BỐN NGÀY TRÊN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

Nơi giới thiệu những sự kiện, những hình ảnh, những cảm nhận... về các chuyến đi của các thành viên Trung tâm và/hoặc Khoa Văn hóa học đến các địa phương trong nước và quốc tế...

BỐN NGÀY TRÊN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Chủ nhật 01/07/07 17:54

Đây là bài du kí ghi lại cảm xúc của chúng tôi khi có dịp đến thăm nước bạn Cam-pu-chia vào tháng 09 năm 2005. Mọi dữ kiện nên trong bài nếu có chỗ nào chưa chính xác, xin quý vị hãy góp ý thẳng thắn. Chúng tôi chân thành cảm ơn.
Võ Văn Thành

BỐN NGÀY TRÊN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

22/09/2005: CHÂU ĐỐC-PHNOMPENH:

8h00, chúng tôi xuống tàu Hàng Châu khởi hành đi Phnompenh. Từ sông Hâu, chạy một đoạn khá xa, tàu theo một nhánh sông nhỏ nối với sông Tiền, chúng tôi đến cửa khẩu Vĩnh Xương lúc 9h30. Xong thủ tục Visa, chúng tôi theo sông Tiền thẳng tiến đến Phnompenh. Dọc theo hai bên bờ sông, chúng tôi thấy nhân dân Cam pu chia cũng sinh hoạt bình thường như người dân Việt Nam. Mùa này hai bên bờ sông nước ngập lên cao, trông con sông thêm rộng ra, chúng tôi nhìn thấy nhiều nhà dân cất rất cao để chống lũ cũng giống như người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long.
2h00 chiều, chúng tôi đặt chân đến thủ đô Phnompenh, từ dưới con sông, chúng tôi nhìn lên thấy một tòa nhà rất lớn, hỏi ra mới biết đó là sòng bạc (casino) ở thủ đô Phnompenh.
Xe rước chúng tôi tại bến tàu đi thẳng đến nhà hàng để ăn trưa, vì đã quá bữa rồi. Nhà hàng của người Hoa, trang bị rất sặc sỡ. Ăn trưa xong, chúng tôi đi xem Cung Điện Hoàng Gia (Royal Palace), nơi vua Sihanuk và hoàng gia đang sinh sống.
Rất ấn tượng, lộng lẫy, hoành tráng. Bên trong có ngôi chùa vàng, chùa bạc rất danh tiếng, vì chùa trang trí bằng vàng ròng, bạc thỏi, mọi đồ vật bên trong đều được làm bằng vàng, bạc. Rất tiếc, chúng tôi không được chụp hình bên trong. Bên ngoài trời đổ mưa rất to, chúng tôi xem cũng không hứng thú gì mấy, vì phải đi dưới mưa, xem vội vàng, không hiểu đầu đuôi gì nhiều vì anh hướng dẫn là người Cam-pu-chia, nói tiếng Việt chưa sõi, lại không phải là chuyên nghiệp.
Chúng tôi xem qua ngôi chùa rất nổi tiếng là Wat Phnom, chùa được đắp rất cao so với đất nền trong khu vực.
Tham quan xong, chúng tôi đi xem một số khách sạn ở Phnompenh như Phnompenh Hotel (4 sao). Rất ấn tượng, tuy là 4 sao nhưng giá phòng đắt hơn một số khách sạn 5 sao ở TP. HCM. Nội thất rất đẹp. Chúng tôi gặp anh Mark Channvannak (cellphone: 012653534) là nhân viên phòng Sales Executive đưa đi thăm quan và giới thiệu các dịch vụ trong khách sạn.
Chúng tôi xem tiếp các khách sạn New York Hotel, International Holiday. Chúng tôi ở qua đêm ở khách sạn International Holiday 3 sao.
Tài xế và anh hướng dẫn đón chúng tôi ban chiều đưa chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng Tropicana, cũng do một người Hoa, nhưng rất sõi tiếng Việt làm chủ.
Chúng tôi đi lanh quanh đến 12 giờ đêm mới về khách sạn.
Uou, mệt quá.
Về tên nước Cam-pu-chia của người Khmer:
Trước tiên tôi xin dẫn lại tên gọi Cam-pu-chia do từ đâu mà có, theo quyển Đế Thiên, Đế Thích mà cụ Nguyễn Hiến Lê đã chép.
“Đầu kỷ nguyên, người Trung Hoa gọi xứ Cao Miên là Phù Nam (Fou Nan). Từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 7, xứ đó phát triển mạnh, giao thiệp cả với Ấn Độ và Trung Quốc. Giữa thế kỷ thứ VI có nội loạn, một vua chư hầu Kambuja chiếm hết bờ cõi, dựng đô ở gần Kompong Thom. Do tên Kambuja đó mà người Pháp gọi là Cambodge, ta gọi là Cao Miên.”
Quyển Angkor and the Khmer Civilization của M. Cole, tôi tra mãi chỉ thấy có mỗi một từ Kambuja, nhưng tác giả không nhắc gì tới tích như cụ Nguyễn Hiễn Lê đã viết. Tôi xin chép ra đây để bạn nào có tài liệu thì bổ khuyết thêm.

23/09/2005 PHNOMPENH-SIEM RIEP.

Hôm nay chúng tôi phải vận chuyển một đoạn đường khá dài từ Phnompenh đi Siemriep, khoảng hơn 300 cây số bằng tàu thủy cho nên chúng tôi phải dậy từ rất sớm.
6h30, chúng tôi đã ăn sáng xong và chờ xe đến đón đưa ra bến tàu vì 7h00 là tàu khởi hành rồi, nhưng khách kéo đến chầm chậm, khiến cho tàu khởi hành trễ mất nửa tiếng. Con tàu đưa chúng tôi đi là dạng tàu cánh ngầm như ở Bến Nghé. Trên tàu khá đông khách du lịch, hầu hết là người Tây Ban Nha, họ thích ngồi trên mui tàu, đằng trước mũi tàu cũng chật kín, họ chỉ chừa khoảng trống trước buồng lái để bác tài công quan sát, thỉnh thoảng họ đứng lên làm bác tài công phải ấn còi in ỏi vì bác ta bị che khuất tầm nhìn.
Điểm xuất phát là bến tàu ở trung tâm, nơi có 4 nhánh sông chụm lại rồi chia làm 4 hướng chính: 1 nhánh chính dẫn lên thượng nguồn sông Mekong, một nhánh dẫn lên hồ Tonle Sap, một nhánh là sông Bassac, một nhánh xuống sông Tiền, người Cam-pu-chia gọi là sông Tứ Mặt (Four Faced River). Tàu chúng tôi rẽ vào nhánh tả nhắm hướng Tây Bắc mà lên Biển Hồ Tonle Sap, nhánh sông này được gọi là sông Tonle Sap (đặt tên theo hồ Tonle Sap, một lối đặt tên nôm na nhưng rất phổ biến như hầu hết các nơi ở đồng bằng Sông Cửu Long, nơi có con sông Mekong chảy qua như sông Mỹ Tho, sông Cần Thơ, sông Châu Đốc…).
Người Việt Nam gọi hồ Tonle Sap là Biển Hồ, vì hồ rất lớn, con tàu chúng tôi chạy giữa Biển Hồ, nhắm Siemriep mà lao tới.
Trên tàu, tôi làm quen với anh Tes Viesna (nickname: Fin), một người Cam-pu-chia bản xứ là hướng dẫn tiếng Anh cho một nhóm khách du lịch. Anh Fin nói tiếng Anh rất tốt, và nói anh không có mùa ế khách. Theo anh Fin thì vào mùa khô, diện tích của hồ là 30x110 dặm Anh, còn vào mùa nước nổi này thì diện tích mặt hồ nhân lên gấp ba. Khủng khiếp chưa! Cũng theo anh Fin thì trung bình mỗi người dân Cam-pu-chia mỗi năm ăn khoảng 70kg cá. Cá hầu hết là do hồ Tonle Sap cung cấp.
Fin là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh ta xây dựng cho mình một website hẳn hoi và cứ hằng tháng lại cập nhật thêm thông tin mới về tình hình du lịch ở Cam-pu-chia. Các bạn nếu có dịp, hãy tham quan website của anh ta hoặc có thể trao đổi trực tiếp với anh ta qua địa chỉ:
http://www.khmerangkor.greatnow.com
email: 012825013@mobitel.com.kh
Hồ Tonle Sap đúng là rộng thật, có những chỗ tàu đi qua, chúng tôi không nhìn thấy bờ hồ, ta có cảm giác như đang đi trên biển thật. Nước hồ trong xanh nhạt, không xanh thẫm như nước biển. Cảm giác chúng tôi ngồi trên tàu thật khoan khoái. Hôm nay, thời tiết cũng rất đẹp, trời râm mát do đó hầu hết khách du lịch ngồi trên mui tàu hưởng thụ cái phong cảnh tuyệt đẹp, tuyệt thoáng của thiên nhiên, rất khác biệt với nơi ở của chúng ta hằng ngày là những không gian chật chội, ngột ngạt, nóng bức như bị giam trong bốn bức tường của nhà hộp ở những đô thị ồn ào, ô nhiễm.
Đôi nét về hồ Tonle Sap:
“Hồ Tonle Sap hay còn gọi là Biển Hồ, là hồ nước ngọt rộng lớn nhất ở Đông Nam Á. Vào mùa khô, Biển Hồ có diện tích khoảng 2.700km2 (khoảng 1050 dặm Anh), nhưng vào mùa mưa thì diện tích mặt hồ tăng lên gấp 4 lần, tức khoảng 10.360km2 (4.000 dặm Anh), và trông giống như một cái biển trong lục địa. Vào mùa mưa thì hồ có công năng trữ một lượng nước rất lớn từ sông Mekong chảy vào, còn vào mùa khô thì hồ như một cái đập nước lớn, bổ xung lượng nước cho sông Mêkông. Biển hồ có trữ lượng cá lớn nhất trên thế giới nếu tính trung bình một mét khối nước. Henri Mouhot, nhà thám hiểm người Pháp đã đến Biển hồ vào tháng Giêng năm 1860 và thốt lên rằng: “… cá ở đây dồi dào đến mức vào mùa nước nổi* chúng đâm sầm vào đáy thuyền liên tục, và chúng thường cản trở công việc chèo thuyền.
Công việc đánh bắt cá xung quanh bờ hồ này chủ yếu được người Việt Nam, người Chàm và dân bản xứ kiểm soát. Họ làm nhiều “ngôi làng nổi” (floating villages), nhà cất trên các cọc gỗ dài khoảng 15m trên hồ để thu hoạch cá.
Cá thu hoạch ăn không hết họ làm khô, làm mắm, đem bán cho Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Tôi còn nhớ, cách đây 13 năm, tôi và gia đình được ăn rất nhiều cá khô từ biển hồ Tonle Sap do các chú bộ đội bên Miên mang về.
Con tàu chúng tôi tiếp tục lướt băng băng trên mặt hồ, nhắm hướng Siemriep đi tới, thỉnh thoảng chúng tôi thấy một số thuyền đánh cá của dân địa phương khẽ chau trên mặt hồ. Mặt hồ phẳng lì, không chút sóng, nếu không có con tàu ồn ào của chúng tôi đi qua khuấy động thì ta có thể thấy được sự tĩnh lặng của mặt hồ. Người dân Cam-pu-chia nếu không có chiến tranh, nếu không có nạn diệt củng thì có lẽ là dân tộc được hưởng thụ rất nhiều từ thiên nhiên. Xem cách họ làm việc không lấy gì làm gấp gáp, thời gian thì cứ trôi đi đều đều nhưng họ dường như không chú ý gì đến nó. Có lẽ họ không có khái niệm thời gian, mà cũng chẳng quan tâm đến nó mà làm gì.2 Không như người Phương Tây, luôn chạy đua với thời gian, sống gấp gáp, vội vã, thực dụng, tìm cách hưởng thụ nhiều nhất vì sợ rằng thời gian làm cho mình già đi rồi không còn có thể hưởng thụ được nữa. Người phương Tây nói mình hưởng thụ được nhiều nhất nhưng thực ra tâm trạng, lối sống gấp gáp của họ theo tôi nghĩ thì chẳng hưởng thủ được gì nhiều bởi trong tim óc họ lúc nào cũng xuất hiện hai chữ hưởng thụ thì làm sao mà cảm nhận được cuộc sống một cách sâu sắc được. Đây có lẽ là nhận xét rất trực quan của chúng tôi nhưng đúng với tâm lý của người phương Tây. Tôi nghĩ, nếu có dịp quay lại, xin họ lên tàu đánh cá, ra giữa hồ vào ban đêm, nhắm ít rượu, tựa lưng vào boong tàu mà ngồi ngắm trăng sao, để cho tâm hồn tràng ngập ánh trăng, sao, để cho làn gió nhè nhẹ vuốt ve da thịt, rồi thỉnh thoảng nghe tiếng động của mái chèo khuấy nước, tiếng động của công việc đánh bắt cá thì quả thực không có cái thú nào bằng.
Gần một giờ chiều rồi mà trời vẫn mát, du khách vẫn ngồi trên mui tàu hưởng thụ thiên nhiên một cách khoan khoái, một số ngủ lúc nào không biết.
Siemriep mountain! Chợt anh thuyền viên người bản xứ thốt lên với chúng tôi. Chú ý lắm chúng tôi mới thấy xa xa đằng đường chân trời nhô lên một chấm xanh ngắt, khác hẳn màu xanh nhạt của nước hồ. Tàu vẫn tiếp tục lướt đi, núi Siemriep ngày càng lộ ra, chúng tôi lúc này cũng nhìn thấy đằng chân trời nhô lên một màu xanh xanh của cây cối ruộng vườn. Hơn 20 phút sau, tàu rẽ vào một con lạch nhỏ để vào bến đậu sát chân núi, xung quanh là cây tràm nước, cây đước chôn chân dưới nước, rải rác đây đó là những nhà sàn nho nhỏ của người dân cất trên sông.
Tàu cập bến lúc 2 giờ chiều, du khách lục tục kéo lên bờ, đảo mắt tìm người đón mình. Xung quanh, các anh chàng xe tuk tuk tíu tít chào mời khách đi xe về khách sạn. Tuk tuk, như xe lôi ở Việt Nam, nhưng dùng để chở khách đi chợ, tham quan đây đó, có phổ biến ở Siemriep. Tuk tuk rất tiện lợi, rẻ, có thể len lỏi khắp nơi. Một đặc điểm rất lạ là ở Cam-pu-chia không có xe taxi.
Chúng tôi gặp anh Navy, lái xe cũng đồng thời là hướng dẫn cho chúng tôi những ngày sắp tới, anh nói tiếng Việt khá tốt. Anh Seng Son, đại diện cho East meets West, một hãng lữ hành ra đón chúng tôi từ sớm.
Chúng tôi đi xe đến thẳng nhà hàng vì cũng đã quá bữa trưa. Ăn trưa xong, chúng tôi về khách sạn làm thủ tục nhận phòng, nghỉ ngơi đôi chút rồi hẹn 4h30 chiều sẽ cùng nhau leo lên núi (anh Navy có nói tên núi nhưng tôi quên mất và rốt cục cũng không đi đến đó) ngắm mặt trời lặn. Tiếc thay, một chị trong đoàn chúng tôi bị chứng khó thở rất dữ dội làm chúng tôi phải đưa đi cấp cứu gấp. Xe đưa chị đến bệnh viện Triều An Sài Gòn cấp cứu, một bệnh viện của người Việt ở Siemriep. May thay hầu hết bác sĩ và nhân viên bệnh viện đều là người Việt. Rất nhiệt tình chăm sóc, chị bình phục hoàn toàn và trở về khách sạn, vui vẻ bình thường, đi ăn tối bình thường. Chiều đó, nếu có đi, chúng tôi cũng không xem được cảnh mặt trời lặn ở Siemriep vì trời mua rất to, mây đen kịt.
Anh Seng Son tổ chức cho chúng tôi ăn fuffet tối ở nhà hàng Jasmine Angkor và xem các điệu múa của người Khmer, đặc biệt là vũ điệu Apsara, một vụ điệu xưa kia chỉ có vua chúa, hoàng gia mới được xem. Tôi chẳng hiểu gì lắm nhưng họ biểu diễn có vẻ rất chuyên nghiệp.
Trở về khách sạn Angkor Star, thế là chúng tôi qua một đêm thứ hai ở đất nước chùa tháp.
Một ấn tượng của tôi khi bước chân vào các khách sạn ở Cam-pu-chia là trang trí gỗ rất bắt mắt, nghệ thuật ở đại sảnh, phòng ăn, cửa, bàn, ghế, tủ trong phòng, toàn là gỗ, gỗ tốt rất nặng. Tuy bàn, ghế ngồi trong khách sạn chúng tôi ở không cẩn xà cừ, hay sơn mài như ở Việt Nam nhưng rất tốt. Tôi rất thích chúng, nếu có duyên may được sở hữu chúng thì thú vô cùng.
24/09/2005: KHÁM PHÁ ANGKOR:

Cam-pu-chia! Một đất nước huy hoàng trong quá khứ, với những phế tích còn lại như Angkor Wat (Đế Thiên), Angkor Thom (Đế Thích), thật đáng cho nhân loại ngưỡng mộ. Rất ấn tượng, rất hoành tráng, đúng là kỳ quan của nhân loại. Cách đây hơn tám thế kỷ mà cha ông của người Khmer mà hiện nay hầu hết rất nghèo khổ, thiếu thốn về vật chất, vừa thoát khỏi nạn diện chủng kinh hoàng đã xây dựng những công trình rất hoành tráng, tầm cỡ như vậy đã làm kinh ngạc không biết bao nhiêu là du khách đến chiêm ngưỡng, làm tốn không biết bao nhiêu là giấy mực, phim ảnh của nhân loại. Thật đáng để chúng ta chiêm ngưỡng, khâm phục sức sáng tạo tuyệt vời của một dân tộc mà hiện nay thuộc lớp nghèo nàn nhất của thế giới.
Đây là “công trình của những người khổng lồ”3 Henri Mouhot đã thốt lên như vậy khi ông khám phá ra nó năm 1860. Đúng như vậy, những ai đến chiêm ngưỡng tận mắt mới thấy cái vĩ đại, tuyệt vời của một thành phố ở trong rừng này. Một thành phố đã bị bỏ quên hơn 800 năm.
Xe đậu trước cổng chính, cổng vào từ phía Nam của khu đền Bayon, trước mắt chúng tôi, một công trình rất hoành tráng lồ lộ ra trước mắt chúng tôi, đúng là “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Bước vào cửa Nam của Angkor Thom. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng trận chiến triền miên giữa một bên là các loài trời (devas) và ác quỷ (asuras). Họ giữ chặt con rắn thần Naga bảy đầu. Các bức tượng của các loài trời và ác quỷ ở đây tiếc thay, hầu hết đã bị mất đầu. Đó là cảnh tượng đau lòng phổ biến nhất ở các đền đài Khmer. Phần đầu là phần được các nghệ nhân chạm trổ công phu nhất, tinh xảo nhất cho nên chúng ta không lạ gì khi người ta không lấy cái gì khác ngoài cái đầu, vì nếu lấy cả thân tượng được thì càng tốt nhưng lại quá nặng, cho nên những tên “trộm” thường cắt lấy đầu các tượng cho gọn. Chúng tôi được anh Navy, hướng dẫn của chúng tôi, cha mẹ anh bị Pôn-pốt giết chết, một người bản xứ được đi học ở Học Viện Hải Quân Việt Nam, giải thích là trong thời kỳ Khơ-me-đỏ thống trị Cam-pu-chia, họ đã cắt hầu hết đầu các tượng đem bán, một kg đầu tượng tương đương một kg vàng ròng.
Khu đền Bayon được vua Jayavarman VII xây dựng liên tục trong 30 năm. 30 một công trình tầm cỡ như vậy, đúng là công trình của những người khổng lồ như Henri Mouhot đã nói. Ắt hẳn là vua Jayavarman VII là một con người phi thường lắm mới chỉ huy được toàn dân Khmer lúc bấy giờ làm công việc của những người khổng lồ. Mặt khác, thần dân Cam-pu-chia lúc bấy giờ sùng tín vua Jayavarman VII lắm mới cống hiến đến mức như vậy. Có thể nói là toàn thể sức sáng tạo của người Khmer tập trung cho một khu đền Bayon này. Một vị vua, trước kia từng là một vị hoàng tử bị lưu đày (voluntary exiled prince), rồi trở lại lãnh đạo nhân dân Khmer đánh quân Chăm xâm lược. Khu đền Bayon còn lưu nhiều vết tích của vị vua này, tượng nhà vua được tạc ở đây rất lớn. Nhà vua được xem là hiện thân của Phật Avalokistehvara (Phật Quan Âm) đã cứu độ dân Khmer thoát khỏi kiếp nô lệ người Chàm. Trên tường đền Bayon còn để lại nhiều phù điêu kể lại việc vua Jayavarman VII đánh quân Chàm. Một trận thủy chiến trên hồ Tonle Sap khiến cho quân Chàm đại bại.
Cả một dân tộc, đúng hơn là cả một đế quốc (empire) lao vào làm nghệ thuật đến nỗi kiệt sức, kiệt quệ vì làm công việc nghệ thuật của người khổng lồ (the work of giants), không một chút mảy may phòng bị, không chỉnh đốn quân đội, luyện tập binh mã cho nên về sau họ bị đại bại dưới sức tấn công mạnh mẽ của người Thái và người Miến Điện, đặc biệt là người Thái. Người Thái đã đốt phá tan hoang hoàng cung của họ không biết bao nhiêu lần, lấy đi không biết bao nhiêu là của báu, khiến cho người Khmer về sau quyết định dời đô xuống khu vực Phnompenh hiện nay để tránh xa người Thái, người Miến hiếu chiến. Tôi nghĩ, người Khmer đúng là một dân tộc yêu hòa bình thực thụ, chỉ chú tâm vào làm nghệ thuật và rất thích làm nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật. Đọc sử, chúng ta thường thấy các dân tộc yêu chuộng hòa bình thường chịu nhiều đau khổ do chiến tranh mạng lại. Đây dường như là một nghịch lý nhưng rất phổ biến. Cuối cùng, kẻ thù có tàn bạo, hung hăng đến mấy rồi cũng qua đi, nhưng những công trình của người Khmer vẫn còn đứng sừng sững đó khoe hương sắc với thời gian.
Buổi chiều, chúng tôi thăm khu đền Angkor Wat. Nếu theo trình tự thời gian thì chúng tôi đi thăm Angkor Wat trước, nhưng vì theo lời khuyên của anh Navy là nếu chúng ta xem Angkor Wat vào buổi sáng thì sẽ bị ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào mặt nên xem không được hướng thú lắm, còn xem Angkor Wat vào buổi chiều thì xuôi ánh nắng, trông vào nó hoành tráng hơn.
Chúng tôi ăn trưa ngay trước cửa đường vào khu đền Angkor Wat. Một khu nhà hàng mọc lên trước cửa vào đền Angkor để đáp ứng nhu cầu của thực khách, chúng tôi cũng vào đó.
Đúng là bán cho khách du lịch, mọi thứ ở đây đều đắt, giá tính bằng đô-la. Bia Angkor là thứ chúng tôi ưa thích từ mấy hôm nay, chất lượng của nó có lẽ ngang hoặc hơn bia chai Sài Gòn đỏ chứ không ít, nồng độ khá nặng, chai cũng lớn hơn chai Sài Gòn xanh nhiều.
Khu đền Angkor Wat (Đế Thích) được xây trước khu đền Angkor Thom ít lâu. Nhìn tổng thể mà nói, nó cùng khá nguyên vẹn hơn là khu đền Angkor Thom mà khi chúng tôi đặt chân vào trông rất thảm bởi những khối đá đã từng là tường, trụ, tác phẩm nghệ thuật đã đổ nát, hoang tàn.
Trước đền Angkor Wat có một hồ nước khá rộng, dân Khmer cho đó là hồ nước thiêng (holy pond), trẻ con họ cũng hay tắm ở đây, dưới hồ có một số bông súng dại mọc, khá còi. Ánh chiều chiếu vào khu đền Angkor Wat thật tuyệt, chúng tôi đứng trước ao nước thiêng đó, chụp một pô ảnh lưu niệm, khu đền Angkor Wat phản chiếu dưới mặt hồ trông rất đẹp. Công việc miêu tả đền Angkor này đã có nhiều học giả làm rồi, chúng tôi không thể viết tốt hơn nên xin được miễn bàn đến ở đây. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được vẻ đẹp hùng tráng, kỳ vĩ của nó khi trực tiếp đứng chiêm ngưỡng trước nó.

25/09/2005: SIEM RIEP – TP. HCM

Sáng, chúng tôi dành thời gian cho đi chợ, để các thành viên trong đoàn có thể mua sắm quà lưu niệm cho người thân, gia đình. Theo lời anh Navy, chúng tôi đi chợ Nhân Dân, sở dĩ gọi là chợ Nhân dân vì chợ này chủ yếu phục vụ cho nhân dân trong vùng, chợ thuộc loại rẻ, bán đủ thứ hành hóa cho nhân dân Cam-pu-chia.
Hàng hóa ở đây làm chúng tôi ngạc nhiên vì hầu hết được sản xuất từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là quần áo may sẵn, hàng điện tử, điện thoại di động, hàng mỹ phẩm: toàn là hàng ngoại nhập. Không thấy cái nào được sản xuất ở Cam-pu-chia cả. Chúng tôi tìm mua một vài áo thun có in hình Angkor Wat, Angkor Thom, Đền Bayon để làm quà lưu niệm thì thấy toàn là sản xuất ở Thái Lan (Made in Thailand). Chúng tôi có cảm tưởng là ngành sản xuất hàng dân dụng của nước bạn không sản xuất được gì nhiều, thậm chí là những mặt hàng thông dụng nhất. Do chiến tranh tàn phá đất nước chăng? Do tình hình an ninh bất ổn chăng? Hay là nhiều lý do gì khác nữa khiến cho ngành sản xuất hàng hóa dân dụng của Cam-pu-chia không phát triển được.
Cam-pu-chia gia nhập vào WTO (World Trade Organization) đã mấy năm rồi, trong khi Việt Nam còn chưa đặt chân vào. Đô la Mỹ thống trị thị trường Cam-pu-chia. Tiền tệ của họ là đồng Ria, với tỉ giá hiện thời, một đồng Ria ăn 4 đồng Việt. Một USD đổi được 4.000 Ria. Người dân Cam-pu-chia có vẻ thích đồng đô la hơn, tôi thấy chủ sạp nào cũng có ít nhiều tiền đô trong túi, trong hộc tủ. Hầu hết giá trị các mặt hàng đều được định giá bằng đô la Mỹ. Mặt hàng này 1USD, cái kia 0,5USD, áo thun có hình Angkor 2USD. Hộp quẹt gas 5cái/1USD. Tôi thấy, so với ở Việt Nam thì hàng hóa thông dụng ở Cam-pu-chia hình như đắt hơn. Mít sấy Vinamit của Delta Food cũng hiện diện ở đây nhưng đắt hơn ở Việt Nam vài ngàn đồng. Cũng có thể xem vài ngàn đắt hơn đó là phí vận chuyển và nếu chúng ta có một xí nghiệp sản xuất Delta Food tương tự ở Phnompenh hay Siemriep thì lãi to. $
Mua sắm xong, chúng tôi lên xe về lại Ks Angkor Star, nghỉ ngơi đôi chút rồi làm thủ tục rời khách sạn.
Chúng tôi đi xem một số khách sạn để sau này có điều kiện sẽ đưa khách lưu trú như Prince D’Angkor 4 sao, Raffles 5 sao.
Prince D’Angkor mới xây, còn mới nguyên mùi vôi, gỗ. Họ trang trí thật tuyệt vời, toàn bằng gỗ tốt, thật bắt mắt. Quản lý khách sạn này là người Nhật, chủ đầu tư cũng là người Nhật.
Raffles thì cổ kính hơn nhiều, giá phòng rất đắt, đắt hơn khách sạn 5 sao ở TP. HCM nhiều lắm.
Anh Navy lái xe đưa chúng tôi ra sân bay và có cả anh Seng Son nữa. Cả hai anh chiêu đãi chúng tôi buổi pic-nic chia tay ở ngoài trời. Địa điểm là bên một bờ hồ. Xe chạy quá khỏi sân bay Siem Riep, rẻ vào một con đường ngoằn ngèo, đắp đất và đó cũng chính là bờ đập khá lớn. Nhờ con đập này mà hồ chứa được nhiều nước để tưới tiêu cho một vùng rộng ruộng lúa vào mùa khô. Anh Navy có giới thiệu, nhưng lúc đó chúng tôi không chú ý nên bây giờ ngồi viết lại không biết đó là hồ gì, hình như là hồ Barai Tây thì phải?5
Xe chở chúng tôi chạy tiếp một đoạn khá dài đường đê đắp đã lâu, chỗ lồi chỗ lõm, xe khá dằn xóc. Xe dừng lại một hàng quán bên đường, anh Navy và Seng Son mua cá lóc, cá rô, cá mè và bảo họ nướng rồi thêm một số đồ lặt vặt, rượu, bia và nước thì xách theo từ trước. Chúng tôi tranh thủ xuống xe xem một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đê và mua thêm một số quà lưu niệm nho nhỏ. Tôi định mua thêm vài cái áo thun có in hình Angkor để tặng bạn bè nhưng cả đoàn đã kéo nhau lên xe, nên tôi không mua được.
Chạy thêm một đoạn ngắn đường đê nữa, xe dừng lại, chúng tôi thấy dưới chân bờ hồ có khá đông người Miên đi tắm hồ. Họ tắm rất hồn nhiên, cười nói, nô đùa thoải mái. Bên bờ là các hàng quán che tạm bợ để phục vụ khách tắm hồ giống như những quán cóc ven đường ở Việt Nam. Họ bán gà nướng, cá nướng, xoài, ổi, thơm vv…Một dãy nhà tạm cất day ra hồ làm nơi nghỉ cho khách tắm hồ. Chúng tôi xách đồ ăn pic-nic xuống chân bờ hồ và anh Navy tìm một gian có trải chiếu, khá sạch rồi quây quần lại ăn pic-nic. Các gian này cho khách thuê, tôi không biết là bao nhiêu, tôi thấy anh Navy nói gì với họ đó.
Cảnh ở đây thật vui mắt: người già, người trẻ, trai có, gái có, con nít, tất cả kéo nhau ra tắm hồ. Tôi hỏi họ từ đây lại, anh Navy trả lời là họ từ thị trấn Siem Riep ra, gần đây cũng có; chúng tôi thấy có vài chiếc xe hơi, còn lại là xe gắn máy, xe đạp để bừa bãi bên bờ hồ, đúng là “ngổn ngang gò đống kéo lên” tắm hồ.
Họ ngụp lặn, tắm gội gần bờ rồi dùng xà rông quấn lại, thay đồ ướt rất tự nhiên nhưng cũng rất kín đáo. Thay xong, họ phơi quần áo ướt, xà rông ướt ra bãi cỏ ngay cạnh đó. Họ thật hồn nhiên.
Khi chúng tôi đến, họ hơi tò mò một chút, rồi cũng thôi, mặc chúng tôi làm gì thì làm, họ không chú ý nữa, lại tiếp tục vui chơi, tắm gội dưới hồ.
Ăn xong pic-nic, chúng tôi vội vã lên xe đi ra phi trường Siem Riep, vì chúng tôi phải có mặt tại phi trường 2 giờ đồng hồ trước lúc máy bay cất cánh để làm thủ tục. Chúng tôi phải trả mỗi người 25USD phí phi trường, khá đắt đối với chúng tôi, nhưng đây là con đường nhanh nhất về lại TP. HCM, nếu không thì phải ở lại Cam-pu-chia thêm một ngày nữa để về lại nếu đi bằng đường bộ hoặc 2 ngày bằng đường thủy.
Đến sân bay, chúng tôi quyến luyến chia tay hai anh Navy và Seng Son, và hẹn các anh dịp khác sẽ quay trở lại. Tôi còn tiếc là chỉ xem thủ đô Phnompenh chỉ có một buổi chiều. Tôi rất muốn ở lại Siem Riep thêm đôi ba ngày nữa để đi xem phế tích cho kỹ, tôi thấy có một mối giao cảm với các đền đài ở đây.
Tạm biệt đất nước bạn Cam-pu-chia, tạm biệt đất nước chùa tháp. Tôi nhất định sẽ trở lại trong một ngày gần đây.

CHÚ THÍCH:

* Chúng ta chú ý rằng ông Henri Mouhot nói về cá ở đây vào tháng Giêng, tức là khi hồ Tonle Sap còn ở mực nước cao. Tôi đoan chắc rằng khi mực nước thấp vào mùa khô thì cá tập trung lại càng nhiều hơn thế nữa. Rất tiếc, chúng tôi không có số liệu cụ thể vào thời điểm đó có bao nhiêu kg cá trong một mét khối nước.
1 Angkor and the Khmer Civilization, trang 25.
2 Cụ Nguyễn Hiến Lê viết trong cuốn Đế Thiên, Đế Thích cũng có cảm tưởng như vậy. Nhân nói về guồng quay nước, cụ nói về tính cách rất đặc trưng của người Cam-pu-chia như sau: “Nó có vẻ… Đế Thiên, Đế Thích”, trang 18.
Ở một đoạn khác, cụ chứng kiến họ gọt khuôn đất để đúc những phiến xi măng xây tháp mà viết: “Miếng đất… vĩ đại đến chừng bực nào”. Đế Thiên, Đế Thích, trang 27.
3 "The work of giants”. Angkor and the Khmer Civilization, trang 11.
4 Xem thêm mô tả hồ Barai Tây trong quyển Đế Thiên, Đế Thích của cụ Nguyễn Hiến Lê, trang 30. NXB Văn Hóa Thông Tin 1995


Viết xong 01/10/2005.
Đánh máy 26/12/2005.
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Nhật ký các chuyến đi

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến16 khách

cron