VĂN HÓA ĐÔ THỊ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

VĂN HÓA ĐÔ THỊ

Gửi bàigửi bởi NGUYEN THI NGOC HANH » Thứ 6 11/03/11 22:02

Từ xưa đến nay, đô thị bao giờ cũng là bộ mặt của quốc gia, của vùng miền. Nhìn vào diện mạo văn hóa đô thị có thể thấy cả quá khứ, hiện tại và tương lai, những đặc điểm lịch sử và xu hướng vận động của một nền văn hóa dân tộc.
Văn hóa đô thị Việt Nam, từ văn hóa “đô” đến văn hóa “thị”, từ đô thành đến thị cảng, theo dòng chảy lịch sử, phản ánh những thăng trầm của diễn trình văn hóa Việt Nam. Nói theo GS. Trần Quốc Vượng, là “mặt tiền” của văn hóa dân tộc, nhìn vào đô thị có thể nhận thức rõ quan hệ giữa văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn, văn hóa đô thị và văn hóa cung đình, truyền thống và đổi mới, dân tộc và quốc tế, cơ chế tiếp biến để những yếu tố ngoại sinh chuyển hóa thành yếu tố nội sinh.
Các nhà sử học đã viết ít nhiều về đô thị trung cổ như những sản phẩm đặc thù của Việt Nam thời quân chủ. Có loại đô thị được thành lập hoàn toàn do nhu cầu chính trị của triều đình quân chủ; có loại đô thị thương nghiệp, đô thị – trạm dịch gắn liền với sự phát triển nhất định của kinh tế hàng hóa và thương nghiệp ở các thế kỷ X – XIV; có loại cảng – thị tiêu biểu cho các thế kỷ XVII – XVIII tạo ra một toàn cảnh bột phát và sầm uất của đô thị Việt Nam.
Có những đô thị hành chính thuần túy, thành đô, tỉnh lỵ, huyện lỵ, nơi mà phố phường, chợ búa, bến bãi chỉ mọc lên quanh một cái thành được xây cất làm trị sở, “thị” là phần phụ của “đô”, khi “đô” dời đi thì “thị” cũng biến mất. Có những đô thị kinh tế ở miền núi như Kỳ Lừa, Hưng Hóa, đô thị cảng như Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An, đô thị nội địa như Thăng Long, Sài Gòn – Gia Định.
Đặc điểm nổi bật của lịch sử đô thị Việt Nam là tất cả những “đô thị – kinh tế” đều hưng thịnh một thời, rồi lần lượt suy tàn và nông thôn hóa, chỉ các “đô thị hành chính – kinh tế” mới tồn tại lâu dài.
Dĩ nhiên, từ thế kỷ XX, với ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh phương Tây, lịch sử đô thị Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới.
Chủ đề nghiên cứu văn hóa đô / thành thị ở Việt Nam được tập trung nghiên cứu văn hóa đô / thành thị ở Hà Nội, Huế, Hội An, hiện tại và trong lịch sử. Trước hết là những đô thị từng có tên tuổi một thời, nhưng chỉ còn là nét hào quang mờ nhạt trong hiện tại như Cổ Loa, Phố Hiến. Với Cổ Loa, Nguyễn Doãn Tuân đã làm luận án tiến sĩ về đô thị cổ của thời sơ sử này. (Lịch sử khu di tích Cổ Loa, Luận án Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Hà Nội 1997, Thư viện Quốc gia, ký hiệu L.A 04.07.591). Với Phố Hiến của một thời: Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến, năm 1993, Sở Văn hóa – Thông tin Hải Hưng từng có một hội thảo quốc tế để làm sáng tỏ những giá trị văn hóa của đô thị này.
Với Hội An, hội thảo khoa học quốc tế về Hội An năm 1998 đã được tổ chức, một số tham luận của các tác giả trong, ngoài nước góp phần khẳng định giá trị của khu phố cổ này. Tiếp cận từ tổng thể, với luận án PTS (nay là TS) Các loại hình di tích kiến trúc trong khu phố cổ Hội An (Hà Nội, 1992, Thư viện Quốc gia, ký hiệu LA. 04.07.938, sau được in thành sách) Nguyễn Quốc Hùng đã trình bày những giá trị văn hóa cơ bản của di tích lịch sử – văn hóa này. Năm 1999 khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới, một số công trình nghiên cứu về nó lại liên tiếp xuất hiện như cuốn sách Hội An, di sản thế giới của Nguyễn Phước Tương, Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam của Nguyễn Quốc Hùng.
Với Huế, do vị thế đặc biệt của nó, nhiều công trình nghiên cứu đô thị / kinh đô này đã xuất hiện trong những năm qua. Phần nhiều là các công trình nghiên cứu kiến trúc, lịch sử của các tác giả Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân v.v… Còn thiếu một công trình tổng thể về văn hóa đô thị / kinh đô của Huế.
Hà Nội là thành thị rồi đô thị thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ngay từ khi người Pháp xâm lược rồi cai trị Hà Nội. Gần đây, trong cao trào hướng tới 1000 năm Thăng Long, một loạt các công trình nghiên cứu về văn hóa Hà Nội của các tác giả lớn như GS. Trần Quốc Vượng, GS. Vũ Khiêu, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc liên tục được ra mắt bạn đọc. Xin nêu một số cuốn như Trên mảnh đất ngàn năm văn vật của GS. Trần Quốc Vượng; Hà Nội ngàn xưa của GS. Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán; Hà Nội như tôi hiểu của GS. Trần Quốc Vượng; Văn hóa Thăng Long – Hà Nội, hội tụ và tỏa sáng Trần Văn Bính chủ biên; Danh nhân Hà Nội Lưu Minh Trị, Nguyễn Vinh Phúc, Vũ Khiêu chủ biên; Văn hiến Thăng Long Vũ Khiêu, Nguyễn Vinh Phúc chủ biên. Có thể nói, những giá trị cơ bản của văn hóa đô thị / kinh đô Hà Nội đã được khẳng định.
Văn hóa đô thị ở Việt Nam từ xưa đến nay vẫn bao gồm “văn hóa đô” và “văn hóa thị”.
Với đô thị cổ, không gian “văn hóa đô” phụ thuộc vào tầm vóc bộ máy hành chính, vào quy mô thành, dinh, trấn của các quan lại và những công trình phụ cận. Trừ cố đô Huế tồn tại với nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng và một ít phế tích của Hoàng thành Thăng Long, nhìn chung, kiến trúc “đô” suốt nghìn năm văn hiến, trải qua những cuộc “hí trường” triền miên trong lịch sử, thì những “dấu xưa xe ngựa”, những “nền cũ lâu đài” chỉ còn lại là “hồn thu thảo” u hoài trong “bóng tịch dương”.
Mảng văn hóa phi vật thể của “đô” lại còn nghèo nàn hơn. Khác với phương Tây và Trung Hoa, giới trí thức nho học Việt Nam không tập trung ở đô thị mà ở làng xã. Ngay cả những quan lại trị nhậm trong “đô”, khi thành đạt vinh quy bái tổ, khi hưu cũng về với quê hương bản quán, sống ở làng. Chỉ ở đó, trong quan hệ với làng xã, nho sĩ trở thành tầng lớp khuyếch trương nho học, tham gia tích cực và hữu hiệu vào các hoạt động sáng tác ngôn từ, sáng tạo, bảo quản và lưu truyền các giá trị văn hóa dân gian.
Văn hóa đô thị, như vậy, chủ yếu là “văn hóa thị”. Nhưng với nền kinh tế hàng hóa chỉ có thể dựa dẫm và đóng vai trò phục vụ bộ máy cai trị, phần “thị” phụ thuộc vào phần “đô”, chịu sự khống chế của “đô”, lấy sự đáp ứng các nhu cầu thường nhật của “đô” làm lý do tồn tại, “thị” không thể chủ động phát triển. “Thị” chẳng những không được nhà nước quân chủ coi trọng, mà bộ mặt kiến trúc “thị” cũng bị khống chế nghiệt ngã từ phía quý tộc quan liêu. Mệnh lệnh sau đây là một minh chứng:
Dân phường nhà giáp đường quan
Không được làm gác trông ngang ra đường
Có cần làm chỗ chứa hàng
Chiều cao không được cao bằng kiệu quan !
Bộ máy cai trị thông qua “đô” kiểm soát và khai thác phần “thị”. “Thị” và thị dân không bao giờ có quyền tự quản. Trong thành phần cư dân đô thị, tầng lớp quan lại đại diện cho nhà nước quân chủ có địa vị cao nhất.
Văn hóa “thị” chịu sự níu kéo đa dạng và dai dẳng của văn hóa nông thôn, thậm chí, chịu số phận thua kém trong quan hệ cộng sinh với văn hóa nông thôn.
“Thị” là sự mở rộng của hệ thống chợ quê. Phần lớn phố phường ở đô thị, kể cả Thăng Long, đô thị lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đều mang tính chất thôn làng và chịu sự chi phối của thôn làng. Các phố phường này do các làng độc quyền chiếm giữ, bán các sản phẩm của làng hoặc dân làng ra thành phố vừa sản xuất vừa bán tại chỗ. Những người sản xuất và buôn bán hàng hóa ở đây không phải là thị dân tự do, mà thuộc về làng quê của mình. Họ gắn bó tình cảm với làng, đóng góp nghĩa vụ với làng, với họ. Giỗ tết, hội hè vẫn về làng tham dự. Khi đã an cư lập nghiệp ở thành phố, họ xây cổng làng, xây nhà thờ họ và tổ chức các hoạt động văn hóa như ở quê, có giao lưu trao đổi với làng quê. Làm ăn khá giả thì họ về làng tậu ruộng, khi loạn lạc thì về quê ẩn náu.
Trang 48 sách Đô thị cổ ở Việt Nam của Văn Tạo, Viện Sử học xuất bản năm 1998, có dẫn lại những nhận xét sâu sắc của ông Vũ Quốc Thúc:
“Thị dân Thăng Long không tách hẳn làng xóm và nông nghiệp, họ vẫn nối cái cuống rốn với làng xã được gọi là “nơi chôn rau cắt rốn”, nơi có mồ mả tổ tiên. Họ không có ý thức thị dân mà vẫn mang ý thức thôn làng. Thường họ còn mang cả bát hương thờ thần làng và bát hương nhà thờ họ ra Thăng Long để lập nơi thờ cúng. Thăng Long đầy rẫy đình thờ thành hoàng làng ở các phố phường. Một tác giả phương Tây đếnViệt Nam thế kỷ XVIII đã nhận xét thành thị Việt Nam, chủ yếu là Thăng Long cũng không khác làng xã bao nhiêu. Mỗi làng là một công xã, thành thị lớn thì phân chia thành các phường, mà mỗi phường cũng là một công xã”.
Quốc sách “trọng nông ức thương” và tâm lý trọng nông khinh thương biểu hiện ở mọi tầng lớp, từ quý tộc đến bình dân đã kìm chế nghiệt ngã sự phát triển của văn hóa đô thị. Nghề buôn bị coi nhẹ, thậm chí bị thành kiến. Dưới thời Hồng Đức, nhà vua còn định đuổi tất cả dân thành thị không có hộ khẩu ở Thăng Long phải trở về nguyên quán. Dân thành thị là dân tứ chiếng, sống nơi đất khách quê người, đứng ở bậc cuối trong bảng giá trị “dĩ nông vi bản, dĩ thương vi mạt” nên lại càng có nhu cầu gắn bó chặt chẽ với quê hương bản quán.
Một không gian văn hóa “thị” mang đậm tính mô phỏng văn hóa làng, một tầng lớp thị dân không có ý thức thị dân mà mang đậm ý thức dân làng, một nhà nước quân chủ chuyên chế và quan liêu đóng vai trò kìm hãm sự phát triển của đô thị, xu hướng nông thôn hóa thành thị là tất yếu, phổ biến và lâu dài.
Có một mảng sách viết về văn hóa ẩm thực, chủ yếu ở Thăng Long, Huế và Sài Gòn, thú ăn chơi ở đô thị, dù đế vương hóa hay kiểu cách hóa thì vẫn mang dấu ấn của ngon vật lạ chợ quê và thi vị phong lưu nông nhàn.
Đó là đô thị và văn hóa đô thị trong xã hội quân chủ chuyên chế Nho giáo. Khi Việt Nam giao lưu tiếp xúc với văn hóa Pháp và phương Tây, từ đầu thế kỷ XX đã hình thành một mạng lưới đô thị kiểu mới, tiêu biểu là Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, … Văn hóa đô thị mới này đang từng bước hình thành diện mạo riêng của nó. Tuy nhiên quá trình này quanh co, phức tạp, rất khác nhau ở mỗi vùng miền. Có thể nói rằng sự đổi mới và dáng dấp diện mạo văn hóa đô thị hiện đại ở Việt Nam chỉ thực sự tăng tốc trong những năm cuối thế kỷ XX.
Diện mạo văn hóa đô thị đang thay đổi từng ngày. Khác với xã hội Việt Nam dưới thời quân chủ, khi mà tầng lớp trí thức – thầy đồ tập trung nhiều ở làng xã, trong xã hội hiện nay, đô thị lại là nơi có mật độ dân cư rất cao, tập trung đông đảo các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, học sinh, sinh viên … nghĩa là bộ phận dân cư có học vấn, có trình độ văn hóa, có thu nhập cao hơn nhiều so với cư dân làng xã. Họ có năng lực sáng tạo, nhu cầu và thị hiếu văn hóa nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ dân trí của cộng đồng. Vì vậy, ngày nay không còn là thời nông thôn hóa thành thị, mà là xu hướng ngược lại, đô thị hóa nông thôn. Những gì không thể đứng vững ở đô thị, không được thế hệ trẻ tiếp nhận, phải lui về tồn tại ở nông thôn thì cần thiết phải xem lại chính mình. Trở về nông thôn không đồng nghĩa với trở về dân tộc. Trình độ và thị hiếu nông dân không đại diện cho trình độ dân trí.
Văn hóa đô thị đang diễn ra cùng một lúc cả hai xu hướng: có văn hóa nhà nước, văn hóa “bao cấp” và văn hóa vận hành “theo cơ chế thị trường”, theo xu thế “xã hội hóa”. Tuy nhiên, những vấn đề về văn hóa đô thị hiện đại, xu hướng vận động và phương thức quản lý, mối quan hệ hai chiều giữa văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay … vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.
RANDOM_AVATAR
NGUYEN THI NGOC HANH
 
Bài viết: 13
Ngày tham gia: Thứ 6 11/03/11 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HÓA ĐÔ THỊ

Gửi bàigửi bởi tranhungminhphuong » Thứ 7 12/03/11 7:21

Bài viết của bạn về văn hóa đô thị hiện nay là một vấn đề văn hóa đang được đặt ra. Tôi xin trích dẫn bài viết của GS Tương Lai nói về văn hóa và đô thị hóa hiện nay:
Trong tiến trình của sự nghiệp phát triển và hội nhập đi vào chiều sâu, khi mà công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa đang được đẩy tới, thì hệ thống giá trị cũng đang chuyển đổi những gì phụ thuộc vào định hướng của phát triển và cung cách triển khai công nghiệp hóa. Mặt khác, chính hệ giá trị với những chuẩn mực của nó, ở đây là văn hóa và chuẩn mực văn hóa, sẽ tác động trở lại rất mạnh mẽ đến sự nghiệp phát triển, đến công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đô thị hóa.

Tư tưởng “an bần lạc đạo” của nho giáo nâng tầm triết lý dân gian “đói cho sạch rách cho thơm” từng một thời là chuẩn mực sống của nhà nho quân tử, mẫu hình cho xã hội xưa noi theo. Chuẩn mực đó cao thượng và đẹp đẽ thật song quả là khó thực hiện với số đông khi mà “đói thì đầu gối phải bò”. Ở một hướng tiếp cận khác, thì chính cái triết lý “an bần lạc đạo” ấy ru ngủ con người triền miên trong giấc mộng tiểu nông. Đó là con người "tiểu kỷ" tự bằng lòng và cam chịu, tác giả của sự trì trệ, lạc hậu của nền sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc không sao chuyển được sang kinh tế hàng hóa, đẩy đến kinh tế thị trường. Và thế rồi, dần dà người ta ngày càng “ngộ” ra được một sự thật xót xa “nghèo thường dễ đi liền với hèn”. Giàu trở thành một hướng phấn đấu. Không chỉ với khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh”, mà mỗi cá nhân cũng phải tự bươn chải để sống và để giàu. Trên màn ảnh tivi người ta dẫn dụ rằng “làm giàu không khó” và kích thích giấc mơ “trở thành triệu phú”. Mọi “trò chơi”, kể cả sự trau dồi tri thức khoa học trên “đường lên đỉnh Olympia” thì động lực kích thích cũng hiển hiện trắng phớ ra bằng tiền, bao nhiêu, bao nhiêu đồng một bậc! Hoành tráng và hùng hồn hơn là người ta đăng đàn diễn thuyết cho “lý tưởng làm giàu của tuổi trẻ thời đại hôm nay”.

Rồi, cứ theo đà của cái gọi là “lý tưởng” đó, dẫn dụ theo logic đó những phản giá trị từng bị lên án lại đang trở thành sự quen thuộc trong ứng xử của cái gọi là "thời buổi kinh tế thị trường”. Đại loại như: "nén bạc đâm toạc tờ giấy", "có tiền mua tiên cũng được" rồi "miệng nhà quan có gang có thép", “chân lý thuộc về kẻ mạnh” cho nên “cá lớn cứ việc nuốt cá bé”. Người ta quên mất rằng, đó là sản phẩm của một thứ kinh tế thị trường hoang dã buổi sơ khai trong hành trình tích tụ tư bản, chứ không thể là kinh tế thị trường văn minh mà chúng ta đang cố tạo dựng. Đương nhiên, việc đó rất khó. Nó tùy thuộc vào cách chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa như thế nào, từ đó quy định phương thức hội nhập với thế giới. Điều này đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ và bản lĩnh của cả dân tộc, phải huy động sức nghĩ và sự đóng góp của toàn xã hội, trong đó trước hết là những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, những trí thức tâm huyết...

Tóm lại, phải huy động ở mức cao nhất sức mạnh văn hóa, xác định rõ văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Bằng sức mạnh văn hóa ấy mà đến với thế giới, mà hội nhập quốc tế. Nội hàm của khái niệm văn hóa cần phải thật tường minh, nhưng để có được sự tường minh đó thì có lẽ phải bác bỏ một lập luận “muốn hội nhập, phải thoát khỏi văn hóa làng xã” như nó từng được tờ báo nọ giật một cái tít rất đậm. Buộc phải nói điều này, vì ở đây liên quan trực tiếp đến những vấn đề cứ tưởng nhớ chẳng liên quan gì đến công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ phải nói dưới đây. Thật ra, xem kỹ nội dung bài báo thì tác giả chỉ muốn phê phán một số thói quen, tập quán xấu “từ văn hóa làng xã mà ra”.

Đấy là chưa nói đến cách đây không lâu, nhân có lệnh cấm hàng rong, một tờ báo đã chỉ ra một cách nhìn tệ hại "đô thị hôm nay là để cho những người có tiền sống và những người nghèo muôn phương xin đừng về Hà Nội kiếm ăn làm nhếch nhác cái đô thị này". Liệu cách nghĩ ấy có dây mơ rễ má gì với chuyện “thoát khỏi văn hóa làng xã” không, song cho dù không thì vấn đề “Văn hóa làng xã” vẫn ăn phải có sự nhìn nhận thật thấu đáo..

Thử hỏi, khi chúng ta nói bản sắc dân tộc, nói đến sự "đậm đà của bản sắc" ấy là muốn nói đến cái gì phải chăng là nói đến cái “hồn dân tộc” tiềm ẩn trong di sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đời sống Việt Nam? Phải chăng câu thơ từng làm lay động lòng người “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, chính là do đã phần nào khơi đúng nguồn mạch văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng trong văn hóa dân gian để từ đó mà được chưng cất, nâng cao lên trong văn hóa bác học. Trong cái nguồn mạch văn hóa dân gian ấy kể cả trong những huyền thoại chuyện cổ tích đều ẩn chứa cái "hồn dân tộc" ấy.

Huyền thoại "Thánh Gióng" là gì, nếu không phải là hình tượng thăng hoa của hiện thực đất nước: ngay khi mới nằm trong nôi đã nghe tiếng vó ngựa ngoại xâm, tuổi thơ Việt Nam phải vụt lớn nhanh lên và tạo được bản lĩnh đủ sức đánh giặc cứu làng, cứu nước. Những “lốt chân ngựa Thánh Gióng” vẫn còn đó trên cánh đồng vùng Kinh Bắc. Phải cảm nhận cho được cái "hồn dân tộc vừa xa xôi trừu tượng, vừa gần gũi sâu lắng ấy, đặng lưu giữ và làm ấm sáng mãi niềm tin vào nguồn mạch vô tận của sức mạnh văn hóa dân tộc. Huyền thoại ấy, chính là tâm thức của dân tộc, là khát vọng sống, là ý chí Việt Nam, làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Mà nói thật gọn và đơn giản, bản sắc văn hóa Việt Nam là "văn hóa nhà – làng - nước" trong đó văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước gắn bó, tương tác với nhau như những phân hệ trong hệ thống làm nên tính độc đáo của văn hóa dân tộc.

Mà xem ra, bản sắc văn hóa dân tộc, không có được bao nhiêu ở nhịp sống gấp hối hả trong bươn chải vì cuộc mưu sinh và vội vã hưởng thụ nơi phồn hoa đô hội kia. Nó thường tiềm ẩn sâu kín ở chốn “thôn cùng xóm vắng”, nơi Nguyễn Trãi mong "sao cho không có tiếng kêu than hờn giận oán sầu để giữ được cái gốc" của văn hóa. Nhờ vậy mới hun đúc, giữ gìn được văn hóa dân tộc trước âm mưu tận diệt văn hóa của các thế lực ngoại xâm. Giữ được văn hóa dân tộc chính là giữ được cái gốc của nước. Cái gốc ấy nằm ở đâu nếu không từ “văn hóa làng”, từ một sự thật lịch sử: khi nước mất thì làng vẫn còn, để rồi từ làng mà gây dựng lực lượng, lấy lại nước. Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, nhà và nước, xét đến cùng, cũng quy tụ ở làng.

Đó là một thực tế sống động để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, tạo nên nét độc đáo Việt Nam mà một học giả Pháp tụng nêu lên: "Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải". Khả năng kỳ lạ đó do đâu và nằm ở đâu? Chuyện này có liên quan gì đến “văn hóa làng” không?

Liệu có phải hồn dân tộc ẩn chứa trong hình hài văn hóa làng? Để mất cái đó là mất nguồn mạch sống của dân tộc. Khi tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải biết nuôi dưỡng cái nguồn mạch ấy để từ đó mà đến với thế giới. Thử hỏi, không từ bản lĩnh văn hóa dân tộc ấy từ bản lề Việt Nam ấy, thì có cái gì mà đến với thế giới? Chẳng lẽ cứ đào bới mãi tài nguyên từ lòng đất ông cha từng gìn giữ bằng màu xương của biết bao thế hệ để đem bán? Hay đến với thế giới bằng giá nhân công rẻ mạt của người lao động nghèo vốn không được học hành vì cha anh họ phải cầm súng thay vì cầm bút? Chẳng nhẽ cái logo của "thương hiệu Việt" là cục than đá, thùng dầu thô và cái lưng trần dầu dãi nắng mưa của người nông dân vừa rời quê ra tỉnh để bán sức lao động rẻ mạt? Không! Phải từ văn hóa, từ bản lĩnh văn hóa. Mà xét đến cùng, mảnh đất nuôi dưỡng và đẩy tới sự thăng hoa của những giá trị văn hóa Việt Nam không thể nằm ở đâu khác từ chiều sâu của nền văn hóa làng.

Ấy vậy mà, nền tảng của “văn hóa làng” đó từng bị phá phách trong cải cách ruộng đất khi đình chùa miếu mạo biến thành kho hợp tác, khi các giá trị văn hóa tiềm tàng trong một số thiết chế và phong tục tập quán, trong các lễ hội, các sinh hoạt tâm linh bị phôi pha, bị vùi dập của một thời nay đang cố phục dựng lại. Cũng có cái làm được, cũng có cái trơ thành pha tạp, lại càng cần phải có cách thanh lọc khi phục dựng, kế thừa và nâng cao trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa hôm nay. Điều đáng phải dóng tiếng chuông cảnh báo là những tinh hoa của nền văn hóa làng ấy đang tiếp tục bị đập vỡ, bi băm vụn ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về một tầm nhìn văn hóa mà “Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó thì cái còn lại còn gì là đáng giá” (Phạm Văn Đồng, "Văn hóa và đổi mới").

Chính vì thế quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đang dồn dập diễn ra phải làm thế nào để không tiếp tục đẩy tới sự tàn phá hoặc làm suy yếu nền tảng ấy, mà một trong những biểu hiện dễ thấy của nó là nông thôn và nông dân đang là khu vực gánh chịu nặng nề hệ lụy đáng tiếc của một số giải pháp thiếu cân nhắc của công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Để có “hiện đại hóa” một cách chất lượng phù hợp với thực tế Việt Nam, tâm thức Việt Nam thì “công nghiệp hóa, đô thị hóa” phải được hoạch định với một tầm nhìn vượt khỏi kiểu “tư duy nhiệm kỳ” để rồi thường xuyên phải “quy hoạch lại”. Khi quy hoạch đô thị, chỉ thấy đô thị mà quên mất nông thôn, đẩy tới sự phá vỡ tính hài hòa mạch sống đất nước. Một mặt khiến cho không gian tồn tại của hàng triệu cư dân đô thị cứ bị co kéo, méo mó khi mà đặc thù của lối sống đô thị đòi hỏi cơ cấu tổ chức và cung cách quản lý hoàn toàn khác. Mặt khác, không dự liệu được luồng di dân nông thôn – đô thị tất yếu ngày càng dồn dập sẽ phá vỡ toàn bộ cảnh quan cũng như guồng máy vận hành đất nước, trong đó có cả đô thị và nông thôn. Mà nông thôn thường bị bỏ quên và chịu sự thua thiệt, khốn đốn như chuyện người nông dân vào thành phố bị đối xử như những “phó thường dân”. Để đảm bảo mỹ quan của diện mạo đô thị, không thể dễ dàng hạ lệnh cấm hàng rong, khi chính hàng ngàn gánh hàng rong ấy là giải pháp tự xóa đói giảm nghèo của những gia đình nông thôn tìm đến đô thị để kiếm việc làm. Chỉ tính riêng Hà Nội, đã có tới 1,16 vạn người, trong đó có 93% là phụ nữ tuổi từ 40 trở lên, thì gánh hàng rong của những người mẹ, người vợ, người chị ấy sẽ nuôi thân phận khác trong gia đình của họ! Đừng quên Nguyễn Du đã từng xót xa, thông cảm với những “đòn gánh tre chín dạn hai vai” của người phụ nữ sớm khuya tần tảo gánh trên đôi vai gầy còm của mình cả cuộc sống gia đình.

Đương nhiên, không ai dại dột tung hô “hàng rong muôn năm”, lộ trình đô thị hóa, hiện đại hóa song hành với từng bước nâng cao trình độ, thực lực kinh tế và văn minh thương nghiệp, rồi sẽ dẫn đến chuyện đôi vai của người phụ nữ tần tảo không còn phải “chín dạn” với chiếc đòn gánh tre mà suy cho cùng thì cũng vì “nợ áo cơm phải trả đến hình hài”. Xuất phát từ góc nhìn văn hóa đến thấm đượm tính nhân văn thì quy hoạch đô thị phải tính đến chuyện này để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Giải pháp ấy chỉ là một trong những giải pháp của một chiến lược văn hóa nhằm ngăn chặn những suy thoái về đạo lý xã hội, những tác động làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có sự khủng hoảng hệ giá trị xã hội khi cái cũ trở nên lạc hậu còn cái mới thì chưa định hình vững chắc. Đó là một chiến lược lấy con người, hạnh phúc con người làm cốt lõi.

Cái “khả năng kỳ lạ” từng nảy sinh những “giải pháp độc đáo” mà học giả người Pháp nói đến trong câu trích dẫn ở trên không hề là sản phẩm của sự ngẫu hứng cầu may. Đó là kết quả của cả bề dày tích lũy và tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử mà xét đến cùng là sản phẩm của văn hóa Việt Nam, cái làm nên bản lĩnh Việt Nam.
Hình đại diện của thành viên
tranhungminhphuong
 
Bài viết: 46
Ngày tham gia: Thứ 2 07/03/11 19:32
Đến từ: Khoa Đông phương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HÓA ĐÔ THỊ

Gửi bàigửi bởi Phuong Uyen » Thứ 6 18/03/11 22:10

Chào bạn Ngoc Hanh,

Tôi đọc đi đọc lại bài viết VĂN HÓA ĐÔ THỊ (một tiêu đề theo tôi là NGẮN trong MÊNH MÔNG) của bạn có đến hàng chục lần, mà tôi vẫn không thể hiểu được điều bạn muốn chuyển tải đến diễn đàn.

Bạn đang cố giải thích cho chúng tôi về cụm từ "Văn hóa Đô thị"?
Bạn đang cố định nghĩa cho chúng tôi hiểu như thế nào là Văn hóa "đô" và như thế nào là Văn hóa "thị"?
Bạng đang cố gắng liệt kê những tác phẩm hoặc công trình nghiên cứu của những vị giáo sư khả kính về Văn hóa đô thị?

Cố gắng hiểu theo tất cả các ý nghĩa trên, cuối cùng, tôi vẫn không hiếu được Văn hóa đô thị (theo bài viết của bạn) là CÁI GÌ, và ĐÂU là ý chính cho bài viết của bạn, Hanh à!

Bạn đã đọc bài của mình viết bao nhiêu lần?

Thân ái.

TP.HCM 18/03/2011
RANDOM_AVATAR
Phuong Uyen
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 6 18/03/11 21:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HÓA ĐÔ THỊ

Gửi bàigửi bởi vuvantuan » Thứ 5 24/03/11 17:03

Theo mình thấy tựa bài văn hóa đô thị của bạn quá ngắn, chưa đủ các yếu tố để trở thành 1 đề tài.
Theo mình thì có thể dùng 1 tựa đề nho nhỏ như sau: Đô thị Việt Nam nhìn từ góc độ văn hóa học.
Nếu bạn muốn giới hạn đề tài thì có thể thêm địa danh vào để cụ thể hơn.
Xin các tiền bối góp ý.
RANDOM_AVATAR
vuvantuan
 
Bài viết: 36
Ngày tham gia: Thứ 2 14/03/11 7:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến25 khách