GIAO LƯU VỚI GS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Chuyên mục này dành cho những vấn đề có thể cùng lúc liên quan đến trên một hoặc tất cả các nhóm chủ đề khác như: lý luận văn hoá học, văn hoá Việt Nam, văn hoá thế giới, văn hoá học ứng dụng...

GIAO LƯU VỚI GS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi Khoa VHH » Thứ 5 11/10/07 11:56

GIAO LƯU VỚI GS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM


Giở lại hồ sơ, thấy vào tháng 8 năm 2000, mục "Nhân vật trong tuần” của mạng FPT có mở trang giao lưu với GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (lúc đó còn là PGS). Nhận thấy những câu hỏi từ góc độ này hay góc độ khác đều thiết thực, hữu ích; còn những câu trả lời thì có giá trị lâu dài, nên chúng tôi quyết định đăng lại toàn văn trang giao lưu đó ở đây như một món quà gửi tới các sinh viên khoá đầu tiên của ngành văn hoá học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Tp. HCM.

Đây cũng sẽ là diễn đàn chính thức dành cho việc nối tiếp cuộc giao lưu ấy. Mong các bạn sinh viên, các anh chị học viên cao học, nghiên cứu sinh, và bạn đọc gần xa gửi tới những câu hỏi, những mối quan tâm của mình. GS. Trần Ngọc Thêm sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi và thắc mắc của các bạn.



Mạng FPT (tháng 8- 2000)

Nhân vật trong tuần:


Phó Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn
Trần Ngọc Thêm



"ở Việt Nam, với câu hỏi "Đàn Nam Giao là gì?", một phiên dịch viên lâu năm trả lời: "Đó là một loại đàn cổ"! Đưa khách tham quan viện bảo tàng, một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp không trả lời nổi câu hỏi của một khách nước ngoài : "Tại sao các ông vua Việt Nam ngày xưa mặc áo màu vàng?"! Không chỉ trong giao lưu trực tiếp mà cả trong các ấn phẩm đủ loại, ta có thể gặp không ít những "lỗi văn hóa" rất đáng trách... ở các nước công nghiệp tiên tiến, hiện tượng có một số thanh niên không biết tí gì về những nhân vật lịch sử cũng không khá hơn bao nhiêu. Tình hình này dẫn đến những hậu quả rất tai hại, nhất là vào thời điểm khi mà sự liên minh, liên kết quốc tế đang ngày càng mở rộng không ngừng... Theo UNESCO, một trong những nguyên nhân quan trọng của tình hình trên là trong các chương trình phát triển quốc gia cũng như quốc tế của mấy thập kỷ vừa qua, người ta chỉ chú trọng đến các mục tiêu phát triển kinh tế tách rời khỏi môi trường văn hóa, trong khi chính văn hóa mới là yếu tố chiếm vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết của phát triển. Các kế hoạch phát triển không chú ý đến yếu tố văn hóa sớm muộn đều dẫn đến thất bại".

(Trích Lời mở đầu - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam).



Có lẽ không một sinh viên của bất kỳ trường đại học nào ở Việt Nam lại không biết đến Phó giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Trần Ngọc Thêm, bởi ông chính là tác giả của cuốn sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam" (Trường ĐHTH TP.HCM in lần đầu năm 1995; NXB GD in nhiều lần những năm sau đó) và "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" (NXB TP.HCM, 1996, 1997) mà trường nào cũng đưa vào giảng dạy cho sinh viên của mình. Bên cạnh đó, giáo sư còn là tác giả của một số tác phẩm như "Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt" (NXB KHXHHà Nội, 1985), "Những vấn đề tổ chức ngữ pháp - ngữ nghĩa của văn bản" (Luận án Tiến sĩ, Leningard, 1988)... và nhiều bài nghiên cứu về các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.


Ông sinh năm 1952 tại Hiền Đa, Sông Thao, Vĩnh Phú.

1974: tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Toán, Truờng Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningard.

1987: Bảo vệ Phó Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn

1988: Bảo vệ thành công Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad

1991: Được phong Phó Giáo sư

Làm việc tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1975 - 1992) và từ 1992 đến nay [2000] công tác tại Khoa Đông phương học trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.


Say mê văn hóa, luôn tìm tòi nghiên cứu để phát hiện ra những đặc điểm, nguồn gốc của các hiện tượng văn hóa và từ đó duy trì, bảo quản và phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc ta là ước mong lớn nhất của người thầy - người giảng viên này. Những điều ông nói, ông viết luôn có sức cuốn hút. Càng nghe, càng đọc chúng ta càng thấy được những điều kỳ thú, càng khám phá được những nét đẹp đang toát ra từ vốn cổ của cha ông, cũng như về giá trị của những hiện vật, những di tích và truyền thống được đề cập đến...

Hi vọng rằng chuyên mục của chúng tôi sẽ giúp các bạn phần nào hiểu thêm về nền văn hoá của đất nước mình, về dân tộc mình với truyền thống và bản sắc Việt Nam từ ngàn xưa.



Giao lưu với Phó giáo sư Tiến sĩ
Trần Ngọc Thêm [2000]:



1/ Thầy cho em hỏi: Tại sao gọi là trống đồng Đông Sơn? "Đông Sơn" ở đây nghĩa là gì? Không phải là Đông Sơn ở Thanh Hóa phải không thầy?

(Nguyễn Minh Thanh- Hà Nội, thanh@hotmail.com)


TNT: Đông Sơn trong các cách gọi "Trống Đồng Đông Sơn", "đồ đồng Đông Sơn", "văn hóa Đông Sơn" vốn là tên một huyện ở phía đông-nam tỉnh Thanh Hoá đúng như em đã nghĩ. Tại đây, năm 1924 có một người câu cá đã phát hiện được một số đồ đồng cổ trong lòng đất bên bờ sông Mã - nơi đã bị mưa bão làm sạt lở. Sự kiện đó đã thu hút những người nghiên cứu Pháp đào bới và công bố những kết quả tìm được. Những tài liệu này đã có tiếng vang mạnh mẽ khiến cho thế giới biết đến một thời đại đồng thau ở Bắc và Trung kỳ.

Từ năm 1934, sau công trình nghiên cứu của một người Áo tên là R.Heine Geldern, giới khoa học thế giới bắt đầu sử dụng thuật ngữ "văn hóa Đông Sơn" để chỉ nền văn hóa thời đại kim khí trong cả khu vực từ Vân Nam (Trung Quốc) đến Indonesia mà vùng sông Hồng - sông Mã của Việt Nam là trung tâm. Tại đây, trong khoảng thời gian từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất đến những thế kỷ sau công nguyên, nghề luyện kim, đúc đồng của người xưa đã rất phát triển và đạt trình độ cao. Người ta đã khai quật và tìm thấy hàng trăm di chỉ khảo cổ với vô số hiện vật chủ yếu bằng đồng thau và sắt mà tiêu biểu nhất là các trống đồng, thạp đồng...

Tuy đến đầu thế kỷ XX, thế giới mới biết đến đồ đồng Đông Sơn và văn hóa đồng thau ở Việt Nam, nhưng ông cha ta thì đã biết đến và thu thập các cổ vật bằng đồng từ lâu. Thần tích làng Thượng Lâm (Hà Tây) ghi rằng trong khi Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ thứ X) đánh dẹp các sứ quân, đã chú ý thu thập các trống đồng cổ rồi phong tặng cho nhân dân các làng xã để thờ cúng. Nhiều thư tịch cổ các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã ghi chép, miêu tả các đồ đồng cổ như trống đồng, chuông đồng, tượng đồng. Luật Hồng Đức (thế kỷ XV) đã có điều khoản trừng phạt việc lấy cắp hoặc làm hỏng các chuông đồng, tượng đồng cổ.

ở VIệt Nam, không chỉ có địa danh Đông Sơn trở thành thuật ngữ chỉ một nền văn hóa cổ độc đáo được thế giới biết đến, mà địa danh "Hòa Bình" (tỉnh Hòa Bình) cũng được giới khoa học thế giới dùng để chỉ một nền văn hóa khảo cổ thời đại đồ đá tồn tại ở Việt Nam và Đông Nam Á hàng nghìn năm trước công nguyên. Ngoài ra ở Việt Nam còn các nền văn hóa khảo cổ khác như: văn hóa Sơn Vi, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ Long, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa óc Eo, văn hóa Sa Huỳnh... đều lấy tên các địa danh, nơi lần đầu tiên tìm thấy những di tích đặc thù của giai đoạn văn hóa đó để đặt tên.


2/ Xin Tiến sĩ cho biết hiện trạng nghiên cứu ngữ dụng Văn bản hiện nay của Thế giới? Có thể trao đổi với Tiến sĩ về những vấn đề liên quan đến Văn bản ngoài khuôn khổ phần giao lưu này được không?

(BUI QUANG MINH- minh_vietbit@hotmail.com)


TNT: Trên thế giới, việc nghiên cứu văn bản như một đơn vị ngôn ngữ bắt đầu từ khoảng những năm 40 của thế kỷ XX và được triển khai rầm rộ từ những năm 70-80. Từ đây người ta biết rằng văn bản không chỉ là một tập hợp đơn thuần của những câu "đúng ngữ pháp" mà nó có cấu trúc riêng, với những quy luật cấu tạo và sử dụng riêng. Điều này giải thích tại sao những em học sinh phổ thông viết những câu rất đúng ngữ pháp nhưng cả bài vẫn dở, vẫn sai. Ngược lại trong tác phẩm của những nhà văn, nhà chính luận có chứa nhiều câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ (= câu "què, cụt, sai ngữ pháp" theo cách đánh giá thông thường) mà toàn bài vẫn hay, vẫn đúng. Nó cũng giải thích tại sao nhiều chương trình dịch tự động có thể dịch được các từ, các câu mà khi ghép lại thành văn bản thì lại ngô nghê không hiểu nổi. Đến đây, ta đã động chạm đến những vấn đề chuyên môn hẹp. Bạn có thể liên hệ với tôi qua địa chỉ trannthem@cinet.vnnews.com hoặc trannthem@hotmail.com [đây là những địa chỉ cũ không còn hoạt động - hiện nay xin liên hệ theo địa chỉ: ngocthem@gmail.com] để trao đổi kỹ hơn.

3/ Thưa Thầy, em có một thắc mắc muốn hỏi. Lịch sử phát triển của đất nước là công tiền nhân khai phá và sáng lập từ Mũi Tam Quan và đi dần xuống mũi Cà Mau hiện nay. Em không hiểu tại sao trong nền văn hóa vốn không có nhiều dị biệt như văn hóa Việt Nam lại có cách gọi tên các con sông khác nhau. Tại miền Bắc, Sông Hồng thì gọi là Hồng Hà. Người ta lại gọi là Cửu Long Giang, Tiền Giang,...

(NAM NGUYEN - America, huonggiang@hotmail.com)


TNT: Trước khi nói về tên gọi các con sông Hồng Hà, Cửu Long Giang... tôi muốn cùng em điều chỉnh lại về cách hiểu ở hai điểm.

Thứ nhất là cách nói về vóc dáng của đất nước. Các sách vở trước đây (kể cả sách giáo khoa) thường giới thiệu nước VIệt Nam ta có chiều dài "từ Mục Nam Quan (chứ không phải Mũi Tam Quan) đến mũi Cà Mau". Mục Nam Quan là tên gọi cửa khẩu ở Lạng Sơn. Chữ "quan" có nghĩa là "đóng" (trái với "khai" là "mở"), từ đó "quan" có nghĩa thứ hai là "cửa ải" (dùng trong các cụm từ như “Hải quan”, “bế quan toả cảng”...). Sau khi Việt Nam lập quan hệ ngoại giao với nước Trung Hoa mới (ra đời năm 1949), tên gọi "Mục Nam Quan" đã được đổi thành "Hữu Nghị Quan". Tuy nhiên "Mục Nam Quan" (hay "Hữu Nghị Quan") không phải là điểm cực bắc của Việt Nam. Điểm cực bắc của Việt Nam là xã Lũng Cú thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cho nên muốn chính xác thì phải nói rằng đất nước Việt Nam trải dài từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau.

Thứ hai, em nói rằng nền văn hóa Việt Nam "vốn không có nhiều dị biệt". Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi vì văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa thống nhất của người Việt (Kinh) và các dân tộc anh em xuất phát từ một nguồn gốc xa xưa là người Đông Nam Á cổ đại (Indonésien). Nhưng chưa đủ bởi vì thứ nhất, chủng Đông Nam Á cổ đại (Indonésien) trải qua nhiều thời gian đã chia tách ra thành rất nhiều tộc người khác nhau, do vậy giữa tộc người này với tộc người khác tất có nhiều dị biệt; và thứ hai Việt Nam là ngã tư đường, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa trên thế giới (Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây...). Do vậy giữa vùng này với vùng khác, thời này với thời khác, chịu ảnh hưởng của nền hoá này nền văn hóa khác... tất có nhiều dị biệt. Việt Nam không phải là một nền văn hóa "không có nhiều dị biệt" mà là một nền văn hóa có tính thống nhất cao trong sự đa dạng vô cùng tận.

Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có địa hình sông nước cho nên có số lượng sông ngòi nhiều vô kể. Từ cùng một từ có nghĩa là "sông" trong tiếng Đông Nam Á cổ đại đã hình thành nên các từ chỉ sông khác nhau trong các dân tộc khác nhau. Người Việt gọi là "sông". Các dân tộc vùng Tây - Bắc gọi là "sung" (Sung Lung là một phụ lưu của sông Đà, Sung Vang là một phụ lưu của sông Cả), "khung" (Khung Giang, Khung Bích)... Vùng Việt Bắc có tên gọi là "thông" (Lạng Sơn có Thông Lênh, sông Gâm có một phụ lưu là Bảo Li Thông), Tây Nguyên gọi là "k'rông" (k'rông Ana, k'rông Knô...), Người Lào gọi là "kông" (Mê Kông). Vùng Quảng Ninh còn lưu giữ tên gọi "côn" (Côn Tat, côn Nô)... Sung, kung, sông, k'rông, côn... đều là những biến âm khác nhau của từ cùng gốc mà ra cả. Sự đa dạng đó là kết quả của sự chia tách các dân tộc.

Mặt khác, do giao lưu văn hóa mà các dân tộc tuy không cùng gốc nhưng ở gần nhau có thể vay mượn tên gọi của nhau. Người Hán gọi sông là "hà", và người Việt phía Bắc đã mượn thêm từ này để gọi sông Hồng - Hồng Hà. Một con sông có thể có nhiều tên gọi, ứng với những thời kỳ lịch sử khác nhau, những vùng khác nhau mà nó chảy qua. Sông Hồng là một trong những con sông có nhiều tên gọi nhất trên thế giới - khoảng 50 tên gọi. Đoạn chảy qua Trung Quốc có 7 tên gọi, đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì có 10 tên gọi, đoạn còn lại có khoảng 30 tên gọi. "Hồng Hà" chỉ là một trong số đó. Trong khi người Việt mượn từ "Hà” của người Hán thì ngược lại người Hán lại mượn từ "kông, kung" của người Đông Nam Á và tạo ra chữ “giang” để thể hiện nó. Đây là một chữ được tạo âm bằng cách ghép bộ chấm thuỷ bên trái để chỉ nghĩa "sông nước' và chữ "công"(phát âm hiện đại là kung) bên phải để chỉ cách phát âm từ này trong ngôn ngữ gốc Đông Nam Á. "Giang" có lẽ là cách phát âm từ thời Hán. Và rồi người Việt cũng lại mượn nốt từ "giang" này mà không biết rằng đó là từ được Hán hóa của từ "kông, sông" mà thôi. Việc giao lưu văn hóa đã đưa từ "giang" lên rất xa về phía Bắc (như Hắc Long Giang, Áp Lục Giang) và ngược lại, chữ "hà" cũng thâm nhập rất sâu xuống phía Nam (Hồng Hà, Nhị Hà). Tuy nhiên, xét về phương diện thống kê, có thể nói rằng ở vùng Hoa Bắc thì chữ "hà" chiếm ưu thế, ở vùng Hoa Nam thì chữ "giang" chiếm ưu thế, còn ở Việt Nam và Đông Nam Á thì "sông", "kông", "k'rông"... mới là cách gọi chiếm ưu thế.

4/ Thưa thầy, trước đây em có vinh dự được học thầy (môn cơ sở văn hóa Việt Nam). Em rất lấy làm ngưỡng mộ và kính phục sự uyên bác của thầy, vì bài giảng của thầy quá thu hút. Vì sao trước đây thầy học ngôn ngữ Toán sau đó lại chuyển sang ngữ văn hả thầy? Thầy nghĩ sao khi bây giờ người ta vẫn cứ đổ xô đi học nào là Công nghệ thông tin, nào là Tiếng Anh, tiếng Nhật, nào là quản trị kinh doanh... Còn những ngành học như của thầy thì vẫn còn rất ít SV theo học. Kể cả em cũng thế, em cũng rất thích quan tâm đến Bản sắc văn hóa Việt Nam, song em cũng theo học về Toán-Tin mà không theo học ngành của thầy chỉ vì sợ không xin được việc làm. Thực ra những người quá giỏi như thầy thì đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng chứ một số sinh viên học mà không được giỏi lắm thì biết làm gì sau này? Làm sao để thoát khỏi nỗi ám ảnh về "cơm, áo, gạo, tiền" để mà có thể theo đuổi những gì mình thích hả thầy?

(Nguyen Thi Van Anh - TP.HCM, ntvanh@mathdep.hcmuns.edu.vn)


TNT: Cảm ơn Vân Anh nhiều về sự quan tâm và tin tưởng của em đối với tôi. Song cũng cần nói với em rằng tôi còn rất nhiều điều chưa biết, tôi cũng có những nhược điểm bình thường (thậm chí là tầm thường nữa) của một con người. Giống như mọi người, tôi cũng phải lo toan cuộc sống gia đình với những "cơm, áo, gạo, tiền" bên cạnh việc nghiên cứu, giảng dạy. Có những thời gian, tôi và gia đình đã từng gặp rất nhiều khó khăn, một phần những khó khăn đó tôi đã kể lại trong bài phỏng vấn của tuần báo Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy số 460 ra ngày 4-12-1999.

Có lẽ cái chủ yếu giúp tôi thành công là sự kiên trì lòng say mê với cái mà mình đã chọn. Ngôn ngữ Toán là một bộ môn liên ngành giữa toán học và ngôn ngữ học với mục đích đào tạo ra những chuyên gia làm về dịch máy và đảm bảo ngôn ngữ học cho các hệ thống tự động hóa; ở nước ngoài có trường coi nó là một bộ phận của toán-tin và đặt ở khoa toán-tin, có nơi coi nó là một bộ phận của ngành ngữ văn và đặt nó ở khoa ngữ văn. Sau khi tốt nghiệp đại học Ngôn ngữ Toán ở Liên Xô năm 1974, do trong nước chưa có điều kiện phát triển ngành này nên tôi đã đi sâu hẳn vào ngôn ngữ, và ở tuổi 33, với việc xuất bản cuốn “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt” (năm 1985), đã trở thành người đi đầu trong việc mở ra ngành ngữ pháp văn bản và ngôn ngữ học văn bản ở Việt Nam. Mãi tới sau khi bảo vệ xong phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ ngữ văn tại Liên Xô vào năm 1987-1988, tôi mới chuyển sang nghiên cứu về văn hoá học và văn hóa Việt Nam.

So với thế hệ tôi thì thanh niên ngày nay quá sướng ở chỗ là cánh cửa vào đời quá rộng mở, tha hồ lựa chọn, tha hồ học. Thời của tôi đâu được tự do học như thế! Ước mơ sau khi tốt nghiệp lớp 10 của tôi là thi vào Đại học Mỹ thuật, nhưng đi học Liên Xô lúc đầu được phân công học ngành Kinh tế lâm nghiệp, một năm sau được phân công lại học ngành "Ngôn ngữ toán" (nghe nói ngành này khó lắm nên lúc đầu cứ nằng nặc làm đơn xin đổi mà không được!). Rồi nhiều năm sau này ngành văn hóa học cũng là do hoàn cảnh đưa đẩy (do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho làm Chủ tịch Hội đồng ngữ học và Việt Nam học cho khối ngoại ngữ, điều này tôi đã trình bày trong Lời nói đầu cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam).

Nhưng chính vì độ tự do quá lớn nên lớp trẻ dường như đã bị "bội thực". Thành ra chỉ còn biết học tập theo phong trào, chạy theo một số ngành thời thượng. Làm như thế là tự gây thêm khó khăn cho mình và cho xã hội. Với xã hội thì góp phần gây nên mất cân đối trong đào tạo và nhu cầu việc làm. Với bản thân mình thì không những không chọn được đúng ngành nghề theo sở trường, năng khiếu của mình, mà còn làm giảm cơ hội thành công (em thử tính xem, khả năng thành công và "nổi tiếng" ở một lĩnh vực có rất đông người thấp hơn bao nhiêu lần so với ở lĩnh vực ít người?).

Kinh nghiệm của tôi là không sợ thiếu việc làm, chỉ sợ làm không giỏi. Muốn giỏi thì phải say mê; mà muốn say mê thì phải chuyên tâm. Cứ như nhiều bạn hiện nay đứng núi này trông núi nọ, học hết ngành nọ đến ngành kia, hết trường nọ đến trường kia thì làm sao mà chuyên tâm, làm sao mà say mê, và do vậy làm sao mà giỏi được, cho dù bạn đó rất có năng lực cũng thế.

5/ Thưa phó giáo sư, ông có suy nghĩ gì khi trong các cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" các thí sinh hầu như biết rất ít về lịch sử, văn hoá Việt Nam trong khi họ hiểu tương đối rõ về các danh nhân, ca sĩ... quốc tế. Phải chăng giới trẻ bây giờ không quan tâm đến nền văn hoá của đất nước?

(VUONG VAN HUONG- Hải Dương, hdscob1053@hn.vnn.vn)


TNT: Không phải chỉ trong cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia", mà trong nhiều cuộc thi và sinh hoạt văn hoá khác, trình độ hiểu biết của nhiều học sinh, sinh viên về lịch sử, văn hoá dân tộc còn rất thấp. Những nhầm lẫn "cười ra nước mắt" kiểu như "Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau", "Trương Định là một trong 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc" có thể kể hoài mà không hết. Tình hình này không chỉ có ở Việt Nam, ở các nước phát triển cũng vậy. Trong Lời nói đầu cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam tôi có kể rằng ở Pháp, 30% thanh niên không biết Victor Hugo là ai. Với câu hỏi "Hitler là ai?", có thanh niên Pháp đã trả lời: "Một nhà văn tên tuổi!". Mà không phải chỉ một vài người, mà có tới trên 50% trả lời trật, 30-40% thì trả lời không biết hoặc không quan tâm. ở Mỹ, có những thanh niên cho rằng cư dân châu Mỹ La-tinh nói tiếng La-tinh, còn Toronto (một thành phố Nam Canada - láng giềng nước Mỹ) thì nằm ở Ý!

Hiện tượng "dốt về lịch sử, văn hóa dân tộc" và "vọng ngoại" trong thanh niên không chỉ là căn bệnh toàn cầu mà có lẽ cũng là căn bệnh của mọi thời đại. Còn nhớ, bản thân tôi, khi mới 20-30 tuổi, rất giỏi ngôn ngữ toán, biết khá nhiều danh họa, diễn viên phương Tây, nhưng về lịch sử và văn hóa dân tộc thì có lẽ là còn kém hơn các em tham gia thi "Đường lên đỉnh Olympia" bây giờ. Và tôi trộm nghĩ cha ông ta và cha ông người ta (= các dân tộc khác) ngày xưa cũng thế.

Đơn giản là vì bản tính của người trẻ là dương tính và hướng ngoại (còn người lớn tuổi là âm tính và hướng nội). Ai cũng có thời trẻ và lúc già. Đã thành quy luật, thời trẻ, con người quan tâm nhiều tới cái mới lạ (như khoa học kỹ thuật), có tâm lý hướng ngoại, đóng góp được nhiều cho việc kiến tạo cái mới (sự phát triển); còn khi lớn tuổi và lúc về già, con người sẽ quan tâm nhiều hơn tới lịch sử, văn hóa, có tâm lý hướng về cội nguồn và đóng góp nhiều cho sự bảo tồn bản sắc dân tộc.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là nên khoanh tay chờ lớn tuổi. Không ít em tuổi còn trẻ mà đã có hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc. Muốn vậy, một phần các em cần chú ý tìm hiểu, học hỏi, ghi nhớ những kiến thức này, nhưng phần khác còn là trách nhiệm của người lớn phải biết khêu gợi được trí tò mò, sự hứng thú ở các em trong việc tìm hiểu. Việc đào tạo các môn khoa học xã hội ở trường học hiện nay nhìn chung còn kém hấp dẫn. Sách giáo khoa, sách tham khảo còn đơn điệu, chưa sinh động. Các hoạt động tuyên truyền chưa được đầu tư đúng mức, đúng chỗ. Gần đây, một số báo, đài, một số chương trình TV đã mở được các chuyên mục về văn hoá khá hấp dẫn, nhưng cũng cần mở rộng hơn nữa và kết quả chắc cũng phải từ từ, không phải một sớm một chiều mà thấy ngay được.

6/ Kính thưa Tiến sĩ, là một người chuyên ngành về kinh tế nên tôi mong muốn được hiểu biết thêm những vấn đề liên quan đến lịch sử - văn hoá với sự phát triển của một đất nước. Vậy xin hỏi Tiến sĩ, giữa phát triển và văn hoá có mối quan hệ như thế nào, cái nào quyết định cái nào, có gì ngoại lệ đối với những nước Á Đông như Việt Nam ta không. Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ.

(DANG HUU HOANG- Ha Noi, danghhoang@yahoo.com)


TNT: Mối quan hệ giữa phát triển và văn hóa phụ thuộc vào cách hiểu thế nào là "văn hóa" và thế nào là "phát triển".

Các nước phương Tây và phương Bắc trước đây thường chỉ đánh giá chỉ số phát triển theo GDP bình quân đầu người, do vậy coi kinh tế, khoa học và công nghệ là những yếu tố quyết định toàn bộ sự phát triển; các giá trị văn hóa, tinh thần, xã hội bị bỏ qua, hậu quả là dẫn đến sự giảm sút nghiêm trọng ở nhiều nơi về lối sống, đạo đức, nhân phẩm, tình người, tạo ra những người giàu không lý tưởng và những người nghèo không gốc rễ; những yếu tố này tác động trở lại, khiến kinh tế lâm vào khủng hoảng, làm cho phát triển bị trì trệ.

Quan niệm phổ biến hiện nay coi văn hóa là một khái niệm rộng, bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần, hoạt động và sản phẩm của hoạt động, v.v. và phát triển là sự đi lên cân đối, hài hòa và bền vững, đem lại hạnh phúc đích thực cho cộng đồng. Văn hóa luôn mang tính nhân bản, luôn quan tâm đến con người và hạnh phúc của con người; mà muốn hạnh phúc thì cần phát triển, cho nên văn hóa là cái quyết định phát triển, là động lực của sự phát triển. Mặt khác, mục đích của phát triển là tạo ra một xã hội có văn hóa cao - đó là khát vọng và lý tưởng mà nhân loại xưa nay hướng tới. Việc văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển không chỉ là một quy luật mang tính phổ quát, không có ngoại lệ đối với các nước Á Đông mà, hơn thế, các nước phương Nam và phương Đông xưa nay vốn đã luôn quan niệm như vậy rồi; ở đây yếu tố con người luôn được coi trọng, cái dở chính là ở chỗ nó dẫn đến sự thiên lệch, một thời gian dài coi nhẹ vật chất, kỹ thuật.

7/ Thưa thầy, lĩnh vực quan tâm nhất của thầy là gì? Thầy có dự định gì trong thời gian sắp tới như tái bản hoặc xuất bản những sách nghiên cứu về văn hóa Việt Nam...

(Hoangtruc@fptnet.com)


TNT: Các lĩnh vực quan tâm của tôi là ngôn ngữ và văn hoá. Về ngôn ngữ, đóng góp chủ yếu của tôi là đã mở đầu cho việc xây dựng một ngành ngữ pháp văn bản ở Việt Nam, với những công trình công bố rải rác từ năm 1980 và tập trung nhất là cuốn "Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt" xuất bản lần đầu năm 1985 ở NXB Khoa học xã hội (tái bản năm 1998 ở NXB Giáo dục), sau đó là luận văn tiến sĩ "Những vấn đề tổ chức ngữ nghĩa - ngữ pháp của văn bản" bảo vệ ở Nga năm 1988 (mà đáng tiếc - và đáng trách - là tôi chưa có thời gian dịch nó ra tiếng Việt).

Về văn hoá, năm 1995 tôi cơ bản hoàn thành cuốn sách "Cơ sở văn hoá Việt Nam". Song cuốn sách này mang tính nước đôi, nửa nghiên cứu, nửa giáo trình. Để tránh những hiểu lầm không đáng có, sau đó tôi đã đi theo hai hướng. Một là rút gọn những kết quả nghiên cứu cá nhân, những phần còn tranh luận, đơn giản hoá thành giáo trình "Cơ sở văn hoá Việt Nam" in tại nhà xuất bản Giáo dục. Hai là bổ sung, mở rộng, chi tiết hoá thành cuốn sách "Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam", cuốn này đã in tại nhà xuất bản TP. HCM năm 1996, 1997, hiện nay đang được sửa chữa, bổ sung khá nhiều và sẽ tái bản trong thời gian gần nhất. Trong thời gian tới, tôi có kế hoạch hoàn thành một số công trình chuyên sâu về văn hoá học đại cương, văn hóa Việt Nam và ngôn ngữ mà tôi đã có sẵn hoặc đã chuẩn bị tư liệu từ lâu nay. Nhưng, khác với một số người, tôi có tật xấu là viết cái gì thì thường viết rất lâu, và có thói quen giữ bí mật tên gọi cụ thể và tầm cỡ lớn nhỏ của các công trình này cho tới khi chúng hoàn thành. Cho nên phiền bạn chịu khó chờ đợi thêm một thời gian nữa.

8/ Thưa thầy, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay thì văn hóa đóng vai trò như thế nào? Có những đặc điểm văn hóa nào mà chúng ta có thể vận dụng vào công cuộc phát triển đất nước?

(ngochancc@hcm.fpt.vn)


TNT: Về vấn đề bạn ngochancc@hcm.fpt.vn quan tâm, tôi đã dành riêng một tiểu mục nhan đề "Văn hoá cổ truyền đứng trước công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá" ( 27.2) trong cuốn sách "Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam"; nội dung này cũng đã đăng trong Tạp chí Cộng sản số 16 (484) với nhan đề: "Văn hoá Việt Nam đối mặt với kinh tế thị trường". Trong đó, tôi phân tích khá cụ thể những yếu tố "được", "mất", thuận lợi, khó khăn của văn hoá Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Nhìn chung, người Việt Nam có lối sống linh hoạt, mềm dẻo, lối tư duy tổng hợp. Đây là nét đặc tính rất thuận lợi, nên phát huy. Còn những khó khăn thì khá nhiều, đó là tính tùy tiện, cách làm ăn theo kiểu sản xuất nhỏ, gia đình chủ nghĩa, xuề xoà đại khái, đố kỵ cào bằng, tác phong đủng đỉnh, lối sống kiểu "phép vua thua lệ làng".

9/ Khi xem phim của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc người ta thường thấy gần gũi với cuộc sống của người Việt Nam, một số điều gần như giống hệt. Vậy có sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc này với dân tộc Việt không? Và văn hóa Việt Nam có phải là một bộ phận của nền văn hóa Trung Hoa không?

(Dan@sg.fpt.vn)


TNT: Nếu nói rằng xem phim thấy người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có phong cách giống hệt người Việt Nam thì có lẽ là năng lực quan sát của bạn (và những bạn có nhận xét như vậy) chưa được tinh lắm. Hiển nhiên là người Việt Nam xem phim các nước này thì sẽ cảm thấy gần gũi hơn rất nhiều so với phim phương Tây, nhưng chỉ là "gần gũi" chứ không thể nào là "giống hệt". Phần đông mọi người xem phim Hàn Quốc, tiếp xúc với người Hàn Quốc đều nhận thấy những nét khác biệt nổi bật của người Hàn Quốc như tính mạnh mẽ, quyết đoán, ưa dùng vũ lực, hay uống rượu, coi thường phụ nữ, ở người Nhật thì nét khác biệt nổi bật là lòng trung thành và ý thức về nghĩa vụ (với chủ, với công ty) kiểu võ sĩ đạo. Còn người Hoa thì chỉ cần so sánh ngay với khối người Hoa đã định cư ở Việt Nam lâu năm – như người Hoa ở Chợ Lớn - đã thấy ngay là có sự khác biệt đáng kể rồi.

Hiển nhiên là trong lịch sử, do điều kiện giao lưu văn hóa đặc biệt, Việt Nam đã tiếp thu rất nhiều từ văn hóa Trung Hoa, nhưng nhờ có cái nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc rất vững vàng, nên Trung Hoa đã không đồng hóa nổi Việt Nam. Bản thân sự trường tồn của dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam đã là một bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy rằng văn hóa Việt Nam không phải là một bộ phận của văn hóa Trung Hoa. Nếu không phải là một bộ phận của văn hóa Trung Hoa thì văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Hoa ở những điểm nào? Các sách của tôi về văn hóa (như “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”) chính là lời giải đáp cụ thể cho câu hỏi này (x. ví dụ mục 27.1.4 trong sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”).

Còn về mức độ ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thì không hẳn là phía Bắc chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Nam, lại càng không đúng khi nói rằng văn hóa phương Nam mới đích thực là văn hóa Việt Nam thuần tuý. Về nguyên tắc mà nói thì đúng là phía Bắc gần Trung Hoa hơn nên sẽ phải chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhiều hơn, nhưng như chúng ta đều biết, người Việt (Kinh) ở phía Nam lại chính là người Việt (Kinh) ở miền Trung và miền Bắc di cư vào cách đây mới chừng ba thế kỷ, khi vào khai phá miền Nam, hiển nhiên là cha ông ta đã mang theo cả truyền thống văn hóa từ ngàn xưa lẫn những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà các cụ đã tiếp thu. Những nét khác biệt văn hóa mà ta thấy có giữa người Việt (Kinh) phía Bắc với người Việt (Kinh) phía Nam hiện nay thì không phải là do chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhiều hay ít mà là do sự khác biệt về môi trường sống cộng với mức độ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây (phía Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhiều hơn). Sự khác biệt rõ rệt về mức độ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa bộc lộ không phải giữa các vùng mà là giữa các dân tộc. Trong số các dân tộc Việt Nam, người Việt (Kinh) do sống ở đồng bằng và đô thị nên tiếp xúc với người Trung Hoa nhiều hơn, và do vậy, cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhiều hơn các dân tộc ít người. Và vì các dân tộc ít người không có sự di chuyển từ Bắc vào Nam cho nên, trong số các dân tộc ít người thì các dân tộc ít người ở các vùng núi phía Bắc ít nhiều có bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa chứ còn các dân tộc ít người ở phía Nam thì hầu như hoàn toàn không bị văn hóa Trung Hoa tác động.

Xin chân thành cảm ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Trần Ngọc Thêm.
Hình đại diện của thành viên
Khoa VHH
Quản trị viên
 
Bài viết: 161
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 0:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

VĂN HÓA VIỆT: ĐÃ ĐẾN LÚC BỪNG NỞ SỨC MẠNH TIỀM ẨN

Gửi bàigửi bởi Khoa VHH » Thứ 7 13/10/07 21:51

Văn hóa Việt: Đã đến lúc bừng nở sức mạnh tiềm ẩn


Thứ năm, 11/10/2007, phóng viên VieTimes đã trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, về những giá trị cơ bản của văn hóa Việt sẽ bừng nở trong thế giới hiện đại.

http://vietimes.com.vn/vn/chuyende/3789/index.viet

Văn hóa Việt: Đã đến lúc bừng nở sức mạnh tiềm ẩn

Thứ năm, 11/10/2007, 08:40 GMT+7

Việt Nam có một nền văn hóa đặc trưng, rất lâu đời và để lại những giá trị lớn. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa. Ngược lại, nó tiếp thu, sáng tạo ra những giá trị mới phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Phóng viên VieTimes đã trò chuyện với Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, về những giá trị cơ bản của văn hóa Việt sẽ bừng nở trong thế giới hiện đại.

Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng và những dân tộc càng cách xa thế giới ồn ào thì càng sở hữu nhiều giá trị đặc sắc. Những nền văn hóá bước vào hội nhập trước thì chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hóa ngoại lai hơn nên chúng cũng mất đi nhiều nét đặc thù hơn. Thời gian hội nhập của Việt Nam chưa nhiều, hơn thế nữa, chúng ta còn có một lịch sử lâu đời nên văn hóa Việt Nam còn mang trong mình rất nhiều điều độc đáo.

Cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt

Nếu phân chia theo tính chất của nền kinh tế, thì các nền văn hóá trên thế giới có thể chia thành: văn hóa du mục, văn hóa nông nghiệp, văn hóa công nghiệp... Văn hóa nông nghiệp đến lượt mình lại chia thành nông nghiệp khô và nông nghiệp nước. Việt Nam là dân tộc có truyền thống văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước điển hình.

Khu vực ứng với loại hình văn hóa này rất hẹp, gốc của nó là vùng Đông Nam Á, sau đó mở rộng lên Đông Bắc Á. Do đặc điểm nổi bật của nông nghiệp trồng lúa nước là mỗi giai đoạn phát triển của cây lúa đòi hỏi những mức nước khác nhau cho nên loại nông nghiệp này có tính thời vụ rất cao. Bởi vậy mà cần rất nhiều sức người. Đi kèm với nó là cách tổ chức xã hội, quan hệ giữa con người với con người phải tạo nên sự gắn bó tự nguyện ở mức độ cao.

Điều này khiến cho nông nghiệp lúa nước khác hẳn với các loại hình văn hóa trồng trọt khác và các loại hình văn hóa chăn nuôi mà phần đông sau này đã chuyển hóá thành văn hóa công nghiệp. Nếu như văn hóa phương Tây với gốc là văn hóa du mục nên có tính cá nhân mạnh, tính cạnh tranh cao, thì văn hóa phương Đông với gốc là văn hóa nông nghiệp nên có tính cộng đồng mạnh, tính nhường nhịn cao. Ngay cả trong phương Đông thì Đông Bắc Á là khu vực văn hóa trồng kê mạch, tính gắn bó không cao bằng văn hóa lúa nước của chúng ta.

Trong văn hóa lúa nước với nhu cầu cao về tính thời vụ, trong một thời gian ngắn, một nhà, một họ làm không kịp nên đã hình thành nên tập quán cả làng tự nguyện giúp nhau và tạo thành cơ chế LÀNG-NƯỚC. Cộng đồng của Việt Nam là cộng đồng từ làng mở rộng ra thành nước. Sự gắn bó của Đông Bắc Á là trong phạm vi gia đình. Cộng đồng của người Trung Quốc là từ NHÀ mở rộng ra thành NƯỚC, tạo thành cơ chế NHÀ-NƯỚC (= Quốc gia).

Trong làng, mọi người phải tôn trọng và bình đẳng với nhau nên cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng dựa trên tình cảm. Trong nhà thì quan hệ tôn ti trên dưới rất rõ ràng nên cộng đồng của người Hoa là cộng đồng dựa trên ý chí. Người phương Tây thì duy lý, người Trung Hoa thì duy ý chí, còn người Việt thì trọng tình.

Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể Việt Nam

Do là một cộng đồng dựa trên tình cảm, tinh thần tôn giáo lại không cao, nên người Việt Nam không có những công trình kiến trúc đồ sộ như Vạn Lý Trường Thành, Ăng-co hay Kim Tự Tháp… (những công trình loại này đòi hỏi một tinh thần tôn giáo cao hoặc một bộ máy quản lý quân phiệt để có thể huy động được một nguồn nhân lực lớn).

Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, rồi nhiều cuộc xâm lăng, nhiều công trình văn hóa lịch sử của Việt Nam lại bị tàn phá nặng nề. Vậy mà trong quá trình phát triển, Việt Nam đã có nhiều thời kỳ đạt đến thịnh trị cả về kinh tế lẫn văn hóa (như thời Văn Lang, Lý - Trần, Lê...), đã để lại những sản phẩm và địa danh văn hóa rất đáng tự hào như: Trống đồng Đông Sơn, Thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long, đô thị cổ Hội An…

Người Việt có khả năng thâu hóa và sáng tạo rất tài, đã tạo ra không ít những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được nhiều người trên thế giới biết đến.

Về văn hóa ẩm thực, chúng ta có Phở được coi là món ăn quốc hồn quốc túy. Phở Việt Nam đã nổi tiếng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hễ ở đâu có cộng đồng người Việt làm ăn và sinh sống thì ở đó có Phở. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ai cũng rất thích thú với món ăn này. Gần đây, “Phở” được đưa vào từ điển Oxford – một trong những từ điển được phổ biến rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Điều này cho thấy Phở Việt Nam đã chứng tỏ được sức sống, sức hấp dẫn của mình.

Bên cạnh Phở là món ăn đã trở thành một thương hiệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, chúng ta còn có rất nhiều món ăn đặc sắc khác. Việt Nam là một quốc gia trải dài từ Bắc vào Nam với nhiều loại địa hình khác nhau, tạo thành nhiều vùng văn hóa với những nét đặc trưng rất độc đáo và riêng biệt. Ở mỗi vùng, người dân có những món ăn phù hợp với khí hậu, được chế biến từ những đặc sản rất riêng của mỗi vùng. Đây là một thế mạnh để Việt Nam có thể khai thác nhằm quảng bá cho văn hóa và du lịch Việt khi chúng ta tham gia nhiều hơn vào hội nhập trong thời gian tới.

Về trang phục, chúng ta có những loại trang phục truyền thống rất lâu đời như áo the, khăn xếp dành cho nam giới ở Bắc Bộ, áo tứ thân cho phụ nữ Bắc Bộ và áo bà ba cho phụ nữ Nam Bộ. Tuy nhiên, trang phục được coi là biểu tượng của văn hóa Việt Nam chính là chiếc áo dài phụ nữ tân thời. Mặc dù mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, nhưng tà áo dài đã kết hợp được một cách cực kỳ khéo léo cái kín đáo e ấp của y phục truyền thống với việc tôn những đường nét duyên dáng và vóc dáng của người phụ nữ Việt Nam, khiến cho nó nhanh chóng trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Một trang phục không thể thiếu thường gắn với áo dài là chiếc nón lá – một trang phục đội đầu độc đáo của Việt Nam mà không quốc gia nào trên thế giới có được. Chiếc nón lá cũng là một trong những trang phục do người Việt sáng tạo ra từ những vật liệu thiên nhiên như lá cọ, tre nứa... để đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt nắng lắm mưa nhiều của vùng nhiệt đới. Những sản phẩm văn hóa mặc như áo dài, nón lá luôn là những hình ảnh quảng bá cho du lịch Việt Nam một cách xuất sắc. Người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam thường nghĩ ngay đến hình ảnh nón lá, áo dài. Du khách nước ngoài đến Việt Nam thường mang về làm quà một bộ áo dài, nón lá.

Ngoài ra, Việt Nam còn có những sản phẩm văn hóa đời sống tinh thần rất phong phú và đa dạng khác ở khắp các vùng miền: Đó là các làn điệu dân ca đặc trưng của các miền như: hát quan họ, hát xoan, hát chầu văn, ca trù và hát chèo ở miền Bắc; hát ví dặm, hát bài chòi, hò Huế ở miền Trung; ca vọng cổ, hát bội, hát cải lương ở Nam Bộ… Chính đời sống tinh thần vô cùng phong phú này cũng đã tạo ra vô số những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của rất nhiều vùng miền mà chúng ta có thể phát huy trong quá trình quảng bá thương hiệu Việt.

Phát huy sức mạnh văn hóa tinh thần Đại Việt trong thời hội nhập

Bước vào thời kỳ hội nhập, văn hóa cộng đồng làng xã cao có những thế mạnh rất đặc trưng: Đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn hay khi gặp tai ương. Trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, đặc điểm văn hóa trọng tình này đã phát huy rất mạnh. Nó không những giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù mà còn bảo vệ được những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc và rất nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến Trung Quốc, người phương Bắc đã áp dụng hàng loạt chính sách đồng hóa nhằm tiêu diệt văn hóa Việt và thay vào đó là văn hóa của họ. Chữ Hán từng trở thành ngôn ngữ hành chính ở Việt Nam, nhưng người Việt chưa bao giờ để mất đi tiếng nói của mình.

Ngay một trí thức Tây học như Phạm Quỳnh cũng đã từng viết: “Tiếng ta còn là nước ta còn”. Chính tinh thần gìn giữ văn hóa và chống lại sự xâm lăng văn hóa trong tính cách đoàn kết, tính cộng đồng của người Việt đã giúp cho văn hóa Việt Nam tồn tại và để lại những giá trị như chúng ta đang có hiện nay mặc dù đã trải qua rất nhiều cuộc xâm lược của các quốc gia lớn khác.

Tuy nhiên, văn hóa làng xã cũng chính là điểm hạn chế khi chúng ta tham gia vào hội nhập toàn cầu. Tính tự cấp tự túc của văn hóa làng xã sinh ra lối làm việc không chuyên nghiệp. Tinh thần dân chủ làng xã dẫn đến tình trạng tự do vô kỷ luật, trên bảo dưới không nghe. Truyền thống trọng tình khiến người Việt chỉ quen ứng xử theo tình cảm mà không quen ra lệnh và chấp hành mệnh lệnh, hay nể nang nhau. Tư duy tiểu nông dẫn đến tầm nhìn hạn hẹp, việc gì cũng “nước đến chân mới nhảy”...

Đây là những đặc điểm đã từng phát huy thế mạnh trong khuôn khổ văn hoá làng xã, nhưng nay trở thành gánh nặng, thành sức cản rất lớn khi chúng ta tham gia vào môi trường kinh tế toàn cầu – môi trường sản xuất yêu cầu tính chuyên nghiệp hóa sâu, tính kế hoạch hóa dài, tính kỷ luật cao.

Trong thời kỳ hội nhập, cùng với việc phát triển kinh tế, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ rất lớn: Đó là sự “xâm lăng” của văn hóa phương Tây. Nếu như trước đây, văn hóa phương Tây vào Việt Nam bằng con đường xâm lược lãnh thổ, thì hiện nay, nó thâm nhập vào bằng con đường kinh tế.

Những giá trị văn hóa truyền thống cả về vật chất lẫn tinh thần đều có nguy cơ bị văn hóa phương Tây thay thế và lấn át. Chè chén đã và đang bị thay bằng trà đá, trà Lipton. Nước vối, nước chanh tươi, nước cam vắt bị thay bằng Coca-cola, Seven up. Quần lụa, áo dài bị thay bằng complet, mini jupe.

Tính cộng đồng có nguy cơ bị chủ nghĩa cá nhân lấn át. Những tình người tốt đẹp có nguy cơ bị đồng tiền đẩy lùi... Chúng ta không thể phủ nhận những điểm mạnh, tiến bộ của văn hóa phương Tây, tuy nhiên trong đó có không ít những giá trị không phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu Việt Nam, không phù hợp với đặc điểm tâm lý và tính cách của người Việt Nam.

Muốn chống lại nguy cơ đó, không có cách nào hơn là phải tăng cường bản sắc văn hóa Việt đi đôi với phát triển kinh tế, biến văn hóa thành thế mạnh để thu về lợi nhuận, một mặt vừa giáo dục văn hóa truyền thống, mặt khác có thể mang văn hóá của mình “khoe” với thế giới.

Để làm được điều đó, từ Nhà nước đến người dân phải thay đổi lối tư duy, thay đổi lối làm việc, thay đổi cách thức quản lý. Phải kiên quyết loại bỏ “chất nông dân”, “tâm lý tiểu nông” đang bàng bạc hiện hữu khắp mọi nơi.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Nhà nước cần phải có những biện pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nữa để đưa Nghị quyết Trung ương V về “Xây dựng một nên văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vào cuộc sống, đề cao các giá trị văn hóa tinh thần để làm đối trọng với khuynh hướng “vật chất” đang ngày càng lấn át, khai thác thế mạnh văn hóa để làm kinh tế, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa một cách cân xứng và bền vững.

Nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa có nguồn gốc rất lâu đời. Đây là một đặc điểm và cũng là một thế mạnh mà rất ít quốc gia trên thế giới có được. Chính vì thế, nếu làm tốt, chúng ta hoàn toàn có thể giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đi đôi với phát triển kinh tế và thậm chí hướng tới “phủ sóng” văn hóa Việt tới các quốc gia khác – điều mà một số nền văn hóa Á châu như Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm được.

Nhóm phóng viên VieTimes (ghi)
Hình đại diện của thành viên
Khoa VHH
Quản trị viên
 
Bài viết: 161
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 0:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Hỏi về “tuổi Kim lâu”

Gửi bàigửi bởi NhaQue » Thứ 5 08/11/07 0:15

Kính gửi GS. Trần Ngọc Thêm,

Em là một SV đang học một ngành KHXH-NV tại Nga. Tình cờ khi lướt web em đã tìm thấy website văn hoá học và diễn đàn này. Nhờ đọc các bài ở đây, em đã học được thêm ở các thầy cô và các bạn nhiều điều bổ ích và thú vị.

Em có một câu này muốn hỏi giáo sư: Em thường nghe nói đến “tuổi Kim lâu” mà không hiểu rõ khái niệm này là thế nào, cách tính tuổi kim lâu ra sao. Vậy giáo sư có thể vui lòng giải thích cho em rõ được không?
Hình đại diện của thành viên
NhaQue
 
Bài viết: 24
Ngày tham gia: Thứ 7 03/11/07 9:06
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Về "tuổi kim lâu"

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 6 09/11/07 20:48

Chào bạn NhaQue,

Về khái niệm "tuổi kim lâu" mà bạn hỏi, tôi xin trả lời như sau:

Trong văn hoá truyền thống của mọi dân tộc đều có những kiêng kỵ/cữ (tránh). Kiêng ngày kiêng giờ (thời gian); kiêng nơi kiêng chốn (không gian); kiêng đồ vật, thực vật, động vật, con người (chủ thể); kiêng hành động. Kiêng việc lớn , kiêng việc nhỏ.

Tuổi Kim Lâu là một phạm trù kiêng kỵ như thế. Dân gian có câu:

[center]Một, ba, sáu, tám: kim lâu
Làm nhà, cưới gả hàng đầu phải kiêng.
[/center]

Nhưng tuổi 1-3-6-8 là thế nào? Có nhiều cách tính, cho nên kết quả có thể không giống nhau.

Có vùng quan niệm rằng 1-3-6-8 là số hàng đơn vị của tuổi (lưu ý: tuổi âm lịch, tức là tuổi tây cộng thêm 1 tuổi mụ). Tức là những tuổi kết thúc bằng số 1,3,6,8. Ví dụ một người sinh năm 1977 thì đến 2007 được 30 tuổi, cộng cả tuổi mụ thành 31, là tuổi kim lâu.

Có nơi lại bảo 1-3-6-8 là số dư của tuổi âm lịch chia cho 9. Ví dụ người 31 tuổi (ta) thì sau khi chia cho 9 còn dư 4, không phải tuổi kim lâu.

Cũng có trường hợp hai cách tính này có kết quả trùng nhau. Ví dụ người sinh năm 1980 thì đến 2007 được 27 tuổi, cộng cả tuổi mụ thành 28, theo cách thứ nhất số đơn vị bằng 8 là tuổi kim lâu; theo cách thứ hai chia cho 9 dư 1 cũng là tuổi kim lâu.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, kết quả của hai cách tính này thực ra cũng không hoàn toàn như nhau.

Bởi lẽ làm nhà, cưới gả gặp tuổi kim lâu thì sẽ có ảnh hưởng xấu. Nhưng ảnh hưởng xấu có thể xảy đến với 4 loại đối tượng:

- Kỵ Thân: xấu cho bản thân mình (chánh kỵ)

- Kỵ Thê: xấu cho vợ/chồng mình

- Kỵ Tử: xấu cho con mình

- Kỵ Súc: xấu cho gia súc trong nhà.

Trong trường hợp khi hai cách tính trên (ngẫu nhiên) cùng dẫn đến kết quả trùng nhau là kim lâu, thì đối tượng bị hại cũng khác nhau.


Để tính tuổi kim lâu một cách bài bản hơn, phải nắm được vị trí các quẻ của bát quái (hậu thiên) trên bàn tay (xem hình).

[center]Hình ảnh[/center]

Vì bát quái có nhược điểm là không có trung tâm (xem Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. – NXB Tp. HCM, 2001-2004-2006, tr. 149), nên khi tính tuổi kim lâu, ngoài 8 vị trí ứng với 8 quẻ thông thường, người ta còn bổ sung thêm khái niệm “trung cung” dành tính cho tuổi 50.


CÁCH TÍNH:

Bước 1: Tìm vị trí SỐ CHỤC của tuổi trên bàn tay theo chiều thuận kim đồng hồ, bắt đầu 10 tuổi tại khôn:

10 = khôn;
20 = đoài;
30 = càn;
40 = khảm
50 = trung cung (quy tắc "ngũ thập nhập trung cung" = 50 (tuổi) đi vào giữa);
60 = cấn;
70 = chấn;
80 = tốn;
90 = ly

Bước 2: Tính tiếp SỐ TUỔI LẺ cho đến tuổi cần tính. Nếu tuổi cần tính rơi vào một trong 4 quẻ khôn, càn, cấn, tốn (ứng với các số 1-3-6-8) thì đó chính là những tuổi kỵ lần lượt cho bản thân, vợ, con, gia súc.

VÍ DỤ:

1) 43 tuổi: 40 ở khảm, 41 ở cấn, 43 ở tốn. Kỵ gia súc.
2) 55 tuổi: 50 ở cung trung. 51 ở cấn, 55 ở khôn. Kỵ thân.

Như vậy, do có nhiều cách tính khác nhau nên một tuổi kim lâu theo cách tính này có thể sẽ không phải là tuổi kim lâu theo cách tính khác.

Kim lâu hay không, còn tuỳ thuộc vào giới tính, đàn bà hay đàn ông. Tục ngữ có câu : “Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Nghĩa là cưới gả thì xét theo tuổi người nữ (con gái lấy chồng), còn làm nhà xét theo tuổi người đàn ông chủ nhà, nếu những người đó gặp tuổi kim lâu thì công việc nên tạm hoãn, đợi qua năm sau hãy làm. Nếu cần gấp quá thì cũng nên chờ kiêng qua hết tiết đông chí (= giữa đông).

Nhưng bên cạnh quan niệm rất phổ biến ấy, trong dân gian cũng phổ biến không kém là câu:
[center]Một, ba, sáu, tám: Kim Lâu
Dựng nhà, lấy vợ, tậu trâu thì đừng!
[/center]

Nghĩa là nếu theo câu này thì việc cưới hỏi cũng tính theo tuổi đàn ông luôn!

Sở dĩ có nhiều khác biệt, nhiều mâu thuẫn như vậy là vì những phong tục kiêng kỵ này là sản phẩm tích luỹ từ những giai đoạn lịch sử khác nhau, của những vùng miền khác nhau, của những nhóm người khác nhau. Chẳng hạn, rất có khả năng quan niệm cưới gả xem tuổi đàn bà có thể là sản phẩm của giai đoạn mẫu hệ, còn xem tuổi đàn ông là sản phẩm của giai đoạn muộn hơn là phụ hệ. Cách tính 1-3-6-8 theo cách xem số đơn vị cuối cùng có thể là sản phẩm cách nhìn đơn giản hoá của người bình dân.

Vì không thấy việc kiêng kỵ này có đủ sức thuyết phục nên nhiều người đã cư xử theo nguyên tắc là việc gì đến cứ để nó đến, cứ để mọi việc thuận theo tự nhiên.

Trong khi nhiều người Việt Nam khác thì, tuy không tin lắm, nhưng họ nghĩ rằng nếu kiêng được mà chẳng mất gì, thì kiêng được vẫn tốt hơn vì "có thờ có thiêng, có kiêng có lành !".

Không có một cách ứng xử duy nhất, mà chỉ có những xu hướng với mức độ phổ biến khác nhau - tất cả đều song song tồn tại tạo nên khả năng có nhiều lựa chọn - đó chính là văn hoá.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi hanoi » Thứ 7 30/08/08 14:54

Là người chưa am hiểu VHH, tôi xin mạnh dạn trình bày một thắc mắc, mong được GS giải đáp dù thắc mắc có thể chưa thật chỉnh:

Hệ thống đường bộ ở Việt Nam có là cái mà GS Thêm gọi là Văn Hóa không? Trong bài “Đối thọai cùng bạn đọc về khái niệm VH và cấu trúc VH” trên Web Site VHH, GS có viết: “bốn đặc trưng sau chính là những đặc trưng cần và đủ để phân biệt văn hóa với những khái niệm, hiện tượng có liên quan: a) tính hệ thống … b) tính giá trị … c) tính nhân sinh … d) tính lịch sử … “. Chúng tôi rất tâm đắc với định nghĩa này về khái niệm VH. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn những thắc mắc, xin phép được trình bày.

Để diễn đạt được gọn, tôi xin phép sử dụng thuật ngữ “Đối Tượng – ĐT” để chỉ mọi thứ mà con người nhận thức được. ĐT có thể là hữu hình (một căn nhà, một phiến đá, …), có thể là vô hình (một ý tưởng, một câu thơ, …), có thể đơn lẻ (một chiếc lá, một người nào đó,…), có thể là một tập hợp nhiều đối tượng (một dân tộc, một ngành KH chẳng hạn tóan học, …). Chúng ta thường nói đến những “lớp đối tượng”. Đó là tập hợp những đối tượng cùng lọai và không có các đối tượng khác lọai chen vào. Để có được một lớp đối tượng thì người ta thường có 2 cách mô tả chính: Một là liệt kê một danh sách các đối tượng và đặt cho tập hợp này một cái tên để chỉ lớp ĐT đó. Thí dụ lớp đối tượng “lớp VHH 2007” gồm và chỉ gồm các bạn: X, Y, Z, B, A. Lớp ĐT này gồm 5 ĐT. Hai là đưa ra những dấu hiệu nhận biết những ĐT là thuộc lớp ĐT đó. Với thí dụ vừa nêu thì ta có thể nói: Lớp ĐT “lớp VHH 2007” là những bạn và chỉ những bạn đã vượt qua kỳ thì tuyển sinh ĐH vào ngành VHH ĐH KHXHNV TP HCM trong kỳ thi tuyển sinh 2007, đã được gọi nhập học và đã làm đủ các thủ tục nhập học. Theo những điều kiện này mà kiểm tra tòan thể ... nhân lọai thì sẽ chỉ ra đúng các bạn X, Y, Z, B, A. Bản thân lớp ĐT lại là một ĐT. Hay người ta nói đó là lối định nghĩa đệ quy.

Trở lại với thắc mắc của tôi. GS Thêm nói rằng 4 đặc trưng mà GS nêu ra là những điều kiện cần và đủ để nhận dạng một Đối Tượng có thuộc hay không thuộc Lớp Đối Tượng mà GS gọi là VH hay không. Kiểm tra những điều kiện cần và đủ này, tôi thấy rằng Hệ Thống Đường Bộ VN và rất nhiều hệ thống khác sẽ thuộc lớp ĐT VH! Đó là điều hơi khó chấp nhận. Phải chăng chúng ta nên xem 4 đặc trưng mà GS nêu chỉ là những điều kiện cần mà một ĐT thuộc lớp ĐT VH phải có? Nếu vậy, có lẽ còn có những đặc trưng khác để nhận dạng chắc chắn hơn một ĐT VH?
RANDOM_AVATAR
hanoi
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 7 30/08/08 13:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Chủ nhật 31/08/08 8:59

[center]Trả lời bạn Hanoi về “Hệ Thống Đường Bộ VN”[/center]

hanoi đã viết:Hệ thống đường bộ ở Việt Nam có là cái mà GS Thêm gọi là Văn Hóa không? ........

GS có viết: “bốn đặc trưng sau chính là những đặc trưng cần và đủ để phân biệt văn hóa với những khái niệm, hiện tượng có liên quan: a) tính hệ thống … b) tính giá trị … c) tính nhân sinh … d) tính lịch sử … “....

GS Thêm nói rằng 4 đặc trưng mà GS nêu ra là những điều kiện cần và đủ để nhận dạng một Đối Tượng có thuộc ... Lớp Đối Tượng... VH hay không.

Kiểm tra những điều kiện cần và đủ này, tôi thấy rằng Hệ Thống Đường Bộ VN và rất nhiều hệ thống khác sẽ thuộc lớp ĐT VH! Đó là điều hơi khó chấp nhận.

Phải chăng chúng ta nên xem 4 đặc trưng mà GS nêu chỉ là những điều kiện cần mà một ĐT... VH phải có? Nếu vậy, có lẽ còn có những đặc trưng khác để nhận dạng chắc chắn hơn một ĐT VH?


Tôi xin nói ngay: “Hệ Thống Đường Bộ VN” chính là một yếu tố thuộc lớp đối tượng văn hoá.

Lớp đối tượng văn hoá có thể là các chủ thể, hành động, hoặc sản phẩm. Các sản phẩm văn hoá có thể mang tính vật chất hoặc tinh thần.

Đối tượng “Hệ Thống Đường Bộ VN” là một sản phẩm văn hoá có thể mang tính vật chất, về nhiều mặt, nó không khác gì một chiếc áo dài, một bát phở. Chúng tôi không thấy có lý do gì để phủ nhận chất văn hoá của nó.

Xin bạn hãy giải thích rõ cái mà bạn nói rằng “Đó là điều hơi khó chấp nhận”?

TNT
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi hanoi » Chủ nhật 31/08/08 15:51

Trước hết xin chân thành cảm ơn GS đã giải đáp thắc mắc của tôi. GS đã khẳng định như sau:
Tôi xin nói ngay: “Hệ Thống Đường Bộ VN” chính là một yếu tố thuộc lớp đối tượng văn hoá.

Lớp đối tượng văn hoá có thể là các chủ thể, hành động, hoặc sản phẩm. Các sản phẩm văn hoá có thể mang tính vật chất hoặc tinh thần.

Đối tượng “Hệ Thống Đường Bộ VN” là một sản phẩm văn hoá có thể mang tính vật chất, về nhiều mặt, nó không khác gì một chiếc áo dài, một bát phở. Chúng tôi không thấy có lý do gì để phủ nhận chất văn hoá của nó
”.
Trong câu trả lời trên, GS xác nhận ĐT “Hệ Thống Đường Bộ VN” thuộc lớp ĐT VH. Chính chúng tôi cũng không thể phủ nhận điều này nếu xem 4 đặc trưng mà GS đã nêu là điều kiện cần và đủ để một ĐT là thuộc lớp ĐT VH.
Trong đoạn trích trên, GS có nói đến một số khái niệm khác như:
- Yếu tố ( là một yếu tố thuộc lớp đối tượng văn hoá): Tôi xin phép thay chữ Yếu Tố ở đây bằng chữ Đối Tượng (hoặc chữ Thành Tố hoặc Thành Phần hoặc Phần Tử). Có lẽ xin được dùng chữ ĐT.
- Sản Phẩm VH (các sản phẩm văn hoá có thể…): Tôi xin phép chưa bàn tới chữ VH sử dụng như một tính từ. Vấn đề này xin được bàn thêm sau.
- Chất văn hoá (… phủ nhận chất văn hoá của nó): Khái niệm Chất VH có lẽ cũng là một tính từ gắn cho một số ĐT nào đó. Cũng giống vấn đề vừa nêu trên, chúng ta sẽ bàn đến khái niệm này khi đã thấu hiểu VH là gì, vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng mình chưa thật hiểu.
Trong bài nêu thắc mắc, chúng tôi đã đề cập và được GS sử dụng các khái niệm: Đối Tượng, Lớp ĐT VH. Chúng tôi đang đứng trước một bài tóan mà một người còn chưa gia nhập làng VHH cho là rất khó: Anh hãy quan sát kỹ lưỡng một ĐT X nào đó. Hãy trả lời câu hỏi X có là một ĐT VH không? Để nói cho thật gọn, chúng tôi xin phép sử dụng một thuật ngữ khác thay thế thuật ngữ “Đối Tượng Văn Hóa”. Đó là “Cái Văn Hóa”. Nghe vậy có vẻ hơi thiếu … văn hóa! Tuy nhiên xin GS và các bạn cho phép tôi dùng cách nói sau về một bài tóan rất cơ bản mà các ngành KH đều gặp khi xác định đối tượng nghiên cứu, ở đây là nói về ngành VHH:
Xét một ĐT X. Hãy xét xem X có phải là một “cái VH” không?
Trở lại thắc mắc mà chúng tôi đã nêu và đã được GS giải đáp. Chúng ta có thể diễn đạt như sau:
ĐT “Hệ Thống Đường Bộ VN” có phải là một “cái VH” không? Câu trả lời của GS là: Đúng, nó là một “cái VH”.
Cuối bài giải đáp, GS có yêu cầu tôi giải thích lý do khi tôi nói rằng xem “Hệ Thống Đường Bộ VN” là một “cái VH” là điều hơi khó chấp nhận.
Tôi xin phép chưa trình bày những lý do mà xin nói lại là nếu chấp nhận 4 đặc trưng: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử là điều kiện cần và đủ để xét một ĐT có là một “cái VH” không thì tôi không có cách nào khác là phải chấp nhận ngay “Hệ Thống Đường Bộ VN” là một “cái VH”. Cũng với logic này, ta có thể nêu rất nhiều “cái VH” khác mà nếu phải chấp nhận chúng là những “cái VH” thì tôi đều cảm thấy có gì đó chưa ổn như với "hệ thống đường bộ VN". Chúng ta hãy xem vài đối tượng sau đây:

- Hệ thống các nhà máy điện ở miền Bắc VN,
- Hệ thống các nhà máy phân đạm ở nước ta,
- Hệ thống truyền lực trong ô tô,
- Hệ thống truyền tín hiệu trong máy vi tính,
v.v…
Chúng có thể đều là những “cái VH” như "hệ thống đường bộ VN" mà GS đã xác nhận. Như trên đã nói, chúng tôi xin tạm gác lại vấn đề khá phức tạp là xét xem một ĐT có “chất văn hóa” hay không mà chỉ xem chúng có là “cái VH” hay không mà thôi. Nói vắn tắt thì có lẽ có những cái không phải là “cái VH” nhưng cũng có thể có “chất VH”. Tương tự như có những cái không phải là người nhưng có chất người!
Đến đây, chúng ta có thể có 2 lựa chọn:
1. Một là tiếp tục xem 4 đặc trưng vừa nhắc trên là các tiêu chí chính xác, nhận biết một ĐT là một “cái VH” hay không là “cái VH”. Với lựa chọn này thì như GS đã khẳng định về "hệ thống đường bộ VN", tất cả những đối tượng trên đều là những “cái VH”. Chúng ta không còn phải bàn gì thêm.
2. Hai là nghi ngờ tính “Đủ” của 4 đặc trưng trên. Tôi thuộc lối suy nghĩ thứ 2 này. Không hiểu các nhà VHH có thông cảm với suy nghĩ liều lĩnh của tôi không?

Nghi ngờ không bao giờ là phủ định. Chúng ta cũng biết nếu không bao giờ nghi ngờ cái gì thì không có khoa học và do đó không có thế giới hôm nay.
Kính mong GS và các nhà nghiên cứu VH chỉ giáo.
Trân trọng
RANDOM_AVATAR
hanoi
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 7 30/08/08 13:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi hoangoclan » Chủ nhật 31/08/08 23:09

hanoi đã viết:Đến đây, chúng ta có thể có 2 lựa chọn:
1. Một là tiếp tục xem 4 đặc trưng vừa nhắc trên là các tiêu chí chính xác, nhận biết một ĐT là một “cái VH” hay không là “cái VH”. Với lựa chọn này thì như GS đã khẳng định về "hệ thống đường bộ VN", tất cả những đối tượng trên đều là những “cái VH”. Chúng ta không còn phải bàn gì thêm.
2. Hai là nghi ngờ tính “Đủ” của 4 đặc trưng trên. Tôi thuộc lối suy nghĩ thứ 2 này. Không hiểu các nhà VHH có thông cảm với suy nghĩ liều lĩnh của tôi không?
Rất đồng ý với bạn Hanoi ở điểm này. Học tập và nghiên cứu thì phải nghi ngờ mới mau hiểu. Nếu bạn có chính kiến gì để bổ sung hay sửa đổi 4 đặc trưng trên thì trình bày lên đây cho mọi người cùng bàn luận nhé.

Theo tôi thì nếu chúng ta chấp nhận
hanoi đã viết:“bốn đặc trưng sau chính là những đặc trưng cần và đủ để phân biệt văn hóa với những khái niệm, hiện tượng có liên quan: a) tính hệ thống … b) tính giá trị … c) tính nhân sinh … d) tính lịch sử … “. Chúng tôi rất tâm đắc với định nghĩa này về khái niệm VH.
thì chúng ta không thể bác bỏ được GS đâu vì GS đã rất cẩn thận khoá đầu khoá đuôi khái niệm của mình: "Tuy nhiên, sau khi so sánh, rà soát thì, theo chúng tôi, bốn đặc trưng sau chính là những đặc trưng cần và đủ để phân biệt văn hóa với những khái niệm, hiện tượng có liên quan: a) tính hệ thống cần để phân biệt văn hóa như một hệ thống giá trị với quan niệm sai lầm coi văn hóa như một tập hợp (phức hợp) của những tri thức rời rạc từ nhiều lĩnh vực; b) tính giá trị cần để phân biệt văn hóa như cái có giá trị với cái phi văn hóa; c) tính nhân sinh cần để phân biệt văn hóa như cái nhân tạo với các giá trị tự nhiên; d) tính lịch sử cần để phân biệt văn hóa như cái được tích lũy lâu đời với văn minh như cái chỉ trình độ phát triển ở một thời điểm nhất định. Định nghĩa văn hóa của chúng tôi chính là sự tổng hợp của bốn đặc trưng cơ bản đó." http://www.vanhoahoc.edu.vn/site/index. ... &Itemid=62 thế này thì phản bác làm sao được nữa.

hanoi đã viết:- Hệ thống các nhà máy điện ở miền Bắc VN,
- Hệ thống các nhà máy phân đạm ở nước ta,
- Hệ thống truyền lực trong ô tô,
- Hệ thống truyền tín hiệu trong máy vi tính,
Những ví dụ này của bạn đều là ảnh hưởng của giao lưu VH với phương Tây trong thời gian gần đây, trong đó "Hệ thống truyền lực trong ô tô, Hệ thống truyền tín hiệu trong máy vi tính" cần phải xác định xem chủ của nó là ai để xác định xem nó đã đủ 4 đặc trưng đối với nền VH đó hay chưa.

Chỉ có "Hệ thống các nhà máy phân đạm ở nước ta" thì có không gian (gián tiếp là chủ thể cũng rõ ràng), nhưng không hiểu với lịch sử như vậy thì nó đã đủ thời gian để lưu danh là một hiện tượng VH VN hay không thôi.

Trong các chủ đề Lý luận VHH, các sinh viên thường xét 4 đặc trưng này trong bối cảnh chủ thể, không gian và thời gian nữa. Vì ĐT VH thì phải xét nó trong bối cảnh nền VH mới chính xác, chứ không thể xét chung chung. Nếu chỉ xét 4 đặc trưng đó thì chắc sẽ tranh cãi vô cùng, nhất là tính giá trị ấy, vì đối với nhóm này thì nó có giá trị, còn nhóm khác thì chẳng có giá trị gì cả, có khi còn có hại.
RANDOM_AVATAR
hoangoclan
 
Bài viết: 32
Ngày tham gia: Thứ 7 07/06/08 16:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi hanoi » Thứ 3 02/09/08 11:13

Lời bàn của hoangoclan có nhiều vấn đề rất hay mà tôi muốn trao đổi. Tuy nhiên tôi xin tạm chưa bàn về những khía cạnh học thuật, hy vọng sẽ có dịp trao đổi sâu trên DĐ. Ở đây tôi muốn nói đến lời cảnh báo của bạn là "... không thể bác bỏ GS được đâu...".
hoangoclan thân mến! trong NCKH không nên để tồn tại khái niệm "bác bỏ". Hãy chỉ tìm cách "bổ sung", "phát triển". Chỉ có thế chúng ta mới vươn lên những tầm cao mới. Ngay cả khi Nicolaus Copernic (1473 - 1543), Galileo Galilei (1546 - 1642) đưa ra hệ thống "Nhật Tâm" (tức trái đất xoay quanh mặt trời), là lý thuyết ngược hẳn với hệ thống "Địa Tâm" (tức các tinh tú quay quanh tâm vũ trụ là trái đất) của Claudius Ptoleme (85 - 165) thì Copernic và Galilei cũng tâm niệm rằng họ đang phát triển những nhận thức của con người về vũ trụ, những nhận thức mà có cái đã đi vào giáo lý, những nhận thức đã tồn tại gần 1500 năm của Ptoleme. Chỉ có Giáo Hội mới cho là Copernic, Galilei bác bỏ giáo lý! Nhưng đó là chuyện tín ngưỡng chứ không phải khoa học.
Nếu quả thật chúng ta chứng tỏ được rằng 4 đặc trưng của "cái VH" mà GS Thêm đưa ra chỉ là 4 điều kiện cần mà chưa là đủ thì tôi tin rằng GS không coi đó là sự bác bỏ và tôi cũng tin chính GS là người vui nhất vì có những người kế tục, phát triển luận điểm của ông. Còn những đối tượng tôi đã nêu làm thí dụ về "cái VH" thì tôi tin là tôi có thể chứng tỏ rằng chúng đều thỏa cả 4 điều kiện cần và đủ để được đứng trong hàng ngũ những cái mà chúng ta gọi là những "cái VH" hay nói cách khác chúng là những phần tử của lớp đối tượng VH. Nhưng trực giác của chúng ta lại thấy dường như không phải vậy. Đó là vấn đề cơ bản hoangoclan ạ.
RANDOM_AVATAR
hanoi
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 7 30/08/08 13:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi hoangoclan » Thứ 3 02/09/08 20:28

hanoi đã viết:trong NCKH không nên để tồn tại khái niệm "bác bỏ". Hãy chỉ tìm cách "bổ sung", "phát triển". Chỉ có thế chúng ta mới vươn lên những tầm cao mới.
Suy nghĩ của bạn rất hay và đầy tình cảm nhân đạo. Không biết bạn ứng xử ra sao nếu cùng một vấn đề, ý kiến của bạn hòan tòan ngược lại với ý kiến của người kia? Trong cuộc sống, mọi thứ đều có thể xảy ra. Khoa học cần sự chính xác, do vậy việc bác bỏ cái cũ để thay bằng cái mới là chuyện bình thường. Nó đã, đang và sẽ còn tồn tại. Bác bỏ cái sai lầm là việc cần làm.

hanoi đã viết:Còn những đối tượng tôi đã nêu làm thí dụ về "cái VH" thì tôi tin là tôi có thể chứng tỏ rằng chúng đều thỏa cả 4 điều kiện cần và đủ để được đứng trong hàng ngũ những cái mà chúng ta gọi là những "cái VH" hay nói cách khác chúng là những phần tử của lớp đối tượng VH.
Mình rất mong được đọc những ý kiến của bạn.
RANDOM_AVATAR
hoangoclan
 
Bài viết: 32
Ngày tham gia: Thứ 7 07/06/08 16:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron