Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm văn chương với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Chủ nhật 28/10/07 10:19

Trả lời cho câu hỏi này, một nhà báo trẻ nói với tôi, anh ta tìm thấy sex. Câu trả lời chẳng biết đùa hay thật, nhưng tôi biết có rất nhiều người quyết định mua Rừng Nauy vì những bài báo đặt ra câu hỏi: tác phẩm này là sex thuần túy hay nghệ thuật đích thực, và một số khác thì không thể cầm lòng trước tấm biển quảng cáo hấp dẫn bày trên đường: Rừng Nauy – sexy 90% - giảm 20%.

Một vài người lớn hỏi, tại sao giới trẻ thích Haruki Murakami? Và họ đưa ra lý giải, phải chăng vì ông là sản phẩm do truyền thông nhào nặn, tác phẩm của ông cũng phổ biến như một thứ nhạc pop thông thường?

Khi tôi đọc được 2/3 cuốn sách, tôi đã nhắn tin đến một người:
- Dạo này em đọc Rừng Nauy, ngày nào cũng nhìn thấy mình trong đó.
- Em trong những câu chuyện đó như thế nào?
- Những cô gái trong truyện luôn phải tìm cách bấu víu và nương nhờ cảm xúc, khát khao được yêu thương.
- Rất nhiều người giống cô gái ấy, cả anh nữa!

Gấp cuốn sách lại, tôi vẫn thấy mình chơi vơi giữa một miền tuyết trắng, ở đó có những người trẻ cô độc đứng một góc riêng mình. Họ bấu vào cảm giác tình yêu để được bung ra khỏi miền hoang vu ấy. Họ giãy giụa để giải phóng bế tắc và buông thả để giải phóng cám dỗ. Tôi nhớ mãi chi tiết hai người phụ nữ cô đơn chủ động tiến đến gần nhau để thử một cảm giác khác, với niềm tin liệu rằng cảm giác ấy có giải thoát được những khát khao và u uẩn trong thẳm sâu tâm hồn họ hay không. Đó là một cách giải quyết đầy bi kịch, với tôi, nó bi kịch hơn cả cái chết của 3 nhân vật trong truyện, và không chỉ tồn tại trong Rừng Nauy, đó còn là lựa chọn của không ít người trẻ trong xã hội hiện đại chịu đầu hàng trước cảm xúc và bất lực trước khát khao sống, khát khao yêu và khát khao được là chính mình.

Chiếc gương soi cho sự thật trần trụi, nhưng cũng có thể thu ánh sáng để dẫn bạn đến một con đường mới, tôi tin như thế!

PHƯƠNG AN
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRONG RỪNG NAUY

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 7 24/11/07 1:09

Nếu như với nhiều người, cảm xúc ấn tượng khi đọc "Rừng Na Uy" chính là sex, khát khao dục tình chiếm lĩnh rất nhiều trong trang viết của nhà văn Murakami thì với tôi lại là cảm giác về nỗi buồn và sự cô đơn hiện hữu bao quanh cả cuốn tiểu thuyết.
Làm sao để thoát ra cảm giác cô đơn và lẻ loi giữa thế giới bao la rộng lớn? Thế là từng nhân vật trong câu chuyện chọn lối đi nhanh nhất để vượt qua cảm thức cô đơn đó bằng cách hợp nhất với người khác qua hành vi dục tính. Nhưng sau đó thì họ lại tiếp tục rơi vào cảm giác cô đơn và lẻ loi chỉ bởi chỉ có tình yêu chân thực mới có thể làm cho con người vượt qua nỗi buồn và sự cô đơn mà thôi.
Tuy thế tình yêu trong Rừng Nauy là 1 tấn bi kịch của những nhân vật trong câu chuyện. Tình yêu không bao giờ trọn vẹn. Có người cứ cố gắng trốn chạy hay tìm kiếm 1 tình yêu không dành cho mình, người đang có thì lại khước từ nó để tìm đến tự do và sự cô đơn.
Mà hình như thời đại ngày nay là thế , con người chối bỏ tình yêu để đi đến tự do và con người chấp nhận nỗi cô đơn của bản thân. Phải chăng đó chính là cái giá của tự do của nhân loại?
Bên cạnh đó, những cái chết trong truyện dường như ám ảnh từng nhân vật, ám ảnh người đọc làm cho chúng ta thấm thía sự mong manh vô thường của kiếp người trầm luân đau khổ.
Họ chết vì điều gì?
Tự tử?
Bệnh tật?
Cô đơn?
Nỗi buồn?
Hay họ thiếu thốn gì đó…
Tình yêu?
Sự quan tâm và sẻ chia
Đồng ý rằng cuộc đời ai cũng phải đối mặt một lần và duy nhất đối với thần chết. Nhưng có lẽ, tôi chưa bao giờ đọc tác phẩm nào kể ra nhiều cái chết đến như vậy. Tại sao lại như thế?
Murakami có dụng ý gì chăng?
Để những độc giả biết trân trọng cuộc sống này hơn hay làm cho người đọc buồn miên man theo số phận của từng nhân vật?
Hầu hết, những nhân vật trong truyện chết đều ở độ tuổi trẻ trung đẹp nhất của cuộc đời đầy chói chang ánh sáng hy vọng. Ấy thế mà, họ lại tự tử chết vì không vượt qua được nỗi buồn và sự cô đơn.
Cứ thế, Rừng Nauy đã đi sâu vào lòng người đọc, để lại đó chút gì đó nuối tiếc cho từng nhân vật, sự cố gắng vượt qua nỗi buồn của kiếp người long đong nhỏ bé, trân trọng những gì mình đang có và ước mơ hy vọng cho ngày mai tươi sáng hơn.
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi Le Phuong Thao » Thứ 3 29/01/08 16:39

"Rừng Na Uy" chân thật và gợi cảm

LINH THOẠI thực hiện

TT - Nhật Chiêu - dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản: “Đây là lần thứ ba tôi đọc Rừng Na Uy của Haruki Murakami, sau bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt năm 1997 của NXB Văn Học”.

- Rừng Na Uy tuy không phải là kiệt tác đứng đầu trong những gì mà Murakami viết, nhưng nó lôi cuốn đông đảo bất kỳ nơi nào mà nó xuất hiện. Có nhiều lý do nhưng có thể do đây là một tác phẩm viết về giới trẻ đặc biệt chân thật và vì vậy hết sức gợi cảm. Thanh niên nói chung và đặc biệt là sinh viên mê tác phẩm vì họ thấy nó nói lên những điều sâu thẳm trong tâm tư họ.

Một lý do khác đáng kể là Rừng Na Uy rất dễ đọc, không giống với những tiểu thuyết sau này của ông, Rừng Na Uy là hiện thực pha chút lãng mạn, trong khi các tiểu thuyết về sau mang dấu ấn hậu hiện đại và đầy yếu tố siêu thực.

Hơn nữa, Murakami viết về các nhân vật nữ rất hay, tất cả đều xuất hiện với tầm vóc và tính cách của họ mà không bị cái nhìn trọng nam khinh nữ của truyền thống Nhật Bản tác động.

Tính dục cũng là một yếu tố làm cho người không quan tâm gì đến văn chương cũng tìm đến Rừng Na Uy. Cần lưu ý là những cảnh viết về tình dục của Murakami bao giờ cũng rất tự nhiên, không gượng ép và do đó không phải là tục tằn.

* Hầu hết các nhân vật trong Rừng Na Uy bị bủa vây bởi sự cô độc, đó có phải là hình ảnh chung cho các nhân vật của Murakami?

- Nỗi buồn thường có ở nhân vật của Murakami là vì họ bao giờ cũng theo đuổi một lối sống độc lập và do đó luôn rơi vào cô đơn. Chính Murakami cho rằng trong xã hội có tính ý thức cộng đồng chặt chẽ như Nhật Bản, một tinh thần độc lập là rất khó sống.

Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto. Thành công lớn của tiểu thuyết Rừng Na Uy (1987) đã khiến ông trở thành một thần tượng văn hóa đại chúng và là nhà văn quan trọng nhất, được đọc nhiều nhất của Nhật Bản sau Kenzaburo Oe. Sách của ông đã được dịch ra 16 thứ tiếng.

Nhân vật của Murakami có tính hiện đại vì niềm khao khát được là chính mình, sống như một bản nguyên chứ không phải là một sự sao chép bầy đoàn. Họ là những nhân vật đi tìm chính mình và do đó thường khi rơi vào bi kịch bởi vấp phải những quán tính trơ lì của bầy đoàn.

Trong tiểu thuyết mà Murakami yêu thích nhất - tác phẩm Người tình Sputnik, vệ tinh nhân tạo Sputnik của Liên Xô phóng vào quĩ đạo trái đất năm 1957 trở thành một ẩn dụ trong tiêu đề của Murakami: con người cô đơn xoay quanh một quĩ đạo vô hình, có thể đó cũng là hình ảnh tượng trưng chung cho những nhân vật của Murakami.

* Còn về khía cạnh sống - chết trong tác phẩm, như Kizuki và Naoko phải chọn cái chết để tìm lối thoát?

- Trong tác phẩm có nhiều cái chết nhưng nó không tạo nên một không khí bi thương chán nản mà nó dường như làm nổi bật khát vọng yêu đương và sống còn, tựa như phải có nhiều bóng tối thì mới thắp sáng được hoa đăng.

* Ông có nghĩ rằng Murakami là một tác giả xa rời nền văn học truyền thống Nhật Bản?

- Murakami cũng thường bị lên án là một tác giả xa rời truyền thống văn học Nhật Bản, chí ít là đứng ngoài dòng chính thống. Hiểu theo nghĩa nào đó, thì nói như chính Murakami là ông không có một giọt mực truyền thống nào trong ngòi bút của mình. Thế nhưng, ông lại cho rằng mình chính là một nhà văn Nhật Bản đang tìm một ngôn ngữ mới để thích hợp với thời đương đại, mà đời sống đương đại của Nhật thì đâu có giống với đời sống xưa kia. Nói tiếng nói mới của Nhật thì không là nhà văn Nhật chứ là cái gì.

Rõ ràng là Murakami không đi theo con đường của các bậc tiền bối lừng danh. Ông không theo đuổi cái đẹp bi cảm như Kawabata, cái đẹp quí phái như Tanizaki hay cái đẹp bạo liệt như Mishima mà ông tạo dựng một cái đẹp mới: cái đẹp của đời sống thường ngày và tự nhiên.

Tuy là nói vậy nhưng người đọc vẫn cảm thấy nhiều trang viết của Murakami cũng phảng phất một nỗi buồn bi cảm mà người ta vẫn thường bắt gặp trong truyện Genji của thế kỷ 11 hay trong tác phẩm của Kawabata. Murakami không thích ngôn ngữ quá mơ hồ của các nhà văn tiền bối. Ông thiên về một ngôn ngữ sống động, tự nhiên và khá là sáng sủa. Dịch Murakami ra tiếng nước ngoài hẳn là dễ dàng gấp bội việc dịch các tác giả Nhật tiền bối của ông.


Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index ... nnelID=172
Mèo Ú
Hình đại diện của thành viên
Le Phuong Thao
 
Bài viết: 150
Ngày tham gia: Thứ 7 17/11/07 23:29
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi skoalls » Thứ 3 25/03/08 11:04

một thứ sex đẹp ! chả hiểu sao lại thế
đọc nó không có cảm giác kinh tởm
không tạo cảm giác ức chê giống kiểu Bóng đè , hay 1 vài truyện sex của trung quốc !
- rừng nauy đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam từ những năm 90 nhưng ko được đón nhận , ko biết có phải vì cách dịch hay không ? hay do tư tưởng hồi ấy của dân mình " còn sạch " quá !
Yêu lắm Hà Nội ơi !
RANDOM_AVATAR
skoalls
 
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ 3 02/10/07 18:21
Đến từ: Hà Ná»™i
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi athena » Thứ 5 08/05/08 12:52

Trong "Rừng Nauy" người đọc không chỉ tìm thấy sex mà còn tìm thấy chính mình, một phần của bản thân mình trong các nhân vật trong truyện. Sex trong "Rừng Nauy"không phải là thứ sex dung tục mà đó là sự hòa hợp của tâm hồn, sự "phối hợp" của cả hai người.
Kẻ đa tình không cần đủ thịt da
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma!...
Hình đại diện của thành viên
athena
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 3 06/05/08 15:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi becan161 » Thứ 2 25/08/08 15:20

" Rừng Nauy" đẹp, buồn và ám ảnh........!
Như con nai bị chiều giăng lưới...
Chẳng biết đi đâu đứng sầu bóng tối.......
RANDOM_AVATAR
becan161
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 7 05/01/08 0:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 3 26/08/08 0:09

Mối tình sâu sắc nhất của bạn có gắn liền với một bài hát nào không? Một cảnh trí nào không? Như một căn phòng trong đêm mưa mùa hạ? Một chiều thu ngoài bìa rừng hoang vắng? Rừng Na-uy là tên một bài hát của nhóm nhạc Beatles nổi tiếng. Lời cả có những câu "Tôi từng có một cô gái, mà có lẽ đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi… Cô dẫn tôi vào phòng và bảo tôi ngồi đâu cũng được, nhưng tôi thấy chẳng có chiếc ghế nào… Khi tỉnh dậy tôi chỉ có một mình, con chim ấy đã bay đi rồi…" Giai điệu và cấu trúc bài hát rất giản dị. Những sự kiện làm biến đổi cả cuộc đời ta thường gắn liền với những cái ngẫu nhiên giản dị. Ký ức khi đã trưởng thành thường cũng chỉ xúc động vì những điều giản dị. Và Rừng Na-uy là một câu chuyện tình yêu giản dị.
Giản dị như sự thật.
Như bốn mùa.
Như Sống Chết.

Như đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã viết về con tim biết yêu: "Cái giàu cái nghèo của nó là vô biên, niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu." Cái giản dị của Rừng Na-uy là cái giản dị chỉ có được khi người viết đã vượt lên hết những làm dáng có bản chất kĩ thuật vốn rất khó tránh trong sáng tác để chỉ bồi hồi kể lại những gì đang tuôn trào từ sâu thẳm cõi lòng mình.

Rừng Na-uy không lãng mạn. Nó không lí tưởng hoá và do vậy không bị lừa mị bởi chính những lí tưởng ấy của mình. Nó dũng mãnh như mũi tên vừa bay ra khỏi cánh cung. Thẳng từ cõi lòng bộc trực và chân xác của kiếp người. Đọc lời thoại trong Rừng Na-uy, tôi chỉ mong mình cũng nói được như thế với người mình yêu mến. Bị lôi cuốn theo những ý nghĩ và xúc cảm trong Rừng Na-uy, tôi cũng chỉ mong mình dám nghĩ được thành lời những gì vẫn cuộn tròn trong lòng mình như vậy. Đọc Rừng Na-uy, tôi chợt nhớ ra rằng hình như mình đã chỉ quen lừa mị bản thân, lừa mị người khác, để bôi trơn mọi mối quan hệ xã hội vốn chỉ xoay quanh và bị chi phối bởi tiền bạc, quyền lợi, danh vọng… Hình như tôi đã quên mất, hoặc đã luôn có ý thức đè nén tất cả những gì gọi là tự nhiên và cao cả của chính mình, hình như tất cả những "người bạn", "người yêu" kia chẳng phải vậy chút nào, vì đã có bao giờ tôi dám nói thẳng lòng mình với họ và biết chắc rằng họ cũng đã nói thẳng lòng họ với mình. Hình như tôi cũng đã chẳng phải là mình, vì đã khi nào tôi thực sự dám nhìn nhận những khiếm khuyết méo mó của mình, có ý thức công nhận chúng và biết vui với chúng, cũng như công nhận và vui với những khiếm khuyết của mọi người.
Con chim sắp chết, tiếng hót bi thương; con người hấp hối, lời nói chân thành. Tại sao vậy? Chỉ có sự chết mới cứu vãn được loài người khỏi nghiệp chướng dối trá hay chăng? Đọc Rừng Na-uy, tôi thấm thía được một chân lí giản đơn, rằng "sự chết không là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống". Sống, tức là nuôi dưỡng Chết. Sự chết không phải là chấm dứt, cũng chẳng phải là bắt đầu. Nó ở ngay đây rồi, được chính sự sống nuôi dưỡng.

Và tôi hiểu được tại sao chỉ những nhân vật trung thực trong trắng và dũng cảm trong Rừng Na-uy mới tự kết liễu cuộc đời mình. Họ còn quá trẻ và không đủ kiên nhẫn để hy vọng cuộc đời này sẽ nuôi dưỡng được một cái chết tự nhiên xứng đáng. Và tôi cũng hiểu tại sao nhiều nhà văn lớn của Nhật Bản như Osamu Dazai và Yasunari Kawabata cũng đã chọn cái chết để khỏi phải chứng kiến cái đẹp và cái cao cả đang bị thời cuộc làm nhục.

Cuộc khủng hoảng của thế hệ trẻ Nhật Bản cuối thập kỷ 1960 trong Rừng Na-uy không phải chỉ là sự đớn đau của linh hồn và thân xác đang phải vượt ngưỡng ngây thơ, mà còn là sự thất vọng lớn lao trước những biến đổi ngu xuẩn của thờỉ cuộc: phép lạ kinh tế của một đế quốc quân chủ thất trận đang khiến cho lòng tin mù quáng vào Thiên Hoàng bị thay thế bởi tín ngưỡng có tính toán vào sức mạnh của đồng tiền và những ước lệ xã hội kèm theo.

Tôi đọc Rừng Na-uy và nhớ đến Hemingway, Paul Bowls, Kerouac… đến những thế hệ trí thức trẻ tuổi Âu Mỹ sau hai cuộc thế chiến vẫn được gọi là The lost generations - những thế hệ bị tha hoá với chính sự thắng thế và hưng thịnh vật chất của phương Tây, không tìm thấy chỗ đứng của mình trong chốn phồn thực hãnh tiến ấy. Tôi nhớ đến Kundera và cái nhẹ bỗng không thể chịu đựng nổi của kiếp người trong vòng xoáy của những cuộc đổi thay bạo lực. Và tôi cũng nhớ đến câu nói của Alexei Tolstoi: "Những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ chỉ còn lại mãi mãi tấm lòng dịu dàng và êm ái của em."

Trong Rừng Na-uy, thân xác là nơi trú ngụ và phương tiện biểu cảm tự nhiên nhất của tình yêu. Không những hoàn toàn không phải là một "dâm thư", mà ngược lại, Rừng Na-uy là cuốn tiểu thuyết bắt người đọc phải nhận thức được sự ngu xuẩn của mọi thứ dâm tính trong thị trường văn chương, phim ảnh, và trong chính ý nghĩ của con người. Rừng Na-uy chinh phục được độc giả toàn thế giới vì nó đã giúp giới trẻ (và cả những người không còn trẻ nữa) nhận ra cái cao cả theo nghĩa triết học và tự nhiên của tình yêu. Cái cao cả không còn núp bóng lí tưởng và lãng mạn, mà công khai trực tiếp trong tấm lòng trung thực dũng mãnh của tuổi trẻ.

Đọc Rừng Na-uy rồi, tôi chắc bạn sẽ nghĩ nhiều về bản thân mình. Về người mình yêu. Về bạn bè. Về bố mẹ anh chị em trong nhà. Bạn sẽ nghĩ, và sẽ nhớ đến lời những nhân vật trong Rừng Na-uy, và thực sự cảm thấy sung sướng vì máu nóng đang chảy trong huyết quản bạn, vì bạn đang sống, vì tình yêu là có thực. Và bạn sẽ muốn chạy đến với người mình yêu mến nhất để nói rằng bạn hỡi, chúng ta hãy trung thực với nhau, cùng làm quen và chấp nhận những bất toàn của nhau, vì chỉ có vậy chúng ta mới có thể tìm thấy bình yên và hạnh phúc.

Nhân vật chính trong Rừng Na-uy tên là Toru Wantanabe.

Tôi đã thấy cái tên Toru và Watanabe này ở vài tác phẩm khác của Murakami. Tự nhiên tôi giật mình: Murakami tuổi Kỷ Sửu, mà trong tử vi Tây Phương thì tuổi Sửu là Taurus - vị thần bò dũng mãnh đầy nhục cảm trong thần thoại Hy Lạp mà tôi vẫn bắt gặp trong tranh vẽ của Picasso. Toru phải chăng là một biến âm dí dỏm của Taurus theo lối Murakami? (Rừng Na-uy dí dỏm lắm, bạn cứ đọc mà xem).

Và Watanabe phải chăng là âm thanh vọng lại từ mấy từ tiếng Anh: "Want to be" - muốn được tồn tại, muốn sống, muốn thành được như thế? Có lẽ sự chân thực và tình yêu dũng mãnh của nhân vật Toru Watanabe đối với cả bản ngã và tha nhân trong Rừng Na-uy cũng chính là mơ ước của tác giả. Thế mới thật là tiểu thuyết! Đọc Rừng Na-uy rồi, tự nhiên ta thấy mình tự nhủ rằng nào, hãy mạnh mẽ lên như thần bò huyền thoại, và hãy biết "want to be". Ấy là một vài xúc cảm riêng tư của tôi khi đọc và dịch Rừng Na-uy.


Còn bạn, cuộc đời của bạn là cả một cõi riêng tư khác biệt, và bạn sẽ còn tìm được nhiều cái hay cái lạ nữa khi đọc Rừng Na-uy. Từng nghĩa trong tiểu thuyết cũng như xiêm y mỹ nhân, lớp lang của nó hấp dẫn đến đâu là tuỳ ở lòng người lần mở, và khi ta tưởng đã đến nơi thì hoá ra mới chỉ là bắt đầu. Cái duyên của Murakami là ông động được đến tơ lòng sâu kín của tất cả mọi người. Mong rằng những ân hưởng văn chương và cuộc đời mà tôi đã nhận được từ ông vẫn nguyên vẹn trong từng con chữ Việt mà tôi đã lựa chọn để kể lại Rừng Na-uy cho bạn nghe với tấm lòng bồi hồi trân trọng của mình

-------------------------

“Với Rừng Na-uy, Murakami đã kể một câu chuyện cay đắng pha lẫn ngọt ngào về tuổi trẻ... Xuất bản lần đầu tại Nhật vào năm 1987, cuốn tiểu thuyết đã là một hiện tượng kỳ lạ với 4 triệu bản sách được bán ra. Hai mươi năm nay, nó luôn nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết được giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất.” - Publisher Weekly

“Rừng Na-uy sẽ là cuốn sách thanh xuân bất diệt, bầu bạn với hết thế hệ này qua thế hệ khác.” – Báo Đọc sách Trung Hoa

“Trong mười cuốn sách văn học có ảnh hưởng lớn nhất tới Trung Quốc trong thế kỷ 20, xếp thứ mười chính là Rừng Na-uy.” – Giáo sư Lâm Thiếu Hoa, dịch giả Rừng Na-uy ở Trung Quốc

“Nắm bắt sự đam mê và gấp gáp của ái tình tuổi trẻ… Lặng lẽ lôi cuốn người đọc và cuối cùng lay động tâm can.” - Time Literary Supplement

“Khêu gợi, thú vị, sexy và hài hước, nếu không Murakami đã chẳng là một trong những nhà văn hay nhất.” - Time Out

“Một câu chuyện xúc động đến ngạt thở…. Không nghi ngờ gì, Murakami là một trong những tiểu thuyết gia tinh tế nhất thế giới.”- Glasgow Herald

“Murakami, cách này hay cách khác, chính là hình vóc của văn chương thế kỷ 21... Văn ông không thuộc trường phái nào, nhưng lại có chất gây nghiện của loại văn chương tuyệt hảo nhất.” – New Statesman

“Murakami đã phải được xếp hạng là một trong những nhà tiểu thuyết đương đại lớn nhất thế giới.” – Guardian

“Cuốn sách chắc chắn là sành điệu, đầy những trò quậy sinh viên, tình ái cởi mở, rượu và văn hoá pop những năm 1960. Nó chân xác và cảm động, miêu tả mọi cung bậc thăng trầm thời tuổi trẻ.” - Independent on Sunday

“Một cuốn tiểu thuyết bậc thầy về tình yêu kiểu những năm 1960.” - The New York Times Book Review

"Murakami đã nắm bắt được nhịp đập của thời đại ông, lôi cuốn người đọc hoàn toàn, khiến bạn phải bật khóc khi câu chuyện đã xong." - The Baltimore Sun

"Câu chuyện cổ điển này của Murakami rõ ràng là gợi cảm nhất trong các tiểu thuyết của ông." - Los Angeles Times

Nguồn: http://www.maiyeuem.net/vtopic119508.html
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 3 26/08/08 0:19

"Rừng Na Uy" - sex thuần túy hay nghệ thuật đích thực?

Các nhân vật trong truyện đều được mô tả như thể chỉ có sex là tồn tại với họ. Họ, hoặc như Nagasawa - một sinh viên mới năm thứ hai đại học - nhưng không thể nhớ nổi mình đã ngủ với tám mươi hay một trăm cô gái; hoặc như Kiruki, người đã sờ mó bạn gái và nhờ bạn giúp thủ dâm từ tuổi mười ba...

Câu hỏi nhất định sẽ phải đặt ra với bất kỳ ai đã đọc Rừng Nauy bởi vì sex là một chủ đề xuyên suốt tác phẩm.

Rừng Nauy là tên của một bài hát của nhóm Beatles những năm 60-70 thế kỷ trước. Ca từ bài hát nói về cuộc tình chớp nhoáng giữa một đôi trai gái. Bài hát ấy cũng được thanh niên Nhật Bản thời đó yêu thích, trong đó có nhân vật xưng tôi của cuốn tiểu thuyết. Vì thế 20 năm sau, khi nghe lại nó trên một chuyến bay, tác giả đã nhớ lại một thời quá khứ sinh viên. Ký ức đầu tiên cũng là câu chuyện về sex, cả theo nghĩa ám dụ lẫn cụ thể.

TÁC PHẨM (nguồn: thuvien-ebook.com)

Nhân vật xưng tôi nói chuyện với bạn gái, Naoki. Cô này lại nói về cái “giếng đồng”, mà thật ra “chỉ là một cái lỗ, một cái miệng rộng hoác”. Không ai biết nó ở đâu, nhưng dứt khoát nó tồn tại trên đồng cỏ, nơi họ chỉ hai người với nhau và Naoki cả quyết rằng, thỉnh thoảng lại có người rơi xuống giếng chết vì nó sâu hun hút. Họ bảo nhau tìm cách tránh cái giếng và dần tin chắc rằng, chỉ bằng cách duy nhất là phải luôn bên nhau, tay trong tay. Xen giữa câu chuyện là một câu hỏi của Naoki: Làm sao mà cậu lại có thể ngủ với mình lần ấy? Câu hỏi hệ trọng vì với cô, nó liên quan đến sự sống và cái chết.

Các nhân vật trong truyện cũng đều được mô tả như thể chỉ có sex là tồn tại với họ. Họ, hoặc như Nagasawa - một sinh viên mới năm thứ hai đại học - nhưng đã không thể nhớ nổi mình đã ngủ với tám mươi hay một trăm cô gái; hoặc như Kiruki, người đã sờ mó bạn gái và nhờ bạn giúp thủ dâm từ tuổi 30, nhưng đã đột nhiên tự tử vào tuổi 17 không lý do, ngoài một điều chắc chắn là anh ta chưa bao giờ thực sự ngủ được với bạn tình dù cả hai đều mong muốn và sẵn sàng… Đa phần họ là sinh viên, nhưng tất cả bối cảnh trường lớp, đến chuyện con người, xã hội, lý tưởng, khoa học, tình cảm gia đình… dường như chỉ là phụ trên bức tranh đời sống tình dục.

Cho nên, chẳng ngạc nhiên gì khi chỗ này một cuộc “săn bò lạc”, từng đôi một (đúng hơn là họ săn nhau), ngủ với nhau rồi nửa đêm đổi bạn tình tự nguyện; chỗ kia người con gái trả thù người yêu bội tình, bằng cách ngủ với người đàn ông đầu tiên gặp trong quán rượu, dửng dưng đến mức không cần biết tên, không cần tạm biệt; chỗ nọ vào trang miêu tả những chi tiết gợi dục trên cơ thể phụ nữ. Như vậy, cốt truyện, nhân vật, chi tiết và cả tựa đề nữa đều nói về sex, như một cuốn tiểu thuyết đen. Khó có thể nói rằng, đây không phải là tác phẩm về sex.

Nhưng vấn đề lại rắc rối ở chỗ, tác phẩm được xem như một trong những tượng đài của văn hóa đại chúng hiện đại Nhật Bản với 1/7 dân số là độc giả, được dịch ra hơn 10 thứ tiếng, được thảo luận sôi nổi trên báo chí là trên giảng đường các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, được xem là một trong mười cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc thế kỷ XX, được phát hành với con số nhiều triệu bản trên khắp hành tinh… Liệu một tiểu thuyết sex thuần túy có thể rôm rả vậy không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Mà nếu là không thì chúng ta nghĩ gì?

Trong cuộc sống thường nhật, có những sự thật mà chúng ta không thể tin nổi là thật, dù đó là sự thực trần trụi. Trong số báo gần đây của Văn Nghệ Trẻ, câu chuyện hồi sinh một kiếp người ở tòa án Thái Bình là một sự thực như thế. Làm sao chúng ta có thể tin rằng, trong một xã hội như xã hội ta, lại có một người bị hại trở thành tội phạm, do sự phù phép của các cơ quan pháp luật và bị tống tù. Sự phi lý có vẻ vẫn đang tiếp tục ngay lúc này, khi người bị hại được minh oan mà kẻ gây tội vẫn nhởn nhơ. Sao ta lại không tin con người có thể biến thành bọ như Kafka mô tả? Văn chương dạy chúng ta quan sát, giúp chúng ta nhìn thấy cái thực mà nó đã mô tả. Cái thực trong Rừng Nauylà sex. Sex vừa là sự thực trần trụi, vừa là ẩn dụ về những giá trị sống của thanh niên Nhật Bản vào những năm 60-70. Đó là thời kỳ kinh tế Nhật hồi sinh kỳ diệu chỉ đôi thập kỷ sau chiến tranh. Người Nhật từng bước tiếp nhận lối sống tiêu thụ, vừa do ảnh hưởng văn hóa Mỹ, vừa do muốn tạo động lực kinh tế. Lớp thanh niên Nhật ngày ấy như rơi về từ một hành tinh khác: quên quá khứ, quên gia đình, truyền thống, xem sự thỏa mãn khát vọng riêng là mục đích tối cao. Nagasawa là một ví dụ. Anh ta là sinh viên con nhà giàu, thích rượu, thích gái, nhưng cũng thích trở thành viên chức ngoại giao. Mà cái gì anh ta muốn là anh ta sẽ làm bằng được. Giá trị con người đối với anh ta là sự sành điệu. Cho nên, chỉ cần biết Toru từng đọc Gatsby vĩ đại, anh ta đã xem đó là lý do để kết bạn. Modori là một ví dụ khác. Con của một chủ cửa hàng sách trung bình, cô từng giúp cha mẹ kiếm sống và đổi lại, cha mẹ chắt chiu cho cô vào học trường nữ sinh danh giá. Nhưng cô luôn cảm thấy bất hạnh giữa đám con nhà giàu. Vì thế, sau khi cha mẹ cô lần lượt chết vì ung thư, cô mới cảm thấy mình được sống thật, nhờ khoản tiền bán cửa hàng, không những đủ cho chị em cô mua mỗi người một căn hộ mà còn đủ để gửi một khoản nhỏ vào ngân hàng. Cô vứt bỏ công việc để hưởng thụ.

Trước khi bước vào “cuộc đời lớn”, cô đã lột hết quần áo để trưng bày tấm thân ngà ngọc của mình trước di ảnh của người cha, như thể nói với ông rằng, cô xứng đáng được thả mình trong những cuộc ăn chơi xả láng. Trong thế giới hưởng thụ ấy, những kẻ còn mang ít nhiều dấu vết Nhật Bản truyền thống như người bạn cùng phòng của Toro, có biệt danh Quốc Xã, kẻ thích cuộc sống ngăn nắp, minh bạch, tôn thờ lý tưởng vẽ bản đồ - hay như Kiruki và Naoki, những người tình thủy chung… sẽ biến mất, hoặc không có lý do như Quốc Xã hoặc phải lần lượt tự tử như Kiruki và Naoki vì không thể hòa nhập được. Đấy là những sự thật về giới trẻ Nhật Bản sau chiến tranh. Thế giới cũ đã bị đẩy về vùng rừng núi xa xôi, nơi những kẻ tâm thần như Naoki đóng vai thầy thuốc. Và thầy thuốc lần lượt trở thành những kẻ tâm thần.

Nhân vật xưng tôi bị vướng vào một mối tình tay ba đầy thất vọng. Một bên là Naoki, người mà anh tôn thờ và chung thủy về mặt tinh thần, vì với họ tình yêu là điểm tựa duy nhất giữa người đàn ông và người đàn bà để sống sót trong cuộc đời đoản mệnh. Một bên là Midori cực kỳ hiện đại, sexy, lúc nào cũng sẵn sàng xả thân khám phá mọi cảm xúc, bất biết bạn tình thế nào, chỉ cần biết anh biết khen cô có cái đầu mới, có bộ đồ lót mới. Nhưng anh ta đã hoàn toàn thất bại khi đi theo cả hai thái cực của tình yêu. Và kết cục là anh đã tìm thấy sự thỏa mãn với một người đàn bà lớn hơn 19 tuổi, trong một cuộc tình theo “nghi lễ” tiễn biệt một người yêu đã chết và dửng dưng với một người yêu còn đang sống. Đó là nỗi buồn mênh mang khép lại tác phẩm, nỗi buồn mà tự nhân vật không làm sao hiểu được lý do, nỗi buồn đã làm hàng triệu độc giả trên thế giới phải xúc động.

Giới phê bình đã tốn nhiều giấy mực để viết về nghệ thuật tiểu thuyết Murakami. Nào là tiết điệu jazz, nào tính ngẫu hứng, rồi cấu trúc của tiểu thuyết đen… những thứ không hề là truyền thống văn chương Nhật Bản. Chúng ta đều biết, Murakami học đại học về văn chương Hy Lạp, nền văn chương đã đề xuất khái niệm mô phỏng, đòi hỏi văn chương phải phản ánh cuộc đời bằng những dạng thức như nó có, nhưng đồng thời phải nêu lên cái thật theo nghĩa là những tư tưởng ẩn phía sau hình ảnh. Murakami cũng không làm như vậy. Bức tranh của ông là thực, như sự thực trần trụi, ngày cả khi ông miêu tả sex, về những con người và đời sống thường nhật, nhưng không theo kiểu chủ nghĩa hiện thực chúng ta vẫn hiểu mà theo lăng kính kiểu chủ nghĩa siêu thực. Không phải hiện thực bởi những con người, những sự việc trong tác phẩm, dù có được cố gắng khắc họa chính xác đến chi tiết, mà vẫn rất thờ ơ, vô cảm. Nó khiến ta tưởng như phía sau có một cái nhìn hài hước, giễu nhại. Nói siêu thực bởi cái bức tranh sex đậm đặc như phi hiện thực, như cố nhấn ấy có mục đích là thiết lập một sự thật khác ở bên kia hay ở bên trong nó, biểu lộ một trật tự thế giới còn thật hơn cái tưởng logic và khách quan. Chuẩn mực của xã hội Nhật Bản truyền thống đã và đang chết. Lý tưởng thanh niên Nhật, thanh niên Mỹ, thậm chí cả thanh niên Trung Quốc hiện nay, khi xã hội đã bước sang giai đoạn thịnh vượng, khi toàn cầu hóa diễn ra không chỉ trong kinh tế mà cả trong chính trị, văn hóa và lối sống nữa, đang quá đà, khủng hoảng. Những sự thật ấy biểu hiện đầy đủ trong tình yêu của Toru: cả tình yêu mang những giá trị tinh thần sâu sắc với Naoki lẫn tình yêu đến từ sức hấp dẫn nhục thể với Midori đều không kết hợp được với sex. Sex chỉ là nó với tư cách là sự giải phóng một trạng huống tràn đầy năng lượng. Nó không cứu được con người ra khỏi cô đơn, tuyệt vọng. Vậy thì đó là sùng bái hay phủ nhận về sex?

Tôi không biết bạn đọc VN đón nhận cuốn sách dịch này như thế nào. Có thể ai đó sẽ nghĩ rằng, cuốn sách góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội, vì mỗi người đọc đều có quyền thẩm định. Nhưng với tôi, mỗi tác phẩm là một cuộc thể nghiệm. Văn chương dẫn ta đi đến tận cùng của sự thực trần trụi để ta có thể ngộ ra một điều gì khác so với những ý nghĩ hàng ngày. Nó làm cho ta cảnh giác hơn với những sự thực giả dối quanh ta, như câu chuyện người bị hại biến thành tù nhân ở Thái Bình có thể khiến ta thấy rằng, cái gọi là công lý hay đạo lý xã hội chỉ là mỹ từ, khi mà sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng hiển thị.

Tôi không biết có ai đồng cảm với mình khi đọc Rừng Nauy, nhưng tôi dám chắc Murakami là một tiểu thuyết gia có tài, dù ông có thể còn nhiều cuốn khác hay hơn tôi chưa đọc. Cuốn sách của ông, khi ta đã đọc dòng đầu tiên thì ta muốn đọc cho đến hết, và bằng những chuyện tưởng như hoàn toàn dung tục, nó đồng thời cũng bắt ta nghĩ đến một cái gì thật sâu xa, hệ trọng, đằng sau. Và chỉ cần như thế, ông không liên quan gì đến những nhận xét tục, phàm, vô căn cứ.

Phan Quý Bích
báo Văn Nghệ
Nguồn: http://my.opera.com/maihome/blog/show.dml/463341
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 3 26/08/08 0:28

Nỗi buồn từ Rừng Na Uy

TT - Hôm qua mình đã đọc lại Rừng Na Uy lần thứ hai. Gấp sách lại vẫn là cảm giác buồn, một nỗi buồn nhè nhẹ, êm êm... không làm ta bi lụy mà chỉ thấy nhớ và tiếc một điều gì đó. Có thể là những ngày tháng thanh xuân bất diệt sẽ không trở lại bao giờ, sự đam mê và gấp gáp của ái tình tuổi trẻ, nỗi ưu tư và cô đơn như một định mệnh...

Naoko yêu thích bài hát của Beatles, còn Watanabe yêu cô nên cũng yêu luôn bài hát. Naoko là phần tối, là những ngày mưa trong tâm hồn Watanabe, còn Midori là ánh sáng rực rỡ chiếu sáng tâm hồn anh. Naoko là hiện thân của cái đẹp, của quá khứ mà anh không bao giờ nắm bắt hết, nhưng luôn nằm sâu trong một góc sâu thiêng liêng của tâm hồn mà suốt đời khó có thể quên được. Còn Midori là hiện tại, là những gì hiện hữu trong tầm tay.

Những nhân vật trong Rừng Na Uy đều là những người trẻ rất gần gũi và sinh động. Mình thích cá tính của Midori, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. “Với một loại người nào đó, tình yêu bắt đầu từ cái gì đó tí xíu và ngốc nghếch. Từ những cái như thế, hoặc nó không bao giờ bắt đầu được cả”.

Midori nói rất nhiều mỗi lần gặp Watanabe, mà có rất nhiều điều mình thấy nói sao mà đúng, giống mình, giống những gì bọn con gái hay nghĩ thế nhỉ! Mình thích nhất đoạn Watanabe, Reiko và Naoko quây quần trong một đêm mưa, chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác và tâm sự. Ước gì tuổi trẻ và tình yêu mãi ở bên họ.

Rừng Na Uy không hề làm cho mình bi lụy dù có khá nhiều cái chết. Tuổi trẻ là quí giá, tình yêu là cứu cánh cho tâm hồn, cuộc đời là một cõi riêng tư của chính bạn mà chỉ bạn có quyền hưởng thụ nó. Và trên hết là hãy sống thực với chính con người mình, vì dòng máu nóng đang chảy trong huyết quản là của chính bạn mà thôi.

ĐOÀN THÚY HẰNG (TP.HCM)
Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index ... annelID=10
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bạn tìm thấy gì trong" Rừng Nauy"?

Gửi bàigửi bởi hangthu » Thứ 7 17/10/09 23:07

tôi chưa từng đọc "rừng nauy".bạn bè tôi-những người đã đọc có người khen,có người chê.thậm chí còn có người khuyên tôi không nên đọc.nhìn thấy cuốn sách trong cưa hàng tôi đã đôi lần phân vân"nên hay không?".nhưng tôi nghĩ mình sẽ đọc nó trong một ngày không xa bởi tôi đã 20 và đủ sức đề kháng với những sáng tác kiểu "rừng Nauy".biết đâu tôi sẽ tìm được những điều ý nghĩa trong đó. :D
RANDOM_AVATAR
hangthu
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/09 21:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Thư giãn văn hoá học: văn chương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron