Mèo “phong thủy” đắt nhờ giá trị ảo

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Mèo “phong thủy” đắt nhờ giá trị ảo

Gửi bàigửi bởi rua » Thứ 2 24/01/11 11:09

http://phapluattp.vn/20110123114231383p0c1021/meo-phong-thuy-dat-nho-gia-tri-ao.htm

(PL) - Tết Tân Mão, nhiều mẫu tượng Mèo tài lộc từ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam và thành hàng nóng của thị trường tết. Nắm bắt tâm lý người mua thích hình ảnh mèo trong năm Mão, nhà sản xuất, người bán tượng mèo đã sáng tác ra tượng Mèo “phong thủy”, phủ lên vật trang trí này ý nghĩa tài lộc, may mắn. Ý nghĩa, công dụng tâm linh cộng thêm này đã đẩy giá bán lên cao và bán đắt.

Nhiều mức giá khác nhau
Tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, mỗi bức tượng Mèo “phong thủy” có giá từ 100.000 đến 500.000 đồng. Chất liệu chủ yếu là gỗ và gốm sứ với nhiều màu sắc: trắng, đen, hồng, đỏ, vàng, tam thể... Chủ cửa hàng cho biết: Mèo “phong thủy” có nhiều kiểu dáng, màu sắc với những ý nghĩa khác nhau. Trong đó, loại mèo thân trắng nhỏ, có đốm đen hoặc khoang vàng là loại phổ biến nhất, giá khoảng 100.000 đồng/con.

Một cửa hàng trên đường Lê Thị Riêng (quận 1) bày bán nhiều tượng mèo làm bằng bột đá với giá khá đắt, từ 1,8 triệu đến 4 triệu đồng. Nhân viên bán hàng cho biết khách hàng chọn mua loại tượng này chủ yếu là giới kinh doanh. “Các loại mèo này được mạ vàng non, màu sắc bền trên 10 năm. Mèo túi vàng, mèo trên gậy như ý tượng trưng cho quyền thế, địa vị; mèo cầm hồ lô đem lại bình an; mèo chiêu tài, mèo tấn bảo tượng trưng cho phú quý, sung túc... Các loại này đem tặng cũng rất có ý nghĩa” - cô bán hàng giải thích.

Tuy cửa hàng tạp hóa của mình đã có chưng một con tỳ hưu, tết này bà Lê Thị Ngọc Lan (quận 3) vẫn tìm mua thêm tượng mèo về chưng. “Tôi tuổi Mão mà, ngoài việc mong muốn công việc kinh doanh thuận lợi, cũng muốn có một vật đặt đầu giường để mong được bình an!” - bà Lan nói.

“Tư vấn” quảng bá “phong thủy”
Không chỉ giá cả “trên trời”, nhiều cửa hàng bán Mèo “phong thủy” còn đẻ ra dịch vụ tư vấn để thu hút khách hàng. Anh T., trưởng phòng kinh doanh của một cửa hàng bán vật phẩm phong thủy ở quận Gò Vấp, cho biết: “Năm nay tuy là năm Mão nhưng lượng người mua không tăng đột ngột như tết Canh Dần, vì hổ tượng trưng cho vị thế, quyền lực, còn mèo nhu hơn, thường chỉ được những người hợp tuổi chọn mua. Để thu hút khách hàng, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc tư vấn để họ yên tâm, vừa ý với món linh vật này”.

N., một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bán đồ phong thủy trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), giới thiệu: “Vì đây là một vật thuộc về tâm linh nên tụi em ngoài việc tư vấn giá cả, màu sắc, chất liệu còn hướng dẫn cả cách đặt linh vật sao cho phù hợp. Khách hàng có thể yêu cầu cửa hàng cử người đến tận nơi để hướng dẫn cách đặt tượng với điều kiện sẽ tính phí”. Nói rồi, N. giải thích: “Nếu con mèo giơ tay trái là con đực, biểu tượng thu hút tiền tài, may mắn, thích hợp bài trí tại nơi làm việc. Còn mèo giơ tay phải là mèo cái, biểu tượng thu nạp hạnh phúc, thường được đặt tại phòng ngủ để cầu bình an!”.

Những nội dung tư vấn ngọt ngào này không hề dẫn ra được cơ sở, nguyên nhân nào phải làm như vậy nhưng vẫn được nhiều người tin tưởng.

Box:
* Mèo “phong thủy” là chuyện mới sáng tác!

Trong dân gian, thường quan sát con mèo trong mối quan hệ với con chuột và con chó. Ở mối quan hệ với chuột, mèo là kẻ bên trên, chuyên ức hiếp kẻ dưới. Chuột thì phải cống nạp cho mèo. Quan hệ giữa chó và mèo cũng không hòa thuận lắm. Vì vậy mới nói: “Cãi nhau như chó với mèo”. Ngoài ra, dân gian cũng có có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Nói chung, trong văn hóa Việt Nam, con mèo không có gì nổi trội. Chức năng cũng chỉ giới hạn ở việc diệt chuột.

Còn con mèo “phong thủy” là chuyện người ta nghĩ ra sau này. Nó du nhập từ Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc). Những năm gần đây, cuộc sống ngày càng phát triển, giới kinh doanh mới ăn theo phong thủy, “sáng tác” ra mấy trò chơi này. Người nào có tiền thì cứ mua chơi. Còn chuyện phát tài, phát lộc thì cũng không ai chứng minh được.

GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM

* Mèo không phải là linh vật

Theo quan niệm Đông phương, mèo chỉ có mặt trong thập nhị địa chi, chưa phải linh vật. Mèo chỉ là một con vật có ý nghĩa biểu trưng thông qua hình ảnh mèo bắt chuột, bảo vệ mùa màng, đồ đạc trong nhà.

Việc sử dụng Mèo “phong thủy” chưa là một phong tục. Việc đặt tượng mèo với nhiều màu sắc lấp loáng, sinh động tại cửa hàng, nơi làm việc, văn phòng, bàn tiếp tân v.v… làm vật trang trí là hiện tượng văn hóa bình thường.

Thạc sĩ NGUYỄN NGỌC THƠ, Phó khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM


KHẮC HUY (Pháp Luật TP.HCM)
Phan Thị Thùy Linh - Học viên Cao học K9
http://www.phapluattp.vn
rua
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 16:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Mèo “phong thủy” đắt nhờ giá trị ảo

Gửi bàigửi bởi poettho » Thứ 4 26/01/11 10:48

[center]MÈO MAY MẮN TRONG VĂN HÓA NHẬT BẢN[/center]

Trong văn hóa Nhật Bản, con mèo được coi là vật may mắn dù nó không nằm trong 12 con giáp (chi mão trong văn hóa Nhật tượng trưng bằng con thỏ). Hình tượng chú mèo tròn lẳng dễ thương một tay giơ lên chào, tay kia cầm chữ phúc đã trở nên rất quen thuộc trong tâm thức người Nhật Bản, ít nhất từ hơn 150 năm nay. Đến Nhật Bản, ta có thể bắt gặp tượng chú mèo may mắn ở bất cứ đâu, từ khách sạn sang trọng, cửa hàng cao cấp cho đến hàng quán bình thường và nhà dân. Người Nhật Bản gửi gắm ước vọng giàu sang thịnh vượng qua hình ảnh chú mèo thân thuộc này.
[center]Hình ảnh [Hình ảnh[/center]Nhật Bản truyền thống từng là quốc gia nông nghiệp, và tất nhiên người Nhật cần dùng đến mèo để bắt chuột. Chức năng ấy của loài mèo đủ để người Nhật quan niệm loài mèo mang lại sự may mắn. Thế nhưng mèo ở đâu mà không bắt chuột,và đâu phải quốc gia nông nghiệp nào loài mèo cũng được cho là hiện thân của sự may mắn, sang giàu? Loài mèo ở Nhật Bản có gì đặc biệt hơn chăng? Câu chuyện về chú mèo may mắn trong văn hóa Nhật Bản xuất hiện hơn 400 năm trước sẽ là câu trả lời.
Thời Edo có một gia đình chủ hãng buôn giàu có tên là Echigoya. Bố mẹ qua đời, để lại Echigoya tài sản kếch sù, chỉ có điều bản thân chàng chỉ có hai sở thích duy nhất là đánh bạc và chơi với chú mèo cưng đặt tên là Ngọc. Người quản gia hết lời khuyên nhủ nhưng Echigoya tánh nào tật nấy, chẳng mấy chốc mà tán gia bại sản. Đến nỗi trong nhà không còn một đồng tiền nào để mua lương thực trữ cho mùa đông giá buốt. Mọi người lo lắng không thôi nhưng Echigoya chẳng đá động gì. Đến khi bụng đói meo, chàng mới tỉnh ngộ, bèn bảo với con mèo cưng của mình: “Ta nuôi ngươi đến chừng này, giờ ta khốn khó, người hãy đi tìm đồng tiền vàng về cho ta!”.
Con mèo lẳng lặng đi ra, chốc sau nó mang vào một đồng tiền vàng trong sự ngạc nhiên của mọi người. Echigoya mừng rỡ, vội chộp lấy đồng tiền và chạy thẳng tới sòng bạc. Thua bạc, Echigoya lững thững về nhà, cầu xin con mèo nhỏ tiếp tục đi tìm vàng. Con mèo ủ rũ bỏ đi, một lát sau lại mang về một đồng tiền vàng nữa. Echigoya lại tiếp tục nướng tiền vào sòng bài. Lần thứ ba chàng nài nỉ con mèo quý “Chỉ một đồng nữa thôi, Ngọc ạ! Ta cầu xin ngươi!”. Con mèo thiêm thiếp cứ như bị bệnh nặng, song một lát sau cũng xiêu vẹo bước ra cửa. Echigoya bụng nghĩ chắc là con mèo biết được kho báu nằm quanh đây, vì thế chàng bí mật đi theo.
Con mèo lững thững đi ngang mấy con phố, nó rẽ vào một còn đường âm u bóng cây dẫn đến một ngôi đền Shinto hoang vắng. Con mèo dừng lại trước chính điện ngôi đền, ngồi xổm xuống, hai tay chắp lại như đang khấn cầu điều gì. Trong sự tĩnh lặng của ngôn đền thiêng, Echigoya nghe tiếng con mèo thì thầm “xin hãy lấy đi của tôi một ít thịt, một ít lông, lấy đi của tôi cả đôi bàn tay, đôi bàn chân và hãy cho tôi ba đồng tiền vàng”. Đến lúc này Echigoya mới bừng tỉnh, thảo nào mấy dạo gần đây con mèo cưng cứ gầy gò, thểu não. Chàng vội rời chỗ nấp chạy bổ về phía con mèo, lúc này nó đã khô héo và chết cứng, trong tay cầm ba đồng tiền vàng.
Echigoya vô cùng hối hận, chàng quyết tâm xây dựng lại cơ nghiệp với ba đồng tiền đánh đổi bằng sinh mạng con mèo quý. Trời không phụ kẻ có công, Echigoya sau một vài năm đã phục hồi toàn bộ gia sản tổ tiên để lại và trở nên nức tiếng giàu có. Câu chuyện con mèo hiến thân cho chủ từ đó dần trở nên nổi tiếng.
Đến giữa thế kỷ 19, người Nhật bắt đầu đúc tượng mèo đưa vào thờ trong một số đền Shinto. Người bình dân bắt đầu chế tác tượng mèo may mắn bằng gốm sứ để trang trí ở trong nhà hay nơi buôn bán. Từ đó trở đi, loài mèo ở Nhật Bản chính thức khoác lên mình danh hiệu “sứ giả của phúc lành”.
Tuy chưa có bất kỳ căn cứ nào, song chúng ta không thể không liên tưởng đến mối quan hệ nào đó giữa hình tượng chú mèo may mắn trong văn hóa truyền thống Nhật Bản với chú mèo máy Doraemon luôn mang lại những điều may mắn trong bộ phim hoạt hình nhiều tập cùng tên của Nhật Bản.
poettho
RANDOM_AVATAR
poettho
 
Bài viết: 106
Ngày tham gia: Chủ nhật 28/10/07 20:23
Đến từ: Thành phố Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 4 lần


Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến28 khách