu trình kín trong không thời gian. Hãy hình dung hai vị trí A và B của không thời gian. Giả sử một hạt vật chất có đường đời từ A đến B. Nếu đi dọc theo không thời gian (với vận tốc bé hơn vận tốc ánh sáng, tất nhiên) phải tốn một thời gian nào đó. Nếu chúng ta có thể làm một đường hầm (gọi là wormhole) nối liền A và B, hạt vật chất có thể đến B trước thời gian phải đến. Như vậy hạt vật chất đã đi vào tương lai của mình. Chính Einstein, cùng với Rosen, cũng đã tiên đoán vấn đề này, nên wormhole thường được gọi là cầu Einstein-Rosen. Kip Thorne chứng minh rằng dùng năng lượng âm có thể tạo ra một đường hầm mong muốn.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhân loại, con người vẫn suy tư về thời gian. Chúng ta đã sơ lượt qua quan niệm của người xưa về thời gian. Rồi thời gian Newton. Rồi thời gian Einstein. Đi vào thế giới kỳ lạ của các hạt vật chất tí hon như photons, electrons, protons, neutrons, v.v…, chúng ta còn có thời gian nguyên lượng.
Trong thí nghiệm Young, khi một chùm tia sáng (photons) xuyên qua hai khe hở song song, chúng ta nhận được giao thoa ánh sáng trên bức màn đặt phía sau các khe hờ. Nếu chúng ta thay thế chùm tia sáng bằng chùm các neutrons (hay bất kỳ một loại hạt nào khác), sự giao thoa vẫn hiện ra trên màn ảnh. Nếu chúng ta che kín một trong hai khe hở, sự giao thoa sẽ biến mất. Cách thức các neutrons xuyên qua khe hở còn lại bây giờ hoàn toàn giống cách thức các quả cầu ném qua cửa sổ vậy. Điều này chứng minh rằng các hạt vật chất tí hon vừa mang tính chất sóng vừa mang tính chất hạt. Đặc biệt hơn nữa, nếu chúng ta phóng những hạt neutrons đến các khe hở một cách chậm chạp, từng hạt một, chúng ta vẫn quan sát thấy sự giao thoa từ từ xuất hiện trên màn ảnh. Nếu chúng ta dùng máy thăm dò để biết một hạt neutron nào đó đã xuyên qua khe hở nào trước khi đến màn ảnh, sự giao thoa tức khắc biến mất.
Các thí nghiệm trên chứng minh rằng chỉ khi nào chúng ta quyết định muốn quan sát xem một neutron có mang tính chất hạt không và xuyên qua khe hở nào, thì chính lúc đó là lúc neutron đó mang tính chất hạt. Nếu chúng ta không cố tình tìm biết lộ trình của neutron đó, thì chính lúc đó neutron đó mang tính chất sóng. Chúng ta không thể chế tạo bất cứ một loại máy móc nào để có thể biết neutron xuyên qua khe hở nào mà sự giao thoa vẫn xuất hiện trên màn ảnh. Nếu bạn muốn xem những neutrons giao thoa trên màn ảnh thì đừng hòng bạn có thể biết lộ trình của chúng. Ngược lại nếu bạn muốn biết lộ trình của chúng thì đừng hòng chúng sẽ giao thoa cho bạn xem. Nói khác đi, quan sát viên đóng vai trò then chốt trong việc quyết định những gì mình muốn quan sát, sóng hay hạt, nhưng không thể cả hai.
Đối với cơ học Newton cũng như lý thuyết tương đối của Einstein, quỹ đạo của một vật thể là duy nhất. Đối với cơ học nguyên lượng, một hạt vật chất có thể có những quỹ đạo khác nhau khi di chuyển từ vị trí A đến vị trí B với những xác suất khác nhau. Như vậy tương lai của một hạt không hẳn chỉ phù thuộc vào hiện tại và quá khứ mà còn tùy thuộc vào sự may mắn nữa. Feynman cho rằng tương lai của hạt chỉ được xác định bởi quỹ đạo trung bình của tất cả những quỹ đạo nói trên.
Những vùng không gian chúng ta thường gọi là hư không (empty) thực ra, theo vật lý nguyên lượng, chứa đầy những cặp hạt (particle) và đối hạt (antiparticle) ảo ảnh (virtual). Mỗi cặp hạt và đối hạt ảo ảnh cùng nhau xuất hiện, di chuyển theo những hướng khác nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, rồi gặp lại nhau và cùng nhau hũy diệt, phát ra năng lượng.
Hãy quan sát một cặp hạt như thế. Giả sử chúng cùng xuất hiện tại vị trí A, hạt quay theo hướng từ trái sang phải và di chuyển theo quỹ đạo C1 đến vị trí B trong lúc đối hạt quay theo hướng từ phải sang trái và di chuyển theo quỹ đạo C2 đến B trong không thời gian. Cả hai hạt đều di chuyển vào tương lai từ A đến B. Vì định luật khoa học không thay đổi khi hạt thay thế bởi đối hạt, quay trái phải thay thế bởi quay phải trái và thời gian đi vào tương lai thay thế bởi thời gian đi vào quá khứ nên chuyển động của đối hạt từ A đến B theo thời gian đi vào tương lai dọc theo quỹ đạo C2 có thể thay thế bằng chuyển động của hạt di chuyển từ B đến A theo thời gian đi vào quá khứ dọc theo quỹ đạo C2. Tóm lại chuyển động của cặp hạt từ A đến B có thể thay thế bằng chuyển động của hạt dọc theo đường cong kín từ A dọc theo C1 đến B theo thời gian đi vào tương lai, rồi từ B di chuyển trở lại A theo thời gian đi vào quá khứ. Như vậy, các hạt vật chất tí hon có thể đi vào quá khứ của mình!
Một vấn đề khác: Chúng ta có thể đo thời gian một cách tuyệt đối chính xác không? Nguyên lý bất định Heisenberg khẳng định không. Khi bạn muốn xác định vị trí chính xác của một hạt vật chất bạn phải trả một giá rằng bạn không thể đo chính xác vận tốc của hạt đó. Tương tự, khi bạn muốn biết chính xác vào lúc nào và khoảng bao lâu một điện tử trong một nguyên tử thoái hóa từ một mức năng lượng cao xuống một mức năng lượng thấp hơn, bạn phải trả giá rằng bạn không thể đo chính xác được năng lượng của điện tử đó. Tóm lại chúng ta không thể xác định vị trí, tốc độ, thời gian hay năng lượng của chúng một cách hoàn toàn chính xác. Sự đo lường không được chính xác không phải do lỗi chúng ta mà do chính bản chất sinh động táy máy và lẳng lơ của các hạt vật chất. Nói khác đi, không thể tồn tại một thế giới khách quan với đầy đủ những tính chất hoàn toàn được xác định một cách chính xác.
Vì không đo được thời gian một cách tuyệt đối chính xác, bất cứ một máy đo thời gian nào, dù tinh vi bao nhiêu, cũng chỉ cho chúng ta một độ đo gần đúng. Tất nhiên sai số có thể rất bé, nhưng không bao giờ không có sai số.
Vũ trụ chúng ta nay đã thọ khoảng 15 tỷ năm và đang bành trướng. Vũ trụ bé hơn trong quá khứ. Hãy trở về cái thời điểm khi vũ trụ ở tuổi Planck time và kích thước Planck length. (Nếu bạn chia một giây đồng hồ ra làm mười triệu triệu triệu triệu triệu triệu triệu phần, mỗi một phần như thế là một khoảng thời gian vô cùng bé gọi là Planck time. Tương tự, nếu bạn chia một phân tây, tức 1 cm, ra làm một triệu tỷ tỷ tỷ phần, mỗi phần là một khoảng cách vô cùng bé gọi là Planck length). Vũ trụ khi đó chỉ bằng một chấm rất nhỏ. Vạn vật kể cả bạn và tôi đều ở trong vùng không gian tí hon đó. Thời gian lúc đó như thế nào?
Chúng ta đã biết rằng thời gian (Einstein) là thời gian tương đối. Thời gian của bạn và của tôi nói chung không giống nhau. Không có thời gian nào đúng hơn hay quan trọng hơn thời gian nào. Mỗi cách chọn lựa thời gian khác nhau tương ứng với một cách cắt lát không thời gian khác nhau. Tuy nhiên tất cả những mô tả về vũ trụ tương ứng với những chọn lựa thời gian khác nhau đều tương đương. Nếu vũ trụ chúng ta là một vũ trụ kín, phương trình Einstein cho thấy rằng năng lượng của vũ trụ triệt tiêu. Đối với vật lý nguyên lượng áp dụng cho những hạt vật chất, không có năng lượng tức không có thời gian. Khi vũ trụ trẻ hơn Planck time với kích thước bé hơn Planck length, vũ trụ được xem như một hạt vật chất tí hon. Do đó nếu vụ trụ không có năng lượng cũng sẽ không có thời gian. Có điều mâu thuẩn là lý thuyết tương đối tổng quát chỉ hữu hiệu khi tuổi của vũ trụ lớn hơn Planck time. Do đó khi vũ trụ trẻ hơn Planck time, không biết chắc năng lượng có triệt tiêu chăng. Tuy nhiên nhiều nhà vật lý học tin rằng năng lượng của vũ trụ khi còn thơ ấu cũng triệt tiêu. Do đó họ vẫn tin rằng vào cái tuổi thơ đó, vũ trụ không có thời gian. Nói cách khác, khi ngược dòng thời gian đi về khởi điểm (the big bang), dường như thời gian dần dần biến mất và biến thành một thứ nguyên của không gian. Nói khác đi, khi trở về Planck time, thời gian và không gian không còn phân biệt nữa.
Với niềm tin nói trên, Hartle và Hawking, bằng cách dùng một loại thời gian rất xa lạ đối với đa số chúng ta, gọi là thời gian ảo (imaginary time), đã đưa ra một mô hình vũ trụ hữu hạn và không có biên giới trong đó tuy thời gian cũng hữu hạn nhưng không có khởi điểm và cũng không có điểm kết thúc. Do đó vũ trụ không có điểm sáng tạo cũng không có điểm hũy diệt. Vũ trụ tự nó tồn tại, và sau khi có kích thước lớn hơn Planck length, vũ trụ biến đổi giống như vũ trụ của chúng ta vậy.
Thời gian ảo ở đây không có nghĩa là không thực, trái lại chỉ là một thuật toán khác dùng để mô tả vũ trụ theo một cách khác. Thời gian Newton hay thời gian Einstein là những đại lượng toán học dùng để mô tả sự biến đổi của vạn vật. Thời gian ảo cũng là một đại lượng toán học dùng để mô tả biến đổI của vạn vật. Trong toán học, có một loại số gọi là phức số. Mỗi phức số gồm hai thành phần, phần thực và phần ảo. Do đó tập hợp các phức số thường được tượng trưng bởi một mặt phẳng phức với hai trục tọa độ, trục thực và trục ảo. Hawking đã dùng trục ảo này làm trục thời gian, và ông gọi loại thời gian mới này là thời gian ảo. Như vậy thời gian ảo của Hawking thật ra rất thực. Nếu bạn không tin có điểm sáng tạo, bạn hãy dùng thời gian Hawking để mô tả vũ trụ. Nếu bạn tin có điểm sáng tạo, hãy dùng thời gian Einstein. Hai loại thời gian cho chúng ta hai cách để mô tả cùng một vũ trụ. Do đó hai phương pháp tương đương nhau.
Vậy loại thời gian nào mới thực sự mô tả bản chất của thời gian? Khi thời gian ảo mới ra đời, không ít ngườI phê phán. Để bảo vệ cái thời gian ảo của mình, Hawking đã phát biểu: Có thể rằng cái chúng ta gọi là thời gian ảo mới thực sự có nền tản hơn, và cái chúng ta gọi là thực thật ra chỉ là một ý niệm do chúng ta phát minh giúp chúng ta mô tả những gì chúng ta cho là giống vũ trụ (Maybe what we call imaginary time is really more basic, and what we call real is just an idea that we invent to help us describe what we think the universe is like). Có thể rằng thời gian thực và ảo thật ra chỉ là hai nhản hiệu khác nhau của cùng một bản chất thời gian. Nếu vậy, cả hai đều có giá trị như nhau. Eric Rogers có viết lời đối thoại mô tả hai quan niệm khác nhau về bản chất của lực ma sát (friction). Giả sử ông A không tin có ma quỉ trong lúc bà B tin có. Cuộc đối thoại đại khái như sau:
A: Tôi không tin có ma quỉ.
B: Tôi tin có.
A: Tôi không tin ma quỉ có thể tạo ra sức ma sát.
B: Tôi tin ma sát do chúng nó tạo ra. Chúng nó đứng trước vật thể, đẩy vật thể lùi lại như không muốn để vật thể di chuyển.
A: Tôi không thấy có ma quỉ nào trên mặt bàn cả.
B: Chúng nó là loài ma quỉ tí hon, gần như trong suốt.
A: Nhưng có nhiều ma sát hơn trên những mặt bàn nhám hơn.
B: Mặt nhám hơn có nhiều ma quỉ hơn.
A: Dùng dầu trơn sẽ giảm độ ma sát.
B: Vì dầu trơn làm ma quỉ chết đuối.
A: Nếu tôi chùi mặt bàn cho láng mướt, sẽ có ít ma sát hơn và do đó quả cầu có thể lăn xa hơn.
B: Chùi mặt bàn sẽ làm cho số lượng ma quỉ giảm bớt, do đó sức đẩy lùi của ma quỉ sẽ yếu hơn, và vì vậy quả cầu có thể lăn xa hơn.
A: Nếu quả cầu nặng hơn sẽ có nhiều ma sát hơn.
B: Nếu quả cầu nặng hơn, sẽ có nhiều ma quỉ hơn để đẩy nó lùi lại.
A: Tôi có thể đẩy một viên gạch trên mặt bàn, dung sức đủ mạnh chống lạI sức ma sát cho đến một giới hạn, và viên gạch vẫn đứng yên với sức ma sát vừa cân bằng sức đẩy của tôi.
B: Tất nhiên ma quỉ có thể dùng đủ sức để viên gạch vẫn đứng yên; nhưng sức mạnh của chúng có hạn, nếu vượt quá giới hạn đó chúng sẽ thua cuộc và bị nghiền nát.
A: Khi tôi đẩy viên gạch đủ mạnh để viên gạch di chuyển, vẫn có lực ma sát kéo viên gạch lại.
B: Đúng vậy, khi ma quỉ thua cuộc bị viên gạch nghiền nát, chính những xương cốt bị vỡ nát đó cản trở chuyển động của viên gạch.
A: Tôi không có cảm giác chúng tồn tại.
B: Cứ dùng ngón tạy chùi theo mặt bàn sẽ cảm giác thấy.
A: Sức ma sát tuân theo những định luật nhất định. Chẳng hạn thực nghiệm cho thấy rằng khi một viên gạch trượt dọc theo mặt bàn, lực ma sát độc lập với tốc độ viên gạch.
B: Tất nhiên, số những ma quỉ bị nghiền nát như nhau dù viên gạch di chuyển nhanh hơn hay chậm hơn.
A: Nếu tôi cho viên gạch trượt trên mặt bàn nhiều lần, sức ma sát mỗi lần trượt đều như nhau. Tất cả ma quỉ đã bị nghiền nát trong lần trượt đầu tiên.
B: Đúng vậy, nhưng ma quỉ sinh sản rất nhanh.
A: Còn có một định luật khác về sức ma sát: Sức ma sát tỉ lệ với sức ép giữa viên gạch và mặt bàn.
B: Ma quỉ sống trong những kẻ hở trên bề mặt của vật chất. Khi sức ép càng lớn chúng tràn ra bề mặt càng nhiều để đẩy và để bị nghiền nát. Những động tác đẩy kéo của ma quỉ hoàn toàn phù hợp với những định luật về ma sát…v… v …
Cuộc đối thoại trên đây mô tả hai quan điểm khác nhau về sức ma sát. Cả hai đều hợp lý. Thông thường ít ai tin ma quỉ tạo ra sức ma sát. Nhưng chừng nào chúng không vi phạm các định luật về ma sát, chúng nó vẫn là một nhân tố có thể được tuyển chọn. Thời gian thực hay thời gian ảo cũng thế.
Thời gian đã đang và sẽ ám ảnh nhân loại cho đến bao giờ? Khi ta có vài niềm vui nho nhỏ, thời gian dường như trôi nhanh hơn để cướp mất niềm vui đó. Trái lại những lúc buồn phiền, thời gian trôi chậm lại như muốn có nhiều thì giờ hơn để chế nhạo chúng ta. Không thể trách con người muốn rời bỏ thời gian đi tìm vĩnh cửu. Nhưng có thể hủy diệt thời gian dễ như mấy vần thơ sau đây do nhà thơ Angelus Silesius viết vào thế kỷ 16 không:
Time is of your own making,
its clock ticks in your head.
The moment you stop thought
time too stops dead.

Tạm phỏng dịch:
Thời gian có nghĩa gì đâu
Tích tắc từng tiếng trong đầu mà nên
Đừng nghĩ đến, thế là yên
Hết nơi nương tựa nó liền tan đi.

Nhưng làm sao hình dung cái gọi là vĩnh cửu? Làm sao hình dung một thế giới trong đó sự sống độc lập với thời gian? Như một tấm hình chụp từ tuổi ấu thơ? Không phải. Bởi vì một thế giới vuông góc với trục thời gian không nhất thiết chỉ gồm một điểm. Như vậy trong một thế giới không có thời gian, các sinh vật vẫn có thể di chuyển. Nhưng chuyển động nói lên sự biến đổi, và biến đổi thì dính líu mật thiết đến thời gian. Hay cuối cùng vĩnh cửu chỉ là một tâm lý, một ước mơ, một hy vọng của con người, một hy vọng con người thừa biết không bao giờ đạt được? Thôi đành theo chủ thuyết Daffy Duck (We join you just because we can’t beat you), vui buồn với cái thời gian vốn có của chúng ta.Tài liệu tham khảo:
Davies, P. C. - W. About Time. Simon & Schuster, New York, 1995.
Hawking, S. W. - A Brief History of Time. Bantam, New York, 1998.
Barrow, J. D. - The Origin of the Universe. Phoenix, London, 1995.
Barrow, J. D. - The Universe That Discovered Itself. Oxford, New York, 2000.

Nguồn: Tâm Đàn (http://www.Chuyenluan.net)

P/S: Cảm ơn TV Phan Thị Kim Anh và Sin Ân. Các bạn đã đọc và chia sẻ với mình những cảm nghiệm về Thời gian và Vĩnh cửu. Đề tài không mới nhưng mãi là “mảnh đất của muôn đời”. Mở topic này, thực chất mình muốn góp bàn vấn đề: Làm thế nào để học cách yêu và sống với thời gian? Dù hữu hạn hay vĩnh cửu… thì “Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình…Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì bệnh tật vô lý hay một sự bi đát tình cờ nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời này…” (Câu nói nổi tiếng của Paven Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga - Nikolai Ostrovsky). Mỗi người đều có một “thời gian vốn có của riêng mình”. Sử dụng nó cho mục đích gì, ứng xử với nó ra sao… tùy thuộc vào cách Nghĩ và cách Sống của mỗi chúng ta. Tựu chung, vẫn chỉ một ngẫm ngợi về việc: Ở đời và Làm người! Vậy thôi. Mình vừa viết một bài (chép lại suy nghĩ của mình bằng thể loại không giống văn xuôi), các bạn đọc cho dzui nhé. Cảm ơn vì đã lắng nghe!

VÔ THƯỜNG

Thời gian là cát trôi
Giữa kẽ tay im vắng
Ai giữ được Hư không
Đời thoảng qua như mộng

Góp gom từng hạt bụi
Thành phù sa yêu thương
Mỗi phút giây Thực Sống
An nhiên cõi Vô thường[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 2 29/12/08 23:58

Thời gian là gì nhỉ?
Làm gì có thời gian
Chỉ là màn ảo ảnh
Phủ sương mù vô minh

Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa đến
Hiện tại không an trụ
Giữa thế giới hư vô

Ta bơ vơ lẩn quẩn
Kiếm tìm sự bình yên
Nhưng tìm hoài không thấy
Chỉ thấy một tình yêu

Đọc bài viết và bài thơ của chị , em không biết viết gì hơn ngoài vài câu thơ họa lại
Lần sau em sẽ post thêm quan điểm của Phật giáo về thời gian.
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 30/12/08 12:27

[justify]Đọc “vài câu thơ họa lại” của Sin Ân, nhất là ý “Quá khứ đã không còn/Tương lai thì chưa đến/Hiện tại không an trụ/Giữa thế giới hư vô”, mình lại nhớ đến bài Văn Tế Tiền hiền, Hậu hiền ở đình Long Phú, huyện Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang. Sau lời khoán năm tháng, lý do tế thần, đến đoạn: “Tiền hiền khai khẩn chi linh/ Hậu hiền khai cơ chi linh/Quá vãng thần kỳ chi vị/ Tiền vãng cố hương chức chi vị… Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên, ư kim cố hữu/ Vãng giả qua, lai giả tục, tự cổ giai nhiên”. Tạm dịch là “Sự linh thiêng Tiền hiền khai khẩn/ Sự linh thiêng Hậu hiền khai cơ/ Chư vị thần kỳ quá khứ xa xưa/ Chư vị thần kỳ quê hương gần đây/ Cây có gốc, nước có nguồn, hôm nay có vững. Qua là đã qua, đến là Tiếp nối, tự xưa đều vậy”. Bài văn tế đầy ắp ý nghĩa nhớ về cội nguồn, ơn sâu các bậc hiền nhân tạo dựng và mở ra cuộc sống hôm nay!
Vậy nên, thời gian được kết nối từ cội nguồn quá khứ, chảy âm thầm trong dòng Hiện tại để tiệm tiến tới Tương lai. Chính vì Hiện tại chảy âm thầm quá, khẽ khàng quá nên đôi lúc ta không nhận ra sự dịch chuyển của nó. Hoặc bởi ta quá ồn ào nên không kịp nghe tiếng “lá rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”, không kịp nhìn và thẩm thấu bước chân “những mùa thu đi”…mà “nghe sầu lên trong nắng”… Thậm chí, đôi lúc ta còn ngỡ rằng thời gian là Vĩnh cửu, “đời còn dài, tương lai còn rộng”, tuổi trẻ có “tiêu hoang”, “chơi cho tới”, “sài cho đã”…quỹ thời gian thì cũng hổng sao!? May thay, còn có rất nhiều người như bạn, như tôi, như tất cả chúng ta, chợt Thức Nhận thời gian trôi nhanh như “bóng câu qua cửa”. Cái còn lại chính là Tri thức và Tình yêu thương. Và, như thế Thời gian vĩnh cửu, Hạnh phúc vĩnh cửu, giản dị là những ngày ta Thực Sống cho những người, những việc, những ước mơ ta Thực Yêu. Bài thơ “Hạnh phúc” mình chép lại dưới đây (của người khác nha, lâu quá rồi mình không còn nhớ được tên tác giả. Thành thực xin lỗi!) là một cảm nghiệm như thế, các bạn hãy đọc và chia sẻ cùng mình!

Anh nghĩ dại, lúc anh thành ông lão
Em héo đi thành một bà già
Anh nghĩ dại, lúc chúng mình xanh cỏ
Tấm lưng còng thành đống đất nhấp nhô

Cháu con ta tới sụp lạy bên mồ
Rón rén bày lên đồng quà tấm bánh
Ta bất lực trước hương tàn, khói lạnh
Lá rơi vào sâu hút đáy mùa thu

Tay ta buông xuôi như vĩnh biệt nỗi lo
Mắt nhắm lại để không còn day dứt
Cháu con ta yêu nhau, hôn nhân và hạnh phúc
Chụm nén hương cúng hồn vía ông bà

“Ôi, xin lỗi mình!”. Chuyện ấy còn xa
Anh nghĩ dại, lúc hai ta còn trẻ
Em, hãy yêu nhau, ta hãy thương yêu nhau như thể
Cỏ trên mồ vẫn cỏ lúc ta yêu!
[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 3 30/12/08 22:34

[justify]Hữu thể và Thời gian.

Những tiến bộ khoa học tìm hiểu sự hiện thành và tiến hóa của hữu thể trong vũ trụ căn cứ vào hai phát minh quan trọng. Một phát minh về toán học, phép phân tích định tính các hệ thống động lực phi tuyến, và phát minh kia là thuyết nhiệt động học về các cấu trúc tiêu tán. Thuyết cấu trúc tiêu tán, cũng như mọi lý thuyết khoa học, là một phép quán chiếu, một sản phẩm của tâm thức, chứ không phải là một biểu tượng của thực tại. Các hệ thống động lực phi tuyến chỉ là một ngôn ngữ để lý luận và truyền thông chứ không phải để phô diễn kiến thức về thực tại.
Theo nhận thức Phật giáo, thuyết cấu trúc tiêu tán là một thuyết về tánh khởi tức y tánh duyên khởi, “pháp trụ pháp vị”. Tại một điểm trong một xứ và một thời nhất định, các cấu trúc lưu xuất từ pháp giới và tồn tại bền vững xa vị trí cân bằng được bởi vì chúng cùng biến chuyển lưu chú và hỗ tương giao thiệp với những luồng năng lượng và vật chất trong pháp giới. Quả là một nghịch lý khi cấu trúc hiện hữu như một cá thể độc lập riêng biệt mà không hẳn riêng biệt vì thật ra là pháp giới tính trùng trùng duyên khởi. Trong pháp giới tính trùng trùng duyên khởi, một hữu thể đối đãi hiện ra các hữu thể, các hữu thể đối đãi hiện ra một hữu thể. Về mặt pháp tướng, mỗi một hữu thể cá biệt tự giữ được tánh riêng, làm đối tượng cho sự nhận thức biết nó là nó. Về mặt pháp tánh, thật tướng của hữu thể là Không, không có giới hạn, không có phần vị sai biệt.
Như vậy, mỗi hữu thể là biểu hiện của lý hỗ tức (mutual identity) và lý hỗ nhập (mutual penetration). “Hỗ tức” hay “Tất cả là Một, Một là Tất cả” phô diễn ý nghĩa của câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong Tâm kinh. “Hỗ nhập” tương ứng với nguyên lý duyên khởi theo đó không có sự vật nào hiện hữu độc lập, có sẵn định tánh nơi bản thể của nó, và mọi vật đồng thời hiện khởi, nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cái này không chướng ngại sự hiện hữu và hoạt động của những cái kia. Nói tắt, “hỗ nhập” là đồng thời câu khởi, đồng thời hỗ nhiếp, và đồng thời hỗ dung.
Để hiểu dễ dàng hơn những mô hình toán học diễn tả sự hiện thành và tiến hóa của hữu thể trong vũ trụ, tưởng cũng cần nhắc lại rằng vũ trụ với tất cả hữu thể chỉ là hình chiếu của thực tại chân như trong một khung không thời gian do phân biệt vọng tưởng tạo ra. Theo Duy thức, vũ trụ là do thức biến. Huyền Tráng và An Huệ giải thích sự chuyển biến (parinàma) của thức mỗi người một cách.
Ngài Huyền Tráng giải thích thức chuyển biến qua hai tầng theo một chiều từ hetu (nhân) đến phala (quả): (1) nhân năng biến (hetu-parinàma); nhân tức chủng tử, chủng tử năng biến sinh quả hiện hành là tám thức. (2) quả năng biến (phala-parinàma), tức tám thức mỗi mỗi chuyển biến thành hai phần, kiến và tướng, do đó, tám thức biểu hiện hết thảy mọi hiện tượng.
Trên phương diện không gian, giải thích thức biến (vijnàna-parinàma) như vậy là theo một quá trình phân hai của thức thành chủ thể (gràhaka) và đối tượng (gràhya). Trên phương diện thời gian, chuyển biến của thức qua hai tầng theo quan hệ một chiều không thể đảo nghịch hetu ==> phala (nhân ==> quả), từ hetu (nhân) đến phala (quả), xác định hướng bay của mũi tên thời gian.
Luận sư An Huệ (Sthiramati) quan tâm hơn đến bản tính của sự chuyển biến. Ngài chủ trương chuyển biến (parinàma) của thức là sự xảy ra đồng thời và nghịch chiều của nhân chuyển và quả chuyển. Khác với Huyền Tráng, chuyển biến được giải thích theo nghĩa của hai chữ Phạn kàrana và kàrya. Tiếc thay, hai chữ nhân và quả dùng để dịch hetu và phala cũng được dùng để dịch kàrana và kàrya, mặc dầu chúng có nghĩa khác nhau. Nhân kàrana có nghĩa hoạt động, là tác dụng gây ảnh hưởng đến một sự vật. Quả kàrya trái lại có nghĩa thụ động, là tác quả hay cái bị tác động. Quan hệ giữa kàrana và kàrya là quan hệ hai chiều, khác hẳn quan hệ một chiều giữa hetu và phala.
Nhân chuyển còn gọi là huân tập (vàsanà) có nghĩa là, hiện tượng nguyên là phala thời nay là kàrana, và chủng tử, luôn luôn là hetu, thời bây giờ là kàrya. Quả chuyển tức chủng tử sinh hiện hành, chủng tử là kàrana và hiện tượng là kàrya. Vậy thức chuyển là tổng hợp hai chuyển biến đồng thời và nghịch chiều, chủng tử <==> hiện tượng, kàrana <==> kàrya.
Thức chuyển là cơ sở nương trên đó giả lập thế giới hiện tượng. Tất cả dồn chứa vào một sát na, gọi là “nhi kim”, khoảnh khắc bây giờ và tại đây. Tánh đồng thời tức phi thời của thức chuyển trở thành nguồn gốc của thời gian và không gian. Mọi hữu và biến cố đều hiện thành trong giới hạn của khung không thời gian được thiết lập trên cơ sở của thức biến. Cơ sở này là cơ sở của sự chuyển biến của a lại da thức, thường gọi là tánh nhân duyên, tức chuyển biến đồng thời chủng sinh hiện, hiện sinh chủng. Thế giới sinh ra và biến mất trong từng chớp nhoáng. Mọi sự vật hiện khởi trong sát na nhi kim và biến mất cùng trong sát na ấy. Chính do biến dịch sinh diệt từng sát na mà thế giới tự thiết lập và hiện thành.
Tánh sát na là tương tục, nghĩa là, nhi kim vận hành bất tuyệt, nhi kim là hiện tại miên trường. Tương tục bất đoạn là đặc tính của sự chuyển biến của thức, tức của hoạt động của bảy yếu tố tâm thức sinh diệt liên tục trong từng sát na tạo thành hình ảnh thời gian lưu chuyển theo chiều một mũi tên. Khái niệm entropy gia tăng có thể xem như sự nuôi lớn thức tương tục do vô minh bất giác làm nhân và cảnh giới hư vọng làm duyên. Mũi tên thời gian chính là thức lưu chú thuận dòng vô minh sinh ra các pháp sinh tử tạp nhiễm. Các pháp luôn luôn hóa dịch đổi mới mà hiện thành qua luật tắc duyên khởi, nên sinh, trụ, dị, diệt trong sát na hay trong một thời kỳ đều là tướng giả.
Hai đường chạy dài song song bên trên và bên dưới biểu tượng thế giới hiện tượng và thức a lại da. Các mũi tên lên xuống biểu tượng tánh nhân duyên tức sự thường xuyên phát hiện chủng tử thành hiện hành, và sự trở về của các hiện hành trong hình thái tân chủng tử; (a) là hình ảnh thức chuyển giải thích theo luận sư An Huệ trên quan điểm đồng thời tức phi thời, kàrana <==> kàrya, hay sát na hiện tại, “nhi kim”, bây giờ và tại đây; (b) là hình biểu diễn thức chuyển giải thích theo ngài Huyền Tráng, tương tục lưu chú một chiều, hetu ==> phala, theo mũi tên thời gian.
Như vậy, thời gian không gì khác hơn là sự kết hợp chu kỳ triển chuyển với tương tục lưu chú. Khoa học đo thời gian bằng cách đếm chu kỳ tuần hoàn tái diễn của các biến cố vô thường trong dòng tương tục của sinh tử phần đoạn. Thời gian là các tuần trăng tròn hay trăng khuyết, là ngày lại đêm, đêm lại ngày, là chu kỳ đu đưa của quả lắc, là dao động của một tinh thể thạch anh (quartz crystal) phát sóng.
Theo Prigogine, bản tính của thời gian là một chiều không thể đảo nghịch mặc dầu tất cả định luật chuyển động trong thế giới vi mô các hạt đều có tính cách thuận nghịch. Để giải thích, ông tựa vào khái niệm toán học “phá gãy đối xứng”.
Trước hết, cần phải hiểu ý nghĩa của danh từ toán học “đối xứng” dùng trong cơ học lượng tử. Đây không phải tính chất đối xứng thấy trong hình tướng của một sao biển hay hoa tuyết. Đối xứng của hạt trong thế giới vi mô là những phép toán (operations) trừu tượng thực hiện trong những không gian toán học trừu tượng khác nhau. Trong sự phân hạng những thay đổi biến chuyển của các hạt thành nhóm (group), danh từ toán học “đối xứng” được dùng để chỉ một nhóm phép toán không làm thay đổi tướng dạng mẫu hình biến chuyển toán học của các hạt. Những mẫu hình biến chuyển này được gọi là bất biến (invariant) đối với nhóm đối xứng.
Mỗi định luật vật lý cơ bản tương ứng với một bất biến, và bất biến này tương đương với một nhóm đối xứng. Ba nhóm đối xứng quan trọng sau đây thường được nêu ra để giải thích một số hiện tượng hay biến cố vũ trụ học. (1) Đối xứng không gian đảo chuyển P (Parity; space inversion) có nghĩa là định luật vẫn đúng nếu từ áp dụng vào một biến cố chuyển qua áp dụng vào ảnh trong gương của biến cố ấy (thí dụ: ảnh trong gương của một hạt quay trái là một hạt quay phải, vậy áp dụng vào hạt quay trái hay vào hạt quay phải, định luật vẫn đúng). (2) Đối xứng điện tích liên hợp C (charge-conjugation) có nghĩa là định luật vẫn đúng khi đổi hạt thành phản hạt và phản hạt thành hạt [Xin nhắc lại định nghĩa phản hạt: Với mỗi và mọi hạt, tương ứng một phản hạt tức là một hạt đồng khối lượng và spin nhưng ngược điện tích]. (3) Đối xứng thời gian đảo chiều T (time-reversal) có nghĩa là nếu đổi ngược hướng chuyển động của tất cả hạt và phản hạt, hệ thống sẽ trở lại trạng thái khi trước. Nói cách khác, định luật vẫn đúng khi chuyển hướng tới thành hướng lui hay ngược lại của thời gian.
Năm 1956, trái với đa số vật lý gia tin tưởng các định luật vật lý tuân theo đối xứng không gian đảo chuyển P, hai nhà vật lý học Mỹ gốc Trung Hoa, Tsung Dao Lee và Chen Ning Yang, đưa ra ý kiến là lực hạt nhân yếu (the nuclear weak force; nguyên nhân của sự phân rã bêta, tức sự chuyển hóa phóng xạ bên trong hạt nhân biến đổi neutron thành proton) phá gãy đối xứng P. Nói cách khác, lực này khiến cho vũ trụ và ảnh trong gương của vũ trụ ấy không phát triển giống nhau. Xác suất xảy ra các tiến trình “quay trái” sai khác xác suất xảy ra các tiến trình “quay phải”! Ý kiến đề xuất được thí nghiệm xác nhận là đúng và hai ông được trao giải Nobel về Vật lý học 1957.
Để trả lời câu hỏi vì sao hiện giờ trong vũ trụ số quark nhiều hơn số phản quark mặc dầu chúng khởi đầu với số lượng bằng nhau, các nhà vũ trụ học viện dẫn lý do các định luật vật lý không tuân theo đối xứng C. Nghĩa là các định luật chi phối vũ trụï các phản hạt không giống các định luật chi phối vũ trụ các hạt. Hai vũ trụ phản hạt và hạt vận hành không giống nhau. Đó là một thí dụ về sự phá gãy đối xứng C.
Một thí dụ khác về sự phá gãy đối xứng: Sự vận hành của vũ trụ sơ sinh không tuân theo đối xứng T vì vũ trụ bùng dãn theo chiều đi tới của thời gian; ví như thời gian đi lui thời vũ trụ đã thu súc! Chính vì có những lực không tuân theo đối xứng T, cho nên đồng thời với sự bùng dãn của vũ trụ, các lực ấy là nguyên nhân chuyển hóa phản electron thành quark nhiều hơn là electron thành phản quark. Trong giai đoạn vũ trụ bùng dãn và lạnh dần, vì quark nhiều hơn phản quark cho nên sau khi phản quark tương tác hủy diệt với quark, còn lại một số quark thặng dư tạo thành vật chất hiện hữu.
Trong thế giới vi mô các hạt, các định luật vật lý diễn đạt những khả năng hay tiềm năng của vật chất, năng lượng bằng những công thức toán học luôn luôn phô bày một số đối xứng. Do đó, các nhà vật lý tin tưởng bản thể của vũ trụ là đối xứng. Đối xứng theo thuật ngữ Phật giáo có nghĩa là viên dung vô ngại, tất cả cùng hỗ tương nhiếp nhập mặc dầu chúng vẫn phân lập và đối đầu lẫn nhau. Nói theo Hoa nghiêm, đối xứng là bao hàm toàn thể hết thảy cảnh giới các cõi (viên dung) và khả năng tương dung nhiếp nhập vô tận của cảnh giới các cõi (vô ngại). Một thí nghiệm thực hiện trong một cảnh giới không ngăn ngại một thí nghiệm cùng chung phạm trù được thực hiện trong một cảnh giới khác, mặc dầu hai cảnh giới này chẳng những tương quan liên hệ với nhau, mà hơn thế nữa chúng tương tại và tương thị, cảnh giới này phản chiếu nằm trong cảnh giới kia và ngược lại. Lại nữa, một nguyên lý hay một thí nghiệm được công nhận chân thật trong một cảnh giới không cần phải được công nhận là chân thật trong một cảnh giới khác. Dẫu chân giả trái nghịch nhau đi nữa thời sự trái nghịch đó không phủ định hay bác bỏ giá trị hay hiệu năng của nguyên lý hay thí nghiệm nào trong chúng. Chúng cùng hiện thực tương đồng, hỗ tương dung nhiếp, hỗ tương giao thiệp toàn diện.
Khi bảo một hiện tượng là có hay không, điều đó tùy thuộc cảnh giới mà ta chọn làm khung ý niệm tiên khởi. Chính sự đóng khung trong một cảnh giới riêng biệt để quyết đoán ý nghĩa của sự vật tạo thành sự khác biệt căn bản giữa cái nhìn hạn hẹp và thô kệch giới hạn trong khung không thời gian của thế giới vĩ mô các hữu thể và cái nhìn toàn thể vô tận viên dung vô ngại trong thế giới vi mô các hạt.
Không lâu trước khi mất, Werner Heisenberg, người sáng tạo thuyết lượng tử, luận chứng rằng hạt không phải là những gì cơ bản nhất trong vũ trụ, chính các đối xứng mới là căn để của vật chất và cứ địa từ đó lưu xuất thế giới hiện tượng. Các hạt cơ bản thật ra là hiện thành vật chất của thế giới các đối xứng.
Đối với khoa học gia, mỗi lần một biến cố xảy ra hay một cấu trúc xuất hiện là có một sự phá gãy đối xứng. Prigogine nhận thấy một mặt, hữu thể trong vũ trụ vận hành theo những tiến trình không thể đảo nghịch, và mặt kia, mọi phương trình toán học dùng biểu diễn các định luật vật lý đều đối xứng thời gian đảo chiều. Theo ông, sự phá gãy đối xứng thời gian đảo chiều là do sự hiện thành các cấu trúc tiêu tán. Khi hệ thống ở trong trạng thái bất ổn định còn dao động nơi điểm phân nhánh đôi thời đối xứng thời gian đảo chiều vẫn còn hiệu ứng. Nhưng một khi các cấu trúc tiêu tán hiện thành thời chúng vận hành theo một chiều duy nhất từ quá khứ đến vị lai. Như thế có nghĩa là các tiến trình hoạt động của hữu thể trong thế giới hiện tượng đã phá gãy đối xứng thời gian đảo chiều.
Prigogine sử dụng một “toán tử thời gian T” trong các phương trình nhiệt động học ông thiết lập để mô tả tiến trình biến chuyển của các cấu trúc tiêu tán. Toán tử T tương ứng với “thời gian lịch sử” (historical time), tức là nội tại thời gian hay tuổi thọ của một hệ thống, biểu thị sự lưu chuyển một chiều của thời gian. Mỗi cấu trúc tiêu tán là một hữu thể lưu xuất từ các luồng dao động năng lượng/vật chất, là một trật tự thời gian triển khai từ pháp giới tính trùng trùng duyên khởi với một tốc độ riêng, không bắt buộc phải giống như trật tự thời gian triển khai từ một đồng hồ. Mỗi cấu trúc tiêu tán có tuổi thọ T riêng của nó. So sánh tuổi thọ của một con muỗi với của một con người là một điều lầm lẫn. Đó là hai cuộc đời khác nhau, mỗi cuộc đời triển khai trong một trật tự thời gian riêng biệt, có một tuổi thọ T khác biệt.
Prigogine cho rằng thời gian thuận nghịch (t) mà các vật lý gia sử dụng trong các phương trình cơ học cổ điển và cơ học lượng tử chỉ là một tham số liên can đến sự chuyển động của các hạt. Ông phân biệt thời gian lịch sử tức tuổi thọ (T) của một hữu thể (cấu trúc tiêu tán) và tham số (t) liên hợp với chuyển động trừu tượng của các khả năng. Tham số (t) trong các phương trình cơ học lượng tử diễn tả sự chuyển vận của hàm sóng khi rỉ tràn ra khỏi hạt nhân, khác hẳn với thời gian không thể đảo nghịch (T) phá gãy đối xứng khi thực hiện thí nghiệm đo lường.
Đối với Prigogine, tất cả các luật tắc về cấu trúc tiêu tán đều quan trọng như bất cứ định luật nào về thiên nhiên. Các luật tắc này chuyển dịch vũ trụ “từ đương là đến trở thành” (from being to becoming). Hay có thể nói: Đối với cấu trúc tiêu tán (hữu thể), đương là là trở thành. Một hữu thể không hiện thành trong thời gian mà hữu thể chính là thời gian. [/justify]
Hồng Dương
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 4 31/12/08 7:47

Sáng hôm nay thức dậy
Ngày cuối cùng của năm
Đời lớn thêm một tuổi
Người già đi mất rồi
Ta thấy ta bé nhỏ
Giữa cát bụi trần gian
Nhưng cát ơi có biết
Cả vũ trụ trong mi
Tuy mi bé nhỏ thật
Cũng đừng buồn cát ơi
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 4 31/12/08 17:09

Jorge Luis Borges (Argentina)

Nietzsche không thích việc so sánh Goethe với Schiller. Và chúng ta cũng có thể nói rằng thật vô lý nếu khi nói chúng ta liên hệ không gian với thời gian, bởi lẽ chúng ta có thể hình dung không gian nhưng không thể hình dung được thời gian.

Hãy giả thiết rằng chúng ta chỉ có một giác quan chứ không phải là năm. Và đó là thính giác. Khi đó sẽ không còn thế giới thị giác, nghĩa là sẽ không còn bầu trời và những vì sao. Nếu không có xúc giác, chúng ta sẽ không còn những khái niệm như trơn, ráp, xù xì, v.v... Nếu không có cả khứu giác và vị giác, chúng ta sẽ mất đi những cảm giác có được nhờ mũi và miệng. Khi đó chỉ còn lại thính giác. Và chúng ta sẽ có một thế giới không có không gian. Một thế giới của những cá thể. Những cá thể có thể giao tiếp với nhau, những cá thể, đông hàng nghìn, hàng triệu, giao tiếp với nhau bằng âm nhạc và ngôn ngữ - chẳng có gì cản trở chúng ta hình dung một thứ ngôn ngữ phức tạp như, hay thậm chí phức tạp hơn, ngôn ngữ của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có một thế giới trong đó không có gì khác ngoài âm nhạc và tri thức. Người ta có thể phản bác, rằng âm nhạc không thể thiếu nhạc cụ. Nhạc cụ cần thiết để tấu lên tiếng nhạc. Nhưng với những bản tổng phổ, chúng ta có thể tưởng tượng ra âm nhạc mà chẳng cần nhạc cụ, dù là piano, violon, sáo hay bất cứ loại nhạc cụ nào khác.

Như vậy, chúng ta sẽ có một thế giới phức tạp chẳng khác gì thế giới của chúng ta, một thế giới được tạo nên bởi tri thức cá nhân và âm nhạc. Nói như Schopenhauer, âm nhạc không phải là thứ thêm vào thế giới, tự thân nó đã là một thế giới. Dù vậy, trong thế giới đó thời gian luôn luôn hiện hữu. Bởi thời gian chính là sự kế tiếp. Nếu tôi tưởng tượng, và nếu các bạn tưởng tượng, rằng mình đang ở trong một căn phòng tối, khi đó, thế giới thị giác sẽ biến đi, biến đi khỏi cơ thể chúng ta. Đã bao lần chúng ta mất ý thức về sự tồn tại của cơ thể mình!... Tôi xin lấy ví dụ, tôi, tại đây, chỉ khi chạm tay vào cái bàn này tôi mới ý thức được sự tồn tại của bàn tay và của chiếc bàn. Một điều gì đó đã xảy ra, nhưng điều gì? Có lẽ là sự nhận thức? Nhưng cũng có thể đó chỉ là cảm giác hay đơn giản là một ký ức, hoặc là sự tưởng tượng. Dù sao thì cũng đã có điều gì đó xảy ra. Tôi chợt nhớ một câu thơ rất hay của Tennyson:

"Time is flowing in the middle of the night”
(Thời gian đang trôi giữa đêm khuya).

Một ý tưởng thật nên thơ, trong lúc cả thế giới ngủ yên, dòng sông thời gian lặng lẽ - ẩn dụ ở đây là không tránh khỏi - mải miết trôi đi trên những cánh đồng, trong lòng đất, trong không gian, trôi mải miết giữa những vì tinh tú.

Như vậy, thời gian là môt vấn đề cốt yếu. Tôi muốn nói rằng chúng ta không thể hình dung được thời gian. Ý thức của ta dịch chuyển không ngừng từ trạng thái này sang trạng thái khác và thời gian chính là sự nối tiếp ấy. Tôi tin chính Henri Bergson đã nói rằng thời gian là vấn đề cốt lõi của siêu hình học. Nếu vấn đề ấy được giải quyết thì tất cả sẽ được giải quyết. Với chúng ta thì chẳng có gì đáng lo ngại nếu nó được giải quyết: nói cách khác, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hết lo âu. Chúng ta sẽ mãi mãi có thể nói như Thánh Augustin: “Thời gian là gì? Nếu không ai hỏi tôi, tôi biết; nhưng nếu phải giải thích nó, tôi sẽ không biết nữa”.

Tôi không biết sau chừng hai mươi hay ba mươi thế kỷ suy ngẫm, chúng ta đã tiến được bao nhiêu về vấn đề thời gian. Nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta vẫn tiếp tục bối rối nỗi bối rối chết người của Héraclite ngày xưa: không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Tại sao người ta lại không thể tắm hai lần trên một dòng sông? Trước hết, đó là vì nước sông không ngừng chảy. Thứ hai – và đây là điều chúng ta chạm đến một cách siêu hình, điều gây cho chúng ta một nỗi hoảng sợ thiêng liêng - đó là vì chính chúng ta cũng là một dòng sông, một dòng sông đang trôi chảy. Chính ở đây vấn đề thời gian đang hiện diện. Vấn đề về sự mong manh. Tôi nhớ đến những câu thơ thật đẹp của của Boileau:

Hâtons-nous; le temps fuit, et nous entraîne avec soi:

Le moment où je parle est déjà loin de moi.

(Hãy nhanh lên, thời gian đang chạy trốn còn chúng ta thì chậm chạp

Khoảng khắc tôi cất lời giờ đã xa xôi)

Hiện tại của tôi – hay cái từng là hiện tại của tôi – đã thuộc về quá khứ. Nhưng thời gian dù trôi đi, cũng không trôi đi hết. Chẳng hạn, tôi đã trò chuyện với các bạn hôm thứ Sáu vừa rồi. Chúng ta có thể nói rằng hôm nay chúng ta đã khác, bởi có biết bao nhiêu điều đã xảy ra với chúng ta trong suốt tuần lễ ấy. Thế nhưng, chúng ta lại vẫn là mình. Tôi biết rằng chính ở nơi đây tôi đã nói chuyện, đã suy ngẫm cùng các bạn về chuyện này chuyện khác, và chính các bạn chắc chắn cũng nhớ rằng ở đây, tuần trước, các bạn đã trò chuyện với tôi. Như thế, một ký ức về thời gian còn lại trong trí nhớ. Trong trí nhớ cá nhân. Chúng ta được tạo nên chủ yếu là nhờ trí nhớ. Còn trí nhớ thì được tạo nên chủ yếu nhờ sự lãng quên.

Đây chính là vấn đề về thời gian. Có lẽ vấn đề này không thể giải được, nhưng dù sao thì chúng ta cũng cứ xem xét những giải pháp đã từng được đưa ra. Giải pháp xưa nhất là của Platon, sau đó chúng ta sẽ đề cập đến giải pháp của Plotin và cuối cùng là của Thánh Augustin. Giải pháp này dẫn chiếu đến một trong những sáng tạo đẹp đẽ nhất của con người. Tôi cho rằng đó là một sáng tạo của con người. Bạn có thể nghĩ khác nếu bạn là tín đồ. Sáng tạo đẹp đẽ mà tôi muốn nói đến là sự vĩnh cửu. Sự vĩnh cửu là gì?Đó không phải là tổng số tất cả những ngày hôm qua của chúng ta. Đó là tất cả những ngày hôm qua của chúng ta, tất cả những ngày hôm qua của tất cả những thực thể có ý thức. Toàn bộ quá khứ, cái quá khứ mà không ai biết bắt đầu từ khi nào. Và toàn bộ hiện tại. Cái hiện tại vẫn chưa diễn ra, nhưng vẫn cứ tồn tại.

Các nhà thần học giả định rằng vĩnh cửu là một thứ khoảnh khắc, khi tất cả những thời gian khác nhau này giao nhau một cách huyền diệu. Chúng ta có thể mượn lời của Plotin, người cảm nhận một cách sâu sắc vấn đề thời gian. Plotin nói: có ba thời, và cả ba đều là thời hiện tại. Một là thời hiện tại thực, đó là thời điểm tôi đang nói. Nghĩa là thời điểm tôi đã nói, bởi lẽ thời điểm đó đã thuộc về quá khứ. Tiếp đó, chúng ta có thời hiện tại của quá khứ, cái chúng ta vẫn gọi là ký ức. Và thứ ba là thời hiện tại của tương lai - một thứ gì đó mà nỗi sự hãi hay niềm hy vọng của chúng ta tưởng tượng ra.

Chúng ta hãy trở lại với giải pháp được Platon đưa ra đầu tiên, một giải pháp tưởng chừng võ đoán nhưng không phải vậy, và tôi hy vọng các bạn cũng xác nhận điều đó. Platon nói rằng thời gian là hình ảnh vận động của vĩnh cửu. Thời gian bắt đầu từ vĩnh cửu, bởi một tồn tại vĩnh cửu, và tồn tại vĩnh cửu này được phản ánh qua những tồn tại khác. Nhưng sự phản ánh của tồn tại không thể có được trong sự vĩnh cửu, mà phải qua sự kế tiếp. Thời gian là một thứ hình ảnh đang vận động của vĩnh cửu. Nhà thần bí học xuất sắc người Anh William Blake nói với chúng ta: “thời gian là quà tặng của vĩnh cửu”. Nếu chúng ta được ban cho toàn thể sự tồn tại…Một sự tồn tại lớn hơn vũ trụ, hơn cả thế giới. Nếu chúng ta ngay một lúc được ban cho toàn bộ tồn tại, chúng ta sẽ bị đè bẹp, bị tiêu hủy, sẽ chết. May thay, đã có thời gian là món quà tặng của vĩnh cửu. Vĩnh cửu cho phép chúng ta được biết mọi trải nghiệm thông qua sự kế tiếp: chúng ta có ngày và đêm, chúng ta có giờ, có phút, rồi chúng ta có tương lai, cái tương lai mà chúng ta không biết sẽ ra sao nhưng chúng ta có thể dự cảm hoặc lo sợ.

Tất cả những thứ này chúng ta được ban cho một cách tuần tự, bởi lẽ chúng ta không thể chịu đựng nổi cái sức nặng quá ghê gớm, cái tác động quá ghê gớm của toàn thể tồn tại vũ trụ. Thời gian, vì thế, là món quà tặng của vĩnh cửu. Vĩnh cửu cho phép chúng ta được sống một cách tuần tự. Schopenhauer nói rằng thật may mắn cho chúng ta là sự tồn tại của chúng ta được chia thành ngày và đêm, được gián cách bởi giấc ngủ. Chúng ta dậy vào buổi sáng, chúng ta thức suốt ngày rồi ngủ. Nếu không có giấc ngủ, chúng ta sẽ không thể sống nổi, sẽ còn làm chủ được các khoái cảm của mình. Chúng ta không có khả năng tiếp nhận toàn bộ tồn tại. Chúng ta cũng vẫn được nhận tất cả, nhưng phải nhận dần dần.

Thuyết luân hồi lại tương ứng với một ý tưởng kế cận. Có thể, như những người theo phiếm thần luận tin tưởng, chúng ta đồng thời là tất cả các khoáng vật, tất cả thực vật, tất cả động vật, tất cả mọi người. Nhưng may thay, chúng ta không biết điều đó. May thay, chúng ta tin vào tính cá thể. Nếu không, chúng ta sẽ bị đè bẹp, bị tiêu hủy bởi sự tràn đầy như thế.

Bây giờ tôi nói đến Thánh Augustin. Tôi tin rằng không một ai cảm nhận sâu sắc hơn ông vấn đề thời gian, cái câu hỏi về thời gian ấy. Thánh Augustin nói rằng linh hồn ông bốc cháy, cháy vì khát khao muốn biết thời gian là gì. Không phải vì sự tò mò phù phiếm, mà bởi vì ông không thể sống mà không biết được điều đó. Đây là một loại câu hỏi cốt yếu, hay nói như Bergson sau này: một vấn đề cốt yếu của siêu hình học. Thánh Augustin diễn đạt tất cả điều này bằng ngọn lửa.

Nhân nói đến thời gian, chúng ta hãy lấy một ví dụ có vẻ là đơn giản, ví dụ về nghịch lý Zénon. Nó vốn được áp dụng cho không gian, nhưng chúng ta sẽ áp dụng với thời gian. Hãy xem xét dạng đơn giản nhất, nghịch lý, hay nan đề, về động tử. Động tử nằm ở một đầu bàn và nó phải chuyển động đến đầu bàn bên kia. Muốn vậy, nó phải chuyển động đến giữa bàn, nhưng để đến giữa bàn, nó phải chuyển động đến điểm giữa của nửa bàn thứ nhất, nhưng trước đó nó phải đến điểm giữa của một nửa của một nửa bàn, và cứ như thế đến vô cùng. Có nghĩa là Động tử sẽ chẳng bao giờ có thể tới được đầu bàn bên kia. Chúng ta cũng có thể lấy một ví dụ trong hình học. Hãy tưởng tượng một điểm. Người ta quan niệm rằng điểm không có kích thước. Lấy một chuỗi vô số các điểm kề nhau ta có một đường. Sau đó, lấy vô số các đường kề nhau, chúng ta có một mặt. Rồi vô số các mặt chồng lên nhau cho ta thể tích. Nhưng tôi không biết trong chừng mực nào chúng ta có thể chấp nhận quan niệm này, bởi nếu như điểm không có kích thước, tôi không thấy một cách thức nào để tổng số, ngay cả tổng số vô hạn, của các điểm không có kích thước lại có thể tạo nên một đường trong không gian. Khi nói về đường, tôi không nghĩ đến một đường từ điểm này đến mặt trăng. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, một đường như mép chiếc bàn tôi đang chạm tay vào đây. Nó được tạo nên bởi vô số các điểm. Người ta tin rằng đã tìm thấy lời giải cho những nan đề này.

Bertrand Russell đưa ra một lời giải như sau: chúng ta có một dãy số tự nhiên 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 cho đến vô cùng. Nhưng hãy xem xét một dãy số khác và dãy số khác này chính xác là một phần của dãy số thứ nhất. Nó chỉ bao gồm các số chẵn. Như vậy, ứng với số 1 là số 2, ứng với số 2 là số 4, ứng với số 3 là số 6…Rồi chúng ta lại xem xét một dãy số khác. Hãy lấy bất kỳ một số nào, chẳng hạn 365. Ứng với số 1 bây giờ là 365, ứng với số 2 là 365 nhân hai, ứng với 3 là 365 nhân ba. Cứ thế, chúng ta có những dãy số khác nhau, tất cả đều vô cùng. Nói cách khác, với các dãy số siêu hạn, bộ phận không ít hơn toàn thể. Tôi tin điều này được các nhà toán học chấp nhận. Nhưng tôi không biết đến chừng mực nào trí tưởng tượng của chúng ta có thể tiếp nhận điều đó.

Bây giờ hãy xem xét thời điểm hiện tại. Thời điểm hiện tại là gì? Đó là một thời điểm hàm chứa một chút quá khứ và một chút tương lai. Hiện tại giống như điểm trong hình học, nó không tồn tại tự thân. Nó không phải là một dữ liệu tức thì trong đầu óc con người. Chúng ta đang có hiện tại của mình, nhưng chúng ta cũng thấy nó đang đồng thời biến thành quá khứ và thành tương lai. Có hai học thuyết về thời gian. Học thuyết thứ nhất, theo tôi, phù hợp với cách nghĩ của tất cả chúng ta, vốn coi thời gian giống như một dòng sông. Một dòng sông chảy từ khởi thuỷ, từ khởi nguồn không sao hình dung nổi, để tới gặp chúng ta. Học thuyết thứ hai là của nhà siêu hình học Anh James Bradley. Ông nói rằng, ngược lại, thời gian trôi từ tương lai đến hiện tại, rằng cái chúng ta gọi là hiện tại chính là thời điểm tương lai hoá thành quá khứ.

Chúng ta có thể lựa chọn giữa hai phép ẩn dụ. Chúng ta có thể ấn định khởi nguồn của thời gian trong quá khứ hoặc tương lai. Chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng thì chúng ta cũng vẫn đứng trước một dòng sông thời gian. Nhưng làm sao có thể giải quyết vấn đề cội nguồn thời gian? Platon đưa ra giải pháp sau đây: thời gian có tính vĩnh cửu và sẽ sai lầm nếu cho rằng tính vĩnh cửu có trước thời gian. Bởi vì nói vĩnh cửu có trước cũng có nghĩa là nói rằng vĩnh cửu thuộc về thời gian. Cũng sẽ sai lầm nếu nói, như Aristote, rằng thời gian là thước đo của chuyển động, bởi lẽ chuyển động diễn ra trong thời gian và nó không thể lý giải thời gian. Thánh Augustin có một câu tuyệt hay: Non in tempore sed cum tempore Deus creavit caela et terram (có nghĩa là: Chúa sáng tạo ra đất trời không phải trong thời gian mà với thời gian). Những đoạn đầu tiên trong Sáng Thế Ký mô tả không chỉ sự sáng tạo ra thế giới, sáng tạo ra biển cả, đất đai, bóng tối và ánh sáng, mà cả sự khởi đầu của thời gian. Không có thứ thời gian trước đó. Thế giới bắt đầu tồn tại cùng với thời gian và từ đó tất cả diễn ra tuần tự.

Tôi không biết ý niệm về dãy số siêu hạn mà tôi vừa lý giải trên đây có giúp ích gì không. Tôi không biết trí tưởng tượng của tôi có chấp nhận ý tưởng ấy không. Tôi không biết liệu trí tưởng tượng của bạn có thể chấp nhận nó hay không. Cái ý tưởng về những đại lượng mà bộ phận không nhỏ hơn toàn thể. Trong trường hợp dãy số tự nhiên, chúng ta chấp nhận rằng số các số chẵn bằng số các số lẻ, nghĩa là bằng vô cùng: rằng số các bội số của 365 cũng bằng tổng số các số tự nhiên. Vậy thì tại sao lại không thể chấp nhận ý tưởng hai khoảnh khắc thời gian? Tại sao lại không thể chấp nhận ý tưởng bảy giờ bốn phút và bảy giờ năm phút? Dừng như là khó có thể chấp nhận rằng giữa hai thời điểm này là một số vô hạn hay siêu hạn các thời điểm.

Nhưng đấy chính là cách Bertrand Russell đề nghị chúng ta hình dung sự vật.

Berheim nói rằng nghịch lý Zénon dựa trên ý tưởng mang tính không gian về thời gian. Rằng, trên thực tế điều tồn tại là đà sống (élan vital) và rằng chúng ta không thể chia nhỏ nó được. Chẳng hạn, khi chúng ta nói rằng khi Achille chạy được một mét thì con rùa chạy được một đề-xi-mét, điều đó là sai lầm, bởi lẽ chúng ta đã nói rằng đầu tiên Achille đi bằng bước đi của mình, sau đó lại đi bằng bước đi của con rùa. Nghĩa là chúng ta đã áp dụng các thước đo tương ứng với không gian. Nhưng chúng ta hãy giả định một khoảng thời gian là năm phút. Để năm phút trôi qua, trước hết hai phút rưỡi phải trôi qua. Để một nửa thời gian trôi qua, trước hết một nửa của một nửa thời gian phải trôi qua, và cứ như vậy đến vô cùng, và năm phút sẽ không bao giờ qua hết được. Chúng ta đứng trước nghịch lý Zénon áp dụng cho thời gian với cùng một kết quả.

Chúng ta cũng có thể lấy ví dụ về mũi tên. Zénon nói rằng tại mỗi thời điểm trong khi bay mũi tên là đứng yên. Như vậy không thể có chuyển động bởi tổng số những sự đứng yên không thể tạo nên chuyển động.

Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng có tồn tại một không gian thực, cái không gian ấy có lẽ cuối cùng có thể chia nhỏ thành những điểm, một không gian có thể được chia nhỏ đến vô cùng. Nếu như chúng ta nghĩ đến một thời gian thực, nó cũng có thể chia nhỏ thành những khoảnh khắc, những khoảnh khắc của những khoảnh khắc, những đơn vị mỗi lúc một nhỏ hơn của những đơn vị.

Nếu chúng ta nghĩ rằng thế giới chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta, nếu chúng ta nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều mơ thấy một thế giới, tại sao lại không giả thiết rằng chúng ta đã đi từ ý tưởng này sang một ý tưởng khác, rằng việc chia nhỏ này không tồn tại bởi vì chúng ta không ý thức về chúng. Chỉ có sự cảm nhận, chỉ có cảm xúc của chúng ta mới tồn tại mà thôi. Sự chia nhỏ như vậy chỉ là tưởng tượng, nó không có thực.

Ngoài ra, còn có một ý tưởng có lẽ là chung cho tất cả chúng ta, ý tưởng về tính độc nhất của thời gian. Ý tưởng này được Newton truyền bá, nhưng trước ông nó đã là quan niệm phổ biến. Khi Newton nói về thời gian toán học, ông nói về một thời gian duy nhất trôi qua toàn thể vũ trụ. Cái thời gian bây giờ đang trôi qua các khoảng không cũng trôi qua các vì tinh tú, trôi qua theo cùng một cách duy nhất. Nhưng nhà siêu hình học người Anh Bradley nói rằng không có bất kỳ lý do nào để giả thiết điều đó.

Bradley nói rằng chúng ta có thể giả thiết là có những chuỗi thời gian khác nhau và không có liên hệ với nhau. Chúng ta có thể có một chuỗi mà chúng ta gọi là a, b, c, d, e, f…Dĩ nhiên những dữ liệu này có liên hệ giữa chúng với nhau: cái này có sau, hay có trước, hay đồng thời với cái kia. Chúng ta cũng có thể hình dung một chuỗi khác, alpha, béta, gamma…Chúng ta có thể hình dung các chuỗi thời gian khác nữa.

Tại sao lại chỉ hình dung một chuỗi thời gian duy nhất? Tôi không biết liệu trí tưởng tượng của các bạn có thể chấp nhận ý tưởng này. Ý tưởng rằng có nhiều chuỗi thời gian khác nhau, và những chuỗi thời gian đó không trước, không sau, cũng không đồng thời – dĩ nhiên các thành phần của mỗi chuỗi thì có trước, sau hoặc đồng thời với nhau. Đây là những chuỗi khác nhau. Chúng ta có thể tưởng tượng theo cách đó về những thực thể có ý thức là chúng ta. Chẳng hạn hãy nghĩ đến Leibniz.

Ý tưởng ở đây là mỗi người trong chúng ta sống một chuỗi những sự đời và chuỗi ấy có thể song hành hoặc không son hành với chuỗi sự đời của những người khác. Vì sao phải chấp nhận ý tưởng này? Bởi vì nó có thể chấp nhận được. Khi đó ta có một thế giới rộng lớn hơn, kỳ lạ hơn rất nhiều so với thế giới hiện nay. Đó là ý tưởng rằng không có một thời gian duy nhất. Tối tin rằng ý tưởng này không bị vật lý hiện đại chối bỏ, hay cho rằng tôi không hiểu hoặc không biết. Ý tưởng rằng có những thời gian khác nhau. Tại sao lại phải hình dung một thời gian duy nhất, thời gian tuyệt đối, như cách tưởng tượng của Newton?

Bây giờ hãy trở lại với chủ đề sự vĩnh cửu, với ý tưởng về sự vĩnh cửu có xu hướng được thể hiện ra bằng cách này hay cách khác - thể hiện trong không gian và thời gian. Sự vĩnh cửu là thế giới của các mẫu. Chẳng hạn, trong sự vĩnh cửu không có các tam giác, chỉ có một tam giác, không đều, không cân, mà cũng không thường. Tam giác ấy, trong sự vĩnh cửu, đồng thời là cả ba loại tam giác đó nhưng lại không phải là loại nào cụ thể. Việc chúng ta không thể hình dung một tam giác như thế không mấy quan trọng: cái tam giác ấy vẫn tồn tại.

Ta cũng có thể nói rằng mỗi người trong chúng ta là một bản sao mang tính thời gian và hữu hạn của mẫu người. Vấn đề khi đó là tìm hiểu xem liệu mỗi người có một mẫu riêng theo kiểu Platon hay không. Mẫu tuyệt đối ấy muốn được thể hiện và thể hiện ra trong thời gian. Thời gian là hình ảnh của vĩnh cửu.

Tôi tin điều này có thể giúp ta hiểu được tại sao thời gian lại tuần tự. Nó tuần tự, bởi lẽ khi đi ra từ vĩnh cửu, nó muốn quay về. Nói cách khác, ý tưởng về tương lai tương ứng với ước muốn của chúng ta được trở lại cội nguồn. Chúa trời đã sáng tạo ra thế giới. Thế giới ấy, tức toàn bộ vũ trụ của những thực thể, muốn trở về với cái cội nguồn vĩnh cửu phi thời gian, cái cội nguồn không trước không sau và nằm ngoài thời gian. Đó chính là cái ta thấy ở đà sống. Điều này cũng giải thích tại sao thời gian lại không ngừng trôi. Người ta nói rằng thời hiện tại không tồn tại. Một số nhà triết học Ấn độ cho rằng không có thời điểm trái cây rơi. Có trái cây sắp rơi và có trái cây nằm trên mặt đất, nhưng không có thời điểm trái cây rơi.

Thật thú vị là trong ba thì – quá khứ, hiện tại và tương lai – theo cách chúng ta vẫn thường dùng để chia thời gian, hiện tại là khó hình dung nhất, khó nắm bắt nhất. Hiện tại cũng khó nắm bắt hệt như cái gọi là điểm trong hình học. Bởi, nếu chúng ta quan niệm điểm là không có kích thước, nó không tồn tại. Chúng ta buộc phải hình dung hiện tại như là một chút quá khứ và một chút tương lai. Nghĩa là chúng ta cảm nhận thời gian đang trôi đi. Khi tôi nói về thời gian đang trôi đi, tôi nói về cái gì đó mà tất cả chúng ta cảm nhận được. Khi tôi nói về hiện tại, tôi nói về một cái gì đó trừu tượng. Hiện tại không phải là một dữ liệu trực tiếp của nhận thức.

Chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang tiến hóa trong thời gian, nghĩa là chúng ta có thể quan niệm được rằng chúng ta đang chuyển từ tương lai vào quá khứ hoặc từ quá khứ vào tương lai, nhưng không lúc nào chúng ta có thể nói: “Dừng lại! Em thật đẹp…” như Goethe muốn. Hiện tại không thể xác định. Không thể quan niệm một hiện tại thuần túy: nó sẽ không tồn tại. Nó luôn luôn bao gồm một mảnh quá khứ và một mảnh tương lai. Điều này có lẽ là cốt tử với thời gian. Trong trải nghiệm của chúng ta, thời gian luôn luôn giống như dòng sông của Héraclite, chúng ta luôn phải trở về với phúng dụ cổ xưa này. Nghĩa là phải tin rằng chúng ta hầu như đã không hề tiến thêm được bước nào sau bao nhiêu thế kỷ. Chúng ta vẫn cứ là Héraclite đang ngắm bóng mình dưới đáy sông để nghĩ rằng dòng sông đã không còn như xưa bởi nước sông đã khác, và rằng chính ông đã không còn là Héraclite xưa bởi lẽ đã có những người khác xuất hiện giữa hai lần ông trông thấy dòng sông. Nói cách khác chúng ta vừa thay đổi vừa là chính mình. Về bản chất, chúng ta là những thực thể kỳ bí. Chúng ta sẽ là gì nếu không có ký ức? Một ký ức phần lớn tạo nên nhờ sự lãng quên nhưng lại cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, để tiếp tục là mình, tôi không cần thiết phải nhớ lại rằng tôi đã từng sống ở Palermo, ở Adrogué, ở Genève, ở Tây Ban Nha. Đồng thời, tôi cũng cảm nhận rất rõ, rằng tôi không phải là người đã sống ở những nơi đó, rằng tôi là một người khác. Đây là một vấn đề mà chúng ta không bao giờ có thể giải đáp được: vấn đề về cái bản sắc cá nhân không ngừng thay đổi của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta nói rằng cái gì đó đã thay đổi, chúng ta không định nói rằng cái gì đó ấy đã bị thay thế bởi cái gì đó khác. Chúng ta nói: “Cây đã lớn”. Khi đó chúng ta không định nói rằng một cái cây nhỏ đã được thay thế bằng một cây lớn hơn. Chúng ta muốn nói rằng cái cây đó đã biến đổi thành một cái gì đó khác. Nói cách khác, đó là ý tưởng về sự trường tồn trong cái phù du.

Ý niệm về tương lai có lẽ là một kiểu minh chứng cho ý tưởng của Platon, rằng thời gian là hình ảnh chuyển động của vĩnh cửu. Nếu như thời gian là hình ảnh của vĩnh cửu, tương lai sẽ là chuyển động của linh hồn về phía tương lai. Còn tương lai, đến lượt nó, là sự trở về với vĩnh cửu. Thế thì cuộc sống của chúng ta là một cuộc hấp hối không ngừng. Khi Thánh Paul nói: “Tôi chết từng ngày”, đó không phải là một hình ảnh thống thiết. Chúng ta đều không ngừng sinh ra và chết đi. Đó là lý do vì sao chúng ta quan tâm đến vấn đề thời gian nhiều hơn các vấn đề siêu hình khác. Bởi vì các vấn đề khác đều trừu tượng. Còn thời gian là vấn đề của chúng ta. Tôi là ai? Chúng ta là ai? Có lẽ đến một ngày nào đó chúng ta sẽ biết. Cũng có thể không. Nhưng trong khi chờ đợi, nói như Thánh Augustin, linh hồn tôi bốc cháy, bởi tôi khát khao được biết.

Ngô Tự Lập dịch
từ bản tiếng Pháp

NGUỒN: vietvan.net
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 6 02/01/09 2:54

[justify]Bạn ơi!
Khi mình viết những dòng này thì phút giao thừa lặng lẽ (theo lịch Phương Tây) đã qua, một ngày mới của một năm mới cũng đã qua… Đọc bài viết của Sin Ân, của Chuồn chuồn kim, càng thấm thía cảm giác : “Hãy nhanh lên, thời gian đang chạy trốn còn chúng ta thì chậm chạp / Khoảnh khắc tôi cất lời giờ đã xa xôi… Hiện tại của tôi – hay cái từng là hiện tại của tôi – đã thuộc về quá khứ. Nhưng thời gian dù trôi đi, cũng không trôi đi hết…”, ít nhất là còn những dòng chữ này, topic này để trao gửi, chia sẻ tâm tư cùng nhau…

Chúng mình bàn về Thời gian và Vĩnh cửu, bàn về Sống… thực chất là đang tìm Đạo, học Đạo, hiểu Đạo và ứng xử theo Đạo. Nhưng là Đạo nào? Bạn sẽ hỏi tôi. Có nhiều luận thuyết lắm. Thuyết nào cũng hay, cũng có lý cả (“có lý” thì “tồn tại”!). Vậy nên, đọc nhiều, học nhiều mà không tự sàng lọc, lựa chọn và định hướng thì dễ “tẩu hỏa nhập ma”! (Eo ui kinh khủng, nghĩ đến ngày nào đó lỡ bị “ma nhập”, tự nhiên lại cứ úp mặt vào tường cười… thì khổ cha mẹ sinh thành và những người thân biết bao). Lý thuyết chỉ là màu xám, “tầm sư học đạo” cuối cùng cũng để ứng dụng, để Sống và góp phần nho nhỏ giúp cho cây đời mãi mãi xanh tươi. Như trăm sông đổ về biển lớn, cứu cánh thiêng liêng vẫn là Đạo Sống, Đạo làm Người. Vì lẽ ấy, trong muôn vàn kho báu tri thức triết học Trung Hoa, mình tự nhận thấy đã bị ngả nghiêng, quyến rũ hơn cả với Đạo của hai bác Lão - Trang. Nhất là với “bác” Trang (xin cho phép được gọi như thế, không phải vì mình dám “giỡn mặt “ các vị hiền triết, thánh nhân đâu - Tổn thọ chết! - chỉ vì mình mong ước tư tưởng các bác ấy “trẻ mãi không già”, như là cho đến hôm nay vẫn đang xuân xanh vậy!). Mình thích là bởi, tư tưởng triết học của Trang Tử thường được biểu hiện một cách đơn sơ lại huyền hoặc, nửa sáng, nửa tối, cảm nhận được nhưng đôi khi không thể diễn đạt bằng lời… (điểm này có vẻ phù hợp với “tạng” của dân “Gốc” Văn chương, thích liên tưởng, ẩn dụ, cảm nhận cuộc sống và con người bằng hình tượng, bằng trực giác…). Điều thú vị hơn, Trang Tử, mặc dù rất có công trong việc mài dũa viên ngọc “Đạo” của Lão Tử nhưng hết sức đề cao sự thực hành bằng chính bản thân cuộc sống Theo Đạo hơn là việc suy ngẫm những triết lý thâm trầm về Đạo.

Với Trang, trạng thái vận động, không ngừng biến đổi của vũ trụ, của vạn vật chính là “sự sống” của Đạo. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa Lão và Trang. Đạo đức kinh của Lão Tử luôn luôn thể hiện các mặt đối lập trong đạo: âm – dương, cương – nhu, sống – chết… Còn Nam hoa kinh, với Trang Tử, tất cả chỉ có một, trong sự biến hóa không ngừng nghỉ…Phải chăng như vậy mà, Đạo của Trang được ví von (nghe “đồn” thế và mình cũng đọc như thế trong Thiên hạ- trích Tạp thiên (Nam hoa kinh): “giống như một bức tranh mộc mạc, đường nét đơn sơ, nhưng lại chứa đựng tất cả vì tất cả đang biến động, biến hóa như rồng uốn lượn, cuộn mình tan lẫn trong mây”.
Cuộc sống luôn vận động, giống như Đạo của Trang vậy, giống như Thời gian và Vĩnh cửu, vừa hữu hình vừa vô hình, vừa khoảnh khắc lại vừa vô tận…

Nên lại nhớ chuyện rằng, khi Đông Quách Tử hỏi Trang Tử: "Đạo ở đâu?" – Đáp: “Không chỗ nào không có”; “Xin chỉ ra mới được”“Trong con kiến, trong cọng cỏ, trong miếng sành vỡ…Lời của ông chẳng đi đến đâu cả. Đừng chỉ hẳn vào vật nào có nó (Đạo), vì không có vật nào mà không có nó. Đạo lớn là thế (Tri Bắc du)".

Thời gian và Vĩnh cửu, Hữu thể hay Vô thể chỉ là ý niệm, ngôn ngữ cuối cùng vẫn là “vỏ vật chất của tư duy”. Vượt thoát ra ngoài ý niệm trìu tượng, lột bỏ lớp vỏ “vật chất” của tư duy, chỉ còn một lẽ thường hằng giản dị : Đạo làm Người trong từng phút giây Thực Sống. Đạo ấy lấp lánh trong Tâm mỗi chúng ta. Nó vô ảnh, vô hình nên đôi khi ta không nhìn thấy được, không chạm vào được và vì thế, có những lúc nó bị nhân thế lãng quên. Giống như ta sống trong thời gian, đôi lúc thấy thập thững, chông chênh, mất phương hướng bởi cảm giác “Ta thấy ta bé nhỏ/giữa cát bụi trần gian” “Đời thoảng qua như mộng”… Song, nếu đã thực hiểu “Đạo nằm ở vạn vật, trong cọng cỏ, lá cây, trong mảnh sành vỡ”…thì sẽ rung động với niềm tin: từng hạt cát, tách ra là mỗi cá thể mong manh, đơn chiếc nhưng khi gắn kết, nương tựa cùng nhau chắc chắn sẽ tạo thành lớp lớp phù sa mịn màng, màu mỡ, vững bền và sung mãn.

Mới hay, những vật tưởng chừng vô tri vô giác hết thảy đều có linh hồn, đều khát khao yêu thương và dâng hiến một Lẽ Sống Có Nghĩa Cho Đời… Chỉ cần mỗi chúng ta, như cách nhà văn Nguyên Ngọc nói, đến với nhau và cảm nhận cuộc sống – tình yêu bằng đôi chân trần của tâm hồn là đã khiến cho cái hữu hạn của đời sống trở nên bất tử, và mỗi cá thể không còn cảm giác hoang liêu trong vũ trụ bao la, không cùng này… Có mấy câu thơ, viết từ lâu lắm rồi, xin tặng Bạn như một cách nối dài cảm xúc:

MẢNH THỦY TINH

Có một mảnh thủy tinh
Vùi mình trong bụi cỏ
Như mảnh đời tan vỡ
Chẳng ai người hàn huyên

Rồi một lần đột nhiên
Trăng vàng rơi trước ngõ
Dưới ánh huyền lấp ló
Một vì sao chào đời.

Bạn ơi! Mỗi chúng ta đều là cát bụi nhỏ nhoi và đều là những vì sao lung linh, lấp lánh! Đó có thật sự là Hiện hữu và Vĩnh cửu, diệu huyền không Bạn? [/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến11 khách

cron