Bạn đã bao giờ đi bộ xuyên Việt chưa?

Nơi giới thiệu những sự kiện, những hình ảnh, những cảm nhận... về các chuyến đi của các thành viên Trung tâm và/hoặc Khoa Văn hóa học đến các địa phương trong nước và quốc tế...

Bạn đã bao giờ đi bộ xuyên Việt chưa?

Gửi bàigửi bởi nguyenhuucau » Thứ 6 14/03/08 16:35

Tôi tên Nguyễn Hữu Cầu, hiện đang là học viên cao học ngành Ngôn ngữ học K2006.
Năm 2007, tôi tham gia hành trình đi bộ xuyên Việt cùng với sinh viên Lê Việt Hồng.
Nay xin kể lại tóm tắt để các bạn cùng biết.

Hình ảnh
Tại đích đến ở Hà Nội

HÀNH TRÌNH XUYÊN VIỆT

Mục đích của chuyến đi :
Chuyến hành trình xuyên Việt do sinh viên Lê Việt Hồng khởi xướng bắt đầu từ ngày 15/07/2007 tại dinh Thống Nhất, TP.HCM.
Mục đích của chuyến đi là tuyên truyền về an toàn giao thông và gây quĩ ủng hộ các bệnh nhân ung thư gặp hoàn cảnh khó khăn.
Đầu năm 2007 Hồng đọc được một bài viết về Terry Fox, người Canada bị mất một chân vì bệnh ung thư, vẫn quyết tâm đi bộ vòng quanh Canada để kêu gọi gây quỹ giúp cho các bệnh nhân ung thư. Cảm kích trước nghị lực của Terry Fox cùng với niềm ấp ủ bấy lâu, Hồng quyết định lập kế hoạch cho cuộc hành trình xuyên Việt. Hồng bắt đầu xây dựng kế hoạch từ tháng 5/2007. Theo đó, Hồng và những người bạn sẽ chạy bộ từ Sài Gòn ra Hà Nội, ước lượng mất 5 tuần. Mục đích chính của việc chạy bộ này là tuyên truyền về an toàn giao thông và kêu gọi gây quỹ từ thiện giúp đỡ bệnh nhân ung thư gặp hoàn cảnh khó khăn. Hồng đã lập website để chia sẻ ý tưởng, kêu gọi ủng hộ và hưởng ứng ở địa chỉ http://saigon2hanoi.com. Cùng với những người bạn, Hồng đã liên hệ với nhiều tờ báo, nhiều công ty để kêu gọi tài trợ. Nhưng có lẽ không tin chuyến đi bộ sẽ thành công, nên đã không nhận được sự hồi âm và tài trợ nào từ các công ty. Từ những khoản tiền vay ít ỏi, chỉ đủ cho một mình Hồng và mùa nghỉ hè sắp hết, Hồng phải khởi hành một mình.

Lộ trình và sự tham gia :
Theo kế hoạch của Lê Việt Hồng, điểm xuất phát là Dinh Thống Nhất (TP.HCM), và đích đến là Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Ngày 22/07/2007 Dũng mới bắt đầu đi bằng ô tô đuổi theo đoàn, gặp nhau tại Bình Phước. Từ đây, Dũng bắt đầu đi đạp xe ra Hà Nội. Đoàn xuyên Việt gồm có 7 người:

1. Lê Việt Hồng : (sinh năm 1986) sinh viên khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Quốc tế TP.HCM, trưởng đoàn, đi bộ.
2. Trịnh Quang Huệ : (sinh năm 1985) sinh viên khoa Thể dục thể thao tại trường Đại học sư phạm Qui Nhơn, đi bộ.
3. Đặng Xuân Vượng : (sinh năm 1988) sinh viên khoa Công nghệ sinh học trường Đại học Quốc tế TP.HCM, đi bộ.
4. Quách Hữu Hiếu : (sinh năm 1987) sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Quốc tế TP.HCM, đi xe đạp.
5. Nguyễn Hữu Cầu : (sinh năm 1980) giáo viên dạy tiếng Việt tại trường Tiếng Việt Sài Gòn, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Hồng Bàng TP.HCM, học viên cao học ngành Ngôn ngữ học tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đi bộ.
6. Nguyễn Đức Phương : (sinh năm 1984) doanh nhân trẻ, đi bộ.
7. Nguyễn Tiến Dũng : (sinh năm 1955) cựu chiến binh - cán bộ hưu trí, đi xe đạp.
Đoàn đã thực hiện thành công chuyến đi xuyên Việt vào ngày 2/9/2007 tại đích đến là Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội.
Trước hết, thay mặt đoàn Hành trình xuyên Việt, xin chân thành cảm ơn nhân dân, các cơ quan đoàn thể, các trường học... của các tỉnh đã giúp đỡ rất nhiều cho đoàn trên đường đi. Chúng tôi cũng vô cùng cảm ơn những tổ chức, cá nhân đã góp tiền và vật chất ủng hộ quĩ cho bệnh nhân ung thư.

Hình ảnhHình ảnhHình ảnhHình ảnhHình ảnhHình ảnhHình ảnh
Một số hình ảnh trên đường đi

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH

15-19/7/2007
Năm giờ sáng chủ nhật ngày 15/7/2007, Lê Việt Hồng đã bắt đầu cuộc hành trình xuyên Việt từ Dinh Thống Nhất với một vài người bạn đưa tiễn.
Trong năm ngày này, Hồng đi chỉ có một mình nhưng rất hưng phấn. Tuy nhiên Hồng cũng thực sự phải đối mặt với những khó khăn mà trong kế họach chưa lường hết được, đặc biệt là vấn đề về sức khỏe. Những ngày đầu chưa quen chân, Hồng không thể đi được quãng đường 40 - 45km như kế hoạch ban đầu đã đưa ra.
Để biết thêm về những gì Hồng đã thấy hay gặp trên đường đi trong năm ngày này, bạn có thể tham khảo thêm ở trang http://www.saigon2hanoi.com/blog/index. ... =3&paged=5
Sau năm ngày đầu tiên, Hồng đã đi qua thị xã Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước (theo đường quốc lộ 13), gần đến địa phận tỉnh Dak Nông.

20/07/2007
Báo Thanh Niên có bài “Chàng sinh viên chạy bộ Sài Gòn – Hà Nội” của tác giả Ngô Ly Kha. Thấy ý tưởng táo bạo của một chàng sinh viên trẻ mà lại đi đơn độc như thế, Dũng đến tòa soạn báo Thanh Niên ngay hôm đó để liên hệ tham gia vào cuộc hành trình.
Cũng xin nói thêm, chính vì bài báo này, cha mẹ Hồng mới biết con mình thực hiện chuyến đi một mình, không có những người bạn đồng hành. Trước đây, Hồng cũng đã trao đổi với ba mẹ về ý tưởng của mình rồi. Tuy nhiên, để thuyết phục và mong muốn nhận được sự chấp thuận từ phía gia đình, Hồng phải nói là sẽ có nhiều bạn bè hay cá nhân khác cùng tham gia, sẽ có các công ty hay đơn vị nào đó đứng ra tài trợ và tổ chức các hoạt động dọc đường, … Chính vì thế mà ba mẹ Hồng mới đồng ý cho Hồng đi để thực hiện ý tưởng lớn của mình. Nay, sau khi đọc báo, nghĩ đến những khó khăn và nguy hiểm trên suốt cả quãng đường dài mà chỉ có một mình như thế, cha mẹ Hồng điện thoại bắt con phải về nhà, không được tiếp tục hành trình này nữa. Không thể trái lời ba mẹ, Hồng đi ôtô về nhà ngày hôm đó. Nhà Hồng ở tại Buôn Hồ, huyện Krông Búk, tỉnh Đắc Lắc.

21/07/2007
Thứ bảy, báo Thanh Niên đăng tiếp bài “Xin được đồng hành cùng Việt Hồng”. Đọc được bài báo này, Nguyễn Đức Phương tìm đến nhà chú Dũng xin được đi cùng. Cũng hôm đó Dũng đi mua 01 lốp xe đạp, hai cái săm, một số dụng cụ chữa xe, chuẩn bị lên đường.
Cũng lại nhờ báo, Hồng thuyết phục và năn nỉ ba mẹ cho Hồng tiếp tục cuộc hành trình vì đã có thêm một người đồng hành là chú Dũng. Theo báo viết thì chú Dũng là cựu chiến binh, là cán bộ hưu trí nên có nhiều kinh nghiệm sống, hẳn rất dày dạn. Có lẽ vì vậy mà ba mẹ Hồng yên tâm hơn và đồng ý cho Hồng tiếp tục hành trình. Hồng còn rủ thêm người bạn cùng quê là Trịnh Quang Huệ đi cùng ít bữa (vì Huệ chuẩn bị phải ra Quy Nhơn tiếp tục việc học nên không thể đi lâu được).
Cũng trong sáng thứ bảy, giáo viên Nguyễn Hữu Cầu đọc báo Thanh Niên và biết về hành trình chạy bộ xuyên Việt của Lê Việt Hồng. Ngay trong hôm đó, Cầu đã liên hệ với báo Thanh Niên để xin số điện thoại của Việt Hồng nhưng vì đó là ngày nghỉ nên chỉ có bảo vệ trực thôi, không giải quyết được. Vì vậy Cầu đành phải gửi email cho Hồng ngỏ ý muốn tham gia cùng, và chờ đợi hồi âm.

22/07/2007
Sáng chủ nhật, Hồng và Huệ đi xe ôtô từ Buôn Hồ về điểm dừng chân cũ của Hồng ngày hôm trước (qua thị xã Đồng Xoài hơn 10km) và bắt đầu đi bộ lại từ đây.
Cũng trong buổi sáng, hai chú cháu Dũng và Phương ra bến xe Miền Đông đón xe đi Bình Phước. Ba giờ chiều, Dũng - Phương đuổi kịp Hồng và Huệ tại điểm cách Kiến Đức 12km. Sau khi hỏi han, làm quen nhau, cả bốn người tiếp tục lên đường : ba người đi bộ (Hồng – Huệ - Phương) và một người đi xe đạp (Dũng). Ngày đầu, Dũng và Phương chỉ “khởi động” có 12km thôi. Buổi tối cả bọn ngủ tại nhà nghỉ Ngọc Sương, thị trấn Kiến Đức, huyện Đak B’lấp, tỉnh Đắc Nông.
Từ thứ bảy đến tối chủ nhật, Cầu đã sắp xếp xong tất cả mọi việc, chỉ còn chờ tin của Hồng nhưng mãi không thấy. Đến khoảng 10 giờ đêm chủ nhật Cầu mới nhận được email của Hồng, và như vậy là đã có số điện thoại của Hồng để tiện cho việc liên lạc gặp nhau ngày hôm sau. Sáng mai, Cầu sẽ lên đường.
Vậy là, nhờ hai bài báo của Ly Kha, hành trình xuyên Việt của Việt Hồng đang có những dấu hiệu lạc quan hơn với những người bạn đồng hành mới.

23/07/2007
Sau khi gọi nhau dậy rồi vệ sinh cá nhân, 4 giờ sáng tất cả anh em chú cháu lên đường. Hôm nay trời đẹp, dù có nắng nhưng thời tiết ở vùng này mát mẻ, dễ chịu hơn ở Sài Gòn rất nhiều.
Buổi trưa, cả nhóm ăn trưa tại quán Thu Hà, cách thị trấn Gia Nghĩa - Đắc Nông hơn 1km. Tại quán có mấy người khách cùng ăn, họ đã đọc báo Thanh Niên và đã biết về hành trình xuyên Việt của Lê Việt Hồng. Sau khi hỏi và biết đúng đây là đoàn của Lê Việt Hồng, khi thanh toán tiền rồi đi trước, họ đã thanh toán luôn cho đoàn 80.000đ tiền ăn. Rất tiếc lúc đó cũng do quá bất ngờ trước nghĩa cử của họ nên chúng tôi đã quên không hỏi họ là ai ở đâu, chỉ biết cảm ơn thôi.
Buổi sáng, sau khi lên trường sắp xếp và bàn giao công việc, Cầu ra bến xe miền Đông đón xe đi Gia Nghĩa. Đến 16:20 cùng ngày thì Cầu đi ôtô đuổi kịp đoàn (qua thị trấn Gia Nghĩa khoảng 5km) và bắt đầu tham gia đi bộ từ đây. Thực ra thì Cầu đã đi quá khoảng 4km, sau khi điện thoại liên lạc để biết chính xác vị trí của đoàn, Cầu tìm xe ôm để quay lại. Nhưng đường ở đây dân cư thưa thớt, làm gì có xe ôm. Vẫy nhờ mấy chiếc xe máy chạy ngang qua nhưng chẳng chiếc nào dừng lại. Lát sau thì cũng có một chị khoảng 40-45 tuổi dừng lại cho đi nhờ.
Khoảng 17:30 đoàn đến UBND xã Trường Xuân, nhưng tại đây không có chỗ nào ngủ được, hỏi thăm dân họ nói ở đây không thể ngủ ngoài trời được, vì rất lạnh. Lúc này trời đã bắt đầu tối, sau khi tính toán cung đường cho ngày hôm sau, cả bọn (lúc này đã là 5 người) đành phải vẫy ôtô khách tới thị trấn gần nhất, Dak Song.
Huệ xung phong đi xe đạp cho chú Dũng, đạp được khoảng 15 phút thì trời đã tối đen, không thể nhìn thấy đường đi, mà đường thì vừa dốc vừa quanh co hiểm trở. Huệ dừng lại vẫy nhờ xe máy, may sao gặp được một anh sĩ quan tên Biên đang trên đường về nhà. Thế là anh chở Huệ và cả xe đạp đến Dak Song. Huệ bảo, anh ấy nói nhà anh qua Dak Song một chút, nếu không tìm được nhà trọ thì đến nhà anh ấy cũng được, anh ấy sẽ bố trí chỗ ngủ cho. Nhưng lúc đó thì 4 người đón xe khách đi trước đã thuê nhà trọ rồi : nhà nghỉ Ngọc Ánh (1), xã Đắk Song, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Cũng qua đó mới thấy cái tình của người dân ở đây, họ sẵn sàng giúp đỡ người khác trong khả năng có thể.
Cất đồ đạc vào nhà nghỉ xong, cả đoàn lại phải tiếp tục cuốc bộ hơn 1km nữa mới đến quán ăn. Trong lúc ăn, trò chuyện với cô chủ quán và giới thiệu về hành trình xuyên Việt của đoàn, cô thấy thương tình làm đồ ăn thêm cho đầy đặn và tính giá rất hữu nghị. Năm người ăn no mà vẫn còn đồ ăn, cô chủ quán gói riêng từng món một cho đoàn cầm về để khuya ăn thêm nếu thấy còn đói. Đồ ăn nhiều, có lẽ sáng mai đỡ được khoản ăn sáng đây.
Cả ngày hôm nay đoàn đi được 38km (không tính đoạn phải đi bằng ôtô).

24/07/2007
Sáng nay cả nhóm cũng khởi hành sớm, khoảng 4:15. Đi lúc này trời còn tối như mực nhưng rất mát mẻ và dễ chịu. Phương bắt nhịp và cả nhóm vừa đi vừa hát “hành trình tuổi 20″. Nhịp điệu sôi nổi và ca từ đầy ý nghĩa cũng khích lệ tinh thần cho nhóm rất nhiều.
Sau khi đi được khoảng 6km, Huệ và Cầu phát hiện một chiếc xe máy gần vệ đường bị phủ lên vài cành cây. Xe bị cong bánh trước và bể bửng, đèn, gần đó có một vệt bánh xe tông gãy một cột tiêu chỉ đường. Có lẽ đây là một tai nạn giao thông vừa xảy ra trong đêm, nhưng đã bị người gây ra tai nạn thay đổi hiện trường và giấu xe máy vào trong vệ đường (!?) Cả nhóm tìm quanh nhưng không thấy người bị nạn. Hay đây là hiện trường giả của một vụ án?? Cầu đã điện thoại cho cảnh sát 113, họ lại đưa số công an (CA) tỉnh Dak Nông, xong CA Đăk Nông lại đưa số CA huyện Dak Song, gọi CA Dak Song nhưng lại không có ai bắt máy, có lẽ vì còn quá sớm, và cuối cùng lại phải gọi lại CA Dak Nong… Kiểu cách làm việc nơi này lại chỉ sang nơi kia thật là khó hiểu… Cuối cùng không biết họ có bố trí đến sớm để xem xét giải quyết hay không. Hy vọng là những người có trách nhiệm sẽ có mặt kịp thời.
Bữa trưa hôm nay vui và rất ngon. Cô Phượng - chủ một quán cơm cách Dak Mil khoảng 10km - biết cả nhóm đang chạy tới Hà Nội đã nhiệt tình mời cả nhóm ở lại ăn cơm trưa miễn phí. Trước đó, bốn anh em chỉ định dừng chân uống nước ở một quán nhỏ bên cạnh quán cơm của cô. Có lẽ trông thấy mấy anh em lếch thếch đi bộ tới nên cô thấy thương thương, chạy sang bảo vào quán cô nghỉ ngơi, rồi cô đi chợ nấu cơm cho ăn (vì quán cô đang sửa chữa, chưa phục vụ khách). Lúc đó cô Phượng chưa hề biết mục đích chuyến đi của đoàn, mà chỉ đơn giản vì thấy thương quá thôi. Tiếc là lúc đó chú Dũng đạp xe đi trước nên chú phải vào quán nào đó ăn trưa một mình. Nhưng chú Dũng kể, khi chú phải dừng lại sửa xe (thay cặp bạc đạn bánh trước mất 45.000) ở thị trấn Dak Mil, chú cũng được một chị bán nước mía chiêu đãi một ly miễn phí khi nghe chú kể về hành trình của đoàn. Ở đây người dân chân chất và ấm tình lắm chứ ở Sài Gòn thì … gì thì gì cũng phải trả tiền đã rối mới được đi.
Các lái xe trên đường ngày càng chú ý hơn tới nhóm, hôm nay đã có khá nhiều người dừng lại hỏi thăm và nói chuyện, xin chụp hình với nhóm. Có một anh giáo viên tên Quang đọc báo mạng đã biết về hành trình của đoàn, nay gặp trên đường đi nên mời đoàn dừng lại uống nước. Rồi lại có một chú khác (tên là Như, nhà ở Ea’Hleo) đi xe máy dừng lại hỏi thăm và còn cho 50.000 và hứa là khi nào ra huyện E’Hleo cứ gọi điện cho chú, chú sẽ giúp đỡ.
Nhìn chung, dọc đường có những khó khăn nhất định nhưng ngày càng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ thịnh tình của người dân dọc đường đi, cả nhóm như quên đi mọi mỏi mệt và rảo bước nhanh hơn, tự tin hơn.
Buổi tối cả đoàn gặp nhau tại nhà nghỉ Bảo Huy (2) gần chợ Bình Minh, tại km312, xã ĐăkRla, huyện Đăk Mil. Hôm nay đoàn đi được 44km. Phương đã phải dùng salonpas gel để xoa bóp chân. Cũng may chú Dũng có mang theo máy massage xung điện để cả đoàn cùng dùng.

25/07/2007
Cũng giống như mấy ngày trước, hôm nay khoảng hơn 4 giờ sáng đoàn khởi hành. Gần 7 giờ, tất cả ghé quán cà phê Trúc Xanh nghỉ uống nước và ăn sáng luôn (mì tôm). Quán có thiết kế những cái cửa sổ hình trái tim, Huệ và một bạn gái phục vụ quán chụp được một tấm ảnh rất đẹp trong khung cửa sổ này. Quán Trúc Xanh cách thành phố Ban Mê Thuột khoảng 34km.
12 giờ trưa cả đoàn ăn cơm tại quán cơm bình dân Thanh Lịch, thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông.
Buổi chiều, khi Cầu và Hồng đang đi và đang nói chuyện với nhau thì gặp một thằng nhóc khoảng 13-14 tuổi đi bộ ngược chiều, bất ngờ nó chào hai anh em. Ngoan thật. Nhưng mắc cười là thằng bé chào Hồng là “em chào anh”, còn chào Cầu là “cháu chào chú”. Ha ha ha… mới có hai ngày mà râu Cầu mọc ra dài quá rồi, phải cạo ngay đi thôi.
Chiều nay, Dũng đạp xe đi trước, đúng 15:30 đến ngã sáu trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (chỗ tượng đài xe tăng). Sở dĩ Dũng đi trước sớm hơn bình thường là vì Dũng muốn tìm mua một cái máy ảnh. Hành trình này khó có lại lần thứ hai, lại có quá nhiều điều đáng nhớ. Có lẽ có thêm một chiếc máy ảnh nữa sẽ lưu giữ được nhiều kỷ niệm hơn (Cầu có một cái, Dũng cũng có một cái mà đưa cho Phương cầm rồi). Cuối cùng Dũng cũng chọn được một chiếc Sony Cybershot 7.2 megapixels, mất đứt 4.6 triệu đồng.
19 giờ cả đoàn gặp nhau tại ngã sáu trung tâm. Hiếu sinh viên cùng trường với Hồng, được trường Đại học Quốc tế cử đi hỗ trợ Hồng cũng đến đây từ chiều, đi từ Sài Gòn lên bằng ôtô. Anh Huy, một tài xế xe tải người Buôn Mê Thuột đón cả đoàn tại tượng đài. Anh Huy chỉ là người biết đoàn xuyên Việt qua báo Thanh Niên. Hôm trước, khi đang lái xe chở hàng xuống Gia Nghĩa, gặp đoàn trên đường anh đã dừng lại hỏi chuyện và chụp ảnh chung với đoàn. Anh nhiệt tình lắm, bảo khi đến Buôn Ma Thuột thì nhất định phải điện cho anh, anh sẽ bố trí chỗ ăn chỗ ngủ cho. Chiều nay, biết đoàn sẽ đến Buôn Ma Thuột, anh điện thoại hỏi thăm liên tục, hỏi đi đến đâu rồi, cứ như là sợ đoàn đi mất.
Cả đoàn về nhà anh Huy tắm rửa, ăn cơm tối và ngủ tại đây. Buổi tối cả đoàn còn được anh Huy mời đi uống cà phê. Chúng tôi rất cảm động vì sự đón tiếp chu đáo của cả gia đình anh, vợ anh Huy còn giặt toàn bộ quần áo cho đoàn. Sự ân cần ấy còn thể hiện trong việc chăm sóc sức khỏe cho Cầu. Vốn là, buổi chiều khi còn cách Buôn Mê Thuột khoảng 4km, Cầu bị tụt huyết áp, tim đập nhanh, khó thở. Vì đây không phải là lần đầu tiên bị hạ đường huyết nên Cầu hơi chủ quan, nghĩ rằng chỉ còn vài km, không sao. Mặc dù Cầu đã uống hết một chai trà đường và cố gắng giữ nhịp thở nhưng do cố quá sức nên khi đến nhà anh Huy thì gục hoàn toàn (nghe thấy tiếng mọi người xung quanh nhưng không nhìn thấy gì cả). Mọi người lo lắng, vợ anh Huy pha cho Cầu một ly trà gừng, rồi anh Huy dìu Cầu vào phòng trong, người xoa bóp, người xức dầu một lúc sau Cầu mới tỉnh táo lại.
Đến lúc này đoàn đã có 6 thành viên : Hồng, Huệ, Dũng, Phương, Cầu, Hiếu (đi xe đạp). Hôm nay đoàn đi được 41km.

26/07/2007
Vì tối hôm qua còn trò chuyện mãi, đi ngủ trễ nên sáng nay đoàn lên đường muộn hơn một chút, khoảng hơn 4 giờ 30. Hiếu bắt đầu cuộc hành trình xuyên Việt từ đây. Vì sự cố xảy ra với Cầu hôm qua nên hôm nay Dũng chở giúp Cầu chiếc túi xách. Tối qua Cầu mệt, không ăn được nhiều nên sáng nay ăn sáng liền một lúc hai tô bún chân giò khá to. Sau khi ăn sáng cùng nhau, Dũng đạp xe trước, qua cầu Hà Lan II, 10:30 thì đến Buôn Hồ (nhà Hồng và Huệ ở Buôn Hồ, huyện Krông Buk, tỉnh Dak Lak). Hơn 11 giờ tìm được nhà Hồng. Buổi trưa Dũng ăn cơm tại nhà Hồng, có thời gian trò chuyện nhiều với ba mẹ Hồng, còn đoàn ăn dọc đường.
Đoạn đường hôm nay phải đi gần 45km, mà Phương lại đau chân, tốc độ đi chậm nên gần tối đoàn đi bộ mới tới nhà Hồng. Do đến đây là kết thúc chuyến đi của Huệ, trưa nay trên đường đi, Huệ chiêu đãi đoàn bữa cơm trưa tạm chia tay trước. Cha mẹ Huệ (3) chiêu đãi đoàn bữa cơm tối, có cả bia, rượu và những người thân trong gia đình Huệ. Bữa cơm rất vui và ấm áp không khí gia đình. Bác sĩ Quang (4), cha của Hồng, cũng tham gia. Dù vui nhưng mọi người không uống nhiều, vì còn nghĩ đến chặng đường dài sắp tới và cũng không phải là dân nhậu, trừ chú Dũng.
Buổi tối, đoàn chia làm hai, một nửa ngủ ở nhà Hồng, một nửa ngủ ở nhà Huệ. Phương ngủ ở nhà Huệ, được ba Huệ chỉ cho bài thuốc dùng lá cây bóp chân cho đỡ đau. Có một tấm ảnh chụp Phương lúc đó, trông giống thương binh lắm.

27/07/2007
Cả đoàn quyết định nghỉ tại Buôn Hồ một ngày để “bảo dưỡng” sức khỏe và giặt quần áo. Buổi trưa ăn cơm nhà Hồng. Bác sĩ Trần Ngọc Việt là bạn của ba Hồng, cũng là người Buôn Hồ ủng hộ đoàn 300.000đ.
Sau vài ngày đi đường đầu tiên, đã có chút kinh nghiệm, mọi người phải “giảm tải”, để lại toàn bộ quần áo và những đồ dùng không cần thiết tại đây và nhờ chuyển về Sài Gòn sau. Lúc này cả nhóm mới phát hiện Hiếu là người chuẩn bị “kỹ” nhất đoàn, có cả kem chống nắng. Cuối cùng Hiếu là người phải để rất nhiều thuốc và đồ đạc lại đây, Phương cũng vậy để lại 3 cái quần bò... Quần áo đã có mẹ và em gái Hồng giặt giùm. Cả ngày đoàn viết chữ, vẽ logo lên áo, bởi chúng đã bị mờ phai sau mấy ngày đi đường. Rồi sau đó mọi người lại quay sang nghiên cứu các chặng đường tiếp theo trên bản đồ vi tính, trên tập bản đồ hành chính các tỉnh Cầu đem theo. Buổi chiều, Cầu và Hiếu đi mua thêm 3 túi balô vải cho Cầu, Phương, Dũng, thay cho các túi xách mang theo từ nhà nhưng không thích hợp với đi bộ đường dài. Riêng Hiếu dùng tiếp túi balô của Huệ. Ba lô của Hồng vẫn còn tốt, chưa phải thay.
Chiều nay, ba mẹ Hà Thái mời đoàn cơm chiều. Hà Thái, cùng quê Buôn Hồ, là bạn học phổ thông của Hồng và Huệ, hiện cũng đang học ở thành phố Hồ Chí Minh, đã giúp đỡ Hồng rất nhiều trong việc vận động tìm tài trợ cho hành trình này. Hôm nay, ba mẹ Hà Thái đãi món đặc sản địa phương : heo rừng chấm muối xả. Ngon thiệt ! Còn nhớ, trưa nay ở nhà Hồng mọi người cũng được uống nước ngô luộc (ngô trồng trong vườn nhà Hồng) và ăn ngô mềm, ngọt.

28/07/2007
Sáng nay, Cầu và Hồng đạp xe từ nhà Hồng sang nhà Huệ rồi cả đoàn tiếp tục lên đường từ nhà Huệ lúc 4 giờ 30. Huệ dậy sớm cùng mọi người, chuẩn bị nước nôi cho anh em và chia tay đoàn. Huệ còn nhiệt tình bảo “Hay là trưa nay Huệ chạy xe máy theo chuẩn bị chỗ ăn trưa cho đoàn nhá”. Gấu bự (biệt hiệu của Huệ) dễ thương ghê !
Vậy là lúc này đoàn chỉ còn 5 người : Hồng, Cầu, Phương, Hiếu, Dũng. Dự kiến chiều nay đoàn sẽ đến thị trấn EaDrăng, cách Buôn Hồ khoảng 38km. Buổi sáng, đi được khoảng 19km thì đến nhà anh Thực, chị Hằng (5) (anh Thực là em ruột mẹ Hồng) tại Lâm trường Cư Né. Do cha mẹ Hồng đã gọi điện trước, gia đình đã chuẩn bị xong cơm trưa khi đoàn vừa đến. Em gái Hồng cũng chạy xe máy đến từ sáng để phụ làm cơm. Ăn trưa và nghỉ trưa ở đây đến 1 giờ chiều rồi đoàn lại lên đường.
Chiều đi được một đoạn thì mưa to, nhưng nhóm đi bộ vẫn tiếp tục mặc áo mưa và đi. Có lẽ vì trời mưa dịu mát nên đi khỏe và nhanh, có lúc đi liền gần 9km mới nghỉ một lần (vì mấy ngày đầu chưa quen chân và đau nhiều nên thường là 4-5km lại nghỉ khoảng 5-10 phút).
Gần 6 giờ chiều, qua cầu Eakhal một đoạn thì anh Tuyến ra đón. Vợ chồng anh Tuyến, chị Hà là bà con với nhà Hồng nhà ở ngay thị trấn EaDrăng, đang công tác tại công an huyện EaH’leo. Chúng tôi ăn tối và ngủ tại đây. Hồng vẫn luôn đi ngủ trễ hơn so với mọi người vì phải ra tiệm internet cập nhật thông tin lên trang web về hành trình của đoàn.

29/07/2007
Vẫn đúng 4 giờ 30 lên đường. Gần 7 giờ sáng thì đến chợ 92 (km 92, Earal, Eah’leo, Đắk Lắk), đoàn dừng lại ăn sáng ở đây. Trong lúc chờ chủ quán mang đồ ăn ra, mấy anh em tranh thủ đi dán các áp phích tuyên truyền và phát tờ rơi về an toàn giao thông cho khách ở các quán cà phê gần đó.
Buổi trưa, trước khi dừng chân ăn trưa, trên đường Dũng và Hiếu đạp xe đi trước gặp đúng lúc dân tan một cuộc họp buôn làng, cuộc họp do sinh viên tình nguyện mua hè xanh chủ trì. Hiếu tranh thủ vào tuyên truyền về an toàn giao thông và phát các tờ rơi, áp phích mang theo. Người dân rất vui vẻ khi nhận các tờ áp phích và chăm chú nghe Hiếu tuyên truyền. Tại đây hai chú cháu còn làm quen với buôn trưởng Nay Y Kuan (Mamer) và một sinh viên tình nguyện mùa hè xanh, hiện đang học khoa quân sự trường Đại học Tây Nguyên.
Sau khi ăn trưa, ba anh em Cầu - Hồng - Phương đi cố thêm chút nữa tìm chỗ nghỉ trưa (vì quán ăn nhỏ quá, không có chỗ nằm nghỉ), nhưng qua 2-3km mà vẫn không có quán cà phê nào. Cuối cùng ba anh em chui vào một phòng họp ở ven đường của xã đó. Bàn ghế ngắn ngủn nên nằm ngủ không thoải mái, cứ phải co chân, ngoẹo đầu, chẳng ngủ được.
Chiều đi qua cầu 110, ranh giới giữa hai tỉnh Gia Lai và Dak Lak. Trời sắp tối mà vẫn chưa tìm được chỗ ngủ, hỏi thăm thì gần đây không có nhà trọ, phải đi thêm 30km nữa mới có. Nếu vậy thì đoàn đi không nổi, trong khi Cầu lại bị tụt huyết áp lần nữa, nhưng có lẽ nhẹ hơn lần trước một chút. Hỏi thăm một cây xăng xin tá túc tại đây, may quá họ cho ngủ nhờ một tối và còn nhiệt tình nấu cơm hộ nữa. Cây xăng này qua cầu 110 khoảng 4km, hiện đang nghỉ bán chờ sang cho người khác, cặp vợ chồng trẻ Tình và Giang trông nom hộ chủ cây xăng (6). Dũng và Hiếu đi chợ mua đồ ăn để nhờ họ nấu giúp, trong khi chờ mọi người tới. Rất cảm ơn vợ chồng Tình - Giang trong lúc khó khăn này đã giúp đỡ rất nhiệt tình, nếu không không biết sẽ ra sao, nhất là lo cho Cầu.
Cả ngày hôm nay đoàn đi được 34km.

30/07/2007
Sáng cả đoàn vẫn dậy sớm, vệ sinh cá nhân xong mới gọi anh Giang dậy mở cửa giúp, cám ơn sự nhiệt tình của vợ chồng anh rồi cả đoàn lại lên đường.
Sau khi ăn sáng xong, Hồng nhận được điện thoại của phóng viên Ly Kha bảo rằng sáng nay báo Thanh Niên đăng bài viết mới về Hành trình xuyên Việt của nhóm. Cầu và Hồng trên đường đi ghé vào mấy chỗ hỏi mua báo nhưng không có, người ta nói rằng chỉ ở bưu điện huyện mới có, mà cũng phải đến chiều. Nhưng sau đó hai anh em lại được nhân viên của một bưu điện xã phát miễn phí hai tờ Nông thôn ngày nay. Hẳn đây là chương trình cung cấp báo miễn phí cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa để họ được tiếp cận với thông tin đại chúng, đặc biệt là về lãnh vực sản xuất, nông nghiệp.
À, có chuyện này cũng khá thú vị. Hôm nay không biết Hiếu nói thế nào mà được một cô bé ở xã Phú Nhơn, huyện Chư Sê tặng cho một hộp nhựa trong đựng toàn những con hạc giấy rất xinh xắn. Ấy vậy mà anh chàng sinh viên Đại học quốc tế này lại quên mất việc hỏi địa chỉ, số điện thoại hay email liên lạc của cô bé. Khó hiểu thật !
Buổi trưa, phóng viên Gia Hiền của VTV1 (Chương trình Blog an toàn giao thông) cũng điện thoại phỏng vấn Việt Hồng và báo là buổi tối sẽ phát ngay trên VTV1 lúc 18:40 phút. Cả đoàn đến thị trấn Chư Sê lúc 6 giờ chiều (ở nhà nghỉ Kim Cúc (7)) và kịp xem chương trình Blog An toàn giao thông trên VTV1. Phóng viên của VTV đã lấy hình ảnh và trích đăng phần lớn thông tin quan trọng từ trang web của đoàn http://www.saigon2hanoi.com .
Các thành viên trong nhóm ai cũng vui và hưng phấn vì có hai bài báo hình và báo viết cùng đăng tin trong một ngày, rồi sẽ có nhiều người biết hơn. Chắc chắn ngày mai mọi người sẽ đi nhanh hơn. Hôm nay đoàn đi được 39km.

31/07/2007
Đoàn bắt đầu đi từ lúc 4 giờ 20, dự kiến hôm nay sẽ qua Pleiku và đến Biển Hồ nghỉ tối. Biết rằng quãng đường sẽ dài nên buổi sáng đoàn tranh thủ đi nhanh, khi dừng chân ăn trưa đã đi được 28km. Sáng sớm đi ngang qua mấy cánh rừng cao su dày đặc sương mù, cảnh đẹp như tranh vẽ.
Buổi trưa đoàn ăn tại quán Nhỏ (8), ngay tại ngã ba Hàm Rồng, cách thành phố Pleiku 12km. Để lên được quán này phải qua nhiều đoạn dốc dài, rất mệt. Cả đoàn chụp rất nhiều ảnh tại cổng Trung tâm huấn luyện đội bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Buổi chiều, Dũng và Hiếu đạp xe đi trước, chụp được một vài tấm ảnh tại trung tâm thành phố Pleiku. Tại đây xe Dũng một bánh cán phải 2 cái đinh, phải dắt mãi mới tìm được chỗ vá. Vá xe xong, hai chú cháu đạp lên Biển Hồ trước.
Hồng, Cầu, Phương chiều nay đi cũng nhanh, 12km mà chỉ mất khoảng 1 tiếng 40 phút. Đến Pleiku, ba anh em rẽ vào bến xe Đức Long để gặp phóng viên báo Gia Lai và anh Phạm Văn Đồng (một mạnh thường quân). Anh Đồng biết được thông tin về hành trình này qua báo trên mạng internet, đã liên hệ trước với Hồng và hẹn đón đoàn trước cổng bến xe này (vì nhà anh Đồng cách đó chỉ khoảng 200m).
Sau khi mấy anh em đi bộ làm việc với xong với báo Gia Lai, anh Đồng đã lái xe hơi lên Biển Hồ đón Dũng và Hiếu về lại Pleiku ăn cơm cùng đoàn tại quán cơm Mỹ Tâm 2. Tại đây, đoàn kết nạp thêm một tân binh tên là Đặng Xuân Vượng, sinh viên trường Đại học Quốc Tế được trường cử đi để hỗ trợ Lê Việt Hồng. Vượng vừa đi từ Sài Gòn lên Pleiku bằng ôtô khách.
Tuy chỉ biết đoàn xuyên Việt qua mạng, nhưng anh chị Đồng khi gặp chúng tôi luôn tỏ ra niềm nở như gặp những người thân cũ. Sau bữa cơm chiêu đãi của vợ chồng anh Đồng, anh lại đưa Dũng và Hiếu lên Biển Hồ (vì hai người đã hoàn thành đoạn đường này từ chiều). Riêng Hồng, Cầu, Phương, Vượng vẫn quyết tâm đi bộ hoàn thành nốt 7km đến Biển Hồ mặc dù lúc này đã trễ và trời mưa. Gần 10 giờ đêm, mấy anh em đi bộ mới đến Biển Hồ.
Sở dĩ đoàn quyết định nghỉ ở Biển Hồ là vì đoạn đường từ Pleiku đến Kontum ngày mai dự kiến dài hơn 50km, nếu hôm nay đến được Biển Hồ thì ngày hôm sau chỉ phải đi 43km, sẽ không quá sức với đoàn. Lúc chiều, Dũng và Hiếu đã đi liên hệ trước để giặt quần áo cho đoàn kịp khô vào sáng hôm sau.
Tối nay, đoàn nghỉ tại nhà anh Hồ ở Biển Hồ (9), anh Hồ không phải là người quen của Dũng từ trước, mà chỉ biết nhau qua lời giới thiệu của cô con gái về đoàn xuyên Việt. Nhưng cả nhà anh Hồ đón tiếp đoàn rất chu đáo. Khi nhóm đi bộ về đến nhà thì đã có sẵn một nồi cháo gà nóng hổi đón đoàn. Hôm nay đoàn đi được đoạn đường dài nhất kể từ ngày bắt đầu: 46km!

01/08/2007
Mệt mỏi vì chặng đường dài ngày hôm trước, sáng nay 5 giờ hơn đoàn mới khởi hành đi Kontum. Đoạn đường này toàn dốc dài và cao, nhóm đi xe đạp phải dắt xe rất nhiều.
Vượng đi ngày đầu tiên chưa đau chân nên đi nhanh lắm, có lúc cách các anh em khác gần 2 cây số. Buổi sáng, Phương đi uể oải, nhưng sau khi uống cà phê vào thì đi rất nhanh. Trước khi nghỉ ăn trưa, bốn anh em đạt kỷ lục mới : 7km/giờ. Tốc độ đi nhanh đến mức ba lô vải của Cầu và Vượng đều bị đứt quai.
Hơn 12 giờ trưa, cả đoàn ăn trưa tại quán Nam Phương, tại ngã ba Trà Huynh, Chưpăh, Gia Lai. Gần tối đoàn đến Kontum, thuê một phòng lớn tại nhà nghỉ Vương Phát (10) rồi đi ăn tối tại một quán nhỏ gần nhà nghỉ. Không như tính toán, đoạn đường đi ngày hôm nay chỉ 41km, như vậy từ Pleiku đến Kontum chỉ là 48km. Trên đoạn đường này mọi người mới để ý có một số cột cây số sai, thí dụ có có hai cột cây số chỉ cách nhau chỉ khoảng 600m.
Buổi chiều, tới thị xã Kon Tum, như đã nói, Dũng và Hiếu đi trước thuê được chỗ nghỉ ở nhà trọ Vương Phát rồi, số 71B đường Phan Đình Phùng. Nhóm đi bộ tìm đến sau, đi tới số 69, mừng ghê gớm, nhưng rồi đi mãi vẫn không thấy số 71B đâu vì đường Phan Đình Phùng có từ 69A tới… 69X, mệt muốn chết luôn. Xong đến số 71, chưa kịp mừng thì gặp một cô bé khoảng 15-16 tuổi đang lặc lè khiêng một cái thùng to. Mấy anh em dù mệt lết không nổi nữa rồi nhưng không lẽ đi ngang qua làm lơ, thế là Hồng “xung phong” khiêng hộ cái thùng cho cô bé đó đi thêm … gần 1km nữa, hic hic. Hỏi cô bé đó thùng gì mà nặng vậy? “Dạ, sách”, cô bé trả lời. Hỏi tiếp mới biết là cô bé này ở huyện lên thị xã học lớp 10.
Buổi tối, sau khi hỏi thăm một số người để kiểm tra thông tin, cuối cùng cả nhóm quyết định tiếp tục đi theo quốc lộ 14B lên Dak Glei rồi xuống Quảng Nam theo đường 14E, chứ không đi theo quốc lộ 24 xuống Quảng Ngãi vì như vậy sẽ xa hơn. Có lẽ, Phương là người buồn nhất vì không thể ghé qua nhà thăm gia đình.
Đêm, nóng quá, Cầu sang phòng trống bên cạnh ngủ (không có cửa) vì ở đó có quạt. Đến gần sáng, Dũng và Phương tỉnh dậy không thấy Cầu đâu (tưởng cô nào bắt mất) bèn đi tìm thì thấy Cầu ở phòng bên cạnh (lối từ phòng mọi người ra toilet, nghĩa là ai muốn đi toilet thì phải đi ngang qua phòng này). Nhà trọ này thiết kế lạ thật, lần đầu tiên mới thấy.

02/08/2007
5 giờ sáng đoàn khởi hành. Tất cả ăn sáng món bò kho bánh mì tại quán có cái tên không gặp ở Sài Gòn : quán Km8. Đi khoảng 20km thì qua thị trấn Đắk Hà. Đi thêm 7km nữa vẫn chưa tìm thấy quán cơm. Tìm quán cơm dọc đường không dễ, vì khu vực miền núi rất ít khách qua đường. Hơn thế nữa đối với đoàn thường phải tìm quán cơm mà sau khi ăn có chỗ ngủ trưa, tất nhiên bí quá thì đành thôi. Không ít lần ăn xong cả đoàn vật vờ mỗi người ngồi một chỗ chờ qua cái nắng buổi trưa để đi tiếp, những hôm như vậy rất mệt.
Khoảng gần 2km nữa mới tìm được nơi ăn cơm : “Nhà hàng” Chiến Dung (11). Gọi là “nhà hàng” nhưng thực ra chỉ là cái quán cơm nho nhỏ. Trên đường đi hầu như các quán ăn nhỏ, dù chỉ có một hay hai cái bàn cũng có biển hiệu là “nhà hàng”. Trong bài viết này chúng tôi thường dùng từ “quán” thay cho từ “nhà hàng”, vì sợ mọi người hiểu nhầm chúng tôi ăn ở sang trọng quá. Mang tiếng “nhà hàng” nhưng thường cũng chỉ có vài món ăn bình dân thôi. Cũng tương tự như vậy, nếu chúng tôi có dùng từ “khách sạn”, thì thực chất nó cũng chỉ như “nhà trọ bình dân” thôi. Thường thường, khi vào quán, chủ quán thấy đoàn đi bộ, rất lạ, hay hỏi thăm. Nhà hàng Chiến Dung này cũng vậy, khi biết chuyện họ rất thương, sau khi ăn xong còn cho cả đoàn vào phòng riêng có máy lạnh ngủ trưa. Rất nhiều “nhà hàng”, “khách sạn” thường bớt tiền, cho thêm một món ăn miễn phí hoặc pha vài bình nước chanh đường cho đoàn trước khi lên đường mà không tính tiền.
Buổi chiều đi vào đoạn đầu đường Hồ Chí Minh (mới cải tạo nâng cấp, khoảng km447 quốc lộ 14, cách Kontum 35km), đầu đường có một cây cổ thụ lớn, không biết là cây gì. Dù đường mới nhưng rất khó cho chúng tôi tính toán đường đi, bởi lẽ các cột cây số trên đường Hồ Chí Minh ở đoạn này chỉ có màu sơn trắng xóa mà không có chữ số.
Tối cả đoàn nghỉ tại nhà nghỉ Vũ Hoàng (12), ăn tại quán Mỹ Dung gần nơi nghỉ. Ăn tối xong, cả đoàn về nghỉ ngơi, riêng Hồng vẫn ra tiệm net như thường lệ. Nửa đêm tỉnh dậy, cứ tưởng đến giờ lên đường, hóa ra đó là lúc Hồng đi internet về. Đã nhắc mấy lần rồi mà anh chàng này vẫn vậy, chẳng chịu nghỉ ngơi sớm để giữ sức khỏe. Nhưng cũng tội, vì Hồng đang mang nhiều trọng trách quá.

03/08/2007
Tính từ ngày nghỉ ở nhà Hồng, Huệ đến nay đã được 7 ngày, hôm nay chúng tôi dự kiến chỉ đi buổi sáng, chiều nghỉ dưỡng sức. Theo kế hoạch ban đầu, mỗi tuần chúng tôi nghỉ trọn một ngày để giặt quần áo và “bảo dưỡng” sức khỏe. Nhưng do quãng đường đến đích còn dài, chưa biết có kịp ra Hà Nội đúng ngày Quốc khánh 2/9 hay không nên sau đó quyết định mỗi tuần chỉ nghỉ nửa ngày hoặc nếu mệt quá thì nghỉ hai nửa ngày.
Từ khi bắt đầu đến nay, ngoài Hồng, Phương chân bị phồng rộp, Cầu tụt huyết áp thì chưa ai ốm đau nặng. Lúc này chúng tôi đã đặt kế hoạch và quyết tâm thực hiện là sẽ đến Hà Nội đúng ngày Quốc khánh 2/9, vì như vậy sẽ tăng thêm ý nghĩa cho chuyến đi. Đề phòng ngộ nhỡ ai đó bệnh nặng sẽ phải nằm lại một vài ngày trên đường, nên chúng tôi tính toán thời gian phải dư ra khoảng đôi ba ngày, vì vậy mới có thay đổi mỗi tuần chỉ nghỉ nửa ngày. Và những ngày đầu này, mặc dù rất đau chân nhưng mấy anh em luôn động viên nhau cố gắng đi nhanh hơn để đạt được quãng đường dài hơn trong một ngày.
Sáng nay, vẫn 4 giờ 30 xuất phát, ăn sáng tại quán Phước (13). Gần 6 giờ đi qua sân bay đã bỏ hoang, thời trước gọi là sân bay Phượng Hoàng. Khoảng 10 giờ, Dũng và Hiếu đến khách sạn Đông Dương (14), tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Hôm nay chỉ đi 18km. Đoàn có một buổi chiều để nghỉ ngơi và giặt giũ quần áo. Ăn trưa và chiều tại quán Hòa Bình (15) cạnh khách sạn.

04/08/2007
Hơn 4 giờ sáng đoàn xuất phát từ khách sạn Đông Dương, vừa đến ngã ba biên giới thì rẽ phải theo đường Hồ Chí Minh hướng về Đắk Glei. Suốt đoạn đường này cột cây số vẫn chỉ có sơn trắng, mọi người phải đếm số cột cây số đã qua để biết được khoảng cách đã đi.
Sau khi “súc miệng” khoảng 11km, đoàn ăn sáng tại quán Nam Soan (16). Chủ quán gốc người Thanh Hóa, sau khi biết về đoàn đi bộ, tặng Cầu một cái mũ vải (Cầu bỏ quên mũ dọc đường trong một lần dừng nghỉ chân).
Hôm nay, do ảnh hưởng của bão, mưa gần như suốt ngày, đi ướt át khó chịu, giày ai nấy cũng thấm nước nặng chình chịch. Điều thú vị trên đoạn đường này là có rất nhiều nhà rông và cầu treo. Nhà rông lớn ở đầu mỗi bản, mỗi buôn đều là nhà văn hóa, nơi sinh hoạt của người dân trong buôn. Đi qua trường tiểu học xã Đắk Ang, cách Sài Gòn 722km, tìm mãi mới thấy một quán cơm (17) không có tên, chủ quán là anh Hận, sáu người ăn trưa mất 50.000đ.
Chiều đến nghỉ ở nhà nghỉ Thảo Nguyên (18), thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, Kon Tum. Cầu và Vượng đến sau cùng, lại còn đi quá chỗ trọ và lập kỷ lục mới : đi 52km trong một ngày. Hồng và Phương đến gần tối đuối quá nên đành phải đón xe đi nốt mấy km còn lại (định khi nào đến Quảng Nam sẽ đi bù lại đoạn từ quốc lộ 1A vào Hội An).
Tại nhà nghỉ, chủ nhà bày bán mấy bộ bàn ghế làm từ gốc cây rất đẹp, giá rẻ. Cầu nhìn cứ mê mẩn cả người, còn nói hay là mua rồi thuê xe chở vào Sài Gòn, tính ra vẫn rẻ hơn nhiều nếu mua ở trong đó.
Sau khi Cầu và Vượng đến nơi rồi tranh thủ tắm rửa nhanh, cả đoàn đi ăn tối ngay gần nhà nghỉ, quán Xuân Nghĩa (19). Ăn xong, khi mọi người về nghỉ ngơi, Cầu và Hồng thường phải đi tìm tiệm internet để cập nhật thông tin lên trang web, nhiều khi phải đi rất xa. Rất tiếc vùng này rất ít tiệm internet, tốc độ truy cập lại chậm, nhiều khi bạn đọc trang web của đoàn phải mấy ngày sau mới đọc được tin mới. Do rất mệt, nên Cầu và Hồng thường cũng chỉ viết được một vài thông tin tóm tắt, không thể ghi hết những gì thấy trên đường mỗi ngày.

05/08/2007
Vì hôm qua đi mệt nên hôm nay hơn 5 giờ sáng đoàn mới xuất phát. Hôm nay có thể nói là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong chuyến đi này : vượt đèo Lò Xo từ Kon Tum qua Quảng Nam. Mới bước tới đèo, đường trở nên đặc biệt hơn hẳn vì không còn dùng nhựa đường nữa mà chuyển sang bê tông - xi măng. Cầu động viên mọi người : “Ráng lên, qua đèo rồi ăn sáng. Đèo này hôm qua đo trong bản đồ và hỏi chủ nhà trọ thì chỉ khoảng 5km thôi à”. Ai cũng hớn hở, đi hoài đi mãi, đi mãi,… cuối cùng vẫn không tới đỉnh đèo, mà dọc đường đèo cũng chẳng có nhà dân, không quán xá, không có nơi nào ăn sáng được cả.
Hôm nay Hiếu xung phong đi bộ, nhường xe đạp cho Vượng. Đi được vài cây số thì xe hỏng líp, hầu như suốt đoạn đường lên đèo Vượng phải dắt xe, chỉ được đi xe khi xuống dốc. Người dân ở đây khuyên dù lên dốc hay xuống dốc ở đèo này nên dắt xe, vì độ dốc thường là 10%, rất nguy hiểm, nhưng vì quá mệt nên Dũng và Vượng xuống tất cả các dốc đều đi bằng xe đạp.
Cũng giống vậy, bụng thì đói meo nhưng đoàn đi bộ cứ đi và đi, thỉnh thoảng Dũng nhắn tin lại, bảo là “chưa lên tới đỉnh đèo đâu, bên này còn dốc cao hơn nữa”. Lâu lâu trời lại mưa rào qua một đợt, mây mù giăng quanh, đôi khi chả biết những giọt nước li ti đó là mưa hay là mình đi trong mây nữa.
Đến một góc cua lên đèo, mọi người thấy một cái miếu nhỏ, đọc kỹ thì mới biết đây là nơi đã từng xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng làm 31 người chết cách đây 2 năm. Thật đáng buồn, còn đáng buồn hơn khi những vị cựu chiến binh kia đã vượt bao năm chiến tranh lửa đạn nay lại tử nạn trong thời bình khi về thăm lại chiến trường xưa như thế này.
Đến trưa, cuối cùng cũng lên tới đỉnh đèo, may mà ở đây có một tiệm tạp hóa nhỏ của người dân tộc, thế là phải vào nhờ họ nấu mì gói cho ăn. Tổng kết lại cả nhóm đã dùng hết 11 tô mì gói, 11 quả trứng, 2 đĩa trứng chiên, 6 ly cafe cho tỉnh táo, 2 gói bánh. Mọi người nghỉ vạ vật một tí trên mấy cái ghế nhỏ rồi sau đó lại tiếp tục lên đường…
Dũng và Vượng đi trước ghé qua Hạt phúc kiểm lâm sản Măng Khênh, gần cuối đèo Lò Xo. Tại đây gặp hai nhân viên kiểm lâm, anh Huỳnh Anh và anh Vũ Đại Dương (20), hai chúng tôi có chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm với các anh kiểm lâm của trạm, uống trà xong lại đi. Đoàn đi bộ sau đó cũng ghé trạm uống nước và nhờ họ làm mì tôm cho ăn, rồi ăn cả ít cơm cháy còn sót lại với trứng chiên (vì buổi trưa ăn không đủ). Suốt đoạn đường này không có hàng quán hay nhà dân.
Vẫn do ảnh hưởng của bão, trời mưa suốt ngày, mặc áo mưa cũng ướt hết. Suốt chặng đường buổi chiều hôm nay đoàn hầu như không liên lạc được với nhau, vì mất sóng điện thoại. Đèo Lò Xo cắt ngang qua khu vực rừng quốc gia Ngọc Linh, nơi có nhà đày trước đây đã từng giam cầm nhà thơ Tố Hữu. Dọc đường hầu như không gặp người, đôi khi có cảm giác rất sợ, mặc dù cảnh thiên nhiên ở đây thì đẹp tuyệt vời. Lúc khoảng 7 - 8 giờ sáng, khi còn sóng, người nhà điện thoại hỏi thăm xem có bị ảnh hưởng của bão không, đường có dốc không,… Hóa ra ai cũng “xạo” giống nhau khi trả lời người nhà rằng trời không mưa, đường hôm nay khá bằng phẳng, nắng nhẹ… Đơn giản là để mọi người ở nhà yên tâm.
Xế chiều, hỏi thăm biết đường đến Khâm Đức còn xa mà xe đạp thì lại hỏng, Dũng và Vượng phải dừng lại vẫy xe đi nhờ. May mà có một chiếc xe tải dừng lại giúp (biển số 43H-5628, tài xế và phụ xe đều tên là Tuấn), quăng cả hai chiếc xe đạp lên thùng sau, còn hai chú cháu vào ngồi trong ca bin nói chuyện với bác tài.
6:30 chiều, trời bắt đầu nhá nhem tối, nhóm đi bộ phải vẫy xe nhưng lúc này không chiếc xe nào dừng lại cho quá giang (vì giữa rừng dừng xe lại lúc trời tối là cực kỳ nguy hiểm). Không còn cách nào khác, ai cũng chỉ biết bước đi và bước đi theo quán tính. Hiếu và Phương có vẻ lo lắng, riêng Hồng và Cầu thì lại khá … lạc quan, vừa đi vừa hát, còn nói là “như thế này mới vui chứ, cùng lắm thì 10-11 giờ đêm cũng đến nơi thôi”.
Trời lại dần tối hơn. Gặp một anh nọ, ăn mặc khá lịch sự - nhưng nghe giọng nói lơ lớ có vẻ không phải người Kinh - dừng xe lại hỏi mọi người đi đâu. Lúc này, vì đã bảo nhau trước, mấy anh em trả lời rất dè dặt, ai cũng mong là có một chiếc xe nào đó dừng lại cho mọi người đi nhờ. Anh ta cố gắng gượng hỏi nhưng mọi người không nói gì cụ thể cả.
Trời lại tối hơn nữa, không liên lạc được với chú Dũng, 7 giờ kém 10, bốn anh em gặp một nhà dân bên đường và quyết định vào nói chuyện, định xin giúp đỡ. Tại đây, mọi người lại gặp anh chàng lúc nãy mới hỏi thăm cùng với một chú kiểm lâm. Lúc đó mới biết anh kia là trưởng công an xã này. Hỏi thì hai người đó bảo là khoảng 1-2km nữa là tới khu dân cư, và để tiết kiệm thời gian, mọi người chào cám ơn và định đi tiếp cho kịp. Thế nhưng, trong một giây bất thần, Hồng chợt nhớ ra những lần trước người ta cứ bảo 1-2 km mà đi hoài không tới (có lẽ người ta thường đi xe máy nên thấy ngắn vậy), vì thế Hồng quyết định nhờ anh công an đó chở tới đó trước để kêu thêm xe ôm quay lại.
Trên đường đi Hồng mới biết hôm nay là chủ nhật, không ai làm việc hết, nhưng anh công an này vẫn hay chạy xe dọc đọan đường trên địa bàn để xem xét có gì không ổn không, thật đáng hoan nghênh. Trời lại đổ mưa, anh công an ngồi trước bị ướt hết nhưng vẫn rất nhiệt tình nói chuyện và chở Hồng đi. Lúc này thì những gì Hồng vừa phán đoán là đúng, khu dân cư gần nhất cách chỗ đó phải 5km là ít. Tại đây cũng không có sóng điện thoại, Hồng phải chạy vào trong một quán cơm điện thoại cho chú Dũng và biết địa chỉ nhà trọ ở Khâm Đức.
Tìm quanh không còn xe ôm, cũng may nhờ anh công an này nhiệt tình, đi qua mấy nhà dân tộc xung quanh đó hỏi giúp và một lúc lâu sau quay lại cùng với một người khác (cũng là dân tộc thiểu số). Thế là hai xe quay lại chở Cầu - Hiếu - Phương chạy thẳng tới Khâm Đức.
Trời tối đen như mực, nhìn trước nhìn sau chỉ một màu đen duy nhất. Nửa tiếng sau thì cả đoàn gặp nhau tại nhà trọ Năm Thiên, thị trấn Khâm Đức. Tất cả quần áo ướt hết sau cả ngày dầm mưa, tắm rửa xong, mọi người ăn một bữa cơm ngon lành tại quán Sáu Binh, gần nhà trọ. Kết thúc một ngày đáng nhớ vì gần như chắc chắn rằng từ đoạn này về đích không còn phải vượt qua cái đèo nào “ghê gớm” như đèo Lò Xo cả.
Tính ra, hôm nay đoàn đi được khoảng 45km (riêng lên và xuống đèo Lò Xo đã gần 40km, quãng đường thực tế từ Dak Glei đến Khâm Đức là 60km).

06/08/2007
Mệt mỏi lắm sau ngày hôm qua vất vả, nhưng để bảo đảm kế hoạch hành trình, khoảng 5 giờ sáng nay đoàn lại tiếp tục lên đường. Đường hôm nay tương đối bằng phẳng, chỉ hơi dốc một chút đoạn ở gần Khâm Đức. Đến gần 7 giờ sáng thì đoàn đến ngã ba Nước Mỹ, đoạn rẽ sang quốc lộ 14E xuôi xuống Quảng Nam. Vậy là đoàn chia tay với đường Hồ Chí Minh từ đây.
Buổi sáng Hiếu vẫn quyết tâm đi bộ để Vượng tiếp tục đi xe đạp, nhưng đến trưa thì Hiếu phải đổi ý vì … đau chân quá, dư âm của ngày hôm qua vẫn còn. Hiếu dường như đã hiểu được cảm giác trông chờ đến từng cột cây số một, biết tại sao rớt chai nước xuống đất mà không muốn cúi xuống lượm. Nói như vậy để mọi người hiểu rằng đi bộ kiểu này không khác gì “hành xác”, phải đi dần nhiều ngày cho quen chân mới chịu nổi cường độ cao như thế. Hôm ở Kon Tum, Hồng và Phương đã phải thay giày rồi, riêng Cầu vẫn cố giữ giày thêm một vài ngày nữa nhưng cũng đã mòn vẹt đế, cát sỏi thỉnh thoảng còn chui vào trong giày làm cho đau chân.
Buổi trưa, đoàn ăn trưa tại quán Bình (23). Tại đây bác chủ quán ủng hộ vào quĩ bệnh nhân ung thư 50.000đ, một bác hàng xóm khác cũng ủng hộ 20.000đ. Số tiền tuy nhỏ, nhưng đối với những người dân nghèo ở một vùng sâu của tỉnh Quảng Nam này thật đáng trân trọng. Thực ra chúng tôi không chủ trương thu tiền ủng hộ quĩ ung thư dọc đường, mà đề nghị những tấm lòng hảo tâm chuyển tiền vào một tài khoản lập riêng cho mục đích này của trường Đại học Quốc Tế hoặc chi nhánh tòa soạn báo Thanh Niên ở các tỉnh. Đối với phần lớn người dân ở vùng rừng núi như thế này, khái niệm ngân hàng, tài khoản… còn khá xa lạ, vì vậy trong những trường hợp đặc biệt này chúng tôi vẫn nhận. Hồng quản lý số tiền này và nộp về cho trường chuyển vào quỹ để sau này bàn giao cho bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi chiều, Dũng và Hiếu đi trước, trời đứng gió, oi bức. Đúng là xuống đồng bằng đường dễ đi hơn nhưng cũng vất vả hơn vì thời tiết nóng. 15 giờ 45 hai chú cháu đến thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức. Vẫn như những lần trước, hỏi người dân trên đường đi, người nói thế này, người trả lời thế khác và … “hậu quả” là hôm nay Cầu - Hồng lập kỷ lục mới : 53km/ngày, đúng 7 giờ tối mới đến chỗ trọ. Phương cũng quá tải, chân lại đau nhiều nên phải đón xe đi nốt vài km cuối.
Tối cả đoàn nghỉ tại nhà trọ Ba Hương (24), ăn tối tại quán Hoa Huệ (25) cũng trong thị trấn.

07/08/2007
Hôm nay lại có kỷ lục mới được thiết lập : trong một buổi sáng anh em đã vượt qua 34km. Ban đầu đoàn dự kiến trong buổi sáng đi khoảng 28-29km, ăn trưa xong sẽ đi nốt 5-6km rồi nghỉ trưa luôn. Thế nhưng, xung lên, nhóm đi bộ vừa đi vừa chạy và lập luôn kỷ lục mới. Chưa bao giờ trong một buổi sáng lại đi được đoạn đường dài như vậy, nhưng vì muốn buổi chiều nghỉ ngơi, giặt rũ, nên mọi người đều quyết tâm.
Sáng nay, đoàn đi vào địa phận huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là quê nội của Hồng. Đi được 9km, anh Mai (chú Hồng)(26) và vài người bà con khác ra đón và mời cả đoàn ăn sáng tại một quán ven đường. Đi tiếp một đoạn, chúng tôi ghé qua nhà anh Mai nghỉ ngơi, uống nước rồi đi tiếp. À, khi gần đến nhà anh Mai, có một sinh viên (không nhớ tên) đang trên đường từ nhà lên trường, do đọc báo nên biết về đoàn rồi, đã dừng lại hỏi thăm đoàn và cho đoàn ít bánh trái (vốn là ba mẹ cho em đem lên trường).
Cầu hôm nay “xung” thật, có lúc vừa đi vừa chạy 17km mới nghỉ một lần. Hiếu sợ Cầu cố quá sức, ngộ nhỡ lại tụt huyết áp thì khổ nên phải đạp xe theo sát Cầu. 12 giờ Dũng đến nhà khách Thăng Bình(27), thị trấn Hà Lam. Nửa tiếng sau, Cầu và Hiếu đến nơi. Quả thực 34km trong một buổi sáng là quá sức, Phương và Vượng gần 13 giờ 30 mới đến nhà trọ. Sau đó mấy anh em chú cháu mới đi ăn trưa ở quán Hương (Mai) ngay bên quốc lộ 1A. Từ đây ra Hà Nội chúng tôi sẽ đi trên quốc lộ này, cũng bắt đầu từ đây đường đi sẽ bằng phẳng hơn, chắc là sẽ đỡ vất vả hơn nhiều, chưa kể chúng tôi đã bắt đầu quen với việc đi bộ.
Buổi chiều, sau khi ăn trưa, mọi người về nghỉ ngơi, riêng Cầu thì ra tiệm net hoàn thành nốt mấy bài tiểu luận rồi email về nhờ vợ in ra và chuyển lên trường giúp. Cầu vốn đang học thạc sỹ, sắp xếp đi đợt này cũng khá vất vả, ban ngày đi đã mệt, buổi tối lại thường phải ra tiệm internet thuê máy làm bài. Nhưng cũng mừng vì hôm nay Cầu hoàn thành rồi.
Cũng có một chuyện khá thú vị, đó là thỉnh thoảng trên đường đi có một số em học sinh thường chào và hỏi đoàn bằng vài câu tiếng Anh đơn giản như “Hello”, “Where are you from?”,… vì các em nghĩ rằng nhóm đi bộ này không phải là … người Việt Nam (không biết nên vui hay buồn !?). Chẳng lẽ người Việt chúng ta không làm được những việc như thế này hay sao?

08/08/2007
Lên đường lúc 4 giờ 40 sáng, cả đoàn ăn sáng tại một quán ven đường quốc lộ, quán Lê Minh (28), điểm này cách Hà Nội 787km.
Để bù lại đoạn đi xe 15km của nhóm đi bộ hôm qua đèo Lò Xo, chúng tôi quyết định rẽ vào Hội An. Từ ngã ba Vĩnh Điện vào Hội An 10km, đi ra 10km, như vậy chúng tôi đã bù lại 15km đi xe bằng 20km đi bộ. Sau này chúng tôi còn bù lại đoạn đường đi ôtô từ xã Trường Xuân đến Đăk Song (tỉnh Dak Nông) bằng cách đi vào Ngã ba Đồng Lộc, vào Nam Đàn quê Bác,…. Theo đó, tổng cộng đoàn đi dư hơn 90km để bù lại hai chặng đường phải đi bằng ôtô.
Sau khi thuê được nhà trọ ngay ngã ba Vĩnh Điện (nơi gần bốn năm trước khi vợ chồng Cầu đi xe máy xuyên Việt cũng dừng chân tại đây), mấy anh em đi bộ để đồ đạc ở đây rồi tiếp tục vào Hội An. Ăn trưa xong, không có chỗ ngủ, may sao cả bọn kiếm được một bụi tre lớn phía bên kia sông, gần trung tâm Hội An. Mệt quá, anh em chú cháu nằm lăn dưới bóng mát ngủ “như chết”.
Từ ngày khởi hành đến nay, mỗi người ăn mặc một kiểu, trông không được “nghiêm chỉnh” lắm. Dự kiến ra quốc lộ 1A đoàn sẽ mặc đồng phục, nhưng tại Hội An tìm khắp chợ chỉ mua được ba cái áo phông trắng dài tay. Có lẽ mai ra Đà Nẵng phải tìm mua thêm, cả ba lô nữa, đứt hết quai rồi. Cầu mua được một đôi giày hiệu Nike, hàng secondhand thôi nhưng trông còn tốt phết. Vậy là bây giờ đến lượt Cầu phải thay giày khác rồi.
Cả đoàn đi dạo phố cổ Hội An, chụp ảnh khá nhiều, rồi quay trở lại ngã ba Vĩnh Điện. Riêng chú Dũng đạp xe theo tỉnh lộ 603 dọc bờ biển đi thẳng ra Đà Nẵng gặp lại bạn cũ. Tổng cộng ngày hôm nay Dũng đạp 60km, nhóm đi bộ đi được 39km (không tính đoạn đi dạo vòng quanh nội thị thị xã Hội An).

09/08/2007
Quãng đường hôm nay ngắn, chỉ khoảng 26km, nhưng đoàn vẫn xuất phát sớm từ ngã ba Vĩnh Điện, lúc 4 giờ rưỡi, kế hoạch sẽ đi đến thành phố Đà Nẵng.
Vừa qua cầu Cẩm Lệ đoàn gặp phóng viên đài truyền hình VTV đón sẵn để quay phim về hành trình xuyên Việt của chúng tôi. Đi thêm khoảng 4km nữa thì gặp chị Hà, chủ nhiệm Câu lạc bộ Ước mơ xanh thành phố Đà Nẵng, cùng một số thành viên khác trong câu lạc bộ ra đón đoàn và cùng đi bộ về.
Câu lạc bộ Ước mơ xanh là nơi đào tạo, dạy nghề miễn phí cho các bạn tàn tật, hiện nay chủ yếu là dạy các ứng dụng về tin học, sau đó có thể giới thiệu việc làm hoặc làm việc ngay tại câu lạc bộ này. Tại đây, đoàn được các bạn tiếp đãi rất chu đáo, tình cảm. Các bạn trẻ của câu lạc bộ đi chợ và tự nấu cơm chiêu đãi đoàn, tất cả cùng ăn rất vui và cảm động… lưu luyến mãi đến tận chiều mới chia tay được. Như đã nói, các thành viên trong câu lạc bộ Ước mơ xanh đều là những người khuyết tật, vì nhiều lý do nhưng có rất nhiều trường hợp bị khuyết tật vì tai nạn giao thông như bé Hạnh, bé Trang,... Thông điệp của họ gửi đến mọi người rất có ý nghĩa trong việc đánh động lương tri của người tham gia giao thông : vì sự an toàn của mình và những người xung quanh.
Cũng tại câu lạc bộ Ước mơ xanh chúng tôi được tiếp phóng viên Lê Hoa (bút danh Việt Yên), báo Công an thành phố Đà Nẵng và anh Bùi Duy Lợi phóng viên báo Bạn đường (thuộc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia). Ngày hôm sau hai báo trên đều có bài viết đăng tin về đoàn.
Buổi chiều, chúng tôi đi chợ mua thêm quần thể thao đồng phục cho Vượng, Phương và sáu túi ba lô mới, tiếc là không thể kiếm được sáu cái cùng màu và cũng không tìm thêm được áo phông trắng dài tay.
Cả đoàn ăn tối tại một quán bình dân trên đường Lê Duẩn, tối nghỉ tại nhà bà nội của Hoàng Quân (bạn Hồng, chính xác là biết Hồng qua internet nhưng chưa gặp mặt, một người có thiện ý giúp đỡ đoàn) (29).

10/08/2007
4 giờ 30, vừa ra tới đầu hẻm vào nhà Quân đã gặp các bạn sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng đợi từ trước để tiễn chúng tôi. Các bạn tiễn đến tận đầu đường hầm Hải Vân, quãng đường từ trung tâm Đà Nẵng đến cửa hầm khoảng 14-15km. Chúng tôi cùng ăn sáng với nhau ở gần đó.
Tại trạm thu phí qua hầm, chúng tôi mua 6 vé người và 2 vé xe đạp, nhưng sau đó anh tổ trưởng quầy bán vé biết chúng tôi qua bài viết trên báo Công an thành phố Đà Nẵng mới ra sáng nay nên đã trả lại tiền vé cho chúng tôi cùng với những lời chúc lên đường tốt đẹp.
Qua Hải Vân, đến vượt đèo Phú Gia dài 2,3km, rồi buổi chiều là đèo Phước Tượng cũng chỉ 3km. Sau những đoạn đường dốc cao ở miền núi Tây Nguyên, thì những đèo này chỉ là “muỗi” (theo cách nói của chú Dũng). Lại không kiếm được quán cơm, chúng tôi ăn trưa bằng mì gói và bún, tổng cộng 11 tô(30).
Ăn trưa xong, có điện thoại gọi hỏi thăm đoàn đã đi đến đâu. Hôm ở Tây Nguyên, dọc đường đi chúng tôi có ghé vào một quán nước (không nhớ rõ ở Dak Lak hay Gia Lai), không uống nước mà chỉ xin nằm nhờ võng. Chị chủ quán(31) hỏi thăm đoàn và chỉ kể về cô con gái đầu đang học phổ thông, ham học và học rất giỏi. Chị rất quan tâm đến đoàn, thỉnh thoảng lại hỏi thăm đoàn đã đi đến đâu. Không biết chị tên là gì, chúng tôi thường nói với nhau là “chị chủ quán có con học giỏi” lại gọi điện hỏi thăm. Nhiều lần chị chỉ “nháy” máy, chúng tôi gọi lại thông báo tình hình đoàn, tuy vậy chúng tôi rất cảm động, không phải chỉ riêng với chị mà với bất cứ lời thăm hỏi nào khi chúng tôi đang trên đường hành trình xuyên Việt.
3 giờ chiều, nhóm đi xe đạp đã có mặt trên đỉnh đèo Phước Tượng. Dũng, Hiếu đi trước tìm nhà trọ ở thị trấn Phú Lộc. Không có nhà trọ, khách sạn hay nhà nghỉ ở đây. Hỏi mãi mới tìm được nhà trọ cho học sinh cấp 3, vì nghỉ hè đang để trống. Nhà trọ ở cách đường quốc lộ gần 1km.
Nhớ lúc mới nhập đoàn, Hiếu còn lơ ngơ lắm. Việc hỏi chỗ ăn, chỗ nghỉ đều phải do tay chú Dũng. Nhưng sau khoảng một tuần “chuyển giao công nghệ” thì Hiếu đã có vẻ khá hơn rất nhiều, bây giờ đôi khi Hiếu còn bảo “Để cháu vào hỏi cho, thế nào cũng được giảm giá cho mà xem”.
Buổi tối đoàn ăn cơm tại quán Hải Yến ở thị trấn Phú Lộc. 20 giờ thầy Phú, thầy Phương đến gặp đoàn tại quán cơm rồi tất cả lại lóc cóc đi bộ về nhà trọ. Hai thầy do trường Đại học Quốc tế cử đi để hỗ trợ đoàn, các thầy có nhiệm vụ đi trước tiền trạm và liên hệ với các tỉnh đoàn để tổ chức sự kiện và tranh thủ sự giúp đỡ.
Tiền trọ đêm đó cho tám người hết 80.000đ, nhưng đúng là tiền nào của đó, có lúc không điện, không nước. Thực ra, lúc trả giá, thống nhất là 100.000đ cho 6 người một đêm, nhưng hôm sau trả tiền, dù là đoàn ở 8 người nhưng chị chủ nhà chỉ lấy 80.000đ, tặng lại đoàn 20.000đ.
Hôm nay đi được 44km. Về đến đồng bằng 44km/ngày cũng là “muỗi” nốt.

11/08/2007
Từ nhà trọ ở Phú Lộc chúng tôi lên đường lúc hơn 4 giờ sáng. Lần đầu tiên đoàn ăn sáng một món lạ : cháo thịt bò ăn với bánh mì, món ăn ngon, nhưng cũng là lần đầu chúng tôi ăn sáng mất nhiều tiền như vậy, 90.000đ cho 6 người. Ăn sáng xong, đoàn đi tiếp, mấy hôm trước Phương đau chân nhưng sáng nay Phương khỏe và đi nhanh đến là lạ, mấy anh em khác phải cố gắng lắm mới theo kịp Phương.
Buổi trưa đến thị trấn Phú Bài, ăn trưa tại quán Hiền (32), ngay km636 + 500m. Sau đó, Hiếu lại tiếp tục sứ mệnh liên hệ xin ngủ nhờ, chủ quán nhiệt tình cho anh em vào phòng có giường có quạt hẳn hoi. Gần 4 giờ chiều, do thầy Phú và thầy Phương sắp xếp trước, sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế đón đoàn khi còn cách Huế khoảng 4km (cách chợ An Cựu hơn 2km) rồi dẫn đoàn về trường để giao lưu với cán bộ và sinh viên nhà trường.
Việc đầu tiên đến Huế, chúng tôi mua 6 cái mũ giống nhau màu trắng. Đoàn xuyên Việt lần đầu mặc đồng phục trông đẹp hẳn lên, mặc dù đồng phục của chúng tôi do mua mỗi thứ một nơi, không được giống nhau lắm.
Giao lưu xong, cả đoàn được đưa về ký túc xá của trường Đại học sư phạm Huế để tắm rửa, chuẩn bị đi ăn tối. Hôm nay, tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế chiêu đãi cơm tối và sắp xếp cho đoàn đi nghe ca Huế trên thuyền rồng bơi dọc sông Hương. Mọi người còn có cơ hội thả hoa đăng trên dòng Hương Giang thơ mộng nữa chứ, lung linh thật đẹp. Sau đó các bạn trẻ của đoàn còn đi chơi cùng các bạn sinh viên trường Đại học sư phạm Huế đến 10 giờ đêm mới về. Dù mới gặp nhau lần đầu, nhưng gặp nhau thân thiết như đã quen biết từ lâu.
Chưa hết, tối về ký túc xá của trường Sư phạm, các bạn sinh viên ở đây đã chuẩn bị sẵn bánh ngọt, dưa hấu… chiêu đãi đoàn. Đa số các em sinh viên ở ký túc xá đều đến từ những vùng đất nghèo khó của miền Trung. Cảm động trước tấm chân tình của các em, mấy anh em chú cháu ngồi tiếp chuyện đến khuya. Mọi người hỏi rất nhiều về chuyến đi của đoàn, đặc biệt có một bạn trai hỏi nhiều nhất (rất tiếc tôi không nhớ tên), sau mới biết buổi chiều bạn này đã đi vay mượn được hơn 700.000đ và có ý định đi theo đoàn ra Hà Nội. Gần 12 giờ đêm chương trình giao lưu mới kết thúc, các bạn sinh viên tặng đoàn quà kỷ niệm : một tấm phù điêu bằng đồng có hình Lăng Khải Định - Huế (hiện nay đang treo ở nhà Dũng).
Vậy là quãng đường hôm nay đoàn đi từ thị trấn Phú Lộc đến thành phố Huế khoảng 40km.

12/08/2007
Sáng nay rời Huế, các bạn sinh viên còn dậy sớm hơn cả đoàn, vừa ra cổng ký túc xá đã thấy rất nhiều bạn chờ sẵn để đi cùng tiễn đoàn, 4 giờ 25 mọi người xuất phát. Ai cũng cười nói rất vui tươi, cả đoàn vừa đi vừa hát. Nhiều bạn sinh viên phải kết hợp với “nhiều loại động cơ khác nhau” mới theo kịp đoàn.
Đi được khoảng 10km, chúng tôi dừng lại ăn sáng cùng nhau, rồi đi thêm chừng 5km nữa mới chia tay. Hai thầy trường Đại học quốc tế cũng tạm chia tay đoàn để đón xe đi Quảng Trị tiếp tục công tác tiền trạm. Thầy Phương có một cái máy ảnh Canon rất xịn, từ hôm qua thầy kiêm luôn nhiệm vụ “phó nháy” cho đoàn.
Sau khi chia tay với các bạn sinh viên Đại học sư phạm Huế, vẫn còn một bạn trai tiếp tục đi cùng đoàn đến trưa. Đây là người có ý định đi theo đoàn ra Hà Nội như đã nói. Sau khi Dũng, Hồng phân tích cho bạn đó thấy những khó khăn, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến việc học của bạn (vì bạn đã nhập học lại rồi) và những kỳ vọng của cha mẹ bạn đối với con mình thì bạn mới chịu chia tay đoàn. Thật sự là đoàn chúng tôi rất cảm kích và luôn mong chờ những người đồng hành như bạn trai đó.
Do tối hôm qua đi ngủ trễ, sáng lại dậy sớm nên hôm nay ai cũng buồn ngủ. Đến chỗ dừng chân uống nước, ai cũng phải gọi cà phê để giúp tỉnh ngủ. Cầu còn ngủ ngồi ngay trong quán, lúc đứng dậy đi quên cả điện thoại (Dũng phải cất giúp). Dũng cũng thế, có lúc đang đạp xe mà mắt cứ díu lại, phải dừng xe vận động đôi chút cho tỉnh táo.
Buổi trưa, đoàn ăn trưa tại quán có tên Km25. Tại đây chúng tôi được uống nước khoáng và cả mang đi miễn phí, vì quán ăn này là của công ty Cổ phần Thanh Tân chuyên sản xuất nước khoáng. Ăn trưa và nghỉ trưa ở đây, 2 giờ chiều đoàn lên đường đi tiếp.
Buổi chiều, đoàn vượt qua ranh giới tỉnh Quảng Trị lúc nào không biết. Xe Hiếu lại phải sửa lần nữa. Tối, đoàn nghỉ tại nhà nghỉ Hải Vân (33) ở đầu thị trấn Hải Lăng, ăn tối tại quán Hương Tràm (34) gần đó. Giá thuê nhà nghỉ hơi cao nên đoàn quyết định chỉ thuê một phòng cho sáu người, chật chội một chút cũng không sao, quan trọng là tiết kiệm được ít tiền. Thế nhưng, hơn 11 giờ đêm, khi biết không còn khách nào đến nữa, cô chủ nhà nghỉ cho phép đoàn chia người sang một phòng trống bên cạnh ngủ. Quý hóa quá.
Hôm nay đoàn đi được 41km.

13/08/2007
Ngày hôm nay quãng đường từ Hải Lăng đi Đông Hà chỉ 22km, nhưng đoàn phải đi mất khoảng 26km vì còn rẽ vào thành cổ Quảng Trị. Buổi sáng, mấy anh em chú cháu ăn sáng tại ngã ba thánh địa La Vang. Đi thêm 5km nữa thì phía Tỉnh đoàn Quảng Trị đã sắp xếp đoàn viên thanh niên đón vào thăm thành cổ Quảng Trị và làm lễ dâng hương cho các liệt sĩ đã hy sinh tại đây vào mùa hè “đỏ lửa” năm 1972. Nghe giọng thuyết minh viên nói về lịch sử thành cổ gắn liền với sự hy sinh anh dũng của quân dân ta trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà không cầm được nước mắt. Phóng viên báo Quảng Trị và đài truyền hình Quảng Trị phỏng vấn đoàn ngay tại thành cổ. Thầy Phương vẫn luôn đi trước chớp máy liên tục như một phóng viên thực thụ.
Làm lễ dâng hương và tham quan ở đây khoảng 30 phút, sau đó đoàn quay trở ra quốc lộ 1A, qua cầu Thạch Hãn, tiếp tục hành trình hướng về Đông Hà. Tỉnh đoàn Quảng Trị bố trí chỗ nghỉ cho đoàn tại nhà nghỉ 198 trên đường Lê Duẩn. Hôm nay, thầy Phú chiêu đãi đoàn cơm trưa. Lúc ăn cơm, nghe lời thầy Phương “quảng cáo” thẻ nhớ USB 8Gb tại Đông Hà chỉ có 230.000đ, Dũng và Hiếu tìm mua mỗi người 1 cái nhưng giá chỉ 150.000đ. Sau đó Hiếu còn mua thêm 3 cái, Cầu 1 cái, Phương 1 cái ; và nghe nói thầy Phương mua tổng cộng là 10 cái (dự định về làm quà cho các bạn), thầy Phú 5 cái, ai cũng hớn hở khoe mua rẻ hơn người mua trước được mấy chục ngàn. Chỉ ngay tối hôm đó đã biết toàn là thẻ nhớ chất lượng kém, chép dữ liệu vào được nhưng đọc không được. Đúng là hàng nhái IBM sản xuất tại Trung Quốc có khác.
3 giờ chiều, cả đoàn di chuyển sang trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị trên đường 9 Nam Lào. 15 giờ 30 giao lưu với cán bộ, giáo viên và sinh viên ở đây. Đoàn được thông báo trước là sẽ có khoảng hơn 200 sinh viên, nhưng khi đến nơi thì thấy gấp đôi. Lần đầu tiên đoàn được đón tiếp đông như vậy : hơn 500 sinh viên ngồi chật hội trường, phía trên khán đài còn có biểu ngữ lớn “Tiếp sức Hành trình xuyên Việt”. Dù thời gian giao lưu là buổi chiều, sau lại bị mất điện, nóng nực nhưng không khí buổi giao lưu rất thân thiện, gần gũi. Các bạn sinh viên hơi thụ động một chút nhưng rất chân thành, dễ mến. Thầy Phú thay mặt đoàn hát bài “Chuyện tình hoa muống biển” được các bạn trẻ vỗ tay nhiệt liệt.
Giao lưu xong, xe của Dũng bị xịt lốp, Cầu một mình phải chạy hai xe đạp (của Dũng và Hiếu) về nhà nghỉ. Còn mấy anh phụ trách bên Tỉnh đoàn Quảng Trị chở các anh em khác đi ăn cơm tối sớm đề cho đoàn còn về nghỉ ngơi, ngày mai lại lên đường.
À, cũng giống hôm ở Huế, có một cô bé sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị cứ muốn theo đoàn ra Hà Nội. Thực sự nữ đi với đoàn lại càng khó khăn hơn, Dũng phải phân tích giải thích mãi cô bé mới thôi không “năn nỉ” nữa. Cô bé này cũng cá tính ghê !

14/08/2007
Trời còn chưa sáng, các bạn sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị (toàn nữ thôi) đã tập trung trước bưu điện thị xã Đông Hà, đối diện nhà nghỉ để tiễn đoàn. Đi với nhau một quãng cũng khá xa, gần 10km, đoàn dừng lại ăn sáng tại một quán nhỏ không tên gần cầu Trúc Khê. Thầy Phú và thầy Phương lại tuyên bố bao đoàn và các bạn sinh viên đưa tiễn bữa sáng này. Hai thầy thường đi cùng với đoàn một đoạn buổi sáng, sau đó mới đón xe đò đi trước thực hiện nhiệm vụ tiền trạm hỗ trợ cho đoàn.
Ăn sáng xong, mọi người chia tay nhau : các bạn sinh viên trở về trường, chúng tôi đi tiếp, còn hai thầy trở lại nhà nghỉ sắp xếp hành lý rồi đón xe đi Quảng Bình. Nhưng lát sau, có hai bạn nữ đạp xe quay lại bảo muốn đi cùng đoàn một đoạn nữa, một bạn tên là Thanh Hóa, bạn kia tên Phương Tâm (dắt xe đạp). Có lẽ các bạn còn quyến luyến với mấy anh sinh viên trường Đại học quốc tế đây mà.
Dũng, Hiếu đạp xe đi trước ghé bưu điện Dốc Miếu, Gio Linh, Quảng Trị. Sau đó nhóm đi bộ cũng ghé đây. Anh Nguyễn Đức Hiếu (35) phụ trách bưu điện mời đoàn vào uống nước và cho thêm cả nước mang đi đường. Chúng tôi đã chụp chung với nhau nhiều ảnh kỷ niệm tại tượng đài “Giao bưu - thông tin liên lạc các thời kỳ” ngay cạnh bưu điện Dốc Miếu.
Tâm và Hóa theo tiễn đoàn đến tận cầu Hiền Lương, đi theo cầu Hiền Lương cũ đã phục chế (riêng 3 xe đạp phải qua cầu Hiền Lương mới). Sau đó, đoàn chia tay với hai em tại một quán nước nhỏ ở đầu cầu phía Bắc, đối diện cột mốc vĩ tuyến 17. Nơi này cách trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị khoảng 23km, như vậy ngày hôm nay Hóa, Tâm phải đi về tổng cộng 46km chỉ để đưa tiễn đoàn. Thật cảm động nhưng không ai biết nói gì (sau ngày về Sài Gòn, Cầu đã rửa hơn chục tấm ảnh gửi ra cho Hóa và Tâm làm kỷ niệm).
Buổi trưa, đoàn dừng chân ăn trưa tại quán Út Đào (36) ở thị trấn Hồ Xá, chủ quán cho cả đoàn ngủ trưa tại đây. Lúc đang ăn trưa, nghe thầy Phương điện thoại báo có một tại nạn thảm khốc cách đó gần 20km (xe khách chở hai thầy đi ngang qua khi tai nạn vừa xảy ra trước đó ít phút), ăn xong Hồng không ngủ trưa mà xách máy ảnh đón xe đến ngay chỗ xảy ra tai nạn (tại Dốc Sỏi, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Vụ tai nạn này rất nghiêm trọng, hai xe khách (18N-1611 và 37H-9686) đi ngược chiều tông vào nhau làm 2 người chết và 16 người bị thương. Hai hôm sau, đoàn thấy VTV1 đưa tin này trên bản tin an toàn giao thông lúc 6:30 sáng và hoàn toàn sử dụng hình ảnh do Hồng chụp được.
Buổi chiều, khi vừa qua km718 quốc lộ 1A, có một anh vẫy Cầu - Vượng - Phương mời vào uống nước. Anh đó tên Ánh, công tác tại trạm kiểm dịch động vật tỉnh Quảng Trị. Anh Ánh đọc báo và xem ti vi nên có biết một chút về đoàn. Thấy đoàn đi qua, anh nhiệt tình mời mấy anh em dừng chân uống nước trước khi tiếp tục hành trình.
Vì Phương mệt, lại đau chân phải uống Alaxan để giúp giảm đau nên chú Dũng và Hiếu phải tìm chỗ trọ gần hơn dự kiến. Nhưng quanh khu vực đó không có nhà nghỉ, nếu đi tiếp thì Phương đi không nổi, cuối cùng đành xin ngủ nhờ một quán cơm bên đường, quán Hoàng Thắng(37) ở km717, vừa qua ranh giới tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình. Ba anh em Cầu - Vượng - Phương chia tay anh Ánh rồi đi thêm gần 1km nữa thì đến.
Hơn 7 giờ tối, Hồng vẫy nhờ được một người đi xe máy quay trở lại quán ăn. Hồng về đến nơi thì cơm canh đã dọn sẵn, mấy chú cháu ăn xong rồi đi ngủ sớm. Ai cũng phải thoa kem chống muỗi vì ở đây không màn, không chiếu, được cái … không mất tiền ngủ. Dũng - Vượng - Hiếu nằm chung một chiếc giường nhỏ, Phương ngủ trên võng, còn Cầu và Hồng thì ngủ trên mấy cái bàn ăn xếp lại. Trước khi đi ngủ, Cầu phải cầm giấy tờ tùy thân của sáu người trong đoàn rồi cùng chủ quán sang nhà anh công an xã gần đó để đăng ký tạm trú. Chủ quán ăn tốt bụng nhưng cẩn thận như vậy là tốt.
Đoạn đường hôm nay đi được là 44km, từ km761 đến km717.

15/08/2007
Hôm nay là chặng đường dài nhất trong suốt cả chuyến hành trình xuyên Việt: 54km. Mục tiêu đến thành phố Đồng Hới có lẽ là quá sức với 4 thành viên đi bộ, hơn nữa mấy hôm nay Phương lại bị đau chân, ngày nào cũng phải uống Alaxan. Phương “chì” lắm, chân đau nhưng vẫn ráng đi.
Buổi sáng trời mưa, mát nên đoàn tranh thủ đi nhanh. Đến quán Minh Vững(38) ăn sáng, đoàn đã đi được hơn 14km. Đây là quán mà cánh lái xe tải thường ghé qua, các tài xế đang ăn sáng với một vài xị rượu trước khi đi tiếp vào phía nam. Không ít lần chúng tôi đã gặp cảnh này, sáng trưa chiều tối cánh lái xe thường vừa ăn vừa uống rượu trước khi đi tiếp. Họ bảo không uống nhiều nhưng cũng phải làm tí chút mới có gan cầm vô lăng, ngày nào đi trên đường mà chẳng thấy tai nạn, không sợ sao được. Tuy nhiên chúng tôi cũng làm quen được với mấy lái xe ở quán này, sau này gặp nhau trên đường chúng tôi vẫn thường vẫy tay chào nhau. Thêm nữa, chúng tôi còn học được kinh nghiệm “ăn theo xe tải”, nghĩa là ăn uống dọc đường nên vào mấy quán có nhiều xe tải (chứ không phải xe khách) vì họ thường đi, thường ăn dọc đường nên biết những quán ăn ngon và bình dân.
Buổi trưa, đoàn ăn trưa tại “nhà hàng” Hồng Kính(39), ngay chợ Chè. Cầu đến nơi liền ra phía sau rửa mặt, do sàn ướt lại sơ ý thế nào nên ngã “xoạch” một cái, may mà không vỡ cái chén cái đĩa nào của “nhà hàng”. Chủ quán sau khi biết đoàn đang trên hành trình xuyên Việt như thế đã nhiệt tình “tặng” thêm một món xào miễn phí và sắp xếp phòng cho nghỉ nhờ buổi trưa.
Sáng nay Phương “cà nhắc” lắm rồi nên buổi chiều Hiếu phải đổi xe cho Phương. Khi còn cách thành phố Đồng Hới khoảng 1km, mấy anh em đi bộ thấy một chị bán hàng rong đi cùng chiều. Hỏi ra mới biết chị ấy bán chè, đang trên đường về nhà, trong nồi vẫn còn một ít. Thế là cả nhóm ngồi xuống vệ đường ăn chè rồi mới đi tiếp. Ngon ơi là ngon !
Tối nay đoàn nghỉ ở khách sạn Lương thực Quảng Bình(40), do tỉnh đoàn bố trí. Thầy Phú và thầy Phương sau khi vào thăm quan Phong Nha trở ra, cùng đoàn ăn tối tại quán Phước Lộc Thọ gần khách sạn. Đêm, hai thầy Hùng và Thịnh, cán bộ trường Đại học quốc tế, cũng ra đến đây, dự kiến sẽ thay cho vai trò của thầy Phú và thầy Phương trong những chặng đường tiếp theo.

16/08/2007
Kế hoạch 19 giờ tối nay đoàn sẽ giao lưu với sinh viên, giáo viên Đại học Quảng Bình. Tiếc một ngày ngồi chơi chờ đến tối mà không đi được km nào, cả đoàn bàn nhau và cuối cùng quyết định thực hiện theo phương án sau : Cầu - Vượng - Hồng trong buổi sáng đi bộ khoảng 25-30km rồi quay về Đồng Hới bằng ôtô để chiều tối tham gia giao lưu, Phương đau chân phải ở lại, chú Dũng không tham gia giao lưu, đầu giờ chiều sẽ đi xe đạp đến chỗ ba anh em dừng chân buổi trưa để liên hệ trước chỗ ngủ cho đoàn.
Theo phương án đó, 4 giờ 30 sáng Cầu - Vượng - Hồng vẫn dậy sớm lên đường. Bốn thầy trường Đại học quốc tế đi tiễn một đoạn đến chỗ ăn sáng. Mấy thầy trò vừa ăn sáng vừa xem bản tin An toàn giao thông trên VTV1 có nói về tai nạn giao thông ở Sen Thủy hai hôm trước. Sau đó ba anh em đi một mạch qua đèo Lý Hòa đến bãi tắm Đá Nhảy. Tính toán thấy đã đi được 27km, ở đây lại có nhiều nhà nghỉ nên mấy anh em quyết định dừng tại đây và đón xe quay về Đồng Hới. Cũng may, có một chiếc xe tải dừng lại cho đi nhờ, nhưng không về đến khách sạn Lương thực nên ba anh em lại phải đi bộ thêm gần 3km nữa.
Cả đoàn vẫn ăn trưa tại quán Phước Lộc Thọ. Hai giờ chiều chú Dũng đạp xe đi trước đến Đá Nhảy. Buổi chiều, tỉnh đoàn chiêu đãi cơm chiều sớm để tối đoàn còn kịp về giao lưu. Buổi giao lưu cũng thân mật, gần gũi như với sinh viên ở Quảng Trị. Sau khi giao lưu xong, Cầu - Vượng - Hồng - Hiếu đi ôtô đến Đá Nhảy. Phương vẫn ở lại Đồng Hới vì chân còn đau, Hiếu để lại xe đạp cho Phương.
Mấy anh em đến Đá Nhảy hơn 10 giờ đêm, sau lại còn ra tắm biển một lúc mới về nghỉ tại Khách sạn Đá Nhảy(41) mà chú Dũng đã liên hệ từ chiều. Quản lý Khách sạn Đá Nhảy là một người trùng họ tên với Dũng : anh Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1956, đã từng bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não nhưng may mắn là không quá nghiêm trọng.
Ở đây cách Hà Nội chỉ còn 447km, “muỗi”! Tại Đồng Hới, Dũng phải mua thêm thẻ nhớ cho máy ảnh, tổng cộng máy ảnh và thẻ nhớ trị giá 5 triệu đồng, đây cũng đúng là số tiền bạn bè Dũng gửi tặng cho chuyến đi này.
Cũng tại Đồng Hới, thầy Phương gửi một món quà chia tay với đoàn rất có ý nghĩa : mỗi thành viên trong đoàn một áo thun đồng phục (có in những dòng chữ, logo theo mẫu áo đầu tiên của Hồng). Thầy đã chạy hỏi khắp Đồng Hới để làm gấp áo cho đoàn chỉ trong một ngày với số áo ít ỏi. Cũng cần nói thêm, so với các thầy khác từ trường Đại học quốc tế, thầy Phương luôn gần gũi, nhiệt tình, luôn quan tâm đến đoàn, và đặc biệt là… tôn trọng đoàn hơn vì luôn hỏi ý đoàn về những vấn đề quan trọng. Hôm trước ở Đông Hà, thầy Phương cũng tặng cho mấy anh em mỗi người một đôi giày và một đôi vớ mới (riêng Cầu và Dũng thì không nhận vì giày cũ còn rất tốt).

17/08/2007
Sáng sớm nay năm thành viên xuất phát từ bãi tắm Đá Nhảy, riêng Phương đi xe đạp bắt đầu từ Đồng Hới. Sau khi “súc miệng” hơn 9km, đoàn ăn sáng tại quán Quyết Thắng ngay đầu cầu phía nam Sông Gianh. Phương vẫn chưa thấy đến nên có lẽ phải ăn sáng một mình.
Vừa qua cầu Gianh, đến gần trạm thu phí phía bờ bắc thì có một anh ở một cửa hàng bên đường vẫy Hồng lại hỏi thăm, rồi ủng hộ quỹ ung thư 20.000đ. Chị đứng bên cạnh thấy vậy cũng rút ra 20.000đ ủng hộ thêm. Hai anh chị ủng hộ tiền tên là Trần Văn Nghị và Trần Thị Lợi. Đi thêm khoảng 3km nữa thì lại có một cô gái trông khá trẻ “chặn đường” mấy anh em và tự xưng là cộng tác viên báo Tuổi trẻ tại Quảng Bình. Cô phóng viên mời mấy anh em vào nhà uống nước và phỏng vấn một chút.
Đoàn ăn trưa tại quán Lan Anh gần km611(42), lúc này Phương đã đuổi kịp đoàn. Cô chủ quán ăn cứ ghẹo Cầu “Anh giáo trông gầy thế kia liệu có đi nổi không?”. Phương nháy mắt “Hay là chị đi cùng với anh ấy cho vui”. Thế là cô chủ quán lại cười, trông tươi ra phết.
Buổi chiều, Dũng đi bộ khoảng 3km cho “đỡ cuồng chân” (vì xuống đồng bằng không có dốc nhiều nên mỗi ngày đạp xe vài chục km chưa đủ đô), rồi sau đó cùng Phương đạp xe qua hầm Đèo Ngang trước liên hệ chỗ ăn ngủ. Cầu - Vượng - Hồng - Hiếu mãi gần 6 giờ chiều mới đến chân Đèo Ngang. Hồng - Hiếu “đừ” quá nên không qua đèo mà đi theo đường hầm. Riêng Cầu và Vượng vẫn quyết tâm vượt đèo, như vậy sẽ phải đi nhiều hơn khoảng 5km so với qua hầm.
Gần 7 giờ rưỡi thì Cầu và Vượng đến Hoành Sơn Hotel(43), có lẽ gọi nó là khu nghỉ mát Hoành Sơn thì đúng hơn, vì ở đây có vài dãy nhà cấp bốn một tầng bên cạnh bãi biển cho du khách chứ không có hotel nào cả. Đoàn ăn cơm tối tại đây, vừa ăn vừa giao lưu với nhân viên phục vụ rất vui. Ăn xong bàn mình, Cầu và Dũng còn nhảy sang bàn nhân viên ăn và nói chuyện tiếp. Đây là bữa ăn tối đắt nhất kể từ ngày đầu đến nay: 25.000đ/người. Nhưng trước đó, phụ trách khu nghỉ mát đã bớt tiền phòng cho đoàn chúng tôi từ 150.000đ xuống còn 100.000đ.
Hôm nay đoàn đi được 46km, riêng Phương phải cộng thêm 27km nữa.

18/08/2007
4 giờ 40 nhóm đi bộ đi trước. Dũng đi sau, vừa dắt xe ra thì phát hiện bánh sau đã xẹp, hỏi người ở đây thì được biết tiệm vá xe cách đó cũng gần 10km nên Dũng đành phải tự vá lấy, Hiếu phụ việc và học nghề vá xe luôn.
Đoàn ăn sáng tại quán Thúy Hảo(44). Buổi trưa đến thị trấn Kỳ Anh, Dũng vào mua một ít thuốc cho Phương vẫn bị đau chân. Chị Nguyễn Thị Liễu, người bán hàng cho hiệu thuốc công ty Dược Kỳ Anh(45), sau khi nghe chuyện đã tặng đoàn một hộp cồn xoa bóp mật gấu và còn cho số điện thoại để cần gì sẽ tư vấn cho đoàn.
Càng ra phía Bắc, thời tiết càng nóng và hanh hơn. Nhóm đi bộ mất sức nhiều hơn nên thường phải nghỉ ăn trưa sớm và khởi hành lại vào buổi chiều trễ hơn để tránh cái nắng gắt ở vùng đất này. Đoàn ăn trưa tại nhà hàng Mỹ Hạnh, cũng tại thị trấn Kỳ Anh (46). Sau đó, đoàn quay ngược lại chừng hơn 300m để ghé vào nhà một người bà con của Hồng nghỉ trưa. Buổi chiều, trước khi lên đường chủ nhà còn cho thêm mấy chai nước suối để đoàn cầm theo uống dọc đường.
Trên đường đi một vài thành viên rất hay làm mất áo mưa, lại phải mua bổ sung, nhưng người khác thì không. Để mọi người có ý thức hơn, đoàn quyết định phát cho mỗi người 100.000đ, tạm gọi là khoán gọn tiền áo mưa và nước uống dọc đường cho đoạn đường còn lại từ đây ra Hà Nội. Thực ra nếu giữ gìn áo mưa tốt, và nước uống thì rất dễ xin, nếu chịu khó mang chai theo thì sẽ không mất đồng nào.
6 giờ 45 chiều, đoàn đến nhà hàng Thế Kỷ(47). Đây là điểm mà xã đoàn Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, chọn bố trí cho đoàn ăn nghỉ. Anh Kỷ là chủ nhà hàng, anh Sửu bí thư xã đoàn và một số cán bộ đoàn khác ăn tối cùng chúng tôi, rất vui vẻ và nhiệt tình.
Hôm nay đoàn đi được 42km.

19/08/2007
Đoàn lại lên đường sớm, con gái anh Kỷ (chủ nhà hàng Thế Kỷ, bố vợ anh Sửu) chạy xe máy đến thị trấn Voi trước để đánh thức anh Sửu (nhà anh Sửu ở đây). Khi đoàn đến nơi thì anh Kỷ ra chào tạm biệt đoàn. Sự đón tiếp thịnh tình của gia đình họ cho thấy đây không phải chỉ là trách nhiệm đón tiếp của xã đoàn mà còn là tấm lòng của người dân Hà Tĩnh đối với đoàn. Sau này, thỉnh thoảng anh Kỷ còn điện thoại hỏi thăm đoàn đã đến đâu, anh em có khỏe không,… Đoàn ăn sáng tại nhà hàng Sơn Quế(48), nói là “nhà hàng” nhưng chỉ có hai cái bàn nhỏ và mấy cái ghế con.
Hôm nay là kỷ niệm Cách mạng tháng tám, cán bộ huyện đoàn huyện Cẩm Xuyên đón chúng tôi tại km530 và đưa đoàn vào dâng hương tại Khu tưởng niệm cố tổng bí thư Hà Huy Tập. Phóng viên đài phát thanh truyền hình tỉnh Hà Tĩnh cũng có mặt để ghi hình hoạt động này. Từ quốc lộ 1A vào khu tưởng niệm khoảng 3km.
Sau đó, huyện đoàn Cẩm Xuyên chiêu đãi đoàn cơm trưa tại nhà hàng Phúc Khỏe (thị trấn Cẩm Xuyên, điện thoại 039.861.217), rồi đưa nhóm đi bộ về thành phố Hà Tĩnh nghỉ ngơi để kịp giao lưu vào buổi chiều. Còn Dũng và Hiếu được bố trí nghỉ trưa ngay tại thị trấn Cẩm Xuyên, đầu giờ chiều hai chú cháu mới đạp xe về thành phố Hà Tĩnh. Nhóm đi bộ hôm nay đi được 18km, Dũng - Hiếu đạp xe 42km, tính cả 6km vào ra khu tưởng niệm. Quãng đường từ Cẩm Xuyên đến Hà Tĩnh khoảng 18km, ngày mai nhóm đi bộ sẽ đi bù vào và ra Ngã ba Đồng Lộc.
Buổi chiều, đoàn giao lưu với lực lượng cán bộ đoàn nòng cốt của tỉnh là các bí thư chi đoàn của các trường phổ thông trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Nói chung, buổi giao lưu rất tốt đẹp và đoàn đã tạo được thiện cảm và ấn tượng sâu sắc đối với thanh niên ở đây. Sau đó, đoàn được mời đi ăn tối cùng với 137 cán bộ đoàn nhân kết thúc chuyến tập huấn của bí thư chi đoàn toàn tỉnh. Bữa tối được tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức ở một nhà hàng sang trọng. Thực sự tất cả thành viên trong đoàn đều rất cảm kích tấm chân tình của thanh niên Hà Tĩnh dành cho đoàn. Nhưng chúng tôi cũng thấy rất ái ngại khi tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức một bữa ăn linh đình như thế trong khi Hà Tĩnh còn là một tỉnh nghèo và khó khăn, hơn nữa cơn bão số 2 cũng vừa quét qua đây chưa lâu, hậu quả của nó để lại vẫn còn thấy rõ.
Tối nay, đoàn chúng tôi được bố trí nghỉ tại Nhà nghỉ Công Đoàn(49), có lẽ đây là nơi nghỉ sang trọng nhất đối với đoàn kể từ ngày xuất hành đến nay.

20/08/2007
Buổi sáng, theo kế hoạch, chúng tôi cùng cán bộ thành đoàn thành phố Hà Tĩnh vào thăm và tặng quà cho các bệnh nhân ung thư và bị tai nạn giao thông gặp hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Sau đó, quay về nhà nghỉ Công đoàn thu xếp đồ đạc xong chúng tôi lên đường ngay, lúc này đã là 9 giờ 30 sáng, trời nắng chang chang. Sáng nay, Phương lại hâm hấp sốt nhưng vẫn cố gắng đi bộ, không đi xe đạp của Hiếu nữa.
Đi được gần một tiếng rưỡi, nắng gắt quá, đoàn phải dừng lại ăn trưa sớm tại nhà hàng Hiếu Nguyên(50), vừa qua thị thấn Thạch Hà, cách Hà Tĩnh khoảng 7km. Nghỉ trưa xong lại tiếp tục lên đường, đi thêm khoảng hơn 2km nữa, đoàn rẽ trái vào Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Trên đường đi, có nhiều người hỏi thăm đoàn, đặc biệt là các cô các bác lớn tuổi vì tối hôm qua Đài truyền hình Hà Tĩnh vừa mới đưa tin. Cầu và Vượng muốn đến Ngã ba Đồng Lộc trước khi trời tối để kịp chụp ảnh nên vừa đi vừa chạy. Hồng và Phương đi sau được một cô chủ quán nước “tặng” miễn phí hai lon nước. Từ đầu ngã ba ngoài quốc lộ 1A đến Ngã ba Đồng Lộc khoảng 12km. Trên đường đi, ba tốp chúng tôi đều ghé qua nhà thờ Lý Tự Trọng, một liệt sỹ, một người con của vùng đất Hà Tĩnh.
Anh Nguyễn Văn Thắng (51), trưởng ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cùng các cán bộ khu di tích tiếp đón chúng tôi rất chu đáo. Họ chiêu đãi bữa cơm chiều tự nấu (ở đây không có hàng quán), đoàn cùng ăn tối với các nhân viên của khu di tích và sau đó lên dâng hương tại nghĩa trang 10 nữ liệt sĩ là thanh niên xung phong đã hy sinh tại đây trong chiến tranh phá hoại miền bắc của giặc Mỹ. Việc dâng hương vào buổi tối cũng là một sự đặc cách cho đoàn vì trước đây không có tiền lệ này.
Qua giọng kể truyền cảm của anh hướng dẫn viên, câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong được tái hiện như một chứng tích hào hùng, anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam. Trong giây phút thiêng liêng ấy, ai cũng xúc động nghẹn ngào, tiếc thương cho sự hy sinh của các chị. “… Cúc ơi ! … Em ở đâu?…”, anh hướng dẫn viên kể lại lời gọi khóc thương nghẹn ngào của đồng đội các chị khi không tìm thấy thi thể của chị Cúc sau đợt bom. Không gian như ngừng lại… Người sụt sịt, người đưa tay chùi mắt. Chắc hẳn đây là giây phút đặc biệt nhất đối với cả đoàn từ ngày đầu đến giờ. Đã nghe nói nhiều về Ngã ba Đồng Lộc, về 10 cô nữ thanh niên xung phong nhưng thực sự bây giờ mọi người mới hiểu hơn, đau hơn cho sự ra đi của các chị vì tự do của nước nhà.
Thay mặt Ban quản lý khu di tích, anh Thắng hứa sáng ngày mai sẽ đi bộ tiễn đoàn ra Ngã ba Nghèn (cách đó gần 12km), tặng cho đoàn sáu cái mũ tai bèo có in hàng chữ “Kỷ niệm về thăm Ngã ba Đồng Lộc” và sẽ mời đoàn ăn sáng rồi mới chia tay. Chúng tôi không tin lắm vì trong bữa cơm anh Thắng đã uống rất nhiều rượu, và 12km đi bộ với người lớn tuổi như anh, lại không tập thường xuyên thì không phải dễ dàng.
Hôm nay đoàn đi được 21km.

21/08/2007
4 giờ 30 ra ngoài cổng đã thấy anh Thắng, anh Lê và bốn người khác đang chờ. Sau khi các anh tặng chúng tôi sáu chiếc mũ tai bèo làm kỷ niệm, tất cả chúng tôi cùng lên đường ngay.
Anh Thắng thực sự để lại một ấn tượng sâu sắc cho các thành viên trong đoàn. Như đã hứa, sáng nay anh cũng dậy sớm tặng mũ tai bèo và đi bộ đưa tiễn đoàn. Mấy anh em đi bộ quen chân rồi nên đi nhanh (cũng là để tránh cái nắng như đổ lửa của miền Trung), anh Thắng vì thế cũng cố gắng đi nhanh cho kịp. Đến khi nhóm đi bộ đến ngã ba Nghèn thì đã cách xa anh Thắng và mấy anh em đi đưa tiễn gần 2km. Vì sợ nhóm đi bộ đợi lâu đi mất, anh Thắng liên tục gọi điện cho Dũng bảo mọi người chờ và quyết định chạy đuổi theo. Và điều ngạc nhiên nhất là anh chạy về tới đích trước những “lính” khác của mình một đoạn dài. Với thanh niên trẻ thì việc này là bình thường, nhưng với anh Thắng, một cựu chiến binh lớn tuổi rồi thì hành động này đã khiến đoàn nể phục và cảm động. Nể phục về ý chí và nghị lực của anh khi vượt qua vấn đề sức khỏe của tuổi già, cảm động về tình cảm của anh dành cho đoàn, các thành viên trong đoàn ai cũng trân trọng và giữ gìn cẩn thận chiếc mũ vì nó chứa đựng ý nghĩa tinh thần không gì so sánh được. Đoàn hứa với anh Thắng rằng sẽ có mặt tại thủ đô Hà Nội vào ngày Quốc khánh 2-9 với sáu chiếc mũ tai bèo mà anh tặng.
Chúng tôi cùng nhau ăn sáng tại quán Tâm Bé và chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm rồi mới chia tay. Bây giờ đoàn phải đi nhanh để bù lại thời gian buổi sáng. Buổi trưa, đoàn ăn trưa tại nhà hàng Sông Lam(52). Chiều, khi vừa qua cầu Bến Thủy, các bạn sinh viên Đại học Vinh đã đợi sẵn đón chúng tôi với một bó hoa to dành riêng cho Lê Việt Hồng. Các bạn sinh viên “tiếp sức” cho đoàn bằng cách đi bộ chung với đoàn đoạn đường còn lại về đến Đại học Vinh. Sau đó, đoàn giao lưu một chút với đại diện tỉnh đoàn tỉnh Nghệ An và đoàn viên đoàn trường Đại học Vinh. Tối cả đoàn nghỉ ngơi tại ký túc xá Đại học Vinh, khu dành cho khách VIP.
Hôm nay đoàn đi được khoảng 43 km.

22/08/2007
Kế hoạch ngày hôm nay chúng tôi đi theo quốc lộ 46 vào thăm quê Bác, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đã đến vùng đất xứ Nghệ này không thể không ghé về quê Bác, hơn nữa một phần cũng là để tiếp tục trừ nợ những đoạn phải đi bằng xe trước đây. Hôm nay, cả vào và ra tổng cộng đoàn đi được 39km.
Sáng sớm, một bạn sinh viên năm cuối khoa quân sự của Đại học Vinh tên là Quyến đã đợi sẵn để cùng hành trình theo đoàn vào thăm quê Bác. Lạ một điều là hôm nay trời không nóng như hai hôm trước, hơi lắc rắc mưa, vì vậy sau khi đi bộ khởi động một chút, nhóm bắt đầu chạy. Không ai bảo ai, nhưng dường như người nào cũng muốn lập thành tích kính dâng lên Người nên chạy “hăng” lắm. Và vì vậy một kỷ lục mới lại được thiết lập : 11km đầu tiên đi mất 1 tiếng 15 phút.
Khi còn cách ngã ba rẽ vào làng Hoàng Trù khoảng 2km thì đoàn gặp phóng viên Đài phát thanh truyền hình tỉnh Nghệ An và phóng viên báo Nghệ An. Chị Ngân, phó Bí thư tỉnh đoàn tỉnh Nghệ An, cũng nhiệt tình đi bộ cùng đoàn từ đây đến làng Hoàng Trù rồi qua làng Sen. Đến làng Hoàng Trù, chị còn mua sáu cái đĩa nhạc về Bác Hồ làm quà kỷ niệm cho sáu thành viên trong đoàn. Khi đến làng Sen, chúng tôi còn gặp Huyền phóng viên báo Sinh viên Việt Nam. Huyền đã liên lạc trước với Việt Hồng từ hôm qua và hẹn gặp đoàn tại đây.
Về quê Bác, nghe các câu chuyện về Bác, ai ai cũng hiểu rõ hơn về một con người vĩ đại mà rất giản đơn, gần gũi, một con người suốt đời vì dân vì nước. Đúng là ai qua xứ Nghệ mà không về quê Bác thì thật là đáng tiếc và coi như chưa biết về xứ Nghệ.
Sau khi thăm quê Bác trở ra, xã đoàn Kim Liên mời cả đoàn ăn trưa tại quán Cảnh Phin (ngã ba Kim Liên, Nam Đàn, điện thoại 038.825153). Buổi chiều, Dũng và Hiếu đạp xe về trước để tranh thủ ra thăm quan bãi biển Cửa Lò. Tối, tỉnh đoàn tỉnh Nghệ An chiêu đãi cơm tại khách sạn Phượng Hoàng(53), cũng là chỗ ăn tối hôm qua. Tối nay, chúng tôi nghỉ ở Đại học Vinh thêm một tối nữa.

23/08/2007
Quãng đường hôm nay là từ thành phố Vinh đi thị trấn Phủ Diễn, khoảng 42km. 4 giờ 40 sáng đoàn xuất phát từ trước cổng trường Đại học Vinh (km466). Thầy Hùng và thầy Thịnh đi bộ tiễn đoàn một đoạn hơn 6km, gần hết nội thị thành phố Vinh.
Sáng nay, do Cầu tưởng Hiếu đi trước tìm quán ăn nên cứ chạy đuổi theo mãi, đến khi Dũng báo cho Cầu biết dừng lại thì đã cách xa Vượng - Hồng - Phương rồi. Cuối cùng, Dũng và Cầu ăn sáng một nơi, bốn anh em Phương - Hồng - Hiếu - Vượng ăn một nơi. Trời hôm nay lại mát, không nóng lắm nên sau đó Cầu cứ vừa đi vừa chạy nên luôn đến điểm nghỉ trước.
Buổi trưa, đoàn ăn trưa tại “nhà hàng” Nam Song Đức(54), có nhiều xe tải đỗ. Như đã nói, quán cho cánh xe tải thường ăn được và giá cả cũng bình dân, lại rộng rãi có chỗ xin ngủ trưa nhờ. Ở đây, mấy chú cháu nhìn hai cái phản gỗ của chủ quán mà cứ “mê mẩn” cả người. Hai cái phản này được làm bằng gỗ sao, mỗi cái gồm hai tấm gỗ lớn khổ rộng khoảng 90cm ghép lại, đặc biệt mỗi tấm gỗ dày từ 16-20cm. Theo chủ quán, giá trị của mỗi cái phản cũng trên dưới hai chục triệu đồng. Ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ còn đắt gấp đôi ba lần. Điều đáng nói là trên dọc đoạn đường thuộc địa phận huyện Diễn Châu chúng tôi thấy có rất nhiều biệt thự lớn, nghe nói chủ của những biệt thự này là những tay chuyên buôn gỗ từ Lào sang Việt Nam, còn nguồn gỗ chính xác từ đâu thì không ai biết được.
Buổi chiều, nhóm đi ngang qua đền thờ Thục Phán An Dương Vương (Đền Cuông), mọi người dừng chân vào thăm và chụp ảnh. Hơn 6 giờ chiều, lúc trời đã nhá nhem tối, nhóm đi bộ cũng đến chỗ nghỉ. Huyện đoàn Diễn Châu bố trí chỗ ăn ngủ tối tại nhà khách 15B (55).
Hôm nay đoàn đi được 42km.

24/08/2007
Hơn 5 giờ sáng đoàn xuất phát từ nhà khách huyện Diễn Châu. Thực ra, hôm nay đoàn vẫn dậy sớm và định xuất phát sớm lúc 4 giờ rưỡi như thường lệ. Tối hôm qua, cô tiếp tân nhà khách bảo khi nào đi thì cứ gõ cửa gọi cô ở phòng bên cạnh. Sáng nay, sau khi mấy chú cháu chuẩn bị xong hết rồi, sang gõ cửa mãi mà vẫn không thấy ai ra mở. Cuối cùng Cầu đành xoay tay nắm, mở cửa vào và bật đèn lên thì chẳng thấy ai cả. Cả đoàn nháo nhào, chết rồi, vậy cô tiếp tân ngủ ở phòng nào?! Đoàn ra hành lang gọi to lên mãi nhưng cũng không thấy ai ra mở cửa. Phương đề nghị “Mừng ghê, vậy là có lý do chính đáng để ngủ thêm chút nữa rồi”. May thay, Cầu chợt nhớ ra và dùng điện thoại di động gọi vào số điện thoại bàn của nhà khách. Chuông đổ to trong đêm thanh vắng, một lúc sau thì có tiếng dép hối hả chạy ra. Phương trông mặt buồn xo.
Nhóm đi bộ đi được chừng nửa tiếng thì trời dần sáng. Mặt trời mọc lên ở đàng Đông đỏ ửng một góc trời, ánh sáng lúc bình minh hắt xuống mặt sông tạo nên một quang cảnh đẹp như tranh vẽ. Cầu dừng lại lấy máy ảnh ra chụp lia lịa, cuối cùng cũng chọn được những góc độ chụp được mấy tấm rất đẹp. Chụp xong quay lên thì Hồng - Phương - Vượng đã đi xa lắm rồi, Cầu phải chạy đuổi theo một lúc mới bắt kịp.
Đoàn ăn sáng tại nhà hàng Hồng Vân. Do hôm nay là sinh nhật Phương nên chúng tôi chỉ đi 19km trong buổi sáng, buổi chiều có nửa ngày “nghỉ dưỡng sức” ở thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). “Tiệc” sinh nhật Phương rất đơn giản nhưng vẫn có cả bánh gatô, bánh đặt đàng hoàng, có dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Phương 24/8/2007”.
Nhà nghỉ ở thị trấn Cầu Giát có tên nguyên văn như sau: “Hotel khách sạn bình dân”.

25/08/2007
Hôm nay chúng tôi xuất phát sớm, lúc 4 giờ 15 phút. Bình minh sáng nay cũng rất đẹp, Cầu lại chụp thêm được vài tấm ảnh ưng ý nữa. Mà cũng dường như là càng đi càng chụp ảnh nhiều càng quen tay, ai cũng chụp ảnh đẹp hơn, có bố cục đẹp, chủ đề rõ ràng.
Sáng, mới sáu giờ hơn đã nắng nóng, cứ tưởng sẽ gặp một ngày nắng gay gắt, vất vả. Phương nói “kiểu này là hôm nay tiêu rồi”. Thế nhưng, không hiểu sao, sau khi ăn sáng trời lại trở nên mát mẻ hẳn và mây che khắp trời, đi được 29km mới dừng ăn trưa.
Đoàn ăn sáng tại quán Hải Nam (km 388+500m), ăn trưa tại nhà hàng Đức Hương(56), đầu địa phận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong lúc ăn trưa, cô chủ quán hỏi thăm đoàn và sau khi biết đoàn đi bộ từ Nam ra như thế, thốt lên “Giỏi quá nhỉ, nhưng từ đây ra Hà Nội còn gần nghìn cây nữa đấy”. Cả đoàn nghe thấy thế chỉ biết nhìn nhau … không nói được lời nào. Tuy thế nhưng cô chủ quán rất tốt bụng, chỉ chỗ cho mấy anh em chú cháu xuống tầng hầm ngủ trưa. Dưới tầng hầm của nhà hàng có mấy cái phản xây bằng xi măng, gió thổi từ ngoài hồ cá vào mát rượi.
Chiều, hơi nắng một chút nhưng không gắt, nhóm đi bộ đi nhanh nên đến nhà nghỉ sớm, khoảng 4 giờ chiều. Lại do thông tin khhông thống nhất, Cầu đi quá gần 1km, Hiếu phải chạy xe đạp ra đón về.
Trước khi đoàn ăn tối, Dũng - Hiếu - Vượng đi xe đạp đến bãi biển Hải Hòa(57) dạo chơi một chút. Đoàn ăn tối và nghỉ tại nhà nghỉ Cao Mai II (58). Nhà nghỉ này ở một huyện nhỏ của tỉnh Thanh Hóa nhưng khách ra vào nhà nghỉ nườm nượp, mà chỉ một chốc lại đi ngay. Từ đầu thị trấn đến cuối thị trấn chỉ gần 2km nhưng có khá nhiều nhà nghỉ như thế.
Hôm nay đoàn đi được 41km, đến địa phận Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

26/08/2007
Chặng đường từ thị trấn Tĩnh Gia đến thành phố Thanh Hóa khoảng 38km. Hôm nay trời nắng to nhưng cũng có gió nên không quá khó chịu. Buổi trưa đoàn ghé thăm nhà cô ruột của Hồng ngay trên quốc lộ 1A, tại chợ Cống Trúc, huyện Quảng Xương. Đoàn ăn trưa và nghỉ trưa ở đây. Buổi chiều, trước khi đi, cô của Hồng còn ủng hộ đoàn 300.000đ.
Cô của Hồng có hai cô con gái còn rất trẻ, một là sinh viên năm thứ ba Học viện báo chí tuyên truyền ngoài Hà Nội, một vừa thi đại học. Phương và Hiếu từ lúc tới đến khi đi cứ tíu tít nói chuyện với hai em mãi, trưa cũng chẳng chịu nghỉ ngơi.
Sau khi ăn trưa và nghỉ trưa, 4 giờ chiều đoàn tiếp tục lên đường, 6 giờ tối thì tới thành phố Thanh Hóa. Đại diện tỉnh đoàn cùng sinh viên Đại học Hồng Đức ra đón và chạy bộ cùng đoàn gần 2km đến dâng hương tại tượng đài Lê Lợi, trung tâm thành phố Thanh Hóa.
Tối nay tỉnh đoàn Thanh Hóa mời cơm tối. Chỗ ăn và chỗ nghỉ mà tỉnh đoàn sắp xếp rất tiện nghi, lịch sự, tại nhà khách 25B(59) của UBND tỉnh. Vì buổi chiều chạy một đoạn liên tục khá dài nên nhóm đi bộ hơi mệt, sau khi ăn tối, mấy anh em tranh thủ về nghỉ ngơi sớm. Còn Dũng - Cầu - Hùng - Thịnh vẫn ngồi lại tiếp chuyện với mấy anh bên tỉnh đoàn và giảng viên Đại học Hồng Đức thêm một lúc nữa.
Ngày mai là đại lễ Vu Lan, tối nay mười tư, có rất nhiều người đi chùa. Mấy thành viên trong đoàn cũng gọi điện về hỏi thăm gia đình, đặc biệt là đến mẹ.

27/08/2007
Hôm nay, đoàn dừng chân tại thành phố Thanh Hóa một ngày nữa, dành nguyên buổi sáng để giao lưu với sinh viên Đại học Hồng Đức. 8 giờ sáng xe của tỉnh đoàn sang đón đoàn qua cơ sở chính của trường Đại học Hồng Đức. Các bạn sinh viên rất nhiệt tình và dạn dĩ, hỏi đoàn rất nhiều về hành trình, về những chặng đường đã qua, thậm chí cả những câu hỏi riêng tư kiểu như “Anh Phương đã có bạn gái chưa vậy?”, “Anh Hồng quyết định đi như thế, bạn gái anh có cản không?”,… Sự cổ vũ của các bạn là động lực lớn cho đoàn hoàn thành chuyến đi của mình. Đoàn chúng tôi và các bạn sinh viên chụp chung với nhau rất nhiều ảnh.
Cuối buổi giao lưu, có một bạn nam sinh viên đến gặp Hồng ngỏ ý muốn đi cùng đoàn tới Hà Nội. Hồng hỏi bạn đó vậy lý do lớn nhất bạn muốn đi cùng đoàn là gì, “Cổ vũ mọi người trong đoàn và góp phần nhỏ của mình để giúp nâng cao ý thức mọi người về vấn đề an toàn giao thông”, bạn ấy trả lời. Hồng giải thích “Đoàn luôn luôn hoan nghênh khi có thêm người đi cùng, nhưng thật là không phải nếu để bạn phải nghỉ học để đi cùng đoàn. Nếu thực sự bạn muốn giúp tuyên truyền an toàn giao thông thì chiều hoặc tối nay đến nhà khách nơi đoàn đang nghỉ, Hồng sẽ đưa cho bạn những tờ rơi tuyên truyền của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia để nhờ bạn giúp phát cho sinh viên trong trường Đại học Hồng Đức thôi cũng được, thay vì phải bỏ cả tuần đi cùng đoàn, lại còn ảnh hưởng đến việc học. Cách làm đó thiết thực và ý nghĩa hơn nhiều”. Phải giải thích mãi bạn đó mới hiểu và đồng ý. Thế nhưng đến tối vẫn không thấy bạn nam sinh viên đó đến chỗ đoàn và cũng không liên lạc với Hồng để lấy tờ rơi, hơi thất vọng.
Chiều tỉnh đoàn Thanh Hóa bố trí cho đoàn đi kiểm tra sức khỏe miễn phí. Thực sự từ đây đến Hà Nội chỉ còn khoảng 150km, sức khỏe của anh em rất tốt, chỉ có Phương vẫn bị đau chân, thỉnh thoảng phải uống Alaxan. Nhưng thấy phía tỉnh đoàn nhiệt tình quá, mấy anh em chú cháu không nỡ từ chối, lại còn bảo nhau “Không khéo kiểm tra thấy bệnh lại lo lắng hơn, đi không nổi nữa”. Quả đúng như thế, Cầu được một bác sĩ đo đi đo lại huyết áp mà chỉ có 80/100. Vị bác sĩ này lớn tuổi rồi, sợ mắt mình kèm nhèm bèn nhờ một cô y tá trẻ hơn đo kiểm tra lại. Không biết cô y tá này áp dụng “kỹ thuật” gì mà kết quả lần này tăng lên được một chút : 85/100.
Hôm nay sinh nhật Hiếu, buổi chiều, Hiếu mời cả đoàn đi uống nước. Buổi tối, đoàn vẫn ăn và ngủ tại nhà khách 25B.

28/08/2007
Xuất phát từ km326 (thành phố Thanh Hóa, trước cổng nhà khách 25B), Phượng - Văn sinh viên Đại học Hồng Đức tiễn đoàn qua tận cầu Hoàng Long. Vượng - Cầu - Dũng - Hiếu đi theo đường qua cầu Hàm Rồng cũ. Phương - Hồng - Phượng - Văn đi qua cầu mới Hoàng Long. Cầu - Vượng còn leo lên cả hang trên núi Ngọc, bên cạnh cầu Hàm Rồng.
Tuy đi theo hai hướng khác nhau, nhưng cuối cùng tất cả đều gặp nhau ở phía bờ Bắc cầu Hàm Rồng rồi cùng nhau ăn sáng chia tay tại đây. Đi thêm độ 10km nữa thì đoàn đến Đền Bà Triệu. Đầu tiên đoàn ghé thăm đền ngay trên núi Gai bên cạnh đường quốc lộ 1A, sau nghe Cầu giới thiệu phía bên kia đường trên đỉnh núi Tùng cách đó chừng 700m còn có Lăng Bà Triệu, đường lên hiểm trở rất thú vị, thế là Dũng - Cầu - Hiếu - Vượng quyết định lên thăm. Hồng và Phương nghỉ lại đợi ở quán nước phía ngoài.
Đúng như Cầu nói, đường lên Lăng vẫn hoang sơ như ba năm trước vợ chồng Cầu đã từng đi. Từ chân núi lên đỉnh núi toàn vách đá và cây cối um tùm, thỉnh thoảng mới thấy vài vạch sơn trắng trên vách đá chỉ hướng lên Lăng. Đến nơi, mấy chú cháu thắp nhang và chụp ảnh rất nhiều, lúc xuống còn nghịch ngợm leo cây trông như một bầy khỉ.
Đoàn ăn trưa tại quán Thắng Dung(60), gần ngã ba rẽ vào Phủ Trịnh. Ăn xong, vì quán nhỏ lại đông khách, không có chỗ nghỉ trưa nên cả đoàn quay ngược lại xin nằm nhờ trong hiên của một quán cà phê nhỏ cách đó hơn 100m. Mọi người lấy áo mưa trải ra rồi nằm lên xếp lớp như cá mòi, trông thật thê thảm.
Tối, đoàn ăn tối và nghỉ tại khách sạn Bỉm Sơn(61), do thị đoàn Bỉm Sơn bố trí. Ăn tối xong, mọi người rủ nhau đi ăn kem mừng sinh nhật Hiếu (vì hôm qua chưa đủ đô). Tiếc là đoàn không chuẩn bị được bánh gatô như hôm mừng sinh nhật Phương. Hôm nay chỉ đi 34km.
À, trước khi đi ăn tối, Dũng - Hiếu tranh thủ đi cắt tóc. Trên đường đi, thấy một cửa hàng điện tử có tên Dũng - Hiền, Dũng phải bảo Hiếu quay về khách sạn lấy máy chụp ảnh ra chụp ngay kẻo trời tối. Những cửa hàng có cái tên như Dũng hay Tiến Dũng thì không ít, nhưng không dễ gì tìm được tên Dũng - Hiền như thế này. Cũng cần nói thêm, Dũng để ý dọc đường chụp ảnh những cửa hàng cửa hiệu có tên trùng với tên của sáu thành viên trong đoàn làm kỷ niệm. Nhưng từ khi Dũng tham gia đoàn đến khi tới Hà Nội thì không thấy nơi nào có tên là Cầu cả. Tiếc thật !

29/08/2007
Trời mưa suốt đêm, bình thường Cầu là người đánh thức mọi người dậy nhưng hôm nay sau khi dậy thấy trời mưa nên Cầu… ngủ tiếp. Trong suốt quãng đường hơn bốn mươi ngày vừa qua, cho dù mưa cả ngày, mưa cả đêm, nhưng chưa lần nào mưa vào buổi sáng lúc 4 giờ như hôm nay cả, thật ngạc nhiên. Đôi khi đoàn cũng nói vui với nhau là ông trời phù hộ cho đoàn rất nhiều trong chuyến đi này. Giống như hôm ở Tây Nguyên, miền Trung mưa bão rất to nhưng ở đó chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, mưa nhỏ. Khi đoàn xuống đồng bằng ven biển thì thời tiết cũng đã bớt nóng, hết gió Lào, ngược lại mấy tỉnh Tây Nguyên lại bị lũ quét, sạt lở nhiều đoạn đường. Hôm đoàn vừa đi qua Quảng Bình hai ngày thì có một bạn sinh viên nhắn tin hỏi là mọi người có gặp nắng nóng không, ở đây mọi người vừa đi qua là lại nắng như đổ lửa… Quả thật là nếu không gặp may mắn như thế thì có lẽ mọi người vẫn chưa tới đây hôm nay.
Khoảng 5 giờ sáng, phóng viên Tuấn Anh báo Tuổi trẻ Thủ Đô phỏng vấn đoàn ngay tại khách sạn Bỉm Sơn trước khi đoàn lên đường. Anh phóng viên này chạy xe máy từ Hà Nội xuống đây từ đêm hôm qua, nhưng lúc đó đoàn đi nghỉ rồi nên không phỏng vấn được. Hơn 7 giờ, trời vẫn còn mưa nhẹ, đoàn mới xuất phát.
Đoàn ăn sáng tại quán 75 (km289+500m), ăn trưa tại quán cơm Giao Linh(62). Đầu giờ chiều, tại quán cơm, hai phóng viên báo Tuổi Trẻ thường trú tại Hà Nội cũng phóng xe máy đến đây gặp đoàn để lấy tin. Anh phóng viên sau đó còn đi bộ cùng đoàn một đoạn khoảng 5km. 15 giờ 30 đến Ninh Bình, đoàn giao lưu với đoàn thanh niên thành phố Ninh Bình. Tỉnh đoàn bố trí ăn ngủ tại Nhà khách Tràng An(63).
Thầy Hùng và thầy Thịnh cũng nghỉ ở đây hôm nay. Như vậy, đây là điểm cuối cùng trong kế hoạch hỗ trợ dọc đường của trường Đại học quốc tế thành phố Hồ Chí Minh cho hành trình xuyên Việt của sinh viên Lê Việt Hồng. Sáng mai các thầy tạm biệt đoàn và sẽ gặp lại đoàn tại đích đến là Hà Nội.
Hôm nay đoàn đi được 27km.

30/08/2007
Vừa qua khỏi thành phố Ninh Bình khoảng 6km là đến ngã ba rẽ vào đền vua Đinh, vua Lê của cố đô Hoa Lư. Dũng - Hiếu - Vượng - Cầu ghé vào cố đô Hoa Lư, Phương và Hồng còn đau chân nên đi thẳng đến Phủ Lý.
Đường vào cố đô khoảng hơn 5km, phong cảnh núi non hai bên đẹp tuyệt vời. Đầu tiên, nhóm vào chùa Thiên Tôn và leo lên đỉnh núi sau chùa. Đường hiểm trở, nhưng sau khi lên đến đỉnh thì cảm giác thú vị thật khó tả. Sau lưng chùa có một cái động nhỏ dẫn sâu xuống đất. Động cũng tên là Thiên Tôn, nghe nói cái vũng nước nhỏ ở cuối động thông ra sông Đáy, khi nước sông lên, vũng nước trong động cũng dâng cao theo.
Sau đó, nhóm tiếp tục vào tham quan đền thờ và lăng vua Đinh, vua Lê rồi mới quay ra ăn sáng. Cầu và Vượng vừa đi vừa chạy vì quãng đường rẽ vào cố đô không xa lắm. Lần đầu tiên mọi người được ăn tiết canh dê với khế chua và sung ngâm giấm. Ngon tuyệt, khác hẳn với tiết canh lợn hay tiết canh vịt. Tiếc là Hồng và Phương không vào nên không có cơ hội thưởng thức món này.
Buổi trưa, Dũng - Cầu - Hiếu - Vượng ăn trưa tại quán Thành Nam(64). Chiều, Cầu và Vượng vẫn tiếp tục chạy với hy vọng đuổi kịp Hồng - Phương. Bốn giờ chiều thì hai anh em đến nhà trọ Hoàng Hôn(65) cách thị xã Phủ Lý - tỉnh Hà Nam khoảng 3km, nơi Hồng và Phương đã tìm sẵn.
Hôm nay đoàn đi được khoảng 30km (không tính đoạn vào cố đô Hoa Lư).

31/08/2007
Do cung đường đến đích còn ngắn nên hôm nay mấy anh em đi ít, chỉ từ đầu thị xã Phủ Lý – tỉnh Hà Nam đến thị trấn Phú Xuyên - tỉnh Hà Tây. Hơn 5 giờ sáng cả đoàn xuất phát, rồi cùng nhau ăn sáng món bánh cuốn chả nướng.
Hôm trước đoàn đã bàn với nhau về Hà Nội ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9 phải ăn mặc đàng hoàng. Nhưng quần áo của mọi thành viên đã rất bẩn, nhiều dấu vết thời gian. Chú Dũng khuyên các em dấu vết thời gian càng tốt, như thế để mọi người thấy được sự vất vả, gian khổ trên suốt chặng đường dài, nhưng quan trọng là quần áo phải sạch sẽ thơm tho, đừng để người ta… không dám đứng gần. Vì vậy, hôm nay Dũng quyết định gom quần áo của cả đoàn mang về Hà Nội giặt trước, hẹn sẽ gặp nhau tối hôm sau, ngày mùng 1 tháng 9, ở Giáp Bát để đưa cho mọi người quần áo sạch.
Sau khi ăn sáng chia tay, Dũng một mình đạp liền hai chặng về Hà Nội, khoảng 10giờ sáng đã về đến Hà Nội. Năm anh em còn lại tiếp tục đi, gần 12 giờ trưa thì đến ngã ba Cầu Giẽ. Tìm mãi chẳng được nhà trọ, chính xác là có nhà trọ nhưng giá cao quá, mấy anh em không thuê được. Sau đó, trong lúc ăn trưa ở một quán không tên tại thị trấn Phú Xuyên, cô chủ quán biết chuyện bảo rằng nếu muốn thì tối nay cô giúp cho chỗ ngủ tại quán này. Mừng quá, năm anh em quyết định dừng lại ở đây luôn.
Buổi tối, nhà cô chủ quán ăn có khách, cô bảo mấy anh em hay là sang trại vịt của cô nghỉ tạm. Với chúng tôi thế cũng là quý rồi, ăn tối và tắm rửa xong, năm anh em thu xếp đồ đạc rồi di chuyển sang trại vịt cách đó chừng 400m. Có một đêm nghỉ ở trại vịt như thế này càng làm cho chuyến hành trình thêm chút thi vị.
Hôm nay chú Dũng đạp hơn 60km, nhóm đi bộ đi được 24km.

01/09/2007
Mặc dù hôm nay quãng đường cũng ngắn nhưng đoàn vẫn dậy xuất phát sớm. Năm giờ sáng khởi hành, năm giờ chiều cả nhóm đến Giáp Bát. Vậy là hành trình xuyên Việt cơ bản đã hoàn tất. Ngày mai chỉ còn khoảng 7-8km để đến quảng trường Ba Đình.
Báo Thanh Niên hôm nay có bài viết về anh Nguyễn Văn Hùng nhóm Nụ Cười, người đã dành hết khoảng thời gian còn lại của cuộc đời mình để giúp cho trẻ em lang thang, trẻ nghiện, trẻ nhiễm tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh Hùng là người anh, người bạn của Cầu. Hiện nay anh Hùng đang bị ung thư giai đoạn cuối. Qua bài báo, Cầu biết tình hình sức khỏe của anh rất xấu. Điện thoại cho anh thấy giọng anh thều thào, có vẻ yếu lắm nên Cầu cũng chẳng dám hỏi nhiều, sợ anh mệt. Không biết anh sẽ cầm cự được bao lâu. Sau đó, buổi chiều Cầu viết một bài để Hồng đưa lên trang web của đoàn để kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người. Cũng chỉ biết giúp anh Hùng thế thôi, hôm nào vào Sài Gòn, đoàn sẽ ghé thăm anh. Đây cũng là một trong hai sứ mệnh của Hành trình xuyên Việt này.
Chiều, Dũng mang quần áo sạch ra Giáp Bát cho mấy anh em trong đoàn. Tại đây, trường Đại học Quốc tế cũng có mang đến cho đoàn mỗi người một bộ quần áo mới và đề nghị đoàn mặc “đồng phục mới” này cho chặng cuối vào Quảng trường Ba Đình sáng hôm sau. Sau khi trao đổi, tất cả sáu thành viên trong đoàn đều thống nhất mặc quần áo cũ vì đây vừa là kỷ niệm, vừa có những dấu tích thời gian trên đó. Cầu và Hiếu sau đó còn chạy ngược lại Văn Điển để mua cờ, mua băng rôn chuẩn bị cho ngày mai.
À, còn một chuyện nữa. Tối nay, khi đoàn ở nhà nghỉ bên cạnh bến xe Giáp Bát, có một anh thanh niên tên Việt ghé qua thăm đoàn, lại còn tặng hoa và ủng hộ vào quỹ ung thư 100.000đ. Việt là một người em họ của Cầu, quê ở Bắc Ninh, hiện đang sống ngoài Hà Nội. Nghe Cầu kể, trước đây, năm 1991, mẹ của Việt mất trong một tai nạn giao thông. Có lẽ đây cũng là một lý do khiến Việt quan tâm đến hành trình này của đoàn. Việt biết đến đoàn qua internet chứ không phải qua Cầu. Hôm nay, sau 16 năm xa cách, hai anh em Cầu - Việt mới gặp nhau.

02/09/2007
Sáng nay đoàn dậy trễ, gần 5 giờ rưỡi. Mấy anh em chuẩn bị hành lý xong, xuống trả phòng rồi đi ăn sáng. 6 giờ 30 phút, Hồng - Cầu - Phương - Vượng - Hiếu bắt đầu lên đường. Đi được độ mười lăm phút thì gặp chú Dũng đón ở một ngã tư. Phóng viên VTV1 cũng bắt đầu ghi hình từ đây.
Về hình thức, cả sáu thành viên trong đoàn đều quần thể thao màu xanh, áo thun đồng phục màu trắng (áo do thầy Phương tặng), đầu đội mũ tai bèo (do chú Thắng ở Ngã ba Đồng Lộc tặng), trên mũ còn đeo băng rôn có chữ “Việt Nam – Chiến thắng”, tay ai cũng cầm một lá cờ nhỏ (riêng Dũng và Hiếu cắm cờ trên ghi đông xe đạp). Nói chung, trông “đội hình” cũng khá bảnh.
Khi đoàn đến trước cổng trường Đại học xây dựng Hà Nội thì đã thấy hàng trăm người đang đứng chờ đón đoàn ở đây. Họ là cán bộ và sinh viên của các trường thành viên trong Đại học quốc gia Hà Nội. Bắt tay nhau hỏi han và chụp ảnh một lúc rồi tất cả cùng đoàn chúng tôi đi bộ đến đích tại Quảng trường Ba Đình. Đoàn người đi bộ đông với cờ và băng rôn rợp trời, lại còn có xe của cảnh sát giao thông hộ tống nên đã thu hút được sự chú ý của người dân thủ đô.
Sau khi vòng qua phố Huế, rồi qua Bờ Hồ cuối cùng đoàn đến đích tại Quảng trường Ba Đình lúc 8 giờ rưỡi. Đoàn chúng tôi và tất cả các cán bộ - sinh viên trường Đại học quốc gia Hà Nội cùng làm lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại tượng đài Bắc Sơn. Sau đó, đoàn vào viếng Lăng Bác và tham quan khu lưu niệm Hồ Chủ Tịch.
10 giờ 15 phút, Dũng và Cầu đến ga Hàng Cỏ để Cầu mua vé tàu vào Sài Gòn. Cầu đã xa vợ con gần một tháng rưỡi rồi, lại còn việc học, việc làm nên không thể ở lại Hà Nội lâu được nữa. 3 giờ chiều mai Cầu sẽ lên tàu, vé trong ngày hôm nay không còn.
11 giờ, cả đoàn gặp nhau tại Văn phòng Trung ương Đoàn tại số 60 Bà Triệu để giao lưu và nhận Bằng khen đột xuất của Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam dành cho sinh viên Lê Việt Hồng, người có ý tưởng và đã hoàn thành chuyến Hành trình xuyên Việt vì mục đích xã hội tốt đẹp. Chị Phó bí thư Trung ương Đoàn Lê Phương Thanh tiếp chuyện với đoàn rất chân tình. Chị còn đại diện cho Trung ương Đoàn tặng 3.000.000đ ủng hộ vào quỹ giúp cho bệnh nhân ung thư. Dũng không tham gia hoạt động này vì sau những hoạt động trước đó trong buổi sáng đã mệt quá rồi, người hơi hâm hấp khó chịu, một phần có lẽ cũng là hậu quả của một thời gian dài vất vả trong suốt hành trình.
15 giờ 30, Hồng - Cầu - Phương - Hiếu - Vượng di chuyển sang trường quay S2 của Đài truyền hình Việt Nam để ghi hình theo lời mời của VTV1. Sau đó, mấy anh em quay về nhà Dũng ở khu tập thể Kim Liên dùng cơm tối tại đây. Bữa tối thân mật chỉ có sáu chú cháu anh em thành viên trong đoàn, và chỉ có thêm một người khác đó là phóng viên Ngô Ly Kha của báo Thanh Niên. Thực tình mà nói thì cũng nhờ hai bài viết đầu tiên của Ly Kha mà mọi người mới hội ngộ và cùng tham gia với Việt Hồng. Âu cũng là cái duyên.
Sau bữa tối, Cầu mượn xe máy của Dũng chạy về Từ Sơn - Bắc Ninh thăm gia đình bên nội, còn Hồng - Phương - Hiếu - Vượng thì đến Đại học quốc gia Hà Nội để tham gia giao lưu với sinh viên trong tối nay. Nghe nói, chương trình giao lưu cũng rất vui, trẻ trung.

HẬU HÀNH TRÌNH XUYÊN VIỆT
Phần này chúng tôi chỉ tóm tắt lại một vài hoạt động của đoàn sau hành trình, những công việc mà chúng tôi tự thấy có trách nhiệm phải thực hiện.

03/09/2007
Dũng - Hiếu - Phương - Vượng đến trường dành cho các bạn khuyết tật thăm Diệp và Quang, hai thành viên câu lạc bộ Ước Mơ Xanh thành phố Đà Nẵng được cử ra Hà Nội học về tin học.

10/09/2007
Cầu nhận được tin từ anh Ngô Đức Dũng, một người bạn của Cầu, hiện đang là nhân viên công ty Nec/Tokin Electronics Vietnam : sau khi Dũng vận động quyên góp, tập thể công ty Nec/Tokin hỗ trợ được 1.040.000đ cho quỹ ung thư, trong đó trích 500.000đ để giúp đỡ cho anh Nguyễn Văn Hùng.

14/09/2007
Ông Khalid Muhmood, một sinh viên học tiếng Việt mà Cầu đang dạy, giám đốc Trung tâm đào tạo Apollo (Apollo Education and Training Organisation), quyết định hỗ trợ cho quỹ ung thư 1.000.000đ.

16/09/2007
Cầu và Hiếu đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm anh Nguyễn văn Hùng và chuyển số tiền 500.000đ đến tận tay anh như nguyện vọng của các anh chị ở công ty Nec/Tokin.

18/09/2007
Cô Ngọc Bình, một đồng nghiệp của Cầu tại Trường Tiếng Việt Sài Gòn, cho biết cô đang vận động một số sinh viên Việt kiều sinh sống và học tại Mỹ để quyên góp tiền giúp cho anh Nguyễn Văn Hùng. Sau đó số tiền cô nhận được do các em chuyển về giúp anh Hùng khoảng hơn 100USD.

19/09/2007
Chị Kathleen, nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên học tiếng Việt của Cầu, giúp anh Nguyễn Văn Hùng 100.000đ. Sau đó, Cầu chuyển đến cho anh Hùng ngay.
Chị Hương (một Việt kiều đang sống ở Úc) và anh Hàn Ly Giang (một Việt kiều đang sống ở Hà Lan), biết đến hoạt động của đoàn qua internet, mỗi người quyết định giúp cho anh Nguyễn Văn Hùng 1.000.000đ. Sau khi Cầu nhận được số tiền do hai anh chị chuyển về Việt Nam theo địa chỉ của Cầu, Cầu đã mang sang nhà anh Hùng chuyển tận tay cho anh.

13/10/2007
Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh ung thư của anh Nguyễn Văn Hùng đã vào giai đoạn cuối và anh đã ra đi mãi mãi lúc 23 giờ 30 phút ngày 13/10/2007. Thật tiếc cho một con người đáng quý như anh.

(1) Nhà nghỉ Ngọc Ánh: đt 093.573.9849
(2) Nhà nghỉ Bảo Huy: đt 050.744.578.
(3) Cha Huệ: anh Hà Xân, đt nhà 050.574.642, thôn 12, xã Pơng Đrăng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk.
(4) Bác sĩ Lê Xuân Quang: đt 098.277.7540.
(5) Anh Thực, chị Hằng: 050.576.558 và 098.257.6558.
(6) Địa chỉ cây xăng: đội 8, thôn 5, xã Eale, huyện Chư Sê, Gia Lai.
(7) Nhà nghỉ Kim Cúc: 770 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, đt 059.885.590.
(8) Quán Nhỏ: 059.747.091.
(9) Nhà anh Hồ: 166 Tôn Đức Thắng, phường Yên Thế, Pleiku, Gia Lai.
(10) Nhà nghỉ Vương Phát: 71B, Phan Đình Phùng, Kontum, đt 060.866.465.
(11) Nhà hàng Chiến Dung: xã Đắkma, huyện Đắk Hà, Kontum, đt 060.822.210.
(12) Nhà nghỉ Vũ Hoàng: khối 5, thị trấn Đắktô, huyện Đắktô, Kontum, đt 060.831.406.
(13) Quán Phước: thôn 3, xã Tân Cảnh, huyện Đắktô, đt 060.932.088.
(14) Khách sạn Đông Dương: 95 Hùng Vương, thị trấn Ngọc Hồi, huyện Ngọc Hồi, Kontum, đt 060.832.206; 091.343.3439
(15) Quán Hòa Bình: 87 Hùng Vương, đt 060.832.907.
(16) Quán Nam Soan: Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, Kontum, đt 098.628.0327; 060.887.121.
(17) Quán cơm không tên: thôn Đắk Sút, xã Đắk Rrong, huyện Đắk Lây, Kontum, anh Hận 098.781.0405.
(18) Nhà nghỉ Thảo Nguyên: đt 060.834.145.
(19) Quán Xuân Nghĩa: đt 060.833.183
(20) Vũ Đại Dương: đt 097.717.9270.
(21) Tuấn phụ xe: 090.533.4832.
(22) Nhà trọ Năm Thiên: khối 2B, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, đt 0510.881.274.
(23) Quán Bình: thôn 9, Tân Hiệp, xã Phước Hiệp, Phước Sơn, Quảng Nam, đt 0510.881.933
(24) Nhà trọ Ba Hương: thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam, đt 0510.243.489 – 090.566.8605.
(25) quán Hoa Huệ: đt 0510.883.427
(26) Anh Mai giáo viên: thôn 3, Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, đt 0510.669.631 – 097.854.6090.
(27) Nhà khách Thăng Bình: thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
(28) Quán Lê Minh: 0510.886.872.
(29) Nhà Quân: 258/12 Ông Ích Khiêm, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
(30) Nơi ăn trưa: xã Lộc Kiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
(31) Chủ quán có con học giỏi: đt 098.530.9064.
(32) Quán Hiền: thị trấn Phú Bài, Thừa Thiên Huế, đt 054.862.200.
(33) Nhà nghỉ Hải Vân: Quốc lộ 1A, Hải Trường, Hải Lăng, Quảng Trị, đt 053.876.907.
(34) Quán Hương Tràm: 053.876.465.
(35) anh Nguyễn Đức Hiếu: 091.348.5015.
(36) Quán Út Đào: đường Chợ Huyện, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, đt 053.873.881.
(37) Quán Hoàng Thắng: tại Km717, Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.
(38) Quán Minh Vững: chợ Mai, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, đt 052.959.034.
(39) Nhà hàng Hồng Kính: chợ Chè, Lệ Thủy, Quảng Bình, đt 052.950.124.
(40) Khách sạn Lương Thực – Quảng Bình: 19 Lý Thường Kiệt, Đồng Hới, Quảng Bình, đt 052.822.350 – 823.856.
(41) Hotel Đá Nhảy (thuộc tổng cty Vinaconex quản lý): xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, đt 052.866.041.
(42) Quán Lan Anh: xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, đt 052.595.496.
(43) Hoành Sơn hotel: Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đt 039.869.009.
(44) Quán Thúy Hảo: 039.869.051.
(45) Cửa hàng thuốc Kỳ Anh: đt 039.865.644.
(46) Nhà hàng Mỹ Hạnh: thị trấn Kỳ Anh, đt 039.865.099.
(47) Nhà hàng Thế Kỷ: Km 512, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đt 039.867.682 – 098.987.8342.
(48) nhà hàng Sơn Quế: Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
(49) Nhà nghỉ Công Đoàn: 15 Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh, đt 039.856.996.
(50) Nhà hàng Hiếu Nguyên: 039.847.519.
(51) Khu di tích ngã 3 Đồng Lộc: xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Anh Nguyễn Văn Thắng: 091.302.8597.
(52) Nhà hàng Sông Lam: Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đt 098.283.4617.
(53) Khách sạn Phượng Hoàng: 199 Lê Duẩn, thành phố Vinh, Nghệ An, đt 038.384.8584 – 355.1803.
(54) Nhà hàng Nam Song Đức: Km437, xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An, đt 090.465.7765 – 038.791.205.
(55) Nhà khách 15B: khối2, thị trấn Diễn Châu, Nghệ An, đt 038.362.2313.
(56) Nhà hàng Đức Hương: Km376, Khoa Trường, Tùng Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đt 037.617.018.
(57) Bãi biển Hải Hòa, thị trấn Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
(58) Nhà nghỉ Cao Mai II: Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đt 037.861.998.
(59) Nhà khách 25B: 133 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa, đt 037.852.217 – 720.167.
(60) Quán Thắng Dung: 037.623.555.
(61) Khách sạn Bỉm Sơn: 53 Nguyễn Huệ, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, đt 037.770.250.
(62) Quán cơm Giao Linh: 030.610.627 – 091.203.1548.
(63) Nhà khách Tràng An: Đường Lê Hồng Phong, phường Vân Giang, Ninh Bình, đt 030.874.742 – 874.744.
(64) Quán Thành Nam: huyện Thanh Liêm, thị trấn Hà Nam, đt 0351.889.272.
(65) Nhà trọ Hoàng Hôn: 0351.882.112.
RANDOM_AVATAR
nguyenhuucau
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 6 18/01/08 17:11
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bạn đã bao giờ đi bộ xuyên Việt chưa?

Gửi bàigửi bởi thanh tung » Thứ 6 07/11/08 11:13

Cảm ơn bạn vì bài viết. Mình đã từng đi du lịch xuyên Việt, nhưng theo tour. Để mình thử một chuyến vác ba lô lang thang xem sao.
"Đường chân lý, này con đã chọn" (Tv.119,30)
RANDOM_AVATAR
thanh tung
 
Bài viết: 59
Ngày tham gia: Thứ 7 01/11/08 18:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: Bạn đã bao giờ đi bộ xuyên Việt chưa?

Gửi bàigửi bởi Dieu Hien » Thứ 3 09/12/08 9:17

Tôi rất thích bài viết cả bạn. Nó thật lí thú. Nói thật, tôi là dân du lịch, lại chuyên về ngành hướng dẫn, nên đi di lịch ở đâu là tôi rất thích. Chúng không những chỉ là những chuyến đi đơn giản mang ý nghĩa relax(giải trí) hoặc là vì công việc (như đối với một HDV) mà chúng cho chúng ta những trải nghiệm, kiến thức, sức khỏe và một văn hóa ứng xử giữa cộng đồng.
Một lần nữa cảm ơn bài viết của bạn. Chắc một ngày nào đấy (hi vọng không xa) tô sẽ có chuyến đi thích thú như bạn.
Diệu Hiền :D
RANDOM_AVATAR
Dieu Hien
 
Bài viết: 11
Ngày tham gia: Thứ 5 20/11/08 15:04
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Nhật ký các chuyến đi

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron