HUYỀN THOẠI VỀ MƯỜI CÔ GÁI

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm văn chương với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

HUYỀN THOẠI VỀ MƯỜI CÔ GÁI

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 31/07/08 19:28

"Ngã Ba Đồng Lộc hiện ra dần dần dưới làn khói.
Máy bay bay cao. họ tranh thủ làm gấp. Thời gian không còn lại được bao nhiêu. Vả lại, một phút trên Ngã Ba vô cùng quý giá, tất cả phải trả bằng máu.
Máy bay vẫn ầm ì. Trời lúc này lại nắng. Đám mây lúc nãy đã trôi xa về hướng Đông Bắc.
Chợt một tốp máy bay nữa lao đến, hướng Tây Nam bổ nhào, cắt một loạt bom. Một loạt bom không ác hiểm gì hơn những thủ đoạn đánh phá trước ném xuống. Khói và lửa trùm lên hết Ngã Ba. Hai chiếc máy bay ấy không trở lại và những chiếc khác cũng tháo luôn.
Yên tĩnh hẳn. Mọi người chờ đợi những cô gái chui ra khỏi hầm tiếp tục công việc. Núi Mòi hiện ra mềm mại trong nắng. Nắng như từ đây tỏa lan ra mênh mông. Mọi người đang chờ đợi.
Nhưng thời gian đã đứng lại. Các cô gái ấy không đứng lên nữa! Loạt bom ấy đã trúng vào những cái hầm của mười cô gái...”

(Trích truyện : “Những cô gái Đồng Lộc”- Trần Quang Huy)


Đọc tới đây…không ai là không khỏi nghẹn ngào…
10 cô gái anh hùng ngày ấy, suốt đêm suốt ngày bám mặt đường, chịu đựng bom đạn, giữ vững huyết mạch giao thông ở một điểm nút vô cùng quan trọng: Ngã ba Đồng Lộc.( nơi được mệnh danh là "túi bom", “tọa độ chết”…)
10 cô gái thanh niên xung phong… 10 bông hoa trắng trong, tinh khiết, 10 bông hoa bất tử đã hy sinh cuộc sống của mình vì sự sống của một con đường...
Giã biệt gia đình, “người ra đi đầu không ngỏanh lại”…để mẹ già, em nhỏ đừng mong…
Tuổi chỉ vừa chớm đôi mươi….Có chị chưa biết nhớ nhung, có chị thao thức với tình yêu đầu đời chỉ vừa chớm nở, có chị đang yêu và ước mong đến ngày hạnh phúc lứa đôi…
10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm, các chị đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ, khi cuộc đời đang như ánh nắng ban mai… gửi lại tuổi thanh xuân của mình giữ vững mạch máu giao thông chiến lược để làm nên một huyền thoại lay thức tất cả mọi trái tim khi nghĩ về Đồng Lộc.
Các chị đã nằm yên nghỉ bên đồi thông vi vút gió, bên cạnh hố bom đã chôn vùi sự sống, chôn vùi cả tuổi thanh xuân...
Và câu chuyện về các chị đã đi vào huyền thọai…
Cho cả hôm nay và mai sau…
Xin gửi một nén tâm hương, nghiêng mình cảm phục các chị, mười cô gái trinh liệt, đã ngã xuống để cho: “Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa Xuân…”
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HUYỀN THOẠI VỀ MƯỜI CÔ GÁI

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 5 31/07/08 19:45

MƯỜI CÔ GÁI ĐỒNG LỘC:

Đội thanh niên xung phong anh hùng - 10 cô gái thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh: Võ Thị Tần (22 tuổi, tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (21 tuổi, tiểu đội phó), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Dương Thị Xuân (19 tuổi), Trần Thị Rạng (19 tuổi), Hà Thị Xanh (18 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (19 tuổi), Võ Thị Hà (19 tuổi), Trần Thị Hường (17 tuổi). Ngã ba Đồng Lộc nằm trên trục đường 15A (cg. đường Trường Sơn) thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tất cả mọi con đường từ phía Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba này, rồi từ đó toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam. Do trọng điểm có tầm chiến lược quan trọng như vậy nên đế quốc Mĩ quyết tâm đánh phá ác liệt. Đội đã chiến đấu và đảm bảo mạch máu giao thông vận tải trên cung đường dài 50 km của tuyến đường 15A thuộc huyện Hương Khê, tây nam Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của các cô là lấp hố bom, sửa chữa đường, củng cố hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo gần Ngã ba Đồng Lộc, đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm, từ tháng 3 đến tháng 10.1968, không quân Mĩ đã trút xuống đây 48 000 quả bom hòng cắt đứt mạnh máu giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 24.7.1968, sau 18 lần Không quân Mĩ đánh phá ác liệt, một loạt bom đã dội đúng vào đội hình các cô đang làm việc. Mười cô gái đã hi sinh.

Để ghi lại chiến tích anh hùng của 10 cô gái Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và danh hiệu Đơn vị anh hùng cho 10 cô vào ngày 7.6.1972. Tại Ngã Ba Đồng Lộc, đã xây dựng Đài tưởng niệm.

Hình ảnh

Nguồn : http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.v ... 0=&page=19
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HUYỀN THOẠI VỀ MƯỜI CÔ GÁI

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 5 31/07/08 19:58

“Hai bảy năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào” - đó là câu thơ viết về mười nữ liệt sỹ thanh niên xung phong Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng năm 1995. Tháng bảy này, tháng của hàng triệu con tim về với các chị. Dưới mặt đất kia, vọng về niềm kiêu hãnh của 40 năm.

Ngã ba này năm xưa nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mười cô gái ấy đều là người con Hà Tĩnh, thuộc 7 xã, 1 thị trấn của 3 huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn và thị xã Hà Tĩnh. Tất cả nằm lại không phải trên mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Tại ngã 3 huyết mạch Bắc - Nam này, họ chung chiến hào khốc liệt trong những thời khắc lấp hố bom của Mỹ dội xuống để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến miền Nam. Để rồi, họ cùng nằm lại trong lòng đất đớn đau vào một buổi chiều nghiệt ngã và khốc liệt, lúc 16 giờ, ngày 24/7/1968. Và trở thành bất hủ, chung một danh xưng: Mười cô gái Đồng Lộc.

Hôm nay, sau 40 năm, nếu còn sống, họ trở thành những bà, những mẹ cao niên. Nhưng, các cô mãi mãi đã N“không thêm một tuổi nào”. Các cô vĩnh viễn ra đi để lưu danh thì con gái mười chín đôi mươi. Người nhiều tuổi nhất là Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ và Võ Thị Tần, 24 tuổi; người ít tuổi nhất là Võ Thị Hà, 17 tuổi.
Tôi đã từng thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ ở nghĩa trang Điện Biên, nơi có những anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Tôi cũng đã từng đến viếng thăm hơn 10 ngàn liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất Việt Nam...
Cũng là nghĩa trang liệt sỹ - mảnh đất chở che phần cốt nhục của những người con hy sinh vì Tổ quốc thân yêu, nhưng với nghĩa trang Đồng Lộc thì thật khác.
Nơi này chỉ có 10 liệt sỹ, và tất cả đều là con gái trẻ. Thương đau lắm! Thiêng lắm! Nơi này còn lưu một chứng tích mà mỗi người con Lạc cháu Hồng, tóc đen máu đỏ hay dù ở một quốc gia nào khi đến đây đều chân chùng xuống, bước ngập ngừng và cúi đầu lặng lẽ - đó là một hố bom. Hố bom ấy là chứng tích tội ác của kẻ xâm lược.
Tĩnh tâm niệm tưởng, hình như đâu đó làn khói thuốc nổ của 40 năm trước còn vảng vất quanh mấy ngọn cỏ dại mọc dưới lòng hố sâu kia. Có thể là khói hương từ phần mộ của 10 cô. Thân xác trinh nguyên của các cô đã tan vào đất nhưng anh linh thì quảnh quất trong sợi khói. Không biết nữa...! Nhưng ngàn vạn người đến đều trỗi lên trong ký ức những năm tháng khốc liệt nơi đây.
Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ hạn chế ném bom toàn miền Bắc để chuyển hải quân và không quân tập trung đánh phá vùng “yết hầu” từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 hòng chặn đứng chi viện của hậu phương với tiền tuyến. Mức độ đánh phá của giặc tăng lên 2,6 lần và mật độ bom tăng 20 lần. Chúng chọn 4 “nút” giao thông đường bộ của ta tại Hà Tĩnh là Linh Cảm - Bến Thủy; Đồng Lộc; Gia Thượng - Cổ Ngựa.
Có thể nói, đây là giai đoạn cường độ đánh phá của giặc Mỹ xuống mảnh đất Hà Tĩnh thân thương này cao nhất trong chiến tranh phá hoại. Tất cả các địa danh trên toàn tỉnh đều bị đánh phá ác liệt, trong đó Đồng Lộc là trọng điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất.
Ngã ba này là “túi bom” với hàng vạn tấn bom, trung bình mỗi m2 chịu 3 quả bom lớn.
“Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc”

(Huy Cận - Ngã ba Đồng Lộc, 1971).
Khác nữa, rất khác, trước 10 phần mộ là những “cây hương” màu đỏ thắm của quốc kỳ, sợi khói trôi mông lung, hư ảo. Hình như người phục vụ cũng không muốn cất bớt đi những cây hương đã cháy hết trong ngày nên chân hương ken vào nhau ngày một to và cao lên như cây cối mỗi ngày sinh sôi. Lòng thành kính dâng đầy. Mặc dù nó nghiêng dần về phía trước nhưng chẳng đổ gục. Những gì thuộc về vong linh các cô đều được mỗi người nâng niu, thật khẽ khàng.
10 cô gái ngã ba Đồng Lộc
Tháng bảy dương lịch, tháng có 10 người trinh liệt ở ngã ba Đồng Lộc. Thật nhiều người tìm đến cửa chùa, nguyện cầu an phúc. Và, cũng thật đông khách thập phương đến viếng mộ 10 cô gái Đồng Lộc. Các cô đã hiển linh trong tâm tưởng của mỗi người.
Sách xưa dạy không quét phần mộ màu trắng, chỉ quét màu xám nhưng ở đây 10 phần mộ toát một màu trắng tinh khôi. Màu của trinh trắng và màu của tang tóc ở ngã 3 này như cứa vào hồn những người viếng niệm.
Mỗi ngôi mộ, ngoài bình hoa cúc màu trắng của Ban quản lý di tích đặt bên lư hương, trên phần mộ có hai loại hoa của khách viếng đặt lên rất nhiều là hoa cúc trắng và hoa hồng đỏ. Đó là “tâm hoa”, là thông điệp từ trái tim của những người đang sống viếng hương hồn các cô. Hoa cúc trắng muốt, hoa biểu tượng cuộc đời trắng trinh. Hoa hồng đỏ, hoa của tình yêu nồng nàn, son sắt… Hình như, màu trắng và màu đỏ của hoa đang cựa quậy để đằm hơn trên những phần mộ?
Mộ của các cô còn được người đến viếng đặt lên những đồ vật nhỏ để các cô dùng: chiếc gương soi, lọ dầu gió, chiếc lược chải tóc... và đặc biệt là những chùm quả bồ kết.
Trong cuộc chiến, dù phải giành giật từng mét đường lành lặn, dù bom nổ chát chúa, khói và đất đá mịt mùng, các nữ thanh niên xung phong vẫn không quên làm đẹp hình thức để tôn vinh giá trị người phụ nữ của một dân tộc yêu hòa bình.
Mộ của các cô trong những năm qua đã di chuyển đến 3 lần và hơn 10 năm nay mới chuyển về chính thức tại ngã ba này - bên đồi Trọ Voi, xã Đồng Lộc. Còn những quả bồ kết được đặt lên mộ có lẽ bắt đầu từ sau khi nhà thơ Vương Trọng viết bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc”, ngày 5/7/1995:
Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...

Bài thơ xao động bạn đọc cả nước. Riêng anh Nguyễn Tiến Tuẫn - một trong ba anh hùng ở Đồng Lộc thì bị ám ảnh không nguôi. Năm 1998, anh quyết định lên huyện Hương Sơn cách đấy hơn 20 cây số tìm hai cây bồ kết con mang về trồng cẩn thận bên mộ của 10 đồng đội.
Bây giờ, giữa những ngày trời thu xanh trong veo hoa bồ kết nở, hương lâng lâng dâng lên quanh vùng. Và ngày 14/8/2002, một bia đá cao 80cm, rộng 40cm khắc bài thơ của Vương Trọng, gồm 4 khổ, 24 câu đặt cạnh 2 cây bồ kết. Thơ bằng chữ quốc ngữ được khắc trên bia đá và đặt tại nghĩa trang có lẽ cũng chỉ ở ngã ba Đồng Lộc này.
Ngoài 10 ngôi mộ và bát hương lớn, hố bom, bia đá và nhiều phần đất khác của sườn đồi, Trọ Voi thường xuyên có những nén hương của khách viếng cắm xuống, mặc dù không có lư hương. Bởi, từng tấc đất nơi đây đâu cũng trộn máu thịt anh hùng...
Chúng tôi chia tay 10 cô gái Đồng Lộc lúc trời chạng vạng. Cánh cò rời thửa ruộng chao về ấp mình trong đồi xanh Trọ Voi. Gió Lào thốc vào mặt nóng hâm hấp. Khói hương vẫn bâng lâng quanh 10 ngôi mộ, bảng lảng trong những mắt lá bồ kết, quẩn quanh dưới ngọn cỏ non và vương vấn người đi... Dặt dìu, chiều chầm chậm. Lắng đọng vùng quê yên bình...

(Theo Minh Đạo/VNN)

Nguồn:

http://www.chovinh.com/xu-nghe-i534-D%C ... B%99c.html
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HUYỀN THOẠI VỀ MƯỜI CÔ GÁI

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 31/07/08 20:05

Sống lại một ngã ba Đồng Lộc huyền thoại


Rồi tôi cũng phải rơi nước mắt. Ráng kìm giữ. Càng ráng thì những giọt nước mắt càng ứa ra. Đó là cảm xúc của tôi khi đọc xong phần thứ nhất của cuốn truyện ký “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” của Nghiêm Văn Tân, do NXB Phụ Nữ in năm 2005. Trong đó phần một “Đài hoa tím” được coi như tái bản.

Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc lâu nay đã thành đề tài cho bao nhiêu loại hình nghệ thuật. Và bây giờ, ở cuốn sách này, Nghiêm Văn Tân lại cho chúng ta được thêm lần sống lại cùng thời với những người con gái đã hy sinh anh dũng trên đất Hà Tĩnh năm nào. Trên đời này đúng là có những cái chẳng cần tiểu thuyết hóa nó cũng đã đẹp lắm rồi. Chính vì thế, Nghiêm Văn Tân đã chọn thể loại truyện ký để kể về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Tất cả còn trẻ măng. Người nhiều tuổi nhất mới hai mươi bốn tuổi. Người trẻ nhất vừa chớm tuổi mười tám. Cái tuổi mà bây giờ các cô gái tha hồ chưng diện, tha hồ thay xe, đổi mốt, thì mười cô gái anh hùng ngày ấy, suốt đêm suốt ngày bám mặt đường, chịu đựng bom đạn, giữ vững huyết mạch giao thông ở một điểm nút vô cùng quan trọng: Ngã ba Đồng Lộc.

Không đầy ba trăm trang sách (nếu tính cả phần vĩ thanh) cứ hé lộ dần cuộc đời riêng của từng cô gái. Không chỉ là tính nết mà còn cả những vùng quê, người thân của mỗi người. Mười cô mười hoàn cảnh khác nhau. Có người cuộc sống thật éo le. Như Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, cho đến lúc hy sinh chắc không mấy người biết được chị đã lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Người chồng bệnh hoạn, chết mất xác trên sông Ngàn Phố. Cũng ít người biết thân phận Hồ Thị Cúc ngay từ ngày còn thơ bé đã chịu cảnh mất cha, mẹ đi lấy chồng khi Cúc mới ba tuổi. Tám tuổi đã bị một tai nạn khủng khiếp: nồi cám lợn đang sôi trút xuống lưng, để lại trên mình cô những vết sẹo bỏng lớn. Cúc mang thân phận như thế vào thanh niên xung phong, sống trầm lặng nhưng giàu tình cảm với hết thảy chị em trong tiểu đội. Cô đội viên Nguyễn Thị Nhỏ khi hy sinh mới mười chín tuổi, cũng có một số phận éo le. Cha bỏ mặc mẹ con cô đi theo người đàn bà khác. Mẹ lâm bệnh mất sớm. Cô sống trong sự đùm bọc chở che của người chị gái. Đến tuổi, cô tình nguyện đi thanh niên xung phong. Trong cô lúc nào cũng khát thèm hạnh phúc. Thèm khát đến mức tưởng tượng ra mình sẽ có một người yêu lái xe bánh xích. Trước lúc hy sinh, bạn bè tiểu đội đã giúp cô thấy một anh lái xe bánh xích bằng xương bằng thịt. Một chút thoáng qua, một bó hoa mua tím, một nụ cười, bàn tay vẫy khiến cô có được cảm giác hồi hộp của người yêu lần đầu. Ai biết được, sau đó ít phút cô đã bị bom Mỹ vùi lấp. Và cái hạnh phúc mà cô mong chờ kia không thể đến được, mãi mãi không đến được với cô.

Tác giả Nghiêm Văn Tân đã khắc họa được mối tình rất đẹp của đội viên Nguyễn Thị Xuân. Cô người xã Vĩnh Lộc, nên chị em thường gọi cô là Xuân Vĩnh Lộc. Trong tiểu đội, ai cũng nghĩ rằng Xuân “đào hoa”, quen nhiều bạn trai. Thư bạn trai cũng rất nhiều. Ngày ấy mà có quan hệ như thế, sẽ được những người xung quanh đánh giá là thiếu đứng đắn. Mà đã thiếu đứng đắn thì đừng mong phấn đấu, đừng mong tiến bộ. Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần là nơi để Xuân thổ lộ tất cả. Thì ra, không phải như thế, trong trái tim Xuân chỉ có một mình anh Vĩnh, và chỉ có Vĩnh mà thôi.

Ngã ba Đồng Lộc, túi bom, tử địa… Tất cả những cô gái ở tiểu đội Võ Thị Tần biết rất rõ điều ấy. Khi nhận nhiệm vụ ở đây, các cô đã chuẩn bị tinh thần rất vững. Nhưng họ còn rất trẻ. Dưới hai mươi một chút. Tình cảm gia đình còn đậm nét trong mỗi người. Họ chuẩn bị không chỉ cho mình, mà còn cho cả gia đình nữa. Dưới ngòi bút chân thực và giản dị, Nghiêm Văn Tân đã dựng lại cuộc chuẩn bị ấy giống như bộ đội tác chiến trên sa bàn vậy. Những cuộc về thăm gia đình của Xanh, Hà, Rạng… được mô tả thật kỹ càng, thật xúc động. Qua đó chúng ta thấy được một vùng quê Hà Tĩnh trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Không khí chiến tranh hừng hực trong từng ngôi làng, trong từng căn nhà. Cùng với bom đạn là thiếu thốn, khó khăn. Miếng cơm, manh áo lúc đó của Hà Tĩnh là cả một chuyện lớn. Thế nhưng vì tiền tuyến, người Hà Tĩnh không tiếc một cái gì, kể cả những đứa con của mình dứt ruột đẻ ra, những đứa em mà mình chăm chút ấp iu từ thuở nhỏ.

Những cô gái Đồng Lộc được phép về thăm nhà chỉ một hai ngày thôi. Các cô không giấu gia đình là sẽ bám trụ ở Ngã ba Đồng Lộc. Các cô cũng không giấu giếm sự ác liệt ở đây. Các cô quá hiểu những người thân trong gia đình mình. Họ hiểu: không phải vì bom đạn, chết chóc mà gia đình sẽ ngăn cản không cho các cô đi. Và đúng như thế, tất cả đều băn khoăn lo lắng, nhưng sau đó là cuộc tiễn đưa tuyệt vời với những lời dặn dò rất quen thuộc của những gia đình trung kiên lúc bấy giờ: cố gắng cho bằng chị, bằng em. Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã tranh thủ những ngày về thăm quê để được tận hưởng những giây phút được mẹ vuốt ve chiều chuộng, được chị chăm sóc nâng niu. Họ biết đó có thể là những giây phút hạnh phúc cuối cùng của đời mình. Có lẽ gia đình họ cũng nhận ra đây là những giây phút cuối cùng được gần gũi con mình, em mình, nên bàn tay mẹ hình như ấm hơn. Bàn tay chị hình như cũng dịu dàng hơn. Có người mẹ nuôi một con gà, chỉ mong con về làm thịt cho con ăn một miếng ngon. Nhưng khi đứa con về lại tìm cách giấu con gà đi, không cho mẹ thịt.

Cuốn sách viết về sự khốc liệt của Ngã ba Đồng Lộc, nhưng trực tiếp về sự khốc liệt chỉ được viết trên một số lượng trang không nhiều. Nghiêm Văn Tân dành nhiều thời gian để gợi nên những nỗi niềm của các cô gái trẻ. Đó là họ mong có một tình yêu thủy chung, mong được học hành để nay mai cống hiến, mong có được những tình bạn chân thành… Niềm mong mỏi ấy thật dễ dàng thực hiện với đất nước hôm nay; còn ngày ấy, như một ước vọng cao xa. Vì thế toàn tiểu đội đã dành cho nhau tất cả tình cảm của mình. Võ Thị Tần như người chị cả. Hồ Thị Cúc như người chị thứ hai, điềm tĩnh, thương yêu các em. Hai cô là chỗ dựa tinh thần cho tất cả chị em trong tiểu đội. Họ có thể thì thầm tâm sự mọi chuyện kín đáo của mình, gia đình mình với hai “bà chị”, nhờ các chị tháo gỡ những vướng mắc, có cả những vướng mắc trong tình yêu. Đó có phải là một trong những quy luật về tình người trong chiến tranh, giữa những đồng đội với nhau. Trước đạn bom và chết chóc, tất cả gắn bó lại, tạo thành một khối đoàn kết vững chắc không kẻ thù nào phá vỡ nổi.

Một bữa cơm, một món quà, một nhành hoa ở Ngã ba Đồng Lộc, Nghiêm Văn Tân ghi lại trong những trang sách của mình là những dấu ấn tình cảm giữa những người và người trong khốc liệt chiến tranh. Cô Hồng, người được phân công đi lấy gỗ làm hầm, khi vội trở về với tiểu đội chợt bần thần cả người vì lỡ bỏ quên một món quà của rừng định mang về cho đơn vị. Cô không tiếc công mà tiếc một món quà nhỏ đầy ý nghĩa. Nhưng rồi cô có được gặp lại tất cả những đồng đội của mình đâu. Mười người đã hy sinh ngay khi cô bước chân về với tiểu đội. Cô không còn dịp nào để báo với Xuân, rằng Vĩnh, người yêu của Xuân đã hy sinh - cái tin mà cô mới biết trước đó mấy ngày. Và cô biết Xuân đang mong chờ thư Vĩnh từng giờ từng phút. Cô cũng không biết rằng, chính ngày hôm ấy, Xuân đã nhận được thư Vĩnh, lá thư viết trước lúc hy sinh, Xuân cài thơ lên mái tóc, ra mặt đường đã, lát về mới đọc. Chao ôi giá mà Xuân đọc được những dòng yêu thương của Vĩnh, biết đâu khi đã hy sinh, Xuân sẽ ngậm cười nơi chín suối.

Một số lượng trang không nhiều để viết về sự khốc liệt của Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng đó lại là những trang ấn tượng nhất trong “Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc” của Nghiêm Văn Tân. Khốc liệt không phải chỉ bom đạn trút xuống. Khốc liệt không phải chỉ đêm và ngày bám con đường cùng với trái bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi, bom điếc. Khốc liệt không phải những trận bom trút xuống ngay sát đội hình. Mà khốc liệt ngay trong mỗi con người sống và chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc. Hơn thế nữa, họ lại là những cô gái còn măng trẻ. Làm thế nào để đừng sợ khi thấy bom rơi. Làm thế nào để ra mặt đường ngay khi khói bom còn chưa kịp tan. Làm thế nào để ra mặt đường giữa ban ngày, mà ở đó trên máy bay của kẻ thù có thể quan sát được tất cả.

Sự hồn nhiên và lòng quyết tâm chiến thắng đã cho các cô gái tất cả. Họ vừa mới hát với nhau đấy. Cô Nhỏ lần đầu tiên dúi được chùm hoa mua vào tay người con trai… Thế mà chỉ một trái bom định mệnh đã kết thúc; kết thúc luôn cả số phận mười người con gái, để cho đến nay họ vẫn còn trẻ trung ở tuổi mười tám đôi mươi. Hình ảnh chùm hoa mua vẫy vẫy trên chiếc xe bánh xích khiến người đọc phải nao lòng. Họ không thể tiếp tục san lấp mặt đường nơi trái bom vừa trút xuống chính họ. Họ không kịp về ăn bữa cơm chiều. Một đám tang tập thể mười cô gái đã được phục hiện thật xúc động qua những trang sách của Nghiêm Văn Tân.

Tôi biết Nghiêm Văn Tân từ rất lâu. Tôi cũng biết anh đã có hai tập truyện ký “Gương xanh”và “Đài hoa tím”. Nhưng hôm nay mới được đọc trọn vẹn cuốn “Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”, trong đó có phần “Đài hoa tím” của anh. Riêng phần hai Vĩ Thanh “Đêm và ngày”, Nghiêm Văn Tân đã lấy tiêu điểm là mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, để viết về toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc trước đây bây giờ và đặc biệt là sau này với rất nhiều tâm huyết…

Chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng ba chục năm nay. Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh ba mươi mấy năm rồi. Tên của các cô đã được ghi trong lịch sử. Đọc những trang sách của Nghiêm Văn Tân tất cả như sống lại, anh viết giản dị, chất phác, thật thà như con người anh. Anh cẩn trọng, chi tiết như chính cuộc sống của anh nên từng trang viết khiến cho chúng ta có cảm giác: Mười cô gái Đồng Lộc vẫn còn đang sống, và sống mãi với chúng ta...

Nguồn :
http://vnca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=50784
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Thư giãn văn hoá học: văn chương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến27 khách