THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi hoangdiep » Thứ 4 04/02/09 9:29

Mấy hôm nay, vì nhiều lý do khách quan mà tôi không vô được chuyên mục này, quả là thiệt thòi! Tôi cũng rất "thú vị và hào hứng" khi thấy vấn đề mình nêu ra (như một sự "đặt bẫy" và có người đã bị "sập bẫy" :roll: ), đấy là một cách để chúng ta có nhiều hướng tranh luận hơn thôi :o Chỉ có điều chúng ta phải hết sức "bình tĩnh và tỉnh táo" trong mọi trường hợp cũng như trong mọi tình huống được nêu ra khi tranh luận :?
Tôi có "than" với thầy Thêm là đã thật sự "tiếc nuối" khi không tham dự được buổi thảo luận sôi nổi về đề tài nóng hổi này vì phải đi công tác vắng, tuy nhiên tôi vẫn theo dõi rất sát trên Diễn đàn chuyên mục này...Đương nhiên, tôi hiểu những nguyên nhân(vẫn còn đang tranh luận) với những hệ quả dẫn đến sự "thê thảm của Lễ hội hoa HN" cùng với những "gốc" và "ngọn" của sự việc...Tôi xin được trình bày tóm tắt 2 điểm thế này:
1. Vấn đề thầy Thêm nêu ra liên quan đến "văn minh làng xã" là không sai dù cho "sự thật mất lòng", thậm chí còn rất thẳng thắn! Điều này càng khẳng định BẢN LĨNH CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC đáng quí nữa là khác!
2. Việc tôi và nhiều bạn đọc khác cho rằng "thê thảm Lễ hội hoa" xuất phát từ sự "thiếu Giáo dục" và "vô văn hóa" là điều đáng để chúng ta lưu ý mặc dù có người cho rằng Giáo dục chỉ là "ngọn" (hay là gì đi nữa)thì đó cũng là điều cần được quan tâm và đáng báo động trong Xã hội hiện nay.
Trong các bài báo của các tác giả đề cập đến hiện tượng "Thê thảm lễ hội hoa ở HN", tựu trung đều nhấn mạnh (thậm chí dẫn đến tranh luận gay gắt) và có liên quan nhiều đến 2 điểm chính mà tôi đã nêu ở trên. Hai bạn My Linh và Luu Anh Tuan muốn tôi có những minh chứng về sự "thiếu giáo dục" và "vô văn hóa", xin đơn cử một "hiện tượng liên quan đến giáo dục" rất nhỏ mà Gia đình là nền tảng: Ở thế hệ chúng tôi hoặc xa hơn từ 1975 trở về trước, trong "văn hóa giao tiếp" hàng ngày, từ "cám ơn ", "xin lỗi" và "chào- thưa người lớn hoặc khách đến chơi nhà"...thường xuyên được cha mẹ dạy dỗ và nhắc nhở, thậm chí đã trở thành "phản xạ có điều kiện". Vào thời đó, mối liên hệ giữa Gia đình và Nhà trường rất mật thiết dù cho đang ở hòan cảnh chiến tranh, thiếu thốn...Nhưng nhiều năm gần đây, xin được hỏi những điều ấy có còn được quan tâm một cách triệt để như trước hay không? Còn nữa, trong chuyên mục "Văn hóa chào thầy cô" của Diễn đàn, hai bạn My Linh và Luu Tuan Anh đã đọc chưa? Phải chăng đó cũng là những hiện tượng xuống cấp của Văn hóa :oops:
Nhân chuyến đi Bình Châu trong mấy ngày Tết vừa qua, tôi bỗng thấy "chạnh lòng" vì đã theo ngành VHH 8O khi phải chứng kiến cảnh người ta vô tư khạc nhổ xuống hồ tắm nước nóng tại đây; người ta còn dửng dưng mặc cả quần áo đi đường lội xuống hồ và mang guốc dép xuống rửa chân ở nơi mà bao nhiêu người lớn và em bé đang bơi lội...Theo các bạn có nên gọi đó những hành động "vô văn hóa" hay là vì họ "có văn hóa " nhưng chỉ "không đúng chỗ"? Tôi lại càng thấy buồn hơn khi hàng ngày phải chứng kiến và chịu đựng cảnh người hàng xóm mắng chửi con cái bằng vô số "mỹ từ" và để các cháu đùa giỡn, chạy nhảy gây mất trật tự vào những thời điểm mà đáng lẽ mọi người phải được nghỉ ngơi, thư giãn...Lẽ nào, đó cũng là hành vi "có ý thức văn hóa" nhưng lại "không đúng chỗ" hay sao? Tôi vẫn thường hay nói đùa:" Dân VHH mình giống như bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng là vậy :?:"
Bạn My Linh đã hơi nóng vội khi đặt cho tôi câu hỏi:" Nếu được là Bộ trưởng Bộ giáo dục chị sẽ làm gì..." Theo tôi, người Bộ trưởng bộ Giáo dục không thể một mình quyết định "vận mệnh Giáo dục Văn hóa" cho cả Xã hội mà phải là sự phối hợp rất tinh vi giữa các cơ sở, ban ngành đào tạo, kết hợp giáo dục giữa Gia đình, Nhà trường và những tổ chức Xã hội một cách hợp lý, hợp tình trong đường lối giáo dục chung có định hướng rõ ràng và phải được sự đồng thuận của cả Xã hội trên nhiều phương diện chứ không chỉ là Giáo dục thông thường(hiểu theo nghĩa đen)mang đầy tính lý thuyết giáo điều.
Hai bạn có theo dõi Diễn đàn "Lắng nghe tiếng nói trẻ em về thực hiện nếp sống văn minh đô thị" trên Báo Tuổi Trẻ mấy ngày qua không? Các bạn có đọc hết những câu hỏi các em đặt ra cho người lớn chúng ta không? :roll:
Xin cung cấp thêm 1 địa chỉ nữa để các bạn cùng tham khảo nhé
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/s ... inam.shtml
Hy vọng những dòng "hồi âm" trên cùng với những thiện chí tốt đẹp, rất mong nhận được sự góp ý của Đại gia đình VHH và các bạn gần xa...
RANDOM_AVATAR
hoangdiep
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi hoangoclan » Thứ 7 07/02/09 8:54

Bạn Hoangdiep thiếu nhất quán quá. Bạn đang học VHH mà sao không sử dụng lý luận VHH để lý giải?

hoangdiep đã viết:"thê thảm Lễ hội hoa" xuất phát từ sự "thiếu Giáo dục" và "vô văn hóa"
“Thiếu giáo dục” tức là vẫn có giáo dục, nhưng ở mức độ chưa đủ. Giáo dục là một chức năng của văn hóa. Như vậy, “thiếu giáo dục” có thể đi cùng với “vô văn hóa” hay không? Có thể nói "thiếu văn hóa" và "vô giáo dục", chứ không thể nói "thiếu giáo dục" và "vô văn hóa". Bạn dùng “văn hóa” với nghĩa nào vậy?

hoangdiep đã viết:người ta vô tư khạc nhổ xuống hồ tắm nước nóng tại đây; người ta còn dửng dưng mặc cả quần áo đi đường lội xuống hồ và mang guốc dép xuống rửa chân ở nơi mà bao nhiêu người lớn và em bé đang bơi lội...Theo các bạn có nên gọi đó những hành động "vô văn hóa" hay là vì họ "có văn hóa " nhưng chỉ "không đúng chỗ"?
Đây là hành động không đúng chỗ giống hệt như hiện tượng ngắt hoa, bẻ cành, giẫm lên hoa trong lễ hội hoa. Chúng ta chỉ cần thay “hồ nước tắm nóng” bằng “dòng sông quê” là xong. Dòng sông ở quê tôi chấp nhận hết các hành động đó.

hoangdiep đã viết:Hai bạn có theo dõi Diễn đàn "Lắng nghe tiếng nói trẻ em về thực hiện nếp sống văn minh đô thị" trên Báo Tuổi Trẻ mấy ngày qua không? Các bạn có đọc hết những câu hỏi các em đặt ra cho người lớn chúng ta không?
Chị Hoangdiep có nghĩ rằng những người lớn hiện nay tất cả đều không thực hiện tốt nếp sống đô thị hay chỉ một bộ phận nhỏ không gương mẫu? Những người không gương mẫu ở đâu ra? Họ chưa được học qua trường lớp hay không được gia đình dạy bảo cẩn thận?
Chị hãy tưởng tượng các em bé đang phê phán người lớn kia về nông thôn sẽ ứng xử ra sao? Sẽ là chuẩn mực cho nông thôn chăng? Không.

Người nông thôn ứng xử theo cách nông thôn. Người thành phố ứng xử theo cách thành phố. Thế mới là văn hóa.

Mang cách ứng xử nông thôn vào thành phố cũng chẳng khác gì mang văn hóa thành phố về nông thôn. Lệch chuẩn.

Tôi vẫn nghĩ đô thị VN mới chỉ đang trong quá trình hình thành hay đúng hơn là đang xuất hiện những yếu tố đô thị trên cơ sở văn hóa nông thôn truyền thống. Trong một số lĩnh vực hoặc ở một số thành phố lớn, tính chất đô thị mạnh thì lấn lướt được tính nông thôn tiềm ẩn. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực hoặc một số thời điểm, các nhà tổ chức thiếu bao quát hoặc sơ xuất thì tính nông thôn lại bộc phát, mà “lễ hội hoa Hà Nội” là một ví dụ.
RANDOM_AVATAR
hoangoclan
 
Bài viết: 32
Ngày tham gia: Thứ 7 07/06/08 16:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi hoangdiep » Thứ 2 09/02/09 9:34

Cám ơn bạn "hoangoclan" đã nhắc nhở tôi về những khái niệm "thiếu giáo dục" và "vô văn hoá" :roll: Tôi đồng ý với khái niệm "Lệch chuẩn" của bạn! Tuy nhiên, có thể ý kiến của tôi chưa được thỏa đáng dưới góc độ VHH như bạn, có thể những lý luận của tôi chưa đủ sức thuyết phục của một người theo ngành VHH như bạn, có thể những dẫn chứng của tôi còn mang nhiều cảm tính... nhưng đó là " chính kiến của tôi" trước hiện tượng "thê thảm Lễ hội hoa ở HN"(và có thể không chỉ mình tôi). Tôi vẫn có thể nêu chính kiến của mình (dù với bạn là thiếu lý luận của một người VHH)để lắng nghe sự góp ý của người khác, tiếp thu và sửa sai... còn hơn lúc nào cũng cho là mình luôn ĐÚNG?! ;)
RANDOM_AVATAR
hoangdiep
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 3 10/02/09 23:36

Không biết câu của Hoàng Điệp
hoangdiep đã viết:còn hơn lúc nào cũng cho là mình luôn ĐÚNG?!

Là ám chỉ ai, nhưng người đó có lẽ không phải là Hoangoclan. Nếu phải, xin đưa ra bằng chứng. Trong chuyện này, em thấy hình như chị Hoàng Điệp hơi “tự ái” thì phải. Trong tranh luận khoa học, không nên như vậy đâu.

Đây là diễn đàn để chúng ta học tập lý luận và thực hành khoa học văn hóa học. Khoa học nó có những đòi hỏi của nó, trong khoa học, cái quan trọng không phải là “chính kiến”, mà là lập luận, chứng minh khoa học cho cái “chính kiến” đó. Chân lý khoa học không phải bao giờ cũng thuộc về số đông.
hoangdiep đã viết:(và có thể không chỉ mình tôi)
. Thậm chí trong rất nhiều trường hợp nó thuộc về thiểu số tuyệt đối.

Hoangoclan tuy ít phát biểu, nhưng khi phát biểu thường rất chặt chẽ. Nếu thấy Hoangoclan sai chỗ nào thì chị Điệp hãy phản bác, em tin rằng một người biết tranh luận khoa học sẽ biết tiếp thu.

Tiếp tục tranh luận vấn đề đã được nêu ra, em chỉ xin nói rằng:

1. Khi đi tìm nguyên nhân của một vấn đề, thì bao giờ cũng phải phân biệt nguyên nhân gốc và nguyên nhân “ngọn” (phái sinh, thứ yếu). Có tìm được cái gốc mới tìm được thuốc trị dứt bệnh. Không thể coi gốc ngọn như nhau được. Coi giao dục la nguyên nhân và coi văn hóa là nguyên nhân giống như tây y và đông y vậy. Coi văn hóa là nguyên nhân là tìm được gốc bệnh, điều trị sẽ thành công. Trong hệ thống biện pháp sẽ có cả vấn đề giáo dục.

2. Trong buổi thảo luận, thầy Thêm đã phân biệt rất rõ hai khái niệm giáo dục (nghĩa hẹp và nghĩa rộng). Nếu hiểu giáo dục theo nghĩa hẹp
hoangdiep đã viết:một quá trình HỆ THỐNG GIÁO DỤC thiếu sự quan tâm mang tính định hướng trong việc phát triển con người hoàn thiện của một xã hội văn minh

thì câu hỏi “Nếu chị là Bộ trưởng Bộ GD thì chị sẽ làm gì?” không phải là “hơi nóng vội”.
Còn nếu hiểu giáo dục theo nghĩa rộng (bao gồm cả gia đình và xã hội thì “giáo dục” = “văn hóa”.
Và chính ở chỗ này, thầy Thêm có lý khi chỉ ra rằng cái chất nông thôn đặt không đúng chỗ (tọa độ C-T-K) là nguyên nhân.

3.
hoangdiep đã viết:“cảnh người ta vô tư khạc nhổ xuống hồ tắm nước nóng tại đây; người ta còn dửng dưng mặc cả quần áo đi đường lội xuống hồ và mang guốc dép xuống rửa chân ở nơi mà bao nhiêu người lớn và em bé đang bơi lội”

chính là văn hóa nông thôn đi vào đô thị đó, chính là văn hóa nông thôn đặt không đúng chỗ đó. Mọi người quen sống ở nông thôn đều quen làm như vậy rất vô tư...

4. Diễn đàn "Lắng nghe tiếng nói trẻ em về thực hiện nếp sống văn minh đô thị" trên Báo Tuổi Trẻ một lần nữa cho thấy những hiện tương thiếu văn minh của người lớn đều là những biểu hiện khác nhau của một thứ văn hóa nông thôn trong lòng đô thị cả.

5. Cảm ơn thông tin về bài của Hoàng Hưng trên BBC, bài này tuy rất nghiêm chỉnh nhưng rất thiếu chặt chẽ về mặt khoa học (nhưng đây là một đề tài riêng rồi).
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi hoangdiep » Thứ 4 11/02/09 8:40

Bạn MyLinh thân mến!
Trước hết, tôi xin "khẳng định" với bạn là: Không hề có sự "TỰ ÁI" và lại càng không thể có chuyện "ÁM CHỈ" gì cả trong phần phát biểu chính kiến của mình trước hiện tượng "Lễ hội hoa HN". Bạn có quá "nhậy cảm" chăng? Theo tôi, một vấn đề được nêu ra, có nhiều ý kiến tranh luận bất kể "ĐÚNG" hay "SAI" là chuyện bình thường và là tín hiệu đáng mừng :roll: Ngành VHH đối với tôi sẽ còn nhiều điều mới lạ, mọi thứ liên quan đến "lý luận khoa học chặt chẽ" tôi còn phải học hỏi nhiều...Tuy vậy, tôi vẫn không ngại nêu lên chính kiến của mình đề mong nhận được nhiều ý kiến xây dựng và góp ý của mọi người mà bạn là một trong những "nhân tố" tích cực giúp tôi "hoàn thiện kiến thức" đấy chứ?! Tôi cám ơn bạn không hết, sao lại phải "TỰ ÁI"???
Tôi cũng biết: "Chân lý chưa chắc thuộc về số đông" nhưng những điều bạn đã phân tích ở trên, tôi sẽ phải suy nghĩ kỹ, cân nhắc nhiều để phải thậi sự hiểu trước khi đồng ý về một phương diện nào đó theo lập luận VHH :!:
RANDOM_AVATAR
hoangdiep
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi phamthuynguyet » Thứ 4 11/02/09 19:15

Những gì mà người Hà Nội trưng ra trước ống kính báo chí về hành vi phá hoại phố hoa khiến chúng ta thấy rất khó nghĩ. Ở chỗ, sao lại là người Hà Nội làm việc ấy. Hà Nội thủ đô nghìn năm văn hiến. Hà Nội tự hào người Tràng An thanh lịch. Vậy mà, sự kiện này lại trưng ra một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Nó đã làm “hiện hình” một chân dung mới của văn hoá Hà Nội.
Những người Hà Nội, và những ai yêu mến Hà Nội, dù đã mạnh dạn bày tỏ sự xấu hổ, thậm chí mạnh dạn diễn đạt nhiều lần cụm từ “đau xót”, thì vẫn chưa đủ dũng cảm để thừa nhận, rất có thể đã có một chân dung văn hoá mới của Hà Nội hiện hình qua câu chuyện phố hoa này – một chân dung văn hoá làm rầu lòng người Hà Nội và những ai yêu mến Hà Nội.
Người Hà Nội, và bất cứ ai tự hào về Hà Nội, cảm thấy bị xúc phạm đến lòng tự trọng khi báo chí trưng ra những bằng chứng không thể chối cãi, những bằng chứng phản bác đến ngỡ ngàng cái mệnh đề lâu nay được quảng bá: “người Hà Nội thanh lịch”. Vì thế mà, không ít ý kiến khi bàn đến chuyện này đã tìm cho bằng được cái lý do đổ lỗi cho ai đó không phải là người Hà Nội chính cống. Đó có thể là do những người “Hà Nội B”, đó cũng có thể là do những người mới nhập cư vào Hà Nội, đó có thể là do những người khách không mời mà đến của Hà Nội, … Ai cũng được, miễn là không phải người Hà Nội chính cống, không phải người Tràng An thanh lịch, đã làm những việc đáng xấu hổ ấy. Ít ra điều ấy xoa dịu cái nỗi đau phải thừa nhận một thực tế rằng niềm tự hào “người Hà Nội thanh lịch” không còn có thể đứng vững.
Báo chí, dù có sắc bén đến đâu, cũng khó lòng có thể lần tìm đến địa chỉ của từng người đã tàn phá phố hoa Hà Nội để xác minh là người Hà Nội “xịn” hay người Hà Nội “đểu” đã làm chuyện ấy.
Khi câu chuyện được đem ra lý giải nguyên nhân, ám ảnh của câu hỏi “ai làm” và cái định kiến “không phải người Hà Nội đích thực gây ra” vẫn cứ chi phối các cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh chủ đề này. Ám ảnh đó lớn đến nỗi, nó bóp méo suy nghĩ của nhiều người khi đọc các bài viết liên quan đến chủ đề này, trong đó có bài trả lời phỏng vấn của giáo sư Trần Ngọc Thêm (TNT) trên báo Pháp luật TP.HCM. Kiến giải của thầy TNT về vấn đề này không ám chỉ hay chỉ trích gì người nông thôn, càng không có ý buộc người nông thôn phải chịu trách nhiệm cho việc tàn phá phố hoa thay cho người Hà Nội. Thầy chỉ cố gắng nhìn sâu hơn vào cái căn tính nông dân của người Việt thông qua một trường hợp điển hình như chuyện tàn phá phố hoa để nhận diện những nguyên nhân gây ra chuyện này từ nhiều phía: từ người phá hoa đến các nhà tổ chức, từ mỗi người dân đến nhà chức trách. Người phá hoa thiếu ý thức văn hóa công cộng, nhà tổ chức phố hoa thiếu tính chuyên nghiệp, người dân thờ ơ trước hành vi phá họai giá trị công cộng của người khác, nhà chức trách giữ thái độ kẻ cả và thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, những kiến giải về căn tính nông dân của thầy khi va chạm với ám ảnh “ai làm?” nói trên rất dễ bị hiểu lệch lạc thành chuyện khác. Vì thế mà những tranh luận xung quanh ý kiến của thầy cũng trở nên sôi nổi.
Tôi nghĩ, cách diễn giải của thầy được nêu ra trên cơ sở của hệ thống lý thuyết về đặc trưng văn hóa Việt Nam mà thầy xây dựng. Trong góc nhìn của hệ thống lý thuyết ấy, khái niệm “người nông dân” và các khái niệm khác có liên quan hoàn toàn không có nghĩa ám chỉ người đang sống ở nông thôn, càng không ám chỉ người đang sống ở nông thôn hiện nay. Nó chỉ đến những gì sâu xa hơn, nguyên thủy hơn, vẫn đang tồn tại trong đầu người Việt và đang chi phối hành vi của người Việt hàng ngày. Chuyện phố hoa Hà Nội chỉ là một điển hình, nhiều chuyện như thế vẫn đang tiếp tục “rình rập” người Việt trong tương lai. Phát biểu của thầy Thêm có “ngữ cảnh học thuật” riêng của nó. Những chỉ trích đối với ý kiến của thầy Thêm đăng trên các báo tuy không sai về quan điểm cũng như về logic, nhưng lại không đúng ở điểm xuất phát của vấn đề. Những nội dung chỉ trích đó cho thấy, không xuất phát từ ngữ cảnh học thuật của giáo sư TNT, mà xuất phát từ ngữ cảnh tâm lý của người viết – những người ít nhiều gì đều gắn bó mật thiết với gốc gác nông thôn. Người chỉ trích không thoát ra khỏi ám ảnh của câu hỏi người Hà Nội hay người nông thôn đã làm ra chuyện xấu hổ ấy.
Trên đây tôi đã cố gắng nêu ra suy nghĩ của mình về những tranh luận liên quan đến một chủ đề mà đến giờ tưởng như đã nguội lạnh, nhưng biết đâu lại sẽ bùng nổ vào một lúc khác, trong một câu chuyện khác, có thể tương tự mà cũng có thể tệ hại hơn chuyện tàn phá phố hoa Hà Nội vừa rồi. Rồi lại sẽ bàn, rồi lại sẽ lý giải, rồi lại sẽ tranh luận, và vấn đề rồi vẫn còn nguyên vẹn đó, không được giải quyết đến tận gốc rễ để trừ tiệt, mà chỉ được xới ra để bàn tán.
Có một vấn đề khác nữa phải suy nghĩ, bởi lẽ nó đã “hiện hình”: văn hoá Hà Nội giờ ra sao? Ra sao sau những bão táp quốc tế hoá, bão táp nhập cư, bão táp suy thoái đạo đức, xuống cấp giáo dục. Câu trả lời chẳng phải cho riêng Hà Nội đâu, mà cho mọi người Việt. Lý do nào, xét cho cùng, cũng đúng và cũng không đúng. Đổ cho xuống cấp giáo dục, nên nhớ Hà Nội là thủ đô và công dân Hà Nội có điều kiện thụ hưởng giáo dục tốt nhất nước. Đổ cho nhập cư ồ ạt, thì có riêng gì Hà Nội chịu cảnh ấy. TP.HCM còn nhập cư còn ồ ạt hơn. Đổ cho cái gì thì rốt lại cái căn nguyên văn hoá của chuyện này vẫn còn đấy. Và chúng ta vẫn phải tiếp tục nghĩ. Chỉ lo là không ai hành động cả. Tôi đề xuất đề tài nghiên cứu “nhận diện thay đổi văn hoá Hà Nội” hay đại loại như thế.
RANDOM_AVATAR
phamthuynguyet
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 7 19/01/08 21:56
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Pham Thi Van Phuong » Thứ 4 18/02/09 12:02

Theo em có lẽ điều làm chị hoangdiep tự ái nhất không phải vì chính kiến mình bị phản bác mà vì chị mylinh đã có nói đến hai nguyên tắc : "phải nghe rồi hãy nói" trong khi chị hoangdiep quá bận với những chuyến công tác nên không đến dự buổi thảo luận được. Điều đó chúng ta có thể thông cảm nhưng quan trọng là quá trình theo dõi diễn đàn của chị hoangdiep như thế nào thôi. Là một người chập chững bước vào con đường làm khoa học, em thiết nghĩ chúng ta cần "bình chân như vại" trước những lời chỉ trích cũng như cách thầy Thêm đã ứng phó với dư luận xã hội. Điều quan trọng là mình có đưa ra được chính kiến và bảo vệ nó hay không. Tạm gác lại chuyện đó. Em xin trở lại với cuộc thảo luận của mình về vấn đề trên.
Nguyên nhân sâu xa của sự thất bại lễ hội thì chúng ta đã tìm ra nhưng kỳ thực vẫn chưa có một hướng khắc phục nó. Chúng ta tìm ra cái "gốc nông thôn" nhưng không thể thay đổi được cái văn hóa đó bởi vì nó đã ăn sâu vào tim óc của mỗi con người. Không thể thay đổi cũng không có nghĩa là chúng ta buông suông và không cố đưa ra một ướng giải quyết nào mang tính khả thi. Như tôi đã từng có ý kiến thì giáo dục rất quan trọng nhưng nó đòi hỏi một quá trình lâu dài vì vậy nên cần có một giải pháp mang tính tức thời hơn để chúng ta còn đón chào những sự kiến mới nữa như đón mừng Hà Nội ngàn năm chẳng hạn. Theo em, các anh chị cứ một lần đặt mình vào vị trí của những người làm công tác quản lý văn hóa để đưa ra hướng đi tích cực như thế nào.
Hình đại diện của thành viên
Pham Thi Van Phuong
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Chủ nhật 25/11/07 9:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi htsongdong » Thứ 4 18/02/09 22:19

Gần đây, ở Hà Nội liên tục xảy ra những vụ việc làm đau lòng người Hà Nội và những ai yêu mến Hà Nội. Nào là vụ đập phá tường rào tấn công vào trụ sở của một công ty, vụ lễ hội hoa Anh Đào, vụ lễ hội hoa Hà Nội, gần đây là vụ “cướp gà” (nguyên văn của VTV), những vũ tự đốt xe trên đường phố khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt… Vậy đâu là nguyên nhân của những vụ việc trên, nó xuất phát từ cách ứng xử của người dân thuộc văn hóa nông nghiệp lúa nước hay nó là hậu quả của một nền giáo dục. Có phải vì quá lâu họ không được nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp không? Không phải. Có phải vì họ không có tiền mua hoa để ngắm không? Không phải. Có phải họ không có tiền để mua thịt gà không? Không phải. Có phải họ quá nhiều xe nên khi bị bắt thì đốt bỏ hay không? Có phải họ không có trình độ để hiểu những hành vi họ làm là không phù hợp với quy tắc xử sự chung của xã hội hay không? Không phải. Vậy do đâu?
Thấy người khác đập tường thì nhào vô đập, thấy người khác hái hoa thì nhào vô hái, thấy người ta cướp gà thì mình cũng nhào vô cướp, người ta đốt xe được thì mình đốt được…Thấy người khác làm gì thì mình làm nấy, đúng thì đúng cả xóm, sai thì sai cả láng chứ đâu phải một mình đâu mà sợ. Đây là lối tư duy làng xã, lối tư duy nông nghiệp: người ta cày đất thì mình cày theo, người ta gieo mạ mình cũng gieo, người ta cấy thì mình cấy. Người ta trồng lúa thì mình trồng lúa, người ta trồng dưa thì mình trồng dưa…trúng mùa thì cả làng cùng trúng, thất mùa thì cả làng cùng thất chứ phải một mình mình đâu mà sợ.
Thứ hai, đã có một thời gian dài, xã hội rất ít quan tâm đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lễ nghĩa…cho học sinh vì cho những thứ đó là sản phẩm của phong kiến, là lỗi thời, lạc hậu và xấu xa. Ngày xưa, trong nhà trường, trong gia đình và cả ngòaì xã hội rất quan tâm đến giáo dục đạo đức cho trẻ thơ. Thầy cô thường xuyên nhắt nhỡ và đưa ra những gương con ngoan trò giỏi để giáo dục học sinh, rất khắc khe khi một học sinh nào đó vi phạm nội quy trường lớp. Ông bà, cha mẹ thường xuyên kể cho con cháu mình nghe những câu chuyện sổ tích ngày xửa ngày xưa về gương hiếu thảo, và họ cảm thấy xấu hỗ nhục nhã khi con mình bị cho là vô lễ hơn là con mình học dốt. Ngày nay, cả nhà trường và xã hội tranh đua nhau làm sao cho con mình giỏi “văn”, còn ”lễ” thì không màn tới. Khi con đi học về thì vội hỏi hôm nay học được điểm mấy chứ không hỏi hôm nay con có ngoan không, tại sao đi học về thấy dì hai, cô ba mà con không khoanh tay thưa?. Ngày xưa học trò vô lễ thì bị nhà trường kỷ luật nặng hơn là học dốt, mỗi khi con mình bị nhà trường phạt thì cha mẹ tìm đến nhà trường thầy cô xin lỗi thay và nhờ nhà trường phạt nặng nếu con mình tái phạm. Ngày nay, khi con mình bị thầy cô phạt do vô phép thì cha mẹ cậy quyền ỷ thế hay tìm mọi cách để trả thù cho con mình. Ở nhà trường, thầy cô tự hào vì lớp mình phụ trách có nhiều học sinh lên lớp, đỗ đạt chứ không quan tâm có bao nhiêu em đạo đức kém. Nếu kém thì tìm cách chuyển lớp, chuyển trường hoặt đuổi học hơn là tìm cách dạy bảo cho em đó sữa đổi nên người. Đối với cha mẹ, đỗ thừa cho công việc kiếm tiền nên không có th7òi gian dạy bảo con cái, mà không biết rằng chính lối sống, chính hành vi ứng xử của mình mới là yếu tố tác động trực tiếp tới hành vi ứng xử của con họ về sau.
Và như thế có thể nói rằng, những hành vi trên, một phần xuất phát từ lối ứng xử của văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước (đến hôm nay dù đã gàn 1000 năm, nhưng Hà Nội vẩn là đô thị nông nghiệp), một phần là hậu quả của xã hội quá thực dụng.
RANDOM_AVATAR
htsongdong
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 3 29/04/08 8:31
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi ragingwave » Thứ 6 20/02/09 10:41

Đọc bài viết của các anh chị và 1 số bài báo được dẫn trên diễn đàn, nhìn chung có nhiều ý kiến khác nhanh quanh vấn đề này (nên đến giờ vẫn rất sôi nổi).

Em mới chỉ là sv năm I, kiến thức về văn hóa chử đủ để đàm luận 1 cách có khoa học như các anh chị. Nhưng đứng về khía cạnh 1 sv văn hóa học, em cũng trình bày 1 vài ý kiến của riêng bản thân mình, dưới góc nhìn của 1 sv văn hóa học.

Xoay quanh bài trả lời phỏng vấn của thầy TNT, xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp, làng xã nên nguyên nhân chính là ở đó. Em không phản biện cách lý giải của thầy. Vừa là không đủ hiểu biết, không đủ trình độ, không đủ lý lẽ. Nhưng đã học văn hóa thì dám nói lên ý kiến của mình, phải không ạ? Em xuất phát cũng từ gốc làng quê mà ra, cũng 1 thời từng chơi trò "cô dâu chú rể làm bể bình bông", với tuổi nhỏ, lại ở quê, không có đứa bé nào không thích ngắt hoa dại cài lên tóc, thậm chí còn chạy vô nhà người ta hái trộm quả để khi bị phát hiện cả đám cùng nhau té chạy. Tuổi nhỏ non nớt là thế, nhưng khi đến tuổi đi học thì trong mỗi đứa đều có ý thức hơn, biết "mắc cỡ" khi bị la. Bây giờ, về lại quê, không còn bắt gặp cảnh mấy đứa nhỏ cùng tung tăng nô đùa, cũng không còn gặp mấy hàng rào có những sợi dây leo có hoa chằng chịt nữa. Nông thôn bây giờ, đi trên đường làng không còn sợ trời mưa quần bị dính đất đỏ, những khóm tre làng cũng đã chặt gần hết tự bào giờ. Thế hệ sống ở quê bây giờ, cũng không còn "quê mùa, mộc mạc" như mười mấy năm trở về trước (ngoại trừ những người lớn tuổi, già nua). Vậy thì, nguyên căn của thất bại lễ hội hoa HN có phải do xuất phát điểm là lối sống nông dân hay không?

Như 1 số lời bình quả độc giả trong bài trả lời phỏng vấn của thầy Thêm là nếu nói thế phải chăng thầy Thêm đang miệt thị người nông dân. Theo em, điều đó là không phải. Vì đứng về phía một nhà văn hóa, thì thầy Thêm đang nhìn nhận vấn đề một cách có khoa học. Tuy nhiên, có bài báo viết "các nam thanh nữ tú, có người mặc nguyên đồng phục, vẫn nhanh chân nhanh tay tranh thủ ngắt hoa, bẻ cành khi bảo vệ không để ý tới". Vậy thì những thanh niên có hành động này cũng xuất phát từ lối sống nông thôn? Nói, mỗi người mang trong mình cái gốc gác miền quê. Thế ý thức nằm đâu?

Ý thức là một chuyện, còn cách tổ chức và quản lý là một chuyên. Vấn đề này em thấy thảo luận nhiều rồi. Không nên đổ tất cả lỗi cho người dân, mà chính ban tổ chức phải coi lại cách thức tổ chức của mình. Câu "không có lửa làm sao có khói" quả không sai trong trường hợp này.

Đó là ý kiến của em. Xin mọi người góp ý.
" I'm youth I'm joy I'm a little bird that has broken out of the egg"[center][/center]
RANDOM_AVATAR
ragingwave
 
Bài viết: 114
Ngày tham gia: Thứ 6 03/10/08 10:21
Đến từ: Thon Vi Da, Hue
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Cothi » Thứ 4 25/02/09 23:09

[justify]Tại đường sắt mình nó thế!

Sự kiện nhân viên hỏa xa Việt Nam thẳng tay đuổi một em bé xuống ga Thanh Hóa lúc nửa đêm, ắt hẳn đã làm tốn nhiều giấy mực của bạn đọc để bày tỏ lòng phẫn nộ. Trong một quốc gia mà mọi phương tiện truyền thông thường hô hào: “phải dành những gì tốt nhất cho trẻ em”, việc làm quá sức nhẫn tâm kia dễ dàng bị công luận lên án kịch liệt.

Tuy nhiên, một gã bạn “máu lạnh”, lại buông một câu thật đáng ngẫm nghĩ: “Tại cái nước mình nó thế!”, nguyên văn như câu nói của GS. Hoàng Ngọc Hiến!

Nhưng có phải, “tại cái nước mình nó thế” không?

Tôi tìm được câu trả lời khi làm hành khách của chuyến tàu TN7 xuôi Nam vào dịp Tết vừa qua. So với 20 năm trước, ngành đường sắt Việt Nam đã có những chuyển biến đáng khen ngợi. Phòng chờ lên tàu tương đối trật tự, có tivi màu, có máy lạnh, mặc dù… hơi nhiều muỗi. Tàu đến và đi đúng giờ, cũng thêm một điều đáng ghi nhận, so với việc trễ chuyến như cơm bữa của hàng không.
Thế mà tất cả những suy nghĩ tích cực của một gã đeo ba lô đi bụi liền mất sạch sau khi chen chúc, tìm được chỗ ngồi của mình. Tôi không nén nổi một tiếng thở dài với những gì tai nghe mắt thấy sau 15 giờ đồng hồ. Toa tàu dơ bẩn, nhếch nhác. Nhà vệ sinh đầy rác rưởi. Hành khách, trong đó có khá nhiều trẻ em, nằm ngồi vật vạ trong tất cả các khoảng trống mà người ta có thể nhét người vào. Nhiều người trải nylon, ngủ ngon lành giữa lối đi, mặc cho người bước qua trên mình. Có gã còn hồn nhiên may ô quần cộc, treo võng tòn ten ngủ ngay trên đầu người khác. Mấy lần “máu nghề nghiệp” nổi lên định rút máy ảnh ra chụp cái bức tranh nhếch nhác đó, nhưng rồi lại thôi. Nào có hay hớm gì khi chụp lại một sự xúc phạm phẩm giá con người như vậy!
Tất cả những điều đó, là một phản nghĩa cùng cực với một điều vô cùng cao quí, là phẩm giá con người. Không ai sinh ra để phải chui rúc, khốn khổ như vậy! Dù trên một chuyến tàu siêu tốc ở những xứ sở phát triển hay một toa tàu Việt Nam, liệu phẩm giá con người có sự khác biệt đến thế không? Chúng ta nghèo thật, nhưng chẳng nghèo đến mức lấy đó làm cớ, giải thích cho tất cả những nhếch nhác, lầm than trên một chuyến tàu xuyên Việt.
Chẳng nên đổ lỗi hoàn toàn cho ngành đường sắt, khi chứng kiến sự hồn nhiên, thậm chí mãn nguyện của những con người tội nghiệp quanh tôi. Tỷ như chị đàn bà nhuộm tóc vàng hoe, móng sơn xanh đỏ, thản nhiên mở iPhone mời mọi người cùng nghe nhạc sến. Tỷ như em gái ngồi ghế nhựa, ngủ vạ vật suốt đêm, nhưng tỉnh giấc là cắn hạt dưa tanh tách, và hồn nhiên xả rác xuống sàn tàu.…
Cả hai bên đều bằng lòng, ngành đường sắt đạt chỉ tiêu chuyên chở. Hành khách có được một chỗ, dù tồi tệ, để về Nam. Họ chẳng có nhiều lựa chọn nên cũng chẳng dám bày tỏ sự bất bình với nhà tàu.

Có lẽ, ông Hoàng Ngọc Hiến đã không sai khi than vãn một câu não nề như thế! Khi mọi người đều dễ dàng bằng lòng, cam chịu những điều tồi tệ, bất nhẫn, trái tai gai mắt…diễn ra trước mắt. Thậm chí, còn vô tư góp phần vào bức tranh hỗn độn đó, thì đến bao giờ nước ta mới “sánh vai với các cường quốc năm châu”?! Khi người ta mất đi những ý thức tối thiểu về sự chu toàn trách nhiệm, lòng tôn trọng hành khách. Khi những con người khốn khổ được gọi là hành khách cũng không hề nhận thức được rằng: họ, xứng đáng với một cách đối xử tử tế, văn minh hơn, như mọi CON NGƯỜI khác trên quả đất này! Và cũng chính họ, từ chỗ bắt đắc dĩ thỏa hiệp, đến chỗ phải cam chịu từ trong vô thức để tồn tại, cho đến việc chủ động góp phần vào bức tranh hỗn độn đó. Thì nước Việt này, muôn đời vẫn thế!

Tôi không tin rằng, quyền được đối xử tử tế, quyền được vận chuyển đàng hoàng, xứng đáng với phẩm giá của một con người, lại là đặc quyền của bất cứ ai. Sự tử tế, không bao giờ có được, nếu hành khách không biết đến nó, không đòi hỏi nó. Sự tử tế, cũng không bao giờ đến, nếu người tổ chức và cầm chịch, ở đây là nhà tàu, vẫn còn não trạng ban phát, gia ân.

Hoan Thiện (Thứ Năm, 12/02/2009)
Nguồn: http://www.baodulich.net.vn

P/S: Đọc bài viết này, không hiểu sao tôi lại chợt liên tưởng tới Lễ hội hoa Hà Nội mà chúng ta đang bàn. Có vẻ như “lạc đề”… Nhưng những hình ảnh thực tế trong bài viết, mặc dù được phản ánh từ một không gian khác- nhà ga, bến tầu, đường sắt Việt Nam : “Nhà vệ sinh đầy rác rưởi. Hành khách, trong đó có khá nhiều trẻ em, nằm ngồi vật vạ trong tất cả các khoảng trống mà người ta có thể nhét người vào. Nhiều người trải nylon, ngủ ngon lành giữa lối đi, mặc cho người bước qua trên mình. Có gã còn hồn nhiên may ô quần cộc, treo võng tòn ten ngủ ngay trên đầu người khác…” “Tỷ như em gái ngồi ghế nhựa, ngủ vạ vật suốt đêm, nhưng tỉnh giấc là cắn hạt dưa tanh tách, và hồn nhiên xả rác xuống sàn tàu…” lại rất giống với thực trạng và cách hành xử của đám đông nhộn nhạo - thủ phạm gây ra sự thê thảm của Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua. Tác giả bài viết mượn một câu nói “não nề” của GS. Hoàng Ngọc Hiến “Tại cái nước mình nó thế!” để chia sẻ cảm quan và những bức xúc của mình trước hiện tượng phi văn hóa ấy. Điều đáng nhấn mạnh là, mặc dù tác giả bài viết mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh những biểu hiện lâm sàng của bệnh “tâm lý đám đông nông dân” (như chúng ta đã phân tích dưới góc nhìn văn hóa học): “Khi mọi người đều dễ dàng bằng lòng, cam chịu những điều tồi tệ, bất nhẫn, trái tai gai mắt…diễn ra trước mắt. Thậm chí, còn vô tư góp phần vào bức tranh hỗn độn đó…” nhưng ít ra cũng đã thẳng thắn, dũng cảm góp thêm một tiếng nói để cảnh báo rằng: nếu không nhận thức đúng đắn và khắc phục hiệu quả những mặt xấu, mặt trái trong tính cách, thói quen văn hóa truyền thống của dân tộc “thì đến bao giờ nước ta mới “sánh vai với các cường quốc năm châu … Và cũng chính họ, từ chỗ bắt đắc dĩ thỏa hiệp, đến chỗ phải cam chịu từ trong vô thức để tồn tại, cho đến việc chủ động góp phần vào bức tranh hỗn độn đó. Thì nước Việt này, muôn đời vẫn thế!”.

Qua một bài báo phản ánh một hiện tượng tưởng chẳng liên quan, càng thấy việc quan tâm góp bàn để cùng tìm nguyên nhân văn hóa cho các vấn đề xã hội đã và đang nảy sinh (như Lễ hội hoa Hà Nội) là một trách nhiệm không nhỏ của những nhà nghiên cứu văn hóa học![/justify]
RANDOM_AVATAR
Cothi
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 4 17/12/08 21:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến9 khách

cron