"Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 02/08/09 22:48

[justify]Lại nói về “bóng đá xấu xí”… nhưng không phải để than thở. Nêu vấn đề này trong topic “Văn hóa bóng đá” ở Việt Nam, nghĩa là mong muốn được cộng đồng các thành viên tham gia diễn đàn cùng suy nghĩ, chia sẻ, góp bàn để bóng đá nước nhà bớt vẻ “xấu xí”, tăng cường tính chuyên nghiệp và “Văn hóa” (hiểu theo nghĩa từ nguyên: Văn là vẻ đẹp; Hóa là biến đổi, hóa thành để ngày càng đẹp, ngày càng hoàn thiện hơn…). Sau đây là hai ý kiến đã được đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 15.6.2009. Các bạn đọc lại và nếu quan tâm, thì bình luận thêm nhé. Xin cảm ơn.

Bóng đá sẽ bớt xấu xí, nếu...

Nhà văn Nguyễn Quang Lập và phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Hoàng Vĩnh Giang đều có niềm vui chung là đứng hát quốc ca trước mỗi trận bóng đá và chung nỗi buồn về những biểu hiện quá quắt của “bóng đá xấu xí”. Từ góc độ của mình, họ chia sẻ những vấn đề đang rất bức xúc của bóng đá VN...

* Thưa ông, những biểu hiện rất tiêu cực của bóng đá VN gần đây, cả trong và ngoài sân cỏ: cầu thủ đánh nhau, cầu thủ rượt trọng tài, cổ động viên quá khích trên sân và đánh nhau ngoài đường... cần được nhìn nhận như thế nào dưới con mắt của toàn xã hội?

- Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Những hiện tượng rất đau xót, có thể nói là rất xấu. Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp trên sân cỏ là rất ít. Nguyên nhân phía sau mới đáng nói. Đó là nền tảng đạo lý của bóng đá VN. Và nền tảng đạo lý bóng đá lại có căn nguyên sâu xa từ nền tảng đạo đức xã hội.
Đạo đức xã hội đang xuống cấp, một bộ phận xã hội bị stress nặng và rất khó, hầu như không thể kiềm chế được mỗi khi gặp bất kỳ biến cố nào.
Họ rất dễ bị kích động, và trên sân cỏ, chỉ sau một xô xát nhỏ, họ có thể trở thành những cổ động viên quá khích mà báo chí gọi là hooligan.

- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Nếu nói sân cỏ là nơi mà người ta mang những ức chế trong cuộc sống vào để xả ra là nói hơi quá. Tôi đồng ý là không ở đâu như bóng đá, trên khán đài, người ta có được sự bình đẳng tuyệt đối, không còn “ông” mà chỉ có “thằng”, nơi mà một anh chàng đầu trọc, quần áo bụi đời, tay chân xăm trổ có thể mắng một ông đạo mạo comlê, cà vạt: “Sao mày không hát?!” khi quốc ca trỗi lên.
Cổ động viên thì ở đâu cũng ồn ào, ầm ĩ. Rất nhiều quốc gia tôi đã đi qua, cả rất phát triển và kém phát triển, đều có vấn đề về bạo lực sân cỏ. Chỉ khác nhau ở cách giải quyết vấn đề.

* Vậy theo ông, những căn bệnh mang tính xã hội này cần được giải phẫu và chữa trị như thế nào?

- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Đã có một thời gian dài người hâm mộ và công luận lên tiếng về các biểu hiện “đá cuội, đá đểu”. Cần một thời gian trả giá, nhiều khi đau đớn để có những trận đấu thật. Bây giờ bắt đầu có những trận đấu thật thì lại “xì” ra vấn đề bạo lực. Như thế bóng đá có quá nhiều vấn đề, khâu vá được chỗ nọ thì nó “bục ra” chỗ kia. Những hành động thái quá của người hâm mộ tất nhiên không thể bào chữa được, nhưng sự “bục ra” của nó cũng có tác động tích cực là bắt buộc những người có trách nhiệm phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc.
Việc ban tổ chức giải vừa có quyết định cấm cổ động viên Hải Phòng đến sân khách, nhiều người kêu là hơi nặng với cổ động viên chân chính của Hải Phòng. Nhưng tôi thấy là cần thiết. Không được vào sân, mà nếu có lọt vào được thì cũng phải âm thầm và cách xa nhau, với những cổ động viên ưa gây rối, đó là sự “vô hiệu hóa” tốt nhất.

- Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi cho rằng mọi lý do và mọi cách giải quyết nằm ở giáo dục. Chúng ta không được giáo dục từ bé về văn hóa giao tiếp nơi công cộng, không được giáo dục về văn hóa cộng đồng. Chúng ta không được rèn luyện để biết nên phản ứng như thế nào trong một đám đông đang bị kích động. Tôi nghĩ bộ môn giáo dục công dân trong trường phổ thông của chúng ta có vấn đề.

Thay cho việc giáo dục bài học chung chung, nên đưa ra những tình huống cụ thể để giáo dục trẻ em ngay từ khi vào lớp. Có văn hóa ứng xử nơi công cộng, chúng ta mới có thể kiềm chế được trong những tình huống tương tự, như khi đội bóng chúng ta yêu thích bị thổi oan một quả penalty, hay cầu thủ chúng ta hâm mộ bị đốn ngã mà trọng tài không thổi phạt.

Tôi đồng ý ra sân là để giải trí, để vui, để hò hét. Vì thế người ta mới chọn ra sân để chịu nắng chịu mưa, chen chúc nhìn quả bóng bé như hạt đậu trên sân, trong khi xem tivi vừa mát mẻ vừa an toàn, hình ảnh nét, có quay chậm từng tình huống. Nhưng giữa vui vẻ, hò hét (thậm chí văng tục - xin lỗi, vì lúc phấn khích quá tôi cũng văng tục trên sân) với quá khích, nhục mạ đối phương và thượng cẳng chân hạ cẳng tay là một khoảng cách vừa mong manh vừa vời vợi mà chỉ có giáo dục mới mang lại được.

* Ngoài giáo dục và những biện pháp hành chính, còn những yếu tố “ngoài sân cỏ” nào nữa mà bóng đá nên lường trước để vượt qua nạn bạo lực sân cỏ này?

- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Thật ra làm bóng đá khó lắm, bóng đá chuyên nghiệp lại càng khó. Tôi chia sẻ những khó khăn mà LĐBĐVN đang phải gánh vác. Tất cả cái gì của chúng ta cũng đang manh nha, đang hình thành, cái gì cũng có vấn đề. Như tôi đã nói, nếu quy trách nhiệm công dân cho doanh nghiệp làm chủ đội bóng thì cũng không công bằng với họ.

Vì đội bóng mà họ sở hữu chỉ là một phần hiện tại của quá khứ dằng dặc hàng chục năm, với tất cả những vinh quang và hệ lụy. Rồi còn địa phương, đặc biệt là cổ động viên. Phải tính đến đặc thù địa phương của mỗi đội bóng. Tính địa phương chủ nghĩa của người VN rất mạnh, nên hành xử tế nhị để khai thác điểm mạnh này, thay vì khoét sâu vào nó để tạo mâu thuẫn.

- Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi thấy giáo dục là một quá trình lâu dài và chúng ta đành phải chờ đợi. Nhưng có những điều mà nó đập vào mắt người hâm mộ và có kết quả ngay: đó là cách hành xử đàng hoàng, công khai, minh bạch của ban tổ chức và các cấp có thẩm quyền: khi bạo lực sân cỏ hay bất kỳ một tiêu cực nào xảy ra, cứ xử phạt nghiêm minh, công bằng thì người ta mới phục.
Đừng để lửa bùng lên rồi mới đi dập, nhà tổ chức khôn ngoan là phải biết làm mát những cái đầu nóng của cổ động viên, nhưng đừng làm họ cụt hứng và nguội lạnh tình yêu bóng đá.

THU HÀ thực hiện

Nguồn: http://www3.tuoitre.com.vn/TheThao/Index.aspx?ArticleID=321530&ChannelID=260

PS:
- Một số chữ in đậm trong bài là do người post bài có ý muốn nhấn mạnh.
- Nguyên nhân nào – giải pháp đó. Theo những ý kiến trên, muốn bóng đá bớt “xấu xí”, tập trung vào giải pháp Đức trị (bằng giáo dục đạo đức, chuẩn mực ứng xử văn hóa…) e rằng chưa đủ. Cần phải kết hợp và tăng cường Pháp trị (bằng pháp luật, chế tài, xử phạt nghiêm minh, công bằng… - vốn là những thứ chúng ta đã nghe nhiều, học nhiều nhưng còn thiếu, còn yếu) như nhà văn Nguyễn Quang Lập nêu ra thì mới hài hòa… Nhưng ngay cả điều này (kết hợp và tăng cường giữa Đức trị và Pháp trị trong quản lý, tổ chức, điều hành…) chúng ta cũng đã nghe rất quen tai song trên thực tế, không chỉ bóng đá, ở rất nhiều lĩnh vực khác, chúng ta vẫn thấy Vũ như cẩn (Vẫn như cũ). Vậy, câu hỏi Tại sao; Như thế nào; Phải làm gì… vẫn lơ lửng đó...

Các bạn nghĩ sao về điều này???[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang trước

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến22 khách

cron