TRANG PHỤC PHỤ NỮ MIỀN TÂY NAM BỘ QUA GIAO TIẾP VĂN HÓA

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

TRANG PHỤC PHỤ NỮ MIỀN TÂY NAM BỘ QUA GIAO TIẾP VĂN HÓA

Gửi bàigửi bởi Nguyen Thi Kim Anh » Thứ 6 07/01/11 16:40

Theo các nhà nghiên cứu, lịch sử văn hóa Nam Bộ được tính mốc từ năm 1623 khi vua Chân Lạp cho chúa Nguyễn di dân Việt đến định cư ở Prey Kôr (Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Vùng đất Nam Bộ bấy giờ chỉ là một vùng hoang dại với hệ thống đất đai trũng, úng, sình lầy, sông rạch chằng chịt. Bắt đầu từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở vào. Cuối thế kỷ XVII, chúa Nguyễn tiếp nhận một đoàn người Hoa đến quy thuận và cho họ đến khai phá và định cư ở Biên Hoà - Đồng Nai. Tiếp đó mộ dân từ Quảng Bình vào chia đặt doanh, huyện, lập hộ tịch. Như vậy, phải gần một thế kỷ sau Nam Bộ mới bước đầu được định hình một vùng văn hóa. Một nền văn hoá vùng, miền hình thành qua thời gian một thế kỷ không phải là dài và khi người Việt đến vùng đất mới mang theo hành trang với vốn văn hóa đúc kết hàng ngàn năm của dân tộc Việt đã góp phần tạo nên nền tảng của hệ giá trị văn hóa Nam Bộ. Những giá trị văn hóa trải qua quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội trong lịch sử, đã dần tạo nên những giá trị độc đáo của vùng văn hoá Nam Bộ như hiện nay.
Hệ giá trị văn hóa Nam Bộ là truyền thống văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi hình thành phong cách văn hóa riêng của một vùng đất mới với tính năng động, nhạy bén, dám nghĩ và dám làm của người dân Nam Bộ đã tạo cho vùng văn hóa Nam Bộ có những nét đặc thù riêng, khó lẫn trong diện mạo các vùng văn hóa khác ở Việt Nam. Như vậy, nói đến Nam Bộ là nói tới vùng đất mới, vùng đất giàu có. Thiên nhiên ưu đãi, đã dung nạp những người rời bỏ quê hương cũ tới đây lập nghiệp. Tính chất mới mẻ, hào phóng, cởi mở của thiên nhiên, của con người Nam Bộ đã thể hiện ở tính cách, ở nếp ăn ở, mặc, giao tiếp của con người. Người Nam Bộ xưa giản dị trong nếp ăn ở. Đi khai phá vùng đất mới, họ chỉ có trong tay chiếc phảng phát cỏ, xuồng ba lá, chiếc nóp nằm tránh muỗi; nơi đã định cư thì chỉ có túp lều dựng từ thân, lá của dừa nước. Quần áo của nam và nữ không mấy khác nhau, bộ bà ba đen mộc mạc với chiếc khăn rằn… Người Nam Bộ mới mẻ để lại quê hương xứ Bắc, xứ Trung nhiều lề thói, cung cách sống cổ truyền, với bản lĩnh vốn có của mình, vào đây thích ứng, tiếp thu, năng động, mới mẻ. Ta không thấy nơi người Nam Bộ những chiếc áo dài tứ thân, năm thân với kiểu cách “mớ ba” “mớ bảy”, chiếc váy cổ truyền, chiếc yếm thắm cổ xây với đủ loại thắt lưng xanh, đỏ… Ở họ, ta thấy sự giản dị đến mới mẻ, do thích ứng giao hòa với xung quanh tùy theo thời cuộc, để tạo nên bộ mặt mới, phong cách mới của văn hóa Nam Bộ.
Nam Bộ là vùng đất hội tụ các nền văn hóa của các tộc người khác nhau nên sự tiếp xúc văn hóa ở đây diễn ra ở đây vô cùng đa dạng và phong phú đặc biệt là về trang phục của người phụ nữ Miền Tây Nam Bộ
Yếu tố đồng nhất trên lĩnh vực văn hóa vật chất thể hiện qua trang phục phụ nữ của các dân tộc ở miền Tây Nam Bộ, rõ nét nhất phải kể đến là chiếc áo bà ba đen. Đây có lẽ là loại áo phù hợp với các điều kiện môi sinh, thời tiết, lao động ở Nam Bộ. Người Khmer mặc áo bà ba phổ biến như người Việt. Phụ nữ Chăm Islam trung niên cũng mặc áo bà ba với váy (khănh). Còn người Hoa làm rẫy cũng như tầng lớp thị dân cũng quen mặc áo bà ba. Qua con đường giao tiếp văn hóa, áo bà ba trở thành chiếc áo tiêu biểu, đặc trưng của nông thôn Nam Bộ.
Ta cũng có thể thấy yếu tố khá tương đồng giữa bộ “áo dài” của phụ nữ Việt, Hoa, Chăm Khmer ở Nam Bộ. Áo dài của phụ nữ Việt ảnh hưởng phần lớn từ áo “choèn chỉ” của phụ nữ Hoa (cổ cao, áo cài cúc ở hò bên phải…), áo “srây” của phụ nữ Khmer giống áo “táh” của phụ nữ Chăm (cổ xẻ hình trái tim, bít tà…). Khi cải tiến áo “táh” của phụ nữ Chăm ảnh hưởng một số chi tiết từ áo dài của phụ nữ Việt (cổ cao, tay ráp “raglan”), còn áo “srây” của phụ nữ Khmer mặc với quần dài như phụ nữ Việt (thay vì trước kia mặc với váy).
Màu đen là màu phổ biến, cũng mang tính chất đặc trưng và đồng nhất trên trang phục của cả bốn dân tộc ở Nam Bộ. Những loại vải ngoại nhập xuất hiện nhiều ở Nam Bộ vào giữa thế kỷ XIX là loại vải đen “vải xiêm”, “vải ú” cùng các loại vải ta được dệt và nhuộm ở Nam Bộ cũng chủ yếu là màu đen. Người Việt ở Trung Bộ khi mới vào Nam Bộ khẩn hoang thường mặc y phục nhuộm màu nâu và màu chàm. Đó cũng là hai màu y phục phổ biến của cư dân vùng đồng bằng và vùng núi rừng Bắc Bộ. Sở dĩ các cư dân ở Nam bộ chọn màu đen vì nó phù hợp với điều kiện lao động, sinh hoạt vất vả và nhọc nhằn do môi sinh, thổ nhưỡng ở đây vốn nhiều “phèn chua, nước mặn”, không màu sắc nào ngoài màu đen có thể chịu được.
Chiếc khăn rằn mà cả bốn cư dân Việt, Hoa, Chăm, Khmer ở Nam Bộ đều sử dụng đến mức thông dụng, cũng là một yếu tố đồng nhất trong văn hóa vật chất. Nó là một sản phẩm mà cả ba dân tộc Việt, Hoa, Chăm vay mượn, chịu ảnh hưởng của người Khmer trong quá trình giao tiếp văn hóa. Đó là khăn “krama” của người Khmer ở Campuchia và chính người Việt trước kia thường gọi là “khăn Nam Vang”, còn người Chăm Islam ở An Giang gọi nó là “khănh kama” (hiện tượng biến âm của phương ngữ, mất âm r) mà họ đã có tập quán quen dùng khăn này từ khi họ còn ở Campuchia, sau đó chính họ đã dệt loại khăn này để bán rộng rãi trong thị trường nội địa. Còn người Hoa nhất là người Triều Châu làm rẫy cũng dùng khăn này khi đi tắm nên họ còn gọi nó là “ệk bậu”. Người Việt quen dùng khăn này để đội đầu, cột quanh trán, quàng cổ, vắt vai…
Nón lá của người Việt cũng đã trở thành yếu tố đồng nhất của cả bốn dân tộc ở miền tây Nam Bộ. Ngay cả việc dùng âu phục theo kiểu giản đơn (quần tây, áo chemise) cũng là hiện tượng đồng nhất trong trang phục của phụ nữ Nam Bộ khi giao tiếp văn hóa với phương Tây và văn hóa Mỹ.
Nếu một tộc người chỉ ảnh hưởng, vay mượn đơn phương những yếu tố văn hóa của dân tộc khác mà mình tiếp xúc hoặc cả hai dân tộc cùng ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau một cách ngẫu nhiên, tình cờ, vô ý thức thì đó chỉ là sự giao tiếp bình thường. Còn nếu hai tộc người giao tiếp văn hóa lẫn nhau theo hai chiều, có qua có lại, chứ không phải đơn phương ảnh hưởng từ một phía nào, thì có thể xem đó là sự giao tiếp văn hóa đôi. Hiện tượng đó diễn ra trong trường hợp hai dân tộc đó biết chọn lọc từ nền văn hóa của nhau những yếu tố thích hợp để đưa vào văn hóa của mình mà không có sự va chạm nhau. Họ biết tự điều chỉnh, tự cải biến những dạng thức văn hóa truyền thống của họ cho phù hợp, thích ứng với môi trường thiên nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội tại chỗ và với nền văn hóa của tộc người mà họ tiếp xúc, gặp gỡ. Điều đó dẫn đến kết quả là cộng đồng tộc người đó vẫn giữ được nét đặc sắc văn hóa truyền thống của mình, đồng thời, vẫn đón nhận tiếp thu những yếu tố của các nền văn hóa khác để hội nhập vào nền văn hóa của mình tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền văn hóa dân tộc.
Thời nào cũng vậy, mỗi con người đều có thể chọn trang phục theo sở thích riêng của mình, nhưng không thể thoát khỏi sự ràng buộc của truyền thống và sự qui định của thời đại. Ăn mặc là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và với các quan hệ xã hội. Trang phục của phụ nữ Nam Bộ thời kỳ này là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, của sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong nước và giữa nước ta với thế giới.
Trang phục vừa là sản phẩm của thời đại, vừa là bộ mặt của thời đại, do vậy trang phục phải phù hợp với thời đại mà mình đang sống. Tính thời đại của trang phục là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý và khoa học giữa truyền thống và hiện đại. Truyền thống là những nếp nghĩ, những thói quen, những chuẩn mực vốn đã định hình và trở nên bền vững, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi thời kỳ lịch sử, nhất là những thời kỳ có biến đổi cách mạng, thì thái độ của con người với di sản truyền thống luôn được đặt ra và có những ứng xử khác nhau. Trong cách ăn mặc truyền thống của dân tộc, mối quan hệ giữa cái đẹp hình thức và cái đẹp tinh thần luôn được đặt ra. Như vậy giá trị tinh thần của truyền thống ăn mặc này vẫn có giá trị khi mà đất nước ta còn nghèo, ăn mặc còn thiếu thốn, nhưng chúng ta vẫn tạo ra cái đẹp của mình.
Trong mấy thập kỷ gần đây, y phục các dân tộc nước ta đang trong xu hướng biến đổi, cách tân không ngừng, vươn tới tính hiện đại của y phục. Do vậy, tính hiện đại của y phục phải đáp ứng được sự hài hòa và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội công nghiệp hóa. Tính hiện đại của y phục còn thể hiện ở quá trình giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa các dân tộc trong một nước và giữa các nước trên thế giới.
Mỗi thời đại, mỗi con người, mỗi dân tộc có thể căn cứ vào đó mà sáng tạo ra những hình thức trang phục phong phú và đa dạng của mình, để trang phục của con người tiến đến vẻ đẹp hợp lý trong thực tế cuộc sống, xóa bỏ đi những định kiến nhỏ nhen. Nó thể hiện trong cách xử lý, ứng xử của con người với các trào lưu thời trang hiện đại.
RANDOM_AVATAR
Nguyen Thi Kim Anh
 
Bài viết: 28
Ngày tham gia: Thứ 5 14/10/10 15:00
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách