PHÁT TRIỂN XÃ HỘI - YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN DÂN SỐ

Chuyên mục này dành cho những vấn đề có thể cùng lúc liên quan đến trên một hoặc tất cả các nhóm chủ đề khác như: lý luận văn hoá học, văn hoá Việt Nam, văn hoá thế giới, văn hoá học ứng dụng...

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI - YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN DÂN SỐ

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 2 12/11/07 23:52

Từ những năm đầu của thập kỷ 60 - thế kỷ XX, trước sự bùng nổ dân số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi vùng của đất nước, đe dọa đến sự phồn thịnh và phát triển của nước ta; Đảng và Nhà nước ta đã phát động cuộc vận động thực hiện KHHGĐ nhằm kìm hãm tốc độ gia tăng dân số, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình. Trong hơn bốn thập kỷ qua, với những chính sách, giải pháp đúng đắn và những bước đi thích hợp mà chủ yếu tập trung vào các chính sách nhằm hạn chế mức sinh, chương trình DS-KHHGĐ ở nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng. Vào đầu thập kỷ 60, thế kỷ XX, khi bắt đầu thực hiện công tác DS-KHHGĐ, số con trung bình của một phụ nữ ở nước ta là 6 con. Đến nay chỉ còn trên 2 con/ một phụ nữ và theo mục tiêu trong chiến lược dân số giai đoạn 2001 - 2010, đến năm 2005 nước ta sẽ đạt mức sinh thay thế (trung bình một phụ nữ có 2 con).

Sự giảm sinh nhanh trong những năm qua đã tác động tích cực tới cuộc sống của mỗi gia đình, góp phần quan trọng trong việc XĐGN, giảm sức ép về lao động và việc làm ở đất nước ta trong những năm tới và là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội phát triển. Tuy nhiên, công tác dân số thời gian qua mới chỉ tập trung chủ yếu vào các phân tích nhằm làm rõ những tác động tích cực của việc giảm sinh tới phát triển KT-XH mà ít có một phân tích, đánh giá nào nhằm xem xét những tác động của các vấn đề xã hội tới mức sinh và chỉ khi nào các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách nắm chắc được những tác động, ảnh hưởng qua lại đó để đề ra được chính sách, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển của xã hội thì chương trình dân số mới có sự phát triển bền vững. Vậy các yếu tố KT-XH tác động tới mức sinh như thế nào?

Về phong tục, tập quán: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở những cộng đồng dân cư mà ở đó các mối quan hệ gia đình, dòng họ, quan hệ làng xã chặt chẽ và tương đối khép kín thì ở nơi đó thường có tỷ lệ sinh rất cao. Biểu hiện rõ rệt nhất là dù trong cùng một vùng, một khu vực hay một quốc gia thì tỷ lệ sinh ở nông thôn bao giờ cũng cao hơn khu vực đô thị rất nhiều.

Ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam do thời kỳ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm nên những tư tưởng trọng nam khinh nữ luôn tồn tại và kéo dài, vai trò và quyền lợi của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội luôn được đề cao, vì thế các gia đình luôn mong ước phải có con trai và càng nhiều con trai càng tốt. Do đó, trong thời kỳ phong kiến, gia đình đông con là phổ biến trong xã hội "đông con là nhà có phúc" và "mười gái không bằng một trai"… Những tư tưởng trọng con trai hơn con gái và tập quán sinh nhiều con đó chưa phải đã được loại trừ ở đất nước ta hiện nay mặc dù nước ta đã có trên 40 năm thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

Về yếu tố địa lý chính trị và quy mô dân số: Những vùng, những quốc gia có vị trí địa lý chính trị quan trọng, thuận tiện cho nghề nông, nghề đi biển thường có tỷ lệ sinh cao. Đồng thời, các vùng lãnh thổ và các quốc gia đều phải tính để có quy mô dân số thích hợp với mật độ đất đai, tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo an ninh quốc gia. Điều này, càng cần thiết ở các chế độ chậm phát triển, ở những vùng có sự tranh chấp lãnh thổ triền miên. Trong quá khứ, ở Việt Nam mỗi gia đình, dòng họ và từng làng xã đều cần sự đông người để phát triển kinh tế, bảo vệ gia đình, làng xã, bảo vệ đất nước. Đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam mới có trên 10 triệu người thì về vấn đề tăng trưởng nhanh về dân số là cần thiết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn hiện nay, nước ta đã có trên 80 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới về quy mô dân số, là nước có mật độ dân số vào loại cao nhất thế giới. Vì vậy trong chiến lược phát triển đất nước, Nhà nước ta đã đề ra mục tiêu đạt mức sinh thay thế vào năm 2005 và ổn định phát triển dân số với quy mô dân số hợp lý khoảng từ 112 - 120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI.

Yếu tố văn hóa, trình độ học vấn: Có liên hệ chặt chẽ với mức sinh. ở những nhóm người có trình độ văn hóa, học vấn thấp thì thường là tuổi kết hôn thấp, tuổi sinh con thấp, từ đó dẫn đến thời gian trong tuổi sinh đẻ trong cuộc sống vợ chồng kéo dài, là điều kiện để sinh nhiều con. Hơn nữa, khi sinh đẻ sớm sẽ làm cho khoảng cách để có các thế hệ tiếp theo cũng ngắn lại. Hiện nay tại một số vùng, nhất là vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên còn tồn tại tục lấy vợ, lấy chồng sớm, nhiều trẻ em ở tuổi lên 10 đã làm chồng, làm vợ. Nhiều người ở tuổi 33 - 35 đã làm ông, làm bà. ở những vùng này tỷ lệ sinh bao giờ cũng rất cao. Ngược lại nhóm người có văn hóa, học vấn càng cao thì càng có ít con do họ phải dành nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu. Đồng thời, những người có học thức cao hơn biết tính toán lợi ích của việc sinh đẻ hợp lý sẽ tạo điều kiện để họ có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn và họ có thể chủ động quyết định về tuổi sinh con, về số con họ muốn có...

Yếu tố kinh tế: ở những vùng kinh tế chậm phát triển bao giờ cũng có tỷ lệ sinh cao hơn những vùng kinh tế phát triển. Lý do, ở những vùng kinh tế chậm phát triển, nhất là những nơi có nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, ít thông thương kinh tế thì người dân ít có điều kiện tiếp xúc với xã hội bên ngoài, thậm chí có người trong suốt cuộc đời không hề ra khỏi địa phương mình sinh sống, vì vậy, hiểu biết của họ về các vấn đề xã hội bị hạn chế. Hơn nữa, cuộc sống nghèo nàn đồng nghĩa với những đòi hỏi để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống không cao, chi phí để nuôi sống con người ở mức rất thấp, con cái sinh ra, lớn lên nối nghiệp cha mẹ cấy cày trên mảnh đất do cha mẹ để lại, thêm người chỉ là thêm bát thêm đũa. Củ khoai, củ sắn cũng xong bữa, đứa bé mặc lại quần áo và đồ dùng của đứa lớn... Vì vậy ở những vùng này tỷ lệ sinh thường rất cao.

Ngược lại, ở những nơi kinh tế phát triển, đời sống người dân sung túc tất yếu dẫn đến sự đòi hỏi xã hội phải đáp ứng và tăng các nhu cầu phục vụ cuộc sống con người. Không chỉ còn là vấn đề ăn no, mặc bền mà là ăn ngon, mặc đẹp. Những nhu cầu về học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí đòi hỏi chất lượng cao hơn là những nhu cầu không thể thiếu, chắc chắn sẽ cần những chi phí rất lớn, buộc mỗi người phải tính đến sẽ sinh bao nhiêu con là phù hợp. Đồng thời khi kinh tế phát triển mới đáp ứng được những chi phí cho các dịch vụ KHHGĐ. Các thành viên trong gia đình, nhất là người già ít phụ thuộc vào nhau và phụ thuộc vào con cái về kinh tế. Khi đó các ông bố, bà mẹ sẽ không còn phải tính sinh nhiều con làm chỗ dựa khi về già.

Về chính sách dân số: ở các nước châu Âu, chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển tương đối sớm. Hầu như những quốc gia đó ít có chính sách trực tiếp tác động vào quá trình sinh sản nên giai đoạn quá độ dân số từ khi có tỷ lệ sinh cao đến khi đạt được mức sinh thay thế phải mất từ 150 đến 200 năm, trong khi đó các nước châu á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaixia... do nhà nước có chính sách kiềm chế mức sinh nên thời kỳ quá độ chỉ mất từ 20 đến 30 năm, ở Việt Nam khoảng 40 năm.

Từ những phân tích trên để chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về quy luật của sự phát triển dân số. Từ đó đề ra các chính sách và giải pháp thực hiện tốt công tác dân số phù hợp trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và của mỗi địa phương, để không nóng vội và cũng không chủ quan, coi nhẹ công tác này. Chỉ trên cơ sở khoa học đó, sự phát triển dân số ở nước ta mới đảm bảo được tính bền vững, tác động tích cực tới sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nguyễn Sơn
(Báo Vĩnh Phúc số 1.224)
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến9 khách

cron