"Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt Nam

Chuyên mục này dành cho những vấn đề có thể cùng lúc liên quan đến trên một hoặc tất cả các nhóm chủ đề khác như: lý luận văn hoá học, văn hoá Việt Nam, văn hoá thế giới, văn hoá học ứng dụng...

"Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi songnhi » Thứ 2 01/09/08 12:39

Sống trên một đất nước khác, gặp gỡ va giao lưu với bạn bè đến từ những vùng đất khác nhau trên thế giới, mình mới nhận ra rằng giao lưu bằng con đường "văn hoá ăn uống" là con đường nhanh nhất làm cho mọi người trở nên gần gũi nhau hơn. Cùng ngồi chung một bàn, cùng nhau ăn uống, cùng nhau trò chuyện .... lam cho mọi người hiểu nhau hơn, gắn bó nhau hơn.

Ngược lại, nếu trong bữa ăn đó chúng ta vô tình có những cử chỉ, hành vi phạm vào điều cấm kị trong văn hoá ăn uống của đất nước đối phương thì có thể gây cho họ một cảm giác khó chịu. Và đương nhiên, điều đó ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến không khí vui vẻ của buổi tiệc.

Sống tại Nhật, mình gặp không ít rắc rối trong vấn đề này; những điều mà với người Việt Nam ta là bình thường thì với người Nhật đôi khi la điều cấm kị, hoặc không tốt.... Và ngược lại mình cũng gặp không ít bất ngờ khi cùng ăn uống với người Nhật, bởi lẽ ở Việt Nam mình chưa từng thấy ai ăn uống như vậy....

Đến bây giờ, có thể nói mình đã quen với phong cách ăn uống của người Nhật và không còn phạm vào những điều cấm kị trong văn hoá ăn uống của người Nhật nữa....

Vậy "NHỮNG ĐIỀU CẤM KỊ" trong văn hoá ăn uống của người Việt Nam ta là gì?
Khi ăn, người Việt Nam ta ăn như thế nào? Không nên làm gì khi ăn? Ngồi trong bàn ăn không nên làm gì? Vị trí ngồi như thế nào? Khách thuờng ngồi ở đâu? Và "cấm kị" những gì???.........

Tìm hiểu về văn hoá của nước bạn, mình cũng muốn giới thiệu vài nét về văn hoá ăn uống của người Việt Nam ta. Rất mong sự tham gia đóng góp ý kiến của thầy cô và các bạn.

Thành thật cảm ơn.
RANDOM_AVATAR
songnhi
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 2 12/11/07 19:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bữa cơm gia đình - nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 3 02/09/08 8:55

Hình ảnh

Bài viết không đề cập đến những vấn đề kiêng kỵ trong VH ăn uống. Mình thấy trong bài viết của bạn, bạn muốn giới thiệu với bạn bè trên đất Nhật những nét độc đáo trong VH ăn uống của người Việt. Bài viết này có thể đáp ứng một trong những điều bạn đang quan tâm: Bữa cơm gia đình- nét VH của người Việt mình.


Bữa cơm gia đình Việt Nam thường có 3 món, được chế biến với nhiều vị, đủ chất, rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành… Chính vì vậy mà rất nhiều người thích ăn cơm thường ở nhà như thế, bữa ăn làm người ta rất dễ chịu vì hợp khẩu vị và không "nặng bụng" như khi đi ăn tiệc.

Văn hoá gia đình đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong văn hoá Việt Nam, tạo nên những nét độc đáo của văn hoá Việt Nam, đặc biệt trong phong tục, thường gọi là gia lễ, gia phong, cũng như trong cuộc sống như văn hoá giao tiếp, văn hoá ăn uống...

Tại Nam Bộ suốt thời chế độ thuộc địa Pháp, chịu ảnh hưởng rất nhiều văn hoá Pháp, xuất hiện cơm đĩa, song vẫn có “cơm phần” hay “cơm gà-men”, nấu cơm tháng, đưa tới tận nhà, thường có 3 món: canh, kho, xào như những bữa cơm gia đình. Cấu trúc bữa cơm ít nhất gồm 3 món: món thứ nhất là mặn tức các loại kho: như thịt, cá, tôm, đậu, củ… Món thứ hai là xào hay luộc với đủ loại từ rau, củ, quả với thịt, cá, trứng… Món thứ 3 là canh, đủ loại từ rau, quả củ với cá, thịt, đậu…

Với cấu trúc món ăn như thế, thường xắt thành miếng nhỏ, vừa mặn như kho hay nhạt như canh hoặc xào, thuận lợi cho việc ăn tập thể hơn là cá nhân riêng rẽ, rất khó chia thành phần riêng (rations). Món ăn lại ít thịt, chủ yếu là rau và cơm, nên thường người ta nói bữa cơm Việt Nam là “cơm rau” hay “cơm canh”. Đặc biệt món canh rất độc đáo, hầu như trên thế giới chỉ có người Việt Nam có cách ăn canh chan vào cơm. Thường các nước Tàu Tây có món súp hay nấu ăn riêng, hay bỏ một thức ăn nào đó vào súp hay cháo.

Bữa cơm Việt Nam còn không thể thiếu các loại mắm nước hay cái hay dưa, cà.

“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương!”


Món ăn như thế nhiều vị, nhiều chất; rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành, ít gây tật bệnh… Chính vì vậy mà khi ăn cơm thường gia đình như thế, người ta rất dễ chịu, không nặng bụng như khi đi ăn cơm nhà hàng hay ăn tiệc.

Bữa cơm gia đình Việt Nam còn rất ấm cúng, trò truyện thân mật. Mọi người mời nhau, nhường nhịn nhau. "Học ăn, học nói, học gói, học mở". "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng!". Ăn uống cũng là bài học, là nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc!

Hầu như những tinh hoa của văn hoá ăn uống Việt Nam vẫn còn ở trong các gia đình, bởi chỉ sau 1975, mới nở rộ những món ăn Việt Nam trong những nhà hàng lớn hay những tiệc cưới. Việt Nam không có truyền thống làm nhà hàng. Tại Việt Nam trước đây các nhà hàng hầu hết đều là nhà hàng Tàu hay Tây và hầu hết các đầu bếp tại nhà hàng trước cũng như bây giờ vẫn được đào tạo theo kiểu đầu bếp Tây, Tàu, Nhật…

Trong thời đại công nghiệp hiện nay, ai lúc nào cũng vội vã, bận rộn và có thời khoá biểu riêng, tiệc tùng thường xuyên được mời. Trong gia đình các thành viên ít khi gặp nhau, chứ đừng nói hàng ngày lại có dịp ăn cơm gia đình như trước nữa. Nhiều gia đình lớn đã mất đi cái nếp nhà. Những cô gái trẻ không còn thích chuyện nữ công gia chánh. Tại học đường cũng không quan tâm đến dạy nữ công gia chánh như trước nữa. Có nguy cơ nhiều món ăn độc đáo trong gia đình bị thất truyền.

Dù rồi đây Việt Nam sẽ chuyển sang công nghiệp hoá, song dân số phần đông một thời gian dài nữa vẫn sống ở nông thôn và dĩ nhiên nền văn minh nông nghiệp lúa nước này vẫn còn tồn tại, văn hoá gia đình vẫn còn chỗ đứng.

Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải có kế hoạch sưu tầm những món ăn từ những gia đình có truyền thống lâu đời về nghệ thuật ăn uống. Nếu được, nên xây dựng một web sites 3.000 món ăn Truyền thống Việt Nam. Những quê hương nổi tiếng như Kinh Bắc, Thăng Long – Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Biên Hoà, Bình Dương, Gia Định, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá… đều có những món ăn độc đáo, đặc sắc của Việt Nam. Cần giữ gìn bữa ăn gia đình như giữ một nét văn hóa quý báu của đời sống.

(Nguồn VOV)
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/vanhoa ... 08/729279/
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Người Việt ăn uống thế nào?

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 3 02/09/08 9:29

Người Việt ăn uống như thế nào và cách ăn uống khác với người Trung Hoa ra sao?

Thật ra, tôi rất ngại khi cầm viết ghi lại những câu hỏi đã trả lời cho những bạn bè người nước ngoài khi họ hỏi tôi:

Người Việt Nam ăn uống thế nào ? Hay là cách nấu ăn của người Việt có khác người Trung Quốc hay chăng? Vì đó chỉ là những phần nhận xét đã được nhanh chóng đúc kết để đưa ra những câu giải đáp kịp thời chớ không phải do một sự sưu tầm có tính cách khoa học. Trong câu chuyện, một vài bạn trong báo Tuổi Trẻ thấy nhận sét sơ bộ của tôi có phần nào lý thú, nghe vui tai nên nhờ tôi ghi ra thành văn bản. Nể lời các bạn, tôi xin gởi đến các bạn đọc vài mẩu chuyện có thật về cách ăn và nấu ăn của người Việt chúng ta, và xin các tay nghề nấu ăn trong nước đừng cười tôi dốt hay nói chữ, dám múa búa trước cửa Lỗ Bang, đánh trống trước cửa nhà Sấm.

Trong một buổi tiệc, một anh bạn Pháp hỏi tôi:

-Chẳng biết người Pháp và người Việt Nam ăn uống khác nhau như thế nàỏ
-Tôi rất ngại so sánh . . . tôi trả lời . . . vì so sánh là biết rõ rành mạch cả hai yếu tố để so sánh.

Thỉnh thoảng tôi có ăn uống theo người Pháp nhưng làm sao biết cách ăn của người Pháp bằng người Pháp chính cống như anh. Tôi thì có thể nói qua cách ăn uống của người Việt chúng tôị Để cho anh dễ nhớ, tôi chỉ đưa ra ba cách nấu ăn của người Việt, rồi anh xem người Pháp có ăn như vậy chăng?

Người chúng tôi ăn toàn diện, ăn khoa học, ăn dân chủ.

1. Ăn toàn diện: Chúng tôi không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi, mà bằng ngũ quan. Trước hết ăn bằng con mắt, và do đó có nhiều món đem dọn lên, nhiều màu sắc chen nhau như món gỏi sứa chúng tôi chẳng hạn: có giá màu trắng, các loại rau thơm màu xanh, ớt màu đỏ, tép màu hồng, thịt luộc và sứa màu sữa đục, đậu phộng rang màu vàng nâu v. v. . . Có khi lại tạo ra hình con rồng, con phụng, trong những món ăn nấu đãi đám hỏi, đám cưới . Sau khi nhìn cái đẹp của món ăn, chúng tôi thưởng thức bằng mũi, mùi thơm của các loại rau thơm như húng quế, ngò, hoặc các mùi đặc biệt của nước mắm, của cà cuống. Răng và nứơu đụng chạm với cái mềm của bún, cái dai của thịt luộc và sứa, cái giòn của đậu phộng rang để cho xúc cảm tham gia vào việc thưởng thức món ăn sau thị giác và khứu giác. Rồi lỗ tai nghe tiếng lốc cốc của đậu phộng rang, hay tiếng rào rào của bánh phồng tôm, hay tiếng bánh tráng nướng nghe rôm rốp. Sau cùng lưỡi mới nếm những vị khác nhau, hòa hợp trong món ăn: lạt, chua, mặn, ngọt, chát, the, cay v. v. Chúng tôi ăn uống bằng năm giác quan, về cái ăn như thế gọi là ăn toàn diện.

2. Ăn khoa học: Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu, nhất là ở Nhật Bổn thường hay sắp các thức ăn theo " âm" và " dương" .

Nói một cách tổng quát thì những món nào mặn thuộc về dương, còn chua và ngọt thuộc về âm. Người Việt thường trộn mặn với ngọt làm nước mắm, kho thịt, kho cá, rang tép, ướp thịt nướng, luôn luôn có pha một chút đường; mà ăn ngọt quá như chè, ăn dưa hấu hay uống nước dừa xiêm thì cho một chút muối cho âm dương tương xứng. Người Tây khi ăn bưởi thật chua lại cho thêm đường, đã âm lại thêm âm thì âm thịnh dương suy, không đúng theo khoa học ăn uống. Người Việt phần đông không nghiên cứu về thức ăn, nhưng theo truyền thống của cha ông để lại thành ra ăn uống rất khoa học. Người Việt chẳng những để ý đến quân bình âm dương giữa các thức ăn mà còn để ý đến quân bình âm dương giữa người ăn và thức ăn. Khi có người bị cảm, người nấu cháo hỏi: cảm lạnh ( bị mắc mưa, đêm ra ngoài bị cảm sương) thì nấu cháo gừng vì cảm lạnh ( âm) vào người phải đem gừng ( dương) vào chế ngự. Nếu cảm nắng ( bị mặt trời làm cho sốt) thì dương đã vào người phải nấu cháo hành ( âm) . Lại nghĩ đến âm dương giữa người ăn và môi trường; mùa hè thời tiết có dương nhiều nên khi ăn có canh chua ( âm) hoặc hải sâm ( âm) ; mùa đông thời tiết có âm nhiều nên ăn thịt nướng. Ta có câu:

Mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển

Quân bình trong âm dương còn thể hiện qua điếu thuốc lào. Thuốc lá phơi và đóm lửa (dương) hít một hơi cho khói qua nước lã trong bình ( âm) để hơi khói thuốc vào cơ thể, nguồn hút có cả dương và âm, không kể nước đã lọc bớt chất nicotine có hại cho buồng phổi . Chẳng những cân đối về âm dương mà còn hàn nhiệt nữa: thịt vịt hay thịt cá trê - hàn - thì chấm với nước mắm gừng - nhiệt -. Cách ăn của người Việt Nam khoa học vì phù hợp với nguyên tắc âm dương tương xứng hành nhiệt điều hòa. Ngoài ra trong một món ăn thường đã có chất bột, chất thịt, chất rau làm cho sự tiêu hóa được dễ dàng.

3. Ăn dân chủ: Trên bàn dọn bao nhiêu thức ăn, nhưng chúng tôi có thể những món chúng tôi thích, hoặc phù hợp với vấn đề bảo vệ sức khỏe của chúng tôi . Ăn ít hay ăn nhiều thì tùy theo sức chứa bao tử của chúng tôi, chớ không phải ăn những món không ăn được, hay là ăn không nổi . Như vậy cách của người Việt Nam rất dân chủ.

Anh bạn người Pháp thích chí cười to: ăn toàn diện, chúng tôi chưa nghĩ đến là về thính giác, ăn mà nghe tiếng động là vô phép nên ăn bớt ngon. Ăn khoa học, thì chúng tôi chỉ nghĩ đến calory mà không biết âm dương và hàn nhiệt. Còn ăn dân chủ, thì hoàn toàn thiếu sót vì đến nhà chúng tôi có một thực đơn mà mỗi người một đĩa, ăn không hết sợ vô phép nên nhiều khi không ngon lắm hoặc quá no cũng phải cố gắng ăn cho hết. Tôi xin hoàn toàn hoan nghinh cách ăn của người Việt Nam.

Về cách ăn uống Việt Nam lại có thêm:

4. Ăn cộng đồng: Thức ăn đầy bàn mà có một nồi cơm, một tô nước mắm để mọi người cùng xới cơm và chan nước mắm ở một nơị

5. Ăn lễ phép: Con lớn lên đã theo học ăn, học nói, học gói, học mợ. Học ăn là trước nhứt, khi ăn phải coi nồi, ngồi coi hướng.

6. Ăn tế nhị: Ăn ớt cử cách cắn trái ớt, có khi phải ăn ớt xắt từng khoanh, ớt bằm, ớt làm tương. Nước chấm nhứt là ở miền Trung rất tinh tế ăn món chi phải có nước chấm đặc biệt: bánh bèo, bánh lá, bánh khoái đều có nước chấm khác.

7. Ăn đa vị: Một miếng nem nướng đã có vị thịt, riềng, muối, tỏi, hành cuốn vào bánh tráng lạt lạt, có chút bún, rau thơm, ớt (cay) , chuối sống (chát) , khế (chua) , tương ( ngọt, mặn cay) có pha hột điều hay đậu phộng xay ( béo) . Ăn có năm vị chánh: ngọt, mặn, chua, cay, béo, có cả ngũ sắc đen (tương) , đỏ (ớt) , xanh (rau) , vàng (khế chín) , trắng (bánh tráng, bún) . Ăn một miếng mà thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi hơn thế nữạ

Một lần khác, một anh bạn của tôi khai trương một tiệm ăn lớn tại Paris. Anh có mời đài phát thanh và báo chí đến để cho biết rằng tiệm của anh có cả thức ăn Trung Quốc và Việt Nam. Các phóng viên muốn biết Việt Nam và Trung Quốc nấu ăn có khác nhau như thế nào . Hai đầu bếp Việt Nam và Trung Quốc được mời ra để báo chí hỏi thì hai người đều khẳng định là cách nấu ăn rất khác, nhưng phải xuống bếp coi mới thấỵ

Nhà bếp nhỏ không chứa được mấy chục phóng viên, và ai cũng ngại hôi dầu hôi mỡ nên ông chủ tiệm nhờ tôi tìm câu trả lời cho các nhà báo. Tuy không phải là một chuyên gia về nghệ thuật nấu bếp, nhưng tôi cũng phải tìm câu trả lời thế nào để cho các nhà báo bằng lòng. Tôi mới nói rằng, tôi không đi vào chi tiết nhưng chỉ đưa ra ba điểm khác nhau trong cơ bản.

1. Cách dùng bột: Người Việt Nam thường dùng bột gạo trong khi người Trung Quốc thích dùng bột mì, cho nên Việt Nam có phở, hủ tiếu, bún thang, bún bò, bún riêu; mà người Trung Quốc thì chuyên về mì nước, mì khô, mì sợi nhỏ, mì sợi lớn, mì vịt tiềm. Người Việt làm bánh đùm, bánh xếp, bánh cuốn, bánh hỏi; người Trung Quốc thì bánh bao. Chả giò người Việt Nam cuốn bằng bánh tráng bột gạo; còn người Trung Quốc thì cuốn tép trong bánh bằng bột mì.

2. Nước chấm cơ bản của người Việt nam là nước mắm là bằng cá; còn nước chấm của người Trung Quốc là xì dầu làm bằng đậu nành.

3. Người Việt thì thường pha mặn ngọt; ngườ Trung Quốc thích chua ngọt.

Chỉ nói đại khái như vậy mà các phóng viên đã hài lòng; về viết bài tường thuật nêu lên những điểm khác nhau ấy. Ông giám đốc tạp chí Đông Nam Á, sau lời nhận xét đó, cho phóng viên đến phỏng vấn tôi thêm và hỏi tôi có biết yếu tố nào khác đáng kể khi nói về cách nấu ăn của người Việt khác người Trung Quốc ở chỗ nào. Tôi trả lời cho phóng viên trong 40 phút. Hôm nay tôi chỉ tóm tắt cho các bạn những điểm chính sau đâỵ

a. Về rau: người Việt tuy có ăn rau luộc, hay xào; nhưng thích ăn rau sống, rau thơm, mà người Trung Quốc không ưa ăn rau sống, cải sống, giá sống.

b. Về cá: Người Trung Quốc biết kho, chưng, chiên như người Việt Nam. Nhưng người Trung Quốc có cá mặn không làm mắm như người Việt. Có rất nhiều cách làm mắm và ăn mắm: mắm thái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm v. v. . . Các nước Đông Nam Á cũng có làm mắm nhưng không có nước nào biết làm nhiều loại mắm như người Việt.

c. Về thịt: Người Trung Quốc biết quay, kho, luộc xào, hầm như người Việt, mà không biết làm nem, bì và các loại chả như chả lụa, chả quế v. v. . .

d. Người Trung Quốc ít có phối hợp nhiều vị trong một món ăn như người Việt. Khi chúng ta ăn một món ăn như nem nướng thì có biết bao nhiêu vị: lạt lạt của bánh tráng, bún, hơi mát mát ngọt ngọt như dưa leo, và đặc biệt của giá sống trộn với khế chua, chuối chát, ớt cay, đậu phộng cà bùi bùi, và có tương mặn và ngọt. Người Việt trong nghệ thuật nấu ăn rất thích lối đa vị và tất cả các vị ấy bổ sung cho nhau, tạo ra một vị tổng hợp rất phong phú .

Cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của chúng ta. Khi dậy dỗ một trẻ em thì phải cho nó học ăn, học nói, học gói, học mở để biết ăn, nói với người ta. Ra đường phải biết " ăn bận" hay " ăn mặc" cho phải cách phải thế. Đối với mọi người không nên " ăn thua" làm chi cho bận lòng. Làm việc gì phải cẩn thận " ăn cây nào, rào cây nấy" . Trong việc tiêu tiền phải biết " liệu cơm, gắp mắm" và dẫu cho nghèo đi nữa " khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" . Không nên ham ăn quá độ vì " no mất ngon, giận mất khôn" . Ra làm ăn phải quyết tâm đừng " cà lơ xích xui" chạy theo " ăn có" người khác. Phải biết " ăn chịu" với người làm việc nghiêm túc thì công việc khỏi bị " ăn trớt" . Không nên " ăn gian, ăn lận" hay bỏ lỡ cơ hội thì " ăn năn" cũng muộn. Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng " ăn hại" " ăn bám" người khác. Khi đàn chơi phải biết lên dây đàn cho " ăn" với giọng ca, hòa đàn cũng phải " ăn" với nhau, " ăn ý" , " ăn rơ" thì mới hay. Các bạn thấy chăng? Cái " ăn" cũng khá quan trọng nên mới lọt vào một số từ ngữ của tiếng nói Việt Nam.

Tuy chúng ta không như người Trung Quốc " dĩ thực vi tiên" nhưng phải có ăn mới làm nên việc vì có " thực mới vực được đạo".

GS Trần Văn Khê

Nguồn: http://www.saga.vn/Giaitri/An_Choi_Duli ... /3504.saga
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi songnhi » Thứ 5 04/09/08 23:05

Thanh that cam on nhung thong tin ma phanthikimanh da gui cho minh :P
RANDOM_AVATAR
songnhi
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 2 12/11/07 19:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt Nam

Gửi bàigửi bởi leo9x_05va09 » Chủ nhật 19/04/09 20:57

Tôi vốn rất thích nói về vấn đề ăn uống! Tôi muốn chia sẻ một chút, tuy có vẻ không phải vấn đề về những điều cấm kị.......
uhm, về một bữa ăn, cụ thể là bữa ăn gia đình, trong xã hội ngày nay,rất khó có thể đầy đủ các thành viên! Với gia đình tôi, tuy ngày đủ ngày không nhưng một bữa ăn rất bình thường lại ấm cúm, thức ăn không cần thịnh soạn mà thơm ngon hẳn so với nhà hàng, tiệc rượu.Không biết có đặc biệt hay không nhưng gia đình tôi, 3 thế hệ, mọi người đều biết chế biến thức ăn, tôi tự hào về điều đó.Từ ông bà, cha mẹ, đến 2 chị em.Tuy là những món ăn dân dã của cả 3 miền, nhưng thật vui và gần gũi khi ngồi vào bàn ăn. Bữa ăn gia đình thật quan trọng,không chỉ chứa đựng những nét đặc trưng trong ăn uống của người Việt vơi cơm, rau, cá,thịt mà còn thể hiện tình cảm gắn bó của mỗi gia đình người Việt. Hãy cố gắng có những bữa ăn chứa đựng cả niềm vui và sự ấm áp bên gia đình!
Hình đại diện của thành viên
leo9x_05va09
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: Chủ nhật 08/03/09 14:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt

Gửi bàigửi bởi To Anh Thu » Thứ 7 30/10/10 18:31

Rất cám ơn phanthikimanh đã post bài của GS Trần Văn Khê, thông tin mà bạn mang đến rất hay và thú vị. Mình cũng muốn góp tay một chút nhá.
Một là, những điều không nên trong khi ăn là:
- Đũa: nên so hai chiếc đũa cho đều. Cách chia đũa cho mọi người và đặt, để gần chén cơm sao cho khéo, tránh giống với cách người ta bày biện khi cúng người đã khuất. Khi ăn không nên gõ đũa mạnh vào chén cơm, tránh nghe một tiếng động lớn, tránh "chén đũa khua nhau".
- Cơm: thường người nhỏ sẽ phải ngồi gần nồi cơm để xới cơm và bới cơm cho người lớn. Không nhất thiết phải là người nhỏ nhất trong nhà, vì bé quá. Cơm nấu xong phải xới cho đều (tính dân chủ). Và khi bới cơm cho mọi người thì phải bới cho đều, tránh bới cho người này chỉ cơm trên mặt còn người kia thì hưởng toàn dưới đáy nồi.
- Gắp thức ăn: nếu kĩ tính hơn nữa, hoặc khi tính chất bữa ăn có phần "nghiêm trọng", ý lộn, "quan trọng" hay trang nghiêm, các bạn nên trở đầu đũa, vừa vệ sinh vừa thể hiện sự tôn trọng những người ăn cùng
...
còn nữa nhé, nhưng các bạn đọc đến đây đi đã, nếu thích thì mình nói tiếp ^^ hihi, bản quyền mừ.

Mong là topic mình thêm "xôm tụ" nhé!
Học làm người
Hình đại diện của thành viên
To Anh Thu
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 7 02/10/10 22:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt

Gửi bàigửi bởi doaxuanngoi » Thứ 6 05/11/10 9:42

Một số điều kiêng kị ở miền Trung Việt Nam, điển hình là vùng duyên hải miền Trung:
- Người Quảng Ngãi đặc biệt kiêng cho đũa riêng vào tô canh chung của mâm cơm.
- Kiêng bỏ mứa (để dư thức ăn), tuy nhiên ngày nay hầu hết các gia đình khá giả hoặc trong các bữa tiệc thức ăn dư thừa vẫn ngổn ngang trên bàn.
- Kiêng gắp thức ăn chuyền đũa cho nhau mà phải gắp cho vào chén.
- Tương tự cũng kiêng đưa tăm chuyền tay nhau mà phải để xuống chén, đĩa hoặc kể cả mặt bàn.
RANDOM_AVATAR
doaxuanngoi
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 5 04/11/10 22:35
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt

Gửi bàigửi bởi To Anh Thu » Chủ nhật 14/11/10 20:03

mình cũng không thích bỏ mứa, nhất là cơm, hạt gạo người nông dân làm ra rất cực khổ, mà ăn vung vãi lại để dư cơm thấy cũng không vui.
doaxuanngoi post tiếp đi bạn, mình nóng lòng xem những điều cấm kị trong việc ăn uống của người Việt ở các vùng miền khác đây nè, ^^.
Học làm người
Hình đại diện của thành viên
To Anh Thu
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 7 02/10/10 22:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: "Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 3 16/11/10 22:13

Ăn là một nghệ thuật và mỗi dân tộc đều thể hiện một cách "ăn" rất khác nhau bởi liên quan rất nhiều đến văn hóa tín ngưỡng của họ, cho nên khi ăn họ cũng có những "điều cấm kỵ" cơ bản của từng dân tộc. Ở đây tôi xin ví dụ như dân tộc Chăm chẳng hạn: Việc ăn, uống, họ quan niệm rằng phải "thật tế nhị và mang tính coi trọng từng hạt cơm". Khi ăn không được lấy đũa gõ nồi cơm, chén...vì như thế thì tổ tiên họ không an tâm ra đi vì con cháu đang đói kém, và gõ như thế thì những con vật giúp họ làm ra hạt gạo (con bò, trâu) sẽ rất buồn vì nó sẽ phải khổ nhiều==> bò, trâu...bệnh...
Trong khi ăn, không được gấp thức ăn cho nhau (họ cho rằng đó là dơ bẩn, là bất lịch sử...) bởi cây đũa khi ta ăn, chúng ta đã đưa vào miệng mình rồi(đối tượng đang cầm đũa ăn) lại gấp cho người khác là không tôn trọng người khác...
Trong khi ăn một gia đình truyền thống người Chăm cũng được phân biệt rất rõ ràng: Người lớn (ở đây là ông bà, cha mẹ...) ăn ngồi ở trên, rồi đến những người tuổi nhỏ hơn và cứ thế đến những người có vai trò nhỏ nhất trong gia đình (còn nhỏ quá thì họ cho ăn trước bữa cơm hoặc cho ăn lúc cả gia đình ăn xong).
Trong bữa ăn của người Chăm, được họ sắp xếp rất trật tự "đàn ông với đàn ông, đàn bà với đàn bà, trẻ con với trẻ con..." không được xen kễ nhau vì "đàn bà phải ở gần con cái để chăm lo cho con cái và chỉ con gái khi ăn uống...
Tuy nhiên, ngày nay thì cách ăn, uống như thế này rất ít được phổ biến trong xã hội người Chăm, chỉ có một số gia đình ba, bốn thế hệ chung sống trong một nhà...thì cách tổ chức bữa ăn này tồn tại.
Trong cách ăn của người Chăm chắc các bạn có một số câu hỏi "tại sao họ phân biệt nam nữ, ông bà như thế...." họ không phân biệt các bạn ạ...đó là sự phân công việc làm để buổi ăn được "ngăn nắp" và luôn có "trật tự" khi ăn và trong khi ăn người Chăm luôn đặt sự "ý tứ" lên hàng đầu "đặc biệt là con gái" như người Việt có câu" ăn trông nồi, ngồi trông hướng"...
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: "Những điều cấm kị" trong văn hoá ăn uống của người Việt

Gửi bàigửi bởi nuthanbien » Thứ 7 01/01/11 22:40

Đây quả là một đề tài rất gần gũi với tất cả chúng ta mà đôi khi chúng ta ít chú ý tới, bởi điều cấm kị trong văn hóa ăn uống thì có rất nhiều, mỗi vùng, miền đều có những quy định riêng dù không thành văn nhưng hầu như nó được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đơn cử như tại Miền Bắc Việt Nam
Thứ nhất: trong bữa ăn thường là người phụ nữ phải ngồi đầu nồi vì phụ nữ bao giờ cũng phải thể hiện sự đảm đang, chu toàn trong gia đình nhất là người phụ nữ mới về làm dâu thì sẽ đảm trách nhiệm vụ này thay cho mẹ chồng, em chồng hay bất người phụ nữ nào có mặt trong gia đình từ trước đó.
Thứ hai: trước khi ăn cơm phải so đũa theo từng cặp tương xứng nhau và đặt trong mâm theo khoảng cách mà mỗi người trong gia đình ngồi trên chiếu, người Miền bắc ít khi ngồi bàn do đây là cái nôi của nông nghiệp lúa nước nên người ta thích gần gũi với đất đai hơn, thích sự thỏa mái hơn...
Thứ ba: nếu nhà có nhiều thế hệ: ông, bà, cha mẹ thì nhất thiết phải mời theo thứ tự từ cao xuống thấp để thể hiện sự kính trọng, nếu bạn được mời đến nhà một ai đó dùng cơm thì nên lưu ý bởi lời mời đó rất quan trọng thông qua đó người ta sẽ đánh giá được gia đình bạn và bản thân bạn.
Thứ tư: khi ngồi vào mâm cơm dù bạn có đói cũng không được ăn trước nếu như chưa đủ các thành viên trong gia đình mà nhất là những người lớn tuổi trong nhà vì như vậy là không tôn trọng bề trên.
Thứ năm: khi lấy cơm không được lấy quá đầy vì như vậy sẽ cho thấy bạn là người tham ăn.
Thứ sáu: tuyệt đối không được cắm đũa của mình lên bát cơm vì chỉ có cúng người đã khuất mới mới làm thế.
Thứ bảy: khi lấy cơm dù ít hay nhiều cũng phải lấy hai muỗng cho vào một bát vì lấy một muỗng là dành cho cơm cúng
Thứ tám: khi ăn cơm không được bỏ thừa vì như thế sẽ mag tội và bị đánh giá là không trân trọng những thành quả lao động vất vả, cực nhọc mới có được miếng cơm theo quan niệm của người già.
Tuy nhiên những điều cấm kỵ này trong những hoàn cảnh nhất định cũng sẽ có sự linh hoạt nhất định.
Hình đại diện của thành viên
nuthanbien
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 23/09/10 20:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang kế tiếp

Quay về NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron