THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Ngan Hien » Chủ nhật 11/01/09 10:53

Một lễ hội hoa được đầu tư "hoành tráng, công phu" và được tổ chức tại một nơi vốn nổi tiếng là "Tràng An thanh lịch" Ấy thế mà không khỏi giật mình ngay sau khi Lễ Hội Hoa vừa diễn ra...
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của bạn Thùy Linh ( hình như bạn là phóng viên báo Pháp Luật TP.) " “chất nông dân” mà GS. Trần Ngọc Thêm đã nói, không phải nói một người nông dân cụ thể, một nông thôn cụ thể nào. Cái “chất” ấy - nó tồn tại trong máu thịt của chúng ta – những cư dân của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời. Cho dù qua thời gian rất dài, nó vẫn để lại những thứ gọi là “tàn tích văn hóa” " Đúng như bạn phân tích, chúng ta sẽ thấy rõ ràng là có nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này nhưng nếu chung quy lại thì có thể thấy một luồng ý kiến được phân tích dưới cái nhìn của những người "có nghiên có về văn hóa" và một của những người trên quan điểm "nationalism" .Ở đây không bàn đến việc ai sai hay đúng mà bản chất là để tìm hiểu đúng nguyên nhân của vấn đề bởi một lẽ Lễ Hội Hoa Hà Nội lần này chưa phải là lần cuối.
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan mà nhiều người đã lên tiếng dẫn đến những hình ảnh và hành động không đẹp trong lễ hội hoa nhưng thiết nghĩ một phần có thể nói đó là "bản lĩnh" ứng xử trước một hiện tượng văn hóa của "người Hà Nội".
RANDOM_AVATAR
Ngan Hien
 
Bài viết: 52
Ngày tham gia: Thứ 5 20/11/08 21:18
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi meohen » Chủ nhật 11/01/09 12:00

Mỗi khi đọc các bài về lễ hội hoa HN có câu đại lọai là: "Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ của lễ khai mạc, toàn bộ phố hoa đã tàn phá nặng nề, người ta giẫm lên những tiểu cảnh đẹp để chụp ảnh, để đi lại, bẻ hoa, ngắt hoa, bẻ các chậu hoa đem về nhà, những con rồng, con phượng được kết bằng hoa bị vặt hết, tượng các thiếu nữ mặc áo dài kết bằng hoa cũng bị giật cho trần trụi, bóng đèn chiếu sáng bị ném vỡ...", tôi cảm thấy như tái diễn lại lễ hội ở làng tôi xưa. Phần lễ thì rất trang trọng, linh thiêng. Nhưng ngay sau khi phần lễ kết thúc, các cụ ra về thì cái gì có giá trị, cái gì cần bảo vệ được thu gom mang về hoặc đưa vào chỗ khuất. Những thứ còn lại sẽ được những người tham dự chia chác. Trẻ em, người lớn, mỗi người cầm, nắm, ôm chiến lợi phẩm một cách sung sướng.

Nó cũng tương tự các cảnh cúng rằm tháng Bảy, chỉ cần gia chủ cúng xong quay lưng lại là cả mâm đồ cúng đã tan hoang.

Truyền thống VN chưa?
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi SongBiec » Chủ nhật 11/01/09 12:00

Chúng ta đang cùng nhau bàn về ý thức xã hội của người dân - trong đó có chính chúng ta. Đây là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều vấn đề khác và chẳng thể giải quyết một sớm một chiều.
Bên cạnh cách lí giải nhìn từ góc độ văn hóa, một số ý kiến lí giải từ góc độ giáo dục.
Thật ra, nói nền giáo dục hiện đại của chúng ta là chưa hoàn thiện thì cũng không sai. Nhưng không vì thế mà ta có thể phủ nhận toàn bộ. Hơn nữa, việc giáo dục không phải chỉ là trách nhiệm của riêng thầy cô mà đó là sự kết hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
levan_hanh_k9 đã viết:Theo suy nghĩ chủ quan, tôi đồng quan điểm với anh Thanh Tùng trong việc nhìn vào khía cạnh giáo dục. Ở nước ta, hầu như nhà trường chỉ giảng dạy những bài học lý thuyết, thiếu những bài học ứng xử thực tế nên khi ra môi trường xã hội, người trẻ lúng túng, nghĩ sao làm vậy, làm bậy cũng nghĩ là đúng! Vậy nên việc ngắt hoa, chôm hoa là chuyện bình thường trong suy nghĩ của họ. Đáng tiếc!

Một câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao chương trình giáo dục như nhau, bài học trong sách giáo khoa như nhau nhưng vì sao người dân Hà Nội lại bẻ hoa còn người dân thành phố Hồ Chí Minh lại không?
Trong trường hợp này, phải chăng ta nên tìm thêm câu trả lời ở một khía cạnh khác, một góc nhìn khác
LÁ SÂN TRƯỜNG một thời áo trắng
SÓNG NGÀN KHƠI gửi đến muôn nơi
SongBiec
 
Bài viết: 156
Ngày tham gia: Thứ 3 04/03/08 12:14
Đến từ: Gia đình văn hóa K9
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi meohen » Chủ nhật 11/01/09 12:08

SongBiec đã viết:Một câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao chương trình giáo dục như nhau, bài học trong sách giáo khoa như nhau nhưng vì sao người dân Hà Nội lại bẻ hoa còn người dân thành phố Hồ Chí Minh lại không?
Bạn ơi, TP HCM có lịch sử chỉ hơn 300 năm thôi, hơn nữa điều kiện sinh sống ở đây dễ dàng hơn, cuộc sống và con người hào phóng hơn, dễ chấp nhận cái mới hơn, so với HN có lịch sử 4000 năm, cuộc sống làng xã với tục lệ chặt chẽ đã để lại chất nông thôn đậm đặc hơn rất nhiều.

Lễ hội hoa thảm hại như vậy chắc do nhiều nguyên nhân khác nhau, song có lẽ tập trung nhiều nhất vào vấn đề "tính chất nông thôn trong con người HN" và giáo dục con người trong môi trường đô thị hóa.
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi dokhoa » Chủ nhật 11/01/09 12:14

Đọc bài viết "thê thảm lễ hội hoa hà nội, vì đâu...?" bản thân tôi rất bùôn và đau xót.
Theo ý kiến của tôi, việc này trước hết phải kể đến công tác quản lý, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra trình trạng này, đáng lẽ sự việc đã xảy ra một lần, phải triển khai rút kinh nghiệm, có biện pháp đối phó, nhưng mọi việc vẫn cứ diễn ra. Khi sự việc vừa diễn ra, các nhà chức trách ở đâu sao không có biện pháp ngăn chặn và can thiệp kịp thời.
Thủ phạm trong vụ việc là do một bộ phận người dân thiếu ý thức; người nông dân Việt Nam, văn hoá làng xã Việt Nam bao gồm trong nó tính hai mặt, cả tốt cả xấu. Cái tốt đã chứng minh trong lịch sử, là vũ khí là sức mạnh của dân tộc Việt Nam giúp chúng ta vượt qua chông gai thử thách, cái xấu vẫn còn tồn tại trong thời kỳ quá độ, thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội nông nghiệp thuần tuý sang xã hội công nghiệp, trong bước chuyển ấy, cái xấu, cái chưa hoàn thiện, cái tàn dư vẫn còn tồn tại và ta buộc phải chấp nhập sự tồn tại đó như một qui luật (không thể khác được)
Theo tôi nghĩ, một số người đã hiểu sai ý của giáo sư Thêm và đi xa vấn đề đang bàn luận. Chúng ta đang bàn đến một hiện tượng xấu, hiện tượng ấy được bắt nguồn từ hành động xấu, hành động xấu lại bắt nguồn từ ý thức tồi. Ý thức tồi ấy lại là một nhánh của vô vàng những nhánh Tốt lẫn Xấu do văn hoá làng xã, lẫn tâm lý tiểu nông gây ra. Nếu chúng ta bàn luận về khía cạnh khác, chẳng hạn những giá trị của văn hoá làng xã, hay mặt tích cực của tâm lý tiểu nông, ắt hản vấn đề sẽ khác.
Không biết nếu tôi là một du khách hôm ấy, trước sự việc ấy, mình có ngắt một bông hoa nào không nhỉ? :lol:
HẠNH PHÚC LÀ ĐẤU TRANH
RANDOM_AVATAR
dokhoa
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 13/11/08 8:04
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi thanh tung » Chủ nhật 11/01/09 14:51

Mình thấy những bài phản biện lại bài viết của GS.Thêm có hai vấn đề cần nói đến:
1. Các tác giả không đọc kỹ bài trả lời của GS Thêm trên báo PL .
2. Các tác giả trước khi phê phán không tổng kết được những quan điểm của GS và chính bản thân cũng chỉ đưa ra những hiện tượng chứ không phải bản chất vấn đề để phản biện.
Riêng bài viết của Hồng Minh, mình thấy có một chi tiết cần nói đến. Tác giả khi phê phán GS có nêu ra vấn đề là chúng ta nợ những người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Không riêng bất cứ cuộc chiến nào, chúng ta nếu có nợ là nợ cả thế hệ cha anh, không riêng giai cấp, tầng lớp nào. Giai cấp nông dân, giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức và tất cả mọi người Việt Nam đều có vai trò và vị trí riêng trong chuỗi mắt xích thành công của cuộc kháng chiến. Không có ai hơn ai, thua kém ai về những hy sinh mất mát, những đóng góp cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, kể cả những người ở hậu phương.
Cái chất nông thôn, làng xã đã giữ gìn bản sắc văn hóa của chúng ta. Nhưng chính nó đã kìm hãm sự phát triển của xã hội. Vấn đề ở đây không phải tốt xấu, đúng sai, mà là phù hợp hay không phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của xã hội. Đó là sự lựa chọn của chúng ta.
"Đường chân lý, này con đã chọn" (Tv.119,30)
RANDOM_AVATAR
thanh tung
 
Bài viết: 59
Ngày tham gia: Thứ 7 01/11/08 18:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 11/01/09 19:08

[justify]Trước hết xin bày tỏ sự vui mừng cùng lời Cảm ơn trân trọng vì đề tài đã nhận được nhiều mối quan tâm, đồng cảm và những ý kiến tranh luận khác nhau từ phía độc giả. Điều này cho thấy Tấm lòng và ý thức Trách nhiệm của Quý vị đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong giai đoạn mở rộng giao thoa văn hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Ngay từ đầu, khi đặt vấn đề tôi đã nhấn mạnh tính mục đích của đề tài này: “dù không sinh ra tại Hà Nội, chúng ta vẫn là những người con mang dòng máu Tiên – Rồng, vậy hẳn ai cũng mong muốn thủ đô Hà Nội - “trái tim của cả nước” thật sự xứng đáng là thành phố hào hoa, thân thiện, hòa bình. Cùng nhau tìm hiểu và chỉ ra căn nguyên của những biểu hiện “xấu xí”, vô văn hóa ở những “công dân thủ đô đương đại” từ một Lễ hội hoa hầu góp phần gieo trồng những giá trị văn hóa tích cực hơn, thiết nghĩ là một cách để chúng ta thể hiện vai trò, (trong đó có cả trách nhiệm) của những người say mê nghiên cứu VHH và yêu quý Văn hóa Việt Nam”. Như vậy, để chung tay, góp sức Xây dựng Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc- một NỀN văn hóa mà Cha Ông ta đã dày công gây dựng để hôm nay tất cả chúng ta đang cùng Chung Hưởng, từ đó cùng có Trách nhiệm tiếp tục giữ gìn, phát triển…thiết nghĩ, CẦN VƯỢT THOÁT RA KHỎI TÂM LÝ VÙNG, MIỀN dẫn đến biểu hiện TỰ ÁI trong quan niệm về “người Hà Nội” và “người nhà quê”, “người thành phố” và “người nông thôn”… Điều này dễ khiến những tranh luận của chúng ta “lạc xa” khỏi mục đích tốt đẹp ban đầu, rơi vào “rừng rậm” của hẹp hòi, định kiến về văn hóa vùng miền…với những đối lập tuyệt đối và thiển cận về “người nông thôn” và “người thành thị”, về “chất nông thôn” và “chất Hà Nội”…
Theo nghĩa tích cực, để lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Lễ hội hoa Hà Nội (mà ý nghĩa thiết thực và cụ thể nhất là góp phần tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm cho việc tổ chức Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đang đến rất gần), chúng ta cần có sự nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn, trung thực và thiện chí. Trong trường hợp này, về phương pháp luận, tư duy duy vật biện chứng và duy vật lịch sử sẽ giúp chúng ta tránh được cái nhìn cực đoan, hoặc phủ nhận sạch trơn hoặc tán dương hết lời về “chất nông thôn” hay “chất Hà Nội” biểu hiện qua Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua. Cũng từ đó, chúng ta sẽ thấy, những điều GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phát biểu trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM và nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của một số nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, nhà văn, trí thức, học giả và một số quần chúng nhân dân theo hướng này (như báo chí đã dẫn) là hoàn toàn có căn cứ và cơ sở lý luận khoa học.
Thứ nhất, trên nền tảng của tư duy duy vật biện chứng, không thể phủ nhận rằng, phương thức kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước – hệ quả của điều kiện địa lý – khí hậu nhiệt, ẩm, gió mùa, môi trường sông nước… rất đặc thù của Việt Nam (được GS Thêm xếp vào loại hình Văn hóa Gốc nông nghiệp - Định cư - Trọng Tĩnh) đã sản sinh ra nhiều truyền thống văn hóa trở thành bản sắc chung cho toàn thể con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, bất kể Bắc – Trung – Nam, miền xuôi – miền núi, nông thôn – đô thị, “thành phố” hay “ngoại tỉnh”, hiện ở trong nước hay đang sinh sống tại nước ngoài…Nói đến nông nghiệp – nông thôn – nông dân Việt Nam là nói đến cội nguồn, gốc rễ, căn cước văn hóa của toàn thể dân tộc. Hiểu được như vậy, sẽ rất thừa khi cứ phải nhắc đi nhắc lại rằng: “tôi… truyền đời cả nội ngoại đều là nông dân” (Khương Hồng Minh) hoặc “văn hóa của người dân VN đều bắt nguồn từ văn hóa làng xã, cái "thanh lịch" của người Tràng An cũng là sự kết tinh của văn hóa mà người dân các làng nghề tứ xứ hội tụ về đây thuở đất Thăng Long mới hình thành”…(Hữu Thọ) bởi điều đó là tất yếu! Càng tất yếu hơn, khi ta nắm rõ mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, giữa kinh tế và văn hóa… Từ nguyên lý cơ bản và phổ quát nhất , vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội…và “suy cho đến cùng kinh tế đóng vai trò quyết định” (C.Marx)…thì ngược lại, đồng thời phải khẳng định, ý thức xã hội (cụ thể trong trường hợp này, là văn hóa truyền thống)…có Tính độc lập tương đối, nghĩa là nó có thể tác động ngược trở lại, theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực đối với sự vận động và phát triển tiến bộ của đời sống xã hội. Phải chăng, vì thế, sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh - người học trò xuất sắc của Marx – Engels – Lenine, luôn nhắc nhở chúng ta, để xây dựng “Đời sống mới” cần có tư duy tỉnh táo, khoa học và cách làm kiên trì, thận trọng bởi: Thói quen xấu và truyền thống lạc hậu cũng là giặc nội xâm của dân tộc. Đã là “giặc” thì cần phải chống! Không ai nói chống giặc ngoại xâm dễ hơn chống “giặc nội xâm” và ngược lại. (Nói thế không chừng lại làm cho những người thích suy luận, suy diễn theo kiểu của ông Khương Hồng Minh càng “nóng nảy” hơn nữa!? Trong bài viết của mình, ông hoàn toàn đúng khi cho rằng “đất nước còn nợ giai cấp nông dân món nợ có lẽ không bao giờ trả được, đó là hàng triệu người nông dân mặc áo lính và không mặc áo lính đã ngã xuống trong mấy cuộc kháng chiến oanh liệt giành và giữ nền độc lập của Tổ quốc chúng ta…”. Giặc ngoại xâm đã gieo rắc và để lại trên mảnh đất quê hương ta một “kỷ lục” mà có lẽ không một người Việt Nam có lương tri nào lại muốn kỷ lục ấy được nêu trong Guiness như một “thành tích”: Đó là kỷ lục Đau thương, kỷ lục của những mất mát, hi sinh âm thầm và vĩ đại không thể diễn đạt hết bằng lời, không thể tính đếm bằng năm tháng, bằng máu xương của một vài thế hệ, hay chỉ một, hai giai - tầng cụ thể trong xã hội …Vì thế, thậm chí, nếu trong bài viết của mình, ông có liệt kê và bổ sung thêm: “đất nước còn nợ giai cấp nông dân, giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam…” thì cũng chưa thật thỏa đáng! Đã là người Việt Nam, ai không hiểu Chân lý khách quan: Khi Tổ quốc cần “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!” và Đạo lý truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Nhưng, điều đáng nói ở đây là, ông đã rất sai khi đồng nhất hình ảnh người nông dân cụ thể với “căn tính nông dân” - được hiểu như một “symbol” - một “biểu trưng” cho nét bản sắc, tính cách văn hóa truyền thống của con người Việt Nam. Tâm lý, tính cách, bản sắc, diện mạo văn hóa truyền thống…v..v…đều chịu sự quy định của tồn tại xã hội (trong đó bao gồm điều kiện địa lý - khí hậu, môi trường sống, dân cư…) và của phương thức kinh tế (yếu tố được C.Marx nhấn mạnh “suy cho đến cùng”- nghĩa là nguyên nhân của mọi nguyên nhân). Các truyền thống, tâm lý, tính cách… này, đến lượt nó, tác động ngược trở lại sự vận động và phát triển xã hội theo hai cách: vừa thúc đẩy (nếu nó tốt và phù hợp), vừa kìm hãm (nếu nó xấu và đã trở nên lạc hậu trước những biến đổi của hoàn cảnh và hiện thực khách quan…) – Đây chính là quy luật tất yếu phản ánh tính độc lập tương đối của ý thức xã hội mà chúng tôi đã dẫn ở trên. Tương tự, GS Thêm, bằng phương pháp Hệ thống – Loại hình đã lý giải tính hai mặt (lưỡng phân) của các truyền thống văn hóa Việt Nam như hệ quả đa chiều của Loại hình văn hóa GỐC nông nghiệp – Nếu ai từng đọc và nghiên cứu kỹ cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của GS. VS Trần Ngọc Thêm thì chắc chắn không thể có những nhầm lẫn cực đoan và đáng tiếc như vậy! ).

Trở lại vấn đề đang bàn, hẳn không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ví von, so sánh “Thói quen xấu và truyền thống lạc hậu” với “giặc” mà lại là “giặc nội xâm”. “Giặc nội xâm” là giặc ở bên trong, nằm ngay trong lòng dân tộc, trong nếp nghĩ, thói quen, trong hành xử hàng ngày của chúng ta…Cổ nhân có câu: Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời. Cái gọi là “bản tính”, “căn tính” ấy (ở đây nhấn mạnh đến cái xấu) chính là những “tàn tích văn hóa”, hình thành từ ngàn năm trước, vẫn đang hiện diện và gây ra không ít trở ngại cho đời sống văn minh, hiện đại của con người. Thậm chí nó có thể đẩy lùi sự phát triển kinh tế xã hội, kèm theo đó, hành xử của con người không những không nhân văn hơn mà còn có những biểu hiện thô bạo, “man rợ”. Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua là một minh chứng. Vậy, chống “giặc nội xâm” trên tinh thần của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dạy là “chống” những biểu hiện tiêu cực gắn liền với “căn tính nông dân” đang tồn tại trong cả dân tộc chứ không phải “bêu xấu”, “quay về đổ lỗi cho nông thôn” với thái độ “quá coi thường những người nông dân” (như ông Hữu Thọ viết) đang sinh sống ở thành phố trong quá trình đô thị hóa tại Hà Nội cũng như bất kỳ vùng nào trên đất nước ta.

Thứ hai, trên nền tảng của tư duy duy vật lịch sử, khi xem xét bất kỳ một truyền thống văn hóa hay một hiện tượng văn hóa nào, đánh giá tính giá trị của nó, khẳng định là tốt hay xấu, phù hợp hay không phù hợp… phải dựa trên quan điểm lịch sử - cụ thể. Trong nghiên cứu lý luận Văn hóa học, hệ tọa độ K - T - C mà GS Thêm cung cấp là một công cụ khoa học không thể thiếu. Ngay từ những bài giảng đầu tiên, GS đã nhấn mạnh và khẳng định, cung cấp công cụ trong nghiên cứu văn hóa là để có được cái nhìn khách quan trong đánh giá các giá trị, những tập tục, hay truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam nói riêng, của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới nói chung. Chẳng hạn, về mặt đồng đại, cùng một hiện tượng, có thể có giá trị nhiều hay ít tùy theo góc nhìn, theo bình diện được xem xét. Về mặt lịch đại, cùng một hiện tượng, vào những thời điểm lịch sử khác nhau sẽ có thể có hoặc không có giá trị tùy thuộc vào chuẩn mực văn hóa của từng giai đoạn...Như vậy, không thể áp đặt một quan niệm về phẩm chất (tốt hay xấu, tiêu cực hay tích cực…) cho một giá trị văn hóa nào đó ở mọi không gian, mọi thời gian…Ứng dụng cho việc lý giải nguyên nhân sự thê thảm của Lễ hội hoa vừa qua, trước hiện tượng một số người có hành vi bẻ cành, ngắt hoa…, khi phóng viên hỏi: Tại sao lại hành động như vậy? nhiều người hồn nhiên đáp: Chơi Xuân thì phải hái lộc mang về mới may mắn! Như vậy, chính nghề nông nghiệp trồng trọt đã làm nảy sinh nhu cầu, ao ước về sự sinh sôi, nảy nở phồn thực của mùa màng, cây trái…Từ đó hình thành tục Hái lộc đầu xuân với mong cầu, nguyện ước về sự no đủ, phồn vinh, hạnh phúc đến với mọi nhà, mọi người. Nhưng tập tục này chỉ có ý nghĩa trong không gian làng xã trước đây, trong bối cảnh hiện nay, khi cách thức tổ chức cộng đồng của Hà Nội nói riêng, của toàn thể xã hội Việt Nam nói chung được xây dựng trên nền tảng Pháp luật, trong đó nguyên tắc ứng xử “Sống và Làm việc theo Pháp luật” đã thay thế truyền thống “Phép vua thua lệ làng” thì việc bẻ cành, ngắt hoa nơi công cộng bị xem là vi phạm pháp luật, vi phạm Luật bảo vệ môi trường…Tách rời quan điểm lịch sử - cụ thể, không nghiên cứu và vận dụng đúng đắn lý luận về Hệ tọa độ văn hóa, rất dễ rơi vào chủ quan, cảm tính, kinh nghiệm trong đánh giá các truyền thống văn hóa dân tộc, kể cả với những truyền thống thường được xem là tích cực như tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, truyền thống trọng tình, tương thân tương ái…Không ai phủ nhận “những ứng xử "kính trên nhường dưới", "chị ngã em nâng", "tắt lửa tối đèn có nhau", "thương hoa tiếc nguyệt" chẳng phải là "đặc sản" của riêng của văn hóa vùng miền nào mà là của chung dân tộc Việt Nam được đúc kết truyền thống văn hóa ứng xử từ hàng ngàn đời này mà ra” (như ông Hữu Thọ đã viết) là sản phẩm tất yếu của nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, các truyền thống này luôn mang tính nước đôi: Quá trọng tình, sẽ dẫn đến xem nhẹ lý, quá linh hoạt sẽ dẫn đến biến báo, tùy tiện, không quen sống trong khuôn khổ pháp luật, quá dân chủ dẫn đến cào bằng, “trên bảo dưới không nghe”…Hình như điều này, một người Việt Nam lạc quan nhất cũng không thể không thừa nhận đây là những điểm yếu trong tính cách của người Việt. Và chính nó là một trong những “giặc nội xâm” phá hỏng Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua! Như vậy, không thể phủ nhận “căn tính nông dân” là một nguyên nhân CÓ THẬT , thậm chí cần thẳng thắn chỉ ra đây là một nguyên nhân căn cơ nhất, ẩn sâu nhất và khó trị nhất đối với chúng ta trong quá trình phát triển hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh, an toàn, lành mạnh, và bền vững. Ông cha ta đã dạy, “trị bệnh phải trị tận căn”. Nếu như chúng ta, vì tự ái (không loại trừ trong đó, có cả những “ẩn ức”, tự ái cá nhân, a dua, nói cho “sướng “ miệng…một cách thiếu bình tĩnh và thiện chí) không dám nhìn vào những điểm “xấu xí” trong tính cách văn hóa của chính bản thân dân tộc mình, lờ đi hoặc chối bỏ “căn nguyên” gốc rễ của “bệnh” thì sẽ tiếp tục kéo dài sai lầm và thất bại trong việc tổ chức và quản lý xã hội. Điều này, Bác Hồ cũng đã dạy, cái xấu - giống như vết nhọ, cần phải tẩy xóa cho sạch. Tuy nhiên, “nhọ trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ trong óc, ở tinh thần mà không nói cho người ta sửa là hại người”. Phê bình là để sửa sai, nếu “sợ phê bình “mèo khen mèo dài đuôi” thì không thể tiến bộ được và bản chất của “ Phê bình không phải là để công kích, để nói xấu, chửi rủa…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trg. 261) mà để cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
Chúng ta học văn hóa, nghiên cứu văn hóa là để phát hiện và chỉ ra các đặc trưng, những quy luật hình thành và phát triển văn hóa của một dân tộc…Quan trọng nhất, khi suy xét một hiện tượng văn hóa, không phải để khẳng định văn hóa của cộng đồng người này cao hơn hay thấp hơn cộng đồng người khác, lối sống của vùng miền này tốt hơn vùng miền khác, dân tộc này văn minh hơn dân tộc khác, người nông dân tốt hơn người thành phố, hay ngược lại, người thành thị thanh lịch hơn người nông thôn…v..v.. mà để tìm ra những mối liên hệ có tính bản chất, góp phần lý giải các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình vận động và phát triển.
Trên đây là một số ý kiến để những tranh luận của chúng ta đi đúng mục đích đặt ra: Tìm nguyên nhân thất bại của Lễ hội hoa Hà Nội, tránh việc sa vào phân tích sự khác biệt hay độc tôn văn hóa vùng, miền giữa người nông thôn và thành thị một cách cực đoan, không mang tính khoa học.
Cá nhân tôi đang tiếp tục suy nghĩ và nghiên cứu theo hai hướng:
1. Nếu “căn tính nông dân” được xem là một đặc trưng văn hóa chung của người Việt Nam thì Tại sao Lễ hội hoa tổ chức tại Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh..vv..thành công, còn ở Hà Nội thì thất bại?

2. Giáo dục có phải là nguyên nhân chính không, khi toàn quốc (từ 1975 đến nay) đều thống nhất một hệ thống giáo dục, trong đó Hà Nội - thủ đô của cả nước là nơi được thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi nhất?

Xin các nhà nghiên cứu VHH và những ai yêu quý văn hóa Việt Nam tiếp tục góp bàn. Cám ơn nhiều![/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi thienphuong » Chủ nhật 11/01/09 19:57

Trong khoảng mười ngày qua, dư luận xôn xao về sự việc một số khá đông người dân Hà Nội đã phá hoại cách vô ý thức dẫn đến hậu quả không hay tại Lễ Hội Hoa. Để lý giải vấn đề này, Giáo sư Trần Ngọc Thêm – Trưởng Khoa Văn Hóa Học ĐHKHXH và NV Tp.HCM đã được mời nêu lên quan điểm của mình và bài phát biểu của ông được đăng trên báo. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau thì các báo lại cho đăng vô số những phản biện từ phía độc giả, trong đó có những phản biện chưa thỏa đáng và đúng nghĩa là phản biện, dẫn đến một cuộc tranh cãi rầm rộ. Là một thành viên Khoa Văn Hóa Học thuộc trường ĐHKHXH và NV Tp.HCM, tôi xin phép chính thức nêu lên quan điểm của mình.
Trước hết, báo chí và các phương tiện truyền thông khác nhằm mục đích phục vụ mọi người, chính vì lẽ đó, ai cũng có quyền nêu lên quan điểm cùng nhận định của mình về một sự kiện nào đó, miễn là người đó có uy tín, có hiểu biết trong lĩnh vực đó và nhất là nói lên suy tư thật sự, đồng thời, dám chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Tất nhiên là ta không thể mời một em nhi đồng lên bình luận chuyện Chính trị hay mời một chị lao công lên nói chuyện "Thuyết tương đối" được! Ở đây, Giáo sư Trần Ngọc Thêm là một nhà nghiên cứu Văn Hóa, bởi thế, ông phát biểu về Văn Hóa là lẽ đương nhiên và hoàn toàn đủ tư cách. Tương tự, chuyện ông giải thích vấn đề dưới góc độ nào thì đấy là chuyện quan điểm của ông. Ông hoàn toàn có quyền làm điều đó, còn chuyện tin hay không thì ấy lại là quyền của độc giả, không phải quyền của ông mà càng không phải quyền của người thứ ba. Lẽ dĩ nhiên, có thể có những quan điểm lý giải kiểu khác, nhưng như thế không có nghĩa là có thể bảo rằng, Giáo sư Trần Ngọc Thêm là một "nhà Văn Hóa" thì không được quyền lý giải theo kiểu ... Trần Ngọc Thêm! Hoặc giả là, nếu giải thích kiểu ấy, nêu quan điểm kiểu ấy thì Giáo sư Trần Ngọc Thêm không còn là ... "nhà Văn Hóa".
Kế đến, tôi cho rằng, không có cái gì trên cõi đời này có thể xem là "cảm tính" hay "lý tính" một cách rõ ràng được. Về điểm này, tôi sẽ đặt câu hỏi rằng: Liệu kết luận rằng quan điểm của Giáo sư Trần Ngọc Thêm là cảm tính có phải là đang thực hiện công việc cảm tính không? Phần Giáo sư Trần Ngọc Thêm, chắc chắn là ông không nghĩ rằng mình "cảm tính", bởi vì, ông đã dẫn ra được vô số những lập luận, điều này đã rõ ràng trên báo. Nếu ông lập luận mà không có căn cứ nào của riêng ông, nói cách khác, không dựa vào một cơ sở nào, thì có lẽ, ông cũng đủ khôn ngoan để hiểu là không nên phát biểu bất kỳ điều gì! Vấn đề là, trước lập luận của ông, mọi người có quyền đồng tình hay bất đồng. Nhưng nếu bất đồng, thì như thế cũng chưa thể xem là lý chứng mà khẳng định ông "cảm tính" hoặc là ông không được nói vậy vì ông là ... Giáo sư!
Sau cùng, tôi thiết nghĩ, công việc chính không phải là tranh luận xem Giáo sư Thêm đã nói gì, hay bàn cãi xem nguyên nhân nó là gì mà quên đi rằng, thực tại vẫn là thực tại, chuyện xảy ra đã không thể tránh hay không tránh. Tôi cũng đang mong mỏi một lời giải thích khác về nguyên nhân sự việc, nhưng đến giờ thì tôi mới chỉ nghe có lời giải thích của Giáo sư Trần Ngọc Thêm được đăng đi đăng lại cùng hàng tá những lời phê bình...
Tôi tin, rồi thời gian sẽ minh chứng và lý giải tất cả. Tôi muốn ngỏ ý: chúng ta hãy cùng nhìn lại cái "sự kiện" mang tính ..."luân hồi" này và ao ước sao cho nó đừng có tiếp diễn lần thứ ba nữa. Chợt chạnh lòng thương cụ Lý Thái Tổ, chả hiểu cụ có mủi lòng khi nhìn con cháu mình tàn phá hoa cỏ ngay dưới chân không? Thế mới hay, không có Lễ hội hoa chưa chắc đã tệ cho bằng có Lễ hội hoa mà không đạt được mục đích gì!
Non ministrari , sed ministrare
Hình đại diện của thành viên
thienphuong
 
Bài viết: 200
Ngày tham gia: Thứ 3 04/11/08 17:12
Đến từ: LocHung
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi lena » Thứ 2 12/01/09 9:30

Theo mình thì có lẽ vấn đề gây ra xôn xao cho mọi người ở đây chính là “chất nông dân” mà GS.Thêm đã đề cập. Bởi vì chúng ta vốn được sinh ra từ một nền văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước, bởi vì cái chất nông nghiệp – nông thôn – nông dân đó đã ăn sâu vào máu thịt chúng ta nên khi nghe ai đó đụng chạm đến cái chất ấy chúng ta lại cảm thấy “khó chịu”. Nhưng chúng ta quên mất một điều rằng mọi thứ đều có tính tương đối của nó, đều có tính 2 mặt của nó (vấn đề này GS. Thêm đã truyền đạt cho chúng ta rất rõ). Nghĩa là chính nền văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước ấy bên cạnh đã sản sinh ra những tính cách văn hóa rất đặc trưng (một lối sống hoà hợp với thiên nhiên, trọng tình, trọng đức, trọng nữ, trọng cộng đồng, mềm dẻo và hoà hiếu, linh hoạt… là tạo ra một dân tộc Việt đoàn kết, tương thân tương ái; một dân tộc hoà bình, hoà hiếu, một dân tộc Việt Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”…) thì vẫn có những mặt trái của nó (như: bệnh tuỳ tiện, làm ăn kiểu sản xuất nhỏ, bệnh gia đình chủ nghĩa, tật xuề xoà đại khái, thói ỷ lại, bệnh đố kỵ, cào bằng, tác phong đủnh đỉnh, bệnh “phép vua thua lệ làng”, bệnh cửa quyền)…Đó là những căn bệnh gây khó khăn không nhỏ, cản trở cho sự phát triển của nước ta, đặc biệt trong quá trình đô thị hóa.

Chất nông thôn ấy không chỉ ăn sâu vào trong máu thịt của người dân Việt Nam mà trong cả mô hình bộ máy nhà nước, cách tổ chức quản lý…Dẫu đô thị Việt Nam có mọc lên như nấm thì nó vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nông thôn và mang tính nông thôn đậm nét. Phường của đô thị chúng ta là gì? Xét trong nguồn gốc thì phường “là bắt nguồn từ phường nghề của nông thôn. Phường vốn là cộng đồng của những người làm cùng một nghề của một làng quê; do những lý do khác nhau, họ đã tách ra một bộ phận vào thành phố làm ăn dựng nhà trên cùng một dãy phố, phía trong sản xuất, phía ngoài bán hàng” [Trần Ngọc Thêm 2004: 223].
Từ trong huyết quản, dân thành thị vẫn mang bản chất và tính cách của người nông thôn :oops: (bởi cội nguồn của chúng ta là gốc nông nghiệp trồng lúa nước). Bản chất và tính cách nông thôn ấy luôn bộc lộ ra mỗi khi có điều kiện.
Và lễ hội hoa là một minh chứng cho điều đó :cry: . Tôi muốn dẫn chứng như vậy để thấy rằng khi GS. Thêm nói “Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra” thì không có nghĩa là quy tội cho nông thôn, cho làng quê như nhà báo KHương Hồng Minh nói. Chất nông thôn chẳng có tội tình gì, chỉ vì khi cái "chất nông thôn" đó đặt không đúng chỗ thì nó sẽ gây ra tai họa (như bạn sOngbiec dã nói) như vậy thôi.

Khi GS. Thêm nói: “Ở nông thôn, nếu có ra đường ngắt hoa, bẻ hoa chơi một lúc cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng khi mang thói quen này vào đô thị thì không bình thường xíu nào cả” thì nhà báo Khương Hồng Minh viết: “Đường” mà giáo sư nói ở đây là đường nào mà có thể “ra” để ngắt hoa? ….chỉ còn một cách lẻn vào nhà ai đó trong làng có trồng hoa ở trước sân". Có phải chăng ở đây đang gặp một sự hiểu lầm vì ngay từ câu trả lời đầu tiên GS. Thêm đã nói: "Trong cuộc sống nông thôn, làng xã, hoa ít được trồng mà mọc tự nhiên, nếu trồng thì cũng trồng rất nhẹ nhàng. Vì thế hoa được xem như bình thường, có quý hơn các loại hoa quả dùng để ăn uống khác nhưng không quý như hoa ở đô thị". Vấn đề ở đây không phải nói địa điểm “đường” ở đâu mà quan trọng hơn là tính giá trị. Ở nông thôn, hoa vốn mọc nhiều lại tự nhiên; trong khi ở thành thị người ta phải chăm bón kỹ lưỡng trong những khoảng không gian cố định nên sẽ trở nên quý hiếm hơn.
….
Và chắc chắn còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ hơn nữa để có một cách nhìn khách quan hơn trong sự kiện này :lol: .
RANDOM_AVATAR
lena
 
Bài viết: 13
Ngày tham gia: Thứ 4 25/07/07 10:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi hoangdiep » Thứ 3 13/01/09 10:08

Đã lâu rồ,i dân VHH chúng ta mới lại có 1 đề tài tranh luận sôi nổi và râm ran như thế này...Quả là 1 tín hiệu đáng mừng :D
Tôi đồng tình với tác giả Trúc Anh khi đề cập đến yếu tố GIÁO DỤC thay vì đổ lỗi, so sánh hay phân tích những nguyên nhân với các yếu tố VÙNG - MIỀN, NÔNG THÔN - THÀNH THỊ...
Có thể nói, từ sau 1975 đến nay, với một "rừng" các loại cải cách trong GIÁO DỤC mà những thế hệ 8X, 9X và con em chúng ta hiện nay đang là "hiện thân" của của nền cải cách GIÁO DỤC ấy! Tuy không phải tất cả sự cải cách đều mang tính "tích cực " hay "tiêu cực", chỉ biết rằng vấn đề VĂN HOÁ - ĐẠO ĐỨC trong xã hội hiện nay đang ngày càng được đề cập nhiều với những nhận định chung về sự xuống cấp của nó. Phải chăng, một thời gian dài, chúng ta đã bỏ qua sự giáo dục những hành vi ứng xử trong giao tiếp với cộng đồng có hệ thống từ Tiểu học đến Đại học để phân biệt “cái chung" và "cái riêng", lẽ nào khi ở Mẫu giáo các em từng hát "ra vườn hoa...em muốn hái hoa... nhưng cô dặn em đừng nên hái, bông hoa này là của chung"...lẽ nàonhững lời hát ấy chỉ dành cho tuổi Mẫu giáo, hát cho vui, còn lớn hơn chút nữa thì không cần nữa?!
Thế mới biết, giáo dục ý thức người dân là một việc làm hết sức tế nhị, khó khăn nếu không tuyên truyền giáo dục, thực hiện triệt để theo kiểu theo kiểu “mưa dầm thấm đất” cùng với những biện pháp mạnh như sự cổ suý cho việc dùng chữ quốc ngữ của ta hiện nay. Thiết nghĩ, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng cho ngành GIÁO DỤC mà là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó nền tảng Gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
RANDOM_AVATAR
hoangdiep
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến25 khách

cron