ĐẠO ĐỨC CỦA TRANH LUẬN

Đây là nơi để các học viên của Trung tâm cùng các HVCH, NCS, SV của Khoa thổ lộ, trao đổi những suy nghĩ, tâm tư của mình về ngành và nghề văn hoá học: từ những bỡ ngỡ ban đầu, thực tế trải nghiệm, ích lợi và cả những hạn chế của nó...

ĐẠO ĐỨC CỦA TRANH LUẬN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 6 26/10/07 15:02

Tranh luận (public debase)là một việc làm hết sức có ý nghĩa đặc biệt là trong việc học tập và nghiên cứu nhằm hoàn thiện chính bản thân chúng ta và có thể là người khác. Thế nhưng, việc tranh luận làm sao cho có văn hoá, tránh đao to búa lớn, chụp mũ, tránh mất hoà khí là một việc làm hết sức tế nhị. Đối với người học văn hoá học, chúng tôi nghĩ điều đó là hết sức cần thiết.
Chúng tôi chưa có bài viết nào về vấn đề này. Cố GS. Minh Chi có bài viết về vấn đề này: "Đạo Đức Của Tranh Luận". Đây là cảm nhận riêng của ông về đạo đức của người tham gia tranh luận. Chúng tôi rất đồng cảm với ông và xin đăng lại đây để quý vị tham khảo và bàn thêm. Rất mong được nghe ý kiến của quý vị.
:D

ĐẠO ĐỨC CỦA TRANH LUẬN

[justify]Tôi đọc quyển “Evolution de la physique experimentale” (Sự diễn biến của Vật lý thực nghệm) của Einstein và Adler đã lâu, nhưng bài học đạo đức rút ra từ quyển sách đó thì tôi nhớ đời. Bài học gì? Đó là bài học khiêm tốn, khiêm nhường thật sự, không chút giả tạo của hai nhà bác học đó. Adler là tiến sĩ Vật lý và có giải thưởng Nobel, còn Albert Einstein thì không thấy chưng lên bìa sách học hàm, học vị nào cả. Nhưng thái độ khiêm nhường của Einstein không phải chỗ ông không bao giờ chưng ra học hàm, học vị mà ở chỗ ông nhận định về cái mà tôi tạm gọi là lô gíc của quá trình diễn biến những thành tựu của ngành Vật lý. Einstein cho rằng, một lý thuyết Vật lý mới ra đời, sẽ tiến bộ hơn một thuyết Vật lý trước đó, nhưng không phải là phủ định thuyết này mà là kế thừa thuyết này. Einstein đơn cử hai thuyết hạt và sóng của ánh sáng, ông nói là có rất nhiều hiện tượng của ánh sáng được giải thích thỏa đáng bằng thuyết sóng, nhưng vẫn có một số hiện tượng của ánh sáng giải thích được bằng thuyết sóng, mà bằng thuyết hạt. Trong di chúc của Einstein, ông trở lại câu chuyện thuyết hạt và thuyết sóng của ánh sáng, ông nói thuyết sóng của ánh sáng chỉ là nhận thức của con người về ánh sáng, còn thực chất của ánh sáng như thế nào thì chỉ khi nào bay được với tốc độ của ánh sáng mới biết được.
Tôi đã nêu vấn đề này của Einstein trong cuốn giáo trình “Đại cương triết học phương Đông” viết cho trường Đại học Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh–Bộ môn châu Á học, trang 39, mục: Vấn đề thực nghiệm tâm linh trong triết học Ấn Độ.1 Theo tôi, chúng ta nên học tập thái độ đúng mức của nhà bác học Einstein trong các cuộc tranh luận của chúng ta, về mọi vấn đề. Đó là thái độ tôn trọng đối phương, chấp nhận quan điểm của đối phương có thể khác biệt với quan điểm của mình, và chính nhờ sự khác biệt đó mà có thể bổ xung cho quan điểm của mình được đầy đủ và hoàn thiện hơn. Cuộc sống bản thân nó là đa dạng, phong phú, mà đầu óc lười biếng của chúng ta thì muốn cho đơn giản, với những câu như “lắm thầy, nhiều ma”, hay là “bàn nhiều, rách việc”. Từ cái đầu óc giản đơn đó mà sinh ra thái độ áp đặt, cưỡng chế về mặt tư tưởng, rất là không có lợi về lâu về dài.
Tôi nói có hại về lâu về dài vì như thế này: Tư tưởng hay quan điểm mà đương sự vốn cho là đúng, bị áp chế không được nói ra, sẽ vẫn được giữ lại trong tìm thức của người đó, tạo thành một nỗi bức xúc thường trực, không chóng thì chầy biểu hiện thành những phản ứng khác nhau trong hành động và lời nói của anh ta. Hành động và nói năng như thế nào là tùy theo hoàn cảnh của người đó, nhưng chắc chắn, phần lớn những hành động và lời nói đó biểu hiện sự phải đối của anh ta đối với những tổ chức hay cá nhân đã áp chế anh ta. Tình hình xã hội sẽ như thế nào, nếu đó không phải là sự áp chế tư tưởng đối với một người mà đối với số đông? Đây là một tình hình đặc biệt mà tôi tạm gọi là ức chế xã hội (social stress), không thể bàn nhiều trong phạm vi bài này được. Đây là một đề tài xã hội học, có tính chất thời sự mà đáng tiếc là cho đến nay, các giới xã hội học Việt Nam chưa quan tâm mấy. Nay, hãy trở về vấn đề của chúng ta là đạo đức của tranh luận. Hiện nay đang cộm lên quá nhiều trong cuộc tranh luận xung quanh một số bài viết của một số giáo sư, học giả hay là một số giáo tàn “văn” cho cấp 3. Ở đây, tôi không nói nhiều về nội dung, mà chủ yếu nói về thái độ của các bên tranh luận. Thái độ nên có, nếu các bên tranh luận muốn cho sự thật được bày tỏ, sau khi tranh luận kết thúc.
1. Thái độ tôn trọng sự thật
Mọi cuộc tranh luận nghiêm túc đều phải dựa vào sự thật. Nghĩa là khi tranh luận, nói câu này đối phương nói hay viết là đúng hay sai, tức là đúng hay là sai với sự thật, mà đối phương cũng như mình và mọi người đều kiểm chứng được. Tất nhiên, đó phải là những dữ kiện (sự thật) có liên quan tới vấn đề thảo luận hay tranh cãi, chứ không phải là những dữ kiện, tuy cũng là sự thật, nhưng vì không liên quan gì tới chủ đề thảo luận, cho nên dù có được dẫn chứng cũng không có giá trị. Thí dụ, một bên tranh cãi, vốn đang học ở trường Đại học Harvard, nói: “Ông không biết tôi đang học ở trường Đại học danh tiếng thế giới à!”. Đúng, tôi biết anh này đang học ở Harvard thật, nhưng đó là một sự thật không có liên quan gì tới vấn đề tranh cãi cả. Anh có thể là sinh viên ở Harvard, hay là đã tốt nghiệp ở Harvard, hay thậm chí là giáo sư ở Harvard, nhưng không thể vấn đề gì anh cũng giỏi, uyên bác. Có những vấn đề anh có học, có biết, tuy rằng sự hiểu biết ở cấp đại học cũng chỉ mới là cơ bản mà thôi. Và tất nhiên, có nhiều vấn đề anh chưa học cho nên chưa biết. Hơn nữa người kia có thể trả lời: “Tôi học ở Oxford hay Cambridge hay Sorbonne v.v...” Cãi như vậy không phải là tranh cãi với thiện chí tìm ra sự thật, mà chỉ là để hơn thua cá nhân.
2. Tránh đao to búa lớn, quy kết nặng nề, chụp mũ lung tung.
Khi tranh luận, chỉ cần nói lên những sự thật hoặc chứng minh, hoặc phủ định một lập luận. Thế là đủ, việc gì mà phải đao to búa lớn, quy kết nặng nề, chụp mũ lung tung, khiến cho cả người ngoài, vô tư đến đâu mà nghe hay là đọc cũng đều bất bình. Hồ Chủ tịch từng nói: “Cho trẻ con ăn kẹo mà tọng vào mồm nó, nó cũng không muốn ăn.”
Cho nên, không phải chỉ nội dung mà thái độ tranh luận cũng rất quan trọng. Phật cũng từng nói: “Ta không tranh cãi. Ta chỉ thuyết pháp.” Thuyết pháp là để nói lên sự thật đáng nói. Tranh cãi làm chi cho mất thời giờ, vì con người có quá nhiều điều đáng học, nhiều việc đáng làm. Mà đời người thì quá ngắn, ngắn như một hơi thở, như lời Phật dạy trong Kinh 42 chương. Anh nói rằng anh đúng ư? Thì hãy làm như lời anh nói. Cuộc sống sẽ chứng minh rất sớm là anh đúng hay sai. Hãy để cho thực tiễn làm trọng tài phán xử ai sai ai đúng. Đọc một số bài tranh luận, chúng ta phải ngạc nhiên và buồn bã khi phải đọc những từ như “bố láo”, “ngu xuẩn”, “trí thức dở hơi’, “khờ khạo” v.v... Đó là những từ dùng để chửi đổng ngoài chợ, không phải lời của những người có văn hóa, được giáo dục tốt ở gia đình có nề nếp. Những lời lẽ đó thật không xứng đáng là của một trí thức học ở đại học, lại càng không thể là của người đứng ở bục giảng.
Trong đạo Phật, có hạnh ái ngữ, là lời nói dịu dàng, dễ mến, dễ nghe. Lời nói của người Phật tử luôn luôn phải như vậy. Dù đôi khi phải nói lên một sự thật đau lòng cho người nghe, thì cũng phải nói với lời dịu dàng, dễ nghe, dễ mến, để cho người nghe chấp nhận được. Chúng ta phải nói sự thật, không những vì lợi ích của sự thật, mà còn vì lợi ích của người nghe nữa. Do đó, khi nói lên một sự thật, tuy đau lòng như vẫn có lợi cho người nghe, thì không những phải lựa lời mà còn phải đúng lúc nữa.
Có lòng từ trước mặt và sau lưng, đó là thái độ nhất quán của người Phật tử. Ngay trong tranh luận, người Phật tử cũng phải giữ gìn lòng từ nhất quán đó. Không thể tưởng tượng được, chấp nhận được một Phật tử mà “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, trong tranh luận, trong nói chuyện cũng như trong cuộc sống, đều luôn luôn tìm hết cách để đề cao mình và vùi dập người khác, dù người khác đó là đồng nghiệp hay đồng đạo của mình.
Thời này, hơn thời nào hết, nhân dân ta cần có sự hòa hợp đoàn kết. Cơ chế thị trường, vốn có xu hướng phân xã hội làm hai cực: những người rất giàu, và những người rất nghèo. Sự xuất hiện của hai cực đó là cái hố sâu phá hoại sự đoàn kết, hòa hợp vốn là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Những chuyện tranh cãi, đao to búa lớn trên văn đàn, bất quá chỉ là cái hoa, cái lá mọc trên và trong cái hố sâu mất đoàn kết giữa lớp người giàu và lớp người nghèo, vốn là con đẻ tất yếu của cơ chế thị trường. Tôi tin rằng, Đảng và Chính phủ ta đang tìm mọi cách để thu hẹp khoảng cách giữa hai lớp người giàu và người nghèo. Một trong những biện pháp đang được thực hiện là chính sách tái phân phối bằng thuế thu nhập, đánh vào những người có lương quá mức cao so với mức trung bình. Ngoài ra còn các biện pháp khác như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa v.v... đều rất đáng hoan nghênh. Trong các biện pháp trên, biện pháp tái phân phối bằng thuế thu nhập là có hiệu lực và có tầm quan trọng hơn cả.
Chính phủ thi hành chính sách thuế thu nhập là để thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm cơ sở kinh tế cho sự đoàn kết toàn dân, đó là vấn đề cơ bản nhất. Chính phủ đang dồn hết sức để làm cái việc cơ bản đó. Công việc cơ bản này mà thành tựu tốt đẹp thì lời chúc của Hồ Chủ tịch mới thật sự có ý nghĩa:
“Đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, đại thành công.”
Còn quý vị giáo sư, các nhà văn, nhà báo có thể vẫn cứ tiếp tục tranh luận, miễn là giữ thái độ đúng mức, xây dựng, thật sự có văn hóa. Các Phật tử chúng ta cũng có thể tham gia tranh luận, miễn là luôn luôn giữ thái độ ấy một cách nhất quán.
[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Tâm sự văn hoá học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến19 khách