SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 6 27/03/09 22:27

[justify]Hãy cùng tôi, đọc và ngẫm... bạn nhé!

CÁI KÉN BƯỚM

Một chàng trai nọ tìm thấy một cái kén bướm. Một hôm anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ. Anh ta ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Rồi anh ta thấy mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa. Vì thế, anh ta quyết định giúp chú bướm nhỏ. Anh ta lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm.
Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn chàng thanh niên cứ ngồi quan sát cái kén với hy vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xoè rộng hơn đủ để nâng đỡ thân hình chú.
Nhưng chẳng có gì thay đổi cả ! Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà người thanh niên không thể hiểu: cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.
Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Và chẳng bao giờ ta có thể bay được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn.

CHO NGÀY HÔM NAY

Có hai ngày trong tuần chúng ta không nên lo lắng.
Một ngày là ngày hôm qua, với những sai lầm, những âu lo, những tội lỗi, những thiếu sót ngớ ngẩn, sự nhức nhối và những nỗi đau. Ngày hôm qua đã đi qua. Mọi tiền bạc trên đời này cũng không thể đem ngày hôm qua quay trở lại. Chúng ta không thể nào hủy bỏ một hành động mà chúng ta đang làm cũng như không thể nào xóa đi một ngôn từ mà chúng ta đã thốt ra. Ngày hôm qua đã đi xa rồi !
Còn một ngày nữa mà chúng ta không nên lo lắng, đó là ngày mai với những kẻ thù quá quắt, gánh nặng cuộc sống, những hứa hẹn tràn trề hi vọng và việc thực hiện thì tồi tệ. Mặt trời của ngày mai sẽ mọc lên hoặc là chói lọi hoặc là khuất sau một đám mây, nhưng dù gì thì nó vẫn sẽ mọc lên. Và ngày trước khi nó mọc lên, vào ngày mai chúng ta chẳng có mối đe dọa nào, bởi lẽ nó vẫn chưa được sinh ra mà.

Vì vậy chỉ còn một ngày duy nhất – ngày hôm nay. Bất cứ ai cũng đều phải đấu tranh để sống dù chỉ một ngày. Thật ra chẳng phải những gì trải qua ngày hôm nay khiến người ta phát rồ - mà đó chính là sự hối tiếc về những gì đã xảy ra ngày hôm qua và những lo sợ về những gì ngày mai có thể đem đến.[/justify]
(Sưu tầm - Internet)

P/S: Bạn nghĩ gì về điều này...?
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi xanhnguyen » Thứ 6 24/04/09 21:20

[justify]CẢM ƠN VÀ XIN LỖI

Chỉ là rời rạc những câu chuyện của bạn bè, người xung quanh, tưởng như không có gì níu buộc. Vậy nhưng đọc hết bài lại cảm giác sự níu buộc vô hình. Ấy là triết lý về ý nghĩa đời sống. Biết thế nào là hơn thiệt, là phúc hoạ, được mất đây? Vậy nên hãy biết sống vị tha, sống chia sẻ với con người, biết cảm ơn và xin lỗi cuộc đời… Hẳn khi ấy, lòng ta sẽ thái an biết bao.

1. Có nhiều khi buồn, tôi hay than thở mình không hạnh phúc dù biết rất rõ rằng hạnh phúc không là điều gì to lớn; hạnh phúc do mình tạo nên, hạnh phúc không thể đo đếm, hạnh phúc đôi khi đơn giản như chỉ là đi mưa về, được tắm dưới vòi nước nóng rồi lên giường đắp chăn…

Có nhiều khi tôi buồn, đó là lúc tôi nhìn lên. Bạn bè cùng lứa không quyền cao, chức trọng thì cũng đại gia, gấm vóc, lụa là… Con cái đi học nước ngoài, kém nhất cũng là Singapore hay Mã Lai, còn không, phải là Mỹ, Anh hay Canada… mà toàn du học tự túc.

Có nhiều khi buồn, tôi thấy xung quanh mình sao nhiều ngọt nhạt đãi bôi. Người ta nói vậy mà không phải vậy. Lẩn thẩn nghĩ suy triết lý chữ “t”: Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. Có nhiều khi tôi rất buồn …

2. Ngày xưa tôi gọi bạn là công chúa. Nhà bạn giàu có, bạn là con gái út và duy nhất trong gia đình có ba anh em. Bạn có bà vú. Tám tuổi tôi thấy bạn còn được bế trên tay, ăn còn phải có người đút. Nhà bạn có nhiều sách lắm, sách của anh trai bạn xếp đầy trong các tủ, cuốn nào cuốn nấy bọc bìa cẩn thận, là nỗi thèm thuồng của tôi. Tôi thường sang nhà bạn chơi, nhòm ngó vào tủ sách rồi năn nỉ bạn lén lấy cho mượn.

Với cách đó, tôi đọc cũng gần hết tủ sách của anh trai bạn. Lớn lên một chút, tôi thấy bạn có nhiều tiền, bạn thích tiểu thuyết Quỳnh Dao, thế là bạn mua không thiếu cuốn nào. Tôi ăn theo, mượn đọc cho bằng hết. Ngoài sách, tôi thèm thuồng nhìn bạn thoải mái tự mua sắm quần áo, giày dép, sách vở, đồ dùng học tập. Đôi lúc bạn nói tiền nhiều không biết làm gì, hết ba cho rồi đến mẹ cho, rồi hai anh cho.

Lớn lên nữa, tôi và bạn rẽ hai con đường khác nhau. Tôi ra thành phố đi làm, bạn ở lại, cuộc sống êm đềm với lũ học trò nhỏ dễ thương. Làm cô giáo vài năm, bạn mắc bệnh hiểm nghèo, phải phẫu thuật, rồi nghỉ dạy. Đợt ấy tưởng bạn không còn. Vậy mà qua.

Bạn bè lần lượt theo chồng bỏ cuộc chơi, bạn vò võ một mình với mặc cảm của người bệnh tật lại không nghề nghiệp. Ai cũng nghĩ bạn không thể lập gia đình, bạn cũng nghĩ thế. Rồi duyên trời đưa đẩy, bạn nên đôi muộn với một người đàn ông tốt bụng. Rồi bạn có con trai, không chỉ gia đình của bạn mừng mà bạn bè ai cũng vui. Chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng bạn cũng xây được nhà, nuôi con lớn.

Một ngày, tôi được tin chồng bạn mất vì một chứng bệnh mãn tính. Nhìn bạn cứng rắn nối nghiệp chồng nuôi con, bạn bè không nói ra nhưng ai cũng mừng cho bạn có đủ bản lĩnh vượt qua một bước ngoặt vô cùng khó khăn. Sống là biết chấp nhận. Bạn chấp nhận cuộc đời lẻ loi của mình như chấp nhận tất cả những gì thượng đế ban cho hay lấy đi.

Rồi một ngày tôi được tin bạn bị “tai biến” ở tuổi chưa đến năm mươi. Đến thăm bạn, tôi không thể hình dung được cô công chúa ngày nào tám tuổi còn được bà vú bồng trên tay. Bạn nằm đó, một nhúm xương, nhìn tôi với đôi mắt đục.

Bạn còn quá trẻ mà trời trói chân không cho bạn tiếp tục cuộc hành trình. Bạn nằm đó, không còn nghe tiếng đời xôn xao mỗi ngày ngoài kia và không biết con mình giờ đang đi đến lớp học thêm, hay sà vào trò chơi điện tử. Bạn không nói nhiều nhưng đôi mắt bạn đã nói lên tất cả. Hạnh phúc và đau khổ biết định nghĩa như thế nào đây?

3. Chị, một phụ nữ đã qua tuổi năm mươi, nhưng vẫn còn khá trẻ và xinh đẹp. Năm mười tám tuổi chị lấy người chồng hơn chị mười tuổi. Mười năm sau hai vợ chồng chị ly hôn. Lý do cuộc chia tay là vì anh muốn ra nước ngoài sống, còn chị muốn ở lại. Giằng co nhiều phen, nhờ đến sự can thiệp của nhiều người, chị mới được giành được quyền nuôi hai con. Đổi lại, chị phải nhường cho anh toàn bộ gia sản, lúc đó có cái nhà và chiếc xe máy, anh bán hết đem tiền ra đi.

Nghe chị kể thời sống với anh, chị không được hạnh phúc vì tính anh hẹp hòi và hay ghen tuông hoang tưởng. Những trận đòn oan ức vẫn thường giáng xuống chị đêm đêm mỗi khi anh say xỉn. Một mình nuôi con, nuôi mẹ và thêm ba đứa cháu mồ côi, việc gì chị cũng làm, từ rửa chén bát thuê cho tiệm phở đến nhận đánh máy văn bản.

Tích lũy tiền bạc, chị mua mảnh vườn làm kinh tế vườn ao chuồng. Cuộc sống dễ thở dần. Mấy năm sau chị xoay sang chơi tem, buôn bán tem rồi lân la sang nghề đồ cổ. Suốt ngày thấy chị ngoài đường, tất bật, tính tính, toán toán. Làm ăn tích cóp, chị sắm sanh dần dần. Nhà cửa, xe cộ, con cái học hành nên người. Gần đây tôi nghe chị khoe vừa mua được một trang trại, có vườn cây, ao cá….

Bao nhiêu năm chị vẫn một mình. “Nhiều lúc mỏi mệt lắm, muốn tìm một bờ vai để dựa mà không dám”. Chị vẫn thường nói với tôi như thế. Tuy biết chị làm ăn khấm khá, nhưng sao trong tôi vẫn có điều gì đó mơ hồ, nơm nớp lo lo bởi thấy chị cứ như thân liễu trong cơn giông.

Một buổi chiều trong quán cà phê, tôi có dịp hàn huyên với chị. Chị vừa nhận được tin anh từ nước ngoài. Anh vừa qua một cơn nguy kịch, tưởng là bị liệt, nhưng đã đỡ tuy nhiên không được bình thường, đi phải có người dìu. Gia đình người chị của anh ở Việt Nam muốn đưa anh về sống những ngày cuối đời”. Tôi hỏi chị: “Tưởng rằng mối quan hệ ngày xưa đã hết?”. Chị lắc đầu: “Vẫn còn hai đứa con”.

Tôi hỏi chị tính sao khi hai người đã ly hôn từ lâu rồi. Chị không trả lời câu hỏi của tôi mà lại kể: “Hôm qua chị gọi điện thoại sang cho anh. Không còn giọng nói sấm sét ngày nào mà là câu trả lời thều thào đứt quãng: Anh giờ tàn tạ lắm…” Nói chuyện với anh xong chị buồn quá, những tưởng bao nhiêu năm tháng mình cố gắng làm ăn chỉ bởi một mục đích muốn trả thù, muốn cho anh sáng mắt ra bởi câu nói của anh ngày ấy: “Để coi rời tôi ra cô làm được gì!”.

Bây giờ chỉ còn là sự trống rỗng, chơi vơi, hụt hẫng. Tất cả trong chị giờ như quả bóng xì hơi, lòng chẳng nhẹ như mình tưởng mà lại thêm trĩu nặng, lo lắng. Tôi và chị chia tay nhau, chị đã nói hết với tôi những gì muốn thổ lộ, nhưng tôi biết câu chuyện chưa đến hồi kết. Chợt, nhìn thấy chị vẫn còn đẹp lắm, dáng đi của chị nhẹ nhàng và thanh thoát.

Chẳng lẽ mãi mãi chị vẫn không tìm được bờ vai nào để dựa? Chẳng lẽ chị mãi vẫn “ràng rợ” vào một người? Mới biết, không chỉ thương yêu mà thù hận cũng khiến người ta sống, và sống vượt lên. Nhưng khi đã vượt lên, đã “mạnh lên”, đến một lúc nào đó, con người ta bỗng chẳng còn thù hận nữa. Ngược lại, chỉ còn xót thương và tha thứ. Chị bỗng nhận ra điều ấy, vào giữa lúc chị tưởng có thể “trả thù” được.

4. Có nhiều khi tôi rất buồn, tôi thường trách người này người kia rồi tự trách mình. Hình ảnh bạn tôi nằm trên chiếc vạt giường có khoét cái lỗ và dáng đi của một người phụ nữ tất bật mà vẫn an nhiên, với tấm lòng vị tha tỏa sáng.

Mỗi người mỗi phận. Liệu tôi có biết nói câu xin lỗi cuộc đời, tôi không dám buồn nữa? Liệu tôi có được lòng vị tha như bạn tôi để thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều những mảnh đời chung quanh.

Cảm ơn cuộc đời và xin lỗi cuộc đời. Tôi muốn nói lên lời như thế!

Nguồn: Tâm An - VietNamNet [/justify]
RANDOM_AVATAR
xanhnguyen
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 04/03/09 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Cothi » Chủ nhật 10/05/09 22:31

[justify]Ngày 28/2/2009, tại góc Thư giãn VHH, TV hamai mở topic có tên Vội vàng, trong đó bạn viết: “Cuộc sống là ... không chờ đợi. Vậy thì bây giờ chúng ta đang là sinh viên sức trẻ còn nhìu hãy sống và phấn đấu hết mình nhé. Thời gian không chờ đợi bao giờ, nó thật ích kỉ đúng không…?”
và ngày 02/3/2009, TV dungntm trả lời: “Tôi rất đồng quan điểm với câu nói của bạn: Cuộc sống là không chờ đợi. Chính vì thế mà chúng ta nên sống và phấn đấu hết mình để đạt được những gì mình cũng như xã hội này mong đợi. Nhưng bạn ơi, thời gian không hề ích kỉ khi nó không chờ đợi một ai theo như bạn nghĩ. Mà với tôi nó rất là công bằng. Dòng chảy thời gian đánh dấu sự trưởng thành của mỗi chúng ta. Thời gian sẽ trôi rất nhanh đối với những ai không biết trân trọng và lãng phí nó, nhưng nó sẽ song hành với những ai biết trân trọng, biết tranh thủ và sử dụng quỹ thời gian của mình một cách đúng đắn và hợp lý. Chính vì vậy, hãy lập kế hoạch cho tương lai và phấn đấu hết mình để đạt được thành công bạn nhé. Thời gian rất công bằng đối với mọi người đấy”.

Đọc lại những trao đổi của hai bạn, mình chợt nhớ vô cùng tác phẩm Thép đã tôi thế đấy (tiếng Nga: Как закалялась сталь) – một cuốn tiểu thuyết do Nikolai Alexeevich Ostrovsky viết trong thời kỳ Stalin. Tiếc là, từ sau khi CNXH sụp đổ ở Liên Xô, văn học Xô Viết không còn được giới thiệu, đọc và học nhiều ở Việt Nam. Có một thời kỳ, nền văn học phong phú, đa dạng và vĩ đại ấy là dòng “chủ lưu” trong thế giới văn chương nước ngoài được giới thiệu tại Việt Nam. Nó giữ vị trí quan trọng, thậm chí thống lĩnh đời sống tinh thần, văn hóa - nghệ thuật… của nước ta gần hết chiều dài thế kỷ XX.

Nhân chúng ta bàn về chủ đề Sống là không chờ đợi, dựa theo nguồn Bách khoa toàn thư wikipedia, xin giới thiệu đôi nét về tác phẩm Thép đã tôi thế đấy và nhân vật chính của tác phẩm (đã từng được nhắc tới trong topic này) - Pavel Corsaghin.

Pavel Corsaghin là nhân vật chính của tác phẩm. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật này (chính là hóa thân của tác giả), khiến cho nhiều độc giả yêu quí nhân vật Pavel và phương châm sống của Pavel cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...". Ngày nay, khi đọc tác phẩm theo quan điểm mới, rộng rãi hơn, nhiều người cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại chính là cuộc đấu tranh với đói nghèo và bệnh tật, với dốt nát và vô chính phủ, với chuyên quyền và độc tài... Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam.

Tiểu thuyết này đã được dựng thành phim vào năm 1956, có tựa đề là Pavel Corsaghin.

Vào cuối năm 2000, Trung Quốc cũng đã chuyển thể tiểu thuyết này sang thành phim truyền hình nhiều tập cùng tên và tất cả các vai diễn là người Ukraina đảm nhận.

Trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã viết: "Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là con người của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu. Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những tháng ngày trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của 1 chiến sỹ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng..."

Trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Thuỳ Trâm đã viết đại ý rằng trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% các gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự "gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy".

Iuri Bêlichencô - nhà văn Nga, đã viết: "... Ngày nay, đọc lại "Thép đã tôi thế đấy", tôi càng thấy rõ hơn bao giờ hết: đó là một cuốn sách độc nhất vô nhị và đầy sức thuyết phục. Trong tất cả những điều mà ngày hôm nay một số người thì đe dọa chúng ta, còn số khác thì tỏ ra khâm phục cuộc đấu tranh giai cấp, nội chiến và đặc biệt là khâm phục sự lao động vô cùng cực nhọc nhưng tự nguyện của tác giả. Bị vôi hóa cột sống, bị bại liệt cả hai chân, bị mù hẳn vì vết thương, cuộc sống vật chất quá thiếu thốn sau nội chiến, thế mà ông vẫn đêm ngày làm việc bằng hết cả phần cuộc đời còn lại của mình...".

Nguồn: http://www.vi.wikipedia.org/wiki

P/S: Tinh thần ấy của Pavel Corsaghin, thực chất là của tác giả cuốn sách - Nikolai Alexeevich Ostrovsky, chính là biểu hiện sinh động của quan điểm sống tích cực mà chúng ta đang hướng tới: Sống là không chờ đợi! Dĩ nhiên, mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi chúng ta phải xây dựng những định hướng, những lẽ sống phù hợp với điều kiện khách quan, không hoàn toàn giống nhau. Nhưng điều quan trọng hơn hết: Sống, mà không có lý tưởng và niềm tin thì cuộc sống đó thật là vô vị phải không Bạn?[/justify]
RANDOM_AVATAR
Cothi
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 4 17/12/08 21:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 19/05/09 21:58

[justify]Cothi viết: “Tinh thần ấy của Pavel Corsaghin, thực chất là của tác giả cuốn sách - Nikolai Alexeevich Ostrovsky…”, điều này khiến tôi muốn viết và giới thiệu thêm một số tư liệu về cuộc đời Nicôlai Ôxtơrôpxki -tác giả huyền thoại của tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”…

Nếu như con người Nga này– mà chúng ta thường gọi là “Paven”– còn sống thì năm nay ông đã hơn 100 tuổi (N. Ôxtơrôpxki sinh năm 1904).

15 tuổi đã tham gia chiến đấu, xung phong trong làn mưa đạn, trong gió lạnh băng tuyết, bị thương không chịu rời hỏa tuyến, bệnh nặng vẫn ở trên công trường. Những năm tháng gian nan vất vả đã hủy hoại sức khỏe của ông. 23 tuổi bại liệt toàn thân, 24 tuổi mù cả đôi mắt.

Vô cùng tuyệt vọng, có lúc ông đã định tự tử để kết liễu đời mình, nhưng rồi ông nảy ra ý định: Nếu như không kể lại cuộc đời mình tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng vinh quang cho thế hệ sau thì chết cũng không nhắm mắt được. Thế là ông quăng khẩu súng đi, cầm lấy ngọn bút để viết. Vũ khí mới này là văn học.

Năm 1932, trải qua biết bao khó khăn, mệt mỏi và đau đớn về thể xác, ông đã viết xong một tiểu thuyết tự truyện. Bản thảo gửi đi in, lâu rồi mà chẳng có hồi âm. Hỏi ra mới biết bưu điện đã làm thất lạc. Không nản chí, Ôxtơrôpxki viết lại, rồi lại gửi đi. Bản thảo bị trả lại.

Vẫn không thối chí, ông nhờ người trực tiếp đưa bản thảo đến tận văn phòng của Phó tổng biên tập tạp chí “Thanh niên cận vệ quân”. Đó là năm 1934.

Vị Phó tổng biên tập này tên là Kôrôxôp, người chân thật và có trình độ. Xem xong bản thảo, ông quyết định cho in ngay. Đầu tiên in dài kỳ trên báo “Thanh niên cận vệ quân”, sau in thành sách, lập tức gây chấn động xã hội.

Chỉ trong năm 1935, tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” đã in tới 2 triệu bản. N.Ôxtơrôpxki như “khách trên trời” bỗng nhiên xuất hiện trên văn đàn Liên Xô. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông trở thành nhân vật nổi tiếng.

Sau khi Ôxtơrôpxki tạ thế, Phó tổng biên tập Kôrôxôp đã viết một bài hồi ký, qua hồi ký người ta được biết cuốn “Thép đã tôi thế đấy” được ra mắt bạn đọc là có công to lớn của ông. Ông tiết lộ một chi tiết thú vị: Trước khi in báo, Kôrôxôp đề nghị tác giả đổi tên sách thành “Paven Coocsaghin”, nhưng Ôxtơrôpxki không chịu.

Ngoài tên sách, Kôrôxôp còn đề nghị tác giả sửa chữa nhiều chỗ nữa, Ôxtơrôpxki tiếp thu và sửa chữa vài chỗ, có thể kể ra đây hai thí dụ: Paven Coocsaghin có ba mối tình.

Người yêu đầu tiên của anh là Inna, con gái một viên quan coi rừng. Phó tổng biên tập Kôrôxôp nhớ lại thời trung học có rất nhiều cô tên là Inna, nhưng phần lớn sau Cách mạng Tháng Mười, họ đã theo bố mẹ thuộc thành phần tư sản chạy ra nước ngoài.

Ông muốn cô gái trong tiểu thuyết của Ôxtơrôpxki đẹp hơn những cô gái có tên là Inna mà ông từng quen biết, nên đề nghị tác giả, đổi tên cô nàng kia thành Tônia. Tác giả đã sửa theo lời đề nghị đó.

Ai đã từng đọc, thậm chí nhiều người chưa đọc “Thép đã tôi thế đấy” đều biết câu nói nổi tiếng của Paven: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Câu châm ngôn này đến nay vẫn được rất nhiều người ưa thích.

Cuối năm 1936, bệnh tình của Ôxtơrôpxki ngày một trầm trọng. Khi dự cảm được tử thần sắp đến gọi mình đi, ông liền gọi vợ lại bên giường, nói:
- Bây giờ anh muốn nói với em một câu, có lẽ đây là lời cuối cùng của anh… Đời anh sống không tồi… Tất cả đều tự tay mình làm ra cả, nhưng không phải dễ dàng mà có đâu… Anh đã phấn đấu cả một đời. Em cũng đã biết anh chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn…

Phải chăm chỉ học hành, không có văn hóa thì em không trưởng thành được… Hãy nghĩ đến bố mẹ chúng ta. Các cụ đã khổ cả cuộc đời vì chúng ta… Chúng ta nợ các cụ rất nhiều… mà chưa kịp báo đáp được gì. Em nên báo hiếu mẹ…


Nói đến đấy, Ôxtơrôpxki ngất đi. Khi tỉnh lại ông hỏi:

- Anh có rên không?
- Không.
- Em nhìn kìa? Tử thần đã đến gần, nhưng anh không chịu khuất phục.


Rồi ông lại ngất lịm đi. Rồi lại tỉnh, lại hỏi:

- Anh có rên không?
- Không.
- Thế thì tốt, điều đó có nghĩa là tử thần chưa làm gì được anh.


Rồi ông lại hôn mê và cuối cùng không tỉnh lại được nữa.

Ngày 22/12/1936, Ôxtơrôpxki vừa mới 32 tuổi xuân đã lìa đời tại một bệnh viện ở Matxcơva. Sau này nơi này đã trở thành Nhà tưởng niệm ông.

Nay ai có dịp đến Matxcơva đến thăm Nhà tưởng niệm đó, sẽ nhớ nhất là chiếc giường sắt, nơi Ôxtơrôpxki đã nằm bất động ở đó bao tháng ngày. Và di ngôn (Lời nói cuối cùng) vẫn còn ghi lại ở bên giường của ông.

Nguồn: http://www.sankhauvietnam.com.vn[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 19/05/09 23:03

[justify]N. Ôxtơrôpxki khi gặp những bất hạnh trong cuộc sống (23 tuổi bị liệt toàn thân, 24 tuổi mù cả đôi mắt…) vì quá tuyệt vọng, đã có lúc Ông nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi, bằng nghị lực phi thường, Ông quyết tâm vượt lên số phận như chúng ta đã biết.

Trên đường đời của mỗi con người… phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí… khó tránh khỏi những mất mát, buồn đau, những phút giây phiền muộn, yếu lòng đến mức muốn tìm cách… lìa đời! Ngay trong năm nay, ngay trong tuần này, dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải chứng kiến hoặc nghe nói đến hai vụ nhảy lầu tự tử tại khuôn viên nhà trường. Lý do tại sao… chỉ “người trong cuộc” mới hiểu. Đôi khi, “người ra đi” mang theo hết mọi nỗi niềm, khép cửa buồn vui, những oan khuất hay dại khờ đều xuôi về cõi tịnh.

Đối với “người ra đi”, chúng ta không nên và cũng không có quyền phán xét. Tuy nhiên, dù cho dương là cõi tạm, thác mới thực về, song nếu vội vàng tìm đến cái chết khi cuộc đời vẫn trải rộng trước mắt thì thật tiếc, thật xót xa cho cả “người ra đi” lẫn những người đang sống. Không gì đau lòng hơn khi đột ngột mất đi người thân, mà lại là một sự mất đi “bất thường” đến vậy!

Bạn có thể cảm thấy quá đỗi cô đơn trong một khoảnh khắc nào đó… Nhưng như vậy, không có nghĩa, trên đời này, không có những người tha thiết mong đợi sự hiện diện của bạn, luôn cầu mong hạnh phúc đến với bạn… Ít nhất, đó là những người đã sinh ra bạn, cho bạn hình hài, hơi thở, một khối óc, một trái tim biết yêu thương, trắc ẩn và đau khổ…

Cuộc sống quí giá biết nhường nào. Hãy trân trọng THỜI GIAN ĐỂ SỐNG như câu chuyện tôi muốn gửi tặng các bạn dưới đây:

Thời gian để sống

Một buổi chiều mưa bão nọ, có một người đàn ông chừng ba mươi tuổi xuất hiện ở phòng khám. Anh ta trò chuyện với bác sĩ hơn một tiếng đồng hồ. Khi anh ra lấy toa thuốc, cô liếc thấy trên đó có vài loại mình biết tên, chống đau nửa đầu và chống trầm cảm.

Có lẽ anh không nhớ cô là ai. Nhưng cô biết anh. Trước khi về làm việc cho phòng khám tâm thần kinh này của bác sĩ H., cô từng làm trợ lý cho chương trình y tế của một tổ chức phi chính phủ. Anh làm việc cho một đơn vị phối hợp thực hiện dự án. Nhiều lần anh qua họp với bên cô. Cô ghi nhớ anh bởi dáng vẻ trầm tĩnh luôn đượm chút buồn rầu. Cốt cách của anh toát lên điều gì đó khiến người ta bỗng phải gò mình lại cho điềm tĩnh, lịch lãm khi tiếp xúc, nếu không muốn trở thành một kẻ tương phản dị hợm. Họ không có dịp nói chuyện riêng với nhau cho đến khi cô rời dự án. Không ngờ có ngày cô gặp lại anh.

Hết giờ làm việc, bác sĩ H. thong thả bước ra khỏi phòng bệnh, nhờ cô pha một tách cà phê.

- Bệnh nhân mới đến ban nãy… - cô rụt rè hỏi. Nhưng lập tức cô ngưng bặt. Cô thừa biết quy tắc bảo mật cho bệnh nhân ở những phòng khám tâm lý.
- Ừ - bác sĩ gật đầu, quay sang nhìn cô dò hỏi.
- Em biết anh ta - cô đành nói một câu khá vô nghĩa.
- Bạn bè à?
- Không, biết thôi. Ngày xưa có làm chung một dự án.
- Đó là một ca khó.
- …
- Anh ta muốn tự tử.

Suốt một tuần sau đó, cô chờ đợi lần tái khám của anh. Nhưng đến ngày tái khám, tuyệt nhiên anh ta không xuất hiện. Một, hai ngày sau đó cũng không.

- Anh người quen của cô không thấy đến tái khám - bác sĩ H. đẩy gọng kính lên sống mũi.
- Dạ.
- Tôi cảm thấy không an tâm. Sẽ rất nguy hiểm nếu anh ta bỏ giữa chừng việc điều trị. Ý nghĩ tự tử đã choáng ngợp con người anh ta.
- Thưa… - cô cắn môi, cảm thấy ngượng ngùng khi hỏi điều không được phép - vì sao anh ta muốn chết?
Bác sĩ H. im lặng nhìn cô hồi lâu. Rồi ông nói chậm.
- Vợ chưa cưới của anh ta qua đời vì tai nạn xe một năm trước do chính anh ta cầm lái. Sau một năm cố gắng sống trong giày vò, cảm thấy vẫn không thể tiếp tục được nữa, anh ta tìm đến đây.

Chiều hôm đó, cô lần mò đi tìm nhà người đàn ông trẻ nọ theo địa chỉ lưu trong bệnh án. Khi cô đến tòa chung cư ở ngoại ô ấy, những nhân viên cấp cứu đang đưa anh ta ra xe. Khuôn mặt anh trắng nhợt, đôi mắt nhắm nghiền, cơ thể bất động, mùi thuốc diệt cỏ tỏa ra nồng nặc. “Người nhà anh ta đâu?” - nhân viên y tế quát. Hàng xóm bu xung quanh trả lời nhao nhao: “Không có. Anh ta sống một mình”. Cô thấy mình đột nhiên nhào ra khỏi đám đông, leo lên theo xe cấp cứu. “Tôi là bạn anh ấy!”.

Cửa phòng cấp cứu bật mở. “Đã súc ruột nhưng anh ta sẽ không thể qua khỏi. Chất độc đã thấm qua thành ruột của anh ta, không cách gì cứu được. Cô biết nguyên lý của thuốc diệt cỏ không? Nói nôm na là hóa chất làm cho cỏ không thể hấp thu thức ăn được và chết đi. Với người cũng vậy”. Ông bác sĩ vừa bước ra nói chậm. Cô thấy mình run lập cập: “Còn bao nhiêu ngày, thưa bác sĩ?”. “Chậm nhất là ba”.

Anh ta mở đôi mắt đờ đẫn nhìn cô. Có vẻ anh gắng gượng nói điều gì đó, nhưng rồi tất cả bật ra chỉ là tiếng thều thào.
- Nhìn cô rất quen.
- Em từng là trợ lý dự án X.
- À… Cảm ơn cô! - anh ta gật gật đầu.
Cô liếm môi:
- Anh cho em số điện thoại, em sẽ báo cho gia đình anh.
- Tôi không còn ai thân thích ở đây. Các anh tôi sống ở nước ngoài.
- Để em mua gì cho anh ăn - cô quay mặt đi.
- Cô ơi…
- Dạ.
- Tôi sẽ sống, đúng không? - mắt anh ánh lên tia nhìn van nài.
Cô nhìn anh, lặng lẽ gật đầu.

Anh không thể nào húp được dù chỉ là vài ba muỗng cháo loãng. Cô nhìn anh, tưởng tượng ra một cọng cỏ đang quằn quại héo đi rồi vỡ tung trước mắt mình, hệt như trong mấy mẩu quảng cáo thuốc diệt cỏ trên tivi. Cơn đau làm anh nói năng khó nhọc.

- Khi vừa uống thuốc tự vẫn xong tôi mới thấy thèm sống. Tôi đã cư xử thật hèn nhát.
Cô im lặng để bát cháo loãng xuống bàn, rót cho anh ly nước.
- May mà ông trời cho tôi một cơ hội để làm lại tất cả - anh thều thào, khóe mắt ánh lên niềm vui vô hạn.

Sáng hôm sau, cô tìm cách liên lạc với vài người bạn của anh. Buổi chiều, anh nhờ cô đọc cho anh nghe một vài chương trong tập Thơ Dâng của Tagore. “Phiền cô quá, anh nói, sau này ra viện tôi biết làm sao để trả nợ cô đây?”. Cô gượng cười ngậm ngùi: “Chỉ cần anh đừng chết nữa là được”.

Khi cô đến thăm anh vào ngày sau đó nữa, anh đang ngồi nhìn ra cửa sổ. Tàng me trong sân bệnh viện lích rích tiếng chim chuyền.
- Anh đang nghĩ gì?
- Tôi đang nhớ đến những ngày tươi đẹp - anh mỉm cười.
Cô gật đầu, nhìn anh. Người anh rộc đi, mắt thâm quầng. Anh yếu lắm rồi.

Anh mất trong giấc ngủ buổi chiều ngày hôm đó. Thậm chí anh nghĩ mình chỉ ngủ một giấc thôi và sẽ tỉnh dậy.

Cô y tá kéo tấm khăn trắng phủ mặt anh lại. Cô thờ thẫn bước ra ngoài. Bác sĩ H. đang đứng ở cửa. Cô muốn đổ gục vào vòng tay ông.

* * *
Sau này, thi thoảng cô vẫn thoáng thấy giật mình mỗi khi có ai đó đến khám bệnh vào một buổi chiều mưa bão. Không phải khuôn mặt thất thần của người đàn ông trẻ ấy, mà là ánh mắt vui mừng khi nghĩ mình được sống của anh lúc ở trong bệnh viện đã ám ảnh cô rất nhiều năm sau đó. Cô hiểu rõ mỗi người chỉ có một thời gian để sống.

(Truyện 1.176 chữ của NGUYỄN THIÊN NGÂN)

Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI!

Gửi bàigửi bởi xanhnguyen » Thứ 6 22/05/09 21:13

[justify]... "mỗi người chỉ có một thời gian để sống"... nên bạn ơi, ĐỪNG ĐỢI...!

... Đừng đợi khi nhìn thấy một nụ cười rồi mới mỉm cười lại
… Đừng đợi đến khi được yêu thương rồi mới yêu thương…
… Đừng đợi đến khi cô đơn mới nhận ra giá trị của người bạn
… Đừng đợi một công việc thật vừa ý rồi mới bắt đầu
… Đừng đợi có thật nhiều rồi mới chịu chia sẻ
… Đừng đợi cho đến khi vấp ngã rồi mới nhớ đến những lời khuyên
… Đừng đợi đến khi có thật nhiều thời gian mới khởi đầu một công việc
… Đừng đợi đến khi làm người khác buồn lòng rồi mới cố xin lỗi

Đừng đợi… vì không thể biết bạn sẽ phải chờ đợi đến bao lâu…

Bởi vậy, SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI![/justify]
RANDOM_AVATAR
xanhnguyen
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 04/03/09 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trước

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến9 khách

cron