GIAO LƯU VỚI GS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Chuyên mục này dành cho những vấn đề có thể cùng lúc liên quan đến trên một hoặc tất cả các nhóm chủ đề khác như: lý luận văn hoá học, văn hoá Việt Nam, văn hoá thế giới, văn hoá học ứng dụng...

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi Khoa VHH » Thứ 6 04/09/09 11:39

Xin giới thiệu bài viết "GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Duyên nợ với văn hóa Việt Nam" đăng trên báo Giáo dục Tp.HCM, số đặc biệt (713+714+715) chào mừng năm học mới 2009-2010

[center]Hình ảnh
Hình ảnh[/center]
Hình đại diện của thành viên
Khoa VHH
Quản trị viên
 
Bài viết: 161
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 0:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 7 05/09/09 20:51

[justify]Để dễ dàng, thuận tiện hơn cho người đọc, chúng tôi xin gửi tới các thành viên gia đình VHH toàn bộ nội dung bài viết "GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Duyên nợ với văn hóa Việt Nam" của Văn Mạnh dưới dạng văn bản hoàn chỉnh mà chúng tôi tìm được trên Báo Giáo dục Tp.HCM online tại đường link:
http://www.giaoduc.edu.vn/news/nhip-son ... 30207.aspx
Trân trọng!

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Duyên nợ với văn hóa Việt Nam

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm sinh năm 1952 tại xã Hiền Đa, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 1974 tốt nghiệp ngành ngôn ngữ toán Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad (nay là Saint-Petersburg, Nga). Được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên CHLB Nga năm 1999. Từ năm 1975 đến 1992 thầy về công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; từ năm 1992 đến nay thầy công tác tại Khoa Đông phương Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM và là Trưởng bộ môn văn hóa học của trường.

Hiện nay, khi nhắc đến văn hóa Việt Nam người ta thường nhắc đến GS.TSKH Trần Ngọc Thêm một trong những người đã có công đưa môn cơ sở văn hóa Việt Nam vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Thầy Thêm cũng là người có nhiều công trình lớn nghiên cứu về văn hóa. Hơn 30 năm qua, thầy đã dốc sức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu văn hóa Việt Nam tới những người quan tâm về văn hóa trong nước và quốc tế.

“Cuộc đời tôi là một chuỗi tình cờ”

“Thời nhỏ đi học tôi cũng bình thường như bao bạn bè, có khác chăng là tôi khá quậy phá; còn con đường đến với văn hóa Việt Nam cũng thật tình cờ chứ tôi không có ý định nghiên cứu về nó. Nhưng đến hôm nay, tôi cho đó là cái duyên cũng vừa là cái nợ mà tôi phải trả, vì tôi vốn được sinh ra từ mảnh đất Vua Hùng dựng nước” - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm tâm sự.

Từ khi còn nhỏ thầy Thêm đã nuôi ước mơ theo nghề hội họa, bởi thầy mê vẽ và vẽ rất đẹp, nhưng rồi sự nghiệp của thầy lại chuyển sang một hướng khác khi thầy được cử đi du học ở Nga với ngành kinh tế công nghiệp. Sau đó thầy được xếp vào học ngành ngôn ngữ toán. Tuy không đam mê các ngành trên nhưng thầy luôn đạt thành tích học tập rất tốt vì ý thức được trách nhiệm và niềm tin của Nhà nước khi gửi thầy đi du học. Thầy bảo: “Vào những thập niên 60-70, ngành ngôn ngữ toán là ngành rất “hot” vì việc ứng dụng máy tính điện tử đã bắt đầu phát triển ở một số nước phương Tây. Cần phải thực hiện một công việc khổng lồ là mô hình hóa và hình thức hóa toàn bộ tri thức về ngôn ngữ để máy tính điện tử có thể đọc, hiểu và dịch các văn bản”.

Năm 1975, tốt nghiệp về nước với kết quả học tập 5 năm liền toàn điểm ưu. Thế nhưng điều kiện lúc ấy máy tính chưa được phổ biến ở nước ta nên thầy không tiếp tục chuyên môn đã học mà về công tác tại bộ môn ngôn ngữ toán học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công trình khoa học lớn nhất của thầy trong giai đoạn này chính là việc xây dựng ngành ngữ pháp văn bản ở Việt Nam. Năm 1980, ở tuổi 29, mới chỉ có trong tay tấm bằng cử nhân, thầy đã được mời đi giảng dạy về ngữ pháp văn bản tại nhiều trường Đại học Sư phạm, từ Việt Bắc đến Quy Nhơn. Năm 1985, cuốn sách Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt của thầy được Nhà xuất bản KHXH ấn hành và cho đến nay được tái bản 3 lần. Năm 1989, những kết quả về ngữ pháp văn bản của thầy được đưa vào chương trình sách giáo khoa tiếng Việt dành cho học sinh phổ thông.

Nhiều sinh viên chưa bao giờ được học thầy, được tiếp xúc với thầy nhưng nhắc đến GS. Trần Ngọc Thêm là họ nhớ đến công trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” mà hiện nay nhiều trường cao đẳng, đại học trong cả nước dùng làm giáo trình giảng dạy chính. Chuyển sang nghiên cứu văn hóa lại là một ngã rẽ nữa mà như lời thầy nói “cuộc đời tôi là một chuỗi tình cờ”.

Vì niềm đam mê văn hóa

Thầy tâm sự: “Tôi vốn sinh ra trong cái nôi văn hóa Việt Nam - lớn lên trên mảnh đất Vua Hùng dựng nước. Tuổi thơ được nghe mẹ hát ru, nghe bà kể chuyện cổ tích, theo anh chị đi hát trống quân, hát quan họ; được học những trang lịch sử hào hùng của dân tộc… tất cả những kỉ niệm đó đã thấm đậm trong máu thịt, hơi thở suốt đời tôi, làm tôi trở nên yêu nền văn hóa quê hương mình sâu sắc”. Vì vậy năm 1988, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Nga trở về nước, Bộ GD-ĐT giao cho thầy làm Chủ tịch Hội đồng Ngôn ngữ và Việt Nam học cho khối đại học ngoại ngữ với mục đích cải cách giáo dục đại học và lấy khối ngoại ngữ làm thí điểm. Qua khảo sát thầy nhận ra rằng: “Các cử nhân của chúng ta rất giỏi ngoại ngữ thế nhưng kiến thức về văn hóa thì rất yếu. Nhiều học sinh và sinh viên không biết Vua Hùng dựng nước, Chu Văn An - nhà giáo dục đời Trần là ai… đây quả là một điều đáng buồn”, thầy tâm sự.

Từ đây thầy đề xuất đưa môn “cơ sở văn hóa Việt Nam” vào giảng dạy trong trường đại học. Lại một lần nữa, không chỉ là người đề xuất, thầy còn là người đứng ra xây dựng chương trình, viết giáo trình cho môn học này. Thầy kể rằng, lúc ấy làm liều thôi vì kinh phí của Hội đồng hạn hẹp, không thể trả cho những người mình muốn mời nên đành phải tự làm. Trước đó, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chỉ mới dạy môn lịch sử văn hóa, số tiết giảng dạy rất nhiều. Thầy cho rằng đối với sinh viên ngoại ngữ và các ngành khác không có nhiều thời gian cho môn này nhưng phải dạy một hệ thống tri thức cơ sở, một lối tư duy đủ để sinh viên có kiến thức nền về văn hóa Việt Nam, sau này có thể tiếp tục học tập, trau dồi thêm. Từ năm 1995, môn “cơ sở văn hóa Việt Nam” đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình bậc cao đẳng, đại học đại cương. Dù lúc đầu cũng có ý kiến này, ý kiến khác về tên môn học, về những cuốn sách mà thầy viết, nhưng cho đến hôm nay thời gian đã khẳng định những đóng góp của thầy trong việc xây dựng môn học “cơ sở văn hóa Việt Nam” nói riêng và bộ môn văn hóa học Việt Nam nói chung là rất lớn.

Để có được những công trình đồ sộ về văn hóa làm giáo trình ở bậc đại học hôm nay, đã bao đêm thầy “đánh vật” với những tài liệu khổng lồ trong thư viện sách “mini” của mình để tìm hiểu, nghiên cứu và viết. Khi những trang sách đầu tiên ra đời đã có nhiều ý kiến phản biện… Thậm chí “năm 1991 khi những trang sách đầu tiên ra đời, trong một lần vận chuyển đã bị công an chặn lại vì những hình vẽ bát quái, âm dương ngũ hành… trong sách khiến họ lầm tưởng đó là sách mê tín, dị đoan…” thầy Thêm kể.

Đến hôm nay thầy khẳng định, muốn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào trước hết phải say mê và dám sống chết với công việc của mình, đó không chỉ là bí quyết của thầy mà còn là lời nhắn nhủ đến những bạn trẻ đã lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học. Qua bao thăng trầm với nhiều ngành khác nhau nhưng cuối cùng thầy đã đi theo niềm đam mê là nghiên cứu văn hóa Việt Nam. GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Nếu như không học ngôn ngữ toán, không có niềm đam mê văn hóa thì có lẽ tôi không đủ kiên nhẫn, khả năng để làm một khối lượng công việc khổng lồ như thế suốt hàng chục năm trời. Và xã hội phát triển, thanh niên đang dần ít quan tâm tới văn hóa dân tộc. Hôm nay tôi vẫn đang ngày đêm làm việc hết mình mong sao sẽ đưa kiến thức văn hóa Việt Nam đến với nhiều người hơn nữa, đặc biệt là thế hệ trẻ” - đó là tâm niệm sẽ theo GS. Trần Ngọc Thêm suốt cuộc đời.

Nguồn: Báo Giáo dục Tp.HCM, số đặc biệt (713+714+715) chào mừng năm học mới 2009-2010, Thứ Sáu, 04 Tháng chín 2009 hoặc tìm đọc bài tại đường link:
http://www.giaoduc.edu.vn/news/nhip-son ... 30207.aspx

P/S: Từ năm 2008 đến nay, VS.GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là Trưởng Khoa Văn hóa học của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Chủ nhật 01/11/09 21:53


[center]TRẢ LỜI THẮC MẮC CỦA BẠN Chuot_Nhat
VỀ VẤN ĐỀ “NGỤ CƯ - CHÍNH CƯ” hay “VIỆC SỐNG Ở NÔNG THÔN - ĐÔ THỊ”
[/center]


Trong mục “Trang chủ ‹ Các bình diện văn hóa ‹ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG”, tại địa chỉ http://vanhoahoc.edu.vn/diendan/viewtopic.php?f=46&t=1299
Có bài “Thắc mắc về 1 câu trong cuốn tìm hiểu bản sắc VHVN” của bạn Chuot_Nhat gửi ngày 18 Tháng 2-2009 (13:02),
nguyên văn như sau:

@ admin: hôm qua gửi email không biết GS có nhận được không nên post lên 4rum hỏi. Mong admin thông cảm

Kính gửi GS Trần Ngọc Thêm

Khi đọc cuốn sách "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của GS em thấy có 1 câu hơi khó hiểu. Mạn phép viết thơ này hỏi ý kiến GS.

Tại trang 188, mục 10.5 Tổ chức nông thôn về mặt hành chính: thôn và xã

Phía dưới viết về "việc người Việt Nam đời đời kiếp kiếp gắn bó với làng quê, với quê cha đất tổ, với nơi chôn nhau cắt rốn như một thứ tình yêu quê hương đặc biệt. .... đó là hệ quả của sự phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư....người ta sợ rơi vào thân phận dân ngụ cư nên không dám đi đâu"

Đoạn này lý giải nguyên nhân đa số người Việt hạn chế đi xa lập nghiệp hoặc có đi đến nơi khác làm ăn thì vẫn hướng về quê hương của mình, cố gắng trở về thăm quê hương hoặc có điều kiện thì trở về sinh sống (như hiện nay nhiều Việt Kiều quay trở về Việt Nam sinh sống)

Nhưng câu tiếp theo của đoạn này (trang 189) lại ghi

Ngày nay, khi sự phân biệt đó không còn, các cụ, mặc dù về tình cảm vẫn gắn bó với quê cha đất Tổ, đã hoàn toàn có thể yên tâm rời bỏ làng quê đi theo con cháu vào sống nơi thành phố

Thưa GS, em trộm nghĩ, câu này hình như không liên kết logic với những câu trên. Ngoài ra, thực tế hiện nay các ông bà lớn tuổi vẫn thích sống ở làng quê hơn thành phố. Nhiều người chỉ lên ở vài tháng rồi trở về hoặc bất đắc dĩ phải giúp con cháu trông nhà, trông cháu thì mới sống ở TP.

Mong nhận được câu trả lời của GS về chi tiết nhỏ này.


[center]***[/center]

Rất tiếc là tôi đã không nhận được email của bạn (trong gmail và một số hệ thống thư điện tử có cơ chế lọc bỏ các thư từ những địa chỉ lạ - rất có thể thư của bạn – nếu bạn ghi đúng địa chỉ - đã bị loại vì thuộc loại này).

Và cũng thật rủi ro là không hiểu sao mà từ 18-2-2009 đến giờ tôi lại không nhìn thấy topic với câu hỏi của bạn. Lần sau nếu có những câu hỏi tương tự thi xin ai nhìn thấy nhớ nhắc giùm tôi với nhé, kẻo tôi vô tình mắc lỗi với các bạn đọc của mình.

Hôm nay, tình cờ duyệt lại Diễn đàn mới thấy câu hỏi của bạn, và muộn còn hơn không, tôi xin trả lời như sau:

[center]***[/center]

1. Trong quan hệ giữa một con người với một công việc là anh ta làm, thực chất luôn có thể có 3 cấp độ quan hệ như sau:

(1) ĐƯỢC – KHÔNG ĐƯỢC

(2) PHẢI – KHÔNG PHẢI

(3) THÍCH – KHÔNG THÍCH

2. Ngày xưa do sự phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư quá mạnh mẽ, rạch ròi nên con người trở nên bị/được trói buộc chặt chẽ với làng quê, tới mức dù MUỐN, thậm chí dù PHẢI đi đâu (theo những trách nhiệm cá nhân chẳng hạn) cũng không DÁM đi. Và như vậy thực chất là người dân nông thôn KHÔNG ĐƯỢC đi đâu. Trừ những việc mà làng quê khuyến khích (như đi làm quan, làm vẻ vang cho làng xóm).

3. Ngày nay, trên thực tế đã xảy ra các trường hợp sau:

(a) Một số các cụ thích sống ở làng quê, nhưng vì thương con cháu nên bất đắc dĩ PHẢI lên thành phố giúp con cháu trông nhà, trông cháu. Từ “phải” ở đây chỉ là phản ánh trách nhiệm, nghĩa vụ tinh thần trong gia đình, cái chính là do “thương con cháu” cho nên đây vẫn là một việc làm tự nguyện, theo ý mình. Nếu các cụ nhất quyết không muốn thì không con cháu nào bắt ép được các cụ cả.

(b) Một số các cụ THÍCH lên thành phố sống với con cháu, hoặc thích từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sinh sống - các cụ hoàn toàn tự do làm theo ý mình.

Sở dĩ hai trường hợp này xảy ra được chính là vì sự phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư đã không còn, sự trói buộc chặt chẽ với làng quê – và kéo theo nó là lưỡng phân “ĐƯỢC – KHÔNG ĐƯỢC” – đã được cởi bỏ.

4. Việc đa số người Việt hạn chế đi xa lập nghiệp hoặc có đi đến nơi khác làm ăn thì vẫn hướng về quê hương của mình, cố gắng trở về thăm quê hương hoặc có điều kiện thì trở về sinh sống (như hiện nay nhiều Việt Kiều quay trở về Việt Nam sinh sống) là quan hệ giữa con người với hành động ở cấp độ 3 “THÍCH – KHÔNG THÍCH”.

Cần lưu ý rằng việc “quay trở về Việt Nam [= quê] sinh sống” thường chỉ xảy ra đối với Việt kiều xa xứ.

Với các cụ lên thành phố ở với con cháu thì dù thích - không thích, nhưng luôn có cảm giác là mình vẫn ở trên quê hương mình, cái “quê hương’ xưa gói gọn trong một làng nay đã có thể mở rộng ra một nước – do con người, phong tục tập quán, văn hoá về cơ bản vẫn là một, nên hầu như không có nhu cầu “quay trở về quê sinh sống”, vì các cụ vẫn thường xuyên về thăm quê và ngoài ra, muốn về thăm lúc nào cũng có thể thực hiện được ngay.

Còn với Việt kiều xa xứ thì đó họ luôn cảm thấy mình là THÂN PHẬN NGỤ CƯ. Do nhìn ra xung quanh luôn thấy mọi thứ đều khác – từ con người đến phong tục tập quán và văn hoá. Sự phân biệt “dân chính cư - dân ngụ cư” xưa được giới hạn trong quan hệ “làng – nước” thì nay mở rộng ra thành “TỔ QUỐC – THẾ GIỚI”.

[center]***[/center]

Hy vọng bạn hài lòng với những phân tích trên.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi vanhoavietnam » Thứ 2 16/11/09 13:51

tôi có một vấn đề chưa giải đáp được xin GS.TS TRẦN NGỌC THÊM giải dùm: " anh chị hãy trình bày hệ tọa độ của văn hóa?"
RANDOM_AVATAR
vanhoavietnam
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 2 16/11/09 13:37
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 2 14/02/11 22:15

Năm mới vào Diễn đàn thấy topic “Năm mới nói chuyện cũ” có liên quan đến mình, nhưng có một số bạn đã nhanh chân nhanh tay trao đổi với chủ topic giùm rồi và thấy cũng chưa có việc gì cần đến mình tham gia. Nhưng tiện thể, theo đường link tới topic “GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM” do BinhAn cung cấp, tôi rất ngạc nhiên thấy câu hỏi cuối cùng trong topic này đưa lên đây đã lâu (ngày 16 Tháng 11 2009) mà chưa được tôi trả lời.

Tôi đã tự trách mình sao lại có thể vô trách nhiệm đến thế. Nhưng đọc câu hỏi thì dường như là tôi đoán ra được lý do:

vanhoavietnam đã viết:tôi có một vấn đề chưa giải đáp được xin GS.TS TRẦN NGỌC THÊM giải dùm: "anh chị hãy trình bày hệ tọa độ của văn hóa?"


Với câu hỏi có vẻ như được lấy ra từ một danh sách câu hỏi ôn tập cuối môn học “Anh chị hãy trình bày hệ tọa độ của văn hóa?” này có cái gì đó rất lạ. Lạ là ở chỗ tôi không ra câu hỏi này (tôi đã kiểm tra lại danh sách câu hỏi của mình), mà nếu là học trò của tôi thì sẽ không ai hỏi như vậy. Bởi hệ tọa độ KCT của văn hóa và phương pháp KTC là những khái niệm vỡ lòng mà mọi HVCH và SV của tôi đều biết và sử dụng thành thạo trong tiếp cận xem xét các hiện tượng văn hoá từ góc độ văn hoá học.

Nghĩa là, vào thời điểm đó có lẽ là tôi đã băn khoăn không hiểu được tọa độ KCT của câu hỏi nên đã không trả lời. Và rồi công việc cuốn đi nên cũng quên luôn.

Nay tôi thành thực xin lỗi về việc này và mong bạn đọc tiếp tục giao lưu, đặt câu hỏi.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 2 21/02/11 2:20

thưa thầy! em có 2 vấn đề này muốn được nghe ý thầy .
nếu em nhớ không nhầm thì trong bài giảng về nhận diện văn hóa học thầy có nói rằng: phương pháp nghiên cứu văn hóa học là Làm việc với tư liệu do các ngành KHXH&NV khác cung cấp. em trộm nghĩ rằng văn hóa là hệ giá trị nhưng là hệ giá trị có được từ hoạt động (bao gồm cả vật chất và tinh thần), muốn biết hoạt động đa dạng phong phú đến đâu thì hơn ai hết các nhà văn hóa phải đi từ trực quan sinh động và nhà văn hóa học có khi nào là nhà khoa học ghế bành được không!? .
vấn đề thứ 2: văn hóa là một đối tượng phức tạp, thậm chí rất phức tạp vì hoạt động con người đa dạng phong phú bao nhiêu thì văn hóa cũng phong phú đa dạng bấy nhiêu chính vì thế bản thân văn hóa không thể mô hình hóa càng không thể đóng khung mà em để ý thấy thầy rất hay đóng khung.
thầy ơi! những tổng kết mà thầy đóng khung tụi em rất dễ nhớ nhưng em vẫn thấy không ổn sao ấy. sự đóng khung với khái niệm văn hóa và những phạm trù bao quanh nó có tàn nhẫn quá không? bản thân em thì luôn muốn hình dung văn hóa như những cánh chim, chim khi thì bay vút lên trời xanh và cũng có khi nhàn tản trên nhưng cành cây véo von cùng chúng bạn.
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 3 22/02/11 15:31

Cảm ơn Linh Giang về hai câu hỏi em nêu lên. Đây là hai câu hỏi thuộc hàng “kinh điển” về phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và phương pháp nghiên cứu văn hoá học nói riêng. Việc Linh Giang nêu những câu hỏi này ở đây là hoàn toàn dễ hiểu vì trong tuần sau lớp CH K11 của Linh Giang mới bắt đầu học môn phương pháp NCKH. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng trả lời ngắn gọn ở đây cho những bạn không theo học chương trình của khoa văn hoá học nhưng có thắc mắc tương tự cũng có thể nắm được phần nào.

[center]I[/center]
Linh Giang đã viết: nếu em nhớ không nhầm thì trong bài giảng về nhận diện văn hóa học thầy có nói rằng: phương pháp nghiên cứu văn hóa học là Làm việc với tư liệu do các ngành KHXH&NV khác cung cấp. em trộm nghĩ rằng văn hóa là hệ giá trị nhưng là hệ giá trị có được từ hoạt động (bao gồm cả vật chất và tinh thần), muốn biết hoạt động đa dạng phong phú đến đâu thì hơn ai hết các nhà văn hóa phải đi từ trực quan sinh động và nhà văn hóa học có khi nào là nhà khoa học ghế bành được không!?

Đúng là mọi giá trị do con người tạo ra đều có được từ hoạt động, từ cuộc sống quanh ta chứ không có cái gì “từ trên trời rơi xuống”. Từ đó để nói rằng “muốn biết hoạt động đa dạng phong phú đến đâu thì hơn ai hết các nhà văn hóa [học] phải đi từ trực quan sinh động” cũng không sai. Nhưng nếu để từ đó đi đến khẳng định rằng các nhà văn hóa học nhất thiết bắt buộc phải đi từ trực quan sinh động và không thể chấp nhận nhà văn hóa học là nhà khoa học ghế bành thì sai. Rất sai.

Con đường “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” có nhiều cách đi. Có thể tự mình đi qua toàn bộ, nhưng cũng có thể chia ra, mỗi người/ mỗi ngành đi một đoạn trên chặng đường đó.

Việc tự mình đi qua toàn bộ chỉ là một khả năng lý thuyết mà không ai/không một ngành khoa học nào thực hiện được. Xã hội hiện đại có được sự phát triển như ngày nay chính là nhờ con người biết phân công lao động, biết chia nhau ra mà làm. Sẽ không thể có công nghiệp nếu người thợ thủ công vẫn tự mình làm tất cả các công đoạn từ đầu đến cuối. Sẽ không thể có được cái máy vi tính khi một ngành ôm lấy mọi việc, từ việc tay chân cụ thể đến việc tư duy khái quát, từ việc của toán học đến việc của công nghệ, của ngôn ngữ học. Chính chúng ta sẽ không thể làm được một việc gì khác nếu phải tự mình làm ruộng nuôi gà gặt thóc làm thịt nấu cơm ăn. Không phải ngẫu nhiên mà F.Engels có viết rằng "Nếu không có chế độ nô lệ cổ đại thì không thể có châu Âu hiện đại".

Chính vì văn hoá là một đối tượng quá phức tạp, phong phú đa dạng như chính Linh Giang nói dưới đây mà nhà văn hoá học không thể ôm đồm tự mình làm hết mọi việc được mà phải chia ra, biết “đứng trên vai người khổng lồ”. Bản thân mình không hoàn toàn trực tiếp “đi từ trực quan sinh động” nhưng nếu sử dụng kết quả do ngành khác “đi từ trực quan sinh động” mà cung cấp thì trong toàn bộ cũng vẫn là “đi từ trực quan sinh động” chứ sao? Tại sao cứ phải cho rằng cái bánh mỳ do chính mình làm ra mới là cái bánh mỳ? Cái bánh mỳ do người khác làm ra là cục sắt chắc?

Nếu không dựa vào “trực quan sinh động” do ngành khác cung cấp thì liệu có thể có được những ngành khoa học như toán học, triết học hay không? Toán học, triết học, văn hóa học... đều là những ngành có một điểm chung giống nhau là có đối tượng / lớp đối tượng rất rộng, rất đa dạng phong phú cho nên đều phải lấy phương pháp lý thuyết làm phương pháp nghiên cứu chính. Phương pháp thực nghiệm không phải là bị loại trừ, mà là được sử dụng như một phương pháp bổ trợ, khi nào tư liệu do các ngành khác cung cấp không đủ thì mình phải tự làm thực nghiệm, tự quan sát để bổ sung.

Tất nhiên tư liệu do người khác/ ngành khác cung cấp thì có thể có chỗ đúng chỗ sai. Nhưng lấy gì đảm bảo rắng tư liệu do tự mình quan sát và đưa ra sẽ không có chỗ sai? Vậy thì cách thông minh không phải là mỗi người tự mình làm ruộng gặt thóc nấu cơm ăn, mà là biết chọn gạo mà mua, chọn cửa hàng mà ăn. Như vậy là trong xã hội có người làm ruộng, có người nấu cơm, có người làm khoa học. Người làm khoa học dùng gạo, ăn cơm của người làm ruộng, nấu cơm. Còn người làm ruộng, nấu cơm thỉ gửi con cái đến học ở người làm khoa học. Trong cái xã hội mỗi người mỗi việc ấy, công việc nào cũng tốt cả, nếu biết chọn làm theo đúng KCT của mình.

Sản phẩm bảng tuần hoàn do ông Mendeleev ngồi ghế bành làm ra với công cụ là tờ giấy và cái bút chì có thua kém so với những sản phẩm của biết bao nhà hóa học khác suốt ngày ngồi pha chế trong phòng thí nghiệm hay không? Và sản phẩm của những nhà hóa học cũng “ngồi ghế bành” làm thí nghiệm trong phòng có nhất thiết phải thua kém sản phẩm của những người đứng ngoài vườn ngoài ruộng mà làm “trực quan sinh động” hay không?

Và như vậy, “khoa học ghế bành” nào có gì là xấu, kém? Mỗi người mỗi cách, mỗi ngành mỗi cách – tùy theo KCT của mình. Không nên vì thấy mình không giống người khác mà sinh ra tự ti hoặc tự kiêu.

[center]II[/center]
Linh Giang đã viết:
vấn đề thứ 2: văn hóa là một đối tượng phức tạp, thậm chí rất phức tạp vì hoạt động con người đa dạng phong phú bao nhiêu thì văn hóa cũng phong phú đa dạng bấy nhiêu chính vì thế bản thân văn hóa không thể mô hình hóa càng không thể đóng khung mà em để ý thấy thầy rất hay đóng khung.
thầy ơi! những tổng kết mà thầy đóng khung tụi em rất dễ nhớ nhưng em vẫn thấy không ổn sao ấy. sự đóng khung với khái niệm văn hóa và những phạm trù bao quanh nó có tàn nhẫn quá không? bản thân em thì luôn muốn hình dung văn hóa như những cánh chim, chim khi thì bay vút lên trời xanh và cũng có khi nhàn tản trên nhưng cành cây véo von cùng chúng bạn.

Đúng là mọi thực tiễn đều phức tạp, phong phú, đa dạng. Văn hoá bao trùm lên tất cả nên văn hoá phức tạp, phong phú, đa dạng gấp bội phần. Nhưng từ cái đúng đó để khẳng định rằng “văn hóa không thể mô hình hóa càng không thể đóng khung” thì lại sai. Rất sai.

Việc “mô hình hóa” và “đóng khung” chỉ là một phương pháp làm việc của nhà khoa học, nhà giáo dục nhằm mô tả đối tượng để đạt được mục tiêu dễ nhận thức và dễ truyền đạt kiến thức về đối tượng. Nó chẳng động chạm gì đến bản thân đối tượng là con chim thơ mộng của em. Em đã bao giờ chơi chim chưa? Đã bao giờ ăn thịt chim chưa? Chơi chim thì phải nhốt chim trong lồng – thế mới là tàn nhẫn. Ăn thịt chim thì phải giết, phải mổ – thế mới là tàn nhẫn. Ngay những cái tàn nhẫn thực sự như vậy mà trong cuộc sống vẫn phải chấp nhận thì thử hỏi việc nhà khoa học chỉ “mô hình hóa” và “đóng khung” con chim giả trên giấy, sao lại có thể gọi là “tàn nhẫn” được?

Còn nếu cứ muốn nghĩ rằng hoạt động đó là tàn nhẫn thì chỉ còn cách sống cách biệt với thế giới văn minh mà tự nhốt mình ở trong rừng. Đừng đi học, đừng đọc sách, đừng xem tranh. Sách vở là một cách miêu tả, mô hình hóa đối tượng (bằng lời). Tranh ảnh cũng là một cách mô hình hóa đối tượng (bằng sơn, mực; bằng mô hình 2D, 3D).

Đã đành “mô hình hóa” và “đóng khung” có mặt hạn chế là phải loại bỏ các chi tiết. Nhưng việc gì, cái gì mà chẳng có hai mặt? Vừa muốn được cái “tụi em rất dễ nhớ” mà lại vừa muốn nó vẫn “véo von cùng chúng bạn” thì liệu có tham lam quá hay không?

Cái gì cũng có thể tốt, có thể đẹp, nhưng mỗi cái, tùy theo KCT mà tốt đẹp theo kiểu của mình. Cái đẹp của văn chương là véo von bay bổng, cái đẹp của khoa học là minh bạch, chính xác, rõ ràng. Văn chương nghệ thuật thuộc về năng khiếu, không ai dạy (tạo ra) được năng khiếu, mà chỉ luyện và phát huy. Nhưng cái cách suy nghĩ, trình bày minh bạch, chính xác, rõ ràng thì dạy được, miễn là người học đừng dốt quá.

Trách nhiệm của người thày đại học là dạy phương pháp tư duy, phương pháp trình bày. Nghĩa là dạy cách mô hình hóa, cách gạch đầu dòng, cách đóng khung. Sau khi học được cái đó rồi, trò nào có năng khiếu thì cứ việc tự mình cộng thêm – khoác lên nội dung chặt chẽ rõ ràng học được từ thày ấy một cái vỏ trình bày bay bổng, nghệ thuật. Trò nào không có năng khiếu thì cứ tạm bằng lòng với cái nội dung chặt chẽ rõ ràng.

Còn nếu thầy thiên về trình bày sao cho văn hoa bay bổng thì trò tuy nghe có sướng tai thật đấy nhưng liệu sau buổi học sẽ lưu lại trong đầu được bao nhiêu cái gạch đầu dòng? Và rồi tự mình có thể làm được như thầy hay không? Sướng tai được một lúc mà sau đó mình vẫn không tự làm được thì chỉ là “thưởng thức” chứ đâu phải là đi học?

Em hãy xem lại đoạn tôi trao đổi với HVCH Mai Thanh - một họa sĩ, giảng viên Đại học mỹ thuật Hà Nội - ở trong cùng topic này. Tại entry post ngày 08 Tháng 5 2009, lúc 02h55’, Mai Thanh đã kể ra 6 điều tâm đắc, trong đó đáng chú ý là điều thứ hai: “Khoa học đòi hỏi sự cực đoan”, và điều thứ sáu: “Khi nghiên cứu [khoa học], người nghệ sỹ phải gạt đi “chất nghệ sỹ” trong sáng tạo nghệ thuật, để tỉnh táo làm công tác khoa học”.

Hy vọng rằng sau khi học xong ngành văn hoá học, em sẽ là một trong những người có được những mô hình tư tưởng đẹp trong thân xác những cánh chim bay bổng. Chỉ có điều là đừng quên viết hoa chữ cái đầu câu em nhé. Đó cũng là một thứ văn hoá đấy, thiếu cái văn hoá kỹ thuật đơn giản mà các thầy cô đã dạy cho học trò từ cấp PTCS đó thì nội dung dù bay bổng đến mấy đọc lên cũng không thể nào sướng mắt được đâu!
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi To Anh Thu » Thứ 6 25/02/11 18:39

Thưa thầy,
Em thấy trên website của Khoa có hiển thị câu nói của Edouard Herriot: "Văn hóa là cái còn lại khi ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả". Mặc dù cũng ấn tượng với câu này nhưng em thấy nó hơi dài, em thì thích nói ngắn gọn là "Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả những gì đã học". Như vậy liệu có ổn không ạ?
Trong phần trả lời của thầy với LinhGiang, em cũng muốn nói đôi điều về vấn đề thứ nhất: phương pháp nghiên cứu khoa học - trực quan sinh động - nhà khoa học ghế bành.
Em đồng ý với thầy là trong cuộc sống, không chỉ riêng nghiên cứu khoa học, chúng ta nên có sự hợp tác và phân công lao động lẫn nhau. Đó là điều cần thiết cho xã hội hiện nay, học sinh sinh viên cũng đang cố gắng làm quen và thực hành có hiệu quả phương pháp học nhóm.
Nhưng có một số vấn đề em muốn nghe ý kiến của thầy, đó là:
Một là, cách thức để kiểm chứng độ tin cậy của thông tin là gì ạ? Vì nếu, chỉ cần một khâu hay một mắt xích có sai sót thì sẽ kéo theo cả một hệ thống hay một công trình có sai sót, nhất là khi chúng có mối quan hệ với nhau, thông tin này là nền tảng cho phần trình bày sau.
Hai là, nếu một nhà khoa học qua thời gian công bố, trong một chuyến đi, phát hiện "tình huống có vấn đề" của công trình sau khi đã kiểm định bằng thực tế cuộc sống. Anh ta sẽ sửa chữa bằng cách nào? nhất là khi công trình đó đã có sức ảnh hưởng lớn.
Đây là thắc mắc của em từ khi học môn "Đọc sách kinh điển" vì được biết, Tylor là một trong số những nhà khoa học ghế bành. Diễn đạt, câu chữ của em có phần vụng về nhưng thực sự mong muốn được thầy hướng dẫn thêm.
Học làm người
Hình đại diện của thành viên
To Anh Thu
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 7 02/10/10 22:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 7 26/02/11 23:29

[center]I[/center]
To Anh Thu đã viết:Em thấy trên website của Khoa có hiển thị câu nói của Edouard Herriot: "Văn hóa là cái còn lại khi ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả". Mặc dù cũng ấn tượng với câu này nhưng em thấy nó hơi dài, em thì thích nói ngắn gọn là "Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả những gì đã học". Như vậy liệu có ổn không ạ?

Về nội dung: Với câu của Edouard Herriot (xin xem giới thiệu về ông tại địa chỉ: http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?o ... &Itemid=47), văn hoá được hiểu là:

a) “là cái còn lại khi ta quên đi tất cả”: văn hoá [của một dân tộc] có sẵn ngay trong mỗi con người, nó là những gì sâu lắng nhất, bản chất nhất.

b) “là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”: văn hoá rộng vô cùng, có ở khắp mọi nơi, học bao nhiêu vẫn là chưa đủ.

Phương án của em đưa ra "Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả những gì đã học" để thay thế câu danh ngôn của Edouard Herriot vừa thiếu vừa thừa:

Thiếu cái mông mênh vô cùng, mà thừa hai chữ “đã học”. Hai chữ này của em làm cho cái “tất cả” mà Edouard Herriot nói vừa nông, vừa hẹp. Vì cái “tất cả” mà Edouard Herriot nói không chỉ giới hạn trong những gì ĐÃ HỌC được, nó bao gồm cả những cái đã thấy được, đã cảm được, đã được lập trình sẵn trong tiềm thức mỗi con người.

Về hình thức: Để trở thành danh ngôn, một câu nói không chỉ cần hay về nội dung, mà còn cần phải đẹp về hình thức. Khi có hai vế đăng đối (phép đối như một phương thức liên kết văn bản), câu văn sẽ trở nên mượt mà hơn, dễ nhớ hơn rất nhiều. Em cứ đọc lại câu gốc và câu của em rồi lắng nghe mà xem, sẽ thấy sự khác nhau rất lớn.

[center]II[/center]

A. Trong nghiên cứu khoa học, cả phương pháp thực nghiệm lẫn lý thuyết đều có thể sai hoặc đúng (có thể với những mức độ khác nhau), chỉ những người thiển cận mới tuyên bố rằng chỉ có cái này là duy nhất đúng còn cái kia là chắc chắn sai.

Vậy thì, câu hỏi mà To Anh Thu đặt ra “cách thức để kiểm chứng độ tin cậy của thông tin là gì?” là hoàn toàn có cơ sở.

Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, thông tin A có thể được coi là có độ tin cậy cao (hơn thông tin B) nếu nó thỏa mãn một, một số hoặc tốt nhất là tất cả các yêu cầu sau:

a) Được nhiều người thừa nhận (tiêu chí định lượng, thống kê)

b) Được (nhiều) người có uy tín trong lĩnh vực đang xét thừa nhận (tiêu chí định tính, kinh nghiệm)

c) Có tính hợp lý (hệ thống) cao (tiêu chí định tính, lô-gic)

d) Có tính đơn giản cao (quy luật tiết kiệm trong phát triển).

Khi các yêu cầu (tiêu chí) này mâu thuẫn với nhau thì các yêu cầu sau có giá trị cao hơn yêu cầu trước. Ví dụ, ý kiến số đông là tốt, số đông có uy tín càng tốt. Nhưng trong khoa học, có không ít trường hợp chân lý thuộc về duy nhất một người. Trong trường hợp đó, chính là tính hợp lý, tính hệ thống, tính đơn giản sẽ là trọng tài phán xét. Chân lý bao giờ cũng hợp lý. Chân lý bao giờ cũng đơn giản. Cái gì càng có vẻ uyên bác, phức tạp, cầu kỳ bao nhiêu thì càng xa sự thật bấy nhiêu, vì sự thật bao giờ cũng đi theo con đường ngắn nhất.

B. Mới nghe, có vẻ như điều em nói sau đây là đúng:
To Anh Thu đã viết:chỉ cần một khâu hay một mắt xích có sai sót thì sẽ kéo theo cả một hệ thống hay một công trình có sai sót, nhất là khi chúng có mối quan hệ với nhau, thông tin này là nền tảng cho phần trình bày sau.

Vì cách nói đó có vẻ như theo đúng nguyên lý của lý thuyết hệ thống.

Nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Cũng trong lý thuyết hệ thống có nguyên lý toàn vẹn: Trong một tổng thể đúng không nhất thiết mọi thành phần đều phải đúng. Nói cách khác, một hoặc một số thành tố bộ phận có thể sai, miễn tổng thể hoạt động đúng là được.

Ví dụ, “Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa” là một câu hoàn toàn vô nghĩa, hoàn toàn sai. Nhưng trong câu chuyện sau đây thì cái mắt xích có sai sót ấy không những không kéo theo cả văn bản có sai sót mà ngược lại, làm cho cả văn bản hay hơn, đúng hơn rất nhiều:

Sư cụ xơi thịt cầy vụng trong phòng. Chú tiểu trông thấy hỏi, sư cụ liền nói là đang ăn đậu phụ. Vừa lúc ấy, có tiếng chó sủa ngoài cổng chùa. Sư cụ hỏi: “Cái gì ầm ĩ ở ngoài cổng thế?” Chú tiểu đáp: “Bạch cụ, Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa đấy ạ!”. (x. Trần Ngọc Thêm. Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. - H.: NXB KHXH, 1985, tr. 308)

Để tổng thể không sai, khi có một bộ phận sai thì hệ thống có cơ chế tự điều chỉnh. Ví dụ rõ nhất là người mù sẽ có tai thính, cảm giác tay chân nhậy bén hơn để bù lại. Người mất tay trái thì tay phải sẽ làm việc gấp đôi để bù lại.

Trong một công trình khoa hoc theo phương pháp nghiên cứu lý thuyết, tất cả phải thành một hệ thống chặt chẽ, các tư liệu, dữ kiện (do mình tìm ra hoặc do các ngành khác cung cấp) không mang tính đơn nhất mà là mang tính đại diện, việc có một chi tiết sai không thể phá vỡ tính toàn vẹn của toàn hệ thống. Một công trình khoa học do một cá nhân thực hiện khó mà tránh hết được những sai sót, cũng như trong một nồi cơm khó tránh hết được những hạt sạn. Nhiều khi sai rất ngớ ngẩn, những lý do dẫn đến cái sai đó còn ngớ ngẩn hơn. Chẳng hạn, trong lần xuất bản đầu tiên (năm 1996) của cuốn Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, đoạn bàn về tính tổng hợp trong văn hoá đối phó với MTXH ở tr. 577 có câu: “Tham gia đánh giặc ở Việt Nam là tất cả: từ cụ già đến trẻ nhỏ, cả đàn ông lẫn đàn bà. Thiếu niên như Trần quốc Toản khi xưa hoặc Kim Đồng thời đánh Pháp, Võ Thị Sáu thời đánh Mỹ”. Đến bây giờ tôi cũng vẫn không hiểu vì đâu mà có cái lỗi ấy (vào thời điểm đó chắc tôi cũng không đến nỗi dốt sử như thế)! Một lỗi ngớ ngẩn khác mà may là tôi hiểu được lý do là lỗi này: Chú thích hình 6.9 ở trang 149 (cũng TVBSVHVN bản in lần 1 năm 1996) viết như sau: “Chim trên trống đồng: a- Yên Quan (HNN), b- Đông Sơn (Trung Hoa), c- Đông Hiếu (NT), d- Làng Vạc (NT), e- Phú Phương (HSB)”. Hóa ra là vì khi đó tôi đặt chế độ sửa tự động (autocorect) trong MS Word TH = Trung Hoa, nên cứ gõ TH (trong trường hợp của tôi TH = Thanh Hóa) thì máy tự động đổi thành “Trung Hoa”. Từ đó tôi rút ra bài học nhớ đời là hầu như không bao giờ dùng chế độ autocorect nữa mà luôn dùng Autotext (phải nhấn phím F3 để mình còn có thể kiểm soát được). Những lỗi kiểu ấy thì có thể làm giảm giá trị của công trình, làm người đọc khó chịu chứ hoàn toàn không phải vì thế mà làm hỏng cả hệ thống. Người đọc thông minh thường tự điều chỉnh được ngay; người đọc có thiện chí thì thậm chí còn có thể thông cảm được cho tác giả (chẳng hạn như sai lầm "Đông Sơn (Trung Hoa)" trong chú thích hình 6.9 vừa nhắc ở trên thì người đọc thiếu thiện chí hoặc có ác ý có thể vin vào đấy để thóa mạ tác giả, còn người đọc thông minh sẽ thấy ngay sự vô lý khi địa danh ở các trống đồng khác đều được viết tắt, còn riêng ở trống Đông Sơn thì lại ghi là "Trung Hoa" va nhờ vậy sẽ hiểu ngay là có vấn đề gì đó không bình thường ở đây.

C. Còn câu hỏi
To Anh Thu đã viết:nếu một nhà khoa học qua thời gian công bố, trong một chuyến đi, phát hiện "tình huống có vấn đề" của công trình sau khi đã kiểm định bằng thực tế cuộc sống. Anh ta sẽ sửa chữa bằng cách nào? nhất là khi công trình đó đã có sức ảnh hưởng lớn.

Thì quả tình tôi không hiểu.

Thấy sai chỗ nào thì TUYÊN BỐ là sai chỗ ấy, thấy cần sửa như thế nào thì BẮT TAY VÀO SỬA như thế ấy chứ sao?

Không nhẽ việc sửa chữa lại khó thế sao?
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi To Anh Thu » Chủ nhật 27/02/11 21:16

^_^
Cám ơn thầy đã nhiệt tình giải đáp, nhất là cung cấp cách thức kiểm chứng thông tin, điều rất hữu ích và mới mẻ với em.
Chúc thầy một ngày tốt lành!
Học làm người
Hình đại diện của thành viên
To Anh Thu
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 7 02/10/10 22:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron