Những cuộc gặp gỡ tình cờ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm văn chương với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

Những cuộc gặp gỡ tình cờ

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 4 31/10/07 12:07

Trước quầy làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay, anh ta cười với cô từ hàng người rồng rắn bên cạnh. Cái cười hồn hậu làm quen quá nồng nhiệt, còn cô thì lạnh.

Từ dạo chia tay với Đức, cô ép mình không bận tâm nhiều về tình yêu và những gì tương tự. Cô kiêu hãnh, nguội lạnh và bình thản. Mười năm vất vả trôi qua kể từ cái mốc cô tròn mười tám, với quá nhiều công sức để biến một số dự định hằng ấp ủ thành hiện thực. Bây giờ nhìn lại chưa hẳn trọn vẹn, nhưng cô cũng có cái để mà thở phào. Lấy những ngày phép, cô chọn chuyến đi này.


Cô đã phải mua thêm năm mươi phần trăm vé để được ở riêng một mình (giá của sự tự do?). Từ hàng người kế bên, anh ta lại nhìn sang. Và còn nháy mắt. Anh ta đội nón đỏ, cả đoàn bên ấy đều nón đỏ, màu "nhận dạng" của hãng du lịch. Cũng như đoàn cô tất cả đều nón vàng. Cô thờ ơ nhìn anh ta xăng xái phụ hướng dẫn viên sắp xếp những va-li hành lý. Tới lượt cô kiểm tra hộ chiếu và visa, cô bé hướng dẫn viên ngoắt tay lia lịa làm dấu. Trước giờ bay, mọi người í ới đổi chỗ cho nhau. Thẻ lên máy bay được book lộn xộn. Du lịch xa, dài ngày nên chẳng ai đi lẻ. Toàn là đôi, ba hoặc bốn... - những tình nhân, những vợ chồng và những gia đình. Cô thì khác, cô một mình - tự do tự chọn.
Đổi tới đổi lui một hồi, chẳng biết thế nào tình cờ cô lại ngồi gần anh ta. Nụ cười rộng mở đáng ghét. Cứ làm như anh ta đã quen biết cô từ muôn kiếp trước. Tuy nhiên, anh ta cũng khá tâm lý khi nhường cho cô chỗ ngồi gần cửa sổ: để ngắm mây. Và còn ân cần hỏi: "cô có bị say máy bay không? tôi có đem thuốc theo!". Tưởng như anh ta là cái tủ y tế di động hay sao.

Chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ bay để sang một đất nước khác. Anh ta chăm sóc cô ân cần trong quãng thời gian ít ỏi đó. Nào cho mượn báo, lấy hộ đồ ăn thức uống, chỉnh hộ đèn và máy lạnh trên đầu, còn tặng một tấm bản đồ... Cô không say máy bay, chỉ hơi buồn ngủ. Nhưng anh ta chẳng cho cô ngủ, hết hỏi han này nọ về hành trình của đoàn cô lại xoay ra kể cho cô nghe hành trình của đoàn anh ta. Cô ậm ừ. Nghe chữ được chữ mất. Cứ giả thuyết một cách táo bạo rằng anh ta đã phải lòng cô, một kiểu phải lòng sét đánh gì đó, ừ, rồi thì cuộc luyến ái sẽ đi về đâu? Cô thấy ngần ngại gầy dựng những mối quan hệ bỗng dưng. Cô sợ lại phải bắt đầu đi trên lối tình yêu xưa, thật mòn.


Cô nhớ Đức. Một ngày kia, nhân chuyện gì đó anh bỗng dưng làm quen. Rồi hẹn hò gặp gỡ. Rồi yêu. Lâu thật lâu. Có lần, bàn nhau đi lên phường làm giấy đăng ký kết hôn. Ngay đúng ngày hệ trọng cô bị sếp giao cho một công việc thuộc loại không thể từ chối. Ngập ngừng gọi điện thoại cho Đức ấp úng giải thích, không ngờ đầu dây bên kia anh cười vỡ òa: "may quá, cũng đang tính gọi cho em, anh kẹt công việc đột xuất gỡ không ra...".

Sau đó khi thì anh lúc thì cô kẹt thêm vài ba bận nữa. Cho tới một lúc cả hai cùng nản, lùi hôn nhân về vô hạn định. Rồi thì tới cả chuyện đi chơi, gặp mặt nhau cũng không còn thiết. Lười yêu quá. Mối tình giống như lửa bếp gaz, tắt xong lụi hẳn, không còn tí tro than ấp ủ... Mà nói vậy cũng không phải vậy. Thỉnh thoảng Đức có gọi bâng quơ, kiểu như sực nhớ vẫn còn cô tồn tại trên đời. Trước chuyến đi này, cô cũng có gọi cho anh. Gọi mà chẳng biết phải nói gì, vì gọi không phải để rủ anh đi cùng. Có cảm giác, chuyện chia tay là đúng, rất đúng. Dù vẫn nghĩ ngợi dây dưa.
Xuống máy bay trời khá lạnh, người đồng hành nhắc cô chỉnh đồng hồ tăng thêm một giờ do lệch múi giờ giữa hai nước. Anh ta kiên nhẫn chờ, để hì hục lấy hành lý hộ cô. Đi Trung Quốc mùa này lạnh nên va-li ai cũng to - do chứa đầy quần áo ấm. Trên đường kéo va-li ra quầy làm thủ tục nhập cảnh, một bà trung niên áo gấm cùng đoàn bỗng ghé sang thì thào với cô giọng thông cảm: "đi một mình vậy không buồn à?", "dạ không, mà sao phải buồn?", cô ngạc nhiên thật tình. Như Đức từng nhận xét: "càng ngày chúng ta càng độc lập, có thể sống một mình chẳng cần tới nhau". "Cái cậu cao cao ban nãy có phải bạn trai cô không, sao không đi chung luôn với bên này?", bà trung niên áo gấm vẫn chưa hết tò mò. Cô mỉm cười lắc đầu.

Bây giờ thì phải tách ra rồi. Nón đỏ có xe bus rước. Nón vàng xe hăm lăm chỗ chờ sẵn. Hai hãng lữ hành đặt hai khách sạn khác nhau. Anh ta vẫy tay chào với vẻ lưu luyến trước khi lên xe, "hẹn gặp lại sau". Cô ơ thờ, gật.

oOo

Buổi sáng ở Bắc Kinh, đi Vạn lý Trường thành cô mặc tất cả bốn áo. Lạnh khủng khiếp, nhất là với một người lớn lên ở xứ nhiệt đới quanh năm nắng. Gió khô khốc làm cho cây trơ trụi lá, chẳng thấy khác gì mấy giữa cây ngô đồng và cây ngân hạnh. Những triền núi phơi ra những gờ đá lởm chởm, giá buốt. Vẻ hùng vĩ của kỳ quan thế giới càng được tôn thêm trong sắc xám đượm buồn.

Leo lên, leo lên, leo lên... Nếu không lạnh cắt da cắt thịt thế này thì chưa biết mồ hôi đã đổ tuôn tới đâu. Leo lên, leo lên, leo lên... Sẽ là tiểu hảo hán, trung hảo hán hay đại hảo hán? Trường thành quanh co như rắn lượn. Tòa tháp trên đỉnh núi quá xa vời. Ở khúc rẽ, cô nhìn thấy nơi cấp Hero Card - một thứ "bằng chứng nhận" bằng nhựa, để xác nhận rằng lữ khách đã tới và đã leo lên Trường thành. Một bàn tay vẫy cô rối rít: "Tôi muốn tặng cô cái Thẻ Hảo hán này, đồng ý?". Tin được không, chính là anh ta. Cô đứng vào vị trí, thanh niên Trung Quốc gật đầu, bấm ảnh và scan vào máy, hí hoáy nhập thông tin cá nhân của cô rồi in cái thẻ ra. "Vậy là chúng ta đã gặp lại nhau", anh ta tươi tắn trao cô mảnh nhựa.

Trên đường trở xuống, anh ta đề nghị chụp giùm cô vài kiểu ảnh bằng cái máy tự động cô đang đeo trước ngực. Ừ thì chụp, phong cảnh ở đây cũng thú, "bất đáo Trường thành phi hảo hán". Anh ta huơ tay vui vẻ: "cười đi, tôi bấm đó". Cô đứng tựa lưng vào sợi xích sắt dài treo 999 ổ khóa đủ kiểu, kỷ niệm của 999 đôi tân hôn trong đám cưới tập thể vừa mới tháng trước. Anh ta nheo một mắt, quỳ xuống ngắm nghía thật lâu. Nụ cười của cô khô rộp đôi môi nứt. Vì lạnh và mệt, tất cả thành viên trong đoàn đã bỏ cuộc từ lưng chừng dốc, bây giờ đang túm năm tụm ba dưới kia. Cô nhìn đồng hồ, còn hai mươi lăm phút nữa tới giờ tập trung lên xe. Anh ta tiếc rẻ: "cô phải xuống rồi sao?". Cớ gì mà anh ta luyến tiếc?

Ba ngày sau, khi lại tái hồi ở tháp truyền hình Đông phương Minh Châu, Bến Thượng Hải và sông Hoàng Phố, cô có cảm giác khó chịu. Nhất là cái cách anh ta vồn vã quá mức mỗi khi gặp mặt. Giá cứ lạnh lùng thì có thể cô đã thích. Tựa một trò đùa của sự ngẫu nhiên, họ liên tục có chung những lộ trình, từ Dự Viên ngoắt ngoéo, phố cổ vàng son, cửa hàng ngọc trai, nhà hàng ăn cho tới phố đi bộ... Cô cau có lúc anh ta lăng xăng xách hộ chiếc va-li mới tậu, "tôi không thích những sự tình cờ lặp đi lặp lại, phát chán", anh ta sững: "chẳng lẽ cô không thích gặp tôi?", "tôi đã đăng ký đi chơi một mình, tôi muốn một mình".

Anh ta mỉm cười: "tôi cũng đăng ký đi một mình, nhưng tôi không thích một mình". Cô nhún vai, chẳng buồn tranh luận. "Cô giống như người bất cần...", anh ta dịu dàng, và tiếp: "tôi thật sự thấy quan tâm cô". "Điều đó thì tôi đã biết từ lâu!", giọng cô hờ hững. "Lâu là bao lâu?", anh ta nhìn cô. "Từ sân bay", cô đáp. "Vậy thì cô chẳng biết gì hết!", anh ta ậm ừ.

Hai đoàn lại tách ra. Hai hướng. Và cô có ba ngày tạm thời yên ổn. Thật ra thì không yên, vì cô bắt đầu suy nghĩ. Anh ta có gì đó tự tin, gì đó mà cô không rõ. Quái gở nhất là buổi tối ngày thứ ba, cô nhận được một cú điện thoại trong phòng khách sạn, không phải của hướng dẫn viên, không phải tiếp tân, cũng không phải người cùng đoàn. Là anh ta. "Làm sao anh biết khách sạn tôi ở và số phòng của tôi?", cô thảng thốt. "Thật tâm muốn biết thì sẽ có trăm phương ngàn cách để biết", anh ta êm ái. "Có chuyện gì không?", cô hỏi như chỉ muốn dập máy. "Tôi chỉ muốn báo trước cô biết là sáng mai chúng ta sẽ lại gặp nhau", "Gặp thì gặp, có gì đâu mà phải báo trước báo sau", "Vì tôi nghe cô nói không ưa những sự tình cờ", "Anh làm như nếu báo trước thì tôi ưa gặp anh lắm không bằng!" - cô bất bình.

Từ Thẩm Quyến vào Hồng Kông mất gần hai tiếng đồng hồ làm thủ tục, cửa khẩu La Hồ đang sửa nên phải đi vòng ngót ba cây số. May mà có anh ta nào kéo nào đẩy nào xách hộ va-li, nếu không chắc cô mệt đờ người. Từ La Hồ, nón đỏ nón vàng cùng chung xe điện ngầm đi về bán đảo Cửu Long (Kowloon). Bà trung niên áo gấm toang toang: "tôi gọi điện về nhà ai cũng lo, dịch SARS đang lan rộng". Bệnh viêm đường hô hấp cấp làm cho tất cả nháo nhác, dù hướng dẫn viên cố trấn an. Anh ta chuẩn bị trước từ bao giờ, đưa cho cô một cái khẩu trang hai lớp kiểu "trong phòng mổ" trước lúc chia tay ở cửa ga. "Coi bộ cậu ta mết cô lắm rồi", bà trung niên tách khỏi ông chồng lùn, nháy cô tủm tỉm. Ông chồng của bà tranh thủ rít dài hơi thuốc, dáo dác ngó quanh tìm nơi vứt đầu mẩu. "Coi chừng, vứt rác bừa bãi phạt sáu ngàn đô Hồng Kông", bà quay qua nghiêm mặt cảnh cáo.

"Tôi tin vào số phận ít thôi, ít tới mức gần như chẳng tin. Nếu không cố gắng hết sức, sẽ chẳng bao giờ có được thứ mà mình mong muốn...", cô nói với anh ta khi gặp lại nhau ở Vịnh Nước Cạn.

"Nhưng nếu đã gắng hết sức mà cũng không được thì sao?", anh ta nhăn nhó. "Thì nghĩa là thứ đó không hợp với mình, thôi thà chuyển qua thứ khác", cô lặng lẽ. Họ đang đứng trước Thủy cung ba tầng lớn nhất Đông Nam Á ở Công viên Đại dương. Sau đó, trên tàu lượn siêu tốc và đu quay lắc trong khu cảm giác mạnh, cô biết tên anh ta là Thông. Cũng lạ, biết thêm một cái tên trong ngày áp cuối của cuộc hành trình.
Đêm cuối cùng ở Hồng Kông, cô và Thông lang thang trong khu chợ trời dành cho quý bà, mua vài món hàng xôn đầy màu sắc để làm quà lưu niệm, và ngắm cơ man hằng hà những thứ vớ vẩn khác. Rất khuya, khi phát hiện ra cả hai bị lạc cô đã hơi lo. Thông hỏi thăm đường một bà cụ người bản xứ, được bà trả lời bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn và tử tế dẫn về tận khách sạn của anh cách đó bốn ngã tư và một ngã ba. Thông dịu dàng: "em lên phòng tôi chơi nhé?", không hiểu sao cô lắc: "em muốn về". Thông gật, ân cần đưa cô về khách sạn của cô, rồi chia tay với một lời chúc ngủ ngon. Tất nhiên không ngủ ngon, cô đã nằm nghĩ ngợi linh tinh tới sáng.

Ở sân bay Quảng Châu cô không gặp lại Thông. Đoàn của anh bay về Việt Nam không cùng giờ với đoàn cô. Sực nhớ cô không xin anh số điện thoại, cũng không cho anh địa chỉ. Âu cũng là số phận, những cuộc gặp gỡ tình cờ chẳng để lại gì.

oOo

Cô nghỉ ở nhà vài ngày mới đi làm lại. Choáng váng vì cái nóng 35-38oC mồ hôi như tắm của Sài Gòn tháng tư. Càng choáng váng hơn khi cô biết mình vừa thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc: đại dịch SARS bùng phát dữ dội ở Trung Quốc và Hồng Kông (khách sạn cô từng ở chính là nơi có những bệnh nhân đã tử nạn vì SARS). Ở công ty bạn bè đồng nghiệp nửa thật nửa đùa, "nói chuyện với nhau làm ơn cách xa mười lăm mét!". Nhưng những món quà nhỏ xinh xắn mua từ chợ trời đổ đống Hồng Kông thì lại khá được vồ vập, bất kể virus. Một hôm tình cờ vào một shop sang trọng toàn tủ kính chăng đèn lấp lánh ở khu trung tâm, cô phát hiện ra giá của những món đồ ấy ở Việt Nam đắt gấp đôi gấp ba, và người ta chỉ bán được cho những dân sành điệu. Nhưng tất cả rồi cũng qua: quà đã đem tặng hết, ảnh mấy xấp đã khoe giáp lượt, dư âm về cuộc rong chơi đã phai nhạt dần, bệnh SARS thấy tuyên bố đầy yên tâm trên các báo đài rằng Việt Nam đã khống chế được...

Có một buổi chiều trống không, cô bấm điện thoại gọi cho Đức, nghe anh than thở: "chuyến đi công tác châu Âu của anh bị hoãn vô thời hạn vì dịch bệnh, thật chán". Cô cúp máy, ừ, chán thật. Càng nghĩ càng chán. Ngồi uống cà-phê một mình ở cái quán ngày xưa hay uống cùng Đức, cô tự thấy mình vô duyên. Điện thoại của cô bất giác đổ chuông, số máy lạ hoắc không lưu trong bộ nhớ. Không biết là ai, vì gọi mà không nói. Cô tắt béng máy, kêu thêm một cà-phê đá nữa.

Anh bồi bưng ra một ly cà phê, rồi táo tợn ngồi luôn xuống ghế đối diện. Cô ngẩng mặt, vừa định mắng gã trời ơi thì bỗng nhận ra là Thông, "anh làm gì ở đây?". "Làm chủ quán...", Thông có vẻ ngượng nghịu, "hẳn là em không muốn gặp lại tôi?".

Cô so vai, "có Trời mà biết!". Và anh ngồi kể.
Cái quái gì thế này, những cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng chẳng tình cờ.

Đăng ký cùng hãng du lịch vì muốn được đi cùng đoàn với cô nhưng đã hết chỗ, anh đành phải đi với hãng của người bạn - chuyến khởi hành cùng ngày. Chính vì bạn anh làm hướng dẫn viên nên đã tạo điều kiện tối đa cho anh gặp cô nơi xứ người, bằng cách sắp xếp lịch trình tham quan gần trùng khít giữa hai bên... "Nhưng còn trước đó?", cô cố tin câu chuyện dường như vô lý, "anh quan tâm tới tôi từ bao giờ?". "Từ lâu lắm rồi", anh mỉm cười. "Lâu là bao lâu?", cô cố gặng. "Hơn là em đã nghĩ!". Bỗng nhiên cô rùng mình, ôi lạy trời, đừng nói là anh đã để ý từ hồi cô còn với Đức - chẳng thể tin trong thời buổi chộn rộn này người ta lại có được tình yêu đơn phương lãng mạn kiểu đó...

Không biết phải làm gì cô lôi máy ra mở lại, "Này, số cuối cùng gọi đến nhưng không nói gì lúc nãy có phải số của anh không?". Thông không đáp. Cô bấm, máy đầu kia đã khóa. Thông đứng lên, "Chào em. Khi nào thật sự nghĩ tới anh thì em hãy gọi". Và anh đi vào trong, để lại cho cô cái cười rộng mở, cái nháy mắt đã thành quen. Dáng anh cao, bờ vai vững chãi.

Nhiều ngày sau, tuy rất muốn gặp lại Thông nhưng cô vẫn chưa gọi tới số máy đó.

...

Truyện ngắn của nhà văn NGUYỄN THU PHƯƠNG
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Thư giãn văn hoá học: văn chương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách

cron