CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Chuyên mục này dành cho những vấn đề có thể cùng lúc liên quan đến trên một hoặc tất cả các nhóm chủ đề khác như: lý luận văn hoá học, văn hoá Việt Nam, văn hoá thế giới, văn hoá học ứng dụng...

CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi quoctuu » Thứ 6 14/03/08 22:38

Theo thuyết phân tâm học thì thường khi người ta quan tâm đến vấn đề gì là hay bị "ẩn ức" ở vấn đề đó. Tôi thì chẳng liên quan gì đến mấy trường ĐH cả nhưng vì biết về họ nhiều quá nên đôi khi nổi máu ... vì tương lai dân tộc nên xin post loạt bài về ĐH VN của các GS nổi tiếng. Ước mong là Hiệu trưởng các trường DH (nhất là những trường ngành XH) đọc được. Như vậy, có lẽ các Thầy sẽ xem xet lại chính sách cải tổ chất lượng đào tạo và quản lí của trường mình.


[center]Chất lượng giáo dục đại học : Bắt đầu từ thầy và kết thúc ở trò

Nguyễn Văn Tuấn
[/center]


Vấn đề chất lượng giáo dục đại học lại được mổ xẻ. Phần lớn các chuyên gia đều đồng ý rằng cần phải “Đổi mới từ gốc đến ngọn”, và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 10 tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục (xác định sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của trường đại học; tổ chức và quản lý; chương trình giáo dục; hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; người học và công tác hỗ trợ người học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế đào tạo; cơ sở vật chất; và tài chính và quản lý tài chính). Tuy nhiên, 10 tiêu chuẩn này có xu hướng phản ảnh tiêu chí quản lí giáo dục hơn là chất lượng.

Nói đến chất lượng giáo dục là nói đến khía cạnh phẩm chất, và phẩm chất là một điều khó định nghĩa nhất, và cũng không có những “cân, đo, đong, đếm” rạch ròi như các biến định lượng khác. Thật ra, đây là một trong những đề tài nghiên cứu của giới đo lường giáo dục và thống kê học. Theo tôi, giáo dục đại học bao gồm dạy, nghiên cứu khoa học, và học, và do đó, chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và kết thúc ở người trò, qua hỗ trợ của cở sở vật chất kể cả thư viện và công nghệ thông tin.

Bắt đầu từ người thầy

Tôi có một kinh nghiệm cá nhân khi lần đầu tiên bước vào giảng đường đại học ở Úc khoảng 26 năm về trước, và kinh nghiệm này đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về cách dạy và học ở nước ta. Vì đã quá quen với cách dạy “thầy giảng trò chép” ở nước ta, tôi bị sốc khi ông giáo sư già người Úc say sưa nói về những nghiên cứu của chính ông mà ông cho là rất thú vị, ông chẳng có nói gì liên quan đến bài giảng, toàn là chuyện ngoài lề. Thú thật, lúc đó tôi cũng không biết nghiên cứu của ông thú vị ở chỗ nào! (Tuy không nhận ra cái thú vị của nghiên cứu, nhưng khi làm bài tập, đó lại là động cơ để tôi tìm hiểu thêm và qua đó học thêm nhiều điều). Xong buổi giảng, ông ra câu hỏi chỉ vỏn vẹn 10 chữ. Trong khi các bạn đồng môn của tôi nhanh chân đến thư viện, đăng kí máy tính (thời đó máy tính còn ít), xông xáo đi tìm tài liệu đọc thêm, thì tôi lúng túng không biết phải làm gì với 10 chữ đó.

Nhưng qua bài học sốc đó, tôi mới nhận ra một khác biệt rất quan trọng giữa đại học và trung học: đó là vai trò của người thầy. Ở bậc đại học, người thầy giảng dạy môn học mà họ là một chuyên gia, chứ không dạy học sinh như một người dạy ở bậc trung học. Ở đại học, đối tượng của giảng dạy là môn học, còn ở trung học đối tượng là học sinh. Chính vì thế mà ở bậc đại học, kĩ năng học (hay nói đúng hơn là tự học và đọc sách, báo) quan trọng hơn là nhồi nhét một mớ kiến thức căn bản.

Để truyền đạt kiến thức chuyên môn một cách hữu hiệu, người giảng ngoài những kĩ năng sư phạm, còn phải có kiến thức sâu và rộng về chuyên ngành để có thể khai triển những lí thuyết và ý tưởng từ nội dung của giáo trình. Giáo trình giảng dạy (ngày nay rất nhiều trên internet), cũng như sách giáo khoa, chỉ cung cấp những kiến thức mang tính chuẩn mực, và ít khi nào cập nhật hóa với những nghiên cứu khoa học mới nhất. Trong y khoa, sách giáo khoa rất ít ai đọc và cũng ít ai dùng làm tài liệu giảng dạy; chỉ có các bài báo khoa học mới là tài liệu giảng dạy. Do đó, phần lớn những kiến thức để khai triển giáo trình giảng dạy chỉ có thể tiếp cận được qua nghiên cứu khoa học. Theo đó, một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, chúng ta phải bắt đầu từ người thầy, và người thầy phải là một nhà nghiên cứu khoa học chứ không đơn thuần là một người giảng bài.

Người thầy nên có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, vì nếu không thì người thầy chỉ là người thầy chỉ là “thợ giảng”. Nhưng cái “hộ chiếu” để làm nghiên cứu khoa học là một học vị tiến sĩ. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy các trường đại học Tây phương xem văn bằng tiến sĩ như là một tiêu chuẩn tối thiểu để được bổ nhiệm làm giảng viên hay giáo sư đại học. Cố nhiên, không phải người có bằng tiến sĩ nào cũng là những giảng viên tốt, vì trong thực tế có không ít giảng viên dù học vị cao nhất là thạc sĩ nhưng lại rất giỏi trong giảng dạy.

đến người trò

Bởi vì “sản phẩm” của đào tạo là con người với kiến thức chuyên môn cao, cho nên nói đến chất lượng giáo dục đại học là nói đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Nhưng vấn đề này lại rất ít được đề cập đến trong các hội thảo về chất lượng giáo dục. Vậy thì khi nói đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp là nói đến cái gì? Nói tóm gọn, chất lượng ở đây bao gồm hai khía cạnh: tầm và tâm. Ở các nước phương Tây, người ta khai triển hai khía cạnh tầm và tâm thành 4 tiêu chí: kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng quát, kĩ năng đặt và giải quyết vấn đề, và nhân cách.

Kiến thức chuyên môn tùy thuộc vào chuyên ngành mà sinh viên theo học. Chẳng hạn như sinh viên tốt nghiệp ngành y khoa phải có kiến thức về các lĩnh vực như cơ thể học, bệnh lí học, dịch tễ học, sinh hóa, v.v… Cố nhiên, các kiến thức này đã qua thẩm định bằng những kì thi nghiêm chỉnh; chỉ khi nào sinh viên đỗ tất cả các bộ môn theo học thì mới được tốt nghiệp.

Kiến thức tổng quát bao gồm kiến thức về xã hội (kể cả văn học, triết học, văn hóa, và lịch sử), nhận thức về các vấn đề ở tầm quốc gia và thế giới, thông thạo kĩ thuật vi tính, tiếng Anh, trách nhiệm cộng đồng, v.v… Người tốt nghiệp đại học chẳng những phải có kiến thức tổng quát, mà còn phải có khả năng phân tích và thẩm định thông tin một cách khoa học và logic.

Kĩ năng đặt và giải quyết vấn đề bao gồm khả năng phát hiện (problem finding) và "giải quyết vấn đề" (problem solving). Có thể nói rằng xã hội Tây phương là xã hội hướng về vấn đề, và họ huấn luyện cho học sinh cũng như sinh viên đến nỗi nhìn đâu cũng thấy vấn đề! Từ phát hiện vấn đề và cộng với kiến thức tiếp cận, người sinh viên có sự tự tin và sáng tạo, không nhất thiết phải đi theo những lối suy nghĩ cũ hay theo đường mòn của người trước, không làm theo sách vở một cách máy móc.

Tiêu chí nhân cách rất quan trọng, vì chúng ta không chỉ đào tạo ra những chuyên gia thiếu nhân cách. Tiêu chí này không lạ gì với Việt Nam, vì cụ Nguyễn Du từng viết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhân cách bao gồm đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, tôn trọng sự khác biệt, và kĩ năng làm việc trong một nhóm.

và cơ sở vật chất

Nhưng cho dù có một đội ngũ giảng viên với học vị tiến sĩ, mà không có hỗ trợ của thư viện hay cơ sở vật chất thì cũng không thể nào nâng cao chất lượng đào tạo được. Đã có rất nhiều thảo luận về chất lượng giáo dục đại học, nhưng phần lớn chỉ xoay quanh vấn đề nội dung đào tạo và người thầy. Tôi cho rằng một lĩnh vực khác có tầm quan trọng tương đương, thậm chí cao hơn, chất lượng đội ngũ giảng dạy: đó là thư viện.
Có thể nói không ngoa rằng thư viện là bộ mặt trường của đại học. Nhìn qua thư viện và các dịch vụ liên quan như internet, người ta có thể có vài ý niệm về chất lượng của một đại học. Một thư viện đại học thường phải có ít nhất một triệu sách, và hàng ngàn tập san khoa học theo định kì. Ở Úc, một trường đại học trung bình hàng năm dành khoảng 5-10 triệu USD để mua sách mới và các tập san khoa học.

Đối chiếu với tình hình thực tế

Người thầy: Ở nước ta số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ còn quá thấp. Trong số 52.129 giảng viên đại học và cao đẳng, chỉ có 10% có học vị tiến sĩ. Ngay cả trong số giảng viên có học vị tiến sĩ, chỉ có một phần nhỏ (20%) có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học. Cần nói thêm rằng tỉ lệ tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên ở các trường đại học trung bình ở Tây phương là khoảng 70%. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy một đánh giá mới đây cho biết chỉ có 1 phần 5 số giáo sư và phó giáo sư nước ta xứng đáng với chức danh này.

Sinh viên tốt nghiệp: Đối chiếu với 4 tiêu chí chất lượng của sinh viên tốt nghiệp, chúng ta thấy chất lượng đào tạo của các đại học nước ta còn quá hạn chế. Theo thống kê năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm có khoảng 25.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Nhưng 7 năm sau tình hình vẫn không thay đổi: một nghiên cứu mới đây do Đại học Sư phạm TP HCM thực hiện cho thấy có đến 50% sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng các yêu cầu chuyên môn và phải đào tạo lại.

Theo một nghiên cứu về kĩ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp! Trong một cuộc hội thảo với chủ đề "Toán, lý, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" vào ngày 28/4/2000, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: "Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), cao học bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng cao học". Tôi nghĩ rằng đánh giá này có phần quá bi quan, và không hoàn toàn đúng với thực tế, nhưng nó cũng nói lên phần nào thực trạng rất đáng lo ngại cho tình trạnh chất lượng đào tạo đại học ở trong nước.

Cở sở vật chất: Ở nước ta, tất cả các thư viện đại học lớn cấp quốc gia (chưa nói đến đại học nhỏ) mà tôi biết qua đều rất nghèo nàn. Sách giáo khoa chẳng có bao nhiêu, và đại đa số đều quá cũ; sách tham khảo cực kì hiếm và rời rạc; còn tập san khoa học thì gần như con số không. Sự nghèo nàn của thư viện đại học nước ta đến nỗi nếu người mới ghé thăm có thể nhầm đó là một thư viện trường trung học! Đã thế mà việc mượn sách cũng rất khó khăn, với bao thủ tục nhiêu khê, làm nãn lòng sinh viên.

Hệ thống máy tính và internet của các trường đại học Việt Nam chỉ có thể mô tả bằng ba chữ: quá nghèo nàn. Chưa có trường đại học nào có máy mainframe. Chưa có trường đại học nào có hệ thống thư viện điện tử. Các phần mềm cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng chưa được đầu tư đúng mức, và hệ quả là các nhà nghiên cứu sử dụng phần mềm không hợp pháp. Chưa có trường đại học nào sử dụng công nghệ thông tin một cách hữu hiệu. Ngày nay, trong khi phần lớn các trường đại học phương Tây sử dụng internet như là một phương tiện học tập, thì ở nước ta công nghệ này chủ yếu chỉ tập trung vào những website màu mè, nhưng lại thiếu thông tin. Ngay cả giáo sư cũng không sử dụng địa chỉ email của trường!

Do đó, tôi đồng ý với quan điểm rằng chất lượng giáo dục đại học cần phải Đổi mới từ gốc đến ngọn, “gốc” ở đây là nâng cao trình độ khoa học của đội ngũ giảng viên, cụ thể là gia tăng tỉ lệ giảng viên với học vị tiến sĩ lên cỡ tương đồng với các nước trong vùng, và "ngọn" là đầu ra, là sinh viên tốt nghiệp. Nhưng muốn có đầu ra tốt thì chúng ta phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, nhất là thư viện và công nghệ thông tin. Tất cả những bàn thảo về chất lượng giáo dục đại học mà không nói đến đầu tư cho thư viện, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng đều vô nghĩa.

Nguyễn Văn Tuấn
Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia
RANDOM_AVATAR
quoctuu
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 6 14/03/08 22:09
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 7 15/03/08 9:42

Ẩn ức là những khát khao, nguyện vọng, tâm tư tình cảm bị ý thức lãng quên, bị các nguyên tắc tôn giáo xua trừ hay dồn nén xuống cõi vô thức
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi quoctuu » Chủ nhật 16/03/08 11:05

Lại phải nói về chất lượng
Giáo dục đại học VN
[center][/center]

Hà Dương Tường

[justify]Bộ Giáo dục - Đào tạo (dưới đây gọi tắt là Bộ, hoặc "bộ GD") vừa tổ chức một Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục ĐH, ngày 5.1.2008 tại TPHCM. Mười bảy bộ và 343 trường ĐH, CĐ cả nước tham gia hội nghị nhằm làm rõ nhu cầu xã hội, thách thức về chất lượng, cơ cấu đào tạo của giáo dục ĐH để đặt ra mục tiêu cho 3 đến 10 năm tới.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 6.1, thứ trưởng Bành Tiến Long đã đọc một bản báo cáo dài "nhìn khá thẳng thắn vào thực trạng làm hạn chế nền GD hiện nay". Theo ông Long, tựu trung có bảy nguyên nhân làm hạn chế đến chất lượng giáo dục ĐH VN : tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chưa rõ ràng, thiếu đội ngũ chuyên gia hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng, chưa chú trọng nghiên cứu khoa học, thiếu nhà khoa học đầu đàn, hợp tác quốc tế còn hạn chế v.v.
Nhưng bảng liệt kê của ông thứ trưởng có đủ chứng minh là Bộ đã "nhìn khá thẳng thắn vào thực trạng làm hạn chế nền GD ĐH hiện nay" ? Có thể trả lời dứt khoát là : không. Vì lẽ trước hết là ở tính mơ hồ về trách nhiệm của Bộ đối với từng "nguyên nhân" được kể ra.
Chẳng hạn, về "nguyên nhân" thứ nhất ("các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong giáo dục ĐH chưa cụ thể và không rõ ràng, chưa có qui định cụ thể về kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ cần thiết cho từng trình độ đào tạo."). Ông Long nêu nó ra chỉ hai tháng sau khi chính ông, với tư cách thứ trưởng thường trực bộ GD, đã ký thay bộ trưởng quyết định (ngày 1.11.2007) ban hành "Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học". Bạn đọc có thể vào trang web này của Bộ, bấm vào "tệp đính kèm" để đọc toàn văn bản quy định này. Chương II của bản quy định đề ra 10 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn lại gồm nhiều (từ 2 đến 9) thành tố, như kiểu chia một câu hỏi trong bài tập thành nhiều câu hỏi nhỏ giúp thí sinh dễ làm bài. Thí sinh đây chắc là những người sẽ phụ trách đi tới các đại học kiểm xem mỗi tiêu chuẩn đạt được bao nhiêu, rồi cộng điểm... Tầm nhìn thiển cận thể hiện qua những chi tiết tủn mủn, đầy tính hình thức và nhiều chỗ mâu thuẫn lẫn nhau (bàn riêng về chuyện này khá dài, xin trở lại trong một bài khác), có phải đây là câu trả lời của Bộ về sự thiếu các tiêu chuẩn chất lượng "cụ thể và rõ ràng" kia ? Theo một cách nói phổ biến trong giới trẻ hiện nay, "tình hình là" những người soạn thảo quy định "đổi mới" này cũng là những người từ nhiều năm nay đã giữ trọng trách trong cùng lĩnh vực...

Hoặc ở nguyên nhân thứ tư ("Thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong các trường ĐH. Nhiều nhà khoa học hàng đầu đã đến tuổi nghỉ hưu, số còn lại đang làm việc thì quá bận với hoạt động giảng dạy và quản lý, giảng viên trẻ thiếu động lực trong nghiên cứu khoa học"). Người theo dõi tình hình ĐH VN đọc xong, không biết phải cười hay khóc. Cơ chế nào tạo ra lỗ hổng thế hệ đó, và vẫn đang tiếp tục làm thui chột các "động lực nghiên cứu khoa học" của các giảng viên trẻ ? Cơ chế nào đã tạo ra hàng loạt những tiến sĩ dỏm đang giữ những vị trí "quản lý" đầy quyền uy, cản đường tiến thủ của những người làm khoa học đích thực(1) ? Bộ có trách nhiệm gì không trong việc tạo ra cái quy chế tính điểm không giống ai trong việc đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học, trong việc "phong chức" (thay vì bổ nhiệm) giáo sư, phó giáo sư, khiến hầu hết những nghiên cứu sinh thành đạt ở nước ngoài phải ngao ngán không muốn trở về ?

Hoặc ở nguyên nhân thứ sáu ("Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn nhiều hạn chế. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ và chưa đồng bộ về cơ cấu. Chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy chưa được đổi mới và cập nhật thường xuyên. Phương pháp giảng dạy và học tập chưa phù hợp với điều kiện giảng dạy ĐH."). Ai áp đặt những "chương trình khung" nặng nề, với số giờ học gần gấp đôi chương trình tương đương ở nước ngoài, với những môn học ý thức hệ lạc hậu mà sự hiện diện khó có thể được biện minh bằng giải thích nào khác hơn rằng đó chỉ là sự chứng tỏ uy quyền của ĐCS, giập tắt từ trứng nước những manh mún tư duy độc lập của người sinh viên ? Làm sao những nhà giáo, những hiệu trưởng đại học có thể xoay xở trong cái khung áp đặt ấy để đề ra một "Chương trình giáo dục có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động."? (điểm 2, trong Tiêu chuẩn 3 của bản Quy định đã dẫn; điểm 1 của tiêu chuẩn này là chương trình của các trường phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung Bộ ban hành). Thị trường có cần những người biết nhắc lại như những con vẹt các "nguyên lý" (giản lược hoá!) của chủ nghĩa Marx ?
"Nguyên nhân" cuối cùng là : "Cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và chế độ học phí còn bất cập". Đổi mới cơ chế tài chính cũng là điều mà thứ trưởng Bành Tiến Long cho là then chốt trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Nhưng đọc kỹ, người ta thấy rõ ưu tiên mà các quan chức bộ GD nhắm tới trong việc "đổi mới cơ chế tài chính" này chính là việc tăng học phí, dù cho nguỵ trang dưới cách nói trung tính như "xác lập sự chia sẻ chi phí giáo dục ĐH giữa Nhà nước, người học và cộng đồng; các trường chủ động thực hiện đa dạng hóa nguồn tài chính, khai thác triệt để nguồn lực từ nghiên cứu khoa học...". Thực ra, số người phản đối việc tăng học phí ở bậc đại học cũng không nhiều lắm, nhưng câu hỏi cần đặt ra là bao giờ mới có sự minh bạch về việc sử dụng tài chính cho giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, trong đó có lộ trình rõ ràng để trả lương cho giáo chức tương xứng với nhiệm vụ được giao mà không phải dạy "sô" khắp nơi, bỏ bê công tác nghiên cứu khoa học vì kiếm sống ? Sự cho phép hiệu trưởng các trường đại học được "trả lương xứng đáng" cho giáo viên, mà bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hứa trong hội nghị, liệu có thay thế được một chế độ lương chính qui tối thiểu xứng đáng với vị trí giáo viên đại học, hay chỉ tạo thêm quyền sinh sát cho những nhà quản lý ? Chưa kể, việc tăng thu nhập cho giáo chức theo kiểu các chính sách "ba lợi ích" ở các xí nghiệp quốc doanh thời thập niên 1980, thực tế là bằng cách tăng lượng sinh viên thông qua các lớp tại chức, chuyên tu v.v., như tác giả Vũ Quang Việt nhận định, không hề nhắm vào mục tiêu chất lượng của đại học.
Tóm lại, bản báo cáo của Bộ nói về chất lượng giáo dục Đại học mà không hề đả động tới rất nhiều phê phán của các nhà giáo dục, của xã hội nói chung, về sự quản lý vừa khép kín vừa bất minh của mình trong các khía cạnh tài chính, nhân lực v.v., hay về những quy chế lạc hậu nhưng lại được áp dụng rất nghiệt ngã về chương trình, về học thuật. Không một lời tiếp thu và kế hoạch sửa đổi. Thay vào đó (và song song với việc "thoải mái" cho phép tư nhân mở những trường đại học mà bộ thừa biết rằng không đủ điều kiện cả về giáo chức và cơ sở hạ tầng(2)), là những đe dọa "chế tài" những trường đại học không công bố "chuẩn đào tạo" (dù ông thứ trưởng nói rằng chưa có chuẩn cụ thể và rõ ràng!)...
Thật khó có kết luận khác : lời giải bài toán chất lượng giáo dục đại học VN vẫn tít mù xa lắc (3).[/justify]

Hà Dương Tường
Nguyên giáo sư Đại học Công nghệ Compiègne (Pháp)
Chú thích:
(1) Xem một ví dụ trong bài mới đây của Giáo sư Hoàng Tuỵ trên VietnamNet.
(2) Nhưng việc này lại dính tới một ngành kinh tế khác, ngành ký giấy phép, không thuộc chủ đề của bài này.
(3) Khi bài đã viết xong, tác giả mới được biết tới bài viết "Đâu chỉ có bảy nguyên nhân" của giáo sư Trần Thượng Tuấn (cựu hiệu trưởng đại học Cần Thơ) trên Tuổi Trẻ ngày 8.1. Giáo sư Tuấn cho rằng Bộ "vẫn chưa nêu lên những nguyên nhân dẫn đến 7 nguyên nhân mà bộ đã đúc kết". Ông kể thêm vài nguyên nhân cơ bản hơn nhiều, tất cả "qui tụ ở sự bất cập về năng lực quản lý của hệ thống và sự chậm tiếp thu những ý kiến phản biện xã hội".
RANDOM_AVATAR
quoctuu
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 6 14/03/08 22:09
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi TranHieu » Chủ nhật 16/03/08 12:01

[justify]Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia da viet: "Ngày nay, trong khi phần lớn các trường đại học phương Tây sử dụng internet như là một phương tiện học tập, thì ở nước ta công nghệ này chủ yếu chỉ tập trung vào những website màu mè, nhưng lại thiếu thông tin. Ngay cả giáo sư cũng không sử dụng địa chỉ email của trường!"

Có lẽ GS Nguyễn Văn Tuấn chưa .... sử dụng internet ở những trường ĐH VN nên chưa biết hết nguyên nhân. Theo tôi, đúng là có rất nhiều GS ở các trường ĐH VN không quan tâm đến internet nhưng không phải tất cả, có những GS rất tâm huyết và tiên phong ứng dụng internet vô đào tạo nhưng tiếc rằng hạ tầng CNTT ở trường ĐH không cho phép họ thực hiện những mong muốn của mình. Trường ĐH đã không cung cấp được phương tiện để họ làm việc. Còn việc "Ngay cả giáo sư cũng không sử dụng địa chỉ email của trường!" thì xin hỏi: Có xài được hay k? Tôi tin rằng các GS cũng rất muốn sử dụng email của trường minh lam việc như một "danh xưng" khoa hoc nhưng liệu hệ thống email của trường có đảm bảo được yếu tố kĩ thuật và tiện ích để các GS "xưng" không?
Còn nguyên nhân tại sao các trường ĐH không "sử dụng internet như là một phương tiện học tập" thì theo tôi nguyên nhân chủ yếu ở vấn đề quản trị của Hiệu trưởng. Nhiều người cho rằng do nghèo không có tiền để trang bị trang thiết bị và công nghệ. Xin thưa, chúng ta dư tiền để làm việc đó. Để "sử dụng internet như là một phương tiện học tập" thì có nhiều phương pháp và lộ trình triển khai ứng dụng CNTT vô trường học chỉ cần trường ĐH thay đổi tư duy quản lí và nâng cao năng lực quản lí.
(Ví dụ để minh chứng:
1. Hiện nay trường ĐH NV va ĐHVH TpHCM triển khai hệ thống wifi. Việc này không xuất phát từ chiến lược ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu mà xuất phát từ FPT, Viettel tài trợ với mục đích thương mại. Cho nen, ở văn phòng các khoa. sóng wifi rất yếu, có cũng như không.[/justify]
2. Hệ thống mang Lan của hai trường này rất yếu, chưa nói đến việc khai thác mạng Lan để phục vụ cong tác quản lí, đào tạo. Cho nên nói đến Intranet là điều ..."mơ về nơi xa lắm" )
RANDOM_AVATAR
TranHieu
 
Bài viết: 74
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 22:06
Đến từ: Cty Viet Thai Son
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi ngungudainguyensoai » Thứ 4 19/03/08 9:01

Đây là bai viết của TS Nguyễn Quang A
nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/skbl/200 ... 09.laodong

20 ngàn tiến sĩ và hơn 114 ngàn học sinh bỏ học
Lao Động Cuối tuần số 11 Ngày 16/03/2008 Cập nhật: 7:49 AM, 16/03/2008

[justify](LĐCT) - Đầu năm 2007 dư luận xôn xao về dự án đào tạo 20.000 tiến sĩ của Nhà nước trong vòng 10 năm, trung bình mỗi năm 2.000 tiến sĩ. Đầu năm nay dư luận nóng lên vì thực tiễn hơn 114 ngàn học sinh trung học bỏ học.

Theo thông báo của chuyến thăm Anh vừa qua của Thủ tướng, 7 trường đại học hàng đầu của Anh sẽ hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua việc tăng cường số giảng viên Việt Nam được đào tạo tiến sĩ tại Anh.

Theo thoả thuận đào tạo tiến sĩ cho Việt Nam tại Đức, kể từ năm 2008 các trường đại học thuộc bang Hessen sẽ tiếp nhận 85 nghiên cứu sinh Việt Nam theo học ở nhiều chuyên ngành mỗi năm. Số nghiên cứu sinh theo học ở Đức chắc phải lên đến vài trăm.

Đầu năm ngoái Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ và theo đó phía Mỹ "sẽ hỗ trợ giúp Việt Nam quản lý chương trình 322 về đào tạo tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Mỗi năm Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ sẽ đào tạo giúp Việt Nam 200 tiến sĩ trong tất cả các ngành theo yêu cầu của Việt Nam". Và còn Pháp, Nhật, Úc...

Những thông tin thật đáng "phấn khởi". Nhưng không thấy nói rõ kinh phí đào tạo lấy từ đâu (trừ trường hợp Mỹ vì chương trình 322 lấy tiền ngân sách để đào tạo tiến sĩ), nếu Nhà nước Việt Nam đủ tiền thì chắc có thể đào tạo cả 2.000 tiến sĩ ở nước ngoài mỗi năm.

Các trường đại học trên khắp thế giới sẽ rất vui lòng nhận những nghiên cứu sinh đạt tiêu chuẩn của họ theo học khi chúng ta trả phí đào tạo cho họ. Đối với nước họ, đây là khoản xuất khẩu dịch vụ rất tốt. Kế hoạch là mỗi năm đưa từ 400 đến 600 người đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Những thông tin trên cho thấy chắc Bộ GD-ĐT làm "rất tốt" công việc này.

Nhưng, đào tạo tiến sĩ để làm gì? Đào tạo cho ai? Đào tạo những ngành nghề gì? Liệu Nhà nước có thể trả lời cho các câu hỏi ấy? Đấy có phải là việc của Nhà nước hay không? Những câu hỏi này cũng cần được trả lời. Trong thời khi tất cả công nhân, kỹ sư, nhà khoa học đều làm việc cho Nhà nước, thì Nhà nước có thể có câu trả lời, nay thì không hoàn toàn. Chỉ một phần nhỏ của đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học là cho Nhà nước và cơ chế thị trường đóng vai trò đáng kể.

Nếu bàn cãi để có câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi này thì rất có thể thấy rằng, đấy chưa chắc đã là việc của Nhà nước và nếu cần làm cũng không nên làm theo kiểu mang nặng tính "kế hoạch tập trung" như vậy.

Ngược với đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học, trong giáo dục đào tạo ở bậc phổ thông, nhất là các bậc cấp thấp, vai trò của Nhà nước (trung ương và địa phương) to lớn hơn nhiều. Chăm lo cho mọi trẻ em đều có thể đến trường là một trong những việc chủ yếu của Nhà nước. Hơn 114 ngàn học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở bỏ học là một dấu hiệu về sự yếu kém của hệ thống giáo dục đã tồn tại từ lâu nay mới bục ra.

Bộ Giáo dục-Đào tạo không cho biết số học sinh tiểu học bỏ học là bao nhiêu. Bộ cố tìm nguyên nhân và cho rằng "có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tác động của hoàn cảnh kinh tế khó khăn và hệ quả của cuộc vận động "nói không với bệnh thành tích và chống ngồi nhầm lớp"..., nhiều học sinh chán nản khi có kết quả học lực yếu kém, phải lưu ban nên đành bỏ học".

Tôi nghĩ đó không phải là nguyên nhân chủ yếu, mà chỉ là những tác động nhỏ nhưng cũng đủ để làm cho ung nhọt vỡ ra, chứ không phải những nguyên nhân gây ra ung nhọt. Những nguyên nhân chính là: Hệ thống giáo dục đã không cung ứng được dịch vụ mà khách hàng (học sinh, gia đình, xã hội) mong đợi, họ không hay chưa cảm thấy cái hệ thống giáo dục cung cấp là cần cho cuộc sống của họ; hệ thống do Luật Giáo dục quy định không hợp lý [ở nhiều mặt mà ở đây chúng ta chỉ nêu một điểm là ở] cấp trung học phổ thông.

Học sinh học hết trung học cơ sở hầu như chỉ có 1 kênh đi tiếp: lên trung học phổ thông, vào đại học. Lẽ ra một phần đáng kể nên rẽ sang trung học nghề (ra trường có thể đi làm ngay nhưng cũng có thể lên tiếp đại học nếu học giỏi, nhưng mục đích là đào tạo thợ). Ai cũng kêu chúng ta thừa thầy thiếu thợ chủ yếu là vì lẽ đó. Đây là một lỗi hệ thống cần sửa ngay ở mức luật và là một nguyên nhân chính của hiện tượng học sinh trung học phổ thông bỏ học đi làm.

Nguyên nhân chủ yếu nữa là hệ thống giáo dục dạy cái học sinh không cần và cái chúng cần thì không được dạy. Hình như hệ thống vẫn (vô tình hay hữu ý) muốn "nhào nặn" ra những con người theo khuôn mẫu đồng đều theo ý chủ quan của nó, chứ không phải những con người sáng tạo, tự chủ, đa dạng, có kỹ năng phù hợp với sự phát triển kinh tế và xã hội. Lỗi này ở khắp các cấp học và thể hiện ra ở chương trình học, nội dung học, phương pháp giảng dạy. Đây là lỗi hệ thống trầm trọng mà việc sửa chữa cần có quyết tâm chính trị rất cao.

Bất cứ tổ chức nào làm rất tốt những việc không phải của mình và đồng thời làm tồi (hay sao nhãng) công việc chính của mình, thì đó là tai hoạ. Có học sinh "ngồi nhầm lớp" bởi có các [cơ] quan "làm nhầm việc". Mà cái nhầm sau thì tai hại hơn cái trước rất nhiều và giáo dục chỉ là lĩnh vực lấy làm ví dụ.
Nguyễn Quang A[/justify]

Hình như trường mình cũng đang cố gắng "tiến sĩ hóa" các Giảng viên.
Tôi trang trọng thề rằng: Tôi vô tích sự !
(Trích: Harry Porter)
RANDOM_AVATAR
ngungudainguyensoai
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: Thứ 4 03/10/07 21:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi quoctuu » Thứ 4 26/03/08 22:45

Tuổi Trẻ
Thứ Bảy, 22/03/2008, 16:46 (GMT+7)

[justify]Bốn đề xuất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo


Tuần trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo định kỳ tháng 3-2008. Tại đây, các quan chức của ngành đã phải công khai thừa nhận rằng có tới gần 119.000 học sinh (HS) trên cả nước đã bỏ học sau học kỳ I năm nay.

Trước sự thật phũ phàng đó, Bộ GD-ĐT đã có phản ứng gì? Trước hết, họ phân tích năm nhóm nguyên nhân HS bỏ học (song lại không nêu được nguyên nhân quan trọng nhất), sau đó nêu “cách làm mới” là “dạy học linh hoạt” và “chốt” lại vấn đề bằng quyết tâm “tập trung giải quyết các điểm nóng”.

Điều đáng buồn là một lần nữa, Bộ GD-ĐT đã không dám đối mặt trực diện với những đòi hỏi, thách thức của công luận và vẫn cứ điềm nhiên đi theo vết xe đổ.

Giáo dục phổ thông đã quá kém hiệu quả

Có thể nói giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay, Bộ GD-ĐT đã vận dụng đủ “chiêu” để cải tiến chương trình đào tạo mà như nhiều người đánh giá, cải tiến thành “cải lùi”. Với tham vọng cung cấp cho thế hệ trẻ một hành trang tri thức thật đầy đủ để họ vững bước vào đời, các chương trình, giáo án, sách giáo khoa được biên soạn công phu, tốn biết bao tiền của và công sức của các học giả (và của các bậc phụ huynh) xem ra đã bị phá sản từ lâu.

Từ lớp 1 đến lớp 12, con em của chúng ta vừa bị “hành hạ” về mặt thể xác đến nỗi còi cọc bởi những chiếc cặp nặng hàng năm, bảy ký, vừa bị nhồi nhét quá sức chịu đựng về kiến thức. Biết bao ý kiến đã khẳng định khoảng một phần ba, thậm chí một nửa số kiến thức mà các thầy cô nhồi nhét cho HS là vô bổ! Thành thử, nói chung HS sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì “chẳng biết gì”, còn HS đã tốt nghiệp trung học phổ thông thì “phần lớn chữ đã trả cho thầy”, cho nên những em không may mắn được học đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, phải bước vào cuộc sống lao động để phụ giúp gia đình thì đến đâu cũng bị chê là vô dụng…

Ngay từ đầu cấp trung học cơ sở, các em đã bị thầy cô nhồi nhét quá nhiều kiến thức khoa học không phù hợp với nhận thức của thanh thiếu niên, với trình độ của lứa tuổi nên các em bắt buộc phải học vẹt, mà đã học vẹt thì nhất định “học trước quên sau”, nhất định “chữ thầy trả cho thầy”. Một điều hết sức rõ ràng là rất nhiều HS không thể tự trình bày chính xác, đúng ngữ pháp tiếng Việt một vấn đề đơn giản trong khuôn khổ một trang giấy, nhưng ở trường, các em thường xuyên phải phân tích, bình giảng những tác phẩm rất khó của các nhà văn nổi tiếng từ thế kỷ trước, chẳng hạn Truyện Kiều, thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Huy Cận, Chế Lan Viên… để rồi chẳng bao lâu sau quên hết cả, lẫn lộn lung tung nhà văn này với nhà thơ khác, anh hùng này với vị vua khác.

Chương trình dạy đầy tham vọng của Bộ GD-ĐT đã vô hình buộc HS không thích học, học chỉ là cách đối phó với thầy cô, đến trường không còn là niềm vui, mà là sự bắt buộc. Chương trình ấy đã cho ra lò những lứa HS tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học đầy “khuyết tật”. Nguyên do là không nắm vững những kiến thức cơ bản nhất, cần thiết nhất đối với lứa tuổi, mà bị quá nhiều kiến thức cao quá tầm làm rối trí, các em dễ dàng mắc phải những sai lầm rất thiển cận trong cuộc sống, phải trả giá bằng sự hiểu biết hỗn độn mớ kiến thức dày đặc mà các thầy cô đã nhồi nhét cho.

Ngoài việc bản thân nhiều thầy cô chưa hiểu thấu đáo được điều mình cần dạy, lại có cả trường hợp một số thầy cô vì say mê với cái hay, cái đẹp của khoa học đã vô tình làm thui chột học trò mình. Xin đơn cử một thí dụ: Khi học về cơ học (chương trình lớp 10), ở một trường, thầy cô đã soạn cuốn sách bao gồm những bài toán cơ học khá phức tạp để rèn học sinh, buộc HS phải tốn hàng giờ để làm cho được những bài toán mà thực chất thì sinh viên năm thứ hai của trường đại học kỹ thuật chưa chắc đã giải nổi!

Đại học cũng quá nhiều bất cập

Cái sự học ở cấp phổ thông sơ sơ là thế, còn ở đại học thì càng nhiêu khê. Thời nay, cái xấu trong cơ chế thị trường đã tác động khá tiêu cực vào các trường đại học, khiến nhiều thầy cô không còn giữ được chuẩn mực của chính những “người lái đò” nữa. Sinh viên ráng thi xong một môn học rồi cũng “chữ thầy trả thầy”, bởi đơn giản là cách dạy của các thầy cô vẫn lấy “nhồi nhét” làm chính, sinh viên vẫn phải học để đối phó, vì vậy, chuyện xin điểm, mua điểm, sao chép kiến thức của người khác là khá phổ biến. Đến khi tốt nghiệp, ra trường họ không còn được bao nhiêu kiến thức cần có của một cử nhân hay kỹ sư, do đó thường bị các doanh nghiệp chê hoặc phải đào tạo lại.

Nếu ở một số trường đại học khối kinh tế - tài chính - ngân hàng, các thầy cô “tung hết lực” để viết sách bán cho trò (cũng là một cách tăng thu nhập) khiến trò rối tinh vì có khi một môn học của một bộ môn mà có hai, ba giáo trình khác nhau. Sinh viên nào lỡ mua trước sách do thầy A viết mà khi học lại được nghe thầy B giảng thì “khôn hồn” phải tìm mua thêm cuốn sách nữa của thầy B! Ngược lại, ở đôi ba trường khối đại học kỹ thuật, chẳng thấy thầy cô viết giáo trình, trò cứ phải vào thư viện tìm những cuốn giáo trình đã được xuất bản từ… 30 năm trước (hoặc sách cũ tái bản) để học.

Xin Bộ trưởng hãy chủ động nhận lấy phần việc của chính mình!

Trở lại chuyện đại sự là cải cách giáo dục, đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn lo “tập trung giải quyết các điểm nóng” thì rõ ràng, họ vẫn đang “xây nhà từ nóc”. Đã tưởng từ khi bộ này có bộ trưởng mới thì phải có những tiến bộ thấy được, nhưng cái mới xem ra chỉ là “nói không với…” hoặc “ba không” rất đúng nghĩa hô hào! Có ý kiến mạnh miệng cho rằng cổ hủ, trì trệ, quan liêu, chậm tiến nhất ở Việt Nam chính là Bộ GD-ĐT! Kết luận đó có phần hơi quá, nhưng phải chăng, với sự tình như hiện nay, Bộ GD-ĐT đang cần, rất đang cần một cuộc cải cách lớn?

Cần quay lại đối diện với thực tế. Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang rất cần lao động trẻ có tri thức, được đào tạo nghề để cung cấp cho hàng trăm nhà máy liên tục được khánh thành, song con số 119 ngàn HS ở nông thôn bỏ học đã nêu (năm học 2002-2003 còn lên tới hơn 550 ngàn) thì thử hỏi chúng ta đã tốn kém biết bao nhiêu tiền của đầu tư cho GD-ĐT mà mỗi năm, ngần ấy con người trẻ bị thất nghiệp, cho dù nhà máy, xí nghiệp mới đã, đang và sẽ tiếp tục lên ngay trên quê hương họ! Có phải nếu tính đúng, tính đủ thì hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng đã bị ngành GD-ĐT vứt xuống sông, xuống biển?

Theo như chính những người hoạt động trong ngành, Bộ đã chi nhiều khoản phi lý nhưng không hề mang lại hiệu quả. Đã vậy mới đây lại còn bị phát giác là để không ít “các cây đại thụ ăn dầm nằm dề”, đến tuổi về hưu không chịu nghỉ, cố giữ lấy cái ghế để làm trì trệ quá trình đổi mới của ngành. Sự bất cập, khập khiễng trong chương trình GD-ĐT đã quá rõ ràng, nhưng tại sao Bộ GD-ĐT vẫn còn phải “xem xét xem có như dư luận đề cập không” như đã nêu trong cuộc họp báo ngày 12-3? Hơn bao giờ hết, Bộ trưởng GD-ĐT phải trực tiếp và kiên quyết bắt tay vào công việc cải cách một cách triệt để, không nên chờ đợi, cũng không thể làm từng bước theo kiểu cũ hoặc vận dụng “dạy học linh hoạt” được.

Xin nêu vài đề xuất thiết thực nhất với Bộ trưởng:

1. Đặt rõ mục tiêu giảm tải chương trình giáo dục phổ thông, đặt trọng tâm vào giáo dục trung học nhằm đảo bảo đúng và đủ yêu cầu về nền chuẩn kiến thức cho HS cả nước (căn cứ vào mặt bằng chung chứ không phải là dựa vào số ít HS tại thành thị), giảm mạnh những phần kiến thức cao siêu, tăng cường cung cấp những kiến thức khoa học phổ thông để thực sự nâng cao kỹ năng sống và chuẩn bị hành trang tri thức phù hợp cho HS tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giúp họ dễ dàng chuyển sang học tập thêm hai năm ở trường trung cấp kỹ thuật (đối với HS đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở không có điều kiện học tiếp) và hai năm ở trường cao đẳng (đối với HS đã tốt nghiệp trung học phổ thông).

2. Coi trọng truyền đạt kiến thức bằng việc minh họa thực tế. Không lấy những khó khăn về điều kiện thí nghiệm mà đổ cho việc “dạy chay, học chay”. Hiện nay, chúng ta thừa khả năng cung cấp cho các trường phổ thông đủ số bộ tivi - đầu đĩa cần thiết và vượt qua trở ngại về điều kiện thí nghiệm thực tế bằng theo dõi phim truyền hình (một nghe không bằng mười thấy!). Như vậy, nên chăng có một cơ quan của Bộ GD-ĐT chuyên lo sản xuất các chương trình truyền hình cho các môn học (nguồn cung cấp thể loại phim này rất nhiều, rất đa dạng và dễ hiểu, vấn đề chỉ là lựa chọn từng đoạn phim thích hợp để phối hợp thành những bộ phim phù hợp với nội dung giảng dạy)?

3. Song song với việc củng cố chương trình giáo dục phổ thông, đặt ra mục tiêu mỗi huyện có ít nhất ba trường trung học dạy nghề, hai trường cao đẳng để chuẩn bị tiếp nhận đào tạo nghề cho các HS đã tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ưu tiên ngay việc tăng cường đào tạo các thầy cô đủ trình độ giảng dạy tại các trường trung học dạy nghề và cao đẳng, đồng thời có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với thầy cô ở các trường này.

4. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học (do đây là vấn đề lớn và tương đối phức tạp, xin được trình bày nhiều hơn vào dịp thích hợp).

Theo PHAN LÊ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần[/justify]
RANDOM_AVATAR
quoctuu
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 6 14/03/08 22:09
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến11 khách