TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm văn chương với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Gửi bàigửi bởi pthuhien » Thứ 6 26/10/07 22:52

[center]TIỂU THUYẾT
“ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI”
CỦA HỒ ANH THÁI
[/center]


Hình ảnh
Nhà văn Hồ Anh Thái trong một lễ hội tại Ấn Độ

Tôi muốn mời các bạn đọc và tham gia thảo luận về tác phẩm gần đây của nhà văn Hồ Anh Thái: “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”.

Cuốn tiểu thuyết không chỉ được Công ty Văn hóa Phương Nam in 5000 cuốn ngay lần in đầu tiên mà còn được mua quyền xuất bản trong 2 năm, tổng cộng khoảng 20.000 cuốn.

Ngay từ khi mới ra mắt, tác phẩm đã chinh phục đông đảo bạn đọc và thu hút sự quan tâm của các nhà văn cũng như các nhà nghiên cứu.

[center]***[/center]

Sáng tác văn chương về cuộc đời Đức Phật thực ra không phái là điều mới mẻ. Có thể kể đến tiểu thuyết nổi tiếng trên thế giới như “Siddhartha” (Câu chuyện dòng sông) của nhà văn Đức Herman Hess… hay những truyện dài dựa trên Phật sử như “Ánh đạo vàng” của Võ Đình Cường, “Đường xưa mây trắng” của Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam…

Nếu Hồ Anh Thái đem đến được cống hiến riêng thì có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng là vì trong “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”, tư cách nhà văn và tư cách tiến sĩ văn hóa Phương Đông nơi ông đã hòa điệu tuyệt vời để tác phẩm vừa rất hấp dẫn cho thưởng thức văn chương đồng thời vừa rất bổ ích, lý thú cho tìm hiểu văn hóa Phật giáo, văn hóa Ấn Độ.

[center]***[/center]

Chín chương về Đức Phật.

Không phải Đức Phật như sự hóa thân của những huyền thoại mà Đức Phật như một nhân cách lịch sử: “Tám mươi năm Phật đã đến viếng thăm cuộc đời trần thế”.

Bảy chương về nàng Savitri.

Savitri 26 thế kỷ trước mê đắm Đức Phật (“Ta lôi tuột chàng đi. Ta ôm ngang người chàng và đẩy đi. Mưa chảy ròng ròng làm áo dính vào da thịt. Thân thể chàng nóng bỏng rùng rùng. Cả hai người đổ ập vào am cỏ. Chàng hoàn toàn thụ động, hoàn toàn bị ta cuốn đi”) đem vào câu chuyện của nàng bối cảnh rộng lớn của Ấn Độ thời Đức Phật

cũng lại là Savitri hôm nay – một nữ thần đồng trinh sau khi giải nghệ trở thành hướng dẫn viên du lịch – tiếp tục chuyên chở câu chuyện Đức Phật trên những nẻo đường của Ấn Độ đương đại.

Tuy một mà hai, tuy hai mà một, Savitri là người kể chuyện “insider” (thể hiện cái nhìn của chính Ấn Độ).

Năm chương về Tôi, nhà nghiên cứu văn hóa - người kể chuyện mang dáng dấp của chính tác giả.

Tôi – người kể chuyện “outsider” (thể hiện cái nhìn vào nền văn hóa Ấn Độ từ bên ngoài).

[center]***[/center]

Nhà văn Hồ Anh Thái ở Sapa Hình ảnh

Hồ Anh Thái đã đặt cọc vào tác phẩm không chỉ 6 năm sống, làm việc ở Ấn Độ với tư cách một nhà ngoại giao, một người hành hương, một nhà điền dã “đi cả vạn dặm đường”… mà 20 năm say mê tìm hiểu nền văn hóa vĩ đại này, “đọc cả ngàn cuốn sách”, từ kinh điển Tiểu Thừa, Đại Thừa đến những công trình nghiên cứu của các chuyên gia Ấn Độ cũng như Phương Tây…

Hồ Anh Thái đã đặt cọc vào tác phẩm không chỉ tài hoa đương rực rỡ nhất của người nghệ sĩ mà tất cả tình yêu chân thành, sự thẩm nhập sâu sắc văn hóa Phật giáo, văn hóa Ấn Độ và năng lực chuyển hóa hiểu biết viên mãn thành cái đẹp.

[center]***[/center]

[right]Nhà văn Hồ Anh Thái ở Đan Mạch Hình ảnh[/right]

Dưới đây là một số trích đoạn. Các bạn hãy thử đọc xem nhé!

Những tấm hình tác giả cũng như trích đoạn các chương sách dưới đây tôi đã nhận từ Hồ Anh Thái như món quà ông dành tặng cho Diễn đàn Văn hóa học.
RANDOM_AVATAR
pthuhien
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 22:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Gửi bàigửi bởi pthuhien » Thứ 6 26/10/07 23:03

[center]Đức Phật[/center]


Sáu năm trời Siddhattha tu khổ hạnh trong rừng Uruvela.

Một buổi chiều, quá khát nước, Siddhattha phải bò ra sông Neranjana. Cơ thể suy kiệt mỏng manh như chiếc lá chỉ chút nữa là bị những con sóng nhỏ kéo đi. Chật vật lắm, chàng mới bò được lên bờ. Tiếng đàn bên sông lúc hoàng hôn khiến chàng tỉnh lại. Dây đàn chùng nên giai điệu không cất lên được. Người nhạc công nào đó kéo căng dây đàn, thì chưa được nửa chừng dây đàn đứt. Bung một tiếng. Chỉ đến khi anh ta thay dây đàn và chỉnh cho nó ở độ căng vừa phải, khúc nhạc mới thực sự vang lên.

Tiếng dây đàn đứt vang vọng rất lâu trong đầu chàng. Ta đã lầm đường, chàng nghĩ, ta đã sống trong nhung lụa mà không tìm thấy chân lý. Rồi ta đày đọa thân xác cho đến nỗi này, ta cũng không tìm được gì. Ví thử ta chết vì đói khát, vì bị nước cuốn đi, thì còn đâu con người này để tiếp tục tìm kiếm.

Vừa lúc một thiếu nữ tên là Sujata ở nông trại gần đấy mang tới một bát cháo sữa, định đặt ở gốc cây để cúng thần linh. Nhìn thấy Siddhattha, nàng Sujata bèn trao bát cháo cho ẩn sĩ.

- Của ít lòng nhiều, xin ẩn sĩ nhận cho tấm lòng thành.

- Đội ơn nàng.

Ẩn sĩ chắp tay kính cẩn rồi mới đỡ lấy bát cháo. Húp cạn. Sức sống bừng bừng trở lại trong người. Rồi chàng tự tin đi xuống sông tắm. Chàng đã hiểu rằng mọi cách thức cực đoan đều không giúp người ta tìm ra chân lý. Cần phải đi theo Trung Đạo, con đường ở giữa hai lối cực đoan đó.

Năm vị tu khổ hạnh đã nhìn thấy hết. Rốt cục con người kia đã từ bỏ cuộc tìm kiếm, đã ăn uống và tắm gội như một người phàm. Hoàn toàn thất vọng về ẩn sĩ, họ rời bỏ khu rừng, đi về phía Sarnath, nơi có một rừng hươu nổi tiếng. Siddhattha cũng ra đi. Chàng lội qua sông, rồi đi sâu vào trong rừng. Nơi đó có một cái cây, hàng nghìn năm sau vẫn còn được biết đến. Cây Giác Ngộ.


[center]*
* *[/center]

Vào trong rừng, Siddhattha chọn được một gốc cây bồ đề vừa ý để ngồi. Mặt hướng về phía Đông, chân xếp bằng, chàng ngồi nhập định. Rừng rậm bắc Ấn bao giờ cũng ẩn chứa trong đó nỗi sợ truyền đời. Bao nhiêu là hiểm họa. Bao nhiêu là thế lực tự nhiên được nhân hóa, kể từ gió bão sấm sét đùng đùng trở đi. Bao nhiêu là dã thú suốt ngày đêm gầm gào. Đó là chưa kể những sơn nữ xinh đẹp luôn luôn tìm tới để quyến rũ vị ẩn sĩ trẻ trung tuấn tú... Nhưng tất cả đều không làm cho chàng phân tán tư tưởng. Trái lại. Chàng càng chìm sâu hơn vào những điều đang suy nghĩ.

Đêm ấy, trăng tròn. Siddhattha vẫn ngồi thiền. Ý nghĩ tập trung hơn và đầu óc trở nên sáng láng lạ thường. Bao nhiêu kiến thức thu lượm được đang dần dần tụ lại, sắp xếp lại thành hệ thống. Chàng nhìn bằng ánh mắt của trí tuệ, nhìn sâu về quá khứ. Một người mất đi, nhưng lại có người khác ra đời. Cái chết chỉ chấm dứt được sự tồn tại của một thể xác. Cuộc sống tự nó thì cứ tiếp tục trong những thể xác khác.

Chàng thấy rằng khi một người làm điều xấu thì trong tương lai người đó phải chịu đau khổ. Còn một khi hành động với tình yêu thương thực sự, người đó sẽ nhận được niềm vui và hạnh phúc. Chẳng cái gì do con người gây ra có thể mất đi được, mà sẽ tồn tại từ đời này sang đời khác, đem đến hạnh phúc hoặc khổ đau.

Thế là chàng đã phát hiện ra rằng toàn bộ cuộc sống có quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ hạt bụi nhỏ nhất cho đến vì sao lớn nhất đều có mối liên quan. Tất cả đều không ngừng thay đổi: phát triển, tan rã, rồi lại phát triển. Chẳng điều gì không có nguyên nhân của nó, nhân nào thì quả ấy.

Rồi chàng nhìn thấy hết thảy những khổ đau nơi trần thế. Chàng đã hiểu vì sao mọi chúng sinh từ loài côn trùng nhỏ cho tới một vị hoàng đế, đều theo đuổi lạc thú, để rồi kết thúc ở nơi bất hạnh. Con người không thực sự hiểu rằng mọi vật luôn thay đổi. Họ mù quáng đánh lộn, cướp bóc và giết hại nhau để đạt được cái mình muốn, nhưng những thứ này chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc và bình yên lâu bền. Con người luôn chống lại những gì mình không thích. Cả cuộc đời họ chồng chất lòng căm thù và uất hận. Mà cứ mỗi lần làm tổn hại đến người khác thì sau đó chính con người lại phải chịu đau đớn giày vò. Suốt đời này sang đời khác, họ gây ra cho nhau toàn những điều bất hạnh.

Sau rốt, chàng đã tìm thấy con đường chấm dứt mọi đau khổ. Nếu như con người thấy cái tự ngã của mình và của mọi hiện hữu là rỗng không, là không có chủ hữu, không có sở hữu; thì trong đầu óc họ không còn chỗ cho lòng tham, hận thù, ghen ghét, đố kỵ... Người ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ, bất hạnh. Trái tim chỉ còn chứa đầy lòng yêu thương. Chính lòng từ bi này sẽ đem đến bình yên và hạnh phúc.

Khi chàng nhìn thấy tất cả những điều này, bóng tối bị xua tan trong trí não chàng. Cả cơ thể chàng dường như đều tỏa sáng, vầng ánh sáng trí tuệ. Chàng không còn là một con người bình thường nữa. Chàng đã được khai minh. Giờ đây chàng là Buddha - Người Giác Ngộ.

Đấng Giác Ngộ thôi tọa thiền. Người bình thản đứng dậy, cười rạng rỡ. Đã sang buổi sáng. Mặt trời mọc ở đằng Đông.
RANDOM_AVATAR
pthuhien
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 22:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Gửi bàigửi bởi pthuhien » Thứ 6 26/10/07 23:07

[center]Tôi[/center]


Không phải cứ vừa nghe kể chuyện về Phật vừa đi thăm cho đủ những nơi từng in dấu chân Phật. Không phải. Nhưng tôi vẫn theo Savitri đi. Sau Lumbini nơi Người ra đời, chúng tôi lên tàu hỏa đến Boddhgaya nơi Người giác ngộ. Tứ thánh địa Phật giáo tôi đã đến rồi. Còn hơn cả tứ thánh địa nữa. Những là thành Rajagaha ngày xưa nay là thành phố Rajgir, những là Viện Đại học Phật giáo đầu tiên Nalanda, những là bảo tháp có xá lợi Phật ở Sanchi, những là hàng chục thiền viện Phật giáo trong hang động ở miền nam Ấn như Ellora và Ajanta còn lưu giữ bao nhiêu bích họa hoành tráng... Tôi đã tới cả. Nhưng lần này tôi muốn theo Savitri trở lại. Hào hứng và cả tò mò. Để xem cô sẽ đưa tôi đến những đâu. Để xem câu chuyện đời cô sẽ dẫn đến đâu. Ta kể chuyện đời ta, cô bảo. Ta là Phật và Phật là ta.

Boddhgaya. Nghĩa đen: đến đó mà thành Phật. Đến đó mà giác ngộ. Vùng này có nhiều cái tên có chữ giác ngộ trong ấy, Boddh hoặc là Buddh. Chùa Đại Giác Ngộ chẳng hạn: chùa Maha Boddhi. Chúng ta đều là đệ tử Phật, Buddha ka beta. Thị trấn Boddhgaya đang ở vào những tháng đẹp nhất trong năm. Mùa lạnh ở miền đông bắc Ấn suốt ngày nắng vàng rực rỡ. Hoa nở vào mùa lạnh. Mùa hè thì hoa bị đốt cháy. Người ta thăm thú du ngoạn vào mùa lạnh. Trong bóng râm nhiệt độ có thể xuống đến dăm bảy độ C, nhưng trời đất vẫn nắng tưng bừng. Mùa lạnh cũng là mùa hành hương. Hàng nghìn hàng vạn người đổ về đây. Sắc áo vàng của những nhà sư tiểu thừa hoặc Á Đông. Thảng hoặc có sắc áo nâu đại thừa. Trùm lấp lên là sắc cà sa nâu đỏ của Phật tử Tây Tạng.

Mỗi lần trở lại Boddhgaya là lại một lần nhớ tiếc. Chỉ cần sau dăm ba năm là thấy rõ sự yên bình thanh tịnh đang mất dần. Phật tử hành hương. Mà Phật tử sinh sôi sang đến tận phương Tây, tận Âu Mỹ. Thương mại phát triển để phục vụ Phật tử. Chùa chiền cũng xây nhà nghỉ khách sạn đón Phật tử. Hàng quán mọc chen chúc che lấp cảnh quan. Mỗi mét vuông bức tường quanh quần thể chùa Đại Giác cũng là không gian phải trả bằng tiền để bán hàng. Năm năm trước không thế. Mười năm trước không thế. Mười lăm năm trước tôi còn tha thẩn khắp cái thị trấn vắng lặng và thanh sạch này. Hàng ngày chỉ thấy lác đác bóng người hành hương.

Savitri và tôi đi thẳng vào chùa Đại Giác. Không tìm đâu ra một chỗ thanh tịnh. Cả quần thể chùa lớn là thế xung quanh ngôi chùa cao đến sáu chục mét, giờ trở nên chật hẹp. Từng mét vuông một cũng là chỗ để người người chen chúc. Bên gốc cây bồ đề nơi Phật bừng ngộ, bên tả là những Phật tử Nhật Bản, bên hữu là đám phật tử Sri Lanka. Họ trải chiếu ngồi mà tụng kinh theo kiểu sẽ không bao giờ đứng dậy nữa. Bao nhiêu là mảnh vải thiêng quấn quanh gốc cây để tỏ lòng thành kính. Nghìn nghịt người chen chúc vào chính điện. Đoàn đoàn người nối bước đi ra hồ sen. Người người trải chiếu trải thảm quanh những gốc cây trên bãi cỏ. Cầu nguyện. Nhắm mắt cầu nguyện coi như không nhìn thấy đoàn đoàn lũ lũ kéo qua trước mặt sau lưng. Cầu nguyện. Giữa một nơi phải xê dịch từng phân vuông như thế, phải thực sự cảm phục các Phật tử mộ đạo Tây Tạng. Đang từ thế đứng, họ lao mình về phía trước, phủ phục xuống, hai bàn tay xỏ vào hai chiếc guốc để trượt thẳng, tư thế nằm sấp duỗi dài. Xong. Lại đứng dậy lại sửa soạn cho một lần phủ phục mới, sức lực toàn thân tập trung vào đôi bàn tay xỏ hai chiếc guốc mà trượt tới. Phật tử Tây Tạng có thể hành hương hàng trăm cây số bằng cách ấy. Hành hương bằng mồ hôi và cả máu.

- Bây giờ không phải lúc để viếng thăm Phật.

Savitri ra hiệu cho tôi quay ra.

- Lúc nào cũng thế mà thôi.

Tôi nói nhưng cũng nhanh chóng ra theo cô.

- Anh nhầm. Đi với tôi rồi anh sẽ thấy.

Chúng tôi vào nhận phòng khách sạn. Khách sạn ở đây ai cũng biết Savitri. Kumari đã về. Họ reo lên. Kumari đã về chứ không phải Kumari đã đến. Chứng tỏ cô là chỗ quen thân chỗ người nhà. Không phải kiểu quen biết của những hướng dẫn viên du lịch với khách sạn thân thiết. Tôi xác định được ngay vị trí của khách sạn trong cái thị trấn mình đã quen. Savitri chọn một khách sạn ở bên lề thị trấn, cách chùa chính một khoảng vừa đủ không phải chịu tiếng ồn vọng tới.


[center]*
* *[/center]


Nửa đêm, Savitri sang gõ cửa phòng tôi. Phải một lúc tôi mới tỉnh. Tôi vừa mơ thấy sắc áo cà sa màu vàng. Cả một tấm áo trải dài trên đường đi trước mắt. Người tu hành, mơ thấy như vậy là linh lắm, là như được ân phúc từ kiếp trước. Người suốt ngày nhìn thấy cả nghìn cả vạn tấm áo cà sa như tôi, không mơ mới là chuyện lạ.

Đúng lúc ấy, Savitri sang gọi. Cô không gọi điện thoại sang phòng mà đến gõ cửa. Một sự lựa chọn đúng cách với giấc mơ có tấm áo cà sa. Tôi quờ tay bật cái đèn bàn ở phía đầu giường. Mất điện. Tôi lên tiếng bảo cô đợi cho một lát rồi quờ quạng định hướng theo trí nhớ. Va quệt đụng chạm một lát. Rốt cuộc tôi cũng tìm được cây nến và bao diêm tôi nhớ đã đặt sẵn trên mặt bàn viết, trước một cái gương lớn. Châm được ngọn nến. Ánh sáng vừa đủ làm những việc cần thiết trước khi bước ra khỏi phòng.

Savitri đứng đợi ở ngoài hành lang. Hai tay vẫn xách sáu cái bao tải. Tôi không còn thắc mắc bao tải đựng gì mà nhẹ thế. Đi với nhau đã hơn bảy bước chân, người ta không hỏi nữa. Trên hành lang cách một quãng lại đặt một đĩa đèn bằng đất nung đựng dầu lạc. Đủ nhìn thấy đường đi. Chúng tôi lặng lẽ đi ra khỏi khoảng sân khách sạn.

Qua khỏi cổng thì tôi đứng sững lại. Gần như bật ngược trở lại. Hết ánh đèn. Một bức tường đen kịt thình lình dựng ngay trước mắt. Bưng ngay lấy mắt. Tôi định hỏi Savitri có mang theo đèn nến gì không thì cô bảo.

- Yên tâm nào. Bám lấy vai tôi, ta đi nhé.

Hai tay tôi bám lấy đôi vai cô từ phía sau. Cứ thế mà đi. Như một người mù bám theo người sáng mắt.

Khoảng một giờ sáng. Toàn thị trấn mất điện. Lạ lùng. Giờ thì tôi đã hiểu, Savitri kéo tôi ra khỏi chùa Đại Giác lúc chiều hôm qua là để bây giờ quay lại. Chọn lúc nửa đêm để quay lại. Giờ này hoàn toàn yên tĩnh. Những người mộ đạo nhất cũng đã phải ra khỏi quần thể chùa. Ngày trước, đã có lần tôi vào chùa lúc năm giờ sáng để nhặt một chiếc lá bồ đề rụng. Hiếm hoi lắm. Trong ngày, hễ có một chiếc lá rụng là có người nhặt ngay, chẳng đến lượt mình. Ngày ấy người hành hương chưa chen chúc như bây giờ, chùa chưa phải làm hàng rào bảo vệ như bây giờ, lúc tảng sáng ra vào chùa tự do. Bây giờ thì không thế. Tôi tự hỏi làm sao chúng tôi có thể vào chùa lúc nửa đêm như thế này.

Tôi đã biết Savitri có khả năng nhìn thấy đường trong sương mù. Bây giờ mới biết cô còn thấy đường trong đêm tối. Hay chỉ đơn giản là cô đã đi qua đi lại con đường này hàng nghìn lần? Cô thuộc đường?

Savitri khoan thai đi trước. Sáu cái bao tải va vào nhau loạt soạt.

- Anh nhận ra chưa? Đây là con đường ẩn sĩ Siddhattha đã chọn để đi vào trấn Boddhgaya, thuở ấy là rừng rậm. Người vừa lội qua sông Neranjana, đang mùa nước cạn, chỗ sâu nhất chỉ đến bụng. Lên đến bờ sông, Người đi theo lối mòn này.

Như thể tôi cũng nhìn thấy con đường ở dưới chân mình. Cô nói mà tin tôi cũng nhìn thấy. Tôi đoán chúng tôi bắt đầu đi qua một hàng cây bồ đề trên con đường chính hướng về phía chùa Đại Giác. Sao ẩn sĩ lại vào đây? Savitri tự đặt câu hỏi phản biện, rồi tự trả lời. Bởi lẽ rừng là nơi vắng người qua lại, xa hẳn cõi tục, ẩn sĩ một mình với thiên nhiên, khả năng tập trung hành thiền ở mức cao nhất. Tinh thần thanh trong, trí óc sáng láng, những mớ bòng bong của tư tưởng được gỡ dần ra, được chắp nối rồi cuộn xếp thành hệ thống mạch lạc. Hãy lưu ý một điều rằng các nhà tư tưởng cổ đại theo truyền thống Bà La Môn không chuyển hóa tư tưởng thành chữ viết. Tư tưởng thánh hiền là thứ phải được tạo dựng sắp xếp ở trong đầu và truyền miệng để lưu giữ. Ẩn sĩ Siddhattha cũng vậy.

- Không thấy tài liệu nào nói rằng Đấng Giác Ngộ biết chữ.

Tôi nói. Nói xong thì vấp một cái đau điếng.

- Cẩn thận đấy. Nhấc cao chân lên một chút. Con đường này hơi mấp mô.

Savitri nhắc. Rồi cô nói tiếp:

- Cũng không sách vở nào nói các hiền giả cổ đại biết chữ. Truyền thống Bà La Môn xem thường kỹ năng viết chữ, anh đã biết rồi. Hiền triết Vyasa có biết chữ không? Hay là trường ca Mahabharata cũng là do Ganesha nghe Vyasa đọc mà chép lại?

Đến cổng chùa rồi. Savitri lại nhắc. Lấy hơi thở cho đều, bước đều chân, tính toán chính xác từng bước chân để bước từ trên xuống những tầng cấp. Tôi làm theo. Đây là hướng chính. Ken két nhè nhẹ, cái cổng sắt mở ra. Tôi nghe thấy chứ không trông thấy. Ngày xưa hoàng tử Siddhattha nửa đêm ra khỏi kinh thành, cánh cổng trong đêm đen cũng ken két mở ra như thế này đây. Còn chúng tôi bây giờ thì thản nhiên mở cánh cổng đi qua mà không một người bảo vệ nào nhìn thấy hỏi han.

- Anh đếm được bao nhiêu bậc đi xuống rồi?

- Tôi không đếm.

- Không đếm. Tức là nó đã hết. Bây giờ chúng ta đã xuống đến khoảng sân ngay trước chính điện. Thẳng hướng trước mặt chúng ta là pho tượng Đức Phật ở thế ngồi thiền. Người nhìn về phía mặt trời mọc ở đằng đông, lúc tư tưởng của Người đã thành tựu. Ta đang nhìn Người. Người nhìn ta.

Giữa đêm đen, tôi chắp tay kính cẩn trước pho tượng Phật tổ. Người ngồi trong chính điện mà nhìn ra. Tôi cầu gì? Tôi cầu cho xứ sở tôi mãi mãi bình yên thịnh vượng. Tôi cầu cho chúng sinh có văn minh máy móc mà không giả dối tàn ác lầm lạc nhem nhuốc mãi thế này. Tôi cầu cho người thân bạn hữu của tôi thành đạt và khỏe mạnh cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Tôi cầu.

Người nhìn tôi. Tôi nhìn người. Cầu xong thả tay xuống rồi, yên lặng một lúc rồi, lại tự hỏi mình cầu thế có nhiều quá hay không.

- Nào ta đi. Men theo bức tường đá này mà vòng ra đằng sau, đến với cây bồ đề của Phật.

Tôi đặt tay phải lên vai Savitri, tay trái lần lần chạm vào hàng rào đá theo lời cô dặn. Tay tôi chạm vào những phù điêu hoa sen, di vật hiếm hoi còn sót lại từ thời hoàng đế Asoka. Hàng rào đá này đổ nát vùi lấp trong rừng bao nhiêu thế kỷ, mãi về sau mới được khai quật, được dựng lại ở đây. Đi đến tận góc hàng rào, đúng cái góc vuông của hàng rào, Savitri ngoặt phải, dẫn tôi đi thêm mười bước. Đã đến đối mặt với cây bồ đề. Những chiếc lá hình trái tim reo lao xao trên đầu. Cả nghìn vạn chiếc lá hình trái tim cùng xôn xao trong gió đêm. Mát rượi. Không gian thế này làm trí não bừng tỉnh đến li ti từng tế bào. Không nhìn thấy gì nhưng tôi nhận biết. Nhận biết hình dạng trái tim và cái đuôi rất dài của chiếc lá chẳng hạn. Nhận biết Savitri đã đưa tay lên bắt một chiếc lá rơi rồi đặt vào tay tôi chẳng hạn. Chiếc lá. Giữa đêm đen.

Savitri lại mở một cánh cửa nữa. Cánh cửa của bức tường rào bao quanh cây bồ đề cổ thụ. Tiếng ken két giữa đêm thanh vắng không gây ra một phản ứng nào. Ngủ. Cả thế gian đang mê muội say ngủ. Người tỉnh thức là người tới được. Savitri dắt tôi vào. Tay tôi đã chạm đến thân cây bồ đề cổ thụ. Những dải khăn thiêng, những lá cờ nhiều màu bàn tay du khách quấn vào lúc ban ngày, giờ đã được gỡ hết. Tay chạm tới là tới ngay thân cây. Tay chạm tới là tới ngay Tòa Kim Cương. Phiến đá hình chữ nhật dưới gốc bồ đề đánh dấu nơi Phật ngồi. Những ngón tay tôi không run, nhưng lòng rưng rưng. Người tỉnh thức là người tới được.

- Các học giả cổ đại không có kiểu viện nghiên cứu như chúng ta ngày nay. Ẩn viện của họ chính là viện nghiên cứu vậy. Có khi những nơi chốn vắng người thuận lợi cho tu học cũng là viện nghiên cứu. Gốc bồ đề này đã là một cái viện nghiên cứu vĩ đại. Hàng nghìn năm sau các viện nghiên cứu nguy nga trên khắp thế giới còn phải biết ơn nó.

Savitri nói.

- Ẩn sĩ Siddhattha là nhà nghiên cứu đích thực. Không cần đến giấy bút máy chữ máy tính. Bao nhiêu trang giấy nháp ở trong đầu. Dập xóa đi rồi thảo lại. Bao nhiêu trang bản thảo trong đầu cho đến khi nó hoàn chỉnh thành một hệ thống. Tất cả đều ở trong đầu.

Tôi tiếp lời cô.

Sau khi tạo dựng được luận thuyết của mình, Đức Phật không vội ra đi ngay. Người còn lưu lại quanh gốc bồ đề thêm nhiều tuần nữa. Người đắn đo không biết có nên đem phổ biến điều mình tìm được hay không. Ta có một báu vật, ta có nên đưa ra cho mọi người cùng xem, họ đã sẵn sàng chưa, hay là người đời chẳng biết phân biệt vàng thau, họ thấy nó cũng chẳng khác gì đồ giả? Người đi đi lại lại rất nhiều lần trên những lối đi này. Suy tính. Savitri bảo tôi cúi mình sờ tay vào những phiến đá hình cầu trên lối đi, những phiến đá đánh dấu bước chân đắn đo của Phật. Rồi cô dắt tôi đi khắp vườn chùa, ra đến hồ sen Phật xuống tắm vào tuần thứ sáu sau khi bừng ngộ. Hôm ấy bất chợt mưa gió sấm sét đùng đùng. Cây cối đổ ngổn ngang. Bất ngờ Phật tỉnh ra đã thấy có một con rắn lớn quấn quanh che đỡ cho mình. Chuyện này không thấy trong các tài liệu lịch sử. Tất nhiên. Nhưng nó có trong huyền thoại Phật giáo. Muông thú cũng chở che cho Người. Nó có trong pho tượng đặt giữa hồ kia mà hai chúng tôi đang nhìn ra. Phật ngồi tĩnh tại trong khi một con rắn đang vươn bành ra làm thành một cái ô che trên đầu Người.

Savitri thu xếp chỗ ngồi. Trong bóng tối, cô sột soạt lần tay vào một cái bao tải và bắt đầu kể. Thánh địa này cũng được hoàng đế Asoka ghi dấu. Ngài đến đây đảnh lễ trước cây bồ đề rồi cho xây một ngôi chùa lớn. Ngày nào ngài cũng đến đây. Hoàng hậu cả ghen. Bà rình rập để thấy hoàng đế ngày nào cũng đến với cây bồ đề. Hoàng hậu ghen cả với cây. Bà bí mật cho chặt cây. Hoàng đế Asoka khi ấy sau bao nhiêu cuộc chinh phạt đẫm máu đã từ bỏ sát sinh. Ngài không trừng phạt ai về việc chặt cây mà chọn cách ngồi xuống bên cây bồ đề chỉ còn trơ lại gốc. Ngồi thiền. Hoàng đế thề sẽ không đứng dậy nếu cây bồ đề không mọc lại. Người ta phải xây hàng rào đá quanh gốc cây, phải dùng sữa bò linh thiêng để tưới cho đến khi từ gốc bồ đề mọc nhánh mới. Về sau, Asoka gửi con trai Mahinda, cũng là một Phật tử, sang Sri Lanka truyền bá đạo Phật. Suốt hành trình truyền giáo dài dằng dặc, Mahinda mang theo một cây bồ đề non bứng từ gốc bồ đề của Phật. Cây bồ đề ấy qua nhiều đời cháu con tiếp nối, vẫn còn đến bây giờ.

Cây bồ đề ở nơi Phật ngồi thì trải lắm truân chuyên. Bị hoàng hậu chặt. Có khi bị sét đánh. Nhiều thế kỷ sau, cây bị một vị tiểu vương vùng Bengal đốn ngã. Cho đến cuối thế kỷ mười chín, việc bảo tồn chính thức được đặt ra, một cây con được bứng từ cây bồ đề ở Sri Lanka về trồng lại vào chỗ cũ.

Ngôi chùa hoàng đế Asoka dựng vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên cũng phải dựng đi dựng lại nhiều lần. Đổ nát. Bị bỏ quên trong rừng. Dựng lại thì bị giặc dã kỳ thị tôn giáo phá tan hoang. Ngôi chùa Đại Giác bây giờ được xây dựng lại cách đây chừng bốn thế kỷ. Cao sáu chục mét. Kiến trúc hình tháp đặc trưng Ấn Độ. Bốn góc có bốn tháp nhỏ hình dáng giống hệt tháp chính, tạo sự cân xứng hài hòa với cả quần thể.

Vẫn là đêm. Bóng tối dày đặc. Chúng tôi leo lên những bậc đá cẩm thạch mát lạnh, đẩy cửa chùa đi ra. Tôi lại bám vai Savitri mà đi. Trở ra với đời trần tục. Tôi đoán đang đi qua dãy hàng quán ken dày bên con đường dài trước cổng chùa. Hàng quán giờ này cũng sập cửa ngủ say. Không một ánh điện. Đêm dài cổ đại.

- Ta đang đi qua hai ngôi chùa Tây Tạng. Bên phải là chùa của phái mũ vàng, bên trái là chùa phái mũ đỏ.

Savitri thuyết minh.

Từ đây tôi bắt đầu tự định hướng. Tự nhìn. Nhìn qua lời thuyết minh của Savitri. Qua chùa Tây Tạng một quãng là đến chùa Nhật Bản. Pho tượng Phật bằng đá trắng cao năm chục mét, đá khối được đưa từ Nhật sang lắp ráp lại, chi phí một triệu đô la Mỹ.

Savitri đưa tôi đi thăm viếng đất Phật bồ đề trong đêm. Cả một quần thể chùa chiền các nước ở đây. Những tòa sứ Phật giáo các nước ở đây. Quây quần trên vùng đất ghi dấu chân Phật. Chùa Thái Lan. Chùa Trung Quốc. Chùa Miến Điện. Chùa Hàn Quốc.

- Và kia là chùa Việt Nam.

Tôi biết là trong bóng đêm, Savitri đã dừng lại, đặt mấy cái bao tải xuống và đưa tay chỉ.

Ngang qua một cánh đồng lúa mì là Việt Nam Phật Quốc Tự. Ở Lumbini nơi Phật ra đời cũng có một Việt Nam Phật Quốc Tự như thế này. Một mái chùa kiến trúc Việt Nam thấp thoáng trong rừng cây. Quần thể chùa trồng nhiều loại cây gắn với cuộc đời Phật. Cây đã mọc lên thành rừng bao quanh ngôi chùa rộng lớn. Cây vô ưu, cây sa la song thọ, cây nimba, cây doi cây tre cây trúc. Cả những cây cỏ của đất Việt nữa.

Tôi chắp tay cảm tạ qua cánh đồng. Trong đêm đen, tôi chắp tay cúi đầu trước cả Savitri. Chắc chắn là cô nhìn thấy cử chỉ biết ơn của tôi.

Savitri đưa tôi trở về khách sạn thì mới hơn bốn giờ sáng. Vẫn mất điện. Trời vẫn còn tối đen như mực. Tôi lại nhớ lời Phật. Cả thế gian đang mê muội say ngủ.


[center]*
* *[/center]


Chính ở nơi ẩn sĩ Siddhattha trở thành người được giác ngộ, Savitri kể tôi nghe chuyện cô trở thành Nữ Thần Đồng Trinh.

Nữ Thần Đồng Trinh là một vị thần sống, bằng xương bằng thịt, là hiện thân trên cõi trần của Parvati, còn gọi là Durga. Nàng hiện diện để bảo hộ cho cuộc đời trần thế này. Dân chúng ngóng về lâu đài của Nữ Thần Đồng Trinh mà yên tâm nàng đang ở đó canh cho họ làm ăn phát đạt, canh cho đời sống yên bình không giặc giã. Trong dịp lễ rước Indra Yatra vào tháng chín hàng năm, nhà vua đến viếng thăm Nữ Thần Đồng Trinh, cúi đầu cung kính trước nữ thần có khi mới dăm bảy tuổi, được nữ thần tự tay quệt lên trán ngài vệt son đỏ tika ban phước. Sau đó cả một xa giá đồ sộ trang trí lộng lẫy đưa nàng diễu qua khắp thành phố. Xa giá của riêng nàng, mỗi năm chỉ lăn bánh trên đường có một lần. Mỗi năm phố phường chỉ có một lần ấy được nữ thần diễu qua ban phước. Ngày thường thì người ta phải đến tận lâu đài của nàng để chiêm ngưỡng. Khách du lịch cũng được phép viếng thăm lâu đài, được thấy nàng trên ngai giữa lầu son gác tía.

Mỗi vùng đều có một Nữ Thần Đồng Trinh Kumari. Ở thủ đô thì có Nữ Thần Đồng Trinh tối cao, gọi là Kumari Devi. Kumari Hoàng gia. Savitri từng là Kumari Hoàng gia ở thủ đô. Tục tôn phong và thờ phụng Nữ Thần Đồng Trinh bắt đầu từ những truyền thuyết khác nhau. Dân tình vẫn thường kể.

Truyền thuyết thứ nhất: dưới triều một ông vua của bộ tộc Malla, ngày nọ có một cô bé tự xưng mình là Nữ Thần Đồng Trinh. Nhà vua nổi giận đày cô bé đi thật xa, vào sâu trong dãy Himalaya. Chỉ đến khi hoàng hậu đổ bệnh, ốm lăn ốm lóc, nhà vua mới hoảng sợ cho đón cô bé về, chính thức đưa lên ngôi nữ thần, canh giữ cho cả đất nước khỏi bệnh tật.

Truyền thuyết thứ hai: vẫn là thuộc triều đại Malla. Một ông vua khác giao cấu với một cô bé vị thành niên. Cô bé chết. Nhà vua tự hành xác bằng những cách khổ nhục nhất rồi tôn một cô bé lên làm Nữ Thần Đồng Trinh để ngày ngày thờ phụng sám hối.

Truyền thuyết thứ ba: một ông vua Malla thường chơi trò xúc xắc với nữ thần Taleju, một hiện thân của Parvati. Từ chơi xúc xắc dẫn đến việc nhà vua định cưỡng bức nàng. Nữ thần tức giận đe dọa sẽ không tiếp tục bảo hộ cho xứ sở này nữa. Nhà vua sám hối, cả thần dân cầu xin, cuối cùng nữ thần bớt giận làm lành, hứa sẽ trở lại trong hình hài một cô bé đồng trinh.

Savitri là một Kumari Hoàng gia. Người ta tìm thấy cô lúc cô mới lên sáu. Đủ các tiêu chuẩn. Thuộc đẳng cấp chuyên hành nghề làm vàng bạc. Theo đạo Phật. Tử vi lập ra toàn những điều tốt đẹp. Trên người có đầy đủ ba mươi hai quý tướng. Màu da, màu mắt, hàm răng, mái tóc, nốt ruồi, các huyệt. Đủ cả. Lúc ấy sáu cô bé ứng cử viên mới phải qua những cuộc sát hạch hoặc thử thách. Không khác gì những cuộc tuyển lựa để tìm một vị Đà Lai Lạt Ma của người Tây Tạng.

Vòng một của cuộc tuyển chọn: lúc nửa đêm, từng cô bé bị đẩy vào một căn phòng. Ẩm thấp ngột ngạt tanh tưởi. Cả phòng chỉ có một ngọn nến cháy leo lét. Những cái mặt nạ ghê rợn treo trên tường. Những tiếng hú hét rú rít, tiếng vạc dầu sôi, tiếng người rên rỉ khóc lóc. Hệ thống âm thanh vòm bố trí kín đáo trong căn phòng làm tăng hiệu quả lúc nửa đêm. Một mình. Con bé dò dẫm đi từng bước thì giẫm phải một vật kềnh càng lông lá. Nhìn kỹ thì ra một cái đầu trâu mới chặt, máu me be bét, cặp mắt thô lố toàn tròng trắng. Trên nền đất lênh láng máu, lăn lóc những cái đầu trâu đầu dê đầu cừu.

Mặc dù đã được gia đình huấn luyện dặn dò từ trước về cuộc thử thách lòng dũng cảm, đến lúc này hầu như con bé nào cũng rú lên. Gọi mẹ.

Có con bé lăn đùng ra ngất xỉu.

Có con bé co rúm trong một góc phòng, run rẩy ngồi suốt hai tiếng đồng hồ cho đến khi được giải phóng.

Có con bé gào khóc, chạy lung tung, vấp ngã lăn lộn trong vũng máu, tay cào cấu dứt tóc như hóa dại.

Bị loại. Nữ Thần Đồng Trinh còn phải bảo vệ cho cả một đất nước, không thể là những kẻ hèn nhát.

Cuối cùng còn lại ba con bé can đảm nhất. Khi người ta mở cửa phòng đi vào còn thấy Savitri đang cưỡi lên một cái đầu trâu, nhún nhún như đang phi ngựa chạy khắp thung lũng.

Vòng hai. Cũng là lúc nửa đêm, cũng từng con bé bị đẩy vào một cái phòng kho. Căn phòng sặc mùi ẩm mốc cũng chỉ có một ngọn nến tranh tối tranh sáng. Hãy vào đi và hãy chọn lấy thứ gì mình thích nhất.

Hai con bé kia hí hửng ôm ra hai bộ sari mới tinh mà người quản kho mới bỏ vào.

Đến lượt Savitri. Ánh nến leo lét làm nó quáng mắt. Nó khum tay che trước trán để nhìn khắp căn phòng. Những tấm áo choàng phủ bụi. Những vương miện kim loại đã phai mờ theo thời gian. Những bộ yên cương đã lâu không dùng đến. Chói. Quáng nữa. Nó sốt ruột bước tới thổi phụt ngọn nến. Bóng tối trùm lên. Tốt rồi. Giờ thì nó đã nhìn rõ mọi thứ trong phòng. Thêm những vòng vàng xuyến bạc, vòng cổ vòng tay vòng chân. Thêm những tư trang cũ kỹ của phụ nữ mà nó chưa hiểu là cái gì. Nó nhìn lướt qua tất cả một lượt. Thêm một lượt nữa. Phải đến lúc này nó mới nhận ra trên kệ gỗ có một cái khăn xếp màu đỏ. Kiểu khăn xếp của đàn ông. Một tấm vải dài quấn thành hơn chục nếp, nếp này nhỉnh cao hơn nếp kia một tí tạo thành những nếp song song, kết thúc thành một cái chóp hơi nhọn ở đỉnh đầu. Cô bé nâng cái khăn lên ngắm nghía. Chính lúc ấy Savitri thấy mọi vật trong phòng đều mờ đi, đều không sánh được với cái khăn xếp. Cô bé nhẹ nhàng phủi bụi trên cái khăn. Nhìn xuyên qua bóng tối đen đặc, nó thấy những hạt bụi li ti bong ra khỏi chiếc khăn, làm lộ dần một màu đỏ thắm. Savitri ôm cái khăn trước ngực định quay đi thì chợt nhìn thấy một vật khác trên mặt bàn. Một cái lông công. Cô bé nhặt chiếc lông công cắm lên trên chiếc khăn xếp. Hai vật riêng rẽ như chỉ chờ đến lúc này để trở nên ăn khớp. Bây giờ thì đã ổn rồi. Thốt nhiên cô bé nhìn thấy trước mắt một khúc sông Hằng nước xiết, một xoáy nước đang hút vào nó tất cả những gì bập bềnh trên mặt nước. Một cái khăn xếp đỏ cắm chiếc lông công vẫn bình thản trôi qua mà không hút vào xoáy nước. Thong dong. Đường ta ta đi.

Savitri ôm cái khăn xếp ra trước cửa phòng. Ánh điện rực rỡ bên ngoài đưa cô bé sang một thế giới khác. Tất cả những người đứng bên ngoài đều sững sờ mất một lúc. Chiếc khăn xếp là vật sở hữu của một kiếp trước, được để lẫn vào giữa rất nhiều đồ vật, người ta muốn thử thách xem Nữ Thần Đồng Trinh có nhận ra kiếp trước của mình hay không.

Đồng loạt, bà quản trị trưởng, bà nhũ mẫu và toàn bộ ban quản lý lâu đài nữ thần phủ phục xuống. Cả một trận mưa hoa dội xuống đầu Savitri. Đã tìm được Nữ Thần Đồng Trinh.
RANDOM_AVATAR
pthuhien
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 22:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Gửi bàigửi bởi pthuhien » Thứ 6 26/10/07 23:10

[center]Savitri[/center]


Từ cửa sổ căn nhà ta mới mua ở phường Vàng Bạc, có thể nhìn xuống bến sông Hằng.

Nhộn nhịp từ lúc tờ mờ sáng. Quanh năm. Hàng chục bậc cầu thang xây bằng đá bằng gạch xuôi xuống bến sông. Hàng nghìn hàng vạn con người lội xuống bến dòng sông thiêng, vục nước vào giữa hai bàn tay, chờ mặt trời mọc để dâng nước cho mặt trời. Những du sĩ gần như khỏa thân, chỉ độc cái khố, đứng ngập trong nước đến bụng đến ngực, đọc những câu thần chú, những câu kinh câu kệ, hoặc luyện yoga trong tư thế đứng. Những tín đồ Bà La Môn giáo kéo về từ mọi miền trên tiểu lục địa. Đàn ông đàn bà. Người già trẻ con. Thỏa nguyện ít nhất một lần trong đời được nhúng mình trong nước thánh. Nghi lễ nhúng mình xóa tội. Bao nhiêu tội lỗi được gột rửa hết qua một cái nhúng mình này. Con một đời chỉ có hai lần nói dối chồng, con suốt đời ăn năn, nay chồng con đã về giời, con cầu xin Nữ Thần Sông Hằng xóa tội cho con một lần này. Con đã trót đẩy dì ghẻ con vào giàn hỏa táng để chết theo cha con, vẫn biết như vậy là tạo phúc cho bà ấy được lên thiên đàng cùng với cha con, nhưng đến giờ con vẫn nghe tiếng la hét của bà ấy trên giàn lửa, con xin nhúng nước thiêng rửa tội một lần này. Con ao ước một mụn con trai, có con trai mới ra người đàn ông, vợ con năm lần sinh con gái, chúng con để đậu ba lần, hai lần sau con thuê bà mụ giải thoát cho các cháu dưới một dòng sông quê nhà, lần này con cầu xin Nữ Thần Sông Hằng giải thoát cho con khỏi mọi tội lỗi.

Nam nữ già trẻ, khỏe mạnh tật nguyền, tất cả đều lặn ngụp trong dòng nước họ một đời ao ước được đến. Hầu hết đều mặc nguyên cả quần áo mà trầm mình trong nước. Vốc một vốc nước mà uống. Đàn bà không con cái uống nước ấy thì sẽ có con. Người bệnh tật uống nước ấy thì khỏi bệnh, hết phong hủi, hết cụt què, hết bệnh tim mạch gan phổi, hết cả bệnh ngoài da. Người già uống nước thì thanh thản tin chắc mình sẽ nhẹ bước về cõi trời. Người biết mình sắp gần đất xa trời thì đến đây chờ được chết bên sông Hằng. Thành Varanasi lúc nào cũng có hàng trăm hàng nghìn người già đến tá túc chờ chết. Thành phố của người già. Thành phố của cái chết. Có cụ chờ cả năm mới chết, thành phố biến thành nơi cho các cụ gặp gỡ lập hội nhóm để đàm đạo.

Từ cửa sổ trên lầu cao nhà ta nhìn xuống sông, dịch một chút xuôi về phía tây là bãi hỏa táng. Bãi hỏa táng ngay bên cạnh bãi nhúng nước thiêng. Lúc nào cũng nghi ngút khói lửa. Xác này đang thiêu thì mấy cái xác khác đã đặt bên cạnh chờ đến lượt. Cùng lúc hàng chục giàn hỏa táng chạy dài theo bến sông. Tiếng các giáo sĩ ngân nga cầu kinh, Ram Nam Satya He. Tiếng người đưa tang họa theo hờ khóc rên rỉ, He Ram, He Ram, He Ram. Những xác chết quấn vải trắng kín mít, đặt nằm trên cáng tre, buộc chặt vào cáng. Người ta khiêng hai đầu cáng, nhúng xuống sông Hằng. Lần nhúng cuối cùng của một đời. Sau đó đưa lên đặt cạnh giàn hỏa táng. Chờ. Củi gỗ xếp vuông vắn thành giàn. Nhà khá giả thì lượng củi trầm nhiều hơn. Dầu đốt phải là bơ tinh khiết cất ra từ sữa bò. Thiêu một tử thi mất nửa ngày. Tro cốt được gom vào một cái hũ sành hình cầu, được đem lên đầu nguồn sông Hằng mà rải xuống.

Cũng có đôi lần ta nhìn thấy những cái xác vô thừa nhận trôi qua bãi tắm. Những người nghèo không có tiền làm lễ hỏa táng, người ta thả xác người thân xuống sông, một kiểu phó mặc cho thần linh, may ra thần thương thì thần cũng bỏ qua nghi lễ mà cho về giời. Cái xác trôi qua trước bao nhiêu người đang lặn ngụp. Như không. Vẫn nhúng nước gột rửa thanh tẩy. Vẫn uống nước cầu xin con cái phúc lộc.

Không một con dân nào của xứ này không biết thần thoại về nữ thần sông Hằng. Ta cũng nghe kể đến thuộc lòng từ khi còn nhỏ. Sau này đi học, đạo sư cũng nhồi thêm ấn thêm vào đầu như một thứ kiến thức bắt buộc. Ganga là tên nàng. Trong tranh thờ, người ta vẽ nàng có nước da trắng, trang phục màu trắng, cưỡi trên một con cá sấu. Nàng có bốn tay. Tay cầm bông hoa súng. Tay cầm một tràng hạt. Tay cầm bình nước thiêng. Một bàn tay ngửa ra hướng lên trời trong tư thế bảo hộ. Chuyện nàng từ trên thiên đường xuống với trần gian là cả một trường thiên tiểu thuyết. Ông vua Sakar là một đại vương hùng mạnh. Vua có sáu vạn con trai. Cách thức mở rộng bờ cõi của vua là làm một cái lễ tế ngựa. Chọn ra một con ngựa có những dấu thiêng trên người. Thả cho con ngựa chạy sang lãnh thổ của các tiểu vương quốc láng giềng. Một đạo quân binh hùng tướng mạnh rầm rộ phi theo sau con ngựa. Ngựa chạy đến đâu bờ cõi của đại vương mở rộng đến đó. Kẻ nào chặn đường con ngựa sẽ bị xem là quân thù, bị tiêu diệt ngay tức khắc. Bằng cách bành trướng như vậy, Sakar chinh phục được các nước láng giềng, vương quốc của ông ta mở rộng nhanh như vũ bão.

Ngọc Hoàng Indra từ trên trời hoảng sợ trước sự bành trướng của vua Sakar. Ngọc Hoàng bèn xuống tay bắt trộm con ngựa, đem giấu vào am của ẩn sĩ Kapila. Ẩn sĩ đang nhắm mắt ngồi thiền. Sáu vạn đứa con trai của vua Sakar theo dấu ngựa tìm đến. Chúng lấy lại được con ngựa và nói năng hỗn xược. Lão già bẩn thỉu này đã đi tu còn chưa trót. Lão đã ăn cắp con ngựa thiêng của một vương quốc hùng mạnh. Này các huynh đệ, ta phải vào phá tan am thất của lão ra.

Ẩn sĩ mở choàng mắt, ánh mắt của ông tức khắc thiêu chúng thành tro bụi.

Lỡ ra rồi, ẩn sĩ lại ân hận. Ông truyền rằng sáu vạn gã trai sẽ được phục sinh nếu cầu xin nữ thần Ganga từ trên trời đưa nước xuống. Tro ấy gặp nước thiêng sẽ cho chúng trở lại làm người. Cả một hành trình gian khó. Trong đám cháu chắt của nhà vua có một dũng sĩ đủ thanh sạch để cầu nguyện. Thần Sáng Tạo Brahma bằng lòng cho nữ thần Ganga đưa nước xuống, nhưng cảnh báo phải nhờ Shiva chặn bớt một phần nước, nếu không thế gian sẽ đắm chìm trong cơn đại hồng thủy. Quả nhiên, Shiva phải chìa mái tóc tết của mình ra để chặn bớt một dòng nước từ trên trời do nữ thần Ganga đổ xuống. Dòng sông ấy chia làm ba nhánh. Nhánh vẫn chảy trên trời tên là Mandakini. Nhánh đổ xuống cõi âm gặp đám tro tàn, phục sinh cho sáu vạn đứa con trai, nhánh này tên là Bhagirath, tên người chắt đã thành tâm cầu nguyện làm động lòng nữ thần Ganga. Nhánh chảy xuống trần gian mang tên nữ thần Ganga, sông Hằng.

Người đời thả tro cốt hỏa táng xuống sông Hằng là vì vậy.

Ta ít khi nhúng nước sông Hằng. Người giầu sang có tòa lầu ở ngay trong thành phố ít khi xuống bến. Nhưng ta vẫn ngày ngày phải ra nhà tắm công cộng ở ngay bên sông. Nhà tắm xây ở phía trên cao của bờ sông, từ đó phải xuống mấy chục bậc cầu thang mới đến bến. Nước được dẫn từ dưới sông lên cao, qua một hệ thống lọc sạch rồi mới đưa vào bồn tắm. Mỗi bồn tắm hình tròn đủ cho mười người cùng tắm một lúc. Nhà tắm chỉ có tường cao quây quanh, không có mái che. Ngồi tắm có thể bình luận về trời mưa trời nắng về đàn chim bay ngang. Tắm chung trong bồn xong thì ra giội nước từ đường ống. Cũng là nước sông Hằng. Người trong thành hơn người bốn phương là quanh năm được tắm nước thiêng như vậy.

Nhà tắm công cộng là bằng chứng một nền văn minh phát triển bậc cao của xứ này. Đâu đó trên thế gian, con người vẫn còn chui rúc trong hang ăn lông ở lỗ, nóng bức thì ra bờ suối kỳ cọ, rác thải thì tiện đâu vứt đấy, nhà cửa thì vẫn còn đắp đất làm mái tranh. Xứ này đã xây lâu đài thành quách chùa chiền đồ sộ, kiến trúc đã nguy nga, trình độ xây dựng đã tinh xảo. Phố phường đã có hệ thống cống rãnh tiêu nước thải. Có tổ chức người đi thu nhặt và tiêu hủy rác. Có những nhà vệ sinh nhà tắm công cộng.

Căn nhà ta mua không có nhà vệ sinh, đã đành. Cũng không có cả bồn tắm. Không phải nhà nào cũng làm bồn tắm trong dinh cơ của mình. Hàng ngày chị Juhi và ta phải ra nhà tắm công cộng.

Ra đường. Đến nhà tắm công cộng. Trong tình cảnh bị truy nã thì đó là cả một gian lao. Sau khi lẩn trốn ở tòa lầu của chàng Yasa một thời gian, chúng ta đều biết dinh thự của chàng không còn là chốn an toàn nữa. Nó có thể đã trong tầm ngắm của quân do thám theo sang từ tiểu vương quốc của chồng ta. Cũng có thể chưa. Nhưng chốn ăn chơi tấp nập của chàng cũng quá nhiều tai mắt. Ta đem trang sức vàng bạc ngọc quý gửi hết vào ngân khố của chàng. Lấy ra một phần nhờ chàng đi tìm mua một căn nhà trong thành. Căn nhà nhìn xuống bến tắm sông Hằng. Hơi ồn ào một tí nhưng chốn xô bồ chen chúc dễ lẩn dễ tránh. Ngay trong phường Vàng Bạc. Mấy chục cửa hiệu buôn bán vàng bạc. Mấy chục nhà làm ngân hàng ngân khố cho vay lấy lãi. Dân hành hương tứ xứ về đây, lận trong bọc tiền trong ruột tượng lấy ra những thoi vàng thoi bạc, những vòng những nhẫn những xuyến. Bán. Một đời gom góp để đổ vào chuyến đi hành hương. Một đời gom góp để làm cái lễ hỏa táng cho linh hồn thân nhân mát mẻ. Nghề buôn bán vàng bạc và ngân khố phát đạt. Bao nhiêu nghề khác cũng phát đạt. Từ vàng hương bột trầm củi gỗ cho đến cái ăn cái mặc cái chơi. Lụa Varanasi lừng danh toàn cõi. Ẩm thực Varanasi quy tụ mọi thức ngon vật lạ. Đời sống ăn chơi hưởng lạc Varanasi khó nơi nào bì kịp. Đô thành hút tất cả những tinh túy ở khắp xứ vào trong lòng nó. Hòa trộn. Tẩy sạch mọi dấu hiệu quê mùa. Biến tất thảy thành vô danh trong đời sống nhộn nhịp xô bồ gấp gáp của nó.

Juhi và ta vấn tóc, búi cao lên trên đầu, đội lên một chiếc khăn xếp, vận y phục đàn ông. Thế là chúng ta đã thành đàn ông. Ta chọn mua một chiếc khăn xếp màu đỏ. Ta nhớ chiếc khăn màu đỏ hoàng tử Siddhattha cho ta đã bị rơi xuống sông Hằng. Mỗi khi đội chiếc khăn lên cải trang thành đàn ông, ta lại nhớ. Juhi và ta trở thành hai công tử nhà giàu từ một miền quê lên đô thành lập nghiệp. Yasa giúp sức. Chúng ta mở ngân khố mua bán tiền vàng, cho vay, cầm cố. Mấy mùa như vậy và có lẽ sẽ mãi như vậy. Chưa biết đời sẽ trôi về đâu.

Mỗi khi ra khỏi nhà, chúng ta đều là đàn ông. Nan giải hơn cả là việc đến nhà tắm công cộng. Đến đó thì chúng ta phải vào nhà tắm nữ. Không thể có chuyện hai ông thương nhân đàng hoàng bước vào nhà tắm nữ. Ra khỏi nhà trước mắt láng giềng phải là đàn ông. Bước chân đến nhà tắm phải là đàn bà. Rõ ràng là phải có một điểm trung gian, nơi ấy chúng ta lại hóa phép một lần để thay đổi giới tính.

Nơi ấy là một khu rừng nhỏ. Đi hết phường Vàng Bạc có một khu rừng nhỏ. Đúng hơn nó là một khu vườn lớn. Rừng cổ thụ mênh mông. Trong các kinh thành thường có nhiều khu vườn như rừng. Trong ấy nhiều chỗ tưởng như không có dấu chân người. Hai chàng công tử đi chéo qua khu rừng. Lúc vào là trai, lúc ra là gái. Y phục bỏ trong tay nải đeo trên vai. Tắm xong, trên đường về lại xuyên qua khu rừng. Lúc vào là gái, lúc ra lại là trai.

Cách này cũng làm mất dấu, nếu như có do thám bám theo chúng ta.


[center]*
* *[/center]

Trò chơi trốn tìm đang đến hồi thú vị. Juhi vận trang phục phụ nữ được thả vào khu vườn nai ở Sarnath. Chị muốn trốn đâu thì trốn, sau nửa giờ, đám công tử mới bắt đầu sục sạo khắp vườn nai để tìm. Trốn và tìm. Người nào tìm thấy Juhi đầu tiên sẽ được thưởng. Phần thưởng là chính Juhi. Người ấy sẽ được cả một ngày giăng gió hoa nguyệt với Juhi.

Tất cả hào hứng với cuộc chơi. Juhi cũng hào hứng. Toàn bộ đám công tử không xa lạ gì với chị. Chị đã vào cuộc mây mưa với hầu hết trong số họ từ lâu. Nhưng cuộc trốn tìm đem lại một cảm giác mới cho cả người trốn và người tìm. Cái chuyện nguyệt hoa không phải là thức sẵn có mà phải đổ mồ hôi cất công mới đạt được. Lại được một chuyến dã ngoại thú vị. Cả bọn leo lên bốn cỗ xe song mã, đánh xe ra ngoại vi thành Varanasi, đến một khu rừng có nhiều hươu nai mới đỗ lại. Trò chơi bắt đầu.

Những lúc đi chơi thế này, Juhi và ta lại hóa thành phụ nữ. Hơn ba chục người cả nam cả nữ. Một cuộc chơi bất tận, nối dài từ những cuộc chơi trong dinh của chàng Yasa ra đến đây.

Nửa giờ. Đám đàn ông bắt đầu chia ra các ngả để tìm kiếm. Đám con gái phần nhiều là dân ca vũ ríu rít theo sau. Tiếng cười tiếng nói của họ lan tỏa khắp cánh rừng nhỏ. Lũ nai đang tình tự cũng phải dừng ngay lại, sửa lấy vẻ ngoài đứng đắn nhìn đám người thình lình chạy qua quấy rầy. Có cả chuyện liên quan đến việc giao tình của lũ nai này. Ta vẫn nhớ. Đấy là khi vua Pandu vào rừng ở ẩn cùng với hai bà vợ. Một hôm ông nhỡ tay dùng cung tên bắn chết hai con nai đang lúc giao tình. Người ta không bao giờ đánh bắt những những sinh linh đang giao tình. Chỉ là nhỡ tay mà thôi. Trước khi chết, hai con nai còn để lại một lời nguyền rủa: kẻ hại chúng cũng sẽ chết trong một lần giao hoan.

Từ đấy bà vợ cả Kunti hoàn toàn kiêng kỵ, giữ gìn cho chồng. Bà vợ lẽ Madri cũng gắng kiêng kỵ cho chồng. Ai cũng tâm niệm trong đầu chuyện sống chết vẫn treo lơ lửng trên đầu. Nhưng một ngày xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi, tất cả cuốn vào trận cuồng hoan rạo rực của đất trời. Pandu và Madri đang ở bên bờ suối, thấy lũ khỉ lũ chim lũ hươu nai cũng đang từng cặp giao tình khắp xung quanh. Pandu không kìm được dục tình. Madri nhắc nhở từ chối mãi không được. Nhà vua lao vào cuộc ái ân và chấp nhận cái chết đã được báo trước.

Lúc chạy qua đám hươu nai trong rừng Lộc Uyển, ta thoáng nghĩ đến cái chết của Pandu. Nhưng các tay chơi nhiều khi vẫn thi vị hóa những cái chết trong lúc giao hoan. Chết như thế là lên thẳng đến thiên đường. Ngọc Hoàng Indra vốn là kẻ phong tình, ngài đề cao những tay chơi hết mình. Đền thờ của chúng ta vẫn thường chạm khắc hình trai gái giao hoan trên khắp bề mặt đấy thôi. Những bức phù điêu tả cảnh giao hoan thường được diễn tả tuần tự từng bước như sách giáo khoa đấy thôi. Các bậc đạo sư lại bảo: chạm khắc hình trai gái trên mặt tường bên ngoài chùa như vậy là nhắc nhở tín đồ bỏ hết lại chuyện sắc dục ở bên ngoài, trước khi vào đến trong chùa tĩnh tâm thanh tẩy. Lại hàm ý chuyện ấy thực hành ở nơi nào cũng được, chỉ có một chỗ phải trừ ra, đó là đền thờ. Chỉ thế thôi.

Tìm bắt cho được Juhi không dễ dàng. Một công tử tìm thấy chị đang nằm trong bụi rậm, bên bờ một cái ao phủ đầy hoa sen hoa súng. Khá khen anh chàng. Chỗ ấy khó tìm. Bên bờ ao chỗ nào cũng là bụi rậm, tìm cho hết cả con đường vòng quanh cái ao cũng đã mệt nhoài, không tinh mắt không giỏi đánh hơi không thể tìm thấy.

Nhưng khi anh chàng chìa tay vào trong bụi rậm đỡ cho Juhi ra, chị thình lình xô anh chàng ngã xuống hồ rồi bỏ chạy.

Lại bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới.

Đám trai gái đi qua một cái am cỏ rồi gặp mấy ẩn sĩ tu hành xác. Họ ngồi hoàn toàn tĩnh lặng. Chỉ còn là những hình hài gầy đét. Lớp da nhăn nheo dán vào xương sọ, dán vào khung xương sườn. Ai cũng biết ẩn sau lớp vỏ hình hài ấy là những trí tuệ đang tìm kiếm con đường đi trong tâm linh. Nhưng không ai biết những trí tuệ tự hủy hoại ấy sẽ còn minh mẫn được bao lâu.

Yasa đứng lại hồi lâu nhìn mấy ẩn sĩ. Mỗi người ngồi dưới một gốc cổ thụ. Hình như chàng muốn hỏi họ một câu. Cái câu mà muôn đời những tay chơi muốn hỏi người tu khổ hạnh.

Còn được bao lâu nữa?

Tìm đến đây là đã sục sạo khắp khu vườn lớn. Vẫn không thấy Juhi đâu. Chúng ta bỏ đi, để lại chàng Yasa vẫn tần ngần đứng. Chàng chưa bao giờ có dáng vẻ tần ngần ngẫm ngợi ấy. Cho đến nay ta chỉ thấy chàng hồn nhiên vô tư đuổi theo khoái lạc.

Có một chàng nữa cũng đứng lại. Chàng ta nghi Juhi nấp đâu đó trong am cỏ của mấy vị tu khổ hạnh. Chàng chần chừ mãi. Đắn đo mãi. Cuối cùng chàng liều lĩnh cúi gập người chui vào trong am. Chàng đúng. Juhi đang ẩn trong ấy. Chàng lôi được Juhi ra, hai người giằng co nhau ở gần chỗ mấy nhà tu đang ngồi thiền. Ta bắt được nàng rồi nhé. Thôi đi, người mà chàng bắt được trong am khổ hạnh không phải là thiếp, thiếp là người sống đời dục lạc. Không là nàng thì là ai đây?

- Thôi đi, hai người đừng có ồn ào gây động chốn này.

Yasa phải lên tiếng nhắc nhở.

Cả bọn tránh ra xa am cỏ. Đến đây mới nảy ra tranh luận.

- Juhi thuộc về người đầu tiên tìm thấy nàng ở trong bụi rậm.

- Người nhìn thấy đầu tiên không phải là người bắt được nàng về đây.

Nghị luận như trong một phiên tòa. Như ở giữa triều phân xử một vụ kiện. Quan tòa được cử ra. Hội đồng xử án được cử ra. Tranh luận mãi. Rốt cục cũng đi đến phán quyết. Một người nhìn thấy nàng đầu tiên. Một người tìm bắt được nàng. Cả hai chàng đều được thưởng. Cùng một lúc.

Hai anh chàng hả hê nắm tay kéo Juhi đi luôn. Hưởng lạc là phải liền tay. Họ tìm một nơi nào đó quanh bờ ao. Nơi ấy kín đáo.

Những người còn lại bắt đầu một trò chơi may rủi khác.

Đám đàn ông xếp thành hàng để định rõ thứ tự.

Từng nàng ca nhi hoặc vũ công đứng lên phía trước đám công tử. Từng nàng một giở gấu áo sari ra. Gỡ dần dần tấm sari dài sáu mét. Sáu mét lụa quấn tròn quanh người nàng gỡ ra đến hết, cho đến khi nàng hoàn toàn khỏa thân. Khỏa thân rồi vẫn đứng yên đấy. Chờ. Bây giờ mới đến trò may rủi của đám đàn ông. Chàng đứng đầu hàng cầm mép sari quấn một vòng quanh bụng mình. Chàng thứ hai quấn tiếp một vòng quanh bụng mình. Chàng thứ ba nối tiếp. Cứ thế cho đến chàng thứ tư thứ năm thứ sáu. Như là từng chàng đo vòng bụng. Người nào quấn tiếp được vòng cuối cùng vừa hết tấm sari thì được thưởng ngay cô nàng nõn nà đang đứng chờ.

Trò đo sari tiếp tục với nàng thứ hai, nàng thứ ba, cho đến nàng cuối cùng. Các công tử xếp hàng lần trước không được thì lại chạy xuống xếp cuối hàng, chờ đến lượt đo sari của nàng khác.

Cuộc chơi cứ thế bất tận trong vườn Lộc Uyển. Các công tử đeo kè kè bên hông những chiếc bao làm bằng ruột non bò đực. Các công tử lần lượt rút cái bao trang trí công phu của mình ra. Những cái bao đeo bên hông phô trương sự ăn chơi và thành phần giàu sang. Công tử đeo bao đã trở nên thành ngữ. Công tử đeo bao. Xếp hàng. Ai cũng đến lượt. Ai cũng có phần.


[center]*
* *[/center]


Cuộc chơi có ngày kéo đến kỹ viện của kỹ nữ Usa.

Đô thành nào cũng có nhiều kỹ nữ, những cô đào rượu sau tiệc rượu sẵn lòng ân ái với thực khách, những cô kỹ nữ lang thang ở phố chợ bãi sông. Đô thành nào cũng chỉ có một kỹ nữ quý tộc. Usa là người như vậy. Nàng là vẻ đẹp của cả kinh thành. Thành thạo cầm kỳ thi họa. Đủ vẻ. Con bọ ngựa cái sau cơn ân ái giơ càng định chém đầu con đực mà ăn thịt, nghe được lời ca tiếng hát của nàng cũng phải nhỏ lệ mà tha mạng sống cho bạn tình. Đấy là tiếng hát. Còn thơ. Thơ của nàng sánh ngang với những thi nhân thi bá trong hoàng cung, chính các chàng thơ trong nhiều cuộc thi xuất khẩu thành chương cũng phải cúi đầu bái phục nàng. Còn họa. Ban đầu nàng là người mẫu cho nhiều họa sĩ tài danh. Nàng mua hết các chân dung họ vẽ. Rồi nhà nàng thành bảo tàng hội họa. Rồi có ngày nàng cầm bút vẽ. Tranh của nàng được giới quyền quý hoặc đám thương nhân mua. Nàng trở thành nhà phê bình hội họa có quan niệm thẩm mỹ thanh tao và nhận định sắc bén.

Nhà vua thảng hoặc tiếp kiến nàng. Bao giờ cũng là những lời tấm tắc thỏa mãn. Vương tôn công tử tiếp kiến nàng. Bao giờ cũng là những lời truyền tụng làm tăng trí tò mò của người đời. Giới học giả và thương nhân cũng tiếp kiến nàng. Danh tiếng của nàng vang động trong hàng ngũ quý tộc và thế lực tài phiệt của một kinh thành. Người ta học được ở đó những kiến thức triết học và nghệ thuật. Đám trai tráng khá giả học được ở đó kiến thức giao tình mà nhiều khi đạo sư của họ chưa giảng thấu đáo trong giờ khoa học yêu đương. Nhưng không phải với ai nàng cũng chấp nhận giao hoan. Kỹ viện của nàng đầu tiên và trên hết là một bảo tàng hội họa, là một chiếu cầm ca, là một thi đàn cho những người mến mộ.

Đám ăn chơi của công tử Yasa là những người mến mộ.

Hương trầm thoang thoảng trong kỹ viện. Mỗi vị khách bước vào được nàng Usa tự tay choàng một tràng hoa nhài qua đầu xuống quanh cổ. Cử chỉ tôn kính. Cũng là lời nhắc nhở vị khách rằng đây không phải là chốn chơi bời suồng sã. Những chiếc gối dựa lưng được ướp hương hoa hồng. Ta nhặt một chiếc gối, dựa lưng vào chiếc cột cẩm thạch. Ta ăn vận như một trang công tử. Juhi cũng là một công tử. Chỉ một chút rượu nhẹ đủ nhấp môi. Sau đó thì tuyệt nhiên không rượu. Chỉ có trà. Trà thả một chút sữa chưa đủ làm đục chén trà, càng không phải thứ nửa trà nửa sữa của đám bình dân. Một chút đường không gây quá ngọt. Chén trà thanh trong lại thoảng chút hương hồi. Không ở đâu ta được uống thứ trà thanh tao như vậy. Hương hồi là thứ làm cho người ta tỉnh. Lại vừa mê.

- Người đời nói mỗi vị khách đến nhà, để lại một chút hồn trong tệ xá của ta. Căn nhà của ta, nói cho đúng là nơi gom góp linh hồn của bạn bè người thân và những tri âm.

Usa nói không khách sáo. Vừa nói nàng vừa dẫn khách đi thăm thú khắp kỹ viện. Phòng tranh. Phòng trưng bày các loại nhạc cụ nàng sưu tầm được. Phòng bút tích của các thi nhân trên toàn cõi. Tặng phẩm của các đấng quân vương cho một tuyệt thế giai nhân, một bậc kỳ tài. Không phải bao giờ nàng cũng chấp nhận giao hoan với khách. Nhưng ta nghe rằng một cuộc giao hoan với Usa, vị khách may mắn phải trả số bạc bằng năm con bò sữa. Năm chục thoi bạc. Ta muốn biết đêm nay nàng sẽ chấp nhận ai trong đám công tử ăn chơi.

- Mỗi căn nhà lại cũng là một hình ảnh lưu dấu trong võng mạc của từng vị khách và nó được mang đi khắp xứ sở, đi suốt cuộc đời của người đó. Chính vì vậy, căn nhà cũng phải được thiết kế bài trí sao cho nó không chỉ là của ta.

Một chút bánh ngọt. Một chút hoa trái. Những hạt sen ướp đường. Những hạt hồi ướp đường. Khung cảnh này, bánh trái này người ta không thể nói được chuyện nào khác. Chỉ là những đàm luận bất tận về thi ca nhạc họa. Thi ca nhạc họa lại chỉ toàn chuyện trai gái yêu đương. Yêu đương cũng chỉ là những tình yêu thanh khiết hợp lẽ đời.

Đám công tử bị cuốn vào đàm luận và thưởng thức, đến một lúc thì chỉ còn họ tranh luận với nhau. Usa đóng vai trò bà chủ phòng trà lặng lẽ bao dung ngồi quan sát những vị khách đang hăng hái cao độ. Ta cũng quan sát. Ta thấy nàng hai má đã ửng đỏ, mắt nàng đã long lanh. Nàng đã lên độ phấn khích. Ta hiểu đêm nay nàng sẽ chọn một người ở lại với nàng. Không phải đêm nào nàng cũng chọn. Có nhiều đêm toàn bộ khách khứa ra về mà tất thảy đều mãn nguyện. Kỹ năng giao tiếp của nàng đủ để cho khách ra về sau đàm luận mà vẫn mãn nguyện.

Cuối cùng, nàng đề nghị đánh một ván xúc xắc. Trò xúc xắc này bao nhiêu người chơi cũng được. Mỗi người có một ô vuông trên mặt đất. Mỗi người được đổ năm lần. Người có tổng số điểm cao nhất là người được tiếp tục ở lại đàm đạo qua đêm với Usa.

Ta đạt điểm cao nhất.

Đám khách khứa hoan hỉ ra về, hẹn ngày tái ngộ với Usa. Nàng kéo các cửa chính cửa sổ. Ta giúp nàng làm việc ấy. Ngay từ lúc đám công tử reo hò mừng ta được cuộc, ta đã biết mình sẽ ở lại và nói những gì. Ta không thể giãy nảy lên từ chối. Sẽ chỉ gây nghi ngờ trong đám bạn bè của Yasa về tung tích của ta. Nhưng ở lại thì ta sẽ phải tiết lộ nhân thân không phải đàn ông của mình. Toàn bộ cảm tình với đám khách đã khiến Usa ngẫu hứng chấp thuận qua đêm với một người đại diện. Ta có thể phụ lòng nàng chăng? Nếu không thì ta phải biết nói năng thế nào cho ra một đấng nam tử. Khi giả dạng, cho ra vẻ một trang nam tử ăn chơi, ta vẫn thường đeo bên hông cái bao của đức vua quá cố. Cái bao trang trí hình linga của Shiva. Yasa thì có cái bao trang trí hình rắn thần Naga. Bây giờ ta vẫn đeo cái bao ấy lủng lẳng bên thắt lưng. Ta sắp sửa phải ăn nói sao đây với nàng Usa?

Ta đang kéo nốt một cái rèm cửa sổ thì có tiếng gõ vào cửa chính. Usa ra mở.

Chính là chàng Yasa bước vào.

- Usa, ta phải khất lỗi với nàng. Ta phải quay lại để chịu lỗi thay cho đứa em trai kém may mắn của ta.

Chàng nói.

Đứa em trai ấy là ta. Ba người chúng ta cùng ngồi xuống, đối mặt. Yasa kể rằng đứa em trai của chàng, tức là ta đang ngồi đây, vốn là một tay giỏi cưỡi ngựa giỏi cung kiếm. Nhưng một lần đi săn, chàng ta bị ngã ngựa. Một cành cây đã xuyên qua nơi phân biệt giới tính của chàng. Phải chữa chạy mãi, chàng mới trở lại được như ngày hôm nay, nhưng chàng không bao giờ như một trang nam tử bình thường được nữa.

Usa đưa mắt nhìn ta thương xót.

Ta chắp tay trước ngực. Nước mắt tự nhiên ứa ra. Cảm động vì Yasa không bỏ mặc ta một mình xử sự trong tình huống nan giải. Cảm động vì nàng Usa đã tin.

Usa chấp nhận để Yasa ở lại thay thế cho người em trai. Nhưng nàng xin ta cũng ở lại. Nàng cầm đàn hát suốt đêm. Yasa cũng hát. Ta cũng hát. Có một bài mà hát xong rồi, cả ba cứ hát đi hát lại.

Núi xa xa

Nước thu ba

Chàng hãy đi đi

Một lạy này xin chàng nhận

Cho một đời biệt ly

Đến lúc ấy thì Yasa đã buông lơi tấm áo. Chàng đã ở trần. Chàng ôm lấy Usa và cây đàn. Họ cứ ôm lấy nhau mãi. Không hát. Cũng không ngả người xuống tấm nệm. Mãi.

- Nàng hãy khất lỗi cho ta một lần nữa. Ta yêu nàng. Ta không bị tai nạn ở chỗ ấy, nhưng đêm nay ta cũng không thể.

Yasa nói. Chàng dừng một hồi lâu.

- Ta không thể.

Chàng lặp lại.

Nàng Usa đôi mắt mờ đi sau màng nước. Nàng cũng lơ mơ gật đầu cảm thông.
RANDOM_AVATAR
pthuhien
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 22:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Gửi bàigửi bởi pthuhien » Thứ 6 26/10/07 23:12

[center]Đức Phật[/center]


Ẩn sĩ Siddhattha đã trở thành Phật. Người Giác Ngộ. Phật nán lại bên Cây Giác Ngộ thêm mấy tuần nữa. Người sống với niềm vui của người vừa tìm thấy một báu vật. Mất bao công lao mới tìm thấy vật này, ta sẽ giữ lại cho riêng mình, sẽ sống cô độc trong các khu rừng, hưởng niềm vui chỉ một Người Giác Ngộ mới có? Hay là ta sẽ mang cho mọi người cùng được thấy? Khi ấy báu vật trở thành tài sản chung của thiên hạ.

Nhưng ai là người đã được chuẩn bị để nhìn thấy vật này? Biết bao nhiêu năm con người sống trong tăm tối và mù quáng, liệu họ có thể nhìn thấy và hiểu đúng giá trị của vật quý hay không? Hay là họ sẽ không phân biệt nổi đâu là viên ngọc đâu là hòn sỏi, đâu là vàng đâu là thau? Tất nhiên ta là người tìm ra con đường chấm dứt đau khổ cho con người. Nhưng ngay cả một ông Phật cũng không thể xóa bỏ được khổ đau cho con người, nếu như người ta không gắng giúp đỡ chính mình trước. Người bệnh phải muốn lành bệnh, trước khi một thầy thuốc bắt tay vào chạy chữa cho họ. Cũng như vậy, người ta phải muốn nghe những lời giảng giải về chân lý, trước khi một người nào đó có thể đến giảng cho mình.

Cuối cùng Phật nhớ đến năm ẩn sĩ đã cùng tu khổ hạnh với mình dạo trước. Rất có thể họ sẵn lòng nghe. Người bèn rời Cây Giác Ngộ, vượt hơn hai trăm dặm đường rừng để tới vườn Sarnath.

Năm ẩn sĩ khổ hạnh nhìn thấy Buddha từ xa, bảo nhau cứ phớt lờ kẻ đã từ bỏ việc tu hành xác, đừng có lên tiếng chào hỏi làm gì. Nhưng chuyện diễn ra khác hẳn. Phật tiến lại gần, thái độ cư xử của Người khiến tất cả năm ẩn sĩ phải đứng dậy, chắp tay đáp lễ. Phút tái ngộ mừng mừng tủi tủi.

- Các người vẫn còn nhớ ta chăng?

Phật hỏi.

Một người đáp:

- Dạ thưa, ẩn sĩ là Siddhattha, chúng tôi còn nhớ.

- Không đâu, ta không còn là Siddhattha nữa. Cả thế gian đang mê muội say ngủ. Nhưng người nào phát hiện ra chân lý, người ấy được xem như đã bừng tỉnh dậy. Giờ thì ta đã tỉnh thức, đã tìm ra chân lý. Tất cả những ai tỉnh thức, đã giác ngộ, đều được gọi là Buddha. Ta là Phật, là Người Giác Ngộ.

- Vậy thì thưa Đức Phật, xin Người hãy truyền dạy những điều Người biết, để các đệ tử này có thể được giác ngộ.

Năm người cùng nói.

Họ sắp xếp cho Phật một chỗ ngồi, rồi ngồi quây tròn trước mặt Người.

Phật giảng rằng có Bốn Chân Lý Diệu Kỳ. Thứ nhất là chân lý về nỗi đau khổ. Cuộc đời chất chứa đầy những đau khổ. Tuổi già, ốm đau, các tan rã dần ở trong thân ngoài thân, bất hạnh và cái chết. Ngay cả khi tìm được lạc thú, thì liền sau đó con người cũng mỏi mệt vì chính lạc thú ấy. Ở đó không có chỗ cho sự thỏa mãn và an lạc thực sự.

Thứ hai là chân lý về nguyên nhân của đau khổ. Khi trong người chất nặng lòng tham và sự thèm muốn, thì người đó chỉ nhận được nỗi khổ mà thôi. Ở đó sẽ còn có mặt sự bất mãn, sân hận và mê muội dẫn đến bất hạnh. Ví như một nhà giàu luẩn quẩn với của cải thì tính luẩn quẩn ấy sẽ chẳng đem lại cho anh ta điều gì, ngoại trừ nỗi bất hạnh.

Thứ ba là chân lý về sự chấm dứt nỗi đau khổ. Khi ta diệt trừ được ham muốn và dục vọng, thì nỗi khổ đau cũng chấm dứt. Ta sẽ được an lạc và hạnh phúc.

Cuối cùng là chân lý về con đường. Con đường này là Chính Đạo, sẽ dẫn đến nơi chấm dứt mọi đau khổ. Nếu như ta tránh làm tổn hại đến mọi sinh linh, nếu như ta lắng suy tâm tư cảm xúc, nếu mài sắc trí tuệ và tiếp thụ được tri thức thực sự, thì mỗi chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc trọn vẹn, nơi chấm dứt mọi khổ ải.

Đó là bài giảng đầu tiên của Phật, gọi tên là kinh Chuyển Pháp Luân, quay bánh xe chân lý. Và năm ẩn sĩ kia được xem là năm tín đồ đầu tiên của Phật giáo.
RANDOM_AVATAR
pthuhien
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 22:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Phật sử và hư cấu văn chương

Gửi bàigửi bởi ptngocdiep » Thứ 7 27/10/07 23:13

[center]Phật sử và hư cấu văn chương(*)

Hoài Nam
[/center]



1. Từ Phật sử...

Trong tâm thức nhân gian, các bậc đại tôn sư, những người khai sinh các tôn giáo lớn trên thế giới hầu như tồn tại bằng sắc màu lấp lánh của huyền thoại nhiều hơn là bằng di sản tư tưởng hoặc hành trạng thực tế của cuộc đời họ. Đức Jesus Christ của đạo Thiên Chúa, hay Đức Phật Thích Ca của đạo Phật đều là những nhân vật như vậy. Điều này không khó lý giải. Ở thời nào cũng vậy, quần chúng (đám đông thì chính xác hơn) bao giờ cũng có nhu cầu được gửi gắm niềm tin của mình vào một bản ngã siêu việt, ngoài mình. Họ tìm thấy ở các nhà tư tưởng khai sinh tôn giáo một đấng Thượng đế nhân hình, một quyền năng sinh tạo và huỷ diệt mạnh mẽ đến mức có thể thoả mãn mọi cầu khấn của chúng sinh. Trong ý hướng ấy thì tất nhiên, những phương diện Người của đại tôn sư khai môn lập giáo đều bị trừu tượng hoá, cái còn lại là những phương diện Thần thánh, nổi bật và phổ quát (ở đây, một ý tưởng của Nietzsche được chứng minh: nhân loại tỏ lòng biết ơn với các vĩ nhân bằng cách luôn luôn hiểu lầm họ!). Nói chung, đám đông không thích chấp nhận cái thực tế rằng Jesus Christ hay Thích Ca Mâu Ni trước hết cũng là những cá thể người như họ, cũng phải chịu sự chế định của những quy luật sinh – hoá trên thân xác vật chất và sự tác động của vi khí hậu văn hoá đương thời trên hành trình tập thành tư tưởng. Nhưng với các nhà nghiên cứu tôn giáo theo tinh thần duy vật luận thì khác. Tôi dùng cụm từ “các nhà nghiên cứu tôn giáo” với nội dung không chỉ nhằm vào giới học giả hàn lâm, mà mở rộng hơn, nó còn là các tiểu thuyết gia đã cất công sục sạo trong bề bộn tư liệu, ngõ hầu phục dựng cuộc đời và chân dung tinh thần của nhà tư tưởng đã khai sinh một tôn giáo, một triết thuyết. Về Jesus Christ, người ta thường kể tới Cuộc mưu sát các ảo ảnh của Tendriakov, Và hòn đá ấy đã trở thành Đấng cứu thế của Silva Otero, Đoạn đầu đài của Aitmatov, Sự cám dỗ cuối cùng của Chúa (The last temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis và nhất là kiệt tác Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov v.v... Về Đức Phật, theo những gì tôi đọc được, ở ta đến nay đã có Ánh đạo vàng của Võ Đình Cường và Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh . Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái có thể kể là cuốn thứ ba.

(…) Cái mới ở đây, theo tôi, là quan điểm cá nhân của tác giả về Đức Phật, và từ đó, là cách tác giả xử lý những tư liệu liên quan xa gần đến Đức Phật mà anh đã dày công thu thập được trong suốt sáu năm sống trên đất Ấn Độ. Quan điểm ấy, nói một cách ngắn gọn, là tinh thần giải thiêng triệt để. Giải thiêng theo nghĩa quét sạch những mây mù huyền thoại bao quanh cuộc đời Đức Phật để hiển lộ chỉ một hiền triết, một nhà tư tưởng đã tìm ra con đường giải thoát. Thường xuyên có một sự phản biện ngầm của tác giả trước những chi tiết mang màu sắc huyền thoại về Đức Phật mà kinh điển Phật giáo đã ghi lại. Sự kiện Đức Phật ra đời chẳng hạn, đã được tác giả giải thiêng chỉ bằng hai câu bình luận của người kể chuyện: 1/ “Hoàng hậu chửa trâu, người ta bảo nhau, có mang mười tháng rồi mà vẫn chưa lâm bồn”. 2/ “Hoàng tử mới ra đời thì hoàn toàn tỉnh táo. Trắng hồng bụ bẫm. Xứ Ấn da trắng như vậy thì cũng coi như tỏa hào quang”. Cũng có thể thấy, tác giả đã “lờ”đi nhiều chi tiết huyền thoại khác - việc Đức Phật dùng phép thần thông để dẹp trừ các ma vương chẳng hạn - trong khi rất chú ý tăng cường các chi tiết hết sức đời thường về Đức Phật: Phật chỉ có thể làm chậm lại, chứ không thể ngăn cản việc bộ tộc Thích Ca của Ngài bị tàn sát dưới ngọn lửa hận thù của vua Vidudabha. Sự kiện Đức Phật nhập diệt cũng khá trớ trêu: Người chết vì những thứ bệnh hết sức “người đời” như đau khớp, đường ruột, huyết lỵ; trước thi thể của bậc đại giáo chủ, các đệ tử tại gia bàn qua bàn lại mãi mới đóng góp được một chút tiền mọn lo cho cho việc tang lễ, để rồi trên giàn hỏa táng “đôi chân Phật bọc trong vải trắng vẫn còn chìa ra khỏi bệ củi. Lượng củi gỗ thu thập được quá ít ỏi”.

Tinh thần giải thiêng cũng xuyên thấm trong quan điểm của tác giả về quá trình Đức Phật hoằng dương đạo pháp và xây dựng giáo hội. Để một triết thuyết có thể trở thành một ý thức hệ tư tưởng – như sau này Phật giáo trở thành quốc giáo ở nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á - thì sự tỏa sáng từ bản thân nó chưa đủ. Cần phải có sức mạnh bảo trợ từ phía chính quyền. Và ở đây thì tác giả đã tái sử dụng khá nhiều chi tiết cho thấy Đức Phật là một lãnh đạo giáo đoàn khôn khéo đến thế nào trong việc tranh thủ cảm tình của các đại vương vùng bắc Ấn. Cuộc đối đáp – do Ngài tổ chức – giữa Phật và giáo sĩ danh tiếng Kassapa của đạo thờ Thần Lửa ngay trước mắt đại vương Bimbisara là một ví dụ rất sinh động: chính sự quy phục của vị giáo sĩ này đã gây ấn tượng mạnh cho Bimbisara và dẫn đến việc đại vương trở thành người bảo trợ tự nguyện cho giáo đoàn của Phật. Mặt khác, ở nhiều chi tiết rải rác, tác giả cũng chủ ý làm nổi bật một thực tế, rằng nguyên tắc tổ chức giáo hội và hệ thống giáo lý, giới luật của Phật giáo không hề là kết quả của sự mặc khải “một lần cho tất cả”. Nó là một quá trình điều chỉnh liên tục để đi dần đến hoàn thiện. Luật cấm người xuất gia uống rượu (giới tửu) chẳng hạn. Chẳng phải luật này đã có ngay từ ban đầu, mà phải chờ đến khi một nhà sư say rượu tại kinh đô Kosambi của tiểu vương quốc Vamsa, gây ra bê bối khiến vua Udena thiếu thiện cảm với giáo hội, lúc ấy Phật mới ban lệnh cấm rượu cho toàn thể tăng đoàn, không một ngoại lệ. Việc các nữ nhân có mặt trong giáo đoàn khất sĩ của Phật cũng vậy. Thoạt đầu Ngài không chấp thuận, dù đó là bà dì ruột Pajapati hay nàng Yasodhara, vợ Ngài (trước khi xuất gia). Chỉ tới khi lời cầu khẩn và nước mắt của những người thân khiến Ngài phải động lòng, cộng thêm sự thuyết phục tài giỏi của tôn giả Ananda, lúc ấy Đức Phật mới đồng ý trong giáo hội của Ngài ngoài tăng còn có thể có ni... Cứ thế, nhẩn nha trong cách kể chuyện và kiên trì với tinh thần giải thiêng triệt để, tác giả rút tỉa từ khối tư liệu của mình những chi tiết khả tín và đắc dụng, sắp xếp chúng để tạo nên một truyện kể của riêng mình về cuộc đời Đức Phật. Đức Phật đã trở thành nhân vật của Hồ Anh Thái. Nhân vật này hiện lên với diện mạo của một hiền giả, một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại, nhưng vẫn không thôi đậm chất Người!



2. ...đến hư cấu văn chương

Tuy nhiên, để có thể chính danh gọi Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái là một tiểu thuyết, cần phải căn cứ vào những chương Savitri, nơi mà tác giả để trí tưởng tượng tháo cũi sổ lồng, tự do hết mực trong hư cấu văn chương. Và chắc chắn, đây cũng là phần thú vị nhất của toàn bộ cuốn sách này.

Savitri là một cựu Kumari (tức Nữ thần Đồng Trinh) theo tập quán phong thờ ở thung lũng Kathmandu thuộc xứ Nepal. Savitri hành nghề hướng dẫn viên du lịch, cô kể chuyện đời Phật và kể chuyện đời mình, mà cả hai cuộc đời ấy thì đều ở thế kỉ thứ VI, thứ V trước Công nguyên, tức là cách 25, 26 thế kỷ khi câu chuyện bắt đầu được kể lại! Người đọc hãy chú ý đến câu đầu tiên của chương Savitri đầu tiên: “Ta cũng có mặt trong lễ kén vợ của hoàng tử Siddhattha”. Chỉ bằng một thông báo ngắn gọn này thôi, ngay lập tức cái hố thẳm thời gian 25, 26 thế kỉ ngăn cách giữa lúc Savitri kể và lúc câu chuyện thực sự xảy ra đã bị san lấp. Chúng ta bị tác giả kéo tuột vào một thực tại không tưởng của thế giới nghệ thuật do anh tạo ra, rằng cô Savitri – người kể chuyện, và nàng công chúa Savitri có mặt trong lễ kén vợ của hoàng tử Siddhattha, là một! Và chính là với tư cách của người chứng kiến, hơn thế, người tham dự vào những sự kiện xảy ra ở thì quá khứ mà nhân vật nàng Savitri đã trở thành điểm mấu chốt để tác giả triển khai nhiều ý tưởng của mình.

Trước hết, Savitri là nhân tố bổ trợ cho tinh thần giải thiêng hóa Đức Phật mà tôi đã đề cập ở trên. Trong niềm ngưỡng vọng tuyệt đối trước bậc Đại Giác ngộ, các Phật tử thường có thói quen phóng đại mọi chi tiết của lịch sử đời Phật. Chẳng hạn, sự thờ ơ với những niềm hoan lạc trần thế mà Ngài hoàn toàn có thể tận hưởng khi còn là hoàng tử Siddhattha luôn được xem là dấu hiệu đầy quan trọng cho một sự ra đi vĩ đại, nhưng từ sự đánh giá của Savitri, thì: “Hoàng tử như lạc sang cõi khác. Hoàng tử hờ hững với cõi tục. Hoàng tử làm việc này mà đầu óc nghĩ sang việc khác. Mơ mơ màng màng hâm hâm hấp hấp”. Giọng điệu giễu nhại này – chừng như được tác giả mang từ tiểu thuyết Mười lẻ một đêm sang – dứt khoát là một đối trọng với quan điểm thần thánh hóa Đức Phật. Hoặc, ở chương Savitri cuối cùng - được đặt ngay sau chương Đức Phật cuối cùng, như một “ngoại sử” được đặt bên cạnh “chính sử” về thời điểm Đức Phật nhập diệt – có chi tiết: “Giữa đám tín đồ địa phương nhốn nháo đùn đẩy việc cho nhau, ta tình nguyện nhận ngay việc tắm rửa cho giáo chủ... Giờ thì ta đã được tận tay múc nước tắm cho chàng. Lần duy nhất. Ta đã đi đến tận cùng thoả nguyện”. Sự thoả nguyện thấm đẫm một niềm ngậm ngùi của người đàn bà suốt đời ôm ấp hình bóng người yêu trong mộng tưởng. Nhưng điều có ý nghĩa hơn, là nó đã “người đời hoá” cái chết của một bậc đại tôn sư khai môn lập giáo: Ngài cũng không tránh khỏi cái chết, và khi chết rồi, Ngài hoàn toàn mất quyền tự quyết đối với tấm thân Tứ đại của mình!

Mặt khác, nhân vật nàng Savitri – cả ở tiền kiếp và hiện kiếp của mình – lại là một chứng nghiệm cho những tư tưởng mà Đức Phật đã giác ngộ cách đây 26 thế kỉ. Xuất thân đẳng cấp võ tướng (Kshatriya), xinh đẹp, và nhất là lại được giáo dục trong bầu khí quyển của nền văn minh Ấn Độ cổ đại, nơi đã sản sinh ra Dục Lạc Kinh (Kama Sutra), Savitri là người cực kì phóng túng trong quan hệ nam nữ. Nàng hưởng thụ khoái lạc nhục dục một cách tham lam, hối hả (ngay cả khi đã là một lão phụ, Savitri vẫn cần tới hơi trai trẻ hàng đêm!) Hưởng thụ như thể đó mới chính là mục đích sống của cuộc đời nàng. Đa tình tới mức gần như là một thứ nòi tình (mới bốn tuổi, gặp hoàng tử Siddhattha lần đầu, nàng đã quyết tâm lớn lên sẽ lấy chàng bằng được), Savitri trọn đời ôm ấp trong tâm tưởng hình ảnh của nhà hiền triết xứ Kasi, thế nhưng, đó cũng là thứ tình yêu đầy những khát khao thể xác. Chung cuộc, nàng được cái gì? Các bạn tình lần lượt rời bỏ nàng ra đi, kẻ thì chết vì sắc dục quá độ, người thì trở thành khất sĩ trong giáo đoàn của Đức Phật. Hai lần nàng được chạm vào thân thể của “người yêu trọn đời trong tâm tưởng” (lần thứ nhất là lúc Phật tọa thiền trong đêm mưa bão, lần thứ hai là khi Ngài nhập diệt), nhưng cả hai lần nàng đều ôm trong vòng tay mình một thân xác không hồn, một thực thể trơ trơ trước ngọn lửa tình hừng hực. Suốt cuộc đời tiền kiếp Savitri chưa bao giờ ý thức được về cái khổ của phận người, nàng đắm chìm trong dục vọng thể xác, và cùng với nó, nàng bị đẩy vào bánh xe luân hồi. Có lẽ, đây chính là chiếc chìa khoá để mở ra bí mật của cái thực tại không tưởng mà nhà văn đã tạo tác ngay từ đầu (hai nàng Savitri ở hai thời đại cách nhau 26 thế kỉ, là một). Dấu chỉ để nhận ra yếu tố luân hồi chính là chi tiết về chiếc khăn xếp màu đỏ: ở tiền kiếp, công chúa Savitri đã xin hoàng tử Siddattha chiếc khăn xếp và giữ gìn nó như một bảo vật; ở hiện kiếp, cô bé Savitri được phong làm Nữ thần Đồng Trinh khi chỉ chọn lấy chiếc khăn xếp trong một căn phòng cơ man đồ vật.

Trong một chương Tôi, nhà nghiên cứu Ấn Độ học - người kể chuyện xưng Tôi - đã cho biết thêm một chi tiết khá lạ lùng về nàng Savitri - hướng dẫn viên du lịch: cô luôn bật cười khanh khách mỗi khi chuẩn bị bước vào cuộc giao hoan với đàn ông. Không nén được. Vì khả năng nhìn xuyên qua bóng tối khiến cái trần trụi lố bịch và sự khiếm khuyết của bạn tình cứ đập vào mắt cô. Cô không muốn cười mà tiếng cười vẫn cứ bật ra, như dội một gáo nước lạnh dập tắt cái dục vọng đùng đùng của đám đàn ông, cuộc giao hoan bất thành. Tôi cho rằng, đây không phải là chi tiết nhằm cá biệt hoá nhân vật. Cái sự bật cười không đúng lúc này có lẽ là một thứ án phạt khiến cho Savitri phải trở thành Nữ thần Đồng Trinh vĩnh viễn (dù cô đã bị truất ngôi), khiến cho cô không bao giờ được biết đến một trong tứ khoái của người đời. Nếu liên hệ với tiền kiếp của cô - nàng công chúa Savitri luôn khao khát và hầu như luôn thoả mãn với lạc thú thân xác - có thể nói, ở đây chúng ta đang chứng kiến kết quả vận hành của Nghiệp, của quy luật nhân quả tương tục trên các kiếp của một chúng sinh chưa được giải thoát.

“Có thể kể chuyện mà không lục tay trong những cái bao tải hay không?”

“Savitri là một cái đĩa CD. Anh có thể nghe được âm thanh trong một cái đĩa CD mà không cần máy đọc CD không?”

Đó là một đối thoại giữa Tôi và Savitri. Câu trả lời của Savitri là sự giải thích cho việc cô cứ luôn lục tay vào trong sáu chiếc bao tải khi kể chuyện đời Phật và kể về tiền kiếp của mình. Sáu chiếc bao tải, mỗi bao là một ký âm, hợp lại thành một câu thần chú: Om mani padme hum (úm ma ni bát mê hồng). Savitri không nói rõ cái gì ở trong sáu chiếc bao tải. Nhà nghiên cứu Ấn Độ học không hỏi. Nhà văn Hồ Anh Thái cũng không giải thích. Còn tôi, người viết bài này, thì đồ rằng trong đó là những công tắc điện. Khi Savitri thò tay vào, bật lên, cả một luồng ánh sáng mạnh đã hắt ngược trở về 26 thế kỉ trước, soi rọi diện mạo xã hội Ấn Độ thời Đức Phật. Người ta nhìn thấy ở đó đời sống xa xỉ và sự lộng quyền của các giáo sĩ Bà La Môn. Người ta nhìn thấy ở đó những nghi thức của lễ thanh tẩy và tập tục hỏa thiêu người phụ nữ chết theo chồng. Người ta nhìn thấy ở đó sự thác đọa trụy lạc của đám tiểu thư công tử con nhà quan quyền phú hộ, nhìn tận mắt những ngón chơi bời của họ. Người ta cũng nhìn thấy ở đó rất nhiều phương cách tu hành kỳ lạ mà con người mày mò tìm đến để mong có được sự an lạc tinh thần v.v... Tất cả những hoạt cảnh ấy hợp lại, mang đến cho người đọc cái khoái cảm được du hí xuyên thời gian. Nhưng quan trọng hơn, nó mang đến một sự lý giải – theo cách của văn chương – rằng vì sao mà Đức Phật và tư tưởng của Ngài lại xuất hiện trên cõi thế.

Ở những trang đầu của cuốn sách, tác giả tả không gian vùng biên giới Ấn Độ – Nepal khi bất chợt có sương mù: “Trắng đục. Xốp. Rất mỏng rất nhẹ. Không thể biết bao giờ nó tan. Không thể nhìn thấy bất cứ cái gì ngay trước mặt mình”. Tất cả đều trở nên mù lòa trong màn sương ấy, chỉ có Savitri là nhìn xuyên qua nó, cũng như nàng có thể nhìn xuyên qua đêm đen. Nhưng ở cuối cuốn sách, khi “không gian tự dưng vàng phơ phơ ra... Vàng nhờn nhợt. Vàng như một cái kẹo nhạt. Đất trời cứ bợt dần ra chờ đến khi trời tối” thì Savitri lại trở nên mù lòa trong cái cảnh tranh tối tranh sáng nhập nhoạng ấy. Cô dắt nhà nghiên cứu Ấn Độ học đi trong sương mù, đi trong đêm đen. Còn khi “một ban ngày đang nhợt ra thoi thóp để sửa soạn nhập diệt vào đêm tối” thì nhà nghiên cứu Ấn Độ học lại chỉ lối cho cô. Vô minh có muôn hình vạn trạng. Chúng sinh nương tựa vào nhau mà mò mẫm đi trong các vùng vô minh. Thoát hẳn khỏi vô minh có lẽ chỉ có một người, nhưng người ấy nhập diệt đã từ rất lâu, phải vậy chăng?


Báo Văn Nghệ, 12-5-2007
RANDOM_AVATAR
ptngocdiep
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: Thứ 4 30/05/07 8:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Giấc mơ lạ của Hồ Anh Thái tặng cho người đọc

Gửi bàigửi bởi TuyetNgan » Thứ 3 30/10/07 8:55

Xin gioi thieu bai cua PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Thái (Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH-NV HN):

[center]Giấc mơ lạ của Hồ Anh Thái tặng cho người đọc…


Nguyễn Thị Minh Thái[/center]



(…) Lần đầu tiên (ít nhất là ở Việt Nam), Đức Phật hiển thị trong tiểu thuyết này như một nhân vật tiểu thuyết. Ngài đã hoàn toàn được khúc xạ trong ánh sáng hư cấu, được hiển hiện trong mơ của một nhà tiểu thuyết tay nghề cao, với ý niệm độc đáo về lao động viết tiểu thuyết như một giấc mơ dài. Giấc mơ này có thể là vô hạn như sự hư cấu, tưởng tượng của nhà tiểu thuyết là vô hạn trong cái viết của mình. Vì thế, tôi thật không mấy tin, khi có ý kiến cho rằng, trong tiểu thuyết mới này, Hồ Anh Thái đã có ý thức hẳn hoi trong sự giải thiêng triệt để hình ảnh Đức Phật của Phật giáo Ấn Độ đã tồn tại suốt hai mươi mấy thế kỷ.

Theo tôi, Hồ Anh Thái đã thực hiện trong tác phẩm mới nhất này một cái nhìn tiểu thuyết vừa hiền minh, vừa suồng sã, với ý thức không lạc lối ra ngoài phong cách viết của riêng mình, đã được chứng thực trong hai tiểu thuyết gần đây nhất: Cõi người rung chuông tận thế và Mười lẻ một đêm. Và mặc dù, viết về một nhân vật vĩ đại, từng được/bị phong kín trong huyền thoại đã hơn 2500 năm, Hồ Anh Thái cũng không dễ dãi tựa lưng vào lịch sử để viết một tiểu thuyết “lịch sử - tư liệu” thông thường. Và cũng không hùa theo huyền thoại để dễ dàng vô độ về hư cấu. Chọn một điểm nhìn trung hòa, ở giữa hai thái cực, Hồ Anh Thái đã thành công về ý đồ sáng tạo được nghiền ngẫm rất kỹ, trong tự bạch: “Tác giả cũng khai thác nhiều nguồn tài liệu triết học Phật giáo và lịch sử Phật giáo nhằm xây dựng hình ảnh một Đức Phật lịch sử, không phải là nhân vật huyền thoại. Cả những chi tiết ít được biết, nhưng mang tính lịch sử, cũng đã được sử dụng cho tiểu thuyết này.”

(…) Cho nên, không hề vô tình, nhân vật Đức Phật được đặt trong bộ ba nhân vật chính, hiện hình ngay ở tên tiểu thuyết: Đức Phật, nàng Savitri và tôi (phải chăng bộ ba này phảng phất hình bóng bộ ba gốc của đạo Bàlamôn Ấn Độ cổ đại, với ba vị thần ở ba vị trí tam giác: đứng đầu là thần Sáng tạo (Brahma), thứ hai: thần Bảo tồn (Vishnu) và thứ ba, thần Hủy diệt và Tái tạo (Shiva). Vả chăng, tác giả đã ngụ trong đó thêm một hàm nghĩa: chính là Phật giáo đã ra đời từ sự lụi tàn của Bàlamôn giáo, từ đối lập chát chúa đen - - trắng giữa một bên là đạo Bàlamôn già cỗi, khắc kỉ, phi nhân, đã đến lúc diệt vong, với một bên là đạo Phật, vừa xuất hiện tươi mới trong sự giác ngộ của một người, song đã đặt nền tảng cho một tôn giáo mới, đầy tình thương và nhân bản, đặng cứu giúp chúng sinh nhận chân bể khổ là cuộc đời, đặng giải thoát họ khỏi nỗi khổ và bừng ngộ nơi Niết bàn.

Hơn thế nữa, khi xây dựng bộ ba nhân vật nhiều hàm nghĩa như thế, và tuy đặt nhân vật Đức Phật ở vị thế trung tâm, nhưng tác giả vẫn không muốn tập trung ánh sáng chiếu rọi chỉ vào Đức Phật. Liên tục di chuyển góc nhìn, Đức Phật được nhìn từ nhân vật nàng Savitri, một cái nhìn dục lạc, trần thế, rồi chuyển sang góc nhìn thâm trầm của nhân vật Tôi, một cái nhìn như thể muốn cân bằng âm dương giữa Đức Phật và Savitri, nhằm tạo cho cuốn tiểu thuyết một từ trường thu hút độc giả, với sự mở ngỏ cố ý của tiểu thuyết.

Để làm gì nhỉ? Theo tôi, điều này có thể liên quan đến trăn trở của tác giả đối với văn hóa đọc hôm nay, nhất là văn hóa đọc tiểu thuyết của bạn đọc trẻ. Vì thế, qua cách “chừa lề” thật rộng rãi như thế, hồ như, tác giả đã tặng cho người đọc một cái nhìn dân chủ.

Đứng về phía người đọc, vốn là của một nền văn minh lúa nước lâu đời, từng tiếp thu Phật giáo ngay từ đầu công nguyên, từng có Luy Lâu, thủ phủ Phật giáo Việt Nam, từng có Phật tử đông hơn cả so với các tôn giáo khác đã nhập hòa với người Việt trong lịch sử, và hiện tại, Phật giáo vẫn đang sống hòa hợp với đời sống tâm linh của người Việt đương đại, thì cách giải thiêng triệt để hình ảnh Đức Phật chắc chắn không phải ý đồ tiểu thuyết của Hồ Anh Thái nhắm tới người đọc Việt và nói chung… Dân chủ, để mở, và đứng ở vị trí nhân vật Tôi (người kể chuyện), kề vai sát cánh cùng nhân vật công chúa Savitri và hậu duệ của nàng, một hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp suốt chiều dài thời gian tiểu thuyết…, tất cả những động thái tiểu thuyết ấy của người viết chỉ cốt cho người đọc thấy: tất cả những gì thuộc về con người và ngay cả Đức Phật nữa, cũng không xa lạ với… người đọc. Đây mới chính là nội lực thâm sâu của người viết và dường như cũng là cách mà Hồ Anh Thái muốn người đọc thông minh chiêm nghiệm cuốn sách mới này chăng?



Thể Thao và Văn hóa, 26-5-2007
RANDOM_AVATAR
TuyetNgan
 
Bài viết: 79
Ngày tham gia: Chủ nhật 22/04/07 22:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Gửi bàigửi bởi CaoLy » Thứ 6 02/11/07 17:21

[center]Diễn tả cái vô minh bằng tiểu thuyết


HT. Thích Chơn Thiện
[/center]



(…) Như Dan Duffy, trong tạp chí Việt Nam Forum của Đại học Tổng hợp Yale, Connecticut, Hoa Kỳ, đã nhận định: "Hồ Anh Thái là nhà văn bẩm sinh", tôi không bàn đến ở đây các giá trị văn chương nữa, mà chỉ có một phát biểu khái quát rằng: dòng sáng tác Hồ Anh Thái tỏa sáng nét thẩm mỹ, thông minh, hài hước, ngày càng đi sâu vào vùng âm thanh lạ của thăm thẳm núi rừng đến tận Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya). Dù biết vậy, tôi vẫn ngạc nhiên khi đọc Đức Phật, nàng Savitri, và tôi (đọc kỹ hơn một lần)**. Tập sách là một tiểu thuyết rõ ràng, mà sao nghe như lời ký sự hành hương xứ Phật? Nghe như ghi chép của một chuyến điền dã, hay một luận văn Tiến sĩ Phật học viết nghiêm túc về đề tài: Đức Phật, một nhân vật lịch sử, một nhà đại văn hóa, hiền triết của thời đại? Và cũng nghe như là một Đối chiếu học giữa Phật giáo với 62 học thuyết đương thời của xã hội Ấn?

Tác giả đã gọi tập sách là tiểu thuyết, tôi không thể gọi tên khác. Dù gọi bằng tên nào thì tập truyện vẫn ghi lại đúng các sự kiện văn học, vẫn bát ngát tình người và ngời sáng trí tuệ hiện thực. Tôi không có gì để góp ý vào tập truyện, chỉ ghi lại đây một ít ấn tượng mà tập truyện đã đánh thức dậy trong tôi những ý tưởng thú vị.

Truyện chép: …"sương mù như thế này thì không gì cứu được. Chính lúc ấy là một cảm giác vô minh. Cái tăm tối mù lòa ngu dốt. Cả thế gian cùng lúc chìm đắm trong vô minh. Rõ ràng ta không mê muội, không ngủ mơ. Rõ ràng ta đang tỉnh táo. Nhưng cái tỉnh táo trong chốn mù lòa dốt nát cũng vô tác dụng. Tỉnh như thế cũng không thấy được đường ra".

(chương 1: Tôi; Tr.12)

Tác giả diễn tả rất tuyệt vời về cảm nhận vô minh. Mọi người của các vùng văn hóa thì không thấy đường. Chỉ có nàng Savitri, chứng nhân của Giáo hội Phật giáo thời Đức Phật, là thấy rõ. Kinh Phạm Võng (Brahmajàla - suttam) thuộc Dìghanikàya, Theravada (và kinh Phạm Động tương đương thuộc Agama, Sarvatisvada) ghi rõ 62 học thuyết của Ấn Độ đương thời đều chìm trong chấp thủ thấy biết (knowledges) và cảm thọ (feelings: inner and outer feelings) nên không thể đi vào được Trí tuệ Toàn giác (Perfect Wisdom) giải thoát tận gốc khổ đau. Chỉ có Đức Phật Gotama rời khỏi chấp thủ và trở thành bậc Toàn giác, đấng Giác ngộ. Các học giả Phật học danh tiếng cận đại và hiện đại thì diễn đạt sự khác biệt ấy bằng công thức:

Phật giáo = Non-I doctrine (Anattavada)

Các tôn giáo và triết thuyết khác = I doctrine (Attavada)

Nhà văn Hồ Anh Thái thì biểu tượng hóa dòng văn hóa của I doctrine (văn hóa hữu ngã) bị che phủ bởi lớp sương mù sền sệt ở biên giới Ấn- Népal, và tự thân đã chứng nghiệm cái giới hạn của vùng văn hóa ấy qua đoạn văn vừa trích dẫn trên.

Các chương truyện tiếp theo là phần tác giả giới thiệu điểm xuyết (được chọn lọc) các nét văn hóa tiêu biểu của Ấn giáo, Bà La Môn giáo với sự rọi sáng của trí tuệ như thật (trí tuệ Toàn giác): văn hóa Ấn cổ thì chìm đắm vào lạc thú trần gian qua Kàmasutra (kinh về các tư thế hành lạc, bậc thầy của đương đại); văn hóa Phật giáo thì chế ngự lòng khát ái (ham muốn dục lạc, ham muốn hiện hữu, ham muốn vô hữu: dục ái, hữu ái, vô hữu ái) trong bài pháp đầu tiên Đức Phật khai đạo ở Lộc Uyển (Migadaya, Varanàsi). Đây là Đối chiếu học. Sự kiện nầy khiến ta nhớ đến các vần thơ bất hủ của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

"Đã mang lấy một chữ tình

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng".

Lúc Kiều đoàn viên, rời khỏi đoạn trường, thì:

"Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời"

Chỉ có thứ sương ở biên giới Ấn - Népal của nhà văn Hồ Anh Thái mới bóc được cảm xúc của đại thi hào như ở trên.

Về sự kiện trọng đại Giác Ngộ của Đức Phật, Hồ Anh Thái đã thoát ra khỏi hình thức kinh viện, giới thiệu bằng ngôn ngữ văn học tiểu thuyết rằng:

"Thế là chàng đã phát hiện ra rằng toàn bộ cuộc sống có quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ hạt bụi nhỏ nhất đến vì sao lớn nhất đều có mối liên quan. Tất cả đều không ngừng thay đổi: phát triển, tan rã, rồi lại phát triển. Chẳng điều gì không có nguyên nhân của nó, nhân nào thì quả ấy.

Rồi chàng nhìn thấy hết thảy khổ đau nơi trần thế. Chàng đã hiểu vì sao mọi chúng sinh từ loài côn trùng nhỏ cho tới một vị hoàng đế, đều theo đuổi lạc thú, để rồi kết thúc nơi bất hạnh…

Sau rốt, chàng tìm thấy con đường chấm dứt mọi đau khổ. Nếu như con người thấy cái tự ngã của mình và của mọi hiện hữu là rỗng không, không có chủ hữu, không có sở hữu; thì trong đầu óc họ không còn chỗ cho lòng tham, hận thù, ghen ghét, đố kỵ… Người ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ, bất hạnh. Trái tim chỉ còn chứa đầy lòng yêu thương. Chính lòng từ bi này sẽ đem đến bình yên và hạnh phúc…"

(Ibid, tr. 178)

Cái nhìn trí tuệ ấy đầy cả từ ái được kiết tập trong nhiều bản kinh Phật (Texts), trong đó có bản kinh nói về vị Tỷ kheo (đắc quả A la hán) Angulimàla mà Hồ Anh Thái đã diễn đạt qua hình tượng tiểu thuyết câu chuyện có thực rằng:

"Một buổi Phật cùng Ahimsaka (tức Angulimàla) đi qua một khuôn viên vắng người. Thốt nhiên có tiếng rên gần đó. Thì ra có một thiếu phụ bụng mang dạ chửa trên đường về nhà được mẹ dìu tới đây thì trở dạ. Bà mẹ nhìn thấy thiếu phụ đẻ khó đang nằm quằn quại đau đớn thì chỉ còn biết nhờ hai vị khất sĩ cầu nguyện giúp cho. Phật quay sang bảo Ahimsaka:

- Con hãy nói rằng từ khi sinh ra đến nay con chưa hề phạm tới tính mạng của một sinh vật nào, cầu cho nhờ sự thật ấy mà sản phụ này được mẹ tròn con vuông.

- Trời ơi, vậy thì nàng nguy mất, vì như vậy là con nói dối.

Đức Phật mỉm cười ý nhị:

- Vậy thì ta sẽ đổi lại một chút. Con hãy nói từ khi sinh ra trong chính pháp lương thiện tới nay con chưa hề phạm tới tính mạng của một sinh vật nào, cầu cho nhờ sự thật ấy mà sản phụ này được mẹ tròn con vuông.

Ahimsaka vốn trước có học nghề y ở Viện Đại học. Vừa khấn theo lời Phật dạy, khất sĩ vừa giúp cho người đàn bà vượt cạn. Đứa trẻ ra đời, cả mẹ cả con đều bình yên vô sự…"

(Ibid, tr. 361)

Hình ảnh Đức Phật ở đây xuất hiện thật dung dị và gần gũi với con người. Đạo Phật là thế. Giản dị mà siêu thế. Trọn đời tôi vẫn mãi cung kính chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Phật đi chân không, trú mưa qua đêm trong một căn lều lá bên vệ đường, độ ngọ nơi căn bếp nhỏ của một gia chủ mù lòa, hay rêm mình giữa thời pháp (đang giảng đạo)… Hình ảnh ấy làm cho trần thế trở thành lung linh.

Không phải mọi thứ đều toàn vẹn trong giáo hội của Ngài, theo quy luật bất toàn của xã hội, tác giả Hồ Anh Thái vì thế đã ghi lại sự kiện Devadatta, người em họ của Ngài, đòi thay Phật lãnh đạo giáo hội, đã âm mưu cùng thái tử Ajatasattu để hại Phật và tiếm vị. Sự việc không thành đã làm tỏa sáng thêm nét thánh thiện của Phật giáo. Tương phản hẳn với Đức Phật, vị lễ sư quốc sư Bà La Môn thì dối gạt cả đến lòng tin của tín hữu, đã được ngòi bút hài hước, châm biếm sâu sắc của tác giả vạch trần, một sự vạch trần không chỉ dừng lại ở phẩm hạnh của lễ sư, mà còn đi xa hơn nữa đến một số tập quán tín ngưỡng cần được thời đại nhân văn soát xét lại. Tác giả đã khéo đưa các tập quán đó đến quanh đời sống của nàng Savitri, một nhân vật để lại ấn tượng khó quên. Không thể nào quên được các lễ vật rất đắt giá nạp cho lễ sư để chuộc lỗi của Savitri, những sự việc không thành lỗi. Không thể nào quên được hủ tục trà tì (thiêu sống người vợ trẻ đi theo chồng trên giàn hỏa thiêu) phi nhân văn. Không thể nào quên được tục tôn thờ và dâng lễ lo lót cho thần độc hại Mangal. Càng không thể nào quên niềm tin sâu sắc của văn hóa Ấn, bao gồm cả giáo lý nhà Phật, vào quy luật Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi như là cơ sở hướng dẫn con người sống thiện lương. Savitri vừa là Kumarì (thánh nữ đồng trinh), vừa là hướng dẫn viên cho du khách, vừa là hậu thân của công chúa Savitri thời Đức Phật (tái sinh vào cuối thế kỷ XX) với các chú thuật giúp nhớ về quá khứ của tự thân, và nhất thời đọc được ý nghĩ người đối diện. Tất cả đó là sắc thái đặc thù của văn hóa Ấn với nét huyền bí được tóm kỹ vào trong sáu chiếc túi xách nhẹ của nàng đi theo nàng suốt cuộc hành trình. Trên hết, tất cả đã được tác giả sử dụng như chỉ để làm nổi bật tuệ đức, tâm đức và hạnh đức ngời sáng của Đức Phật vì hạnh phúc của nhân thế trong hiện tại và mai sau.

(Tạp chí Tia sáng, số 12, 20-6-2007)
RANDOM_AVATAR
CaoLy
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TIỂU THUYẾT “ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI” CỦA HỒ ANH THÁI

Gửi bàigửi bởi skoalls » Thứ 3 25/03/08 11:11

Tớ thực sự bị cuốn hút bởi tác phẩm này .. không phải chỉ vì do tớ là .. fan ruột của Hồ Anh Thái ... nên tớ thích .. mà còn bởi nhiều lý do khác !
đây là 1 tp của một người Việt mà khi mình đọc mình có cảm giác rất " lạ " không bị cái chữ "tác phẩm Việt Nam " nó ám ảnh
đọc như bị trôi vào thế giới nào ấy .. kiểu đi lạc trong " nghìn lẻ một đêm " í ...
- ......khó nói quá ! đây là 1 tp mình thích nhất từ trước đến giờ ! .. ko thể diễn tả được cảm xúc ra nữa ... :!: ... chỉ muốn share cho tất cả cùng đọc ! khá bổ ích về cả nội dung kiến thức , tình tiết xã hội , hay hình thức thể hiện !
- cậu chuyện mà bạn có thể tách riêng phần " Đức Phật " ra để đọc !
Yêu lắm Hà Nội ơi !
RANDOM_AVATAR
skoalls
 
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ 3 02/10/07 18:21
Đến từ: Hà Ná»™i
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần


Quay về Thư giãn văn hoá học: văn chương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách

cron