Chùa Một Cột – Biểu Tượng Văn Hóa Dân Tộc

Chuyên mục này dành cho những vấn đề có thể cùng lúc liên quan đến trên một hoặc tất cả các nhóm chủ đề khác như: lý luận văn hoá học, văn hoá Việt Nam, văn hoá thế giới, văn hoá học ứng dụng...

Chùa Một Cột – Biểu Tượng Văn Hóa Dân Tộc

Gửi bàigửi bởi duongminh163 » Thứ 7 18/05/13 16:53

Chùa Một Cột – Biểu Tượng Văn Hóa Dân Tộc

I. Dẫn nhập
1. Mục đích nghiên cứu
2. Phạm vi nghiên cứu
3. Phương pháp nghiên cứu
II. Nội dung
1. Ký ức tín ngưỡng
2. Ký ức văn bản
3. Ký ức không gian
4. Ký ức tôn giáo
5. Ký ức lễ nghi
III. Kết luận

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Chùa Một Cột – Biểu Tượng Văn Hóa Dân Tộc


I. Dẫn nhập
1. Mục đích nghiên cứu


Chùa Một Cột hay Chùa Mật (gọi theo Hán - Việt là Nhất Trụ tháp 一 柱 塔), còn có tên khác là Diên Hựu tự (延 祐 寺) hoặc Liên Hoa Đài (蓮 花 臺, đài hoa sen). Là một kiến trúc Phật giáo, tọa lạc bên trong quần thể di tích bảo tồn Hồ Chí Minh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Khi đề cập đến một triều đại huy hoàng và phồn thịnh cho dân tộc về khía cạnh xã hội nhân sinh lẫn sự hoàn thiện tâm linh Phật Giáo, thì không đâu khác người ta không nhắc đến biểu tượng của sự phồn thịnh được cụ thể hoá bằng hình ảnh Chùa Một Cột (Diên Hựu Tự).
Như chúng ta biết rằng, chùa Một Cột trở thành biểu tượng mã hóa từ nhiều chất liệu khác nhau ví dụ như từ tranh vẽ trên giấy, chạm khắc tranh đồng đến những đồ lưu niệm bằng gỗ, đá, tranh thêu …và đặc biệt hơn là trở thành một biểu tượng trong đồng tiền xu Việt Nam. Sự độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá trong hồ nước được coi là biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Một ngôi chùa tưởng như rất nhỏ bé mong manh, có lẽ cả thế giới chỉ Việt Nam mới có ngôi chùa kiến trúc siêu nhỏ như vậy nhưng giá trị biểu tượng văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn và trường tồn cùng dân tộc. Một ngôi chùa giữa hồ nước chỉ đủ chỗ cho mấy bát hương, một pho tượng, không tường hào, không tháp chuông, không cổng tam quan nhưng vẫn uy nghiêm trong tâm hồn dân tộc, là hình ảnh đặc trưng của dân tộc Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng rất vững vàng trong dòng chảy của lịch sử nhân loại. Vì vậy, biểu tượng chùa Một Cột có ý nghĩa và quan trọng khi chúng ta nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Vậy, giá trị tính biểu tượng của chùa Một Cột như thế nào? Có giá trị lịch sử ra sao? Về tín ngưỡng tâm linh cũng như đặc điểm về giá trị văn hóa như thế nào? Để hiểu rõ các vấn đề này, chúng ta sẽ tìm hiểu và phân tích đề tài: Chùa Một Cột – Biểu Tượng Văn Hóa Dân Tộc.

2. Phạm vi nghiên cứu
Theo mục đích trên thì nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm của chuyên đề là tiếp cận cơ sở, đặc điểm, những phạm trù cơ bản, những mô hình, giá trị phổ quát của biểu tượng văn hóa. Phạm vi của chuyên đề là nghiên cứu biểu tượng văn hóa về Chùa Diên Hựu. Để thực hiện đề tài này, người viết sưu tập những tài liệu có liên quan, các quan điểm cá nhân của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học và các nguồn kiến thức từ nhiều tài liệu khác nhau.
Người viết tin rằng, với một số quan điểm được đề cập trong bài tiểu luận này, tuy không phải là vấn đề lớn lao vĩ đại, nhưng nó cũng góp phần giúp cho người đọc hiểu rõ được giá trị của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu về Chùa Diên Hựu – Biểu tượng văn hóa dân tộc là một nội dung quan trọng nhằm tìm hiểu các chức năng mang tính đặc thù qua các ký ức tín ngưỡng, ký ức văn bản, ký ức không gian, ký ức tôn giáo và ký ức lễ nghi.
Vì đây là bài tiểu luận có độ dài và thời gian giới hạn cho phép, với kiến thức còn hạn hẹp của người nghiên cứu. Chúng tôi trình bày đề tài tiểu luận dưới dạng mắt thấy tai nghe kết hợp những tài liệu tham khảo, những bài giảng trên lớp từ Thầy Cô, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, từ sự hiểu biết của mọi người xung quanh qua hình thức nhìn từ góc độ phân tích, nhận xét và đánh giá để nêu lên quan điểm của người viết về đề tài, và nhằm mang lại giá trị thực tiễn đóng góp cao của đề tài.

II. Nội dung
Trước hết, câu hỏi được đặt ra Biểu tượng là gì? Theo Đoàn Văn Chúc trong tác phẩm Văn Hóa Học, cho rằng: “Biểu tượng bao gồm mọi dạng thức hình ảnh, tĩnh cũng như động (tĩnh: dáng vẻ một ngôi chùa, một pho tượng, một bức tranh…; động: một điệu múa, một cảnh kịch, một đám rước, một chuỗi hành động trong điện ảnh…) tác dụng đến cơ chế chức năng chủ yếu là của tai và của mắt, gây trong tâm hồn người những rung động khoái trá về chúng, tất nhiên với các mức độ và khía cạnh khác nhau. Biểu tượng bao gồm từ các hình tượng trong tác phẩm văn nghệ đến các biểu tượng, biểu trưng, biểu hiện, đến các khuôn mẫu ứng xử trong đời sống nghi thức hằng ngày hoặc trong các dịp phân kỳ tiết tấu đời sống xã hội.” Như vậy, nghiên cứu Chùa Một Cột – Biểu Tượng Văn Hóa Dân Tộc, thông qua ký ức tín ngưỡng, ký ức văn bản, ký ức không gian, ký ức tôn giáo và ký ức lễ nghi sẽ giải thích rõ các vấn đề cơ bản của một sự vật mang tính biểu tượng; cụ thể là hình ảnh chùa Một Cột.
Và nói đến chùa Một Cột ngoài ý nghĩa tâm linh, ta không thể không nói đến kiến trúc độc đáo của quần thể di tích này. Đây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Qua dòng chảy thời gian năm tháng, Chùa đã bị hư hoại rất nhiều. Và ngày nay qua các lần trùng tu, được xây dựng sửa chữa lại hình ảnh khác hơn so với nguyên mẫu gốc, nhưng điều đó cũng không có nghĩa làm mất đi các giá trị vốn có của nó.
Sự hiện diện của ngôi chùa Một Cột là nhắc nhở chúng ta biết rằng có một cụm kiến trúc độc đáo, nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của hội họa mang đậm tính văn hóa, tính nghệ thuật của cả dân tộc.

1. Ký ức tín ngưỡng
Chùa Một Cột không đơn thuần chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà quan trọng và cao cả hơn đó là sự thể hiện trọn vẹn cái tâm linh độc đáo của dân tộc. Với chiếc cột độc nhất dựng sừng sững giữa hồ biểu hiện cho tín ngưỡng về nguồn sống vũ trụ, về Âm Dương hoà hợp sáng tạo... Chùa Một Cột biểu hiện được một cách trọn vẹn cái tinh thần tín ngưỡng đặc biệt của người Việt Nam dưới triều đại thời Lý. Từ tinh thần tín ngưỡng dẫn đến các công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng khắp nơi.
Đó chính là sự dung hoà một cách hoàn mỹ giữa tinh thần sống nhập thế của Phật Giáo với lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, chùa Một Cột còn là nơi tín ngưỡng tâm lý không chỉ nhân dân mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của triều đình.
Vì thế, chúng ta có thể nghĩ đến tinh thần đó là do xuất phát từ tư duy nông nghiệp, để cầu cho vụ mùa bội thu và đương nhiên cầu cho sự trường tồn của cả dân tộc cũng như của triều đình.
Với chùa Một Cột, ước vọng này được biểu hiện là cầu mong đức Phật với trí tuệ viên mãn hãy ban cho thế gian nguồn sinh khí tràn đầy, truyền qua đất và nước để mọi chúng sinh trong cõi sa bà này được hưởng hạnh phúc. Đó chính là tâm tư nguyện vọng tín ngưỡng của người dân Việt Nam mong cầu bình an, hạnh phúc.

2. Ký ức văn bản
Năm 1049, một hôm vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm hiện ra, đưa nhà vua đến một tòa sen có ánh sáng toả chiếu rạng ngời. Sau khi tỉnh dậy, Vua thuật lại câu chuyện cho triều thần cùng nghe. Thiền sư Thiền Tuệ, là người luôn kề cận làm cố vấn cho nhà Vua cả việc triều chính cũng như trên đường đạo hạnh, mới tâu với Vua rằng: đây chắc hẳn là điềm lành nên mới được Bồ Tát lân mẫn như thế. Vua nên dựng một ngôi chùa để kỷ niệm và nhớ tưởng ân đức của Bồ Tát Quán Âm. Và thế là nhà Vua rất hoan hỉ nên cho dựng chùa giữa hồ Linh Chiểu, trong vườn Tây Cấm gần Kinh đô Thăng Long. Chùa Diên Hựu được dựng trên một cây cột lớn độc nhất, đỉnh cột là một bông sen nghìn cánh, trên bông sen đặt một tòa nhà đỏ thẫm và trong nhà có tượng Phật Bà Quan Âm mình vàng.
Về kiến trúc, chùa Diên Hựu là một lầu gỗ hình vuông đặt trên một cột đá dựng giữa một hồ nước. Lầu được kiền chắc chắn bằng một hệ thống con sơn sóc nách gỗ. Tất cả tượng hình cho một bông sen vươn lên khỏi mặt nước. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi: “Mùa đông tháng 10 âm lịch, dựng chùa Diên Hựu ở vườn Tây cấm (bên phía Tây cấm thành Thăng Long). Trước đấy vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Ðức Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi vua tỉnh dậy, vua đem việc đó trình bày với quần thần, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột trụ như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh, cầu cho vua trường thọ.” Năm 1105 vua Lý Nhân Tông lại cho sửa sang lại, tô điểm Liên Hoa Ðài, đào thêm hồ, xây tháp báu lợp sứ trắng ở phía trước. Văn bia tháp Sùng thiện Diên Linh chùa Ðọi ở Hà Nam có đoạn ghi như sau: “Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột đá hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ thẫm, trong đền đặt một pho tượng Quan Âm sắc vàng. Vòng quanh ao có dẫy hành lang trang trí bằng những hình vẽ bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, mỗi phía đều bắc cầu cong để đi lại. Sân trước mặt, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly...” Đến thời nhà Trần, mùa xuân, tháng giêng, năm 1249, Vua Trần Thái Tông xuống chiếu sửa lại chùa Diên Hựu nhưng vẫn làm ở nền cũ. Chùa Một Cột về sau còn được trùng tu vào khoảng những năm 1840 - 1850 và vào năm 1922. Đài Liên Hoa hiện nay được trùng tu năm 1955 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng chỉ đạo.
Trước chùa Một Cột ngày nay còn có một ngôi chùa và cổng tam quan, với ba chữ “Diên Hựu Tự”, là một ngôi chùa mới được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 18. Như vậy, chùa Một Cột ở Hà Nội hiện nay là cả một khuôn viên của một quần thể kiến trúc, gồm chính điện thờ Tam Bảo, nhà Tổ, nhà khách v.v. Mặc dù có lịch sử gắn liền với lịch sử Thăng Long, và là biểu tượng dân tộc với ngàn năm văn vật.

3. Ký ức không gian
Chùa Diên Hựu được cụ thể hoá hình ảnh hoa sen vươn lên giữa hồ nước, với ý niệm là một bông sen mọc từ dưới nước lên và đã mô tả nguồn cảm hứng nghệ thuật Phật Giáo của dân tộc ngay từ thuở đầu triều đại oanh liệt nhất trong lịch sử độc lập dân tộc. Đặc biệt ở đây, tinh thần Phật Giáo được hiện sinh rõ ràng trong nguồn sống của dân tộc. Bông sen nghìn cánh trong Phật giáo tượng trưng cho trí tuệ viên mãn, biểu tượng của sự an lạc thanh bình thực tại và giải thoát hoàn toàn về tâm linh.
Thật ra, lối kiến trúc một cột cũng đã bắt gặp từ trước đời nhà Lý. “Ở Hoa Lư, Ninh Bình trong ngôi chùa con gái vua Đinh Tiên Hoàng, có một cây cột đá cao, sáu cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm, đề niên hiệu thời Lê Hoàn (981 - 1005).” Phía trên cột là tòa sen chạm. Như vậy, trước khi xây chùa Một Cột, lối kiến trúc đó đã có ảnh hưởng ít nhiều. Nhất là hình ảnh hoa sen rất gần gũi trong đời sống văn hoá phương Đông, là vùng cận nhiệt đới, là nơi lí tưởng cho sự sinh trưởng với nhiều chủng loại hoa sen. Ở phương Đông, từ khắp làng quê, những nơi đền chùa, cho đến cả đền đài cung điện của vương tôn công tử xa xưa, đâu đâu cũng có sự toả ngát của sắc mầu và hương quyện hoa sen. Người ta trồng hoa sen không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu sa của hoa, mà còn cao cả hơn là tôn vinh cái đặc tính thoát tục từ trong chính sự sống đầy ô nhiễm này.
Và hoa sen là hình ảnh không chỉ mang giá trị thanh tao thoát tục đứng về mặt thế gian tính mà còn mang tính siêu thoát được Tịnh độ tông Phật giáo lấy làm biểu tượng. Chính vì vậy mà ngay cả những vị hoàng thân quốc thích của các triều vua đều rất quí trọng hoa sen. Vị hoàng tử thứ tám, con của vua Lý Thái Tông là Lý Nhật Quang được vua cha phong làm Uy Minh Hầu trấn châu Nghệ An, sau khi qua đời lăng mộ ông được đắp bao quanh một toà sen rất đơn giản, bên trong chỉ trồng cỏ. Hiện nay vẫn còn nguyên vẹn tại đền Quả Sơn, Đô Lương, Nghệ An.
Bông sen nghìn cánh của chùa Một Cột không chỉ mang ý nghĩa đơn giản là bông sen mà Quan Âm dẫn vua nhà Lý bước lên đó như trong một giấc mơ, mà nó còn là biểu tượng của trí tuệ, của sự trường tồn, sự giải thoát qua nhận thức đậm chất trí tuệ để đi tới niết bàn, giải thoát. Niết bàn là vĩnh cửu gắn với ước vọng của đương thời về sự tồn tại của dân tộc, làm nảy sinh tên chùa Một Cột hay Diên Hựu tự.
Ở đây có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng hoa sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng, đặc biệt là sử dụng các cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ như đường lượn của cánh sen, thiếp lập sự hài hoà giữa mái và sàn bởi một đối xứng ảo.
Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: Lòng nhân ái soi tỏ thế gian. Khối kiến trúc gỗ đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch. Cảm giác thanh cao của kiến trúc như chia xẻ, hoà đồng với trời nước, và màu xanh của cây lá khiến con người rũ sạch ưu phiền, đạt tới sự trong sáng của tâm hồn.

4. Ký ức tôn giáo
Phật giáo du nhập vào nước ta từ rất sớm. Giao Châu từng là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng một thời. Nhưng phải đến thời Lý, người Việt Nam mới xây dựng được một đạo Phật mang đặc điểm dân tộc rõ nét, đánh dấu bằng sự ra đời của Thiền phái Thảo Đường (1096 - 1205) cũng như các vị Vua và các Thiền sư lỗi lạc... Dưới ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo Thiền Tông thời Lý, kiến trúc nghệ thuật xây chùa, tháp, đúc tượng đã đạt được những thành tựu rực rỡ. “Chùa chiền mọc lên khắp nơi và trở thành biểu tượng của Phật giáo. Chùa thời Lý được chia làm 3 hạng: Đại, Trung và Tiểu danh lam. Nổi lên các chùa lớn là chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Hà Nam). Năm 1049, Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu, dựng cột đá ở giữa ao, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột đá.”
Lịch sử quá trình phát triển Phật giáo là lịch sử hiện sinh của triết lí “Nhân Bản” vô cùng uyển chuyển và sống động. Đạo Phật là thực tại sinh hoạt tinh thần và vật chất hiện hữu trong cuộc đời, là đường lối sống, cách sống và lẽ sống giản đơn trong sâu thẩm mạch sống của nhân gian. Đấy quả thật là nền văn hoá hiện sinh màu nhiệm, quán thống vũ trụ nhân sinh, lấy con người làm đối tượng để giải quyết những việc của con người, lấy tinh thần phụng sự làm mục tiêu đặt trên nền tảng nhân tính là xây dựng một xã hội công bằng, hợp lí; đồng thời thừa nhận những giá trị cũng như khả năng của con người về khả năng sáng tạo nghệ thuật, làm chủ tự nhiên.
Chúng ta luôn tự hào với nền văn hoá dân tộc. Trong niềm tự hào về những di sản của cha ông, chúng ta phải kể đến kiến trúc Phật giáo. Những ngôi chùa, những ngôi tháp chính là biểu tựơng làm tô đẹp cho non nước Việt Nam. Nhờ những kỹ thuật về kiến trúc và kinh nghiệm phối hợp với không gian thiên nhiên và đặc biệt là tâm huyết với những ước mong cho sự phồn vinh của cả dân tộc và hơn hết là cho sự bình yên và tự chủ của dân tộc này được gởi gấm trong đó.

5. Ký ức lễ nghi
Theo Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của giáo sư Lê Mạnh Thát có nói rằng: “Hằng tháng cứ ngày mồng một, rằm và mùa hạ ngày mồng 8 tháng 4, xe vua ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật.” Các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.
Đời Lý Nhân Tông, nǎm Anh Vũ Chiêu Thánh 5 (1080) vua cho đúc chuông lớn để treo ở chùa gọi là “Giác Thế chung” (chuông thức tỉnh người đời) và một toà phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng, nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở, được gọi là ruộng Quy Điền và quả chuông cũng được gọi là chuông Quy Điền. Khi quân Minh bị bao vây ở Đông Quan, hết quân khí, Vương Thông đã cho phá quả chuông này để đúc súng đạn. Sau khi Lê Lợi đem nghĩa quân Lam Sơn đánh tan quân Minh, đất nước được hưởng thái bình thịnh trị, chuông Quy Điền cũng không còn nữa.
Tương truyền rằng khi Lý Thánh Tông chưa có Hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm, Vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm mời lên lầu ngồi, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó Hoàng hậu có mang hoàng tử.
Ngày nay vào những dịp lễ Tết hay ngày Rằm, mùng Một chùa vẫn đón nhiều du khách thập phương đến thăm quan bởi lối kiến trúc độc đáo và cầu nguyện về cuộc sống gia đình luôn được hạnh phúc, công việc luôn gặp được may mắn. Và nơi đây không chỉ là điểm du lịch thăm quan trong và ngoài nước, mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của người con đất Việt.

III. Kết luận
Qua những gì đã trình bày ở trên, theo chúng tôi, chùa Diên Hựu - Một Cột không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng của Thăng Long – Hà Nội mà còn là một biểu tượng tâm linh văn hóa dân tộc.
Chúng ta luôn tự hào với nền văn hoá dân tộc. Trong niềm tự hào về những di sản của cha ông, chúng ta phải kể đến các biểu tượng kiến trúc Phật giáo. Những ngôi chùa, những ngôi tháp chính là biểu tựơng làm tô đẹp cho non nước Việt Nam. Nhờ những kỹ thuật về kiến trúc và kinh nghiệm phối hợp với không gian thiên nhiên tạo thành giá trị Chân - Thiện - Mỹ được kết tinh từ triết lí của trí tuệ sáng suốt, óc thẩm mỹ cao và đạo đức chân chánh.
Vào ngày 4 tháng 5 năm 2006 chùa Một Cột được ghi vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”. Theo nhiều khách thập phương đến cầu phúc và thăm quan, nhất là những du khách nước ngoài họ rất ấn tượng với kiến trúc của quần thể di tích có một không hai này.
Chùa Một Cột gắn liền với lịch sử của thủ đô Hà Nội, và từ lâu chùa Một Cột cũng là biểu tượng của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Quần thể di tích chùa Diên Hựu nằm trong khu di tích Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi thu hút rất nhiều du khách gần xa đến tham quan, đây cũng là một điều kiện thuận lợi để thêm nhiều người biết đến ngôi chùa đặc biệt này.
Thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ mà còn liên quan đến vấn đề tâm linh tôn giáo của cả một dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Đoàn Văn Chúc, Văn Hóa Học, NXB Văn hóa - Thông tin, 1997.
2. Trần Lâm Biền, Giá trị biểu tượng của chùa Một Cột.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I, NXB Văn học – Hà Nội, 1994.
4. Kỷ yếu hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long.
5. Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 2 (Từ Lý Nam Đế đến Lý Thái Tông), NXB TP. HCM, 2001.
6. Chùa Một Cột, http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_ ... %E1%BB%99t
7. Đoàn Văn Chúc, Văn Hóa Học, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/thu- ... ?showall=1
8. Thích Tâm Tôn, Chùa Diên hựu- Biểu tượng lòng ước mong Dân tộc ngàn năm phồn thịnh, http://buulamphattich.edu.vn/vi/news/Ng ... m-Ton-310/
Hình đại diện của thành viên
duongminh163
 
Bài viết: 81
Ngày tham gia: Thứ 3 29/01/13 9:15
Đến từ: TP. HCM
Cảm ơn: 51 lần
Được cám ơn: 24 lần

Quay về NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron