Tản mạn về thuyết "tài mệnh tương đố"

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Tản mạn về thuyết "tài mệnh tương đố"

Gửi bàigửi bởi phanthimaianh_hvchk9 » Thứ 6 02/01/09 23:58

Trong tất cả chúng ta hẳn ai cũng đã từng đọc qua “Truyện Kiều” và nghe Nguyễn Du nói nhiều đến thuyết “tài mệnh tương đố”:
[center]“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”[/center]
Vậy các anh chị có suy nghĩ gì về vấn đề này? Có thực là người tài hoa thường bạc mệnh? Và lý giải ra sao về hiện tượng này?
Để “khai hoả” cho topic này, em xin có một vài ý nhỏ. Theo cá nhân em, em rất tin vào thuyết “tài mệnh tương đố”. Trước hết cũng cần phải hiểu “tài” ở đây là tài tình, tài hoa. Vì sao em lại tin như vậy? Trước hết phải đi từ chính “Truyện Kiều”. Khi xây dựng hình tượng hai chị em Thuý Kiều – Thuý Vân, Nguyễn Du đã có một sự sắp đặt hẳn hoi về số phận của hai người về sau. Nếu như vẻ đẹp của Vân là vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên, thì nét đẹp của Kiều lại khiến cho trời đất phải ghen, phải hờn. Và nếu như Tố Như tiên sinh không dành một dòng nào để nói đến tài năng của cô em, thì ông lại hết sức ca ngợi tài nghệ của cô chị trên tất cả mọi lĩnh vực. Có thể nói Kiều là người toàn bích, toàn tài, và nổi bật nhất là tài đàn, mà trong đó, tuyệt kỹ hơn cả là “thiên Bạc mệnh”. Rồi khi nhìn thấy mộ Đạm Tiên, khi nàng Vân vô tâm thì nàng Kiều quỳ xuống khóc thương…Tất cả những điều đó trở thành một dự cảm không mấy tốt lành cho số phận của nàng, như lời một thầy tướng đã phán:
[center]“Tinh anh phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”[/center]
Vậy theo cụ Nguyễn Du, Thuý Kiều khổ là vì nàng quá tài hoa, tài tình. Điều đó có cảm tính quá không? Nguyễn Du và ngay cả bản thân em có cơ sở để tin vào điều đó! Không chỉ riêng nàng Kiều trong thơ ca mà cả những con người trong đời thực cũng đều khổ vì một chữ “tài”. Vì sao? Trước hết, người tài (ở đây nói đến tài thực sự) thường có khuynh hướng nổi trội giữa tập thể, giữa đám đông, là tiêu điểm của sự chú ý. Và chính điều này là một thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là một cản trở đối với họ. Phàm là người, ai cũng có sai phạm, nhưng nếu là sai phạm của người bình thường thì sẽ không mấy ai chú ý hoặc người ta sẽ du di dễ dàng cho qua, còn cái sai của người tài sẽ thường bị bới móc, soi rất kỹ, và vô hình chung, người tài ấy sẽ khó lòng mà sống yên thân trước búa rìu dư luận. Bên cạnh đó, một người tài dù được tôn trọng đến mấy cũng khó tránh những sự ganh ghét, đố kỵ, và điều này cũng đã là một cái “khổ”.
Người tài hoa, dĩ nhiên sẽ có ý thức rất cao về cái tài của bản thân mình. Đây cũng là một lý do để họ khổ. Theo thói đời, người an phận và biết tự bằng lòng là người dễ sống và có cuộc sống nhẹ nhàng, phẳng lặng hơn. Còn những người tài, lắm khi vì ý thức quá rõ về bản thân nên những đòi hỏi, nhu cầu cũng cao hơn (đây là một hệ quả tất yếu và hợp lý), và khi thực tế cuộc sống không được như họ mong muốn, khi xã hội không có chỗ dung chứa và không có đất cho họ dụng tài, thì sẽ nảy sinh trong họ nỗi khổ - chính là sự “khổ tâm”. Thi sĩ Tản Đà từng có những vần thơ chất chứa “uất hận” khi giữa cái tài của bản thân và thực tế trần tục có những mâu thuẫn: “Tài cao phận thấp chí khí uất”. Cái nỗi khổ tâm ấy xem ra còn đáng sợ hơn cả các nỗi khổ khác.
Cũng là khổ tâm, và cũng là một cái khổ đày đoạ con người nhiều nhất, đó chính là cái khổ do “tài tình”, hữu tình (hay còn gọi là nòi tình). Ở đây, hiểu một cách giản đơn nhất, đó là sự đa tình, đa mang, đa cảm. Người vô tâm như Thuý Vân, khi nhà có tai biến vẫn có thể vô tư say giấc nồng, nhưng chị của cô thì không. Thuý Kiều nửa đêm ngồi khóc bên ngọn đèn. Cũng cần nhắc lại trước đó ít lâu, đứng trước mộ Đạm Tiên, hai chị em đã có hai thái độ ứng xử khác nhau, và nhìn vào những cách ứng xử trái ngược đó, ta cũng dễ dàng đoán biết ngay số ai sẽ khổ và ai sẽ có cuộc sống êm đềm hơn. Kiều đa sầu, đa đoan nên cuộc đời của cô đã minh chứng cho triết lý của Nguyễn Du:
[center]“Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”[/center]
Cái triết lý dành cho Kiều đó cũng có thể đem vận dụng vào chính cuộc đời thật, với những con người thực. Có lẽ chả cần nói thì ai cũng biết: người đa mang, đa cảm ắt hẳn sẽ khó sống và khó hạnh phúc hơn những người vô tâm ít nghĩ.
Qua những diễn giải nãy giờ, ta có thể phần nào nhận ra sự “khéo là ghét nhau” của chữ tài – chữ mệnh.
Trên đây là vài ý kiến chủ quan và mang tính cảm tính của cá nhân em. Mong nhận được từ các anh chị những lời góp bàn, để mọi thứ được sáng rõ hơn.
RANDOM_AVATAR
phanthimaianh_hvchk9
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 06/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Tản mạn về thuyết "tài mệnh tương đố"

Gửi bàigửi bởi meohen » Thứ 5 08/01/09 15:09

Cám ơn bạn phanthimaianh_hvchk9 đã mở ra chủ đề này. Ngày trước, khi học phổ thông, mỗi lần viết về số phận nàng Kiều, hình như học trò nào cũng ca ngợi hết mức tài sắc của nàng và kết thúc bằng câu "chữ tài liền với chữ tai một vần" của cụ Nguyễn Du. Đại lọai giống như thế này:
phanthimaianh_hvchk9 đã viết:Vậy theo cụ Nguyễn Du, Thuý Kiều khổ là vì nàng quá tài hoa, tài tình. Điều đó có cảm tính quá không? Nguyễn Du và ngay cả bản thân em có cơ sở để tin vào điều đó! Không chỉ riêng nàng Kiều trong thơ ca mà cả những con người trong đời thực cũng đều khổ vì một chữ “tài”. Vì sao? Trước hết, người tài (ở đây nói đến tài thực sự) thường có khuynh hướng nổi trội giữa tập thể, giữa đám đông, là tiêu điểm của sự chú ý. Và chính điều này là một thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là một cản trở đối với họ. Phàm là người, ai cũng có sai phạm, nhưng nếu là sai phạm của người bình thường thì sẽ không mấy ai chú ý hoặc người ta sẽ du di dễ dàng cho qua, còn cái sai của người tài sẽ thường bị bới móc, soi rất kỹ, và vô hình chung, người tài ấy sẽ khó lòng mà sống yên thân trước búa rìu dư luận. Bên cạnh đó, một người tài dù được tôn trọng đến mấy cũng khó tránh những sự ganh ghét, đố kỵ, và điều này cũng đã là một cái “khổ”.
Người tài hoa, dĩ nhiên sẽ có ý thức rất cao về cái tài của bản thân mình. Đây cũng là một lý do để họ khổ. Theo thói đời, người an phận và biết tự bằng lòng là người dễ sống và có cuộc sống nhẹ nhàng, phẳng lặng hơn. Còn những người tài, lắm khi vì ý thức quá rõ về bản thân nên những đòi hỏi, nhu cầu cũng cao hơn (đây là một hệ quả tất yếu và hợp lý), và khi thực tế cuộc sống không được như họ mong muốn, khi xã hội không có chỗ dung chứa và không có đất cho họ dụng tài, thì sẽ nảy sinh trong họ nỗi khổ - chính là sự “khổ tâm”. Thi sĩ Tản Đà từng có những vần thơ chất chứa “uất hận” khi giữa cái tài của bản thân và thực tế trần tục có những mâu thuẫn: “Tài cao phận thấp chí khí uất”. Cái nỗi khổ tâm ấy xem ra còn đáng sợ hơn cả các nỗi khổ khác.

Viết được thế này là quá sâu sắc. Bạn này điểm văn ở trường phổ thông chắc thuộc lọai xuất sắc.

Tuy nhiên, khi hiểu văn hóa là sự lựa chọn, mà lựa chọn thì phải có được, có mất. Vậy thì khi lựa chọn để thể hiện cái tài của mình, người tài đã lường được cái mất chưa? Nếu nhìn xa cỡ ấy thì người tài đã chấp nhận kết quả mà không thấy "khổ", "uất hận", "khổ tâm" vì những phản ứng xã hội... Còn nếu chưa nhìn xa, mà đã thể hiện cái tài để "bị bới móc, soi rất kỹ, và vô hình chung, người tài ấy sẽ khó lòng mà sống yên thân trước búa rìu dư luận", thì cái tài đó chỉ là "tài lẻ", hay là về mặt này thì tài, về mặt khác thì chưa tài.

Xem xét như thế có vẻ khách quan hơn thì phải.

phanthimaianh_hvchk9 đã viết:Có lẽ chả cần nói thì ai cũng biết: người đa mang, đa cảm ắt hẳn sẽ khó sống và khó hạnh phúc hơn những người vô tâm ít nghĩ.
Nhận định này hình như không chính xác. Nó có gì đó giống như câu chuyện này:

"Nhà doanh nghiệp đang trong kỳ nghỉ đăm đăm nhìn về phía biển xanh phẳng lặng. Một chiếc thuyền nhỏ, chất đầy cá ngừ vây vàng lớn, cập bến gần ngôi làng xinh xắn ở Mexico. Người đánh cá đơn độc nhảy lên bờ.
“Đánh được khá đấy chứ”, người du khách nói, “anh mất bao lâu vậy?”
“Không lâu lắm” Người Mexico trả lời.
“Sao anh không tiếp tục ở lại để đánh được nhiều cá hơn?”
“Thế là đủ cho gia đình tôi rồi”
“Thời gian còn lại anh để làm gì?”
“Ngủ dậy trễ, đi câu một lúc, chơi với con, ăn trưa, đánh một giấc buổi trưa. Mỗi tối thì đi vào làng, làm tí rượu, chơi đàn và đánh bài với một số người bạn – cuộc sống thế là đầy đủ và phong phú rồi, bác ạ”
“Tôi nghĩ tôi có thể giúp anh” người du khách chun mũi lại nói “ Tôi là thạc sĩ về quản trị kinh doanh ở Harvard và đây là lời khuyên anh sẽ học được nếu ở trường kinh doanh. Dành nhiều thời gian hơn cho việc đánh cá, mua một chiếc thuyền lớn hơn, làm ra nhiều tiền hơn, rồi mua thêm nhiều thuyền cho đến khi anh có cả một đội thuyền. Đừng có bán cá cho trung gian, bán trực tiếp cho các cơ sở chế biến, cuối cùng mở một nhà máy đóng hộp riêng của mình. Anh sẽ kiểm soát được sản phẩm, chất lượng và phân phối. Đến lúc đó anh có thể rời bỏ thị trấn bé nhỏ này, chuyển đến Mexico City, rồi Los Angeles, có thể cuối cùng đến thành phố New York để điều hành một công ty mở rộng của anh nữa đó”.
“Nhưng bác ơi, nó sẽ mất bao lâu nữa?”
“Mười lăm, hai mươi năm gì đó”
“Nhưng thế rồi sao nữa hả bác?”
“Thế là nhất rồi còn gì” nhà doanh nghiệp cười lớn. Khi gặp thời anh có thể nhảy vào thị trường chứng khoán và kiếm được hàng triệu đô la nữa đó”.
“Ừm, hàng triệu đô la lận. Thế rồi sao nữa hả bác?”
“Rồi anh có thể nghỉ ngơi và quay về nhà. Chuyển đến một ngôi làng thật xinh đẹp bên bờ biển, ngủ dậy trễ, đi câu một lúc, chơi với con, ăn trưa, đánh một giấc buổi trưa. Mỗi tối thì đi vào làng, làm tí rượu, chơi đàn và đánh bài với một số người bạn”
( Nguồn: "Sống theo phương thức 80/20" - Richard Koch)"
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: Tản mạn về thuyết "tài mệnh tương đố"

Gửi bàigửi bởi nguyenthihanh » Thứ 5 08/01/09 16:47

Tôi tâm đắc với câu chuyện mèo hen kể quá!
Xin chia sẻ với phanthimaianh_hvchk9 đôi điều:
1/ Những thân phận hồng nhan bạc mệnh thường được bắt gặp trong thơ văn thời phong kiến. Thân phận người phụ nữ dưới thời phong kiến thật mỏng manh, yếu đuối. Họ không có quyền quyết định cho bản thân mình. Họ sống lệ thuộc vào người khác, vào nam nhân. Chính vì vậy họ bạc phận. Những người có tài do ý thức được tài năng của mình nhưng không được phát triển cái tài ấy, khả năng ấy, không được coi trọng nên lại càng "khổ".
2/ Phụ nữ ngày nay được trân trọng, tài năng được công nhận. Họ năng động, sáng tạo và không ngừng phát triển để hoàn thiện bản thân. Những người có thực tài đều thành công trong cuộc sống. Đúng là họ khó tránh khỏi dư luận nếu bất cẩn, làm sai điều gì và giỏi giang quá thì cũng bị nhiều người ganh ghét, đố kỵ. Song, điều đó không quan trọng bởi họ có tài, có bản lĩnh và ý thức rất rõ những cái được mất. Họ biết và chấp nhận điều đó. Họ không coi đó là "bạc mệnh", là "đau khổ". Đó chẳng qua là thử thách để họ hoàn thiện bản thân mình và tiến xa hơn nữa trong cuộc sống.
Hình đại diện của thành viên
nguyenthihanh
 
Bài viết: 52
Ngày tham gia: Thứ 7 29/11/08 9:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Tản mạn về thuyết "tài mệnh tương đố"

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 08/01/09 20:18

nguyenthihanh đã viết:Những thân phận hồng nhan bạc mệnh thường được bắt gặp trong thơ văn thời phong kiến.

Đúng vậy, và không chỉ dừng ở đó, xã hội phong kiến "ghét" đẹp và cả "ghét" tài nên không kiêng kỵ phái mày râu. Nguyễn Trãi từng mang mối hận oan khiên thấu tận trời xanh: "Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu/Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng". Nguyễn Bỉnh Khiêm chán nản tìm nơi ở ẩn và cay đắng thốt lên rằng: "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao". Nguyễn Du thì tự xếp mình cùng hội cùng thuyền với nàng Kiều, nàng Tiểu Thanh: "Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/Cái án phong lưu khách tự mang" và ông đau đớn thốt lên rằng: "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Người đời ai khóc Tố Như chăng?"...
Họ đúng là những con người "tài hoa bạc mệnh" trong xã hội phong kiến.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Tản mạn về thuyết "tài mệnh tương đố"

Gửi bàigửi bởi phanthimaianh_hvchk9 » Thứ 5 08/01/09 23:54

Trước hết em xin chân thành cám ơn các anh/chị meohen, nguyenthihanh, phanthikimanh đã tham gia thảo luận cho topic mà em đặt ra. Đây là những ý kiến hết sức bổ ích và đáng quý đối với cá nhân em, đồng thời nó cũng cho thấy cái nhìn đa chiều hơn, đầy đủ hơn. Em cũng hoàn toàn đồng ý với chị nguyenthihanh là “Phụ nữ ngày nay được trân trọng, tài năng được công nhận. Họ năng động, sáng tạo và không ngừng phát triển để hoàn thiện bản thân. Những người có thực tài đều thành công trong cuộc sống. Đúng là họ khó tránh khỏi dư luận nếu bất cẩn, làm sai điều gì và giỏi giang quá thì cũng bị nhiều người ganh ghét, đố kỵ. Song, điều đó không quan trọng bởi họ có tài, có bản lĩnh và ý thức rất rõ những cái được mất. Họ biết và chấp nhận điều đó. Họ không coi đó là "bạc mệnh", là "đau khổ". Đó chẳng qua là thử thách để họ hoàn thiện bản thân mình và tiến xa hơn nữa trong cuộc sống.”. Nhưng em muốn lưu ý rằng ở đây em không chỉ nói đến “hồng nhan bạc mệnh”, mà em muốn nói đến “tài mệnh tương đố”, tức không chỉ ở người phụ nữ, mà là người tài nói chung, kể cả nam giới. Và khi đặt ra chủ đề này, em cũng có một suy nghĩ giống chị, là nếu người có tài, có bản lĩnh, và dĩ nhiên là có đức nữa, sẽ vẫn sống tốt và vượt qua được những khó khăn.
Anh (chị) meohen cũng có nói “… Còn nếu chưa nhìn xa, mà đã thể hiện cái tài để "bị bới móc, soi rất kỹ, và vô hình chung, người tài ấy sẽ khó lòng mà sống yên thân trước búa rìu dư luận", thì cái tài đó chỉ là "tài lẻ", hay là về mặt này thì tài, về mặt khác thì chưa tài.”. Ở đây, em xin nhấn mạnh lại là ngay đầu bài viết, em đã nói “Trước hết cũng cần phải hiểu “tài” ở đây là tài tình, tài hoa.”, nên xét phần nào đó, nó cũng gần giống như là “tài lẻ” như anh (chị) meohen nói. Như thế thì xem ra, ý kiến của meohen cũng khá tương đồng với ý kiến của em.
Còn về câu chuyện của meohen, đây là một chuyện khá hay và thú vị. Nhưng em muốn nói rõ hơn rằng, khi em bảo: “Có lẽ chả cần nói thì ai cũng biết: người đa mang, đa cảm ắt hẳn sẽ khó sống và khó hạnh phúc hơn những người vô tâm ít nghĩ.”, tức ở đây em muốn nói đến nỗi khổ do chính bản thân họ tự đem lại. Tức những người đa mang, đa cảm thường rất mẫn cảm, nhạy cảm với cuộc đời, nên lắm lúc họ rất hay chạnh lòng và cả nghĩ. Nỗi khổ ấy là do họ tự cảm thấy, hoặc họ nhận thấy từ cuộc sống, khiến cho họ thấy buồn, và vì thế mà họ khó sống và ít hạnh phúc hơn người vô tư là vì thế. Cũng là gặp cảnh gia biến, nhưng Kiều nhạy cảm và đa mang, nên đêm khuya Kiều khóc, còn Vân vẫn “lăn” ra ngủ, vậy thì rõ ràng Vân sướng hơn Kiều - ở chính từ trong tâm tưởng.
Trở lại với câu chuyện của meohen, em thì có suy nghĩ thế này. Người ta sướng hay khổ chính là ở sự biết bằng lòng với chính mình. Một người làm ra 3 triệu/tháng và cho rằng như thế là đủ, và chấp nhận sống vui vẻ với 3 triệu ấy, thì đó chính là hạnh phúc của người ấy. Còn một người làm ra 30 triệu/tháng nhưng vẫn không bằng lòng và lại lao đầu vào kiếm tiền, thế thì chắc gì người đó đã sướng hơn người chỉ làm ra 3 triệu? Với người đánh cá kia, bấy nhiêu cá đó là đủ cho gia đình rồi, và anh ta dành thời gian còn lại để tận hưởng những thú vui bình thường, giản dị của cuộc sống, mà anh ta cho rằng “cuộc sống như thế là đầy đủ và phong phú rồi”. Anh ta nói như vậy ắt là anh ta mãn nguyện và thấy hạnh phúc. Còn ông kia là Thạc sĩ về quản trị kinh doanh ở Harvard, nên nhu cầu cao hơn, và ông ta chính là người tài hơn (ít nhất là về mặt học vấn). Nhưng con đường để đi tới hạnh phúc của ông ta thì phải tốn đến mười lăm, hai mươi năm gì đó - theo lời ông ta nói. Mất mười lăm, hai mươi năm để rồi cuối cùng cũng quay về cái đích mà người đánh cá đã đạt được (có chăng là thêm được ngôi nhà xinh xắn bên bờ biển), thế thì sao lại không tận hưởng hạnh phúc ngay từ bây giờ nhỉ (huống chi mười lăm, hai mươi năm sau thì con đã lớn, đâu còn được chơi với con, lúc ấy cũng già rồi, chắc gì còn được hưởng những thú vui như bây giờ)? Và như thế thì chẳng khác nào như em đã nói ở trên “Theo thói đời, người an phận và biết tự bằng lòng là người dễ sống và có cuộc sống nhẹ nhàng, phẳng lặng hơn. Còn những người tài, lắm khi vì ý thức quá rõ về bản thân nên những đòi hỏi, nhu cầu cũng cao hơn…”. Giữa người đánh cá và người Thạc sĩ nọ, chắc gì người Thạc sĩ đã hạnh phúc hơn?
Còn về phần của chị phanthikimanh (chà, chị này chỉ khác mỗi tên đệm với em), em rất đồng ý với chị rằng “xã hội phong kiến "ghét" đẹp và cả "ghét" tài nên không kiêng kỵ phái mày râu.”. Những dẫn chứng chị đưa ra hết sức thuyết phục. Cũng xin nói thêm em không chỉ muốn nói đến “tài mệnh tương đố” ở thời phong kiến, mà ngay cả thời đại bây giờ cũng vậy. Các anh chị thử bàn thêm về điều này nhé!
Trên đây chỉ là một số suy nghĩ của em, có thể nó chưa đúng, cũng có thể em chưa hiểu hết ý của meohen, xin được chỉ giáo thêm. Em cám ơn rất nhiều!
RANDOM_AVATAR
phanthimaianh_hvchk9
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 06/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Tản mạn về thuyết "tài mệnh tương đố"

Gửi bàigửi bởi meohen » Thứ 6 09/01/09 10:42

Bạn phanthimaianh_hvchk9 thân mến,

Những gì bạn viết ra là đúng, rất đúng với thời kỳ phong kiến VN và cũng rất đúng với những gì chúng ta được học ở trường phổ thông suốt gần nửa thế kỷ nay. Do vậy mình không có ý tranh luận với bạn. Tuy nhiên cách đặt vấn đề của bạn đã gợi cho mình cách nghĩ theo VHH, nó rộng hơn và bao quát hơn.

phanthimaianh_hvchk9 đã viết:Vậy các anh chị có suy nghĩ gì về vấn đề này? Có thực là người tài hoa thường bạc mệnh? Và lý giải ra sao về hiện tượng này?
Vấn đề đặt ra rộng.
phanthimaianh_hvchk9 đã viết:Để “khai hoả” cho topic này, em xin có một vài ý nhỏ. Theo cá nhân em, em rất tin vào thuyết “tài mệnh tương đố”. Trước hết cũng cần phải hiểu “tài” ở đây là tài tình, tài hoa.
Bạn thu hẹp chủ đề và hướng người ta theo cách hiểu này, nên ý kiến của mình và bạn có vẻ không giống nhau.

phanthimaianh_hvchk9 đã viết:Giữa người đánh cá và người Thạc sĩ nọ, chắc gì người Thạc sĩ đã hạnh phúc hơn?
Mỗi người có cách thu xếp cuộc sống riêng và hạnh phúc theo cách của mình. Xã hội cần cả những người như người thạc sĩ và cả những người như người đánh cá, vì nó vốn đa dạng.
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần


Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến14 khách

cron