THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi binhbinhk9 » Thứ 5 15/01/09 12:20

Đây là "nỗi buồn không của riêng ai" và với tôi, nó như một nỗi đau và như một sự phản bội. Tôi chưa đến Hà Nội, chưa tiếp xúc với người Hà Nội nhiều, nhưng thật lòng mà nói, tôi rất ấn tượng với "tất cả những gì thuộc về Hà Nội" thông qua những trang viết viết về mảnh đất này. Có người từng nói với tôi rằng "Cuộc sống là một quá trình vỡ mộng", và đến bây giờ, tôi biết là nó đúng. Tôi vỡ mộng về cái chất "thanh lịch của người Tràng An" qua từng bài báo đưa tin về các lễ hội hoa, từ lễ hội hoa anh đào đến phố hoa. Và tôi xấu hổ thay cho hành động của những người "thanh lịch " này.
"Thê thảm lễ hội hoa Hà Nội, vì đâu...?" là một câu hỏi lớn mà một sớm một chiều không thể đưa ra lời đáp thỏa đáng. Đối với tôi, căn nguyên cũng chỉ là vấn đề về ý thức của mỗi người mà thôi.
Chiều nay ta nghe biển xôn xao bờ cát
Có người đi tìm câu hát dã tràng xưa...!
RANDOM_AVATAR
binhbinhk9
 
Bài viết: 36
Ngày tham gia: Thứ 5 04/12/08 15:47
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi thanh tung » Thứ 5 15/01/09 13:50

Những bài trước, tôi chỉ viết về những cảm nhận cá nhân ở một vài khía cạnh mà chúng ta đang thảo luận. Hôm nay, đọc lại một số bài viết phân tích các vấn đề liên quan, tôi cảm thấy chưa thỏa đáng ở cách các bạn phân tích. Theo tôi, trước khi phân tích một vấn đề gì, ta nên tổng kết luận điểm rồi hãy phân tích. Vì vậy, tôi xin tổng kết lại những luận điểm của Thầy trên báo Pháp luật như sau:
1. Những hành động đáng tiếc xảy ra tại lễ hội hoa Hà Nội xuất phát từ văn hóa nông thôn, làng xã. Văn hóa làng xã có cách ứng xử 2 mặt: trong làng và ngoài làng. Đặc điểm ứng xử văn hóa nông nghiệp lúa nước như đề cập ở trên phổ biến ở cả Nhật Bản, Hàn Quốc. Cái chất nông thôn, văn hóa làng xã mà chúng ta đang nói đến là ứng xử ngoài làng (cùng chủ thể, thay đổi không gian).
2. Đề cập đến chất quốc tế và nông thôn, Thầy phân tích ở TP.HCM thì sự giao lưu quốc tế diễn ra sớm và tương đối liên tục, còn Hà Nội thì khép kín trong thời gian dài.
3. Việc tổ chức lễ hội kém và cần có biện pháp chế tài.
Như vậy, nếu đọc kỹ bài của Thầy, chúng ta sẽ thấy các bài viết phê bình sai về cơ bản, khi dẫn chứng những ứng xử “trong làng” mà phản biện lại sự kiện gây ra do cách ứng xử “ngoài làng”. Đó là chưa nói đến việc các bài viết trước khi phản biện không tổng kết lại được quan điểm của Thầy, mà cắt vụn ra từng câu chữ thì đương nhiên khó mà thuyết phục được. Mặc khác, các bài viết khi không tìm cái lý nào khác đã dẫn chứng công lao người nông dân trong kháng chiến hay những vấn đề tương tự là lạc đề, dẫn đến kém thuyết phục. Mặc khác, hình như chẳng có ai để ý Thầy có đề cập đến cả Nhật Bản, Hàn Quốc, như một quy luật của cách ứng xử trong văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Riêng những vấn đề các bạn đặt ra là (a) Tại sao ở Hà Nội xảy ra như thế mà các nơi khác thì không hoặc ít hơn, (b) Tại sao cùng nền giáo dục sau 75 nhưng kết cuộc lại khác nhau, thì Thầy đã trình bày rất rõ trên báo PL. Lý do là quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa khác nhau ở hai không gian văn hóa (tôi đã tóm tắt ở số 2).
Theo tôi, chúng ta không có gì phải e dè khi nói đến yếu tố vùng miền nếu chúng ta xét nó ở hệ toạ độ C-K-T. Chúng ta chỉ không đúng nếu chỉ lấy yếu tố không gian văn hóa ra và cho nó đứng biệt lập để phân tích. Yếu tố không gian nếu được chúng ta lý giải trong thời gian (ở quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa), ở chủ thể của không gian đó thì vẫn là những lý giải mang tính khoa học, để tìm ra bản chất sự vật hiện tượng.
"Đường chân lý, này con đã chọn" (Tv.119,30)
RANDOM_AVATAR
thanh tung
 
Bài viết: 59
Ngày tham gia: Thứ 7 01/11/08 18:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi nguyenthihanh » Thứ 5 15/01/09 14:49

Xin chia sẻ vài ý kiến:
1/ Tôi không đồng ý khi Trúc Anh đưa ra câu hỏi thứ hai. Tại sao cùng một hệ thống giáo dục (thống nhất) mà ý thức người dân (nói chung) ở Hà Nội kém hơn dân TP. HCM? Nó cũng tương tự như câu hỏi: Tại sao cùng một thầy giáo dạy mà sao trong lớp học sinh này giỏi, học sinh kia dở? Đó là do khả năng nhận thức, tiếp thu kiến thức và xử lý, ứng dụng kiến thức... của mỗi học sinh. Tương tự như vậy, việc người này ý thức kém, người kia ý thức tốt đó không phải là lỗi của giáo dục mà là do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan.

2/ Về cái "thanh lịch" của người Tràng An. Đó là nét đẹp từ ngàn xưa, là một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại sao ngày nay lại diễn ra sự việc không hay, không đẹp, không thanh lịch như vậy ở vùng đất được mện danh là thanh lịch? Đó là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và hơn hết là đưa ra giải pháp khắc phục chứ không phải lên án hay thất vọng, đau lòng cho rằng người Hà Nội đã đánh mất đi bản sắc văn hóa ngàn đời. Nói như thế không tránh khỏi sự phản đối của nhiều người rằng ở Hà Nội ngày nay còn có mấy người thật sự là gốc Hà Nội đâu, sao lại quy và kết tội người Hà Nội.

Thực tế là khi nói người Hà Nội và người TP HCM là chúng ta đang đề cập đến những con người đang sống và làm việc ở vùng đó chứ không phân biệt gốc hay không gốc. Vì ở TP HCM cũng đâu còn mấy người gốc Sài Gòn đâu. Cho nên nếu là người Hà Nội bạn cũng không nên hơn thua và tranh cãi lam gì. Mọi người đau lòng là đau cho Hà Nội mất đi nét đẹp thanh lịch truyền thống. Vậy thì chúng ta phải làm sao để vực dậy giá trị truyền thống ấy? Đó mới là điều đáng bàn và đáng quan tâm.

3/ Đọc nhiều ý kiến trên diễn đàn, tôi thấy phần đông ý kiến đồng tình nguyên nhân là do "căn tính nông dân", "tâm lý tiểu nông" mà ra. Tôi cũng đồng tình. Điều này mọi người cũng đã giải thích rất nhiều rồi, tôi nói thêm cũng chỉ là nhắc lại.

Nguyên nhân nữa là về phía tổ chức, đã không hiểu được hay chủ quan, không để ý đến nên không lường trước được hậu quả. Đó là lỗi của phía ban tổ chức. Qua đây, họ cần rút kinh nghiệm và nâng cao tri thức về văn hóa học cả về lý luận lẫn ứng dụng.

4/ Chúng ta đã nói khá nhiều về nguyên nhân, có lẽ đây là lúc nên đưa ra những giải pháp cụ thể và khả thi cho lễ hội năm sau.
Hình đại diện của thành viên
nguyenthihanh
 
Bài viết: 52
Ngày tham gia: Thứ 7 29/11/08 9:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 5 15/01/09 18:22

[justify]PHẢN BIỆN BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ TƯƠNG LAI
Trên cơ sở tiếp thu những góp bàn của các thành viên khi tham gia chủ đề này, tiếp tục hướng suy nghĩ của mình, tôi xin đưa ra một số kiến giải xung quanh các vấn đề đặt ra lần trước. Đồng thời, xin góp đôi lời phản biện với bài viết "Suy tư từ nỗi đau của hoa" của GS. Tương Lai đăng trên báo VNN ngày 10-1-2009.

Trước hết, để trả lời các câu hỏi chúng ta cần xét đến Không gian, Thời gian và những đặc trưng văn hóa riêng của đô thị Hà Nội, con người Hà Nội.

Nhắc lại một ý kiến tổng quát đã nêu ở bài trên: Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá nước ta từng nhận xét, đô thị Việt Nam chỉ là loại hình liên làng và siêu làng, trong đó người dân vẫn có thói quen sống trong làng quê, với tính dân dã tuỳ hứng của thôn quê, vẫn là con người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Trước đây trên 90% dân số Việt Nam là nông dân - nông thôn - nông nghiệp, nay con số đó cũng không dưới 70% - điều này càng minh chứng cho kết luận: “Căn tính nông dân” được xem là một đặc trưng văn hóa chung của con người Việt Nam! Cũng như các đô thị khác ở nước ta, tại Hà Nội, con đường hình thành và phát triển của đô thị vẫn luôn từ Đô (trung tâm chính trị), rồi sau mới là Thị (buôn bán), nên tính dân dã và sự quan liêu là điều không thể trách khỏi.

Điều này đã được GS. TSKH Trần Ngọc Thêm phân tích rất rõ trong công trình nghiên cứu Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. (Rải rác trong suốt công trình nghiên cứu, đặc biệt từ trang 218 – 231, Gs đã tập trung trình bày về Tổ chức đô thị; mối quan hệ đô thị với quốc gia;, đô thị với nông thôn, từ đó chỉ ra quy luật chung của tổ chức xã hội Việt Nam…Bằng nhiều luận giải, Ông khẳng định và chứng minh: “chất nông thôn” ở đô thị Việt Nam, sự chi phối mạnh của nông thôn đối với đô thị Việt Nam khiến cho đô thị Việt Nam truyền thống luôn có nguy cơ bị nông thôn “nông thôn hóa”… Vì thế, những ai chưa hiểu rõ quan điểm của GS trên báo Pháp luật vừa qua, để tránh quy chụp, “nâng cao quan điểm”, “trầm trọng hóa” vấn đề… dẫn đến những tranh luận vô nghĩa, cần đọc lại một cách kỹ càng và nghiêm túc công trình này- một lần nữa xin được nhấn mạnh).

Những đặc điểm ấy có thể xem như quy luật bản chất, phản ánh tính nhất quán, phổ quát chung, bất luận sự khác biệt vùng - miền, của các đô thị Việt Nam, tính cách thị dân Việt Nam. Vậy, đâu là nét riêng, nét đặc thù của Hà Nội…hầu giúp ta trả lời được câu hỏi: cũng vẫn “căn tính nông dân” ấy (với hai mặt tác động cả tích cực lẫn hạn chế đến ứng xử văn minh đô thị), vì sao Lễ hội hoa tổ chức tại Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh..vv..thành công, còn ở Hà Nội thì thất bại? Phải chăng, do “chất nông thôn” và “căn tính nông dân”ở Hà Nội luôn “đậm đặc” hơn hẳn so với các địa phương khác? Thiết nghĩ, muốn làm rõ, phải nêu bật một số nét riêng cơ bản của Hà Nội như sau:

Về không gian, cả ngàn năm qua, quy mô Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, trong gần 20 năm trở lại đây, diện tích của nội thành tăng gấp 4,5 lần. Năm 1991, Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành với diện tích hơn 40km2. Tính đến năm 2004, Hà Nội có 9 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên ) với 125 phường, có diện tích 84,3 km² (chiếm 9% diện tích toàn thành phố) và 5 huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Từ Liêm) với diện tích là 836,67 km² (chiếm 91% diện tích) với 99 xã và 5 thị trấn. Từ 1 tháng 8 năm 2008, địa giới Hà Nội được mở rộng bao gồm thêm toàn bộ tỉnh Hà Tây (trừ một xã duy nhất - Tân Đức - về với thành phố Việt Trì !?), toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Theo Bộ KH&CN)

Dân số của Hà Nội khi chưa ghép tỉnh là 3,4 triệu người, Hà Tây là 2,6 triệu người, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) 18 vạn người... Như vậy, với quy mô Hà Nội mở rộng, dân số chính thức sẽ lên tới 6,23 triệu người. Sau khi mở rộng, với tổng diện tích là 3.344,47 km², Hà Nội trở thành 1 trong 17 thành phố và thủ đô có diện tích lớn nhất.

Sự mở rộng gắn liền với những con số trên đây là tín hiệu đáng mừng cho một đất nước, một thành phố đang trên đà chuyển mình, lột xác, hăm hở vươn dậy, sải những bước dài trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu thúc đẩy và kéo theo quá trình đô thị hóa. Sẽ là “không hiểu nổi” nếu như có ai đó không chia sẻ và chấp nhận quy luật vận động tất yếu này! Tiếc thay, trong bài viết "Suy tư từ nỗi đau của hoa", đăng trên báo VNN ngày 10-1-2009, GS. Tương Lai đã bộc lộ một tâm trạng “khó hiểu” như thế: “Có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam, để đổi lấy những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, phô ra cái thị hiếu hạ cấp, đổi lấy một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hóa, những hàng rởm, hàng giả độc hại, đổi lấy những dòng sông đen ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tưoi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc?”. Dù rất hiểu, GS viết như vậy là muốn nêu bật giá trị và ý nghĩa của việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc – một bản sắc luôn gắn liền với sức sống của nông dân – nông nghiệp – nông thôn Việt Nam, đồng thời cảnh báo về những tham vọng của con người, những mặt trái của văn minh đô thị…

Điều này thật đáng chia sẻ và trân trọng. Song, với tư cách một nhà Nghiên cứu Xã hội học, lẽ ra ông phải là người nắm rõ hơn ai hết quy luật vận động và phát triển xã hội nói chung…, trong đó không thể bỏ qua Ba tính chất quan trọng và phổ biến sau của mọi loại hình đô thị hóa:
1.Tính chất không thể đảo ngược (Irreversibility): Đô thị hóa bao giờ cũng là một sự thay đổi mà từ đó, ta không bao giờ quay ngược lại được trạng thái trước kia, một nơi nào đã có đô thị hóa thì xã hội hiện đại ấy không thể trở lại trạng thái tiền đô thị như trước đây.
2.Tính tăng tốc (Acceleration): Tốc độ của đô thị hóa càng ngày càng tăng nhanh, nhanh đến nỗi mà các chuyên gia về đô thị học vẫn phải luôn loay loay trong việc cập nhật tìm hiểu về bản chất và đánh giá những ảnh hưởng của nó lên xã hội, nhưng vẫn không cập nhật được.
3.Tính đứt đoạn (Discontinuity): Những thay đổi do đô thị hóa mang lại, tạo ra những đứt đoạn trong quá trình chuyển động. Mô hình và cơ chế mới trong xã hội hoàn toàn khác với những gì đã ngự trị trước đây. Cuộc cách mạng đô thị này tạo nên những đổi thay đột ngột làm cho con người bị cắt đứt với những hành vi quen thuộc đã có, bắt họ phải học cách suy nghĩ, cách hành động mới.

Đáng ra, thay vì hoài cổ, với vai trò một nhà khoa học xã hội học, ông cần phải có những nghiên cứu mang tính dự báo từ việc tổng kết hiện thực khách quan, chỉ ra những nguyên nhân sâu xa dẫn đến nguy cơ đổ vỡ của một xã hội hiện đại khi nó không xây trên một nền móng văn hóa được tạo tác bởi các truyền thống văn hóa tích cực (chúng tôi nhấn mạnh đến các giá trị văn hóa tích cực). Bản thân “những ngôi nhà bê tông”- một biểu hiện của văn minh đô thị không hề xấu hơn, xa xỉ hay tha hóa hơn mái nhà tranh vách đất của người nông dân – nông thôn xưa… Thậm chí, để hướng tới việc phục vụ và nâng cao chất lượng sống cho con người, thì “bê tông hóa” cầu, đường, trường, trạm, nhà cửa…vì con người, phải được xem là sự lựa chọn cần thiết, hợp lý và nhân văn. (Hãy nhớ lại, khẩu hiệu đầu tiên sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công chính là “Chính quyền Xôviết + Điện khí hóa toàn quốc”!). Cũng vậy, văn hóa nông thôn hay văn minh đô thị, tự bản thân nó luôn chứa đựng những mặt đối lập mà thống nhất, như âm trong dương, dương trong âm, có xấu có tốt, có tích cực, có hạn chế…Chúng quan hệ với nhau một cách biện chứng, vừa thúc đẩy vừa kìm hãm lẫn nhau…

Đó là quy luật của muôn đời. Bởi thế, tốt hay xấu, phù hợp hay không phù hợp, nên phát huy hay nên sàng lọc loại bỏ… đều phải gắn bó, xem xét chúng trong các mối tương tác và đặc biệt, trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể.Trở lại vấn đề “chất nông thôn”, “căn tính tiểu nông” trong văn hóa và văn minh đô thị Hà Nội ĐẬM ĐẶC hơn cả so với các vùng, miền khác. Vì đâu? Với rất nhiều lần tách ra – nhập vào, kéo theo đó là cả một quá trình nhập cư liên tục, trải rộng (mấy ngàn năm qua) và ồ ạt (khoảng 20 năm gần đây) đã dẫn đến kết quả tất yếu: không chỉ “chất Hà Nội” bị “pha loãng” - như nhà văn Băng Sơn giải thích (“Có nhiều người nhập cư về Hà Nội, họ mang tác phong của địa phương cũ, về đây, pha loãng "chất Hà Nội") mà phải khẳng định Hà Nội đang bị “nông thôn hóa”, thậm chí đang bị “ĐỒNG HÓA” bởi “chất nông thôn” quá mạnh, đã chèn ép, đẩy lùi, đánh bật “chất đô thị” tại nơi này!

Đến đây, để tránh hiểu lầm, chúng tôi phải nhắc lại một lần nữa: ta đang bàn đến “chất nông thôn” “chất đô thị” như một biểu trưng trong nghiên cứu văn hóa học chứ không đồng nhất chúng với hình ảnh “người nông dân” hay “người thành phố” cụ thể nào.

Có ý kiến cho rằng: TP.HCM - nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền trên đất nước, một mái nhà chung văn hóa, một Sài gòn “tạp-pí-lù” (chữ của cụ Vương Hồng Sển), đa dạng và phức tạp hơn nhiều, tại sao không có những biểu hiện phi văn hóa (ít nhất trong cách tổ chức và hưởng ngoạn Lễ hội hoa) như Hà Nội? Chủ nhân của Sài Gòn – TP.HCM vốn là lưu dân Việt – gốc nông dân “chính hiệu”, vậy tại sao cư dân “GỐC NÔNG DÂN” nơi đây lại có những hành xử văn minh hơn hẳn các vùng, miền khác, nhất là trong sự so sánh với Hà Nội? (Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng về phương pháp khoa học, so sánh luôn cần thiết để giúp ta thấy được những khác biệt, từ đó tìm ra bản chất và quy luật vận động của sự vật, hiện tượng một cách chân thực, khách quan nhất). Trong sự so sánh ấy, tìm lời đáp không khó:

Xét về thời gian văn hóa, ai cũng biết, Sài Gòn - TP.HCM là một đô thị trẻ trung, năng động, mới chỉ hình thành cùng bước chân khai phá của lưu dân Việt chừng hơn 300 năm trở lại đây (mốc thời gian chính thức được tính là năm 1698). Vùng đất Nam bộ, với một thiên nhiên trù phú, điều kiện địa lý – khí hậu thiên về dương, mưa nắng thuận hòa, hai mùa rõ rệt, vị trí ngã ba đường giao thông thủy, bộ, hàng không… cửa sông giáp biển, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho thông thương, phát triển kinh tế, kéo theo là quá trình giao thoa văn hóa mạnh mẽ, trong đó, điểm nhấn chính là sự giao thoa văn hóa với phương Tây sớm hơn hết so với các vùng, miền khác. Tất cả các yếu tố này không chỉ đem lại cho Sài Gòn – TP.HCM một diện mạo văn hóa phong phú, đa dạng mà còn là giúp lý giải vì sao “văn minh đô thị” ở TP.HCM, dù còn nhiều bề bộn (nếu bàn sâu ở đây lại không phù hợp và không cần thiết vì không đúng chủ đề - xin hẹn ở một topic khác) vẫn “ưu việt” hơn hẳn Hà Nội và nhiều khu vực khác.

Văn minh là gì?
Về nguồn gốc, từ “văn minh”, bắt nguồn từ chữ latin Civitas = Thành phố. (Xin giải thích thêm, một cách khái quát và đơn giản: Công nghiệp hóa bắt đầu từ Châu Âu. Cuộc cách mạng kỹ thuật và công nghệ đã tạo ra các đô thị công nghiệp khổng lồ với hàng triệu người…Người dân sống ở các thành phố này được gọi là thị dân (chữ citizen bắt đầu từ City) và cũng từ đây người ta gọi xã hội đó là văn minh (chữ “văn minh”: civilization cũng bắt đầu từ City) Như vậy, văn minh là khái niệm mang tính quốc tế, có nguồn gốc từ phương Tây đô thị và chỉ trình độ phát triển của văn hóa chủ yếu về phương diện vật chất- kỹ thuật. Thành phố HCM, từ vị trí địa lý đặc thù, tiếp thu và chịu nhiều ảnh hưởng, dĩ nhiên cả hai mặt tích cực và hạn chế, của văn hóa phương Tây đô thị sớm và rõ nét hơn các vùng, miền khác. Nền giáo dục kiểu phương Tây phát triển rất sớm tại Sài Gòn – Gia Định. Nhà trường dạy tiếng Pháp, dạy chữ Quốc ngữ sớm hơn Bắc và Trung. Giải thích về điều này, GS Trần Văn Giầu đã có lần phát biểu: Tâm thức vùng đất mới dễ tiếp thu cái mới, dễ rũ bỏ nhiều truyền thống cổ hủ, lạc hậu…(Nam bộ và Sài Gòn – Gia Định bỏ các kỳ thi Nho giáo sớm hơn hai miền Trung bộ: 1918 và Bắc bộ: 1915 – Nguồn: Sài Gòn – TP.HCM Thế kỷ XX, những vấn đề lịch sử văn hóa:2000; Nguyễn Thế Nghĩa, Lê Hồng Liêm chủ biên; NXB Trẻ TP.HCM). Điều này cho phép ta khẳng định, cũng là thị dân “Gốc” nông dân – nông nghiệp – nông thôn Việt Nam, nhưng ở cư dân Sài Gòn đương đại, “chất nông thôn” - mà gắn với nó là không ít truyền thống cổ hủ, lạc hậu - biểu hiện của “căn tính nông dân” đã được “rũ bỏ” hoặc thay thế dần bởi những cái mới tích cực hơn- sản phẩm của quá trình giao thoa, tiếp thu văn minh đô thị phương Tây trên mảnh đất này hơn 300 năm qua.

Trong khi đó, xét thời gian văn hóa, Hà Nội với dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm, khiến cho những đặc trưng văn hóa làng điển hình như Tính cộng đồng – mà hệ quả tích cực là tinh thần đoàn kết tương trợ, tính tập thể, hòa đồng, nếp sống dân chủ bình đẳng, kéo theo là hậu quả xấu: Thói dựa dẫm, ỷ lại, cào bằng…(tâm lý đám đông a dua bẻ cành, ngắt hoa trong Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua mà TV vothithuthuy nhắc tới cũng bắt nguồn từ mặt trái của đặc trưng văn hóa này), thủ tiêu vai trò cá nhân, đồng thời thủ tiêu luôn bổn phận và trách nhiệm cá nhân trước cộng đồng (dẫn đến ý thức công dân nơi công cộng rất kém) và Tính tự trị - mà hệ quả tích cực là tạo ra tính tự lập tự cường, sự ổn định, hướng nội, khép kín…- vốn đã trở thành sức mạnh tinh thần giúp Việt Nam vượt thoát khỏi nguy cơ đồng hóa khi ứng phó với giặc ngoại xâm và văn hóa ngoại sinh…kèm theo đó là những mặt trái của nó như: óc tư hữu ích kỷ, lối sống bè phái địa phương, cách hành xử theo kiểu “phép vua thua lệ làng”… càng trở nên Bền vững và Bảo thủ hơn các vùng, miền khác. Trong Lễ hội hoa tại Hà Nội vừa qua, hiểu điều này, dù rất bức xúc song cũng không mấy ngạc nhiên vì sao, lực lượng bảo vệ được điều động và tập trung đông đảo để “canh giữ” cái đẹp mà một số người dân, có nam thanh - nữ tú, có già - trẻ, lớn – bé, có trí thức – bình dân…vẫn hồn nhiên “cưỡng bức, chiếm đoạt” hoa, khi “bị” nhắc nhở, không những không mắc cỡ, lại còn quay lại “mắng mỏ” người thi hành nhiệm vụ là “Vô văn hóa”(!).

Như vậy, chính thời gian văn hóa làng xã dài lâu và trải rộng hơn rất nhiều so với các vùng, miền khác của Bắc Bộ đã khiến cho “chất nông thôn” ở Hà Nội trở nên vô cùng Đậm đặc. Thêm nữa, trong một không gian đô thị (về diện tích, hẹp hơn rất nhiều so với TP.HCM, nhất là khi chưa mở rộng) càng làm cho “chất nông thôn” ấy trở nên cô đặc, “đậm đà” bản sắc hơn…

Nói tới đây, lại nhớ, trong bài viết của mình, GS. Tương Lai cũng đã thừa nhận: “Đừng quên rằng, sức sống của làng quê cổ truyền hun đúc nên nền văn hóa làng tuy bị kìm hãm bởi những tập tục hủ bại và tiêu cực của lối sống tiểu nông, nhưng không vì thế mà không thấy được rằng “không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai. Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”. Ông viết rất hay, rất giầu cảm xúc! Dĩ nhiên, cái sinh khí mạnh mẽ mà Ông viết ở đoạn này phải được hiểu là những giá trị, những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Theo nghĩa ấy, Ông muốn nhắc nhở mọi người nói chung, trong đó “ưu tiên” nhắc nhở GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - người đưa ra quan điểm lý giải căn nguyên dẫn đến sự thê thảm của Lễ hội hoa Hà Nội là do “phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra…” (Đọc bài phỏng vấn của GS Trần Ngọc Thêm trên báo Pháp luật TP.HCM) nhưng do không thừa nhận, nên Ông mới phải nhấn mạnh rằng “đừng quên …” văn hóa nông thôn chính là cội nguồn, gốc rễ của văn hóa dân tộc, rằng Gốc có vững thì thân mới mạnh, vì thế, “mất Gốc thì không thể phát triển”…

Ôi, điều ấy giản đơn, dễ hiểu, quen thuộc quá rồi! Trong các văn bản Nghị quyết của Đảng (từ Đề cương Văn hóa 1943 đến Nghị quyết TW 5, Khóa VIII, sau thời kỳ đổi mới, từ Đại hội VI đến Đại hội X…) trên báo chí, trên hết thảy phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày chúng ta đều lắng nghe và nhất quán quan điểm của Đảng: trong bối cảnh giao thoa và hội nhập quốc tế hôm nay, mất bản sắc văn hóa dân tộc là mất tất cả, vì vậy, cần tích cực, kiên trì xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Đó là sự lựa chọn tất yếu, không chỉ riêng của Việt Nam, mà là của bất kỳ quốc gia nào nếu muốn đạt tới sự phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững cho con người. Tuy nhiên, có sự thiếu logic trong cách lập luận và lý giải vấn đề của Ông. Ông cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của Lễ hội hoa vừa qua là do “tâm trạng xã hội”. Mở đầu bài viết, Ông đề nghị: “suy nghĩ nghiêm cẩn để phân tích một cách đầy đủ về hiện tượng đáng buồn nói trên ở chiều sâu của những ẩn ức dồn nén, rồi bộc phát ra trong hành vi. Cái đó, thuật ngữ chuyên môn xã hội học gọi là tâm trạng xã hội. Cho nên, cùng với dồn lực tập trung tháo gỡ những khó khăn về kinh tế, phải đặc biệt coi trọng phân tích tâm trạng xã hội, có vậy mới đưa ra được những giải pháp đúng, trực tiếp, cụ thể, nhưng phải rất cơ bản với tầm nhìn xa”. Điều Ông đặt ra thật đáng ghi nhận vì nó phản ánh thái độ ứng xử và tinh thần trách nhiệm của một nhà nghiên cứu khoa học chân chính. Song, nếu chỉ dừng lại ở việc gợi mở vấn đề, không đi sâu phân tích, chứng minh cho luận điểm của mình, đặc biệt chỉ dừng lại ở những kết luận còn mơ hồ, không rõ ràng thì chưa thực sự thể hiện năng lực và trách nhiệm cao của một nhà khoa học. Đọc toàn bộ bài viết, dễ dàng nhận thấy một xúc cảm dồi dào, nhưng khép lại, thật khó hình dung nổi cái Ông gọi là “những ẩn ức dồn nén, rồi bộc phát ra trong hành vi. Cái đó, thuật ngữ chuyên môn xã hội học gọi là tâm trạng xã hội” thực chất là gì? Không “chỉ mặt đặt tên” được nguyên nhân thì làm sao có thể “đưa ra được những giải pháp đúng, trực tiếp, cụ thể, nhưng phải rất cơ bản với tầm nhìn xa” như Ông kỳ vọng!?

Xem xét kỹ toàn bộ bố cục bài viết của Ông, tách bạch từng “đoản khúc” như những luận cứ: Từ việc phản ánh hiện tượng Lễ hội hoa Hà Nội, tổng hợp một số nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Lễ hội hoa dưới góc nhìn báo chí… “Đến nỗi đau văn hoá và trăn trở "tâm trạng xã hội"- cung cấp khái niệm, thuật ngữ của ngành Xã hội học như một công cụ nghiên cứu, rồi đặt ra câu hỏi: “Có phải tại văn hoá làng?!” nhằm phủ nhận quan điểm của GS. TSKH Trần Ngọc Thêm; tiếp đến phân tích biểu hiện hai mặt (tốt – xấu) của tính cách văn hóa nông thôn “Vẫn biết văn hoá làng còn tồn tại những mặt trái” rồi kết luận “Nhưng mất gốc thì không thể phát triển”…( Những chữ đặt trong ngoặc kép, in đậm và nghiêng ở đoạn này trích từ bài báo của GS Tương Lai đăng trên VNN ngày 10/102009). Cuối cùng, đặt các “đoản khúc” ấy trong tổng phổ bài viết, lại toát lên một điều, mà bản thân ông chắc chắn không lường hết bởi nó nằm ngoài chủ ý người viết (và vì nó nằm ngoài ý muốn chủ quan nên lại mang tính khách quan, phản ánh chân thực, đúng đắn thực tiễn đời sống): Cái “ẩn ức”“tâm trạng xã hội” được Ông định danh theo cách nhìn của các nhà Xã hội học đó, là gì nếu không phải chính “chất nông dân” (phần tinh hoa, tốt đẹp nhất, căn bản nhất) đang có dấu hiệu tan rã, băng hoại đã gây nên những rối loạn xã hội, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự “tan nát” của Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua:“những nền tảng của văn hoá truyền thống ở các làng quê đã biến dạng và bị phá vỡ. Cái quan hệ hàng xóm láng giềng có được trong truyền thống tốt đẹp lâu đời của văn hoá làng Việt Nam mỗi ngày một mất đi những vẻ đẹp và tính nhân văn của nó. Làng quê Việt Nam bây giờ “ông chẳng ra ông thằng chẳng ra thằng”. Phố cũng không phải phố mà làng cũng không phải là làng”! (T.L). Sự tan rã ở cơ tầng sâu nhất dẫn đến hệ quả tất yếu, khi Hà Nội mở rộng không gian địa lý hành chính, kéo theo là quá trình nhập cư ồ ạt (cả di dân tự do lẫn trong kế hoạch của chủ thể quản lý) thì sự chi phối của nông thôn (tiếc thay, lại là những mặt trái, mặt xấu trong tính cách văn hóa nông thôn) đối với đô thị càng trở nên mạnh mẽ rõ nét hơn bao giờ hết.

Điều này không chỉ khiến những nhà khoa học như GS Tương Lai lo ngại mà những người dân bình thường nhất nhưng có Tâm với Hà Nội đã lên tiếng trên nhiều diễn đàn khi được báo chí trưng cầu ý kiến về việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội vừa qua: (“Việc mở rộng Hà Nội là cần thiết nhưng việc lấy toàn bộ Hà Tây, một phần Vĩnh Phúc và Hòa Bình theo tôi là không cần thiết vì các lý do sau đây:
- Thứ nhất, cơ sở hạ tầng của các khu vực này còn yếu kém, các điều kiện vật chất khác cũng chưa được nâng cấp, vô hình chung việc lấy các khu vực này sẽ kéo mặt bằng chung của thủ đô xuống thấp.
- Địa giới hiện nay tồn tại từ rất lâu và phong tục tập quán người dân các vùng rất khác nhau, khó hòa nhập…”
Lê Thảo- Tintuc Online)

Một sự thật hiển hiện là đô thị Hà Nội đang bị “nông thôn hóa” từng ngày. Bản thân GS Tương Lai trong bài viết của mình cũng đã thấy rõ tính hai mặt của văn hóa làng xã Việt Nam. Khi Ông nhắc nhở “đừng quên rằng… Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”, thì hẳn đương nhiên Ông sẽ phải thừa nhận “Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm”, khi nó phù hợp và tác động tích cực đến sự phát triển xã hội sẽ tạo ra động lực to lớn vô cùng, nhưng ngược lại, cũng với sức mạnh ấy, khi nó trở nên trì trệ, bảo thủ, lạc hậu… thì cũng sẽ cản trở tiến bộ xã hội khủng khiếp như vậy. Xét thêm từ quy luật của giao thoa – tiếp biến văn hóa, càng thấy rõ nét hơn quá trình “nông thôn hóa đô thị” của Hà Nội. Sự hội tụ dân cư (tại Hà Nội, dân nhập cư chủ yếu đến từ các thành phố vệ tinh và các vùng ngoại tỉnh phía Bắc) kéo theo quá trình tương tác hay hỗn dung văn hóa. Ở đây, đa phần là sự hỗn dung với văn hóa nông thôn và nếu nhìn bằng “tâm trạng xã hội” như GS Tương Lai viết, thì đáng tiếc lại là một văn hóa nông thôn không còn thuần nhất, “đã biến dạng và bị phá vỡ” (T.L)… Do vậy, hiện nay, dòng văn hóa chủ lưu tại Hà Nội không còn là “chất thanh lịch xưa” hay “chất văn minh đô thị” cần phải có mà nổi bật , bao trùm và chi phối là một “văn hóa nông thôn” đậm đặc. Trên nền tảng căn tính tiểu nông, vốn dĩ là một đặc trưng văn hóa phổ biến – từ trong huyết quản, dân thành thị vẫn mang bản chất và tính cách của người nông thôn, lại kết hợp với các yếu tố điều kiện đặc thù của Hà Nội (về không gian, thời gian văn hóa như đã phân tích) nên bản chất và tính cách nông thôn ấy luôn bộc lộ ra khi có điều kiện. Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua, trước đó là Lễ hội hoa anh đào chính là những ví dụ điển hình.

Như vậy, điều mà GS. TSKH Trần Ngọc Thêm phân tích và khẳng định Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua thất bại là do: “Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra …lối sống của môi trường làng xã còn đậm chất ở nhiều người dân Hà Nội nên đã gây ra sự cố trong những lễ hội hoa vừa qua”. Và, “khi mở cửa, chất nông thôn đi vào đô thị nhiều hơn chất quốc tế…có khi chất quốc tế không bổ sung kịp, không nhiều bằng chất nông thôn” dù khiến cho không ít người “nổi nóng tập thể”- cũng là một biểu hiện mặt trái của tính cộng đồng, trong đó có không ít ý kiến phản đối của những nhà khoa học “tốt bụng” nhưng chủ quan, nóng vội (như trường hợp GS Tương Lai), lại thực sự là một vấn đề mang tính quy luật (TNT), một nguyên nhân căn bản, sâu xa, khách quan nhất, không thể phủ nhận.

Về các nguyên nhân khác, như giáo dục (dường như có một số thành viên chưa hiểu rõ cách đặt vấn đề của tôi), tâm lý đám đông, quản lý văn minh đô thị…v..v.. tôi sẽ trình bày tiếp ở những bài viết sau.

Vĩ thanh để chúng ta cùng suy ngẫm:
Phansơn999@gmail.com:...Tôi có đọc các góp ý của bạn đọc. Tôi ở Tp.HCM và ủng hộ quan điểm của GS TS Trần Ngọc Thêm. Góp ý của Ban Minh Duong có nói "Tôi thử hỏi Quí Vị, ở Tp. Sài Gòn có bao nhiêu người nhập cư từ các tỉnh thành khác, sao họ vẫn thành công trong việc tổ chức lễ hội hoa qua bao nhiều năm qua ?" .

Vậy bạn biết phần lớn những người ngoài tỉnh đã về quê vào dịp cuối năm không ? Ý thức cộng đồng và giữ gìn nếp sống văn minh đô thị của người ngoại tỉnh rất kém ! Nếu như trong góp ý của mọi người nói "Văn hóa của người dân VN đều bắt nguồn từ văn hóa làng xã, cái "thanh lịch" của người Tràng An cũng là sự kết tinh của văn hóa mà người dân các làng nghề tứ xứ hội tụ về đây thuở đất Thăng Long mới hình thành" là đánh đồng giữa cái văn hóa của làng nghế, của cái nếp sống giản dị trong mỗi gia đình người dân Việt Nam tại mỗi vùng với nếp sống và văn hóa văn minh đô thị.

Sống trong một đô thị hiện đại cùng với sư pha trộn của văn hóa vùng miền khác cũng như văn hóa của các dân tộc khác thì lúc này liệu nếp sống được cho là phù hợp tại những vùng như là Tràng An, Bát Tràng nổi bật về văn hóa làng nghề, làng xã gắn cùng những nét thanh lịch cũng như tâm lý, nếp sống trong sinh hoạt trong những vùng hoặc làng quê đó lại so sánh khập khiễng với nếp sống văn minh đô thị tại thủ đô nơi có sự pha trộn của nhiều nền văn hóa khác nhau. Thủ đô Hà Nội cũng có nét văn hóa riêng của nó, làng nghề hay những vùng khác cũng có nét văn hóa riêng của mình. Nhưng khi mở rộng Hà Nội, liệu nếp sống văn minh đô thị là những thói quen, nếp sống vì cộng đồng. Tôn trọng và giữ gìn những lợi ích của cộng đồng cũng là tôn trọng và gìn giữ những lợi ích đó cho bản thân mình bằng những việc như tuân thủ luật giao thông, không xả rác ra bừa bãi, không phá hoại những công trình văn hóa cộng đồng như lễ hội, tượng nghệ thuật,...., nhường chỗ cho người già khi đi xe buýt, không chửi thề...”
(Tintuc Online)

“…Ở Hà Nội, như nhiều người biết, những gia đình giữ được cái được gọi là “nếp nhà” của người Hà thành từng nổi tiếng thanh lịch bây giờ thường ở sâu trong các ngõ hẹp, im ắng, vắng vẻ. Và nếu bạn quen một vài gia đình đó, có dịp ghé vào thăm, bạn sẽ có thể nhận ra điều này: Những con người ở đó đang sống rất hiện đại, thực sự hiện đại hơn rất nhiều cái đám xô bồ ở ngoài phố kia. Họ không hề xưa cũ. Lặng lẽ và khiêm nhường, và cũng có thể hơi nghèo nữa, nhưng trong mọi lĩnh vực họ sống đúng ở tầm mức những gì được coi là hiện đại nhất của thế giới ngày nay, nếu ta nói cho hơi to tát một chút. Trong khi đó, cái đám xô bồ ồn ào lòe loẹt phô trương đủ thứ được xưng tụng là hiện đại và hậu hiện đại ngoài phố kia, thì buồn thay lại rất tăm tối, quê kệch. Một thứ quê kệch càng khó chịu vì nó đeo áo thời thượng.

Thời chiến tranh chống Mỹ, tôi vào chiến trường 13 năm, và sau 13 năm trở ra Hà Nội, tôi đau đớn nhận ra những gì Hà Nội đã đánh mất. Không phải mấy ngôi nhà bị bom ở phố Khâm Thiên v.v..., những cái mất ấy nếu có chỉ khiến ta thêm quý và tự hào về thủ đô. Hà Nội đã mất những cái cụ thể như thế này: Khi có một đám tang đi qua trên đường phố thì mọi người đều dừng lại, cho đến một người đạp xích lô cũng dừng xe bước xuống và lặng lẽ kính cẩn ngả mũ chào. Trước khi tôi đi Nam, Hà Nội là vậy, rất hiện đại. Sau 13 năm, Hà Nội của tôi đã đánh mất “nếp nhà”, đã kém hiện đại, đã trở nên thô lậu và lạc hậu đi rất nhiều. Và ngày nay không thể không có cảm giác Hà Nội đang ngày càng lạc hậu hơn, kém hiện đại hơn. Đấy là điều làm cho những người yêu Hà Nội đau đớn…”
(Nguyên Ngọc – “Đôi chân trần của tâm hồn” – Báo Người lao động, Thứ sáu, 25/1/ 2008)[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi trungphien » Chủ nhật 18/01/09 9:41

Muốn tranh luận một vấn đề “nóng”, rất cần những cái đầu “lạnh”.

Lý giải về sự cố của lễ hội hoa ở Hà Nội, ngay từ đầu bài phỏng vấn, GS TSKH Trần Ngọc Thêm đã khẳng định : “Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra”. Như vậy, theo quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm, cái căn nguyên sâu xa của vấn đề bắt nguồn từ những khái niệm “văn hóa nông thôn”, “văn hóa làng xã”, và đây cũng là những khái niệm chủ đạo, những phần còn lại của tòan bộ bài phỏng vấn chỉ là sự suy rộng ra, dẫn chứng thêm cho khái niệm chủ đạo này mà thôi.

Những khái niệm “văn hóa nông thôn”, “văn hóa làng xã”, “chất nông thôn”… thực chất là những khái niệm, là tên gọi khác của khái niệm “văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước”. Đây là những khái niệm khoa học, và GS đã lý giải vấn đề trên dưới góc độ khoa học bằng những lý luận mang tính khoa học. Rất tiếc là một số độc giả, trong đó có một vài người trong giới truyền thông đã hiểu nhầm, đồng nhất khái niệm khoa học “văn hóa nông thôn”, “văn hóa làng xã”, “chất nông thôn” thành khái niệm người nông dân cụ thể. Sự nhầm lẫn đáng tiếc này lập tức được cái những cái đầu nóng vào cuộc, suy diễn, nâng cao quan điểm lung tung (trong đó cũng có sự “định hướng dư luận” sai đường của một bộ phận báo chí) vô hình dung đã đẩy cuộc tranh cãi đi quá xa, và sa đà vào ngõ cụt của sự chia rẽ, kỳ thị văn hóa vùng miền, gây mất đoàn kết trong cộng đồng … như các bạn đã thấy.

Báo Pháp luật đã quyết định đúng khi chọn phỏng vấn GS TSKH Trần Ngọc Thêm – một GS đầu ngành chuyên nghiên cứu về văn hóa học- để lý giải sự cố trên dưới lăng kính khoa học.

Văn hóa học là một ngành còn mới mẻ ở VN, những cơ sở lý luận của chuyên ngành này hiện nay chỉ được một bộ phận trí thức quan tâm tìm hiểu và nắm rõ, nhưng vẫn chưa được phổ biến sâu rộng đến đại quần chúng nhân dân. Vì vậy, xảy ra những chuyện đáng tiếc vừa qua như hiểu lầm, bắt bẻ câu chữ, đánh tráo khái niệm, nâng cao quan điểm …thiết nghĩ là điều khó tránh khỏi.

Làm thế nào để tránh được những sự cố tương tự trong tương lai ? Làm thế nào để những thường thức văn hóa học được nhận thức đầy đủ và sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân ? Có lẽ đây vẫn là một bài toán khó, và xin nhường phần giải đáp cho những người quan tâm, yêu thích, vun đắp cho văn hóa nước nhà và những học giả chuyên tâm nghiên cứu văn hóa học.
When the road ahead is not so easy, OUR LOVE will lead the way for us, like a guiding star ...
Hình đại diện của thành viên
trungphien
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: Chủ nhật 02/11/08 12:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Pham Thi Van Phuong » Thứ 2 19/01/09 10:38

Mấy ngày qua chúng ta đã bàn nhiều về những bài tranh luận, phản bác giữa GS. Trần Ngọc Thêm và Khương HỒng Minh, Hữu Thọ, GS. Tương Lai là nhiều ý kiến phẫn nộ từ độc giả các báo khác nhau. Qua buổi thảo luận trong lớp, đã rõ là từ bài của GS.Trần Ngọc Thêm trả lời pv báo Pháp luật, đã có sự hiểu lầm của những nhà nghiên cứu và kể cả những người cho mình là "gốc nông thôn". Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta nên bàn về nguyên nhân sâu xa của sự thất bại lễ hội và tìm hướng giải quyết nó thay vì cứ tranh cãi khi đã có sự hiểu lầm trong câu chữ.
Nguyên nhân gốc rễ của sự thất bại mà GS. Trần Ngọc Thêm đã trính bày là từ "chất nông thôn" theo tôi đã là một nguyên nhân rất chính xác và hợp lý dưới gốc nhìn của văn hoá. Vì vậy chỉ xin bàn thêm một chút về cách giải quyết vấn đề để có một lễ hội tốt hơn.
Nhiều người cho rằng chức năng giáo dục và quan trọng vì vậy cần phải giáo dục ý thức ngay từ nhỏ. Tôi không phủ định điều đó nhưng đối với lễ hội chúng ta cần có những biện pháp tức thời thay vì trong chờ vào giáo dục vì giáo dục đòi hỏi một quá trình về lâu, về dài. Vì vậy theo tôi cứ phạt hành chính như phạt tiền thậm chí tù giam đối với những hành vi như thế. Chúng ta cũng không thể trông chờ vào ý thức của mỗi người bởi vì ý thức chỉ được hình thành sau một quá trình uốn nắn mà cụ thể là xử phạt. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Sinhgapore lại có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng và mỹ quan thành phố cao đến vậy. Cứ phạt tiền vì "đồng tiền đi liền khúc ruột; của đau con xót". Nhiều lần sẽ hình thành nên ý thức thôi.
Hình đại diện của thành viên
Pham Thi Van Phuong
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Chủ nhật 25/11/07 9:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi LuuTuanAnh » Thứ 2 19/01/09 14:57

Mình xin tiếp nối ý kiến của bạn Pham Thi Van Phuong một chút nhé.

Theo mình những gì GS Trần Ngọc Thêm đã đề cập đến khi trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Pháp luật về vấn đề lễ hội hoa ở Hà Nội là không có gì để bàn cãi nữa vì tính khoa học và chính xác của nó. Cũng theo mình hiểu trong bài trả lời phỏng vấn đó GS Trần Ngọc Thêm không có ý lên án hay vu vạ gì cho ai cả, mà là đang đưa ra những lý giải của mình về một hiện tượng văn hóa dưới góc độ văn hóa học. Các bài viết phản hồi từ các tác giả khác trên các báo khác cũng có lý do của họ, nhưng theo mình nghĩ họ chỉ mới dựa vào việc bắt bẻ câu chữ mà thôi chứ chưa đi sâu vào phân tích những ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm một cách khoa học và thấu đáo. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà tính cào bằng, tính nóng vội xuất phát từ văn hóa nông nghiệp nông thôn vẫn cứ tồn tại dai dẳng. Việc chấp nhận cái đúng và cái người khác hơn mình không phải là dễ. Bản tính nóng vội làm cho người ta không thích chờ đợi, không cần suy nghĩ nhiều, không cần phân tích nhiều, cứ thấy không hợp với ý mình thì vội vã cho là không đúng, và đi tìm cách chống lại thay vì nên tìm cách để lý giải vấn đề đó và tìm cách để phù hợp hơn. Nếu bảo chúng ta ráp một cỗ máy từ những vật liệu, thiết bị có sẵn có lẽ sẽ khó hơn là bảo chúng ta hãy phá nó đi. Có chuyện thì không ai nói, không ai dám đứng ra đầu tiên để giải quyết, nhưng khi có ai đó mở đầu thì những người sau chẳng chút âu lo gì cả, cứ đứng dậy phản bác cái đã, hay đặt ra nhiều câu hỏi trong khi chưa có sự suy nghĩ đến nơi đến chốn về vấn đề mà người trước đã nói.

Việc bắt bẻ câu chữ là dĩ nhiên, nhưng nên nhớ văn nói và văn viết khác nhau, huống hồ gì đây không phải là đích thân Thầy chúng ta viết, thế thì muốn hiểu rõ vấn đề, mình nghĩ những tác giả khác nên trực tiếp đến gặp Thầy Thêm để trao đổi thì tốt hơn là cứ bô lô bô la trên các báo, mà như thế thì âu cũng tốt cho các bác tòa soạn nhà ta có thêm tin tức để đăng.

Phân tích một vấn đề một cách khoa học và nghiêm túc không phải là dễ, huống hồ chi đây lại là một hiện tượng văn hóa mang cái chất văn hóa nông nghiệp nông thôn lâu đời. Tôi nghĩ các tác giả khác nên có sự đầu tư nhiều hơn trong cách nhìn nhận vấn đề của mình một cách khoa học, không đơn giản chỉ vì tôi cũng là “nông dân” mà đi bênh vực “nông dân”, hì hì, mình cũng gốc từ nông dân đấy, hì hì. Cùng một vấn đề sẽ có cách lý giải khác nhau nếu anh đứng ở những góc độ khác nhau, đặc biệt là những vấn đề thuộc về lĩnh vực xã hội nhân văn.

Giáo dục thật sự là quan trọng, muôn đời nay vẫn thế, có biết bao người vẫn cứ nói về cải cách giáo dục đấy, nhưng có mấy ai làm được, một đất nước mà cái chất nông nghiệp nông thôn vốn đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân (dù thành thị hay nông thôn) thì cái mong muốn để giống như Singapore hay Nhật Bản thì không phải không được mà là chưa được và khó được. Vả lại còn tùy vào yếu tố hoàn cảnh và điều kiện đất nước nữa. Vì vậy theo mình tốt hơn vẫn là dùng “pháp”, người phương Đông trọng tình nhưng cũng không nhẹ về “pháp”, chỉ có “pháp” và thời gian mới có thể thay đổi nhiều thứ. Dẫu cho những sự thay đổi đó là nhân tạo, là miễn cưỡng nhưng còn hơn là không bao giờ thay đổi.

Nói chung là có nhiều vấn đề để thảo luận lắm, vì cái chất nông nghiệp nông thôn theo mình nghĩ vốn dĩ cũng có rất nhiều điều để nói, cả được lẫn thiếu. Việc các tác giả khác có những bài viết phản hồi lại bài trả lời phỏng vấn của thầy Thêm cũng không hẳn là không tốt, không đúng, vì họ đã nói ra được quan điểm của họ một cách thẳng thắn (ở đây không nói đến đúng hay sai), và họ cũng đã có sự quan tâm đến văn hóa, và chắc rằng chính những bài viết của họ cũng đã kéo theo những sự quan tâm từ phía đông người. Nhưng cái còn thiếu ở họ là những điều mình đã nói bên trên, không nhắc lại nữa. Bản thân chúng ta không dễ nhận ra cái sai của chúng ta, vì vậy mình nghĩ nên có một bài viết để nhắc nhở lại những tác giả đó về cách nhìn nhận, cách giải quyết vần đề một cách khoa học, và cách đọc và hiểu ý kiến của người khác. Mình thì không có khả năng viết báo rồi, hì hì, bạn nào viết được thì support đi nhé, hì hì.

Mình không hiểu biết nhiều lắm nhưng cũng tham gia vào topic với tư cách một người say mê việc tìm hiểu về văn hóa, nên có lẽ cũng không tránh khỏi việc thiếu sót, hì hì. Mọi người cho thêm ý kiến nhé, topic này hay lắm ạ.
Hạnh phúc khi tôi được ngắm nhìn ...

Lưu Tuấn Anh
刘俊英
りゅうとしひで (劉俊英)
RANDOM_AVATAR
LuuTuanAnh
 
Bài viết: 154
Ngày tham gia: Thứ 6 04/01/08 17:55
Cảm ơn: 26 lần
Được cám ơn: 11 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi hoangdiep » Thứ 3 20/01/09 15:22

Thật thú vị khi một đề tài nóng hổi của diễn đàn VHH của chúng ta vẫn luôn sôi nổi và hứa hẹn chưa tới hồi kết thúc :roll:
Riêng tôi, tôi vẫn giữ quan điểm của mình về nguyên nhân dẫn đến sự "thê thảm của lễ hội hoa HN" là do hậu quả một quá trình HỆ THỐNG GIÁO DỤC thiếu sự quan tâm mang tính định hướng trong việc phát triển con người hoàn thiện của một xã hội văn minh...chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả ấy ở mọi lúc, mọi nơi trong từng cách hành xử và ứng xử của con người với môi trường xung quanh mà hiện tượng "Lễ hội hoa HN" chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn hiện tượng "vô ý thức và vô văn hoá" mà thôi...Đáng buồn thay!
RANDOM_AVATAR
hoangdiep
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 3 20/01/09 23:43

Trong số các nguyên tắc trao đổi học thuật, có 2 nguyên tắc sau:

1. Phải nghe đã rồi nói

2. Phải nói có lý lẽ, có phân tích, chứng minh

Theo em, ý kiến của chị hoangdiep tuy không có gì sai nhưng không thỏa mãn hai đòi hỏi trên.

Thứ nhất, trong buổi thảo luận sáng thứ sáu vừa qua, thầy và nhiều anh chị đã phân tích và bác bỏ một cách thuyết phục việc coi giáo dục như nguyên nhân chính của hiện tượng lễ hội hoa HN. Việc chị tuyên bố:
hoangdiep đã viết:Riêng tôi, tôi vẫn giữ quan điểm của mình về nguyên nhân dẫn đến sự "thê thảm của lễ hội hoa HN" là do hậu quả một quá trình HỆ THỐNG GIÁO DỤC thiếu sự quan tâm mang tính định hướng trong việc phát triển con người hoàn thiện của một xã hội văn minh

sẽ là rất bình thường nếu chị không phải là người trong khoa, hoặc chị có những lập luận có sức thuyết phục để bảo lưu ý kiến của mình.

Song sáng hôm đó hình như chị hoangdiep không đi học. Và có lẽ chị cũng không tìm hiểu xem hôm đó mọi người đã thảo luận như thế nào.

Thứ hai, chị chỉ tuyên bố hùng hồn là “giữ quan điểm của mình” mà không lập luận chứng minh gì cả. Em xin hỏi chị:

1. Hệ thống giáo dục VN thực chất sao phỏng hệ thống giáo dục phương Tây, theo em chỉ có khác là trẻ em Mỹ học tiếng Anh, lịch sử Mỹ...; trẻ em Nga học tiếng Nga, lịch sử Nga...; con em VN học tiếng Việt, lịch sử VN... vậy tai sao thanh niên Mỹ, thanh niên Nga không bẻ hoa, mà chỉ có thanh niên VN bẻ hoa?

2. Nếu chị là Bộ trưởng Bộ GD thì chị sẽ làm gì để đạt được cái “sự quan tâm mang tính định hướng trong việc phát triển con người hoàn thiện của một xã hội văn minh” sao cho người VN có đi học và không đi học không bẻ hoa nữa?
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi LuuTuanAnh » Thứ 3 03/02/09 18:47

Chị hoangdiep có nói:
hoangdiep đã viết:hiện tượng "Lễ hội hoa HN" chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn hiện tượng "vô ý thức và vô văn hoá" mà thôi...Đáng buồn thay!
, liệu điều này có đúng không? Vậy theo chị thế nào là "văn hóa", "có văn hóa" và "hiện tượng có văn hóa"? Theo em họ có văn hóa đấy nhưng chỉ là văn hóa của họ đã đặt không đúng lúc và đúng chỗ mà thôi.
Hạnh phúc khi tôi được ngắm nhìn ...

Lưu Tuấn Anh
刘俊英
りゅうとしひで (劉俊英)
RANDOM_AVATAR
LuuTuanAnh
 
Bài viết: 154
Ngày tham gia: Thứ 6 04/01/08 17:55
Cảm ơn: 26 lần
Được cám ơn: 11 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến12 khách

cron