CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi nguyenmykhanh » Thứ 7 02/03/13 17:42

Hồi nhỏ, ba thường dắt tôi lang thang ngoài đường, tới nhiều khu vực để chỉ cho biết cái hay cái đẹp của đời sống, của Saigon .
Có lần, đi trên đường Trần Hưng Đạo, tới ngã tư Nguyễn Thái Học, thấy người ta đang chuyển bắp cải từ xe tải xuống, tôi đòi quẹo vào coi thì ba bảo “ khu này không hay lắm, người ta rất dữ, hay cãi nhau và dùng từ không lịch sự … “, tôi hỏi vì sao người ta rất dữ thì ba hẹn lớn lên sẽ giải thích. Tôi cứ thắc mắc rất dữ nghĩa là sao ?

*

Năm vào học Diễn viên, viện cớ phải tập luyện khuya, tôi xin ba mẹ vào Ký túc xá ở cho tiện, tôi không có tiêu chuẩn ở ký túc xá vì hộ khẩu thành phố, nhưng tôi quyết tâm xin cho bằng được vì hai lý do, một là đời sinh viên mà không nếm mùi ở ký túc xá thì phí, hai là vì ký túc xá Trần Hưng Đạo ở ngay sát bên cái chợ mà ba tôi bảo “ người ta rất dữ “, tôi muốn tự tìm câu trả lời .

Đêm đầu tiên ở ký túc xá, tôi được nghe mùi tanh đặc trưng của chợ Cầu Muối khi những cơn gió từ sông thổi mạnh vào cửa sổ phòng tôi ở tầng 7, thì ra ban đêm, người ta khuân vác cá, sò, ốc từ tàu ghe xuống chợ Cầu Muối.

Sáng sớm trèo lên sân thượng, nhìn ra hướng Bến Chương Dương, dưới ánh đường màu vàng, tôi thấy được một phần mờ mờ ngôi chợ từ mé sông, tàu ghe san sát đậu quá nữa con sông, sát bờ là dãy mái che các sạp chợ, con đường nhỏ chật chội đầy người và cần xé, có rất nhiều người khiêng, vác, đẩy xe đi lại, tuy rất đông nhưng không lộn xộn, dường như nó có quy luật, trật tự nào đó. Tôi nghe tiếng xe tải gầm gừ nhưng không nhìn thấy, hướng đường Nguyễn Thái Học bị che khuất .

5h30, ký túc xá mở cửa, tôi ào ra đường đi bộ về phía chợ, xe lam, xe xích lô, xe gắn máy chất đầy ắp rau quả chạy ào ào ra khỏi chợ, tủa ra các ngã đường. Lòng đường Nguyễn Thái Học ngổn ngang, đầy những cần xé, thùng giấy, bao nilon, dây buộc, rơm rạ, nhiều bãi rác to đùng ngay đường đi, các xe đẩy vẫn tới lui thoăn thoắt với tiếng la tránh đường, dô dô ầm ỉ, thoáng nghe đâu đó tiếng chửi thề, rồi tràng cười khanh khách, câu chửi rủa của bà nào đó. Tôi tự nhủ , khu chợ này rất dữ mà, và chờ những điều kinh khủng hơn.

Dãy nhà hai bên đường, mỗi nhà chất một loại rau, củ, trái cây, cao lên gần tới nóc, tràn ra lề đường, cả khu vực thành một bức tranh rau củ nhiều màu tươi rói. Rất nhiều người đang miệt mài làm việc, vừa làm vừa cười nói chọc ghẹo nhau khá vui, người thì cân, đếm cho vào các cần xé, vào chạc, người thì úp lá chuối lên mặt các cần xé đầy rồi dùng dây cột chặt lại, kẻ thì khiêng cho lên xe đẩy, một số em bé, người già chầu chực quanh các núi hàng chờ lượm trái hư, trái đèo do người đếm dạt ra, nhiều người ngủ say trên lề đường, ghế bố, xe xích lô.

Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy nhiều hàng hóa tới như vậy, tôi cứ ngây ra nhìn, hết bên này, tới bên kia, màu xanh của bắp cải còn nguyên lá ngoài, màu đỏ của cà rốt, của ớt, màu vàng của bắp khác với vàng của bí đỏ, của bưởi, màu xanh của trái Su, ớt xanh, rau bó xôi, khổ qua, chuối… Tôi tự hỏi đẹp thế này, hay thế này sao ba tôi lại nói là không hay nhỉ. Tôi có thấy họ cãi nhau đâu dù nói rất lớn tiếng, cũng chưa thấy ai rất dữ.

Buổi chiều tan học, tôi không về ngay ký túc xá mà đi luôn ra chợ, các vựa rau củ phía ngoài có vẻ im ắng hơn, nhường chổ cho hoạt động của một chợ chiều đúng nghĩa với tiếng rao hàng vang lên khắp bốn phương, ai bán món gì giá bao nhiêu thì rao ngắn gọn cho mọi người biết, hợp âm trầm bỗng nhiều lứa tuổi ấy nghe rất lạ tai, rất hay, nó làm tôi nhớ bài “ Phiên chợ Ba tư “. Hai bên đường người ta trải tấm nilon nho nhỏ, rồi bày ra đủ thứ loại rau, củ để bán, nhiều người xách trên tay những bó hành ngò hoặc tỏi, ớt, xả rao 50, 100, nhưng có lẽ đông và giọng khỏe nhất là lực lượng bán cá hấp. Tôi thích các giỏ cá hấp, đó là những con cá bạc má rất tươi nhờ hấp khi còn sống, tùy con lớn nhỏ mà mỗi giỏ từ 3 tới 6 con, bán đồng giá 1000 đồng. Hầu như đây là món ăn quanh năm của sinh viên ký túc xá Trần Hưng Đạo thời ấy vì không còn món nào rẻ hơn nữa, chỉ tốn 1000 đồng, mua giỏ cá hấp về chiên rồi kho ăn nhín từ 4 ngày tới cả tuần. Tôi thường mua rau, củ của các bà già hay trẻ con, họ bán như cho không vì đây là loại dạt, loại hư, đèo mà các vựa bỏ đi .

Càng đi xuống mé sông, chợ càng có vẻ lầy lội, mùi hôi của cá, ốc, nghêu, sò bốc lên, quyện thành một mùi hôi đặc trưng, người bán dưới này buổi chiều ít nhộn nhịp hơn, họ có vẻ trầm lặng, thong dong hơn, hình như họ sống trên ghe hay trên các sạp hàng thì phải . Hai bên đường, hàng hóa chất trong nhà cũng khác đi, nhà thì chứa than đá, nhà thì chất đầy những bao muối đan bằng bàng, nhà bán khoai lang, khoai tây, dây cước, đèn dầu, thùng, can… Tôi nhìn mặt từng người, cũng chưa thấy ai có vẻ gì là…rất dữ .

Tôi dẫm lên đường sình băng qua Bến Chương Dương, ra bờ sông, tàu ghe neo đậu sát rạt, nắng chiều yếu ớt, nhiều người phụ nữ đang nấu cơm ở mũi ghe, mùi thức ăn thơm phức, trẻ con, đàn ông tắm ở đuôi nghe, vói sang nghe khác nói chuyện ồn ào. Ai đó cất giọng cải lương mùi mẫn, một thế giới nhấp nhô trên sông thật sinh động mộc mạc và chân tình. Nếu nhắm mắt, với những âm thanh nghe được trên khúc sông này, tôi tưởng mình đang đứng trên bến sông một vùng quê bình yên nào đó!

Men theo bờ sông, tôi đi ngang qua các sạp bán nghêu, sò, ốc, hến, tiếng hốt hàng sột soạt cân đong nghêu sò hòa cùng giọng nói rổn rảng và tiếng cười tươi của các chị, chuyện nhà, chuyện chồng con, thoải mái chia sẻ với nhau nơi phố chợ. Mấy cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi sử dụng xe đẩy thành thạo lạng lách rất tài tình, miệng lên giọng mũi “ dô dô “ góp với tiếng xe gắn máy, tiếng rao làm khuấy động bầu trời bắt đầu sụp tối. Tôi đã quen một cậu bé như vậy khi xe đẩy của cậu đụng vào tôi, cậu cười hồn nhiên, liếng thoắng huyên thuyên “ Chị có sao không ? Em la quá trời sao chị hổng tránh? Chị mới vô ở ký túc xá phải không? Chị nào mới lên cũng lơ ngơ vậy đó, năm nào em cũng đụng mấy chị… dô dô , tránh ra , dô dô …” . Cậu bé nói nhanh và đẩy xe cũng nhanh, thoắt cái đã đi rất xa. Sáng sớm hôm sau chính cậu bé gọi tôi từ xa để hỏi thăm “cái chân chị có sao hông?” một cách thân tình như người quen. Cậu tên Đũi , tự xưng mình là dân bụi đời, ngủ chợ.

Tôi ở ký túc xá chừng một tháng thì đã quen khá nhiều các bà các chị bán rau củ nhỏ lẻ ngoài chợ Cầu Muối, họ nhận diện sinh viên trong ký túc xá rất nhanh, và thường bán rất rẻ, vừa bán vừa cho với vẻ rất thông cảm. Dĩ nhiên, tôi quen gần hết nhóm nhóc đẩy xe của Đũi. Chính Đũi đã dắt tôi thị sát chợ đêm, chỉ cho tôi biết vựa này là của bà nào, ông nào, họ từ đâu tới đây lập nghiệp, làm giàu ra sao, con cháu ra sao, có những vựa đã ba đời, tức gia đình họ bám trụ chợ này từ thời Pháp. Nhờ Đũi, tôi yên tâm la cà ngoài chợ tới 2 giờ sáng, biết quy luật ra vô đổ hàng của các xe tải, biết phân biệt xe đổ hàng và xe lấy hàng, biết quy luật phân chia địa bàng làm ăn ban đêm của các nhóm xe đẩy, biết các ông cầm đầu là ai , thường gầm gừ nhau vì những chuyện gì , biết uống cà phê lúc nữa đêm, biết sơ sơ về các ông tài xế xe tải chở hàng, ông xích lô, ông xe ôm, bà bán ớt, bán rau, chị bán thuốc lá, đám em gái bán chanh ớt … nhưng Đũi không bao giờ chịu kể về em cho tôi nghe, chỉ xin “ mai mốt chị thành nghệ sĩ có đi hát thì cho em vé mời, em muốn được một lần vô rạp hát ngồi hàng nhất coi cho đã!”

Tôi ở ký túc xá một thời gian thì nghe các chị sinh viên ở các khóa trên kể với nhau vanh vách về gia cảnh từng bà, cô, chị, em nhỏ bán ngoài chợ, thì ra mỗi sinh viên đều có mối ruột của mình, giữa sinh viên và các chị bán hàng đã hình thành mối quan hệ quen biết, thân thiết, tin cậy, họ biết sinh viên học trường nào, năm thứ mấy, quê ở đâu, ở phòng nào trong ký túc xá, họ đã bán thiếu cho sinh viên khi kẹt tiền. Văn hóa chợ ở Saigon là thế, trao đổi qua lại mỗi lần vài câu, nhiều ngày gộp lại thành câu chuyện dài, người bán người mua hình thành mối quan hệ khắn khít và không giành mối, giành khách của nhau, buôn bán từ nhỏ lẻ tới bán sỉ, đều dựa trên chữ tín.

Sau bốn năm, tôi có cảm giác ngôi chợ này là phần ký túc xá mở rộng của mình, từ những người chạy xe ôm, xích lô, bán thuốc lá, đẩy xe cho tới các bà các chị các em bán rau củ, gia vị, cá thịt ngày nào xa lạ giờ thành quen biết, thân thiết, nụ cười thay cho câu chào, một lời hỏi thăm hôm nay được bán được không, chạy được không, đôi khi dừng chân nghe thêm vài lời than thở, vài lời trách móc hoặc họ hỏi chúng tôi về thi cử, về nghĩ hè, nghĩ tết, ngay cả chuyện mập, ốm, xanh xao, muộn phiền họ cũng nhận ra và hỏi thăm xem tại học thi mệt hay bị bệnh, hỏi cả chuyện tình yêu nếu vài lần ra chợ mà thiếu người kia. Cũng lạ, sinh viên đi chợ buổi chiều ở đây thường đi cả đôi, nên họ cũng nhớ cả cặp, thấy vắng là hỏi ngay. Cảm động nhất là mỗi khi báo đài đăng tin tỉnh nào bị bão lụt mất mùa, hầu như họ chờ sinh viên của tỉnh đó ra để hỏi thăm gia đình ở quê có bị làm sao không… Mọi thứ diễn ra dung dị, chân tình lạ lùng, họ yêu quý sinh viên vì trọng tri trức và thương xa nhà thiếu thốn, sẳn sàng san sẻ, mặc dù chính họ cũng chạy chợ ăn từng ngày.

Bốn năm, nhiều lần tôi chứng kiến những cuộc cãi nhau, chửi nhau những từ rất thô tục, thậm chí đánh nhau, nhưng tôi không thấy có gì đáng sợ, không thấy họ rất dữ như từng nghe dư luận kể lại. Tôi nghĩ họ chỉ nhất thời nóng giận, phản ứng, chứ không phải bản chất, nó không che được cái tình của họ với nhau, của dân tứ xứ tụ về họp thành ngôi chợ này.

Có lần, tôi đã tranh luận quyết liệt với Thầy ở trường khi trong một tình huống kịch, có một nhân vật buông lời có vẻ miệt thị “dân chợ Cầu Muối mà ! “, cuối cùng tôi đã thuyết phục được Thầy cắt bỏ câu thoại đó. Thật ra lúc đó tôi chỉ nghĩ tới Đũi, em rất ghét câu đó !

*

Khi Nhà nước quyết định di dời chợ Cầu Muối ra Tam Bình Thủ Đức, hầu hết cuộc sống của họ bị xáo trộn rất lớn, nhìn thấy cảnh buồn rầu, đau khổ của họ tôi thương lắm, không biết phải làm sao, lúc đó tôi mới thấm thía một điều, bao giờ đằng sau một chủ trương đúng, có ích cho xã hội, cho đám đông lớn thì cũng mang theo bất cập, thiệt thòi rất lớn cho đám đông nhỏ, vấn đề là làm sao hổ trợ, đền bù, san sẻ thiệt thòi đó hợp lý, có tình và công bằng.

Sau ngày chợ Cầu Muối giải tỏa, tôi không còn gặp Đũi nữa, không biết em bây giờ ở đâu !

* *

Ngày nay, mỗi ngày đi về, xuyên qua chợ Cầu Muối xưa, tôi chạy xe thật chậm để nhớ lại vị trí của những sạp hàng, hình dung ngày xưa ai đã đứng bán ở vị trí nào, và để đưa mắt tìm, lỡ Đũi có quay về đây chơi …

Con đường Nguyễn Thái Học giờ rộng sạch, thông thoáng, một cây cầu mới được xây nối liền quận 1 - quận 4, rồi quận 7, lòng kinh được nạo vét, đại lộ Võ Văn Kiệt rộng lớn khang trang, tôi dắt con gái đi vòng quanh và kể về Chợ Cầu Muối ngày xưa, con bé không thể nào hình dung nổi làm sao giữa trung tâm thành phố lại có tàu nghe neo đậu san sát, và từng đoàn xe tải chở hàng đổ xuống từ đêm tới sáng, không hình dung nổi có một ngôi chợ hoạt động suốt hơn một trăm năm không ngừng lại để ngủ .

Tôi tiếc ngày xưa mình chưa kịp quay những thước phim về khu chợ lạ lùng này .


“ Theo Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển thì chợ Cầu Muối có từ triều Nguyễn. Hồi ấy, người ta đào một con kinh rẽ vào từ rạch Bến Nghé - tức đường Nguyễn Thái Học bây giờ - và bắc một chiếc cầu dưới bờ kinh để vận chuyển muối. Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc hai bên bờ kinh. Muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu được vận chuyển về đây để xuất qua Campuchia. Đến khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì những kho muối trở thành hoang phế. Dân tứ xứ chạy giặc về đây cư trú rồi dần dần họp chợ, gọi là chợ Cầu Muối.

Theo nhà văn Sơn Nam thì chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối cùng ra đời vào một thời điểm như nhau, khoảng cách chỉ vài trăm mét bởi một dòng kinh. Cả hai chợ đều là "trên bến dưới thuyền" nhưng con kinh đào sau này lấp lại nên chợ Cầu Muối trở nên xa với bến sông.
Vì sao gọi là chợ Cầu Ông Lãnh? Một bài báo của Phong Vũ Trần Văn Hai (tức Khuông Việt) đoạt giải nhất cuộc thi lịch sử trên báo Tri Tân xuất bản tháng 6-1942 đã kể lại rằng: Năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước cắt đứt Nam Kỳ giao cho Pháp, theo hiệp ước này thì chính quyền Pháp được đặt lãnh sự quán ở Hà Nội và ngược lại, nhà Nguyễn được đặt lãnh sự quán ở Sài Gòn, trụ sở đóng tại góc đường Đề Thám - Trần Hưng Đạo ngày nay, vị lãnh sự ấy là ông Nguyễn Thành Ý (hiện còn tên đường ở phường ĐaKao, quận 1). Công việc chủ yếu của lãnh sự quán lúc bấy giờ là làm thị thực cho người miền Trung vào Sài Gòn mua bán nên ông Nguyễn Thành Ý thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ chiếc cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ. Từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh.

Năm 1875, chính quyền Pháp ở Sài Gòn chính thức cho phép thành lập chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh. Nếu tính từ mốc thời gian ấy thì đến nay đã tròn 125 năm, còn khoảng thời gian trước đó bao nhiêu năm nữa thì vẫn chưa có lời giải đáp “ ( Võ Đắc Danh )


NGUYỄN MỸ KHANH
CHVH.K13B
mykhanhfilm@gmail.com
[left][/left]nguyenmykhanh
mykhanhfilm@gmail.com
Hình đại diện của thành viên
nguyenmykhanh
 
Bài viết: 58
Ngày tham gia: Chủ nhật 13/01/13 16:21
Đến từ: Đài Truyền hình TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 13 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi duongminh163 » Chủ nhật 03/03/13 21:17

chị muốn tìm Đũi rất đơn giãn...."Chưa hề có cuộc chia ly"...)
hjhj, thời gian trôi qua giờ chỉ lại còn kỷ niệm, e k phải là người sg nhưng khi còn là học sinh có đọc tin báo chí có nghe về chợ cầu muối...và có nhiều ý nghĩa k ấn tượng lắm.
Hình đại diện của thành viên
duongminh163
 
Bài viết: 81
Ngày tham gia: Thứ 3 29/01/13 9:15
Đến từ: TP. HCM
Cảm ơn: 51 lần
Được cám ơn: 24 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi nguyenmykhanh » Thứ 2 04/03/13 7:11

Cám ơn Duongminh163 nhé, hồi chương trình mới sản xuất năm đầu tiên,
Khanh có nhờ các đồng nghiệp loan tin tìm giúp, nhưng chưa có kết quả .
Nhưng Khanh vẫn tin rằng sẽ có ngày gặp lại Đũi .

Khanh nghĩ rằng mọi thứ đều mang tính đa dạng , nhiều mặt, vấn đề là ta nhìn ở góc độ nào thôi .
Ban đầu, MK cũng tiếp xúc với ngôi chợ từ "tai nghe" bởi góc nhìn của số đông,
may mắn là sau "mắt thấy" đã có sự tiếp xúc đủ độ dài để cảm nhận phía sau điều mình nghe , thấy là gì.
Trải nghiệm này giúp Khanh rất nhiều trong cách nhìn sự việc xảy ra trong cuộc sống.

Mến chúc Duongminh163 một tuần làm việc hiệu quả nhé !

Thân ái ,

Nguyenmykhanh
[left][/left]nguyenmykhanh
mykhanhfilm@gmail.com
Hình đại diện của thành viên
nguyenmykhanh
 
Bài viết: 58
Ngày tham gia: Chủ nhật 13/01/13 16:21
Đến từ: Đài Truyền hình TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 13 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi ntbichphuong » Thứ 4 06/03/13 21:37

Bài chị Mỹ Khanh viết cảm động quá. Đúng là tuỳ theo góc nhìn của mình và tuỳ theo đối tượng mà mình tiếp xúc thì một nơi thường có nhiều "tai tiếng" như chợ Cầu Muối vẫn có những nét hay của nó. Em cũng từng là sinh viên ĐHTH, hay ra vào ký túc xá 135 Trần Hưng Đạo, và đúng như chị nói, đối với sinh viên nghèo từ tỉnh vào Sài Gòn thì chợ Cầu Muối, nơi cung cấp nhưng thực phẩm không đâu rẻ hơn, đã để lại rất nhiều kỷ niệm.
Bích Phượng NCS K6
RANDOM_AVATAR
ntbichphuong
 
Bài viết: 23
Ngày tham gia: Thứ 4 23/01/13 0:18
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi nguyenmykhanh » Thứ 5 07/03/13 18:08

Cám ơn ntbichphuong , chia sẻ của bạn như liều thuốc bổ ,
giúp những "lính mới " như Khanh bớt ngại ngùng
khi tham gia post bài lên diễn đàn này .

Chúc ntbichphuong một ) 08/03 vui vẻ và cuối tuần thanh thản nhé !

:lol:
nguyenmykhanh
[left][/left]nguyenmykhanh
mykhanhfilm@gmail.com
Hình đại diện của thành viên
nguyenmykhanh
 
Bài viết: 58
Ngày tham gia: Chủ nhật 13/01/13 16:21
Đến từ: Đài Truyền hình TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 13 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi joshtuan » Thứ 7 09/03/13 12:55

Chào chị Khanh,

Bài của chị rất sâu lắng tôi rất thích và tôi đã đọc đi đọc lại hai lần và tôi trộm nghĩ đọc bài này cứ như chương trình "văn nghệ chiều thứ bảy". Mong rằng sắp tới tôi sẽ được đọc nhiều bài hay của chị... Thanks

Tuấn NCS K6
RANDOM_AVATAR
joshtuan
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 2 07/05/12 17:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 7 09/03/13 15:33

Cảm ơn Mỹ Khanh đã giới thiệu cho mọi người một góc đẹp của chợ Cầu Muối.

Những năm 1990, gia đình tôi sống ở đường Cách Mạng Tháng Tám, tuy nhà ở ngay cạnh chợ Hòa Hưng, nhưng do lúc bấy giờ kinh tế khó khăn nên tôi thường chở bà xã đi đến chợ Cầu Muối mua đồ về để tủ lạnh dùng dần. Vì vậy, tôi rất thấm thía những ấn tượng mà Mỹ Khanh, với con mắt của một đạo diễn, đã kể lại (khi Mỹ Khanh phụ giúp đội SV 96 của khoa Đông phương HUFLIT do tôi làm trưởng khoa, có lẽ tôi đôi khi vẫn còn đi chợ Cầu Muối đấy!).

Mặc dù Mỹ Khanh tiếc là không quay được cảnh chợ trước khi bị di dời, nhưng đọc bài viết của chị, tôi vẫn thấy như mình đã được xem một cuốn phim ngắn, với những hình ảnh rất đẹp và đầy chất nhân văn.

Chúc cho nữ đạo diễn “không ưa nói ngọt” của chúng ta tiếp tục cho ra những thước phim ngọt ngào.

P.S. Bạn nào đồng cảm với những dòng trên, tôi khuyên nên đọc và xem thêm những link sau:

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gi ... 92779.html

http://www.youtube.com/watch?v=xbfTgqM1 ... 43&index=1 (Và các clip tiếp theo)
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi hieuhanh89 » Thứ 7 09/03/13 18:30

Hay quá! Em được coi những vở kịch chị Khanh đóng từ lâu lắn rồi, gần đây là những phim học trò chị làm đạo diễn và nay lại được học cùng chị. Câu chuyện của chị thật cảm động, em cũng hy vọng một ngày không xa chị sẽ gặp lại Đũi và cho câu bé một vé mời xem phim/kịch của chị hoặc cho cậu một vai diễn thích hợp nào đấy (hi), và hơn hết là mong dòng đời không làm Đũi mất đi tính hồn nhiên, khả ái như ngày nào ...

Kính chúc chị Khanh nhiều sức khỏe, mãi tươi trẻ nhé!
RANDOM_AVATAR
hieuhanh89
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 7 29/09/12 8:30
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi nguyenmykhanh » Thứ 2 11/03/13 7:45

Johntuan thân mến !

Cám ơn Tuấn đã dành nhiều thời gian cho bài viết của Khanh !

Khanh nghĩ Saigon là một thành phố kỳ lạ
có lẽ do chữ S như một mắc xích trong chuỗi lò xo
nên khả năng co giãn cao
chịu đựng được tất cả mọi biến động của thời cuộc ...

Tựa như trái gòn khi nở
luôn bung ra một cách mạnh mẽ
hé lộ cuộn tơ quý báu bên trong
mỗi ngày bung một đường, hé một chút
mỗi ngày cho một hình dáng khác
khoe những bông trắng muốt, mịn màng

Vậy mà chúng ta không giữ được những hàng gòn rất đẹp ở dọc bờ sông ...
Hôm nào Khanh sẽ kể cho các bạn nghe về địa danh Hàng Gòn nhé !

Chúc Johntuan một tuần học hành , làm việc thật tốt !

Thân ái !
nguyenmykhanh
[left][/left]nguyenmykhanh
mykhanhfilm@gmail.com
Hình đại diện của thành viên
nguyenmykhanh
 
Bài viết: 58
Ngày tham gia: Chủ nhật 13/01/13 16:21
Đến từ: Đài Truyền hình TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 13 lần

Re: CHỢ CẦU MUỐI & TÔI !

Gửi bàigửi bởi nguyenmykhanh » Thứ 2 11/03/13 9:05

.
Kính thưa Thầy Thêm !

Em rất ngạc nhiên và rất xúc động khi đọc những chia sẻ của Thầy.
Em cám ơn Thầy rất nhiều !

Thưa Thầy ,
Em ứng dụng được khá nhiều những điều vừa được học ở trường vào công việc,
Em thấy tiếc nuối, giá mà em được học sớm hơn, hẳn đã cống hiến những tác phẩm có ích hơn .

Em đang viết một bức thư gửi về trường Sân khấu - Điện ảnh,
bằng tâm huyết và kinh nghiệm của một sinh viên đã học suốt 14 năm trong ngành,
em tha thiết đề nghị nhà trường xem lại, điều chỉnh, thay đổi giáo trình môn văn hóa học đang dạy.
Không nên xem là môn phụ, dạy qua loa, mà phải xem là môn chính như môn văn vậy.

Vì chính văn hóa học là chìa khóa mở ra hướng đi đúng đắn cho sáng tạo nghệ thuật,
nhất là sân khấu - điện ảnh trong giai đoạn hiện nay : " bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc "

Khi hiểu sâu sắc về văn hóa, lập tức , phương hướng, phương pháp sáng tác sẽ có lối đi khác ,
ngôn ngữ hình ảnh sẽ khác , tác phẩm mang một dung mạo khác ,
không cần phải gồng mình gào thét , hô khẩu hiệu,
không vướng vào vòng lẩn quẩn như hiện nay .

Ngày trước, người ta cho rằng muốn học đạo diễn, phải qua cử nhân văn chương,
giờ em nghĩ, thi vào đạo diễn nên qua cử nhân văn hóa học .
Hôm nay em chưa đủ kiến thức để chứng minh điều này,
em sẽ cố gắng học để làm được trong vài năm tới.

Em mong được Thầy ủng hộ trong việc thuyết phục nhà trường,
em biết đây là một việc rất khó ,
nhưng có lợi nhiều cho cộng đồng thì khó mấy cũng cố làm phải không Thầy?

Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe !

Học trò của Thầy
Nguyễn Mỹ Khanh
[left][/left]nguyenmykhanh
mykhanhfilm@gmail.com
Hình đại diện của thành viên
nguyenmykhanh
 
Bài viết: 58
Ngày tham gia: Chủ nhật 13/01/13 16:21
Đến từ: Đài Truyền hình TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 13 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron