"Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

"Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi phanthimaianh_hvchk9 » Thứ 2 29/12/08 23:43

Có lẽ trên thế giới này không có một "tôn giáo" nào có số lượng "tín đồ" đông như "túc cầu giáo", và ở ngay chính tại đất nước Việt Nam nhỏ bé này, số lượng "giáo dân" của "giáo phái" này cũng chiếm số lượng đông nhất. Và đêm qua, các "tín đồ" của "túc cầu giáo" Việt Nam đã có một đêm không ngủ. Sau 49 năm chờ đợi, cuối cùng thì cúp vàng mới lại về với người Việt. 28/12/2008 trở thành "đêm trắng" của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Sau cú lắc đầu của Công Vinh đưa bóng vào góc cao khung thành, hạ gục thủ môn Kosin của tuyển Thái, đưa đội tuyển Việt Nam lên thiên đường, cả sân vận động Mỹ Đình như vỡ oà ra trong sự sung sướng tột cùng. Ở đây không có ý bình luận hay tường thuật lại chi tiết trận đấu, mà chỉ muốn đưa ra một cái nhìn về bóng đá như một thứ văn hoá trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam.
Nếu trước đây Coca Cola có một câu slogan nổi tiếng là "Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống Coca Cola", thì giờ đây chúng ta có thể nói: "Ăn bóng đá, ngủ bóng đá và uống cũng bóng đá". Con người ta có nhiều tình yêu và nhiều niềm vui khác nhau, nhưng tình yêu và niềm vui với bóng đá có thể làm cho người ta gắn kết với nhau. Ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời điểm nào, trong nhà hàng, ngoài quán cà phê, trên bàn nhậu, thậm chí tại... phòng ngủ, người ta đều có thể nói đến bóng đá. Cũng không có một điều gì có thể khiến người ta trở thành một đứa trẻ thơ như với bóng đá. Dù là đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ, từ một anh nông dân đến một cô sinh viên, một vị Nguyên thủ quốc gia hay một người bình dân nhất, tất cả đều có thể nhảy cẫng lên vì sung sướng mỗi khi đội nhà chiến thắng, hoặc có thể khóc oà khi thất bại... Với bóng đá, người ta có thể hoá lạ thành quen, hoá quen thành thân. Đêm qua, khi trọng tài thổi hồi còi kết thúc trận đấu, người ta sẵn sàng ôm chầm lấy nhau, dù trước đó có thể chưa từng biết nhau. Bóng đá làm cho người ta bao dung, rộng lượng và chan hoà với nhau hơn. Đêm qua, nếu ai có dịp xuống đường để ăn mừng cho chức vô địch của đội tuyển Việt Nam thì có thể cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng nhất. Thường ngày, khi va quẹt nhau một tý, người ta có thể chửi nhau và "choảng" nhau, nhưng hôm qua, người ta vẫn cười thật tươi với nhau dù cho có bị quẹt xe té ngã. Bình thường, chỉ cần kẹt xe một chút, người ta dễ dàng càu nhàu, khó chịu, nhưng hôm qua, cả dòng người lũ lượt đổ ra đường, mọi ngã đường đều kẹt cứng, nhưng ai cũng phấn khởi, hồ hởi. Từng ánh mắt, nụ cười trao nhau... Dường như ai cũng thấy vui hơn, ấm áp hơn. Những người chưa bao giờ gặp nhau trong đời vẫn thân ái nắm tay nhau, cùng hoà thanh hô vang và hát cùng nhau... Chỉ có bóng đá - môn thể thao "vua" mới làm được điều đó. Như vậy, có thể nói, bóng đá đã góp phần cố kết cộng đồng, củng cố tình đoàn kết. Mọi người san sẻ với nhau niềm vui, niềm hạnh phúc tột đỉnh. Và cũng thật dễ hiểu vì sao, năm 2003, khi Sea Games 22 tổ chức tại nước ta, dù đoàn thể thao Việt Nam đứng đầu khu vực, nhưng niềm vui vẫn không thật trọn vẹn, vẫn thiếu đi một cái gì đó... Hơn 150 chiếc Huy chương vàng không đủ để đổi lấy một tấm HVC của môn bóng đá. Nên ngày ấy, dù đoàn thể thao nước nhà thành công rực rỡ thì vẫn không có những cảnh tượng xúc động và đẹp lạ lùng như đêm qua. Cả rừng người đổ xuống đường, mọi ngả đường đều rợp trời với cờ đỏ sao vàng. Mọi người đồng thanh hô vang những câu "VN vô địch", "VN chiến thắng", hoà giọng hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...". Thật không hổ danh môn thể thao "vua", vì trong tất cả những môn thể thao, có thể nói chỉ có bóng đá mới làm được một điều - đó là khơi dậy trong tất cả mọi người dân lòng yêu nước và sự tự hào dân tộc. Điều đó làm những người nước ngoài, có người đến từ xứ sở của đội bóng rất mạnh trên thế giới, phải ngạc nhiên. Ngay cả khi đội tuyển nước họ thành công, họ cũng không được chứng kiến cảnh tượng xúc động đến như vậy, và họ phải trầm trồ thốt lên: "Người Việt Nam yêu bóng đá quá!".
Người Việt Nam yêu bóng đá, đó là một sự thật hiển nhiên và tình yêu mến bóng đá ấy khiến cho nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore... - những nền bóng đá mạnh hơn ta - phải thèm thuồng và ghen tỵ. Tình yêu bóng đá ấy, có khiên cưỡng quá không, khi tôi cho rằng nó xuất phát từ lòng yêu nước và tự hào dân tộc - điều vốn chưa bao giờ thiếu trong máu thịt con người Việt Nam? Khát khao chiến thắng cũng chính là khát khao khẳng định tên tuổi của chúng ta trên bản đồ bóng đá thế giới. Người Việt Nam xem bóng đá không chỉ đơn thuần là giải trí và để mãn nhãn, mà còn vì những điều thiêng liêng hơn. Cũng vì những điều thiêng liêng ấy mà tối hôm qua, dù đôi chân đã mỏi mệt, dù cho hầu hết các cầu thủ chúng ta đều đã "te tua, bầm dập" và đa số đều mang chấn thương nhưng đôi chân họ vẫn không dừng lại. Họ chiến đấu, lăn xả, không chỉ vì chiếc cúp vô địch trong một cuộc chơi thông thường, mà vượt lên đó, là chiến đấu vì Tổ quốc, vì danh dự và niềm tự hào của đất nước, của hơn 80 triệu người dân Việt, vì một cái mà người ta gọi là "màu cờ sắc áo". Vậy thì bóng đá đâu còn đơn thuần là một trò chơi, mà nó đã trở thành một phần của đời sống văn hoá tinh thần. Bóng đá mang lại cho người ta biết bao nhiêu giá trị, được vui, được khóc, được hồi hộp, nghẹt thở, thót tim, người ta cầu nguyện cho chiến thắng... Bóng đá khơi dậy ý chí, nghị lực, sự kiên cường, quả cảm, thậm chí trong bóng đá, người ta còn nhìn thấy sự nỗ lực phi thường vượt qua cả giới hạn nhỏ bé của con người. Đội tuyển VN hôm qua là một ví dụ, khi các cầu thủ đã chơi với 200% sức lực của mình... Cũng là bóng đá làm thức dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người... Như vậy có thể thấy, những giá trị tinh thần mà bóng đá mang lại quả không nhỏ! Không có một môn thể thao nào mang lại một sự say mê, cuốn hút kỳ lạ và mãnh liệt như bóng đá cả. Và sự đam mê ấy đã được bùng cháy mạnh mẽ vào đêm qua, đêm mãi mãi không bao giờ có thể quên đối với giới mộ điệu bóng đá Việt Nam!
RANDOM_AVATAR
phanthimaianh_hvchk9
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 06/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi phanthimaianh_hvchk9 » Thứ 3 30/12/08 16:43

Sao ko thấy ai góp ý bình luận thêm về cái "zụ" này hết "zị"? Thiết nghĩ đây cũng là một đề tài đang hot mà? Các thành viên K9 ủng hộ em với, trước khi cúp vô địch bị "nguội" :mrgreen:
RANDOM_AVATAR
phanthimaianh_hvchk9
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 06/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi phanthimaianh_hvchk9 » Thứ 3 30/12/08 16:46

À quên, lúc nãy em viết thiếu! Các thành viên K9 cùng tất cả mọi người có quan tâm & hứng thú với bóng đá ơi, ủng hộ em với! (Viết mỗi K9 không thì những người khác không thèm comment thì sao :mrgreen: )
RANDOM_AVATAR
phanthimaianh_hvchk9
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 06/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 30/12/08 23:59

[justify]Cám ơn bạn phanthimaianh đã "nhanh tay" mở một topic khá "hot", khi mà xúc cảm "Việt Nam vô địch" chưa mấy dịu đi trong lòng mỗi chúng ta. Mình cũng đã nghĩ đến đề tài này khi ÔX của mình đề nghị: Em học và nghiên cứu văn hóa, có thể lý giải hiện tượng Yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Việt Nam không? Chưa kịp “hóa giải”thì đã có bài của bạn, thế là “được lời như cởi tấm lòng”. Nhưng, thiệt tình, nếu là người "khai mở", mình sẽ đặt một tên gọi "giựt gân" hơn, ví như: "Tình yêu bóng đá cuồng nhiệt dưới góc nhìn VHH" hoặc "Bóng đá - Yêu say cuồng nhiệt Kiểu Việt Nam"! (Hehe, nói cho dzui vậy thôi, chứ mình "ăn theo" bạn cũng đủ thú vị rồi. Bàn bạc để thỏa mãn tình yêu bóng đá, tình yêu văn hóa Việt Nam mới là quan trọng).

Điều mà bạn đặt ra trong bài viết:“Tình yêu bóng đá ấy, có khiên cưỡng quá không, khi tôi cho rằng nó xuất phát từ lòng yêu nước và tự hào dân tộc - điều vốn chưa bao giờ thiếu trong máu thịt con người Việt Nam? Khát khao chiến thắng cũng chính là khát khao khẳng định tên tuổi của chúng ta trên bản đồ bóng đá thế giới”...mình không phủ nhận nhưng muốn góp bàn thêm. Để trả lời câu hỏi Yêu bóng đá cuồng nhiệt có phải một giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam…, thiết nghĩ, cần lấy hệ tọa độ K-T-C mà Thầy Thêm đã trao truyền cho chúng ta làm cơ sở lý luận. Cả ba tiêu chí này đều quan trọng và có mối quan hệ biện chứng, hầu giúp chúng ta giải mã được hiện tượng Yêu bóng đá cuồng nhiệt (mình sẽ lặp lại từ cuồng nhiệt nhiều lần, bởi nó phần nào phản ánh được nét riêng, nét đặc thù của người Việt Nam, xét về mức độ sâu đậm và độc đáo, trong tình yêu môn “thể thao vua” khá phổ biến này trên thế giới).
a. Về không gian:
Đã là dân VHH, ai cũng biết những đặc điểm nổi bật về điều kiện địa lý – khí hậu của Việt Nam - một “Đông Nam Á thu nhỏ, Đông Nam Á điển hình” (Nhiệt, ẩm, gió mùa, môi trường sông nước, vị trí giao thông, giao thoa văn hóa thuận lợi…)  Sự lựa chọn phương thức kinh tế thích hợp: Nghề nông nghiệp trồng lúa nước
 Nền Văn hóa Gốc nông nghiệp, định cư, trọng tĩnh…Từ đó, hình thành hai đặc trưng văn hóa tiêu biểu, hệ quả tất yếu của nghề nông là Tính cộng đồng và Tính tự trị. Chính Tính cộng đồng truyền thống đã làm nên những biểu hiện như bạn viết: ("Ăn bóng đá, ngủ bóng đá và uống cũng bóng đá…Ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời điểm nào, trong nhà hàng, ngoài quán cà phê, trên bàn nhậu, thậm chí tại... phòng ngủ, (tức là gi gỉ gì gi, bất kỳ không gian nào – mình nhấn mạnh thêm) người ta đều có thể nói đến bóng đá...”. Tính cộng đồng tạo ra những hệ quả tích cực: Tinh thần đoàn kết, dân chủ (…Dù là đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ, từ một anh nông dân đến một cô sinh viên, một vị Nguyên thủ quốc gia hay một người bình dân nhất, tất cả đều có thể nhảy cẫng lên vì sung sướng mỗi khi đội nhà chiến thắng, hoặc có thể khóc do thất bại...), tương thân tương ái [i](Với bóng đá, người ta có thể hoá lạ thành quen, hoá quen thành thân…), khoan hòa, vị tha... (Bóng đá làm cho người ta bao dung, rộng lượng và chan hoà với nhau hơn. Đêm qua, nếu ai có dịp xuống đường để ăn mừng cho chức vô địch của đội tuyển Việt Nam thì có thể cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng nhất. Thường ngày, khi va quẹt nhau một tý, người ta có thể chửi nhau và "choảng" nhau, nhưng hôm qua, người ta vẫn cười thật tươi với nhau dù cho có bị quẹt xe té ngã…). Bản thân mình, buổi tối 28/12 “lịch sử” ấy, mình đã cùng gia đình và nhóm bạn thân ACDL (tạm dịch là: Ăn Chơi Du Lịch) tụ tập tại Zenta. Ăn uống chỉ là cái cớ (mà nào có ai ăn uống ngon miệng và “khoa học” được khi mà toàn bộ giác quan, tâm thức của ai nấy đều “dán chặt” lên màn hình, thỉnh thoảng không ít người nhảy ra khỏi ghế, gào lên rồi lại rơi phịch xuống thất vọng vào những lúc đội Việt Nam có cơ hội làm bàn mà bóng chưa thủng lưới! Trùi ui, ăn uống thế không đau bao tử cũng uổng!). Tựu trung, tụ tập là để được hít thở và hòa nhập trong bầu không khí yêu say bóng đá cuồng nhiệt mang tính cộng đồng. Tâm lý cộng đồng lại thường có khả năng lây nhiễm và lan tỏa mạnh mẽ, vui – buồn, tuyệt vọng hay thăng hoa đều được dâng đến đỉnh điểm. Có những người cả năm không xem một trận bóng đá nào, có những người ngồi xem nhưng không hiểu chút nào về Luật bóng đá (thường là phụ nữ, xem vì chiều người thân và gia đình)…nhưng vẫn hò reo, vẫy cờ, xuống đường để tan hòa vào không khí chung. Vui thì “rượu rót chưa uống mà hồn đã say khướt…”. Buồn thì cùng…tiu nghỉu, cùng vò đầu bứt tóc, thậm chí khóc lóc…cũng đỡ buồn hơn…Giọt nước mắt nào rơi xuống mà không mặn mòi! Mình nghĩ, đêm đó, những ai có mặt trong những không gian công cộng để xem bóng đá, hẳn ở họ ít nhiều đều có nhu cầu Chia sẻ và khao khát Sống thấm đẫm trong văn hóa cộng đồng truyền thống của người Việt Nam.

b. Về thời gian văn hóa:
Xét điều kiện lịch sử - xã hội, dân tộc Việt Nam có một “Thân phận lịch sử” đặc biệt. Những thuận lợi về điều kiện địa lý (vị trí giao thông thuận tiện, cửa sông giáp biển, “rừng vàng”, “biển bạc”- với 3.200 km đường biển, đất màu mỡ, phì nhiêu...) tạo ra cho chúng ta không ít cơ hội trong giao thoa và tiếp biến văn hóa Đông – Tây. Thì đồng thời, cũng gây nên không ít khó khăn, thách thức cho con người Việt Nam, đất nước Việt Nam từ ngàn xưa đến nay, khi “vô tình” trở thành “miếng mồi béo bở”, hấp dẫn đối với rất nhiều thế lực thù địch. Suốt quá trình dựng nước và giữ nước, liên tục chúng ta phải đối mặt với những đối thủ sừng sỏ gấp trăm ngàn lần về vật lực, kinh tế, tài chính, phương diện khoa học – kỹ thuật..v.v...Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn thắng, thắng một cách vẻ vang, oanh liệt, thắng thuyết phục, hào hùng. Vì sao? Cũng là nhờ sự kết hợp kỳ diệu của những giá trị văn hóa Việt Nam mà tiêu biểu vẫn là hai đặc trưng: Tính Cộng đồng và Tính Tự trị đã nói trên. Tính Cộng đồng tạo ra tinh thần đoàn kết, sự gắn bó giữa cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc, đoàn kết trên sân cỏ (giữa các cầu thủ đang thi đấu), trong sân cỏ (giữa cầu thủ và người hâm mộ, giữa cầu thủ và Ban huấn luyện), ngoài sân cỏ (trong cộng đồng nhân dân yêu Bóng đá và yêu Tổ quốc, trong nước và bạn bè quốc tế...). Tính Tự trị ở những con người vốn có một “Thân phận lịch sử” đặc biệt, luôn phải đối phó, đối đầu trong những cuộc chiến không cân sức, đã tạo ra hệ quả tích cực là: ý chí Tự lập, tự cường, ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm, sự khát khao khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khẳng định độc lập tự chủ trên mọi phương diện (“Nam quốc sơn hà nam đế cư...Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”, “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu...”, “Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông...”). Trong bóng đá, người Việt Nam cũng khát khao khẳng định Thân phận và Diện mạo, nhất là trước Thailand- một đối thủ trong khu vực Đông Nam Á vốn để lại cho ta nhiều “ẩn ức”. Chính vì vậy, chúng ta đã từng thắng trong nhiều trận đấu với các đội bóng khác (như Singapore, Indonexia, Malaysia…) nhưng Niềm vui không “nhiệt tình và điên cuồng” (chữ của HLV Steve Darby) như khi chúng ta thắng Thailand. Chiến thắng được tạo ra nhờ sự kết hợp từ hai giá trị đặc trưng ấy, tinh cất và biểu hiện mạnh mẽ thành sự Vượt gộp cho cầu thủ Việt Nam, dân tộc Việt Nam trên sân Mỹ Đình tối 28/12 vừa qua, ở cả hai phía: người hâm mộ và cầu thủ cùng Ban huấn luyện. Theo mình, đây chính là nguyên nhân của hiện tượng mà phanthimaianh đã nêu ra:“Bóng đá khơi dậy ý chí, nghị lực, sự kiên cường, quả cảm, thậm chí trong bóng đá, người ta còn nhìn thấy sự nỗ lực phi thường vượt qua cả giới hạn nhỏ bé của con người”...

c. Về chủ thể văn hóa:
Đội tuyển bóng đá Việt Nam được hình thành từ những con người mang đậm các giá trị văn hóa Việt Nam. Chính trong những thử thách quyết liệt, những tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội đặc thù (phương Đông, nông nghiệp..v..v..) đã tạo ra cho con người Việt Nam nói chung, các cầu thủ bóng đá Việt Nam nói riêng lối tư duy tổng hợp và phương thức ứng xử linh hoạt, biến báo khôn lường. Ông Calisto đã khai thác được điều này khi sắp xếp để mỗi cầu thủ trong đội có thể chơi được ở nhiều vị trí khác nhau (ví dụ, Tấn Tài từ cánh phải chuyển sang cánh trái, Vũ Phong thì ngược lại, Thành Lương thì chơi tốt cả hai cánh…Vì các cầu thủ Việt Nam vốn có khả năng linh hoạt như vậy nên Huấn luyện viên trưởng đã thành công khi sắp xếp các cầu thủ đá “trái kèo”. Điều này khó có thể thực hiện được ở các đội bóng Phương Tây khi mà các cầu thủ đều được chuyên môn hóa!)… Về chiến thuật, dưới sự sắp xếp của ông “Tô”, các cầu thủ Việt Nam đã phát huy hiệu quả truyền thống quân sự Việt Nam- vốn cũng bắt nguồn từ văn hóa Gốc nông nghiệp- linh hoạt trong đối phó, gặp đối thủ mạnh thì dùng chiến thuật Phòng ngự, chờ cơ hội đối phương sơ hở thì Phản công dành chiến thắng. Cụ thể, trong trận Thailand gặp Việt Nam trên sân Thailand (là “Sân khách” đối với người Việt Nam - Không gian thay đổi, yếu tố thuận lợi thuộc về người Thailand. Trong không gian này, chúng ta càng cần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Linh hoạt, sáng tạo để biến thế Bị động thành Chủ động), chúng ta đã dành chiến thắng 2-1 với chiến thuật này. 38 phút đầu chúng ta chỉ Phòng ngự, khi người “Thái” không ghi được bàn thắng trước sự phòng ngự kiên cường của Việt Nam, họ tỏ ra nôn nóng và bộc lộ sơ hở, cầu thủ chúng ta chớp cơ hội và ghi liền 2 bàn thắng trong 7 phút hiệp một. Trong trận đấu lịch sử ngày 28/12 vừa qua, khi hai đội Việt Nam – Thailand gặp nhau trên sân vận động Mỹ Đình (địa điểm và không gian quen thuộc đối với người Việt Nam, lợi thế thuộc về đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong đó có cả lợi thế về điểm số ở trận lượt đi. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng lối đá Phòng ngự để bảo toàn tỉ số vì chỉ cần hòa ta cũng vô địch). Nhưng do Linh hoạt, nên ta đã thực hiện lối đá Tấn công ngay từ tiếng còi khai trận đến giây cuối cùng. Bằng chứng là chúng ta đã hạ gục Thailand ở phút bù giờ sau chót của trận đấu (phút 93). Niềm vui vỡ òa. Một chiến thắng ngoạn mục.
Chiến thắng nhờ sử dụng chiến thuật hợp lý, nhờ phát huy một cách khôn ngoan và hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, nhờ những Cộng cảm của một cộng đồng khao khát sự khẳng định Diện mạo và Thân phận trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, cộng đồng thế giới nói chung. [/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi phanthimaianh_hvchk9 » Thứ 4 31/12/08 2:53

Thật không tưởng tượng được, chỉ với một ý nghĩ mới manh nha, mới hình thành, chưa rõ hình rõ khối, với một bài viết còn non, mang đầy tính cảm tính của em mà chị Trúc Anh đã khái quát, nâng cao, mở rộng và cho ra đời một bài viết rất logic, chặt chẽ, thuyết phục, vận dụng rất tốt các kiến thức về văn hoá học. Thật đáng nể! Có thể nói, trong bài viết của mình, em chỉ mới đưa ra được những mô tả, những biểu hiện của một hiện tượng văn hoá, và chị Trúc Anh đã giúp em hoàn chỉnh phần cơ sở luận, lý giải một cách chính xác, cụ thể những hiện tượng ấy.
Em cũng từng không thể hiểu được vì sao một đất nước còn nghèo như nước ta, người dân còn bao bận bịu lo toan và còn chạy ăn từng bữa, nhưng lại có một tình yêu mãnh liệt như vậy đối với bóng đá, có thể sống trọn cho bóng đá. Rất nhiều dân tộc yêu bóng đá, và nền bóng đá của nước ta còn quá thấp bé nhẹ cân, thua xa rất nhiều so với nền bóng đá thế giới, nhưng nếu nói về sự đam mê với bóng đá thì chúng ta không thua bất cứ một dân tộc nào trên trái đất này. Căn nguyên của hiện tượng này đã được chị Trúc Anh lý giải rất rõ ràng và hợp lý. Cũng trên nền tảng một kiến thức vững chắc, chị cũng đồng thời lý giải cho chiếc cúp vô địch của chúng ta. Qua bài viết của chị Trúc Anh, chúng ta càng thêm tự hào về tấm HCV của chúng ta. Nó không đơn thuần là sự may mắn – dù may mắn cũng là một yếu tố không thể thiếu để làm nên chiến thắng – mà nó còn xuất phát từ một cái "gốc" rất chắc - đó là xuất phát từ nguồn gốc văn hoá của dân tộc chúng ta. Như vậy, có thể nói, VN có đầy đủ những tố chất để vô địch, có cả thiên thời – địa lợi – nhân hoà, cộng thêm sự may mắn cần thiết và cúp vàng đã về với VN sau bao năm dài chờ đợi.
Phải thừa nhận là bài phân tích của chị Trúc Anh tuyệt thật. Nó giúp em mở mang tầm mắt và hoàn chỉnh cả những điều còn khiếm khuyết trong em. Mô tả được hiện tượng là một chuyện, còn lý giải được hiện tượng với sức thuyết phục, sự chặt chẽ, tinh tế như vậy thì chị Trúc Anh khiến em phải ngả mũ đấy ạ!
Qua bài viết của chị thì mọi thứ gần như sáng rõ, và em có thể khẳng định: Bóng đá – nói rõ hơn là tình yêu bóng đá cuồng nhiệt ở VN - cũng là một giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Cám ơn bài viết của chị Trúc Anh, cám ơn bóng đá, cám ơn thầy trò Calisto đã mang đến cho em một tình yêu rất khác!
RANDOM_AVATAR
phanthimaianh_hvchk9
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 06/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 5 01/01/09 23:59

[justify]Chúc mừng năm mới! Chúc đại gia đình VHH chúng ta mỗi ngày như mọi ngày: Buổi sáng tốt lành, buổi chiều vui vẻ, buổi tối may mắn, cả ngày hạnh phúc, cả tháng phát tài, cả năm thành đạt, cả đời thành công! (Ôi, "đại ngôn" quá phải không các bạn. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, đầu Xuân mới, "nổ" bùm bùm chút cũng dễ được thể tất để "cả nhà cùng vui"). Nhưng, những gì Mai Anh nhận xét về bài viết của mình thì thiệt tình chẳng dám nhận đâu (Mặc dù vẫn rất chân thành cảm ơn những "ưu ái" bạn dành cho mình!). Tất cả chúng mình hiện đều là học trò, ngu ngơ như nhau, thiếu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm ứng dụng như nhau cả thôi. Hào hứng góp tiếng nói với topic của bạn là để sẻ chia với nhau những cảm xúc từ tình yêu bóng đá, yêu con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Mình cũng chưa kịp suy nghĩ thấu đáo về điều này. Viết nhanh mấy dòng vì sợ, như Mai Anh nói, đề tài này để lâu sẽ "nguội" mất. Rất mong nhận được nhiều ý kiến góp bàn hơn nữa để những vấn đề Mai Anh và mình đã đặt ra, đã chạm tới sẽ sâu sắc hơn, đầy đặn, thuyết phục hơn cả về cơ sở lý luận lẫn minh chứng thực tiễn. Cám ơn nhiều![/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi phanthimaianh_hvchk9 » Thứ 6 02/01/09 9:20

Hix, chị Trúc Anh ơi, sao bàn về bóng đá mà chỉ có 2 phận "nhi nữ thường tình" nói qua nói lại với nhau thế này? Hỡi các đấng "mày râu", hỡi những tín đồ trung thành của bóng đá, những ai yêu bóng đá, yêu văn hoá hãy cùng góp vào vài lời cho xôm tụ đi chứ nhỉ? Nói về thể thao vua mà chỉ có 2 chị em phụ nữ thế này thì chán lắm! Cùng phát huy tinh thần "ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống cũng bóng đá và nói chuyện văn hoá - bóng đá" đi cả nhà ơi!!! :D
RANDOM_AVATAR
phanthimaianh_hvchk9
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 06/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi comay » Thứ 3 07/04/09 9:56

[justify]Dường như khi bộ phim truyền hình dài tập nhất của Việt Nam "Cô gái xấu xí" kết thúc, thì từ "xấu xí" xuất hiện trên báo chí với tần số nhiều hơn thì phải? Sáng nay, đọc Báo Tuổi trẻ, thấy hàng tít đậm "Bóng đá xấu xí!", càng đọc càng buồn. Cũng là người Việt Nam đó thôi, cũng là những thái độ ứng xử dành cho bóng đá- môn thể thao vua được quan tâm, ưa thích nhất ở xứ này, nhưng khi Yêu thì cuồng nhiệt, đắm say..., lời lẽ ngợi ca bay la bay bổng "thăng hoa" tít mù khơi... Ngược lại, khi đã Ghét rồi, hơn đào đất đổ đi, lúc ấy, "ném đá vỡ đầu nhau ra" là chuyện...thường tình! Đúng là hai mặt âm - dương đối lập, đến mức cực đoan (Yêu nhau lắm cắn nhau đau!) biểu hiện trong cách sống của một cộng đồng dân tộc vốn có truyền thống Trọng Tình, luôn lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử. Mặt tích cực của truyền thống này, được phân tích nhiều rồi, đẹp quá rồi, chắc không cần bàn thêm. Nhưng những mặt trái thì... sao khủng khiếp thế! Nó làm méo mó, "biến dạng" hình ảnh con người Việt Nam, nó làm "tổn thương" những giá trị văn hóa tốt đẹp mà hàng ngày các phương tiện truyền thông đại chúng luôn nhắc nhở cần giữ gìn, bảo vệ và phát triển... Các bạn nghĩ sao về những thông tin và hình ảnh sau:

Bóng đá xấu xí!

Bóng đá VN đã có quá nhiều hình ảnh xấu xí trong một tuần gần đây. Trên sân cỏ, số thẻ phạt nhiều hơn gấp đôi số bàn thắng. Hậu trường của cầu thủ thì nhậu nhẹt, đánh nhau. Còn trên khán đài, một hình ảnh kinh dị lần đầu tiên xuất hiện: ném hai đầu chó thui xuống sân để bêu riếu đối thủ!

(Các bạn vào đường link http://www3.tuoitre.com.vn/TheThao/Inde ... annelID=14 để xem hình ảnh: hai đầu chó thui đã được ném xuống sân, một vào sân cỏ và một trên đường piste nhằm bêu riếu đội Thể Công! - Ảnh: Nguyễn Nhật/ Tuyển thủ Minh Châu (Ximăng Hải Phòng) xỉa tay vào mặt trọng tài Trần Khánh Hưng ở trận thua Hoàng Anh Gia Lai 2-3 - Ảnh: S.H/ Hai đầu chó thui đã được ném xuống, một nằm trên đường piste và một trên sân cỏ. Nhưng chẳng ai thèm dọn, để nguyên đến hết trận! Ảnh: N.NHẬT)

Với hành động ném hai đầu chó xuống sân Hàng Đẫy của một nhóm CĐV trong trận tứ kết Cúp quốc gia ngày 4-4 giữa Hà Nội ACB - Thể Công, nghệ sĩ Đức Trung, chủ tịch hội CĐV Thể Công, cho rằng những điều này khiến người xem sẽ quay lưng với bóng đá trong nước vì không ai muốn đến sân để chứng kiến những hình ảnh phi thể thao, phi văn hóa... như trên. Chưa hết, bóng đá VN tuần qua còn thể hiện gương mặt xấu xí qua việc dính líu vào các vụ đánh nhau hoặc suýt đánh nhau của Quả bóng vàng 2008 Dương Hồng Sơn và tuyển thủ Tấn Tài...

Mai này, ai còn dám đến sân...

Nghệ sĩ Đức Trung phân tích: Lâu nay trận đấu giữa Thể Công - Hà Nội ACB (trước đây là Công An Hà Nội) luôn “nóng” từ trên sân, khán đài và cả ngoài sân. Do đó, ban tổ chức giải và ban tổ chức sân phải ý thức rất rõ điều này để có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng trong công tác an ninh thông qua bố trí lực lượng an ninh hợp lý, có những cảnh báo, răn đe trước trận đấu với những phần tử gây hấn... Nhưng trận đấu chiều 4-4 không cho thấy sự phối hợp nào từ những người có trách nhiệm. Và điều đó dẫn đến việc một nhóm CĐV thực hiện hành vi thiếu văn hóa là ném hai đầu chó thui xuống sân...

Hành động của nhóm CĐV này cho thấy đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Nhưng khi sự việc diễn ra, ban tổ chức đã phản ứng chậm trong việc ngăn chặn và xử lý. Nếu ban tổ chức giải, ban tổ chức sân cứ lơ là công tác an ninh như thế thì lượng khán giả đến sân sẽ tiếp tục giảm. Tôi khẳng định điều này bởi khán giả đến sân để xem các cầu thủ trình diễn nghệ thuật đá bóng chứ không phải đến để nghe chửi bới, nghe văng tục hay chứng kiến những hành động phi văn hóa nói trên.

Vì vậy, VFF cần có chế tài thật nghiêm khắc để ngăn chặn những hành vi thiếu văn hóa của cầu thủ, CĐV trên sân. Việc phạt vài triệu đồng, cấm đá trên sân không có khán giả vài trận, theo tôi, chỉ là cách giải quyết ở phần ngọn.

Không thể chấp nhận những hành vi vô văn hóa

Đó là khẳng định của chủ tịch hội CĐV Hà Nội Phạm Văn Thành. Anh Thành cho biết hội CĐV Hà Nội là sự kế tục từ hội CĐV của đội Công An Hà Nội. Thành viên chính thức của hội CĐV Hà Nội hiện chỉ có gần 20 người. Các thành viên có quy định sinh hoạt, kỷ luật rõ ràng.

Anh nói: “Đặc biệt chúng tôi luôn nhấn mạnh việc không xô xát, không nói tục, chửi bậy, gây hấn trong và ngoài sân. Tuy nhiên, nói chúng tôi là hội CĐV của Hà Nội ACB cũng không hẳn vì chúng tôi không chịu sự quản lý, không nhận tiền của CLB. Hằng năm, CLB Hà Nội ACB chỉ hỗ trợ hội CĐV Hà Nội trống, kèn, cờ... mà thôi.
Với những tiêu chí rõ ràng của hội CĐV Hà Nội, chúng tôi cực lực lên án những hành động thiếu văn hóa của một số người như cởi trần, chửi tục trong các trận đấu. Theo tôi nhận thấy, những trận đấu tại Giải hạng nhất và Cúp quốc gia gần đây trên sân Hàng Đẫy do không bán vé nên người ra vào tự do. Vì vậy, hai đầu chó trong trận đấu với Thể Công được ném xuống lúc nào cũng không biết, sau khi bị ném ban tổ chức cũng không dọn mà cứ để đó. Những điều này cho thấy an ninh sân bãi đã không được coi trọng. Sẽ rất nguy hiểm nếu những hành vi khá khích của khán giả không được ngăn chặn kịp thời”.


Nghệ sĩ Đức Trung cho rằng: "Trong mỗi hội CĐV luôn xuất hiện hai thành phần. Trong đó, thành phần đầu tiên là những người chuộng cái đẹp muốn gia nhập hội để cổ vũ đội bóng mình yêu thích. Đây chính là thành tố quan trọng giúp bóng đá phát triển. Thành phần thứ hai là những kẻ quá khích, muốn lợi dụng bóng đá để thực hiện những hành vi phi thể thao. Đây là thành phần cần phải được chế tài nghiêm khắc trên sân bóng"

(KHƯỠNG XUÂN ghi)

Một tuần không vui của bóng đá VN

* Khởi đầu là việc Quả bóng vàng VN 2008 - thủ môn Dương Hồng Sơn (T&T Hà Nội) có liên quan đến vụ cầu thủ Sỹ Mạnh (Vissai Ninh Bình) tấn công hai đồng đội Hồng Minh và Minh Đức ở trung tâm Thành Long đêm 30-3.
* Trong trận B.Bình Dương gặp Ximăng Hải Phòng ngày 1-4, một số CĐV Hải Phòng đã gây rối bằng cách đốt pháo sáng trên khán đài sân Bình Dương khi đội nhà bại trận. Ngoài ra trước trận đấu, một CĐV Hải Phòng thể hiện hình ảnh phản cảm khi chạy khắp sân Bình Dương với chiếc áo ngực phụ nữ được nhuộm bên đỏ bên trắng trên người...
* Trước trận tứ kết K.Khánh Hòa - SHB Đà Nẵng ngày 3-4, tuyển thủ Tấn Tài suýt đánh nhau với đồng đội là thủ môn Minh Sơn.
* Ngày 4-4, trước trận Hà Nội ACB - Thể Công ở tứ kết Cúp quốc gia, một nhóm CĐV quá khích đã quăng xuống sân hai đầu chó. Trong trận, nhóm CĐV này thường xuyên lớn tiếng chửi bới các cầu thủ Thể Công. Trừ những lời phát trên loa phóng thanh kêu gọi nhóm CĐV này ngưng chửi bới, ban tổ chức sân gần như không có biện pháp mạnh để ngăn chặn.
* Theo thống kê từ trang web của LĐBĐVN (VFF), sau bảy vòng đấu, có 118 bàn thắng được ghi nhưng có tới 12 thẻ đỏ và 243 thẻ vàng (xấp xỉ 5 thẻ vàng/trận).

(SĨ HUYÊN ghi)[/justify]
RANDOM_AVATAR
comay
 
Bài viết: 13
Ngày tham gia: Thứ 5 05/03/09 17:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 07/04/09 12:41

[justify]Vẫn báo Tuổi trẻ, sáng nay, 7/4/2009 có một phiếm luận vui:

Trời biết ...

Đầu tiên, người ta đi xem bóng đá mang theo chai nước để giải khát. Nhưng trong quá trình xem, vì ủng hộ đội nhà nên khích qua bác lại mỗi người một câu, thế là sẵn chai nước trong tay ném cho hả tức...

- Vì thế chai nước mới bị cấm mang vào sân.
- Thì người ta chuyển sang dùng túi nilông, nhưng nâng cấp lên bằng việc tè vào đấy để ném cho đối thủ “thối ba đời nhà nó”!
- Ơ, tui còn nghe là cả mắm tôm nữa cơ đấy!
- Đúng vậy. Và đẳng cấp cũng nâng lên thành nắm đấm, dùi trống... để hỗn chiến đến đổ máu như mùa rồi trên sân Vinh.
- Nhưng cũng không ăn thua gì với chuyện đem hai cái thủ chó thui nhe hàm răng trắng nhởn thấy phát ớn để ném xuống sân bêu riếu địch thủ! Khiếp, cái cô đào Brigitte Bardot bên Tây đang làm chủ một cái hội bảo vệ cún cưng mà thấy cảnh này chắc ngất xỉu...
- Với cái đà phát triển mỗi lúc một nặng đô như thế này, không biết vài năm tới người ta dùng đến chiêu gì để chơi nhau trên khán đài bóng đá nhỉ?
- Có trời mới biết nổi...
(BÚT BI)

P/S: Có phải chỉ là vấn đề "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử...? Trước hiện tượng "phi văn hóa", "phản văn hóa" (không chỉ biểu hiện trong giới cầu thủ, chuyên môn mà còn rộng khắp ở cả khán giả - người xem - người dân...) như báo chí phản ánh, người viết bài trên "cảm thán" bằng một câu đầy bất lực: "Có Trời mới biết nổi...!". Mình cũng thấy "khó hiểu" quá! Thế còn các bạn, dưới góc nhìn Văn hóa học, các bạn nghĩ sao??? Lý giải giúp mình với nhé! Cảm ơn nhìu nhìu![/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: "Văn hoá bóng đá" ở Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 5 23/04/09 23:03

[justify]Bổ sung tư liệu cho topic này, "bóng đá"- phải chăng là chuyện "giải trí"...? Nhiều vấn đề văn hóa, đạo đức...đang đặt ra xoay quanh hai chữ "bóng đá":

1.Từ sân cỏ đến đời thường
(Bài viết của tác giả Trần Hữu Tá)

Mươi ngày qua, dư luận xao động, buồn phiền trước nhiều chuyện bê bối của giới cầu thủ. Không ít người đã khái quát: việc giáo dục đạo đức cho cầu thủ đã bị thả nổi. Không sai! Nhưng có phải tình trạng xuống cấp đạo đức ấy chỉ khuôn lại trong dăm bảy trăm chàng trai quần đùi áo số?

Hãy nói riêng trong lĩnh vực bóng đá. Nghĩ thế nào về hiện tượng “tiếng còi méo” của không ít trọng tài - những người cầm cân nảy mực trên sân cỏ? Còn giới giám sát? Hỏi mấy người đã làm tròn trách nhiệm, hay như báo chí phê phán: có vị đến sân không hiểu để “đi xem” đá bóng hay làm nhiệm vụ giám sát - giám sát cầu thủ, giám sát trọng tài, giám sát trận đấu? Và cổ động viên nữa.

Khá nhiều “con sâu” đã “làm rầu nồi canh”, khiến những người mê bóng đá chân chính như nghệ sĩ Đức Trung phải lo ngại: “Mai này, ai còn dám đến sân” (Tuổi Trẻ 7-4-2009). Những “con sâu” ấy cởi trần, chửi tục, ném mắm tôm, quăng đầu chó xuống đường piste. Họ sẵn sàng gây hấn, loạn đả. Có trận hỗn chiến đến tử vong như “ngày chủ nhật đẫm máu” 25-5 năm ngoái trên sân TP Vinh.

Tóm lại, chỉ nói đến lĩnh vực bóng đá thôi, nên rung chuông báo động đến nhiều thành phần, đối tượng hay chỉ “dằn mặt” riêng cầu thủ - trong đó có không ít người mới lớn, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng để vào đời?
Rộng ra nữa, không cần nghĩ ngợi sâu xa gì cho lắm, ta cũng sẽ giật mình: hiện tượng xuống cấp về đạo đức, nhân cách đang có nguy cơ lan rộng trên nhiều lĩnh vực, đến nhiều đối tượng - từ dân thường đến những người có trách nhiệm. Tất nhiên mức độ và dạng biểu hiện của sự xuống cấp này rất phức tạp, muôn vẻ.
Với đám đông công chúng, đó là sự kích động bột phát lối sống buông thả, không thèm đếm xỉa đến cộng đồng. Tôi nghĩ đến hiện tượng “vặt hoa bẻ cành” trong lễ hội hoa anh đào năm ngoái ở Hà Nội hoặc cảnh xả rác vô tư biến bờ sông Hàn sau tiệc pháo hoa linh đình ở Đà Nẵng tuần rồi thành bãi rác khổng lồ.


Với quan chức các cấp, có vị dù chỉ có một chút chức quyền ở cấp thôn xã cũng thản nhiên, bất chấp liêm sỉ ăn chặn tiền Nhà nước tặng dân nghèo trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi. Đó còn là thái độ quan liêu đáng sợ trước những bức xúc chính đáng của hàng triệu con người. Sông Thị Vải và nhiều dòng sông nữa hấp hối. Vấn nạn “lô cốt” kéo dài và hiện tượng đào xới bừa bãi, lãng phí lề đường ở TP.HCM khiến dân không đi lại được, không làm ăn được, không buôn bán được...

Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên


Suy cho cùng, đó là hệ quả tất yếu của một quá trình giáo dục lối sống, nếp nghĩ văn hóa và thực thi pháp luật thiếu căn cơ, không thật nghiêm chỉnh. Cỗ xe cuộc sống tăng tốc mạnh mẽ trong khi đó việc nâng cấp “dân trí, quan trí” lại ì ạch, bất cập.

Sân cỏ là cuộc đời thu nhỏ. Đời thường là tập hợp của muôn triệu sân cỏ cụ thể. Việc giáo dục cầu thủ cũng cần, nhưng cần hơn nhiều đó là một chiến lược chấn hưng đạo đức xã hội với một quyết tâm đồng bộ, chân thành, một sự thực thi nghiêm chỉnh, triệt để.

2.Phải giải quyết từ lãnh đạo đội bóng

(Bài phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc – Việt Hoài, PV Báo Tuổi trẻ thực hiện)

Một lần nữa nhà sử học Dương Trung Quốc - người tự nhận là một fan bóng đá chân chính - bày tỏ thái độ của mình với “bóng đá xấu xí”.

Nói đến yếu tố quyết định để phát triển bóng đá, lâu nay ai cũng nói đến hạ tầng, tức là cơ sở kinh tế. Nhưng theo tôi, với một nền thể thao thật sự, tính cách con người thể hiện trong khi chơi và thưởng thức môn thể thao đó là rất quan trọng. Tính cách đó không chỉ được đánh giá qua tiền lương, tiền thưởng, doanh số bán vé hay số lượng CĐV mà phải được đánh giá bằng một hệ thống giá trị xã hội. Trong đó có một nhân tố quan trọng là vai trò của người lãnh đạo đội bóng. Từ đây, tính gương mẫu của họ trong việc xác lập, đánh giá và bảo vệ các giá trị xã hội là cực kỳ quan trọng.

Với thực trạng hiện nay của bóng đá VN, có thể thấy tính gương mẫu của lãnh đạo đã mất đi, thậm chí không có. Vì thế mới sinh ra bệnh thành tích, tính háo danh. Tất cả cay cú say sưa với việc thắng thua trong một trận đấu cụ thể hơn là việc bồi đắp vẻ đẹp thật sự của thể thao bởi kết quả thắng thua trực tiếp sẽ quyết định tiền thưởng (của HLV và cầu thủ), danh tiếng của thương hiệu đội bóng...

Hệ quả cuối cùng là hệ thống giá trị giả trở nên lấn át hệ thống giá trị thật: kẻ thắng (bằng mọi giá) trong một trận cầu được coi là anh hùng: có tiền, có danh vọng, có sự tung hô không chỉ của CĐV mà thậm chí của toàn xã hội. Vẻ đẹp thật sự của thể thao bị nhấn chìm trong các kết quả thực dụng cụ thể. Từ đó dẫn đến thái độ hành xử cực kỳ thiếu văn hóa của các “ông sao sân cỏ” chưa hề được chuẩn bị đủ hành trang để thành sao...

* Theo ý ông, như vậy là các chế tài không chỉ nhằm vào cầu thủ hay CĐV, mà vào cả các lãnh đạo đội bóng?

- Đúng. Với thực trạng này, chế tài xã hội và luật nghề nghiệp là sự răn đe cần thiết, kịp thời. Có luật nghề nghiệp rồi thì trên sân cỏ cứ thế mà áp dụng, không ngoại lệ. Còn chế tài xã hội, theo tôi là cực kỳ quan trọng. Một cầu thủ bán độ có thể vì thành tích xuất sắc trong đội tuyển nên được LĐBĐ VN “tha bổng” nhưng dư luận không bao giờ nên và có quyền tha thứ.
Lâu nay dư luận xã hội, theo tôi, cũng hơi lỏng lẻo trong chuyện này, mà nổi bật là các nhà báo thể thao. Theo tôi, các nhà báo thể thao cần phải hành động với ý thức rõ ràng về việc xác lập và bảo vệ những giá trị xã hội đích thực. Nhà báo phải cho công chúng thấy được có những chiến thắng thật nhưng vẫn là những giá trị giả.

* Đội bóng là “kẻ có tóc” nên có thể chế tài, còn CĐV thì sao, thưa ông?

- Tôi hơi ngạc nhiên và khá thất vọng vì có khá nhiều lãnh đạo đội bóng là chủ doanh nghiệp mà không hoặc chưa coi đội bóng như một đơn vị kinh tế đúng nghĩa và chưa coi CĐV như cổ đông của doanh nghiệp mình.
Nếu họ làm cho CĐV gắn bó với đội bóng như cổ đông với doanh nghiệp, nếu họ tổ chức được hội CĐV coi tấm vé vào sân quan trọng như một thứ cổ phiếu không phải chỉ lên xuống theo kết quả trận đấu mà còn theo giá trị thương hiệu của đội bóng: phong cách, đạo đức, sự thân thiện… thì các CĐV sẽ dần biết gìn giữ hình ảnh của mình và đội bóng mà mình đang sở hữu cổ phần. CĐV bạo lực cũng là một hiện tượng mang tính xã hội nhưng như tôi đã nói, tất cả vẫn phải giải quyết từ gốc, nghĩa là từ lãnh đạo.

Nguồn: http://www3.tuoitre.com.vn/thethao/Index.aspx?ArticleID=310137&ChannelID=14[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến11 khách

cron