TIEP NHAN CA DAO TU DIEM XUAT PHAT PHƯƠNG NGU

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm văn chương với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

TIEP NHAN CA DAO TU DIEM XUAT PHAT PHƯƠNG NGU

Gửi bàigửi bởi nguyenbinhkhang » Thứ 2 11/02/08 10:38

Trường ĐHKH XH
& Nhân Văn

NỘI DUNG VĂN BẢN BÁO CÁO KHOA HỌC TRẺ
Đề tài: TIẾP NHẬN CA DAO
TỪ XUẤT PHÁT ĐIỂM PHƯƠNG NGỮ.
A. PHẦN DẪN NHẬP.
1. Lý do viết đề tài: Ca dao là một thể loại văn học dân gian, là những sáng tác truyền miệng, về đặc điểm của ca dao ta không thể phủ nhận tính dị bản của nó. Nhưng một thực tế rằng, ca dao được hình thành trên hệ thống phương ngữ dân tộc nói chung và tiếng nói của từng miền địa phương nói riêng và đó cũng là bản chất đích thực của ca dao. Chính vì vậy khi tiếp nhận cao dao ta cần thiết phải đặt nó vào mức xuất phát điểm của phương ngữ. Như vậy ta mới có thể cảm nhận đầy đủ những giá trị nghệ thuật của ca dao và từ đó giúp ta có thể biên soạn, thu thập ca dao như những gì vốn thuộc của nó.
2. Lịch sử vấn đề: Nếu tách biệt Phương ngữ và Ca dao thành hai mảng riêng biệt thì thực tế đến nay đã có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và xem đó như là một đối tượng nghiên cứu, chẳng hạn ở khía cạnh Phương ngữ có những tác giả như: Cao Xuân Hạo, Đinh Lê Thư, Hoàng Thị Châu, Hoàng Cao Cương… với những công trình và nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học. Nhưng nói đến vai trò của phương ngữ trong việc tiếp nhận ca dao tuy cũng có tác giả đề cập đến nhưng chỉ ở những cấp độ ý tưởng sơ lược –bài viết ngắn.. chưa có công trình lớn nào. Dựa trên những ý tưởng đó, bài viết với hi vọng sẽ tiếng xa hơn nếu như ta tiếp tục phát triển nghiên cứu theo hướng này, chắc chắn sẽ mang lại những điểm lí thú và cần thiết.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Bài viết không đi sâu vào nghiên cứu tất cả những đặc điểm của phương ngữ hay sự khác biệt giữa các phương ngữ, mà chỉ dựa vào những khía cạnh của đặc điểm phương ngữ để xác định vai trò của ngôn ngữ địa phương trong việc thể hiện giá trị nghệ thuật của ca dao. Từ đó tìm ra những đặc trưng của phương ngữ trong mối quan hệ với ca dao.
4. Đóng góp của vấn đề: Như đã nói, đây không phải là vấn đề mới mẽ và rộng lớn, từ phạm vi - đối tượng trên mà mục đích của bài viết muốn tìm ra những đặc trưng của phương ngữ trong ca dao để có thể hiểu đúng bản chất của ca dao từ mối quan hệ này, xa hơn nhằm phục vụ cho công việc biên soạn , sưu tầm ca dao có cơ sở phù hợp hơn. Đó là đặc điểm thú vị của vấn đề.
5. Cấu trúc bài viết:
(i) Phần dẫn nhập.
(ii) Phần nội dung.
(iii) Phần kết luận.
B. NỘI DUNG.
I. VAI TRÒ CỦA PHƯƠNG NGỮ TRONG NGHĨ CẢM CỦA DÂN ĐỊA PHƯƠNG.
Ngôn ngữ trong ca dao thường chọn cách nói giản dị, tự nhiên từ những ngữ cảnh nhất định nào đó, qua cách dùng từ , cách cấu từ, chọn vần… xét trên bình diện xã hội, nội dung thể hiện trong ca dao thực chất đó là những suy nghĩ và cảm nhận từ hiện thực, ít nhiều mang đậm dấu ấn địa phương . Vì vậy trung thành với lời ăn tiếng nói của người dân lao động (dân địa phương) trong việc tiếp nhận ca dao là yêu cầu cần thiết. Chỉ có cách tiếp cận đúng thì khi tiến hành sưu tầm ca dao mới thể hiện được đặc trưng của phương ngữ trong mối quan hệ mang tính bản chất với ca dao.
Gần đây một số tác giả sưu tầm, tập hợp ca dao ở đôi chổ do công tác sưu tầm đã cố tình gạc bỏ yếu tố phương ngữ thay bằng tiếng Việt toàn dân (TVTD), gán cho cách nghĩ của phương ngữ khác không phải của địa phương mình. Đó là không hoàn toàn đúng. Bởi như đã nói, bản chất của ca dao có mối quan hệ đặc biệt với phương ngữ thì khi biên soạn ca dao theo vùng, miền nào cần phải thể hiện lời ăn tiếng nói đặc trưng của địa phương đo, tức là phải thể hiện được nghĩ cảm của dân địa phương qua ca dao. Đây cũng là chức năng biểu đạt của phương ngữ.
Chẳng hạn, ca dao Nam Trung bộ có câu:
Ví dụ 1.
… Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non chở xuống cá chuồn chở lên
Các tập sách ca dao dân ca (1) và ca dao Việt Nam (2) có chú thích xuấr xứ nhưng đều ghi như sau:
Ai về nhắn với họ nguồn
Mít non chở xuống cá chuồn chở lên
___________________
(1) Vũ Ngọc Phan:tục ngữ ca dao dân ca -1978
(2) Đinh Gia Khánh: ca dao Việt Nam - 1983

Chỉnh lý như vậy có thể nói là gương ép, đã đi xa so với cảm thức ngôn ngữ của dân địa phương và phần nào bỏ đi nét riêng của nó. Nếu đặt nậu nguồn với các nhóm từ tương ứng đang xét như nậu nại – nhóm người làm muối trên biển (nậu nai dạy lắm ai ơi, trời nắng không núp đem phơi ngoài đồng), nậu rớ- nhóm người chuyên sống trên những cái bè trên sông (nậu rớ ăn gạo chợ, uống nước sông, chổng chồng mông… ) Nậu nguồn ở đây là nhóm người sống ở vùng cao, thường làm nghề rừng, thì thấy rằng giữa họ và nậu hoàn toàn không tương đương nhau về cấu tạo từ, về nghĩa và cả thái độ ngữ pháp vì trong giao tiếp hằng ngày, ở đây không bao giờ có cách nói họ nguồn (Trịnh Sâm – Đi tìm bản sắc tiếng Việt)
Mặc khác để nói rõ hơn, những từ như : Nậu, nẩu, đửng, mược…. là do hoàn cảnh chính trị xã hội, việc phân chia đơn vị hành chính và các chức lệ cho đơn vị ấy mà xuất hiện (năm 1720, theo lệnh Nguyễn Phúc Chu – 1675-1725 lập các đơn vị hành chính từ Quảng ngãi đến Phú Yên – theo đó Nậu là đơn vị quản lí một nhóm người cùng ngành nghề, đứng đầu là người có chức Nậu, như nói trên Nậu rớ, nậu rổi, nậu nguồn…)
Những trường hợp tương tự như vậy chỉ tìm thấy ở từ ngữ địa phương mà không tìm thấy đơn vị hoặc dạng thức từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân, loại này không nhiều và trên đại thể thuộc lớp từ tạo ra để gọi tên những hiện tượng, sự vật chỉ tồn tại ở địa phương. Chẳng hạn:
Ví dụ 2.
Nhút Thanh Chương cũng ngọt
Kể chẳng mấy đồng tiền.
->Nhút [PN Trung] là món ăn làm bằng sơ mít trộn với vài thứ khác, muối chua.
Hay: Rủ nhau đi bứt rành rành
Rành rành không bứt bứt cành mẫu đơn.
-> Rành rành [PN Trung] là (cây) chổi.
Một số trường hợp từ địa phương có những biến thể tương tự về âm và tương tự về nghĩa, hoặc hình thức ngữ âm khác nhau hoàn toàn nhưng giống nhau về nghĩa nhưng khi được sử dụng thì nó lại mang những đặc trưng về nghĩ cảm của dân địa phương.
Chẳng hạn:
Ví dụ 3.
Con gái mà lấy tra dòng
Như nước mắm cốt chấm lòng lợn toi
Tra(từ cổ) – TN Trung nghĩa là Già
Hoặc: Mình em như cá giữa rào (sông –PN Bắc)
Kẻ chài người lái biết vào tay ai
Lái (từ cổ)– PN Trung -> lưới. Hiện tượng này là do quá trình biến đổi nguyên âm đơn thành nguyên âm đôi.
II. BIẾN THỂ NGỮ ÂM ĐỊA PHƯƠNG VỚI CHỨC NĂNG MỸ CẢM QUA ÂM LUẬT CA DAO.
Điều này chúng ta thấy thể hiện rõ khi người phát ngôn có nhu cầu chọn lựa hình thức từ ngữ sao cho âm thanh phù hợp với âm luật (cách gieo vần) góp phần tạo nên âm hưởng đặc biệt bởi những yếu tố cổ của hình thức địa phương có khả năng mang chức năng mỹ cảm. Chẳng hạn:
Ví dụ 4.
Chiều chiều én liệng bờ kênh (*)
Ếch kêu , giếng lạnh thắm tình đôi ta.( Ca dao Việt Nam Tr 121 –Chu Nhiên Khanh)
Nếu biên soạn như vậy rõ ràng về hiệp vần thì chưa suôn. Vì kênh có biến âm trong PN Nam là kinh, nếu đặt kinh vào vị trí (*) thì câu ca dao trở nên rất vần với nhau.
->Chiều chiều én liệng bờ kinh
Ếch kêu , giếng lạnh thắm tình đôi ta.
Tương tự như vậy một số trường hợp sau:
Ví dụ 5.
Cơm ăn mỗi bửa một lưng
Uống nước cầm chừng để dạ thương em. (Ca dao Việt Nam Tr 125 –Chu Nhiên Khanh)
Xét ca dao trên PN Nam có từ bụng thay vào vị trí của dạ thì câu ca dao rất vần.
->Cơm ăn mỗi bửa một lưng
Uống nước cầm chừng để bụng thương em.
Ví dụ 6.
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. (Ca dao Đồng Tháp Tr 45)
Hay: Đò từ Đông Ba, đò qua Đập đá
Đò từ Vĩ Dạ thẳng ngã Ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non …(Ca dao Việt Nam Tr 19)
Trong phương ngữ Nam ghềnh và chênh có biến âm là ghình và chinh khi đặt chúng vào vị trí tương ứng thì cách gieo vần khá hoàn chỉnh và làm tăng giá trị thẩm mỹ của câu.
->Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.
Hay: Đò từ Đông Ba, đò qua Đập đá
Đò từ Vĩ Dạ thẳng ngã Ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chinh
Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non …
Ví dụ 7.
Hai ta thề thốt giữa đàng
Vạch cây khắc chữ hỏi chàng nhớ không.
Đàng [PN Trung] nghĩa là đường.
Ví dụ 8.
Nhìn sông chỉ thấy sông dài
Nhìn non non ngất, trông người mù tăm. (Ca dao Việt Nam Tr 109 –Chu Nhiên Khanh)
Trong PN Trung có biến âm ngài (từ cổ) tức là người (do quá trình biến đổi nguyên âm đơn thành nguyên âm đôi) nếu thay ngài bằng người thì câu ca dao trên đạt hiệu quả hơn về hiệp vần và nên chỉnh lí thành:
-> Nhìn sông chỉ thấy sông dài
Nhìn non non ngất, trông ngài mù tăm.
Ví dụ 9.
Dang tay ngắt đọt từ bi
Cho lòng bên nớ bên ni kết nguyền.
Pn Trung nớ, ni tức là ấy, này.
(Nớ-PNT-> ấy- PNB -> đó-PNN;
Ni – PNT-> này- PNB -> Nầy –PNN)
Những vần đề nêu trên, đó chính là sự khác nhau về cách phát âm của từng miền, sự khác nhau này thường được ngôn ngữ học gọi là những biến thể ngữ âm địa phương. Tuy nhiên xử lý chúng còn tuỳ thuộc vào vị trí xuất hiện trong văn bản ca dao. Có trường hợp chệch chuẩn không ảnh hưởng gì đến nhạc điệu khi sử dụng ngôn ngữ chuẩn thì cũng không sao. Nhưng đối với vị trí buộc gieo vần thì nếu không xem xét trong cùng hệ thống ngữ âm địa phương chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật của ca dao. Chẳng hạn:
Ví dụ 10.
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống bưng sợ đĩa lên rừng sợ ma
Đây là trường hợp dễ thấy vì gắn với từ vựng (PNT- PNN vần ưn chuyển thành vần [ân] , chưn trong PN Trung/Nam nghĩa là chân).
Nhưng cũng không ít những sự kiện chỉ có thể sáng tỏ khi đưa vào hệ thống ngữ âm thuần tuý của từng phương ngữ cụ thể.
Ví dụ 11.
Một thương em bậu đang xuân
Hai thương em bậu tay chưn dịu dàng.
Mới đọc qua ta tưởng cách hiệp vần của câu có vấn đề nhưng nếu biết trong Pn Nam vần uân đọc thành ưn thì rõ ràng xưn lại hiệp vần với chưn.
Hay trường hợp:
Ai cho chin lạng không mừng
Chỉ mừng một cổ chồi xuân non cành. (xuân đọc thành xưn)
III. NGỮ KHÍ TỪ CỦA PHƯƠNG NGỮ TRONG VIỆC BIỂU THỊ SẮC THÁI CA DAO.
Sự khác biệt giữa phương ngữ và tiếng Việt toàn dân (TVTD) dễ nhận thấy là ở ngữ khí từ. Đây là hệ thống từ đệm lót riêng của mỗi địa phương, hệ thống từ này xét về mặt thuần tuý chức năng nó chỉ đảm nhiệm vai trò phụ trợ. Nhưng khi đã được nghệ thuật hóa trong ca dao thì chúng lại biểu thị sắc thái riêng.
Ví dụ 12.
Nó cười mắt sáng long lanh
Chọn rể tài tình nhất má đó nghen.
Nghen người miền nam dùng rộng rãi, nghen là hình thức rút gọn của nghe không và được dùng chính trong lời dặn dò hay nhắc nhở điều gì.
Ví dụ 13.

Việc nhà em liệu cho toan
Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà.
Mà được dùng trong câu cầu khiến phương ngữ Nam.
Ví dụ 14.
Đôi ta thương chắc mần ri
Cha mẹ mần rứa anh thì mần răng.
Pn Trung mần ri – làm thế này; mần rứa- làm thế; mần răng- làm sao.
Hay: Mần thinh mua một đồng trầu
Để cho đôi ấy lấy nhau cho rồi.
Mần thinh nghĩa là làm thinh [Pn Trung/Nam].
Đôi o gánh nước đằng tê
Khoan khoan nước bước đợi về cho vui
Đằng tê nghĩa là đằng kia [Pn Trung].
Với những ngữ khí từ nêu trên khi tham gia vào nội dung ca dao tạo nên những nét rất riêng biệt của hệ thống phương ngữ từng miền, đồng thời làm tăng giá trị sắc thái cho ca dao.
IV. KHẢ NĂNG ĐỘC LẬP CỦA PHỤ TỪ- THƯỜNG TRONG TỪ GHÉP CỦA PHƯƠNG NGỮ TRỞ THÀNH TỪ MỘT TIẾNG TRONG CA DAO.
Đặc trưng này được thể hiện là ở khả năng hoạt động của từ một tiếng , nói khác đi cùng một yếu tố nhưng trong từ toàn dân chỉ là một thành tố trong tổ hợp . trong khi đó ở phương ngữ chúng lại hoạt động tự do với tư cách là một từ. Với hiện tượng này thì phương ngữ thực hiện chức năng biểu hiện. Chẳng hạn:
Ví dụ 15.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Hai tay rủ xuống như tàu chuối te.
Te trong te tua phương ngữ Nam chỉ trạng thái rách bươm ra thành nhiều mảnh nhiều miếng nhỏ.
Ví dụ 16.
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
Sao trăng lại phải chịu luồn ánh trăng.
Luồn trong luồn lách – chỉ hành động không quan minh chính đại dùng trong Pn Nam.
Ví dụ 17.
Tháng tư cơm gói ra hòn
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai.
Lòn (PN Trung) có nghĩa là chui, luồn
Ví dụ 18.
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng đâu chấu ngã ai dè xe nghiêng.
Dè thường dùng trong câu nói phủ định mang nghĩa như ngờ trong PN Nam.
Với vài ví dụ trên, ta có thể khẳng định rằng những từ một tiếng được sử dụng trong ca dao với khả năng hoạt động độc lập thể hiện một cách rõ nét chức năng biểu hiện mang tính hình tượng hóa của ca dao.
V. ĐẶC TRƯNG VĂN HOÁ CỦA PHƯƠNG NGỮ (CỦA MỖI VÙNG ĐẤT) TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CA DAO.
Khi nói đến đặc trưng văn hoá của một vùng đất là nói đến mối quan hệ giữa lao động và ngôn ngữ của vùng xã hội ấy. Những gì thuộc về nét riêng, sự độc đáo của một vùng được thể hiện qua đặc trưng ngôn ngữ của một vùng xã hội đó. Cái nét riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ xét về mặt âm hay từ vựng chính là phương ngữ của vùng văn hoá ấy. Vậy ca dao với tư cách là những sáng tác mà qua đó người bình dân (dân lao động) đã gửi vào đó những tâm tư, tình cảm không chỉ của riêng mình mà còn là nguyện vọng, ước mơ của nhóm người trong xã hội. Cho nên phương ngữ có vai trò quan trọng để ca dao thể hiện đặc trưng văn hoá của mỗi vùng địa phương. Ví dụ cùng thể hiện một nội dung nhưng cách thể hiện mang đậm bản sắc của từng vừng khác nhau: “An như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng” (PNB) -> mang đậm bản sắc văn hoá cổ; “An như còng chạy, làm như mài mại bơi” (PNT) -> mang đậm bản sắc văn hóa biển; “An như Xáng xúc làm như lụt bình trôi” -> mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước.
Chẳng hạn ở chức năng định danh của phương ngữ ở từng khu vực với sự vật hiện tượng của từng địa phương chỉ sử dụng trong phương ngữ mà ta không tìm thấy trong tiếng Việt toàn dân, loại từ này không nhiều như: seo can (nghề làm giấy), cu cu (bồ câu), cuông (công), cươi (sân), dịp (nhịp), đam (cua đồng)…
Ví dụ 19.
Vùng bưởi có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề seo can
seo can [PN Trung ]- > là nghề làm giấy
Qua như chùm gửi đáp nhờ
Đông nhành mai liễu đặng nhờ chút hơi
chùm gửi [PN Trung, Nam] -> tầm gởi
Cu cu tắm nước ao bèo
Lùa tru lên trại ai rèo cho mi
Cu cu [PN Trung] -> bồ câu
Cất lên bốn giọng cho chuông
Để cho phượng múa với cuông đôi hồi
Cuông [PN Trung] -> công
Thương em anh nói cho rồi
Kẻo làng trên xóm dưới người ta cười chật cươi
Cươi [PN Trung] -> sân
Giàu như người ta ăn cơm với cá
Khó như em rau má đam đồng
Đam [PN Trung] -> cua
Chức năng định danh đặc trưng của phương ngữ trong sự tương quan với ca dao là yếu tố địa danh. Vấn đề này không đơn giản vì ngoài những trường hợp vốn hạn hữu gắn bó với một địa phương nhất định, còn thường thì địa danh hay trùng lặp do ảnh hưởng của các cuộc di dân. Để nhớ về quê hương họ thường lấy tên làng xóm cũ của mình đặt cho vùng đất mình mới khai phá.
Một điều nữa có thể minh chứng cho đặc trưng văn hoá từ phương diện tình cảm theo chức năng biểu hiện của phương ngữ. Với chức năng này trong giao tiếp hàng ngày giữa người vùng này với vùng khác việc dùng từ địa phương không phải người nói không nắm, hiểu và không uốn nắn được theo khuôn mẫu chuẩn mực chung mà do nhu cầu muốn qua đó thể hiện tình cảm hoặc tâm lý địa phương nào đó nhất định của mình. Đặc điểm này hầu như xuất hiện nhiều trong ca dao. Chẳng hạn:
Ví dụ 20.
Huê kia đua nở mùa xuân
Bốn phương phẳng lặng năm phương thuận hòa
Huê [PN Trung, Nam] -> hoa
Hay: bay lâu nay huê héo dầu dầu
Bướm gặp huê một bận, huê dậy màu thêm tươi
Ví dụ 21.
Mụi đã vấn vào tay
Nhìn tru mà không chộ
Mụi - mũi PN Trung
Tru – Trâu
Ví dụ 22.
Sa Nam trên chợ dưới đò
Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên
mê thiên [Trung] -> rất nhiều
Với những vấn đề nêu trên tuy chỉ là những mẫu nhỏ ở những địa phương chắc hẳn không phải là đầy đủ những mối quan hệ mang tính đặc trưng giữa phương ngữ và ca dao. Nhưng có thể coi đây là những đặc trưng cần thiết phải lưu ý khi chúng ta tiếp nhận một văn bản ca dao. Và đây chính là cách tiếp nhận ca dao xét từ gốc độ phương ngữ.
C. PHẦN KẾT LUẬN.
Như ta đã biết việc tiếp nhận ca dao luôn là sự gắn liền với đặc trưng sáng tác và sử dụng ca dao, mặc dù ca dao là thể loại truyền miệng nhưng nó lại là những sáng tác có chủ ý trong hoàn cảnh nhất định, diễn đạt những nội dung cụ thể trong một ngữ cảnh đặc thù với các đối ngôn, cùng với các quan hệ của họ, với hoàn cảnh giao tiếp rộng và hẹp nhất định. Và vì cho là những sáng tác truyền miệng nên đôi khi yếu tố ngữ cảnh bị tước bỏ. Nhưng không phải vì thế và tiếp nhận ca dao bỏ qua bình diện phương ngữ. Những đặc trưng phương ngữ trong mối quan hệ với ca dao nêu trên dù ở phương diện nào: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và dù với chức năng nào : định danh, biểu niệm, mỹ cảm.. Đều có vai trò quan trọng trong sáng tác ca dao.
Với những ví dụ đã nêu ta có thể tìm thêm nhiều ví dụ hơn nữa, tuy nhiên với vài ví dụ dẫn trên cùng với những đặc trưng về mối quan hệ giữa phương ngữ và ca dao có thể là một cách tiếp cận trọn vẹn hơn khi tiếp nhận ca dao và đồng thời giúp ta khắc phục trường hợp những dị bản quá xa lệch với phạm vi giáo tiếp của phương ngữ, mà vốn từ đó sản sinh ra ca dao.




TÀI LIỆU THAM KHẢO
---------

1. Cao Xuân Hạo. “Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa”. NXB Giáo dục, 1999.
2. Hoàng Thị Châu. “Phương ngữ học Tiếng Việt”. NXB Đại Học QG Hà Nội, 2004.
3. Nguyễn Quang Hồng. “Các lớp từ địa phương và chức năng của chúng trong ngôn ngữ văn hóa Tiếng Việt” – Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. NXB KHXH Hà Nội, 1984.
4. Nguyễn Qúy Trọng. “Dùng từ địa phương trong mối quan hệ với chuẩn từ vựng toàn dân” – Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. NXB KHXH Hà Nội, 1984.
5. Nguyễn Văn Ai. “Từ những thực tế phương ngữ, nhìn về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” – Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. NXB KHXH Hà Nội, 1984.
6. Võ Xuân Trang. “Tiếng địa phương với vấn đề chuẩn hóa Tiếng Việt về mặt từ ngữ” – Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. NXB KHXH Hà Nội, 1984.
7. Nguyễn Văn Ai. “Từ điển địa phương Nam Bộ”. NXB TP Hồ Chí Minh, 1994.
8. Trịnh Sâm. “Đi tìm bản sắc Tiếng Việt”. NXB Trẻ, 2001.
9. Vũ Ngọc Phan. “Tục ngữ ca dao dân ca” ,1978
10. Đinh Gia Khánh. “Ca dao Việt Nam” , 1983
11. Chu Nhiên Khanh . “Ca dao Việt Nam”. NXB Trẻ, 2002.
12. Đặng Thanh Hòa. “Từ điển phương ngữ Tiếng Việt”. NXB ĐàNẳng, 2004.
13. Lê Xuân Mậu. “Tiếp cận ca dao cần một phương thức khác”. Số 3 , Tạp chí ngôn ngữ, 2005.

-----//----
RANDOM_AVATAR
nguyenbinhkhang
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 2 11/02/08 9:46
Đến từ: binh dÆ°Æ¡ng
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: TIEP NHAN CA DAO TU DIEM XUAT PHAT PHƯƠNG NGU

Gửi bàigửi bởi tecahat » Thứ 4 07/05/08 20:45

bài viết của bạn hay nhưng...dài quá. Ở diễn đàn bạn có thể cho một ý nhỏ thì có lẽ mình cũng tham gia để học tập. :cry:
Bạn giỏi quá, theo hổng kịp. :lol:
RANDOM_AVATAR
tecahat
 
Bài viết: 58
Ngày tham gia: Thứ 3 06/05/08 23:05
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Thư giãn văn hoá học: văn chương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách

cron