cơm cháy ơi

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

cơm cháy ơi

Gửi bàigửi bởi thai_quyen0910 » Thứ 7 09/05/09 7:39

3.jpg
3.jpg (3.13 KiB) Đã xem 4443 lần


Cơm cháy ƠI !
Đã một thời, nhà nào cũng nấu cơm bằng bếp củi dưới đáy nồi là lớp cháy khi vàng, khi khét đen. Tôi đã lớn lên cùng những hương vị quen thuộc ấy.

Hai ngày cuối tuần rồi, khu vực nhà tôi bị cúp điện. Ăn cơm “bụi” được một ngày thì cả nhà đều oải. Tôi đành động viên cô bé giúp việc nấu cơm bằng bếp gas. Tội nghiệp cô bé, quen nấu cơm bằng nồi điện ,vần mãi mới chín được nồi cơm cho bảy người ăn. Nhão một chút, sượng một chút cũng không sao, nhưng đằng này cơm bị cháy thành dề dưới đáy nồi, bốc mùi khen khét. Thằng cháu tôi nhăn mũi: “ Dzầy sao ăn chị Nhỏ?”
Nhìn ánh mắt biết lỗi của cô bé, tôi chợt cồn cào nhớ lại cả tuổi thơ của mình, một tuổi thơ gắn liền với những dề cơm cháy.

Cơm cháy là món ăn thuở hàn vi !
Tôi nhớ mình ăn cơm cháy, cơ độn khoai thật nhiều lần năm lên sáu , bảy tuổi, trạc tuổi cháu tôi bây giờ. Thời bao cấp, nồi nhà nào cũng đen quánh lộ nghẹ ( nhọ nồi).Nhà nào khá lắm mới nấu bằng than, còn đa phần là bằng củi.
Ấy vậy nên nồi cơm lúc nào cũng có một lớp cháy. Chị em nào khéo thì cơm vừa vàng mặt, xới ra khi đang nóng hổi, chấm nước thịt kho hay nước mắm tỏi ớt, ăn vừa giòn vừa thơm. Người nào không nhanh tay cào than, bớt lửa sau khi cơm đã cạn nước thì khó tránh đáy nồi cơm khét đen cả dề. Cháy nhiều lần thì cả cái nồi cũng mang dấu ấn riêng. Trong thời buổi gạo phải mua bằng tem, bằng phiếu, thậm chí gạo không đủ ăn, thì nấu cơm cháy đúng là một nghệ thuật. Khi ấy, ba mẹ tôi đang làm công nhân cho nhà máy giấy, gồng lưng nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi họ. Được mẹ giao cho vai trò đầu bếp của cả nhà, hai chị em tôi cũng hết sức “ quán triệt” tiêu chí “ “ nấu cơm không cháy” đẻ tiết kiệm. Quả thật, cơm cháy ăn chơi một miếng thì ngon chứ ăn cả dề, hết bữa này sang bữa khác thì rất chán. Gặp lúc răng đau hay lung lay thì thà bỏ ăn. Người đau bao tử cũng thường được khuyên hạn chế ăn cơm cháy. Càng cháy nhiều càng không nên ăn.
Nhưng rõ rằng với tay nghêg non nớt, lại đang tuổi ham chơi như hai chị em tôi, thì nấu cơm củi lửa mới khó làm sao. Vì thế, dù muốn dù không, nhà tôi vẫn có món đặc biệt này đều đều.
Ba tôi luôn nhường cơm trắng cho cả nhà.
Bữa cơm nhà tôi không mấy khi có thịt, chỉ rau chấm nước mắm kho. Thời buổi khó khăn, thường thì con cái được ưu tiên ăn cơm nạc hay cơm độn. Ba mẹ vừa xơi cơm nạc vừa xơi cơm cháy
Ba tôi hay giành ăn cơm cháy nhất, ông bảo: “ Vẫn ngon hơn cơm bo bo nhiều”.
Sau này lớn lên, tôi mới hiểu chẳng phải ba tôi thích cái món cơm khó nhai, khó nuốt và khiến ông bị đau bao tử ấy. Chỉ vì ba muốn nhường cơm nạc cho mẹ và chị em tôi.
Ba tôi có cách ăn cơm cháy rất lạ. Ông thường chia cơm cháy thành nhiều miếng nhỏ bằng gan tay. Sau đó văt lại như cơm nắm, đặt lên hai chiếc đũa gác song song trên miệng chén, rồi chấm tương hoặc muối mè. Bứa nào ông cũng ăn như thê, nếu cơm khét quá thì ông cạo bớt phần khét đi. Ăn xong cơm cháy, ông mới dằn bụng bằng một, hai chén cơm trắng hoặc cơm độn.
Tôi là đứa hay ăn ké những nắm cơm của ba nhât . Ở tuổi ấy, tôi chỉ biết thích thú nhận từ ba những nắm cơm xinh xinh cứng bên ngoài, mềm dẻo bên trong. Ba con tôi hay gọi thứ cơm cháy ấy là “bánh mì”. Muốn bánh mì có nhân thì cứ sẻ ruột, rắc muối mè vào trong. Càng về sau tôi càng cảm
nhận được tình thương và sự hy sinh của ba trong từng vắt cơm đặc biệt ấy.
Hết thời bao cấp, nhà tôi vẫn nấu cơm bằng lò củi , nhưng “ c nghệ” nấu đã “ chuyển giao” sang cho tôi. Cơm cháy vẫn xuất hiện đều đều vì đáy nồi cơm cạo rửa hoài đã mỏng dính, càng dễ cháy. Nhưng khác hơn, cơm cháy được trưng dụng cho gà, heo mà nhà tôi tăng gia sản xuất. Bệnh bao tử của ba tôi tái đi tái lại, thế nhưng thỉnh thoảng ông vẫn vắt cơm cháy ăn và chia cho cả nhà. Ba ngậm ngùi nói đùa: “ Ăn để nhớ thuở hàn vi”.
Tuổi thơ của tôi đi qua cùng ký ức về món ăn bất đắc dĩ ấy. Bây giờ nhà nhà, từ thành phố đến nông thôn đều nấu nồi điện. Hai từ “ cơm cháy” trở nên xa lạ. Có đứa trẻ con còn không biết cơm cháy là gì. Không biết có ai như tôi, ăn ở đâu nhặt được mẩu cơm cháy thì mừng rỡ. Tôi nhai miếng cơm cháy mà sống mũi cay cay. Ba tôi giờ này ở quê, tuổi đã cao, răng đã yếu, ăn cơm trắng còn khó!

Cơm cháy ngày nay trở thành món ăn xa xỉ.
Vừa rồi, tôi có đọc được đâu đó bài viết “ Nhà quê à! Nhà quê ơi!”. Tác giả đã viết về sự “đổi đời” của những thứ rau dân dã ngày xưa, nỗi ám ảnh của một thời. Ừ, thì cơm cháy của tôi bây giờ cũng trở thành món ăn “xa xỉ” rồi đấy!

Cơm cháy được sản xuất công nghiệp hẳn hoi, phủ một lớp thịt chà bông, ít tôm khô xào mỡ hành. Ăn giòn rụm, cay cay, béo, thơm, ngon đáo để. Có lần, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp rủ nhau đi mua một loại cơm cháy ở khúc đường Lê Thánh Tông, Q1, TpHCM. Ăn một lần mà nhớ mãi hương vị.
1.jpg
1.jpg (3.46 KiB) Đã xem 4443 lần

Bây giờ, nhiều quán ăn từ bình dân đến sang trọng cũng có những món cơm cháy khai vị. Mà giá một đĩa cơm cháy cỏn con ấy cũng đâu có rẻ. Nhiều Việt Kiều về nước ăn thấy hay hay lại còn mua, đóng thùng đem sang xứ lạnh, dành nhấm nháp trong những ngày đông. Chắc là cũng để nhớ lại cái thuở hàn …
Rõ là thời cuộc đổi thay, số phận của một món ăn cũng thay đổi, huống chi con người. Chỉ có ký ức của tôi vvaf cơm cháy là vẫn nguyên vẹn sau hơn hai mươi năm. Nó vẹn nguyên và quảng đại như tình thương của ba mà sau này khi có con, tôi mới hiểu trọn vẹn…..
2.jpg
2.jpg (4.35 KiB) Đã xem 4443 lần
RANDOM_AVATAR
thai_quyen0910
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Chủ nhật 22/02/09 19:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến28 khách