NGUỒN GỐC-MỘT QUYỂN SÁCH LÝ THÚ & BỔ ÍCH

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm văn chương với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

NGUỒN GỐC-MỘT QUYỂN SÁCH LÝ THÚ & BỔ ÍCH

Gửi bàigửi bởi congtudatinh » Thứ 7 18/08/07 21:11

[center]NGUỒN GỐC
Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu
Trịnh Xuân Thuận
Phạm Văn Thiều-Ngô Vũ dịch
NXB Trẻ 2006
MỘT CUỐN SÁCH LÝ THÚ VÀ BỔ ÍCH[/center]
Đọc quyển NGUỒN GỐC-Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu của Gs. Trịnh Xuân Thuận, một nhà khoa học Vật lý thiên văn hiện đại người Mỹ gốc Việt, hiện đang công tác tại Viện công nghệ học California và giảng dạy tại trường đại học Virginia, chúng tôi thấy cảm giác rất sảng khoái mà thật ra như lời ở bìa 4 quyển sách, độc giả “không nhất thiết phải có một hành trang khoa học.” mà vẫn thưởng thức được vẻ đẹp cùng với những thông tin thú vị, bổ ích. Khi đọc quyển sách này, chúng tôi càng thích thú ngắm các vì sao trong không gian mênh mông của những đêm tối trời ở những nơi xa tất cả các ánh đèn điện nhân tạo. Chúng tôi càng yêu bầu trời của mình bao nhiêu thì lại càng yêu quý trái đất, hành tinh xanh cưu mang sự sống trong vũ trụ. Chúng ta chưa dám khẳng định rằng hành tinh xanh của chúng ta là nơi có sự sống duy nhất trong vũ trụ vì vũ trụ là bao la, và chúng ta chưa có cách gì có thể liên lạc với các nền văn minh ngoài trái đất được vì theo tác giả “có khoảng 10 tỉ hành tinh sống được trong dải Ngân hà.” [tr. 465]
Đọc xong quyển sách, chúng tôi tự hỏi: Tại sao con người tự xưng là chúa tể trên hành tin xanh này lại có những ứng xử xuẩn ngốc đến như vậy? Họ có những hành vi làm tổn hại đến người khác và có nguy cơ phá hủy ốc đảo xanh trong vũ trụ bao la này! Những nguy cơ do chính con người tạo ra mà đáng lẽ họ phải nhận thức được từ lâu rằng không nên có chiến tranh, lòng hận thù, tranh giành quyền lợi, vì ích kỷ bản thân mà gây ra nhiều tai họa chung cho toàn bộ sự sống trên hành tinh này. Con người liệu có xứng đáng với danh xưng là chúa tể, chủ nhân của hành tinh xanh này chăng? “Ngày nay, con người có kho vũ khí hạt nhân có khả năng làm nổ tung nhiều lần toàn bộ hành tinh chúng ta. Con người không chỉ là mối đe dọa của chính con người, mà còn của tất cả các loài khác. Con người có khả năng phá hủy không gì vãn hồi được sự cân bằng sinh thái của cái vũng trú ẩn tuyệt vời của chính mình trong mênh mông vũ trụ.” [tr. 392] Đó là lời cảnh báo của giới khoa học về nguy cơ hủy diệt nếu con người không đấu tranh để bảo vệ hành tinh xanh của mình.

Cũng theo quyển sách trên, để có được sự sống thì đó là cả một quá trình tiến hóa không ngừng của vũ trụ, mà có được sự sống như hành tinh xanh của chúng ta là kết quả sổ số trúng độc đắc của vũ trụ. Vũ trụ, theo các nhà khoa học, nó được hình thành cách đây 14 tỉ năm từ một vụ nổ nguyên thủy chớp nhoáng có tên gọi là Big Bang từ một vật thể nóng và đậm đặc không thể tưởng tượng nổi đã sinh ra thời gian và không gian. Kể từ sau vụ nổ đó, vũ trụ lạnh đi và không ngừng giản nở. “Trong vòng 300.000 năm tiếp theo, vũ trụ vẫn tiếp tục vững bước trên con đường tiến hóa. Nó tiếp tục giãn nở, loãng đi trong một thể tích luôn luôn lớn hơn, với một nhiệt độ không ngừng hạ xuống. Không có một sự kiện đáng chú ý nào trong thời kỳ này. Tựa như là vũ trụ dừng lại để lấy hơi. Nhưng khi đồng hồ vũ trụ điểm năm 300.000 và vũ trụ quan sát được gần đạt đến kích thước của Dải Ngân Hà, thì một loạt các sự kiện được khởi phát đánh dấu phong cảnh của nó cho đến mãi mãi sau này.” [TXT: 2006, 85-86].
Tác giả làm một phép tính cho chúng ta thấy lịch sử của vụ trụ, và sự xuất hiện của con người chưa đáng là một cái chớp mắt của vũ trụ nếu tính từ khi con người xuất hiện trên hành tinh xanh này. Theo các nhà khảo cổ học, thì con người xưa nhất được phát hiện đó là bà Lucy, người đàn bà được đặt tên theo bản nhạc Lucy in the sky with diamonds của ban nhạc The Beatles. Xuất hiện cách đâu khoảng 3,2 triệu năm, bộ xương của nó đã được tìm thấy ở Ethiopia vào năm 1974, với mức nguyên vẹn đáng ngạc nhiên (40%) và sự phân tích cấu trúc xương chậu của nó đã khẳng định một cách chắc chắn rằng nó đã đi bằng hai chân.[tr. 380].
“Nếu toàn bộ lịch sử của vũ trụ 14 tỉ năm được nén vào chỉ trong một năm 365 ngày của chúng ta thì mỗi ngày tương đương với 38,4 triệu năm, mỗi giờ tương đương với 1,6 triệu năm, mỗi phút tương đương với 26.667 năm, mỗi giây tương đương với 444 năm. Big Bang xảy ra ngày 1 tháng 1 và thời kỳ hiện nay tương đương với đêm 31 tháng 12.
Toàn bộ sự phát triển của con người diễn ra vào tối 31 tháng 12. Những con người đầu tiên bắt đầu bước đi lúc 21 giờ 49 phút. Với khả năng phát triển về tư duy tượng trưng và trừu tượng hóa, Homo sapiens đã bắt đầu biết sáng tạo và sáng chế. Những sáng chế được nhân lên và lồng vào nhau để cải thiện đời sống vật chất của con người, và cũng để truyền lại tri thức và hiểu biết, làm tôn lên và soi sáng tinh thần. Nhiều điều xảy ra trong phút cuối của năm. Con người phát minh ra nông nghiệp lúc 23 giờ 59 phút 17 giây và chế tạo ra các công cụ bằng đá lúc 23 giờ 59 phút 26 giây. Ngành thiên văn học ra đời lúc 23 giờ 59 phút 54 giây, ngay sau đó là bảng chữ cái lúc 23 giờ 59 phút 51 giây và luyện kim lúc 23 giờ 59 phút 54 giây. Các vĩ nhân xuất hiện để dẫn đường đồng loại của mình trong cuộc sống tâm linh: Đức Phật lúc 23 giờ 59 phút 55 giây, chúa Giê su lúc 23 giờ 59 phút 56 giây và Mahomet lúc 23 giờ 59 phút 57 giây. Thời Phục hưng và sự lên ngôi của khoa học thực nghiệm xuất hiện trong giây cuối cùng của năm, lúc 23 giờ 59 phút 59 giây.” [441-442]

BẢN CHẤT CỦA SỰ SỐNG LÀ VỪA PHẢI:
“Các ngôi sao có một vai trò khép kín: chúng không chỉ là nguồn gốc của các nguyên tố nặng cấu thành nên các “viên vạch của sự sống”, mà còn là nơi sản sinh và phân phát ánh sáng, năng lượng và nhiệt lượng cần thiết để đánh thức và duy trì sự sống. Chúng không thể quá nóng – vì nhiệt độ hỏa ngục sẽ thiêu rụi sự sống – cũng không được quá sáng – vì chúng sẽ đốt cháy nhiên liệu quá nhanh, một cách hết sức hoang phí và sự sống sẽ không có đủ thời gian để phát triển. Chúng lại không được quá lạnh cũng không được phát sáng quá yếu, vì sự sống cần nhiệt và năng lượng. Tất cả đã được quyết định trên một sự cân bằng hết sức tinh tế. Cặp Mặt trời-Trái đất đã biết tìm được trạng thái cân bằng này, và chính vì thế, trên hành tinh xanh mới có con người biết tự vấn về vũ trụ đã sinh ra bản thân mình.” [TXT: 2006, 313]. Như vậy, để có được sự sống như trái đất thì đó cả là một quá trình chắt lọc của vũ trụ, mà theo tác giả, ông xem là sự sống được lập trình từ trước trong vũ trụ. Để có được sự sống, vũ trụ không ngừng tiến hóa chính xác ví như “cỡ độ chính xác mà một người bắn cung phải đạt được khi muốn bắn trúng một bia rộng một centimet vuông nằm ở rìa vũ trụ, tức là cách chúng ta 14 tỉ năm ánh sáng!” [451]
Nói như vậy để chúng ta thấy được, vũ trụ tiến hóa đến mức có sự sống và nền văn minh công nghệ như trên trái đất là khó khăn biết chừng nào. Có được nền văn minh công nghệ rồi còn phải xem tuổi thọ của nó ra sao nữa. Mà tuổi thọ của nền văn minh công nghệ còn phụ thuộc vào sự khôn ngoan hay xuẩn ngốc của người chủ nền văn minh công nghệ. Chúng ta biết rằng ngày nay con người có khả năng làm nổ tung trái đất đến nhiều lần.
Để có được sự sống, vũ trụ đã tiến hóa một cách hoàn hảo như vậy, nhưng không phải vì vậy mà vũ trụ có sự đối xứng hoàn hảo. Vì sự đối xứng hoàn hảo lại là nguồn gốc của vô sinh, cằn cỗi. Ngành cơ học lượng tử đã phát hiện ra điều ấy.
“Thực tế, cứ mỗi tỉ phản quark xuất hiện từ chân không đều kèm theo sự xuất hiện của một tỉ cộng một hạt quark. Tương tự, kèm theo mỗi tỉ phản electron (tức positron) lại có một tỉ linh một hạt electron. Chính sự thiên vị tí xíu một phần một tỉ này đối với vật chất đã làm cho chúng ta tồn tại. Sự phá vỡ đối xứng đã làm nảy sinh tính sáng tạo, trong khi sự đối xứng hoàn hảo lại là nguồn gốc của vô sinh, cằn cỗi.” [TXT: 2006, 83].
Toàn bộ sự sống trên hành tinh xanh này đều có chung một nguồn gốc, cây đời. Thế thì vì sao chúng ta lại phải phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, chủng tộc này với chủng tộc khác? Toàn bộ loài người xuất hiện trên hành tinh này từ trước tới giờ cộng lại khoảng 50 tỉ người! [xem trang 320].

Vũ trụ có sự thống nhất sâu sắc.
“Có một sự thống nhất sâu sắc của vũ trụ. Cùng với sự tiến bộ của vật lý, các hiện tượng mà người ta đã từng tin là hoàn toàn tách biệt đã có thể thống nhất với nhau. Vào thế kỷ 17, Newton đã thống nhất trời và đất: cùng một lực hấp dẫn phổ quát quy định cả sự rơi của một quả táo trong vườn lẫn chuyển động của các hành tinh quanh Mặt Trời. Vào thế kỷ 19, Maxwell chứng tỏ rằng điện và từ chỉ là hai mặt của cùng một hiện tượng. Bằng cách chứng tỏ rằng các sóng điện từ chính là các song ánh sáng, ông đã thống nhất điện từ với quang học. Đầu thế kỷ 20, Einstein thống nhất không gian và thời gian, khối lượng và năng lượng. Vào đầu thế kỷ 21, các nhà vật lý đang hăm hở thống nhất bốn lực cơ bản của tự nhiên (lực hấp dẫn, lực điện từ và hai lực hạt nhân mạnh và yếu) thành một siêu lực duy nhất. Vũ trụ hướng đến đó.”[453-454]

Vì sao con người có nhận thức lý tính và phản tỉnh? Ở các trang 458-459, tác giả viết:
“Tôi nghĩ rằng sở dĩ con người có nhận thức lý tính và khả năng giải được những mật mã của vũ trụ, chính là bởi vì ý thức không phải là một ngẫu nhiên may mắn của quá trình tiến hóa vũ trụ. Nó đã được “lập trình” từ trước trong vũ trụ, cũng giống như vũ trụ đã được điều chỉnh một cách cực kỳ chính xác, ngay từ khi ra đời, để cho sự sống xuất hiện. Sự tồn tại của ý thức không phải là ngẫu nhiên mà là tất yếu, vì vũ trụ chỉ có ý nghĩa nếu nó chứa một ý thức có khả năng tổng giác được sự tổ chức của nó, cũng như vẻ đẹp và sự hài hòa của nó. Sự xuất hiện của ý thức không phải là một ngẫu nhiên tình cờ trong bức tranh khổng lồ về vũ trụ, mà nó là sự phản ảnh mối quan hệ sâu sắc giữa con người và thế giới.”

LẬP LUẬN VỀ TRÍ TUỆ NGOÀI TRÁI ĐẤT

“Giả sử rằng cần phải mất 10.000 năm để đi từ một hành tinh đến hành tinh khác để chinh phục nó và sau nhiều thế hệ, lại lên đường chinh phục một hành tinh mới. Như vậy, các 10.000 năm này là thời gian cần thiết để nhân đôi số hành tinh bị chinh phục trong dải Ngân hà. Chúng ta giả sử thêm rằng, như chúng ta đã thấy, tồn tại 10 tỉ hành tinh sống được trong thiên hà của chúng ta. Để chinh phục tất cả các hành tinh này, sẽ cần phải có một khoảng thời gian rất ngắn… chưa đầy một triệu năm! Ngay cả khi các nhà thám hiểm không gian lề mề và mất không phải 10.000 năm, mà là một trăm lần hơn thế, tức là 1 triệu năm, để phát triển công nghệ cần thiết cho chuyến chu du trong không gian, và thêm 1 triệu năm nữa để đi từ một hành tinh sang một hành tinh khác, thì khoảng thời gian cần thiết để chinh phục toàn bộ dải Ngân hà cũng chỉ là 34 triệu năm, tức là chưa đến 1% tuổi của hệ Mặt trời và chưa đến 0,25% tuổi của vũ trụ: đúng là một ngọn lửa rơm!” [470]
Như vậy, chúng ta cũng đừng băn khoăn tại sao không có người ngoài hành tinh đến thăm hai gửi thong điệp báo là có sự sống bên ngoài trái đất! Tuổi thọ con người là quá ngắn để có thể khám phá toàn bộ vũ trụ. Đọc đến đây chúng tôi lại liên tưởng đến những câu hỏi và tình huống trong kinh Phật mà đức Phật Thích Ca không trả lời những người chất vấn Ngài về vấn đề vũ trụ luận hoặc là Ngài đưa ra những ẩn dụ để giúp những người chất vấn Ngài hiểu tại sao Ngài không đề cập tới vấn đề ấy. Đức Phật quan tâm nhiều đến nhân sinh, tìm con đường diệt khổ, giúp con người sống bớt đau khổ có cuộc sống đức hạnh và ngày càng thành tựu trên con đường giải thoát. Chính vì hiểu thế gian như vậy nên đức Phật Thích Ca có một mỹ hiệu là Thế gian giải.
Quyển sách còn đề cập đến nhiều vấn đề thú vị và cũng là nỗi lo của những người có lương tâm đến tương lai của sự sống trên toàn bộ hành tinh xanh của mình. Quý vị dành thì giờ thì trực tiếp đọc quyển sách ấy, chúng tôi nghĩ sẽ rất thú vị. Và cuộc đối thoại của hai trí thức lớn Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận trong quyển CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY. Một quyển sách như vậy, chúng tôi thiết nghĩ đáng cho chúng ta đọc và thưởng thức. Điều thú vị là vài năm trước đây, khi Gs. Thuận về Việt Nam tham dự hội thảo Việt Nam học và vật lý thiên văn, giáo sư đã tự giới thiệu mình là một Phật tử.

congtudatinh Very Happy
RANDOM_AVATAR
congtudatinh
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 6 20/07/07 6:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGUỒN GỐC-MỘT QUYỂN SÁCH LÝ THÚ & BỔ ÍCH

Gửi bàigửi bởi caohai » Thứ 2 03/09/07 23:15

Chào Bạn!

Cám ơn Bài giới thiệu rất thú vị của Bạn!

Rất mong Bạn giới thiệu tiếp các sách hay khác!

Sg 3/9/07
Caohai
RANDOM_AVATAR
caohai
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 14:23
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần


Quay về Thư giãn văn hoá học: văn chương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến14 khách

cron