NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm văn chương với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 08/03/09 0:15

[justify]Liên Xô (tiếng Nga: СССР), tên đầy đủ là Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Союз Советских Социалистических Республик), còn gọi là Liên bang Xô viết (Советский Союз) – là một cựu quốc gia chiếm phần lớn châu Âu và châu Á, tồn tại từ 30 tháng 12 năm 1922 cho đến khi chính thức tan rã và sụp đổ vào ngày 25 tháng 12 năm 1991.

Trong thế kỷ 20, Liên Xô xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng khá sâu rộng đến tiến trình lịch sử của thế giới. Mọi sự kiện lớn của thế giới – nhiều hay ít – đều có dấu ấn và chịu sự tác động của Liên Xô. Việt Nam cũng không nằm ngoài lực hút ấy. Sau khi Liên Xô tan rã và sụp đổ, người ta ít nhắc đến những sản phẩm vật chất, hàng hóa… của quốc gia này, nhưng những giá trị văn hóa tinh thần mà nó để lại cho nhân loại thì mãi mãi lung linh và bền vững.

Với riêng tôi, khi nói đến Liên Xô, trong tôi chỉ vang lên hai chữ “Nước Nga”. Thiên nhiên Nga đa dạng, trữ tình, hùng vĩ; lịch sử Nga vĩ đại; trái tim nhân dân Nga chân thật, phóng khoáng và nhân hậu… tất cả được kết tinh và biểu hiện sinh động trong nền văn hóa Nga. Thời còn sinh viên (giai đoạn “bao cấp” ngoài Bắc, nghèo mà đẹp lắm!), văn học Nga thấm vào chúng tôi như một lẽ tự nhiên của đời sống. Đến nay, vật đổi sao dời… nhưng có một “Tình Yêu Không Đổi” – đó là Tình Yêu đối với các nhà văn, nhà thơ, những trang viết, những giai điệu Nga…

Mở topic này, tôi muốn gửi Tình yêu ấy, như gửi “hương cho gió”, để những ai cùng tâm tư với tôi lại có được Khoảng Lặng để cùng nhau Nhớ và Yêu hơn những Người Thơ, những vần thơ vẫn “thơm ngàn hương, ngát ngàn hoa”… qua năm tháng thời gian…

Người đầu tiên tôi muốn giới thiệu là nữ thi sĩ Onga Becgon (Olga Berggolts,1910 -1975). Cần phải dành một sự “ưu ái” trang trọng cho Bà, không chỉ bởi những dòng xúc cảm thơ xao xuyến, khát khao mà Bà để lại. Đơn giản, vì hôm nay là 8.3 - một ngày nhân loại trên thế giới nói và viết về Người Phụ Nữ. Hãy dành cho Bà những trang hồi tưởng thương mến, như những đóa hồng tươi duyên, đằm thắm gửi tới một Người thơ đã ra đi và để lại NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Olga Fyodorovna Berggolts (1910 – 1975)

Tiểu sử:
Olga Berggolts sinh ngày 16 tháng 5 năm 1910 ở Sankt-Peterburg. Những năm 20 học ở trường phổ thông, tham gia nhóm Смена, làm quen với Boris Kornilov (sau này trở thành chồng đầu của Olga Berggolts). Năm 1930, tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Leningrad, Olga Berggolts đi Kazakhstan làm phóng viên của báo Советская степь (Thảo nguyên Xô Viết). Sau đó trở về Leningrad làm biên tập ở một số tờ báo và xuất bản các cuốn: Годы штурма (Những năm xung kích), ký; Ночь в Новом мире (Đêm trong thế giới mới), truyện; và tập Стихотворения (Thơ). Từ đây thơ của Olga Berggolts bắt đầu được chú ý. Năm 1937 bị bắt giam vì liên hệ với "kẻ thù của nhân dân" (chồng của bà bị xử bắn năm 1938). Năm 1939 bà được trả tự do.
Thời kỳ Thế chiến II, Olga Berggolts ở lại thành phố Leningrad bị bao vây, bà làm việc ở Đài phát thanh, hàng ngày kêu gọi người Leningrad dũng cảm bảo vệ thành phố thân yêu của mình. Thời gian này bà viết những trường ca nổi tiếng về những người bảo vệ thành phố Leningrad: Февральский дневник (Nhật ký tháng hai) và Ленинградскую поэму (Trường ca Leningrad). Câu nói nổi tiếng của Olga Berggolts "Никто не забыт и ничто не забыто” (Không ai bị quên và không cái gì bị quên) được khắc trên bức tường của nghĩa trang Liệt sỹ Leningrad. Olga Berggolts mất năm 1975 ở Leningrad.

Tác phẩm:

*Глубинка (Độ sâu, 1932), ký

*Годы штурма (Những năm xung kích), ký;

*Ночь в Новом мире (Đêm trong thế giới mới, 1935), truyện

*Журналисты (Nhà báo, 1934), truyện

*Зерна (Ngũ cốc, 1935), thơ

*Стихотворения, (Thơ, 1934)

*Книга песен (Cuốn sách những bài ca, 1936)

*Февральский дневник (Nhật ký tháng hai, 1942), trường ca

*Ленинградская поэма (Trường ca Leningrad, 1942), trường ca

*Памяти защитников, (Ký ức những người bảo vệ, 1944), ký

*Ленинградская тетрадь (Cuốn vở ghi chép Leningrad, 1942

*Первороссийск (Pervorossiysk, 1950), trường ca –giải thưởng Nhà nước Liên Xô 1951.

*Они жили в Ленинграде (Họ đã sống ở Leningrad, 1944), kịch

*У нас на земле (Trên đất của ta, 1947),

*Верность (Lòng chung thủy, 1954), bi kịch

(Các bạn có thể đọc sơ lược tiểu sử của nữ sỹ bằng tiếng Nga tại đây http://www.litera.ru/stixiya/articles/16.html )

Một số bài thơ:

Gửi Bôrix Coócnilốp

I.

Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ:
"Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nêva
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà..."

Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn
Em mới hiểu,bây giờ anh có lý
Dù chuyện xong rồi,
Anh đã xa cách thế !
"Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo..."

Lũ trẻ lớn lên, lại tiếp theo ta
Lại nhắp lại vị ngọt ngào thuở trước
Vẫn sông Nêva, bóng chiều, sóng nước...
Nhưng nghĩ cho cùng, họ có lỗi đâu anh!

II

Vâng, em khác hẳn rồi, chẳng giống trước nữa đâu !
Cuộc đời ngắn cũng xem chừng sắp hết.
Em đã già nhiều, nhưng anh đâu có biết,
Hay anh cũng biết rồi? Có thể!... Nói đi anh!

Em xin lỗi làm chi, chẳng cần đâu anh nhỉ
Thề thốt chăng? Cũng vô ích thôi mà,
Nhưng ví thử em tin, anh còn quay trở lại
Thì một ngày nào, anh sẽ hiểu ra...

Và mọi tổn thương, chúng mình xoá hết
Chỉ ở bên nhau, sánh bước trọn đường
Chỉ cần được sóng đôi, và chỉ khóc
Chỉ khóc thôi, đủ bù đắp tận cùng!...

1939-1940
Bằng Việt dịch

P/S: Đây là bài thơ Olga Berggolts viết tặng Bôrix Coócnilốp.
Bôrix Coócnilốp (1907 -1938): Là một nhà thơ Nga, người yêu của Olga Bergholtz, hy sinh ở mặt trận Phần Lan trước khi bắt đầu Đại chiến thứ II, nhưng mãi về sau Olga Berggolts mới được báo tin.
[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 08/03/09 0:52

[justify]Gửi các bạn đọc và tham khảo bài thơ trên từ một bản dịch khác của Phan Bạch Châu (Tiến sĩ Cảng-Đường Thuỷ )-một nhà khoa học yêu thơ, chủ nhân của blog thovuon.thegioiblog.com:

БОРИСУ КОРНИЛОВУ
...И все не так, и ты теперь иная.
поешь другое,
плачешь о другом...
Б. Корнилов
1.
О да, я иная, совсем уж иная!
Как быстро кончается жизнь...
Я так постарела, что ты не узнаешь
а может, узнаешь? Скажи!
Не стану прощенья просить я,
ни клятвы
напрасной не стану давать.
Но если - я верю - вернешься обратно,
но если сумеешь узнать,-
давай о взаимных обидах забудем,
побродим, как раньше, вдвоем,-
и плакать, и плакать, и плакать мы будем,
мы знаем с тобою - о чем.
.
1939

GỬI BORIS KORNILOV
...Mọi cái đổi thay, và em cũng đã đổi thay
Hát không như ngày xưa
và điều làm em khóc cũng khác xưa
B. Kornilov
1.
Vâng, đúng thế, em hoàn toàn khác trước!
Một đời người thấm thoắt đã qua mau...
Em già đi nhiều, anh không nhận ra đâu,
Nhưng có thể anh nhận ra em chứ?
Em sẽ không cầu xin anh tha thứ
không thề nguyền
không làm những việc uổng công
Nhưng dẫu sao em vẫn cứ tin rằng:
lúc quay về nếu anh còn nhận ra em
ta sẽ quên đi những lỗi lầm đã mắc
anh sẽ cùng em lang thang như thuở trước
Rồi ta khóc, ta ngồi ôm nhau khóc
Anh sẽ hiểu vì sao nước mắt ướt bờ mi
.
1939

2.
Перебирая в памяти былое,
я вспомню песни первые свои:
«Звезда горит над розовой Невою,
заставские бормочут соловьи".

...Но годы шли все горестней и слаще,
земля необозримая кругом.
Теперь - ты прав,
мой первый и пропащий,-
пою другое,
плачу о другом...

А юные девчонки и мальчишки
они - о том же: сумерки, Нева...
И та же нега в этих песнях дышит,
и молодость по-прежнему права.
.
1940

2.
Lần giở lại từng trang ký ức
em không quên những ca khúc thuở thiếu thời
"Sông Neva dòng nước lững lờ trôi
lung linh ánh sao, họa mi ca lảnh lót".

...Rồi thời gian trôi
chất chồng thêm cay đắng lẫn ngọt bùi
mặt đất quanh ta cứ bốn bề ngút ngát
Anh đã đúng khi nói rằng nay em đổi khác
hát không như ngày xưa
và điều làm em khóc cũng khác xưa...

Lớp trẻ ngày nay rồi cũng giống chúng ta -
ngắm bóng hoàng hôn bên dòng nước Neva...
Hít thở hương lành những bản tình ca,
Và chân lý mãi thuộc về tuổi trẻ.
.
1940

Nguồn: chauphanbach.vnweblogs.com[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Chủ nhật 08/03/09 7:44

A.S.Puskin (1799–1837)

Ở Matxcơva, trên đại lộ Tverskaia, một trong những đại lộ chính của thủ
đô nước Nga, sừng sững tượng đài nhà thơ Nga vĩ đại Aleksandr Sergeevich Puskin.
Puskin, người được mệnh danh là “mặt trời của thi ca Nga” , người đứng
đó, trầm mặc, kiêu hãnh. Dẫu thời thế đổi thay, lòng người thay đổi,
thì dưới chân tượng đài đá xám này chưa bao giờ thiếu những đóa hoa
tươi.

Gần hai thế kỷ qua đi, những vần thơ khẳng khái, mê say ngày nào đã
làm nên một tượng đài khác nữa tưởng nhớ nhà thơ – tượng đài vững chắc
trong lòng người – tượng đài thi ca.

Nhà văn Nga Nikolai Gogol (1809-1852) đã từng thốt lên: “Puskin là một hiện tượng đặc biệt, và có thể là một hiện tượng duy nhất của hồn Nga. Trong con người này, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga được phản ánh bằng một vẻ đẹp trong sáng, tưởng như một bức tranh phong thủy hiện lên trên nền một tấm kính trong veo”…

Xin được ghi lại đây bài thơ tình nổi tiếng của ông - bài thơ thể hiện trái tim yêu chân thành và tâm hồn Nga cao thượng...

TÔI YÊU EM
(Thuý Toàn dịch)

Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai,
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.


Bản Tiếng Nga:

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.

Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.

Dịch nghĩa:


Tôi đã yêu em: có lẽ tình yêu vẫn còn
chưa tắt hẳn trong lòng tôi;
Nhưng thôi, đừng để nó quấy rầy em thêm nữa.
Tôi không muốn làm phiền em bởi bất cứ điều gì

Tôi đã yêu em lặng thầm, vô hy vọng,
Bị giày vò khi thì bởi rụt rè, khi lại bởi hờn ghen.
Tôi đã yêu em chân thành đến thế, dịu dàng đến thế,
Cầu Chúa cho em vẫn được yêu như vậy bởi người khác.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 08/03/09 8:33

[justify]Cám ơn TV phanthikimanh đã tham gia topic này cùng mình. Mình thật hạnh phúc vì thấy chủ đề này đang cùng "đồng vọng" với khá nhiều người. Mình đọc trên Blog Yahoo Trăng Thơ những dòng tâm sự như thế này:

"Tôi yêu Ônga Becgôn (1910-1975) ngay lần đầu tiên cầm trên tay bài thơ Không đề của bà. Và tình yêu đó lớn đến mức tôi không còn đủ sức để ngưỡng mộ một nhà thơ nữ nào khác nữa.
Thơ của Ônga nữ tính dịu dàng mà vẫn đầy chất trí tuệ. Bà là người phụ nữ yêu hết mình, yêu đến đắm say để thế giới muôn đời sau được đọc những bài thơ tình bất hủ.
Thơ của bà đọc lên như nước mát giữa trưa hè, như làn gió mát thổi từ biển xa để tâm hồn mỗi chúng ta dịu ngọt. Nhiều khi đọc thơ bà tôi cứ nghĩ là tim mình đang hát, lời hát đắm thắm, nhớ thương và man mác...


Осенью в Москве на бульварах
вывешивают дощечки с надписью
"Осторожно, листопад!"

Осень, осень! Над Москвою
Журавли, туман и дым.
Златосумрачной листвою
Загораются сады.
И дощечки на бульварах
всем прохожим говорят,
одиночкам или парам:
"Осторожно, листопад!"

О, как сердцу одиноко
в переулочке чужом!
Вечер бродит мимо окон,
вздрагивая под дождем.
Для кого же здесь одна я,
кто мне дорог, кто мне рад?
Почему припоминаю:
"Осторожно, листопад"?

Ничего не нужно было,-
значит, нечего терять:
даже близким, даже милым,
даже другом не назвать.
Почему же мне тоскливо,
что прощаемся навек,
Невеселый, несчастливый,
одинокий человек?

Что усмешки, что небрежность?
Перетерпишь, переждешь...
Нет - всего страшнее нежность
на прощание, как дождь.
Темный ливень, теплый ливень
весь - сверкание и дрожь!
Будь веселым, будь счастливым
на прощание, как дождь.

...Я одна пойду к вокзалу,
провожатым откажу.
Я не все тебе сказала,
но теперь уж не скажу.
Переулок полон ночью,
а дощечки говорят
проходящим одиночкам:
"Осторожно, листопад"...
1938

MÙA LÁ RỤNG


Mùa thu ở Matxcơva người ta thường treo
những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ :
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng"

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Mátxcơva, lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ,

Những tấm biển treo dọc trên đại lộ
Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!"

Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi
Ðập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khuôn cửa sáng đèn
ở đây tôi cần ai, khi xuôi ngược một mình,
Tôi có thể yêu ai, ai làm tôi vui sướng:
"Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!"
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!

Nếu không có gì ao ước trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất!
Anh từng ở nơi đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?.
Tôi chẳng hiểu vì sao, cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng tôi đã phải xa anh vĩnh viễn...
Anh - con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trên đời!
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi hãy biết kiên tâm. Mọi điều đều phải đợi...
Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Cơn mưa rơi thầm thì lúc chia li
Mưa tối rầm, nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời lấp loá...
Anh hãy cố vui lên, con đường hai ngả,
Tìm hạnh phúc yên lành trong ấm áp cơn mưa!...

Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, không cần ai tiễn biệt.
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ, còn phải nói gì thêm!
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống
"Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!"

Bằng Việt dịch

Các bạn có thể đọc các bài thơ của nữ sỹ tại đây (nguyên tác)
http://www.litera.ru/stixiya/authors/berggolc.html _____________________________[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi xanhnguyen » Chủ nhật 08/03/09 16:28

[justify]Olga Berggolts và những bài thơ mùa thu

1- Petersburg và Olga Berggolts

Olga Berggolts trải qua một cuộc đời với rất nhiều thăng trầm, thử thách cũng như chính thành phố Saint Petersburg. Bà sinh năm 1910 trong một gia đình bác sỹ ở Petersburg. Bà tốt nghiệp khoa ngôn ngữ trường đại học tổng hợp Petersburg và trải qua ba năm làm phóng viên cho tờ tạp chí “Thảo nguyên Liên Xô” tại nước cộng hòa Kazakhstan. Trong thời gian này bà đã cho ra đời cuốn sách “Nơi heo hút”. Năm 1933 Olga Berggolts trở lại Saint Petersburg và đã gắn bó cuộc của mình với thành phố này cho đến những ngày cuối cùng của đời mình.

Người ta biết đến tên tuổi của Olga Berggolts từ năm 1935, sau khi bà cho ra đời ba tuyển tập truyện ngắn và thơ mang tên “Những năm xung phong”, “Đêm trong thế giới mới” và “Tuyển tập thơ”.

Năm 1938, cũng như nhiều nhà thơ, nhà văn Nga khác, Olga Berggolts bị bắt vì tội “chống lại nhân dân” và phải ngồi tù 7 tháng. Mãi tới giữa năm 1939 bà mới được trả tự do và hoàn toàn được phục hồi danh dự. May mắn hơn nhiều người khác, bà được trở về với đời thường, nhưng dấu ấn của những ngày tháng trong tù còn đeo đuổi theo bà suốt cả cuộc đời. Bà viết trong cuốn nhật ký bí mật của mình như sau: “Năm tháng sau khi đã được trả tự do, nhưng tôi không chỉ cảm thấy, ngửi thấy mùi nhà tù, mà còn cảm thấy cả cái cảm giác nặng nề của người ở trong tù nữa. Một cảm giác vô vọng, không lối thoát khi phải đi lấy cung. Người ta tìm cách dốc ngược tâm hồn của tôi, dùng những ngón tay bẩn thỉu mà moi móc trong đó, nhổ tọet vào nó rồi lộn ngược trở lại và phán một câu chỏng lỏng: sống đi!.”
Những dòng hồi ký này của bà chỉ mới vừa được công bố vào năm 2001, nghĩa là 26 năm sau khi bà đã mất. Olga Berggolts đã chia sẻ với Petersburg suốt cả 1000 ngày đêm bị bao vây trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Bà làm việc trong đài phát thanh của thành phố và chính thời gian này tên tuổi của bà đã được biết đến như một nhà thơ vừa trữ tình, vừa quả cảm của thành phố Petersburg.

Cũng như Pushkin, Olga Berggolts không chỉ làm thơ, mà còn viết rất nhiều truyện ngắn, truyện vừa, trường ca, tiểu luận... Ngay cả thơ của bà cũng gồm nhiều chủ đề khác nhau và tình ca chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó. Nhưng những bài thơ vượt thời gian đến với chúng ta hôm nay chủ yếu lại là những bài thơ đượm chất trữ tình.

Hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn hai bài thơ đặc sắc nhất của bà, cả hai bài đều là những bài thơ tuyệt tác về mùa thu. Bài “Mùa lá rụng” để diễn tả mùa thu ở Moskva và bài “Mùa hè rớt” để nói về mùa thu ở Saint Petersburg. Olga Berggolts mất năm 1975 tại Petersburg. Tên của bà được đặt cho một con phố giữa trung tâm của Petersburg, ngang hàng với những tên tuổi đã làm nên lịch sử và cuộc sống của thành phố này.

2- Mùa thu nước Nga

Trước khi nói về những bài thơ mùa thu, Lan Hương muốn nói đôi chút về mùa thu ở Nga. Theo lịch thiên nhiên, mùa thu kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Nhưng trên thực tế, mùa thu mà các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ hay nói đến không kéo dài lâu như vậy. Cái khoảnh khắc mà người ta ca ngợi chỉ kéo dài lâu nhất là 1 đến 2 tuần lễ. Cuối tháng 9, trước khi những đợt gió lạnh, và những cơn mưa dài lê thê đổ xuống, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho mặt đất một khoảng thời gian ấm áp, đẹp đẽ lạ thường. Cái khoảng thời gian tuyệt đẹp đó các nhà thơ gọi là “mùa hè rớt”, hay “mùa lá rụng", “mùa hè của các bà”, còn các họa sỹ thì gọi đó là “mùa thu vàng”. Dù được gọi bằng cái tên gì, thì khoảnh khắc tuyệt đẹp đó cũng chỉ là một. Nó vừa ngắn ngủi, vừa mong manh, vừa hiếm khi gặp được, bởi nó kéo dài nhiều nhất cũng chỉ hai tuần và không phải năm nào cũng có. Một đợt mưa đến sớm, mặt trời không xuất hiện, những trận gió bất ngờ...thế là hỏng cả mùa thu mong đợi.

Mãi đến thời kỳ của Pie Đại đế trị vì vào thế kỷ thứ 18 nước Nga mới đón Năm mới vào ngày 1 tháng 1 như bây giờ. Trước đó, trong nhiều thế kỷ, người Nga đón Năm mới vào ngày 1 tháng 9. Tháng 9 là thời điểm các công việc đồng áng vất vả đã chấm dứt, các lãnh chúa cũng như địa chủ đã thanh tóan tất cả tiền công cho nông dân. Bắt đầu từ ngày lễ Thánh Ivan Đại Trai 29 tháng 8, khắp nơi trong nước Nga người ta tổ chức các hội chợ. Hội chợ vừa là nơi mang bán các nông sản phẩm thu họach được, vừa là nơi hội hè, vui chơi sau một năm làm việc vất vả. Chính vào thời điểm này, thiên nhiên ban tặng cho con người một khỏang thời gian ấm áp cuối cùng trước khi mùa đông đến, và ở Nga người ta tận hưởng những ngày ấp áp đẹp đẽ này để tổ chức lễ hội, các bà các chị rủ nhau may áo mới, đi hát đối tại các hội chợ, làm những lọai bánh ngon nhất để thết đãi các đức ông chồng, các chàng trai đang ngấp nghé dạm hỏi.

Chính vì vậy mà khoảng thời gian mùa thu ấp áp này được gọi là mùa thu của các quý bà hay là mùa hè rớt. Người ta ví, mùa xuân như cô dâu chưa về nhà chồng, rực rỡ, e lệ và đỏng đảnh, mùa hè như cô vợ mới cưới , nồng nàn, cháy bỏng và bồng bột, còn mùa hè rớt như người phụ nữ hồi xuân vừa đằm thắm, vừa thiết tha mà vẫn không kém phần tuyệt mỹ.

3- Hai bài thơ tình của Olga Berggolts

Olga Berggolts để lại rất nhiều bài thơ tình, nhưng có lẽ hai bài thơ về mùa thu của bà là tuyệt sắc nhất. Hai bài thơ mùa thu của bà không chỉ đẹp về ngôn ngữ, sâu sắc về nội dung mà nó còn hết sức đậm đà nữ tính.

Bài thơ “Mùa lá rụng”, Olga Berggolts làm năm 1938, khi mới 28 tuổi. Bài thơ được làm trong bối cảnh mùa thu của Moskva, thành phố nơi người yêu của bà đang sống.
Mùa thu Moskva có gì lạ. Chúng ta hãy nghe Olga Berggolts tả lại:

Những đàn sếu bay qua, sương mù và khói tỏa
Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi
Những khu vườn như lửa cháy sáng ngời
Vòm lá sẵm, ánh vằng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc trên đại lộ
Nhắc những ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi,
Nhắc cả những ai cô độc trên đời
“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”


Olga Berggolts lên thăm người yêu, nhưng cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng khi tình yêu tan vỡ, để rồi một mình ra ga trong những tiếng mưa rơi. Nhưng rất lạ, những cơn mưa mùa thu thường lạnh buốt, cũng như tình yêu khi tan vỡ thường làm người ta tuyệt vọng. Nhưng Olga Berggolts đã đủ nghị lực để nhìn thấy cái ấm áp của cơn mưa, cũng như nhìn thấy cuộc đời vẫn tiếp tục, dù tình yêu tan vỡ:

Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Cơn mưa thầm thì trong lúc chia tay
Mưa chan hòa, mưa ấm áp nhường nào
Mưa run rẩy trong ánh chiều nhấp nhóang
Anh hãy vui lên dẫu con đường hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa...


Mùa thu Moskva rất lạ, trên khắp những đường phố có cây xanh, người ta gắn những tấm biển nhỏ: đừng động vào cây mùa lá rụng. Người Nga cũng rất hay dùng câu thành ngữ: “đừng rắc muối lên những vết thương lòng”. Phải chăng cái mong manh như lá mùa thu đã dậy cho con người bài học biết bao dung, tha thứ và yêu thương?

“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi...


Bài “Mùa hè rớt” Olga Berggolts ấp ủ trong suốt 4 năm từ năm 1956, đến năm 1960 mới hòan thành, khi đó bà đã 50 tuổi, đúng là cái tuổi của “mùa hè rớt”, cái tuổi để biết nhẫn nhịn và quý trọng tình yêu hơn:

Có một mùa trong sáng diệu kỳ
Sức nóng êm ru, mầu trời không chói
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như trời mới vào xuân

Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Se sẽ như không, nhẹ nhàng phơ phất
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu

Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả thấm trên cánh đồng lặng sẫm
Hạnh phúc được yêu đã ít hơn xưa
Ghen tuông dù chua chát cũng thưa hơn...


Đấy, Olga Berggol đã diễn tả mùa hè rớt như vậy đó: vừa dịu dàng, vừa rực rỡ vừa nhẫn nại, chịu đựng. Mùa thu là lúc người ta tận hưởng thành quả của cả mùa hè và mùa xuân vất vả lao động. Mùa thu dậy cho con người biết quý trọng những hạnh phúc đơn sơ mà mình có được: những bông hoa cuối cùng, những tia nắng ấm cuối cùng, một bầu trời xanh hiếm muộn ló ra, cũng như người ta bỗng cảm thấy thật hối tiếc khi nghĩ về một cuộc tình đẹp đẽ tan vỡ thời tuổi trẻ.

Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương
Tôi tiếp nhận người, vì người sâu sắc quá
Nhưng vẫn nhớ, trời ơi tôi vẫn nhớ
Tình yêu ơi, người đang ở phương nào?

Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Tôi biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng chỉ đến bây giờ tôi mới biết
Yêu thương, giận hờn, tha thứ, chia tay...


Người ta thường nghĩ, mùa thu là mùa của chia ly, mùa của tàn tạ và có cảm giác sợ mùa thu. Nhưng Olga Berggolts chỉ cho chúng ta thấy một thông điệp hoàn toàn khác của thiên nhiên: “Hãy biết quý trọng tất cả những gì chúng ta đang có. Hạnh phúc cũng mong manh như lá thu, hãy nâng niu khi nó còn ở trên cành”.

Lan Hương - Moscow 11/08/2006

Nguồn: http://www.trexanh.com[/justify]
RANDOM_AVATAR
xanhnguyen
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 04/03/09 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 6 13/03/09 14:47

[justify]“Phụ lục đính kèm” topic này:

“Mùa hè rớt” của O.Becgon đã tạo ra sự trải rộng và được nối dài xúc cảm bằng ca khúc nổi tiếng Quand Revient L’été (Mùa hè rớt) của Najoua Belyzel. Xin gửi bài viết sau của Lan Tử Viên để chúng ta chia sẻ thêm với sự đồng điệu ấy:

Quand Revient L’été (Mùa hè rớt) chinh phục người yêu nhạc không chỉ bởi giai điệu tuyệt vời, giọng hát tươi tắn của Najoua mà còn nhờ vào clip “đẹp đến xao xuyến” được quay tại đất nước Rumani bé nhỏ - vùng đất của những dải rừng rộng lớn, những ngọn đồi xanh và bãi cỏ ngợp hoa đồng nội.

Giành giải thưởng Tài năng trẻ Francophonie của NRJ Music Awards 2007, Najoua Belyzel, nữ ca sĩ - diễn viên đã nổi lên như một hiện tượng âm nhạc thú vị. Những bản singles của cô như Gabriel, Je Ferme les Yeux và Comme Toi không chỉ thành công ở Pháp mà còn gây tiếng vang rộng rãi khắp Châu Âu.

Bằng ca từ và nhạc điệu kết hợp với những cảnh quay đẹp như mơ, Najoua Belyzel đã hé mở cho bạn yêu nhạc bước vào thế giới rất riêng tư của mình, đầy những mộng mị, hoài nghi cùng niềm tin tôn giáo trải trên nền nhạc electro-pop êm dịu dễ nghe.

Najoua Belyzel, tên thật là Najoua Mazouri, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1981 ở thành phố Nancy. Ba cô là người Maroc, còn mẹ là người Ai Cập.
Ngay từ năm 13 tuổi, Najoua đã say mê viết lách. Những đoạn văn xuôi hay bài thơ nho nhỏ khiến cô rất vui thích. Najoua chẳng ngờ rằng mai này chính cô sẽ có cơ hội thể hiện chúng bằng âm nhạc đầy quyến rũ.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng ES (Kinh tế xã hội), Najoua theo học ngành luật.

Năm 2001, trong lúc lướt web đọc tin, cô tình cờ thấy một thông báo tuyển giọng ca cho dàn hợp xướng. Ngay lập tức cô gái xách va li đến thủ đô Paris. Tại đây cô gặp Christophe Casanave - một nhạc sĩ tài hoa (người từng làm việc cùng Marc Lavoine và Steeve Estatof).
Sự kết hợp ăn ý giữa hai người đã cho ra đời những nhạc phẩm tuyệt vời. Album đầu tay mang tên "Entre Deux Mondes... En Equilibre" (Cân bằng giữa hai thế giới) đã bán được hơn 140 000 bản và giành ngôi vị Đĩa VàngNăm 2006 là năm thành công của Najoua với 500. 000 bản tiêu thụ. Ca khúc Gabriel được chào đón nồng nhiệt, lọt vào top Hit trong nhiều tuần lễ.

Tháng 9 năm 2007, khúc ballad Quand Revient L’été ra mắt bạn yêu nhạc và nhanh chóng trở thành bài hát được giới trẻ ưa thích, xếp thứ 2 về số lượng đĩa bán ra tại Pháp.

Với Najoua niềm vui luôn luôn trở lại, và hạnh phúc tột cùng là được hát cho giới trẻ nghe những giai điệu hồ hởi say mê. Cô ca sĩ đầy tài năng này hiện ra thật xinh đẹp, sở hữu một giọng hát đặc biệt thiên phú, âm sắc gần như thuỷ tinh trong. Cô biết cách dẫn chúng ta bước vào thế giới nhạc huyền bí và truyền cho ta những rung cảm tinh tế trước sắc màu nơi ấy.

Cùng giọng ca của mình, tôi muốn mở rộng cánh cửa Tâm Hồn vì tôi nghĩ đó mới chính là thứ còn lại và ngự trị chúng ta, ngay cả khi người ta băn khoăn tự hỏi Tâm Hồn thuộc về miền Vô Thức hay Ý Thức.
Chính Tâm Hồn là hiện thân của thể bất diệt, biết nâng con người trên đôi cánh cao đẹp. Với Tâm Hồn, người ta tìm thấy cả tình yêu và tình bạn. Đó chính là hai tình cảm, hai trạng thái rung động thiêng liêng nhất và duy trì sự tồn tại giữa các tác nhân.


Không phải ngẫu nhiên mà Najoua luôn trăn trở về thế giới nội tâm, sức mạnh tiềm ẩn cùng chiều sâu không đo lường hết của bản thể con người. Đằng sau khuôn mặt thanh thoát với mái tóc vàng óng ả là một tầm nhìn sắc sảo của nữ luật sư tương lai, luôn muốn khám phá đến tận cùng sự vật, nhận chân giá trị đích thực và bền vững của cuộc sống.

Có thể nói ca khúc nổi tiếng Quand Revient L’été (Mùa hè rớt) là một tìm tòi của cô về thế giới tâm hồn con người.

Lắng nghe bài hát, bạn sẽ băn khoăn không hiểu đó là lời tâm tình của một người yêu dành cho người yêu hay của cô gái bày tỏ niềm ngưỡng vọng trước sức mạnh siêu nhiên. Ca khúc có sự đan xen uyển chuyển giữa những trạng thái tình cảm rất phức tạp và khó nắm bắt, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đó là niềm tiếc nuối, nỗi buồn mơ hồ thoáng qua, lại có cả niềm vui, lòng yêu đời nồng nhiệt của trái tim trẻ tuổi, sự thành kính trước vẻ đẹp thiên nhiên vĩnh cửu… Ta cũng có thể nhận thấy hơi hướng tôn giáo thấp thoáng đằng sau.

Bài hát chất chứa những hình ảnh đẹp và nên thơ, được tác giả chiêm ngắm kỹ càng trước khi đặt vào không gian âm nhạc. Giai điệu ca khúc và giọng hát của Najoua đã trở thành một tổ hợp âm thanh rất thuần khiết, giữa những nốt gần như mang phong cách baroques – médiévales lại thoảng chút electro khúc khuỷu, như một mối lương duyên kết nối phương Đông và phương Tây.

Quand Revient L’été chinh phục người yêu nhạc không chỉ bởi giai điệu tuyệt vời, giọng hát tươi tắn của Najoua mà còn nhờ vào clip “đẹp đến xao xuyến” được quay tại đất nước Roumani bé nhỏ - vùng đất của những dải rừng rộng lớn, những ngọn đồi xanh và bãi cỏ ngợp hoa đồng nội.

Không gian ấy đồng điệu với những hình ảnh trong bài thơ ngọt ngào cùng chủ đề của nữ sĩ Nga Onga Becgon:

Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nóng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt - cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!

Trên má, mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Khe khẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất,
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu!


(“Mùa hè rớt” - Bằng Việt dịch)

Khuôn mặt Najoua thấp thoáng ẩn hiện sau những bông cỏ vàng như mật, trông cô giống một thiên thần duyên dáng trong tà váy trắng đang dạo bước trên cánh đồng mùa hạ, dưới vòm cây xanh ngát của khu rừng, hay ven bờ suối tươi mát.

Những hạt bụi nước tỏa bay trong không khí như những cánh hoa buông, còn những nụ hoa thì bắt đầu ngả màu vàng úa. Mùa hạ đương xô nỗi nhớ, xô âm thanh, xô thao thức về một miền nào xa vắng lắm…Đặt tình yêu của con người trong tình yêu thiên nhiên bất tận, để niềm vui bên cạnh nỗi buồn, sự trở về tiếp nối cuộc ra đi, một khoảnh khắc chớp loé giữa sự vĩnh cửu… Giống như thơ của O. Becgon, Ca khúc của Najoua mở ra cho chúng ta vùng suy nghĩ miên man, biểu cảm...

Chúc cho Najoua sẽ viết tiếp những câu chuyện ngọt ngào của mình bằng âm nhạc, sôi nổi và êm đềm như một giấc mơ mùa hè rớt cất lên từ thế giới tâm hồn lộng lẫy của riêng cô.

Mời các bạn xem video clip bài hát Quand Revient L"été của Najoua Belyzel trên http://www.denisflorent.fr.

Nguồn: YouTube[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi huynhvanthong » Thứ 7 14/03/09 20:10

Thế còn Borist Pasternak?
Bài gì nhỉ, mình không nhớ nữa ...

vừa lướt qua đây
Một dấu móng tay đầy bí ẩn
Khuya rồi, thôi anh ngủ
Rạng ngày tỉnh dậy anh sẽ nhớ ra
Còn từ giờ đến khi tỉnh giấc, em yêu
Không ai được chạm vào em, như anh chạm!

Anh chạm vào em mãnh liệt sao!
Ngay cả khi anh chạm cặp môi đồng
Em cũng xúc động như nhà hát lặng đi vì thiên bi kịch
Như mùa hạ, nụ hôn anh cứ kéo dài đà đậm
Mãi sau rồi mới nổ thành giông

... (quên bén rùi, hiiiiiiiiiiii)
Người ngoại đạo
RANDOM_AVATAR
huynhvanthong
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 20:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi xanhnguyen » Thứ 7 14/03/09 21:49

Borist Pasternak... Tuyệt! Cố nhớ đi bác huynhvanthong ơi. Hay, lửng lơ như thế... lại càng tuyệt!? Tui thì vẫn thấy tiếc hùi hụi về những đoạn còn thiếu. Mong các TV khác thể tình tìm kiếm giùm coi! Cám ơn, cám ơn nhìu nhìu!
RANDOM_AVATAR
xanhnguyen
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 04/03/09 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 7 14/03/09 23:51

[justify]Có đây! Có đây! Xin được góp với "hội" yêu văn thơ Nga ít thông tin tư liệu về Borist Pasternak...

Tiểu sử và văn nghiệp

Boris Leonidovich Pasternak (tiếng Nga: Борис Леонидович Пастернак; (10 tháng 2, (lịch cũ: 29 tháng 1) năm 1890 – 30 tháng 5 năm 1960) là một nhà thơ, nhà văn Nga-Xô viết đoạt Giải Nobel Văn học năm 1958. Ông nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago (Доктор Живаго), tuy nhiên người Nga lại coi trọng nhất là thơ ca của ông, tiêu biểu là tập thơ Chị tôi - cuộc đời (Сестра моя - жизнь).

Cha của Boris Pasternak, ông Leonid Osipovich Pasternak, là một họa sĩ, viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Sankt-Peterburg; mẹ ông, bà Rozaliya Isidorovna Pasternak (nhũ danh Kaufman, 1868-1939), là một nghệ sĩ dương cầm. Ông bà Pasternak đã chuyển từ Odessa về Moskva năm 1889, một năm trước khi Boris ra đời. Boris là con cả, các em ông là Aleksandr (1893-1982), Jozefina (1900-1993) và Lidiya (1902-1989). Đến làm khách nhà ông có những họa sĩ, nhạc công, văn sĩ nổi tiếng, trong đó có cả Lev Nikolayevich Tolstoi. Năm 13 tuổi, do ảnh hưởng nhạc sĩ Aleksandr Nikolayevich Skryabin, Pasternak bắt đầu yêu thích âm nhạc và học nhạc trong sáu năm. Năm 1914 in tập thơ đầu tiên Người anh em sinh đôi trong mây đen (Близнец в тучах) được công chúng đánh giá cao, đến thập niên 1930 ông được coi như một nhà thơ Xô viết hàng đầu. Năm 1923 ông cho ra đời tập thơ Những chủ đề và biến tấu (Темы и вариации) được đánh giá là đỉnh cao của thơ ông. Pasternak còn là một dịch giả tài năng. Ông dịch thơ cổ điển tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Gruzia, đặc biệt các bản dịch bi kịch của William Shakespeare được coi là hay nhất trong tiếng Nga. Từ năm 1945 đến 1955, Pasternak sáng tác cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông, Bác sĩ Zhivago, nhưng không được in ở Liên Xô, đến năm 1957 tác phẩm này được xuất bản ở Ý. Cuối năm sau, cuốn sách được dịch ra 18 thứ tiếng. Cũng trong năm này, Pasternak là người Nga thứ hai được trao giải Nobel Văn học vì những thành tựu ông đã đạt được trong nền thơ trữ tình hiện đại, cũng như vì công lao tiếp nối các truyền thống của nền tiểu thuyết sử thi Nga, mà nổi bật nhất là Bác sĩ Zhivago. Do những áp lực chính trị, Pasternak buộc phải từ chối nhận giải.

Tác phẩm

• Những bài thơ đầu tay, in trong quyển Thơ trữ tình (Лирика, 1913)
• Người anh em sinh đôi trong mây đen (Близнец в тучах, 1914), thơ
• Phía trên rào cản (Поверх барьеров, 1917), thơ
• Cuộc sống là chị tôi (Сестра моя - жизнь, 1922), thơ
• Thời thơ ấu của Lyuvers (Детство Люверс, 1922), truyện
• Những chủ đề và biến tấu (Темы и вариации, 1923), thơ
• Bệnh cao sang (Высокая болезнь, 1924), trường ca
• Trung úy Smidt (Лейтенант Шмидт, 1926), trường ca
• Đường trên không (Воздушные пути, 1924), truyện
• Chứng chỉ hộ thân (Охранная грамота, 1931), tự truyện.
• Năm chín trăm lẻ năm (Девятьсот пятый год, 1927), trường ca
• Truyện vừa (Повесть, 1929), truyện
• Tái sinh (Второе рождение, 1932), tập thơ
• Trên những chuyến tàu sớm (На ранних поездках, 1943), thơ
• Khoảng bao la trái đất (Земной простор, 1945), thơ
• Bác sĩ Zhivago (Доктор Живаго, 1957), tiểu thuyết
• Con người và cảnh ngộ (Люди и положения, 1957), tự truyện
• Bút kí tiểu sử (Биографический очерк, 1959)

Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/Boris_Leonidovich_Pasternak [/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: NHÀ THƠ NGA VÀ NHỮNG BÀI THƠ TÌNH đi cùng năm tháng…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 15/03/09 0:12

[justify]Thông tin trên cho biết: "Từ năm 1945 đến 1955, Pasternak sáng tác cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông, Bác sĩ Zhivago, nhưng không được in ở Liên Xô, đến năm 1957 tác phẩm này được xuất bản ở Ý. Cuối năm sau, cuốn sách được dịch ra 18 thứ tiếng. Cũng trong năm này, Pasternak là người Nga thứ hai được trao giải Nobel Văn học vì những thành tựu ông đã đạt được trong nền thơ trữ tình hiện đại, cũng như vì công lao tiếp nối các truyền thống của nền tiểu thuyết sử thi Nga, mà nổi bật nhất là Bác sĩ Zhivago. Do những áp lực chính trị, Pasternak buộc phải từ chối nhận giải."

Vì sao, Boris Pasternak lại "buộc phải từ chối nhận giải"? Mời các bạn đọc tiếp trang viết sau của Phương Phương trên tạp chí An ninh thế giới ngày 22.01.2009:

Quanh giải Nobel văn chương của Boris Pasternak năm 1958

Dù còn nhiều bàn tán về giải Nobel văn chương dành cho Boris Pasternak năm 1958, nhưng cũng cần nhớ rằng, năm 1957, Boris Pasternak bị chối từ, chỉ vì Uỷ ban Nobel không muốn trao liên tục hai giải Nobel văn chương cho dòng thơ trữ tình "khó đọc".

Theo quy định của Ủy ban Nobel, tất cả những tài liệu liên quan tới quá trình xét giải đều được giữ bí mật trong vòng 50 năm. Đầu tháng 1/2009, kho lưu trữ tư liệu năm 1958 (năm nhà văn Xôviết Boris Pasternak được nhận giải Nobel văn chương) đã được xoá dấu tối mật. Và nhiều điều thú vị và bất ngờ đã được các nhà báo Thụy Điển khám phá khi làm quen với những tư liệu cũ.

Quyết định về người sẽ được nhận giải Nobel thường được một hội đồng đặc biệt của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển thông qua. Mỗi năm, hội đồng này xem xét tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ứng cử viên mà các viện sĩ, các giảng viên văn học tại các trường đại học cũng như các hội nhà văn các nước và những người từng được nhận giải Nobel văn chương trước đó giới thiệu.

Theo quy chế xét giải Nobel, mỗi một ứng cử viên có thể được giới thiệu một số lần không hạn chế. Thí dụ, nhà văn Đan Mạch Johannes Vilhelm Jensen (1873-1950) từng được đề cử vào giải Nobel tới 18 lần và cuối cùng đã được nhận nó vào năm 1944. Nữ văn sĩ Italia Grazia Deledda (1871-1936, giải Nobel văn chương năm 1926) từng có tên trong danh sách các ứng cử viên 12 lần, còn nhà văn Pháp Anatole France (1844-1924, giải Nobel văn chương năm 1921) - 9 lần!

Từ những nguồn tư liệu đã được công khai trước đây, có thể biết rằng nhà văn Xôviết Boris Pasternak (1890-1960) đã được xem xét như một trong những ứng cử viên của giải Nobel văn chương từ năm 1946, tức là trong vòng 11 năm cho tới khi tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" (vốn bị cấm ở Liên Xô) được in lần đầu ở Milano bằng tiếng Italia.

Theo nhận định của Viện hàn lâm Thụy Điển, giải Nobel văn chương được trao cho Boris Pasternak "nhờ những thành tựu xuất sắc trong thi ca trữ tình hiện đại, cũng như nhờ sự tiếp nối truyền thống tiểu thuyết sử thi vĩ đại của văn học Nga". Mặc dầu thế, do những điều kiện cụ thể ở thời đại nên ở Moskva khi đó lại cho rằng, Boris Pasternak được trao giải Nobel văn chương là nhờ một cuốn tiểu thuyết mang khuynh hướng "bài Xô" rõ rệt.

Thêm vào đó, năm 1958, theo thông tin của Moskva, trong danh sách các ứng cử viên của giải Nobel văn chương còn có một nhà văn Xôviết xuất sắc khác là Mikhail Solokhov, tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ "Sông Đông êm đềm". Những tư liệu đã được công bố ở Moskva cho thấy, chính năm đó Liên Xô rất muốn để nhà văn vô sản Mikhail Solokhov được nhận giải Nobel văn chương.

Trong bối cảnh đó, quyết định trao giải Nobel văn chương năm 1958 của Ủy ban Nobel cho nhà văn Boris Pasternak được Moskva đánh giá như một hành động cố tình khiêu khích. Giả thuyết này đã được củng cố thêm bởi sự việc, trước Boris Pasternak chỉ duy nhất có một nhà văn Nga nữa cũng được nhận giải Nobel văn chương, đó là Ivan Bunin, sống lưu vong ở nước ngoài!

Trong bối cảnh đó, Boris Pasternak đã gặp phải khó khăn trong việc công khai đứng ra nhận giải Nobel văn chương. Ông đã buộc phải từ chối vinh dự đó rồi qua đời vào năm 1960. Mãi tới năm 1989, người con trai Evgueni của ông mới đứng ra nhận thay cha mình giải Nobel văn chương được trao từ hơn 30 năm trước.

Sau khi Boris Pasternak qua đời, những cuộc tranh luận về việc trao giải Nobel văn chương cho ông vẫn không chấm dứt. Đã có rất nhiều bài báo viết về các khía cạnh khác nhau của sự việc này. Một số tác giả cho rằng, phía Thụy Điển đã cố tình gây ra một hành động không hữu nghị đối với Liên Xô khi trao giải thưởng danh giá nhất cho một cuốn tiểu thuyết "bài Xô". Một số tác giả khác lại khẳng định, các viện sĩ Thụy Điển đã không ngờ tới việc quyết định của họ lại có thể gây nên một vụ tai tiếng quốc tế đến như thế.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây lại dấy lên cuộc tranh luận về việc những hậu thuẫn từ phía các cơ quan tình báo ở Washington, cụ thể hơn là từ phía CIA, đã có tác động như thế nào tới quyết định trao giải thưởng Nobel văn chương cho Boris Pasternak năm 1958.

Khả năng có tác động của CIA tới Viện hàn lâm Thụy Điển đã được xem xét trong cuốn sách mới được xuất bản gần đây của tác giả Nga Ivan Tolstoy "Cuốn tiểu thuyết được tẩy rửa của Pasternak: "Bác sĩ Zhivago" giữa CIA và KGB". Đầu tháng 1/2009, chủ đề này lại được đề cập tới trên một số tờ báo Tây Ban Nha, cụ thể hơn là trên các tờ ABC và La Stampa…

Theo website Lenta.ru, vấn đề liên quan hay không liên quan của CIA với việc trao giải Nobel văn chương cho Boris Pasternak có lẽ sẽ rất khó xác định trên cơ sở các kho lưu trữ tư liệu của Viện hàn lâm Thụy Điển. Và không nên buộc cho CIA cái tội đó. Tuy nhiên, coi thường những cơ hội quan trọng mới nhờ kho tư liệu này là không nên.

Phóng viên báo Thụy Điển Sydsvenskan, người đầu tiên được tìm hiểu những tư liệu mới được xoá dấu tối mật trong kho lưu của Viện hàn lâm Thụy Điển, viết rằng, giữa những "đối thủ" của Boris Pasternak năm 1958 có bốn người: nữ văn sĩ Đan Mạch Karen Blixen (1885-1962), nhà thơ Pháp Saint - John Perse (1887-1975) cùng hai nhà văn Italia là Salvatore Quasimodo (1901-1968) và Alberto Moravia (1907-1990).

Hai người trong số này (Alberto Moravia và Karen Blixen) cho tới cuối đời vẫn không được trao giải Nobel văn chương, mặc dù văn tài của họ quá xứng đáng. Karen Blixen là một trong những nữ văn sĩ quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Scadinavia, còn Alberto Moravia đã là đại diện ưu tú nhất của dòng văn học tân hiện thực Italia. Và đây là nguyên nhân khiến nhiều trí giả trách cứ Viện hàn lâm Thụy Điển đã bỏ lỡ những tài năng đích thực!

Nhà thơ Pháp Saint - John Perse và nhà văn Italia Salvatore Quasimodo đã được may mắn hơn. Nhà văn Italia này đã được nhận giải Nobel văn chương ngay sau Boris Pasternak, vào năm 1959 ("Nhờ những bài thơ trữ tình với sự sống động cổ điển thể hiện kinh nghiệm bi thảm của thời đại chúng ta"). Còn nhà thơ Pháp cũng đã được nhận giải Nobel văn chương năm 1960 ("Nhờ sự cao cả và hình tượng đã sử dụng các phương tiện của thi ca thể hiện các cảnh huống của thời đại chúng ta").

Tờ Sydsvenskan cũng nêu tên Mikhail Solokhov trong số những ứng cử viên của giải Nobel văn chương. Nhà văn Xôviết đã được đề cử bởi nhà văn, viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển Harry Martinson (1904-1978) cùng với Câu lạc bộ Văn bút (PEN Club). Về phần mình, Pasternak đã được nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960, giải Nobel văn chương năm 1957) giới thiệu.

Vai trò của nhà văn Harry Martinson trong câu chuyện này rất đáng để tò mò. Thứ nhất, chính ông năm 1957 đã đề cử Pasternak. Thứ hai, hiểu biết của Harry Martinson về văn học Xôviết không thể nào chỉ là "sơ kiến tân giao" - là một nhà văn xuất thân từ quần chúng lao động, với một lý lịch vô sản lý tưởng (nhưng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hậu hiện đại), Harry Martinson ngay từ năm 1934 đã được mời sang Liên Xô để tham dự Đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Liên Xô. Chuyến đi đó oái oăm thay lại làm cho Harry Martinson không cảm thấy thích người Nga, đến mức, vốn tính bốc đồng, ông đã tình nguyện đăng lính để tham gia cuộc chiến giữa Phần Lan và Liên Xô, chống lại Moskva!

Còn một sự việc nữa đáng chú ý trong chuyện đề cử Mikhail Solokhov làm ứng cử viên cho giải Nobel văn chương năm 1958. Khi đó, theo tư liệu của tờ Sydsvenskan, các viện sĩ Thụy Điển cho rằng, trong thời gian gần đó Mikhail Solokhov không có những tác phẩm mới. Và vì thế trong một thời gian dài, họ đã làm lơ với nhà văn Xôviết nổi tiếng. Khi Mikhail Solokhov cuối cùng cũng được trao giải Nobel văn chương năm 1965 nhờ "Sông Đông êm đềm", lý do cũ đã được lờ đi.

Còn có một tờ báo Thụy Điển nữa là tờ Svenska Dagbladet - trên cơ sở những tư liệu đã được tờ Sydsvenskan công bố, đã đặt ra câu hỏi về việc công bố tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" đã có vai trò quyết định đến đâu trong việc trao giải Nobel văn chương cho Boris Pasternak? Theo phóng viên của tờ báo này, các viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển liên quan tới quyết định năm 1958 về giải Nobel văn chương, đã không lường được những hệ lụy chính trị của việc họ làm.

Ngoài ra, cũng không nên quên rằng, cho tới thời điểm năm 1958, Boris Pasternak cũng đã hơn một thập niên là một trong số ứng cử viên của giải Nobel văn chương. Năm 1957, ông bị chối từ, như có thể thấy từ các tư liệu vừa được công bố, không phải bởi những tác phẩm của ông (lúc này chưa có tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago") kém giá trị mà vì năm 1956, giải Nobel văn chương đã được trao cho một nhà thơ rồi (đó là nhà thơ Tây Ban Nha Juan Ramon Jimenez, 1881-1958). Các viện sĩ Thụy Điển khi đó cho rằng, nếu trong hai năm liền mà trao liên tục hai giải Nobel văn chương cho dòng thơ trữ tình "khó đọc" thì có thể làm ảnh hưởng không tốt tới danh tiếng của giải Nobel.

Tuy thế, việc xuất bản tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" năm 1957 cũng cần được đánh giá đúng mức. Có lẽ chính sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết này đã trở thành quyết định trong cuộc đua trước các "đối thủ" khác. Thư ký Thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển Anders Oesterling sau khi làm quen với bản tiếng Italia của "Bác sĩ Zhivago" đã nhận xét rằng, tác phẩm này đứng trên cả chính trị. Chính vì thế nên Oesterling đã ủng hộ Pasternak, bất chấp cả việc "Bác sĩ Zhivago" lúc đó chưa được xuất bản ở Liên Xô là quê hương nhà văn.

Cũng theo nhận định của website Lenta.ru, việc làm quen ban đầu của các nhà báo Thụy Điển với kho tư liệu vừa được công khai hoá của Ủy ban Nobel cần phải được tiếp tục. Và nhờ thế, việc nghiên cứu kỹ lưỡng tình huống xét trao giải Nobel văn chương cho Pasternak sẽ giúp soi rọi nhiều khoảng còn tối trong không chỉ riêng câu chuyện này mà trong cả lịch sử văn học thế giới ở giữa thế kỷ XX.
Nguồn: Theo ANTG Cuối tháng số 90, 22.01.2009.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang kế tiếp

Quay về Thư giãn văn hoá học: văn chương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron