Quan Lạn - Hành trình vượt sóng

Nơi giới thiệu những sự kiện, những hình ảnh, những cảm nhận... về các chuyến đi của các thành viên Trung tâm và/hoặc Khoa Văn hóa học đến các địa phương trong nước và quốc tế...

Quan Lạn - Hành trình vượt sóng

Gửi bàigửi bởi aninin » Thứ 7 10/11/07 0:23

[justify]:D :D
Vân Đồn, Bái Tử Long - những cái tên nên thơ gắn liền với bao huyền tích chống giặc ngoại xâm - những cái tên gợi trong lòng người bao sự cách trở. Nơi đây, miền biển địa đầu vùng đông bắc của Tổ Quốc, chỉ có sóng gió và những ngọn núi đá vôi trầm mặc với thời gian. Từ bờ biển Bãi Cháy, đi tầu lênh đênh trên sóng biếc suốt bốn tiếng, bạn mới có thể đặt chân đến miền biển đảo này. Sự vô tận của dòng chảy lịch sử từ những huyền tích trong quá khứ đến hiện tại, sự xa xôi của không gian và sự ngại ngần của tâm lý con người…chẳng biết đâu mới là sự cách trở đích thực giữa miền biển cực bắc này với những vùng miền khác của Tổ Quốc. Càng xa xôi, càng cách trở lại càng gợi lên trong lòng người bao khao khát đi, đến và trải nghiệm…

Hình ảnh

Tôi là một người học sử, hơn nữa lại học chuyên ngành lịch sử Việt Nam cổ trung đại, so với những người bạn khác, mặc dù chưa một lần được đến nhưng tôi hiểu khá rõ về vùng biển dảo này, ít nhất là trên phương diện lịch sử. Dấu vết những di vật khảo cổ tìm thấy tại Vân Đồn cho biết người Việt cổ đã đến và cư trú tại quần đảo này từ rất sớm. Tuy nhiên, phải đến năm 1149, khi vua Lý Anh Tông ra chỉ dụ lập trang Vân Đồn ngoài biển để thuyền buôn các nước Tiêm La, Trảo Oa, Lộ Lạc…đến buôn bán, Vân Đồn mới chính thức lưu danh vào dòng chảy lịch sử dân tộc. Với sự tụ hội buôn bán của thương buôn các nước, Vân Đồn nhanh chóng sầm uất, từ một trang phát triển thành một trấn trực thuộc vào sự quản lý hành chính của lộ Hải Đông (vùng đất ven biển Quảng Ninh ngày nay). Dưới thời Lý, Trần, Vân Đồn vươn mình trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng trên vùng đông bắc biển Đông. Năm 1288, với chiến thắng vang dội của Trần Khánh Dư trước đoàn lương của Trương Văn Hổ trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, Vân Đồn trở thành một trong những địa danh vàng trong trang sử anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc. Sang thời Lê Sơ, với chính sách hạn chế ngoại thương của triều đình, vai trò của Vân Đồn dần suy giảm. Thương cảng Vân Đồn chỉ còn tồn tại trong một thời gian ngắn và lụi tàn dần. Những thế kỷ sau, Vân Đồn chỉ còn giữ vai trò của một quan trấn, một căn cứ hải quân quan trọng bảo vệ an ninh biên giới biển.
Hình ảnh
Đây là ảnh chụp nghè thờ Trần Khánh Dư trên đảo

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, hôm nay, Vân Đồn vẫn đứng đó, hiên ngang cùng sóng gió. Dấu vết của thời hoàng kim xa xưa chỉ còn lại trong những phế tích nơi làng cổ, nơi bến thuyền và những cái tên cổ như cửa Tử, cửa Ôn…Chiến thắng oanh liệt khi xưa của quân dân nhà Trần cũng chỉ còn lưu lại trong sự tích những ngôi miếu thờ ba anh em họ Phạm từng có công diệt giặc, ngôi nghè thờ Trần Khánh Dư - vị đại tướng chỉ huy thuỷ quân thửơ nào. Bao thăng trầm dường như đều tan hoà hết cùng sóng nước mênh mang, Vân Đồn hôm nay đậm chất thơ của một chốn thiên đường, đẹp và hoang sơ đến say lòng người.

Tôi được đến với Vân Đồn trong một chuyến đi đầy bất ngờ. Dù ao ước nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có thể đặt chân đến miền đất này sớm đến vậy. Hơn nữa, tôi lại còn được lưu lại tại đây hai ngày hai đêm, một khoảng thời gian đủ dài để trải nghiệm những cảm xúc thật sự, đủ dài để xích lại gần gũi hơn với những người bạn đồng nghiệp. Chúng tôi đã có một chuyến đi nghỉ tại xã đảo Quan Lạn (thuộc huyện đảo Vân Đồn) từ ngày 28.4 đến 30.4. Một hành trình dài 200 cây số, hơn 3,5 h ròng rã đi ô tô và 4 h vượt sóng.

Lần đầu tiên đi chơi xa với những người bạn không phải là dân sử nhưng tôi vẫn cảm thấy thật vui, thật thoải mái. Cảm xúc trong tôi vẫn không khác những chuyến thực tập của thời kỳ sinh viên xưa. Chơi hết mình, vui hết mình và tận hưởng sự êm ái của nơi thiên đường trên mặt đất cũng hết mình.

Đứng trên mũi tàu du lịch, phóng mắt nhìn ra xa, biển xanh ngắt một màu, ánh mặt trời lấp loáng trên sóng nước. Tiếng gió ngoài khơi lồng lộng, tiếng sóng vỗ ì oạp bên thân tàu và mùi vị tanh tao, mặn nồng của biển – chưa bao giờ cảm xúc về biển trong tôi lại vẹn nguyên đến thế. Tất cả những ồn ào, mệt mỏi của Hà Nội phố đã tan biển hết, chỉ còn trong tôi bài ca du dương về biển. Những ngọn núi muôn hình vạn trạng lần lượt hiện lên rồi lại lùi dần sau đuôi tàu, những đám mây bồng bềnh trên không như chính chúng tôi đang bập bềnh trên sóng. Thích thật. Nhiều khi tôi tự hỏi, sống để làm gì? Lúc này, câu trả lời thật đơn giản, sống để chờ đợi và tận hưởng những giờ phút thư thái, thanh thản như lúc này đây.

Mặc nắng chiếu rát mặt, tôi vẫn thích ngồi trên mũi tàu, chân đong đưa và đôi mắt lim dim buồn ngủ. Gió lộng bên tai và tiếng sóng – ngân vang mãi bài hát ru vĩ đại của thiên nhiên…

Tàu cập bến. Khác hẳn sự tấp nập chen chúc trên bến dưới thuyền của bến tàu du lịch Bãi Cháy, bến tàu Đông Hồ (Quan Lạn) chỉ thưa thớt dăm con thuyền đang ngơi nghỉ sau những hành trình vượt biển. Trên cầu cảng, 4 chiếc xe túc túc (đây là loại phương tiện chính đi lại trên đảo và chở khách du lịch) đang chuẩn bị đón chúng tôi.

Khu du lịch sinh thái biển Quan Lạn ẩn mình dưới những hàng phi lao cao vút. Con đường gạch nhỏ dẫn vào khu nhà nghỉ lên xuống lượn quanh những triền đồi thoai thoải. Hàng cọc tre nhỏ làm rào hai bên đường được sơn một màu trắng thanh thoát. Chúng tôi đi mà ngỡ như đang lạc vào phim trường của một đoàn làm phim Hàn Quốc nào vậy. Những nếp nhà sàn gỗ đơn sơ nằm rải rác trên những đụn cát sát bờ biển. Khu du lịch này mới được công ty Việt Mỹ xây dựng nên còn đơn sơ, vì thế hệ thống dịch vụ chưa được tốt lắm. Điện cũng chỉ có từ 5h chiều đến 12h đêm. Nhưng điều đó chẳng hề gì, biển mênh mông, bờ cát trắng mềm mịn ngoài kia đã đủ để chúng tôi có một kỳ nghỉ hoàn hảo.

Đặt bàn chân trần trên cát mịn, những con sóng đuổi nhau mơn man gan bàn chân chúng tôi. Hơi ẩm của cát, của sóng và vị mặn mòi của biển ngập tràn đầu môi. Bãi biển Sơn Hào (một trong hai bãi tắm của Quan Lạn) hiện ra nguyên sơ như thưở khai thiên lập địa. Trên bãi biển, chỉ một vài du khách đang thả bộ cùng chúng tôi, khoan thai, thư thái. Chúng tôi đùa nghịch, xây lâu đài, đắp cát lên da thịt, nằm ngửa để sóng biển chảy qua tóc…chúng tôi hò hét, chạy nhảy…nô nghịch như khi còn là những đứa trẻ nhỏ vô lo vô nghĩ. Biển mặn mòi, biển đầy nước mắt chúng sinh nhưng biển cũng là nguồn vui, nguồn thơ vô tận trong tâm hồn những sinh linh nhỏ bé như chúng tôi. Không gian khoáng đạt của núi và biển, của sóng và gió, của cát và rừng phi lao như ôm trọn mỗi chúng tôi trong vòng tay vĩ đại của nó, nâng niu như những đứa con xa nhà trở về trong vòng tay mẹ biển. Chỉ mới qua một ngày, Hà Nội dường như đã mờ xa hẳn…

Màn đêm buông xuống. Không khí biển đêm có điều gì đó thật đặc biệt, một cảm giác trống vắng mơ hồ trào dâng. Ngồi trên ghế đá nhìn ra biển, chẳng thấy biển, chỉ thấy đầu sóng trắng xoá, chỉ nghe tiếng gió rì rầm cùng tiếng sóng,chợt thấy mình nhỏ bé quá. Hình như đã có lúc tôi ước mơ mình được một lần nhỏ bé bên một bờ vai đầy tin tưởng trước biển. Hình như…đã xa…ước mơ của những khoảnh khắc lòng tôi dậy sóng. Biển xa tít ngoài kia và người cũng xa tít trong tâm tưởng tôi.

Đêm lửa trại. Cuồng nhiệt trong những trò chơi tập thể, hết mình hát những khúc “đồng dao” quen thuộc của những lần liên hoan công ty, quanh cuồng trong những điệu nhảy ngẫu hứng không thành bài bản. Tất cả thật tự nhiên, thoải mái.

Đi biển ăn hải sản là chuyện tất nhiên. Nhưng đáng tiếc là ở đây, hệ thống dịch vụ còn quá hạn chế nên chuỵên ăn uống không được như ý. Mọi người trong đoàn ăn còn đói huống chi nói đến chuyện ngon miệng. Quan Lạn có rất nhiều đặc sản như: ngao, ngán, ghẹ, ốc, sáo sùng…nhưng chúng tôi không có cơ hội để thưởng thức. Thực đơn thường xuyên của chúng tôi là ngao, hết canh ngao lại ngao luộc, ngao nướng. Kế đến là mực xào, có một lần duy nhất được ăn ghẹ nướng. Buồn cười hơn là chúng tôi đi biển lại toàn được ăn những món từ tận đất liền xa xôi: thịt bò xào, trứng rán, rau muống…ăn cháo cũng là cháo gà, mì thì mì bò…Trời ơi, chúng tôi có lưu luyến đến mức chưa ra đảo đã lại thèm ăn những món ăn quen thuộc của đất liền đâu. Hic hic….

Đêm về, nhóm nam chơi game, đánh bài, tôi rủ “ngũ cô nương” đi dạo biển. Hôm sau, tinh mơ 5 giờ sáng, lại tiếp tục dạo biển. Tôi ước được xem bình minh trên biển nhưng thất vọng quá, sương mù dày đặc, biển sớm thật lạnh lẽo, báo hiệu một ngày không tươi sáng. Lạnh quá, chúng tôi đúng là đang đi nghỉ “mát”, quá mát là đằng khác, mát đến run người. Vợ tôi – nàng mặc chiếc váy trắng xoè rộng, nàng cao nên đi trên bờ biển thấy dáng hình nàng phiêu diêu quá. Có phải các thiếu nữ thời xưa mong manh sương khói cũng như dáng vợ tôi lúc này không nhỉ! Giờ thì tôi đã hiểu, tại sao hình bóng người con gái cô đơn trước biển lại khiến nhiều tâm hồn thi sĩ, nhạc sĩ rung động đến vậy. Như lòng tôi lúc này chăng?

Tôi và chị đi nhặt ốc, cặm cụi nhặt từng con ốc nhỏ xinh đủ màu sắc để khi về mang theo một món quà kỷ niệm. Tôi cứ có cảm giác, mỗi lần nhặt được một vỏ ốc tí hon là mình lại đang chắt chiu từng mảnh của ước mơ vậy. Nghĩ thế mà phấn khởi hơn, lại càng nhẹ tay nâng niu từng chiếc vỏ mỏng manh óng ánh.

Chuyến đi này khiến tôi có cảm giác như khi đi thực địa cùng bạn bè ở khoa sử bởi chúng tôi lại đi đình chùa. Trên đảo Quan Lạn còn nguyên vẹn cả quần thể gồm đền, đình, chùa, nghè và rất nhiều miếu thờ các nhiên thần dựng trên các bờ đá. Hầu hết các công trình kiến trúc ở đây đều là sản phẩm xây dựng lại, chỉ duy có đình Quan Lạn là còn giữ được một vài mảng chạm khắc vì kèo, xà ngang từ thời Hậu Lê. Đình Quan Lạn cũng là công trình lớn nhất trên đảo. Nếu đứng trước cửa đình, nhìn qua tứ trụ vào đình, bạn sẽ có cảm giác như mình đang đứng trước một ngôi đình quen thuộc ở các làng quê trong đất liền vậy. Vẫn mái đình cong, vẫn kiến trúc hình chữ Công quen thuộc với gian phương đình rộng và gian hậu cung lùi sâu trang nghiêm. Đình Quan Lạn cũng được xây dựng ở một vị trí đắc địa, phía trước nhìn ra vụng biển rất thoáng, giống như thế nhìn sông tựa núi của đình làng Việt thông thường vậy. Đứng trong gian phương đình, vẫn cảm thấy một hơi lạnh quen thuộc như khi đứng trong bất kỳ một ngôi đình trang nghiêm nào vậy. Đình thờ vua Lý Anh Tông, người có công khai mở thương cảng Vân Đồn. Còn đền Quan Lạn thờ 3 anh em họ Phạm đã từng theo tướng Trần Khánh Dư diệt giặc năm nào. Toạ lạc ở một vị trí riêng, nghè thờ Trần Khánh Dư lại có dáng vẻ trầm mặc, u uẩn. Quy mô nghè thờ nhỏ nhưng bốn bề xung quanh lại rất thoáng, luôn lộng gío nên càng có cảm giác lành lạnh linh thiêng. Trong nghè chỉ có một ban thờ chính, trên có tượng thờ Trần Khánh Dư. Tương truyền pho tượng tướng quân và một số hoành phi trong nghè đã có từ thời Nguyễn.
Hình ảnh
Đình Quan Lạn thờ vua Lý Anh Tông và 3 anh em họ Phạm

Điều đáng tiếc nhất của tôi là không có cơ hội để đi ra khu làng cổ - dấu vết của thương cảng Vân Đồn xưa. Đã cất công đến tận đây mà lại không đi được đến tận cùng…

Kết thúc chuyến thăm đình chùa, chúng tôi lại ra biển. Biển vẫn lạnh như khi sáng sớm, thế là lại không được tắm, cả bọn đành lang thang đi dọc bờ biển. Sáng đi một chiều, trưa đi một chiều, chúng tôi dường như đã đi hết chiều dài bãi biển này, leo lên cả ghềnh đá. Chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm, trông ngũ cô nương ra dáng những nhà thám hiểm ra phết. Phải cám ơn “Hoàng đế” - hướng dẫn viên kiêm phó nháy của chúng tôi.

5h chiều, lại ra biển. Chưa bao giờ tôi thấy biển đáng sợ đến thế. Bầu trời vần vũ, đen sậm mây. Nước lạnh buốt dưới chân chúng tôi. Ngoài xa, thấy dáng con tàu cũng trở nên đơn độc trong không gian đầy hiểm nguy đe doạ. Khi biển giận dữ, sức mạnh chắc sẽ khủng khiếp đến nhường nào. Biển nổi sóng không yên càng khiến con người nhỏ bé.

Tin vui…Tin vui. Lại một sớm mai trên đảo. Hôm nay nắng vàng, biển như vừa chợt tỉnh giấc sau cơn dông bão, xanh tươi, sáng rực. Quả là trời đã ban cho chúng tôi một cơ hội tuyệt vời để tắm biển thật sự. Cả bọn xây lâu đài mệt nghỉ rồi ào xuống tắm. Hic hic, nghĩ đến vừa thấy thích thú lại vừa thấy sợ. Tôi vô cùng thích sóng, thích tắm biển lại vô cùng sợ sóng. Tôi không biết bơi nên khi ra đến chỗ nước sâu đến cổ tôi đã vô cùng hoảng sợ. Tôi không thể chịu đựng nổi mỗi khi cơn sóng chùm đầu. Cảm giác ngụp thở làm rung động tận gốc những tế bào sợ hãi trong tôi. Hình như, tôi chẳng sợ bất kỳ cái gì ngoài sợ sóng thì phải. Khốn nỗi, biết tôi sợ mọi người càng trêu trọc. Nhiều lúc thấy thật thích thú nhưng nó vẫn không lấn át nổi nỗi sợ hãi cùng cực trong tôi. Vội vã lên bờ, ngồi nghịch cát trên mép nước, tôi mới bình tâm trở lại. Không đầy 5 phút, chúng tôi lại tiếp tục nghịch cát, lần này là đắp cát, nặn tượng. Những pô ảnh để đời của Ms Phương và Mr Thắng được khai sinh tại đây. Tôi đã đắp Phương thành “người lưỡng tính” - có lẽ do tôi chịu ảnh hưởng của tác phẩm Mật mã Da Vince vừa mới đọc. Còn Mr Thắng – “hoá thân” hoàn hảo thành người đàn bà khoả thân trên cát. Chỉ nghĩ đến đã không nhịn được cười.

Trở về…Mới thế mà đã qua hai ngày. Xách hành lý rời khu nghỉ mát, lòng đã không khỏi bồi hồi tiếc nuối. Vậy là đã lại trở về, lại những vòng quay của công việc và học hành. Thôi đành gặm nhấm những bức hình, những videoclip lưu giữ những giờ phút thảnh thơi tại đây để an ủi lòng mình vậy. Một chuyến đi đáng nhớ và những bức hình trên cả tuyệt vời…

4 tiếng trở về, hành trình xuôi con sóng đổ về bờ. Kết thúc một chuyến đi và lại hành trình chờ đợi những chuyến đi tiếp theo…[/justify]
RANDOM_AVATAR
aninin
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 6 09/11/07 23:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Nhật ký các chuyến đi

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến8 khách

cron