THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 08/01/09 10:07

Mình cũng rất xúc động khi đọc bài viết của bạn Thanhtung.
Cô giáo Nhung của bạn thật tuyệt vời. Nếu những người Thầy người Cô đều chú tâm dạy cho học trò từ những điều đơn giản nhất nhưng hết sức cần thiết cho việc hình thành nhân cách sau này thì quả là điều đáng phấn khởi cho ngành Giáo Dục.
Tuy nhiên, Thầy Cô bây giờ cũng do áp lực của chương trình quá tải, dạy như rượt đuổi theo chương trình nên dầu có muốn làm những chương trình ngoại khóa, muốn hướng học sinh tìm hiểu những giá trị thực tế từ cuộc sống cũng thật là điều vô cùng khó khăn. Vậy nên, hầu như ở các khối lớp bậc THCS và THPT chỉ thực hiện được 1-2 chương trình ngoại khóa cho các em trong một học kỳ thôi. Đó là điều thiệt thòi lớn cho học sinh. Giá như chương trình nhẹ nhàng hơn thì cô trò mới thảnh thơi để có những phút thăng hoa cùng tia nắng mặt trời, cây cỏ..."Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt /Nắng soi sương giọt long lanh..." , từ đó mới thêm yêu và biết trân trọng: "Bông hoa này là của chung".
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 5 08/01/09 10:11

Sưu tầm bài này để mọi người suy ngẫm:

Những phản ứng đối với việc cướp phá hoa và cây cảnh trong phố hoa Hà Hội mấy ngày qua quy tụ vào một điểm, điều được gọi là “văn hóa và hành xử kiểu nông thôn” ở thành phố. Tuy vậy, khi xem những video clip, thì thấy chính những nghệ nhân có tác phẩm ở phố hoa là những người ở nông thôn. Chính họ là những người ra sức bảo vệ hoa và thành quả lao động của mình.

Nhớ lại những chợ hoa Tết ở Hà Nội những năm trong và ngay sau chiến tranh chống Mỹ, tôi không thấy lối hành xử tồi đến như vậy, so với những gì xảy ra tuần qua ở phố hoa. Trong những đêm chợ hoa năm xưa, dân Hà Nội ăn mặc ấm áp co ro đi lại ngắm nghía, lựa chọn đào, quất và hoa tươi. Họ có thể lên giọng gắt gỏng hay ra vẻ “bắt nạt” những người bán hoa, nhưng chẳng đời nào có những hành vi cướp giật, dập vùi những chậu quất, những cành lay-ơn hay đào, mai, hay bòn rút để cho người bán đào quất nhà quê phải chịu thiệt thòi.

Vậy thì tại sao đến cái thế kỷ 21, thời Việt Nam hội nhập WTO, mà người ở Hà Nội đối xử với nhau và với cây cối và đồng loại như vậy? Trên một phương diện, điều đó thể hiện bản chất vị kỷ của nhân loại, ở cả Á Đông cũng như Tây Phương. Tính vị kỷ khiến chúng ta cho rằng những động thực vật, tài nguyên gì mà bản thân ta, gia đình hay dòng họ ta sở hữu riêng, thì mới là quý. Theo chiều hướng đó, con cá ngoài sông, con chim, cây cối hay muông thú trên rừng ta phải bắt bằng được rồi nhốt chúng trong lồng, che chắn, nuôi trồng chúng trong vườn riêng, thì mới là hay là đẹp.

Ngược lại, nếu chúng ở ngoài thiên nhiên, thì không phải của ta, vậy thì chẳng mang ý nghĩa gì. Những người thưởng ngoạn phố hoa tuần qua ở Hà Nội đã tranh nhau lao vào dẫm đạp lên hoa và cây cảnh của chung để ngắt một nhành hoa hay chụp cho được một tấm ảnh đặng giữ hay cướp cho mình một phần của vẻ đẹp công cộng. Đối với họ, thành công là việc mắt trước mắt sau ngắt hay cướp cho được một nhành hoa hay một chậu cây một chút thành quả ngoài đời.

Tuy nhiên, muốn giải thích cho thấu đáo để tìm giải pháp cho những hỗn loạn trong cách hành xử vừa qua ở phố hoa Hà Nội, ta nên đặt chúng vào bối cảnh vận động xã hội. Phải chăng những hỗn loạn đó chính là hậu quả của cả một cung cách hành xử bất thường của xã hội Việt Nam trong khoảng ba thập niên qua giữa người Việt với nhau, không cứ họ ở nông thôn hay thành phố; không cứ trong cộng đồng Việt ở trong nước mà còn ở nước ngoài?

Tự mỗi người Việt chúng ta hãy trung thực nhìn lại bản thân xem mình đã tham gia dẹp đi những hậu quả và biến tướng của cái quá khứ được tóm gọn trong cái nhãn “thời bao cấp.” Người Việt chúng ta, trong và ngoài nước, hãy nghiêm khắc nhìn nhận xem mình đã bỏ được bao nhiều phần của cái thói “đời ta bằng ba đời nó” thể hiện trong việc tranh thủ, chiếm dụng, hay biển thủ của công, kiếm chác vặt từ hàng xóm, của chung thiên hạ và mặc kệ cho ai đó khắc phục hậu quả mà chính bản thân ta gây nên?

Tóm lại, người Việt thời hiện đại chúng ta, tôi và bạn, hãy nín lặng hành động, và trên hết, hãy tự sửa mình – chỉ khi đó ta mới có thể tự hào duy trì được “Văn hoá Việt Nam” mà trong đó cả những tập quán thanh lịch của đất Tràng An.

Nguồn: http://vn.news.yahoo.com/vne/20090107/t ... a3f6a.html
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi thienphuong » Thứ 5 08/01/09 22:40

Từ hơn hai năm nay, gia đình tôi ít theo dõi báo chí. Hôm nay đọc được bài này của chị Trúc Anh, quả thật tôi cũng thấy rất buồn. Tôi nhớ không lầm thì hình như là có một lần cũng xảy ra hiện tượng như trên khiến Ban tổ chức không thể lý giải nổi điều gì đã xảy ra và đã phải mời Giáo sư Thêm của chúng ta phân tích vấn đề (việc này thì ở trên đã cung cấp lại tư liệu rồi). Và hôm nay thì nó lại tái diễn. Những người vô ý thức phá hoại thì đáng trách rồi, nhưng một cách chủ quan, tôi xin rụt rè mà đặt câu hỏi thực tâm rằng, sao lại có thể có chuyện này lần thứ hai thế nhỉ?
Đâu chỉ có Hà Nội có Lễ Hội Hoa? Sài Gòn, Đà Lạt ... năm nào cũng có, vậy mà ...
Đây liệu là Văn hóa chăng? Xin để ngỏ câu trả lời. Tôi thiết nghĩ, nghe chuyện này, có lẽ những người Hà Nội có "văn hóa" sẽ buồn hơn tôi rất nhiều !
:(
Non ministrari , sed ministrare
Hình đại diện của thành viên
thienphuong
 
Bài viết: 200
Ngày tham gia: Thứ 3 04/11/08 17:12
Đến từ: LocHung
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 6 09/01/09 22:47

[center]MỜI CÁC BẠN THAM GIA THẢO LUẬN[/center]

Trên báo “Công an Tp. HCM” ra ngày hôm nay (9-1-2009, số cuối tuần) có đăng bài (và ảnh) của KHƯƠNG HỒNG MINH nhan đề “Làng quê không phải vậy”, trong đó tác giả phản bác ý kiến của tôi trả lời phỏng vấn báo “Pháp luật Tp. HCM” mà Mỹ Linh đã giới thiệu ở trên.

Dưới đây là toàn văn bài viết:

Làng quê không phải vậy
(Thứ sáu , 09/01/2009, 07:55)

Ảnh: Con đê qua làng ven sông

Hội hoa xuân Hà Nội khai mạc đêm 31-12-2008, sau đó diễn ra một cuộc bẻ, vặt, cướp hoa và dẫm đạp lên thảm cỏ vốn được chăm chút rất công phu ngay sau lễ khai mạc. Những hoạt cảnh ấy giữa thủ đô diễn ra trước mắt bàn dân thiên hạ, gây sốc cho không ít người. Nhiều nhà khoa học và công chúng đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hầu hết ý kiến đều có những cơ sở thuyết phục, trong đó được lưu tâm nhất là ý kiến các nhà khoa học. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 4-1-2009 đăng bài “Khi văn hóa nông thôn đi vào hội hoa đô thị” là bài phỏng vấn giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Giáo sư Trần Ngọc Thêm là thầy dạy chúng tôi môn Cơ sở văn hóa Việt Nam khi chúng tôi học đại học báo chí. Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Pháp luật TPHCM vừa nêu trên, giáo sư Trần Ngọc Thêm phát biểu một số điều liên quan đến nông thôn. Tôi hiểu rằng giáo sư chỉ thuần túy muốn kiến giải một hiện tượng xã hội dưới góc độ khoa học, nhưng có những phán đoán mang đậm tính miệt thị nông thôn, khái quát hình ảnh người nông dân quá tệ hại. Vì vậy, tôi xin mạo muội trình ra vài ý kiến, những mong được giáo sư thể tất.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói: “Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra”. Hóa ra việc ngắt hoa, bẻ hoa, dẫm đạp lên thảm cỏ và cướp chậu hoa ở Hà Nội hôm vừa đoạn suy cho cùng là cái “tội” của nông thôn, của làng quê? Nói như vậy e nhiều người không đồng tình. Ở làng quê, làng có lệ của làng, mỗi dòng họ có qui ước của dòng họ, đều đậm tinh thần Nho giáo, cho đến giờ vẫn vậy. Sự thực là, chính những người thất tán đi làm ăn kiếm sống ở thành phố đã đem không ít tai ương về thôn quê.

Ảnh: Một góc chợ quê nghèo

Về trường hợp người đàn ông cướp hoa bị bảo vệ mắng còn quay lại chửi bảo vệ là “ăn nói thiếu văn hóa”, giáo sư Trần Ngọc Thêm lý giải: “Vì người ta coi đó là chuyện hồn nhiên, không thấy xấu hổ gì cả, không biết mình thiếu văn hóa. Đó là bản chất của văn hóa làng xã”. Nói vậy e không được ổn. “Cơ chế của sự xấu hổ” nằm ở chính cái gốc văn hóa, trước hết là môi trường sống và quá trình giáo dục. Rụt rè, nhút nhát, so đo, hay xấu hổ... chính là những nét điển hình trong tính cách người nông dân. Họ mới là những người dễ xấu hổ nhất, e ngại dư luận nhất. Ở làng quê, đố ai dám cướp, phá những thứ được chính thức trưng bày nơi công cộng. Giáo sư nói: “Ở nông thôn, nếu có ra đường ngắt hoa, bẻ hoa chơi một lúc cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng khi mang thói quen này vào đô thị thì không bình thường xíu nào cả”. Vẫn biết đây là những ý kiến của nhà khoa học về một vấn đề xã hội vừa phát sinh trong đời sống, nhưng ý kiến này khá xa rời thực tế. “Đường” mà giáo sư nói ở đây là đường nào mà có thể “ra” để ngắt hoa? Làng quê thì có đường làng, đường ruộng, không ai trồng hoa ở những chỗ đó cả, từ thượng cổ đến giờ là thế. Có thể hiểu cái sự “ra đường” mà giáo sư Trần Ngọc Thêm nói trong bài trả lời phỏng vấn là ám chỉ một hiện tượng “ra khỏi nhà của mình”; nhưng kể cả nói như thế cũng không ổn. Sự thực là, ở nông thôn, đường làng chưa bao giờ được trồng hoa, bờ ruộng không bao giờ được trồng hoa, cho nên muốn ngắt hoa khi “ra đường” chỉ còn một cách lẻn vào nhà ai đó trong làng có trồng hoa ở trước sân. Nhưng như đã nói, ở nông thôn, chỉ có mấy đứa bé tuổi mẫu giáo tình cờ gặp hoa thì bẻ như một thứ bản năng của con người thấy gì là cầm nắm; người trưởng thành không ai bẻ hoa trong vườn nhà người khác cả. Họ còn bận làm ruộng; họ cần cái có thể ăn mà sống, hái hoa làm gì? Thế cho nên, không hề có thói quen “ngắt hoa, bẻ hoa chơi một lúc” như giáo sư Trần Ngọc Thêm nói, ở nhà quê! Một ý kiến khác của giáo sư: “Vì những lý do nằm trong bản chất của một nền văn minh nông nghiệp, cùng đó là lối sống của môi trường làng xã còn đậm chất ở nhiều người dân Hà Nội nên đã gây ra sự cố trong những lễ hội hoa vừa qua”. Qui kết như thế là chưa thuyết phục, bởi vì như đã nói, ứng xử của người dân nông thôn rất xa lạ với sự công khai cướp phá những thứ có ít giá trị lợi lộc, và cái chính là họ rất dễ bị mắc cỡ (tức là xấu hổ, chữ của giáo sư đã dùng trong khi trả lời phỏng vấn).

Còn khá nhiều vấn đề tôi thấy chưa đồng tình trong những kiến giải của giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhưng xin bàn vào một dịp khác. Tôi trình bày những điều trên đây là muốn đặt lên bàn một thực tế chẳng vui gì: chính những người sống ở Hà Nội hư và cái sự hư của họ không hề do cái gọi là “văn hóa nông thôn, môi trường làng xã, tâm lý đám đông nông dân”... như giáo sư đã nói. Chúng tôi đã hơn một lần nói rằng ở thành phố Hà Nội bây giờ còn rất ít “Người Hà Nội”, căn cứ vào các biểu hiện văn hóa của họ. Chắc thầy Trần Ngọc Thêm biết rõ một điều: đất nước còn nợ giai cấp nông dân món nợ có lẽ không bao giờ trả được, đó là hàng triệu người nông dân mặc áo lính và không mặc áo lính đã ngã xuống trong mấy cuộc kháng chiến oanh liệt giành và giữ nền độc lập của Tổ quốc chúng ta. Chính những người nông dân mặc áo lính là lực lượng đông đảo nhất, chiến đấu ngoan cường dưới sự lãnh đạo của Đảng và làm nên kỳ tích là dân tộc duy nhất cho đến giờ đánh bại tên sen đầm Mỹ.

Ảnh: Ở nơi ngã ba sông Bạch Hạc, Việt Trì

Tôi quê Vĩnh Phúc, năm nay ngoài năm mươi tuổi, truyền đời cả nội ngoại đều là nông dân. Bố tôi là con bần cố nông, nhờ ơn cách mạng mà được làm nghề dạy học. Đến lượt tôi, trong ba năm từ 1977 đến 1979, cũng nhờ ơn cách mạng được về Hà Nội học. Ngay từ những ngày đầu tiên nhập trường, tôi đã nhận ra sự khác biệt khá nhiều trong nếp sống, nếp nghĩ của những thanh niên “người Hà Nội” cùng trường so với thái độ sống mà tôi được rèn giũa từ bé ở thôn quê. Từ sự ăn uống, sự đi đứng nằm ngồi của con trai con gái phải thế nào, đói cho sạch rách cho thơm, thương người như thể thương thân, không được cầm tiền và đồ vật phi nghĩa... là những điều tôi được dạy từ tấm bé và thuộc đến tận giờ. Ngày ấy, hai chữ “nhà quê” thường xuyên được phát ra từ miệng mấy “đồng đội người Hà Nội” mỗi khi chúng tôi tụm lại với nhau. Họ hồn nhiên dùng chữ ấy không hề ác ý gì cả, nhưng tôi chạnh lòng, đến giờ ngẫm lại thì chỉ thấy thương hại họ. Sự thực là bố mẹ họ nói vẫn “ngọng níu ngọng no”, người nhà quê đi kháng chiến về mà, nhưng chết nỗi họ lại được đẻ ra và học ở Hà Nội. Bố mẹ họ thì phần phải lo công việc ở cơ quan, phần phải toan tính lo kiếm trấu, kiếm củi, mùn cưa để đun nấu, lo xếp hàng mua thịt và đậu phụ mỗi tháng nên có phần xao nhãng việc truyền dạy cho con nếp ăn nếp ở của làng quê vốn dĩ đẹp và có phần hà khắc. Tôi thuộc “dòng dõi nông dân” và đi ra từ làng quê, nhưng những năm sống và học ở Hà Nội, chưa bao giờ cầm cái gì không phải của mình, chưa bao giờ ngắt một bông hoa ở công viên. Tôi biết đại đa số người từ quê ra thành phố đều xử sự như thế, chỉ trừ những người vì những nguyên do khác nhau mà bị lưu manh hóa ở chính đô thị họ đang tá túc và kiếm sống. Cho đến giờ, tôi vẫn thuộc nằm lòng những câu hát của trẻ thơ từng được học và hát mỗi ngày, dưới mưa bom bão đạn Mỹ: “Ra vườn hoa em chơi/ Em không hái một bông hoa nào/ Hoa sắc thắm nhìn em hoa cười/ Em nhớ lời cô dạy không hái/ Bông hoa này là của chung”. Bài hát này hồi ấy nằm trong chương trình chính thức của trường mẫu giáo và tiểu học toàn miền Bắc, cả đô thị và thôn quê. Thông điệp của bài hát thật rõ ràng, đơn sơ và dễ hiểu, hàng triệu người thế hệ chúng tôi ở nông thôn, cho đến giờ vẫn thuộc. Rốt cuộc, tôi muốn nói rằng, tất cả là do giáo dục; sự giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Phải xem lại hệ thống giáo dục của chúng ta vài mươi năm qua đã đẻ ra những con người có những hành vi kỳ quái như đã thấy ở Hà Nội hôm vừa rồi chứ, nỡ nào vu vạ cho nông thôn, nông dân, làng xã như thế?

Bài, ảnh: KHƯƠNG HỒNG MINH

Nguồn: http://www.congan.com.vn/phong_su_dieu_ ... 03211.html


Tôi vui mừng vì vấn đề này được nhiều người bức xúc, quan tâm.

Và cho rằng đây là một cơ hội thuận tiện cho “dân văn hoá học” thể hiện bản lĩnh, hiểu biết, năng lực của mình trong việc vận dụng tri thức văn hoá học vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Vậy xin mời các bạn hãy đọc kỹ lại hai bài viết và tham gia thảo luận cho vấn đề được sáng tỏ hơn.

Các bạn có thể thảo luận trên Diễn đàn này và đồng thời gửi bài đến hai báo “CA TpHCM”, “Pháp luật Tp.HCM” hoặc các báo khác.

Trần Ngọc Thêm

Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 7 10/01/09 8:54

[center]ĐƯỢC MÙA[/center]

Còn trên “tintuconline” của VietnamNet” ra ngày 8-1 thì đưa lại bài của Hữu Thọ đăng trên báo "Nông thôn" với nhan đề “ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO "VĂN HÓA NÔNG THÔN"!” cũng theo tinh thần như vậy.

Và điều thú vị là sau bài viết, có vô số ý kiến phản hồi đầy bức xúc (hình như phẩn lớn đều không đọc bài trả lời PV trên PLtP.HCM”).

Mời các bạn cùng xem:


ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO "VĂN HÓA NÔNG THÔN"!
Thứ năm, 8/1/2009, 16:33 GMT+7

Lễ hội phố hoa Hà Nội được khai mạc vào 8h tối ngày 31-12-2008, dự kiến sẽ kéo dài trong 5 ngày để phục vụ người dân trong dịp năm mới 2009.

>> Hội chưa tàn, hoa đã nát!

Suốt dọc con đường Đinh Tiên Hoàng, dưới chân tượng đại Lý Công Uẩn, đền Ngọc Sơn, tượng vua Lê Thái Tổ đã trở thành một công viên hoa được trang hoàng lộng lẫy với nhiều tiểu cảnh đặc trưng cho văn hóa Hà Nội và nhiều vùng miền trong cả nước.

Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ của lễ khai mạc, toàn bộ phố hoa đã tàn phá nặng nề, người ta giẫm lên những tiểu cảnh đẹp để chụp ảnh, để đi lại, bẻ hoa, ngắt hoa, bẻ các chậu hoa đem về nhà, những con rồng, con phượng được kết bằng hoa bị vặt hết, tượng các thiếu nữ mặc áo dài kết bằng hoa cũng bị giật cho trần trụi, bóng đèn chiếu sáng bị ném vỡ...

Lực lượng bảo vệ cũng đành bó tay trước "cơn bão" tàn phá phố hoa của những "khách thưởng lãm" vô lương tâm. Những nghệ nhân bỏ công sức và tiền của mấy tháng trời cho lễ hội hoa đành nuốt đắng đứng nhìn. Ngày 1-1, ngày đầu tiên của lễ hội hoa, những người chậm chân đã hầu như không còn gì để xem trước một "nghĩa địa hoa".

Ngày 2-1, ban tổ chức đã cho thay mới một số tiểu cảnh và hoa bị lấy mất, tăng cường thêm cảnh sát bảo vệ nhưng khách đến hội hoa vẫn tiếp tục "tấn công".
Ngày 4-1, những chậu hoa từ Đà Lạt được đưa ra để bổ sung thêm nhằm giữ cho phố hoa trụ lại qua hết ngày bế mạc.

Từ diễn đàn...

Ngay sau khi những bức ảnh về Lễ hội Phố hoa bị phá tang thương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, gần như cũng xuất hiện đồng thời một làn sóng ý kiến cho rằng: Đó là cách cư xử thiếu văn hóa của người ngoại tỉnh, "của dân nông thôn, do Hà Nội mở rộng gấp 3 lần".

Cuộc tranh cãi trên các diễn đàn web-tretho.com khiến quản trị diễn đàn đã phải cảnh báo: "Nếu các thành viên tiếp tục lún sâu vào tranh cãi vấn đề về vùng miền, người ngoại tỉnh thì sẽ bị khóa topic (chủ đề).

Đây không phải lần đầu tiên một lễ hội hoa bị phá. Tháng 4 - 2008, lễ hội hoa anh đào tổ chức tại Hà Nội đã từng phải hứng chịu chung một số phận như vậy. Ngay sau khi các sự kiện này xuất hiện các ý kiến cho rằng "người ngoại tỉnh ấy mà...".

Nhưng những ý kiến này cũng đã bị chính các thành viên khác phản đối. Họ còn đưa ra rất nhiều dẫn chứng cụ thể, cho rằng nhiều người đi cùng họ, là dân "Hà Nội gốc" cũng nhảy vào bứt hoa, giẫm lên hoa để chụp ảnh như thường. Thế mới hay, những hành động phi văn hóa chẳng cần có "hộ khẩu" ở đâu cũng vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

... đến giáo sư

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 4-1 về những hiện tượng đáng lên án ở cuộc "tàn phá Lễ hội Phố hoa Hà Nội", GS.TS Trần Ngọc Thêm - Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đai học khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia TP.HCM đã nhấn mạnh: "Trong khi chúng ta mở cửa để đưa chất nông thôn vào đô thị, cụ thể là mở cửa để mọi người đều được vào hội hoa thì cũng phải lường trước được mọi việc có thể diễn ra chứ. Chúng ta không thể trách họ được, mà phải tính trước tâm lý của người dân để có hình thức quản lý chặt chẽ hơn. Vì đây không chỉ là tâm lý đám đông nói chung mà là đám đông nông dân".

Đọc toàn bộ bài trả lời phỏng vấn có thể thấy, theo quan điểm của GS.TS Trần Ngọc Thêm, tất cả những hiện tượng thiếu văn hóa trong lễ hội hoa Hà Nội vừa qua đều xuất phát tự "văn hóa lãng xã", "văn hóa nông thôn". "Hà Nội mở rộng gấp 3 lần thì chất nông thôn cũng tăng lên. Kéo theo đó, chất thanh lịch của Hà Nội cũng giảm xuống".

Không biết bao nhiều người dân nông thôn có thể đọc được bài trả lời phỏng vấn này, nhưng chúng tôi tin chắc tất cả họ sẽ đều phẫn nộ với lối quy chụp thiếu khoa học như vậy của một nhà khoa học.

Không biết ông căn cứ vào đâu để đưa ra kết luận như vậy, bởi chưa từng có một thống kê nào cho thấy toàn bộ những người dân có hành động phi văn hóa trong lễ hội hoa Hà Nội vừa rồi là những người nông dân, những người ngoại tỉnh?

Với những người có hiểu biết, nguyên nhân gây ra "cơn bão" tàn phá lễ hội hoa vừa rồi là vấn đề của sự thiếu ý thức với cộng đồng, vấn đề giáo dục con người của gia đình và xã hội, chứ không phải là vấn đề của nông thôn hay thành thị.
Cái cách quy chụp sự phá hoại văn hóa cho nông thôn, cho người ngoại tỉnh là một quan điểm thiển cận, tưởng chỉ có thể gặp ở những người chưa "học cao biết rộng".

Thanh lịch từ đâu ra ?

Khi sử dụng cụm từ "tâm lý đám đông nông dân" để nói về sự không lường trước được "tâm lý nông thôn" của những nhà tổ chức, GS.TS Trần Ngọc Thêm có lẽ đá quá coi thường những người nông dân.

Là một người nghiên cứu văn hóa, hẳn ông biết chắc rằng văn hóa của người dân VN đều bắt nguồn từ văn hóa làng xã, cái "thanh lịch" của người Tràng An cũng là sự kết tinh của văn hóa mà người dân các làng nghề tứ xứ hội tụ về đây thuở đất Thăng Long mới hình thành.

Những ứng xử "kính trên nhường dưới", "chị ngã em nâng", "tắt lửa tối đèn có nhau", "thương hoa tiếc nguyệt" chẳng phải là "đặc sản" của riêng của văn hóa vùng miền nào mà là của chung dân tộc Việt Nam được đúc kết truyền thống văn hóa ứng xử từ hàng ngàn đời này mà ra. Vậy thì tại sao khi có hiện tượng vô văn hóa đáng lên án, người ta lại quay về đổ lỗi cho nông thôn, cho gốc gác của mình?

Ở đâu cũng có những người tốt, kẻ xấu, ở đâu cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh", thái độ ứng xử đúng đắn nhất ở đây là nhìn thẳng vào lỗi lầm của chính mình và cũng dấy lên một phong trào ngăn chặn cái xấu trong cộng đồng chứ không phải đem rác bẩn hất vào sân nhà người khác cho xong chuyện.
Những biểu hiện vô văn hóa ở Lễ hội Phố hoa Hà Nội vừa rồi cho thấy ý thức của một bộ phận người dân VN, không kể nông thôn hay thành thị, đang rất có vấn đề. Mọi sự cũng đều từ giáo dục mà ra.

Nếu mỗi gia đình, mỗi nhà trường đào tạo được những công dân tốt, biết thưởng thức văn hóa thay vì nhảy vào vùi dập nó để thỏa mãn cái tôi cuồng dại của mình, thì những lễ hội buồn này đã không xảy ra.

Theo Hữu Thọ

Mời các bạn vào http://tintuconline.com.vn/vn/vanhoa/242098/ để xem các ý kiến thảo luận phản hồi.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi hoangoclan » Thứ 7 10/01/09 12:26

Đọc bài báo của nhà báo Khương Hồng Minh trên báo Công an, tôi thấy đây thực sự là vấn đề của giáo dục VN.

Trước hết, ở nhà chúng ta được dạy rằng "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe", còn ở trường, chúng tôi thường được nhắc nhở rằng "học một thì phải biết mười, mà biết mười cũng chỉ nên nói một, hai". Do đã thấm nhuần tư tưởng này, nên tôi chỉ xin mạo muội trình bày ra đây một phần những gì chúng tôi thấy là tác giả bài báo chưa đúng.

Không rõ hiểu biết của nhà báo Khương Hồng Minh về nông thôn VN đến đâu mà phát biểu:
KHƯƠNG HỒNG MINH đã viết: “Đường” mà giáo sư nói ở đây là đường nào mà có thể “ra” để ngắt hoa? Làng quê thì có đường làng, đường ruộng, không ai trồng hoa ở những chỗ đó cả, từ thượng cổ đến giờ là thế. Có thể hiểu cái sự “ra đường” mà giáo sư Trần Ngọc Thêm nói trong bài trả lời phỏng vấn là ám chỉ một hiện tượng “ra khỏi nhà của mình”; nhưng kể cả nói như thế cũng không ổn. Sự thực là, ở nông thôn, đường làng chưa bao giờ được trồng hoa, bờ ruộng không bao giờ được trồng hoa, cho nên muốn ngắt hoa khi “ra đường” chỉ còn một cách lẻn vào nhà ai đó trong làng có trồng hoa ở trước sân.

Thuở nhỏ, chúng tôi thường hái hoa dâm bụt, quả duối, dây tơ hồng ở hàng rào chơi trò nấu cơm, hái lá giả làm tiền để chơi trò mua bán. Những bông hoa, cái lá đó chẳng trong vườn nhà ai đâu, cứ đi dọc đường làng nhà ai chả có hàng rào cây. Các gia đình cũng thường tranh thủ gieo ít dâu bầu, dây mướp ở hàng rào, ở bờ ao. Hoa mướp cũng là thứ đồ chơi thú vị. Nhưng đừng có dại hái hoa cái mà chết đòn.

Thỉnh thỏang mẹ đi làm đồng về hái cho vài bông hoa sen trong đầm, mấy bông hoa cúc dại, vài con cào cào, châu chấu làm quà. Những thứ đó đầy ngòai đồng đâu có ai phiền trách, cũng chẳng có ai phạt vạ.

Ở ngọai thành HN khỏang những năm 70-80, nhà ai có trồng hoa trước sân đã là đẹp và được khen ngợi rồi đấy.

Quê nhà báo KHƯƠNG HỒNG MINH chắc không có hàng rào? Ngòai đồi, ngòai đồng ở Vĩnh Phúc không có cây dại, hoa dại?

KHƯƠNG HỒNG MINH đã viết:Qui kết như thế là chưa thuyết phục, bởi vì như đã nói, ứng xử của người dân nông thôn rất xa lạ với sự công khai cướp phá những thứ có ít giá trị lợi lộc, và cái chính là họ rất dễ bị mắc cỡ (tức là xấu hổ, chữ của giáo sư đã dùng trong khi trả lời phỏng vấn).

Thế người nông thôn có thói quen hái lộc đêm giao thừa thì sao nhỉ? Họ hái ở đâu? Chắc hái trong vườn nhà hả nhà báo KHƯƠNG HỒNG MINH?
Còn các tục cướp lộc trong các lễ hội nữa? Đó không phải là công khai hay sao?

KHƯƠNG HỒNG MINH đã viết:Chúng tôi đã hơn một lần nói rằng ở thành phố Hà Nội bây giờ còn rất ít “Người Hà Nội”, căn cứ vào các biểu hiện văn hóa của họ.
Vậy họ là người nào? Gốc ở đâu? Họ ứng xử ra sao? Vì sao lại như vậy?

KHƯƠNG HỒNG MINH đã viết:Sự thực là, chính những người thất tán đi làm ăn kiếm sống ở thành phố đã đem không ít tai ương về thôn quê.
Hiểu được rằng VH bên ngòai về làng là tai ương, mà sao không hiểu ra rằng chất nông thôn cũng gây ra những hậu quả tương tự ở đô thị nhỉ???!!!

Thầy Thêm ơi, bên khoa Báo chí hồi đó thầy đã dạy về tính tương đối của giá trị, tính hai mặt của các hiện tượng văn hóa chưa?

KHƯƠNG HỒNG MINH đã viết:Giáo sư Trần Ngọc Thêm là thầy dạy chúng tôi môn Cơ sở văn hóa Việt Nam khi chúng tôi học đại học báo chí.
Hình như trước kia thầy Thêm dạy anh này chưa kỹ, hay là anh này chưa lĩnh hội được một phần kiến thức của thầy, nay chưa hiểu được một phần ý thầy mà đã... Đau đớn thay!
RANDOM_AVATAR
hoangoclan
 
Bài viết: 32
Ngày tham gia: Thứ 7 07/06/08 16:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi chuonchuonot » Thứ 7 10/01/09 15:58

Mý người ngoài Hà nội vô ý thức quá đi ,
tình hình là năm sau chắc thủ đô hết dám hội hoa hòe :roll:
RANDOM_AVATAR
chuonchuonot
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 7 22/11/08 13:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Những người không biết khóc "cha chung"

Gửi bàigửi bởi rua » Chủ nhật 11/01/09 2:02

Sáng nay, trong cuộc họp giao ban ở tòa soạn tôi, cũng có bàn về chuyện này. Bài trả lời phỏng vấn của GS. Trần Ngọc Thêm trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh – “Khi văn hóa nông thôn đi vào hội hoa đô thị” ngày 4-1-2009 [url](http://www.phapluattp.vn/news/van-hoa/v ... _id=239017)[/url]đã tạo ra nhiều luồng dư luận.

Trong đó có ý cho rằng: GS đã quy kết “tội tình” cho nông dân, nông thôn Việt Nam. Cụ thể là bài báo đăng trên báo Nông thôn: “Đừng đổ lỗi cho “văn hóa nông thôn”…Theo nhận xét của Ban Tuyên giáo Thành ủy, nhiều bài báo khi "bênh" nông thôn lại xoay ra "chê" thành thị, và ngược lại. Như vậy cũng là không ổn!

Rõ ràng, cái gốc của chúng ta là từ nhà quê mà ra. Do đó, dễ hiểu rằng bài viết của GS. Trần Ngọc Thêm đã “chạm” vào rất nhiều người (có nhiều người như GS nói là chưa đọc báo Pháp Luật). Và khi đó lòng tự ái của chúng ta bỗng sôi sùng sục. Nhưng tôi nghĩ, những cuộc tranh luận phải đứng trên góc độ khoa học chứ không phải lấy tình cảm để soi xét.

Ngay trước đó, khi báo Pháp Luật TP.HCM viết “Sau cuộc “càn quét” Lễ hội phố hoa Hà Nội: Rút kinh nghiệm gì cho người Tràng An?” ngày 3-1-2009, đã có ý kiến cho rằng không nên kết tội “cả chùm” vì đâu phải tất cả người Tràng An đều làm vậy. Tôi nghĩ, những người lên tiếng, theo “quy luật tình cảm” đa phần có lẽ là người Tràng An.

Cũng tương tự, nhà văn Băng Sơn khi trả lời trên báo điện tử VN Express ngày 4-1-2009: “Thực tế đã xảy ra, nhưng chúng ta không thể mong chân núi Ba Vì thành phố Hàng Ngang, Hàng Đào được.” và “Người Hà Nội cũng phải rút kinh nghiệm, nhất là lớp thanh niên mới lớn, di cư ở các nơi về, họ chưa ý thức được họ là người Hà Nội, phải là người có văn hóa”, có thể ông cũng đã khiến nhiều người Ba Vì hay những người được gọi là “nhập cư” nổi giận.

Qua cuộc tranh luận, lại thấy thêm một thói xấu của chúng ta là óc bè phái, địa phương (hệ quả của tính tự trị - mỗi làng xã là một tiểu vương quốc). Ý thức chúng ta thuộc về một nơi nào đó, để yêu thương và tự hào là tốt. Nhưng khi lòng tự hào quá lớn, khiến chúng ta thường không đủ can đảm nhìn nhận lại mình, để sửa đổi và tiến bộ.

Nếu tôi nói, qua sự kiện Lễ hội hoa Hà Nội, cho thấy ý thức (ở đây là ý thức giữ gìn không gian sống của cộng đồng) còn kém so với những nước phương Tây hiện đại; thì hẳn sẽ có nhiều người nói tôi chụp mũ. Hay tệ hơn là đã coi thường dân tộc mình. Đương nhiên, sẽ có người Việt Nam có ý thức tốt hơn một người phương Tây nào đó. Nhưng về tổng thể, xét ở nguyên nhân sâu xa từ loại hình văn hóa, mới hiểu hết cách ứng xử và tổ chức đời sống của mỗi dân tộc.

Như vậy, theo tôi, cái “chất nông dân” mà GS. Trần Ngọc Thêm đã nói, không phải nói một người nông dân cụ thể, một nông thôn cụ thể nào. Cái “chất” ấy - nó tồn tại trong máu thịt của chúng ta – những cư dân của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời. Cho dù qua thời gian rất dài, nó vẫn để lại những thứ gọi là “tàn tích văn hóa”.

Tôi không phân biệt chính người Tràng An hay người nơi khác đến, người nông dân hay người thành thị đã giẫm nát những bông hoa đẹp. Mà tôi gọi tất cả họ là những người tùy tiện, thiếu kỉ luật vẫn chịu ảnh hưởng của lối sống cày cấy tự do xa xưa.

Hơn nữa, cho dù người ở đâu, thì cũng là người Việt Nam. Ta đi tìm nguyên nhân sâu xa không phải để kể tội ai. Mà để giải quyết một bài toán lớn hơn là việc hội nhập của dân tộc mình khi ra biển lớn.

Quá trình hội nhập ấy, tất nhiên sẽ có những điều “dở dở ương ương”, để “gạn đục khơi trong” và dần đi tới chỗ hoàn thiện hơn. Cái “chất nông dân” cũng có nhiều phần tốt đẹp. Nhưng thói xấu như “cha chung không ai khóc” thì phải loại bỏ. (riêng thói xấu này, người viết mong được GS. Trần Ngọc Thêm lý giải từ góc độ văn hóa!)


Thùy Linh.
Phan Thị Thùy Linh - Học viên Cao học K9
http://www.phapluattp.vn
rua
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 16:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi levan_hanh_k9 » Chủ nhật 11/01/09 7:11

Đọc tin “Thê thảm lễ hội hoa Hà Nội” mà lạnh cả người. Là người HN, lại cũng là người nghiên cứu về văn hóa, chị Trúc Anh cảm thấy bồn chồn hổ thẹn trước vấn đề này cũng đúng thôi. Xin đồng cảm với chị. Có lẽ không chỉ có riêng chị, mà còn nhiều người “Hà Nội thanh lịch” cũng cảm thấy đau lòng!
Trước thực trạng này, vấn đề đặt ra là chúng ta lý giải thế nào dưới cái nhìn văn hóa học?
Đã có nhiều quan điểm được đưa ra, ý kiến nào cũng có cái lý. Nhưng độc giả vẫn chưa thấy được thỏa mãn, phần đa chỉ mới đồng thuận ở việc đồng cảm với những tấm lòng thành xót xa trước sự kiện đáng tiếc!
Theo suy nghĩ chủ quan, tôi đồng quan điểm với anh Thanh Tùng trong việc nhìn vào khía cạnh giáo dục. Ở nước ta, hầu như nhà trường chỉ giảng dạy những bài học lý thuyết, thiếu những bài học ứng xử thực tế nên khi ra môi trường xã hội, người trẻ lúng túng, nghĩ sao làm vậy, làm bậy cũng nghĩ là đúng! Vậy nên việc ngắt hoa, chôm hoa là chuyện bình thường trong suy nghĩ của họ. Đáng tiếc!
RANDOM_AVATAR
levan_hanh_k9
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Chủ nhật 07/12/08 14:31
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Suy tư từ nỗi đau của hoa!

Gửi bàigửi bởi rua » Chủ nhật 11/01/09 10:46

Tôi vừa đọc được bài viết "Suy tư từ nỗi đau của hoa" của GS. Tương Lai đăng trên báo VNN ngày 10-1-2009.

Để rộng đường dư luận, xin phép "copy" đường "link" tại đây:
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5819/index.aspx

Mong nhận được sự trao đổi của của GS. Trần Ngọc Thêm và mọi người.
Đối với báo chí, một vấn đề đưa ra có nhiều ý kiến tranh luận, đó là tín hiệu tốt!
Phan Thị Thùy Linh - Học viên Cao học K9
http://www.phapluattp.vn
rua
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 16:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách

cron